Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:56:09 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân trung từ mệnh tập  (Đọc 82983 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2011, 08:21:49 am »

10. THƯ  GỬI BỌN HOA ĐẠI NHÂN(1)

Gửi Hoa đại nhân cùng các ngài biết: Hiện nay việc giảng hòa đã xong(2), biểu cầu phong cùng sứ nhân sắp qua Mai quan(3) để cùng với các xứ Lưỡng Quảng và Phúc kiến đến mồng 2 tháng giêng sang năm(4) khởi hành về kinh. Duy tổng binh Vương đại nhân và thái giám Sơn đại nhân còn tạm đóng lại, đợi quan quân ở các thành Diễn-châu, Nghệ-an, Thanh-hóa đều đến Đông-quan, rồi cùng đi một thể. Các ngài nên mau chóng thu xếp hành trang, ra đóng ở ngoài thành, để đợi Thái công cùng Hình nội quan, Đả chỉ huy(5) đến đấy thì cùng đi, xin chớ trì hoãn. Hiện nay đường sá cầu cống đã sửa sang, lương thực đều đã biện sẵn, các ngài nếu lại trì hoãn, e Thái công đi rồi, đi một mình sẽ có khó khăn. Bởi vậy báo cho ngài biết, nên sớm đi với Thái công thì hơn.


(1) Hoa đại nhân là một viên tưởng Minh họ Hoa. Theo chính sử và thư số 9, Lê Lợi - Nguyễn Trãi đặt ra điều kiện giảng hóa là: quân Minh trong các thành phía nam (Thanh-hóa trở vào) phải tập trung về Đông-quan rồi rút hết về nước, nghĩa quân bảo đảm sửa sang cầu đường cho quân địch rút lui và chịu thần phục, triều cống nhà Minh. Trong bức thư này, Nguyễn Trãi có đoạn viết: Vương Thông “đợi quan quân ở các thành Diễn-châu, Nghệ-an, Thanh-hóa đều đến Đông-quan, rồi cùng đi một thể. Các ngài nên mau chóng thu xếp hành trang, ra đóng ở ngoài thành để đợi Thái công cùng Hình nội quan, Đả chỉ huy đến đấy thì cùng đi”. Thái công là Thái Phúc, viên tướng Minh cổ thủ thành Nghệ-an, Hình nội quan và Đả chỉ huy là những tướng Minh ở thành Thanh-hóa. Vậy Hoa đại nhân có lẽ là một viên tướng Minh ở thành Diễn-châu. Trong số các tướng Minh ở nước ta lúc đó, có một người họ Hoa là Hoa Anh. Hoa Anh giữ chức đô chỉ huy, đã từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược nước ta năm 1406-1407, sau đó đóng quân nhiều nơi ở Thanh-hóa. Nếu Hoa đại nhân là Hoa Anh thì viên tướng này mới được cử vào tăng cường cho thành Diễn-châu do Tiết Tụ trấn giữ, vào khoảng cuối năm 1424 đầu năm 1426. Chủ trương của Lê Lợi - Nguyễn Trãi là nhân việc giảng hòa, ra sức dụ hàng các thành, kết hợp bao vây tiến công bằng quân sự với việc vận động, thuyết phục kẻ thù. Tháng 2 năm 1427, quân Minh ở thành Diễn-châu ra hàng.
(2) Để dễ dàng tiến hành việc giảng hòa với nhà Minh cuối năm 1426 Lê Lợi đã lập Trần Cảo, một người tự xưng là con cháu nhà Trần, lên làm vua và xin nhà Minh phong vương cho Trần Cảo.
(3) Mai-quan là một cửa quan ở trên núi Đại-dũ, thuộc tỉnh Giang-tây. Trương Cửu Linh đời Đường mở con đường núi ấy, trên trông nhiều cây mai, nên người ta thường gọi là Mai quan.
(4) Năm Đinh vị (1427).
(5) Thái công tức là Thái Phúc đóng giữ thành Nghệ-an; Hình nội quan, Đả chỉ huy (tức là chỉ huy Đả Trung) là những tướng Minh đóng giữ thành Tây-đô (tức thành Thanh-hóa trong thư).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2011, 10:15:14 am »

11. THƯ CHO THÁI CÔNG(1)

Thư gửi hiền huynh Thái công. Đệ ngu ở Đông-quan(2), nghe tin hiền huynh ra cửa thành bái yết Trần chúa(3) chúng tôi, đáng mừng lắm lắm. Từ đây giải binh, khiến nước Nam được thoát cái khổ can qua, thật may lắm sao! Có thể gọi là bực quân tử biết thời cơ vậy! Ân tình rất hậu, trăm năm không thể quên được. Nay sai người đem 15 chiếc thuyền đến đón, ngài cùng các quan và quý quyến có thể tùy tiện thu xếp hành trang lên đường. Còn quân nhân thì có thể đi đường bộ được. Hiện nay cầu cống các nơi đã sửa sang, trên đương không gì quản ngại. Xin báo ngài biết.


(1) Thái công là Thái Phúc, viên tướng Minh trấn thủ thành Nghệ-an. Thành này bị bao vây từ tháng 2 năm 1425. Ngày 17-10-1426 (ngày 17 tháng 9 năm Bính ngọ), Phương Chính, Lý An rút quân về thành Đông-quan, giao thành Nghệ-an lại cho Thái Phúc cổ thủ. Tháng 2 năm 1427, Thái Phúc nộp thành cho nghĩa quân xin hàng. Cuộc chiến tranh yêu nước sáng ngời chính nghĩa của dân tộc ta và những bức thư thuyết phục có tình có lý của Nguyễn Trãi đã làm cho Thái Phúc tỉnh ngộ, thấy được tính chất phi nghĩa và sự thất bại tất yếu của quân Minh. Sau khi đầu hàng, ông đã xin đến những thành đang bị vây để chiêu dụ quân Minh, báo cho Lê Lợi biết âm mưu của quân Minh và bày cho nghĩa quân cách chế tạo công cụ đánh thành. Vì vậy, ông được Lê Lợi - Nguyễn Trãi đón tiếp niềm nở và sau khi chết (bị nhà Minh xử tử), được Lê Lợi truy phong tước Tuyên-nghĩa, cho lập đền thờ ở chân núi Lam-thành (gọi là đền Tuyên-nghĩa ở Triều-khẩu, Hưng-nguyên, Nghệ-an). Thư này gửi sau khi Thái Phúc ra hàng vào tháng 2 năm 1427.
(2) Thành Đông-quan tức là thành Thăng-long (Hà Nội). Thực ra lúc bấy giờ thành Đông-quan vẫn do quân Vương Thông đóng giữ. Lê Lợi chưa vào thành được. Ngày 22 tháng 10 năm Bính ngọ (1426), Lê Lợi đóng quân ở Tây Phù-liệt (Thanh-trì, tỉnh Hà-đông); đến cuối tháng, dời sang Đông Phù-liệt. Đầu năm 1427, Lê Lợi mới dời đại bản doanh lên đóng ở Bồ-đề (thuộc Gia-lâm) đối diện với thành Đông-quan.
(3) Trần Chúa đây là Trần Cảo do Lê Lợi mới lập nên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2011, 10:16:11 am »

12. THƯ CÓ HÌNH NỘI QUAN CÙNG
BỌN ĐẢ TRUNG VÀ LƯƠNG NHỮ HỐT
(1)

Thư tỏ cùng Hình đại nhân và Đả, Lương chư công: Hiện nay hòa hảo đã thành, các ngài nên mau chóng thu xếp hành trang đợi Thái-công tự Nghệ-an đến và quân Diễn-châu qua đây thì cùng đi một thể. Hiện nay cầu sàn trên đường đều đã sửa chữa, lương thực cung cấp cũng đã chuẩn bị, nếu các ngài không đi, chỉ sợ Thái công đi rồi thì không ai đi cùng, lương thực e hoặc thiếu thốn, cầu sàn e hoặc đổ sụt, sau này thật là khó khăn. Vì thế xin báo các ngài biết.


(1) Hình nội quan (chưa rõ tên) cùng với chỉ huy Đả Trung và tham chính Lương Nhữ Hốt là những viên quan và tướng của địch đang cố thủ ở thành Thanh-hóa tức Tây-đô (hay thành nhà Hồ, nay thuộc huyện Vĩnh-lộc, Thanh-hóa).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2011, 10:19:05 am »

13. LẠI THƯ CHO ĐẢ TRUNG VÀ LƯƠNG NHỮ HỐT(1)

Thư tỏ cùng Đả lão quan, Lương tướng công cùng các vị. Nếu muốn cả nhà lớn bé đều được bình yên vô sự, các ngài nên nghe lời tôi, mau chóng thu xếp hành trang, ra ở ngoài thành, đợi quan quân ở Nghệ-an Diễn-châu để cùng đi. Nếu không thế thì sau này hối không kịp đâu! Các ngài há chẳng thấy quân nhân các thành Diễn-châu, Nghệ-an, Thuận-hóa, hiện nay vợ con đều được an toàn, vui vui vẻ vẻ, không có việc gì. Sao các ngài lại không nghĩ tới điều đó, mà cứ muốn tự khổ như thế? Nếu tôi quả có bụng muốn hại các ngài, thì không có cách nào thoát đâu. Hiện nay Thánh thượng(2) rộng ân cho sắc chỉ cho quan Tổng binh(3) được tiện nghi hành sự(4), cho lập họ Trần rồi đem quân về Kinh, để hai nước khỏi nỗi khổ can qua. Tôi cũng lấy đạo nhân nghĩa, hết lòng kính thời Triều đình, phàm quan quân của Triều đình đều được đưa về hết. Các nơi đi qua, cầu đường sửa sang hết, lương thực cung cấp đầy đủ, thế là tôi muốn để tiếng mãi nghìn đời về sau, nên không muốn cùng các ngài tranh giành được thua một lúc. Hoặc nếu không làm như thế, thì chỉ trong khoảng một tháng, các ngài dẫu có thành đồng hào nóng(5) cũng phải bỏ thôi! Đến lúc bấy giờ thì không làm sao được nữa. Trộm nghĩ kế cho các ngài, chẳng gì bằng mau mau lên đường. Xin chớ hồ nghi mà hỏng việc. Thư nói không hết.


(1) Cuộc vận động thuyết phục của Nguyễn Trãi đã đưa lại nhiều kết quả: quân Minh tron các thành Diễn-châu, Nghệ-an, Tân-bình, Thuận-hóa, lần lượt nộp thành trì xin rút quân về nước. Nhưng ở Thanh-hóa (Tây-đô), bọn chỉ huy Đả Trung và tham chính Lương Nhữ Hốt vẫn ngoan cố chống đối việc giản hòa. Bọn chúng ra sức cố thủ chờ viện binh và tìm cách xuyên tạc lập trường giảng hòa của ta. Bọn ngụy quan cao cấp như tham chính Lương Nhữ Hốt cùng với đô ty Trần Phong, đô chỉ huy Trần An Vinh… lo sợ quân Minh rút lui sẽ không có đất dung thân, nên càng phá hôại công việc giảng hòa. Bọn này nhắc lại câu chuyện đời Trần, Ô Mã Nhi là một tướng Nguyên bị bắt sống và được cho về nước, nhưng rồi nhà Trần ngầm sai người đục thuyền giết chết ở biển cả. Chúng muốn xuyên tạc điều kiện hòa do Lê Lợi - Nguyễn Trãi đề ra và đe dọa quân Minh. Nguyễn Trãi viết bức thư thứ hai này cho quân địch ở thành Thanh-hóa để phân tích rõ lợi hại của việc giảng hòa và cảnh cáo bọn tướng giặc ngoan cố.
(2) Thánh thượng ở đây chỉ vua Minh.
(3) Tổng binh Vương Thông.
(4) Tiện nghi hành sự: được tùy tiện làm việc không phải tâu lên đợi lệnh.
(5) Thành đồng hào nóng: Ở Hán thư có câu: “Giai vi kim thành thang trì, bất khả công dã” (đều là thành bằng đồng, hào nước sôi, không thể đánh được).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2011, 10:23:13 am »

14. LẠI THƯ TRẢ LỜI VƯƠNG THÔNG(1)

(Tháng 12(2), bọn Vương Thông ở thành Đông-quan đưa thư trách ta phụ ước mà giết hại quân lính đi lấy cỏ(3). Vì thế có thư đáp lại).

Tôi nghe: Người Việt(4) kiêu bạc, người Tề trí trá, ấy là bởi khí đất sinh ra, tính người bẩm thụ, đó là lẽ thường xưa nay, nên chỉ trong đó dẫu có người trung tín thành thực mà cũng bị mang tiếng lây. Nay các hạ(5) bảo là “trước sau bất nhất”, đó là tại sứ nhân đi lại, không hiểu sự thế, đến nỗi hai quân ngờ vực nhau, chứ tôi nào dám có bụng gì khác đâu. Cúi mong các ngài xét rõ mà thứ cho. Như bảo “quân lính đi lấy cỏ cứ thấy bị giết”, thì đó vì những quân thượng du, lũ Xa Tham, bọn Hồng y(6), hoặc có tính tham của mà thích giết người nên đến nỗi thế chăng? Tôi vốn không hề nghe thấy. Nhưng cũng đã răn bảo, lâu nay chúng đã yên thuần. Như bảo “quân nhân các vệ(7) chưa thấy đưa đến”, đó là vì đường xá lối hiểm, quân lính khó đi; song sẽ lục tục đến nơi, có thể bấm đốt ngón tay mà đợi, không phải là dám quên đâu. Như bảo “sứ nhân mang biểu cũng chưa thực đã đến Khâu-ôn(8)”, đó là vì người đưa sứ giả(9) lười nhác không chịu đi, lại về phao những điều không căn cứ để thêm sinh chuyện. Bọn tôi thực không có ý gì khác cả. Nếu các hạ không tin thì xin lại sai một vài người thân tín cùng đi với hai ba người đầu mục của tôi đến ngay Khâu-ôn, xét hỏi thực hư để rõ thật dối, như thế cũng được. Như bảo “thuyền ghe, cầu đường chưa thấy sửa sang”, thì đó là vì hòa hảo chưa định, nên mới khiên diên. Như việc hòa hảo đã thành, thì việc sửa lại cũng chưa muộn. Từ đây về sau, giá ngài bỏ cái lòng nghi hoặc, dốc lòng hòa hảo, thì dưới sẽ làm cho An-nam thoát khổ lầm than, trên sẽ khiến Trung-quốc khỏi nỗi nhọc mệt, thực là phúc cho thiên hạ lắm.


(1) Vương Thông giảng hòa với âm mưu hoãn binh để chờ quân cứu viện. Vì vậy, một mặt hắn thỏa thuận với Lê Lợi - Nguyễn Trãi chờ quân các thành bị vây về Đông-quan rồi sẽ rút về nước, mặt khác vẫn đào hào đắp lũy lo cố thủ và phái người mang mật thư lẻn về nước xin viện binh. Hắng thường lợi dụng một vài hành động của nghĩa quân như bắt giết quân Minh ra khỏi thành, chưa phái sứ sang nhà Minh xin thần phục và cầu phong, chưa sửa sang cầu đường cho quân Minh về nước, v.v… để trách ta bội ước rồi kéo dài thời gian hương lượng và trì hoãn việc rút quân. Trong bức thư này, Nguyễn Trãi trả lời và biện bạch từng điều Vương Thông nên lên để lấy cớ không chịu rút quân. Thư gửi trong tháng 12 năm Bính ngọ.
(2) Tháng 12 năm Bính ngọ (1426), tính ra dương lịch là khoảng từ 29-12-1426 đến 27-1-1427.
(3) Sau khi Vương Thông đã thỏa thuận về điều kiện giảng hòa, Lê Lợi - Nguyễn Trãi ra lệnh nới rộng vòng vây thành Đông-quan và các thành, cho quân Mỉnh ra vào mua bán, cắt cỏ cho lừa ngựa. Nhưng Vương Thông lợi dụng việc đó để hoạt động do thám và cho hàng chục người khác lén lút mang thư về nước xin viện binh. Vì vậy, tháng 12 năm Bính ngọ, quân ta xiết chặt vong vây và đón bắt quân địch ra vào, bắt được hơn 3.000 người do thám và 500 con ngựa (Toàn thư q. 10, tờ 25b). Vương Thông lại nhân đó trách ta phụ ước.
(2) Người Việt ở đây chỉ người Việt thời Xuân Thu ở đất tỉnh Chiết-giang, Giang-tô của Trung-quốc ngày nay.
(5) Các hạ là cách xưng hô các quan tam công, hay hầu bá, quận thú.
(6) Quận thượng du ở đây là chỉ nghĩa quân miền núi. Xa Tham hay Xa Khả Tham (cũng đọc là Sâm) là một tù trưởng Thái ở Mường Muổi (Mộc-châu) theo Lê Lợi, được phong đến chức Nhập nội tư không đồng bình chương sự, tri Đà-giang trấn thượng bạn. Bốn con trai của ông là Lộc, Khát, Bàn, Điểm đều được phong làm thượng tướng quân, đại tướng quân. Hồng y nghĩa là “áo đỏ” tên gọi một phong trào đấu tranh rộng lướn chống quân Minh của các dân tộc miền núi phía bắc và tây bắc lúc bấy giờ. Nghĩa binh “áo đỏ” về sau cũng theo Lê Lợi. Trong thư này, Nguyễn Trãi coi việc bắt giết quân Minh đi ra thành như hành động tự phát của một số nghĩa binh để bớt khỏi căng thẳng với Vương Thông.
(7) Vệ và Sở là những đơn vị trong phiên chế quân Minh. “Quân nhân các vệ” ở đây là số quân Minh trong các thành phía nam và số tù binh nghĩa quân bắt được.
(8) Khâu-ôn là một thành lũy của quân Minh ở Lạng-sơn, nằm trên con đường từ Đông-quan (Hà-nội) lên cửa ải Pha-lũy (Mục-nam quan), ở khoảng tỉnh lỵ Lạng-sơn ngày nay. Theo điều kiện giảng hòa đã thỏa thuận thì Lệ Lợi nhận cử sứ giả mang biểu cầu phong sang nhà Minh xin phong và triều cống.
(9) Người của Vương Thông cử đi theo sứ giả của Lê Lợi sang nhà Minh. Tháng 12 năm Bính ngọ, Vương Thông cử viên tri châu châu Chính-bình là Hà Trung cùng với phó thiên hộ Quế Thắng, bề ngoài đi theo sứ giả của Lê Lợi, nhưng thực ra là lợi dụng chuyến đi này để về nước xin viện binh. Đến Xương-giang (Hà-bắc) thì âm mưu đó bị bại lộ. Lê Lợi sai bắt giữ Hà Trung và Quế Thắng. Vì vậy đoàn sứ giả chưa đến Khâu-ôn. Nhưng trong bức thư này, Nguyễn Trãi cũng tránh những vấn đề gay cấn đó bằng lời lẽ mềm mỏng.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Hai, 2011, 10:33:52 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2011, 10:27:28 am »

15. LẠI THƯ CHO VƯƠNG THÔNG SƠN THỌ(1)

Tôi nghe nói: “Tín giả quốc chi bảo, Nhân nhi vô tín, kỳ hà dĩ hành chi tai?” (Điều tín là vật báu của nước. Người ta mà không có điều tín, thì liệu lấy cái gì mà làm việc?). Mới đây được ngài gửi thư và sai người đến ước hòa, tôi đã nhất nhất nghe theo. Nay thấy ở trong thành vẫn còn đào hào cắm chông, dựng rào đắp lũy, phá đồ cổ (Sử ký(2) chép: Vương Thông lấy chuông Qui-điền và đỉnh Phổ-minh(3) phá ra đúc làm súng đạn. Lại đắp cao thành Đông-quan dựng lũy kép, đào hào, thả chông), để đúc ống phun lửa(4) và đồ binh khí, thế là các ngài định đem quân về nước chăng? Hay giữ bền thành trì chăng? Tôi đều không thể rõ được. Sách Truyện(5) có câu: “Bất thành vô vật” (Không có thành thực thì sự vật gì cũng không có được), là bởi lòng mà không thực thì việc gì cũng là giả dối cả. Các ngài nếu thực không bỏ lời ước cũ thì phàm làm gì cũng nên lợi hại rõ ràng. Muốn rút quân thì cứ rút quân, muốn cố giữ thì cứ cố giữ, hà tất ngoài thì nói giảng hòa mà trong thì mưu tính khác? Đừng nên trước sau trái nhau, trong ngoài bất nhất như thế. Kể ra tiểu dân dẫu ngu dốt nhưng rất sáng suốt. Tôi đây tuy hôn ngu không biết gì, nhưng tất như lời Khổng tử nói “Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an”(6), thế thì nhân tình thực dối thế nào, mảy may cũng không thể che giấu được. Thư nói không hết.


(1) Âm mưu lợi dụng việc giảng hòa để hoãn binh của Vương Thông càng ngày càng lộ rõ. Hắn ra sức đốc thúc quân lính đào hào cắm chông, đắp lũy dựng rào và đúc thêm các loại vũ khí để cố thủ lâu dài ở thành Đông-quan cho đến khi viện binh nhà Minh sang. Trong thư này, Nguyễn Trãi tố cáo âm mưu đen tối và thái độ lật lọng của Vương Thông. Thư gửi trong tháng 12 năm Bính ngọ (29-12-1426 đến 27-1-1427).
(2) Tức Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (q. 10, 23 a và 25 b).
(3) Chuông Quy-điền và vạc Phổ-minh là những thứ đồ đồng lớn đúc từ đời Lý nằm trong bộ “An nam tứ khí” bị quân Minh phá đúc súng đạn. Chuông Quy-điền là chuông lớn ở chùa Một-cột (Hà-nội). Vạc Phổ-minh là vạc lớn ở chùa Phổ-minh (Nam-định, Nam-hà).
(4) Ống phun lửa dịch chữ “hỏa đồng”, là một thứ vũ khí thồi đó gồm một ống tròng bằng kim khí để đốt thuốc súng phun về phía đối phương.
(5) Truyện ở đây là sách Trung dung trong bộ Tứ truyện.
(6) Theo sách Luận ngữ, Khổng tử có nói: “”Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhãn yên sưu tai! Nhân yên sưu tai!”, nghĩa là: xem việc làm như thế nào, xét lý do tại sao mà làm, nhận thấy có vui vẻ mà làm hay không, thì có ai giấu giếm đâu được ta! Có ai giấu giếm đâu được ta! Ở đây Nguyễn Trãi có ý cho rằng dùng phương pháp xem người như thế thì giặc dầu quỷ quyệt, cũng không lừa dối nổi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2011, 10:30:23 am »

16. LẠI THƯ CHO VƯƠNG THÔNG(1)

Trước đây được thư của ngài cùng bản thảo tâu nói “nên tha tội cho nước An-nam, lại lập con cháu họ Trần”(2), tôi cùng bọn đầu mục quân nhân, ai cũng hân hoan cổ võ, cùng bảo nhau rằng: “Nếu quả được như thế, thì từ nay về sau Bắc Nam sẽ vô sự”. Song trời thì cao mà hoàng đế thì xa, ngài thì quyền hành không qui nhất, chính sự do nhiều người, lời nói trái với việc làm, mỗi người một bụng(3). Phàm các điều ngài nói, các việc ngài làm ngày trước, tôi đã thấy rõ cả rồi(4). Không biết công việc ngày nay sẽ ra thế nào? Vì thế tôi cứ giữ khư khư cái kiến thức hẹp hòi, mà nằm chẳng yên giường, ăn không ngon miệng, canh cánh bên lòng, muốn thôi không được. Huống chi sự thế ngày trước với sự thế ngày nay, thực cùng một mối, thế mà một người bảo phải, mười người lại bảo trái, một người làm việc, mười người lại phá việc. Người ta nói: “Làm nhà bên đường, ba năm không xong” là thế đấy. Xét vì việc làm như thế, cho nên chúng tôi đến nay vẫn khôn xiết nỗi khổ sở. Ngài nếu thiết tha đến chúng tôi, thì đừng làm như ngày trước nữa, mà nên để tâm muôn nghìn phần, thế là may mắn lớn cho tôi. Thư nói không hết.


(1) Thư này cũng gửi trong khoảng tháng 12 năm Bính ngọ (29-12-1426 đén 27-1-1427) để tiếp tục vạch rõ sự bất nhất giữa lời nói và việc làm của Vương Thông.
(2) Nguyễn Trãi dẫn lại một đoạn trong bản thảo tờ tâu của Vương Thông lên triều đình nhà Minh.
(3) Trong số quan và tướng nhà Minh ở Đông-quan lúc bấy giờ có nhiều người kịch liệt phản đối giảng hòa, tiêu biểu là Phương Chính, Mã Kỳ.
(4) Vương Thông bề ngoài xin giảng hòa rút quân về nước, nhưng kỳ thực vẫn lo cốt thủ ở thành Đông-quan.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2011, 10:32:39 am »

17. LẠI THƯ CHO VƯƠNG THÔNG(1)

Trước đây vâng biểu tiếp thư của ngài cùng lời sứ giả, điều nói là “Chỉ theo lời ước trước, không có điều gì khác”; lại nói “sáng mà tiến biểu, tối sẽ rút quân”(2), bức thư mực chưa khô, lời nói bên tai còn vẳng. Nay sứ đã đi rồi, mà người tiễn sứ cũng đã về rồi, không rõ ngài có quả theo lời nói trước không? hay lại có điều gì khác chăng? Nếu quả theo lời nói trước, thì báo cho rõ ràng, khiến tôi được sửa sang cầu đường, chuẩn bị lương thực để đời ngày đi. Nếu có điều khác, thực sự điều tín không bỏ được đâu. Cổ nhân có câu: “Khử thực khử binh, tín bất khả khử” (Lương ăn và quân có thể bỏ được, điều tín không thể bỏ được), cho nên Văn công không tham lợi đánh nước Nguyên(3), Thương quân không bỏ thưởng dời cây gỗ(4). Nay ngài là bực tướng có đọc thi thư, lại không bằng Văn công Thương quân hay sao? Định bỏ điều tín hay sao? Thư nói không hết.


(1) Thư này cũng gửi trong khoảng tháng 12 năm Bính ngọ sau khi nhận được thư trả lời của Vương Thông.
(2) Trước đây Vương Thông thỏa thuận hễ khi nào Lê Lợi sai sứ đem biểu cầu phong sang triều đình nhà Minh xin lập con cháu nhà Trần lên làm vua, thì lập tức quân Minh sẽ rút về nước.
(3) Thời Xuân thu, Tấn văn công đánh nước Nguyên, cho đem lương ăn ba ngày, hẹn ba ngày không đánh được thì về. Hễ ba ngày không hạ được thành, quân xin ở lại để đánh. Văn công nói: “Tín là vật báu của nước, và là cái để cho dân dựa. Được Nguyên mà mất tín, thì dân dựa vào đâu”. Liền cho lui quân một xá (30 dặm) để tỏ sự tín (Tả truyện).
(4) Thời Chến quốc, Thương Ưởng làm tướng nhà Tần. Ông chôn cây gỗ dài ba trượng ở nam quốc đô, truyền lệnh hễ ai dời cây gỗ sang cửa bắc được, thì thưởng cho 10 lạng vạng. Dân lấy làm lạ, không ai dám dời. Sau ông lại nói: “Ai dời được thì thưởng cho 50 lạng vàng”. Có người dời được cây gỗ ấy, ông liền thưởng cho 50 lạng vàng để tỏ là không nói dối (Sử ký).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2011, 03:20:36 pm »

18. LẠI THƯ CHO VƯƠNG THÔNG(1)

(Vua tiến quân đến gần thành Đông-quan, cho nên gửi thư cho Vương Thông).

Trước vì trại đóng hơi xạ(2), thực khiến đi lại vất vả. Nay tôi muốn dời đến ở bên thành Bắc-giang(3), đối ngạn gần nhau, đi lại cho tiện. Kính bẩm để ngài biết ý, xin đợi tôn mệnh. Nếu có sự xử trí khác, xin ngài chỉ bảo cho, tôi lấy làm cảm ơn. Thư nói không hết.


(1) Tháng giêng năm Đinh mùi (28-1 đến 25-2 1427), Lê Lợi dời đại bản doanh từ (Đông Phù-liệt (Thanh-trì, Hà-nội) lên Bồ-đề (Gia-lâm, Hà-nội) đối diện với thành Đông-quan qua sông Nhị để trực tiếp chỉ huy việc vây hãm Đông-quan và dụ hàng Vương Thông. Chủ trương của nghĩa quân lúc bấy giờ là vây hãm và dụ hàng các thành, kết hợp tiến công quân sự với địch vận. Dù Vương Thông tỏ ra ngoan cố, Lê Lợi - Nguyễn Trãi vẫn duy trì quan hệ thương lượng giảng hòa để vận động kẻ thù và mở sẵn lối thoát cho quân Minh. Do đó, trước khi chuyển đại bản doanh lên gần thành Đông-quan, Nguyễn Trãi dùng lời lẽ mềm mỏng báo cho Vương Thông biết.
(2) Trước đây, ngày 21-11-1426, Lê Lợi đóng đại bản doanh ở Tây Phù-liệt (Thanh-trì, Hà-tây), rồi sau đó, dời sang Đông Phù-liệt (Thanh-trì, Hà-tây), cách Đông-Quang (Hà-nội) chừng 15 ki-lômét.
(3) Phủ Bắc-giang thời thuộc Minh gồm hai huyện là Siêu-loại (Thuận-thành, Hà- bắc), Gia-lâm (Gia-lâm, Hà-nội) và ba châu là Gia-lâm, Vũ-ninh, Bắc-giang. Châu Gia-lâm có ba huyện: An-định (bắc Gia-lương, Hà-bắc), Tế-giang (Văn-giang, Hải-hưng), Thiện-tài (nam Gia-lương, Hà-bắc), Châu Vũ-ninh có năm huyện: Tiên-du (bắc Tiên-sơn, Hà-bắc), Vũ-ninh (Võ-giàng, Hà-bắc), Đông-ngạn (nam Tiên-sơn, Hà-bắc và Đông-anh, Hà-nội), Từ-sơn (Quế-dương, Hà-bắc), Yên Phong (Yên-phong, Hà-bắc), Châu Bắc-giang có ba huyện Yên-phúc (Đa-phúc, Vĩnh-phú), Thiện-thi (Hiệp-hòa, Hà-bắc), Yên-việt (Việt-yên, Hà-bắc). Phủ Bắc-giang lúc đó gồm cả đất Gia-lâm (Hà-nội) ở bắc sông Nhị, đối ngạn với thành Đông-quan.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2011, 03:22:20 pm »

19. LẠI THƯ CHO VƯƠNG THÔNG(1)

Kính đạt ngài Tổng binh. Tôi nghe nói trời không che riêng ai, đất không chở riêng ai, mặt trời mặt trăng không soi riêng ai. Cho nên đấng vương giả lấy bốn biển làm nhà, vốn không phân biệt kẻ xa người gần. nay được luôn tôn thư, hứa sẽ thỉnh mệnh rút quân, muốn lấy tờ tâu của hai ngài Thái giám để xin lập con cháu họ Trần. thế thật là các ngài đã vì nước hết trung, tôn vua theo nghĩa, so với việc năm trước cầu công tâu bậy rằng con cháu họ Trần không còn ai(2), thật khác hẳn vậy. Được như lời ấy thì không những là may cho một nước Giao-chỉ(3), mà cũng là may lớn cho vạn bang trong thiên hạ vậy. Ân đức của Triều đình đã như trời đất che chở, nhật nguyệt chiếu soi, thì ngài có ra mệnh lệnh gì, tệ ấp(4) nào dám sai trái. Ngay ngáy khôn xiết sợ lọ, đợi chờ mệnh lệnh.


(1) Để thực hiện kế hoãn binh, Vương Thông viết thư cho Lê Lợi hứa sẽ xin cho vua Minh cho rút quân về nước, lập con cháu họ Trần lên làm vua. Đây là thư trả lời của Nguyễn Trãi.
(2) Trước đây, nhà Minh nêu chiêu bài “phù Trần diệt Hồ” để che đậy dã tâm xâm lược, nưhng sau khi chiếm được nước ta, lại lấy cớ con cháu nhà Trần không còn ai để đặt làm quận huyện. Nay trước nguy cơ thất bại, nhà Minh lại đòi Lê Lợi lập con cháu nhà Trần lên làm vua vừa để biện hộ cho cuộc xâm lược nước ta, vừa để mở đường rút lui, giữ thể diện triều đình Minh.
(3) Sau khi chiếm được nước ta nhà Minh đổi nước ta thành quận Giao-chỉ, âm mưu sáp nhập vào lãnh thổ Trung-quốc.
(4) Tệ ấp là cách tự xưng của các nước chưa hầu đối với vua nước lớn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM