Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 12:37:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đội công an số 6  (Đọc 18630 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2018, 08:00:16 pm »


        Anh thanh niên tặc lưỡi:

        - Nói thế thì được. Đe ông ba cân tròn. Năm giờ chiều mai ông mang tiền đi lấy hàng.

        - Lấy ở đâu? - Hanh cau mày gạn - Trong thị trấn này chứ?

        - Ngay phố Trì Chính đây thôi. Để cho tiện đôi bên, ông cứ sang bảo ông hàng phở đưa đi. Nhưng nhớ cẩn thận đấy!

        Hanh cười, gật đầu lia lịa:

        - Yên trí, biết rồi. Nhưng này, sao lại năm giờ? Ngay bốn giờ chiều mai tớ đã phải vào hầu Đức giám mục... Chỉ có thể ba giờ thôi!

        Hai anh thanh niên liếc nhìn nhau rồi miễn cưỡng gật đầu:

        - Thì chiều theo ý ông cho tiện. Đúng ba giờ.

        Hanh rút bao thuốc lá Cô-táp mời hai anh thanh niên, hồ hởi bắt chặt tay họ lắc mạnh như lo sợ họ lật lọng, rồi chống ba toong ra về. Hắn nhẩm tính: Vậy càng tốt. Cứ bảo ông Tăng cho vệ sĩ tập trung sẵn ở quanh chợ Nam Dân. Mình lấy hàng xong sẽ dẫn chúng đi phục kích ở mấy cái cơ sở chủ yếu. Nhà lão Tám, nhà mụ Duyên cạnh sân bay, và cuối cùng là nhà mụ Phú ở Trì Chính! Đang lúc bất ngờ này, chúng sẽ chết!

        Hừ! - hắn nghĩ - Một ngày thật đáng ghi nhớ. Hai sự việc thành công sẽ tung ta lên như con diều được gió!

        Hôm sau, mới ba giờ kém mười lăm, ông chủ hiệu Bích Hưng đã thấy tên Hanh diện đủ bộ mồi hí hửng mò vào. Cái quần đũi trắng, cái áo lụa Hà Đông màu mỡ gà đều là phẳng nếp. Cái mũ phớt và đôi kính đen gọng đồi mồi to bản rất hợp với khuôn mặt đầy đặn của hắn. Đôi giày Hồng Kông đánh phấn trắng muốt, gò đôi chân hắn bước khoan thai theo cây gậy hèo uốn cong hờ hững tay chống, đúng là tay phong lưu ở đất Chúa.

        Bọn bảo an, vệ sĩ đã sẵn sàng súng ống ở những điểm xuất phát để làm cuộc “cất vó” chớp nhoáng hốt sạch công an Việt Mỉnh! Chỉ còn nửa giờ nữa, hắn khoái chí lẻn đi ăn mảnh. Hắn quyết bắt cá hai tay.

        - Ông đã sang. Vâng, ta đi ngay thôi ạ!

        Bích Hưng vừa nói vừa rửa tay trong cái chậu rửa bát rồi với cái áo nâu non trên mắc khoác vào. Tên Hanh khoe mẽ:

        - Bọn Bảo chính đoàn rủ tôi sang đền Đức bà cứu giúp đánh xóc đĩa, kể cũng thích, nhưng tôi phải từ chối đấy!

        Anh Bích Hưng đưa tên Hanh sang cầu, thẳng phố Trì Chính đến gần đồn cảnh binh phố Thủ Trung, chỉ cho nó một cái nhà gianh nho nhỏ buông mành kín đáo, nằm thụt vào sau dãy nhà lối phố độ ba mét, rồi quay về ngay. Tên Hanh thấy chỗ này rất thuận tiện, lại ngay bên nách Xéc-tơ và cảnh binh thì yên chí. Dù đang tin mình phất, sắp có nhiều quyền thế, lúc này hắn cũng hiểu là hắn đi ăn mảnh, phải cẩn thận; kẻo nhỡ bọn công an (ngụy) tóm đuợc thì thiệt to. Hắn phấn khởi lén đến đẩy mành, lách vào nhà.

        Hắn vừa ngả mũ chào anh thanh niên dong dỏng cao ngồi sẵn ở bàn thì cái anh to cao vụt buớc tới, dí con dao găm vào cạnh suờn hắn, nói vừa đủ nghe nhưng rành rọt:

        - Im lặng. Anh đã bị bắt!

        Tên Hanh tái mét mặt, cổ tắc nghẹn, chân tay bủn rủn muốn khuỵu xuống.

        Anh thanh niên dong dỏng cao đứng dậy nói thẳng vào cái mặt mất thần của hắn:

        - Đỗ Huy Hanh! Mày đã phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân. Thừa lệnh ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Kim Sơn, Đội Công an số 6 Phát Diệm bắt mày... Biết điều, mày sẽ được sống!

        Tên Hanh hoa mắt, tưởng mình bồng bềnh không có chân mà đứng. Nước mắt hắn trào ra.

        Hai người thanh niên là Thông và Nhởn. Phải mất bao công lao điều tra, nghiên cứu, hai anh công an xung phong ấy mới đạt được kết quả này. Suốt một tuần theo dõi, các anh không có được cơ hội hành động. Hắn đã từng là cơ sở của ta, đã vượt ngục, nên tinh ma xảo quyệt như con thú sổng lưới. Tuy nhiên các anh phát hiện ra lòng tham của hắn. Đó là cơ sở cho các anh lập mưu kéo hắn ra.

        Sau những phút choáng váng, tên Hanh trấn tĩnh lại. Hắn gập người lạy lục van xin tha chết. Nhưng cặp mắt ti hí ranh mãnh của hắn liếc ngang, liếc dọc tìm sơ hở của hai người trẻ tuổi, để đối phó.

        Nhởn biết ý, chặn ngay:

        - Liệu hồn! Nếu mày giở trò, chúng tao còn kịp xử mày trước khi rút!

        Thông nói tiếp, ôn tồn hơn:

        - Nếu anh biết tuân lệnh để chúng tôi đưa anh ra vùng tự do, thì anh còn hy vọng có ngày về với vợ con.

        Hai anh lấy dây dù trói nó lại, nhét giẻ vào mồm, để nó vào xó nhà.

        Bất đắc dĩ phải chịu hẹn nó vào giờ này, bây giờ Thông và Nhởn mới thấỵ rõ sớm quá thế này là không lợi. Họ lúng túng chưa biêt xử thê nào cho êm? Giết nó ngay hay để nó năm đây đều rất nguy hiểm! Bọn lính tuần, công an ngụy hay một người hàng xóm nào đó có thể bất chợt vào nhà. Muốn đưa nó đi thì còn phải chịu căng thẳng thế này bốn, năm tiếng đồng hồ nữa, chờ trời tối đã!

        Ông Dĩnh, chủ nhà, còn trấn tĩnh được, còn bà Dĩnh sợ tái mét, run như tàu lá gặp gió. Bà luôn mồm đọc kinh cầu nguyện và ngắm ảnh Chúa.

        Thông ra đường trông chừng, thấy vệ sĩ và lính Bảo chính đoàn đi lại, tụ tập từng nhóm như chúng chờ đợi cái gì hay sắp vây càn trong phố. Có thể nó sẽ vào đây?

        Cả hai cùng toát mồ hôi hột. Thông bàn:

        - Cứ đưa nó đi, không thể để lại được.

        Nhởn cắn môi suy nghĩ, nhìn Thông.

        - Lúc này cũng có cái hay là bất ngờ. - Thông thúc thêm.

        - Cũng phải. - Nhởn gật đầu, nói.

        Họ trùm lên đầu tên Việt gian cái tã vuông trắng, hai người hai bên “dìu” nó đi sang phía Kiến Trung. Đây gần nhà thương. Cả đến bọn lính canh, lính tuần, cảnh binh cũng yên chí là họ dìu người bệnh, không chú ý.

        Chưa bao giờ Thông thấy những kênh rạch kẻ ô vuông chi chít ở Phát Diệm, đào từ đời cụ Nguyễn Công Trứ, rất tiện lợi cho việc canh tác của quê hương, lại trở ngại cho hoạt động bí mật của các anh đến thế này! Cứ phải đường quan, ngõ chính theo cầu mà đi. Môi cái câu là một cái nút, có lính gác.

        Tim các anh cứ nhảy thon thót suốt cả quãng đường dài...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2018, 08:01:33 pm »


12
       
“BẨM ÔNG GIÁM!”

        Trăng suông vằng vặc. Dòng sông Vạc hẹp lắm. Nghĩ sải mấy sải là qua được thôi. Oanh nôn nóng nói với Phổ - anh cán bộ Huyện ủy cùng đi vào:

        - Ta sang luôn đi!

        Phổ ngần ngại, muốn nghỉ một lúc, hoặc chờ tìm xem có cái thuyền, cái mảng nào không?

        Qua ba ngày đêm vất vả họ mới vượt được vành đai trắng vào đến đây. Oanh sốt ruột vì công việc đang gấp, bất đắc dĩ phải trở ra xin chỉ thị cấp trên. Giờ có “cẩm nang” trong tay, chỉ muốn một bước vào ngay đến Phát Diệm. Không ngờ trên đường đi gặp địch càn, anh phải nằm lại mất hai ngày. Cũng may, tình cờ gặp Phổ cùng vào thành ra có bạn đường, đi cứ là quên mệt.

        - Anh biết bơi không? - Phổ bỗng hỏi.

        Oanh cười, đáp:

        - Có. Tôi bơi giỏi. - Oanh hỏi lại - Anh có gì đưa tôi cầm đỡ cho?

        Một gói tài liệu to, bốn quả lựu đạn và áo quần hai người, kể cũng nặng; thêm khẩu súng côn đeo ở cổ, tất cả phải đến gần năm cân. Đã bao nhiêu lần bơi qua bơi lại dòng sông thân thuộc này, có khi Oanh mang gần chục cân có mùi gì, cho nên anh không hề ngần ngại. Anh chỉ mong sao về cơ sở ở nội thị cho kịp đêm nay. Cuộc chiến đấu đang khẩn trương từng ngày. Tất cả sự chú ý của Oanh tập trung vào lá thư công tác anh bọc ni lông, buộc kỹ vào đỉnh đầu cho khỏi ướt, còn các đồ lề khác anh đội lên trên để bơi.

        Dòng sông rộng chưa đầy trăm mét, sao bơi mãi chưa qua được nửa sông? Nhìn phía trước cứ vời vợi, ánh trăng lẫn trong hơi nước trắng đục, che lờ mờ bờ sông trong bể mù xa tít, không hòng gì bơi tới bờ. Nước chảy xiết, như cuốn vào chân tay mà rút, khiến mỗi cử động đều nặng nề. Gói quần áo và vũ khí không nặng lắm nhưng lúc này như cả tảng núi đè dúi đầu anh, muốn dìm anh chìm nghỉm xuống đáy sông. Oanh vẫn cố. Hơi thở phì phì không nén được. Chân tay rời rã.

        Oanh thất vọng thấy mình không thể nào cố hơn nữa. Đời anh đã vượt bao sông ngòi trong nhiều đêm ra vào địch hậu, có bao giờ gặp tình trạng này, có bao giờ dòng sông thân yêu lại tai ác với anh đến thế!

        - Mình đuối quá. Kiệt sức rồi!...

        Lúc này tình trạng cơ thể nhắc cho anh nhớ rằng đã mấy ngày nay anh phải chịu đựng quá sức...

        Sau một ngày đêm lặn lội vượt được vành đai trắng, các anh theo sông Vạc đi vào. Vừa đặt chân vào đến tiểu khu 3, mới hửng sáng, lại gặp giặc càn bất ngờ. Chúng đã phát hiện ra các anh. Anh Hiệp - công an xã, người công giáo, dẫn đường - thấy khó thoát, liền bày lối cho hai anh vào nhà chị Tố, một cơ sở đường dây của Huyện ủy. Hiệp chạy thẳng lên xóm trên, đánh lạc hướng bọn địch. Bọn vệ sĩ hô nhau đuổi theo Hiệp, súng nổ rầm rầm. Chị Tố vội vàng dẫn các anh ra bờ ao. Các anh phải ngâm mình suốt ngày dưới nước, chỉ hở cái mặt trong đám bèo, đủ thở. Bọn lính dõng và vệ sĩ quân suôt ngày trong xóm. Chúng la hét, đánh đập nhân dân, băn đì dẹt liên tục, rât căng thẳng. Đến nỗi, đàn đỉa bám đầy người, ngứa và rát như xát muối, các anh không dám quờ tay vứt bỏ. Chập tối, chân tay bợt bạt, người bải hoải mới được lên bờ. Rồi không kịp ăn lót dạ, hai anh vội vã đi ngay. Địch chặn mất đường, các anh phải ngược lên phía trên để qua sông.

        Lúc lo lắng nhiệm vụ đang chờ, cái hăng hái tuổi trẻ làm cho các anh quên nghĩ đến sức khỏe của mình. Bây giờ, tất cả gánh nặng của một ngày căng thăng, đói, kiệt sức mới cùng nhau đè nặng xuống đầu các anh!

        Oanh vẫn cố nhoài lên, tay chân vùng vẫy không còn theo ý anh nữa; chỉ còn là bản năng tự vệ, như người không biết bơi, bị vứt xuống nước. Anh muốn gọi Phổ nhưng Phổ đã vượt xa rồi.

        Dọc bờ sông đầy đồn bốt không thể làm ồn được. Oanh chợt nhớ, mình có thể bơi ngửa. Hồi trước bơi ngửa cả ngày cũng được. Nhưng anh chưa lật người đã thấy bật lên như mất thăng bằng. Gói quần áo, vũ khí, truyền đơn trên đầu rơi xuống nước cuốn chìm ngay. Oanh vừa há miệng, nước ập vào, tối tăm mặt mũi! Nhưng anh cố đạp chân, khua tay ngoi lên.

        Định thần lại, anh kịp nhận ra bờ sông đen ngòm trước mặt. Nhưng anh không nhoài lên được nữa. Bỗng có tay ai đẩy vào người? May quá! Phổ quay lại cứu anh. Nhưng người anh sao nặng quá, chân tay như chân tay ai.

        Giây lát, anh chợt thấy dòng nước đè nặng lên người. Mắt tối sầm lại. Chìm thật rồi! Anh vung tay, khua chân thật mạnh cố bám, cố víu vào một cái gì đó...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2018, 08:02:16 pm »


        Thấy vương vướng trong tay, anh nắm thật chặt; co cả người vào. Bàn tay Phổ đẩy mạnh phía sau, anh nhô lên mặt nước.

        Thật may! Một bụi cỏ dầy từ bờ rủ xuống. Anh quờ tay co người lên.

        Oanh nằm xoài bên mép nước thở dốc.

        Phải một giờ trôi qua anh mới ngồi dậy được. Hai anh ngồi cho thật hoàn hồn rồi đứng dậy thất thểu bước đi. Mỗi người còn một cái quần đùi. Vũ khí và tài liệu mất hết. Thật ân hận, nhưng biết làm thế nào? May cái thư công tác chưa mất.

        Ánh trăng đục lạnh lẽo buốt tim gan. Xóm làng như kéo ra xa, thu nhỏ lại, mờ ảo, chứa đựng bí mật và những nguy hiểm không lường được. Hai anh tin mình, dựa vào nhau mà đi lên. Họ tìm vào một xóm nhỏ. Trước mắt họ, trong bụi rậm hay từ một bờ đất, có thể nhô ra một mũi súng đen ngòm của bọn bảo an, tuần phiên hay một tiếng quát bất ngờ của bọn thanh niên diệt cộng? Căng thẳng cao độ làm cho họ quên rét mướt.

        Vào được lối xóm họ mới thấy đỡ trống trải. “Đến dân là ổn rồi!”. Oanh rảo bước kéo tay Phổ rẽ vào một ngõ cụt.

        Đây là nhà ông Thưởng, một gia đình công giáo yêu nước. Thấy hai anh vào, ông bà Thưởng quýnh lên, vừa lo vừa mừng. Lo vì thấy các anh trần trụi rét tím người thế kia; mừng vì các anh vượt được càn quét vây ráp của địch suốt ngày hôm qua.

        Vừa lúc ấy, chị Quyến giao thông của Huyện ủy, mới trong phố ra lúc chập tối. Chị cung cấp cho hai anh những tình hình cần thiết, các anh có thể yên tâm phần nào.

        Như người em gái dịu dàng, Quyến đốt lửa cho hai anh sưởi. Gia đình ông Thưởng nấu cơm cho hai anh ăn.

        Đang đói, rét, chốc lát hai anh cán bộ đã được ăn no, sưởi ấm, nằm gọn trong ổ rơm nghỉ ngơi lấy sức.

        Mệt mỏi căng thẳng tột độ, giờ nằm hồi tỉnh, dù có được khoan khoái nhưng Oanh không thể nhắm mắt. Thần kinh bị kích thích mạnh. Nhiều ý nghĩ chợt đến, chợt đi. Lo lắng, băn khoăn...

        Không biết anh Hiệp, người công an xã dũng cảm đã chạy đánh lạc hướng địch cho các anh vượt vòng vây có thoát được tay giặc không?

        Sốt ruột! Không biết công việc của Tâm và Thông tiến hành đến đâu rồi? Sau chuyện tên Hanh, còn gì nguy hiểm nữa không? Phản ứng của địch thế nào?

        Kháng và Tư Thảo có diễn biến gì mới? Ngày mai, ngày kia đã gặp được Tư Thảo chưa? Những việc đã sắp xếp và phán đoán có phù hợp thực tế không?...

        Thật cảm động, bọn mình vào đây chưa làm được gì cho phong trào, đã được đồng bào giúp đỡ che chở cho bao nhiêu lần, vượt qua mọi khó khăn hiểm nghèo... Ông Thưởng đã chọn cái áo tốt nhất của ông cho Phổ mặc. Còn Oanh, được bà con cơ sở góp tiền mua cho hai mét diềm bâu đen. Chị Quyến đã may ngay cho anh một cái áo cánh.

        Phổ chia tay, anh đi theo đường dây cơ sở của Huyện ủy. Oanh mặc cái quần đùi, cái áo cánh đen, cổ đeo thánh giá bằng kền, tay xách làn cói, cái nón mê cụp cụp trên đầu. Trông đúng là người đi chợ Nam Dân. Bọn bảo an, vệ sĩ canh gác các ngả đường không thèm xem đến cái làn rỗng của anh.

        Sau lưng anh, phía bên kia sông Vạc, thỉnh thoảng vẫn rộ lên những tiếng nổ của lựu đạn và súng máy. Vài đám khói đen, trắng cuộn lên trên các xóm. Cuộc càn quét mấy xã giáp ranh khu du kích, do tiểu đoàn cơ động 18 và vệ sĩ của Hoàng Quỳnh, Tư Thảo, vẫn tiếp tục. Oanh lại nao nao nghĩ đến Hiệp.

        Những cái xe GMC chở lính bị thương và của cải cướp được lao lên trước Oanh, chạy về phía Tổng bộ tự vệ, làm cuốn lên những đám bụi mù.

        Qua chợ Nam Dân, Oanh muốn đến quán Bích Hưng liên lạc với Tâm. Anh ý tứ đi quá một quãng, lên gần cầu ngói để xem chừng. Thấy bọn vệ sĩ chặn đường soát giấy, Oanh lợi dụng đông người, quay trở lại. Nhưng vừa đến gần cổng trại bảo chính đoàn ở Phú Vinh, Oanh bỗng giật mình. Có người nào đó cúi đầu chào: “Bẩm ông Giám!”.

        Thằng Quýt! Oanh không khỏi bàng hoàng, gần như nao núng.

        Bất giác anh liếc sang phía trại bảo chính đoàn bên kia đường. Tên lính gác mắt thao láo, tay lăm lăm khẩu súng ngang hông. Oanh cố bình tĩnh tìm cách đối phó.

        Thằng Quýt làm nghề khuân vác ở bến chợ là một giáo dân cuồng tín; là một trong những tên côn đồ hung hãn nhất, đã cùng đồng bọn giết chết đồng chí Ái, thường vụ Tỉnh ủy, bí thư Huyện ủy kiêm chủ tịch huyện Kim Sơn, trong cuộc bạo loạn do bọn phản động đội lốt cha cố gây ra ở Phát Diệm ngày 8 tháng 9 năm 1947. Quýt đã bị tòa án quân sụ Liên khu 3 xử phạt 3 năm tù. Thời gian nó bị giam tại nhà tù của Ty công an ở Trinh Nữ, Oanh là giám thị trại giam. Hồi đó các tù nhân gọi anh là “ông Giám”.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2018, 08:02:42 pm »


        Chỉ cần nó hô lên một tiếng là tình thế sẽ không cứu vãn được! Oanh cười, tảng lờ để thăm dò thái độ:

        - Giám cái gì? Tôi bây giờ đã vào đây rồi.

        Quýt vẫn khăng khăng lắc đầu:

        - Dạ thưa ông Giám, sao ông nói thế?

        Oanh bất giác lùi lại một bước. Nó kêu lên mất thôi. Hoặc nó sẽ ôm chầm lấy mình? Tay đô vật thế kia? Oanh bỗng nhìn thấy rõ những thớ thịt cuồn cuộn trên đôi cánh tay trần của Quýt, một tay đô vật nổi tiếng. Oanh không khỏi gai gai từ gáy xuống xương sống - chỉ dùng dằng với nó một chút thôi là bọn bảo chính đoàn ập đến ngay.

        Quýt bước dấn lên sát Oanh và hắn chìa tay ra như muốn nắm lấy cánh tay anh...

        Nhưng ngay lúc đó Oanh nhìn thẳng vào mặt Quýt và nhận thấy không phải là cặp mắt thú dữ. Trong cặp mắt chất phác ấy tỏa ra những tia mừng rỡ... Oanh vẫn rất ý tứ nhưng anh mỉm cười hỏi cách xuề xòa:

        - Anh Quýt vẫn được mạnh khỏe luôn chứ?

        - Dạ - Quýt cười - em thì vườn... mời ông đi quá ra đây với em tý. Mấy bước thôi mà!

        Anh ta lại với tay muốn nắm chặt tay Oanh kéo đi. Bộ điệu anh ta gần như vồn vã, vụng về nhưng mắt anh ta vẫn nhìn ngang sang bọn lính gác. Anh ta muốn gì?

        Bất đắc dĩ phải cùng đi với anh ta mấy bước, Oanh không ngớt thăm dò và hồi hộp lúng túng vì chưa có cách đối phó.

        - Anh làm ăn thế nào? - Oanh dè dặt hỏi.

        Quýt quay nhìn Oanh, mặt nhíu lại khổ sở, nom hiền lành đến tội nghiệp:

        - Tình cảnh chúng em bây giờ còn tệ hơn trước. Cái thân phận chúng em vẫn bị người ta đè đầu bóp cổ!...

        Oanh thở phào kín đáo: À ra thế!

        Oanh vui mừng thấy câu nói đó và thái độ của Quýt đã vượt qua một khoảng cách thời gian và không gian khá dài, nó vẫn tiếp nối được với những câu chuyện hồi ở Trinh Nữ.

        - Thấy anh khỏe tôi mừng. - Oanh nói lấp lửng - Tình cảnh dân ta bây giờ, còn nhiều người bi cưc khô...

        Quýt gật đầu, chắp tay nằng nặc mời:

        - Dạ, nhà em ở ngay Trì Chính đây. Mời ông Giám vào chơi tý đã.

        - Tôi bây giờ khác rồi, anh đừng gọi the!

        - Dạ không, - Quýt lắc đầu chân thật - em bây giờ vẫn nhu dạo ấy. Em không bao giờ quên những lời các ông đã chỉ bảo. Cái đời em, thấy nó đúng lắm. Ông đừng có ngại gì cả.

        - Có gì mà phải ngại? Tôi bây giờ cũng nhu mọi nguời khác, phải lo làm ăn sinh sống.

        - Dạ không ạ - Quýt xuống giọng, nói khẽ - em biết lắm. Những nguời như các ông trước sau không thể đổi thay!

        Oanh cười, lảng ra:

        - Thôi, anh cũng đừng bận tâm.

        - Thưa ông, thấy ông vào đây là... là... em mừng! Ông đừng ngại gì em. Em rất quý bụng các ông. Mời ông vào nhà em chơi một lát! Hay lúc nào ông có việc gì cần đến em, ông cứ vào bảo

        Oanh nắm chặt tay Quýt:

        - Để dịp khác. Bây giờ tôi còn vội.

        Đi mấy bước, Quýt còn quay lại thì thầm, cái thánh giá bằng bạc bị lắc mạnh đung đưa dưới

        - Em chỉ làm ăn lương thiện. Nhất định không theo chúng nó nữa. Mấy lần chúng bắt vệ sĩ với địa phương, em đều nhất định không đi.

        Oanh bước vội. Phải dứt ra khỏi tình cảnh không ngờ đó - dù tự thân nó đã không còn nguy hiểm - càng nhanh càng tốt. Không bao giờ được để một sự chú ý nhỏ của người khác tới mình lúc này.

        Trong lòng anh xôn xao phấn khởi. Hình ảnh Quýt dồn dập lướt qua trong đầu anh, làm xáo trộn, đứt đoạn dòng suy nghĩ của anh...

        Khi vào trại giam, tên côn đồ chính trị sẵn sàng “tử vì đạo” trong Thiết Huyết đoàn đó luôn luôn lầm lì, hằn học. Quản giáo bảo: “Anh Quýt, giờ lao động không được nằm lì như vậy!”.

        “Không làm!” - Quýt đáp, rồi trợn mắt nhìn quản giáo thách thức: “Mày bắn tao đi!”.

        Sau khi bị phạt ngồi xà lim liên tiếp mấy lần, Quýt mới chịu đi làm. Thế nhung khi đọc báo, học tập anh ta bịt tai lại hoặc mo màng lẩm nhẩm đọc kinh, cố tình không nghe. Có ai hỏi, anh ta bảo: “Không nghe cộng sản vô thần, làm mất đạo”.

        Một hôm anh ta trở nên bần thần, mặt nhăn nhó đau khổ. Ai hỏi gì cũng không nói. Qua hai ngày, nguời phờ phạc nhu ốm nặng. Quản giáo báo cáo Oanh, Oanh hỏi anh ta mãi không được, nhưng để ý thấy trên cổ anh ta không còn cái dây thánh giá. Thường anh ta ngồi ngắm tượng Chúa chịu nạn trên thánh giá, đọc kinh suốt buổi tối.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2018, 08:03:00 pm »


        Tối đó Oanh vào trại, thấy Quýt nằm úp mặt khóc. Oanh gọi dậy:

        - Anh Quýt, anh bị mất thánh giá?

        Quýt tròn xoe mắt nhìn Oanh sợ hãi và liều lĩnh như con thú đến đường cùng.

        Oanh dịu dàng:

        - Tôi tặng anh cây thánh giá này.

        Mắt Quýt sáng rục lên, chân tay run rẩy. Anh ta đưa hai tay nâng cây thánh giá bằng bạc lên sát mặt, nhìn chằm chặp, mồm lẩm bẩm gọi tên Chúa, nước mắt trào ra.

        Hôm sau anh ta chịu đi lao động, quản giáo bảo gì không phản ứng như trước.

        Ngày lễ Nô-en, những tù nhân công giáo được nghỉ phần xác. Oanh đem đến cho Quýt nải chuối:

        - Những ngày qua anh lao động khỏe. Đây là phần thưởng cho anh, để anh ăn mừng ngày lễ trọng.

        Quýt cảm động, chắp hai tay không biết nói gì. Oanh vui vẻ hỏi chuyện:

        - Hồi ở nhà anh ăn Nô-en có to không?

        - Dạ, em làm khuân vác. Hôm đó nghỉ phần xác, bỏ việc, lấy đâu ra tiền mà ăn to?

        Oanh ngạc nhiên:

        - Anh khỏe như vậy, làm vất vả quanh năm, không có tiền dành dụm sao?

        Quýt trợn mắt, buồn bã lắc đầu:

        - Thưa ông Giám, em làm kiệt xác mới đủ ăn ngày hai bữa com bã mắm. Họa hoằn khi gặp may, kiếm thêm được một ít lại rượu chè cờ bạc hết. Nói thật với ông, em không có được lấy một cái áo lành!

        Bằng những lời giản dị, thông cảm, Oanh nói cho Quýt hiểu, người ngồi mát ăn bát vàng, kẻ làm kiệt xác không đủ ăn là bất công, là vô lý. Cách mạng là nhằm xóa bỏ cảnh bất công đó, đem lại cơm áo cho người lao động... Quýt nghe vẻ lạ lùng và thấm thìa lắm. Khi đứng dậy đi ra, Oanh bảo Quýt cứ nghỉ cho thảnh thơi, Quýt chớp mắt, hỏi:

        - Thưa ông Giám, người ta nói các ông là cộng sản vô thần, cấm đạo. Sao các ông biết ngày lễ, cho chúng em nghỉ?

        - Chúng tôi “vô thần”, nhưng các anh có tín ngưỡng, đó là quyền của các anh...

        Oanh ngồi lại giải thích chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Chính phủ cho Quýt nghe.

        Từ đó Quýt càng chịu khó lao động, lắng nghe đọc báo và học tập. Dần dần, Oanh và anh em quản giáo giải thích cho Quýt thấy rõ sự khác nhau giữa những người công giáo kính Chúa yêu nước và bọn phản động đội lốt thầy tu, lợi dụng thần quyền, giáo lý và sự mê muội của một số người, đẩy họ vào con đường tội lỗi, làm hại đời họ. Có rất nhiều dẫn chứng thực tế ngay trong cuộc sống khổ cực của Quýt và những sự việc anh biết rõ, nên Quýt chóng nhận ra sự thực.

        Quýt lao động rất khỏe, khi vui chơi lại là một tay đô vật nhất trại. Một năm sau, anh ta biết chữ, tự viết thư về nhà cho vợ. Anh ta đã hối cải, có nhiều tiến bộ nên được ân xá.

        Nhưng từ đó đến nay sống trong lòng Phát Diệm tạm chiếm, cuộc đời anh ta lại rơi vào tay bọn phản động đội lốt thầy tu. Oanh đã không dám tin những đốm sáng tốt đẹp, mới mẻ do cách mạng nhóm lên trong đầu óc anh ta còn có thể đứng vững được giữa bóng đen tăm tối sau những tà áo thụng thâm của bọn Lê Hữu Từ, Hoàng Quỳnh, Nguyễn Gia Đệ!...

        Chỉ nghĩ thì thấy là mong manh. Thật không ngờ!

        Oanh còn nhớ rõ từng nét mặt của Quýt khi anh ta ủ dột, man rợ bước vào nhà giam. Nét mặt mơ màng như ngây dại khi anh ta vỡ vạc về thân phận mình và bắt đầu ý thức được lẽ phải, công bằng... Oanh thấy như hiện lên trước mặt những hình ảnh trái ngược: Một tên côn đồ “Thiết Huyết đoàn”, cuồng tín đến man rợ, tay lăm lăm con dao đẫm máu. Và cũng con người đó, vụng về đến tội nghiệp, bàn tay khuân vác sần sùi như gốc cây, run rẩy đến không cầm nổi cây quản bút mảnh mai, trong buổi đầu anh ta được học viết.

        Oanh còn thấy lại cả chính mình khi đó. Không phải lúc đó anh đã thấy hết ý nghĩa việc làm của mình. Anh đã khơi dậy tình người, đem lại hiểu biết sự thật và chính nghĩa cho phạm nhân với tất cả nhiệt tình và lòng tin vào lý tưởng cách mạng. Anh chỉ mới có ý thức nhiệm vụ rõ rệt hơn là ý thức về kết quả. Anh cũng chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của công việc cải tạo con người.

        Không ngờ, hôm nay anh được kiểm nghiệm kết quả việc làm trước đây của mình, trong một hoàn cảnh thú vị như thế này. Một phần thưởng âm thầm mà vô giá!

        Anh tiếc không thể nói chuyện nhiều hơn với Quýt.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2018, 08:04:27 pm »

 
13

NGƯỜI CÔNG AN CÔNG GIÁO

        Quân vệ sĩ và đại đội 3, tiểu đoàn Tự lực, đã vòng ra phía sau, bao tròn lấy ba thôn vùng du kích, đầu xã. Tiếng súng và lựu đạn rộ lên ở mấy ngõ xóm. Du kích các làng ở tiểu khu 3 đang chặn đánh địch quyết liệt. Đại đội 2 Tự lực được điều từ phía sông Vạc vào trợ chiến.

        Trong khi đó, gần một đại đội vệ sĩ ùa vào những làng xóm yên lành không có du kích. Đây là một làng xôi đỗ, giáo nhiều gấp bốn lương.

        Ngay khi có tin càn quét, nhân dân đã ai về nhà nấy. Nghe nói lính Liên hiệp Pháp càn, người ta lo lắm. Lê dương với Com-măng-đô thì ngay cả tượng Chúa nó cũng không nể. Ở Thượng Kiệm, Trưng Trắc, chúng quật cả bàn thờ xuống đất. Nhưng khi ông trùm Khiêm hớt hải vừa đội khăn xếp vừa chạy ra đầu làng nói lính Đức cha về thì nhiều nhà công giáo đỡ lo. Ở đây, những nhà năng đi nhà thờ đều đã được mua “vé đi càn” do Nhà Chung bán. Trái lại, dân lương nghe thế hết hồn. Lính vệ sĩ ác hơn quỷ. Chỉ riêng “tội” không đi giáo đã có thể tan cửa nát nhà, chết người!

        Bọn vệ sĩ tràn vào đầy làng rồi chánh Vọng mới tới. Hắn huơ huơ khẩu tiểu liên lên trời, bắn bừa một băng để thị uy. Trùm Khiêm khăn đóng, áo dài thâm tất tưởi chạy theo hắn, cố chen với lũ vệ sĩ hộ tống, để được đến gần thưa gửi, chỉ trỏ.

        - Bẩm ông chánh, nhà này tốt ạ, có con đi lính Đức cha.

        - Bẩm, nhà này cày ruộng Nhà Chung. Họ đã mua vé đi càn rồi ạ!

        - Dạ bẩm ông, nhà này đi lương...

        Chánh Vọng vừa như nghe trùm Khiêm lại vừa như không nghe. Hắn gạt tay trùm Khiêm, đi bừa vào một cái sân gạch. Trong nhà, một bà già run rẩy chắp tay vái hắn:

        - Con lạy ông chánh.

        Chánh Vọng quắc mắt:

        - Lạy con mẹ mày! Chúng mày có định đem thóc tô vụ chiêm đến nộp cho tao không, hay là giữ lại nuôi du kích Việt Minh? Bây giờ là tháng mấy rồi, hả?

        Bà già lập cập:

        - Bẩm ông chánh, năm nay trời làm hạn hán, sâu cắn gié...

        - Kệ mẹ trời nhà mày. Cứ mà thiếu một hột thì tháng sau về ông đốt nhà, cắt ruộng!

        Thấy chánh Vọng và vệ sĩ mới rẽ vào ngõ, một ông già chống gậy ra tận cổng, ông gập người xuống lạy rồi cầm tờ giấy “vé đi càn” đưa lên ngang mặt. Nhưng chánh Vọng đã trợn trừng, quát:

        - Tao về dỡ nhà mày đây, thằng già kia! Cái thằng Lu-xi-phe nhà mày đâu? Đức cha đã có nhời truyền đời cho mày biết, không gọi được nó về hầu lạy Đức cha thì cả nhà mày bị rút phép thông công! Ê thằng kia! - Hắn mắng thằng vệ sĩ đang mò ổ gà.

        Ông già mếu máo:

        - Thưa ông chánh, thằng cháu nó chết rồi ạ. Dạ quả là nó bị lính Liên hiệp bắn chết hồi trận càn tháng Hai ạ.

        - Đừng có ma mãnh! - Chánh Vọng dí mũi súng vào trán ông già, làm ông loạng choạng - Nó vẫn còn đi du kích! Thế còn thằng em nó đâu?

        - Dạ nhà con bị Nhà Chung cắt ruộng, không có gì sinh sống, cháu nó phải đi vào phố làm thuê kiếm ăn.

        Trùm Khiêm xen vào:

        - Trình ông chánh, thằng ấy cũng lại đi đâu không ai biết? Người làng kháo nhau, nó ra vùng tự do đi bộ đội Việt Minh.

        - À, chúng mày ghê gớm thật! - Chánh Vọng phẩy tay một cái - Đốt!

        Bọn vệ sĩ xô vào đốt nhà. Ông già kêu xin thảm thiết. Trùm họ mét mặt, chắp tay vái chánh Vọng:

        - Con lạy ông chánh, kế liền bên nhà nó kia là nhà cô em con, xin ông tha cho.

        Chánh Vọng vào nhà xua tay một cái, bọn vệ sĩ ngừng châm lửa. Hắn đạp cửa ngó vào. Trong nhà có một bà già và ba đứa trẻ con ngồi ôm nhau lấm lét nhìn nó. Bà già líu cả lưỡi đọc kinh.

        - Con mày đâu? - Chánh Vọng lừ mắt, hỏi.

        - Dạ... bẩm ông chánh, cháu nó vào phố kiếm ăn!

        - Láo! Nó theo Việt Minh.

        - Dạ không ạ!

        - Những đứa này con thằng Lu-xi-phe đây phải không?

        - Dạ cháu ngoại tôi.

        Trùm họ xun xoe:

        - Dạ bẩm ông chánh, chỉ có đứa gái kia là con thằng cả đi du kích thôi ạ.

        Chánh Vọng bước ra, nhưng rồi hắn quay ngoắt lại:

        - Bay đâu? Lôi con bé về bốt. Bao giờ cha nó về trình Đức cha thì tha.

        Hai tên vệ sĩ xông vào lôi xộc bé gái lên bảy ra khỏi tay bà nó.

        Tiếng bà già, trẻ con khóc thét lên. Em bé cào cấu, cắn vào tay tên vệ sĩ, làm nó tuột tay. Em vội ôm chặt lấy cột nhà.

        Chát! Chát! Bốp! Bốp!...

        Chúng đánh em bé bằng báng súng. Em vẫn ôm chặt cột nhà, gào khóc:

        - Ông ơi! Bà ơi! Cứu cháu mới... ông ơi...

        Ông già chạy vào ôm chặt lấy cháu.

        Báng súng dội chan chát lên đầu, lên lưng ông cụ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2018, 08:05:35 pm »


        Một tên vệ sĩ béo lùn, từ ngoài ngõ xách súng chạy vào:

        - Trình ông chánh, Cha tổng chỉ huy mời ông.

        Chánh Vọng vừa đi ra vừa quát ra lệnh:

        - Kệ mẹ chúng! Châm lửa!

        Ngọn lửa cuồn cuộn bốc lên. Tre nứa nổ lốp bốp. Khói đen trùm lên xóm nhỏ.

        Trùm Khiêm mặt tái bệch, run lẩy bẩy chạy theo chánh Vọng. Bọn vệ sĩ kéo theo. Tiếng kêu khóc nháo nhác bốn bề.

        Khắp đường làng, ngõ xóm có vệ sĩ canh gác. Chúng nó lục lọi mọi nhà, mọi xó xỉnh, góc vườn. Tìm Việt Minh thì ít, vơ vét thì nhiều. Chúng vơ vét những thứ có thể vơ vét được, từ ổ trứng gà đến cái đồng hồ báo thức; những vật gọn nhẹ dễ bỏ túi và những thứ ăn được ngay. Tiếng chó sủa, gà kêu xen lẫn với tiếng khóc, tiếng nổ đì đùng khắp nơi. Rải rác các thôn cuồn cuộn lên những đám cháy.

        Chánh Vọng đi tắt qua một vườn dong riềng. Nghe có tiếng huỳnh huỵch. Đám dong riềng loạt soạt như có gió. Hắn ngó vào, thấy một tên vệ sĩ đang vật một cô bé mười bốn, mười lăm tuổi.

        - Đồ khốn kiếp! Nó bé thế kia!

        Tên vệ sĩ xỏ vội ống quần, thưa:

        Chánh Vọng quay mặt bước đi. Tên vệ sĩ vứt cái quần dài, cắm cổ đuổi theo em bé đang cắm cổ bươn qua hàng rào duối, chạy trốn. Bọn vệ sĩ đi theo chánh Vọng cười hô hố, la hét ầm ĩ như bầy thú!

        Ra đến đầu xóm, tên vệ sĩ béo lùn dẫn chánh Vọng vào một cái sân rộng lát gạch. Ngót ba chục ông già, bà lão, phụ nữ, trẻ con mặt mày hốc hác sợ hãi, ngồi quây vào một góc. Sát thềm nhà có ba thanh niên quần áo tả tơi, máu đầm đìa lẫn với đất cát, đầy mặt và áo quần. Hai tay bị trói chặt, họ nằm sóng sượt. Bọn vệ sĩ cầm súng cắm lưỡi lê, đứng vòng trong vòng ngoài.

        Chánh Vọng rẽ vệ sĩ vào nhà. Trong cái nhà ngói năm gian lô nhô đầy súng ống và áo đen, khăn vàng. Gian giữa thụt sâu vào trong có bàn thờ Chúa. Hai ngọn nến leo lét trước tượng Chúa chịu nạn tô màu. Sát tường treo ảnh “Lái tim”. Phía ngoài, bộ bàn ghế tiếp khách bị dẹp vào một bên, dành một khoảng trống cho Cha tổng chỉ huy làm việc. Cha tổng chỉ huy mặc quân phục Tự lực, đầu đội mũ bê rê, khẩu côn sệ trước bụng. Nom cha trẻ như chỉ ngoài hai mươi tuổi. Cha ngồi nghiêng người về phía trước, hai nắm tay chống lên đầu gối. Trước mặt cha, một em bé chừng mười lăm tuổi mặc quần áo nâu cộc, phanh hàng khuy ngực. Hai tay em bị trói giật cánh khuỷu ra sau bằng sợi dây cói chẻ, bện to hơn ngón chân, dòng qua sà nhà. Đầu dây kia hai tên vệ sĩ cầm lăm lăm chực kéo xuống để treo em bé lên. Tên Tăng mặc Âu phục, cúi xuống xách tai em bé, hỏi:

        - Mày nói đi. Những thằng kia là ai?

        Em bé nhăn nhó xuýt xoa, không nói.

        Chánh Vọng bước vào, gập người chào Cha tổng chỉ huy. Cha cau mày:

        - Ông Chánh bắt được mấy đứa?

        - Dạ...

        - Hay nhận được giấy cảnh cáo của công an Việt Minh ông chùn tay rồi?

        Chánh Vọng đỏ mặt, vẻ ấm ức:

        - Trình cha. Đầu thằng Vọng này còn thì nó còn uống máu ăn gan Việt Minh!

        - Hừ. Hừ ừ ừ... - Cha nhếch mép, tiếng cười hừng hực trong cổ tuôn ra đằng mũi. Nhìn chánh Vọng, cha gật đầu nói:

        - Ông ra tay xem lũ kia là ai? Ta vây bắt được trong xóm đấy. Thằng bé kia hòng đánh động cho chúng tẩu thoát.

        Chánh Vọng quay ngoắt ra thềm, xăm xăm đến lật mặt những người bị trói, xem. Hắn bỗng nắm lấy cánh tay một trong ba người đó, lôi xềnh xệch vào, quật ra giữa nhà. Hắn đỏ mặt, hung hăng như hóa rồ:

        - Trình cha. Thằng du kích này con xin?

        - Ông Chánh cứ từ từ. - Tên Tăng xua tay, nói.

        Chánh Vọng tuốt nguợc hai ống tay áo, chống nạnh, hùng hổ nhu sắp nuốt tươi anh thanh niên. Hắn nghiến răng:

        - Ông Tăng không phải phí công. Trình cha, đây là thằng Hiệp. Bố nó trước cày ruộng con, rồi theo Việt Minh. Năm Bốn chín đòi giảm tô! Còn nó là công an xã, con biết. Tháng Tư nó đã đưa Việt Minh về, đòi phá tề. Con được cấp báo, vội đem quân vây bắt, nhưng không được. Xin cha cho con kéo lưỡi nó ra.

        Tên Tăng bước tới, thúc mũi giày vào đầu Hiệp:

        - Anh Hiệp, anh biết hai người kia là ai không?

        -Tôi không biết. - Hiệp trả lời.

        Chánh Vọng xô vào. Tăng gạt hắn ra:

        - Ông chánh! - Rồi ra vẻ nhân từ, dễ dãi, tên Tăng nói như nói với chính mình:

        - Một con chiên lạc đàn, tội nghiệp! Anh ta đang cần một sự nâng đỡ, dìu dắt để trở về con đường quang minh chính đại, để góp phần giữ vững bền và mở mang bờ cõi nước Chúa. - Hắn phanh hàng khuy áo của Hiệp, kéo cái thánh giá xinh xắn đặt lên giữa bộ ngực nở nang rám nắng của anh - Anh Hiệp, anh còn được lòng Mẹ nhân từ che chở nên hôm nay may mắn được gặp cha...

        Cha tổng chỉ huy phẩy tay ra hiệu cho vệ sĩ:

        - Hãy cởi trói cho con ta!

        Hiệp phủi áo đứng dậy. Đôi cánh tay tím đen, sưng vù như hoa chuối, chằng chịt ngấn thừng. Anh nhíu đôi mày, vẻ phân vân.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2018, 08:06:07 pm »


        - Hãy lại đây con! - Cha tổng chỉ huy nói - Con hãy nghe cha... Vì danh Chúa cả, con hãy rời bỏ Việt Minh - cộng sản vô thần! Cha sẵn sàng mở cho con con đường trở về nước Chúa?...

        Hiệp mấp máy đôi môi sưng bầm hoen máu. Mắt anh mở to, lóng lánh ánh lên hai đốm sáng phản chiếu hai ngọn nến trên bàn thờ phía trong. Anh nói chậm rãi, khó khăn:

        - Thưa cha, con vẫn hằng ngày đọc kinh và ngắm ảnh Chúa. Lòng con không bao giờ sao nhãng việc thờ phụng. Nhưng khi giặc Pháp xâm chiếm...

        - Con đã phạm sai lầm lớn. - Cha Quỳnh cướp lời Hiệp, nói tràn đi - Con nghe theo tuyên truyền của kẻ vô thần, trở nên cứng lòng. Chính Việt Minh phá đạo, ức hiếp Đức cha, đè nén giáo dân; gây nguy cơ tuyệt diệt Công giáo ngay trên đất Chúa.

        - Thưa cha, chỉ những kẻ làm tay sai cho giặc, phản bội Tổ quốc mới không xứng đáng đứng trong nước thiêng của Chúa.

        - Thằng láo! - chánh Vọng gầm lên.

        Cha tổng chỉ huy cố nén giận, cười nhạt:

        - Con đã sa ngã quá! Hãy sớm hối lại; đừng biến mình thành quỷ dữ! - Đôi môi cha run lên. Hiệp vẫn bình tĩnh, tự chủ:

        - Thưa cha, những kẻ cam tâm theo giặc, giết hại đồng bào, mới là quỷ dữ...

        “Chát!” Một cái báng súng từ phía sau bổ vào đầu Hiệp. Hiệp gượng lại nhưng cứ ngã sấp, sóng soài ra nhà.

        Hoàng Quỳnh cắn răng đến bạnh hàm, khẽ lắc đầu một cái, như sai bảo: “ông chánh còn chờ gì?”.

        Chánh Vọng xông ngay vào, quỳ gối lên lưng Hiệp. Hắn nắm tóc anh đập mạnh mặt anh mấy cái xuống nền nhà. Máu mũi trào ra lênh láng. Hắn cứ thế lôi xềnh xệch anh ra vườn. Hai ba tên vệ sĩ xúm vào hùa giúp hắn.

        Hoàng Quỳnh đứng dậy, bước ra sân, hai tay chắp đít bảo Tăng:

        - Ông cứ xem xét bọn chúng xem?

        Bước qua hai người bị trói nằm ở bậc thềm, hắn hất hàm về phía những người bị quây tròn ở sân, nói với tên vệ sĩ béo lùn:

        - Các con hãy ra tay với bọn vô thần kia, cho chúng hiểu bàn tay vệ sĩ, rồi kêu gọi chúng hãy về với nước Chúa...

        Cha đi thẳng ra ngõ, lắng nghe tiếng súng đang rộ lên phía cuối xã. Nhưng rồi cha không thèm chú ý tới, cha quay vào nhà. Vừa lúc đó có hai lính tự lực chạy vào:

        - Trình cha, ngoài xóm bốn đang đánh nhau to. Du kích chống trả quyết liệt. Ông Tư mời cha.

        Cha cau mày:

        - Bảo ông Tư dốc lực đánh dấn vào!

        Ngồi xuống ghế giây lát, nghĩ thế nào, cha lại đi theo hai tên lính đến chỗ Tư Thảo.

        Trong khi đó dưới bụi sắn dây rậm rì, vắt từ cây mít sang búi tre ở góc vườn, chánh Vọng đang tự tay cầm dao găm xẻo từng miếng thịt trên người anh công an công giáo. Dưới lưỡi dao và đôi tay đỏ lòm của chánh Vọng, Hiệp chỉ còn thoi thóp... Cho đến khi mũi dao thọc sâu vào mỏ ác rạch xuống, chánh Vọng cầm gan ruột anh lôi ra, Hiệp không thốt ra một lời nào!

        Ngoài sân, theo lệnh tên vệ sĩ béo lùn, gần hai trung đội vệ sĩ quây lấy đám ông bà già, phụ nữ trẻ con. Chúng chia nhau lôi họ ra thành từng cụm để đánh đập, gạn hỏi từng người, bắt họ bỏ lương tòng giáo - Nhà Chung đã quyết biến các làng này từ xôi đỗ thành toàn tòng.

        Trong nhà bỗng vang lên tiếng kêu khóc thảm thiết của chú bé mười lăm tuổi. Tiếng kêu thảm thiết đó đốt cháy tim gan một người phụ nữ đang bị hai người mặc quần áo đen giữ lại. Người đàn bà nắm cái thánh giá cùng mảnh áo Đức Bà, mếu máo chắp tay lạy van:

        - Con lạy hai thầy! Con dại cái mang. Nó có làm nên tội tình gì xin các thầy hành hạ thân con. Tội nghiệp, nó mới ốm dậy... Con cắn rơm cắn cỏ lạy các thầy. Cha nó trước cũng trong hàng chức sắc, sớm về hầu Chúa, chỉ để lại được mình nó...

        - Bà phó hội Bàn, bà hãy nghe tôi. - Tên mặc áo đen đội mũ phớt nói - Chỉ mình bà cứu được nó thôi. Nó biết những thằng kia thì bà cũng biết chứ?

        - Thưa hai thầy, nào con có biết? Quả tình con không để ý.

        - Thế thì làm sao bà cứu được con bà? Tội nghiệp. Các ông trong ấy thì nặng tay lắm!

        Câu nói đó càng xé ruột gan người mẹ. Bà ngồi bệt ra đất mà vái tên đội mũ phớt.

        - Con chưa biết thật, nhưng các thầy tha cho cháu, rồi con gạn hỏi nó.

        - À à... cũng được. Bà có thấy nó hay đi lại nhà ai không?

        - Dạ thưa thầy, cháu đi ăn đi học, con có để ý đâu. Thỉnh thoảng có người cháu nhà ông Tấm hay qua lại thăm ông ấy, cháu có sang nghe người ta nói chuyện.

        - Nhà ông Tấm gần nhà bà không?

        - Dạ gần.

        - Ông ấy có nhiều khách không?

        - Con không để ý, nhưng có vài ba người.

        - Tốt lắm. Tôi cho bà bảo đảm con bà. Tôi xin tha cho, nhưng bà phải nhớ giúp đỡ chúng tôi tí việc rồi Chúa sẽ rủ lòng đoái thương mẹ con bà và cả linh hồn ông Phó hội nơi thiên đàng.

        Bà phó hội Bàn sợ hãi cuống quýt:

        - Dạ con biết giúp các thầy được gì ạ?

        Tên đội mũ phớt mỉm cười gật đầu:

        - Bà phó cứ yên tâm. Rồi chúng tôi sẽ nói chuyện với bà. Chỉ cần bà biết giữ kín đáo.

        Tên đội mũ phớt nói xong đi vào nhà. Em bé đang bị treo ngược lên xà nhà, hai thằng vệ sĩ câm roi đánh.

        Tên Tăng hỏi tên đội mũ phớt:

        - Thế nào ông Thư?

        Tên Thư đến ghé tai tên Tăng:

        - Tôi xin ông thằng bé.

        - Sao lại thế được?

        - Ô... vì mục đích chung. Tất nhiên là các ngài Xứng và Mi-lô sẽ có đền bù thích đáng cho Tổng bộ và riêng ông.

        Tên Tăng đang bất lực với em bé, không thiết giữ, vẫn làm bộ tiếc rẻ:

        - Thật là... Nhưng tùy ông vậy. Mong ông hiểu, chúng tôi bao giờ cũng hết lòng với Liên hiệp và Bắc phần. - Hắn khoát tay cho bọn vệ sĩ - Giao thằng ôn con cho ông Thư.

        Cởi trói cho em bé xong, tên Thư nói:

        - Em được về với mẹ em. - Hắn dắt em bé ra giao cho bà phó hội Bàn và nói:

        - Bà đưa cháu về. Tôi sẽ cho cứu thương đem thuốc đến cứu chữa nó.

        Trong nhà, tên Tăng bảo bọn vệ sĩ giải hai anh lạ mặt về nhà giam Tổng bộ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2018, 08:06:56 pm »


*

*       *

        Tư Thảo đang bực bội. Quân của hắn đã dốc toàn lực lượng tấn công mà không thể nào vào làng bốn được. Từ sáng đến giờ, đã năm lần xung phong, đều bị du kích từ trong làng đánh bật ra. Chở hai xe lính chết và bị thương về rồi mà rải rác còn gần chục đứa nằm, ngồi kêu khóc. Thế mà Tổng chỉ huy và hai đại đội vệ sĩ thì cứ yên chí chúi đầu vào cái việc chính trị thường dân khốn nạn ấy. Đã nhiều lần khó chịu về cách hành quân kiểu này nhưng chưa bao giờ Tư Thảo bực tức khổ tâm đến thế. Đã bao nhiêu lần lão từ chối kiểu hành quân thế này mà rồi cứ phải đi.

        Không có quân Liên hiệp Pháp phối hợp thì đánh thế nào được Việt Minh? Tư Thảo không thể hình dung một cuộc tấn công vào vùng du kích lại thiếu những tiểu đoàn chính quy được Pháp trang bị súng đạn, hậu cần đầy đủ. Nếu không được cơ giới, máy bay hỗ trợ thì ít ra cũng phải có pháo binh bắn dọn đường, bắn yểm trợ xung phong chứ? Làm thế nào mà tưởng tượng được thắng lợi với vài khẩu súng máy đánh suông như đám quân Tự lực rách rưới và bầy vệ sĩ ô hợp này! Chúng nó chỉ được một việc là cướp phá, càn quét của dân lành thôi. Đã đánh nhau thì quân đội phải cho ra quân đội cái đã: Phải tập trung tiêu diệt lực lượng kháng cự của đối phương.

        Đằng này “người ta” dùng quân đội đánh dân, làm cái việc bắt lương tòng giáo với đốc thúc thu tô, thu thuế! Có trường võ bị nào dạy đánh đấm kiểu đó? Tổng chỉ huy thì tụt đằng sau. Chỉ cái xác già này là phải đẩy lên trước và giơ đầu hứng đòn!...

        Thế nhưng khi thấy Hoàng Quỳnh ra, Tư Thảo phải trấn tĩnh, lễ phép:

        - Trình cha, không thể vào làng bốn được. Xin lệnh cha?

        Hoàng Quỳnh cau mày:

        - Có cái xóm bé tẹo, lâu nay đã thuần phục mà hai đại đội chủ lực không vào nổi!

        - Trình cha, cả một đại đội vệ sĩ và hai trung đội bảo chính đoàn tăng cường nữa đấy... Nhưng không có pháo binh yểm hộ và thực tình lính tráng của ta chưa được huấn luyện tấn công như quân Liên hiệp...

        - Thôi được! Bây giờ thế nào? Ông tham mưu trưởng cho biết có thể tấn công một lần nữa không?

        Tư Thảo nhấc cái mũ kê pi, gãi gãi mái tóc hoa râm bắt đầu hói, rồi rút khăn lau mồ hôi trán, nói:

        - Cha xem đấy. Thương vong nhiều, quân lính mệt mỏi, tinh thần sa sút... Còn bên kia, nghe tiếng súng thì hình như du kích có được tăng viện?

        Hoàng Quỳnh nhăn mặt. Lão hiểu.

        Ngay hai đại đội vệ sĩ đi theo lão cũng mỏi mệt và đứa nào cũng lỉnh kỉnh những đồ vật vơ vét được, còn thiết gì đánh chác! Lão giận dữ vì những lo toan sâu xa. Cái làng bốn thế là mất! Thực tâm lão đâu dám nghĩ một mình quân Nhà Chung dám đánh vào làng du kích. Chẳng qua là càn quét bình định giữ vững vùng chiếm đóng, đốc thúc tô, thuế cho khu tự trị đủ chi dùng lúc khó khăn eo hẹp này. Thế này là bị lấn mất một làng rồi. Chẳng chóng thì chầy Việt Minh sẽ lấn hết!...

        Lão nói ken két trong hàm:

        - Nếu ông tham mưu bất lực thì ông cho rút về vậy. Ngày mai sẽ có quân tăng viện.

        Tư Thảo cáu lắm. Môi ông ta run lên. Nhưng cái tuổi già đã đóng vai can gián có hiệu lực. Ông ta xuôi tay nhẫn nhục, cam chịu. Chờ Cha tổng chỉ huy quay mặt lão mới lầm lũi bước. Trong đáy tai lão ù lên những tiếng ong ong, kéo dài như đi giữa rừng ve mùa hạ. Cái thứ tiếng chối tai làm oải người ấy xa vời vợi không gian chung quanh, tách lão ra khỏi hoàn cảnh đang sống một cách buồn tẻ.

        Lau mồ hôi trán, lão rủa thầm: “Kệ sư chúng mày! Tội gì tự hành mình cho khổ cái xác già”. Nhưng rồi lão vẫn thấy “cái xác già” của lão cực quá! Lão có được cái gì cho đáng của? “Quân trẻ ranh. Tiên sư cái lũ!...”

        Nhưng lão còn biết làm thế nào?

        Càng những lúc này lão mới thấm thìa cái thân phận làm vì, làm đệm của lão!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2018, 08:31:53 pm »


14

“TÔI XIN BỘC BẠCH VỚI CÁC ÔNG”

        Hôm sau, không vào được làng bốn, Hoàng Quỳnh cho lệnh rút về thị trấn.

        Tư Thảo về nhà tắm giặt, muốn rũ sạch bụi đường hành quân và cả những cực nhục đè nặng mình trong hai ngày dằng dặc vừa qua. Lão muốn vùi đầu vào sụ vuốt ve của cô vợ trẻ, hưởng chút vui thú tuổi già, tụ coi như được đền bù. Hôm nay lão hẳn sống đã. Ngày mai sao hãy hay!

        Chiều hôm sau lão ở Tổng bộ về, cô Huệ nói với lão:

        - Sáng nay, anh Kháng đến chơi, nói cần tìm ông.

        - Nó có nói tìm tôi làm gì không?

        - Em không biết. Chỉ thấy hắn nói có việc cần. Nom hắn có vẻ lo nghĩ. Chắc rồi hắn sẽ quay lại.

        Tư Thảo gật đầu, “hừ” một tiếng, phẩy tay:

        - Thây kệ hắn. cần thì hắn đến.

        Hôm sau Kháng đến. Chưa nói anh ta đã lau mồ hôi trán.

        Tư Thảo sốt ruột giục:

        - Có việc gì mày nói đi xem nào?

        - Dạ thưa ông, - Kháng vẫn khách sáo lễ nghĩa - ông hành quân có được thắng lợi như ý không

        - Thắng cái con khỉ! Đâu phải là hành quân! Một cuộc cuớp phá dân thường. Thật nhục nhã! Không biết bao giờ người ta mới phiên chế được chúng nó vào các đơn vị Liên hiệp? Có chấm dứt được cái trò trẻ cát cứ này, thân tao mới nhẹ nợ. Còn mày, có chuyện gì cứ nói thăng tao nghe?

        Kháng xoa hai bàn tay, thưa:

        - Dạ, có người ngoài kia vào, nói ông Tiến có lời hỏi thăm ông.

        Tư Thảo đứng vụt dậy như có lò so bật:

        - Ông Tiến biết tao ở đây à?

        - Dạ không hiểu sao ông ấy biết?

        Tư Thảo cắn môi. Lão muốn túm cổ tên anh vợ mà hỏi cho ra mấy cái truyền đơn hôm trước ai nhét vào túi áo lão và những câu chuyện nửa kín nửa hở này. Nhưng như vậy để rồi làm gì? Lại hóa ra chống đối họ? Nhưng chả lẽ lại van xin với thằng nhãi này?

        Lão thở khò khè trong cổ như sắp nổi cơn hen. Lão hậm hực:

        - Hừ. Ông Tiến cũng biết!

        Kháng tiếp luôn:

        - Dạ, ông ấy có gửi thư cho ông.

        - Thế à? Gửi cho tao? Đề tên tao?

        - Dạ vâng.

        - Người cầm thư đâu rồi?

        - Người ấy hiện đang ở thị trấn đây. Nếu ông vui lòng cho họ gặp để đưa thư...

        - Ừ. Mày đưa họ đến đây ngay. - Lão sốt sắng.

        - Dạ, e rằng họ không đến, vì họ chưa biết ý ông thế nào? Nhỡ vào, bị quân của ông giữ lại thì không lợi.

        - Cũng phải... Có thư ông Tiến gửi thì mày hẹn với họ chỗ nào, rồi tao đến, tao gặp?

        Oanh đã bố trí sẵn nhà anh Chính ở Thủ Trung. Gia đình anh ấy đi Nam Định vắng. Hai đội viên công an xung phong canh chừng sẵn ở ngoài, đề phòng trường hợp bất trắc.

        Đúng giờ hẹn, Tư Thảo một mình lững thững qua cầu sông Vạc. Kháng đón ông ta ở phố Thủ Trung, dẫn vào nhà anh Chính.

        Oanh ra tận sân đón, mời Tư Thảo vào nhà và tự giới thiệu:

        - Tôi là người của Chính phủ kháng chiến, được cấp trên cử đến gặp ông để đưa bức thư của ông Tiến gửi ông và trình bày thêm với ông một số ý kiến.

        Tư Thảo khẽ “vâng”, nét mặt xúc động bối rối. Bàn tay run run khiến Tư Thảo vịn chặt vào thành ghế.

        Oanh pha trà, rót nước mời Tư Thảo uống, hỏi thăm vài câu xã giao rồi đưa thư. Tư Thảo mở thư đọc ngay.

        Ông Tiến hỏi thăm, khích lệ tinh thần dân tộc, có phần chiếu cố hoàn cảnh của lão. Ông không trách cứ gì nhiều lại có lời thân tình khuyên nhủ Tư Thảo giúp đỡ kháng chiến, đừng phản bội Tổ quốc...

        Mặt lão đang tai tái giờ đã hồng hào dần. Những nếp nhăn trên trán, trên đuôi mắt dãn ra. Tư Thảo gật gật đầu đọc đi đọc lại nhiều lần bức thư.

        Đặt bức thư, Tư Thảo ngửng nhìn Oanh, hỏi cách cởi mở:

        - Ông mới ở ngoài ấy vào? Ông có được trực tiếp gặp ông Chủ tịch? Ông ấy và quý quyến có được mạnh khỏe bằng an luôn không?

        Qua vài câu hỏi thăm thân tình, Tư Thảo hỏi thẳng:

        - Ông Chủ tịch có biết tôi làm gì trong này không?

        - Dạ có. - Oanh từ tốn đáp - ông ấy biết rõ chức vụ, việc làm của ông cũng như tình hình vùng Kim Sơn bị tạm chiếm...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM