Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 03:59:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 1  (Đọc 38831 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 08:58:55 pm »


Để phần lớn lực lượng thiện chiến, sung sức ở lại tuyến, Bộ Tư lệnh chủ trương thử nghiệm vận tải cơ giới trong mùa mưa ở một số cung, gỡ một phần khó khăn cho chiến trường; qua đó kết luận một số vấn đề về khả năng vận chuyển cơ giới, sử dụng cầu đường trong mùa mưa, chuẩn bị cho năm 1969.

Lo xong việc tập kết lực lượng ra Bắc; chúng tôi triệu tập ngay hội nghị, gồm số cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị trực thuộc ở lại tuyến. Nhìn khắp lượt anh em - những cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm và kinh nghiệm có thừa... Về dự họp, tôi như vơi đi những trăn trở trước một quyết định mới. Về chủ trương thực nghiệm tổ chức vận tải cơ giới mùa mưa, đa phần anh em nhất trí; số ít không tỏ rõ chính kiến. Riêng Nguyễn Lạn - Chính ủy Binh trạm 41 không tán thành...

Hội nghị kết thúc, chia tay anh em xong, tôi nói với Tham mưu phó vận tải Nguyễn Chúc về ý kiến của anh Lạn:

- Ông "đồ Nghệ" này đã không đồng ý, phải dè chừng. Đây là một người ở trên tuyến nhiều năm, có cách tiếp nhận thực tế rất nhạy, thẳng thắn. Chúng ta cần lưu ý thêm về ý kiến đó.

Anh Nguyễn Chúc nói: - Chúng ta chủ trương làm thí điểm để nghiên cứu. Với kinh nghiệm thực tiễn, anh em chưa nhất trí là lẽ thường. Vấn đề cơ bản là trong quá trình thực hiện phải nắm vững diễn biến tình hình, nếu quá khó, kém hiệu quả, phải cho dừng ngay.

Chúng tôi nhất trí theo hướng đó.

Thực hiện chủ trương nói trên, mùa mưa này lực lượng vận tải cơ giới hoạt động trên hai hướng chủ yếu là Trị - Thiên và Khu 5. Những hướng khác kết hợp vận chuyển cơ giới và thô sơ. Chỉ tiêu vận chuyển từ tháng 4 đến tháng 10 suýt soát 3 vạn tấn. Đồng thời duy trì tốt hoạt động của tuyến giao liên hành quân, dự tính bảo đảm 34 nghìn quân qua tuyến.

Dự tính là vậy, nhưng mọi tác động khách quan có những lúc diễn biến khôn lường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 08:59:20 pm »


Về địch, từ đầu tháng 4 năm 1968, sau khi Giôn-xơn "xuống thang", ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, gần như mọi cố gắng và đạn bom của hải lực, không lực Mỹ dồn "ưu tiên" cho vùng "cán xoong" nam phần Khu 4 và Tuyến 559. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ) cho dồn tàu của lực lượng "Rồng biển" (Sea Dragon) trước đây vẫn rải ra bắn pháo dọc bờ biển miền Bắc, xuống phía nam, tăng cường pháo kích ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam qua vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tiếp đó, không lực Mỹ triển khai các chiến dịch "Sấm rền 57", "Hổ thép" (Steel Tiger)... huy động tối đa đạn bom hòng "làm mưa làm gió" ở khoảnh đất eo thắt nam vĩ tuyến 20 của ta và đất Lào, hy vọng chẹt các yết hầu hút hàng từ hậu phương vào chiến trường. Vật chất do tuyến tiền phương Tổng cục Hậu cần (nay đã chuyển thuộc Tổng cục Hậu cần) tạo lập cho Tuyến 559 chẳng được bao nhiêu, đặc biệt là xăng dầu. Xe đợi xăng như một cơ thể cạn kiệt sự sống cần từng giọt máu.

Khó khăn do địch ngăn chặn quyết liệt là rất lớn, nhưng nỗi kinh hoàng đối với những người lính Trường Sơn lúc này không phải là bom, là đạn mà là "giặc trời".

Tháng 5, trời vào hạ. Suốt một dải Thanh - Nghệ - Tĩnh giờ đây nắng nhuốm đỏ đồng, chớm vào vụ gặt mà trời nóng như nung. Nhưng Tây Trường Sơn thời tiết thật dữ dội. Đêm đêm sương xuống như mưa, lạnh buốt. Ban ngày, trời đang nắng chói chang bỗng chốc mây đen ập đến. Bầu trời như chiếc vung khổng lồ, đen sịt úp chụp lấy núi rừng. Rồi cả bầu trời trĩu nước bị "buông tuột". Mưa trắng rừng, xối xả, dữ dội. Nước từ các triền núi dồn xuống lòng đường, sông, suối... tạo nên những cơn lũ cuốn hung hãn. Ngay những khi đã ngừng mưa, thì những con đường tội nghiệp dài hàng trăm cây số như đường B45 từ ngã ba La Hạp đi Trị - Thiên, đường từ Lùm Bùm vào bắc Bạc... cũng biến thành những suối bùn. Se hơn một chút, đất ba zan ngậm no nước tạo thành chất keo thượng hạng, trơn nhẫy, ở những điểm mà lính Trường Sơn gọi là "túi nước", tình hình còn tồi tệ hơn.

Dẫu đã lường khó khăn do thời tiết, chúng tôi chỉ tổ chức đội hình vận chuyển nhỏ lẻ, dễ bề cơ động, và chỉ sử dụng xe ba cầu, nhưng kết cục cũng rất xấu. Do mặt đường không rải đá, ngấm nước dài ngày nên nền yếu vô cùng. Xe chạy được mười ngày, hai vệt bánh xe đã là hai hào giao thông. Lái xe cay cú, gọi là "hai sông ba núi". Công binh dồn sức chặt cây, đẵn cành chống lầy bằng cách rải rông đanh, nhưng cùng không khắc phục nổi. Các loại xe đều bị lún lầy nằm la liệt, phải tổ chức kích kéo liên tục.

Trước tình hình đó, chỉ nửa tháng sau khi phát lệnh mở màn vận tải mùa mưa, chúng tôi quyết định tạm dừng vận tải cơ giới, tập trung giải quyết khâu cầu đường; đồng thời từng binh trạm căn cứ tình hình cụ thể tổ chức vận tải bộ để bảo đảm nội bộ và gỡ một phần khó khăn về gạo cho chiến trường. Lệnh được truyền đi, lòng dạ tôi như có ai xát muối. Không khí sở chỉ huy im ắng khác thường. Cũng chính sự im ắng đó, mà tôi có cơ nghĩ lại ý kiến của anh Nguyễn Lạn hôm nào...!.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 09:00:44 pm »


Cuối năm, tình trạng đói gạo, "khát xăng” trên tuyến ngày càng trầm trọng do ta chưa giải tỏa được ách tắc giao thông từ sông Lam vào khu vực cửa khẩu đường 12 và đường 20. "Gạo, có khi là tư lệnh", điều mà không ít tướng lĩnh từng trải trận mạc tâm đắc, giờ đây thật thấm thía đối với những người lính Trường Sơn và cả chiến trường.

Tình hình căng như dây đàn. Buộc chúng tôi phải bớt khẩu phần ăn của bộ đội, dành dụm gạo cho phía trước. Vốn dĩ tiêu chuẩn mỗi ngày của anh em không quá ba lạng gạo, lại phải “đào đất cất gỗ", nay bớt nữa, quả là thế cùng. Từ cơ quan Bộ Tư lệnh xuống binh trạm, bộ đội bươn bả ra bìa rừng, bờ suối, vơ đất trồng rau, sắn, tìm kiếm rau rừng, đào củ mài, củ chụp... cứu đói.

Thời gian như ngừng trôi. Tôi luôn sống trong sự day dứt, dằn vặt bởi cái đói của bộ đội. Một sáng, tại sở chỉ huy, tôi nhận được thư của anh Nguyễn An - Tham mưu trưởng vận chuyển đang đi công tác ở các binh trạm 35, 36 gửi về.

Trong thư, anh An kể: Bộ đội các binh trạm trong đó đã hàng mấy tháng rồi ăn hai lạng gạo mỗi ngày. Nhưng công tác và chiến đấu không vì thế mà kém hiệu quả. Bí quyết là trồng lấy rau, sắn mà ăn; đặc biệt là sắn rất sẵn, nhờ chủ trương "Ăn củ trả cây"1 mà tuyến III thực hiện từ khi anh làm tuyến trưởng. "Thực đơn" của bộ đội là: Sáng sắn, trưa măng, chiều cháo loãng, sắn là "sâm Trường Sơn". Mà "sâm Trường Sơn" không bao giờ thiếu, kể từ khi bộ đội lật cánh sang phía tây.

Một lá thư, vài con chữ trau chuốt, dí dỏm, nhưng anh đã khái quát được hoàn cảnh, hoạt động của bộ đội Trường Sơn trong đó. Anh An là một cán bộ chỉ huy vận tải cơ giới dày dạn kinh nghiệm, bất luận cả khi hoàn cảnh cam go, éo le, đều lạc quan - một phẩm chất quý, có sức thuyết phục đồng đội.

Vào những tháng ngày cùng đồng cam cộng khổ với cán bộ, chiến sĩ của mình, tôi từng chứng kiến biết bao việc làm bình dị mà trong sáng, cao thượng của những người lính Trường Sơn, của những dân nghèo người Việt, người Lào. Giờ đây, khi cuộc chiến đã lùi xa, nhân dân mình, đất nước mình đã bớt nhọc nhằn vì "đồng tiền bát gạo" nhưng mỗi lần nhớ lại, trong tôi lại trào dâng sự mến phục thương cảm đến nao lòng...

Trước những khó khăn rất lớn của chiến trường, của tuyến phía sau, và đoán biết mưu mô xảo quyệt của Mỹ, Quân ủy Trung ương kịp thời có Nghị quyết 71/QUTW, khẳng định: "Khi địch xuống thang ở miền Bắc, thì những cửa khẩu từ tuyến hậu phương sang Tuyến 559 sẽ là những trọng điểm địch tập trung đánh phá ác liệt".

Từ nhận định đó, Quân ủy Trung ương cũng đã tính tới một số giải pháp để tạo chân hàng sâu hơn cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
________________________________________
1. Ngay từ khi Tuyến 559 lật cánh sang Tây Trường Sơn, cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn có kế sách rất hay là "Ăn củ trả cây". Bộ đội hành quân qua nương sắn của bất cứ đơn vị nào có thể lấy củ để ăn, song phải chặt mấy "hom" trồng lại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 09:01:20 pm »


Từ cái thế khó khăn chồng chất khó khăn, nghe anh Đinh Đức Thiện điện vào trao đổi tinh thần chỉ đạo của Quân ủy Trung ương về việc phối hợp giữa Tuyến 559 và Tuyến 500 để giải tỏa vượt khẩu, tôi xúc động nói: Thật là ý Đảng hợp lòng quân!

Anh Thiện cũng nói thêm:

- Nghe các cậu điện hối thúc gạo và xăng, bọn mình đứng ngồi không yên. Riêng tình hình xăng thì Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Hậu cần đưa đường ống vượt sông Lam vào Hà Tĩnh. Chắc tình hình sẽ được cải thiện nay mai thôi...

Nghe anh Thiền "giãi bày", tôi càng thấm thía: Nỗi lo này đâu của riêng ai! Không chỉ tuyến Tiền phương Tổng cục Hậu cần mà cả hậu phương lo giải tỏa ách tắc khu vực vào cửa khẩu.

Cán bộ, chiến sĩ các binh trạm 12, 14 tiếp giáp Tuyến 559 trần mình cùng chúng tôi gách vác khó khăn.

Nan giải quá - Chúng tôi đang tìm cách! Là câu trả lời mà tôi nhận được mỗi khi gọi điện hỏi Binh trạm trưởng Binh trạm 12 - Nguyễn Đàm và Binh trạm trưởng Binh trạm 14 - Hoàng Trá về xăng, về gạo. Quả thật, binh trạm nào cũng chạy đôn đáo lo tìm phương cách chuyển xăng, gạo vào tuyến. Sau này các anh gọi là "Chiến dịch đưa xăng vượt đỉnh lầy".

Binh trạm 12 có sáng kiến "cõng" xăng bằng ba lô ni lông. Lập tức, Tổng cục Hậu cần chuyển ngay vào 20.000 ba lô "cóc" kèm 4.000 mét ni lông. Một tiểu đoàn gần 500 con người cõng từng ba lô xăng vượt đèo La Trọng, đường 12... như đàn kiến khổng lồ tha mồi về tổ. Những con người suốt một mùa khô, tiếp một mùa mưa bám trụ kiên cường trên những nẻo đường, trọng điểm, giờ đây đang oằn lưng bởi những ba lô xăng. Những đôi chân dẻo dai, những con người tưởng như chai lỳ trước bệnh tật, vẫn không thoát được những cơn sốt rét rừng. Những tấm lưng bỏng rộp bởi sức nóng mặt trời miền nhiệt đới ngày hè và bởi bịch xăng đang như sôi lên bởi cái nắng đó... Sau một vài chuyến, ba lô bị mủn ra, lưng áo của người lính cũng mủn ra bởi nắng núi mưa ngàn, bởi đạn chặn, bom vùi. Và không biết có bao nhiêu tấm lưng bỏng rộp lên vì nhiễm độc xăng...

Những ba lô xăng được Binh trạm 12 chuyển vào cộng với sự dự trữ ở khu vực Mụ Giạ cũng đã có chừng 50 tấn. Tôi lệnh cho Binh trạm 31 tìm cách đưa ngay số xăng này vào Lùm Bùm. Cán bộ, chiến sĩ binh trạm đã lập được một chiến tích đặc biệt. Từ Mụ Giạ, công binh khéo léo ghép các phuy xăng lại thành mảng; cử các "tay sào" lão luyện đưa mảng xuôi theo dòng Nậm Hơ và Nậm Ngo, tới Xiêng Phan.

Từ đây, các phuy xăng được vần bộ vượt ba chục cây số vào Pác Pha Năng, chuyển qua sông Sê Băng Phai, lăn bộ hơn hai chục cây số nữa vào Tha Pa Chôn; Binh trạm 32 tiếp nhận, đưa về Lùm Bùm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 09:01:51 pm »


"Một miếng khi đói bằng một gói khi no", kỳ tích chuyển xăng vượt lũ là vậy. Một giọt xăng, hạt gạo vào chiến trường trộn lẫn, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của bao người. Một tấn xăng qua trọng điểm phải đổi tới hàng chục sinh mạng. Không thắng lợi nào mà không phải trả giá!

Thực tiễn hoạt động của tuyến trong mùa mưa năm 1968, đặc biệt là kết quả thực nghiệm vận chuyển cơ giới mùa mưa Tây Trường Sơn cho chúng tôi biết cái giá phải trả của việc nắm không chắc quy luật thời tiết ở địa bàn Trường Sơn - một dạng thời tiết đặc thù, nghiệt ngã đối với người làm công tác vận tải trong điều kiện chiến tranh ác liệt.

Từ thực tế nghiệt ngã này, tôi rút ra kết luận: Vận tải trong mùa mưa ở Trường Sơn, nếu đường không được rải đá tốt thì xe không thể chạy được, dù là xe ba cầu. Và thêm một lần nữa khẳng định lại điều chúng tôi đã nghiệm: Địch đánh chỉ tắc từng đoạn, còn trời "đánh” thì tắc toàn tuyến.

Để khắc phục thời tiết nghiệt ngã trên Trường Sơn, từ đó có thể tổ chức vận tải cơ giới trong mùa mưa, vấn đề cơ bản đối với chúng tôi lúc này là xây dựng đường cơ bản.

Ngay sau khi quyết định cho ngừng vận tải cơ giới, tôi trực tiếp giao cho đồng chí Phạm Diêu cùng cơ quan công binh khẩn trương hoàn thành phương án cầu đường chuẩn bị cho năm 1969. Là một tham mưu trưởng công binh có trình độ đại học chuyên ngành cầu đường và là người có trách nhiệm cao, nên chỉ một thời gian ngắn, Phạm Diêu đã trình Bộ Tư lệnh đề án với nội dung cơ bản là: rải đá trục dọc hiện có, hoàn thành trục dọc thứ hai từ tây Bạc đến đông A Tô Pơ, mở nhiều đường tránh trọng điểm; chuẩn bị các yếu tố để đầu năm 1969 mở tuyến vận tải cơ giới Đông Trường Sơn từ cầu Khỉ đi Bản Đông. Đối với các trục dọc đã có, chỗ nào mặt đường yếu, thì rải đá cục bộ. Sử dụng hai trung đoàn công binh cơ động hợp sức với công binh binh trạm thí điểm rải đá mặt đường 20 từ Ta Lê đến Đường 9 và từ Bản Đông đến La Hạp với tổng chiều dài 260 cây số, mặt đường rộng 3,5 mét. Nếu thực hiện được chỉ tiêu này cộng với khoảng 40 cây số đường 9 ta làm chủ sẽ tạo được mạng đường cơ bản bảo đảm mùa khô tới nâng thời gian vận chuyển lên vài tháng.

Nghe anh trình bày xong dự án, tôi kết luận: Cái khó nhất của ta lúc này là gạo. Nhưng hiện tại gạo dự trữ vẫn còn. Dứt khoát đủ "nuôi" tăng cường hai trung đoàn công binh cho mặt trận cầu đường để có đường rải đá.

Thực nghiệm vận tải cơ giới mùa mưa không thành ngoài nguyên nhân không nắm vững quy luật thời tiết, còn là hệ quả của cả một thời gian khá dài ta chưa kết hợp chống lầy một cách cơ bản. Bởi vậy mỗi mùa khô, ta chỉ tận dụng được 5 tháng để vận chuyển.

Có được bài học thấm thía này, nên khi mở đường 16 từ Thạch Bàn (Quảng Bình) đi Bản Đông (Lào) chúng tôi cho rải đá ngay những quãng nền đường yếu để đầu mùa khô 1969-1970 có thể sử dụng được ngay, tạo nên "gọng kìm" lợi hại giữa đường 16 và đường 20.

Công việc trì trệ. Mấy tháng mùa mưa với chúng tôi dài tựa hàng năm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 09:02:09 pm »


Ngày 13 tháng 9 năm 1968, hội nghị tổng kết hoạt động năm 1968 được tiến hành ở Na Bo, bắc đường số 9.

Hội nghị thống nhất đánh giá của Bộ Tư lệnh là mùa khô vừa rồi, trong nhiều cái "được", nổi trội nhất là toàn tuyến đã chuyển nhanh sang thế trận hiệp đồng binh chủng, lấy bộ đội vận tải làm chủ công, lấy binh trạm làm cấp chỉ huy bộ đội hợp thành. Mạng thông tin có bước phát triển nhảy vọt...

Các đại biểu cho rằng tồn tại cơ bản là do chưa quán triệt tư tưởng trường kỳ, chưa tích cực đầu tư cho xây dựng cơ bản cầu đường... Đặc biệt về đối phó với Mỹ - ngụy nống ra A Sầu, A Lưới, do thiếu chủ động, ỷ lại Quân khu Trị - Thiên nên đã tổn thất cả về người và vật chất.

Về tình hình tới có liên quan trực tiếp đến Đoàn 559, chúng tôi cho rằng: địch có thể tiếp tục "xuống thang" chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhưng bất luận khả năng nào diễn ra thì chúng cũng sẽ đánh tuyến chi viện Trường Sơn ác liệt hơn. Trọng điểm đánh phá của không quân địch là các binh trạm cửa khẩu; ngoài ra cũng có khả năng bộ binh địch nống ra chặn cắt, chốt giữ một số nơi trọng yếu. Vì vậy, cùng với đánh địch đường không, cần chú trọng tác chiến mặt đất. Phải xây dựng thế trận vận chuyển vững chắc, trước tiên là thế trận cầu đường. Nhanh chóng khôi phục đường cũ bị địch và mưa lũ phá hoại, mở thêm nhiều đường vòng tránh trọng điểm, làm thêm đường mới, đặc biệt là đường rải đá; phá thế độc đạo ở trục chính.

Suốt tuần trời mưa tầm tã. Công sự, giao thông hào khu vực sở chỉ huy ngập nước. Lính Trường Sơn "sống chung" với mưa ngàn, suối lũ là chuyện thường. Chỉ ái ngại cho anh chị em đoàn chèo Hà Nam lặn lội vượt hàng nghìn cây số đường trường, "đội bom đạn" vào phục vụ. Thật vô cùng cảm động! Trong nhà hầm, dưới ánh đèn điện sáng choang, làn điệu chầu văn vẫn vang lên réo rắt. Tà áo "mớ ba mớ bảy" của những nữ diễn viên quê đất đồng chiêm hiện diện nơi đây có sức gợi cảm lạ thường... Tất cả như đều hướng tâm tưởng của những người lính chúng tôi trở về với những miền quê xa có cây đa, bến nước, sân đình; có mẹ già thời gian nhuốm bạc mái đầu, có người vợ tần tảo "hai sương một nắng"...

Cảm ơn nhà văn Chu Văn, nhà thơ Chính Hữu... Và những nghệ sĩ của đồng quê đã tiếp thêm cho chúng tôi sức lực của hậu phương, của quê nhà...

Hội nghị kết thúc. Mưa chưa tạnh. Nhưng không cán bộ cơ sở nào ở lại. Chia tay, nhìn anh nào anh nấy ngồi xe ba cầu vượt lũ, trong tôi trào dâng cảm xúc vừa bùi ngùi vừa phấn chấn khó tả.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 09:03:08 pm »


VIII

Tháng 10, tháng kết thúc mọi việc chuẩn bị cho kế hoạch chi viện năm 1969. Tuy chưa thắng được “giặc trời”, được lũ, nhưng nhờ ở lại tuyến mùa mưa, nên chúng tôi nắm chắc tình hình. Đây là một lợi thế chưa có tiền lệ. Khó khăn lớn nhất lúc này là địch đánh phá, ngăn chặn ngày càng thêm quyết liệt.

Từ tháng 4 năm 1968, sau bước xuống thang, thu hẹp phạm vi đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở vào, không quân, hải quân Mỹ đã tạo nên ở vùng "cán xoong" Khu 4 nhiều "tam giác lửa". Tạp chí "Không quân" của Mỹ lúc đó đã đưa ra những con số khá cụ thể: "Trên một diện tích hẹp bằng một phần tư toàn miền Bắc, số trận ném bom tăng 2,6 lần, mật độ bom đạn tăng lên 20 lần".

Tháng 8 - tháng 9, cao điểm mùa mưa. Địch đánh, trời đánh làm cho giao thông vận tải Khu 4 trở thành mặt trận vô cùng nóng bỏng.

Tháng 7 năm 1968, Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông vận tải Khu 4 được thành lập do anh Phan Trọng Tuệ làm Tư lệnh. Ba tháng sau, ngày 28 tháng 10, Bộ Tư lệnh 500 - tương đương Đoàn 559, ra đời thay tiền phương Tổng cục Hậu cần. Các anh Nguyễn Đôn, Lê Quang Đạo, Hồng Kỳ, Đoàn La được giao trọng trách tổ chức khai thông "nút cổ chai" Khu 4.

Như vậy, Bộ Tổng hành dinh quyết định tung vào "tuyến lửa" những tướng lĩnh đã từng dạn dày lửa đạn.

Về địch, để thực hiện mục tiêu bóp nghẹt, đưa chiến tranh cách mạng miền Nam "tới chỗ lụi tàn", có biết bao chiến lược gia, biết bao "bộ óc điện tử" của Nhà Trắng ồn ào tranh cãi và cuối cùng đi tới quyết sách "bỏ diện, chọn điểm", chọn và chặn bằng được "yết hầu" của tuyến đường Hồ Chí Minh.

Ngày 1 tháng 11 năm 1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn buộc phải tuyên bố chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc và chấp nhận hội đàm bốn bên tại Pari để bàn về chiến tranh ở Việt Nam.

Việc Mỹ ngừng đánh phá miền Bắc là cơ hội để miền Bắc, đặc biệt là Khu 4 khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế và dồn sức chi viện cho chiến trường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 09:03:47 pm »


Từ Trường Sơn, hướng về đất Bắc, tôi hình dung cuộc sống của người dân tuyến lửa Khu 4 từ lâu chuyển vào hầm, xuống chiến hào, địa đạo để giữ mình và đánh địch, nay ùa cả lên, ngân vang giai điệu "Trời của ta, đất của ta...”.

Quả đúng vậy, qua điện thoại, tôi được anh Đôn, anh Đạo cho hay: Chỉ một tuần sau khi địch ngừng đánh phá, hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công... Ở Khu 4 đã khai thông những trục đường trọng yếu. Các phương tiện vận tải của Nhà nước và Bộ Quốc phòng đều được huy động đưa hàng ra phía trước. Bộ Tư lệnh 500 chỉ đạo các binh trạm hối thúc quân tiến vào khu vực cửa khẩu đường 12 và 20 để lập chân hàng cho chúng tôi.

Nhưng, đúng như phán đoán của ta. Ngừng ném bom miền Bắc, kẻ địch đã dồn bom đạn tiến hành một chiến dịch đánh phá có tính chất hủy diệt khu vực cửa khẩu.

Những ngày có gió mùa đông bắc, đường, rừng... một màu trắng đục. Đi thị sát thực địa vào ban ngày, qua một vài đỉnh dốc, xe tôi phải bật đèn vàng mới lần ra đường, để dò dẫm vượt dốc. Tuy vậy, cũng có nhiều giờ, nhiều ngày trời hửng nắng: không quân Mỹ chớp thời cơ đó để trút bom xuống tuyến đường.

Ba ngày sau khi Giôn-xơn tuyên bố ngừng đánh phá miền Bắc, địch đã huy động một lực lượng lớn máy bay chiến lược B52 và các loại cường kích ồ ạt tập kích cửa khẩu đường 12 và đường 20. Mục tiêu chính là trọng điểm Xiêng Phan (đường 12) và tập đoàn trọng điểm cua chữ A - Ta Lê - Phu La Nhích (ATP) trên đường 20. Chọn Xiêng Phan và ATP làm tâm điểm đánh phá, kẻ địch đã điểm đúng hai trong số những "huyệt" xung yếu nhất của đường Hồ Chí Minh. Bởi mọi nguồn hàng từ hậu phương phải lọt qua hai trọng điểm này mới vào được Tuyến 559. Vả lại đây thật sự là hai yếu điểm, nếu địch đánh tắc và khống chế mạnh, nếu ta khắc phục theo kiểu bị động, "cay cú" - bị đánh ở đâu, khắc phục ở đó, không chủ động mở đường vòng, đường tránh thì sẽ biến thành công "dã tràng".

Suốt một tuần địch cho máy bay B52 ném bom rải thảm và các loại cường kích đánh phá, thung lũng Xiêng Phan luôn như vạc lửa. Hơn một vạn quả bom trút xuống gần như xóa sổ con đường duyên dáng men theo sông Pha Nốp, kẹp giữa hai dãy núi đá. Còn lại chỉ là những cồn đống lồi lõm và những túi nước khổng lồ. Tổn thất về người cũng không nhỏ. Không ít sự mất mát vô cùng thương tâm mà đơn vị báo về làm chúng tôi không ai cầm lòng được. Điển hình là vụ 12 chiến sĩ chốt giữ trọng điểm, tránh bom trong hang đá, bị bom đánh sập. Núi đá đã thành nấm mồ vĩnh hằng của những con người quả cảm vô song này...

Ở hướng đường 20, tập đoàn trọng điểm ATP suốt một tuần cũng không khác gì một sa mạc lửa. Đèo Phu La Nhích, cua chữ A, ngầm Ta Lê hứng chịu gần 5 vạn quả bom. Thử hỏi có thứ đường nào, ngầm gì tồn tại được bởi sức công phá của lượng nổ khổng lồ đó?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 09:04:13 pm »


Sau chiến dịch sử dụng máy bay B52 ném bom rải thảm, địch cho máy bay trinh sát và cường kích đánh cầm canh; khống chế, không cho ta khắc phục, cả hai trục gần như tê liệt. Tháng mở đầu mùa khô gần như qua đi trong bế tắc. Biết bao đợt "đột kích", "tổng công kích" rầm rập người và xe đã diễn ra vào thời gian này năm trước mà giờ đây im ắng đến lạnh lùng, cả nghìn chiếc xe đã vào tuyến nằm chết lặng đợi hàng, chờ xăng. Bộ đội lại tiếp tục bớt khẩu phần ăn... Bộ Tư lệnh 559 như đứng, ngồi trên lửa. Liên tục suốt ngày đêm tôi điện liên lạc với Bộ Tư lệnh 500, hỏi tình hình giải tỏa cửa khẩu. Anh Đôn và anh Đạo đều trả lời đã dồn mọi khả năng cho Binh trạm 12 và Binh trạm 14.

Giải tỏa trọng điểm là yêu cầu sống còn đối với Tuyến 559 lúc này. Bằng kinh nghiệm thực tế, ngay từ đầu, chúng tôi quyết định chọn giải pháp kết hợp mở đường tránh với khôi phục đường chính bằng sức mạnh tổng hợp. Sau khi hạ quyết tâm, tôi phái ngay Tham mưu phó công binh Nguyễn Văn Kỷ xuống giúp Binh trạm 31 giải tỏa Xiêng Phan; tăng cường cho Binh trạm hai tiểu đoàn công binh trang bị bốn máy húc, 200 tấn thuốc nổ, với quyết tâm thông đường trong vòng 7 ngày.

Việc giải tỏa tập đoàn trọng điểm ATP, ngoài cái khó là phạm vi oanh tạc của địch rộng, địch khống chế gắt gao, còn do sự xáo trộn về tổ chức của ta.

Để san sẻ gánh nặng cho Đoàn 559, từ tháng 11 năm 1968, trên giao cho Binh trạm 14 quản lý cung đường từ bờ bắc sông Ta Lê ra hết cua chữ A, trước đây thuộc Binh trạm 32. Chính quyết định đầy tính thiện chí này đối với 559, đã biến sông Ta Lê thành một nhát cắt, phá vỡ thế liên hoàn của ATP.

Trong thế nước sôi lửa bỏng này, Bộ Tư lệnh 500 vừa chân ướt, chân ráo vào, làm sao đủ thời gian tìm hiểu, đánh giá đúng tình hình để có quyết sách phù hợp! Thực tế gần đúng như vậy.

Một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập dưới sự chủ trì của Bộ Tư lệnh 500, gồm cán bộ chủ chốt các cơ quan tham mưu, công binh, Binh trạm 12, Binh trạm 14 và Ban 67 thuộc Bộ Giao thông bàn tìm cách giải tỏa trọng điểm. Nói là hội nghị của Bộ Tư lệnh 500, nhưng Bộ Tư lệnh 559 thấp thỏm, nóng lòng, hy vọng. Từ trong tuyến, tôi được tin, trong hội nghị có hai loại ý kiến, cuối cùng Bộ Tư lệnh 500 nghiêng về số đông quyết định làm đường tránh để sớm giải tỏa cửa khẩu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 09:04:55 pm »


Mùa khô thoáng đã qua mất hơn một tháng. Giải pháp trên là đúng. Phải vừa mở đường tránh, vừa khôi phục đường chính, ngầm chính, vừa tổ chức nghi binh giỏi. Công binh, cao xạ, xe - máy của hai Bộ Tư lệnh phải tập trung cao độ, chỉ huy chặt chẽ, đồng loạt đột kích khôi phục đường cũ, mở mới hai đường tránh. Dù chỉ vận chuyển bằng cơ giới mười ngày cũng hơn gùi thồ cả năm.

Sau đó, anh Nguyễn An - Tham mưu trưởng vận tải thay mặt Bộ Tư lệnh 559 trực tiếp ra làm việc với Bộ Tư lệnh 500. Cùng lúc, tôi gọi điện báo cáo Quân ủy Trung ương và Thủ trưởng Bộ đề nghị tổ chức giải tỏa nhanh trọng điểm theo phương án nói trên. Bộ nhất trí hoàn toàn. Việc khẩn trương mở toang cửa khẩu, chi viện cho chiến trường là yêu cầu cấp bách.

Hai ngày sau, Bộ điện vào giao cho Đoàn 559 phụ trách giải tỏa toàn bộ tập đoàn trọng điểm ATP, từ cây số 68 đường 20 trở vào. Liền đó, anh Đinh Đức Thiện cấp tốc vào truyền đạt quyết định này cho Bộ Tư lệnh 500. Sau khi làm việc với anh Thiện, anh Lê Quang Đạo gọi điện cho tôi, thông nhất một số việc cần tiến hành ngay để đồng bộ khớp nối giữa hai tuyến. Trước khi đặt máy, anh Đạo còn nói thêm, hết sức chân tình: Diện địch đánh hủy diệt quá rộng, thời gian lại gấp, do chưa nắm chắc địa bàn và mọi diễn biến địch tình, Đoàn 500 chưa với sâu vào phía trong được. Có lẽ, kinh nghiệm chống chiến tranh ngăn chặn ở Trường Sơn khó ai vượt được Bộ Tư lệnh 559.

Tôi trả lời anh:

- Kinh nghiệm là quan trọng, nhưng phải có sức mạnh của cả Tuyến 559 và Bộ Tư lệnh 500 mới giải quyết được.

Chủ trương và biện pháp giải tỏa trọng điểm đã thống nhất. Đảng ủy 559 họp phiên bất thường bàn cụ thể một số nhiệm vụ với quyết tâm ngày 5 tháng 12 giải tỏa xong Xiêng Phan và mười ngày sau giải tỏa ATP.

Trong khi chưa giải tỏa xong cửa khẩu phía bắc, chúng tôi quyết định mở ngay một đợt đột kích vận tải nhỏ, gom số hàng dự trữ còn lại, kết hợp với nguồn hàng do anh Đức Phương tổ chức khai thác hướng "Xê tư" chuyển ngay cho Khu 5 và Tây Nguyên.

Trên tinh thần đó, mấy anh em trong Bộ Tư lệnh chia nhau đi "đốc chiến" các hướng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM