Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:29:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân trung từ mệnh tập  (Đọc 82382 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 09 Tháng Hai, 2011, 06:05:22 pm »

Phần Quân trung từ mệnh tập rút từ Nguyễn Trãi toàn tập, nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976. Vì chỉ là phần trích từ sách nên không đưa vào mục thư viện.

QUÂN TRUNG TỪ MỆNH TẬP là quyển thứ tư của Ức-trai di tập. Theo Ức-trai di tập, thì Quân trung từ mệnh tập có tất cả 42 bài, vừa là thư từ viết cho bọn tướng lĩnh quân Minh hoặc cho bọn ngụy quân, vừa là biểu cầu phong hoặc bài dụ gửi tướng sĩ ta ở Thanh-hóa, Nghệ-an để khen thưởng vì có công đánh giặc.

Trong Quân trung từ mệnh tập do Nhà xuất bản Sử học xuất bản năm 1961, các ông Phan Duy Tiếp và Đinh Gia Khánh xếp 4 bài:

- Lệnh gửi các tướng hiệu quân nhân ở Nghệ-an, Tân-bình, Thuận-hóa.

- Thư gửi Vương Thông.

- Chiếu khuyến dụ hào kiệt.

- Tờ tâu về việc tìm con cháu họ Trần vào Quân trung từ mệnh tập.

Trong NGUYỄN TRÃI TOÀN TẬP này, chúng tôi cũng theo trật tự ấy mà sắp xếp phần Quân trung từ mệnh tập.

Trong thời gian gần dây, ông Trần Văn Giáp phát hiện thêm 30 bài văn của Nguyễn Trãi gồm những thư gửi cho tướng tá và quan lại nhà Minh, một bài biểu gửi vua Minh và một bài văn hội thề. Những bài này tìm thấy trong các sách Hoàng Lê hoàng các di văn, Ức-trai di tập bản chép tay năm 1856 và Hoàng triều dữ Minh nhân vãng phục thư tập của Thư viện Khoa học xã hội. Sau khi đã nghiên cứu, xác minh, ông Trần Văn Giáp tập hợp những bài văn đó, biên tập thành Ức-trai quân trung từ mệnh tập bổ biên.

Trong số 30 bài mới phát hiện có 7 bài gần như trùng nhau, chỉ khác đôi câu, đôi chữ. Những chỗ khác nhau đó có lẽ là do sao chép, chứ không phải xuất phát từ những bài văn khác nhau. Như vậy, tập bổ biên thực ra có 23 bài. Những văn kiện mới tìm thấy đã đưa số bài trong Quân trung từ mệnh tập từ 46 bài lên 69 bài. Hơn nữa, nội dung của những bài văn mới phát hiện còn bổ sung, soi sáng thêm nhiều vấn đề quan trọng về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi - Nguyễn Trãi lãnh đạo, đặc biệt là về tư tưởng chiến lược, chiến thuật của Nguyễn Trãi.

Chúng tôi đã đưa 23 bài văn mới tìm thấy vào phần Quân Trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi toàn tập xuất bản lần thứ nhất năm 1969. Lần xuất bản thứ hai này, chúng tôi có sắp xếp lại thứ tự các bài đó theo trình tự thời gian.

Khi xuất bản năm 1961, Quân trung từ mệnh tập đã được Viện Sử học hiệu đính. Lần này, đưa phần Quân trung từ mệnh tập vào NGUYỄN TRÃI TOÀN TẬP, chúng tôi lại đem bản dịch Quân trung từ mệnh tập của ông Phan Duy Tiếp và bản dịch Những văn kiện mới tìm thấy của ông Trần Văn Giáp hiệu đính một lần thứ hai nữa; phần chú thích cũng được ông Phan Huy Lê chỉnh lý và bổ sung.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2011, 06:16:50 pm »

(Xét thiên “Nghệ văn chí” sách Đại Việt thông sử của Lê Quí Đôn nói: tập Quân trung từ mệnh do Nguyễn Trải thảo là những thư từ đi lại với các tướng Bắc triều và ba bài giới dụ tướng sĩ khoảng niên hiệu Hồng-đức Trần Khắc Kiệm biên chép lại theo thứ tự.

Lại sách
Lam-sơn ký nói: Nhà vua từ lúc binh Ngô đến lúc phục quốc, phàm bao nhiêu văn thư đị lại ở quân trung, đều sai văn thần là Nguyễn Trãi làm cả).(*)

1. THƯ XIN HÀNG(1)

(Còn gọi là thư tố oan)

(Năm Qúy mão (1423) ngày 6 tháng 5(1), sai Lê Vận, Lê Trăn mang năm đôi ngà voi cùng thư (đi cầu hòa). Sử kí chép: “Năm Nhân dần (1422), vua về núi Chí-linh(3), hai tháng hết lương, chỉ ăn rau củ và măng tre mà thôi. Bấy giơ quân sĩ mỏi mệt muốn được nghỉ ngơi, khuyên vua hòa với giặc, vua bèn cùng bọn Sơn Thọ, Mã Kỳ giảng hòa”).

Tôi nghe nói: “Sinh đời thái bình, ai chẳng được ở yên; gặp đời thánh minh, ai chẳng được thỏa sống”. Nay tôi sinh đời bình, gặp thời thịnh, mà lại thường phải than là mất chỗ ở yên là cớ làm sao? Trước vì tri huyện Đỗ Phú(4) là người đồng hương, cùng tôi có hiềm khích, nó đút lót tham chính lương Nhữ Hốt(5), nói vu cho tôi khinh mạn quan trên, cậy mạnh mà chống lại mệnh trên, nếu không trị trước, tất có lo sau. Nhữ Hốt báo với quan quản binh cùng nội quan Mã Kỳ(6) nhân đó cho quan quân đến đánh úp bộ chúng tôi, không kể trẻ già, đều bị chém giết bắt bớ; họ hàng tôi đều tan tác, vợ con tôi đều chia lìa. Lại khai quật mồ mả tổ phụ tôi phởi bày hài cốt (sách Lam-sơn kí chép: Năm Mậu tuất (1418) vua khởi binh ở Lam-sơn, bọn Mã Kỳ nhà Minh đến bức, nhà vua lui về đóng đồn ở Lạc-thủy, Đỗ Phú đưa bọn giặc đến đào hài cốt của đức Hoàng khảo ở xứ Phật-hoàng; lại đi lén theo đường tắt để đánh úp phía sau nhà vua, bắt gia thuộc nhà vua cùng vợ con của quân dân rất nhiều). Tôi không biết kêu đâu, tiến thoái đều khó, bèn sai thân nhân đến Tam ty(7) tạ tội, thì hai ba lần sứ đi đều bị giết, không ai được về. Tôi không biết tính sao, đành phải chạy đi núp náu cho qua năm tháng, để đợi quan trên xét soi. Sống tạm nơi rừng núi đã sáu năm trời, ngày cơm hai bữa, chưa từng có bữa nào no. Song chim tinh vệ(8) lấp biển, há quản gian lao; kẻ oan ức trả thù, cũng liều sống thác; nên tôi đem bộ chúng đến vây quê nhà Đỗ Phú, bắt họ hàng làng xóm nó để hả lòng căm giận mà thôi, đâu dám có chí khác. Nay nghe quan tổng binh(9) là bực đức lớn ân rộng, tâm như Đặng Vũ(10) dụ địch, chính như Hoàng Bá(11) dạy dân, thực là dịp cho tôi được đổi lỗi sửa mình. Vậy xin kính sai bọn anh họ là Lê Vận(12) dâng thư đến viên môn(13), giãi bày oan khổ, cúi xin đại nhân tha cho lỗi đã qua, mở cho đường đổi mới. Nếu được rủ lòng khoan thứ, thật là ơn tạo hóa của trời đất vậy.


(*) Những đoạn chữ nhỏ đặt trong ngoặc đơn là lời chú trong Ức-trai di tập do Dương Bá Cang biên tập.
(1) Cuộc khởi nghĩa Lam-sơn do Lê Lợi - Nguyễn Trãi lãnh đạo bắt đầu dấy lên từ một ngày đầu xuân năm 1418. Lực lượng nghĩa quân lúc đó không quá 2.000 người. Từ năm 1418 đến năm 1423, nghĩa quân hoạt động ở miền núi rừng Thanh-hóa trong những điều kiện hết sức gian khổ, ác liệt. Bằng lối đánh du kích lợi hại, nghĩa quân đã đánh lui nhiều cuộc vây quét lớn của quân Minh, bảo toàn và phát triển lực lượng, mở rộng dần khu căn cứ. Nhưng cuộc khởi nghĩa cũng gặp nhiều khó khăn. Nghĩa quân nhiều lần bị tổn thất nặng nề, bị thiếu lương thực và ba lần bị bao vây ở núi Chí-linh.
Trước tình hình đó, đầu năm 1423, Lê Lợi - Nguyễn Trãi chủ trương tạm hòa hoãn với địch để tranh thủ thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị cơ sở cho cuộc chiến đấu lâu dài. Bức thư này, mở đầu cho việc thương lượng đình chiến nhằm mục đích - như Nguyễn Trãi đã nói rõ trong bài phú Núi Chí-linh - “bên ngoài giả thác hoàn thân” để “bên trong lò rèn chiến cụ”, “quyên tiền, mộ lính”… Trong hoàn cảnh và so sánh lực lượng lúc bấy giờ, công việc thương lượng với địch phải thực hiện một cách mềm mỏng, khôn khéo dưới hình thức trá hàng. Vì vậy, bức thư này gọi là “Thư xin hàng”. Trong thư, Nguyễn Trãi nêu rõ tội ác của quân địch và nỗi oan khổ của nhân dân, nên người ta còn gọi là “Thư tố oan”.
(2) Không rõ lời tiểu dẫn căn cứ vào đâu cho rằng bức thư này gửi ngày 6 tháng 5 năm Quý mão (tức ngày 13-6-1423). Trong Toàn thư (q.10, t.10a), Cương mục (1.13, t.16b)., Lam-sơn thực lục, Đại Việt thông sử, thì tháng 4 năm đó (10-5 đến 7-6-1423), công việc thương lượng đình chiến đã đạt kết quả và ngày 14 (ngày 23-5-1423) Lê Lợi cùng với nghĩa quân trở về Lam Sơn. Cũng theo chính sử của ta, tháng 12 năm trước (năm Nhân dần), Lê Lợi rút quân về núi Chí-linh và đóng ở đó trên hai tháng trong tình trạng thiếu lương thực rồi mới tạm hòa với quân Minh. Theo Hoàng Minh thực lục thì Lê Lợi rút quân về Chí-linh vào tháng giêng năm Quý mão. Vậy việc thương lượng đình chiến với quân Minh phải thực hiện vào khoảng cuối tháng 3 (tháng 3 tính ra dương lịch là từ ngày 11-4 đến 9-5-1423) hay đầu tháng 4 (tháng 4 tính ra dương lịch là từ ngày 10-5 đến 7-6-1423) năm Quý mão, nghĩa là vào khoảng tháng 5 năm 1423.
(3) Cương mục (1.13, t.3a) chú thích : “Núi Chí-linh: ở địa phận mường Giao-lão, nay thuộc đất phủ Trấn-định, Nghệ-an”. Phủ Trấn-định đời Nguyễn là châu Ngọc-ma thuộc phủ Nghệ-an thời thuộc Minh, nay là miền thượng lưu sông Ngàn-phố, Ngàn-sâu về phía tây. Vị trí núi Chí-linh xác định như vậy không phù hợp với phạm vi hoạt động của nghãi quân Lam-sơn lúc bấy giờ giớ hạn ở miền núi rừng Thanh-hóa, chưa lan vào đến miền thương dụ Nghệ-an, Hà-tĩnh.
Đại-nam nhất thống chí (1.6) căn cứ vào Lam-sơn thực lục chép núi Chí-linh ở địa phương mường Giao-lão và xác định “Giao-lão nay thuộc Lang-chánh”.
Mường Giao-lão nay là xã Giao-an huyện Lang-chánh, giáp huyện Thường-xuân, Tỉnh Thanh-hóa. Trên bản đồ hiện nay, vùng này có một đầu núi lớn mang tên là Pù Rinh gồm nhiều ngọn núi ở độ cao trên dưới 1.000m, chiếm một khu vực khá rộng giữa hai huyện Lang-chánh và Thường-xuân. Núi Chí-linh hay Linh-sơn trong Bình Ngô đại cáo chính là núi Pù Rinh (Pù hay Bù tiếng Thái nghĩa là núi, Pù Rinh tức núi Rinh, biến âm của núi Linh hay Linh-sơn) thuộc xã Giao-an. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thực địa để xác định cụ thể hơn ngọn núi Pù Rinh nào là núi Chí-linh mà nghĩa quân Lam-sơn sử dụng làm căn cứ chống quân Minh và nhà thơ Nguyễn Mông Tuân đã từng mô tả trong bài phú Núi Chí-linh.
(4) Đỗ Phú người Hào-lương ở gần Lam-sơn, là một tay sai đắc lực của quân Minh. Hắn giữ chức tri huyện, đã dẫn đường đưa quân Minh theo lối tắt đánh lên đánh úp nghĩa quân, lùng bắt gia thuộc của Lê Lợi và của nhiều nghĩa quân, quật mồ mả tổ tiên của Lê Lợi.
(5) Lương Nhữ Hốt người xã Trào-vịnh, huyện Cổ-đằng (sau đổi tên là xã Hội-triều, nay thuộc huyện Hoằng-hóa), là một ngụy quan cao cấp của quân Minh. Hắn trước làm tri phủ Thanh-hóa rồi thăng lên chức tham chính ty bố chính. Chính hắn đã dò la tình hình chuẩn bị khởi nghĩa của Lê Lợi và mật báo cho quân Minh lên đàn áp.
(6) Mã Kỳ là một hoạn quan của nhà minh, khét tiếng tham tàn, bạo ngược. Hắn đã từng giữ chức thái biện sứ chuyên đốc thúc cống phú, vơ vét tài nguyên của cải nước ta. Hắn còn là một võ quan chỉ huy quân Minh ở Thanh-hóa, trực tiếp đàn áp nghĩa quân Lam-sơn.
(7) Tam ty là cơ quan đứng đầu chính quyền đô hộ của nhà Minh ở nước ta, gồm: ty Thừa tuyên bố chính sứ (gọi tắt là ty Bố chính) coi về dân chính và tài chính, ty Đô chỉ huy sứ (gọi tắt là ty Đô) quản lính và chỉ huy quân lính, ty Đề hình án sát sứ (gọi tắt là ty Án Sát) nắm quyền tư phát và kiểm sát).
(8) Tinh vệ là một loài chim ở bờ biển. Tương truyền rằng: con vua Viêm-đế ngày xưa bị chết đuổi ở bờ biển hóa thành chim tinh vệ hay còn gọi là “chim oan” (oan cầm). Chim ấy cứ cắp gỗ đá ở núi Tây về lấp biển. Vì vậy, “chim tinh vệ lấp biển” có ý nghĩa ví với người bị oan ức, quyết tâm trả thù.
(9) Tổng binh là một chức võ quan cao cấp của nhà Minh. Tất cả quân Minh ở nước ta đặt dưới quyền chỉ huy của một tổng binh. Tháng 2 năm Nhâm thìn (1422), tổng binh Lý Bân chết, nhà minh cử tham tướng Trần Trí lên thay làm tổng binh.
(10) Đặng Vũ: Thời Hậu hán, quân nông dân khởi nghĩa Xích-mi vào cửa quan, định đánh phá Trường-an, bọn Vương Khuông chống cự không nổi. Vua Quang-Vũ lấy Đặng Vũ làm tiền tướng quân đi đánh Xích-mi. Đặng Vũ hết sức dụ dỗ, chiêu hàng được một số nghĩa quân.
(11) Hoàng Bá giữ chức thái thú đời Hán được coi là người khoan hòa, nhân chính.
(12) Lê Vận vốn họ Trần là anh vợ của Lê Lợi. Theo Toàn thư (1.10, tờ 10a) thì Lê Lợi phái Lê Vận và Lê Trăn mang thư đi giảng hòa.
(13) Viên môn là cổng ngoài nơi đóng quân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2011, 06:20:01 pm »

2. THƯ CHO TỔNG BINH CÙNG QUAN
PHỦ VỆ THANH-HÓA
(1)

Phàm vật hễ mất cân bằng thì kêu, cho nên làm cho người ta phải chịu oan khốc là bởi thiện ác không rõ ràng, thực dối không phân biệt. Nay các quan trấn thủ phủ vệ vâng mệnh Triều đình(2), chăn nuôi dân chúng, ví như cha mẹ nuôi con, ai cũng hết lòng thương yêu. Nay tôi mang tội vô cô(3), ngậm tình oan khổ, đã không được lượng trên thương xét, lại còn đem quân đến đánh, khiến nhân dân một phương không được ở yên, đó tuy là tội của tôi, nhưng cũng do quan trên vỗ yêu không phải đạo vậy. Vả lại ghét chết thích sống, tránh nhọc tìm nhàn là thường tình người ta. Nay tôi lìa quê hương mà trốn tránh, bỏ vườn ruộng mà không nhìn, kể nông nỗi ấy, thực đáng xót thương! Thế mà Triều đình to lớn, thú mục hiền hành, sao nỡ để tôi phải đến thế? Nay tôi chỉ trời xin thề, cùng chúng định ước, đem lòng thành tín mà quy hàng, xin đấng quân phụ cho tái tạo. May ra nỗi oan được rõ, lỗi trước được tha, cho tôi được hết lòng trung mà phụ sự Triều đình, đó thực là điều tôi sở nguyện vậy. Ngày xưa Kê Khang(4) vô tội mà sau hết trung với Tấn, Quan Vũ khỏi chết(5) mà sau trả nghĩa cho Tào; tôi dẫu kém cỏi, dám đâu quên nghĩa ấy, xin hoặc cho đi đánh Bắc để lập công, hoặc cho theo dẹp Tây để chuộc tội, dù chết cũng không từ. Cuối xin soi xét tấc thành, khoan tha tội lỗi, thực may cho tôi lắm.


(1) Đây là bức thư Lê Lợi gửi cho viên tổng binh quân Minh lúc đó là Trần Trí và các viên phủ, vệ của địch ở Thanh-hóa trong thời gian hòa hoãn. Sau khi chiếm được nước ta, nhà Minh đặt làm quận Giao-chỉ và chia lại các phủ, châu, huyện. Theo tổ chức hành chính đó, Thanh-hóa đổi làm phủ do chức tri phủ đứng đầu. Số quân Minh đóng giữ thường xuyên ở Thanh-hóa có 1 vệ và 5 thiên hộ sở. Theo binh chế của nhà Minh, mỗi vệ có 5.600 quân, mỗi thiện hộ sở có 1.120 người.
(2) Tức là triều đình nhà Minh
(3) Vô cô : vô tội, tức là oan ức.
(4) Kê Khang (có lẽ là Kê Thiêu con Kê Khang). Tấn Vũ đế với Kê Thiệu cho làm Bí thư lang. Sau Triệu Vương Luân cướp ngôi vua, cho Thiệu làm Thị trung. Đến lúc Huệ đế lại về làm vua, Thiệu vẫn giữ chức ấy. Khoảng niên hiệu Vĩnh-hưng, bọn Hà gian vương khởi binh, Thiệu theo vua đi đánh ở Đãng-âm, thị vệ tan chạy, duy Thiệu lấy thân che đỡ cho vua, không may bị hại ở cạnh vua, máu bắn vào áo vau. Khi việc đã yên, tả hữu muốn giặt áo vua, vua bảo rằng: “Đây là máu trung của Kê Thị trung, đừng giặt”.
(5) Quan Vũ: Thời Tam quốc, Quan Vũ theo Lưu Bị,, khi giữ Hạ-bì, bị Tào Tháo bắt được, tháo đối đãi rất hậu cho làm thiên tướng quân. Sau Viên Thiệu đánh Tháo, Vũ chém dũng tướng của Thiệu là Nhan Lương để báo ơn Tháo rồi chạy về với Lưu Bị. Sau Tháo bị thua trận Xích-bích chạy đến Hoa-dung, gặp Vũ chặn đón ở đấy, Tháo bảo Vũ rằng việc Vũ qua năm cửa quan chém sáu tướng của Tào để đi thoát thì chưa thấy báo. Vũ bèn quay ngựa về, Tháo chạy được thoát.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2011, 06:22:07 pm »

3. THƯ CỦA THÁI GIÁM SƠN THỌ(1)

Kể đạo trong thiên hạ, trong không gì bằng trung nghĩa, quý không gì bằng danh tiết. Ghét chết thích sống, tránh nhục tìm vinh, đó là thường tình của người ta. Tôi từ sinh ra, thích danh tiết mà trọng trung nghĩa, ghét kẻ tiểu nhân mà dấn mình hoạn nạn, tuy ở trong cảnh gian nan nguy hiểm, mà không nhụt chí bình sinh. Ngày đêm than thở, trông vào hai trời(1) mà kêu van. Nay nghe ngài mới ở Kinh sang, đã xét rõ duyên có mang tội, chỉ bảo con đường sống còn, bộ chúng của tôi nghe ngóng, già trẻ vui mừng không xiết. Cúi xin đem dân cả sách làm gia nô để khỏi bị huyện quan làm khổ. Vả cổ nhân có nói: “Lấy thù trả thù, tai vạ không thôi!”. Nay Đỗ Phú vốn có cừu thù với tôi, lại làm quan ở huyện tôi, vì thế mà tôi phải ly tán đào vong vậy. Nay ngài đức kịp côn trùng, ân khắp thảo mộc, thu nạp những thứ nhơ nhớp, chiêu dụ những kẻ bạn vong, có thể cho tôi được sửa lỗi tự tân, rửa lòng đổi dạ, để làm dân đời thái bình, chính như chết mà sống lại, xương mà sinh thịt vậy.


(1) Sơn Thọ là một hoạn quan của nhà Minh, cùng với tổng binh Trần Trí, lợi dụng việc hòa hoãn của nghĩa quân, tìm cách dụ dỗ, mau chuộc Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng lĩnh nghĩa quân. Tháng 8 năm 1424, vua Minh Thành-tổ chết, Minh Nhân-tông lên nối ngôi. Nhân lúc Sơn Thọ về triều, vua Minh cử Sơn Thọ mang sắc sang phong Lê Lợi làm tri phủ Thanh-hóa, âm mưu dùng chức tước để lung lạc và ràng buộc người thủ lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn. Trong thư này có câu: Nay nghe Ngài mới ở Kinh sang…”. Bức thư gửi cho Sơn Thọ khi hắn vừa mới từ kinh đô nhà Minh sang, có thể vào khoảng tháng 9 hay đầu tháng 10 năm 1424.
(2) Hai Trời: Thời Hậu Hán, Tô Chương làm thứ sử châu Ký, có cố nhân làm thái thú. Chương đi xét việc gian tang của thái thú, cùng thái thú uống rượu kể chuyện lúc bình sinh, rất vui vẻ. Thái thú mừng nói rằng: “Người ta ai cũng chỉ có một trời, duy tôi thì có hai trời”. Hai trời nghĩa là trời và người có ơn với mình như trời vậy. Ở đây muốn lấy lòng Sơn Thọ coi y như bậc tri kỷ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2011, 06:23:47 pm »

4. THƯ CHO PHƯƠNG CHÍNH(2)

Tôi trộm nghĩ cái nỏ nặng nghìn cân không vì con chuột nhắt mà nẩy máy. Nay ngài là bực danh tướng hiện thời, lại đem quân hai nước(2) mà tranh thắng với kẻ thất phu, có được chăng nữa, chẳng qua cũng chỉ phong hầu; vạn nhất ngã thua, thì bốn phương nhân thế mà chinh chiến không thôi, dẫu người cơ trí mà không giỏi lo tính về sau, hối làm sao kịp? Chỉ e mua cười với đương thế, để chê cho đời sau, tôi rất vì người lo ngại. Vì ngài tính kế ngay nay, không gì bằng cởi giáp nghỉ binh, ngồi nhàn mà nhận hàng, đó là thượng sách. Thế tuy là may cho bọn tôi cùng ngài, mà cũng là may lớn cho vạn dân thiên hạ vậy.


(1) Phương Chính giữ chức đô đốc, đã nhiều lần chỉ huy quân Minh đàn áp cuộc khởi nghĩa Lam-sơn. Trong thời gian đình chiến, ngoài những thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, quân Minh còn đe dọa, gây áp lực quân sự đối với nghĩa quân. Cuối năm 1423, tổng binh Trần Trí bắt giữ Lê Trăn là sứ giả của Lê Lợi. Mùa thu năm 1424, Trần Trí tâu về triều đình nhà Minh rằng Lê Lợi không chịu hàng phục và xin cho tiến quân lên đàn áp, nhưng vua Minh vẫn tiếp tục tìm cách chiêu dụ. Từ đó, quân hệ giao thiệp giữa Lê Lợi và quân Minh trở nên căng thẳng. Đặc biệt, Phương Chính là viên tướng mà Minh sử (q. 321, An-nam truyện) cũng nhận định là “dũng cảm nhưng ít mưu lược”, càng muốn dùng vũ lực để tiêu diệt lực lượng nghĩa quân. Đây là thư Lê Lợi gửi cho Phương Chính và cũng là bức thư cuối cùng trong thời gian hòa hoãn.
(2) Quân hai nước ở đây là quân Minh người Trung-quốc và ngụy binh người nước ta do nhà Minh tổ chức để đàn áp nghĩa binh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2011, 08:08:01 am »

5. THƯ TRẢ LỜI PHƯƠNG CHÍNH(1)

(Minh lại tiến quân không thôi, lại có thư dụ mà kể tội, cho nên có thư này đáp lại).

Bảo cho mày ngược tặc Phương Chính: Kể đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của. Nay bọn mày chỉ chuộng lừa dối, giết hại kẻ vô tội, hãm người vào chỗ chết mà không xót thương, việc ấy trời đất không dung, người mà đều giận, cho nên liền năm chinh phạt, hằng đánh hằng thua. Thế mà không biết trước tự cải quá, lại còn bới bẩn cho thêm thối, hối sao cho kịp được! Huống chi bây giờ nước mùa xuân mới sinh, lam chướng bốc độc, thế không thể chịu lâu được. Nay mày chỉ nám đại binh mà nấn ná không tiến, khiến quân lính nhiễm lam chướng dịch lệ mà chết, đó là tội ai? Binh pháp có nói; “Kẻ nhân giả lấy yếu chế mạnh, kẻ nghĩa giả lấy ít địch nhiều”. Nay mày muốn đánh, thì nên tiến quân giao chiến, để quyết sống mái, đừng làm khổ cho quân sĩ hai nước làm gì.


(1) Ngày 20 tháng 9 năm Giáp thìn (ngày 12-10-1424) nghĩa quân Lam-sơn bất ngờ tập kích đồn Đa-căng (Thọ-xuân, Thanh Hóa) rồi theo kế hoạch của Nguyễn Chích, tiến quân vào Nghệ-an xây dựng căn cứ mới, tiếp tục cuộc đấu tranh vũ trang đến thắng lợi cuối cùng. Sau khi đánh bại các toán quân Minh đuổi theo phía sau và chặn đường phía trước, nghĩa quân tiến vào vây hãm và hạ thành Trà-lân (Nghệ-an). Quân Minh và các tướng Phương Chính, Trần Trí, Sơn Thọ tập trung về Nghệ-an để ngăn chặn và tiêu diệt nghĩa quân, nhưng chúng dùng dằng không dám tiến quân. Bức tư này gửi cho Phương Chính vào khoảng mùa xuân năm 1425, vừa kể tội ác quân giặc, vừa khiêu khích dử chúng lên miền núi Nghệ-an để tiêu diệt.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Hai, 2011, 08:22:55 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2011, 08:09:04 am »

6. LẠI THƯ TRẢ LỜI PHƯƠNG CHÍNH(1)

(Giặc xem thư trước, mắng lại rằng: “Mày nếu muốn đánh nhau thì hãy ra chỗ đồng bằng đất phẳng”. Vì thế có thư đáp lại).

Bảo cho mày ngược tặc Phương Chính: Kể người dùng binh giỏi thì không có đâu là hiểm, đâu là không hiểm, không có đâu là dễ, đâu là không dễ. Thắng hay phụ ở tướng, chứ không ở đất hiểm hay dễ. Vào chỗ hiểm mà dánh nhau không khác gì hai con hổ đánh nhau ở trong thung lũng, giỏi thì được, vụng thì thua. Bởi vậy, đất không có bình thưởng nhất định, trận không có thế thưởng nhất định. Mày nếu không lui, thì phải đem binh ra mà quyết chiến thôi.


(1) Bức thư này cũng gửi vào khoảng đầu năm 1425 để trả lời thư Phương Chính thách thức nghĩa quân “ra chỗ đồng bằng đất phẳng” đánh nhau và tiếp tục khiêu chiến, dử chúng lên miền núi để tiêu diệt theo lối đánh mai phục sở trường của nghĩa quân Lam-sơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2011, 08:11:08 am »

7. LẠI THƯ CHO PHƯƠNG CHÍNH(3)

(Tháng 5 năm Bính ngọ (1426)(2), quân ta đến thành Nghệ-an, giặc không ra đánh, ta mới viết thư cho).

Bảo cho mày ngược tặc Phương Chính: Ta nghe nói người danh tướng trọng nhân nghĩa, khinh quyền mưu. Bọn mày gửi thư cho ta, cứ cười ta núp náu ở nơi rừng núi, thập thò như chuột, không dám ra nơi đồng bằng đất phẳng để đánh nhau. Nay ta đã đến đây, ngoài thành Nghệ-an đó đều là chiến trường cả, mày cho đấy là rừng núi chăng? Là đồng bằng chăng? Thế mà mày cứ đóng thành bền giữ như mụ già là làm sao? Ta e bọn mày không khỏi cái nhục khăn yếm vậy(3).


(1) Tháng 2 năm 1425, nghĩa quân bắt đầu vây hãm thành Nghệ-an. Đây là một thành lũy kiên cố do quân Minh xây dựng trên núi Lam-thành (nhân dân thường gọi là Rú Thành) nay thuộc xã Nghĩa-liệt, huyện Hưng nguyên, tỉnh Nghệ-an. Tháng 5, quân địch được tăng viện, mở một cuộc phản kích nhưng bị thất bại. Từ đó, quân Minh ở thành Nghệ-an do Lý An, Phương Chính chỉ huy, phải đắp thêm lũy và đóng chặt cửa thành lo cố thủ. Bằng bức thư này, Nguyễn Trãi khiêu khích nhằm dử địch ra khỏi thành lũy để giao chiến ngay ở vùng đồng bằng.
(2) Theo Lam-sơn thực lục (q. 2), Toàn thư (q. 10), Cương mục (1. 13)… thì từ tháng giêng năm Ất tị (1425), nghĩa quân Lam-sơn đã tiến xuống bao vây thày Nghệ-an. Lời tiểu dẫn này có chỗ không chính xác. Phương Chính cùng với Lý An cố thủ ở thành Nghệ-an từ đó cho đến ngày 19 tháng 7 năm Bính ngọ (ngày 21-8-1426) thì rút về Đông-quan. Thư số 7 và số 8 gửi cho Phương Chính trong khoảng thời gian đó.
(3) Khăn yếm: dịch chữ “cân quắc”. Cân quắc là đồ trang sức ở đầu của đàn bà. Xưa Gia-Cát Lượng đi đánh Ngụy, đem quân đến đồng bằng phía nam sông Vị-thủy, khiên chiến mãi, Tư-Mã Ý không dám ra đánh. Lượng sai đưa cho Ý những khăn của đàn bà để làm nhục (Tấn thư).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2011, 08:13:57 am »

8. LẠI THƯ TRẢ LỜI PHƯƠNG CHÍNH

(Phương Chính gửi thư cho ta, cho nên có thư đáp lại)

Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải dấy nhân nghĩa làm đầu. Chỉ nhân nghĩa có gồm đủ thì công việc mới xong xuôi. Nước mày nhân dịp họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng điếu dân phạt tội(1), kỳ thực làm việc bạo tàn, lấn cướp đất nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế nặng hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn xóm làng không được sống yên. Ngân nghĩa mà lại thế ư? Nay ở nước mày, dân oán thần giận, kế tiếp đại tang(2), thế mà đã không biết tự xét lỗi mình, lại còn cùng binh độc vũ(3), cam lòng xâm lược phương xa, khiến cho sĩ tốt phơi thây, nhân dân lầm bụi. Ta e mối lo của họ Quý không phải ở nước Chuyên-du, mà ở trong tiêu tường(4) vậy.


(1) Điếu dân phạt tội nghĩa là thương dân sống khổ mà đánh kẻ có tội để cứu dân. Nhà Minh giả danh đánh kẻ thoán nghịch là họ Hộ (cha con Hồ Quý Ly), phù lập hộ Trần, mà đem quân sang chiếm nước ta
(2) Đại tang, theo tục là chỉ tang cha mẹ, nhưng lời chú ở sách Chu lễ thì đại tang là tang nhà vua, hoàng hậu và thế tử. “Kế tiếp đại tang” ở đây là nói tang vu Minh; tháng 8 năm 1424 Minh Thành-tổ chết, thái tử là Cao Xý lên nối ngôi tức vua Minh Nhân-tông; tháng 7 năm 1425 Minh Nhân-tông lại chết, thái tử là Chiêm Cơ lên nối ngôi tức vua Minh Tuyên-tông.
(3) Cùng binh độc vũ: sính dùng vũ lục, đánh nhau không thôi.
(4) Tiêu tường: tiêu là nghiêm kính, tường là cái bình phong xây ở bên trong cổng. Theo lễ xưa, vua tôi tiếp kiến nhau, đến chỗ bình phòng thì càng nghiêm kính, vì thế mới gọi là tiêu tường. Thường dùng tiêu tường chỉ bên trong. Sách Luận ngữ, Khổng tử có nói: “Ngô khủng Quý tôn chi ưu, bất tại Chuên du, nhi tại tiêu tường chi nội dã” (Ta e mối lo của họ Quý tôn không ở nước Chuyên-du, mà ở nơi tiêu tường vậy). Ý nói mối lo không ở bên ngoài mà lại ở bên trong.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2011, 08:16:28 am »

9. THƯ TRẢ LỜI BỌN TỔNG BINH
VƯƠNG THÔNG THÁI GIÁM SƠN THỌ
(1)

(Tháng 12(2), quân ta phá thành Đông-quan(3). Thông cùng Thọ sai Nguyễn Nhậm đem thư sang ta xin hòa. Vì thế có thư trả lời).

Tôi nghe, trời đất đối với muôn vật, nổi sấm sét mà ý hiếu sinh vẫn có ở trong; cha mẹ đối với các con, đánh roi vọt mà ơn cức dục vẫn có ở đây. Nay vâng được thư của ngài cho tôi được tự tân, hân hạnh khôn xiết, thật không khác đức lớn của trời đất cha mẹ, dẫu có tan xương, nát thịt, cũng không đủ báo đền. Song nếu ngài thực có lòng thương xót dân chúng, thì nên sai đầu mục đến các thành Diễn-châu, Nghệ-an, Tân-bình(4), ra lệnh cho họ đem quân về. Tôi sẽ lập tức sắm đủ phương vật tiến công, cúi xin ngài sai quan cùng đi với tử đệ thân tín của tôi để đến đầu hàng phục tội. Cầu cống đường sá thì tôi xin nhận sửa đắp, không phải phiền đến quan quân. Giá được người nhận lời, không những sinh linh nước tôi được khỏi lầm than, mà binh sĩ Trung-quốc cũng khỏi nỗi khổ gươm giáo vậy.


(1) Sau hơn một năm tiếp tục cuộc đấu tranh vũ trang, đến cuối năm 1425, nghĩa quân Lam-sơn đã gp được đất từ Thanh-hóa trở vào, trừ một số thành lũy đang bị bao vây. Tháng 9 năm 1426, nghãi quân bắt đầu mở cuộc tiến công ra miền Bắc, đưa cuộc khởi nghĩa phát triển lên thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc quy mô cả nước. Nhà Minh phải phái Thành-sơn hầu Vương Thông làm tổng binh đem 5 vạn quân sang cứu viện, Phương Chính, Lý An cũng vội giao thành Nghệ-an lại cho Thái Phúc cố thủ rồi đem đại bộ phận quân lính về giữ Đông-quan. Cuối tháng 10 năm 1426, quân Minh tập trung về Đông-quan đến trên 10 vạn quân. Đầu tháng 11, Vương Thông mở một cuộc phản công lớn nhưng bị thất bại, bằng chiến thắng Tốt-đông - Chúc-động, nghĩa quân đã đập tan cuộc phản công của địch, tiêu diệt trên 6 vạn quân và thừa thắng, vây hãm thành Đông-quan. Trong tình thế nguy ngập đó, tổng binh Vương Thông và thái giám Sơn Thọ phải viết thư xin giảng hòa. Đây là thư trả lời của Lê Lợi.
(3) Đây là tháng 12 năm  Bính-ngọ (1426). Ngày 23 tháng 10 năm đó (ngày 22-11-1426), quân ta bắt đầu tiến công vây hãm thành Đông-quan, tiêu diệt các doanh trại ngoại vi của địch. Tháng 12 năm đó, quân ta càng xiết chặt vòng vây và tiến công dồn dập thành Đông-quan.
(3) Thành Đông-quan tức là thành Thăng-long (Hà-nội). Thành này đời Hồ gọi là Đông-đô và nhà Minh, sau khi chiếm nước ta, đổi tên là thành Đông-quan, cũng có khi gọi là thành Giao-châu.
(4) Thành Diễn-châu, Nghệ-an, Tân-bình lúc bấy giờ còn do quân Minh chiếm đóng và đang bị bao vây. thành Diễn-châu (Diễn-châu, Nghệ-an) là trị sở của Diễn-châu tương đương với vùng bắc Nghệ an ngày nay (gồm các huyện Diễn-châu, Yên-thành, Quỳnh-lưu, Quỳ-châu, Nghĩa-đàn). Thành Nghệ-an (Hưng-nguyên, Nghệ-an) là trị sở phủ Nghệ-an tương đương miền Nam Nghệ-an và Hà-tĩnh ngày nay. Thành Tân-bình (Quảng-bình) là trị sở vùng Tân-bình tương đương với vùng Quảng bình và Bắc Quảng-trị ngày nay. Trong bức thư viết không thấy nhắc đến thành Thuận-hóa và Thanh-hóa lúc bấy giờ cũng đang bị bao vây. Ở đây có dụng ý gì của Nguyễn Trãi hay do sao chép thất lạc?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM