Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 03:24:42 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 1  (Đọc 38836 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:46:49 am »


Đến 13 giờ chúng tôi lên xe đi, xe chạy qua thị xã, anh Bẩm kể tiếp câu chuyện:

"Sau khi gặp anh Vịnh về, suốt 3 đêm liền tôi trăn trở khó ngủ. Vì tôi hình dung công việc vừa có tầm quan trọng, lại khó khăn phức tạp, mà trong tay tôi chưa có gì cả. Mình là ngươi đầu trò, song tình hình chưa nắm được gì, kinh nghiệm chẳng bao nhiêu. Trong kháng chiến chống Pháp, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 giao cho tôi đi đường biển ra Trung ương xin vũ khí, song công việc cũng không thành. Trong những ngày ấy tôi tranh thủ gặp anh Nam Thắng, Cục trưởng Cục Nông trường, là bạn tù ở Buôn Ma Thuột, tôi nói thật nhiệm vụ mới được giao, để anh ấy thông cảm. Và từ đây tôi xin chấm dứt công việc ở Nông trường, để tập trung lo việc mới.

Sáng ngày 12 tháng 5 năm 1959, tôi lên xe vào Vĩnh Linh, tôi và Tung tài xế thay nhau lái xe, 22 giờ thì đến nơi.

Tôi vào nhà khách của Đảng ủy Vĩnh Linh thì gặp anh Lương, anh Quyết, anh Hành và anh Thản đều có mặt ở đó. Một cuộc hội ngộ thú vị, vừa là bạn đồng hương, vừa là bạn tù trong nhà lao của đế quốc, nên chúng tôi tay bắt mặt mừng, rộn lên niềm vui. Anh Thản lớn tuổi nhất, cười khà khà nói: "Chúng ta đều là những tay "hảo hớn", đều có tên trong sổ đen của các ty liêm phóng của thực dân Pháp, đều có "nợ máu" với giặc. Nay lại được giao việc gần giống nhau. Nếu chúng ta không làm được thì nên căng ra mà đánh thôi". "Lão già" nói thế, rồi đập đập vào lưng tôi nói:

- Thằng cha này trong nhà tù nó mạnh như voi, không ai vật tay lại lão đâu, bây giờ sẽ vật nhau với Mỹ - ngụy, tính sao đây mày. Bọn tao nghe anh Lương nói mày được giao trọng trách rồi. Phải ráng sức mà làm. Mày gánh bớt, chứ bọn này vất vả lắm rồi - thôi cởi áo ngoài ra, rửa ráy cho mát, rồi đi ăn cơm. Bọn mình chờ cậu vào, đã ăn đâu - Thật là một ông già bộc trực, chân thành hết chỗ nói - Tôi đã thầm nghĩ.

Bữa cơm hôm ấy, có nhiều món được chế biến từ hải sản Vĩnh Linh, nấu ngon, đang đói, với tình đồng chí đầm ấm, có chút rượu nồng nên chúng tôi vừa ăn, vừa tán chuyện kéo dài đến quá khuya. Anh Thản phải giục chúng tôi đi ngủ để ngày mai cùng nhau bàn công việc.

Bảy giờ sáng hôm sau, chúng tôi cùng nhau trao đổi công việc. Mở đầu anh Lương vỗ vai tôi cười khì khi, tính anh ấy là như thế, gặp nhau lúc nào cũng thân ái, chan hòa, anh ấy hỏi tôi - Cờ đã đến tay, ông định phất thế nào? Anh em ở đây nghe ông được giao nhiệm vụ, ai cũng hoan nghênh cả đấy.

- Tôi đã tính gì được đâu anh, bởi chưa nắm được tình hình. Trong tay chưa có lực lượng, phương tiện. Tôi xin phép đi vào đây, để được gặp các anh, giúp cho tôi nắm tình hình khu vực giới tuyến và đường dây Thống nhất phía trong. Mong các anh truyền cho một số kinh nghiệm. Còn là một tân binh, làm sao tôi phát ra dự kiến gì.

- Khỏi lo, bọn mình đã chuẩn bị cả rồi, ông cần gì bọn mình dốc túi hết, trao cho ông, làm không được sẽ tính sổ với nhau. Thôi, anh Hành là người có kinh nghiệm về công tác hành lang và nắm tình hình địch ta chắc nhất nói trước với lão đi - Anh Thản đáp lại tôi.

Anh Hành bắt đầu nói về tình hình địch ở phía nam, tổ chức hành lang của ta, cơ sở và phong trào nhân dân trên các trục đường. Sự hoạt động đánh phá của địch và sự đối phó của ta để bảo vệ đường dây, anh ấy nói khá tỉ mỉ, giúp tôi hiểu tường tận mọi việc.

Tiếp theo anh Quyết - người phụ trách hành lang của Khu ủy Khu 5, nói về các trục đường thuộc Quân khu, đề ra những yêu cầu của địa phương đối với Trung ương.

Rồi anh Thản bổ sung tỉ mỉ về đường giao liên của Quảng Trị, anh ấy nói hết những việc làm thành công và những thất bại, tổn thất, phân tích rõ những thiếu sót, khuyết điểm trong việc chỉ đạo, xây dựng, bảo vệ hành lang.

Nghe các anh nói, tôi tiếp thu một cách chăm chú, đúng là những đồng chí cán bộ đầy tâm huyết, chỉ một lòng một dạ lo cho dân, cho Đảng. Nhờ đó làm cho tôi càng sáng tỏ nhiều điều, thấy rõ khả năng có thể làm. Nhưng tôi cũng nghĩ thầm, trong tình hình mới, ta không nên lặp lại cách làm cũ. Kết quả nhỏ giọt không thể đáp ứng được yêu cầu của phong trào cách mạng. Tuy vậy, chính tôi cũng chưa tính được phải làm cách nào để đạt hiệu quả cao hơn. Dù sao những kinh nghiệm cụ thể của các anh cũng giúp cho mình thấy được hướng đi và cách làm. Tôi tự bảo mình: học người là điều quý, nhưng cái chính là mình phải lăn vào cuộc, từ thực tiễn sẽ giúp mình khôn hơn, dám lao vào lửa, tự khắc sẽ tìm ra đường sống.

Sau khi tiếp xúc với các anh ấy, suốt đêm tối không tài nào nhắm mắt được. Đầu óc luôn tính toán các phương án để triển khai nhiệm vụ, sự tính toán của người chỉ huy trong tay chưa có gì hết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:49:41 am »


Bốn giờ sáng hôm sau tôi đã dậy, đánh thức anh em cùng đi chuẩn bị hành lý để trở về. Ông già Thản tinh ý lắm, cảm ứng được nỗi lo của đồng chí, đã giao cho nhà bếp chuẩn bị một bữa sáng khá tươm tất. Năm giờ rưỡi mâm cơm đã dọn sẵn, qác anh cũng đã thức dậy từ lâu, rửa mặt, cùng ăn sáng. Thức ăn đã ngon, câu chuyện tâm tình khi tạm biệt bộc lộ sự gởi gắm vào tôi một niềm tin, khiến cho tôi bồn chồn, rạo rực. Khi chúng tôi chia tay giữa ánh mắt và nụ cười là sức mạnh tình cảm chân thành của các đồng chí, tăng thêm nghị lực cho tôi để lao vào nhiệm vụ.

Suốt ngày hôm ấy, tôi và Tung thay nhau lái, có cơm nắm sẵn trong xe, đến bữa thì dừng xe lại dưới bóng cây bên đường, ăn rồi tiếp tục đi, đến 20 giờ chúng tôi về đến Hà Nội.

Ngày hôm sau, chủ nhật, tôi đóng cửa lại, tập trung suy nghĩ vạch các phương án để triển khai hành lang. Tôi tính đi tính lại, lập ba phương án, chọn phương án tối ưu. Phá đi lập lại, đến 16 giờ mới xong, đầu óc thư thái, tôi đạp xe vào cơ quan tâm sự với anh Nam Thắng và gọi điện thoại báo cáo với anh Vịnh - "Tôi đã về, xin anh thu xếp cho để sáng thứ hai trực tiếp báo cáo với anh về phương án triển khai nhiệm vụ".

Đúng 21 giờ tối hôm ấy, tôi tự lái xe đến nhà riêng anh Vịnh, thấy trước nhà đèn sáng, anh đứng ngoài hiên, tôi bước vào, anh ấy ôm tôi:

- Qua 50 tiếng đồng hồ của cuộc hành trình, gặp lại nhau, tình cảm càng đậm đà phải không anh. Sáng nay anh Lương đã gặp tôi trong điện thoại rồi - Anh dắt tôi vào nhà khách - Mời anh ngồi, uống nước, hút thuốc rồi chúng ta sẽ bàn việc.

Qua mấy câu hỏi han việc đi đường, anh đưa tôi vào phòng làm việc, đóng cửa cẩn thận, không cho người nhà đến gần.

- Tình hình nắm được thế nào, phương án chuẩn bị ra sao, xin anh cứ phát đi.

Anh Vịnh mở đầu vui vẻ như thế khiến cho tôi càng hồ hởi. Tôi báo cáo kỹ tình hình địch ở phía nam giới tuyến, tình hình đường dây Thống nhất của Trị Thiên, Khu 5 và Tây Nguyên, kể cả yêu cầu của các chiến trường. Trên cơ sở đó tôi trình bày ba phương án triển khai xây dựng hành lang... Anh Vịnh điềm tĩnh ngồi nghe, ghi những điểm cần thiết, thỉnh thoảng anh hỏi thêm một số chi tiết. Tấm bản đồ trải rộng trên chiếc bàn lớn, anh dán mắt nhìn vào bản đồ để tiếp nhận ý kiến báo cáo của tôi một cách chăm chú. Sau khi nghe tôi trình bày xong, anh thư thả nói:

- Qua báo cáo của anh, tôi thấy vấn đề nổi lên là khâu tổ chức chỉ huy vượt giới tuyến, vượt sông Cam Lộ và đường 9, nơi địch đang ra sức tạo lập hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra. Nếu đi qua 1-2 lần rồi ngừng thì dễ, nhưng thành tuyến hành lang lưu thông thường xuyên là một vấn đề hết sức khó khăn phức tạp. Bộ Chính trị và Bác Hồ luôn suy nghĩ điều đó, bởi pháp lý Hiệp định Giơ-ne-vơ ràng buộc ta dữ lắm. Nó là chỗ dựa cho kẻ thù ngăn phá và tố cáo ta trước dư luận quốc tế.

Khi đã khai thông được giới tuyến thì việc hoạt động, ăn ở, bảo vệ thế nào, để đảm bảo mạch máu được thông suốt thường xuyên, tránh được những trục trặc là điều ta phải bàn rất kỹ. Vì địch không bao giờ để cho chúng ta yên đâu. Tôi nêu ra điều đó để anh suy nghĩ chọn cách làm tốt nhất của ta. Còn văn bản về các phương án anh đưa hết cho tôi, tôi nghiên cứu thêm, sẽ trình bày với Thường trực Quân ủy phê chuẩn. Là vấn đề lớn, dù khẩn trương đến mức nào cũng phải mất 2 - 3 ngày mới thông qua được.

Ngoài ra tôi thấy việc cấp thiết là anh phải có lực lượng, phương tiện tối thiểu trong tay, mới có thể múa may được. Tôi đã định giao cho anh nhà số 63 đường Lý Nam Đế, rộng khoảng 1.500m2 để làm trụ sở cơ quan đơn vị ban đầu. Trang bị cho đơn vị anh 3 tổ vô tuyến điện 15W, 3 tổ cơ yếu, 4 chiếc máy bộ đàm liên lạc cự ly ngắn, để chỉ huy khâu vượt giới tuyến. Việc trang bị phương tiện công tác, trang bị nội thất, tôi đã bàn với các anh bên Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Hậu cần, anh trực tiếp làm việc cụ thể với các anh ấy.

Ngừng một chút, anh Vịnh nói tiếp:

- Về điều động cán bộ giúp việc cho anh, tôi đã bàn với anh Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và anh Thìn, anh Trần Hoài Ân ở Cục Cán bộ, sẽ điều cho anh 5-7 cán bộ giúp việc. Không cầu toàn cấp bậc, miễn anh em đó còn trẻ, có khả năng làm được việc, anh đào tạo họ sau này trở thành những cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần của đơn vị. Còn điều động lực lượng, lúc đầu ta dùng lực lượng giao liên cỡ khoảng 1 tiểu đoàn. Tôi đã bàn với anh Lê Đức Anh sẽ chọn ở các đơn vị của Quân khu 5 ở Sư đoàn 305. Anh Lê Đức Anh đã bàn với anh Châu - Sư đoàn trưởng và anh Đường - Chính ủy 305 rồi. Họ là quân của địa phương các anh cũ. Chắc anh và họ biết nhau cả. Anh phải lên đó cùng với sư đoàn mà chọn quân, chọn cán cho thích hợp với yêu cầu sử dụng của mình.

Ở đây tôi nhắc lại là mọi trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện nên lấy chiến lợi phẩm thời chống Pháp còn lại, tránh sử dụng các loại nhãn hiệu sản xuất từ miền Bắc và phe xã hội chủ nghĩa. Các anh bên Tổng cục Hậu cần có kinh nghiệm về việc này, anh nên bàn kỹ với các anh ấy. Mọi việc cụ thể, để sơ xuất, kẻ thù lấy được gây nên chuyện phức tạp đấy.

Khi anh đã có quân, có cán, có phương tiện thì vần đề bức thiết là phải hình thành tổ chức, về cơ quan phân công mỗi cơ quan 3-4 đồng chí, có người phụ trách, về tổ chức Đảng, chưa có Đảng ủy, nên thành lập Ban Cán sự Đảng, tổ chức 3 chi bộ trong 3 cơ quan. Về cơ quan hành chính nên rất nhẹ nhàng. Mọi việc ấy chỗ anh Song Hào - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, anh Huỳnh Đắc Hương - Cục trưởng Cục Tổ chức, anh Thìn - Cục trưởng Cục Cán bộ, đã chuẩn bị cho anh cả rồi, anh trực tiếp làm việc với các anh ấy. Ở đây, tôi xin lưu ý với anh: một đơn vị, cơ quan làm nhiệm vụ tuyệt mật hết sức cẩn thận trong việc chọn người giao việc. Lãnh đạo, chỉ huy phải quản lý chặt chẽ ngay từ đầu. Các anh trong Thường trực Quân ủy luôn căn dặn, nhắc nhở chúng ta việc quản lý nội bộ, bảo đảm bí mật quân sự. Tuyệt đối không để lộ liễu tùa lua ra tại Thủ đô, là nguy hại lắm đó...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:50:43 am »


Tôi ngồi nghe anh Vịnh sắp đặt mọi việc mà mừng thầm, cấp trên đã tính trước cho mình mọi việc. Có việc chính mình chưa nghĩ đến. Nhân đó tôi đề nghị Bộ cho tôi một cán bộ, cấp phó.

Anh Vịnh chấp thuận ngay và nói:

- Anh xem ai có khả năng giúp anh được, anh phát hiện, Bộ sẽ điều cho anh.

- Xin anh cho tôi anh Nguyễn Thạnh, một đồng chí lão thành trung thực, chín chắn, tận tụy. Anh ấy đã chuyển ngành công tác ở Nông trường Đồng Giao - Ninh Bình.

- Tôi biết anh ấy đấy, lúc này dùng đồng chí như vậy tin cậy lắm.

Anh Vịnh vừa đáp lại tôi, vừa gọi điện thoại trao đổi ý kiến với anh Song Hào - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Khi đặt máy xuống với vẻ mặt tươi cười, anh nói: Anh Song Hào biết anh Thạnh nhiều, anh ấy nhất trí ngay, sẽ điều gấp về giúp anh. Anh còn vấn đề gì cần đề xuất thêm nữa không?

- Các anh định mọi việc cho tôi như vậy quý quá rồi. Khi bắt tay vào công việc, thấy cần gì sẽ xin. Khi nào Quân ủy thông qua các phương án anh báo cho sớm, để thực hiện.

Tôi đứng dậy, xin phép ra về, để lo công việc.

Anh Vịnh cầm tay tôi, cùng đi ra trước hiên nhà và nói:

- Chúng ta già đời làm cách mạng, chưa thấy lúc nào kẻ thù ép ta vào thế khó như lúc này. Cách mạng thế giới đang phát sinh những vấn đề phức tạp. Kẻ thù lợi dụng phản kích lại ta quyết liệt. Chính Bác Hồ và Bộ Chính trị Đảng ta rất đau đầu về điều đó. Chúng ta phải ráng sức mà chống chèo, góp sức với dân, với Đảng chiến thắng trong cuộc đối đầu lịch sử này.

- Anh yên tâm, tù ngục của đế quốc đã khắc sâu vào gan óc của chúng ta, thề muôn đời muôn kiếp không đội trời chung với chúng.

Tự nhiên hai chúng tôi ôm nhau, bắt tay tạm biệt.

Những ngày sau, tôi tự lái xe đến từng cơ quan bàn riêng với các đồng chí có trách nhiệm. Đi đến đâu các đồng chí cũng giúp đỡ một cách cởi mở, ủng hộ một cách nhiệt tình, giúp cho tôi được nhiều việc thuận lợi.

Đến ngày thứ ba, Cục Cán bộ đã điều về chỗ tôi đồng chí thượng úy Tâm, quê ở Nghệ Tĩnh. Người thứ hai là đồng chí Thường, quê ở Quảng Ngãi làm trợ lý tài vụ. Người thứ ba là thượng úy Chuân quê ở Thừa Thiên làm trợ lý quân nhu. Người thứ tư là đồng chí đại úy Nguyễn Chương, quê ở Đà Nẵng làm trợ lý bảo vệ. Người thứ sáu là trung úy Đoàn, cán bộ kỹ thuật ô tô. Người thứ bảy là đồng chí Linh quê ở Quảng Nam làm trợ lý quân khí và hai trợ lý đóng gói bao bì vũ khí, khí tài.

Được chừng ấy, tuy ít song tôi mừng quá, bởi có thêm tay chân giúp tôi để xoay xở công việc đang phôi thai.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:51:52 am »


Tối hôm ấy anh Vịnh gọi tôi đến nhà riêng của anh để bàn việc. Thấy bóng tôi đến, anh đi nhanh ra, mừng rỡ bắt tay tôi, dắt vào nhà khách. Sau tuần trà thuốc, anh vào đề ngay:

- Đây, phương án của anh đã được Thường trực Quân ủy duyệt rồi. Anh Nguyễn Chí Thanh ghi rất kỹ ý kiến dặn dò của lãnh đạo.

Tôi nhìn vào thấy những dòng chữ bằng bút bi đỏ, sửa chữa, cắt bỏ, bổ sung phương án thứ nhất. Còn hai phương án khác có ghi: ta chuẩn bị khi có điều kiện sẽ tiến lên theo phương án ấy. Còn có ghi lời căn dặn của Thường trực Quân ủy: Hành lang của Trung ương làm từng bước vững chắc, từ nhỏ đến lớn, từ vươn tới một đoạn ngắn đến phát triển càng sâu vào các chiến trường. Lúc đầu vận tải bằng phương thức thô sơ, ráo riết chuẩn bị về đường và phương tiện để tiến lên cơ giới hóa, khi tình thế đến. Hành động với nỗ lực cao, song không được vội vàng, phải giữ bí mật từ hậu phương cho tới phía trước. Những ý đồ ấy, có lẽ là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương Đảng từ nay về sau.

Sau khi trao phương án được duyệt, anh Vịnh nói: bây giờ ta làm đến mức đó, tùy tình hình chúng ta sẽ cố vươn xa hơn. Lúc đường của các anh đã đến Nam Bộ, may ra tôi được Trung ương điều vào Nam chiến đấu thì thích thú lắm.

Tâm tình giũa chúng tôi không muốn dứt, nhưng vì công việc cấp bách, tôi đành đứng dậy bắt tay anh Vịnh xin phép về để chuẩn bị đi Sư đoàn 305 lấy quân.

- Ấn kiếm đã trao cho anh rồi, mặc sức mà tung hoành nhưng phải chú ý giữ gìn sức khoẻ nghe - anh Vịnh dặn dò.

Ngày hôm sau tôi cùng đồng chí Tâm đi lên Sư đoàn 305, được sự giúp đỡ tận tình của anh Châu và anh Đường, sau 3 ngày đã chọn được 440 cán bộ, chiến sĩ. Việc chọn người vào Nam chiến đấu, thực sự là một cuộc chọn mặt gửi vàng. Có anh em vốn người miền Nam, còn trẻ chưa có gia đình lại khéo léo từ chối, có người có gia đình, có đến 3 đứa con lại xung phong tình nguyện. Có khá đông đồng chí trên 30-40 tuổi lại hăng hái xung phong. Nhưng có đồng chí trong kháng chiến chống Pháp chiến đấu dũng cảm được thưởng huân chương, bây giờ lại tỏ ra do dự, v.v. Qua công tác này đã giúp cho chúng ta một bài học là lúc dầu sôi lửa bỏng mới tỏ rõ được chí khí của mỗi người.

Tôi và Tâm phải trực tiếp gặp từng người như đi coi mắt vậy. Người hăng hái nhiệt tình bắt tay, nhìn mặt là đã hiện rõ những điểm son tốt lành. Khi chọn xong, chúng tôi tổ chức thành một tiểu đoàn, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 301 do đại úy Chu Đăng Chữ quê Nghệ An, trong chống Pháp chiến đấu ở Khu 5 làm tiểu đoàn trưởng. Đây là một đồng chí thật thà, cương quyết trong nhiệm vụ, có thể lực mạnh khỏe, lại rất dễ mến. Đồng chí đại úy Nguyễn Danh ở Quảng Ngãi là chính trị viên huyện đội trong chống Pháp, điềm đạm, trầm tĩnh làm chính trị viên. Tôi gặp hai đồng chí động viên: các đồng chí là hai người con của hai tỉnh kết nghĩa, đều mang truyền thống chiến đấu vẻ vang của cha ông, phải gắn bó với nhau, dẫn đầu đơn vị mở đường về Nam đánh giặc Mỹ.

Những ngày tập hợp trên 400 anh em lại, chúng tôi cùng sống với họ, cảm thấy trong họ sự hồ hởi khó tả. Nhiều anh em có gia đình trong khu trú quân, ở các địa phương gần vẫn vui vẻ chấp hành ý định giữ bí mật, không gặp người nhà trước khi đi chiến trường.

Khi hành quân về Hà Nội vào Quảng Bình, lúc xe chạy qua các địa phương, trên đường số 1 nhiều anh em thấy vợ con, cha mẹ, anh em ruột thịt mà kiềm chế tình cảm, không vẫy gọi, theo tôi nghĩ đó là một bước thử thách lớn đầu tiên đối với con người.

Tôi họp anh em lại, bốn ngày chuẩn bị và giải quyết mọi việc là tổ chức hành quân ngay vào Quảng Bình trên 15 xe vận tải bịt kín mui...".

Anh Bẩm kể đến đây là lúc xe vào thành phố Vinh, câu chuyện tạm dừng. Xe vào trạm giao liên ở Vinh do anh Ngọc người Quảng Ngãi phụ trách.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:52:43 am »


Đến đây, tắm giặt và nghỉ ngơi một lúc, anh Bẩm dẫn chúng tôi đi thăm khách trong Nam mới ra.

Chúng tôi đến thăm từng phòng khách. Hôm ấy khách không đông lắm, chưa quá 40 người, phần lớn là người Trị Thiên và các tỉnh Khu 5. Anh Bẩm và tôi đến thăm các ông cụ, anh em thương binh. Hường thăm chị em, các cháu thiếu niên. Họ biết chúng tôi là người miền Nam, tự nhiên trở thành thân ái cởi mở ngay. Anh Bẩm biếu thuốc lá cho các cụ và anh em, Hường biếu kẹo cho chị em và các cháu. Tôi tưởng như được sống với đồng bào ở quê hương. Qua câu chuyện của từng người, không có người nào là không có nợ máu với Mỹ - ngụy. Nhiều người đã bị địch bắt, bị tù đày tra tấn, có một số cụ già và các cháu nhỏ mà trên cơ thể còn mang những vết thương do kẻ thù gây ra. Họ kể tội ác của Mỹ - ngụy trong các cuộc "tố Cộng'’, trong các vụ càn quét, tàn sát. Chúng tôi nghe, tuy lòng hận thù sôi lên nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh. Riêng Hường đôi mắt đỏ hoe, thường theo các chị, các cháu để nghe chuyện, động viên an ủi chị em và các cháu bị thương tật. Nhìn vẻ mặt và phong thái của Hường hiện lên hình ảnh một trí thức yêu nước ít có, khiến cho tôi rất mến phục.

Ngày sau chúng tôi ra đi tiếp. Xe qua thành phố Vinh, tôi xin anh Bẩm tiếp tục câu chuyện. Anh kể tiếp:

"Tôi đi từ Sư đoàn 305 về đã gặp anh Thạnh được điều về giúp tôi. Anh em vừa gặp nhau mừng rỡ thì có công văn đưa đến. Tôi mở ra xem thì đó là quyết định của Thường trực Quân ủy, về việc tổ chức một Đảng bộ làm nhiệm vụ đặc biệt, chỉ định Ban cán sự Đảng lâm thời, do tôi làm bí thư, anh Thạnh và anh Chương - trợ lý bảo vệ làm ủy viên. Tôi đọc lớn cho anh Thạnh cùng nghe. Đọc xong tôi nói nhỏ: Đảng đã trao cờ thì chúng ta ra sức làm nghe "anh già" - Tôi vỗ vai anh Thạnh, hai anh em đều cười.

Ngày hôm ấy tôi bàn công việc ngay với anh Thạnh, để anh ấy ở nhà trực chỉ huy. Sáng hôm sau, tôi, Tâm, Chuẩn lên xe đi vào Đồng Hới ngay để nhờ Sư đoàn 325 và Tỉnh đội Quảng Bình giúp cho lán trại trú quân tạm thời của Tiểu đoàn 301 để học tập tình hình nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm và trang bị mọi nhu cầu, bắt đầu công việc xoi đường, vượt giới tuyến, triển khai hành lang.

Đến 5 giờ sáng tôi đến cơ quan Tỉnh đội 2B. Có anh Sự, chỉ huy trưởng yà anh Quách Sĩ Kha, Chính ủy Sư đoàn 325 ở đó. Tôi trình bày các yêu cầu, xin các anh giúp đỡ. Các anh rất nhiệt tình hứa sẽ huy động đơn vị giúp.

- Việc chuẩn bị lán trại cho 500 quân ở trong vòng hai tuần không khó, việc cấp phát lương thực thực phẩm cho chừng ấy quân chúng tôi sẽ sẵn sàng giúp anh. Nhưng anh phải chốt lại đây một cán bộ, liên hệ chặt chẽ với cơ quan của tỉnh đội, để giúp anh cho đạt được yêu cầu. - Anh Sự nói.

Anh Kha nói thêm: Việc bảo đảm bí mật chúng tôi sẽ bàn với bên công an có kế hoạch giúp các anh và chúng tôi cũng giáo dục quân của chúng tôi thực hiện. Nhưng trước hết đơn vị các anh phải quản lý, giữ gìn chặt chẽ nghiêm ngặt, có khi từ đơn vị các anh làm lộ trước.

- Vâng, tất nhiên chúng tôi phải lo, song trong tay tôi chỉ có không quá 10 cán bộ khung, trăm sự nhờ các anh buổi đầu - tôi đáp lời các anh ấy.

Rồi tôi và Tâm lên đường ngay đi vào Vĩnh Linh gặp anh Thản và anh Hành. Gặp các anh ấy, tôi trao đổi với các anh chọn điểm làm căn cứ, làm bàn đạp để triển khai hành lang. Các anh nhất trí chọn Khe Hó ở Hướng Hóa. Anh Hành cùng tôi đến đó ngay. Để giữ bí mật, đến đây, đối với các cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương đến công tác chúng tôi nói là đến xem địa hình, địa thế để xây dựng nông trường của Quân đội. Vì chính tôi là Cục phó sản xuất của Tổng cục Hậu cần.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2016, 11:37:40 pm »


Suốt ngày 26 - 27 tháng 5 năm ấy, nhờ các đồng chí địa phương giúp đỡ dẫn dắt, chúng tôi lội xem khắp vùng, đến tuyên truyền vùng này sẽ xây dựng nông trường để nghi trang đánh lạc hướng theo dõi của địch.

Sau khi xem, chúng tôi vẽ sơ đồ, thấy khu vực này có thế tốt, có đường cho xe ô tô có thể tải hàng đến, có đồi núi thoai thoải và thung lũng trú quân, tăng gia sản xuất, có nông trường, lâm trường của Tỉnh, quân ta ở chen lẫn vào đây, với danh nghĩa nói trên chắc không ai ngờ.

Ngày 28 tháng 5 chúng tôi trở về ngay Bang ở tây nam thị trấn Đồng Hới để tiếp đón Đoàn 301 vào, tổ chức học tập tình hình nhiệm vụ, chuẩn bị triển khai tuyến giao liên vượt giới tuyến. Việc làm này không có gì đáng kể.

Tôi chỉ kể cho các đồng chí nghe chuyện Đoàn 301 xoi đường qua giới tuyến là chuyện mò mẫm gian nan nhất.

Tại sao ở mặt trận Trị Thiên các đồng chí tổ chức vận tải và hành quân qua lại giới tuyến từ trước đến nay được. Bây giờ ta làm lại khó.

Vì các đồng chí làm nhỏ lẻ, mỗi ngày đi qua 5-3 người, ít gùi hàng, có khi cả tháng, đi qua lại mấy lần rồi ngưng nghỉ, xóa sạch dấu vết, thế mà có lúc bị lộ, bị địch đánh phá, gây tổn thất cho ta, năm nào cũng có. Khi cần đánh ở đâu, các đồng chí cho quân ém địch, để ta vận tải và hành quân vượt giới tuyến. Bởi Hiệp định Giơ-ne-vơ đã quy định ở hai bên giới tuyến có khu phi quân sự. Ai vượt qua khu vực ấy xem như vi phạm hiệp định. Giống như vòng Kim Cô buộc trên đầu Tôn Ngộ Không vậy.

Còn yêu cầu tuyến vận tải quân sự chiến lược lúc này, phải làm với quy mô lớn hơn, bảo đảm thường xuyên liên tục, đòi hỏi của cách mạng miền Nam phải có sự chi viện của miền Bắc như suối nước không thể để cạn nguồn.

Tôi nói các đồng chí rõ việc địch bố trí lực lượng bảo vệ, ngăn chặn ở giới tuyến: từ Đông Hà đến Lao Bảo - Huội San ở Lào, nơi biên giới Việt - Lào, là một hệ thống đồn bốt dày đặc. Chúng đóng 1 trung đoàn ngụy cơ động Sa Mưu. Quân đồn trú thường xuyên sục sạo dọc giới tuyến. Trên không, các loại máy bay trinh sát ngày nào cũng bay thấp quần thảo khắp vùng, để phát hiện dấu vết xâm nhập giới tuyến. Chúng còn có lực lượng mật vụ, thám báo nằm vùng, âm thầm theo dõi chặt chẽ sự thâm nhập của ta. Phát hiện nghi ngờ chỗ nào là chúng cho hành quân truy lùng ráo riết, chỉ một tàn thuốc lá, mảnh giấy rơi hay là dấu chân người là chúng sục sạo ngay. Việc xâm nhập của quân ta ở mặt trận Trị - Thiên có nơi, có lúc đã phải trả một giá khá đắt.

Tôi và các đồng chí chỉ huy Đoàn 301 bám ở giới tuyến vùng nam Khe Hó hàng chục ngày trời. Đồng chí Chu Đăng Chữ, tiểu đoàn trưởng. Đồng chí Diệm - tiểu đoàn phó; đồng chí Nhỏ Nhận, Hồ Sĩ Bơi, ở đội trinh sát; Hà Kỳ Thự, Trần Cảnh trợ lý xoi đường, mặc quần áo cộc phơi mình dưới nắng hanh, hay sương gió về đêm, dò dẫm qua núi đá, qua đường 9, ngâm mình dưới sông hàng chục ngày đêm, để tìm hướng vượt giới tuyến an toàn nhất. Các đồng chí đột vào chỗ này thấy không bảo đảm, lại đột vào hướng khác. Với chiếc ba lô, thực phẩm khô, bi đông nước, các đồng chí kiên trì làm việc đó ngày này sang ngày khác. Trông ai cũng gầy còm hốc hác hẳn đi. Khi lặn lội như thế chỉ một sơ xuất nhỏ, có khi "có đi không có về", hoặc bị rơi ngay vào tay địch. Chỉ nhìn anh em, tôi tin sớm muộn gì họ cũng thành công. Đến ngày thứ 15 anh em trở về, nhìn thấy anh em lúc này mà tôi cảm thương đến rơi nước mắt. Anh em báo cáo 4 điểm được chọn, tôi đưa ra cho anh em thảo luận, để tập thể xác định. Cuối cùng nhất trí chọn điểm vượt qua trước đồn Rào Quán của địch cách 500 mét là tốt hơn cả. Bởi ở đó phía bắc có địa hình che khuất, có những khe nhỏ, chạy sát đường 9, ta dễ ẩn, để luồn cống qua đường 9. Ta đi qua mũi kẻ thù, mới nghe thấy nguy hiểm, song là điểm bất ngờ đối với địch, nơi đó địch chủ quan dễ sơ hở nhất, bảo đảm an toàn cho ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2016, 11:38:28 pm »


Khi đã chọn, càng nghĩ, càng thấy anh em ta gan dạ thật, dám mò đến tận sào huyệt của kẻ thù, tìm ra chỗ hở, chỗ yếu mà tìm hướng hành động, vừa táo bạo, vừa chính xác, bảo đảm chắc thắng.

Sau mấy ngày, nhiều đồng chí trong số đi xoi đường bị ngã sốt rét nằm liệt, phải lo cứu chữa, nuôi dưỡng.

Khi chọn được điểm vượt rồi, hai ngày sau Quân khu 4 cho 2 xe chở một số trinh sát vào ngay cho Đoàn 559 theo lệnh của Bộ Tổng Tham mưu. Phần lớn anh em quê ở miền Nam đặt dưới quyền chỉ huy của đồng chí Nhỏ Nhận, đội trưởng. Đồng chí Xu, đội phó đã vào trước.

Tôi cho bố trí chốt đội trinh sát ở điểm vượt giới tuyến ngay ở phía nam 1 tiểu đội, phía bắc 1 tiểu đội, còn 1 tiểu đội đi cùng để bảo vệ các chuyến vận tải và hành quân qua giới tuyến. Mỗi ngày 24/24 giờ họ phải bám chặt mọi hoạt động ở mặt đất và trên không của địch.

Về ban đêm, chốt trinh sát phải phát hiện cho được các tổ chức phục kích, sục sạo của địch, nhất là các máy bay trinh sát, để phán đoán âm mưu của chúng. Chập choạng tối là bám hai bến đường bờ Nam, bờ Bắc, báo hiệu an toàn cho lực lượng ta vận tải và hành quân vượt qua giới tuyến, qua sông, qua đường 9. Cách báo hiệu bằng tiếng chim kêu. Mỗi đêm quân ta đi qua và đi về xong là các tiểu đội trinh sát xóa hết vết chân, những tang vật khác đào cát chôn dấu thuyền thúng dùng để vượt sông. Ta qua giới tuyến không hút thuốc, không gây tiếng ồn, là những việc làm tưởng như rất đơn giản, song anh em phải làm với tinh thần trách nhiệm rất cao, cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì hết ngày nọ sang ngày kia. Để một sơ xuất nhỏ, phải đổi bằng xương máu. Đồng chí Xu là đội phó trinh sát vì một sơ xuất nhỏ đã trúng đạn của địch và hy sinh tại đó. Mấy ngày sau, thượng sĩ Trần Văn Tương bị địch bắt, chúng tra tấn anh đến chết mà anh vẫn không khai báo. Danh bia các liệt sĩ anh hùng ấy còn lưu lại mãi mãi nơi điểm mốc lịch sử này.

Trong công cuộc vận tải hành quân vượt giới tuyến ấy, chúng tôi coi đội trinh sát là những đôi mắt thần, nhạy hơn điện tử. Nhờ đó, mấy trăm ngày qua, quân ta vượt qua "cửa ải" an toàn mà không để xảy ra tổn thất gì lớn.

Đến nay tình hình đã đổi khác rồi. Còn trước đây mỗi lần qua sông bằng chiếc thuyền thúng, mỗi chiếc đưa được 3 người cả hành lý, mỗi lần qua lại trên sông mất 15 phút, mỗi đêm qua sông 100 người phải đưa 10 chuyến, anh em giao liên phải dầm mình dưới nước ở rừng lạnh buốt xương, muỗi đốt hút máu, vẫn phải mò mẫm, thức trắng đêm thì các đồng chí hình dung sự khó nhọc, gian khổ đến mức nào".

Nghe anh Bẩm kể, tôi và Hường là tân binh chưa quen cửa ngõ của tuyến đường nên xem đây là lời chỉ dẫn trực tiếp sâu sắc đối với chúng tôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2016, 11:39:29 pm »


Xe chạy trên đường 18, đến Vít Thù Lù đã hơn 10 giờ. Nắng hanh quá phải dừng xe bên suối để tắm và nấu cơm ăn.

- Suối này cá nhiều lắm! Các đồng chí, ta lấy lưới trong xe ra, tranh thủ đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn – anh Bẩm nói thế.

Tôi và Hường chạy xuống suối xem, suối cạn nên nhìn rõ từng đàn cá tung tăng bơi lượn. Khi có ánh nắng loé sáng trông lấp lánh thật đẹp.

Chúng tôi phân công nhau, Tung lái xe, tôi và Hường đi đánh cá, cũng là tập cách kiếm sống trên con đường sau này.

Tôi mang lưới ra, anh Bẩm chỉ vẽ cụ thể cho chúng tôi cách bủa lưới, cách bắt cá trong lưới dưới nước, bảo đảm khỏi rách lưới, cách cuốn và xâu lưới, rửa lưới. Càng nghe càng thích thú, thấy trong cuộc sống mình nhiều việc còn bỡ ngỡ.

Sau đó, tôi và Hường đi bủa lưới, chì vừa chấm đất, chưa kịp chằn chân chì, từng đàn cá lao ngược nước, mắc lưới quậy dẫy trông sáng nước thích quá. Bỗng có một con cá trâu to cỡ hàng ký lao ngược nước, phóng vào lưới, bị lưới quấn, đang quậy dẫy. Tôi chạy vào xe lấy khẩu tiểu liên ra nhắm vào con cá nổ mấy viên, con cá hoảng hốt, xé lưới chạy. Nghe súng nổ anh Bẩm ở phía dưới nguồn nước, đang đập nước cho cá chạy, vội gọi hỏi. Anh chạy đến, tôi báo cáo sự việc.

- Dốt ơi là dốt, vừa hỏng ăn, lại phạm kỷ luật nữa chứ, súng tiểu liên bắn tà âm 15 độ xuống nước làm sao giết được cá. Về sau đừng làm dại thế nữa cậu em nhé - Anh phê bình.

Chúng tôi đứng nhìn lưới. Lại có một con cá bọp nặng khoảng 2 ký, chạy ngược nước phóng vào lưới. Cô Hường thấy, lao xuống suối nhanh như chớp, ôm con cá đang quậy trong lưới - lần này em không thoát khỏi tay chị đâu. Tôi nghe Hường nói rất buồn cười. Tôi chạy đến bóp vào đầu con cá, để nó khỏi quẫy tuột đi. Hường gỡ nó khỏi lưới giơ cao con cá reo mừng.

Tranh thủ lúc dừng chân, chúng tôi vừa nấu cơm, vừa tắm, vừa săn bắt được nhiều cá. Thật là thú vị!

Sau bữa cơm, cá còn lại trên 4 - 5 ký (không kể con cá bọp) cho vào thau đưa lên xe. Xe chạy qua ngầm suối Ho thấy cá bơi lượn dưới suối nhiều quá ai cũng trầm trồ.

- Không biết suối này có chảy ra suối Vít Thù Lù không?

- Hai suối chảy ra sông Long Đại ở huyện Lệ Thủy. Cũng giống như sông Cam Lộ và sông Bến Hải xuôi về sông Thạch Hãn chảy về Cửa Việt của quê cô vậy - Anh Bẩm đáp lại Hường.

Xe chạy vào lòng chảo làng Ho, - anh Bẩm nói - các đồng chí hãy quan sát kỹ và nghĩ xem nơi đây đang diễn ra điều gì trong cuộc đối đầu giữa ta và bọn xâm lược Mỹ.

Tiện đây tôi nói cho các đồng chí biết thêm về làng Ho. Trước kia, có lẽ là một bản của đồng bào dân tộc ít người. Không biết vì sao họ chạy đi đâu hết, vùng này trở nên hoang vu. Ở đây là một thung lũng rộng khoảng 10 kilômét vuông. Có đường mòn đi thông vào đường 9, có đường vào sông Cam Lộ, hay đi sang Huội San đất Nam Lào. Con suối nhỏ ta vừa đi qua là suối Bo, suối nhỏ nhưng thông qua các con sông lớn. Suối này tuy cạn nhưng khoảng cách chừng 100 - 200 mét có những hục nước sâu 5 - 7 mét, có hang đá ăn sâu vào núi là nơi hội tụ, sinh sản cá nước ngọt.

Mùa khô nước cạn, chỉ còn trên dưới 1 mét chiều sâu, đã trông thấy cá vờn đặc nước. Dường như tạo hóa đã sắp sẵn nơi đây là cửa khẩu đường Hồ Chí Minh cho cả nước ra quân đánh giặc Mỹ.

Anh Bẩm nói đến đó, xe đã chạy đến sân của cơ quan Trung đoàn 70: Anh Chữ, anh Danh chạy ra ôm anh Bẩm, vui mừng và bắt tay chào hỏi chúng tôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2016, 11:40:14 pm »


Các anh đưa chúng tôi vào nhà khách. Anh Bẩm ra hiệu cho cô Hường ra xe lấy quà vào tặng cơ quan trung đoàn.

Hường mang chiếc xô vào, các anh giở ra xem toàn là cá tươi trắng tinh.

- Các anh đánh cá ở đâu được nhiều thế? - Anh Danh hỏi.

- Chúng tôi đanh ở suối Vít Thù Lù đấy. Suối Ho các đồng chí nhiều cá lắm, các đồng chí có bắt được để ăn không? - Bị anh Bẩm gõ vào chỗ yếu, các anh nhìn nhau cười - Chúng tôi chưa bắt được cá đâu anh, anh Chữ trả lời thật thà như thế.

- Vậy thì chúng tôi xin biếu các đồng chí cá tươi, ăn để nhớ, ráng làm mà cải thiện đời sống. - Anh Bẩm nói đùa với các đồng chí.

Rồi anh Bẩm nghiêm nghị nói:

- Chúng tôi vào đây trao đổi tình hình với các đồng chí ngày 22 - 23, sáng ngày 24 tháng 6 sẽ đi vào kiểm tra các trạm trên tuyến. Trung đoàn nên có người đi để cùng nhau làm việc đó.

Chiều ngày 23 rảnh việc, tôi và Hường đi theo anh em đơn vị học đánh lưới bắt cá, rúc rừng tìm rau, bắn chim, để quen dần với cuộc sống trên Trường Sơn và chuẩn bị thực phẩm để đi vào hành lang.

Ba giờ sáng ngày 24 Hường được phân công chăm lo đời sống và sức khỏe cho đoàn đi công tác. Cô nấu cho mỗi người một bát phở bằng mì khô Trung Quốc với thịt nai phơi khô, chiên cá để ăn với bánh tráng nước. Nấu nước sôi để nguội rót vào bi đông cho mỗi người. Công phu nhất là cô nấu xôi đậu, chiên 20 con cu đất chuẩn bị bữa ăn trưa cho mỗi người trên đường.

Anh Bẩm đi kiểm tra việc xếp ba lô của từng người, anh thấy tôi và Hường chưa biết xếp ba lô (chúng tôi xếp thành hình khối tròn), anh nói xếp cách này mang đi tức lưng, anh chỉ vẽ cách xếp thành hình vuông thẳng đứng để mang chiếc ba lô ôm chặt vào lưng êm ái mới đi xa được. Chúng tôi bắt đầu học từng chi tiết cuộc sống trên chiến trường.

Hường vừa xếp ba lô vừa đưa mắt nhìn tôi xếp, chúm chím cười.

Anh Bẩm đi xem việc chuẩn bị nước, thức ăn sáng, ăn trưa. Anh rất khen Hường, vì thịt nai phơi khô, cô chế biến mềm như thịt tươi, cô vắt xôi, chiên cu đất thơm phức, bỏ vào các túi ni lông gọn gàng tươm tất, bảo đảm vệ sinh. - "Cô em dễ thích nghi với cuộc sống trên đường đấy", - anh Bẩm nói thế.

Sau bữa ăn sáng, chúng tôi nhận bi đông nước, xôi, thức ăn trưa, chuẩn bị lên đường. Sáu giờ, chúng tôi đi chào, chia tay các đồng chí thủ trưởng, cán bộ của cơ quan Trung đoàn. Anh Danh, thủ trưởng Trung đoàn, đồng chí Liễu trợ lý tổ chức cùng đi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2016, 11:41:01 pm »


Cuộc hành trình vượt Trường Sơn bắt đầu. Tôi và Hường rất lo, cả cuộc đời chưa lần nào mang nặng vượt đèo, dốc trên rừng núi hàng chục cây số đâu. Đi 1 tiếng đồng hồ là đến trạm 1, trạm đầu cầu, đồng chí Hiền quê ở tỉnh Phú Yên làm đội trưởng. Đồng chí Tứ quê ở Quảng Nam làm chính trị viên, mới 40 tuổi, đã có nhiều râu, nên thường gọi là "Tứ râu". Đoàn dừng lại, kiểm tra ở trạm 1, thế là chúng tôi cụt hứng, tưởng đi xa nên chuẩn bị lo lắng, ai dè chỉ đi một tiếng đồng hồ thôi mà phải chuẩn bị cả một ngày trước.

Theo chương trình, mỗi trạm kiểm tra trong 2 ngày, ngày đầu thâm nhập cuộc sống, gặp gỡ các cán bộ, đảng viên, đoàn viên. Ngày thứ hai tìm hiểu thêm, chuẩn bị nhận xét buổi sáng, buổi chiều họp chi ủy và cán bộ trạm để đoàn kết luận cuộc kiểm tra.

Qua mấy tiếng đồng hồ tìm hiểu, chúng tôi thấy đồng chí Hiền và Tứ là hai cán bộ gương mẫu, nhiệt tình công tác. Hai đồng chí cùng đi gùi hàng với đơn vị, lại gùi nặng đến 50 - 60 ký, hay thồ xe đạp đến 200 ký một chuyến hàng. Nhưng cả hai lại có khuyết điểm gần giống nhau: tính nóng nảy, đôi khi quát tháo chiến sĩ. Đơn vị làm nhiệm vụ vận tải đạt được hiệu suất cao, song đời sống bộ đội kham khổ quá, 6 tháng chi bộ không kết nạp được Đảng viên nào cả.

Chiều ngày 25 anh Bẩm nhận xét, phê bình nghiêm khắc đồng chí Hiền và Tứ, nhất là đối với hành động quân phiệt. Sau khi nhận xét, anh Bẩm đề ra phương hướng và biện pháp khắc phục. Nhận thấy hai đồng chí ấy tỏ ra thấm thía và ân hận với khuyết điểm của mình, nhân đó anh Bẩm quyết định, tối nay họp đại hội quân nhân, để cán bộ đứng ra tự phê bình, lấy ý kiến quần chúng xây dựng cho mình. Cuộc họp có anh Danh, chính ủy trung đoàn cùng dự.

Đến 22 giờ, họp đại hội quân nhân xong, anh Bẩm hỏi đồng chí Hiền và Tứ: "Anh em họ góp ý cho các đồng chí thế nào?". Anh Danh phát biểu thay cho hai đồng chí: "Có tiếp xúc với quần chúng, chúng ta mới hiểu thêm nhiều điều. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tốt vô vàn trong khi ăn uống kham khổ, mà mỗi ngày ai cũng ráng gùi thồ bảo đảm được chỉ tiêu, một số người mới cắt cơn sốt rét hôm trước, hôm sau đã đi gùi thồ hàng. Trong khi các loại hạt giống rau, lưới đánh cá, lưỡi câu, súng thể thao để trong kho, muối ăn để trong kho cả tấn, thế mà chăn nuôi không làm được gì, rau không có ăn, cá suối Ho nhiều vô kể, chim thú không ít thế mà chẳng làm gì được để cải thiện bữa ăn. Anh em ốm đau ăn cháo trắng, ăn cơm với thịt hộp kho nước lõng bõng, làm sao nuốt được cơm! Hoạt động thể thao, thể dục, thời sự, văn hóa văn nghệ nguội lạnh.

Quần chúng quên mình vì nhiệm vụ mà không chọn đưa được người nào vào Đảng. Nếu lãnh đạo, chỉ huy không sửa đổi nhanh thì đời sống đơn vị sẽ bị tàn lụi, còn sức đâu mà phấn đấu. Tôi yêu cầu các đồng chí lấy muối đi vào vùng sâu, đổi ngay lấy con giống, heo, gà, vịt để nuôi, mỗi ngày phải cử 3 anh nuôi đi sản xuất, chủ yếu là trồng các loại rau quả, đánh cá, săn bắn, làm các việc ấy có hiệu quả nhanh để nâng cao chất lượng từng bữa ăn, đối với người đau ốm phải được chăm sóc nuôi dưỡng chu đáo. Chính trị yiên phải làm hết chức trách của mình, không được buông lỏng các hoạt động về công tác chính trị. Đời sống tinh thần nghèo nàn sẽ dẫn đến việc tiêu cực đối với nhiệm vụ.”

Hai đồng chí nghe anh Danh nói đều xin hứa sửa chữa.

- Vậy là tốt, đã khuya rồi, chúng ta đi nghỉ để mai lên đường - anh Bẩm kết luận.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM