Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 03:24:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương 1941-1945  (Đọc 169896 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #90 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2009, 11:53:12 pm »

Doorman cũng không đuổi theo, ông đưa hạm đội của mình chạy song song với bờ biển để tiêu diệt các hải vận hạm Nhật. Lúc 9 giờ 25 tối, ở cuối đoàn tàu phát ra một tiếng nổ dữ dội: chiếc Jupiter ngập trong lửa và chìm dần. Doorman cho rằng chiếc khu trục hạm ấy bị tàu ngầm Nhật tiêu diệt. Thật ra, nó đã vấp phải thủy lôi của Hà Lan rải ở đây từ trước.
Gần 11 giờ đêm, qua kính ngắm đặc biệt của chiếc Nachi phó đô đốc Takagi nhìn thấy đoàn tàu địch và quyết định đuổi theo. Chiếc De Ruyter cũng phát hiện được hai tuần dương hạm Nhật nhưng lại cho rằng chúng ở phía trước mình. Doorman hạ lệnh bắn, và cả 4 tuần dương hạm Đồng minh đồng loạt nhả đạn làm sáng rực bầu trời đêm. Không ai biết rằng 2 chiếc Nachi và Haguro đã lặng lẽ tiến đến gần phía sau họ. Lúc 11 giờ 20, còn cách tàu địch chỉ 9000 m Takagi ra lệnh phóng ngư lôi. Bất ngờ bị giáng đòn khủng khiếp, kì hạm De Ruyter nổ tan tành trong đêm tối. Tư lệnh hạm đội Doorman và 366 thuyền viên cùng chết theo tàu. Tiếp theo đó, tuần dương hạm Java cũng nổ tung và chìm tại chỗ. Hạm trưởng tuần dương hạm Perth tạm nắm quyền chỉ huy hạm đội đã đưa cả đoàn chạy về cảng.
Trận hải chiến trên biển Java kết thúc, Đồng minh mất 5 chiến hạm cùng với tư lệnh hạm đội và một chiến hạm khác bị thương mà không gây thiệt hại cho quân Nhật. Giờ đây, hai gọng kìm quân Nhật tự do đổ bộ lên đảo Java mà không gặp một sự kháng cự nào đáng kể.
Ngay sau trận đánh, các chiến hạm còn lại của Đồng minh đã được lệnh rời bỏ Indonesia chạy về Úc. Nhung hải quân Nhật đã chặn giữ cả hai đầu của đảo Java. Bởi thế, chỉ có 4 khu trục hạm Mĩ là chạy thoát, tất cả số còn lại đều bị hải quân và không quân Nhật đánh chìm.
Đêm 28-2 rạng ngày 1-3 bắt đầu cuộc di tản của bộ máy chính quyền Hà Lan và Bộ tư lệnh Đồng minh. Trước lúc mặt trời mọc, phó đô đốc Helfrich lên một chiếc thủy phi cơ đậu trên một hồ nước gần thành phố Bandung và bay về Ceylan. Từ hai phía Đông và Tây, lục quân Nhật ùn ùn tiến về Batavia (tức Jakarta ngày nay) và Bandung, thủ phủ của chính quyền thực dân Hà Lan tại Indonesia.
Nhận thấy không thể tiến hành chiến tranh du kích chống Nhật được vì nhân dân địa phương không ủng hộ, ngày 9-3-1942 Bộ tư lệnh quân đội Hà Lan tại Indonesia ra lệnh cho các lực lượng của mình hạ vũ khí đầu hàng.
Nhật Bản đã chiếm Indonesia với những tổn thất không đáng kể.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #91 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2009, 11:53:31 pm »

KHUẤT PHỤC THÁI LAN, XÂM LĂNG MIẾN ĐIỆN

*Thái Lan bị khuất phục

Ở khu vục Đông Nam Á, Vương quốc Thái Lan là nước duy nhất giữ được nền độc lập nhờ việc thi hành cải cách theo phương Tây cùng việc thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo, mở cửa với các cường quốc Âu - Mĩ. Từ cuối thế kỉ XIX, Thái Lan đã trở thành nước đệm" giữa thế lực thực dân Anh ở phía Tây (với các thuộc địa Miến Điện, Mã Lai...) với thực dân Pháp ở phía Đông (xứ Đông Dương thuộc Pháp).
Mùa thu năm 1940, khi Nhật Bản kéo quân vào Đông Dương, chính phủ Thái lại hoạch định chính sách của mình sao cho phù hợp với Nhật. Theo sự xúi giục của đế quốc Mặt trời, Thái đã gây xung đột vũ trang với Pháp tại Đông Dương, đưa quân đánh chiếm 4 tỉnh Nam Lào và Tây Campuchia (10-1940).
Khi quân Nhật đổ bộ lên chính lãnh thổ nước mình tại Smgora và Pattani trong ngày 8-12-1941, quân Thái hầu như không kháng cự. Sử dụng các căn cứ đầu cầu này, quân đoàn 15 Nhật từ Đông Dương đã ồ ạt kéo vào Thái Lan. Ngày 11-12, Thái dã kí với Nhật một hiệp ước ương trợ về quân sự và trở thành chư hầu của Nhật.
Ngày 21-1-1942 chính phủ Thái Lan tuyên chiến với Anh - Mĩ.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #92 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:36:11 am »

* Khởi sự tấn công Miến Điện

Chính quân đoàn 15 trú đóng tại Thái Lan có nhiệm vụ tấn công Miến Điện. Dưới quyền chỉ huy của trung tướng Iida, quân đoàn gồm 2 sư đoàn (sư đoàn 33 và sư đoàn 55) và một số đơn vị phối thuộc, có tổng quân số 35.440 người. Một lữ đoàn không quân với một trăm máy bay chiến đấu sẽ yểm trợ cho các hoạt động của lục quân.
Để chống lại lực lượng trên, bộ tư lệnh Anh ở Miến Điện do trung tướng Hutton đúng đầu chỉ có trong tay 2 tiểu đoàn bộ binh Anh, 2 lữ đoàn bộ binh ân Độ, 1 đại đội công binh và 10 tiểu đoàn hiến binh bản xứ. Chỉ có các sắc tộc thiểu số ở đây (người Karen, ngươi Shin, người Kachin...) mới được tuyển mộ vào quân đội, vì người Anh không tin người Miến. Lực lượng đó sẽ tập hợp thành Sư đoàn 1 Miến Điện, được sự yểm trợ của 16 máy bay Buffalo cũ kĩ và 21 chiếc P.40 do Mĩ đưa từ Trung Quốc sang với sự chấp thuận của Tưởng Giới Thạch.
Người Anh vẫn tin rằng chỉ cần bị chặn lại ở Singapore thì quân Nhật không thể nào xâm lăng Miến Điện được. Do đó, họ không chú trọng nhiều đến việc phòng thủ xứ này. Nhưng người Nhật lại quyết định không phải từ ngả Singapore mà là từ Thái Lan đánh vào sau lưng Miến Điện. Vì vậy, quân Anh bị bất ngờ về chiến lược.
Ngày 16-12-1941, Nhật đánh chiếm Victoria Point, căn cứ không quân trọng yếu của Anh ở cực Nam Miến Điện để mở rộng tầm hoạt động của không quân trên lãnh thổ Miến và hạn chế khả năng hoạt động của không quân địch.
Trong hai ngày 23 và 25-12, hàng trăm lượt chiếc máy bay của không quân Nhật đã oanh tạc dữ dội Rangoon, thủ phủ đồng thời là thành phố lớn nhất Miến Điện, giết chết gần 3000 người, gây nên sự kinh hoàng trong dân chúng địa phương. Nhưng lục lượng phòng không và không quân Anh đã bắn hạ được 31 máy bay Nhật (về phía họ bị mất 12 chiếc).
Nhận thấy chiến tranh đã bắt đầu, bộ tổng tư lệnh Anh tăng cường lực lượng cho Miến Điện. Sư đoàn 17 Ấn Độ được điều gấp sang; thêm 30 máy bay Humcane cũng được gửi qua Miến Điện. Tướng Hutton bắt đầu cho xây đắp con đường nối liền Tamu (ấn Độ) với Kalewa (Miến Điện) thông với "con đường Miến Điện" để phòng khi Rangoon thất thủ thì việc lưu thông với Ấn Độ và Trung Quốc vẫn được bảo đảm.
Chủ động hơn, ông cho không quân đánh phá các căn cứ Nhật trên đất Thái. Một cuộc oanh tạc của không quân Anh - Mĩ vào sân bay Bangkok đã phá hủy 58 máy bay Nhật (phía Đồng minh mất 12 chiếc).
Do tình hình trên, Bộ tư lệnh Nhật hiểu rằng muốn giành thắng lợi thì phải tăng cường lực lượng hơn nữa. Sau khi chiếm được Manila, họ đã điều phần lớn không quân từ chiến trường Philippines sang Miến Điện để tăng gấp đôi số máy bay chiến đấu ở đây. Xe tăng và nhiều loại khí tài cũng được gửi thêm cho quân đoàn 15. Khi việc chuẩn bị hoàn tất, cuộc tấn công chính thức bắt đầu.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #93 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:39:27 am »

* Đánh chiếm Nam Miến, tiến vào Rangoon

Ngày 15-1-1942, từ eo đất Kra thuộc lãnh thổ Thái Lan, một cánh thuộc quân đoàn 15 Nhật kéo vào vùng cực nam Miến Điện và tiến lên phía Bắc, lần lượt đánh chiếm các thị trấn Mergui, Tavoy, Ve và chuẩn bị đánh vào Moulmain, một thành phố cảng bên cửa sông Salween và là căn cứ không quân quan trọng của Anh.
Ngày 20-1, quân thủ lục Nhật ở trung bộ Thái Lan chính thức mở cuộc tấn công từ phía Đông, cũng nhằm đánh chiếm Moulmain. Thế là từ hai cánh Đông và Nam, quân đoàn 15 Nhật đã hợp vây thành phố, lúc đó do sư đoàn 17 ấn Độ của tướng Smyth trấn giữ. Một trận đánh ác liệt kéo dài 1 tuần lễ đã diễn ra ở đây; sau cùng Moulmain đã lọt vào tay Nhật (31-1).
Chiếm được Moulmain, quân Nhật giờ đây trục tiếp đe dọa Rangoon, chỉ cách đó 200 km theo đường chim bay. Từ các sân bay ở Victona Point, Mergui và Moulmain, máy bay Nhật không ngớt oanh tạc Rangoon. Không lục Hoàng gia Anh (RAF) đối phó rất kém hiệu quả, vì các trạm quan sát trên mặt đất của họ đã bị hủy diệt hầu hết.
Đầu tháng 2, Bộ tư lệnh Anh tại Miến Điện nhận được những lực lượng viện binh quan trọng. Hai sư đoàn Trung Hoa đã tiến vào Bắc Miến để bảo vệ "Con đường Miến Điện" mà Mĩ vẫn sử dụng để tiếp tế cho Trung Quốc. Tiếp đó, Lữ đoàn Cơ giới tinh nhuệ từ Anh quốc đã được đưa sang. Nhưng Nhật Bản vẫn đẩy mạnh cuộc tấn công.
Ngày 9-2, quân Nhật vượt sông Salween và đẩy sư đoàn 17 ấn Độ lùi về những vị trí phòng thủ yếu kém bên bờ sông Bilin. Thiếu tướng sư đoàn trưởng Smyth điện gấp về Bộ tư lệnh rằng quân của ông có nguy cơ bị đánh tạt sườn và bị bao vây chia cắt. Ông đề nghị được triệt thoái qua sông Sittang để bảo toàn lực lượng. nhưng lúc đó đại tướng Archibald Wavell, tổng tư lệnh quân Anh ở Ấn Độ (bao gồm cả Miến Điện) và trung tướng Hutton (tư lệnh chiến trường Miến Điện) cùng sợ rằng một cuộc triệt thoái quá nhanh giống như ở Mã Lai sẽ làm cho Rangoon lâm nguy hệt như Singapore. Do đó, họ yêu cầu Smyth kéo dài thời gian kháng cự.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #94 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:39:54 am »

Ngày 21-1, quân Nhật bao vây nhiều đơn vị của sư đoàn 17 và đe dọa chiếm cầu qua sông Sittang. Không còn đường nào khác rạng sáng ngày 23 tháng Smyth hạ lệnh rút qua sông. Nhưng một nửa sư đoàn đã phải chiến đấu quyết liệt trong vòng vây bị thiệt hại nặng để mở đường máu rút lui. Nhiều đơn vị phải bỏ lại hết vũ khí quân trang để thoát thân.
Sau cuộc triệt thoái của sư đoàn 17, tướng Smyth nhận thấy rằng không thể giữ Rangoon được nữa, vì thành phố có thể bị tấn công cùng lúc từ mặt đất, trên không và trên biển. Ông không đưa Lữ đoàn thiết giáp 7 và các lực lượng viện binh khác ra giữ Rangoon mà điều họ về phía Bắc để chuẩn bị kháng cự tại đây Trong khi đó, thủ tướng Churchill ở Luân Đôn và tướng Wavell tại tổng hành dinh ở Ấn Độ vẫn tin rằng, với các lực lượng tăng viện, quân Nhật sẽ bị chặn đứng và bị tổn thất nặng ngay trước Rangoon. Bởi thế, ngày 5-3, tướng Hutton bị cách chức và tướng Alexander được cử thay ông làm tư lệnh chiến trường Miến Điện.
Alexander lập tức mở một cuộc phản công ở gần Prome. Nhưng cuộc phản công nhanh chóng bị địch bẻ gãy với những tổn thất nặng nề. Do đó, ông nhận ra rằng quan điểm của Hutton là đúng. Ngày 7-3 ông hạ lệnh rút khỏi Rangoon sau khi đã phá hủy hết các trang thiết bị của thành phố, không để cho địch sử dụng. Trong khi các phi đội không quân ở đây bay về miền Trung Miến Điện, 3 chiếc tàu thủy lớn chở các quan chức và gia đình họ di tản về Ấn Độ và các lực lượng bộ binh Anh-Ấn lần lượt triệt thoái trọn vẹn về phía Bắc.
Giữa trưa ngày 8-3, sư đoàn 33 thuộc quân đoàn 15 Nhật Bản vào thành phố Rangoon điêu tàn và hoang vắng.
Dù không tiêu diệt được chủ lực địch, việc quân Nhật chiếm được Rangoon vẫn là một chiến thắng lớn của họ. Chiếm được thủ phủ Miến Điện, họ đồng thời giành được những căn cứ hải lục không quân lớn nhất của Anh ở đây, bịt được cửa khẩu lớn nhất mà phía Đồng minh vẫn dùng để nhận các phương tiện chiến tranh tiếp viện cho chiến trường Trung Quốc và Miến Điện.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #95 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:40:29 am »

* Chiến sự tại miền Trung

Vào giữa tháng Ba, Nhật Bản đã giành thắng lợi trên hầu hết các chiến trường ở Đông Nam á. Nhờ đó, họ có thể tăng viện dồi dào cho chiến trường Miến Điện. Về lục quân, bên cạnh quân đoàn 15 với 2 sư đoàn nòng cốt tham chiến từ đầu, thêm sư đoàn 18 và sư đoàn 56 cùng 2 trung đoàn xe tăng được đưa về đây. Về không quân, số máy bay tham chiến lại tăng gấp đôi: từ 200 lên 400 chiếc.
Với sức mạnh đã tăng gấp hai lần đó, quân Nhật bắt đầu tiến đánh miền Trung Miến Điện.
Khi ấy, ở phía bên kia, tướng Alexander chỉ có 2 sư đoàn (sư đoàn 1 Miến Điện và sư đoàn 17 Ấn Độ), lữ đoàn cơ giới 7 và một số đơn vị nhỏ. Tất cả lực tượng đó hợp thành Quân đoàn Miến Điện (Burcorps) mà ông giao cho Tướng Wiliam. J.Slim làm tư lệnh. Bên cạnh đó, số quân Trung Hoa tham chiến tại đây đã lên tới 2 quân đoàn (quân đoàn 5 và quân đoàn 6; mỗi quân đoàn Trung Hoa tương đương 1 sư đoàn Anh - Ấn) do tướng Mĩ Joseph Stilwell, lúc đó là trưởng đoàn cố vấn quân sự Mĩ kiêm tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Hoa, chỉ huy. Không quân Đồng Minh ở đây đã suy yếu sau khi mất một loạt căn cứ ở phía Nam, trong khi các sân bay còn lại thường xuyên bị Nhật oanh tạc gây thiệt hại nặng. Vì thế, họ bị không quân Nhật trấn áp hoàn toàn, và ngày 22-3 đã phải chuyển phần lớn máy bay về Ấn Độ.
Chiến cuộc miền Trung được quân Nhật mở đầu vào ngày 26-3 bằng cuộc tấn công thành phố Toungoo do quân Trung Hoa trấn giữ. Để chi viện cho quân bạn, sư đoàn 17 Ấn Độ tiến về phía Nam nhằm chiếm thị trấn Okpo. Quân Nhật đuổi theo họ, chiếm thị trấn Shwedaung và Um cách bao vây sư đoàn 17. Một trận đánh ác liệt diễn ra làm sư đoàn này mất 300 người và 10 xe tăng, nhung họ vẫn thoát khỏi vòng vây và đến được Okpo. Tuy nhiên, quân Nhật dã đánh bật quân Trung Hoa ra khỏi Toungoo và chiếm thành phố này ngày 30. Thừa thắng, họ đẩy quân Anh ra khỏi Prome 2 ngày sau đó.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #96 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:41:17 am »

Quân Đồng Minh giờ đây bị cắt khỏi phần lớn các nguồn tiếp tế, bị không quân Nhật oanh tạc dữ dội nên đã lâm vào tình thế hết sức khó khăn. Song tướng Slim vẫn cố sức giữ vững những vùng còn lại, không cho địch chiếm khu vục mỏ dầu Yenangyanung và ngăn chúng tiến về vùng thượng du Bắc Miến, nơi có "Con đường Miến Điện" sẽ nối liền Trung Quốc qua Miến Điện sang Ấn Độ bằng những đoạn đường mới đã được khởi công. Từ ngày 12-4, ông đã tạo lập một phòng tuyến chắn ngang miền Trung Miến Điện, chạy dài từ Minhla phía Tây, qua Pyinmana ở định giữa đến Loikaw phía Đông.
Cuộc tấn công tháng Tư của tướng Iida đã mở đầu bằng hai gọng kìm. Phía Tây, quân Nhật nhanh chóng vòng qua Minhla tiến về Yenangyaung. Phía Đông, một cánh quân khác vượt qua vùng cao nguyên Shan nhằm đánh chiếm Lashio để cắt đứt liên lạc của Đồng Minh với Trung Hoa. Ngày 15 quân Nhật tiến vào Yenangyaung và các giếng dầu của vùng này đã bị tàn phá trong một biển lửa ngút trời. Sư đoàn 1 Miến Điện phòng thủ ở đây đã bị địch vây chặt. Sau những trận đánh ác hệt, sư đoàn thoát khỏi vòng vây nhung mất nhiều vũ khí trang bị. Nhân lúc quân Nhật tập trung bao vây sư đoàn 1 Miến Điện, sư đoàn 38 quân Trung Hoa đã giành lại được Yenangyaung sau một trận kịch chiến. Phía Đông, quân Nhật cũng bị chặn cách Lashio khá xa.
Đồng Minh đã thành công trong việc ngăn chặn quân Nhật ở cả hai cánh. Do đó, tướng Stilwell dự định dùng các lực lượng của mình mở cuộc phản công ngay chính diện mặt trận, nhằm tiêu diệt một phần quân địch tại vùng đồi Karell.
Ông không ngờ rằng chính tại nơi đây, tướng Nhật Iida đã tập trung một lực lượng mạnh hơn hẳn đối phương, và đã ra lệnh tấn công ngay khi Stilwell chưa kịp hành động. Quân Nhật đánh thẳng vào nơi tiếp giáp giữa quân Trung Hoa và quân Anh. Họ đẩy lùi quân Anh, cô lập quân Trung Hoa khiến hai bên không thể cứu ứng được nhau. Các đơn vị của tướng Stilwell đang chuẩn bị phản công, nay tháo chạy tan tác trước kẻ địch đang tiến nhanh như gió. Quân Nhật lần lượt chiếm Mauchi, Namhpe, Loikaw, Hopong và Loilem (23-4).
Mặt trận của Đồng Minh bị phá vỡ ngay chính giữa, làm rung động khắp chiến trường. Ngày 21-4 sư đoàn 38 Trung Hoa phải vội vã rút khỏi Yenangyaung mà họ vừa giành được trước đó mấy ngày.
Nhận thấy các lực lượng Đồng Minh có nguy cơ bị bao vây và tiêu diệt tướng Alexander quyết định không tiếp tục kháng cự tại Miến Điện nữa mà rút về Ấn Độ để bảo toàn lực lượng.
Ngày 26-4, ông ra lệnh cho tất cả các lục lượng dưới quyền mình, bằng 3 đường khác nhau rút về Kalewa, một thành phố bên bờ sông Chindwin, gần biên giới và là cửa ngõ thông sang Ấn Độ.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #97 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:42:04 am »

* Hoàn tất cuộc xâm lăng Miến Điện

Cuộc lui binh của Đồng Minh thật chẳng dễ dàng, vì trước mặt và sau lưng họ đều có quân địch. Ngày 29-4 Nhật chiếm được Lashio, cắt đứt con đường chính rút về nước của quân Trung Hoa. Trong tình hình đó, quân Đồng Minh đã buộc phải tiến hành nhiều trận phản kích quyết liệt để thoát khỏi vòng vây. Lữ đoàn Thiết giáp số 7 đã đảm đương xuất sắc vai trò lá chắn và xung kích của mình cho đến khi bị tiêu diệt vào ngày 30-4. Ngày hôm đó, quân Nhật tiến vào Mandalay, thành phố lớn thứ hai và là cố đô Miến Điện. Từ đây, 2 sư đoàn Nhật dàn dọc bờ sông Irrawaddy và đóng giữ thị trấn Ava, nơi có cầu và bến vượt sông chủ yếu để ngăn chặn địch. Tối hôm đó, trung đoàn 215 Nhật lại chiếm được Monywa, chặn con đường thông sang Ấn Độ.
Nhưng Quân đoàn Miến Điện nhanh hơn, đã thoát khỏi vòng vây nhờ sự hy sinh của Lữ đoàn Thiết giáp số 7. Đoàn quân nhằm hướng Tây Bắc, băng qua vùng rừng núi Chindwin tiến về phía Kalewa. Tới một thung lũng gần thị trấn Shwegyin, nơi có cầu và bến vượt sông Childwin, họ bị đội tiền phong quân Nhật đuổi kịp. Đội hậu vệ của quân đoàn đã buộc phải cố thủ tại đây để chặn địch. Trong khi đó, đại quân ráng sức vượt nhanh; vừa để thoát khỏi quân Nhật, vừa để tránh gặp những trận mưa đầu mùa khủng khiếp của vùng này sắp trút xuống, gây ách tắc giao thông và nhiều tai họa khác cho đoàn quân bại trận.
Tướng Stilwell dẫn đầu những gì còn lại của quân đoàn 5 Trung Hoa thẳng tiến về phía Bắc để trở về Trung Quốc. Nhưng quân Nhật đã chiếm thành phố địa đầu phía Bắc của Miến Điện là Myitkyina vào ngày 8-5, bịt kín cửa ngõ cuối cùng thông sang Trung Hoa. Không còn cách nào hơn, ông đưa quân ngoặt về hướng Tây, băng qua vùng rùng núi Chindwin để sang Ấn Độ. Một số đơn vị Trung Hoa khác đã về được nước mình bằng những con đường bí hiểm vòng qua Myitkyina.
Ngày 10-5, đội hậu vệ của quân đoàn Miến Điện, bị thiệt hại nhiều sau những trận đánh cầm chân dịch, đã rút khỏi Shwegyin. Họ vượt sông Chindwin ở gần Kalewa. Ngày 14, quân Nhật chiếm thành phố này, nhung họ đã kịp rời khỏi đó trước mấy giờ.
Ngày 16-5, những người lính Anh cuối cùng thuộc đội hậu vệ của quân đoàn Miến Điện vượt biên giới tiến vào Tamu, thị trấn địa đầu của bang Assan thuộc ấn Độ, và tìm về với đơn vị cũ đã đến đây một tuần trước.
Thế là nước Anh đã mất Miến Điện sau gần 5 tháng giao tranh. Khoảng 13.000 binh lính và sĩ quan Đồng Minh đã bị giết, bị thương hoặc bị bắt làm tù binh trên chiến trường này; nhưng hơn 60.000 người đã được cứu thoát sau một cuộc hành quân đầy hiểm nguy dài hơn 1.600 km.
Để hoàn tất việc xâm lăng Miến Điện, quân đội Nhật tổn thất khoảng 4.500 người trong tổng số hơn 70.000 quân tham chiến.
Lúc bấy giờ Nhật Bản chưa có kế hoạch xâm lăng Ấn Độ; thêm vào đó là mùa mưa tới đã ngăn cản mọi hoạt động quân sự, nên việc truy kích quân Đồng Minh trên đất ấn Độ đã không đặt ra.
Thế là cuộc xâm lăng Miến Điện đã hoàn tất và kết thúc vào trung tuần tháng 5-1942.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #98 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:42:52 am »

PHÒNG THỦ TỪ XA VÀ CON ĐÊ AN TOÀN

Chỉ trong vòng 4-5 tháng, Nhật Bản đã chiếm trọn vùng Đông Nam Á và các quần đảo quan trọng ở Tây Thái Bình Dương. Thế là mục tiêu chiến lược chủ yếu của Nhật trong cuộc chiến tranh này đã thực hiện xong.
Giờ đây, Tokyo phải chọn lựa con đường phát triển tiếp theo, còn Đồng minh cũng phải vạch chiến lược mới để đối phó.

* Tokyo : Tranh cãi giữa lục quân và hải quân

Thắng lợi dễ dàng và liên tục ở Thái Bình Dương đáng lí ra phải đem lại sự đoàn kết nhất trí cao ở Bộ tư lệnh tối cao của Nhật. Trái lại, nó tạo ra tiền đề cho những cuộc tranh chấp lớn trong giới lãnh đạo chiến tranh ở Tokyo.
Theo ý kiến của nhiều chính khách Nhật Bản, sau khi chiếm trọn Đông Nam Á thì Nhật Bản có điều kiện tốt để mưu tìm hòa bình trên thế mạnh vào mùa hè 1942, hơn hẳn các điều kiện hòa bình do phe Anh Mĩ đưa ra vào năm 1941.
Tuy nhiên, mọi việc giờ đây đều do phát quân nhân quyết định. Mà lục quân và hải quân lại có hai quan điểm chiến lược khác nhau.
Bộ tổng tham mưu lục quân do nguyên soái Gen Sugiyama đứng đầu cho rằng: sau khi quét sạch quân lính khỏi Đông Nam Á, cần phải củng cố vững chắc tất cả các lãnh thổ đã chiếm được ở đây cũng như ở Trung Quốc và các nơi khác. Từ đó, có thể gây thêm một số áp lực khác làm cho phía địch phải đưa ra những đề nghị hòa bình. Nếu Anh - Mĩ tiếp tục chiến tranh, họ phải đem quân rời xa các căn cứ của mình và chấp nhận giao chiến gần Nhật Bản hoặc tại nhũng nơi mà Nhật Bản đã củng cố vững chắc. Do điều kiện thuận lợi của các chiến trường này hoàn toàn thuộc về phía mình, quân đội Nhật sẽ giáng cho địch những đòn quyết định, buộc chúng phải đầu hàng.
Ngược lại, giới lãnh đạo hải quân mà đô đốc tổng tham mưu trưởng Osami Nagumo đại diện lại khẳng định: mọi thành quả vừa đạt được sẽ không thể giữ lâu bền nếu quân Nhật tự giới hạn mình trong nhiệm vụ phòng thủ. Cần phải liên tục tấn công để giữ cho kẻ địch luôn luôn ở thế phòng thủ. Kinh nghiệm chiến đấu trong thời gian qua tho thấy hải quân Nhật hoàn toàn có khả năng chiến thắng địch ở những vùng xa xôi. Từ đầu chiến tranh đến khi chiếm xong vùng Đông Nam Á, hải quân Nhật chỉ mất một số lượng tàu chiến tổng cộng 25.000 tấn trọng tải, trong đó thiệt hại lớn nhất chỉ là 4 khu trục hạm. Trong tình hình đó, hoàn toàn có thể tiến hành các chiến dịch đánh chiếm Úc, Ấn Độ, Hawaii hoặc các căn cứ quan trọng khác ở Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương. Đó sẽ là vành đai phòng thủ từ xa của Nhật Bản.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #99 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:43:16 am »

Ngày 11-3-1942, thủ tướng Nhật Tojo phát biểu trên đài phát thanh Tokyo: Nước Úc phải ý thức rằng mình không đủ khả năng chống lại sức mạnh vô địch của quân lực hoàng gia Nhật, vì dân số ít ỏi và sự xa cách với Hoa Kỳ và Anh quốc".
Ngày hôm sau, ông ta tuyên bố trước Quốc hội Nhật: "Úc và New Zealand giờ đây nằm trong tầm tay của quân lực hoàng gia Nhật. Nếu họ không thay đổi chính sách đối ngoại thì sẽ phải chịu chung số phận với quần đảo Indonesia".
Những lời lẽ đó có vẻ phản ánh quan điểm của hải quân, nhưng thật ra cũng chỉ là một sự cảnh cáo chung chung, vì cuộc tranh cãi giữa lục quân và hải quân vẫn còn chưa ngã ngũ.
Ngay cả vấn đề có tấn công Úc hay không cũng chưa có sự nhất trí ngay trong các giới chức hải quân. Đã có nhiều kế hoạch khác nhau được đưa ra về mục tiêu chủ yếu của chiến dịch tấn công sắp tới. Đô đốc Takasumi Oka muốn đánh bại hải quân địch bằng cách hất chúng ra khỏi những căn cứ then chốt mà địch có thể sử dụng để phản công bằng các lực lượng ở Úc và quần đảo Hawaii. Chuẩn đô đốc Sadotoshi Tomioka dưa ra kế hoạch tiến vào Ấn Độ Dương, đến tận vịnh Ba Tư để bắt tay với các lực lượng của Hitler. Ngày 25-3, đô đốc Isoroku Yamamoto đưa ra kế hoạch tấn công chiếm Midway, một đảo thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ ở chính giữa Thái Bình Dương, cách Trân Châu Cảng 1.300 dặm về phía Tây Bắc; đồng thời đánh chiếm quần đảo Aleutian ở phía bắc Thái Bình Dương băng giá. Ông cho rằng đây là cách tốt nhất để phòng ngừa một cuộc tấn công bất ngờ của hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ vào chính quốc Nhật Bản. Mặc dù Yamamoto vẫn là quan chức có uy tín lớn nhất trong hải quân, kế hoạch của ông cũng ít được tán thành trong Bộ tổng tham mưu. Người ta có vẻ ngả theo phương án đánh chiếm 3 quần đảo ở phía Đông Bắc Úc là Samoa, Fiji và New Caledonia; bởi vì đây là cách cắt đứt liên lạc giữa Úc với Hoa Kỳ bằng một giá thấp nhất.
Trong khi nhũng cuộc tranh luận về phương hướng chiến lược và mục tiêu chủ yếu vẫn còn tiếp diễn, Bộ tư lệnh tối cao Nhật quyết định đưa một lực lượng hải quân tầm cỡ trung bình vào Ấn Độ Dương để tiêu diệt hạm đội Anh ở đây và hỗ trợ cho lục quân giành thắng lợi cuối cùng tại Miến Điện.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM