Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 01:51:18 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương 1941-1945  (Đọc 169892 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #220 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:43:57 am »

CHIẾN CUỘC CUỐI CÙNG Ở TRUNG HOA

* Những cuộc tấn công cuối cùng của Nhật

Đầu năm 1945, do những thất bại dồn dập trên chiến trường Thái Bình Dương và ở Miến Điện, Bộ Tổng tư lệnh Nhật nhận thấy phải củng cố vững chắc lại những nơi mà họ còn đứng vững trên lục địa châu Á. Do đó, họ tiếp tục tấn công trên chiến trường Trung Hoa, phát huy những thành quả đã đạt được trong chiến dịch "Ichi - Go".
Tháng 1-1945, quân Nhật mở cuộc tấn công mạnh từ Quảng Châu tiến lên phía Bắc và từ Trường Sa tiến xuống phía Nam để kiếm soát toàn bộ đường xe lửa từ Quảng Châu qua Trường sa đi Vũ Hán. Đến cuối tháng, hai cánh quân tiến từ hai đầu đã giao tiếp với nhau. Toàn bộ tuyến đường sắt trên đã được khai thông và giữ vững.
Từ tháng 2-1945, 3 sư đoàn Nhật tập trung tấn công những căn cứ không quân của Hoa Kỳ còn lại ở Hoa Nam. Họ đã đánh chiếm toàn bộ các căn cứ không quân Mỹ ở Giang Tây. Sân bay Lao Jo Kow bên bờ sông Hupe cũng bị đánh phá. Tháng 4-1945 quân Nhật tấn công rất mạnh vào sân bay Chi Kiang trong tỉnh Hồ Nam. Các cuộc tấn công trên đã làm thiệt hại nặng liên quân Hoa - Mĩ, đẩy không quân Hoa Kỳ lùi sâu vào lục địa Trung Hoa, phía Vân Nam và Tứ Xuyên.
Bên cạnh đó, quân Nhật củng cố thật vững chắc các căn cứ quân sự của họ tại các hải cảng dọc theo miền duyên hải Nam Trung Hoa, mạnh nhất là Hạ Môn (Amoy), Sa Đầu (Swatow), Phúc Châu (Fou Tcheou) ...
Đến tháng 4-1945, tình hình quân Nhật trên chiến trường Trung Hoa là rất lạc quan. 450.000 quân giữ vững mọi trận địa ở Nam Trung Hoa. Con đường trên bộ từ Singapore qua Mã Lai, Thái Lan, Đông Dương, xuyên qua Trung Hoa đến Triều Tiên hoàn toàn thông suốt, trong đó chỉ trừ 350km từ Lạng Sơn đến Liễu Châu phải dùng  ôtô, tất cả tuyến đường đều có thể sử dụng xe lửa (1). Con đường này lại càng an toàn khi các căn cứ không quân Mĩ đã lùi xa.
Với tình hình như vậy, Bộ Tổng tư lệnh Nhật hi vọng tiếp tục vận chuyển mọi thứ nguyên vật liệu lấy được của Indonesia và các xứ Đông Nam Á khác về Nhật Bản và nhờ đó tiếp tục kháng cự mạnh mẽ chống Đồng minh.
Nhưng những biến cố đột ngột diễn ra vào tháng 4 đã làm đảo lộn thế chiến lược của Nhật ở Đông Á.

(1) Việc Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương ngày 9-3-1945 cũng không ngoài mục đích củng cố vững chắc trận địa của họ ở đây, trong đó có yêu cầu bảo đảm cho con đường này.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #221 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:44:20 am »

* Quân Nhật rút khỏi Nam Trung Hoa

Việc Hoa Kỳ đánh thẳng vào Okinawa là lãnh thổ Nhật Bản cùng với thắng lợi của Đồng minh ở Miến Điện và việc chính phủ Liên Xô bãi bỏ hiệp ước trung lập Xô-Nhật vào ngày 13-4-1945 đã làm rung động chính trường Tokyo. Nội các Suzuki thay thế nội các Koiso đã duyệt xét lại toàn bộ quan điểm đối với chiến tranh. Theo đó, Bộ Tổng tư lệnh lục quân Nhật quyết định bố trí lại binh lực trên đất liền châu Á. Họ quyết định triệt thoái hầu hết binh lực ở Nam Trung Hoa về phía Bắc Trường Giang, thiết lập tại Bắc Trung Hoa một phòng tuyến kiên cố để chống chọi với Đồng minh. Tại Nam Trung Hoa, quân Nhật chỉ để lại các căn cứ vững mạnh ven biển là Quảng Châu, Hạ Môn và Sa Đầu, các con đường Quảng Châu - Hồng Kông và Liễu Châu - Hải Nam, bỏ lại tất cả đất đai khác để rút về phía Bắc. Thế là số quân còn lại ở Đông Dương, Miến Điện, Mã Lai, Indonesia, Thái Lan và các đảo ở Tây Nam Thái Bình Dương đã bị bỏ rơi, phó mặc cho số phận của họ.
Quân Nhật rút đến đâu, quân Trung Hoa Quốc dân Đảng tiến đến đấy để thu hồi các đất đai đã mất. Ngày 18-5, quân Nhật rút về phía Đông con đường Vũ Hán đi Quảng Châu. Cùng ngày hôm đó, quân Trung Hoa chiếm lại hải cảng Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến. Ngày 20-5 quân Nhật rút lui và quân Trung Hoa chiếm lại Hochich. Ngày 26, thành phố Nam Ninh trên con đường Lạng Sơn đi Liễu Châu cũng trở về tay quân đội Quốc dân Đảng. Ngày 6-6 quân Trung Hoa chiếm lại thị trấn Kweiping trên sông Yu ở Tây Bắc Nam Ninh. Ngày hôm đó quân Nhật cũng bị đuổi khỏi Long Châu là thành phố cách biên giới Đông Dương khoảng 40km. Đến 10-6 con đường hành lang của Nhật ở tỉnh Quảng Tây lọt vào tay liên quân Hoa - Mĩ. Ngày 25-6 quân Trung Hoa chiếm lại Quế Lâm và ngày 30-6 đến lượt Liễu Châu. Quân Nhật cũng rút khỏi vùng bờ biển vịnh Bắc Bộ từ Móng Cái của Việt Nam đến bán đảo Lôi Châu nhưng vẫn giữ vững Quảng Châu Loan để bảo vệ đảo Hải Nam khỏi rơi vào tay Đồng minh.
Trong suốt tháng 7, quân Nhật rút khỏi Sa Đầu và toàn tỉnh Phúc Kiến. Tiếp đó họ rút khỏi Giang Tây và Chiết Giang. Cho đến ngày 8-8, tại Nam Trung Quốc, quân Nhật chỉ còn đóng giữ bán đảo Lôi Châu với Quảng Châu Loan và đảo Hải Nam. Họ cũng còn đóng ở phía Nam vịnh Hàng Châu, cảng Hạ Môn và con đường nối hèn Sa Đầu với Ma Cao (Áo Môn). Số quân rút khỏi Quế Lâm đang rút về Hoành Dương theo đường xe lửa Quảng Tây đi Hồ Nam. Số quân rút khỏi Ôn Châu (Outtheou) cũng rút về Hoành Dương theo sông Tây Giang và quân từ Yfeng rút về Nam Xương (Nanchang) theo sông Kang.
Hầu hết Hoa Nam đã sạch bóng quân Nhật. Trong khi đó ở miền Bắc Trung Quốc kể từ sông Trường Giang trở lên, mọi trận địa của quân Nhật vẫn vững vàng và còn được củng cố thêm.
Ngày 8-8, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và sáng hôm sau quân đội Xô Viết bắt đầu chiến dịch đánh đạo quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu. Đúng lúc đó, Đệ Bát Lộ quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc được lệnh mở cuộc tấn công vào các thành phố Thừa Đúc mà Trương Gia Khẩu, 2 căn cứ thuộc cụm quân Tuy Viễn của Nhật mà quân đội Liên Xô phối hợp với kị binh Mông Cổ đang tiến đánh. Đó là giai đoạn tổng phản công của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc chiến tranh chống Nhật.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #222 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:44:44 am »

CHƯƠNG IX
ĐƯA CHIẾN TRANH ĐẾN NƯỚC NHẬT

Thoạt đầu, các nhà chiến lược ở Washington cũng như đô đốc Nimitz ở Hawaii cho rằng, sau Philippines quân Mĩ sẽ đổ bộ lên Đài Loan. Nhưng mấy tuần trước cuộc đổ bộ ở Leyte, được nghe chuẩn độ đốc Raymond Spruance trình bày (với sự đồng tình của 3 vị tướng lục quân) thì người Mĩ thay đổi kế hoạch: bỏ qua Đài Loan, đánh thẳng vào các đảo cục Nam thuộc lãnh thổ Nhật: Iwo Jima; Okinawa...

IWO JIMA

Đảo Iwo Jima thuộc quần đảo Volcano, nằm cách Saipan 625 dặm về phía Bắc và cách Tokyo 660 dặm về phía Nam là một địa điểm lý tưởng cho các pháo đài bay trên đường từ Saipan đi đánh phá Tokyo và trở về.
Các pháo đài bay B.29 bị thương có thể trở về đây và chiến đấu cơ yểm trợ có thể cất cánh từ đây bay yểm trợ trên đoạn đường nguy hiểm này. Chuẩn đô đốc Raymond Spruance, người từng chiến thắng ở Midway và đã chỉ huy đánh chiếm Marianas được chỉ định làm Tổng chỉ huy trận đánh. Chuẩn đô đốc Richmond Kelly Turner làm Tư lệnh các lực lượng viễn chinh tại đây. Tướng Holland Smith (thủy quân lục chiến) được chọn làm Tư lệnh hành quân, còn thiếu tướng Holland Schmidt làm Tư lệnh lực lượng đổ bộ gồm 3 sư đoàn thủy quân lục chiến là các sư đoàn 4,5 ở Hawaii và sư đoàn 3 ở Guam.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #223 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:46:19 am »

* Bố phòng của Nhật

Từ biển nhìn vào, đảo Iwo Jima (1) trông tựa như một con cá voi đang bơi. Phần đuôi là một núi lửa, cao độ 200m. Người Nhật đặt tên là Suribachi (chén hình nón nhọn).
Đảo dài 7,5km và nơi rộng nhất là 4km. Mặc dù núi lửa đã tắt nhưng các suối lưu huỳnh vẫn còn phun hơi. Quần đảo Volcano (có đảo Iwo Jima) tiếp liền với quần đảo Bonins, là một nhánh của dãy núi lửa ngầm dưới biển, thuộc vòng đai lửa Thái Bình Dương, thấy từ Nhật Bản xuống đến quần đảo Marianas.
Quần đảo Bonins được con người đến định cư vào năm 1830, dân cư đầu tiên gồm hai người xứ New England, một người Ý và 25 người Hawaii. Họ định cư ở đảo Chichi Jama, cách Iwo Jima 200 dặm về phía Bắc.
23 năm sau, đô đốc Matthew C.Perry đến Chichi, tuyên bố đảo này thuộc Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, nhưng sau đó Tổng thống Mĩ Franklin Pierce thấy không có ích lợi gì nên hủy bỏ tuyên cáo trên.
Từ năm 1861, người Nhật sát nhập các quần đảo này vào đất Nhật với lí do là Hoàng thân Ogasawara đã phát hiện nó vào năm 1593. Nhóm quần đảo hiện nay trực thuộc thủ đô Tokyo.
Vào năm 1930, có khoảng 1.100 người Nhật đến Iwo Jima định cư thành lập làng Motoyama. Họ trồng rau cải, chuối, dứa, đu đủ mía, lúa, khoai cần thiết cho nhu cầu địa phương. Về kĩ nghệ, có một nhà máy ép mía và một nhà máy khai thác lưu huỳnh. Cứ hai tháng có một chuyến tàu nối liền đảo với nước Nhật.

(1) Tiếng Nhật có nghĩa là đảo Lưu huỳnh
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #224 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:46:59 am »

Trong quần đảo Volcano chỉ có Iwo Jima là có thể cho phép xây dựng sân bay. Năm 1940, công ty xây dựng Mabuchi xây hai đường băng dưới chân núi Suribachi. Mùa xuân 1941 một trung úy hải quân và 93 binh sĩ đến để xây pháo đài, bố trí đại bác, và 2.000 nhân công Triều Tiên được đưa lên đảo.
Đến khi quần đảo Marshall bị Mĩ chiếm thì đảo Iwo Jima mới được bộ tổng tư lệnh ở Tokyo chú ý hơn. Trung tá Tsunezo Wachi đem 5.000 hải quân lên đảo và bắt đầu xây dựng sân bay thứ hai ở trung tâm đảo, rồi lại khởi công làm sân bay thứ ba trên cao nguyên phía Bắc. Đến tháng 5-1944 lục quân gởi đến đây 5.170 quân, với 13 đại bác, 200 súng máy. Hải quân có 14 khẩu hải pháo và hàng trăm súng phòng không.
Tháng 6, trung tướng Tadamichi Kuribayashi đem sư đoàn 109 bộ binh gồm 7.350 người ra đây, và làm chỉ huy trưởng toàn bộ lực lượng trên đảo. Tiếp đó, thêm 2.300 lính hải quân cùng chuẩn đô đốc Toshinosuke Ichimaru đến tăng cường cho đảo đưa tổng quân số trú phòng ở đây lên tới 21.000 người, gồm 14.000 bộ binh và 7.000 hải quân. Đảo có nhiều lương thục dự trữ nhưng lại thiếu nước ngọt. Không một ngọn suối, không một cái giếng, chỉ sống nhờ nước mưa.
Quan niệm phòng thủ của Kuribayashi là phòng thủ ngay trên bờ biển, tương tự như quan niệm của các vị tướng lãnh khác mà chúng ta đã thấy qua các trận đánh trên.
Nhưng, thiếu tá Yoshitaka Horie từ Nhật đến để thiết lập một hệ thống tiếp liệu đã cho ông ta biết kinh nghiệm được đọc qua các báo cáo từ Saipan, Guam, Leyte gửi về.
Thiếu tá Horie dẫn chứng cho tướng Kuribayashi thấy: quan niệm cổ truyền về phòng thủ khiến người Nhật thua ở Saipan và các đảo khác Xây dụng ụ phòng thủ gần bãi biển làm gì khi mà người Mĩ sử dụng hải pháo bắn đạn 2 tấn làm tung lên không trung từng lô cốt một.
Tướng Kuribayashi còn một quan niệm sai lầm thứ hai về chiến lược, đó là ông vẫn cho rằng hạm đội Liên hợp sẽ đánh tan hạm đội Mĩ yểm trợ hành quân. Thiếu tá Horie cho ông ta biết hạm đội Liên hợp không còn nữa và đề nghị ông ta cho đào thật nhiều hang bên trong lòng núi, xây dựng cả một hệ thống địa đạo có nơi trú ẩn, sinh hoạt cho hơn 20.000 người trên đảo. Sau đó tiến hành một cuộc chiến tranh du kích, làm hao mòn quân Mĩ.
Từ đó, quan niệm chiến thuật ở Iwo Jima theo ý kiến trên.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #225 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:50:15 am »

Tranh cãi cũng tiếp diễn trong giới lãnh đạo Lục quân và Hải quân Mĩ. Tại cơ quan Bộ Tổng tham mưu lục quân của tướng George Marshall đã có ý kiến đề nghị đô đốc Nimitz sử dụng hơi độc hiện có ở Hawaii để diệt địch ở Iwo Jima. Nhưng đô đốc Nimitz khẳng định rằng: "Hoa Kỳ không thể trở thành quốc gia đầu tiên vi phạm Công ước Genève".
Ngày thứ mươi của chiến dịch, thời hạn dự kiến của tướng Schmidt dã hết, quân Nhật vẫn còn đóng giữ một nửa đảo về phía Bắc. Nhưng chiều hôm đó, sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mĩ đã chiếm được làng Motoyama, nay chỉ còn là một cảnh đổ nát hoang tàn. Ngày 3-3, sư đoàn 4 cũng chiếm được đồi 382. Bị mất 2 điểm tiền tiêu trọng yếu này, tuyến phòng thủ thứ hai của Nhật đã bị bẻ gãy.
Sáng hôm ấy, chiếc máy bay đầu tiên, xuất phát từ quần đảo Marianas chở thuốc men, dụng cụ y tế và thư từ, hạ cánh xuống sân bay số 1 giữa lúc quân Nhật đang pháo kích. Nữ phóng viên Barbara Finch của hãng thông tấn Anh Reuter từ trên máy bay bước xuống: "Địa ngục của các anh ở đây như thế nào?" Từng chùm đạn pháo nổ tứ tung thay cho câu trả lời, khiến lính thủy đánh bộ Mĩ vội vã đưa cô đi ẩn nấp. Lát sau, họ đẩy cô lên máy bay, đóng cửa lại và ra lệnh cất cánh ngay lập tức
Vũ khí ngày càng thiếu nghiêm trọng, nhưng quân Nhật vẫn kháng cự kiên cường và có tổ chức. Không còn súng thống tăng, lính Nhật đã tình nguyện buộc thuốc nổ vào người, bí mật nằm chờ chiến xa địch để làm nổ tung cả người mình lẫn xe tăng Mĩ.
Sáng ngày 4-3, tướng Kuribayashi báo cáo tình hình chiến sự hai tuần lễ qua bằng vô tuyến điện. Ông cảm thấy đây có thể là bức điện cuối cùng của mình:
"Các lực lượng của chúng tôi đang tận dụng mọi nỗ lực để tiêu diệt địch. Nhưng chúng tôi đã mất hết đại bác, xe tăng và hai phần ba số sĩ quan. Các trận đánh sắp tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Giờ đây, khi Bộ tư lệnh và trung tâm thông tin trên đảo đã bị địch phát hiện, rất có thể chúng tôi sẽ đứt liên lạc hoàn toàn với Tokyo. Một số vị trí mạnh vẫn còn có thể kháng cự trong nhiều ngày nữa; nhưng dù cho các vị trí này sụp đổ, thì những người còn lại vẫn tiếp tục chiến đấu đến cùng... Chúng tôi rất buồn vì đã không thành công trong việc bảo vệ đảo.
Giờ đây tôi, Kuribayashi, tin tưởng rằng quân địch sẽ xâm nhập Nhật Bản từ chính đảo này... Tôi rất hối tiếc khi hình dung những cảnh tượng thảm khốc có thể diễn ra trên đế quốc chúng ta. Nhưng dù sao, bản thân tôi cũng được an ủi ít nhiều khi thấy các sĩ quan và binh lính của mình đã hi sinh không chút băn khoăn trong cuộc chiến đấu giữ từng tấc đất để chống lại một kẻ thù có ưu thế hơn mình với nhiều xe tăng và hỏa lực oanh kích khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #226 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:50:43 am »

Khi cái chết của mình đang đến gần, tôi xin cầu Trời ban cho Tổ quốc tôi một tương lai tốt đẹp... Tôi muốn được gửi lời tạ lỗi với các sĩ quan thượng cấp và đồng cấp của tôi, vì đã không đủ sức chặn đứng cuộc xâm nhập của kẻ thù. Tin chắc rằng Tổ quốc ta sẽ không bao giờ sụp đổ, linh hồn tôi sẽ luôn luôn tấn công địch để bảo vệ những đất đai của đế quốc vĩnh cửu.
Tôi sẽ rất mãn nguyện nếu những báo cáo chiến sự và những điều lưu ý mà chúng tôi đã gửi bằng điện tín có thể giúp ích cho các chiến thuật quân sự và các kế hoạch huấn luyện trong tương lai" (1).
Trước tình hình đã trở nên tuyệt vọng, đa số sĩ quan Nhật ở Iwo Jima muốn "tổng tiến công và cùng chết, càng sớm càng hay. Mặc dù tướng Tư lệnh đã ngăn cản, nhưng một số người vẫn không tuân lệnh. Trong số đó có thiếu tướng Sadasue Senda, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn hỗn hợp số 2.
Đêm 8 tháng 3, ông ta tập trung các sĩ quan dưới quyền, ra lệnh tổng tiến công vào lúc 6 giờ sáng ngày hôm sau. Để chấm dứt buổi nói chuyện, ông ta hẹn với họ:
"Chúng ta sẽ gặp lại nhau, tối mai, ở đền Yasukuni (2)".
Cánh hải quân ủng hộ quyết định này, nhung việc chuyển tin đến chỉ huy sở hải quân nằm trong một hang động cách đó 1 km bị sai lạc, khiến cho họ nghĩ là tổng tấn công ngay trong đêm nay. Vì vậy, 1.500 sĩ quan, binh sĩ hải quân ra khỏi nơi ẩn nấp, tập trung về điểm xuất phát. Lúc 00 giờ họ tập trung lặng lẽ trước mặt phòng tuyến sư đoàn 4 thủy quân lục chiến Mĩ. Nhưng vì có người hô “Banzai" (vạn tuế) quá sớm, nên quân Mĩ báo động, nã pháo xối xả vào nơi tập trung quân Nhật suốt một giờ, gây thương vong lớn. Nhũng người còn lại như rắn mất đầu, tản ra, di tìm nơi ẩn nấp.
Sáng hôm sau, tướng Senda hướng dẫn một cuộc tấn công “tự sát" Đầu không đội mũ, quấn một tấm vải trắng có vẽ Mặt trời đỏ ngay trán, ông ta dẫn đầu đoàn quân trang bị súng trường, lựu đạn, một ít súng máy và cả gậy tre vót nhọn. Đại bác Mĩ bắn dồn dập, tiêu diệt toàn bộ đoàn quân này, kể cả tướng Senda cùng gục chết trên chiến trường.

(1) Theo John Tolland, sách đã dẫn, tr. 747-748.
(2) Nơi thờ các chiến sĩ trận vong Nhật ở Tokyo. Người Nhật tin rằng, một chiến binh anh hùng khi chết sẽ thành thần và sẽ ngự ở đền Yasukuni. Hiện nay, tinh thần yêu nước cực đoan sống lại ở Nhật nên hàng năm, nhiều đoàn thể cực hữu đến đây làm lễ, hâm nóng lại tinh thần quân phiệt ở đất Nhật
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #227 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:51:38 am »

Ngày 11-3 quân Nhật ở phía Đông Bắc đảo bị chia cắt khỏi phía Tây Bắc là nơi ẩn của tướng Kuribayashi và chuẩn đô đốc Ichimaru.
Ngày 14-3, một buổi lễ được cử hành trên đỉnh đồi, gần kề một công sự Nhật còn đang bốc khói. Một đại tá thủy quân lục chiến Mĩ đọc bản tuyên cáo của đô đốc Nimitz:
"Các lục lượng Hoa Kỳ thuộc quyền chỉ huy của tôi đã chiếm đóng Iwo Jima và các đảo khác thuộc quần đảo Volcano.
Tất cả quyền hành của Đế quốc Nhật trên các đảo này coi như chấm dứt kể từ nay.
Tất cả thẩm quyền ở đây, nay tập trung vào tay tôi với tư cách là tổng trấn quân sự của quần đảo. Thẩm quyền này sẽ được các viên chỉ huy do tôi chỉ định trực tiếp thục hiện!”.
Thế là chấm dứt sự cai trị của Nhật hoàng trên đảo Iwo Jima và Hoa Kỳ chiếm đóng đảo cho đến nay. Nhưng chiến sự vẫn còn kéo dài thêm nửa tháng nữa.
Cùng ngày hôm đó, tướng Kuribayashi ra lệnh đốt quân kì trung đoàn 145 không để lọt vào tay địch. Cũng như Lữ đoàn hỗn hợp số 2, trung đoàn này không còn ai sống sót.
Lúc 5 giờ 35 chiều 17-3, Kuribayashi điện về Tokyo lần cuối cùng:
"Chiến cuộc sắp tàn, không phải vì tinh thần hi sinh cố gắng của quân đội Thiên hoàng tàn lụi, mà vì chúng tôi không còn cả súng đạn lẫn lương thục. Nước uống đã hết từ 5 ngày nay. Tất cả những người còn lại sẽ tiến hành cuộc tổng tiến công cuối cùng. Tôi nghĩ rằng Nhật Bản sẽ không an toàn, nếu không chiếm lại được đảo này. Tôi hi vọng linh hồn tôi sẽ dẫn đường cho cuộc tấn công trong tương lai. Cầu trời ban cho Tổ quốc tôi thắng lợi cuối cùng...". Bức điện kết thúc với 3 bài thơ (1), hai câu cuối cùng là:
"Tôi lo lắng cho tương lai đất mẹ
Khi cỏ xanh phủ kín xác thân mình".
Tiếp đó, Kunbayashi hạ lệnh mở cuộc tổng tấn công cuối cùng trong đêm đó: "Kể từ 0 giờ 1 phút ngày 18-3-1945, mọi người sẽ chiến đấu đến chết, không ai được lo giữ tính mạng của mình".
Từ thời điểm đó, các sĩ quan Nhật trên đảo, lục quân cũng như hải quân, lần lượt đưa số binh lính còn lại của mình vào các cuộc tấn công tự sát.
Chuẩn đô đốc Ichimaru viết thư hạch tội tổng thống Roosevelt, rồi buộc thư đó vào thắt lưng một sĩ quan thông tin. Hai tay cầm hai lựu đạn, viên sĩ quan này tiến đến phòng tuyến địch. Anh ta đã kịp ném hết lựu đạn trước khi bị quân Mĩ bắn gực (2).
Sáng 27-3, tướng Kuribayashi ra khỏi hang cùng với đại tá Keneji Nakane, sĩ quan tham mưu. Hướng về phía Bắc (hướng Hoàng cung) gập mình 3 lần chào kính, rồi vị tướng rút gươm mổ bụng mình tư sát. Đại tá Nakane giúp tướng Kuribayashi hoàn tất nghi lễ của mình bằng cách vung rơm chém đứt đầu vị tướng rồi mai táng thượng cấp của mình. Xong, ông lại quay về hang đó để báo cáo sự việc với đại tá tham mưu trưởng Tadashi Takashi và chuẩn đô đốc Ichimaru mới chuyển đến ở đây Hai đại tá lại dẫn nhau ra cửa hang rồi cùng dùng súng tự sát
Gần 11 giờ khuya, chuẩn đô đốc Ichimaru cùng 10 người còn lại, tay không vũ khí, ra khỏi hang. Một loạt đạn súng máy Mĩ đã bắn chết ông cùng với hai người khác.
Người Mĩ đã chiếm Iwo Jima không phải trong 10 ngày mà là hơn 1 tháng. Trong số 21.000 quân Nhật trú phòng, chỉ còn khoảng 3.000 người sống sót. Trong số quân sống sót chỉ có 216 người bị bắt làm tù binh. Số còn lại ẩn náu trong các hang động, kéo dài cuộc sống và chiến đấu mãi nhiều năm sau chiến tranh.
Về phía Mĩ, tổng số thương vong lên tới trên 20.000 người, trong đó có 4.917 người tử trận, số còn lại là bị thương hoặc mất tích. So với tổng số 55.000 quân đổ bộ lên đảo, con số thương vong lên đến trên 36%. Với tỉ lệ này, Iwo Jima là chiến dịch tổn thất nặng nhất của Hoa Kỳ trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Với giá đó, quân đội Mĩ đã tiến bước đầu tiên tới ngưỡng cửa Nhật Bản.

(1) Tướng Tadamichi Kuribayashi là một nhà thơ nổi tiếng ở Nhật thời tiền chiến.
(2) Đây là một hành động theo kiểu võ sĩ đạo xưa: một võ sĩ đạo đem thư của chủ tướng mình mạt sát tướng địch, rồi tự mổ bụng để bên địch thấy bên mình không thiếu người gan dạ.
Người Mĩ đã tìm được bức thư này và đem trưng bày tại bảo tàng Học viện sĩ quan Hoa Kì ở Annapolis, nơi mà chuẩn đô đốc Ichimaru đã từng thực tập.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #228 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:52:20 am »

* Chấn động Tokyo

Sự thảm bại của quân Nhật ở Iwo Jima gây nhiều phản ứng khác nhau làm chấn động chính trường Nhật Bản. Người cảm thấy khó chịu nhất là thủ tướng Koiso. Ông ta đã lỡ tuyên bố trên đài phát thanh rằng: "Sự sống còn của nước Đại Nhật Bản tùy thuộc vào chiến trường Leyte". Giờ đây, thêm Iwo Jima thất thủ, thì ăn nói làm sao? Mà Iwo Jima lại là đất Nhật, chứ không phải là một hải đảo xa lạ như Leyte kia. Không còn cách nào hơn, thủ tướng Koiso đệ đơn xin từ chức vào ngày 5-4.
Thiên hoàng ra lệnh cho Hoàng thân Chưởng ấn triệu tập Hội đồng các cựu thủ tướng (Jushin) (1) để bàn việc cử người thay Koiso.
Mặc dù vẫn có ý kiến cho rằng không nên thay thủ tướng nhiều lần trong một cuộc chiến tranh, đại bộ phận Hội đồng Jushin đã đồng ý để Koiso từ chức và đề nghị đô đốc Kantaro Suzuki lên thay.
Tối hôm ấy, Hoàng đế Hiro Hito bổ nhiệm đô đốc Suzuki làm thủ tướng. Nhật hoàng nói với Suzuki: “ Trẫm biết rằng trong tình hình đen tối hiện nay, không ai có khả năng hơn khanh để đi đến cùng nhiệm vụ quan trọng nhất. Vì vậy trẫm chọn khanh".
Và vị Đô đốc già 78 tuổi, lưng còng vì tuổi tác, lãnh nhiệm vụ thành lập Nội các. Bảy năm làm việc tại Hoàng cung với tư cách quan Nội chánh, đô đốc Suzuki biết rằng Nhật hoàng muốn nói gì với câu nói trên. Đó là "Khanh hãy mưu tìm hòa bình".

(1) Theo Hiến pháp Nhật thời ấy, các cựu thủ tướng còn sống đều có chân trong Hội đồng Jushin. Đầy là một loại hội động tư vấn của Nhật hoàng. Thông thường, mỗi khi một thủ tướng đương nhiệm từ chức, thì Nhật hoàng hỏi ý kiến các hội viên Hội đồng Jushin và họ tiến cử một người nào đó lên làm thủ tướng. Nhật hoàng sẽ chọn.
Hiện nay, Hiến pháp Nhật sau chiến tranh thế giới thứ hai quy định khác.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #229 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2009, 11:27:34 pm »

OKINAWA

Ở phía Nam của đảo Kyushu (Cửu Châu, một trong 4 đảo lớn của lãnh thổ Nhật Bản), trải dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam đến Đài Loan, là quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu), quần đảo kéo dài 790 dặm (tức 1.200 km), gồm 140 đảo và nhóm đảo. Lớn nhất là nhóm Shakishima, Amami, Tokara Gunto và đảo Okmawa (Xung Thằng). Okinawa dài gần 100 km nhưng chỉ rộng từ 2 đến 4 km. Đây là một hòn đảo lí tưởng cho việc thành lập sân bay. Nước xung quanh cũng rất sâu, rất tốt để thành lập quân cảng. Khí hậu cận nhiệt đới, được điều hòa bởi hai dòng hải lưu Kuri Shivo và Ogasa Wara. Độ ẩm cao quanh năm, mưa nhiều. Từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, mỗi tháng đều có ít nhất một trận bão lớn hoặc nhỏ thổi qua.
Okinawa là một ngã tư quốc tế ở Đông Á, nằm giữa Trung Hoa (lục địa), Đài Loan và Nhật. Cả 3 nền văn minh đều ảnh hưởng đến đảo này.
Về phương diện lịch sử, vào năm 1372, nhà Minh tuyên cáo sát nhập Okinawa vào Thiên triều. Hai thế kỉ sau, các sứ quân vùng Cửu Châu (Nhật) đổ bộ lên đánh phá đảo này, chiếm đóng một phần, nhưng vẫn để cho các quan chức địa phương tiếp tục triều cống nhà Minh. Tính cách lưỡng chế này tiếp tục kéo dài đến năm 1875, khi Minh Trị Thiên Hoàng gửi đến đây một lực lượng chiếm đóng thường trục. Nửa triệu dân Okonawa vẫn tiếp tục cuộc sống với nền kinh tế nông nghiệp và đánh cá.
Trên nguyên tắc, người dân Okinawa bình đẳng về mọi quyền lợi và nghĩa vụ với người Nhật ở chính quốc. Họ có đại diện tại Quốc hội, y như 47 hạt hành chính khác. Nhưng người Nhật về phương diện tâm lí, vẫn xem họ như dân thuộc địa.
Đa số dân đảo theo đạo thờ cúng ông bà, rất ít người theo Thần giáo như Nhật Bản.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM