Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 09:40:03 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 1  (Đọc 38785 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 11:16:54 pm »


CHIẾN DỊCH "CHỌC THỦNG TRƯỜNG SƠN MỞ ĐƯỜNG THẮNG LỢI”

Vào những tháng cuối năm 1965, sau khi kiểm tra mọi mặt chuẩn bị của Công trường, Bộ Tư lệnh quyết định: Tổ chức Công trường 20 thành Công trường Quốc phòng.

- Tăng cường hệ thống chính trị từ Công trường xuống các đơn vị, đồng chí Vũ Quang Bình được điều về làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Công trường.

Điều động một số sĩ quan của Đoàn 559 bổ sung làm chính trị viên, đội trưởng các đội và đại đội thanh niên xung phong.

- Tổ chức phòng hậu cần của Công trường do đồng chí Khánh làm Chủ nhiệm để đảm bảo hậu cần cho các lực lượng.

Vào những ngày giáp Tết Bính Ngọ, thay mặt Bộ Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Tường Lân, Phó tư lệnh vào kiểm tra lần cuối phương án kỹ thuật thi công và mọi mặt chuẩn bị của Công trường.

Đúng 17 giờ ngày 30 Tết, thay mặt đồng chí Bộ trưởng kiêm Tư lệnh Đoàn, đồng chí Lân ra lệnh nổ đợt bộc phá đầu tiên để đón Xuân và hưởng ứng chiến dịch "Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi" do Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phát động. Tiếng bộc phá nổ ran trên toàn tuyến. Mọi người hân hoan đón một cái Tết chiến dịch trên toàn công trường và nguyện sẵn sàng đem hết tinh thần trách nhiệm và sức lực, trí tuệ để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mở đường.

Ăn Tết xong, mọi đơn vị, mọi ngành của Công trường tiến ra mặt đường. Các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong dốc sức lao động ngày đêm không nghỉ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Hệ thống Đảng và chính trị phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng Công trường và các đơn vị chấp hành đầy đủ các mệnh lệnh, luôn bám sát hiện trường, động viên chính trị, tư tưởng, phát động thi đua.

Toàn công trường hừng hực khí thế lao động, tốc độ mở đường luôn luôn giữ vững, bảo đảm thông đường 15 - 20 kilômét mỗi tháng, một tốc độ chưa từng có đối với thi công mở đường đá. Bên phía bạn Lào, Công trường 128 do đồng chí Nguyễn Lang chỉ huy cũng phối hợp nhịp nhàng.

Sau 77 ngày đêm không nghỉ, ngày 27 tháng 4 năm 1966, hai công trường gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn tại Km 65 biên giới Việt - Lào.

Sau khi thông đường, 3 trung đoàn bộ đội rút ra tuyến trước. Đồng chí Vũ Quang Bình được điều đi công tác khác, còn lại đồng chí Khuê, Chủ nhiệm Chính trị cùng với Phòng Chính trị và Phòng Hậu cần.

Công trường còn 4 đội thanh niên xung phong được bố trí lại trên toàn tuyến, hoàn thiện nền đường, lát mặt đường, bảo đảm giao thông cho các đơn vị vận tải Binh trạm 14. Đến tháng 9 năm 1966 theo lệnh của Bộ Giao thông vận tải và Đoàn 559, Công trường tổ chức lại hai đội thanh niên xung phong là Đội 23 và Đội 25 gồm những thanh niên xung phong khỏe mạnh bàn giao cùng tuyến đường 20 sang Binh trạm 14 quản lý.

Văn phòng Công trường chỉ còn nhiệm vụ tổng kết, quyết toán và giải quyết việc thực hiện chính sách cho thanh niên xung phong, công nhân còn lại được bàn giao về hậu phương.

Ngày 23 tháng 4 năm 1967, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra quyết định thành lập Ban Xây dựng 67 bên cạnh Tổng cục Tiền phương do đồng chí Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh kiêm Chính ủy. Với nhiệm vụ tiếp nhận toàn bộ các lực lượng công nhân, thanh niên xung phong trên các tuyến 12A, 15A, 16, toàn bộ Văn phòng Công trường 20 trở thành bộ máy của Ban Xây dựng 67.

Đồng chí Hoàng Đạc làm Trưởng ban Xây dựng 67, các đồng chí: Hoàng Ngọc Phiên, Phan Tương, Đặng Thanh Cao, Lam Chí, Lê Như Cảnh làm Phó ban, đồng chí Trần Cát làm Bí thư Đảng ủy.

Còn tôi được Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên giao làm Tham mưu trưởng cầu đường Tổng cục Tiền phương. Cơ quan Ban 67 trở thành Ban Tham mưu cầu đường và từ đó chịu sự lãnh đạo song trùng của Bộ Giao thông và Tổng cục Tiền phương rồi Bộ Tư lệnh 500, tiếp tục phối hợp với các binh trạm 12, 14, 16 trong cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt gian khổ, chống lại mọi âm mưu thủ đoạn ác hiểm của địch, giữ vững mạch máu giao thông trên các tuyến đường Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn, phục vụ công cuộc giải phóng miền Nam cho đến ngày đại thắng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 11:17:27 pm »


Mấy lời kết thúc

Suốt thời gian vào Trường Sơn làm công tác mở đường bảo đảm giao thông trên một địa bàn ác liệt, tôi vinh dự được cùng anh em đóng góp một phần nhỏ công sức, trí tuệ trên mặt trận cầu đường tiền phương, bảo đảm cho bộ đội vận tải chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam giành thắng lợi.

Suốt chặng đường 8 năm chiến đấu trên các tuyến đầu Đông Trường Sơn, chiến dịch mở đường 20 Quyết thắng luôn luôn là kỷ niệm sâu sắc của đời tôi.

Đường 20 Quyết thắng là một công trình chiến lược đầy kỳ tích, không những trong chiến dịch mở đường mà còn trong suốt quá trình bảo đảm giao thông cho bộ đội vận tải hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho miền Nam giành thắng lợi cuối cùng.

Về mặt khoa học kỹ thuật, nó mở ra tiền lệ mở đường đá và bảo đảm giao thông trên các tuyến đường khác của ta.

Xin cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã chi viện mọi mặt, cả về vật chất và tinh thần, luôn động viên cổ vũ cán bộ, chiến sĩ quên mình lao động, chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ.

Cảm ơn nhân dân bạn Lào và nhân dân Quảng Bình đã giúp đỡ chúng tôi trong vấn đề ăn ở tiếp tế, hướng dẫn tìm tuyến.

Vinh quang thuộc về cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong, công nhân và bộ đội vận tải anh hùng trên đường 20 Quyết thắng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 11:16:54 pm »


BỘ ĐỘI CAO XẠ - PHÒNG KHÔNG TRÊN TRƯỜNG SƠN
Đại tá PHAN VĂN NHẬT
Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn pháo cao xạ Đoàn 559

XÂY DỰNG QUYẾT TÂM ĐÁNH THẮNG TRẬN ĐẦU

Đầu mùa khô năm 1966 để thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục chi viện lực lượng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho miền Nam đánh thắng chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ và giúp cách mạng Lào; đồng thời để khắc phục việc ách tắc giao thông do địch đánh phá rất ác liệt phía tây nam Quảng Bình, hạn chế tổn thất, Chính phủ mở thêm hai tuyến đường mới do hai Bộ Quốc phòng - Giao thông chỉ đạo và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 tổ chức triển khai, mở rộng đoạn Cổ Chai tây nam Khu 4. Vào thời điểm trên, lực lượng phòng không tầm cao của Bộ, Quân khu chưa vào triển khai mà hai tuyến đường 20A và 128 (đoạn từ phà Xuân Sơn và đèo Mụ Giạ đi ngã ba Lùm Bùm) mở sắp xong, địch tập trung trinh sát phát hiện được tuyến mới nên đánh phá ác liệt. Đại đội 4 súng máy cao xạ là đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh được vinh dự giao nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ trọng điểm cửa ngõ đường 20A - phà Xuân Sơn (Bố Trạch - Quảng Bình). Nhận nhiệm vụ trên giao, chi bộ đã thường xuyên quán triệt ý đồ chiến lược của trên, nhiệm vụ của đơn vị, khẩn trương triển khai nhiệm vụ huấn luyện cả chiến đấu ban ngày và ban đêm mà trọng tâm là huấn luyện chiến đấu ban đêm để bảo vệ lực lượng vận tải ô tô và các đơn vị hành quân vào. Huấn luyện cả kỹ thuật và chiến thuật, huấn luyện trong mọi lúc mọi nơi, kể cả lúc trực chiến. Đồng thời, đại đội cũng triển khai các phương án phối hợp với xã đội, lực lượng công binh, thanh niên xung phong trong chiến đấu, đào công sự, cứu tải thương, bắt giặc lái trên trận địa giả và tổ chức tập duyệt. Bên cạnh đó, công tác hậu cần cũng được triển khai cùng một thời điểm, tổ chức lực lượng đảm bảo thực phẩm về thị trấn Hòn Láo - Lý Hòa liên hệ nguồn thực phẩm biển và triển khai chăn nuôi gà, trồng rau ở khẩu đội, nuôi lợn ở đại đội nên chất lượng bữa ăn luôn được cải thiện. Hoạt động thể thao được duy trì đều và phối hợp với xã thôn chặt chẽ, đạt hiệu quả tốt và thiết thực trong việc xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng và sĩ khí chiến đấu cao.

Tuy vậy, trước đó một ngày từ chỉ huy, trinh sát đến các khẩu đội do thiếu từng trải, do cấu trúc địa hình hiểm trở, máy bay địch đã triệt để lợi dụng yếu tố bí mật, bất ngờ, lợi dụng biển, sông núi, bay thấp với tốc độ cao nên đã bỏ lỡ một cơ hội tiêu diệt địch rất đáng tiếc. Qua việc sơ suất trên, chi bộ, chi đoàn và hội đồng quân nhân của Đại đội 4 đã nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Chiều hôm sau vào lúc 14 giờ ngày 26 tháng 1 năm 1966, một chiếc RF 101 của địch lợi dụng tốc độ cao bay vào bến phà, cửa ngõ của đường 20A đánh phá. Với kinh nghiệm sẵn có và sớm nhận biết được âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, ngay từ loạt đạn đầu cả đơn vị đã bắn rơi tại chỗ chiếc RF 101. Ngay sau khi thấy giặc lái nhảy dù, một tố 3 người do đồng chí Đinh Xuân Ngô chỉ huy và một tổ dân quân nữ do đồng chí Thủy, xã đội phó chỉ huy đã vây bắt gọn. Chúng cho các loại máy bay đến đánh phá dữ dội vòng ngoài để cứu nhưng không kịp đối phó.

Từ chiến thắng trận đầu đã tạo khí thế chiến đấu, thi đua bắn rơi máy bay Mỹ sôi nổi trong đơn vị. Kết quả, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đơn vị đã bắn rơi 156 máy bay các loại, trong đó nhiều chiếc rơi tại chỗ, bảo toàn lực lượng (thương vong do chiến đấu rất thấp = 5% trong 10 năm). Đại đội 4 pháo cao xạ Đoàn 559 đã vinh dự hai lần được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 11:17:33 pm »


THAM GIA GÙI HÀNG CỨU ĐÓI VÀ ĐẢM BẢO GIAO THÔNG

Bước vào năm 1965, không quân Mỹ tiếp tục đánh phá ác liệt các tuyến đường ở tây nam Khu 4 để ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của của nhân dân miền Bắc, hậu phương lớn của cả nước. Trong khi đó, yêu cầu đảm bảo vật chất hậu cần và bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam đặt ra hết sức cấp thiết. Thực hiện chủ trương của trên, đầu năm 1965 Bộ Tư lệnh đã thành lập Công trường 128 và khởi công xây dựng đường 128 tuyến từ đèo Mụ Giạ đến ngã ba Lùm Bùm. Do thời tiết trên đất bạn Lào quá khắc nghiệt, mưa tầm tã kéo dài, thời gian thi công và đời sống sinh hoạt tối thiểu, nhất là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, v.v. đã cạn kiệt. Quân số ốm đau, nhất là bệnh sốt rét phát triển nhanh, nhiều, khẩu phần ăn hàng ngày từ 7 lạng/người/ngày xuống đến 2 - 3 lạng/người. Lực lượng vận tải cơ giới bị địch đánh ngăn chặn từ xa không vào được, v.v. Trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh quyết định cho 4 đại đội súng máy cao xạ tạm niêm cất pháo, đi gùi hàng hậu cần để cấp cứu cho các lực lượng đang thi công ở đường 128. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4 là một trong 4 đại đội vinh dự được nhận nhiệm vụ đó với khối lượng phải gùi là 3,5 tấn gồm các mặt hàng: gạo, muối, đường, sữa, thuốc chữa bệnh, thịt hộp, cá khô, quần áo lao động, quần áo phụ nữ, kim chỉ, bồ kết... Bình quân mỗi đồng chí phải gùi khoảng 45 - 50kg (kể cả vật chất phục vụ cho từng người và đơn vị), hành quân vượt hàng chục suối sâu, đèo cao đi hàng chục ngày đường, tự mở đường rừng mà đi liên tục cả ngày lẫn đêm tối để kịp cứu đói, cứu khó khăn, thiếu thốn cho các lực lượng đang mở tuyến.

Lúc đến nơi, chúng tôi được đến thăm một vài đơn vị thấy đồng chí đồng đội mình quá khó khăn, thiếu thốn và ốm đau, rụng hết tóc, quần áo chỉ còn một vài chiếc vá nhiều mảnh. Thương nhất là chị em phụ nữ, có người chỉ còn một hai chiếc quần, áo đã rách không đủ che thân để đi làm, suốt ngày nằm trong màn hay trong lán che bằng ni lông bốn phía, ai cần giao dịch, trao đổi công việc chỉ được nghe tiếng nói vọng ra mà không nhìn thấy người. Thấy vậy, chúng tôi đã tình nguyện tự giác chia sẻ với anh chị em trên tuyến các tiêu chuẩn về quần áo, thuốc men, riêng gạo anh em Đại đội 4 chỉ còn dùng 4 - 7 lạng/người/ngày.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ gùi thồ, chi viện cho các lực lượng mở đường 128, đơn vị Đại đội 4 được Bộ Tư lệnh điện biểu dương, khen thưởng xếp thứ nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 4 đại đội.

Trước yêu cầu bức bách về khai thông tuyến vận tải bằng cơ giới trên tuyến đường 128 Bộ Tư lệnh điện giao tiếp nhiệm vụ cho Đại đội 4 ở lại chặt cây, rải rông đanh làm mặt đường để chống lầy. Đơn vị chúng tôi thi công liên tục đến gần 1 tháng mới hoàn thành khối lượng và quay về làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ các trọng điểm. Các nhiệm vụ, kế hoạch đảm bảo vận tải hậu cần phục vụ các đơn vị phía trước chiến đấu trong mùa khô 1966 và đánh thắng "chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 11:18:21 pm »


HÀNH QUÂN BỘ MANG VÁC NẶNG ĐI XUYÊN VIỆT

Do tình hình và yêu cầu của cách mạng miền Nam phát triển, thực hiện chủ trương của cấp trên về việc chuẩn bị cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đơn vị chúng tôi đang chiến đấu ở khu vực Cốc Mạc (Binh trạm 31 - Lào) thì có quyết định của Bộ Tư lệnh 559 điều vào chiến đấu trên tuyến đường do Binh trạm 42 quản lý (tây Thừa Thiên - Huế). Đây là một trong những khu vực khó khăn gian khổ và ác liệt nhất trên tuyến Trường Sơn lúc đó.

Theo chỉ lệnh, đơn vị phải khênh vác pháo hành quân bộ và mang theo đủ hai cơ số đạn, ngoài ra còn phải mang theo quân tư trang sinh hoạt thường xuyên, lương thực, thực phẩm, thuốc quân y, tăng bạt, v.v. đảm bảo chiến đấu 1 tháng. Do tình hình khó khăn trên, đơn vị còn chủ động mang theo lợn con, gà và các loại hạt giống rau như: hạt cải, hạt rau muống, lưới đánh bắt cá ở suối, sông, v.v. Tính bình quân mỗi người phải mang vác khoảng 50kg (riêng bệ pháo 43kg - nòng pháo 38kg một người vác; mỗi hòm đạn 13kg mỗi người gánh 4 hòm). Trước khi lên đường hành quân vào Binh trạm 42 nhận nhiệm vụ chiến đấu, chúng tôi được đồng chí Vũ Xuân Chiêm - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy thay mặt Bộ Tư lệnh xuống đơn vị phổ biến giao nhiệm vụ và đoàn văn công xuống phục vụ, cổ vũ, động viên đơn vị.

Sau một ngày khẩn trương chuẩn bị, sáng hôm sau bắt đầu hành quân và liên tục hành quân bộ gần một tháng, qua hàng chục trạm giao liên, tối nghỉ lại trạm. Chúng tôi còn phối hợp với cán bộ, chiến sĩ các trạm giao liên tổ chức giao lưu văn nghệ rất sôi nổi để cổ vũ, động viên và học tập lẫn nhau.

Gần một tháng hành quân liên tục và không một ngày ngơi nghỉ, phải vượt qua trăm suối sâu đèo cao như dốc Bà Định, đèo Nguyễn Chí Thanh, sau một ngày hành quân vẫn chưa vượt qua đèo phải nghỉ lại lưng chừng dốc.

Dọc đường hành quân, nhất là những khi bụng đói, mệt mỏi, tổ văn nghệ vẫn hoạt động như kể chuyện tiếu lâm xưa và nay, ca hò vè. Có đồng chí lúc lên dốc mệt mỏi còn nói tếu. Đúng là "12 ly vác". Quá trình hành quân có hôm quân số ốm do sốt rét lên đến hàng chục người, có đồng chí sốt cao đến trên 40°c. Mặc dù Chính trị viên đại đội góp ý nằm lại trạm xá rồi vào sau nhưng không một ai chịu rớt hay nằm lại. Tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Ngọc Đăn, đồng chí Ngang, đồng chí Xồm nuôi quân. Thời gian hành quân xa, mang vác nặng, thời tiết khắc nghiệt, thú rừng, vắt xanh, ruồi vàng luôn rình rập; bệnh sốt rét luôn tấn công; bom đạn địch, kể cả B52 luôn bắn phá khốc liệt, v.v. Song quá trình hành quân và lúc đến đích vẫn thường xuyên đảm bảo quân số 100% để triển khai nhiệm vụ chiến đấu tiêu diệt địch, bảo vệ hành lang và các trọng điểm để vận chuyển hàng và người vào chiến trường đánh to, thắng lớn trên các hướng và các chiến dịch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 11:18:56 pm »


BẮN RƠI TẠI CHỖ CHIẾC MÁY BAY AC 130 ĐẦU TIÊN TẠI CỐC MẠC

Sau tổng kết hoạt động vận chuyển mùa khô 1966, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã rút ra một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tổn thất, thương vong về xe ô tô vận tải và người lái là do máy bay AC 130 dùng đạn 20 ly bay thấp, lùng sục bắn phá xe ta chạy đêm dai dẳng liên tục từ tối đến sáng, gây nhiều khó khăn trở ngại cho các đơn vị vận tải của ta. Một số đồng chí lái xe tỏ ra lo ngại và thiếu tin tưởng vào khả năng đánh trả, khống chế của lực lượng phòng không.

Đầu năm 1967, một số đơn vị, cá nhân của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, trong đó có Đại đội 4 được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.

Nhân dịp trên, Bộ Tư lệnh họp hội nghị quân chính để quán triệt, triển khai nhiệm vụ kế hoạch mùa khô và phát động thi đua; riêng ở các đơn vị phòng không Bộ Tư lệnh phát động bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay AC 130. Tiếp đó, Cục Chính trị, cơ quan tuyên huấn còn gọi điện riêng để gợi ý, động viên Đại đội 4 quyết tâm bắn rơi máy bay AC 130 đầu tiên, xứng đáng với danh hiệu Đơn vị Anh hùng vừa mới được tuyên dương.

Một ngày tháng 2 năm 1967 đồng chí Vũ Xuân Chiêm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn 559, thay mặt Đảng ủy - Bộ Tư lệnh xuống thăm động viên đơn vị, đọc quyết định tuyên dương Đơn vị Anh hùng của Nhà nước và trao phần thưởng cao quý. Cùng đi với Chính ủy có đồng chí Trọng - Bí thư Đảng ủy Nhà hát giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam và đội xung kích của Nhà hát đi vượt cung về thăm và biểu diễn phục vụ đơn vị với các nghệ sĩ như Quý Dương, Bích Liên, Kim Chung, Hoàng My...

Sau khi đơn vị được Đảng, Nhà nước, Bộ Tư lệnh và đội xung kích của Nhà hát về thăm, cổ vũ, động viên, các cơ quan, đơn vị điện tới tấp chúc mừng... cán bộ, chiến sĩ như được tiếp thêm sức mạnh mới, quyết tâm mới, liên tục cả ngày lẫn đêm vừa nghiên cứu quy luật, thủ đoạn hoạt động, bắn phá của loại máy bay AC 130; vừa huấn luyện kỹ chiến thuật, vừa nghiên cứu thực địa; vừa xây dựng các phương án chiến đấu và hợp đồng tác chiến với các đơn vị trên các trọng điểm thuộc tuyến do Đại đội 4 phụ trách.

Khoảng trung tuần tháng 2 năm 1967 vào khoảng 7 giờ tối (19 giờ), một chiếc máy bay AC 130 bay từ phía tây sang đông, dọc đường tuyến với độ cao khoảng 700 - 1.000 mét; đi hộ tổng còn có một tốp máy bay phản lực đang đánh phá, oanh tạc vào đội hình xe chở hàng đi vào của ta. Không chần chừ do dự, tôi động viên cán bộ, chiến sĩ hãy thật bình tĩnh, thời cơ, vận hội lập công lớn đã đến, hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn. Tiếp đến đồng chí Nguyễn Phú Thọ, đại đội trưởng hô khẩu lệnh đanh, rắn chắc "Mục tiêu máy bay AC 130, hướng... tốc độ... cự ly... điểm xạ... Bắn!". Ngay loạt điểm xạ đầu, chiếc máy bay AC 130 đã trúng đạn và bốc cháy như toa tàu hỏa bị cháy, sáng cả một vùng rộng lớn, máy bay rơi theo quán tính cách đơn vị khoảng 7 - 10 kilômét. Cả tổ lái và lính chiến đấu trong máy bay bị thiêu hủy. Nhiều đơn vị và nhân dân địa phương điện hoặc đến chúc mừng, tặng quà cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị tại trận địa, có đơn vị như Tiểu đoàn 51 đang chở hàng vào, lúc qua trận địa anh em lái xe dừng lại mang gạo, lương khô, đường, sữa, thuốc lào vào tận trận địa tặng chiến sĩ Đại đội 4.

Sau trận thắng trên, máy bay AC 130 của địch im bặt ba đêm tiếp theo không thấy hoạt động. Sau 4 - 5 đêm, loại máy bay trên có quay lại hoạt động song với cự ly xa, độ cao lớn, mật độ bắn phá suy giảm hẳn. Các đơn vị vận tải như được ung dung, tự tin phấn đấu vượt nhiều cung tuyến. Hai đơn vị vận tải và Đại đội 4 đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch vận tải phục vụ chiến trường mùa khô 1967 và tập kết hàng, lực lượng chuẩn bị cho Mậu Thân 1968.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2016, 10:49:59 pm »


TRƯỜNG SƠN VỚI TẾT MẬU THÂN, NHỮNG NGÀY VƯỢT LŨ,
THẾ CỜ ĐẢO NGƯỢC
1
Trung tướng ĐỒNG SỸ NGUYÊN
Nguyên tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn

VI

Tới mùa hè 1967, sau hai cuộc phản công chiến lược bị thất bại nặng, chiến lược "chiến tranh cục bộ” của Mỹ đã không diễn ra suôn sẻ theo tính toán ban đầu trước "canh bạc Việt Nam" của giới cầm quyền Mỹ. Các bước leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân, hải quân của Mỹ cũng chung kết cục như vậy. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã đặt Mỹ trước tình thế bế tắc, chịu sự tác động mạnh mẽ về chính trị, xã hội; chịu những phí tổn nặng nề về tiền của và sinh mạng người Mỹ. Dư luận tiến bộ Mỹ lên tiếng phản đối chiến tranh xâm lược. Nội bộ chính phủ Mỹ bị phân hóa. Một số giới chức của Nhà Trắng đòi tìm giải pháp nhằm sớm đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc chiến này.

Trên bình diện quốc tế, sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta ngày càng được dư luận thế giới và chính phủ nhiều nước đồng tình ủng hộ, giúp đỡ.

Về phía ta, qua hai năm đương đầu với "chiến tranh cục bộ", quân và dân ta ở miền Nam vẫn giữ vững và phát huy mạnh mẽ chiến lược tiến công, làm phá sản một bước quan trọng kế hoạch chiến lược của địch, giữ vững quyền chủ động ở rừng núi, lực lượng ba thứ quân phát triển mạnh...

Từ thực tế đó, ngay từ đầu năm 1967, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã sớm thấy một tình thế mới xuất hiện, cho phép chúng ta có thể và phải tìm phương cách khai thác triệt để, nhằm xoay chuyển và tạo bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh. Từ nhận định đó, một kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967-1968 lập tức được khởi thảo và tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bắt nhịp từng "hơi thở" của chiến trường và cục diện chiến tranh.

Tháng 1 năm 1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 thông qua nghị quyết Bộ Chính trị, chỉ rõ: Cuộc kháng chiến của ta lúc này cần phải và có thể tạo một chuyển biến lớn giữa lúc đế quốc Mỹ đang ở thế ngập ngừng về chiến lược, giới cầm quyền Mỹ đang dao động. Để chuyển cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định, phải tạo được một bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh. Muốn vậy, không thể tiến từng bước tuần tự như những năm trước đây; không đánh theo kiểu cũ như đông xuân trước. Phải tạo một bước nhảy vọt bằng chọn hướng chiến lược hiểm và dùng cách đánh mới, giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Đó là một cách đánh chưa từng diễn ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cũng hiếm có trong lịch sử chiến tranh cách mạng, khiến cho Mỹ - ngụy không hề nghĩ tới và cũng không thể nghĩ tới.
____________________________________
1. Trích Hồi ký: Đường xuyên Trường Sơn, (Duy Tường và Kỳ Vân thể hiện), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2016, 10:50:24 pm »


Cùng với cả nước, bộ đội Trường Sơn tích cực chuẩn bị phục vụ cho chủ trương chiến lược mới. Nắm bắt ý định chiến lược của Trung ương, đồng thời với việc Bộ Quốc phòng tăng cường chỉ đạo, bổ sung lực lượng, trang bị cho Đoàn 559, anh em chúng tôi đều thống nhất nhận định: Mùa khô 1967-1968 sẽ có chuyển biến lớn, bất ngờ trên chiến trường. Với nhận định đó, kể từ sau khi kết thúc cuộc diễn tập “chiến dịch vận tải” tháng 8 năm 1967, chúng tôi tiếp tục xốc lại đội hình, chuẩn bị chu đáo, khẩn trương cho chiến dịch vượt khẩu - nhập tuyến.

Bước vào mùa khô 1967-1968, toàn tuyến bố trí thành 10 binh trạm, gồm 8 binh trạm trục dọc (1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 53) và 2 binh trạm trục ngang (7, 21). Ngay sau đó, theo ý của Bộ Tổng Tham mưu, phiên hiệu các binh trạm trục dọc có thêm số 3 đứng trước, thành 8 binh trạm: 31, 32, 33, 34, 35, 36 và Binh trạm 8 thành Binh trạm 37, Binh trạm 53. Đối với hệ thống trục ngang Binh trạm 7 thành Binh trạm 42, Binh trạm 21 thành Binh trạm 44.

Cùng thời gian này cơ quan tham mưu Bộ Tư lệnh được tăng cường một số cán bộ có năng lực. Đồng chí Nguyễn Lang được điều về làm Tham mưu trưởng tác chiến. Đồng chí Nguyễn An làm Tham mưu trưởng vận tải. Đồng chí Phạm Diêu làm Tham mưu trưởng công binh...

Tháng 10 năm 1967, chúng tôi tiến hành hội nghị quân chính lần cuối trước khi bước vào mùa khô 1967-1968 sớm hơn dự định. Nội dung chủ yếu của hội nghị là quán triệt tình hình nhiệm vụ, các chỉ tiêu chính của kế hoạch, xây dựng quyết tâm, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào mọi hoạt động của tuyến, nắm vững tư tưởng tiến công, đưa vận chuyển cơ giới vào đội hình chiến thuật trong thế trận hiệp đồng binh chủng. Điều cuối cùng mà chúng tôi yêu cầu các binh trạm, các đơn vị cần lưu tâm là: Phải chuẩn bị quyết tâm theo hướng khối lượng tăng hơn, thời gian khẩn trương hơn, đối phó với địch đánh mạnh hơn, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu đột xuất của chiến trường.

Ngày 12 tháng 10, anh Chiêm theo đường 12 và tôi cùng một số cán bộ chủ trì cơ quan theo đường 20 tiến hành một đợt tổng kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị của các binh trạm bắc đường số 9, đôn đốc triển khai công tác tổ chức chỉ huy các lực lượng nhập tuyến, kết hợp kiểm tra việc xây dựng sở chỉ huy mới của Bộ Tư lệnh.

Sở chỉ huy mới được xây dựng gần ngã ba đường 9 và tập đoàn trọng điểm Văng Mu - Tha Mé - Na Bo, kẹp giữa đường 128 và đường 129. Chon đặt sở chỉ huy ở đây vừa bí mật, bất ngờ, vừa là trung tâm của nhiều tuyến đường quan trọng. Sau một mùa mưa lao động khẩn trương, cật lực, anh em công binh đã hoàn thành một công trình quân sự bề thế, với yêu cầu kỹ thuật cao là một địa đạo dài gần 200 mét xuyên sâu vào lòng núi. Chỗ dày nhất phía trên tính từ đỉnh núi là 170 mét. Trong gần 200 mét tuy-nen khổng lồ này được cấu trúc đầy đủ "phòng” trực chỉ huy, "phòng" giao ban Bộ Tư lệnh, "phòng" trực ban của các cơ quan tham mưu binh chủng, cơ quan chính trị, hậu cần. Hệ thống điện thoại được lắp đặt khá đồng bộ, trực tiếp với từng binh trạm và đơn vị trực thuộc. Máy phát điện bảo đảm ánh sáng liên tục suốt ngày đêm. Thật khó có thể tưởng tượng được trong điều kiện muôn vàn khó khăn, thiếu thốn giữa đại ngàn Trường Sơn, ngay kề tuyến giao thông huyết mạch đường số 9 mà đối phương đang kiểm soát, kề cận những trọng điểm địch đánh phá vô cùng quyết liệt, công binh Trường Sơn đã xây dựng được một trung tâm chỉ huy bề thế, chính quy đến như vậy. Tôi tin chắc, được làm việc trong "cơ ngơi" này, mỗi người sẽ tự tin hơn và cũng tự mình phải thay đổi tác phong công tác, nghiêm túc, khẩn trương hơn.

Sau khi nắm tình hình lần cuối, chúng tôi chọn đường 20 làm hướng vượt khẩu chủ yếu, vì đường khá tốt và vào tới đường 9 gần hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2016, 10:51:45 pm »


Trung tuần tháng 10, các khâu chuẩn bị hoàn tất. Mưa trên Trường Sơn giảm. Đường se khô. Mực nước các sông, suối xuống dần. Các lực lượng đã tiếp cận khu vực cửa khẩu sẵn sàng chờ lệnh.

Để sớm chủ động trong chỉ huy điều hành, Bộ Tư lệnh vào tuyến sớm hơn các đơn vị. Do Chủ nhiệm thông tin và cơ quan thông tin vào trước chúng tôi một tuần, nên khi Bộ Tư lệnh và sở chỉ huy mới, hệ thống thông tin đã được lắp đặt, triển khai đồng bộ. Với mạng thông tin này, chúng tôi có thể làm việc cùng một lúc với nhiều binh trạm từ Bạc trở ra. Đây thật sự là một thuận lợi lớn cho công tác chỉ huy trước một mùa ra quân mới.

Cuối tháng 10, khi chúng tôi phát lệnh mở màn chiến dịch "vượt khẩu", cũng là thời điểm không quân địch tăng cường đánh phá ngăn chặn các cửa ngõ vào tuyến. Máy bay các loại thi nhau trút bom vào các trọng điểm Pha Nốp, Xiêng Phan (đường 12); cua chữ A, ngầm Ta Lê (đường 20), Lùm Bùm, Văng Mu, Tha Mé (đường 128)... Máy bay B52 còn ném bom rải thảm khu vực tổng kho 050, gây cho ta một số tổn thất.

Do chủ động có phương án đối phó với các thủ đoạn đánh phá của địch, đặc biệt lợi dụng yếu tố bất ngờ, mật tập, chiến dịch "vượt khẩu" diễn ra cấp tập, dứt điểm, không dây dưa như những năm trước. Chỉ sau 8 ngày, toàn bộ lực lượng xe - máy trang bị đã vào vị trí tập kết an toàn. Đặc biệt, có 12 tiểu đoàn xe chở hàng chạy thẳng vào giao cho các binh trạm phía nam; trong đó có 8 tiểu đoàn xe chở vũ khí, đạn pháo vào giao cho B2 tại khu vực ngã ba biên giới.

Thắng lợi trận đầu của mùa khô 1967-1968 là kết quả cố gắng nỗ lực của hết thảy các lực lượng, binh chủng trên toàn tuyến; trước tiên là bộ đội công binh, vận tải và phòng không. Các lực lượng phòng không, điển hình là Tiểu đoàn 14 - Binh trạm 31, Tiểu đoàn 18 - Binh trạm 32 là những đơn vị cao xạ triển khai đánh địch sớm nhất, chiến đấu dũng cảm, hất máy bay địch lên cao, hạn chế tới mức thấp nhất xác suất bom đạn trúng đường, trúng xe, bảo vệ tốt đường, cầu và đội hình xe ở hai cửa ngõ trọng yếu này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2016, 10:52:08 pm »


Sau khi toàn bộ lực lựợng "vượt khẩu" trót lọt, Bộ Tư lệnh điện cho các binh trạm và đơn vị dành 5 ngày ổn định mọi mặt. Tiếp đó, chúng tôi quyết định ba binh trạm phía bắc đường 9 mở đợt "đột kích" 10 ngày nhằm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu vận chuyển tháng 11, đồng thời rèn luyện một bước về tổ chức chỉ huy hiệp đồng binh chủng trong vận chuyển tập trung quy mô tiểu đoàn. Tham gia đợt đột kích này có 8 tiểu đoàn công binh, 5 tiểu đoàn cao xạ, 7 tiểu đoàn ô tô gồm 752 xe. Binh trạm 32 đảm nhiệm cung xung yếu nhất, là "yết hầu" hút hàng từ hai cửa khẩu đường 12 và đường 20 vào rồi đẩy tiếp vào nam đường 9. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá Binh trạm 32 là đơn vị có mạng đường khá hoàn chỉnh, có khả năng tổ chức vận chuyển đội hình tập trung quy mô lớn, chúng tôi quyết định chọn binh trạm này xây dựng điển hình về chỉ huy vận tải tập trung quy mô tiểu đoàn trong thế trận hiệp đồng binh chủng. Thực tế, đợt vận chuyển "đột kích rà trơn" này, Binh trạm 32 đã thể hiện được thế mạnh vốn có; một ngày đêm chuyển gần 350 tấn hàng vào khu vực đường số 9.

Nhân đà thắng lợi trận đầu và thời tiết khá thuận lợi, chúng tôi chủ trương đồng loạt ra quân toàn tuyến. Các lực lượng binh chủng: phòng không, công binh, vận tải phối hợp nhịp nhàng. Đặc biệt, sự phát triển có tính đột biến của mạng thông tin liên lạc, kết hợp hỗ trợ giữa vô tuyến điện và hữu tuyến điện, triển khai thông suốt giữa sở chỉ huy Bộ Tư lệnh tới các binh trạm, đơn vị binh chủng; nối từ trục chính tới trục phụ và các trạm chỉ huy giao thông trên đường... đã tạo thuận lợi lớn cho công tác tổ chức chỉ huy chiến đấu.

Kết thúc tháng đầu ra quân, Tuyến 559 đã thực hiện được cơ bản chỉ tiêu trên giao: vận chuyển đi các hướng 7.500 tấn, gấp rút triển khai kho tàng và rải được gần 15.000 tấn hàng ở các cụm kho bắc đường số 9 để chuẩn bị cho chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.

Kết quả vận chuyển tháng 11 năm 1967 đánh dấu một bước phát triển mới trong chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức tác chiến của tuyến vận tải quân sự Trường Sơn. Trận đầu ra quân mùa khô này, Binh trạm 32 là lá cờ đầu, đạt kỷ lục vận tải 10.000 tấn hàng vượt đường 9 trong một tháng. Bộ Tư lệnh quyết định tặng Binh trạm 32 danh hiệu "Binh trạm vạn tấn". Tiểu đoàn 102 ô tô vận tải thiện chiến, chạy trên cung đường "lửa" từ Lùm Bùm vào Tha Mé, đơn vị có Anh hùng liệt sĩ Lê Quang Biện, được tặng danh hiệu "Tuấn mã Trường Sơn". Một tiểu đoàn vận tải thiện chiến khác - Tiểu đoàn 52, đơn vị có Anh hùng Kim Ngọc Quản được phong danh hiệu "Đại bàng Trường Sơn”.

Hôm gọi điện thoại cho Binh trạm trưởng 32 Hoàng Anh Vũ và Chính ủy binh trạm Phan Hữu Đại, thông báo quyết định của Bộ Tư lệnh, tôi lưu ý các anh rằng: Chiến công của Binh trạm 32 là rất lớn, rất xứng đáng với danh hiệu mà Bộ Tư lệnh và cũng chính là đồng đội khen tặng. Nhưng đối với những người chỉ huy giỏi, vấn đề chủ yếu không chỉ là say sưa với "tấn, tạ", mà phải có tầm nhìn xa hơn, phải thấy được nguyên nhân thắng lợi để phát huy tốt, giành thắng lợi lớn hơn. Từ kinh nghiệm của mình góp phần nhân rộng ra toàn tuyến, trước hết là yếu tố con người.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM