Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 09:17:42 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương 1941-1945  (Đọc 169653 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #210 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 11:11:27 pm »

* chiến dịch Ichi-Go năm 1944

Mùa xuân năm 1944, đường giao thông trên biển giữa Nhật Bản với các nước bị chiếm đóng ở Đông Nam Á bị không quân và hải quân Đồng minh phong tỏa ngặt nghèo. Bộ Tổng tư lệnh Nhật liền quyết định đánh thông con đường trên lục địa để thay thế cho đường biển. Con đường bộ này qua eo biển Triều Tiên sẽ nối liền Nhật Bản với Triều Tiên, Mãn Châu, xuyên suốt lãnh thổ Trung Hoa từ Bắc đến Nam tới Đông Dương, qua Thái Lan, Mã Lai và Singapore, rồi qua eo biển Malacca tới Indonesia.
Con đường này bị đứt đoạn tại một số tỉnh thuộc vùng Hoa Trung và Hoa Nam vẫn còn do quân Trung Hoa kiểm soát. Bởi thế, Bộ Tổng tư lệnh Nhật quyết định mở chiến dịch lớn đánh chiếm các tỉnh này, được gọi là "Chiến dịch Ichi – Go”
Nhận được lệnh trên, Bộ Tư lệnh Nhật tại mặt trận Trung Hoa vạch kế hoạch hành quân. Nhiệm vụ chủ yếu của chiến dịch là chiếm đóng các sân bay Mĩ trong khu vục này và 3 tuyến đường sắt quan trọng ở đây. Chiến dịch sẽ chia làm hai giai đoạn. Trước hết sẽ đánh tan các lực lượng quân Trung Hoa Quốc dân Đảng tại khu vục giữa hai sông Hoàng Hà và Trường Giang, chiếm giữ tuyến đường sắt từ Bắc Kinh đi Vũ Hán. Sau đó 11 sư đoàn cùng nhiều lực lượng khác sẽ vượt Trường Giang tiến về phía Tây Nam, chiếm các thành phố Trường Sa và Hoành Dương thuộc tỉnh Hồ Nam, tiếp đó là Quế Lâm, Liễu Châu và Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây. Chiếm xong Nam Ninh tức là vô hiệu hóa được 2 sân bay quan trọng của tập đoàn không quân số 14 Hoa Kỳ.
Để làm tan rã tinh thần chiến đấu của đối phương, đồng thời muốn tách Trung Hoa ra khỏi các đồng minh phương Tây của họ, Nhật Bản đã cho rải hàng triệu truyền đơn nói rõ rằng kẻ thù của Nhật là Anh - Mĩ chứ không phải là quân Trung Hoa và mục tiêu của Nhật là thiết lập một nước Trung Hoa mới. Nếu quân Trung Hoa không kháng cự, họ sẽ được quân Nhật coi là bạn.
Đêm 17-4, sư đoàn bộ binh số 37 của Nhật vượt sông Hoàng hà mở đầu chiến dịch tấn công. Đó chính là lúc tập đoàn quân 15 Nhật vây đánh Kohima trên đất Ấn Độ, nhưng người ta không thể biết rằng giữa chiến dịch tấn công ở đó với chiến dịch này có sự phối hợp với nhau hay không.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #211 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 11:12:03 pm »

Đại quân Nhật tiến công bằng hai cánh. Cánh thứ nhất tiến về phía Tây để chiếm con đường xe lửa Lung - Hai và thị trấn Lỗi Dương. Cánh thứ hai lớn hơn nhiều tiến xuống phía Nam dọc theo con đường xe lửa Bắc Bình đi Vũ Hán và Quảng Đông. Quân Trung Hoa ở đây đã trở bên bạc nhược sau mấy năm hưu chiến, lại chịu tác động của bộ máy tuyên truyền Nhật, nên đã nhanh chóng tan vỡ trước súc tiến công mãnh hệt của địch. Tướng Stilwell lệnh cho tướng Cheunault bảo vệ căn cứ của các pháo đài bay B29 ở Thành Đô, đồng thời yểm trợ cho quân Trung Hoa chặn dựng cuộc tấn công của Nhật. Tướng Chennault điện trả lời rằng Thành Đô còn ở phía tây Trùng Khánh nên không có gì đáng ngại. Ông sẽ yểm trợ tối đa cho quân Trung Hoa đồng thời sử dụng các pháo đài bay vào những mục tiêu lớn hơn. Dù được không quân Mĩ yểm trợ mạnh mẽ, quân Trung Hoa vẫn không cản được bước tiến của địch. Ngày 29-4, quân Nhật một lần nữa tấn công thành phố chiến lược rương Sa cùng lúc với Hoành Dương, một thành phố quan trọng trên con đường xe lửa xuyên xuống phía nam tới Quảng Đông và Liễu Châu (trong tỉnh Quảng Tây). Giao tranh ác liệt đã diễn ra tại Trường Sa trong hơn một tháng rưỡi và hai tháng ở Hoành Dương.
Ngày 4-6 quân Nhật chiếm dải đất ở bờ phía Nam hồ Động Đình và mở thêm một mũi tiến công vào Trường Sa.
Ngày 5-6, để thử nghiệm cho một cuộc oanh tạc lớn vào ngay nước Nhật, tướng Chennault ra lệnh cho 98 chiếc pháo đài bay B29 bay đi dội bom thủ đô Bangkok của Thái Lan. Cuộc oanh tạc này không mấy kết quả, nhưng ông vẫn quyết định ném bom nước Nhật.
Ngày 15-6, phi đoàn gồm 92 chiếc pháo đài bay B29 cất cánh từ Thành Đô bay về phía Nhật. Lúc nửa đêm, theo giờ Trung Quốc, 79 chiếc đến được mục tiêu là một xí nghiệp sắt thép thuộc thành phố Yawata trên đảo Kyushu. Bị nhiều chiến đấu cơ địch và một hỏa lực phòng không dày đặc chặn đánh, 6 pháo đài bay Mĩ bị thương nhẹ và phần lớn bom trút xuống đã rơi chệch mục tiêu. Dù sao đây cũng là một đòn tâm lí: chiến tranh đã lan tới đất Nhật.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #212 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 11:12:37 pm »

Nhưng mọi hoạt động của không quân Mĩ cũng không cứu vãn nổi tình thế của quân Trung Hoa. Ngày 18-6 Trường Sa thất thủ. Hai sư đoàn số 116 và 68 của Nhật đổ dồn về phía Hoành Dương cách Trường Sa 160 km về phía Nam. Ngày 26 họ chiếm sân bay gần thành phố và vây chặt Hoành Dương. Ngày 29-6, Thiếu tướng Fong Hsien Chueh tư lệnh quân đoàn 10 của Trung Hoa đóng ở đây đã ra lệnh ngừng chiến đấu trước sự ngạc nhiên của cả người Nhật và người Mĩ. Suốt 2 tháng qua, được sự yểm trợ đắc lực của không quân Mĩ, quân đoàn 10 đã đẩy lùi địch hết ngày này sang khác và tập kích táo bạo ban đêm vào các đoàn viện binh của địch.
Việc mất Trường Sa và Hoành Dương là một đòn rất nặng đối với chính phủ Trùng Khánh và tập đoàn không quân 14 Hoa Kì. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Ứng Khâm đã ra lệnh xử bắn nhiều tướng lĩnh chịu trách nhiệm về thất bại này. Tưởng Giới Thạch ra lệnh bao vây Hoành Dương và điều động quân đoàn 62 của tướng Dư Hàn Mao tới dây để chiếm lại thành phố.
Quân Đồng minh tưởng rằng sau khi chiếm được Hoành Dương, quân Nhật sẽ tiến về phía Tây tới Trùng Khánh và Thành Đô. Do đó, họ chuẩn bị chặn địch trên hướng này. Nhưng đó là một nhầm lẫn tai hại.
Đầu tháng 8, quân Nhật tiếp tục tiến công về phía Nam và Tây Nam. Xuất phát từ Hàng Châu, quân Nhật theo đường xe lửa tiên đến bao vây và tấn công Quế Lâm. Trong khi đó, từ Hoành Dương kéo ra, quân Nhật đánh tan quân đoàn 62 của tướng Dư Hàn Mao và thẳng tiến về phía Quảng Tây. Hàng chục binh đoàn Quốc dân Đảng rút chạy không chiến dấu. Theo lệnh Tưởng Giới Thạch, tư lệnh quân đoàn và một số sĩ quan cao cấp khác đã bị xử bắn ngày 19-9.
Trước tình hình nghiêm trọng ở chiến trường Trung Hoa, tổng thống Roosevelt vội cử phái viên đặc biệt của ông là Patrick J. Hurley, một luật sư nổi tiếng từng làm Bộ trưởng Quốc phòng thời Tổng thống Hoover đi thị sát tình hình. Trước khi đến Trung Hoa, Hurley ghé Moskva và được ngoại trưởng Molotov cho hay rằng Liên Xô muốn có quan hệ hữu nghị với Trung Hoa Dân quốc. Còn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, Liên xô coi họ chỉ là cộng sản "trên danh nghĩa" (1).

(1) John Toland. Sđd, tr. 702
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #213 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 11:13:33 pm »

Hurley quyết định giúp Trung Hoa củng cố lực lượng của mình và cố gắng liên kết quân đội của Quốc dân Đảng với Đảng Cộng sản Tại Trùng Khánh, Hurley nói điều đó với Tưởng Giới Thạch và nhấn mạnh rằng ông không quan tâm đến việc những người cộng sản Trung Hoa có bị nước Nga diều khiển hay không, cũng như họ có phải là cộng sản đích thực cả hay không. Tưởng không tin điều đó, vì ông ta đã đọc những bài báo và diễn văn của Mao. Tưởng đề nghị Hoa Kỳ thay thế tướng Stilwell và ngày 25-9 ông gửi cho Hurley một tập bút kí của mình, trong đó ông ta trút mọi trách nhiệm về sự thất bại trên chiến trường Trung Hoa cho tướng Stilwell (tức là gián tiếp đổ cho Tổng thống Roosevelt): "Lực lượng Nhật ở Đông Trung Hoa đông gấp 6 lần số quân chống lại tướng Stilwell ở Bắc Miến Điện. Thất bại ở Trung Hoa là hậu quả của chiến thắng ở Bắc Miến Điện. Chúng ta đã chiếm được Myitkyina nhưng đã mất hầu hết miền Đông Trung Hoa. Trong trường hợp này, tướng Stilwell không thể biện minh được”
Hurley đã hi vọng hòa giải giữa Stilwell với Tưởng. Nhưng giờ đây ông tin chắc là không thể được, và Stilwell phải dời khỏi Trùng Hoa. Ông điện cho Roosevelt: "Ý kiến của tôi là: nếu Ngài vẫn để Stilwell ở cương vị hiện nay, Ngài sẽ mất Tưởng Giới Thạch; và có khả năng mất cả Trung Hoa cùng với ông ta".
Cùng thời gian này, tướng Stilwell cũng liên tiếp điện về Washington, đổ mọi tội lỗi về thất bại ở Trung Hoa cho Tưởng Giới Thạch.
Roosevelt cân nhắc. Sau cùng, ngày 18-10 ông điện cho Tưởng Giới Thạch rằng ông sẽ triệu hồi Stilwell và cử thiếu tướng Albert C.Wedemeyer sang thay thế.
Ngày 7-11, bất chấp sự can ngăn của Tưởng, Hurley bay đến thành phố trung tâm Đặc khu của Đảng Cộng sản là Diên An. Tại đây, ông được nghe Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và những người khác trình bày rằng cần có một chính phủ Liên hiệp dựa trên những nguyên tắc dân chủ. Bằng một giọng mạnh mẽ, Hurley nêu ra 5 điểm có thể được Quốc dân Đảng tán thành.
Những người cộng sản tỏ ý có thể thấp nhận được. Buổi tối, trong một bữa tiệc thịnh soạn, Hurley cùng Mao và những người khác nâng cốc chúc súc khỏe Stalin, Roosevelt, Churchill và chúc thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Nhật.
Nhưng ngày thắng lợi trên chiến trường Trung Quốc xem ra vẫn còn xa, vì quân Nhật đang tấn công rất mạnh. Sau hơn 2 tháng giao tranh, ngày 10-11 thành phố Quế Lâm thất thủ.
Cùng ngày hôm đó, quân Nhật tiến vào Liễu Châu, một thành phố cách Quế Lâm 150 km về phía Nam. Khi quân Trung Hoa rút khỏi thành phố, không quân Hoa Kỳ đã phải đốt phá tất cả các phi trường của mình ở đây để dời các máy bay của mình về phía Tây cách đó 300 km.
Trước sức tấn công của Nhật, ngày 20-11 quân Trung Hoa phải dời bỏ Nam Ninh và Long Châu, hai thành phố lớn của tỉnh Quảng Tây. Ngày 26-11, quân Nhật từ Quảng Đông kéo xuống đã tiến vào Nam Ninh rồi thẳng tiến đến tận biên giới Đông Dương. Như vậy, con đường trên bộ của Nhật đã hoàn toàn thông suốt và một mục tiêu của chiến dịch I chi - Go đã thành công. Các tỉnh Phúc Kiến, Giang Tây và những gì còn lại của Quảng Đông, Quảng Tây nằm giữa vòng vây quân Nhật đã bị cô lập hoàn toàn với chính phủ trung ương. Không quân Hoa Kỳ đã mất một loạt căn cứ quan trọng ở phía Đông Trung Hoa.
Chiến thắng trong cuộc tấn công năm 1944 trên chiến trường Trung Hoa đã cứu vãn được phần nào uy danh của quân đội Thiên Hoàng đang thảm bại trên hàng loạt chiến trường khác.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #214 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:40:23 am »

ĐỒNG MINH PHẢN CÔNG GIÀNH LẠI MIẾN ĐIỆN

* Bố trí lực lượng Đồng minh

Tháng 10-1944, Bộ Tư lệnh các lực lượng Đồng minh ở Đông nam Á (S.E.A.C) đo Phó đô đốc Lord Louis Mountbatten đứng đầu đã tập hợp được một lực lượng lên tới 750.000 quân, sẵn sàng phản công giành lại tất cả những đất đai đã bị Nhật chiếm đóng ở phần lục địa Đông Nam Á. Cùng với sự vượt trội hơn hẳn về quân số, quân Đồng minh còn có ưu thế tuyệt đối về không quân, ưu thế về chiến xa và các phương tiện cơ giới khác.
Phần lớn lực lượng này được sử dụng trước hết vào cuộc phản công ở Miến Điện. Quân đội ở đây được chia thành 4 mặt trận do 4 đạo quân trú đóng.
Đạo quân thứ nhất tại mặt trận Arakan (phía Nam biên giới Ấn - Miến) là các sư đoàn Anh - Ấn thuộc tập đoàn quân 15 Anh.
Đạo quân thứ hai tại mặt trận Chindwin (đoạn giữa biên giới Ấn - Miến) là tập đoàn quân 14 Anh do Trung tướng William J.Slim chỉ huy.
Đạo quân thứ ba tại mặt trận Khata - Bhamo (bắc Miến Điện) là liên quân Mĩ-Hoa do tướng Suttan, vừa được cử thay tướng Stilwell làm tư lệnh.
Đạo quân thứ tư ở mặt trận biên giới Trung - Miến (phía Đông bắc Miến Điện) là quân Trung Hoa của tướng Wei Li Huang.
Tất cả các đạo quân trên đã khởi sự tấn công từ đầu tháng 1/1944  với quyết tâm quét sạch quân Nhật khỏi Miến Điện trước mùa mưa 1945.
Bị yếu thế về mọi phương diện, Bộ Tư lệnh Cụm tập đoàn quân Nhật ở Miến Điện, có trong tay các tập đoàn quân 13, 15 và quân đoàn 28 nhưng quân số rất thiếu và bị suy yếu nhiều, quyết định sẽ cố đánh cầm chừng để chờ mùa mưa tới. Họ còn dự định sử dụng cả quân đội Quốc gia Miến của chính phủ Ba Maw do người Nhật dựng lên hồi tháng 8-1943 để chống lại Đồng minh. Đạo quân này được tổ chức, huấn luyện và trang bị như quân Nhật, do Aung San bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ Ba Maw) và Ne Win (Tổng tư lệnh) điều khiển. Nhưng lúc bấy giờ quân đội Quốc gia Miến đã trở thành một con dao hai lưỡi vì Aung San không chịu đặt dưới quyền tổng tư lệnh Nhật và ông còn bí mật liên hệ với Đồng minh để chuẩn bị hợp tác đánh Nhật
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #215 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:41:00 am »

* Chiếm lại Arakan - Akyab

Tại mặt trận Arakan, mục tiêu quan trọng nhất của Đồng minh là đánh chiếm hải cảng Akyab.
Ngày 13-11, quân Ấn Độ từ miền Bắc thung lũng sông Kaladan kéo xuống đã chiếm được thị trấn Paletwa. Ngày 13-12, quân Ấn Độ lại đánh chiếm thành phố Buthidaung và đến 19-12 bắt đầu tấn công Maungdaw, thành phố quan trọng cách Akyab 100 km về phía Tây Bắc. Sức kháng cự của quân đoàn 28 Nhật ở Arakan khá yếu ớt và ngày 20-12 quân Ấn chiếm được Maungdaw. Từ đây, quân Anh-Ấn tiến mạnh về phía Đông Nam dọc theo miền duyên hải vịnh Bengal. Ngày 31- 12, quân Anh đổ bộ lên bán đảo núi Mayu và chiếm thị trấn Rathegaund. Ngày 4-1-1945, quân Anh - Ấn đổ bộ lên đảo Akyab, tiếp đó đánh chiếm hải cảng Akyab. Quân đoàn 28 Nhật rút lui không kháng cự, vượt qua đèo An và đèo Taungup rời khỏi Arakan. Ngày 22-1 quân Anh chiếm đảo Ramri. Ngày 27 hải cảng Cheduba cũng thất thủ.
Ngày 17-2 quân Anh đổ bộ lên Ru Ywa và cắt đứt con đường ven biển đi Taungup.
Thế là toàn bộ Arakan sạch bóng quân Nhật. Quân Đồng minh bắt dầu thiết lập các sân bay tại đây để chuẩn bị cho các trận đánh sắp tới.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #216 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:41:24 am »

* Đánh thông hai con đường huyết mạch

Khác với mặt trận Arakan, các lực tượng thuộc tập đoàn quân 13 Nhật đã kháng cự rất mãnh liệt ở vùng gần biên giới tỉnh Vân Nam, đẩy lùi quân Trung Hoa qua lãnh thổ Trung Quốc và bao vây địch. Ngày 2-11-1944, quân Trung Hoa phá được vòng vây của Nhật và lại bắt đầu phản công. Ngày 2-12 họ đẩy được quân Nhật ra khỏi Chefang ở phía Nam Lungling, thị trấn thuộc tỉnh Vân Nam. Ngày 18-12 quân Trung Hoa tiến tới biên giới thì bị quân Nhật đánh chặn lại trong gần 2 tháng trời không tiến lên được.
Trong khi đó, đạo quân Mĩ - Hoa của tướng Suttan đột phá có kết quả vào phòng tuyến Katha - Bhamo của Nhật. Khởi sự từ ngày 1-11, đến ngày 15 họ đã chiếm được Katha. Hai ngày sau, họ lại chiếm được Indaw, một vị trí then chốt của phòng tuyến. Một số đơn vị quân Anh của tướng Slim băng qua sông Irrawady cũng tham chiến tại đây. Họ chiếm được thị trấn Shwegu (ở giữa Katha và Bhamo) ngày 8-11. Ngày 20-11, các lực lượng Đồng minh ở đây đã vây đánh thành phố chiến lược Bhamo. Sau gần 1 tháng giao tranh ác liệt, họ đã đánh bật quân Nhật khỏi thành phố này và phòng tuyến Katha – Bhamo của Nhật hoàn toàn sụp đổ. "Con đường Ledo" được giải tỏa một đoạn dài và các lực lượng Đồng minh tiếp tục tiến theo nó về phía động bắc để đánh thông tới "Con đường Miến Điện”
Ngày 16-1-1945, một cánh quân của đạo quân này đột kích vào Nankhan, một thị trấn trên "Con đường Ledo", hậu cứ của đạo quân Nhật đang giao tranh với quân Trung Hoa từ Vân Nam tiến sang. Bị đánh sau lưng, quân Nhật vội vã rút khỏi Nankhan. Thừa thắng, Đồng minh thẳng tiến tới thị trấn Wanting, ở ngay biên giới, căn cứ trọng yếu cuối cùng của Nhật tại nơi “Con đường Ledo" nối vào giữa "Con đường Miến Điện” tạo thành một ngã ba chiến lược. Ngày 25-1, Wanting thất thủ, quân Nhật buộc phải rời khỏi biên giới lùi về phía sau. Thế là quân Đồng minh kiểm soát toàn bộ "Con đường Ledo" qua Myitkyna, Bhamo, Nankhan đến tận Wanting, giờ đây trở thành "Con đường Stilwell".
Đầu tháng 2-1945 quân Trung Hoa bắt đầu tràn vào Miến Điện nhằm chiếm phần còn lại của "Con đường Miến Điện" đi sâu vào đất Miến đến tận Lashio là thành phố tận cùng của con đường này. Ngày 20-2 Henswei, một thị trấn cách Lashio 40 km về phía Tây, cũng lọt vào tay quân đội Quốc dân Đảng.
Mặc dù quân Nhật tiếp tục kháng cự trên ùng cây số, ngày 9-3-1945 quân đội Trung Hoa đã đánh chiếm xong thành phố Lashio. Như vậy, toàn bộ "Con đường Miến Điện" từ Lashio qua Wanting, Lungling đến tận Trùng Khánh đã trở về tay Đồng minh.
Từ Lashio có đường bộ và đường xe lửa dẫn thẳng tới Mandalay, cố đô và là thành phố lớn thứ hai của Miến Điện ở cách đó 150 km về phía Tây Nam, tại trung tâm đất nước.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #217 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:42:01 am »

* Tiến đánh Mandalay

Sau khi chiếm xong miền Bắc Miến Điện, quân của tướng Suttan và quân Trung Hoa đã uy hiếp Mandalay từ phía Bắc. Nhưng lực lượng chủ yếu để đánh thành phố này là tập đoàn quân 14 Anh - Ấn của tướng Slim từ phía Tây tiến sang.
Sau khi chiếm trọn dải đất từ biên giới Ấn Độ đến sông Chindwin, tháng 11-1944 đạo quân này bắt đầu đột phá phòng tuyến Nhật trên sông ấy mà trọng điểm là thành phố Kalewa. Cuộc giao tranh hết sức quyết liệt, hai bên cùng tổn thất nặng nhưng đến ngày 6-12 Đồng minh đã chiếm được Kalewa, đập tan phòng tuyến địch và vượt sông Chindwin. Quân Nhật vội vã rút lui trước sự truy kích của quân Anh - Ấn có nhiều xe tăng và máy bay yểm trợ hơn. Ngày 13-1 Đồng minh đã tiến đến gần Monywa, một thị trấn cách Mandalay 100 km về phía Tây. Quân Nhật rút về bờ đông sông Irrawady để thiết lập phòng tuyến mới mà trọng điểm chiến lược chính là cố đô Mandalay trên bờ sông này. Lực lượng phòng thủ chủ yếu ở đây là tập đoàn quân 15 Nhật đã suy yếu sau cuộc hành binh thất bại ở Ấn Độ.
Ngày 31-1-1945 đội tiền tiêu quân Anh thuộc quyền tướng Leese đến gần bờ sông ở một đoạn cách Mandalay chỉ 20 km.
Ngày 1-2, tại một đoạn khác, quân Anh-Ấn vượt sông đánh chiếm thị trấn Mynium và thiết lập ở đây một căn cứ đầu cầu vững chắc, cắt đứt đường giao thông trên sông giữa Mandalay với những nơi khác.
Ngày 14-2, một cánh quân Anh tiến đánh về phía sông Kiaw, chi lưu của Inawady ở phía Nam Mandalay.
Trận đánh trên sông Kiaw rất ác liệt, hai bên cùng thiệt hại nặng nhưng thắng lợi nghiêng về phía quân Anh.
Ngày 27-2, quân Anh lại vượt sông Irrawady lập thêm một căn cứ đầu cầu ở phía Nam Mandalay. Từ đây, một cánh quân tiến về phía Đông đánh chiếm thành phố Meiktila cách Mandalay 128 km về phía nam cùng 8 sân bay Nhật ở gần đó. Với sự thất thủ Maiktila, quân Nhật ở Mandalay hoàn toàn bị cắt rời khỏi miền nam Miến Điện, nơi còn có quân đoàn 28 Nhật.
Sau một loạt các trận đánh trên, tuyến phòng thủ vòng ngoài Madalay của Nhật đã bị đập tan, quân Nhật bị tổn thất rất nặng và thành phố này bị vây hãm cả 3 phía Bắc, Tây và Nam.
Ngày 9-3, khi quân Trung Hoa tiến vào Lashio thì cũng là lúc sư đoàn bộ binh Anh số 18 mở màn trận tấn công vào Mandalay bằng cuộc vượt sông Irrawady để từ phía Đông đánh quặt vào thành phố. Quân Nhật kháng cự trên từng căn nhà, góc phố nhưng không sao đẩy lùi được đối phương có ưu thế hoàn toàn về xe tăng và máy bay. Quân Trung Hoa từ Lashio cũng xuôi Nam tiến về Mandalay và đến giữa đường họ chiếm được thị trấn Hsipaw. Ngày 20-3 cố đô Mandalay của Miến Điện hoàn toàn lọt vào tay quân đội Đồng minh sau gần 3 năm bị Nhật chiếm đóng.
Mất Mandalay, Nhật bản đã mất một nửa lãnh thổ Miến Điện ở về phía Tây và phía Bắc, đồng thời tập đoàn quân 15 Nhật cũng tan rã. Những gì còn lại của đạo quân này và của tập đoàn quân 13 rút về phía đông, cố gắng lập nên 2 phòng tuyến mới. Một phòng tuyến ở khoảng giữa hai thị trấn Prome và Mazwe hướng về sông Irrawady ở phía Tây. Phòng tuyến kia ở giữa Thazi và Jaungzi dựa vào cao nguyên Shan và hướng về phía Bắc. Mục đích của hai phòng tuyến này là để chặn địch tiến về phía Đông và phía Nam, bảo vệ đường rút của quân Nhật về Rangoon, hoặc nếu cần thì về Thái Lan. Ngày 27-3, quân đội Quốc gia Miến được điều ra tiền tuyến để ngăn chặn quân Đồng minh. Nhưng vừa ra khỏi Rangoon, họ đã quay súng đánh lại quân Nhật.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #218 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:42:35 am »

* Chiếm lại Rangoon

Sau khi chiếm Mandalay, tập đoàn quân 14 Anh tạm ngưng chiến đấu trong 1 tháng để củng cố và bổ sung lục lượng, chuẩn bị bước vào chiến dịch quyết định: đánh chiếm thủ đô Miến Điện ở cách Mandalay hơn 500km về phía Nam, nằm trên vùng đồng bằng hạ lưu sông Irrawady nhìn ra vịnh Bengal.
Ngày 15-4, chiến dịch bắt đầu bằng cuộc hành quân ồ ạt của các binh đoàn thiết giáp tập trung tại Thazi tiến về Nam dọc theo thung lũng sông Sittang và đường xe lửa Mandalay đi Rangoon. Xe tăng đi trước, bộ binh theo sau, trong vòng 4 ngày quân Anh - Ấn đã tiến sâu trên 250km. Họ lần lượt đánh chiếm các thị trấn Yamethin (ngày 20), Pyimnana (ngày 23) và thành phố Toungoo (ngày 26-4). Nhung khi tiến tới Pegu, thành phố cửa ngõ của thủ đô cách Rangoon 85km về phía Bắc thì họ bị chặn lại. Một sư đoàn Nhật trấn giữ thành phố này đã giao tranh quyết liệt với bộ binh cơ giới Anh.
Cùng tiến song song ở phía Tây cánh quân trên là một cánh quân khởi hành từ Pagan tiến xuống Rangoon xuôi theo hữu ngạn sông Irrawady. Ngày 25-4 họ đánh chiếm hai thị trấn Yenang Yaung và Magwe cùng những mỏ dầu lửa lớn nhất của Miến Điện trong khu vục Magwe. Ngày 29-4 họ chiếm thị trấn Myeda ở đầu mút một con đường xe lửa đi Rangoon.
Để chạy đua với mùa mưa đang ngày càng tới gần, phó đô đốc Mountbatten đã tung phần lớn lực lượng thiết giáp của ông vào trận và sử dụng không quân ở cường độ tối đa để tiếp tế quân lương, đạn dược, xăng dầu cho quân đội và oanh tạc không ngừng các vị trí địch. Sư đoàn Nhật cố thủ ở Pegu bị hỏa lực khủng khiếp của Đồng minh đánh tan và ngày 30-4 quân Anh chiếm thành phố then chốt này. Thế là trận công kích chiếm Rangoon bắt đầu.
Một số binh đoàn cơ giới tách khỏi đội hình chung vòng qua Rangoon tiến tới một địa điểm cách hải cảng của thủ đô 40km về phía Đông Nam để từ đây đột kích vào thành phố. Trong khi đó, đại bộ phận binh lực vẫn từ phía Bắc tiến xuống. Ngày 2-5, Rangoon bị vây đánh từ cả phía Nam lẫn phía Bắc. Không còn đủ lực lượng để bảo vệ thành phố, tướng Nhật Koba gom góp được 10.000 tàn quân kháng cự một cách tuyệt vọng và bị đánh tan.
Ngày 3-5-1945 quân Đồng minh hoàn toàn làm chủ Rangoon.
Quân đoàn 28 Nhật rút khỏi Arakan dự định vượt qua đèo Arakan Yoma tiến qua thành phố Prome về phía Đông để cứu ứng cho Rangoon. Nhung một cánh quân Đồng minh xuất phát từ Myeda đã đánh chiếm Prome ngày 4-5 và một cánh quân khác vừa chiến thắng ở Rangoon cũng tiến sang đây để cùng chặn địch. Không còn đường thoát, lại bị tập đoàn quân 15 Anh-Ấn từ Arakan đuổi đánh sau lưng, quân đoàn 28 Nhật bị vây chặt trong vùng Padaung và bị tiêu diệt dần.
Đại bộ phận lãnh thổ Miến Điện với hầu hết các đô thị trọng yếu đã trở về tay Đồng minh vào đầu tháng 5 khi mùa mưa bắt đầu. Cuộc phản công giành lại Miến Điện của Đồng minh căn bản đã kết thúc, nhưng những gì còn lại của các tập đoàn quân Nhật đã bị đánh tan vẫn còn tiếp tục kháng cự.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #219 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:43:04 am »

* Tàn cuộc trong mưa lũ

Cuối tháng 5-1945, quân Nhật bị quét sạch khỏi vùng đồng bằng sông Irrawady, nhưng tàn quân Nhật ở Miến Điện vẫn còn tới 75.000 người được vũ trang khá đầy đủ và tinh thần chiến đấu cao. Nếu lấy sông Sittang chảy dọc theo hướng Bắc Nam làm mốc phân chia, thì ở phía Tây sông này quân Nhật còn 26.000 người bị vây trong 2 túi quân không liên lạc được với nhau: túi thứ nhất gồm 17.000 quân bị vây ở Padaung gần Arakan, còn túi thứ hai là 9.000 quân ở vùng đất giữa sông Sittang và sông Irrawady, đoạn giữa Thiyatmyo - Puinmana ở phía Bắc và Pegu - Myitkyo ở phía Nam. Tại phía Đông, 49.000 quân Nhật vẫn giữ 2 phòng tuyến ở đây. Kế hoạch của Nhật là cố phá vòng vây cho 2 túi quân ở phía Tây chạy thoát sang phía Đông để cùng các lực lượng ở đây rút sang Thái Lan. Còn Đồng minh thì chủ trương trước hết tiêu diệt hai túi quân địch ở phía Tây, đồng thời không để cho số quân Nhật ở phía Đông rút chạy. Tiếp đó sẽ thanh toán nốt số quân ở phía Đông này.
Lúc bấy giờ, gió mùa thổi mạnh đưa mùa mưa đến, nước sông chảy xiết và dâng lên như lụt lớn, bùn lầy nước đọng khắp nơi. Khi ngớt mưa thì lại nắng cháy như xát vào mặt. Các lực lượng trọng pháo và thiết giáp không thể vận dụng có hiệu quả, không quân cũng ít khả năng hoạt động làm cho quân Đồng minh không thể tiến binh như ý muốn.
Lợi dụng tình hình đó, quân nhật ở phía Tây quyết đánh để phá vòng vây. Nhiều trận đánh kịch liệt đã diễn ra suốt trong tháng 6 và đầu tháng 7. Nhiều lần, quân hai bên giao chiến đã phải lội trong nước lụt sâu đến tận cổ. Quân Nhật kết bè bằng tre nứa để tiến đánh quân Anh và vượt sông Sittang, nhưng phương tiện thủy chiến" này thường bị dòng nước xiết của sông Sittang cuốn chìm hoặc phá vỡ. Chúng cũng thường bị máy bay và trọng pháo của Đồng minh bắn phá tan nát.
Từ ngày 14-7, Đồng minh đã điều động một lực lượng rất lớn của quân Anh - Ấn tấn công quyết liệt vào hai túi quân Nhật bị vây. Không quân Đồng minh oanh tạc ngày đêm, vòng vây xiết chặt dần, quân Nhật thiệt hại rất nặng nhưng không đầu hàng.
Trước tình thế tuyệt vọng của đồng đội mình ở phía Tây, cụm quân Nhật ở phía Đông lặng lẽ băng qua vùng núi Poun Loung tức cao nguyên Shan, chia làm 3 đường rút sang Thái Lan.
Đầu tháng 8, Bộ Tư lệnh Đồng minh tuyên bố đã tiêu diệt hoàn toàn hai túi quân Nhật ở phía Tây sông Sittang với 10.500 tên bị giết và 700 bị bắt làm tù binh. Số còn lại tản mát vào rừng núi và một số ít trong đó cũng trốn được sang Thái.
Cuộc phản công ở Miến Điện chấm dứt, Bộ Tư lệnh Đồng minh thành lập thêm tập đoàn quân 12 Anh - Miến trên cơ sở quân đội Quốc gia Miến và các lực lượng chống phát xít ở Miến Điện để chuẩn bị cho các chiến dịch tấn công ở Mã Lai và Singapore. Nhưng các cuộc tấn công này đã không diễn ra vì chiến tranh kết thúc.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM