Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 07:30:24 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 3  (Đọc 100293 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 10:59:43 pm »


Ngày 1-8-1962, thuyền của đồng chí Dĩa ra đến miền Bắc, chuyến đi thứ hai ra Bắc của đồng chí Bông Văn Dĩa thành công. Toàn bộ công việc của chuyến đi về Nam đã được các đồng chí trong đội thuyền báo cáo tỉ mỉ với các đồng chí lãnh đạo của Trung ương.

Cùng với các công việc nói trên, Trung ương Cục và các cấp uỷ đảng địa phương rất chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng các lực lượng vũ trang. Số lớn chiến sĩ mới tòng quân từ các vùng giải phóng, cán bộ chỉ huy, cán bộ kỹ thuật hầu hết là bộ đội tập kết đã qua huấn luyện chính quy ở miền Bắc trở về. Nhiều đảng viên có kinh nghiệm được Đảng cử vào làm nòng cốt xây dựng các đơn vị. Cuối năm 1961, số đảng viên trong các đơn vị bộ đội tập trung chiếm 50% số lượng đảng viên của toàn Đảng bộ miền Nam. Hệ thống công tác đảng, công tác chính trị được tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới. Mỗi đại đội đều có chi bộ đảng và chính trị viên. Công tác huấn luyện bộ đội, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tại chỗ cũng được coi trọng. Hệ thống các trường huấn luyện của các quân khu, các tỉnh hình thành. Các lớp huấn luyện ngắn ngày về quân y, trinh sát, đặc công... được tổ chức để phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ trước mắt. Công tác bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang do cơ quan hậu cần của Miền, các quân khu và từng đơn vị đảm nhiệm.

Các căn cứ địa đã xây dựng trong thời kỳ đấu tranh giữ gìn lực lượng (1954-1960), tiếp tục được giữ vững trong năm đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Từ chiến khu Dương Minh Châu, chiến khu D (Đông Nam Bộ), U Minh (Tây Nam Bộ), Củ Chi (Gia Định), Bến Cát (Bình Dương), Hát Dịch (Bà Rịa), đến miền núi Tây Nguyên, miền tây Thừa Thiên, Quảng Trị và miền tây các tỉnh Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận được củng cố và phát triển là địa bàn đứng chân vững chắc của lực lượng cách mạng và là hành lang thông suốt giữa các vùng. Nó còn góp phần tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, là bàn đạp lợi hại để phát triển tiến công về nông thôn và đô thị.

Trong vùng giải phóng, gần sáu triệu người đã giành quyền làm chủ thôn xã, làm chủ cuộc sống. Nhân dân lập các uỷ ban mặt trận làm chức năng chính quyền cách mạng. Các tổ chức quần chúng được phát triển mạnh từ tỉnh xuống xã, ấp. Việc giảm tô, bảo đảm nguyên canh, chia lại công điền trong các vùng giải phóng được thực hiện. Phong trào thi đua sản xuất, đánh giặc lên mạnh. Mọi người hăng hái sản xuất, tích trữ lương thực, xây dựng làng xã chiến đấu, dân quân, du kích được huấn luyện theo phương án đã được vạch sẵn1. Các hoạt động văn hoá giáo dục, y tế được chú trọng. Các trường học, phòng thông tin, nhà bảo sinh được dựng lên ở nhiều nơi. Cách mạng đã đem lại cho nhân dân các vùng giải phóng những quyền lợi thiết thực, mặc dù còn ít nhưng nó đã tạo nên không khí phấn khởi tin tưởng. Thanh thế của vùng giải phóng thu hút, cổ vũ mạnh mẽ đối với đồng bào trong vùng địch kiểm soát. Đó là kết quả của quá trình phấn đấu gian khổ của nhân dân miền Nam sau một năm đồng khởi nhằm tạo ra thế mới, lực mới cho cách mạng.

Từ giữa năm 1961, Mỹ - Diệm bắt đầu triển khai thực hiện kế hoạch bình định miền Nam bằng nhiều thủ đoạn, biện pháp khốc liệt và đẫm máu. Trước mắt, chúng cấp tốc mở các cuộc hành quân lớn, nhỏ từ cấp đại đội đến sư đoàn, kết hợp chặt chẽ giữa quân chủ lực với bảo an, dân vệ, cảnh sát, thám báo càn quét hỗ trợ cho lực lượng “bình định” dồn dân vào ấp chiến lược. Ở Nam Bộ, địch mở thí điểm chiến dịch “Xây dựng nông thôn”, trọng điểm ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và Bình Tuy. Mở đầu là cuộc hành quân Lam Sơn của sư đoàn 7 ngụy đánh vào Tây Ninh và Long An có 50 xe tăng, thiết giáp, nhiều giang thuyền và hàng trăm lượt máy bay yểm trợ nhằm gom dân, thu hẹp căn cứ của Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền.

Tại Long An, lực lượng vũ trang và nhân dân đã đánh bại các cuộc hành quân càn quét của địch, diệt, bức rút hàng chục đồn, bốt, giữ vững quyền làm chủ ấp, xã. Du kích xã Đức Tân, huyện Tân Trụ trụ bám địa bàn, đánh lui tám đợt tiến công của một tiểu đoàn chủ lực ngụy, diệt hàng trăm tên. Tại đây đã xuất hiện phong trào bao vây, bắn tỉa, tiêu diệt địch. Tiêu biểu cho phong trào này là xã đội trưởng Huỳnh Văn Đảnh, với 75 viên đạn đã bắn hạ 78 tên địch2. Đồng chí chỉ huy du kích bắn tỉa nhiều ngày, khiến binh linh trong bốt sợ hãi không dám tự do đi ra ngoài. Phối hợp với đấu tranh vũ trang, ngày 18-8-1961, ba vạn quần chúng ở Cần Giuộc, Bến Lức, Cần Đước kéo tới quận lỵ đấu tranh đòi địch không được càn quét, bắn pháo, bắt bớ trái phép. Địch xả súng bắn chết ba người, lập tức hai vạn quần chúng ở các nơi trong tỉnh đến tiếp sức. Địch buộc phải chấp nhận yêu sách trừng trị bọn giết người và để cho đồng bào ta làm lễ cầu siêu cho những người bị địch giết hại.

Tại Tây Ninh, hàng chục ngàn người ở các huyện Trảng Bàng, Châu Thành, Bến Cầu và Toà Thánh đã tổ chức các cuộc đấu tranh trực diện chống địch bắn pháo vào làng, chống địch càn quét gom dân, đòi bồi thường thiệt hại.
_____________________________________
1. Vùng căn cứ liên hoàn từ miền tây Quảng Trị đến bắc đường 21 (Đắc Lắc) có 450.000 dân, trong năm tháng đầu năm 1961 đồng bào các dân tộc đã đóng góp 3.200 tấn gạo nuôi quân.
2. Đồng chí Huỳnh Văn Đảnh được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 11:00:27 pm »


Ở tỉnh Thủ Dầu Một từ tháng 7 đến tháng 10-1961, bộ đội địa phương và du kích đã đánh địch phá rừng Thuận An Hoà, tiêu diệt địch ở Tua Cầu, Trại Cưa, chặn đánh xe quân sự ở Thạch An. Đại đội 304 của tỉnh cùng du kích xã Tân An (Bến Cát), kết hợp nội công ngoại kích diệt hai trung đội địch ở đồn Bến Thế. Tiểu đội du kích xã Phú An (Bến Cát) đánh lui một trung đội địch và tám xe ủi đất chuẩn bị gom dân, lập ấp chiến lược. Trong trận này, chiến sĩ du kích Nguyễn Văn Được lập chiến công bằng 10 viên đạn, diệt chín tên địch.

Chiến thắng nổi bật nhất của quân và dân miền Đông Nam Bộ trong thời gian này là trận đánh Phước Thành. Phước Thành là một địa bàn xung yếu nằm trên trục lộ giao thông chiến lược số 14, cách Sài Gòn gần 50 km, là cửa ngõ quan trọng của chiến khu D - căn cứ địa cách mạng của miền Đông và cả chiến trường Nam Bộ.

Do vị tri trọng yếu của Phước Thành, cho nên năm 1959 tổng thống ngụy đã ký sắc lệnh thành lập tỉnh Phước Thành, cắt từ địa phận của các tỉnh Bình Dương, Phước Long, Long Khánh gộp lại. Để bảo vệ và phòng thủ Phước Thành, lực lượng quân ngụy được tăng cường lên đến 2.000 tên. Bộ máy chính quyền, các mạng lưới tình báo, gián điệp, tề, vệ ác ôn ở đây đều được lựa chọn loại tin cẩn. Hệ thống đồn, bốt được xây dựng khá dầy đặc bên cạnh hệ thống khu dinh điền, khu trù mật mà tuyệt đại là đồng bào công giáo di cư. Hằng ngày, chúng đều tổ chức các cuộc hành quân càn quét để tìm diệt lực lượng cách mạng. Địch còn xây dựng ở đây trại giam Phước Vĩnh để giam cầm, tra tấn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước của ta. Diệm đã nhận định Phước Thành ra đời như một ngọn giáo cắm phập vào chiến khu D.

Không thể để cho Phước Thành trở thành căn cứ khống chế và bàn đạp xuất phát hành quân của quân ngụy đánh phá vùng chiến khu D và ngăn chặn hành lang tiếp tế của ta từ phía Bắc vào, đầu tháng 9-1961, Khu uỷ và Bộ tư lệnh Quân khu miền Đông quyết định tấn công tiêu diệt tiểu khu quân sự Phước Thành.

Ban chỉ huy trận đánh do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Việt Hồng chính uỷ. Lực lượng tham gia gồm tiểu đoàn 500, đại đội 260 đặc công - trinh sát, phân đội ĐKZ 57 ly (5 khẩu) làm nhiệm vụ chủ công đánh vào tỉnh lỵ. Các đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh Phước Thành, huyện Phú Giáo, huyện Tân Biên, đội biệt động của thị xã Phước Vĩnh phụ trách hướng tiến công phía bắc và làm đội dự bị. Du kích các xã phụ cận được giao nhiệm vụ chặn viện, diệt ác phá kìm, phát động quần chúng nổi dậy, bí mật chuyển lương thực phục vụ bộ đội.

Đánh vào một tiểu khu quân sự, một cơ quan đầu não cấp tỉnh của địch được bố phòng chặt chẽ, có quân số hơn ta gấp năm lần (ta 400 quân, địch 2.000 quân), vũ khí, trang bị tương đối hiện đại, lãnh đạo, chỉ huy của ta đã phân tích cân nhắc thận trọng. Sau khi trinh sát, nắm chắc cách bố trí lực lượng của địch, Ban chỉ huy hạ quyết tâm, chọn cách đánh: “Bí mật tiềm nhập kết hợp với vận động tiến công”, thực hiện trong đánh ra ngoài đánh vào. Đây là trận tiến công quy mô đầu tiên của Quân giải phóng vào một tỉnh lỵ của địch.

Đêm 17-9, các đơn vị hành quân vào vị trí sẵn sàng chờ lệnh. Đúng 23 giờ, trái bộc phá 12kg do chiến sĩ ta bí mật đặt ngay chân cầu thang nhà tên tỉnh trưởng, nổ vang trời. Hiệu lệnh trận đánh bắt đầu. Các mũi tiến công xung phong đánh chiếm các mục tiêu. Bị đánh bất ngờ, quân địch hoàn toàn bị động không đối phó kịp. Cùng thời gian này, các lực lượng phối thuộc, phối hợp với du kích chặt cây đắp ụ làm vật cản xe cơ giới địch, không cho chúng đến cứu viện cho Phước Thành. Nhân dân vùng chung quanh nổi trống, mõ phát loa kêu gọi binh lính ở các đồn, bốt ra hàng.

Kết quả trận đánh, ta tiêu diệt và làm tan rã một tiểu đoàn biệt động quân, một tiểu đoàn bảo an, một chi đội thiết giáp, một đại đội cảnh sát dã chiến và một tổng đoàn dân vệ. 300 tên bị diệt tại chỗ, 400 tên đầu hàng. Tên Nguyễn Minh Mẫn, tỉnh trưởng, là tên ác ôn khét tiếng bị bắn chết tại chỗ; tên phó tỉnh trưởng, và một số viên chức hành chính tỉnh bị bắt. Ta phá huỷ hai đại bác 105 ly, 16 xe quân sự, thu hơn 600 súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự, giải thoát được hơn 300 tù chính trị. Ta làm chủ thị xã Phước Vĩnh ba ngày đêm. Phát huy thắng lợi trận đánh, quân du kích tiếp tục bao vây hàng chục đồn, bốt và làm công tác binh vận, giải toả các lộ 13, 14, 8. Vơi số vũ khí lấy được và số anh em tù chính trị được giải phóng sau trận Phước Thành, ta lập nên tiểu đoàn 800 chủ lực của miền Đông.

Chiến thắng Phước Thành trước hết thể hiện tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của bộ đội ta đánh vào một tỉnh lỵ của địch. Đó còn là sự phối hợp hiệp đồng chíến đấu chặt chẽ giữa lực lượng chủ lực và địa phương, giữa quân sự, chính trị và binh vận. Chiến thắng Phước Thành làm cho ngụy quân, ngụy quyền ở địa phương hoang mang. Chúng phải chịu thất bại một bước quan trọng trong âm mưu đánh phá căn cứ địa cách mạng của ta. Sau đó, địch phải giải thể tỉnh Phước Thành.

Bộ quốc phòng Mỹ phải xác nhận ý nghĩa to lớn của trận đánh này của ta: “Trận tiến công lớn nhất đã có tác động làm cho Sài Gòn nhốn nháo là trận họ đánh chiếm Phước Thành, một tỉnh lỵ cách Sài Gòn có 55 dặm. Việt cộng chiếm giữ thị xã này gần suốt cả ngày và công khai chặt đầu viên tỉnh trưởng và rút lui trước khi quân đội Việt Nam tới”1.
_____________________________________
1. Tài liệu mật của Bộ quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, t.I, Việt Nam Thông tấn xã phát hành tháng 8-1971, tr.93.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 11:01:29 pm »


Sau Phước Thành, ở Tây Ninh ta phá 19 đồn, uy hiếp địch sát thị xã Gò Dầu, Trảng Bàng, Bến Cầu.

Ở Bến Tre (tháng 9-1961) địch mở chiến dịch “bình định chiêu an” lấy Mỏ Cày làm trọng điểm, hòng đánh phá vùng giải phóng và căn cứ bàn đạp của ta. Đại đội 261 của tỉnh và lực lượng vũ trang huyện liên tiếp phục kích, tập kích đánh địch. Nổi bật là trận tập kích vào đại đội bảo an tại An Định, diệt hai trung đội địch. Lực lượng vũ trang huyện Thạnh Phú diệt đại đội bảo an ở Giá Thẻ, thu 72 súng.

Quân và dân Cà Mau, Bạc Liêu đẩy mạnh tiến công địch bằng ba mũi giáp công, bằng chiến thuật vừa bao vây, bắn tỉa, vừa nghi binh hù doạ, vận động, tuyên truyền bỏ ngũ. Kết quả nhiều binh sĩ trong đồn địch hạ súng xin đầu hàng, nhiều đồn bốt không bị đánh mà tan, kéo theo sự sụp đổ của ngụy quyền tại chỗ, tạo điều kiện cho ta phát triển thêm lực lượng và mở rộng căn cứ.

Ở Khu V, Bộ Tư lệnh quân khu quyết định mở đợt hoạt động trên phạm vi toàn quân khu. Ngày 30-8-1961, bộ đội khu kết hợp với địa phương đánh chiếm quận lỵ Đắk Hà (Kon Tum), diệt gọn quân địch trong cứ điểm. Ngày 2-9-1961, hai tiểu đoàn của sư đoàn 22 ngụy từ Đắk Tô kéo xuống chiếm lại Đắk Hà. Lực lượng đánh viện của ta đã biết vận dụng lợi thế về địa hình, tạo ra thế chia cắt đánh địch từ nhiều hướng. Sau một ngày chiến đấu liên tục ta diệt gần hết tiểu đoàn đi đầu, đánh tan tiểu đoàn thứ hai, bắt hơn 100 tù binh, thu gần một tấn súng đạn. Chiến thắng Đắk Hà tạo điều kiện cho nhân dân 28 làng dọc đường số 5 từ thị xã Kon Tum đi Ba Tơ (Quảng Ngãi) nổi dậy phá kìm kẹp. Cũng thời gian này, bộ đội khu phối hợp với bộ đội tỉnh diệt cứ điềm Làng Rô (tây Quảng Nam), diệt và bức rút nhiều đồn ở Vĩnh Thạnh (tây Bình Định), Ba Tơ, Sơn Hà (miền tây Quảng Ngãi). Ở Gia Lai, ta diệt đồn Cửu An, Kan Nắk, tập kích địch ở thị trấn An Khê và nhiều đồn khác, bắt sống 300 tên địch. Nhân dân ở 100 làng vùng đất bằng, trong đó có nhiều khu dinh điền sát vùng ven thị Plâyku nổi dậy xoá bỏ ngụy quyền, lập chính quyền tự quản. Tại các huyện M'drắk, Cheo Reo, Buôn Hồ (Đắk Lắk) được lực lượng vũ trang hỗ trợ, nhân dân nổi dậy giành chính quyền, làm chủ nhiều làng buôn.

Trong khi đó, các tỉnh đồng bằng và ven biển bị địch kìm kẹp nặng cho nên phong trào đấu tranh của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Nhân kỷ niệm bảy năm ký hiệp định Giơnevơ (20-7-1961), toàn khu phát động đợt đấu tranh tố cáo tội ác của Mỹ, Diệm. Các đội vũ trang tuyên truyền luồn vào vùng địch diệt những tên có nợ máu với nhân dân. Các đơn vị chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương đánh địch, hỗ trợ cho phong trào nổi dậy giành quyền làm chủ của nhân dân ở đồng bằng. Tiểu đoàn 60, 70 cùng với lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam giải phóng hai xã Phước Ngọc, Phước Lãnh (Tiên Phước) và hai xã Kỳ Yên, Kỳ Thạch (Tam Kỳ). Tiểu đoàn 90 và 50 cùng lực lượng vũ trang hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định tiến công địch, giải phóng hoàn toàn chín thôn nối liền nhau của hai xã Ân Hảo, Ân Hoà (Bình Định), các xã Bình Khương, Bình Phiêu, Hành Tín (Quảng Ngai) và hàng chục thôn khác dọc vùng giáp ranh các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ (Quảng Ngãi ), An Lão, Vân Canh (Bình Định).

Lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên tiêu diệt địch, giải phóng các xã An Xuân, An Lĩnh. Ngày 30-10-1961, chấp hành chỉ thị của cấp trên, tổ trinh sát của tỉnh đội Phú Yên, có sự giúp đỡ của cơ sở, mưu trí giải thoát được luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại thị xã Tuy Hoà. Địch huy động mọi lực lượng ráo riết truy lùng, nhưng ta đã bảo vệ và đưa luật sư đến khu căn cứ an toàn1.
_____________________________________
1. Theo sánh: Chung một bóng cờ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, trang 437: chính quyền địch đã ra lệnh buộc luật sư trở lại Củng Sơn, quản thúc chặt chẽ hơn. Ta đã bí mật liên lạc được với luật sư và hẹn điểm gặp gỡ là mả bà Dũ Ký, cách thị xã Tuy Hoà khoảng 5 km. Nhận được mật hiệu và địa điểm, luật sư viết thư cho tỉnh trưởng xin ở lại thị xã Tuy Hoà một tháng để chữa bệnh, rồi quyết định đi tìm địa điểm trên.
    Luật sư đã làm quen được với bà hàng xén có con tập kết ra Bắc. Đây lại đúng là một địa danh hẹn hò bí mật của cách mạng để rước người từ thị xã ra căn cứ. Được sự chỉ dẫn, luật sư đã tìm đến điểm hẹn, anh em liên lạc đưa quần áo cải trang và dẫn đi luôn. Một trung đội vũ trang chốt rải rác trên đường đi và cứ cuốn chiếu theo hành trình của luật sư. Khoảng 12 giờ trưa 31-10-1961, anh em đưa luật sư về đến căn cứ của Tỉnh uỷ Phú Yên.
    Nghỉ ngơi hồi phục sức khoẻ một thời gian ngắn, luật sư được hướng dẫn về căn cứ Trung ương Cục. Đường đi từ Phú Yên vào Tây Ninh bấy giờ mới chỉ là đường mòn, đất đá lởm chởm, phải qua nhiều sông, suối, núi, đèo. Anh em bảo vệ đã đưa luật sư về đến căn cứ an toàn, để cùng với các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục khẩn trương chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam vào đầu năm 1962.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 11:02:49 pm »


Tại Khu VI, lực lượng vũ trang các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận tiêu diệt các cứ điểm ở Gia Bát, Láng Cốc, La Bá. Nhân dân miền tây Khánh Hoà và vùng căn cứ miền núi Bình Thuận, Ninh Thuận mở rộng quyền làm chủ với 36.000 dân. Lực lượng dân quân, du kích vùng căn cứ Bác Ái, Di Linh, Khánh Sơn phát triển mạnh. Ngày 10-8-1961, một tổ của tiểu đoàn 120 chủ lực quân khu cùng anh hùng Pi Năng Tắc (người đã sáng tạo ra hệ thống bố phòng liên hoàn bằng vũ khí thô sơ) khéo léo nhử địch vào trận địa “bẫy đá” bày sẵn tại đèo Gia Trúc bên bờ sông Tương rồi bất ngờ nổ súng kết hợp với sập “bẫy đá”. Những tảng đá từ trên núi đổ xuống làm chết, bị thương hơn 80 tên lính ở dưới. Địch phải sử dụng máy bay chiến đấu yểm trợ cho hai trực thăng chở xác chết trong ngày. Tháng 9-1961, tiểu đoàn 120 lại diệt đồn Cửu Lợi thuộc quận Cam Lâm (Ninh Thuận). Sau đó (tháng 10-1961) tiểu đoàn 120 phối hợp với bộ đội tỉnh Khánh Hoà đánh địch ở Cấm Sơn. Trận đánh kéo dài ba giờ, ta diệt một đại đội bảo an, một chi đội xe bọc thép, thu toàn bộ vũ khí. Trận Cấm Sơn làm tan rã lực lượng địch ở nhiều ấp, xã trên vùng rộng từ Đại Điền của Diên Khánh vào đến Suối Dầu. Cuối năm 1961, theo sự chỉ đạo của khu, tiểu đoàn 120 chuyển một nửa lực lượng sang hoạt động ở phía bắc Ninh Thuận để hỗ trợ cho phong trào ở đây. Tiểu đoàn diệt đồn Mỹ Tường, chặn đánh thiệt hại một đại đội bảo an tăng cường của tiểu khu Phan Rang. Tiểu đoàn 120 tổ chức bảo vệ hành trăm đồng bào dân tộc ở căn cứ Bác Ái đã hơn một năm sống bất hợp pháp với địch đi xuống cánh đồng muối ở Phương Cựu lấy muối về ăn.

Phối họp với đấu tranh quân sự, ngày 20-7-1961, nhân kỷ niệm ngày ký Hiệp nghị Giơnevơ, ở Sài Gòn truyền đơn, biểu ngữ, cờ Mặt trận xuất hiện nhiều nơi trong thành phố. Những khẩu hiệu đòi: “Thành lập chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ”, “Thực hiện hoà bình, trung lập ở miền Nam” được tung ra ở nhiều nơi. Những cuộc bãi công đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ liên tiếp nổ ra ở các hãng nước ngọt BIG, xưởng đóng tàu CARIC, nhà đèn Chợ Quán, ôtô buýt, xe lửa, cầu đường, hãng rượu Bình Tây... Nối bật nhất là cuộc đình công chiếm xưởng từ ngày 6 đến ngày 22-9-1961 của 400 công nhân thuộc bốn cơ sở của hãng dầu Mỹ Stanvác ở Sài Gòn. Hãng dầu này còn gọi là hãng Con ngựa bay, một hãng dầu lớn có chi nhánh ở hầu khắp Đông Nam Á, độc quyền cung cấp xăng dầu cho các sân bay quân sự, các đơn vị cơ giới của Mỹ, ngụy. Cuộc đấu tranh của công nhân đã làm tê liệt hàng trăm trạm bơm dầu, làm ngừng trệ việc cung cấp xăng dầu cho máy bay phản lực Mỹ một thời gian. Bọn chủ hãng bị thiệt hại từ ba đến năm triệu đồng mỗi ngày. Trong khi công nhân hãng Stanvác đang bãi công thì hàng vạn công nhân ở đồn điền cao su Biên Hoà, Thủ Dầu Một và trên 100 nghiệp đoàn ở Sài Gòn - Chợ Lớn cùng hàng ngàn bà con nông dân ở ngoại thành lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh. Trước tình hình rất nghiêm trọng đó, chính quyền ngụy buộc bọn chủ hãng phải bãi bỏ lệnh sa thải, chấp nhận tăng lương từ 6-12% cho công nhân, đồng thời hứa sẽ cải thiện chế độ làm việc trong hãng.

Vào những tháng cuối năm 1961, mũi đấu tranh binh vận cũng được đẩy mạnh. Các tổ chức làm công tác binh vận từ tỉnh xuống xã, ấp bước đầu nắm được danh sách binh lính ngụy ở từng địa phương và có kế hoạch vận động cụ thể. Ta giáo dục và tổ chức cho các gia đình đi gọi con em bỏ hàng ngũ địch trở về với cách mạng. Ngày 15-10-1961, trên một vạn người nhà binh sĩ ngụy kéo đến trại huấn luyện Quang Trung (Gia Định) đấu tranh đòi Mỹ, ngụy thả chồng con, anh em họ trở về với gia đình. Ngày 30-10-1961, hơn hai vạn chị em phụ nữ, trong đó có 300 gia đình binh sĩ ngụy kéo vào thị xã Bến Tre biểu tình chống địch khủng bố, chống bắt lính.

Để gom dân lập “ấp chiến lược”, ngày 29-12-1961, địch huy động hàng ngàn quân gồm chủ lực, bảo an, dân vệ mở cuộc càn quét dài ngày, bắn phá dã man đồng bào ta ở huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá. Văn phòng huyện ủy, bộ đội huyện, dân quân, du kích cầm cự được ba ngày phải rút vào cố thủ trong hang Hòn. Hang Hòn nằm ở lưng chừng Hòn Đất. Tại đây đã nổ ra cuộc chiến không cân sức giữa ta và địch. Địch tập trung lực lượng đông, được trang bị vũ khí tối tân và cố vấn Mỹ chỉ huy, bao vây xung quanh Hòn Đất nhằm nhổ tận gốc lực lượng cách mạng ở đây. Ta dựa vào hang, sử dụng súng trường, lựu đạn giành giật nhau với địch từng gộp đá, bụi cây, đánh bật các đợt xung phong của địch. Có ngày lực lượng ta phải đẩy lùi 32 trận tiến công của địch và phải đấu trí từng giây, từng phút với những thủ đoạn tâm lý chiến của kẻ thù. Phối hợp với lực lượng trong hang, nhân dân các vùng lân cận liên tiếp tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị và binh vận. Trong suốt mười ngày chiến đấu quyết liệt và gian khổ, mặc cho kẻ địch dùng thủ đoạn nham hiểm, thả thuốc độc xuống suối và đốt lửa hun khói vào hang, nhưng do biết kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công, quân và dân ta vẫn giữ vững trận địa. Để hỗ trợ cho Hòn Đất, tỉnh Rạch Giá chỉ đạo cho các huyện Hà Tiên, Giồng Riềng, Gò Quao tiến công các chi khu và đồn bốt nhằm căng kéo phân tán lực lượng địch. Tiểu đoàn U Minh nhận lệnh từ An Biên hành quân lên Hòn Đất giải vây cho lực lượng Châu Thành. Do có sự chỉ đạo chặt chẽ của tỉnh và sự phối hợp tốt giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận, địch buộc phải rút khỏi Hòn Đất đem theo hàng trăm xác chết và bị thương.

Trong những ngày chiến đấu ác liệt này, nữ đồng chí Phan Thị Ràng (tức Tư Phùng)1, cán bộ thanh vận huyện đã tích cực lo cho đồng đội ở hang Hòn từng chén cơm, bát nước để bám trụ chiến đấu. Lực lượng của ta trong hang không có nước uống phải dùng nước tiểu, mọi người gần như kiệt sức. Chị Ràng dũng cảm vượt ra ngoài len lỏi qua vùng lính địch bao vây, tìm nước mang vào hang. Chị bị giặc bắt. Bọn ác ôn treo chị lên một cây xoài, dùng nứa, lưỡi lê cắt xẻo từng miếng thịt làm cho thân thể chị sưng vù, thâm tím. Dù bị địch dùng cực hình tra tấn và dùng chiến tranh tâm lý ép buộc, mua chuộc, chị vẫn giữ tròn khí tiết, một lòng, một dạ trung thành với cách mạng đến hơi thở cuối cùng. Ngày 9-1-1962, chị Ràng đã hy sinh anh dũng giữa tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống, chị để lại trong lòng nhân dân sự cảm phục, tiếc thương vô hạn tấm gương một người con trung kiên, bất khuất.

Sau một năm tiến hành chiến tranh cách mạng, quân và dân miền Nam đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua những thử thách ác liệt đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị trên cả ba vùng chiến lược, từng bước đưa phong trào cách mạng tiến lên. Trong năm 1961, bằng tiến công quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị và binh vận, quân, dân ta đánh đòn phủ đầu vào kế hoạch Stalây - Taylo, làm cho Mỹ-Diệm phải bị động về chiến lược.

Trên mặt trận quân sự, ta đã mở 15.525 trận tiến công, phản công lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 28.966 tên địch, bắt 3.529 tên khác, thu 6.000 súng các loại. Song song với đòn tiến công quân sự, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân cũng phát triển mạnh. Ta đã huy động 33,8 triệu lượt người xuống đường đấu tranh trực diện với địch và làm công tác binh vận, tác động, lôi kéo được 14.500 binh sĩ ngụy đào, rã ngũ. Vùng giải phóng được mở rộng, với hơn một vạn thôn, xã. Nhờ đó, trong năm 1961, ta đã xây dựng được căn cứ hậu cần tại chỗ, nhân dân cung cấp lương thực, thực phẩm bảo đảm một phần nhu cầu cho lực lượng vũ trang và các ngành. Nhiều thanh niên ở các vùng giải phóng hăng hái gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng. Riêng các tỉnh đồng bằng Khu V và Khu VI, nhân dân ở 230 xã nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch, sáu vạn dân trong 48 xã giành được quyền làm chủ, 1.300 thanh niên gia nhập Quân giải phóng, xây dựng 154 đội vũ trang.

Thắng lợi của quân và dân miền Nam trong năm 1961 tạo ra những tiền đề rất quan trọng để đưa cuộc chiến tranh cách mạng tiến lên. Tuy nhiên, từ khởi nghĩa vũ trang từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng, năm đầu ta chưa có kinh nghiệm về tổ chức lực lượng, về phương pháp đấu tranh hai chân ba mũi trên cả ba vùng chiến lược, cho nên gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, vùng đồng bằng còn bị địch kìm kẹp, lực lượng lãnh đạo và nòng cốt ở thôn, xã yếu, phong trào đô thị chưa mạnh, lực lượng vũ trang, tuy có phát triển, nhưng còn ít về số lượng, yếu về trang bị vũ khí, kinh nghiệm chiến đấu. Vì vậy, trước những biện pháp và thủ đoạn chiến lược mới của địch, phong trào đấu tranh của nhân dân ta ở nhiều nơi còn bị động và bị tốn thất.

Không chịu lùi bước trước mọi khó khăn, thử thách, quân và dân ta vừa kiên trì chiến đấu vừa rút kinh nghiệm vận dụng phương châm, phương pháp đấu tranh, phát triển lực lượng vũ trang và chính trị để tạo ra thế mới, lực mới, tiến lên làm thất bại hoàn toàn kế hoạch Stalây – Taylo, giai đoạn đầu của chiến lược chiến tranh đặc biệt.
_____________________________________
1. Chị Ràng đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1994.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 11:03:43 pm »


II- CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ĐỊNH 18 THÁNG CỦA ĐỊCH BỊ PHÁ SẢN

Không phải chờ đến lúc Tổng thống Kennơđi và Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ chuẩn y kế hoạch của Taylo (16-11-1961) về việc mở rộng phái đoàn cố vấn, dùng quân Mỹ hỗ trợ cho quân ngụy trong các cuộc hành quân được Giônxơn (Phó tổng thống Mỹ) coi đó là “một quyết định cơ bản về Việt Nam, là chính thức lao vào cuộc chiến tranh đặc biệt”, mà ngay từ tháng 6-1961, Mỹ - Diệm đã triển khai thực hiện chương trình bình định 18 tháng, bằng các biện pháp:

- Tăng cường lực lượng quân ngụy về số lượng, trang bị và tính cơ động, mở nhiều cuộc hành quân có máy bay lên thẳng, xe thiết giáp hỗ trợ bao vây, tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng.

- Khẩn trương bình định, lấy việc lập ấp chiến lược làm trọng điểm để dập tắt phong trào cách mạng của quần chúng.

- Ra sức ngăn chặn biên giới, kiểm soát ven biển, cắt đứt nguồn chi viện từ miền Bắc vào nhằm cô lập cách mạng miền Nam.

Ngày 17-9, phái đoàn cố vấn của Anh về các vấn đề hành chính và chính sách do Tômxơn, chuyên gia về chống du kích của Anh ở Malaixia, được Diệm mời sang làm cố vấn bình định. Diệm còn cử nhiều đoàn đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm chống du kích, dồn dân, lập ấp chiến lược ở Malaixia, Philippin.

Kế hoạch Xtalây-Taylo coi việc xây dựng hệ thống ấp chiến lược là xương sống của chiến tranh đặc biệt. Từ tháng 7-1961, chúng làm thí điểm rút kinh nghiệm ở Vĩnh Long (Nam Bộ), Quảng Ngãi (Trung Bộ), đến tháng 4-1962, nâng lên thành quốc sách - một quốc sách mà Diệm nói đi nói lại là “không được nghĩ đến thất bại” - đem thực hiện trên toàn miền Nam, trước hết tập trung vào các vùng ưu tiên quốc gia. Phương châm của chúng là: càn quét để dồn dân, lập ấp chiến lược và dùng ấp chiến lược làm bàn đạp để càn quét. Cả hai việc bổ sung cho nhau, có càn quét diệt được lực lượng cách mạng, mới dồn được dân lập ấp chiến lược thành công và có lập ấp chiến lược thành công mới tách dân chúng khỏi lực lượng cách mạng để tiêu diệt. Chúng hy vọng khi xây dựng xong ấp chiến lược trên toàn miền Nam thì cộng sản sẽ suy tàn, vì đã trục xuất được du kích ra khỏi nhân dân. Mỹ-Diệm gọi năm 1962 là năm phản công, năm lập ấp chiến lược.

Việc lập ấp chiến lược được triển khai với những mức độ và cách làm khác nhau tuỳ theo từng vùng, nhưng mục tiêu chung phải đạt: Mỗi ấp chiến lược là một trại giam trá hình. Bao bọc chung quanh ấp là ba hàng rào bằng tre và hệ thống dây thép gai. Giữa hai hàng rào là giao thông hào rộng hai mét, sâu 1 mét 50 có cắm chông và gài mìn. Muốn vào trong ấp phải vượt qua ba hàng rào và hai hào sâu. Sự liên lạc giữa bên ngoài với trong ấp là cực kỳ khó khăn. Bốn góc ấp chiến lược có bốt gác, tối đến các cổng ra vào đều đóng kín. Các ấp chiến lược xung yếu có đồn lính bảo an đóng bên cạnh. Ở mỗi ấp có ban trị sự đứng đầu là những tên ấp trưởng, ấp phó khét tiếng gian ác kìm kẹp dân bằng bộ máy quân sự hoá. Tại trụ sở ấp có bản đồ phân loại các gia đình, chúng chia nhân dân trong ấp ra làm ba loại để giám sát, khống chế: Loại một là gia đình cách mạng hay có cảm tình với cách mạng ở thành lô riêng để theo dõi và bắt bớ, đàn áp nếu có hiện tượng liên hệ với cách mạng. Loại hai là gia đình lừng chừng, chúng mua chuộc lôi kéo, dụ dỗ, ly gián lẫn nhau kết hợp với đe dọa. Đối với dân loại ba là những hộ thuộc gia đình binh sĩ ngụy ác ôn, loại có công với chính quyền ngụy, chúng có chính sách ưu đãi và sử dụng họ để theo dõi khống chế nhân dân trong ấp. Mỗi ấp có một nhà thờ Thiên chúa giáo. Mọi sinh hoạt của người dân trong ấp chiến lược từ việc học tập cải huấn, đấu tố đến việc cưới xin, ma chay, cầu hôn, tế lễ... đều diễn ra ở nhà thờ và phải xin phép chính quyền. Ai không đến nhà thờ bị ghi sổ đen và gọi lên cảnh sát và bị thủ tiêu lúc nào không biết. Đây là thủ đoạn hết sức thâm độc nhằm đánh vào lòng người bằng xây dựng niềm tin tôn giáo.

Để dồn được dân chúng vào trong các ấp chiến lược, biện pháp của địch là tăng cường càn quét đánh phá, đốt nhà, cướp của, truy tróc giết hại những người yêu nước, làm cho nhân dân phải sống cảnh màn trời chiếu đất, mất kế sinh nhai.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 11:04:10 pm »


Ngày 18-2-1962, địch huy động chín tiểu đoàn chủ lực mở chiến dịch đánh vào vùng U Minh Hạ (Cà Mau) để dồn 60.000 dân vào ấp chiến lược. Chúng dùng bom đạn phá nát những cánh rừng, làng mạc, ruộng đồng, cướp đi hàng trăm giạ lúa, hàng chục trâu bò, bắn giết dân thường. Trước tình hình nước sôi lửa bỏng đó, Trung ương Cục lãnh đạo các khu, tỉnh động viên, tổ chức cho nhân dân, lực lượng vũ trang kiên quyết chống lại. Bằng những chủ trương, biện pháp cụ thể ngay từ đầu địch càn, quân và dân U Minh kết hợp vũ trang với chính trị đấu tranh chống địch. Hằng ngày tỉnh và huyện huy động từ 300 đến 500 dân kéo đến các trụ sở, đồn bốt của địch, tố cáo tội ác của giặc đòi chấm dứt càn quét. Phối hợp với đấu tranh chính trị, lực lượng vũ trang giải phóng tiến công địch ở Đầm Dơi, Cái Nước và nhiều vị trí khác, diệt 572 tên, làm bị thương 558 tên.

Bị thất bại trong cuộc càn quét vùng U Minh Hạ, ngày 23-2 địch mở tiếp chiến dịch “Mặt trời mọc” gồm 8.000 quân, 50 máy bay lên thẳng và nhiều máy bay khác. Đây là chiến dịch quy mô sư đoàn chủ lực ngụy đánh phá cơ sở cách mạng, truy lùng lực lượng vũ trang ta và gom dân lập ấp chiến lược ở Bến Cát và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ. Trong gần ba tháng, chúng mở hàng trăm cuộc càn quét, đốt trên 3.000 nóc nhà, 32.000 giạ lúa, phá 15.000  mẫu vườn, giết chết 48 đồng bào, làm bị thương 175, bắt giam 1.337 người. Tội ác dã man của địch “trời không dung, đất không tha”. Quân và dân ta không lùi bước, kiên quyết đấu tranh chống lại chúng. Từ tháng 3 đến tháng 6-1962, riêng quân, dân tỉnh Bình Dương tổ chức 38 cuộc mít tinh, biểu tình, 1.072 cuộc đấu tranh trực diện với chính quyền ngụy, đòi chấm dứt chiến dịch, đòi giải tán ấp chiến lược, để phối hợp với các lực lượng vũ trang tiến công địch trên các hướng. Suốt trong thời gian địch càn quét, bộ đội và dân quân, du kích tích cực bám sát địch, tổ chức đánh 253 trận, diệt 300 tên lính ngụy, bảy xe quân sự.

Ngày 9-4, hơn 10.000 đồng bào Gò Công biểu tình, kéo vào thị trấn đấu tranh. Ngụy quyền địa phương đưa 400 quân và cảnh sát ra khủng bố. Chúng bắt một số người trói phơi nắng và ra điều kiện mỗi người phải nộp 100 đồng mới được tha về. Đồng bào không chịu, đã chống lại quyết liệt. Sáng 10-4, 4.000 người từ nông thôn kéo vào tiếp sức hô vang khẩu hiệu “Đả đảo bọn giết người”, “Nợ máu phải trả bằng máu” v.v... Địch tăng cường khủng bố, nhưng vẫn không dập tắt được ngọn lửa đấu tranh. Ngày 14-11, hàng ngàn người khác lại kéo vào hợp sức. Hưởng ứng cuộc đấu tranh của đồng bào nông thôn, nhiều cửa tiệm, cửa hàng đóng cửa ngừng bán hàng, xe cộ ngừng hoạt động. Trước tinh thần đoàn kết, đấu tranh của nhân dân, địch phải tạm lùi bước, xoa dịu, mua chuộc và chấp nhận một số yêu sách của đồng bào.

Sau cuộc đấu tranh của nhân dân Gò Công, ngày 12-4, gần 30.000 đồng bào Mỹ Tho nổi dậy phá tan một số ấp chiến lược, trở về làng cũ làm ăn. Hàng vạn nhân dân ở các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre) liên tục tổ chức các cuộc đấu tranh chống địch càn quét gom dân, cào nhà, tố giác những tội ác cướp của, giết người, bắt phụ nữ cắt tóc ngắn, ngâm nước, phơi nắng của bọn ác ôn.

Trong khi cuộc đấu tranh của quân và dân Nam Bộ đang diễn ra quyết liệt, thì ở Khu V, Khu ủy và Bộ Tư lệnh quân khu chủ trương mở đợt hoạt động đầu năm 1962, phát động nhân dân nổi dậy bằng ba mũi giáp công để phá kìm kẹp, phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn. Các lực lượng vũ trang giải phóng mở hàng loạt trận tiến công tiêu diệt quận lỵ Trà Mi (Quảng Nam), Trà Bồng (Quảng Ngãi), các cứ điểm Định Quang, Hương Nhơn (Bình Định), An Lĩnh, Núi Miếu, Hòn Ngang (Phú Yên).

Ngày 27-2-1962, tiểu đoàn 90 cùng lực lượng vũ trang địa phương Quảng Nam tiến công quận lỵ Trà Mi. Là một thị trấn nằm ở phía tây nam tỉnh Quảng Nam, Trà Mi có vị trí quan trọng là tiền đồn án ngữ từ miền núi xuống đồng bằng. Lực lượng địch gồm bốn trung đội dân vệ đóng giữ bên trong và một đại đội bảo an cơ động bên ngoài.

Bằng cách đánh mưu trí, bí mật tiếp cận, bất ngờ nổ súng, nhanh chóng thọc sâu, sau bốn giờ chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn trận địa. Địch bỏ xác tại trận 54 tên, bị bắt sống 120 tên, một trung đội mang súng ra hàng, ta thu toàn bộ súng đạn, lương thực, quân trang, quân dụng, thu bốn xe GMC và dùng số xe này chở chiến lợi phẩm về căn cứ. Chiến thắng Trà Mi đánh dấu sự trưởng thành về trình độ đánh địch trong công sự vững chắc của lực lượng vũ trang ta. Thắng lợi này tạo thời cơ cho bộ đội địa phương và các đội vũ trang công tác huyện Tiên Phước phát động quần chúng nổi dậy giải phóng hai xã Phước Đông, Dương Yên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 11:04:42 pm »


Ngày 20-4-1962, địch phát hiện một tiểu đội trinh sát đặc công gồm bảy chiến sĩ do đồng chí Lê Tấn Hiền và Võ Như Hưng chỉ huy cùng ba cán bộ của huyện Điện Bàn đang công tác tại thôn 4, xã Điện Ngọc; chúng tập trung một đại đội biệt kích ác ôn và gần một trung đội bảo an dân vệ vây đánh 10 chiến sĩ. Chiến đấu với lực lượng địch đông gấp 50 lần, các chiến sĩ ta dũng cảm, mưu trí, cơ động luồn lách đánh địch giữa ban ngày trong vòng vây của địch. Sau một ngày chiến đấu quyết liệt, một số đồng chí bị thương, trời lại sắp tối, toàn đội quyết định rút ra chiếm giếng cạn ở giữa đồng tổ chức chiến đấu. Địch mở nhiều đợt xung phong đều bị đánh bật ra. Địch ném lựu đạn vào, các chiến sĩ bình tĩnh nhặt ném trả tiêu diệt chúng. Lợi dụng đêm tối, các chiến sĩ nghi binh kéo địch về một hướng rồi rút khỏi vòng vây, đưa cả thương binh về hậu cứ. Kết quả hơn 100 tên địch bị diệt; ta hy sinh bốn, bị thương một. Tấm gương chiến đấu của các dũng sĩ Điện Ngọc là một biểu hiện rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là một trong những điển hình của phong trào chiến tranh du kích đang phát triển ở Nam Trung Bộ.

Ngày 8-5-1962, địch mở chiến dịch Hải Yến, đánh phá suốt tám tháng liền vùng nông thôn tỉnh Phú Yên để hỗ trợ cho bọn bình định dồn dân, xây dựng 270 ấp chiến lược. Lực lượng địch tập trung trong chiến dịch này gồm trung đoàn 47 sư đoàn 23, cùng với lực lượng biệt kích, phối hợp với tám đại đội bảo an, có trọng pháo, phi cơ yểm hộ. Trong tám tháng đó, quân và dân Phú Yên đánh địch 150 trận, tiêu diệt 1.600 tên, phá năm đoàn xe quân sự chở quân đến ứng cứu, bắn rơi hai máy bay, làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch bình định của địch. Cùng với Phú Yên, quân, dân Bình Định chặn đánh cuộc hành quân Đồng Tiến của quân ngụy, tiêu hao từng bộ phận sinh lực địch.

Để hỗ trợ cho việc mở dân ở đồng bằng, lực lượng vũ trang các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận liên tiếp đánh địch ở các cứ điểm Tứ Tâm, Hữu Đức (Ninh Thuận), Đồng Kho (Bình Thuận), đồng thời phục kích diệt bốn đoàn tàu quân sự địch trên đoạn đường Ma Lâm - Long Thành, Ma Lâm - Mường Mán, Ma Lâm - Suối Vận.

Đẩy mạnh đấu tranh quân sự chống địch càn quét, các lực lượng vũ trang ta thúc đẩy phong trào nổi dậy của quần chúng phá tan bộ máy kìm kẹp của địch, phá vỡ từng mảng ấp chiến lược ở một số vùng nông thôn đồng bằng và miền núi. Đến cuối tháng 5-1962, tỉnh Phú Yên giành được quyền làm chủ ở 25 xã với 55.000 dân; tỉnh Bình Định có 157 thôn trong bốn huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Bình Khê được giải phóng; tỉnh Quảng Ngãi có trên 15 vạn dân trong bốn huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành giành được quyền làm chủ; sáu xã miền tây huyện Điện Bàn và hàng chục xã ở các huyện Hoà Vang, Tiên Phước, Tam Kỳ (Quảng Nam) được giải phóng, v.v…

Ở Nam Bộ, bên cạnh những trận chống địch càn quét, dồn dân, các đội đặc công, biệt động luồn sâu đánh vào kho tàng, cơ quan đầu não của địch ở trong các thành phố, thị xã. Nổi bật là ngày 25-6-1962, các chiến sĩ biệt động mưu trí, táo bạo đánh kho xăng Tân Sơn Nhất, đốt cháy hàng triệu lít, làm chấn động Sài Gòn.

Tuy nhiên, trước sự phản kích điên cuồng, trước những thủ đoạn chiến thuật mới của địch như trực thăng vận, thiết xa vận, bộ đội chủ lực của ta chưa đối phó có hiệu quả, lực lượng vũ trang địa phương yếu, thiếu kinh nghiệm chống địch càn quét, tiến công quân sự và đấu tranh chính trị chưa kết hợp chặt chẽ. Vì vậy, trong sáu tháng đầu năm 1962, địch đã gây cho nhân dân ta những tốn thất nặng nề. Ở miền Tây Nam Bộ từ 2.543 ấp giải phóng, chỉ còn 1.520 ấp. Ở Trung Nam Bộ từ 73 xã giải phóng tụt xuống còn 63 xã. Ở Khu V đến tháng 8-1962, địch lập được 836 ấp chiến lược và khu dồn dân, lấn chiếm lại phần lớn vùng nhân dân đã làm chủ những tháng đầu năm.

Trước tình hình đó, tháng 6-1962, Quân uỷ Trung ương chỉ thị cho các lực lượng vũ trang ở miền Nam nắm vững nhiệm vụ trung tâm trước mắt là đẩy mạnh hoạt động quân sự, kết hợp đấu tranh chính trị, bảo toàn và phát triển lực lượng, phá tan âm mưu lập ấp chiến lược của địch. Trung ương Cục miền Nam đã cử các uỷ viên xuống các tỉnh trực tiếp chỉ đạo cụ thể. Nhiều tỉnh tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm chống càn, phá ấp chiến lược, đối phó với các thủ đoạn của địch. Phong trào thi đua luyện tay súng bắn máy bay, diệt xe cơ giới được phát động sôi nổi trong lực lượng vũ trang. Sau khi rút kinh nghiệm, lực lượng vũ trang ở đồng bằng sông Cửu Long triển khai kế hoạch huấn luyện cho các đơn vị về chiến thuật phòng ngự chống càn quét, về kỹ thuật bắn máy bay, đánh xe M.113 bằng mìn, lựu đạn, thủ pháo, đồng thời, vận động nhân dân đào hầm tránh máy bay, đại bác, đào công sự chiến đấu sẵn cho bộ đội. Ở Trung Nam Bộ còn tổ chức lập ban chỉ huy thống nhất gồm cấp uỷ, chỉ huy quân sự địa phương, chỉ huy đơn vị chủ lực ở từng khu vực, từng mảng để chỉ đạo chống càn quét, phá ấp chiến lược bằng ba mũi giáp công. Những nội dung trên đã được khái quát thành phương thức đánh địch:

Chính trị, binh vận, vũ trang.
Phối hợp nhịp nhàng ba mũi giáp công.
Bao vây, bức rút, bức hàng.
Đứng lại chống càn, giải phóng nông thôn.

Nhờ những chủ trương và biện pháp nói trên được thực hiện tích cực, cho nên những nơi phong trào yếu kém dần dần được khôi phục. Tình trạng nhân dân ở vùng giải phóng chạy vào vùng địch kiểm soát, tránh càn quét, bắn phá của địch đã giảm. Lực lượng vũ trang trụ lại chiến đấu, không có hiện tượng tránh né như trước. Cán bộ đi công tác dựa được vào xã, ấp chiến đấu cũng bớt lo sợ trực thăng đổ chụp bắt sống.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 11:06:08 pm »


Trong những tháng cuối năm 1962, quân và dân Nam Bộ liên tiếp đánh bại các cuộc hành quân càn quét của địch. Ngày 15-8-1962, Mỹ-Diệm mở chiến dịch Bình Tây nhằm tiêu diệt du kích, líp lại phần đất đã mất và tiến hành rộng khắp việc dồn dân vào các ấp chiến lược. Địch huy động lực lượng vào chiến dịch này tám tiểu đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn pháo, 130 xuồng chiến đấu, 40 trực thăng.... Tướng Mỹ Háckin và nhiều tên tướng ngụy chỉ huy chiến dịch.

Chiến dịch Bình Tây chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ 15 - 18-8-1962, đánh vào các vùng Cái Nước, sông Ông Đốc, U Minh Hạ. Giai đoạn thứ hai từ 21 - 30-8-1962, đánh vào quận Giá Rai, vùng duyên hải Sóc Trăng và quận Long Mỹ. Tại đây, quân và dân ta lợi dụng tình hình chia cắt của kênh rạch và những hầm bí mật dưới các rặng cây trâm bầu, rừng đước để bám trụ chiến đấu. Thực hiện phương châm “Địch tiến, ta tránh; địch lui, ta đánh”.

Ngày 8-12-1962, địch lại huy động ba máy bay trực thăng vũ trang HU-1A và 50 trực thăng H47 đổ quân càn quét vùng Cái Bát, Rạch Chèo, Tân Thành. Lực lượng vũ trang ta chặn đánh quyết liệt. Nổi bật là tấm gương chiến đấu dũng cảm của trung đội du kích xã Tân Hưng Tây (Cà Mau) do đồng chí Nguyễn Việt Khải chỉ huy. Riêng anh đã lập chiến công xuất sắc, bắn rơi bốn chiếc trực thăng H47 (hai chiếc rơi tại chỗ, hai rơi dọc đường). Việc dùng súng trường bắn rơi máy bay trực thăng của du kích xã Tân Hưng Tây đã cổ vũ phong trào thi đua săn, diệt máy bay địch ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 10-10-1962, địch mở chiến dịch Sao Mai, chủ yếu càn quét vào các vùng từ Long An đến Tây Ninh, cả lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, vòng cung phía tây nam và tây bắc Sài Gòn. Địch tung vào chiến dịch này 6.000 quân thuộc các sư đoàn chủ lực 5, 7, 21, một đội chó béc giê, gần 100 chiếc M.113, nhiều máy bay các loại. Ngay từ đầu, lực lượng vũ trang của Miền cùng với bộ đội địa phương và du kích các địa phương đã chặn đánh quyết liệt, bắn rơi một máy bay trực thăng ở Đức Hoà; ở những nơi đồng trống, nhân dân đều cắm những cọc tre vót nhọn, cao từ bốn đến năm thước chống đổ bộ đường không. Nhiều đoạn đường bị nhân dân đào phá, các đoàn xe chở lính và tiếp tế bị tắc nghẽn. 6.000 quân địch bị dồn ứ lại trong một vùng hẹp, nhiều đồng lầy, nước ngập, lại bị tập kích liên tiếp, nên ngày 18-10-1962 quân địch phải chấm dứt cuộc hành quân.

Ngày 20-11-1962, địch mở tiếp chiến dịch Thu Đông, càn quét vào chiến khu D, nơi các cơ quan lãnh đạo và chỉ huy của Miền đang ở và làm việc. Trong chiến dịch này có nhiều cố vấn và 200 lính Mỹ tham gia lái máy bay chiến đấu vận chuyển tiếp tế.

Để hỗ trợ cho càn quét, trong năm 1962, Bộ Quốc phòng ngụy công khai tuyên bố chương trình phát quang ở miền Nam, tập trung vào các khu vực Biên Hoà - Bà Rịa - Tây Ninh (Đông Nam Bộ), U Minh (Tây Nam Bộ), Tây Nguyên. Lính Mỹ lái máy bay lên thẳng H21 rải chất độc hoá học huỷ diệt từng khu rừng và nhiều ruộng lúa, hoa màu1.

Quân, dân chiến khu D và những vùng chung quanh kiên cường bám trụ, vượt qua ác liệt, chiến đấu đánh bại các mũi tiến công của địch, diệt nhiều tên, bảo vệ an toàn căn cứ.

Ở Khu V việc mở rộng vùng giải phóng và đưa lực lượng vũ trang trụ lại ở đồng bằng là một yêu cầu bức thiết. Khu uỷ và Bộ Tư lệnh quân khu chủ trương mở tiếp đợt hoạt động mùa mưa năm 1962 nhằm tiến công phá vỡ hệ thống kìm kẹp của địch ở nông thôn đồng bằng.

Chiến thắng nổi bật trong tháng 8-1962 của Khu V là trận đánh máy bay trực thăng đổ quân của địch tại Nà Niêu. Nà Niêu là một thung lung nhỏ nằm cạnh sông Tang thuộc huyện Trà Bồng, miền tây tỉnh Quảng Ngãi. Lòng thung lũng là ruộng lúa nước trải dài xen kẽ với các đồi trọc, rẫy sắn của đồng bào địa phương.
_____________________________________
1. Theo tài liệu Tác hại với môi trường và sức khỏe con người của chất diệt cỏ dùng trong chiến tranh Việt Nam của giáo sư Lê Cao Đài (Uỷ ban 10-80) đăng trên báo Quân đội nhân dân thứ bảy số 154, ngày 12-6-1993 công bố: “Từ 1961 tới 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam, một phần Lào và Campuchia một lượng lớn các hoá chất độc, trong đó có các chất diệt cỏ và làm rụng lá cây mà ta thường gai là chất khai quang”.
    Theo số liệu của quân đội Mỹ, họ đã sử dụng hơn 72 triệu lít các chất diệt cỏ mang các ký hiệu: chất da cam, chất trắng và chất xanh. Trong các chất diệt cỏ, chất da cam chiếm tỷ trọng lớn nhất (61% tổng khối lượng).... Nó chứa một tạp chất cực kỳ độc hại và vững bền. Đó là chất 2,3,7,8 - TCDD, gọi tắt là DIOXIN.
    … Theo số liệu của Mỹ, từng lượng Diôxin rải xuống miền Nam khoảng 170kg.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 11:06:48 pm »


Từ sau cuộc khởi nghĩa Trà Bồng (1959), Nà Niêu trở thành căn cứ quan trọng, nơi đứng chân của bộ đội và cơ quan dân chính, đảng ở Quảng Ngãi. Từ Nà Niêu, lực lượng ta có thể cơ động thuận lợi xuống vùng đồng bằng nam Quảng Nam, bắc Quảng Ngãi và Công Tum. Đây còn là cơ sở sản xuất tự túc để cung cấp một phần lương thực, thực phẩm cho lực lượng cách mạng.

Sau thời gian hoạt động phân tán, tiểu đoàn 90 của quân khu được lệnh tập trung về Nà Niêu để củng cố. Tối 29-8, đại bộ phận lực lượng của tiểu đoàn hành quân xuống đồng bằng vận chuyển gạo. Lực lượng ở lại còn ba trung đội số quân chưa đầy một trăm người. Phát hiện sự di chuyển của ta, bảy giờ sáng (30-8) địch đã cho máy bay đến oanh tạc dữ dội vào khu vực đóng quân. Đến chín giờ, 30 máy bay trực thăng của địch chở liên đoàn biệt động nhảy dù 77 lần lượt đổ bộ xuống bãi sắn trước mặt tiểu đoàn bộ và các đồi trống gần đó. Từ bị động, ta đã nhanh chóng chuyển thành chủ động theo kế hoạch tác chiến đã được luyện tập từ trước. Khi máy bay địch đến ném bom, bộ đội cùng dân quân, du kích nhanh chóng triển khai chiếm lĩnh các vị trí chiến đấu. Khi tốp trực thăng lên thẳng đầu tiên hạ cánh đổ quân, thì súng đại liên, trung liên và súng trường của ta bắn mạnh vào đội hình địch. Bị đánh phủ đầu, quân địch không tiến lên được, chúng lại tiếp tục đổ quân xuống các quả đồi ở hai bên đánh tạt sườn vào trận địa ta. Do nắm được địa hình, địa vật và cách đánh mưu trí, các phân đội nhỏ của ta vừa tổ chức bắn máy bay địch đến bắn phá yểm hộ, vừa đánh mạnh vào đội hình quân địch ở dưới đất, bao vây, chia cắt không cho chúng co cụm lại với nhau. Tiểu đội phó Nguyễn Thành Long lập chiến công đầu, bằng một loạt đạn trung liên ngắn bắn rơi tại chỗ một máy bay lên thẳng đang chở đầy quân. Sau hơn sáu giờ chiến đấu quyết liệt, trước sức đánh trả mạnh mẽ của ta, địch phải huy động máy bay đến thả thang dây cho lính leo lên tháo chạy. Cuộc hành quân bằng trực thăng vận của địch vào Nà Niêu kết thúc. Kết quả, ta bắn rơi 12 máy bay lên thẳng, có bốn chiếc rơi tại chỗ.

Với thắng lợi có ý nghĩa chiến thuật này, ngày 6-9-1962, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã điện1 chỉ thị cho Khu V và Nam Bộ rút kinh nghiệm phổ biến cho lực lượng vũ trang các địa phương vận dụng, phá cho được chiến thuật cơ động bằng trực thăng và thiết giáp của địch.

Sang tháng 9, Quân khu V sử dụng bốn tiểu đoàn chủ lực cùng lực lượng vũ trang địa phương mở đợt tác chiến “vượt sông Tiên” tiến công phá vỡ hệ thống kìm kẹp của địch ở khu vực giáp ranh bốn huyện Tiên Phước, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ (Quảng Nam ) hỗ trợ cho nhân dân phá banh 27 ấp chiến lược, làm chủ bảy xã, 13 thôn. Nhiều xã vùng căn cứ ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, tây Bình Định, tây Phú Yên nhân dân và lực lượng bán vũ trang bẻ gẫy hầu hết các cuộc đổ quân, càn quét bằng trực thăng của địch.

Tại Khu VI, cuộc chiến đấu cũng diễn ra giằng co, quyết liệt. Thực hiện chủ trương của khu đưa bộ đội chủ lực đánh vào một chi khu quân sự của địch có công sự phòng ngự vững chắc để rút kinh nghiệm, đồng thời tạo thế cho phong trào phá ấp chiến lược, ngày 4-8, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận đã nổ súng tiến công chi khu quận lỵ Hàm Tân. Sau 15 phút chiến đấu, ta đã làm chủ chi khu, diệt và làm bị thương 136 tên, bắt sống chín tên, gọi hàng năm tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị và các máy thông tin. Tiếp theo, ta phục kích diệt gọn một đại đội bảo an kéo đến tiếp viện, diệt gần 100 tên.

Ngày 4-10, sư đoàn 23 ngụy mở chiến dịch An Lạc đánh phá quyết liệt các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Đắc Lắc nhằm phá tuyến hành lang chiến lược chạy qua nam Tây Nguyên. Địch dựa vào ưu thế cơ động nhanh, đột kích bất ngờ của máy bay trực thăng chiếm các điểm cao làm bàn đạp rồi từ đó hình thành nhiều mũi, nhiều hướng xuyên rừng phục kích, lùng sục. Cuộc chiến đấu giành giật giữa ta và địch kéo dài gần hai tháng. Ta cố bám trụ giữ đất, bảo vệ dân; địch quyết đánh bật ta ra khỏi địa bàn để gom dân, xây dựng ấp chiến lược, cắt hành lang vận chuyển.

Để bảo vệ nơi đứng chân, đồng thời tiêu diệt bộ phận sinh lực của địch, Quân khu VI quyết định điều tiểu đoàn 840 từ Khánh Hoà lên cùng tiểu đoàn 186 của khu làm lực lượng chủ yếu tiêu diệt cứ điểm Đầm Ròn.

Đầm Ròn là nơi địch đặt sở chỉ huy Bộ Tư lệnh hành quân, sở chỉ huy trung đoàn 45 và khoảng 700 quân. Ở giữa là sở chỉ huy, chung quanh có sáu chốt tiền tiêu, mỗi chốt bố trí một trung đội hoặc một đại đội canh gác ngày đêm. Mỗi chốt đều có công sự dã chiến, hàng rào dây thép gai và mìn nổ chậm bảo vệ. Đêm 5-12 (8-11 âm lịch), lợi dụng trời tối không có trăng, lực lượng của ta gồm bốn đại đội bộ binh, một đại đội đặc công và một bộ phận hoả lực táo bạo, bất ngờ tiến công địch bằng chiến thuật mật tập. Sau 55 phút chiến đấu, ta làm chủ khu trung tâm, đánh thiệt hại nặng sở chỉ huy hành quân, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên, trong đó có tên trung đoàn trưởng trung đoàn 45. Ta phá hỏng nhiều vũ khí, điện đài và các trang bị của địch.
_____________________________________
1. Điện số 68/6 ngày 6-9-1962 của Bộ Quốc phòng gửi Quân khu V, Nam Bộ lưu trữ tại kho lưu trữ Bộ Quốc phòng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 11:07:18 pm »


Phát huy chiến thắng, ngày 11-12, đại đội 2, tiểu đoàn 186 đa số là tân binh mới được bổ sung, do đại đội trưởng Năm Lao chỉ huy dũng cảm quần đánh với hai đại đội địch tại khu rẫy Đắk - Trepun (cách cơ quan khu uỷ 1,5 km đường chim bay) từ 8 giờ đến 16 giờ, diệt 40 tên, địch phải rút về phía tả ngạn sông Krông Nô, căn cứ được bảo vệ an toàn. Lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng còn phục kích trên đường 20 (đoạn cuối đèo Bảo Lộc) diệt 19 tên, phá huỷ hai xe quân sự, thu 21 súng, phá vỡ kế hoạch của địch đưa lực lượng cơ động xuống hỗ trợ cho bọn bình định kìm kẹp dân ở khu tập trung Phước Lạc. Lực lượng các trạm giao liên trên đường hành lang chiến lược phối họp cùng với du kích trên từng đoạn đường, phát huy tác dụng của vũ khí thô sơ, ngăn chặn, đánh địch, bảo đảm sự đi lại, vận chuyển được liên tục, an toàn.

Chiến thắng của lực lượng vũ trang Quân khu VI gây được niềm phấn khởi, tin tưởng trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong chiến đấu nổi lên tấm gương khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, bền bỉ, liên tục tiến công địch của tiểu đoàn 186. Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn từng ngày, từng giờ vừa đánh địch, vừa phải vật lộn với đói khát bệnh tật. Nhiều chiến sĩ sống trong rừng bị sốt rét da vàng, bụng ỏng, có chiến sĩ đi không nổi phải chống gậy nhưng tinh thần, ý chí quyết thắng không chuyển lay. Giữa những ngày chiến đấu đầy thử thách cuối năm 1962, tiểu đoàn được đồng bào các dân tộc giúp đỡ lương thực, cứu chữa thương bệnh binh. Lương thực cạn, đồng bào lại mách bảo cho bộ đội loại “lá bép”, lá non để nấu canh, lá già có thể ăn thay cơm vì có bột. Nhờ có loại lá này mà toàn đơn vị đã trụ được hàng tháng đánh địch. Từ đó, tiểu đoàn 186 có tên “tiểu đoàn lá bép”.

Phối hợp với các cuộc chiến đẩu chống địch càn quét ở nông thôn, tại các thành thị, đặc biệt ở Sài Gòn - Gia Định, lực lượng biệt động tích cực hoạt động. Những trận đánh nhỏ, lẻ, bí mật của các nữ chiêu đãi viên, công nhân lái xe tắc xi, người đạp xe xích lô trừng trị cố vấn Mỹ ở trong quán nước, rạp hát, ngoài đường phố hoặc đang đi trên xe... bằng các loại lựu đạn, búa đinh, vỏ chai, dao cạo liên tục diễn ra, làm cho Sài Gòn, nơi đầu não của địch, luôn luôn bị xáo động, mất an ninh. Chỉ tính riêng chín tháng đầu năm 1962 đã có 86 vụ cố vấn Mỹ bị diệt.

Ngày 26-10-1962, Mỹ - Diệm tổ chức cuộc triển lãm “thành tích của Quân lực Việt Nam cộng hoà” ở trước cửa Toà đô chính Sài Gòn nhằm phô trương các loại vũ khí hiện đại và chào mừng ngày “Quốc khánh nền đệ nhất cộng hoà”. Để hạ uy thế của địch, các chiến sĩ biệt động đội 155 đã dùng lựu đạn đánh vào chỗ để chiếc máy bay lên thẳng, giết chết tên thiếu tá Phan Bội Ngọc đang đứng thuyết minh, buộc địch phải huỷ bỏ cuộc triển lãm ngay hôm đó.

Tháng 12-1962, các chiến sĩ biệt động lại liên tiếp mở các trận diệt Mỹ ở nội thành. Nổi bật là các trận dùng lựu đạn diệt tám cố vấn Mỹ ở bến Bạch Đằng, diệt sáu tên ở gần Viện Ung thư và ngã tư Bảy Hiền, diệt 10 cố vấn Mỹ ở biệt thự góc đường Trương Tấn Bửu - Ngô Đình Khôi.

Những trận đánh của các chiến sĩ biệt động nhìn chung còn lẻ tẻ, số lượng địch bị tiêu diệt chưa nhiều, nhưng xảy ra ngay tại trung tâm đầu não - hậu phương được coi là an toàn nhất của địch, làm cho chúng luôn bất ngờ, lo lắng và căng thẳng. Hoạt động quân sự trong nội đô có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.

Năm 1962, mặc dù địch tăng cường kìm kẹp nhưng không làm giảm được số lượng các cuộc đấu tranh và số lượt người tham gia của công nhân, những người lao động, sinh viên, học sinh đòi các quyền tự do, dân sinh, dân chủ.

Theo thống kê của Bộ Lao động chính quyền Diệm, riêng ở Sài Gòn - Gia Định, những cuộc đấu tranh từng năm như sau: năm 1960: 227 cuộc, 1961: 278 cuộc, 1962 có 324 cuộc, năm 1963 có 123.834 người tham gia, hơn năm 1961: 37 cuộc và 20.802 người.

Tại Sài Gòn, ngày 17-2-1961, 800 công nhân hãng dệt Vimytex, một công ty tư bản hỗn hợp của phe cánh Diệm và công ty tư bản Mỹ Giônxơn đấu tranh đòi sửa lại chế độ làm việc đúng với luật lao dộng. Bọn chủ không chịu giải quyết lại đuổi 59 công nhân, sau đó, đuổi thêm 100 người nữa và đưa cảnh sát vũ trang đến đàn áp. Không chịu lùi bước, toàn thể công nhân bãi công kéo đến cơ quan chính quyền phản đối, bọn chủ phải nhượng bộ huỷ bỏ lệnh sa thải và hứa giải quyết các yêu cầu của công nhân.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM