Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 03:24:19 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương 1941-1945  (Đọc 169895 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #180 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 12:28:47 am »

Gần trưa hôm đó, đoàn chiến hạm chỉ còn 15 chiếc đủ khả năng chiến đấu của Kurita đến ngưỡng cửa vịnh Leyte. Ông bỗng nhận được tin, có lẽ do máy bay trinh sát Nhật đánh đi, báo rằng một hạm đội tàu sân bay địch hiện đang ở cách cửa vịnh Leyte 113 dặm về phía bắc. Lúc 11 giờ 40 ông lại được tin có nhiều hạm tàu địch từ trong vịnh Leyte tiến ra. Kurita trở nên lưỡng lự. Ông đoán rằng đoàn tàu đổ bộ Mĩ đã chuyển hết số vũ khí quân trang quân dụng lên bờ, nay bắt đầu quay trở về Hơn nữa, qua bức điện nhận được từ chiếc khu trục hạm Shigure còn sống sót của phân hạm đội Nishimura, ông biết lực lượng yểm trợ của không quân và hải quân Mĩ ở đây rất mạnh, có khả năng tiêu diệt cả lục lượng của ông. Phải hi sinh Lực lượng đột kích thứ nhất để đánh chìm những tàu vận tải trống rỗng là điều khó chấp nhận. Ngược lại, nếu tìm được đoàn tàu sân bay địch, thì với sự trợ giúp của không quân trên mặt đất (ông vẫn tin rằng lực lượng này còn tồn tại), Kurita sẽ giáng cho địch một đòn quyết định.
Sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, lúc 12 giờ 35 phút Kurita hạ lệnh cho đoàn chiến hạm của ông quay về phía Bắc để tìm diệt các tàu sân bay Mĩ.
Thật ra, phó đô đốc Kurita đã đi một nước cờ sai.
Vì không nhận được bức điện của Ozawa nên Kurita không biết rằng hạm đội Cơ động Nhật đã thu hút đoàn tàu sân bay chủ lực của Lực lượng đặc nhiệm 38 thuộc hạm đội thứ 3 Hoa Kỳ đi quá xa về phía Bắc. Do đó, nếu buổi sáng ông đã lầm tưởng mình giao chiến với các tàu sân bay chủ lục của Halsey, thì giờ dây ông lại tưởng lầm rằng mình đã nắm được vị trí của các tàu sân bay đó. Bởi thế, ông đã rời bỏ vịnh Leyte để đuổi theo một mục tiêu mơ hồ không phải như ông tưởng.
Theo đuổi mục tiêu đó, Kurita đã bỏ lỡ cơ hội có thể lọt vào vịnh Leyte. Bởi vì, sau khi đã tiêu diệt phân hạm đội Nishimura, chủ lục của hạm đội thứ 7 Mĩ lúc đó vẫn còn tập trung ở gần eo biển Surigao, phía nam vịnh Leyte, mà không phòng ngừa một cuộc đột nhập vào vịnh từ phía bắc. Nghĩa là Lực lượng Đột kích của Kurita có thể tiêu diệt xong đoàn tàu đổ bộ Mĩ trong vịnh rồi mới phải quay ra đối phó với hạm đội thứ 7 Hoa Kỳ. Vả chăng hạm đội này cũng không quá mạnh: trong số 6 thiết giáp hạm của Oldendorf thì 5 chiếc là những tàu cũ từng bị đánh đắm hoặc bị trọng thương ở Trân Châu Cảng, mới được trục vớt lên và sửa chữa lại.
Người Nhật sẽ còn phải than tiếc khi biết rằng đoàn tàu đổ bộ Mĩ ở vịnh Leyte lúc bấy giờ vẫn chưa chuyển hết số vũ khí quân trang lên bờ. Trong số đó có 23 tàu đổ bộ LST chở xe tăng, 28 tàu vận tải cỡ 22.000 tấn chở các vỉ sắt lót đường băng và các vật liệu khác để lập sân bay dã chiến. Nếu số tàu này bị đánh chìm thì - như tướng Mac Arthur đã thừa nhận - đạo quân Mĩ đã đổ bộ sẽ "bị đặt vào tình thế nguy hiểm".
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #181 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 12:29:25 am »

* Số phận của hạm đội Cơ động Nhật

Ngay buổi sáng 25-10, 3 máy bay trinh sát của Lực lượng  đặc nhiệm 38 Mĩ đã phát hiện được hạm đội Cơ động Nhật. Đúng 8 giờ, đô đốc Halsey mở đợt tấn công đầu tiên bằng 180  máy bay, kể cả oanh tạc cơ và chiến đấu cơ. Ozawa tung hết số chiến đấu cơ ít ỏi của mình lên ngăn chặn, nhưng bị bắn rơi hết xuống biển. Ngay từ những phút đầu tiên, tàu sân bay nhẹ Chitose trúng ngư lôi, chìm. Rồi một trái bom nổ phá tan buồng máy khu trục hạm Akizuki. Một ngư lôi khác trúng tàu sân bay nặng Zuikaku đồng thời cũng là kì hạm.
Qua đợt thứ hai, tàu sân bay nhẹ Chiyoda bị đánh cháy, đồng thời chiếc Zuikaku bị đánh trọng thương. Nếu trong trận chiến gần quần đảo Marianas, phó đô đốc Ozawa chỉ chịu rời kì hạm Taiho khi bị ép buộc, vì còn mong chết theo nó; thì lần này, ông ta rời kì hạm Zuikaku một cách nhẹ nhàng, vì đã làm xong việc hi sinh cho Lực lượng Đột kích thứ nhất đi vào Leyte.
Đợt tấn công thứ ba, gồm 100 máy bay, nhằm vào 2 tàu sân bay Zuikaku và Zuiho. Lúc 1 giờ trưa, chiếc Zuiho hốc cháy; còn chiếc Zuikaku, vốn đã bị đợt hai đánh trúng, đợt ba lại đánh bồi thêm mà mãi đến 2 giờ chiều mới chìm.
Đợt 4, máy bay Mĩ tập trung vào tàu sân bay cải tiến Ise và đánh chìm chiếc Zuiho.
Cuối cùng, hầu hết chiến hạm thuộc hạm đội Cơ động chìm dưới đáy biển. Một sự hi sinh vô ích, vì phó đô đốc Kurita không hoàn tất nhiệm vụ đánh chìm tàu tiếp vận đang xuống hàng ở vịnh Leyte.
Chỉ 10 phút sau khi Kurita ra lệnh rời vịnh Leyte quay về phía Bắc, 70 máy bay vẫn xuất phát từ các tàu sân bay hộ tống cỡ nhỏ của Spraque như lúc sáng, lại tiến công đoàn tàu của Kurita, đánh bị thương hai chiến hạm. Tiếp đó, thêm 147 máy bay thuộc phân đội tàu sân bay thứ tư của đô đốc Halsey để lại ở vùng này, đến tấn công nhưng không hiệu quả. Các đợt tiến công này làm Kurita càng thêm tin chắc rằng đoàn tàu sân bay chủ lực của Halsey đang ở rất gần ông. Nhưng vì thiếu máy bay trinh sát nên Kurita không sao phát hiện được các tàu sân bay Mĩ. Đến 6 giờ tối, khi không còn đủ nhiên liệu để tiếp tục truy lùng, Kurita đành hạ lệnh thẳng tiến tới eo San Bemardino để trở về căn cứ. Trên đường về, Lực lượng Đột kích thứ nhất còn bị không quân Hoa Kỳ đuổi theo oanh tạc ráo riết, đánh đắm 1 thiết giáp hạm và 2 tuần dương hạm ở gần biển Sibyan.
Trong các trận hải chiến quanh quần đảo Philippines từ sáng 22 đến sáng 26-10, hải quân Mĩ chỉ bị thiệt hại nhẹ: 1 tàu sân bay nhẹ, 2 tàu sân bay hộ tống cỡ nhỏ và 3 khu trục hạm bị đánh chìm. 1 tàu sân bay nhỏ và 1 khu trục hạm bị thương. Mục tiêu của Nhật là hủy diệt đoàn tàu đổ bộ Mĩ đã không đạt được.
Ngược lại, phía Nhật đã tổn thất rất nặng: 1 tàu sân bay nặng, 3 tàu sân bay nhẹ, 3 thiết giáp hạm, 6 tuần dương hạm nạng, 3 tuần dương hạm nhẹ và 10 khu trục hạm bị đánh đắm. Hàng chục hạm tàu khác bị thương. Như vậy, hải quân Nhật đã mất hầu hết số tàu sân bay, phần lớn số thiết giáp hạm và tuần dương hạm nặng. Sau 4 ngày chiến đấu, Nhật mất 300.000 tấn trọng tải tàu, bằng 1/4 tổng khối lượng tàu Nhật bị chìm kể từ đầu chiến tranh. Tổn thất không thể bù đắp này làm cho hải quân Hoàng gia suy yếu đến mức chỉ còn đóng vai trò thứ yếu trong giai đoạn còn lại của chiến tranh.
Người Nhật muốn có một "Trận đánh quyết định" ở Philippines, họ đã được toại nguyện, nhưng với thất bại chiến lược thuộc về phía Nhật. Kèm theo đó là một thất bại chiến thuật: lục quân Nhật ở Philippines hết hi vọng ở sự trợ giúp của hải quân, tướng Yamashita phải tự lo liệu lấy.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #182 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 12:30:02 am »

KỊCH CHIẾN TRÊN ĐẢO LEYTE

* Từ Cebu đến Leyte

Chưa đầy 2 tuần sau ngày đổ bộ, quân Mĩ tiến rất nhanh và đã chiếm phần lớn đảo Leyte, chỉ còn một dải núi non và bờ biển hẹp phía Bắc và Tây Bắc đảo vẫn do sư đoàn 16 Nhận của tướng Makino trấn giữ. Quân Mĩ tiếp tục băng qua núi tiến về phía thung lũng sông Ormoc để thanh toán phần còn lại này. Ngày 25-10, khi các trận hải chiến đang diễn ra ác liệt, quân Hoa Kỳ lại đổ bộ lên đảo Samar phía Đông Bắc Leyte. Tại đây du kích Phihppines đã giúp đỡ rất nhiều cho đạo quân đổ bộ, và cùng với quân Mĩ đánh chiếm thủ phủ đảo này là Catbalogan. Thế là một chiếc cầu nối giữa Leyte với Luzon đã bị cắt đứt. Thất bại của hải quân Hoàng gia lại làm cho quân Nhật càng thêm nguy khốn.
Tại Bộ tư lệnh chiến trường Nam Phihppines, vì giao thông cách trở và hệ thống liên lạc chưa hoàn toàn hồi phục sau cơn bão, tướng Sosaku Suzuki không được thông tin đầy đủ tình hình và diễn biến chiến sự ở Leyte mà ông trực tiếp chỉ đạo.
Ngày 25-10, không thấy một máy bay Mĩ nào trên bầu trời Cebu, ông càng tin chắc rằng không quân địch đã bị đòn nặng ở Đài Loan và các nơi khác như đài phát thanh Tokyo đã thông báo. Buổi trưa, lại được tin Lực lượng Đột kích thứ nhất của hải quân đã đánh chìm một số tàu sân bay Mĩ ở ngoài khơi đảo Samar, rồi đến tin Kurita tiến về phía vịnh Leyte để hủy diệt đoàn tàu đổ bộ Mĩ, Suzuki mỗi lúc một thêm phấn khởi. Ông nói với tham mưu trưởng của mình là thiếu tướng Yoshiharu Tomochika: "Chúng ta đang bước vào vị trí trung tâm của một bước ngoặt trọng đại. Thật không còn có trách nhiệm và vinh dự nào lớn hơn nữa". Nhưng rồi từ đó, ngoài những báo cáo rời rạc về việc quân Mĩ đang đẩy mạnh tấn công ở phía Bắc Leyte, ông không được thêm tin gì nữa.
Trưa ngày 29 tháng 10, thiếu tá Shigeharu Asaeda, sĩ quan hành quân của tướng Yamashita từ Manila đến báo tin 2 sư đoàn tinh nhuệ của lục quân Nhật là sư đoàn 1 và sư đoàn 26 tăng viện cho Leyte sắp đến. Asaeda cũng không giúp cho Suzuki soi sáng thêm nhũng mảng đen tối của tình hình, vì nghĩ rằng cứ để ông ta lạc quan với niềm tin tất thắng thì có lợi hơn. Asaeda truyền đạt lệnh trên cho Suzuki: dùng các lực lượng tăng viện này phản công ở Leyte chiếm lại thủ phủ Tacloban. Suzuki cử tướng Tomochika đến Leyte trước để đón viện binh ở cảng Ormoc. Sau đó, ông cùng bộ tham mưu cũng lên đường đến Leyte.
Ngày 1-11-1944, toàn thể sư đoàn 1 của Nhật gồm 11.000 quân xuống tàu từ Manila xuôi Nam. Đây là sư đoàn tinh nhuệ được thành lập vào năm 1874, từng tham gia các cuộc chiến tranh Hoa - Nhật, Nga - Nhật và thuộc bộ phận nòng cốt của đạo quân Quan Đông (Mãn Châu).
Mùa hè năm 44, nó rời Mãn Châu xuôi Nam đến Thượng Hải, được trang bị cho chiến trường xứ nóng và đưa về Philippines làm lực lượng tổng trù bị.
Ngày 2, sư đoàn bình yên đến cảng Ormoc phía Tây đảo Leyte. Tướng Tomochika, đại diện cho Suzuki đúng trên bờ đón họ. Sư đoàn trưởng, trung tướng Todasu Kataoka và ban tham mưu xuống đất nhận lệnh.
Sau khi chào hỏi xong, Tomochika đọc lệnh của Suzuki: "Sư đoàn 1 triển khai hành quân ngay theo quốc lộ 2, rời cảng Ormoc tiến về Luzon và Carigara, tập trung tại Đông Nam Carigara để chuẩn bị phản công chiếm lại Tacloban".
Sư đoàn trưởng Kataoka là một tướng kị binh. Trước tình hình xe cộ, người ngựa, đại pháo còn trên tàu chưa xuống kịp, ông ta ái ngại hỏi lại: "Nếu chúng tôi bị tiến công trước khi đến nơi đó thì sao?"
Tomochika đáp: "Việc ấy không bao giờ xảy ra, trung tướng cứ tiến hành theo kế hoạch soạn sẵn".
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #183 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 12:31:54 am »

* Trận chiến trên dãy đồi "Gẫy cổ"

Mười một ngàn quân vừa xuống đất xong, chờ vũ khí, xe pháo thì bất ngờ máy bay B.24 của Mĩ bay lại từng đoàn tấn công. Người thì không bị thiệt hại mấy nhưng vũ khí, quân trang bị đánh đắm rất nhiều. Tuy vậy sư đoàn vẫn lên đường hành quân theo đúng lệnh.
Sáng 3 tháng 11, đội tiền tiêu của sư đoàn, dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Yoshio Imada trên đường đến gần Cangara bỗng gặp quân Mĩ từ phía trước đi đến.
Hai bên đấu súng, quân Mĩ rút lui và quân của Imada cũng tạt vào những quả đồi phía Nam quốc lộ số 2.
Lát sau, tướng Kataoka đến đó để quan sát địa hình. Dải đồi này chế ngự Luzon, một làng ở nơi quốc lộ số 2 chạy ngoắt ngoéo chữ chi trên những sườn đồi gập ghềnh trước khi tiến tới bờ biển và cảng Cangara. Ông quyết định lập tuyến phòng thủ nơi đây để chặn địch. Đến đêm, phần lớn các đơn vị của sư đoàn, kể cả tiểu đoàn pháo chống tăng đã lần lượt chiếm lĩnh các vị trí đã định. Trên đường hành quân, họ đã bị máy bay Mĩ oanh tạc dữ dội. Riêng trung đoàn 57 của đại tá Yoshio Miyauchi đã có hơn 200 người thiệt mạng. Tuy vậy, họ nhanh chóng đào chiến hào, xây đắp công sự vững chắc.
Phía bên kia dải đồi là sư đoàn bộ binh 24 Mĩ đang trên đường tiến tới Ormoc thì gặp địch. Bộ chỉ huy Mỹ quyết định tấn công quét sạch số quân Nhật này trong 2 ngày để tiếp tục tiến.
Sáng 5 tháng 11, quân Mĩ mở đầu trận đánh bằng một trận mưa đại bác và súng cối dội vào các vị trí địch. Tiếp đó, bộ binh có xe tăng yểm trợ bắt đầu xung phong. So với sư đoàn 1 Nhật, sư đoàn 24 Mĩ có ưu thế về mọi mặt: quân số, trang bị, pháo binh và xe tăng. Trên trời chỉ có máy bay Mỹ mặc sức hoạt động trút bom và bắn phá các vị trí Nhật. Nhưng quân Nhật đối phó lại bằng sự khôn ngoan và tinh thần quyết tử. Họ lợi dụng địa hình địa vật, nấp kín trong công sự chờ địch đến gần mới bắn ra những loạt đạn chính xác, hạ gục bộ binh và xe tăng Mĩ. Khi cần, họ dùng lựu đạn và lưỡi lê đánh giáp lá cà Cứ thế, hết ngày này sang ngày khác, quân Nhật bẻ gãy các đợt tấn công của địch. Xác chết la hệt trên chiến trường đẫm máu mà người Mĩ gọi là dãy đồi "Gãy cổ". Một số đơn vị Nhật ở các vị trí tiền tiêu không được tiếp tế đã phải bắn chim, hái dừa và các loại quả rừng hoặc lục tìm thực phẩm trong ba lô của các xác lính Mĩ để sống, nhưng vẫn quyết chiến đấu đến cùng. Lẽ dĩ nhiên, để đứng vững được, tổn thất của quân Nhật còn cao hơn quân Mĩ nhiều.
Sự kháng cự quyết liệt của Nhật đã buộc tư lệnh Mĩ phải điều thêm một bộ phận của sư đoàn kị binh số 1 ở gần Carigara đến tăng viện cho sư đoàn 24.
Bên phía Nhật, các lục lượng tăng viện cũng tiếp tục đổ về Leyte. Ngày 10-10, toàn bộ sư đoàn 26 với quân số 12.000 và 1.000 quân khác đã lên bờ an toàn tại cảng Ormoc. Đã hiểu rõ tình hình thực tế ở đây, tướng Suzuki chưa vội tung số quân này ra chiến trường.
Sáng hôm sau, một đoàn tàu vận tải chở 10.000 quân nữa, được 3 khu trục hạm, 1 tàu vớt mìn và 1 tàu ngầm hộ tống lại tiến tới Ormoc. Nhưng chưa kịp vào tới cảng thì đoàn tàu đã bị 200 máy bay ném bom xuất phát từ các tàu sân bay của Lục lượng đặc nhiệm 38 Hoa Kỳ tấn công trên tiếp. Sau 2 giờ oanh tạc, cả đạo quân tương đương 1 sư đoàn và đoàn hạm tàu Nhật đã chìm dưới biển. Chỉ có chiếc tàu ngầm và tàu vớt mìn chạy thoát với một nhóm người sống sót bơi được vào bờ. Để giáng cho quân Nhật thảm họa nặng nề ấy, người Mĩ chỉ mất 9 máy bay.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #184 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 12:32:22 am »

Sự kiện trên chứng tỏ rằng con đường tiếp viện duy nhất cho Leyte bắt đầu bị cắt đứt, nghĩa là cuộc chiến ở Leyte đã trở nên tuyệt vọng. Tướng Yamashita khẩn thiết yêu cầu cho rút quân khỏi đảo này để kéo về phòng thủ Luzon. Nhưng nguyên soái Terauchi, chấp hành chỉ thị của Tokyo, buộc ông phải đánh đến cùng. Tiến thoái lưỡng nan, Yamashita cố tìm một giải pháp. Ngày 15-11, từ Manila ông điện về Leyte cho uống Suzuki: "Quân đoàn 35 (tức là toàn bộ các lực lượng của tướng Suzuki -TG) phải hết sức cố gắng tiêu diệt địch ở Leyte, hạn chế đến mức tối thiểu việc chúng xây dựng và sử dụng các sân bay ở đây. Nếu vì một lí do nào đó mà viện binh không được gửi tới nữa, thì Luzon sẽ trở thành chiến trường chính của các chiến dịch tương lai ở Philippines". Bức điện này khiến Yamashita bị Terauchi khiển trách nặng nề, nhưng đã tạo điều kiện cho tư lệnh quân đoàn 35 rộng đường xoay trở. Suzuki cũng hiểu rằng ông không cần phải tấn công để chiếm lại Tacloban nữa, để tập trung vào việc ngăn chặn và tiêu diệt dịch, không cho chúng tiến về Onnoc. Nhằm mục đích này, Suzuki hạ lệnh cho sư đoàn 1 phản công ở dãy đồi "Gãy cổ". Cuộc phản công sẽ giúp cho quân Nhật ở đây nới lỏng được vòng vây xiết chặt xung quanh họ , đồng thời buộc quân Mĩ phải chú trọng hơn đến việc phòng thủ, làm chậm buộc của chúng tiến về Omroc
Mặc dù sư đoàn của ông đã bị tổn thất rất nặng sau hơn 10 ngày giao tranh ác liệt, tướng Kataoka vẫn cố gắng chấp hành lệnh trên bằng cách cho trung đoàn 57 phản kích. Đêm đó trời tối đen như mục. Các binh sĩ được lệnh lấy lọ thủy tinh bỏ đom đóm vào mang sau túi đeo lưng để người đi sau theo được người đi trước. Chỉ để lại một bộ phận nhỏ giữ trận địa, phần lớn trung đoàn lặng lẽ tiến về phía địch. Sau một trận đánh giáp lá cà chớp nhoáng, họ lọt vào hậu cứ quân Mĩ và tiếp tục hành quân nơi đây, gây rối loạn trong hàng ngũ địch.
Sau cùng, họ lại quay về vị trí cũ, đúng như kế hoạch đã định. Kiểm điểm lại quân số, trung đoàn còn chưa tới 400 người. Sau cuộc phản kích, chiến sự có phần lắng dịu trong gần một tuần lễ. Trong thời gian này, người Mĩ lại điều thêm sư đoàn 32 mới đổ bộ lên Leyte đến tham chiến trên dãy đồi "Gãy cổ". Tương quan lực lượng quá chênh lệch khiến quân Nhật không còn khả năng giữ vững trận địa. Ngày 23-11 trung đoàn 128 thuộc sư đoàn bộ binh 32 Hoa Kỳ bẻ gãy phòng tuyến Nhật và tiến vào Limon: trận đánh trên dãy đồi "Gãy cổ" kết thúc.
Tướng Kataoka ra lệnh cho sư đoàn 1 trụ lại ở phía dưới Limon, gần quốc lộ số 2. Khi đến một khe suối ở đây, Kataoka đã phải chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng. Hàng nghìn xác quân Nhật, trương phềnh và thối rữa, nổi bập bềnh và phủ kín hai bên bờ. Đây chính là một "Thung lũng tử thần" mà pháo binh và không quân Mĩ, với một độ chính xác chết người, đã chặn đánh những toán quân Nhật chuyển từ phía sau lên các điểm tiền tiêu của mặt trận. Ông cho quân lùi sâu vào rừng rậm ở phía đông đường quốc lộ.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #185 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 12:32:51 am »

* "Chiến dịch WA”

Sau thất bại trên, tình hình quân Nhật ở Leyte trở nên tuyệt vọng. Sư đoàn 1 đã mất hơn ba phần tư lực lượng, vẫn phải chiến đấu để chặn đường quân Mĩ tiến về Ormoc. Sư đoàn 16 của tướng Makino chỉ còn một số đơn vị trụ lại được ở dải núi phía tây Dagami, phần còn lại đã tan rã thành những toán quân rời rạc ẩn náu trong rừng núi sau lưng địch, mà nhiệm vụ chính chỉ là tìm kiếm thức ăn để tự nuôi sống mình. Vì đã lâu không được tiếp tế, họ đã phải ăn củ rừng, ếch nhái, ốc, rắn, thằn lằn... Chỉ còn độc nhất sư đoàn 26 chưa sứt mẻ, tướng Suzuki buộc phải điều thêm sư đoàn 102 từ Cebu đến Leyte. Nhưng khi sư đoàn này còn chưa đến, Suzuki đã nhận được lệnh từ Manila gửi đến: tiến hành "Chiến dịch WA" nhằm tiêu diệt 3 sân bay đã chiến Mĩ vừa thành lập ở một làng cách Dulag 10 dạm về phía tây. Căn cứ không quân này chẳng những uy hiếp nghiêm trọng toàn bộ chiến trường Philippines, mà còn đe dọa tuyến đường giao thông giữa Nhật Bản với Mã Lai và quần đảo Indonesia. Thời hạn tấn công được quy định là rạng sáng ngày 6-12.
Tướng Suzuki quyết định dùng sư đoàn 26 làm lực lượng tấn công chủ yếu, có sự phối hợp của các toán quân thuộc sư đoàn 16 ở gần các sân bay nói trên và của quân nhảy dù từ Manila đến.
Để lại một tiểu đoàn phòng vệ tại Onnoc, sư đoàn 26 vượt núi băng rừng tiến về phía Dulag. Nhận thấy sư đoàn này khó bảo đảm được kế hoạch về thời gian, Suzuki điện về Manila xin lùi thời điểm tấn công lại 2 ngày, nhưng không được tướng Yamashita chấp thuận. Song, do thời tiết diễn biến xấu, Yamashita đã cho lùi lại một ngày. Rạng sáng ngày 6-12, vì không nhận được lệnh triển hoãn trên, 300 quân thuộc sư đoàn 16 đã tiến chiếm một sân bay.
Họ dùng lưỡi lê đâm chết các lính gác và số nhân viên kĩ thuật Mỹ ở đây. Họ chỉ gặp sức kháng cự tại một nhà bếp, nơi một lính đầu bếp Hoa Kỳ đã đổi mạng với 5 lính Nhật khi những người này đang tận thu chiến lợi phẩm. Quân Nhật chiếm giữ sân bay trong nhiều giơ, nhưng vì không có quân tăng viện, lại phải rút vào rừng để trú ẩn như trước.
Trưa hôm đó, 700 lính thuộc trung đoàn dù số 3 tham gia chiến dịch này mới xuất phát từ sân bay Manila bằng 2 đợt hành quân: Rạng sáng ngày 7, đoàn máy bay vận tải 26 chiếc chở 356 lính dù thuộc đợt đầu do trung tá Tsunchiro Shirai chỉ huy, được các chiến đấu cơ yểm trợ, đã bay đến Leyte. 4 chiếc bị lực lượng phòng không Mĩ bắn rơi nhưng cả đoàn còn lại vẫn đến được vùng trời phía tây Dulag. Cuộc nhảy dù bắt đầu lúc 6 giờ 40 phút trong mây mù dày đặc làm cho đa số binh lính nhảy xuống một nơi không đúng quy định, chỉ có 60 người cùng trung tá Shirai đến đúng mục tiêu. Ông đành dẫn số quân ít ỏi của mình vào rừng tìm gặp toán quân thuộc sư đoàn 16 ở đây để cùng chờ đón đợt nhảy dù thứ hai và sư đoàn 26 đến cùng hành động. Ông không biết rằng đợt 2 không cất cánh được vì thời tiết xấu, còn tiểu đoàn tiền tiêu của sư đoàn 26 đã đến gần, nhưng bị một tiểu đoàn Mĩ chặn đánh không sao tiến lên được.
Trong khi đó, toán quân nhảy dù lạc hướng lại phát hiện được một sân bay Mĩ. Họ nhanh chóng đánh đuổi quân canh giữ đốt phá các máy bay và các kho nhiên liệu đạn dược rồi tìm đường đến với chỉ huy của mình.
Sáng hôm sau, Shirai đã có trong tay gần 600 quân, gồm số lính nhảy dù đợt 1 đã đến đủ và toán quân của sư đoàn 16.
Với lực lượng này, ông đã đánh chiếm 1 sân bay địch nhưng lại bị 4 tiểu đoàn quân Mĩ kéo đến phản kích. Sau 3 ngày chiến đấu quyết liệt với lực lượng địch mạnh gấp bội, toán quân của trung tá Shirai bị thiệt hại nặng phải rút vào rùng núi, chấm dứt cuộc tấn công cuối cùng của Nhật ở Leyte.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #186 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 12:34:08 am »

* Tàn cuộc

Ngày 7-12, trong khi "chiến dịch WA" bắt đầu ở phía đông Leyte, thì ở phía Tây đảo, một phân hạm đội Mĩ chở trọn vẹn sư đoàn 77 bộ binh của thiếu tướng Andrew D.Bruce đã bất ngờ đổ bộ lên bờ biển vịnh Ormoc, cách thành phố cảng chỉ 4 dặm về phía nam. Đây là một đòn chí tử đối với quân Nhật trên đảo này vì Ormoc là hậu phương, là đầu mối tiếp tế, là nơi đặt Bộ tư lệnh dã chiến của tướng Suzuki mà lại hầu như không có quân phòng giữ. Quân đổ bộ đã đè bẹp sự kháng cự của một tiểu đoàn do Sư đoàn 26 Nhật để lại đây và nhanh chóng tiến về thành phố. Tướng Suzuki cấp báo về Manila, cho đại tá Mitsui đem hết số lính hậu cần trong thành phố về phía Nam chặn  địch trên một điểm cao, rồi ra lệnh cho sư đoàn 26 và những gì còn lại của sư đoàn 16 quay về giữ Ormoc. Tướng Yamashita cho ngay 500 quân nhảy dù xuống một sân bay cách Ormoc 8 dặm về phía bắc, đồng thời điều động nhiều lực lượng khác dùng đường biển đi tiếp cứu cho Suzuki.
Ngày 9, một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 30 Nhật đã đến Palompon, một hải cảng cách Ormoc 15 dặm về phía Tây theo đường chim bay nhưng phải mất 35 dặm hành quân theo đường núi. Trong khi đó, sư đoàn 77 Mĩ đã áp sát thành phố Ormoc.
Ngày 10-12, sau khi đập tan đám lính hậu cần dưới quyền đại tá Mitsui, quân của tướng Bruce tiến vào chiếm thành phố Ormoc. Tướng Suzuki rút vào rừng núi, tiếp tục tổ chức kháng cự.
Vì không biết rằng Ormoc đã bị quân Mĩ chiếm, sáng 11-12 một đoàn tàu gồm 5 hải vận hạm chở 3.000 quân tiếp viện thuộc sư đoàn 8 Nhật, được 3 khu trục hạm, 2 tàu ngầm và 30 chiến đấu cơ hộ tống đã đến đây. Đêm rạng ngày hôm sau lại thêm 2 khu trục hạm và 2 hải vận hạm chở 400 quân và 9 xe tăng lội nước tiến đến. Hầu hết số viện binh ấy đã bị pháo binh trên bờ biển và máy bay ném bom Mĩ tiêu diệt.
Trước tình thế nghiêm trọng ở Leyte, ngày 22-12 tướng Yamashita đã điện cho Suzuki, cho phép ông được quyền tự chọn nơi thích hợp cho việc tiếp tục chiến đấu. Bức điện đến tay Suzuki chậm 3 ngày, nhưng ông đã tự dành cho mình quyền quyết định từ trước, ông cho chuyển bộ tham mưu của mình đến palompon và dự định đưa quân về đây tiếp tục kháng cự. Nhưng ngày Giáng sinh năm đó, dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của pháo binh trên các chiến hạm, một tiểu đoàn tăng cường của sư đoàn 77 Mĩ đã đổ bộ đánh chiếm Palompon, hải cảng cuối cùng của đảo Leyte còn trong tay quân Nhật.
Chiều hôm đó, tướng Mac Arthur tuyên bố rằng, ngoại trừ một số cuộc truy quét tàn quân địch, "chiến trận ở Leyte coi như đã kết thúc".
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #187 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 10:28:40 pm »

Ngoài tướng Suzuki ra, người đau khổ nhất khi đảo Leyte thất thủ là thủ tướng Nhật Kuniaki Koiso. Ngày 8 tháng 11, ông đã tuyên bố trên đài phát thanh là Nhật sẽ thắng ở Leyte. Ông ta so sánh trận đánh Leyte như trận Teunozan năm 1582, trận đánh quyết định xem ai cầm quyền nước Nhật.
Giờ đây tin đảo Leyte thất thủ, Thiên hoàng hỏi:
- “Giờ đây Thủ tướng giải thích làm sao với nhân dân về vấn đề này?”
Thủ tướng Koiso ấp úng không trả lời được. ông hiểu rằng nội các của ông phải đổ nếu tình hình chiến tranh cứ tiếp diễn theo đà này.
Ở Leyte, tướng Suzuki vẫn chưa chịu bó tay. Ông ra lệnh cho những gì còn lại của quân Nhật trên đảo tập trung ở vùng núi rừng Canguipot gần bờ biển phía tây, cách Palompon 10 dặm về phía Bắc, biến nó thành pháo đài, cầm chân quân Mĩ càng lâu càng hay. Tất cả còn hơn 13 nghìn người, nhưng mỗi ngày hàng trăm quân Nhật chết vì bệnh và đói khiến ông phải suy nghĩ. Thế rồi một sự kiện chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử quân đội Nhật lại xảy ra ở đây. Đêm 29-12, Suzuki nhận được thư của trung tướng Shimpei Fukue, tư lệnh sư đoàn 102, báo cho biết là ông ta không thấy lợi ích gì khi đưa quân đến “cái bẫy sập Canpuigot này”. Ông ta sẽ dùng ghe buồm đưa quân về đảo Cebu có lợi hơn. Đó là một trường hợp đào ngũ tập thể rõ rệt. Nhưng khi Suzuki ra lệnh cho Fukue về trình diện Bộ tư lệnh quân đoàn, ông ta trả lời: "Bận xúc tiến cuộc chuẩn bị thuyền bè để chuyển quân". Nhưng ngay trong đêm 30, phần lớn số thuyền bè ấy đã bị máy bay Mĩ đánh tan. Rốt cuộc, chỉ có tướng Fukue với tham mưu trưởng của ông ta và đoàn tùy tùng vượt biển trong ngày đầu năm mới và về đến Cebu.
Sự kiện trên tác động đến Suzuki rất nhiều. Cuối cùng, ông quyết định cho tất cả rời Leyte về Cebu. Quyết định này không phù hợp với truyền thống võ sĩ đạo, nhưng không trái lệnh của tướng Yamashita. Trước lúc rạng đông ngày 13-1-1945, các tướng Suzuki, Tomochika, Kataoka cùng toàn thể sư đoàn 1 lúc ấy chỉ còn vỏn vẹn 743 người xuống thuyền ra đi chuyến đầu (1). Nhưng trong số gần 12.000 quân còn lại, không ai kịp đi chuyến thứ hai, kể cả tướng Makino. Quân Mĩ ập đến vây kín bốn bề và số phận của đám quân Nhật ở Canpuigot đã được định đoạt: chết đói, chết bệnh, thết vì bom đạn và cuối cùng là sa vào tay địch.
Thế là chiến trận Leyte chấm dứt. Lục quân Nhật bị xóa sổ một quân đoàn tinh nhuệ, 70.000 quân Nhật đã tham chiến ở đây để chống lại 250.000 quân Mĩ được trang bị tốt hơn. 3.500 binh lính và sĩ quan Mĩ đã bị giết và hơn 12.000 người khác bị thương, nhưng chỉ có khoảng 5.000 quân Nhật còn sống sót để có thể nhìn lại quê hương.
Quả thực, Leyte là một trận đánh quyết định, nhưng phần thắng lại thuộc về Hoa Kỳ

(1) Một tuần sau, đoàn thuyền của tướng Suzuki về đến Cebu thì quân Mỹ đã chiếm đảo này. Ông lại đưa cả đoàn vượt biển về Mindanao, nơi vẫn còn 2 sư đoàn thuộc quân đoàn 35 của ông. Giữa đường, phần lớn các thuyền bị nước cuốn chìm, chỉ có thuyền của tướng Tomochika là đến đích. Ngày 16-4, thuyền của Suzuki bi máy bay Mỹ bắn. Ông tuyệt vọng rút gươm mổ bụng tự sát ngay trên thuyền.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #188 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 10:31:38 pm »

CHIẾN SỰ Ở LUZON

Khi cuộc chiến ở Leyte gần tàn, tướng Mac Arthur đã cho quân tiến về phía Luzon, đảo lớn nhất và quan trọng nhất của Phihppines, nằm ở phía Bắc quần đảo.
Sáng ngày 15-12-1944, một lực lượng gồm 2 chiến đoàn đã đổ bộ lên Mindoro, một đảo kế cận phía nam Luzon. Chỉ có khoảng 1.000 quân Nhật phòng thủ Mindoro nhưng quân sĩ cũng phải mất hơn 3 tuần giao tranh mới chiếm được đảo này, thiết lập sân bay trên một đảo nhỏ nằm giữa Luzon và Mindoro.
Cũng trong khoảng thời gian từ cuối tháng 12-1944 sang đầu tháng 1-1945, quân Mĩ đã chiếm phần lớn đảo Cebu, phần lớn Negros, hầu hết các đảo trong nhóm đảo Sulu. Quân Mĩ hành quân phối hợp với du kích Philippines cũng đã chiếm được một vùng ở phía Đông đảo Mindanao.
Như vậy số phận quân Nhật ở Philippines hoàn toàn tùy thuộc vào sự kháng cự của đảo Luzon.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #189 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 10:32:16 pm »

* Đổ bộ ở Lingayen

Hầu hết các lực lượng đã tham gia cuộc đổ bộ ở Leyte, giờ đây lại thực hiện nhiệm vụ đó ở Luzon.
Ngày 5-1, đoàn chiến hạm của chuẩn đô đốc Jesse Oldendorf thuộc hạm đội thứ 7 Hoa Kỳ bắt đầu dùng máy bay và hải pháo oanh tạc dữ dội các căn cứ quân sự và vị trí quan trọng của Nhật ở Luzon suốt 3 ngày đêm. Trong khi đó, đoàn tàu đổ bộ khổng lồ chở tập đoàn quân 6 của trung tướng Walter Krueger, gồm các sư đoàn của quân đoàn 1 và quân đoàn 14 khởi hành từ Leyte băng qua biển Mindanao, biển Sulu, tiến về phía Bắc ra Biển Đông (Nam Hải) rồi ngoặt về bờ biển phía Tây đảo Luzon tiến tới vịnh Lingayen. Hành trình dài hơn 1.000 km mà không bị tổn thất gì.
Ngày 9-1-1945, tập đoàn quân 6 Hoa Kỳ đã đổ bộ lên bờ vịnh Lingayen, đúng nơi người Nhật đổ bộ 3 năm về trước. Đến hôm sau, quân Mĩ đã chiếm được 25 km bờ biển với cả sân bay Lingayen có đường băng trải nhựa đường, thiết lập 4 đầu cầu vững chắc mà không gặp phản ứng từ phía Nhật. Thậm chí một số tướng lãnh nghĩ rằng họ đã rơi vào một cái bẫy nào đó của địch.
Ngày 11, quân Mĩ đã liên kết 4 đầu cầu thành một căn cứ kiên cố và bắt đầu hành quân về phía Nam, hướng tới thủ đô Manila. Họ chỉ gặp sự kháng cự của nhũng đơn vị lẻ tẻ của quân Nhật.
Trong suốt một tuần lễ, quân đoàn 14 ở cánh phải đổ bộ đầy đủ và tiến sâu 35km, chỉ mất có 30 người.
Cánh trái do quân đoàn 1 đảm nhiệm tiến sâu 25km với số thương vong là 220 người.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM