Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 09:11:33 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương 1941-1945  (Đọc 169651 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #110 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 01:15:40 am »

Những tư tưởng chỉ đạo của Yamamoto được trao cho đại tá Kameto Kuroshima, một sĩ quan tham mưu đầy sáng kiến táo bạo, viết thành kế hoạch cụ thể. Hơn 200 hạm tàu các loại được huy động cho chiến dịch khổng lồ này. Ngoài hạm đội Liên hợp là lực lượng chủ yếu sẽ xuất phát từ căn cứ của nó ở tỉnh Hashirajima thuộc biển Nội Hải, một số lực lượng khác được điều động từ những nơi cách xa nhau hàng nghìn dặm để cùng tiến đến Midway.
Lực lượng hành quân được bố trí theo trình tự như sau:
- Lực lượng đột kích Midway bằng tàu sân bay của hạm đội Liên hợp do phó đô đốc Chuichi Nagumo làm tư lệnh và phó đô đốc Ryunosuke Kusaka làm tham mưu trưởng, gồm có 4 tàu sân bay (kì hạm Akagi, Kaga, Soryu và Hiryo, 2 thiết giáp hạm, 4 tuần dương hạm, 11 khu trục hạm. Đây là lực lượng đi đầu để giáng đòn chủ yếu.
- Lực lượng đổ bộ để chiếm đóng Midway đi tiếp theo, gồm 12 hải vận hạm chở theo 5.000 lính đổ bộ, có 4 tuần dương hạm nặng, 1 tuần dương hạm nhẹ đi hộ tống cùng 1 tàu chở dầu.
- Đi sau và cách xa hai lực lượng trên khoảng 500 hải lí là bộ phận còn lại của hạm đội Liên hợp gồm hàng chục tuần dương hạm, hàng chục khu trục hạm, hai tàu sân bay nhẹ và những thiết giáp hạm hùng mạnh nhất của Nhật Bản. Dẫn đầu bộ phận này là "Lực lượng xâm nhập Midway" của phó đô đốc Nobutake Kondo có nhiệm vụ phối hợp và yểm trợ cho lực lượng đổ bộ khi cần. Trên kì hạm mới của hạm đội là thiết giáp hạm lớn nhất thế giới có trọng tải 63.000 tấn mang tên Yamato (tên cũ của nước Nhật), đô đốc tư lệnh hạm đội Liên hợp Isoroku Yamamoto và bộ tham mưu của ông đi với 34 chiến hạm sau cùng.
Để phối hợp với cuộc tiến công Midway đồng thời đánh lạc hướng sự chú ý của địch, một lực lượng hải quân với hạt nhân là hai tàu sân bay nhẹ Ruyjo và Junyo dưới quyền chỉ huy của phó đô đốc Nosagaia Kakuta sẽ đổ bộ đánh chiếm quần đảo Aleutian cách Midway 3.000km về phía Bắc.
Như vậy tổng số lực lượng Nhật Bản huy động trong chiến dịch này là 8 tàu sân bay, 11 thiết giáp hạm, 23 tuần dương hạm, 65 khu trục hạm, 21 tàu ngầm. Ngoài ra còn khoảng 90 tàu khác để phục vụ cho các chiến hạm nói trên. Tổng số máy bay tham dự lên đến gần 400 chiếc, trong đó riêng lực lượng đột kích của Nagumo có 261 chiếc bao gồm 84 chiến đấu cơ Zéro, 84 máy bay ném bom bổ nhào và 93 máy bay phóng ngư lôi. Đây là đợt ra quân lớn nhất trong toàn bộ lịch sử hải quân Nhật Bản nhằm giành một thắng lợi quyết định cho cuộc chiến tranh.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #111 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 01:16:41 am »

Kế hoạch đã vạch rõ: Lực lượng đột kích của Nagumo có nhiệm vụ quét sạch quân Mĩ ở Midway đồng thời tiêu diệt hạm đội Mĩ ở đây nếu chúng kéo đến. Tiếp đó, lực lượng đổ bộ sẽ đổ quân chiếm đóng đảo, xây dựng căn cứ không quân tại đây. Máy bay Nhật ở Midway sẽ làm nhiệm vụ "săn mồi" để đánh chìm mọi tàu địch di chuyển từ đông sang tây bộ Thái Bình Dương, đem lại quyền khống chế đại dương này cho Nhật Bản.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi ngay trong cuộc họp cuối cùng của Bộ chỉ huy chiến dịch sáng 26-5. Phó đô đốc Kusaka tham mưu trưởng lực lượng đột kích hỏi: "Nếu phát hiện được hạm đội Mĩ, chúng tôi sẽ tấn công chúng hay vẫn tiến đánh Midway trước"? Phó đô đốc Matome Ugaki, tham mưu trưởng hạm đội Liên hợp và cũng là tham mưu trưởng chiến dịch quay về phía đô đốc Nagumo trả lời: "Các ngài ở tuyến đầu và các ngài có thể căn cứ vào tình hình cụ thể để lựa chọn giải pháp tốt nhất".
Phó đô đốc Kondo đề nghị lùi ngày hành quân lại để chuẩn bị kế hoạch cũng như diễn tập cho kĩ hơn; nhưng Ugaki cũng bác bỏ ý kiến này. Vì ngày 6-6 là đêm cuối cùng có trăng, cần thiết cho sự đổ bộ, nếu dời lại sẽ phải đợi cả tháng sau.
Một nhược điểm lớn khác do các sĩ quan của đội tàu sân bay nêu lên. Đó là sự yếu kém về nhận và phát tin của các tàu sân bay.
Cột ăng-ten các tàu sân bay không được quá cao để máy bay hạ cánh dễ dàng, nên khó bắt được điện của hạm đội địch đánh đi Họ muốn tận dụng cột ăng-ten cao nhất của chiếc Yamato để có thể phát hiện được địch dễ dàng hơn. Họ cũng băn khoăn về vấn đề “im lặng vô tuyến" trong hành quân, vì sợ rằng sẽ khó thông báo tình hình địch cho nhau nếu chiếc Yamato đi sau tới 500 hải lý.
Phó đô đốc Nagumo hỏi: "Nếu không yểm trợ cho các tàu sân bay, thì đoàn thiết giáp hạm sẽ làm nhiệm vụ gì trong cuộc hành quân này?" - Không có tiếng trả lời. Nhiều người đề nghị cho thiết giáp hạm Yamato đi theo đội tàu sân bay và đô đốc Yamamoto nên trực tiếp chỉ huy lực lượng đột kích. Nhưng ý kiến này cũng không được chấp thuận. Người ta hiểu rằng đô đốc Yamamoto muốn giữ nguyên một lục lượng dự bị lớn cho chiến dịch.
Hội nghị kết thúc và kế hoạch chiến dịch Midway chính thức có hiệu lực. Thời điểm tấn công đã được xác định: rạng ngày 4-6 giờ Midway, tức 5-6 giờ Tokyo.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #112 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 01:17:18 am »

6 giờ sáng ngày 27-5, Lực lượng đột kích của Nagumo nhổ neo rời căn cứ Hashirajima trên biển Nội Hải lên đường.
Ngày 28, Lực lượng đánh chiếm quần đảo Aleutian khởi hành từ căn cứ của nó ở cực Bắc đảo Kyushu. Nó sẽ phải tấn công sớm một ngày để thu hút sự chú ý của địch về phía đó.
Cùng ngày hôm đó, xa tít về phía Nam, Lục lượng đổ bộ để chiếm đóng Midway xuất phát từ đảo Saipan thuộc quần đảo Marianas cũng lên đường để bắt kịp đoàn tàu của Nagumo.
Sáng sớm ngày 29, bộ phận còn lại của hạm đội Liên hợp rời căn cứ trên biển Nội Hải và hành quân theo đúng con đường mà Nagumo đã đi qua 48 giờ trước.
Ngày 30-5, đang trên đường hành quân, đô đốc Yamamoto nhận được những tin tức đáng lo ngại dưới đây.
Theo đúng kế hoạch, 2 chiếc thủy phi cơ (loại 4 động cơ) Nhật, từ đảo Kwajalein thuộc quần đảo Marshalls bay đi Trân Châu Cảng để tìm các tàu sân bay Mĩ. Trước khi bay đến Oahu, chúng phải đáp xuống bên bờ đảo san hô French Frigate để được tàu ngầm Nhật I.123 đợi sẵn ở đây tiếp tế nhiên liệu. Nhưng khi đến nơi quy định, thay vì gặp tàu ngầm đó, các phi công Nhật lại trông thấy một tàu Mĩ đang tiếp dầu cho 2 thủy phi cơ Hoa Kỳ. Thế tức là Mĩ đã bất ngờ chiếm đảo này và kế hoạch trinh sát hạm đội Hoa Kỳ của 2 thủy phi cơ Nhật đành hủy bỏ.
Cùng thời gian trên, một đoàn gồm 7 tàu ngầm Nhật được lệnh làm thành một hàng rào án ngữ giữa Midway và Oahu để ngăn chặn các tàu sân bay Mĩ tiến từ Trân Châu Cảng về Midway. Không hiểu vì lí do gì mà các tàu ngầm đó đã không đến đúng vị trí quy định, và dĩ nhiên chúng không phát hiện được các tàu chiến Mĩ (1).

(1) Sau chiến tranh, người ta mới biết rằng một sự nhầm lẫn về in ấn trong mệnh lệnh gửi cho thuyền trưởng các tàu ngầm đã làm cho họ dẫn đoàn tàu đi nơi khác
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #113 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 01:17:41 am »

Trong khi đó, chiếc tàu ngầm Nhật I.168 làm nhiệm vụ do thám quanh Midway đã phát hiện những sự nhộn nhịp khác thường trên đảo: các chuyến bay tuần tiễu được tăng cường, nhiều công sự phòng ngự được củng cố... Có lẽ người Mĩ đang chuẩn bị chiến đấu. Yamamoto muốn điện báo ngay cho Nagumo những tin tức hệ trọng đó, nhưng sĩ quan điều hành việc này là đại tá Kuroshima đã nài xin ông tiếp tục giữ im lặng vô tuyến.
Không nhận được tin tức gì về tình hình địch, lực lượng đột kích của Nagumo lại đi vào một màn sương mù mỗi lúc một thêm dày đặc, không thể cho máy bay trinh sát cất cánh được. Với nhiều băn khoăn lo lắng, Nagumo và Kusaka họp toàn thể Bộ tham mưu vào ngày 2-6 tại đài chỉ huy tàu sân bay Akagi, kì hạm của lực lượng đột kích. Tham mưu trưởng Kusaka giãi bày nỗi băn khoăn của mình: "Chúng ta có hai nhiệm vụ không thể thực hiện cùng một lúc. Muốn tiêu diệt đượcc hạm đội địch, phải bảo đảm bí mật bất ngờ. Khi đã tấn công Midway thì không còn bí mật nữa. Điều nguy hiểm là vẫn chưa phát hiện được hạm đội địch...". Sau khi bàn bạc, mọi người ngả theo ý kiến của đại tá Tamotsu Oishi: "Chúng ta được phép dành ưu tiên số một cho nhiệm vụ tiêu diệt hạm đội địch. Nhưng nếu chúng ta không vô hiệu hóa được không quân Mĩ trên đảo theo kế hoạch, thì cuộc đổ bộ 2 ngày sau sẽ gặp sự kháng cự mạnh mẽ và toàn bộ kế hoạch chiếm đóng Midway có nguy cơ sụp đổ”. Về vị trí của hạm đội Mĩ, ông ta cho rằng: "Nếu chúng đã phát hiện được ta và kéo ra chặn đánh, thì lúc này cũng chưa thể rời khỏi Trân Châu Cảng, và chắc chắn chúng chưa thể ở gần ta". ý kiến của Oishi chỉ dựa trên sự ước đoán, nhưng không ai đưa ra được một nhận định xác đáng hơn. Cuối cùng, hội nghị nhất trí rằng sẽ tấn công Midway đúng kì hạn, rồi sau đó quay sang đối phó với hạm đội Mĩ.
Ngày hôm ấy, hải quân Nhật bắt đầu áp dụng bộ mật mã mới thay cho cái cũ. Họ sẽ phải hối tiếc vì sự thay thế chậm trễ này.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #114 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 01:19:03 am »

* Chuẩn bị của Hoa Kì

Sau thất bại của "Chiến dịch MO", hải quân Nhật vẫn không biết rằng mật mã của mình đã bị bên địch nắm bắt, nên vẫn tiếp tục sử dụng nó. Nhờ đó, đơn vị tình báo dã chiến của trung tá Joseph John Rochefort thuộc hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã đọc được 90% số điện văn mà hạm đội Liên hợp Nhật đánh đi kể từ ngày họ tìm ra chìa khóa mật mã Nhật cho đến khi hải quân Nhật thay mật mã mới. Nguồn tin quý giá ấy đã giúp chuẩn đô đốc Nimitz và bộ tham mưu của ông đoán định chính xác kế hoạch đánh chiếm Midway của Nhật cũng như "Chiến dịch MO" trước đây. Được Washington phê chuẩn, Nimitz lập tức triển khai một kế hoạch nhằm bảo vệ vững chắc Midway, đồng thời giáng cho hải quân Nhật một đòn mãnh liệt.
Ngày 20-5, chuẩn đô đốc Nimitz, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã đến Midway để xem xét việc bố phòng. Midway được nhanh chóng tăng cường 16 máy bay ném bom của thủy quân lục chiến, 30 thủy phi cơ trinh sát, 18 pháo đài bay B17 và 4 máy bay ném bom B26.
Tổng cộng về không quân, Midway có hơn 120 máy bay các loại. Quân trú phòng tăng lên tới hơn 2000 người được trang bị rất nhiều vũ khí phòng không.
Trên vùng biển quanh Midway, 20 tàu ngầm được bố trí thành 3 vòng tuần tra quanh đảo. Vòng trong cùng cách đảo 100 hải lí, vòng giữa cách 150 và vòng ngoài cùng cách đảo 200 hải lí.
Tất cả các lực lượng phòng thủ Midway đã ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu từ sáng ngày 3-6.
Biết trước ý định của Yamamoto, Nimitz chấp nhận giao chiến với hạm đội Nhật tại vùng biển Midway.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #115 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 01:19:33 am »

Tại Trân Châu Cảng, ông điều động Lực lượng đặc nhiệm 16 do chuẩn đô đốc Raymond A. Spruance chỉ huy, gồm 2 tàu sân bay là chiếc Enterprise và chiếc Hornet, 5 tuần dương hạm nặng, 1 tuần dương hạm nhẹ và 11 khu trục hạm. ông cho gọi thêm Lực lượng đặc nhiệm 17, do chuẩn đô đốc Fletcher chỉ huy, gồm tàu sân bay Yorktown, 2 tuần dương hạm nặng và 6 khu trục hạm từ vùng biển San Hô trở về nhận nhiệm vụ mới.
Ngày 29-5 (theo giờ Hawaii, tức là một ngày sau khi lực lượng đột kích của Nagumo nhổ neo đi Midway), Lực lượng đặc nhiệm 16 rời Trân Châu Cảng di chiến đấu.
Ngày 31-5 (tức là một ngày sau khi đoàn chiến hạm của Yamamoto khởi hành), đến lượt Lục lượng đặc nhiệm 17 lên đường. Hai lực lượng đặc nhiệm đặt dưới sự chỉ huy chung của Fletcher.
9 giờ sáng 3-6, chiếc thủy phi cơ Catalina của lục lượng phòng thủ Midway đã phát hiện từ xa đoàn hải vận hạm thuộc Lực lượng đổ bộ Nhật đang trên đường tiến đến đảo. Nhận được tin này, cả Fletcher và Spruance đều hiểu rằng các tàu sân bay Nhật đã tiến đến rất gần, tuy chưa phát hiện được chúng. Buổi tối các lực lượng Mĩ chỉ còn cách Midway 300 dặm về phía Đông-bắc đảo. Họ quay mũi về phía Tây-nam và nửa đêm hôm đó đã đến vị trí có thể chuẩn bị xuất phát tấn công hạm đội Nhật.
Gần như cùng một lúc với hạm đội Mĩ, Yamamoto và Nagumo đều nhận được tin báo rằng Lực lượng đổ bộ của Nhật đã bị máy bay Mĩ phát hiện, do tuần dương hạm nhẹ Jintsu, kì hạm của Lực lượng này, đánh đi. 5 giờ chiều, một đoàn 9 chiếc pháo đài bay B17 của Mĩ xuất phát từ đảo Midway bay đến oanh tạc Lực lượng đổ bộ Nhật, nhung không gây thiệt hại đáng kể. Nhận tiếp tin này, Nagumo vẫn bình tĩnh vì lực lượng của ông chưa bị phát hiện, và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy hạm đội Mĩ xuất hiện ở gần đây. Ông tiếp tục cho đoàn chiến hạm của mình đi suốt đêm theo đúng kế hoạch và rạng ngày hôm sau đã đến địa điểm cách Midway 200 dặm về phía Bắc. Lúc này, nếu Nagumo biết được rằng đoàn chiến hạm Mĩ thục sự đang ở đâu, hẳn ông có thể bị ngất xỉu: nó chỉ cách Lực lượng đột kích Midway bằng tàu sân bay của ông khoảng chừng 100 dặm.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #116 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 01:20:06 am »

* Chiến sự tại quần đảo Aleutian

Vào lúc 2 giờ chiều ngày 3-6-1942 (giờ địa phương), Lực lượng đặc nhiệm của chuẩn đô đốc Kakuta đã đến vị trí để phóng thủy phi cơ tiến đánh Dutch Harbor, thủ phủ quần đảo Aleutian. Lúc ấy, sương mù còn dày đặc, hàn thử biểu chỉ 7 độ âm.
11 máy bay ném bom và 6 máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu sân bay Junyo tiến về Dutch Harbor cách đó 180 hải lí. Mây thấp, trời xấu, họ chỉ bay ở độ cao 200m. Giữa đường, họ gặp thủy phi cơ Hoa Kỳ và bắn hạ nó. Nhung cuối cùng, không tìm ra mục tiêu, họ đành phải mang bom trở về.
Phi đoàn oanh tạc cơ xuất phát từ tàu sân bay Ryujo đến được mục tiêu, bắt đầu tấn công vào lúc 16 giờ 07 đánh phá đài phát thanh, kho nhiên liệu, một vài cơ sở quân sự. Hình ảnh họ chụp đem về, cho thấy Hoa Kỳ đã biến quân cảng này thành một trung tâm chiến lược lớn mà người Nhật không ngờ.
Vìvậy, qua ngày sau, buổi sáng, mặc dù thời tiết rất xấu, tầm nhìn hạn chế nhưng Kakuta cũng phóng ra một cuộc không kích thứ hai. Thành phần tham dự gồm 11 oanh tạc cơ bổ nhào, 6 oanh tạc cơ lớn, được yểm trợ bởi 9 chiến đấu cơ Zéro. Họ hủy diệt những kho nhiên liệu, nhà kho, bến cảng và tàu vận chuyển. Bận về, họ bị nhiều chiến đấu cơ P.40 Hoa Kỳ chặn đánh ở gần đảo Umnak nhưng 4 phi cơ Hoa Kỳ bị hạ. Nhật thiệt hại mất 1 chiến đấu cơ, 2 oanh tạc cơ.
Cuộc đổ bộ đang được chuẩn bị thì có lệnh của Yamamoto gọi về. Nhưng quân Nhật cũng chiếm được các đảo Uttu và Kiska vào ngày 7 tháng 6. Cờ Mặt Trời mọc phất phới trên vùng giá lạnh này đến năm 1943 thì bị Hoa Kỳ hạ xuống.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #117 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 01:20:51 am »

* Hạm đội Nhật tiến công Midway

2 giờ 45 rạng ngày 4-6-1942 (giờ Midway) có lệnh báo thức. Mọi người trên các chiến hạm thuộc Lực lượng đột kích Nhật đều thúc dậy chuẩn bị chiến đấu. Cánh không quân trên các tàu sân bay ăn xong bữa ăn nhẹ với rượu Sakê, đã sẵn sàng chờ giờ xuất kích, mặc dù mãi đến 5 giờ sáng mới có ánh sáng Mặt Trời. Lúc 4 giờ 30, khi các tàu sân bay Nhật còn cách Midway 240 dặm về phía Tây Bắc, máy bay của đợt tấn công thứ nhất được lệnh cất cánh: 36 oanh tạc cơ M97, 36 oanh tạc cơ bổ nhào M99 và 36 chiến đấu cơ Zéro. Tổng cộng 108 máy bay dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Joichi Tomonaga, anh hùng không quân trong chiến tranh Hoa - Nhật, lao vào bầu trời đen kịt, tiến về Midway. Cùng xuất phát đợt đầu còn có 7 máy bay trinh sát bay về hướng Đông và Đông Nam để đi tìm hạm đội Hoa Kỳ.
Trong khi đó, 108 máy bay thuộc đợt thứ hai, gồm 36 oanh tạc cơ bổ nhào M99, 36 máy bay phóng ngư lôi M97 và 36 chiến đấu cơ Zéro dưới quyền chỉ huy của trung tá Egusa, người đã đánh chìm tàu sân bay Hermes của Anh tại Ấn Độ Dương, chờ đợi giờ xuất kích. Mặc dù không tin là có các tàu sân bay Mĩ ở gần đây, cả Nagumo và Kusaka đều nhất trí là vẫn nên thận trọng. Họ dành sẵn 37 máy bay phóng ngư lôi trên boong chiếc Akagi và chiếc Kaga để đối phó với các tàu sân bay Mĩ nếu phát hiện được chúng.
Nhưng người Mĩ lại phát hiện ra các tàu sân bay Nhật trước. Lúc 5 giờ 25, ẩn hiện giữa mây và ánh bình minh nhợt nhạt, chiếc thủy phi cơ Catalina từ Midway bay đến đã lượn vòng bên trên Lực lượng đột kích của Nagumo. Qua vô tuyến điện, viên phi công đã thông báo cụ thể vị trí các tàu sân bay Nhật. Nhận được tin này, đô đốc Fletcher không vội cho tấn công ngay. Ông chờ những tin túc rõ ràng hơn, và thời điểm thuận lợi nhất.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #118 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 01:21:48 am »

Tại Midway, 25 phút sau khi nhận được tin trên, bộ chỉ huy Mĩ lại phát hiện qua màn ảnh rađa một đoàn máy bay Nhật kéo đến. Họ lập tức ra lệnh báo động chiến đấu và cho 6 máy bay phóng ngư lôi kiểu Avenger của hải quân cùng 4 chiếc B26 kiểu Marauder của lục quân cũng mang theo ngư lôi đi tấn công các tàu sân bay; đồng thời 25 chiến đấu cơ của hải quân xuất kích đánh chặn các máy bay địch đang tiến tới Midway.
Tiếp đó nhiều phi đoàn khác cũng lần lượt cất cánh đi đánh hạm đội Nhật. Đoàn máy bay Nhật thuộc đợt tấn công đầu tiên đến Midway vào lúc 6 giờ 35 và đã có sẵn máy bay Mĩ đón tiếp nghĩa là yếu tố bất ngờ không còn nữa. 36 chiến đấu cơ Zéro lao vào chiến đấu mãnh liệt với 25 chiến đấu cơ của hải quân Hoa Kỳ.
Họ đã hạ được 15 máy bay Mĩ và bảo vệ an toàn cho các máy bay ném bom. Các máy bay ném bom Nhật băng qua lưới lửa phòng không Hoa Kỳ trút bom xuống các căn cứ không quân, phá kho, bãi, hệ thống tiếp tế, các bồn chứa dầu, nhà chứa máy bay... Sau 20 phút oanh tạc, các máy bay Nhật lần lượt quay trở về, để lại nhiều đám cháy vẫn còn bốc cao trên cả hai hòn đảo Midway. Riêng phi đoàn trưởng Tomonnga còn nán lại một lúc để xác định kết quả.
Đoàn máy bay Nhật bị thiệt hại nhẹ, 4 oanh tạc cơ bị hỏa lực phòng không hạ và 2 chiến đấu cơ bị máy bay Mĩ bắn rơi, nhưng mục tiêu chính là tiêu diệt máy bay của Midway thì lại không đạt được. Tomonaga đã thấy rõ nhiều tốp máy bay ném bom Mĩ vẫn tiếp tục cất cánh bay về phía hạm đội Nhật. Vì vậy lúc 7 giờ, ông điện về cho Nagumo: "Cần có thêm đợt tấn công thứ hai”. Vừa nhận được tin và chưa kịp xử trí, Nagumo bỗng thấy một khu trục hạm của ông dùng cờ đánh đi tín hiệu "có máy bay địch!".
Đó là lúc 7 giờ 15, 10 máy bay oanh tạc Mĩ xuất phát từ Midway tấn công Lực lượng đột kích của Nagumo. Các chiến đấu cơ còn lại trên các tàu sân bay vội bay lên nghênh chiến. Họ bắn rơi được 3 máy bay địch. Hỏa lực phòng không từ các chiến hạm hạ thêm 2 chiếc rơi xuống biển. 5 chiếc còn lại phải giạt ra xa, vội vã phóng ngư lôi vào tàu sân bay Akagi. Nhưng các ngư lôi bay chệch hướng và kì hạm của Nagumo vẫn vô sự.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #119 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 01:22:15 am »

Cuộc tấn công này cùng với điện tín của Tomonaga khiến Nagumo nghĩ rằng lực lượng không quân Mĩ ở Midway là nguy cơ chính, chứ không phải các tàu sân bay địch mà đến lúc này vẫn chưa hề thấy xuất hiện. Quyết định đưa nốt 37 máy bay phóng ngư lôi dự trữ vào tăng cường cho lực lượng tấn công Midway đợt 2, ông ra lệnh thay ngư lôi bằng bom cho các máy bay này để đánh các sân bay trên đảo. Công việc này mất độ 1 giờ, nhưng người ta đã không kịp hoàn thành nó. Lúc 7 giờ 28 phút, một máy bay trinh sát Nhật điện về một tin làm Nagumo và bộ tham mưu của ông bàng hoàng: "Phát hiện 10 tàu địch cách Midway 240 dặm về phía Bắc". Câu hỏi ám ảnh mọi người trong suốt cuộc hành quân, giờ đây đã được thực tế đặt ra và buộc phải trả lời dứt khoát: Tiếp tục đánh Midway hay chuyển sang đánh hạm đội địch? Nếu trong đoàn chiến hạm Mĩ không có tàu sân bay, thì vẫn có thể tiến đánh Midway rồi quay lại đối phó với chúng. Nhung nếu có 1 tàu sân bay trong đó, thì máy bay của nó sẽ có thể tấn công đoàn tàu Nhật ngay trong lúc chưa hoàn tất việc thay ngư lôi bằng bom cho máy bay, tức là trong lúc rất nguy hiểm. Để tránh tình trạng trên, và để sẵn sàng tấn công hạm đội địch, Nagumo ra lệnh chấm dứt việc thay ngư lôi bằng bom và lắp lại như cũ nhũng ngư lôi nào đã được tháo ra khỏi máy bay. Tiếp đó, Kusaka yêu cầu máy bay trinh sát xác định rõ loại hình tàu địch.
Chỉ vài phút sau, 16 máy bay Mĩ lại ập đến tấn công Lực lượng đột kích Nhật. Đây là phi đội máy bay ném bom bổ nhào của thiếu tá Lofton Henderson thuộc thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cất cánh từ Midway lúc sáng sớm, ít phút sau khi có lệnh báo động. Các chiến đấu cơ Zéro từ các tàu sân bay vội vã lao lên đánh chặn. Các phi công Hoa Kỳ tập trung đánh tàu sân bay Hiryo, nhưng do thiếu kinh nghiệm, họ thả bom không trúng đích. Sau khi mất gần nửa số máy bay, phi đoàn Henderson buộc phải quay về căn cứ.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM