Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 06:57:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân trung từ mệnh tập  (Đọc 83451 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2011, 03:57:25 pm »

30. THƯ DỤ THỔ QUAN THÀNH ĐIÊU-DIÊU(1)

Quạ đi lại về quê cũ, cáo chết quay đầu về núi”(2). Cầm thú còn thế, huống nữa là người? Các ngươi vốn đều là người dân Tây Việt(3), dòng dõi văn minh. Trước nhân họ Hồ thất đức, giặc Ngô lăng loàn, có người thì thân bị hãm ở tặc đình(4), có người thì danh bị buộc ở ngụy chức, đó là thế không đừng được, nào phải do ở bản tâm đâu. Đấng thượng đế nghĩ thương dân ta, đã mượn tay ta. Đại thiên hành hóa Thái sư vệ quốc công (Sử ký chép: năm Đinh vị (1427) chư tướng suy tôn vua làm “Đại thiên hành hóa” (thay trời làm việc). Tự đó những văn thư tờ dụ phần nhiều dùng những chữ ấy để xưng), mà cứu dân đánh kẻ có tội để khôi phục cơ đồ. Quân đi đến đâu, nghĩa thanh vang dậy, dân chúng bốn phương cõng địu nhau mà kéo đến theo ta. Bọn các người nếu biết rửa lòng đổi dạ, bỏ nghịch theo thuận, hoặc ở làm nội ứng, hoặc ra để đầu hàng, thì không những rửa mối hổ thẹn ngày trước, mà cũng được phần soi xét về sau. Ta không nói lời rồi lại ăn lời. Nếu các người lại còn tiếc tham ngụy chức, chống cự vương sư thì khi hãm thành, tội ác các ngươi tất nặng hơn giặc Ngô đấy.


(1) Thành Điêu-diêu (Toàn thư, q. 10, 25b), bản địch viết là Điêu-hào ở bờ bắc sông Nhị, là một đồn lũy quan trong bảo vệ mặt bắc thành Đông-quan. Chúng tôi đoán thành Điêu-diêu cũng là thành Tiền vệ của Đông-quan. Di tích của thành hiện nay đang còn ở xã Gia-thượng, Gia-lâm, Hà-nội.
Tháng 12 năm Bính ngọ, Lê Lợi phái tướng Bùi Quốc Hưng chỉ huy vây đánh hành Điêu-diêu. Nay Nguyễn Trãi lại viết thư dụ hàng số thổ quan trong thành. Quân địch đóng giữ ở đây, ngoài quân Minh còn có một số thổ quan, thổ quân người Việt. Tháng 1 năm Đinh mùi (1427) quân địch ở thành Điêu-diêu do chỉ huy Trương Lâu và tri phủ Trần Vân dẫn đầu, ra hàng.
(2) Hai câu này bản chữ Hán chép là: “Ô phản qui cố hương, hồ tử tất thủ khâu” (烏返歸故鄉, 狐死必首丘 Quạ đi lại về nơi cũ, cáo chét tất quay đầu về núi). Ở Thuyết lâm của Hoài nam tử nói: “Điểu phi phản hương, hồ tử thủ khâu” (鳥飛反鄉, 狐死首丘 Chim đi bay về nơi cũ, cáo chết quay đầu về núi).
(3) Tây Việt trong thư tịch cổ của Trung-quốc vốn là một tộc người Việt trong Bách Việt, từ Tần Hán về trước cư trú ở miền sông Tương, sông Ly về phía Nam. Nhưng ở đây, Tây Việt là chỉ nước ta, chỉ người Việt. Cương mục (q. 14, 3b) có trích lược bức thư này, nhưng lại chép là “Giao Việt”.
(4) Tặc đình: triều đình giặc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2011, 07:46:08 am »

31. THƯ DỤ THÀNH BẮC-GIANG(1)

Thư bảo cho tướng hiệu qua viên cùng quân nhân trong thành Bắc-giang. Ta nghe nói: Người có Bắc Nam, đạo không kia khác. Nhân nhân quân tử, không đâu là không có. Nước An-nam ta tuy xa ở ngoài Ngũ-lĩnh(2) mà tiếng là nước thi thư, những bực trí mưu tài thức đời nào cũng có. Vi thế phàm những việc ta làm đều là đúng theo lễ nghĩa, hợp trời thuận người. Trước đây quan tổng binh Thành-sơn hầu(3), sau khi thua trận ở Ninh-kiểu, sai người đưa thư đến ta ước hẹn hòa giải. Ta vì trên được hết lòng kính thuận với Triều đình, dưới được thoát khổ binh qua cho hai nước, nên nói gì ta cũng nhất nhất nghe theo. Sau lại bảo ta sai người dâng biểu cùa phong, mà nói rằng “sau khi dâng biểu lập tức rút quân”. Đến lúc biểu đã đi mà quân chưa thấy rút lại còn dựng thêm rào lũy, sắm sửa đồ binh, tự cho là đắc sách lắm. Bội ước thất tín đến thế là cùng! Hiện nay vệ quân các xứ Thanh-hóa, Diễn-châu đến đã nhất tề đến đây rồi, phàm vợ con tài sản của quân nhân, mảy may không bị xâm phạm. Nay cái kế tốt của ccá ngươi không gì bằng ra ở ngoài thành, cùng Thái đốc quân(4) quyết định việc về, để cứu vớt mấy nghìn tính mệnh ở trong thành. Chúng ta đã xét những việc đắc thất của cổ nhân, như Bạch Khởi nước Tần(5), Hạng Võ nước Sở(6), giết kẻ đầu hàng, trái lời đã ước, chúng ta không không làm như thế đâu. Các người hãy cứ thư lòng, đừng nên ngờ vực mà thành hỏng việc. Các ngươi nếu cho là thành cao hào sâu, lương thực lại nhiều, thì thử xem như ở các xứ Thanh-hóa, Nghệ, Diễn, thành không phải là không cao, hào không phải là không sâu, lương thực không phải là không nhiều, quân không phải là không mạnh; lại Thái đô đốc thì chức cũng to, binh cũng giỏi, trí cũng sáng, mà còn theo thời thông biến để bảo toàn tính mệnh cho mấy vạn con người. Thế mà các ngươi lại còn muốn cố chấp lời bàn suông, để mang tai vạ thực, há chẳng lầm lắm ư? Vả lại ta xem ở nước các ngươi, hiện nay bên trong có họa tiêu tường, bên ngoài có giặc Bắc biên(7); mà đại thần lấn vị, người dưới chuyên quyền; hạn hán hoàng trùng, luôn năm tai họa; bốn phương đạo tặc, nổi dậy như ong.Cái cơ tán loạn, há không biết trước rồi sao? Người trí giả thấy việc từ lúc việc chưa phát, sao các người lại thấy sự cơ muộn thế, mà muốn tự khổ như thế? Các ngươi nếu biết kéo quân ra thành, cùng ta hòa hảo thân tình, thì ta coi các ngươi nghĩa như anh em ruột thịt, nào chỉ những bảo toàn tính mệnh vợ con mà thôi đâu? Nếu không thế, tùy ý các người. Trong khoảng sớm tối, sẽ thấy khác nhau. Đến lúc bấy giờ, hối cũng không kịp. Các người hãy nên nghĩ đi.


(1) Phủ Bắc-giang xem chủ thích (3) thư 18. Thành Bắc-giang đời thuộc Minh là phủ trị của phủ Bắc-giang, còn gọi là thành Thị-cầu, nay thuộc thị xã Bắc-ninh, tỉnh Hà-bắc. Thành này giữ một vị trí quan trọng trên con đường từ Quảng-tây qua Pha-lũy (Mục-nam quan) đến Đông-quan. Bằng bao vây và dụ hàng, bộ chỉ huy nghĩa quân chủ trương phải tiêu diệt thành này trước khi viện binh của nhà Minh kéo sang.
Tháng 12 năm Bính ngọ, Bùi Quốc Hưng được lệnh đánh thành Bắc-giang. Sau đó, Nguyễn Chích lúc bấy giờ giữ chức tổng tri Hồng-châu và Tân-hưng, đem thêm quân đến tăng cường lực lượng vây hãm. Nguyễn Trãi viết thư này dụ hàng. Tháng 2 năm Đinh mùi (26-2 đến 27-3-1927) tướng giữ thành Bắc-giang (tức thành Thị-cầu) là Đường Bảo Trinh ra hàng.
(2) Ngũ-Lĩnh: năm đèo ở phía nam Trung-quốc: Đại-dũ, Thủy-an, Lâm-hạ, Quế-dương, Yết-dương.
(3) Vương Thông.
(4) Đốc quân là chữ xưng hô chức đô đốc. Thái đốc quân tức là đô đốc Thái Phúc.
(5) Thời Chiến quốc, Bạch Khởi là tướng tướng Tần, đem quân đi đánh Triệu, đã chôn 40 vạn quân Triệu ra hàng.
(6) Hạng Vũ đánh vỡ quân nhà Tần, đem quân chư hầu vào cửa quan; sau lại giết Tần vương Tử Anh là người đã hàng.
(7) Giặc bắc biên là chỉ sự xâm nhập của người Mông-cổ ở biên giới phương Bắc Trung-quốc. Riêng trong thời Minh Thành tổ, nhà Minh đã năm lần xuất chinh đánh nhau với Mông-cổ, mỗi lần xuất chinh phải điều động đến hàng chục vạn binh và hàng chục vạn dân phu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2011, 07:48:15 am »

32. THƯ DỤ THÀNH TAM GIANG(1)

Thư bảo cho tướng hiệu quan viên cuàng quân nhân trong thành Tam-giang. Cái điều đáng quý ở người quân tử là biết thời thông biết, lượng sức xử mình. Bây giờ giá có người đem quả trứng chim đỡ núi Thái, lấy càng bọ ngựa ngăn cản bánh xe, mà lại tự cho là sức có thừa, thì thật là ngu quá vậy. Lũ người có vài trăm quân, giữ thành trơ trọi mà lại muốn kháng cự với ta, thì có khác gì thế không? Thành trì của các người không cao sâu bằng ở Nghệ-an, lương thực của các người không súc tích bằng ở Diễn-châu, mà quân vũ dũng cảm tử của các ngươi lại không đông bằng quân nhân ở Diễn, Nghệ, quan tước của các ngươi lại không to bằng Thái đô đốc. Thế mà vệ quân ở các xã Diễn, Nghệ, Thuận-hóa, Tân-bình, Thanh-hóa, Tiền vệ, Thị-cầu, Xương-giang, Trấn-giang (tức Trấn-di) đều đã mở thành ra hàng(2). Nay dưới cây Bồ đề(3), Thái đô đốc đã định nhật kỳ kéo quân về Kinh. Phàm quân nhân cùng vợ con tài sản không bị xâm phạm mảy may. Thế mà các ngươi chỉ cứ theo mê giữ lầm, không biết lo xa, sao mà thấy biết sự cơ muộn thế! Tất cả những tướng sĩ của ta, không ai là không hăm hở muốn vác khí giới lên phá thành ngay. Nhưng tư còn nghĩ thương những kẻ vô tội ở trong thành đã bị các ngươi lừa dối, một khi tiếng trống nổi lên, thì ngọc đá(4) chẳng phân biệt gì, đều tan nát cả. Vậy viết mấy chữ gửi các ngươi hay.


(1) Thành Tam-giang ở tỉnh Vĩnh-phú ngày nay, nắm trên con đường tiếp viện từ Vân-nam đến Đông-quan, nên bộ chỉ huy nghĩa quân chủ trương phải tiêu diệt trước khi viện binh nhà Minh kéo sang. Ngày 12 năm Bính ngọ, Lê Lợi phái tướng Trịnh Khả, Lê Khuyển đánh thành Tam-giang. Tháng 2 năm Đinh-mùi (26-2 đến 27-3-1427), nhân có viên chỉ huy họ Tăng (chưa rõ tên) của địch ra hàng, Nguyễn Trãi đi với viên chỉ huy này đến tận thành dụ hàng. Đây là thư dụ hàng của Nguyễn Trãi. Ngày 6 tháng 3 (ngày 2-4-1427, quân địch do chỉ huy Lưu Thanh dẫn đầu ra hàng.
(2) Thực ra lúc bấy giờ - khoảng tháng 2 đầu tháng 3 năm Đinh mùi (1427) - quân địch trong thành Xương-giang không chịu đầu hàng và quân ta cũng chưa hạ được thành. Nguyễn Trãi nói như vậy để uy hiếp thêm tinh thần quân địch.
(3)Dưới cây bồ đề ở đây là chỉ dinh Bồ-đề ở Gia-lâm, nơi đóng quân của Lê Lợi. Theo chú thích của Cương mục (căn cứ vào Bắc-ninh tỉnh chí) thì dinh Bồ-đề ở thôn Phú-hựu, huyện Gia-lâm, phủ Thuận-an, tỉnh Bắc-ninh, trong thôn có hai cây bồ đề nên người ta gọi là dinh Bồ-đề.
(3) Thiên “Dận chinh” Kinh Thư có câu “Hỏa viêm Côn-cương, ngọc thạch câu phần” (火炎昆岗,玉石俱焚 lửa bốc cháy núi Côn-cương, ngọc đá đều bị đốt cháy hết cả). Ngọc đá không phân là ý nói bất cứ ai cũng đều bị hại cả.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2011, 07:51:05 am »

33. THƯ CHO VƯƠNG THÔNG(1)

(Vua sai người đi lại chỗ Thông, Thông không nhận, nên có thư này để bảo).

Thư gửi đến trước quan tổng binh Thành-sơn hầu. Trước tôi có thư, chưa được chỉ bảo; sai người sang hầu, lại không cho về. Thế thì ngày trước ngài nói “lời nói việc làm không trái nhau”, lời ấy ở đâu rồi thế? Tôi nghĩ cái đạo nước nhỏ phụng sự nước lớn, nên phải kính sợ. Vả lại theo lời ngài nói trước, nghĩa không nỡ dứt, nên mới luôn luôn gởi thư, không ngại tần phiền. Song rút lại vẫn không được như nguyện. Không biết có phải là tình thế khiến như thế chăng? Tôi trộm tính kế cho ngài, chẳng gì bằng rút quân khải hoàn, để cho hai nước khoát cái khổ can qua không ngớt, để cho nước nhà khỏi cái họa độc vũ cùng binh để nên cái nghĩa phục lại nước diệt, nối lài dòng tuyệt, để tỏ lòng nhân xem dân như một, không bụng riêng tây, trên không phụ lòng triều đình ủy nhiệm, dưới không sai nghĩa tướng thần xuất khổn, khiến cho tên nêu sử sách, thế lại không tốt đẹp sao! Nếu lại theo cái tệ Hán Đường tham việc lớn thích công to, thì chi bằng dùng quân nhân nghĩa cứu dân khổ đánh kẻ tội! Nay lại bỏ điều ấy mà không tính, chỉ xăm xăm đào hào đắp lũy, hàng ngày cứ lấm lét chỗ cửa thành, cướp trộm củi cỏ(2), sao mà tự khổ đến thế Ngài nếu cho là thành hào hiểm vững có thể cậy được, thì tôi e nước xa không cứu được lửa gần. Nếu bảo những quân dũng cảm trong thành còn nhiều, muốn quyết một trận sống mái, thì ngày trước tôi còn ở Khả-lam, Trà-lân, bọn các ông Phương Chính hàng vạn quân đều lầ mạnh giỏi, mà tôi chỉ có vài trăm quân một dạ cha on còn có thể đến đâu tan đấy, thế tựa chẻ tre; phương chi nay lấy các lộ diễn, Nghệ, Thanh-hóa, Tân, Thuận(3), Đông-đô, chọn quân tinh nhuệ, không dưới vài mươi vạn, thì cái thế được thua có thể ngồi mà tính được. Song nước thịnh hay suy, quan hệ ở trời, binh mạnh hay yếu, không cứ ở nhiều, thế mà ngại lại cứ lấy việc họ Hồ ngày trước mà ví. Tôi cho việc ngày nay với việc ngày trước khác nhau. Họ Hồ thì dối trời hại dân, mà tôi thì kính trời thuận dân, lẽ thuận nghịch không giống nhau là một. Quân của họ Hồ trăm vạn người trăm vạn lòng, mà quân của tôi bất quá vài mươi vạn, nhưng ai cũng một lòng, cái đó không giống nhau là hai. Nay ngài nếu không vì người (ngu) mà bỏ lời (phải)(4) quyết định chí về, sai người thân tín cùng Sơn đại nhân qua sông hội nghị, thì tôi lập tức rút quân về Thạch-thất(5), Thanh-đàm(6), Khoái-châu(7) để hầu lối ra. Nếu không thế thì chẳng làm thế nào được.


(1) Lê Lợi - Nguyễn Trãi chủ trương tiếp tục vây hãm thành Đông-quan và kiên trì dụ hàng Vương Thông. Một lần sứ giả mang thư của Lê Lợi vào thành Đông-quan bị Vương Thông bắt giữ lại. Nhưng Nguyễn Trái vẫn gửi thư để duy trì quan hệ thương thuyết và phân tích mọi lẽ để thuyết phục kẻ thù.
(2) Vương Thông thường cho quân lính lén lút ra cửa thành để cướp củi và cỏ.
(3) Tân, Thuận tức là Tân-bình, Thuận-hóa.
(4) Trong Luận ngữ, Khổng tử có nói: “Quân tử bất dĩ nhân phế ngôn” 君子不以人廢言 ý nói rằng người không có đức mà có điều hay thì người quân tử không vì người không ra gì mà bỏ lời nói hay của họ.
(5) Thạch-thất: nay là huyện Thạch-thất tỉnh Hà-tây.
(6) Thanh-đàm hay Long đàm; nay là huyện Thanh-trì, Hà-nội.
(7) Khoái châu: nay gồm các huyện Khoái-châu, Phù-cừ, Tiên-lữ, Kim-đồng, Ân-thi (tỉnh Hải-hưng).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2011, 07:54:41 am »

34. LẠI THƯ DỤ VƯƠNG THÔNG(1)

Tôi từng xem Kinh Dịch 384 hào(2), mà cốt yếu là ở chữ “thời”, cho nên người quân tử theo thời thông biến, nghĩa chữ “thời” to tát sao! Ngày trước, khi mới sang đánh Giao-chỉ, tướng thần vâng mệnh đi đánh kẻ có tội, bấy giờ lại một thời vậy. Ngay nay vận tời tuần hoàn, đi rồi lại lại, khi ngài phụng mệnh sang đây được tiện nghi làm việc, nếu ngài quả biết theo chiếu thư của Thái tôn mà cho lập con cháu họ Trần để khôi phục nước tôi, thì bây giờ lại là một thời vậy Thời! Thời! thực không nên lỡ. Kinh Thư có câu: “Ai trước thời giết không tha, ai sau thời biết không tha”(3). Vì thế mà người quân tử lấy tùy thời xử trung làm quý. Song từ xưa đến nay, kẻ vu cho tục sĩ không hiểu thời vụ; hiểu thời vụ họa chăng chỉ có bực tuấn kiệt mà thôi. Như ngài thì có thể bảo là bực tuấn kiệt hiểu thời vụ đấy. Trước phụng tiếp thư ngài bảo tôi nên hối hận điều lỗi trước, lại thu xếp việc hòa xưa. Thực như lời người ta bảo: “Người Quân tử không giữ oán cũ, ví như mưa to gió dữ, chốt lại tạnh quang”. Thực là đáng mừng. Song một đoạn trong thư có nói xem quân sĩ ở đây cho về trước thì xét lý có phần trở ngại. Sao thế? Ngài cầm hoàng việt, thống đốc vương sư, chư tướng tuy có tài hơn đời, có sức tột bực, ai là chẳng phải bôn tẩu theo mệnh lệnh ngài? Ngài chưa đi mà muốn các quân Diễn, Nghệ về trước thì không thuận lẽ. Đó là điều trở ngại thứ nhất. Vả nay đã lấy các quân Diễn, Nghệ ra,  theo lời nghị trước thì cho quân nhân trong thành về trước, nhưng vị bọn tiểu nhân làm lỡ việc mà việc tốt trở thành khấp khểnh, các quân Diễn, Nghệ vốn có lòng oán giận, cho là ngài đã bán họ, nay ngài chưa đi thì Thái đô đốc tất không dám đi trước một bước. Đó là điều trở ngại thứ hai. Hiện nay khí trời ôn hòa, chính là lúc đem quân về rất tốt. Nếu ngài bỏ lỡ thời ấy không đi, mà cứ chờ đợi, đến lúc nước xuân mới sinh, khí trời nóng bức dần, mà bảo là ung dung khải hoàng thì tôi e những quân sĩ đi lâu nhớ nhà, giữa đường ta oán, đến bấy giờ dẫu muốn ung dung vị tất đã được ung dung. Trước có bảo là tùy thời xét biến, chính nên liệu sớm ngay đi. Ngài quả không cho lời tôi là vu khoát, mà mở rộng lòng thành, thì xin cho người thân tín cùng Sơn đại quân qua sông cùng hội, giết ngựa uống máu ăn thề, nguyện có quỷ thần, định rõ nhật kỳ, sẽ đưa trả Nguyễn nội quan và Hà tri châu về Đông-quan(4). Tôi cũng sai ngay người dâng biểu nộp cống và rút quân về các xứ Thạch-thất, Khoái châu, để ngài được ung dung lên đường. Các quân lục tục kéo về, mà Sơn đại nhân ở sau thu vén. Như thế thì đôi bên hiềm nghi tiêu tán, mà lòng ngài như trời đất ca mẹ, mới trọn vẹn thủy chung. Tôi dẫu kết cỏ ngậm vành(5), sao đủ báo đáp?


(1) Vương Thông không dám cự tuyệt thương lượng nhưng viện mọi cớ để thoái thác không chịu rút quân. Hắn vẫn ngoan cố đóng giữ thành Đông-quan và đòi để cho quân Minh ở các thành Diễn-châu, Nghệ-an đã ra hàng được rút về nước. Cũng như thư 28, thư này Nguyễn Trãi kiên quyết bác bỏ yêu cầu xảo trá đó.
(2) Hòa là nét vạch thành 8 quẻ (bát quái), nó là phù hiệu hiển thị biến động ở trong quẻ. Dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào, cộng 384 hào.
(3) Thiên “Dận chinh” Kinh thư có dẫn câu: “Tiên thời giả sát vô xá, hậu thời giả sát vô xá” 先時者殺無赦,後時者殺無赦 (theo Tuân Tử thì 先時者殺無赦,不逮時者殺無赦 Tiên thời giả sát vô sá, bất cập thời giả sát vô sá) ý nói phải làm đúng thời thì mới không là trái phép sai thời mà khỏi phải chịu tội chết. Lời của Dận Hầu tuyên cáo với quân chúng khi phụng mệnh đi đánh họ Hy, họ Hòa về tội bỏ trễ chức vụ báo cáo về thiên tượng (như tuệ tinh, nhật nguyệt thực, v.v…) không đúng thời.
(4) Nguyễn nội quan (chưa rõ tên) và Hà tri châu (tri châu Hà Trung) là viên quan nhà Minh bị nghĩa quân bắt vào cuối năm 1426.
(5) Kết cỏ ngậm vành do chữ 結草銜環 (kết thảo hàm hoàn). Xưa Ngụy Thù nước Tấn có người thiếp đẹp không có con. Thù ốm, bảo con là Khỏa rằng: “Phải gả chồng cho người ấy”. Sau ốm nặng, Thù lại bảo Khỏa rằng: “phải chôn người ấy theo ta”. Đến khi Ngụy Thù chết, thì Ngụy Khỏa đem gả chồng cho người thiếp ấy. Sau Khỏa làm tướng nước Tần, đánh nhau với quân Tần ở Phụ-thị, Khỏa thấy có ông già ngồi buộc cỏ lại. Đỗ Hồi là tay vũ lực giỏi của Tần vướng cỏ ngã bị Khảo bắt được. Đêm ấy Khỏa nắm mơ thấy một ông già đến nói rằng: “Tôi là cha người đàn bà mà ông đem gả chồng. Ông không chôn sống con tôi nên tôi làm thế để báo ơn”. (Tả truyện). Xưa Dương Bảo ở đời Hán khi lên 9 tuổi, bắt được con chím sẻ vàng bị chim cắt bắt đánh rơi bị thương, đem về nuôi cho khỏi rồi thả ra. Đêm có người đồng tử mặc áo vàng ngậm bốn vành ngọc trắng đến nói cám ơn (truyện Dương Chấu ở Hậu Hán thư). Vì thế người đời sau dùng hai điển đó để tả sự báo ơn. Riêng điển tích thứ hai còn được gọi là 黃雀銜環 “hoàng tước hàm hoàn”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2011, 08:03:21 am »

35. LẠI THƯ DỤ VƯƠNG THÔNG(1)

Kính thư gửi quan Tổng binh cùng liệt vị đại nhân. Kể ra người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Được thời có thế, thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời không thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy; sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay. Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại trang sức bằng lời dối trá, thế chẳng phải bọn thất phu hèn kém ư? Sao đủ để cùng nói việc binh được? Trước đây lòng mưu giả trá, mặt thác giảng hòa, rồi cứ đào hào đắp lũy, ngồi đợi viện binh, tâm tích không rõ, trong ngoài khác nhau, sao đủ khiến ta chắc tin mà không ngờ được? Cổ nhân có nói: “Tha nhân hữu tâm, dư thổn đạc chi” (Bụng dạ người khác, ta lường đoán biết), nghĩa là thế đó. Xưa kia Tần thôn tính sáu nước, chuyên chế bốn biển, đức chính không sửa, thân mất nước tan. Ngay Ngô(2) mạnh không bằng Tần, mà hà khắc lại quá, không đầy một năm tất nối nhau mà chết, ấy là mệnh trời, không phải sức người vậy. Hiện nay phương Bắc có kẻ địch Thiên-nguyên(3), trong nước có mối lo các xứ Tầm-châu(4), một khu Giang-tả(5) không tự giữ xong, huống còn mưu toan cướp nước khác ư! Các ông không hiểu sự thế, bị người đánh thua, lại còn chực dựa uy Trương Phụ(6), thế là đại trượng phu chăng? Hay cũng chỉ là đàn bà thôi? Sự thế ngày hay, dẫu cho thượng vị(7) có đem quân đến nữa, cũng chỉ chóng chết mà thôi, huống là Trương Phụ chỉ tự đến nộp mạng thì sang đáng nói! Xưa Hán Chiêu Liệt(8) chỉ là di phái họ Lưu, mà Khổng Minh làm cho đại nghiệp phục hưng dược, huống hồ con cháu hoàng Trần, mệnh trời đã cho, lòng người đã theo, thì Ngô sao có thể cướp được! Và kẻ hào kiệt ngày xưa, chưa gặp thời thì ẩn, đã thấy cơ thì dậy, cho nên Y Doãn(9) là kẻ cày ruộng ở đồng Sằn, Thái công(10) là kẻ câu cá ở sông Vỵ, một người thì làm vương tá, một người thì làm đế sư, đấy là người hào quý chăng? Là người bần tiện chặng? Còn như Mộ Dung nước Yên(11), Thạch Lặc(12) nước Triệu đó là người Trung-quốc chăng? Là người Man Mạch(13) chăng? Ngẫm kỹ lời các ông nói, thật là lời nói của tiểu nhân Man Lão, không phải là lời nói của người Trung-quốc vậy. Nay sức hết kế cùng, quân sĩ nhọc mệt, trong thiếu lương thực, ngoài không viện binh, bám hờ khu nhỏ mọn, nghỉ tạm thành chơ vơ, há chẳng phải là như thịt trên thớt, cá trong nồi sao? Thế mà lại còn lừa dối dân ta, dụ điều phi nghĩa. Kìa những kẻ trung thần nghĩa sĩ, dầu thời cùng vận ách, nếm mật nằm gai, cũng chẳng chịu mưu đồ kia khác, lẽ nào ngày nay lại chịu tin nghe lời bất nghĩa của bọn các ông? Chỉ e người Nam trong thành nhớ mến chủ cũ, người Ngô ở đây khốn khổ không kham, thì những người chống các ông sẽ kế nhau ra hàng, như Trương Phi, Lữ Bố(14), các ông lại bị chính bộ hạ giết hại, đó là lẽ tất nhiên. Nay ở các thành, từ Đô ty trở xuống đều căm giận bọn các ông lừa dối, khuyên ta làm cỏ cả thành. Hoặc có kẻ trèo lũy trốn ra, tố cáo cả việc sắp đặt chiến cụ, sửa đóng xe thang. Những người bị khốn sẽ giết lẫn nhau, hà tất phải quân sĩ của ta nữa. Nay tính hộ các ông thì có sáu điều phải thua:

- Nước lụt chảy tràn, tường rào đổ lở, lương cỏ thiếu thốn, ngựa chết, quân ốm. Đó là điều phải thua thứ nhất.

- Xưa Đường Thái bắt Kiến-đức mà Thế Sung ra hàng(15). Nay những nơi quan ải hiểm yếu, đều có quân và voi đồn giữ, nếu viện binh đến, thế tất phải thua, viện binh đã thua, bọn các ông tất bị bắt. Đó là điều phải thua thứ hai.

- (Ở nước các ông) quân mạnh ngựa tốt nay đã đóng cả ở miền Bắc để phòng bị quân Nguyên(16), không rỗi nhìn đến miền Nam. Đó là điều phải thua thứ ba.

- Luôn động can qua, liên tiếp đánh dẹp, người sống không vui, nhao nhao thất vọng. Đó là điều phải thua thứ tư.

- Gian thần chuyên chính, chúa yếu giữ ngôi, xương thịt hại nhau(17), gia đình sinh biến. Đó là phải thua thứ năm.

- Nay ta dấy nghĩa binh, trên dưới cùng lòng, anh hùng hết sức, quân sĩ càng luyện, khí giới càng tinh, vừa cày ruộng lại vừa đánh giặc; quân sĩ trong thành thì đều mỏi mệt, tự chuốc diệt vong. Đó là điều phải thua thứ sau.

Nay giữ cái thành cỏn con để chờ sáu điều thất bại, ta lấy làm tiếc cho các ông lắm! Cổ ngữ có câu: “Nước xa không thể cứu lửa gần”. Giá viện binh có đến, cũng không có ích gì cho sự bại vong? Trước Phương Chính, Mã Kỳ chuyên làm hà ngược, sinh linh lầm than, thiên hạ ta oán, đào phần mộ ở ấp ta, bắt vợ con của dân ta, người sống bị hại, người chết ngậm oan. Nếu các ông xét kỹ sự cơ, nhận rõ thời vụ, nên chém lấy đầu Phương Chính, Mã Kỳ đưa nộp ở quân môn, thì sẽ tránh khỏi giết hại cho người trong thành, hàn gắn vết thương cho người trong nước, hào hảo lại thông, can qua nghỉ mãi. Như muốn kéo quân về nước, thì cầu đường sửa xong, thuyền ghe sắm đủ, thủy lục hai đường, tùy theo ý muốn, đưa quân về cõi, yên ổn muôn phần. Ta chỉ giữ phận bề tôi, không thiếu chức cống. Nếu không nghe thế, thì nên chỉnh quân bày trận, giao chiến ở chốn bình nguyên, quyết một trận được thua, để xem khéo vụng, chứ không nên ở chúi trong xó hang cùng và bắt chước thái độ mụ già như thế!


(1) Thành Đông-quan bị bao vây từ tháng 10 năm Bính ngọ (1426). Cuộc vây hãm và dụ hàng của quân ta làm cho quân Minh trong thành càng ngày càng khốn đốn: lương thực cạn dần, quân lính mệt mỏi, tinh thần suy sụp, Vương Thông lo lắng, tung tin viện binh sắp sang và khuếch đại thế lực nhà Minh để động viên quân lính. Nguyễn Trãi viết thư này vào khoảng tháng 2 năm Đinh mùi (1427) nhằm phân tích tình hình khó khăn mọi mặt của nhà Minh, vạch rõ nguy cơ bại vong nếu quân địch vẫn ngoan cố giữ thành chờ viện binh.
(2) Khi Chu Nguyên-chương (vua Thái tổ nhà Minh sau này) đấy quân ở Từ-châu, tự xưng là “Ngô-vương”, nên sau thường dùng tên này để gọi nhà Minh.
(3) Thiên-nguyên: niên hiệu của hậu chúa Cô-tử-thiếp-mộc-nhi, dòng dõi nhà Nguyên, chiếm giữ miền Bắc, vẫn đang chống lại nhà Minh.
(4) Tầm-châu: thuộc tỉnh Quảng-tây. Năm Tuyên-tông thứ 1 (1426) các dân tộc thiểu số ở Tầm-châu nổi dậy chống lại nhà Minh. Tuyên-tông phải nhiều lần phái quân đi đàn áp.
(5) Giang-tả: miền cuối hạ du sông Trường-giang, nay là miền Giang-tô.
(6) Trương Phụ là viên tướng chỉ huy quân Minh sang đánh họ Hồ, cướp nước ta năm 1406-1407.
(7) Thượng vị: chỉ vua Minh.
(8) Chiêu Liệt là Lưu Bị. Bị vốn là tôn thất nhà Lưu Hán, Gia-Cát Lượng giúp Bị, đánh lại Tào, lấy Kinh-châu, định Ích-châu, rồi dựng nước ở Thục.
(9) Y Doãn trước đi cày ở đồng họ Hữu Sằn. Vua Thang ba lần cho đem đồ lễ vật đến đón mới ra ; ông giúp vua Thang đánh chúa Kiệt, làm vua thiên hạ. Vua Thang tôn ông làm chức A-hành.
(10) Thái công Vọng tức Lữ Thượng. Trước đi câu ở sông Vị, Văn vương đi săn, gặp ông, nói chuyện thích lắm. Văn Vương đem ông về, lập làm thầy. Rồi ông giúp Vũ vương đánh Ân, lấy được thiên hạ.
(11) Mộ-dung: Họ Mộ-dung là chủng tộc Tiên-ty ở thời Đông Tấn. Mộ-dung Ngỗi làm vua khai quốc nướcTiền Yên ; Mộ-dung Thùy làm vua khai quốc nước Hậu Yên ; Mộ-dung Đức làm vua khai quốc nước Nam Yên; đều là người Hộ, trước sau cát cứ Trung-quốc.
(12) Thạch Lặc: người thuộc chủng tộc Yết. Thạch Lặc đem quân xâm lược Trung nguyên, đánh lấy châu quận rất nhiều. Sau phản Tiền Triệu sưng vương rồi xưng đế, dựng nhà Hậu Triệu. Trong 16 nước thuộc ngũ Hồ, Thạch Lặc là cường thịnh nhất.
(13) Man Mạch: người không phải tộc Hán ở phương Nam gọi là “Man” ở phương bắc gọi là “Mạch”. Đó là tên gọi khinh miệt của phong kiến Trung-quốc đối với các dân tộc thiểu số.
(14) Lữ Bố dũng tướng của Hậu Hán, Trương Phi dũng tướng của Thục Hán, hai người đều bị bộ hạ giết.
(15) Đường Thái-tông vây đánh Thế Sung. Đậu Kiến Đức đem quân đến cứu Sung. Thái-tông đánh bắt được Kiến Đức, vì thế Sung phải hàng.
(16) Quân Nguyên tức là quân Mông-cổ.
(17) Sau khi Minh Thái tổ chết, cháu là Doãn Văn lên ngôi, thì Yên Vương Lệ (Con Thái-tổ) liền đem quân đánh đuổi Doãn Văn mà cướp ngôi tức Minh Thành-tổ. Thành tổ chết, truyền ngôi đến cháu là Tuyên-tông, thì Cao Hú, con Thành tổ, dấy quân làm phản. Tuyên tông thân hành đi đánh, bắt được Cao Hú. Sau Cao Hú và con cháu đều bị Tuyên tông giết.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2011, 08:12:04 am »

36. THƯ CHO VƯƠNG THÔNG(1)

(Tư không Lê Lễ và thượng tướng Lê Xí(2) đánh nhau với quân Minh ở My-động bị thua. Vua vị sự thất bại ấy mà viết thư cho Vương Thông. My-động là Hoàng-mai động ngày nay).

Tôi nghe: Múc một gáo nước, biển cả không vì thế mà vơi; thêm một gáo nước, biển cả không vì thế mà đầy. Cho nên người dùng binh giỏi không lấy sự thắng nhỏ mà mừng, không lấy sự thua to mà sợ. Nay các ông lấy tàn tốt vài nghìn, giữ một thành trơ trọi, lương sắp hết mà viện không thấy đến, chúng lìa lòng mà quân ngày ít đi, cái thế mạnh yếu được thua, có thể ngồi mà tính được. Huống hồ nước An-nam binh tướng thì nhiều, tâm lực đều nhau, chiến khí càng tinh, sĩ khí càng mạnh, kẽ sĩ trí mưu, các tướng vũ dũng, chẳng khác cây rừng rậm rạp, răng lược khít nhau vậy. các ông có thắng một trận nhỏ cũng không thấy là mạnh, mà ta dẫu có thua một trận nhỏ cũng không thấy là yếu. Vừa rồi mấy người tỳ tướng của ta, tuổi trẻ tính ngông, không theo ước thúc, khinh chiến lỡ cơ, các ông lấy thế làm đắc chí. Nay đem những tướng hiện ở các nơi Tân-bình, Thuận-hóa, Diễn, Nghệ cùng các sở Tiền-vệ, Tam-giang, Xương-giang, Trấn-di(3) và Thái đô đốc cùng các quan Tam ty, chỉ huy, thiên bách hộ, ước hơn vài trăm người, quân nhân một vạn vài nghìn người, trai gái lớn nhỏ hơn ba vạn người bị các ông làm lầm lỡ, mà so với vài người tỳ tướng cuẩt, thì ai hơn ai kém, ai được ai thua? Thế mà ông không hề lấy thế làm lo, lại còn dương vây nói mẽ, có khác gì nhà đương cháy mà chim én còn nhơn nhơn vui vẻ cùng nhau, há chẳng đáng cười lắm sao! Vảy nay ở miền Lưỡng Quảng nghe tin quân ta thừa thắng ruổi dài, bọn đạo tặc đã nhân dịp mà trỗi dậy. Tích-lịch đại vương(4) đã giữ đất xưng đế, mà binh tượng của ta ngày đêm tiến đánh. Bằng-tường(5) Long-châu(6) ta đều lấy được. Nay ông vẫn còn ngày ngày mong đợi viện binh mà nói phao là viện binh sắp đến, thì có khác gì trong mộng nói chuyện mông không? Lại càng đáng cười lắm! Ngày trước Thái đô đốc và các chỉ huy thiên vạn hộ(7) cùng các quan phủ huyện châu có bảo tôi đem sự lý trong tờ chiếu của Thái tôn hoàng đế cho lập họ Trần về vào Kinh(8) mà tâu bày và tố cáo việc quan tổng binh không biết, trấn thủ Nam-phương(9) lại theo kế của người khác, tự gửi văn thư đi thu binh mã của các vệ giả làm giảng hòa rồi thì bội ước để đến nỗi bọn ấy nhao nhao kêu la thất sở. Song tôi cứ tờ tâu ngày trước bắt được thì thấy tổng binh đại nhân thực có lòng thành, chỉ vì bọn họ Phương họ Mã làm mê muội mới đến nỗi thế. Bởi vậy lời bàn ấy chưa quyết. Nếu ngài nay lại biết theo lời ước cũ, thì nên cho quân về ngay, cùng hòa giải với Thái đô đốc, vừa để thoát khổ can qua cho hai nước, vừa để giải mối oán bị bán rẻ của Thái công. Như thế thì trọn quân mà khỏi họa, há chẳng hay sao! Nhược bằng cứ chấp mê mà giữ đến chết không biết biến thông thì cũng như câu Đường Thái tôn bảo “tận trung vô ích” (hết trung không ích gì) vậy. Vả kẻ đại trượng phu làm việc nên phải lỗi lạc đàng hoàng. Ngài muốn đánh thủy, thì nên bày hết chiến thuyền ở cửa sông để quyết tử chiến, muốn đánh bộ thì nên xuất hết binh mã ra đồng ruộng để quyết sống mái trong một hai ngày, không nên chíu ở xó thành, chợt ra chợt vào, cướp lấy củi cỏ, cho thế là đắc sách. Như thế là việc làm của đàn bà con gái, không phải là việc làm của bực đại trượng phu!


(1) Trong khoảng tháng 2 tháng 3 năm Đinh mùi (1427), Vương Thông lợi dụng một vài sơ hở của quân ta, tổ chức ba cuộc phản kích.
Ngày 7 tháng 2 (ngày 4-3-1427) Phương Chính đánh ra trại quân của Lý Triện, Đỗ Bí ở Cảo-động (Nhật-tảo, Từ-liêm, Hà-nội; Toàn thư q.10, 28a chép là Quả-động). Quân ta đánh lui quân địch, nhưng trong chiến đấu tướng Lý Triện hy sinh và Đỗ Bí bị bắt.
Ngày 19 (ngày 16-3-1427), quân Minh lại đánh ra Bãi Sa-đôi (Sa-đôi hay cầu Đôi, Từ-liêm, Hà-nội), nhưng cũng bị đánh lui.
Ngày 8 tháng 3 (ngày 4-4-1427), Vương Thông tự chỉ huy một đội quân tinh nhuệ bất người đánh ra doanh trại quân ta ở Tây Phù-liệt (Thanh-trì, Hà-nội) Quân địch cũng bị đánh lui và bị truy kích đến My-động (Hoàng-mai, Thanh-trì, Hà-nội). Nhưng ở đây, hai tướng Đinh Lễ, Nguyễn Xí bị giặc bắt.
Vương Thông ra sức thổi phồng những thắng lợi nhỏ đó và tiếp tục phao tin viện binh sắp sang đến nơi để củng cố tinh thần quân lính. Nguyễn Trãi viết thư nào vào khoảng tháng 3 năm Đinh mùi (1427) sau trận quân Minh đánh ra Tây Phù-liệt, để vạch trần những luận điều giả dối của Vương Thông và sự thất bại không tránh khỏi của kẻ thù.
(2) Chính tên là Đinh Lễ và Nguyễn Xí; nhưng sau được Lê Lợi ban “quốc tính” cho đổi làm họ Lê (họ nhà vua) để tỏ ý hậu đãi công thần, nên sử cũ thường chép là Lê Lễ và Lê Xí. Sau khi bị địch bắt ở My-động, Đinh Lễ bị giặc giết chết, còn Nguyễn Xí thì dùng mưu trốn thoát được.
(3) Vệ Trấn-di đóng ở ải Trấn-di thuộc huyện Trấn-dĩ phủ Lạng-sợn, tức ải Chi-lăng thuộc huyện Chi-lăng, tỉnh Lạng-sơn.
(4) Từ đầu thế kỷ XV, ở Trung-quốc đã bùng nổ những cuộc khởi nghĩa nông dân lẻ tẻ, tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Đường Trại-nhi ở Sơn-đông năm 1420. Tích-lịch đại vương có lẽ là một thủ lĩnh nông dân khởi nghĩa ở vùng Lưỡng Quảng.
(5) Bằng-tường thuộc tỉnh Quảng-tây (Trung-quốc), gần biên giới nước ta.
(6) Long-châu thuộc tỉnh Quảng-tây (Trung-quốc), gần biên giới nước ta.
(7) Trong sách in là (binh), nhưng có lẽ in nhần là chữ (hộ).
(8) Tức là Yên-kinh (Bắc-kinh), thủ đô của nhà Minh.
(9) Trong sách in là Bắc phương thì không hợp, chúng tôi chữa lại la Nam phương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2011, 08:19:49 am »

37. LẠI THƯ CHO VƯƠNG THÔNG(1)

Tri phủ phủ Thanh-hóa Lê Mỗ(2) kính thư gửi quan tổng binh Thành-sơn hầu biết: Tôi nghe cái điều đáng quý ở người tuấn kiệt là biết thời thế, hiểu sự biến mà thôi. Xem ta ngày xưa ở Khả-lam, đất chẳng qua một thành, quân chẳng qua một lữ(3), mà thường bị bọn Mã Kỳ, Chu Kiệt bức; sau lại phải trốn ở núi Chí-linh đất Lão-qua để đời thời mà ra, cơm ăn chẳng nền hai bữa, áo mặc chẳng nề đông hè, quân lính chỉ độ vài nghìn, khí giới thì như không trơn, thân thích con em thầy bạn thì tán tác quê người, không được xum họp. Thế mà bọn Phương Chính, Mã Kỳ, Vương Thành, Phùng Quý lại luôn năm tiến đánh, binh giáp của ta sớm hôm bố trí, không phút nghỉ ngơi. Song gặp khốn mà thông, càng đánh càng thắng, đến đâu cũng là bẻ gãy đập tan, há chẳng phải là lòng trời đấy sao! Ngày nay vận trời tuần hoàn, đi rồi lại lại. Trước kia ăn không nề hai bữa, mà nay thì lương thực của các ngươi tích trữ, ăn được ba chục năm; trước kia quân bất quá vài trăm người, mà nay thì binh phụ tử(4) ở Thanh-hóa không dưới hai vạn, quân có tiếng tinh tráng dũng cảm ở Diễn-châu, Tân-bình, Thuận-hóa cũng không dưới vài vạn, cùng quân đồng tâm đồng lực ở các lộ Giao châu, không dưới mười vạn người; trước thì thầy bạn thân tích tán tác, mà nay thì những kẻ sĩ trí mưu tài thức, không khác cây rừng rậm rạp, răng lược khít nhau; trước thì khí giới không trơn mà nay thì thuyền chiến ngất mây, áo giáp rực sáng, tên đạn chất đống, thuốc súng đầy kho. So với giờ, mạnh hay yếu thì biết rõ được. Huống chi ở nước người, quốc chúa liền năm tử táng(5), cốt nhục tàn hại lẫn nhau, Bắc-khấu xâm lăng, đại thần lấn át; gia dĩ mùa màng mất luôn, thổ mộc(6) làm mãi, chính lệnh hà khắc, giặc cướp như ong. Từ niên hiệu Hồng-vũ(7) đến nay, cùng binh độc vũ trong nước tổn hao, nhân dân mệt nhọc. Trời làm táng vọng, chính ở lúc này. Ngươi còn không biết thời biến, lại nghe lời bọn Phương, Mã mà vẫn làm kế công thủ. Hắn nếu giỏi công thủ thì sao không đánh ta ngay thuở ở Khả-lam hãy còn nhỏ yếu, mà bây giờ lại dương vây khoác lác như thế ư? Sao không biết nghĩ lắm thế. Huống chi lại bưng bít tai mắt người ta, đặt điều lừa phỉnh nói phao là viện binh sắp đến, Trương Phụ lại sang. Ngươi sao không nghĩ, ngày nay dẫu có mười vạn viện binh, thì có dám vượt cửa quan không. Vì bằng dốc quân cả nước kéo sang, hoặc độ ba vốn mươi vạn, thì sao ngươi không liệu, nước ngươi ngày nay quả vô sự chăng? Hay ở trong vách tường hãy còn có việc chăng? Như loại Trương Phụ, bất quá nhất thời hú họa thành công thôi. Bấy giờ họ Hồ thoán đoạt, người cả nước xem tựa kẻ thù, dân chúng chống lại, thân thích phân ly, Trương Phụ chỉ may nhân chỗ hở ấy mà thành công thôi. Ngươi sao không nghĩ, ta binh tượng nhiều, tâm lực đều, dù có trăm bọn Trương Phụ thì làm gì ta! Huống chi nước ngươi tình thế nguy ngập như thế, mà lại sai Trương Phụ đem ba bốn mươi vạn quân ra ngoài, liệu triều đình ngươi có yên tâm chăng? Nay tính giùm các ông, chẳng gì bằng cùng Thái đô đốc đem quân về nước là hơn cả. Không thế thì một khi cờ ta trỏ, trống ta nổi, các ông ăn năn chẳng kịp đâu! Kinh Dịch có câu: “Cùng tắc biến, biến tắc thông” (Cùng thì biến, biến thì thông). Các ông sao không nghĩ thế, cứ khư khư cái tiểu tiết Trương Tuần(8), Hứa Viễn(9), ta e sĩ tốt của ngươi, ngày đêm thiết tha mong về, lại thêm cơm cháo chẳng no, tạp dịch liên tiếp, dẫu muốn đánh và giữ, đã dễ ai theo. Ngạn ngữ có câu: “Một buổi không có ăn, cha chon hết tình nghĩa”. Vả bọn Phương Mã là tướng thua trận, không thể nói chuyện mạnh được các ông nên nghĩ kỹ đi.


(1) Trong thư này, Nguyễn Trãi phân tích tình hình và so sánh lực lượng giữa hai bên nêu rõ sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của quân ta đến mức độ đủ sức hạ thành, diệt viện vừa chiêu dụ Vương Thông, vừa đập tan những điều lừa phỉnh của hắn đối với quân Minh.
Trong thư này, Nguyễn Trãi phân tích tình hình và so sánh lực lượng giữa hai bên nêu rõ sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của quân ta đến mức độ đủ sức hạ thành, diệt viện vừa chiêu dụ Vương Thông, vừa đập tan những điều lừa phỉnh của hắn đối với quân Minh.
(2) Tức là Lê Lợi.
(3) Lữ là một đơn vị quân đội gồm 500 người. Tả truyện có câu: “Hữu điền nhất thành, hữu chúng nhất lữ” 有田一城,有众一旅 nghĩa là ruộng có một thành (10 dặm), quân có một lữ (500 người). Cũng có khi ghi là 有土一城,有众一旅 Hữu thổ nhất thành, hữu chúng nhất lữ.
(4) Sách Ngô tử trị bình có câu “phụ tử chi binh” 父子之兵 nghĩa là nói quân đội một lòng đoàn kết chặt chẽ như tình cha con.
(5) Ở Trung-quốc, tháng 7 năm Giáp Thìn (1424) Minh Thành-tổ chết; tháng 6 năm Ất tỵ (1425) Minh Nhân tông chết
(6) Thổ mộc là công việc xây dựng lâu đài, cung điện. Nhà Minh xây dựng nhiều lâu đài, cung điện, nhất là việc xây dựng thủ đô Bắc-kinh rất tốn kém, bắt nhân dân phục dịch nặng nề.
(7) Hồng-Vũ là niên hiệu Minh Thái-tổ (1368-1399).
(8) và (9) Thời Đường, khi An Lộc Sơn làm loạn, hai tướng của Đường là Trương Tuần, Hứa Viễn giữ thành Tuy-dương, để che đỡ cho miền Giang, Hoài. Sau vì không có viện binh, lương hết thành hãm mà bị hại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2011, 08:08:04 pm »

38. THƯ CHO THÁI ĐÔ ĐỐC(1)

Đệ ở Lam-sơn kính thư gửi lão huynh Thái-công. Kể ra kẻ sĩ quý ở gặp thời, đạo quý ở thực hành. Song đạo có thực hành được hay không la quan hệ ở thời có gặp hay không gặp. Vì thế anh hùng hào kiệt đời xưa, bình nhật ôm ấp điêu gì, ai mà chẳng muốn dốc ra thi thố để cho đạo sáng tỏ ở đời. Song thời có gặp hay không phải là ở tự trời vậy. Ngày xưa Bách Lý Hề(2) ở Ngu thì nguy mất nước, mà sang Tần thì Tần nên nghiệp bá, Lý Tả Xa(3) ở Triệu thì Triệu bị diệt, mà theo Hán thì Hán dấy nghiệp vương, nào phải là ở nơi này thì ngu mà ở nơi kia thì trí đâu. Chỉ là tại gặp thời hay không gặp thời mà nên thế. Lão huynh là bực tướng cũ của tiên triều, buổi đầu sang đánh Giao-chỉ, phá thành Đa-bang(4) thì ông bắc thang mây là lên thành trước, công to tực nhất. Rồi sau mỗi năm chinh phạt, cũng đều lập được chiến công. Song không may cho ông là không được đời biết, cho nên không được vượt lên trên người; gia dĩ lại bị khiển trách luôn, chí không được thỏa, đạo không được hành, rốt cuộc ngày nay lại bị Vương Thông lừa bán, thế lại là điều không may cho ông, cũng là điều rất không may cho Trung-quốc vậy. So với xưa Bách Lý Hề ở Ngu, Lý Tả Xa ở Triệu thì có khác gì. Nay quốc chúa(5) tôi vốn biết ông là hiền, muốn đặt ông vào địa vị đại thần để được nghe dạy bảo, không biết ý ông thế nào? Như Hàn Tín(6) bở Sở mà theo Hán chăng? Thì quốc chúa tôi sẽ sẻ cơm nhường áo, hẳn không kém gì Hán Cao Tổ; hay như Cơ Tử(7) không chịu làm tôi Chu chăng? Thì quốc chúa tôi sẽ xuống xe hỏi đạo, hẳn không kém gì Chu Vũ vương. Trong hai kế ấy, ông định kế nào? Vả nước dấy hay mất, thịnh hay suy, do ở vận trời, sức người không thể làm được. Nay ông lại về mà dùng cho Trung-quốc, thì hiện nay ở Trung quốc, bên trong có cái vạ tiêu tường, bên ngoài có cái lo Bắc khấu, nắng lut tiếp nhau, yêu nghiệt đến mãi, đại thần lấn át, cả nước chia lìa, tời làm táng vọng chẳng sớm thì muộn. Kẻ sĩ minh triết nên sớm biết cơ mầu. Khi các ông, không may mà gắp cái thời không thể làm được, lại không may mà không được thỏa cái chí có thể làm được, chinh như Đường Thái tôn bảo “Hết trung không ích gì” vậy. Nay kế hay của ông chẳng gì bằng thuận theo sở ngộ, nghe theo mệnh trời, nhân thời cơ này dựng nên công nghiệp, khiến cho dân ta may được thoát khổ lầm than, mà công trạng lớn lao của ông được rạng rỡ trong sử xanh(8), há chẳng tốt đẹp ư? Nếu cứ khư khư giữ cái tiểu tiết, thì thực không phải là bực hào kiệt biết thời vậy. Kính xin xét định. Thư nói không hết.


(1) TThái đô đốc là đô đốc Thái Phúc. Sau khi ra hàng, Thái Phúc tỏ ra thức thời, tỉnh ngộ và hết sức giúp đỡ Lê Lợi - Nguyễn Trãi trong việc du hàng quân Minh ở các thành bị bao vây. Vì vậy, Lê Lợi - Nguyễn Trái kính trọng Thái Phúc và có ý muốn lưu ông ở lại nước ta, mời giữ một chức tước cao hoặc giúp đỡ như một cố vấn, vừa để dùng ông vừa để tránh cho ông sự hãm hại của nhà Minh. Bức thư này có lẽ gửi vào khoảng cuối năm 1427 trước khi quân Minh về nước. Nhưng Thái Phúc từ chối và khi về nước thì ông bị nhà Minh kết án xử tử.
(2) Bách Lý Hề là người thời Xuân thu, trước làm đại phu nước Ngu, 7 năm không thi thố gì. Khi Tấn diệt nước Ngu, bắt Hề, đem làm người thần bộc đi đưa dâu vợ Mục công nước Tần. Hề lấy làm hổ, bỏ đi, bị người Sở bắt được. Tần Mục công nghe biết Hề là người hiền, lấy da 5 con dê đem chuộc Hề về, rồi dùng làm tướng. Hề giúp Tần làm nên nghiệp bá.
(3) Lý Tả-xa người thời Hán, trước làm quan ở nước Triệu. Khi Hán đánh Triệu, Triệu vương Thành-an quân Trần Dư không theo kế của Tả-xa, sau Triệu bị quân Hán đánh thua, Hán Tín bên Hán mời được Tả-xa đem về làm quân sư, giúp Hán Cao tổ được nên cơ nghiệp.
(4) Bản chữ Hán in lầm Đa na(多那), chính là Đa-bang(多邦).
(5) Quốc chúa tức là Trần Cảo
(6) Hàn Tín người thời Hán, trước theo Hạng Vũ, Vũ không biết dùng. Sau Tín bỏ Sở theo về Hán. Bái công trọng dụng, nhường áo sẻ cơm cho Tín rồi trao cho chức Đại tướng.
(7) Cơ Tử là tôi nhà Ân, khi Ân bị diệt, ông không chịu là tôi nhà Chu. Vũ vương nhà Chu thường lún mình hỏi kế của ông. Sau phong cho ông ở Triều-tiên.
(8) Ngày xưa chưa chế được giấy, phải chép sách và mảnh tre cật xanh, vì thế gọi là “thanh sử” (sử xanh).
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Hai, 2011, 08:44:37 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2011, 08:10:16 pm »

39. THƯ CHO VƯƠNG THÔNG(1)

Thư bảo cho tổng binh ngươi biết. Cổ nhân có nói: “Giặc đến lúc cùng, chớ nên đuổi bức”(2). Nay ta định đem ba bốn mươi vạn quân vây bốn thành của ngươi, chỉ em chim cùng thì mổ, thú cùng thì vồ, nên ta không đem quân toàn thắng của cùng quân tất tử để tranh hơn thắng với lũ trẻ con vậy. Tuy nhiên, dù tiểu địch giữ vững, vẫn bị đại địch bắt được(1). Kể lấy sức nặng ngàn cân đè lên trứng chim, thì chưa hề có trứng nào không vỡ nát. Cái chuyện đánh thành hãy gác một bdên. Hoặc giả buông lỏng cho bè lũ ngươi, không để ý đến, ta hãy cởi giáp nghỉ binh, vỗ nuôi sĩ tốt, vời đón hiềngỉa, thu dụng nhân tài, sửa sang khí giới, luyện tập binh tượng, dạy cho những phương pháp ngồi, dậy, tiến, lui, lại lấy nhân nghĩa mà hun đúc, khiến ai ai cũng hết lòng thành, thân với kẻ trên, chết cho người trưởng, lấy đấy mà ứng phó với địch, kẻ nào theo ta sẽ sống, kẻ nào trái ta sẽ chết, phàm ta trông cậy là thế mà thôi. Một ngày kia việc nước ngươi hơi thư, lòng tham lại mống, hoặc lại đem ba bốn vạn quân sang, thì ta đối phó thực ung dung lắm. Đếnn hư bọn các ngươi, không đánh mà bị bắt thì chẳng phải nói nữa! Trong hai chước đó, ý ta chưa quyết chước nào! Không biết các ông có cho việc ta không để ý đến là thượng sách chẳng? Xin các ông lui mà chỉ giáo cho, thực là may lắm.


(1) Đông-quan là thành lũy trung tâm của địch, có thành cao, hào sâu, quân đông (khoảng 4 vạn). Đối với thành này, Lê Lợi - Nguyễn Trãi không chủ trương hạ thành mà chủ trương kiên trì bao vây và dụ hàng. Dù Vương Thông ngoan cố không chịu giảng hòa rút quân thì sau khi viện binh bị tiêu diệt, thành Đông-quan cũng phải đầu hàng. Thư này Nguyễn Trãi chỉ cho Vương Thông biết quân ta không hạ thành thì thất bại cũng đến với chúng.
(2) Sách Tôn tử có câu “Cùng khấu vật truy” (窮寇勿追 giặc đã đến lúc cùng, thì chớ nên đuổi theo). Ý nói, e chúng quay lại đánh liều.
(3) Câu này ở thiên “Mưu công” của Tôn tử là “Tiểu địch chi kiên, đại địch chi cầm”, 小敵之堅,大敵之擒 ý nói kẻ yếu nhỏ không lượng sức mà địch với kẻ mạnh lớn, dù cố giữ vững thế nào, kết cục sau vẫn bị kẻ mạnh hơn đánh bắt được.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Hai, 2011, 09:51:34 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM