Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 12:40:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những người sống và những người chết  (Đọc 17588 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2019, 08:07:26 am »

—Đồng chí ấy bị thương ở bên sườn đấy, — người phi công hất hàm về phía Xintxốp mà nói, vẫn cau có như bất cứ lúc nào. — Đồng chí ấy phải đi bệnh viện cấp tốc.

— Bị thương hả?—đại úy hỏi lại, đôi mắt có ý nghi ngờ như muốn bắt Xintxốp cởi áo ra và chí cho xem vết thương.

«Lão ta không tin», — Xintxốp nghĩ thầm và anh cảm thấy nhục nhã đến chín người.

Nhưng lúc này chính đại úy cũng đã trông thấy vết máu thẫm hoen trên tầm áo Xintxốp. Anh quay lại Liuxin:

— Đồng chí hãy báo cáo lại cho chính trị viên của đồng chí biết tại sao đồng chí từ chối không chịu ở lại chiến đấu. Hay là đồng chí cùng bị thương nốt, nhưng đã giấu tôi chăng?

—Tôi không bị thương! —giọng Liuxin bỗng như rít lên và bộ mặt đẹp trai của anh ta đanh lại. — Mà tôi cũng chẳng từ chối gì hết! Tôi sẵn sàng làm mọi việc! Nhưng tôi có nhiệm vụ của tổng biên tập giao cho phải đi đến nơi về đến chốn, không có lệnh cấp trên trực tiếp thì tôi không thể tự ý hành động được.

— Vậy đồng chí ra lệnh cho đồng chí ấy thế nào? — đại úy hỏi Xintxốp.—Tình hình chúng tôi gay go đấy, cả lô bộ đội mà tôi chẳng có lấy một cán bộ chính trị. Mới hôm qua vừa thoát khỏi vòng vây, mà hôm nay đã bị ấn đi lấp lỗ hổng của người khác rồi. Trong khi tôi thu nhặt người ở đây thì những người cuối cùng của lữ đoàn đang bỏ mạng ở đằng kia, bên sông Bêrêdina.

— Được, tất nhiên nếu đồng chí muốn thì cứ ở lại thôi, đồng chí Liuxin ạ,—Xintxốp thản nhiên nói. — Vào địa vị tôi, tôi cũng sẽ...—Anh ngước mắt nhìn Liuxin, và khi bất gặp cái nhìn của anh ta, mới hiểu ra rằng anh ta không muốn ở lại tí nào mà chờ đợi ở anh những lời nói khác hẳn.

— Thôi, thế là xong nhé,—đại úy nói và nghiêm nghị quay lại nhìn Liuxin chòng chọc. — Đồng chí đến gặp chuẩn úy và cùng đồng chí ấy nắm quyền chỉ huy trung đội đi.

— Miễn là đồng chí phải báo cáo cho tổng biên tập biết cái kiểu tự tiện quyết định này và biết rằng cả đồng chí cũng... — Liuxin quát thẳng vào mặt Xintxốp, nhưng chưa kịp nói hết câu thì đại úy đã đưa bàn tay quân băng xoay mạnh người anh, đẩy về phía trước.

— Đồng chí ấy sẽ báo cáo, đừng lo. Cứ việc thi hành mệnh lệnh đi. Bây giờ cậu thuộc về lữ đoàn chúng tớ rồi. Mà nếu không phục tùng thì tớ sẽ cho mất mạng đấy!

Liuxin bước đi, vai so lại và, trong phút chốc, anh không còn cái tư thế của một quân nhân nở nang cân đối và hiên ngang như trước đây nữa; Xintxốp thì cảm thấy mình đuối sức không sao gượng nổi, phải ngồi phịch xuống dất.

Đại úy ngạc nhiên nhìn Xintxốp, nhưng khi sực nhớ ra chính trị viên bị thương, anh định nói một điều gì đó thì chiếc máy điện thoại đã khẽ reo lên, anh phải vớ lấy ống nghe.

— Thưa đồng chí trung tá, tôi nghe đây! Tôi đã cho một tổ đi theo đường cũ. Đã lập xong tổ thứ hai. Đi đâu ạ? Tôi sẽ đánh dấu trên bản đồ ngay bây giờ. —Anh rút ở ngực áo ra một tấm bản đồ gấp tư, đưa mắt nhìn được một điểm nào đó liền bấm mạnh móng tay xuống đánh dấu. —Đúng thế ạ, anh em đang phục kích ạ.—Xintxốp hiểu rằng anh ta đang nói đến những khẩu pháo bên cạnh đường. — Và họ đã xâu lựu đạn thành từng chùm phòng khi cần tới. Chúng tôi sẽ không đế cho chúng đi thoát đâu ạ!

Rồi đại úy ngừng lời, lắng nghe điều gì hồi lâu, vẻ mặt hớn hở.

—Thưa đồng chí trung tá, rõ ạ!—cuối cùng anh nói.— Rõ lắm rồi ạ. Và chính ở chỗ chúng tôi đây... — anh định báo cáo thêm điều gì đó, nhưng rõ ràng đã bị cắt đứt ở bên kia đầu dây. —Vâng, xin thôi ạ! —anh lúng túng nói.—Tôi cũng đã nói hết rồi.

Anh đặt ống nghe xuống hòm, đứng dậy nhìn vào mặt người phi công với vẻ mặt tựa hồ như mình có khả năng nói một điều gì vui mừng với con người có chiếc máy bay vừa bị bốc cháy và đã trông thấy anh em đồng đội hy sinh ngay trước mắt mình. Và đúng là như vậy, anh đã nói lên được điều duy nhất lúc này có thể làm cho người phi công vui lòng.

—Trung tá báo rằng hôm nay vị tất địch đã đột phá được theo con đường cái này. Bọn Đức chí mới chuyển qua sông được một số ít xe tăng. Các đồng chí đã chặn được số xe tăng còn lại ở bên kia sông Bêrêdina. Cầu đã bị phá tan ra cám, không còn thấy dấu tích gì nữa cả.

— Cầu ra cám thì chúng tôi cũng ra cám nốt, có gì đâu mà hãnh diện! — người phi công ngắt lời, nhưng qua nét mặt anh, người ta thấy dù sao anh cũng vãn lẫy làm tự hào về chuyện chiếc cầu đó.

— Chà, các đồng chí bốc cháy mới gớm chứ! Chúng tôi phải đưa nắm tay lên miệng cắn tưởng đến nát cả tay ra! — đại úy nói. Anh muốn an ủi người phi công. —Thằng Đức rơi xuống đây, tôi muốn bắt sống nó, nhưng làm sao thuyết phục anh em điểu đó, sau khi họ đã trông thấy tất cả mọi sự việc.

— Vây thằng Đức đó đâu rồi? —Xintxốp vừa hỏi vừa gượng cất mình dậy.
 
— Ở đây, đằng sau mấy cây thông ấy, nhưng tốt hơn là đừng nhìn nó làm gì, —đại ủy phẩy tay.—Trông nó y như đã bị xe tăng nghiền vậy... — Rồi nhìn Xintxốp đang tái nhơt người đi vì bị mất máu, anh nói thêm: Đồng chí đi đi, đồng chí đã bị thương thì tôi không giữ lại đâu!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2019, 08:08:01 am »

— Chúng tôi hãy còn hai người bị thương nữa nằm trong xe—Xintxốp nói tựa hồ như vẫn muốn tự bào chữa thêm, — Và một người chết.—Anh định nói rõ người chết đó là một vị tướng, nhưng lại thôi vì thấy cũng chẳng để làm gì.— Ta đi thôi,—anh bảo người phi công.

— Nhưng có lẽ tôi sẽ ở lại đây, — người phi công nói chậm rãi mà cương quyết: suốt thời gian trò chuyện, anh đã suy nghĩ về vấn đề đó, cuối cùng anh đã quyết tâm và không có ý định thay đổi ý kiến nữa. — Cậu cấp cho tớ một khẩu súng trường chứ?—anh hỏi đại úy.

— Tớ không cấp đâu,—đại úy lắc đầu một cách dứt khoát.—Chim ưng yêu quý ơi, tớ không cấp đâu! Tớ biết sử dụng cậu vào việc gì được, mà cấp cho cậu cái đó thì cũng ăn thua gì kia chứ? Cậu hãy đi lên kia kìa! — Anh giơ bàn tay quấn băng xỉa lên trời. — Chúng tớ đã phải rút lui ngay từ ở Slútxk, ngày nào cũng khổ tâm thấy các cậu bay ít quá. Cậu hãy đi đi, bay đi, lạy trời, đó là tất cả những gì đòi hỏi ở cậu! Còn những việc khác thì chúng mình sẽ tự làm lấy.

Xintxốp dừng lại bên xe ô tô, chờ xem câu chuyện đó sẽ kết thúc ra sao.

Nhưng những lời nói của đại úy chẳng làm cho người phi công động lòng được bao nhiêu. Kể ra nếu có hy vọng lĩnh được chiếc máy bay mới thay thế cho chiếc đã bị hạ thì chính anh cũng chẳng muốn ở lại đây đâu, nhưng anh không có hy vọng đó và đã quyết tâm chiến đấu dưới mặt đất.

— Không cho súng trường thì tớ sẽ tự xoay lấy, —anh nói với Xmtxốp và Xintxốp hiểu rằng vỏ quít dày đã gặp phải móng tay nhọn. — Cậu cứ đi di, có điều là hãy đưa hoa tiêu của tớ vào bệnh viện cho chu đáo nhé.

Người sĩ quan xe tăng im lặng. Khi Xintxốp ngồi vào buồng lái người lính xe tăng và người lính máy bay vẫn yên lặng đứng bên nhau, một người thì cao lớn, một người thì thấp bé to ngang, cả hai đều bướng bỉnh, dữ tợn, bực bội vi những trận thất bại vừa qua và sẵn sàng xông vào những cuộc chiến đấu mới.

— Đồng chí đại úy, họ tên đồng chí là gì nhỉ? — ngồi trong buồng lái rồi, lần đầu tiên từ nãy đến giờ Xintxốp mới sực nhớ đến tòa báo liền hỏi.

— Tên tôi hả? Định đi khiếu nại hay sao đây? Chăng ăn thua gì đâu! Tất cả cái nước Nga này đang dựa vào cái tên của tôi đây nhé. Ivanốp. Cậu hãy ghi sổ đi. Hay là cứ thế cũng đủ nhớ được rồi?

Khi xe từ trong rừng chạy ra đường cái, Xintxốp còn một lẩn nữa trông thấy người chiến sĩ mà anh đã cho phép rời khỏi trạm gác; anh ta đang ngồi cạnh hai chiến sĩ khác và cũng làm một công việc như họ: xâu lựu đạn vào dây điện thoại từng chùm ba bốn quả một.

Phải đi mất hơn hai tiếng đồng hồ mới tới được Môghilép. Thoạt tiên một loạt đại bác từ phía sau vọng lại, rồi sau. bốn bề trở nên im lặng. Cách thành phố không đầy mười cây số, Xintxốp trông thấy những khẩu pháo do ngựa kéo đang tiến vào vị trí ở cả bên phải và bên trái đường, một đoàn bộ binh thì đang hành quân trên đường cái. Anh như đang đi trong một đám sương mù; anh tưởng mình buồn ngủ nhưng thực ra chốc chốc anh ngất xỉu đi rồi lại hồi tinh lại.

Hai chiếc tiêm kích đang bay tuần phòng trên bầu trời ngoại ô Môghilép. Cứ thấy cao xạ im hơi lặng tiếng cũng đủ biết những chiếc tiêm kích đó là của ta. Chăm chú nhìn, Xintxốp nhận ra đó là những chiếc «MIG». Anh đã trông thấy những chiếc máy bay kiểu mới này từ dạo mùa xuân ở Grốtnô. Người ta kháo nhau rằng về tốc độ chúng vượt xa những chiếc «Métxersmít».

«Không, tất cả chưa đến nỗi nào đâu»,—Xintxốp thầm nghĩ qua cơn mệt mỏi và dau đớn, mặc dầu chính anh cũng không hoàn toàn hiểu rõ rằng lòng tin đó đã đến với anh chủ yếu là do anh nhớ lại các sĩ quan và chiến sĩ xe tăng đã giữ xe anh lại, nhớ tới người trung úy có tác phong giống như đại úy của mình và nhớ tới người đại úy mà tác phong chắc hẳn cũng giống như trung tá của mình, hơn là do trông thấy bộ đội pháo binh chiếm lĩnh trận địa trước Môghilép hoặc cảnh tượng những chiếc «MIG» đang tuần phòng trên bầu trời thành phố.

Khi chiếc xe tải đỗ lại trước cửa bệnh viện, lần cuối cùng Xintxốp lại phải thu hết sức lực, bám chặt vào thành xe, chờ cho người ta khiêng người hoa tiêu đang mê man, người chiến sĩ đang nghiền răng rên rỉ và vị trung tướng đã chết xuống xe. Rồi anh ra lệnh cho người lái xe quay về tòa soạn và báo cáo rằng anh đã ở lại bệnh viện.

Người lái xe kéo thành xe đằng sau lên; Xintxốp nhìn vào những gói báo đầm đìa máu, chợt nhớ ra hầu như mình chưa phân phối được gì cả, rồi đứng lại một mình trên đường phố rải đá.

Anh còn tự mình bước được vào phòng tiếp nhận bệnh nhân. Anh móc giấy tờ của trung tướng ở túi áo ra, đặt lên bàn, sau đó thò tay vào túi tìm giấy chứng minh của mình rút ra đưa cho chị y tá và trong khi đợi chị cầm lấy, anh quay người sang bên một cách khác thường, rồi ngất đi, ngã gục xuống nền nhà.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2019, 08:08:54 am »

CHƯƠNG BA

Hai tuần lễ sau khi bị thương, lúc Xintxốp đã đi dạo chơi mỗi ngày được hai lần trong vườn cây của bệnh viện thì có lệnh chuyển bệnh viện về Đôrôgôbugiơ. Trong anh em thương binh lập tức có tin đồn là quân Đức đã vượt qua sông Đniép ở gần Sklốp và vòng qua phía bắc Môghilép.

Theo lời của bác sĩ đã mổ cho Xintxốp thì vết thương của anh «gặp may»: viên đạn chỉ sướt qua sườn.

Cảm thấy mình đã gần bình phục, Xintxốp liền tới gặp phó chính ủy quân y xin ra viện. Viễn cảnh của cuộc tản cư làm cho anh lo sợ. Anh không muốn rồi đây lại phải đi tìm kiếm tòa soạn của mình một lần nữa.

—Theo tôi biết, họ đã dời đi rồi, —phó chính ủy quân y viện nghi ngờ nói.

Nhưng Xintxốp thì quả quyết rằng không thể như thế được. Nếu di chuyển thì họ đã đến đón anh đi theo, vì tổng biên tập đã hứa với anh như vậy mà.

Bận bù đầu về việc di chuyển thương binh, phó chính ủy không nài ép gì; xét cho cùng, ai đã muốn ra viện thì họ cứ việc mà ra thôi !

Tới trưa, sau khi đã nhận giấy tờ và quân phục, Xintxốp bước ra khỏi cổng quân y viện.

Môghilép vắng tanh và đang ở trong tình trạng báo động: chướng ngại vật đã xuất hiện trên đường phồ, súng máy bắc trên các cửa sổ chất đầy bao tải ở mỗi góc nhà.

Một người lính gác đứng lầm lì trước cửa nhà in của thành phố, nơi Xintxốp hy vọng tỉm thấy tòa soạn. Tất cả các cửa lẫn cánh cổng sắt đi vào sân đều đóng im ỉm. Từ bên trong, không những không có tiếng máy ầm ầm vọng ra mà nói chung không có lấy một tiếng động nào : tất cả như đã chết lịm.

Một giờ sau, quân vụ trưởng thành phố Môghilép—vẫn cái ông thiếu tá mà Xintxốp đã gặp hai tuần lễ trước đây, có điều là còn phờ phạc hơn trước vì mất ngủ—xác nhận rằng tòa soạn tờ báo mặt trận đã dời đi cách đây hai ngày. Xintxốp bồi rồi nghĩ thầm : «Thậm chí không kịp báo tin cho mình nữa».

—Thế họ di chuyển đi đâu ạ?

Quân vụ trưởng nhún vai bảo rằng người ta không báo cho ông biết hành trình. Bộ tham mưu mặt trận đã dời về vùng Xmôlenxk, nên cả tòa soạn cũng đi theo nốt.

— Đồng chí ra viện sớm là dại. Lẽ ra đồng chí cứ theo quây y viện tản cư về Đôrôgôbugiơ, đến đó đồng chí sẽ đàng hoàng muốn tìm gì thì tìm.

Xintxốp cay đắng cảm thấy trước là mình lại sắp phải lang thang lần nữa.

— Này đồng chí, đại khái có những đơn vị nào đóng ở vùng Môghilép này nhỉ?

— Đồng chí hỏi làm gì thế?

Xintxốp trả lời rằng anh muốn đến một sư đoàn bộ nào gần nhất, ở lại đó thu lượm tài liệu cho tờ báo để sau này ít ra cùng đỡ phải lần mò về tòa soạn với hai bàn tay trắng.

Quân vụ trưởng bất đắc dĩ phải giở bản đồ ra, chỉ vào một khu rừng nhỏ bên kia sông Đniép, cách cầu Môghilép chừng sáu cây số. Theo lời ông thì sư đoàn bộ sư đoàn 176 đóng ở đấy.

Khi đã vượt qua cầu trên sông Đniép, và đi được ba cây số trên đường Môghiỉép — Orsa, Xintxốp nghe có tiếng đại bác nổ ở đằng sau, bên kia sông Đniép. Anh đứng lại mấy phút trên đường cái, lắng tai nghe tiếng đại bác vang rền rồi lại cất bước, tiếp tục suy nghĩ miên man về cái điều mà anh đã bắt đầu nghĩ từ khi ra khói cơ quan quân vụ thành phố Môghilép: rồi đây sẽ ra sao?

Bộ tham mưu mặt trận đã ở Minxk, rồi ở Môghilép, bây giờ lại dời về Xmôlenxk, nghĩa là lùi về gần Maxcơva thêm một trăm năm mươi cây số nữa...

Dù có cố gắng nghĩ đến điều đó một cách binh tĩnh mấy đi nữa, thì sự thực diễn ra trên bản đồ vẫn như những nhát búa bổ vào đầu anh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2019, 08:09:48 am »

Hai tuần lễ nằm viện đã dạy cho Xintxốp nhiều điều. Trong những ngày ấy biết bao nhiêu tin đồn đại đã làm cho anh từ chỗ hăng hái đi đến ỉu xìu và ngược lại ! Nếu chỉ tin vào chuyện dữ thì có thế đã phát điên lên từ lâu. Còn nếu chỉ ghi nhớ toàn những chuyện lành thì rút cục sẽ phải cấu vào tay mình mà tự nhủ: thôi đủ rồi, thế tại sao mình lại nầm quân y viện, tại sao mình lại ở Môghilép, tại sao tất cả lại như thế này mà không như thế kia?

Ban đầu, Xintxốp tưởng rằng sự thật về chiến tranh ở đâu vào quãng giữa. Nhưng về sau, anh hiểu rằng đó cũng không phải là sự thật nốt, cả chuyện lành hay chuyện dữ đều do nhiều người kế lại. Nhưng họ đáng tin hay không đáng tin không phải là ở chỗ họ kể lại những chuyện gì mà là ở chỗ họ kể lại như thế nào.

Tất cả những ai ở quân y viện đều đã đụng chạm với chiến tranh bằng cách này hay cách khác, nếu không họ đã chẳng phải vào đây rồi. Nhưng trong so này có nhiều người tới nay mới chỉ biết một điều là bọn Đức mang lại sự chết chóc, chứ chưa biết đến điều thứ hai là chính chúng cũng có thể chết nữa kia.

Đáng tin hơn hết thảy là những người biết cả điều thứ nhất lẫn điều thứ hai, những người nhờ kinh nghiệm bản thân đã quả quyết được rằng bọn Đức cùng có thể chết. Bất kể họ kể chuyện gì đi nữa, kế chuyện lành hay chuyện dữ, qua lời nói của họ, người ta vẫn thấy toát lên cái cảm tưởng ấy, và đó mới chính là sự thực về chiến tranh.

Đại úy xe tăng đã cho Xintxốp một bài học trong khu rừng gần Bôbruixk chính là một người trong số đó.

Vấn đề không phải ở lòng can đảm của người này hoặc ở sự hèn nhát của người kia. Chẳng qua là hôm ấy đại úy đã nhìn chiến tranh bằng con mắt khác với Xintxốp. Đại úy biết chắc rằng bọn Đức có thể chết và khi người ta giết chúng thì chúng dừng bước. Vì nghĩ vậy, nên anh ta đã hướng tất cả những hành động của mình theo ý nghĩ ẫy, và cố nhiên là lẽ phải ở về phía anh. Đối với những người đổ xô tới cầu cứu mình thì Xintxốp muốn đưa họ ra khỏi cảnh hiểm nghèo. Còn đại úy thì lại muốn ném họ vào cuộc chiến đấu đế cứu vớt lấy sự nghiệp.

Và tất nhiên hồi đó, sở dĩ bọn Đức không thọc được tới Môghilép chính là nhờ những đám quân tan tác của cái lữ đoàn mà đại úy công tác, cùng với tất cả những người cầm súng trong tay quây quần xung quanh lữ đoàn hôm ấy đều biết là bọn Đức có thể chết, và kẻ nào chưa biết điều đó thì trong chiến đấu cũng đã nhận ra. Trong khi giết chết bọn Đức và trong khi chính mình cũng bị chết, họ đã tranh thủ được hai mươi bốn tiếng đồng hồ: xề chiều, một sư đoàn bộ binh mới toanh đã đến triển khai phía sau lưng họ.

Tinh hình đó Xintxốp đã được đồng chí tổng biên tập kể cho nghe khi ông ta tới thăm anh vào ngày hôm sau.

Sau khi đã nghe chính miệng người lái xe báo cáo về cuộc hành trinh đi Bôbruixk, tổng biên tập đã khen ngợi Xintxốp, lo lắng cho Liuxin và chửi bới người sĩ quan xe tăng về cái tội tự tiện. Thậm chỉ cả những đường gân xanh nho nhỏ cùng nổi lên trên cặp má đầy đặn phúc hậu của ông đang rung lên vì giận dữ.

Xintxốp không đồng tình với tổng biên tập. Anh biết rằng : ngày hôm đó anh làm nhiều điều dại dột, may sao những hành động của anh không phải xuất phát từ sự hèn nhát. Thêm vào đó, cũng như bất cứ những ai nằm quân y viện thường luôn nghĩ đến vết thương của mình, nhưng anh không thể xua đuổi được ý nghĩ cay cú cho rằng người phi công có thể đã không tự sát nếu không có những chiếc áo mưa cảnh sát màu xám đáng ghét giống hệt quân phục Đức ấy. Lúc bấy giờ đã không kịp nghĩ đến cái đó, nhưng trong chiến tranh thì phải suy nghĩ. Và rõ ràng là phải suy nghĩ luôn luôn thì mới được.

Cả trong câu chuyện xảy ra với Liuxin, anh cũng không tán thành nỗi tức giận của tổng biên tập. Người chính trị viên phó đó ra đi để phân phát báo mà lại bị lôi vào chiến đấu. Nhưng biết làm thế nào được, câu chuyện có thể không đến nỗi như thế, song nó đã xảy ra như vậy rồi. Xintxốp chỉ xao xuyến mỗi khi nhớ đến bộ mặt bỗng dưng đanh lại của Liuxin. Anh ta không muốn ở lại, mà người sĩ quan xe tăng thì bảo: «Nếu không phục tùng thì tớ sẽ cho mất mạng đấy!» Vậy tất cả sự việc đó đã kết thúc ra sao?

Anh thử trình bày những ý nghĩ của mình với tổng biên tập, nhưng ông ta đã trả lời :

— Vậy đồng chí lại ra lệnh cho tôi phân phối các đồng chí xuống đơn vị ráo cả hay sao? Hôm nay thì Liuxin, ngày mai đến lượt đồng chí, ngày kia lại một đồng chí khác nữa chăng?

Ý kiến đó của tổng biên tập đại thể cũng là đúng thôi, nhưng khi Xintxốp nhớ lại khu rừng ấy, giây phút ấy và người đại úy ấy, thì ngược lại, anh thấy hình như nó lại hoàn toàn sai.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2019, 08:10:26 am »

Anh và đồng chí tổng biên tập chuyện trò với nhau suốt một giờ liền, vậy mà xem chừng hai bên vẫn không hiểu được nhau. Nhưng vài tiếng đồng hổ sau đã xảy ra một sự kiện xua tan tất cả mọi ý nghĩ và tình cảm khác ra khỏi đầu óc Xintxốp một thời gian khá lâu.

Anh đã được nghe bài phát biểu của Xtalin qua máy thu thanh.

Chiếc loa phóng thanh treo ngoài hành lang, bên cạnh chiếc bàn của chị y tá trực ban. Người ta đã vặn cho nó to hết cỡ, còn các phòng thì đều mở toang cửa.

Xtalin nói chậm rãi. ồ ồ, với giọng Grudia đặc sệt. Có một khi Xtalin đang nói thì nghe có tiếng cốc va chạm và tiếng đồng chí ấy uống nước. Giọng Xtalin trầm, không to lắm, có thể tỏ ra là hoàn toàn bỉnh tĩnh nếu như không có tiếng thở nặng nề, mệt nhọc, và tiếng uống nước giữa lúc đang nói.

Nhưng mặc dầu xúc động, giọng đồng chí nói vẫn khoan thai, ồ ồ không hề hạ thấp hay cất cao, không để lộ cảm xúc của mình. Sự không ăn khớp giữa giọng nói đều đều ấy với tính chất bi thảm của tình hình mà đồng chí ấy nói đến, chính đó là sức mạnh. Điều này không làm cho người ta ngạc nhiên, vì ai nấy đều vẫn chờ đợi sức mạnh đó ở Xtalin.

Người ta yêu mến Xtalin theo nhiều cách: một cách vô điều kiện và một cách có điều kiện, vừa ngưỡng mộ lại vừa sợ; đôi khi người ta còn không yêu nữa là khác. Nhưng lòng dũng cảm và ý chí sắt đá của đồng chí ấy thì không ai nghi ngờ cả.

Và chính hai đức tính ấy hình như lúc này lại cẩn thiết hơn hết đổi với con người đứng đầu một nước đang chiến đấu.

Xtalin không gọi tinh hình là bi thảm : ngay cái từ đó người ta cũng khó mà hình dung được ở trên miệng đồng chí ; nhưng khi nghe đồng chí ấy nói đến dân quân, đến những vùng bị địch chiếm, đến chiến tranh du kích, thì những ảo tưởng đến đó coi như đã chấm dứt. Chúng ta đã rút lui ở hầu khắp mọi nơi và rút lui khá xa. Sự thực đắng cay thật đấy, nhưng cuối cùng nó đã được nói ra, và nó khiến cho người ta thấy đất dưới chân mình vững chắc hơn.

Còn khi nghe Xtalin nói đến sự khởi đầu bất lợi của cuộc chiến tranh to lớn và khủng khiếp này mà hầu như vẫn không thay đổi những từ ngữ thông thường, chẳng khác gì khi nói đến những khó khăn rất lớn cần phải mau chóng vượt qua càng sớm càng tốt, thì ở đó người ta cũng cảm thấy không phải là sự yếu đuối mà chính là sức mạnh.

Ban đêm nằm trên giường bệnh, ít ra Xintxốp cũng nghĩ như vậy, và giữa tiếng rên rỉ của người nằm giường bên cạnh đang hấp hối, anh nhẩm đi nhẩm lại tất cả những chi tiết trong bài phát biểu của Xtalin và cả lời kêu gọi thấm sâu vào lòng: «Hỡi các bạn!», lời kêu gọi mà sau đó toàn quân y viện suốt ngày đã nhắc lại.

«Thế nào, nếu bây giờ có người tự nhiên đến bảo ta rằng: hãy hy sinh đi để cho Xtalin sống, liệu ta có hiến dâng đời ta cho đồng chí ấy không? Có, ta sẽ hiến dâng, và hôm nay hơn bao giờ hết!» Những câu hỏi như vậy người ta thường đặt ra cho mình khi còn niên thiếu, nhưng đêm ấy, trên giường bệnh viện, Xintxốp đã tự hỏi mình như thế lần đầu tiên, giữa tuổi ba mươi.

«Hỡi các bạn...» — Xintxốp thì thẩm nhắc lại lời Xtalin và anh chợt hiểu rằng từ lâu anh vẫn thiếu một cái gì trong những việc to tát, lớn lao do Xtalin làm và đã khắc sâu vào ký ức anh, đó là những tiếng vừa được nói ra hôm nay: «Hỡi anh chị em! Hỡi các bạn!» — hay nói đúng hơn lả những tình cảm gói ghém trong mấy tiếng đó.

Phải chăng chỉ có tấm thảm kịch như chiến tranh mới có thế gợi lên những lời nói ấy và mối tình cảm ấy trong cuộc sống!

Một ý nghĩ xót xa và chua chát! Xintxốp hoảng sợ xua đuổi ngay nó đi như xua đuổi một ý nghĩ nhỏ nhen và hèn kém, mặc dầu nó không nhỏ nhen và chẳng hèn kém chút nào. Chẳng qua nó chỉ là một ý nghĩ khác thường mà thôi.

Sau khi nghe lời kêu gọi của Xtalin, điều chủ yếu là lòng anh hồi hộp chờ đợi những sự biến chuyển tốt đẹp. Lòng mong đợi ấy dường như đã bắt đầu trở thành sự thực ngay từ tuần lễ đầu, sớm hơn cả sự tưởng tượng của mọi người.

Các bản thông cáo hàng ngày đã bắt đầu nhắc đi nhắc lại những khu vực mà từ trước đã và đang diễn ra các trận chiến đấu ác liệt. Điều đó đã tăng thêm lòng tin tưởng, vì trong số những khu ấy có cả Bôbruixk. Và ở khu này, quả thực, bọn Đức đã giậm chân tại chỗ từ mấy ngày nay, quân y viện đã nhận được những tin đó một cách sốt dẻo.

Nhưng rồi một luồng không khí lo ngại đã thổi vào quân y viện. Lúc đầu có tin dồn rằng bọn Đức không thọc được tới Môghilép, đã từ Bôbruixk quay sang Rôgatsép và Giơlôbin và chiếm được những nơi nàỵ Rồi Xintxốp bỗng thấy tổng biên tập đột nhiên ghé thăm mình trong chốc lát: đồng chí ấy chỉ thăm sửc khỏe, bảo rằng nếu tòa soạn di chuyển thì đến đón anh. Thế rồi đồng chí ấy vội vã ra về có vẻ sợ phải giải đáp thắc mắc. Cuối cùng, vào cải hôm có lệnh di chuyển quân y viên thì ở đây người ta bắt đầu kháo nhau rằng bọn Đức đã vượt qua sông Đniép gần Sklốp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2019, 08:11:07 am »

Bây giờ thì Xintxốp đang cất bước bên lề con đường chạy dọc theo sông Đniép về hướng bắc, tiến thẳng tới cái thị trấn Sklốp đó, và đang suy nghĩ xem những tin đồn đại ban sáng sai đúng ra sao.

Nếu chẳng may những tin đồn đó là đúng thì việc tòa soạn rời khỏi Môghilép, một địa điểm đã nằm lại bên kia sông Đniép, cũng dễ hiểu thôi. Khó hiểu là việc khác kia: lẽ nào lúc ấy họ lại không tranh thủ được thêm mươi phút để giữ lời hứa và đón anh ra khỏi quân y viện hay sao?

Cả đến lúc này, sau khi tòa báo ra đi được hai hôm, thành phố Môghilép vẫn không làm cho người ta có cảm tướng rằng nó sắp sửa bị rời bỏ. Tại sao lại có sự vội vàng như vậy nhí? Nỗi bực dọc chỉ càng làm cho anh thêm quyết tâm không trớ về tòa soạn, nếu không có tài liệu tốt về tình hình chiến sự.

Vì mới bị thương, nên chẳng mấy chốc Xintxốp đã thấy thấm mệt, mà ở cây số thứ bảy, nơi đáng lẽ ra phải có sư đoàn bộ đóng, theo như lời của quân vụ trưởng, thì lại chỉ thấy những vết bánh xe, những hố hào trong lớp đất sét và những cành cây ngụy trang vứt lung tung vội vã. Nếu quả là sư đoàn bộ đã đóng ở đây thì căn cứ theo những cành lá héo đó, họ cũng đã dời đi ít ra hai mươi bốn giờ trước đây. Khi Xintxốp quay ra đường cái, có ba chiếc xe vận tải kéo pháo chống tăng chồm qua trước mặt anh, rồi đến một đoàn xe chở đạn dược và lại một xe kéo pháo nữa. Xintxốp ngập ngừng giơ tay lên nhưng không một xe nào đỗ lại.

Sau đó, một chiếc «Emka» phóng qua. Xintxốp đã tưởng là nó cũng chẳng dừng đâu, nhưng nó chạy quá đi một trăm thước thì đỗ lại. Xintxốp thở hồng hộc, chạy đến bên xe.

— Đồng chí cần gì thế, đồng chí chính trị viên? — người hỏi anh là một chính ủy tiểu đoàn thấp bé, đẫy đà, mặt đỏ gay, lông mày bạc trẳng, đeo kính hai lớp dày, ngồi cạnh người lái xe.

Xintxốp trình bày rằng anh đang đi tìm sư đoàn bộ 176. Trước khi trả lời, chính ủy tiểu đoàn yêu cầu cho xem giấy tờ, với một vẻ mặt không đáng hy vọng lắm.

Xintxốp nghĩ thầm : «Ông ta không cho đi đâu». Nhưng khi xem xong giấy ra viện, nét mặt của chính ủy tiểu đoàn dịu lại :

— Tôi cũng phải đến trăm bảy sáu đây, —ông nói và trả lại giấy chứng nhận, — nhưng ngày mai mới đi, còn bây giờ tôi phải đến ba linh một. Hiện giờ tôi chỉ có thể chở đồng chí đến đó thôi.

Điều đó hoàn toàn hợp ý Xintxốp. Anh cảm ơn và trèo lên xe. Họ lặng thinh ngồi trên xe gần một cây số, rồi chính ủy tiểu đoàn cho xe đỗ lại và chuyển xuống ngồi ghế sau.

— Ngồi thế này cho vui, — ông ta giải thích khi xe lại tiếp tục chạy. — Không thì muốn nói chuyện cứ phải luôn ngoái cổ lại, mà không chuyện trò thì tôi không chịu nổi,—ông mỉm cười dịu dàng và chìa tay cho Xintxốp.—Tôi là Smakốp.

Smakốp quả là con người hay nói. Trong lúc dổn dập đặt ra những câu hỏi, ông ngoẹo cái đầu tròn bạc phơ sang vai bên trái nom ngộ nghĩnh như con chim và chăm chú ngắm nghía Xintxốp qua cặp kính, với vẻ đầy thiện ý, như muốn nói : «Nào, nào, chú mình có gì lý thú nói nghe thử nào !» Và khi đến lượt ông nói, ông cứ luôn tay tháo cặp kính xuống lau, đưa ra ánh sáng chăm chú nhìn trước khi đeo vào, và nếu tìm thấy một tí bụi là lại lau rồi lại đưa ra ánh sáng nhìn. Không có cặp kính dày, đôi mắt ông có vẻ như đau nặng, đổ ngầu dưới hai mí sưng húp.

Xintxốp trả lời các câu hỏi một cách miễn cưỡng, không đi sâu vào những chi tiết đặc biệt: anh chỉ nói đại khái là mình đã tham gia chiến tranh sau khi nó bùng nổ được năm ngày, đã ở nhiều nơi và bị thương gần Bôbruixk trong một hoàn cánh ngẫu nhiên. Hình như Smakốp hiểu ngay là người nói chuyện với mình đang rối bời trong lòng, ông ta thôi không hói Xintxốp nữa mà bắt đầu nói về mình. Ông kể rằng ông mới được gọi vào quân đội có một tuần lễ, hôm qua đã đến mặt trận với tư cách là thuyết trình viên, của Cục chính trị Hồng quân công nông và đây là lần đầu tiên, ông xuống các đơn vị.

— Vậy đồng chí định thuyết trình những gì ở ngoài mặt trận này? — Xintxốp hỏi sau khi nghĩ bụng rằng riêng mình thì thấy việc nghe thuyết trinh bây giở đã là quá muộn mất rồi!

— Nói chung, về nghề nghiệp tôi là chuyên gia kinh tế— Smakốp nói, coi như không nhận thấy hoặc không muốn nhận thấy ý mỉa mai trong câu hỏi của Xintxốp.—Còn đề tài thì khối: «Chiến tranh và tình hình quốc tế», «Tiềm lực về kinh tế và quân sự của nước Đức», và tất nhiên là cả những đề tài chung hơn nữa.

— Nhưng đồng chí có kiến thức quân sự chứ?—Xintxốp hỏi.

— Biết trả lời đồng chí thế nào đây?—Smakốp lại lau kính và đưa ra ánh sáng chăm chú nhìn, như nhìn vào một nơi nào xa xăm, vào dĩ vãng. — Như nhiều đảng viên vào tuổi tôi, trong thời kỳ nội chiến đã có lúc tôi làm cán bộ chính trị trong quân đội. Tuy vậy, nói cho chặt chẽ ra thì đó là kinh nghiệm hơn là kiến thức.

«Vâng, kinh nghiệm,—Xintxốp chua chát nghĩ thầm.— Hiện giờ chưa thấy kinh nghiệm đó giúp được chúng ta cái gì. Bọn Đức đâu có phải là bọn bạch vệ và Hítle đâu có phải là Đênikin...» Rồi anh điên tiết lên khi nhớ lại cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến tranh tương lai mà mình đã đọc cách đây hai năm, trong đó mô tả là ngay từ trận công kích đầu tiên của máy bay ta, tất cả nước Đức phát xít sẽ lập tức tan tành thành tro bụi. Giá mà đưa được tác giá cuốn sách đó tới đường quốc lộ Bôbruixk hai tuần trước đây nhỉ?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2019, 08:17:53 am »

Tất cả những ý nghĩ đó lướt qua đầu Xintxốp cùng một lúc, nhưng anh không nói nên lời mà chỉ thở dài.

— Đồng chí thấy khổ tâm lắm phải không? — nghe tiếng thở dài, Smakốp ân cần hỏi.

— Tôi thì không sao! — Xintxốp thành thực đáp lại. —-Nhưng kể ra đôi khi thấy khổ tâm đến nỗi... — Và cảm thấy tin cậy vào con người thấp bé tóc bạc ngồi cạnh mình, anh đau khổ khoát tay.

— Không sao đâụ, — Smakốp nói và còn khẽ đụng vào ống tay áo Xintxốp, tựa hồ như để an ủi anh. Chúng ta đang dần dần ghìm giữ chúng, rồi sẽ chặn đứng chúng, đảo ngược lại tình thế; trước kia còn gay hơn nữa chứ: Iuđêních thì đóng ở Pêtrôgrát, Đênikin thì chiếrn được Oríôn rồí tiến đến Maxcơva... Rồi cũng chẳng sao, rút cục chúng ta đã đảo ngược được tình thế.

— Đênikin làm gì có không quân và xe tăng, Xintxốp thốt lên.

— Đúng hay gần đúng thì phải hơn, — vẫn không nhận thấy hoặc lảm ra vẻ không nhận thấy tâm trạng của Xintxốp, Smakốp đồng ý. —Nhưng bây giờ chúng ta cũng chưa có nhiều cái mà hiện nay ta có: chưa có các kế hoạch năm năm, chưa có bốn triệu đảng viên cộng sán...

Xintxốp bực bội nghĩ thầm: «Ông ta tuyên truyền mình làm gì thế nhỉ?» Tâm hồn anh tìm kiếm một nguồn an ủi, nhưng không đế bị cám dỗ mà nhẹ dạ cả tin vào điều có thể đem lại sự an ủi.

—Tất nhiên,—Smakốp nói sau giây lát im lặng, — trước chiến tranh, chúng ta có huênh hoang, có phóng đại một vài điều, kể cả việc chuẩn bị sẵn sàng  chiến đấu của chúng ta, chuyện ấy bây giờ đã hai năm rõ mười. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta lại ngả sang một thái cực khác do ảnh hưởng của những thất bại đầu tiên mà đánh giá quá thấp những lực lượng tiềm tàng của chúng ta. Những lực lượng ấy thật lả to lớn, thậm chí chính chúng ta cùng chưa tính toán được hết huống hồ là bọn Đức. Tôi nói điều đó với lòng tin vững vàng, vì tôi nắm được vấn đề.

— Nhưng đánh giá thấp đế làm gì nhí? — Xintxốp nói.— Phải chăng có người nào trong chúng ta thích đánh giá thấp! Chẳng qua là đã nếm đủ mùi cay đắng và chẳng muốn hát cái bài: «Thưa nữ hầu tước tuyệt đẹp, mọi sự đều yên vui...» nữa.

— A, nói thẳng ra thì đó không phải là một bài hát bônsêvích đâu. Smakốp cười phá lên, — nhưng chúng ta lại là những người bônsêvích, đã đến lúc phải xin đủ nó đi thôi.

— Đồng chí từ Maxcơva đến đã lâu chưa?—nghĩ đến Masa, Xintxốp liền hỏi.

— Ba hôm rồi.

— Maxcơva đã bị ném bom chưa?

— Chưa.

— Thật ư?

— Nói chung tôi có thói quen chỉ nói toàn sự thật —Smakốp trả lời, giọng hơi khang khác, mắt nhìn thẳng vào Xintxốp qua cặp kinh.

—Thế theo ý đồng chí thì tại sao chúng không ném bom?

—Vì chúng không đủ sức đế làm tất cả mọi việc. Có bao nhiêu máy bay chúng nó đã tung hết cả ra mặt trận rồi, không đủ để bay đến Maxcơva nữa.

—Chúng nó mà cũng không đủ à?

— Không đủ, và nói chung không nên nghĩ rằng lực lượng của bọn Đức là vô tận : trong chúng ta có một số người đã nghiêng sang thải cực đó rồi đấy, thật vô tích sự! Từ đó đến chỗ hoang mang cũng không xa đâu, mà chúng ta không có lý do gì để hoang mang cả, vả lại hoang mang không phải là đặc tính của chúng ta, tuy rằng năm ngón tay cũng có ngón dài ngón ngắn.—Smakôp kết luận vẫn với cái giọng cứng rắn trong lối nói mềm mỏng của ông.

Và mặc dầu tất cả những điều Smakốp vừa nói chẳng khác nào một lời cảnh cáo gián tiếp, Xintxốp vẫn nhìn ông với vẻ biết ơn. Trong lời nói của Smakốp, anh cảm thấy có lòng tin chắc của một người nắm được tình hình thực tế.

—Thế nghĩa là ở Maxcơva yên ổn ạ?—anh cất tiếng hỏi.

— Biết nói thế nào nhỉ?—Smakôp nhún vai. Có bùn tất nhiên phải đục nước! — Ông suy nghĩ một lát rồi tổng kết ý kiến. — Nhưng nói chung là bình thường. — Rồi ông lại nghĩ ngợi, tựa hồ như suy tính một lần nữa xem mình trả lời đã hoàn toàn thành thực chưa và nhắc lại: — Phải, bình thường!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2019, 08:19:05 am »

Ông vừa nói xong câu đó thì đã thấy có mấy chiếc xe tải lao ngược trớ lại với tốc độ điên cuồng. Trên chiếc xe cuối cùng, một người đầu tóc rối bù, không đội mũ, thò hẳn người ra khỏi buồng lái kêu váng lên :

—Xe tăng, xe tăng đấy!
 
Người lái xe không dừng xe, quay lại nhìn Smakốp tỏ vẻ hỏi ý kiến, trông anh ta hoảng hốt ra mặt.

—Cứ đi đi, — Smakốp bình tĩnh nói,—chúng ta chỉ còn một cây số nữa là tới sư đoàn bộ. Lại hoang báo chứ gì, chẳng có lẽ...

Xintxốp lặng thinh. Vì không muốn tỏ ra mình thận trọng hơn người, anh đã nén cái ý nghĩ hợp lý của mình lại.

— Không có lẽ, — Smakốp nhắc lại khi đã đi được nửa cây số nữa. — Người ta báo tôi rằng bộ đội ta đang cố thủ suốt dọc sông Đniép; vậy thì làm sao xe tăng Đức có thể ở phía bên này được?

Xintxốp vẫn lặng thinh. Anh nghĩ bụng : «Làm sao chúng có thể ở đây được à? Có ma nó biết được làm sao!»

— Lối rẽ vào sư đoàn bộ phải ở đâu chỗ này đây, phía bên phải,—Smakốp vừa nói vừa ghé chiếc cặp có tấm bán đồ bọc nhựa trong lên sát đôi mắt cận thị. Với lòng tin không gì lay chuyển nổi của một người lần đầu tiên ra mặt trận, ông cho rằng tất cả đều ở đúng cái chỗ đã được đánh dấu trên bản đổ. — Bây giờ chúng ta dừng lại xem, chắc là có dấu hiệu chỉ đường.

Nhưng ông chưa kịp ra lệnh đỗ lại thì người lái xe đã tự ý hãm phanh. Ở phía xa xa, ngay trên đường, đạn đại bác bắt đầu nổ tới tâp. Con đường trước đây hầu như vắng tanh nay bỗng đầy ứ xe cộ : chiếc thì phóng ngược trở lại, chiếc từ đằng sau chạy tới thì vội vã quay đầu. Không đợi lệnh, người lái chiếc «Emka» cũng bắt đầu quay xe và nghe tiếng nổ của một quả đại bác vừa bắn tới, anh bỗng bỏ xe, đâm bổ xuống rãnh.

Xintxốp đẩy tung cửa xe ra định nhảy xuống lôi người lái xe lại, nhưng Smakốp đã xử trí đơn giản hơn.

— Cứ ngồi xuống, — ông bình tĩnh nắm vai giữ Xintxốp lại, rồi mau lẹ lên ngồi cầm lái, quay chiếc «Emka» đưa nó vào lề đường. Ông làm việc đó thật kịp thời : chỉ chậm vài giây là họ đã bị những chiếc xe vận tải đang phóng bạt mạng nghiền nát.

— Bây giờ thì ta xuống xe thôi. — Smakõp đi đến bên rãnh gọi đích danh người lái xe đang nằm bẹp ở đó: —Đồng chí Xôlôđilốp!

Người lái xe đứng dậy chớp chớp cặp mắt sợ hãi.

— Lên ngồi cầm lái đi, — Smakôp ra lệnh.

Người lái xe lùi lũi trở lại xe, còn Smakốp thì chưa chịu trèo lên chỗ ngồi mà cứ quanh quẩn mãi bên chiếc xe một cách khá lạ kỳ, mắt nhìn về phía trước, nơi đạn đại bác vẫn nổ.

Xintxốp cảm thấy nỗi bồn chồn lo lắng mả mình đã quen thuộc.

— Đồng chí chính ủy tiểu đoàn ạ, —anh vừa nói vừa cố gạt bỏ cái ỷ định không muốn là người đầu tiên nêu ra sự cần thiết phải quay trở lại, — ta hãy quay lại vài ba cây số. Tôi thấy ở đây có những khẩu pháo chống tăng đặt hai bên đường. Chúng ta sẽ tìm một cán bộ chỉ huy để hỏi xem có thể đi tới «Ba linh một» được không.

Trong lúc nói như vậy anh sợ rằng Smakốp, bề ngoài tuy dịu dàng, nhưng là một người bướng bỉnh, sẽ không tán thành và sẽ cứ dấn tới một nơi hoàn toàn chưa nắm được tình hình. Nhưng sau khi nghe Xintxốp nói và nhìn vào đám khói bốc trên đường phía trước mặt, Smakốp liền lên xe.

— Đồng chí thấy đấy, đến một khẩu súng lục cũng không có, người ta không buồn phát cho tôi lấy một khẩu, — ông ta nói hình như để bào chữa cho việc mình đã tán thành quay trở lại.

Quên rằng bản thân mình ngày đầu tiên không có vũ khí đã bực dọc như thế nào, Xintxốp nghĩ thầm : «Gớm, khẩu súng lục của ông sẽ giúp ông khối ra đấy!»
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2019, 08:19:55 am »

—Như vậy là đồng chí đã bỏ rơi cấp chỉ huy mà chạy tháo thân, — Smakốp vừa nói vừa tì khuỷu tay vào lưng ghế trước, ghé nhìn vào mặt người lái xe.

— Vâng, tôi có lỗi thì đồng chí cứ việc xử tội, — người lái xe không quay lại, trả lời với một giọng trầm trầm.

— Xử tội đồng chí làm gì, miễn sao đồng chí thấy đáng hổ thẹn, thế là được rồi. Đồng chí là đoàn viên đấy chứ?

—Vâng, đoàn viên — người lái xe nói, vẫn với cái giọng trầm trầm ấy.

—Thế thì lại càng đáng hổ thẹn hơn,.— Smakốp nói.— Tôi có đứa con trai là đoàn viên. Nếu nó cũng hành động như đồng chí mà tôi biết được thì tôi xấu hổ quá chừng đấy.

—Thế anh ấy ở đâu ạ? — người lái xe khẽ hỏi và Xintxốp hiểu rằng đối với anh ta tất cả những lời nói trước dỏ của Smakốp sẽ chỉ là những tiếng trống rỗng nếu ông ta trả lời rằng con trai mình đang ở một nơi nào ở hậu phương.

— Con trai tôi trong không quân, xạ thủ trên máy bay. Nó đã hy sinh cách đây một tuần lễ. Mà sao kia chứ?

— Không sao cả ạ, — người lái xe nói hết sức khẽ.

— Đỗ lại! — Xintxốp vẫn theo dõi con đường, kêu lên.

Họ dừng xe cạnh một khẩu pháo chống tăng đặt trong rãnh đằng xa trông giống như một bụi cây từ trong rừng bò lan ra mặt đường. Một đại tá đầu trần, tóc bạc cắt ngắn ngồi bên cạnh khẩu pháo, đang rót trà trong phích ra uống.

— Cho xe lượn vào quá hai trăm thước nữa, ông không chào mà bảo vậy, khi Smakốp và Xintxốp đã xuống xe, rồi ta sẽ nói chuyện sau !

Smakốp ra lệnh cho người lái xe đánh xe về phía trước và hất đầu về hướng bắc nói với đại tá rằng ở cách đây chừng bốn cây số, bọn Đức đang bắn phá dọc đường cái.

— Có thể lắm,—đại tá vừa nói vừa đứng lên, vặn nắp phích lại.

Nghe xong câu trả lời bình tĩnh và vẻ giễu cợt ấy (như Xintxốp cảm thấy), Smakốp hỏi đồng chí đại tá có biết bất kỳ một sư đoàn nào ở đâu đây không.

— Bất kỳ một sư đoàn nào à?—đại tá hỏi lại, vẫn vói giọng giễu cợt như cũ. Ông đội mũ lưỡi trai, cài cái bao phích bằng vải bạt lại, rồi đeo phích lên vai. — Nếu sư đoàn nào cũng được thì hãy đến sư đoàn tôi đi.

— Vậy sư đoàn đồng chí là sư đoàn nào? — Smakốp hỏi.

— Vậy các đồng chí là ai?

Smakốp đưa giấy chứng minh ra. Đại tá liếc nhìn qua và báo rằng ông là chí huy pháo binh sư đoàn 176 đến đây kiếm tra trận địa chống tăng, bây giờ trở về sư đoàn bộ.

— Vậy làm sao đến được «Ba linh một» ạ? — Smakốp hỏi ngay.

Đại tá nhún vai, bảo rằng sư đoàn bộ 301 ở cách đây tám cây số về phía bắc, nhưng một khi bọn Đức đang nã đại bác dọc theo đường cái thì từ giờ cho đến lúc nắm được tình hình, có lẽ không dại gì mà đến đó. Và trong tiếng «có lẽ» ấy lại thoáng hiện cái giọng điềm tĩnh mà giễu cợt.

— Thế mà người ta bảo tôi là sư đoàn bộ 301 ở gần hơn, chỉ cách đây bốn cây số thôi, —vốn có tính tỉ mỉ, Smakôp nói vậy.

Đại tá lại nhún vai:

— Bảo bao giờ và ở đâu?

— Ở Cục chính trị quân đoàn, mới hôm qua.

— Đừng quá tin vào điều người ta đã nói với đồng chí hôm qua, đồng chí chính ủy tiểu đoàn ạ, kẻo lại do thiếu tinh toán nhân tố thời gian mà đồng chí sẽ sống những ngáy còn lại của mình trong cảnh tù binh đấy. Bạc đầu như tôi với đồng chí mà rơi vào tù thì thật hết sức ngớ ngẩn. Đồng chí cũng là thuyết trình viên à?—đại tá hơi quay mình sang phía Xintxốp hỏi.

— Không, tôi ở tòa báo mặt trận.

—À...—đại tá nói mà không lộ vẻ gì cả và bước tới xe với đôi chân sếu dài nghêu đi ủng da bốtcan có cựa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2019, 08:20:31 am »

Xintxốp, Smakốp và đại úy tiểu đoàn trưởng pháo binh, tùy tùng của đại tá, lẽo đẽo theo sau ông.

— Đồng chí bảo giám mã của tôi dắt ngựa về sư đoàn bộ, — đại tá vừa ngồi lên ghế đằng trước xe vừa bảo đại úy.

—Tình hình ở sư đoàn các đồng chí thế nào?—Smakốp hỏi khi xe đã chạy.

—Tình hình à? — đại tá quay lại, hơi nhướng lông mày lên với vẻ giễu cợt.—Tình hình thì nói chung chỉ có trời phán đoán theo quan điểm pháo binh ếch ngồi đáy giếng của tôi như thế này: pháo thì đã có rồi, đạn dược thì rút cục hôm qua cũng đã nhận được, thế nghĩa là chúng tôi sẽ đánh. Hôm qua, chúng tôi đã tiêu diệt một đại đội Đức, bắn chìm sáu chiếc phà cầu phao lúc chúng định vượt sông, nhưng dĩ nhiên đó vẫn chưa phải là một trận chiến đấu đâu.

— Khi ra khỏi Môghilép, — Xintxốp nói, tôi đã nghe thấy một trận đấu pháo ở góc phía nam thành phố.

—Thế đấy — đại tá nói. —Thế nghĩa là Xerpilin đã choảng nhau rồi đây. Hôm qua đài quan sát thấy địch đã tập trung xe tăng. Nhưng bây giờ tôi không sao nói chính xác được vì tôi ở đây mới từ sáng. Nhưng nói chung là chúng tôi đều chuẩn bị bước vào chiến đấu cả rồi, chẳng chui rúc vào đâu được nữa.

Xintxốp cảm thấy thích thái độ bình tĩnh nhà nghề đượm vẻ diễu cợt của con người ấy, con người mà cho tới hôm qua vẫn chưa nhận được đạn dược mà chắc chắn là bối rối, nhưng bây giờ thì đã yên trí và nói về những trận chiến đấu sắp tới như ông chủ nhà đứng trước bàn ăn đã được bày biện và chuẩn bị đâu vào đấy cả.

Té ra sư đoàn bộ không xa như quân vụ trưởng Môghilép đã chỉ cho anh trên bản đồ, mà ở gần hơn tới một cây số, trong một khu rừng thông thưa thớt. Ngay giữa rừng, một đại tá phục phịch, nhễ nhại mồ hôi vì nóng nực, mặc chiếc áo quân phục mùa hè có đính hai huân chương, khuy cởi phanh bộ ngực lông lá, đang ngồi trên chiếc ghế xếp, trước cái bàn xếp nhỏ, dưới gốc một cây thông to. Đó chính là sư đoàn trưởng.

Sau khi biết là Xintxốp công tác ở tòa báo mặt trận, không hiểu sao đại tá lại thở dài sườn sượt, bảo rằng các phóng viên không thuộc phạm vi của ông, Xintxốp cứ việc ở đây chờ sư đoàn phó chính trị về hoặc đi đến phòng chính trị mà hỏi.

— Còn tôi thì không dính dáng gì đến chuyện đó cả, tôi đã thừa biết rồi! — đại tá giận dữ quát ầm lên. — Phải, phải, thừa biết rồi! — Và trên bộ mặt phì nộn của ông hiện lên vẻ dữ tợn tựa hồ như Xintxốp có lỗi gì đối với ông vậy.

Xintxốp đành lảng ra và xem đồng hồ. Mới sáu giờ mấy phút, anh quyết định chờ cho đến khi sư đoàn phó chính trị về.

— Tôi đến phòng chính trị đây, — Smakốp đến gần anh nói,—còn đồng chí thì sao?

— Tôi sẽ chờ ở đây ạ.—Xintxốp trả lời và bắt tay Smakốp, đinh ninh rằng chẳng bao giờ mình còn gặp lại con người này nữa.

— Có lẽ đồng chí muốn ăn tạm một chút gì đấy nhí?—ông đại tá pháo binh tóc bạc vừa đi cùng xe cất tiếng hỏi Xintxốp khi đi qua bên anh. — Đại đội pháo của tôi ở phía sau rừng này, anh em pháo binh sẽ cho đồng chí ăn, cứ nói là có lệnh của tôi.

— Cám ơn đồng chí,—Xintxốp lấy tay vỗ vào túi dết.— Tôi có đủ thứ trong này rồi ạ.

Quả vậy, trong túi dết của anh có một hộp thịt và một khoanh bánh mi lớn do bệnh viện phát cho.

— Sao, đồng chí đã hỏi ông nhà tôi và ông ta đã xua đồng chí đi chứ gì?—đại tá nhướng đôi mày lên ra ý giễu cợt, hất hàm về phía sư đoàn trưởng đang gắt om sòm sau chiếc bàn xếp.

— Đại khái thế.

— Đừng giận nhé, phải đặt mình vào địa vị ông ta mới được. Hồi chiến dịch Phần Lan có một tay phóng viên cũng đến đơn vị chúng tôi, nói với ông ta điều gì chối tai đấy. mà ông ta lại chúa hay phạt, bèn cho ngay anh chàng mười ngày giam. Nhưng chẳng may mãi sau mới biết tay này là một nhà văn, lại là một nhà văn có tiếng tăm nữa kia. Anh ta cũng cố trinh bày với ông nhà tôi khi ông tống giam anh ta, nhưng ông nhà tôi chẳng chịu nghe, ông ấy có đọc văn thơ chữ nghĩa gì đâu. Vậy tôi khuyên đồng chí hãy chờ sư đoàn phó chính trị về. Mà tôi còn khuyên đồng chí là nên...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM