Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 01:03:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 3  (Đọc 100478 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 10:00:03 pm »


Được sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, nông dân tập thể ở các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tây, Nghệ An đã dấy lên phong trào thi đua làm ruộng cao sản 7 tấn, 10 tấn trên một hécta/năm. Ba huyện Đông Quan, Quỳnh Côi, Tiền Hải và 86 xã trong toàn tỉnh Thái bình đạt năng suất chỉ tiêu cấp trên giao. Trong đó, các hợp tác xã Cầu Lông - Hưng Nhân, Minh Thành - Duyên Hà lần đầu tiên đạt bình quân 35 tạ trên hécta trong một vụ.

Giữa lúc phong trào thi đua yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh mẽ rộng khắp miền Bắc, tháng 7-1961, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ V (khoá III) bàn về phương hướng và nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trong kế hoạch năm năm lần thứ nhất nhận định: Mặc dù thời gian qua trong điều kiện kinh tế còn nghèo nàn, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, hợp tác xã mới được tổ chức xây dựng, nhịp độ phát triển kinh tế hằng năm tăng trên dưới 5,6% đã làm thay đổi bộ mặt đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động, góp phần xây dựng củng cố quốc phòng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng cơ cấu nông nghiệp, chưa chú trọng phát triển toàn diện cây lương thực, nhiều lúc chỉ coi trọng cây lúa, xem nhẹ cây hoa màu và cây công nghiệp.

Từ những xem xét cụ thể, toàn diện điểm mạnh, điểm yếu trong thời gian qua, Hội nghị Trung ương xác định nhiệm vụ và phương hướng chung phát triển nông nghiệp trong thời gian 1961-1965 là:

“Tích cực củng cố phát triển hợp tác xã nông nghiệp và nông trường quốc doanh làm cơ sở vững chắc để phát triển nông nghiệp.

Kết hợp việc hoàn thiện quan hệ sản xuất mới với việc phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nông nghiệp; kết hợp chặt chẽ việc phát triển hợp tác hoá với thuỷ lợi hoá và cải tiến công cụ, cải tiến kỹ thuật, tiến tới một bước cơ giới hoá, nhằm hướng mở rộng diện tích bằng tăng năng suất, theo phương châm toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc, giải quyết tốt vấn đề lương thực là trọng tâm, đồng thời, hết sức coi trọng cây công nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi, mở mang thêm nghề rừng, nghề cá, nghề phụ; sử dụng tốt sức lao động tập thể là chính, đồng thời tận dụng sức lao động gia đình của xã viên. Phát huy thuận lợi của điều kiện nhiệt đới, kết hợp chặt chẽ việc phát triển nông nghiệp ở miền xuôi và miền núi, cải thiện đời sống nông dân, phấn đấu sau năm năm đưa mức sống của xã viên lên ngang với mức sống của trung nông lớp trên hiện nay, thay đổi bộ mặt nông thôn, làm cho nông nghiệp trở thành cơ sở vững chắc để phát triển công nghiệp.

Củng cố liên minh công nông, tăng cường đoàn kết nông thôn, phát huy khí thế cách mạng của nông dân để đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, đưa nông thôn tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”1.

Trong kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn, Trung ương coi trọng việc áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, mở mang thêm nghề rừng và các ngành nghề phụ khác, sử dụng tốt sức lao động tập thể trong các hợp tác xã, tận dụng sức lao động trong các gia đình xã viên.

Đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn mới của Đảng, Nhà nước đã được giai cấp nông dân tập thể, các nông trường, trạm trại sản xuất quốc doanh và quân đội sôi nổi học tập thực hiện. Tính đến tháng 10-1961, trên 9.000 hợp tác xã (trong tổng số 41.400 hợp tác xã cấp thấp) đã lên cấp cao quy mô liên thôn. Trong những vụ đầu, năm đầu hầu hết số hợp tác xã bậc cao ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã phát huy được sức mạnh vật chất, tinh thần, tập trung cải tạo các hệ thống thuỷ lợi nội đồng, mở mang bờ vùng bờ thửa, chủ động được tưới tiêu, củng cố đê điều phòng chống lũ lụt. Hơn một nửa số hợp tác xã bậc cao trong năm 1962 đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu sản lượng, mức thu nhập của các hộ xã viên đủ ăn và tương đối ổn định. Hơn 40 nông trường quốc doanh và quân đội phân bố trên những địa bàn trọng yếu biên giới ven biển như các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Vĩnh Linh bước đầu kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng, góp phần xây dựng hậu phương ngày càng vững mạnh.

Để tiếp tục lãnh đạo phong trào hợp tác hoá, ra sức chăm lo xây dựng, củng cố các hợp tác xã nông nghiệp, cuối năm 1961, Trung ương Đảng và Chính phủ phát động cuộc vận động “Xây dựng hợp tác xã tốt” với nội dung: Đoàn kết tốt; đẩy mạnh sản xuất; tăng thu nhập cho xã viên; tích luỹ để xây dựng hợp tác xã; làm tốt nghĩa vụ đối với nhà nước. Những nội dung, ỷ nghĩa của cuộc vận động đã được các tỉnh, thành trên toàn miền Bắc hưởng ứng học tập, thực hiện. Hàng ngàn hợp tác xã đã hăng hái đăng ký trở thành hợp tác xã tốt, quyết tâm xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Các hợp tác xã Thái Bạ (Sơn Tây), Yên Trường (Thanh Hoá), Thống Nhất (Hà Đông), Đức Cảnh (Thái Bình), Tổng Vân Trân ( Hải Phòng)... đã trở thành những điển hình của cuộc vận động xây dựng hợp tác xã tốt ở các tỉnh. Đặc biệt hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình) đã trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào xây dựng hợp tác xã tốt trên miền Bắc.
_____________________________________
1. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ V về vấn đề phát triển nông nghiệp trong kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 10:00:56 pm »


Hợp tác xã Đại Phong lúc đầu chỉ có vài chục gia đình đồng bào miền Nam vượt tuyến ra Quảng Bình. Khi đến họ chỉ có hai bàn tay trắng. Đảng và Chính phủ giúp cho một ít vốn, bà con ra sức vỡ hoang suốt ngày đêm, nhưng bình quân đầu người, thu nhập vẫn thấp, đói ăn thường diễn ra. Dần dần Đại Phong hợp nhất với hợp tác xã nghèo Đông - Tây - Bắc thành 135 hộ. Do biết tổ chức làm ăn, có tinh thần tương thân tương ái và đoàn kết, cần kiệm xây dựng hợp tác, đời sống nhân dân được cải thiện, chỉ còn năm hộ thiếu ăn được bà con xã viên giúp đỡ. Cuối năm 1960, Đại Phong đã tiến lên hợp tác xã bậc cao với quy mô liên thôn. Nắm vững phương châm lấy sản xuất nông nghiệp là chính, hợp tác xã Đại Phong tích cực cải tiến kỹ thuật, công cụ, xem kỹ thuật là khâu then chốt quyết định để tăng năng suất lao động.

Hợp tác xã phát động 28 đội sản xuất, với 800 hộ xã viên bỏ ra hàng ngàn ngày công nạo vét 6 km đường sông chính và hàng chục km đường mương phụ, sửa chữa và đóng mới hơn 100 thuyền vận chuyển, 60 xe bò, xe cút kít, hàng trăm cày bừa cải tiến các loại. Đặc biệt, đoàn thanh niên, lực lượng xung kích của hợp tác xã, còn tranh thủ nhặt sắt, gỗ đóng được 11 xe bò thuyền1, 6 toa xe goòng, bắc một số đoạn đường ray từ bến bãi về kho và các sân phơi. Bằng khai hoang, phục hoá, hợp tác xã liên tục tăng diện tích gieo trồng (2 sào 10 thước lên 7 sào 9 thước/người); liên tục tăng ngày công lao động (100 ngày công/năm lên 240 ngày công/năm). Ngoài ra, hợp tác xã còn kinh doanh 19 ngành nghề khác nhau, khuyến khích các hộ xã viên phát triển nghề phụ. Sau hơn hai năm (tính đến tháng 1-1962) thi đua lao động sản xuất xây dựng “hợp tác xã tốt” Đại Phong đã tiến những bước dài, khai hoang phục hoá được gần 300 mẫu, đào đắp được 4 vạn mét khối thuỷ lợi và hàng chục công trình phúc lợi công cộng khác. Đời sống của các hộ xã viên không ngừng được cải thiện (từ thu nhập 200kg lương thực người/năm lên 800 kg lương thực người/năm). Các khoản vay nợ của nhà nước, hợp tác xã không những trả đủ, đúng thời hạn mà còn tích luỹ được hàng chục nghìn đồng.

Thành quả phát triển của hợp tác xã Đại Phong chứng minh con đường làm ăn tập thể hơn hẳn con đường làm ăn cá thể, nhân dân đã thực hiện đúng ba nguyên tắc: Tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ, đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể. Có kết quả đó là nhờ “Họ tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ không sợ khó sợ khổ, họ khéo tổ chức, họ đoàn kết chặt chẽ, họ quyết tâm phấn đấu để tiến lên”2. Nhưng cũng trong thời kỳ đó một số địa phương đã không làm đúng, đủ ba nguyên tắc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp của Đảng, làm cho phong trào xây dựng hợp tác xã không những không mạnh lên mà còn có nguy cơ tan rã. Điểm nổi bật nhất của hợp tác xã Đại Phong là biết vận dụng sáng tạo nguyên tắc phân phối xã hội chủ nghĩa (làm theo năng lực, hưởng theo lao động), tránh được chủ nghĩa bình quân, đồng thời, chú trọng đoàn kết tương trợ và các chính sách xã hội khác.

Sau khi hợp tác xã tiên tiến Đại Phong ra đời, hàng ngàn hợp tác xã nông nghiệp, nông trường, trạm, trại của 24 tỉnh, thành đã phát động phong trào thi đua với Đại Phong. Năm mục tiêu cơ bản của cuộc thi đua với Đại Phong là: cải tiến kỹ thuật, năng suất lao động, tăng vụ và vỡ hoang, phát triển nhiều ngành, nghề, cải tiến công tác quản lý, tăng cường công tác chính trị, tư tưởng. Các khẩu hiệu: Phá xiềng ba sào, tích cực cải tiến kỹ thuật, thực hiện trên 200 ngày công trong năm, quyết tâm tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong... đã trở thành hành động ở khắp nơi.

Phong trào học tập và thi đua với Đại Phong ngày càng được nhân lên rộng khắp, tính đến tháng 10-1961, toàn miền Bắc đã lựa chọn được 45 hợp tác xã “Đại Phong”. Một số huyện ở các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Nguyên, Nam Định lựa chọn được từ hai đến ba “hợp tác xã Đại Phong” của địa phương mình. Đầu năm 1962, “Gió Đại Phong” của Quảng Bình đã thổi một luồng sinh khí mới tới hầu khắp các huyện, xã.

Phong trào thi đua yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội hướng về miền Nam ruột thịt không chỉ phát triển sôi động trên các mặt trận công nghiệp, nông nghiệp - hai ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, mà còn dấy lên mạnh mẽ trong ngành giáo dục.

Giữa năm 1958, để thực hiện tốt các “chế độ quy định tham gia lao động sản xuất hàng năm từ một đến hai tháng của giáo viên và học sinh ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp”3 do Ban Bí thư Trung ương Đảng đề ra, Bộ Giáo dục đã ra chỉ thị cho toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh các cấp từ phổ thông trung học trở lên thi đua nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, học đi đôi với hành, ứng dụng các tri thức văn hoá đã học tập vào lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ thị của Bộ Giáo dục, không chỉ nhằm giáo dục, rèn luyện cho giáo viên và học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, khắc phục tình trạng nhà trường tách rời thực tế, tách rời lao động, tách rời quần chúng công nông, mà còn xây dựng cho học sinh, sinh viên thế hệ mới thành những người lao động giỏi có văn hoá, khoa học, có đầy đủ đức, trí, thể, mỹ và lập trường giai cấp vững vàng, biết yêu quý thành quả lao động, yêu quý quê hương đất nước.
_____________________________________
1. Xe bò thuyền là hai loại thuyền có lắp bánh xe đi được cả dưới nước và trên bộ.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.10, tr. 248.
3. Tháng 10-1958, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị quy định chế độ tham gia lao động sản xuất hàng năm cho các giáo viên, cán bộ và học sinh các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 10:01:39 pm »


Thực hiện chủ trương giáo dục đúng đắn của Đảng, gần 100 trường phổ thông cấp II, cấp III, đại học và trung học chuyên nghiệp của gần 20 tỉnh, thành đã tổ chức nhiều cuộc học tập cho giáo viên và học sinh quán triệt nhiệm vụ và bàn biện pháp thực hiện phương châm “lý luận gắn liền với thực tiễn”, “giáo dục kết hợp với lao động sản xuất”. Các nhà trường đã tổ chức giao ước thi đua “dạy tốt, học tốt” phấn đấu trở thành trường tiên tiến, kiểu mẫu của ngành giáo dục. Sau ba năm (1959-1961) thực hiện, ngành giáo dục đã chọn 10 trường điển hình toàn diện. Trong số đó, nổi trội nhất là Trường phổ thông cấp II Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Trường phổ thông cấp II Bắc Lý xã Trung Lý từ giữa năm 1958 trở về trước cũng như nhiều trường khác ở các vùng nông thôn miền Bắc, chủ yếu dựa vào đình chùa làm lớp học, vừa chật hẹp, vừa không phù hợp với việc giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Hiểu rõ khó khăn của thầy trò Bắc Lý, đảng uỷ và uỷ ban nhân dân xã Trung Lý đã phát động nhân dân toàn xã đóng góp công của xây dựng trường lớp cho con em mình, hiến những mảnh vườn, thửa ruộng thuận tiện để thầy trò sử dụng trong học tập, thực nghiệm. Đáp ứng lại sự quan tâm của lãnh đạo và nhân dân địa phương, thầy trò trường Bắc Lý một mặt vừa ra sức dạy tốt, học tốt, học kết hợp với lao động sản xuất, mặt khác, tranh thủ thời gian trưa, tối dạy văn hoá cho bà con xã viên.

Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trường Bắc Lý luôn luôn giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh những tư tưởng, tình cảm tốt đẹp yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động, yêu chủ nghĩa xã hội, nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh xây dựng trường sở. Được sự giúp đỡ đắc lực của nhân dân địa phương, thầy trò trường Bắc Lý đã xây dựng được một mẫu vườn trường, sáu ao thả cá, hàng chục hố phân xanh, một xưởng trường với ba môn dạy nghề rèn, mộc, nguội, một thư viện với 1000 đầu sách... Đó là cơ sở đầu tiên để Bắc Lý phát triển đi lên. Thầy, trò nhà trường thường xuyên nghiên cứu cải tiến phương pháp dạy và học. Kết quả, khoá học 1959 -1960, 100% học sinh được lên lớp; tỷ lệ khá giỏi đạt tới 85%. Đặc biệt, trong kỳ thi hết cấp II năm học 1961, trường Bắc Lý đạt tỷ lệ điểm cao nhất.

Với thành tích nói trên, trường phổ thông cấp II Bắc Lý đã trở thành ngọn cờ đầu của ngành giáo dục.

Trong Hội nghị ngành giáo dục toàn miền Bắc do Bộ Giáo dục triệu tập tại thị xã Phủ Lý (Hà Nam) tháng 10-1961, đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nói: “Thành công của Bắc Lý chính là ở chỗ trên thực tế nó xác nhận rằng: Đường lối, phương châm giáo dục của Đảng là đúng và hoàn toàn có thể thực hiện được và bằng công tác thực tiễn nó chỉ cho ta thấy thế nào là một nhà trường xã hội chủ nghĩa trong điều kiện nước ta”1.

Hưởng ứng phong trào thi đua “hai tốt” của Bộ Giáo dục, hàng trăm trường lớp từ mẫu giáo đến đại học trong khắp các tỉnh, thành hăng hái phấn đấu “học tập Bắc Lý, tiến kịp và vượt Bắc Lý”. Phong trào bắt đầu được nhân lên ở các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trường phổ thông cấp II Ân Thi (Hưng Yên) trồng cấy thí điểm hai mẫu lúa, gieo trồng hai trăm loại cây ở vườn trường. Trường phổ thông cấp II Bích Sơn (Hà Bắc) làm 10 tấn phân xanh, trồng 3.400 gốc sắn, 400 cây ăn quả. Trường Đại học sư phạm Hà Nội phát động phong trào “Tiến mạnh theo Bắc Lý”…

Trống Bắc Lý ngân vang khắp vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ, xa hơn nữa tới tận các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu... (Việt Bắc, Tây Bắc) và các vùng Khu IV. Những khẩu hiệu “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội” xuất hiện ở các trường sở, thư viện, thôi thúc hàng vạn học sinh, sinh viên vượt mọi khó khăn ra sức miệt mài học tập, nghiên cứu. Năm học 1962-1963, số học sinh tốt nghiệp cao hơn năm học 1961-1962 là 6,5%. Hằng năm khoảng 5000 sinh viên đại học và 13.000 học sinh trung học chuyên nghiệp ra trường. Việc tuyển sinh vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp vẫn đạt và vượt mức kế hoạch nhà nước đề ra. Trong quá trình đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và đội ngũ cán bộ quản lý các ngành, nghề trong xã hội, Đảng, Nhà nước đề ra chính sách tăng cường thành phần cốt cán công - nông - binh, ưu tiên cho người dân tộc thiểu số và người miền Nam tập kết, giáo dục, bồi dưỡng toàn diện, không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức xã hội chủ nghĩa, đảm đương tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, trong những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Đảng và Nhà nước ta đã đào tạo được đội ngũ trí thức có đức có tài, góp phần cùng toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cung cấp cho lực lượng vũ trang những chiến sĩ có tri thức văn hoá, khoa học.

Cùng với các phong trào thi đua của các ngành kinh tế - xã hội, Bộ Quốc phòng đã phát động phong trào thi đua “Ba nhất” (giỏi nhất, đều nhất, nhiều nhất) trong các lực lượng vũ trang nhân dân. Tại buổi phát động phong trào thi đua, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: “Thi đua “Ba nhất” là tiếng kèn thúc giục cán bộ và chiến sĩ chúng ta vì lợi ích của công cuộc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tiến lên chiếm lĩnh những đỉnh cao mới của khoa học, kỹ thuật”2.
_____________________________________
1. Báo Nhân Dân ngày 19-10-1961.
2. Phong trào Ba nhất, Báo Quân đội nhân dân ngày 11-5-1961.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 10:02:52 pm »


Phong trào thi đua “Ba nhất” được đại đội 2 pháo binh (đoàn Vinh Quang) dẫn đầu thực hiện đạt nhiều thành tích xuất sắc và nhanh chóng lan toả thành một cao trào thi đua trong các lực lượng vù trang nhân dân. Đại đội bộ binh Lê Hồng Phong (Quân khu IV) ba năm liền giữ vững ngọn cờ “đại đội khá nhất” lá cờ đầu phong trào “Ba nhất” của Quân khu IV năm 1961. Đại đội 2 (Quân khu Tả ngạn) lập thành tích cao nhất trong đại hội kiểm tra kỹ thuật chuyên ngành toàn quân về khoa mục làm cầu quân sự. Đại đội 2 (Bộ Tư lệnh Thông tin) nêu cao khẩu hiệu “Vượt núi, băng sông giữ vững mạch máu giao thông an toàn, thông suốt”, ngày đêm bám trụ mạng lưới thông tin, không để xảy ra sự cố kỹ thuật, trở thành lá cờ đầu của binh chủng trong hai năm liền. Đại đội 16 ĐKZ (Quân khu Tả ngạn) ba năm liên tục giữ cờ “Đại đội khá nhất”, ba năm kiểm tra khoa mục kỹ thuật và bắn đạn thật đạt nhất quân khu...

Ngày 12-6-1961, tiếp sau phong trào thi đua “Ba nhất”, Quân uỷ Trung ương tiếp tục mở cuộc vận động “Xây dựng quân đội tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy hiện đại” trong toàn quân. Nội dung cuộc vận động bao gồm các mặt: rèn luyện ý chí chiến đấu, nâng cao lập trường giai cấp, cải tiến kỹ thuật; chấp hành điều lệnh, điều lệ, rèn luyện tác phong, lao động sản xuất và tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; phòng gian, giữ bí mật. Những nội dung đó nhằm động viên mọi nhân tố tích cực, mọi lực lượng thực hiện tốt nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng về nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, tạo nên khí thế cách mạng mới trong xây dựng và trong chiến đấu. Đó cũng là nội dung phấn đấu để đưa phong trào “Ba nhất” tiến lên một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa.

Phong trào thi đua yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội của các cấp các ngành kinh tế - xã hội trên miền Bắc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành những vần thơ mộc mạc khẳng định niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của các tầng lớp nhân dân ta tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua cuối năm 1961.

“Công nhân phất cao ngọn cờ duyên hải,
Nông dân phất cao ngọn cờ đại phong,
Quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ “ba nhất”
Công- nông- binh đại thi đua, đại đoàn kết,
Chủ nghĩa xã hội nhất định đại thành công
Bắc - Nam nhất định sẽ thống nhất non song một nhà”
1.

Để đẩy nhanh nhịp độ phát triển công, nông nghiệp, cải thiện sinh hoạt đi lại của nhân dân và củng cố quốc phòng, Đảng, Nhà nước tăng cường đầu tư xây dựng một số ngành kinh tế khác.

Ngành xây dựng cơ bản, trong hai năm 1962-1963, Nhà nước tiếp tục giành 86,9% vốn đầu tư vào khu vực sản xuất, trong đó công nghiệp chiếm 43,5%, nông nghiệp 22,6%, thuỷ lợi 10%. Dự án thi công 143 công trình trên hạn ngạch có hơn một nửa là công trình sản xuất và công trình dân dụng. Ngành công nghiệp khẩn trương thi công hoàn thiện 10 hạng mục công trình: hệ thống lò cao số 1 khu gang thép Thái Nguyên, hai nhà máy điện Cao Ngạn, Uông Bí, mở rộng Nhà máy xi măng Hải Phông, phân xưởng sợi Nhà máy dệt 8-3, Nhà máy hoa quả để đưa vào sản xuất. Ngành công nghiệp nhanh chóng xây dựng hoàn thiện bảy công trình thuỷ lợi: âu thuyền sông Vân, trạm bơn La Khê, hồ chứa nước Khuôn Thần, Đại Lải... Một số tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình đã giành từ 40% đến 50% vốn xây dựng cơ bản của địa phương vào thuỷ lợi. Tỷ trọng vốn đầu tư vào giao thông vận tải cũng tăng từ 11,9% năm 1962 lên 15,5% năm 1963. Công trình dân dụng phấn đấu xây dựng thêm khoảng 25 vạn mét vuông nhà ở và hơn một vạn mét vuông trường học.

Về giao thông vận tải, cơ cấu mạng đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển được khôi phục và xây dựng tương đối hoàn chỉnh phục vụ được yêu cầu phát triển và giao lưu kinh tế, văn hoá, củng cố quốc phòng, chi viện cho miền Nam. Ta đã khẩn trương sửa chữa và khôi phục đoạn đường sắt phía nam Hà Nội - đoạn cầu Hàm Rồng đến Vinh, cầu Giác đến Nghĩa Đàn. Đoạn đường sắt ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Uông Bí, Na Dương, Kỳ Lừa cũng được sửa chữa, nâng cấp. Ta cải tạo đường sắt Hải Phòng, Lào Cai, Hà Nội nối với biên giới Việt - Trung, tăng thêm các đầu máy và toa xe chở apatít, xăng dầu và hành khách.

Song song với đường sắt, ta mở thêm đường ô tô đến một số huyện vùng xa, vùng sâu và một số đường cấp phối ở nông thôn; phát triển rộng rãi các phương tiện vận chuyển như xe công nông, xe cải tiến để giải phóng đôi vai của người lao động ở các hợp tác xã, công trường. Ngành đường sông đã nạo vét một số luồng lạch chính nối với Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Việt Trì, Bắc Giang. Lực lượng thuyền nan, thuyền gỗ vận tải phát triển cùng với phương tiện xe cơ giới, cải tiến phương tiện bốc dỡ giải phóng hàng nhanh ở các bến bãi trọng điểm. Nhờ đó, việc tiếp nhận hàng của các nước anh em giúp đỡ cũng như việc vận chuyển hàng hoá trong nước đến các vùng được nhanh gọn và vượt chỉ tiêu kế hoạch trên giao.
_____________________________________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.10, tr. 375.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 10:03:16 pm »


Với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong ba năm (1961-1963) mạng lưới đường giao thông quốc gia dành cho xe cơ giới, mạng lưới đường nông thôn đồng bằng, miền núi (bán cơ giới) từ Tây Bắc đến Đông Bắc, từ Khu III đến Khu IV được mở mang, tu bổ. Hầu hết các đầu mối giao thông các nhánh đường vận chuyển quan trọng phục vụ cho quốc kế dân sinh và phục vụ quốc phòng, an ninh đã được nối liền tương đối hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho việc cơ động lực lượng và chi viện miền Nam.

Dựa trên cơ sở vật chất, kỹ thuật phát triển, ngành vận tải và ngành bưu điện đã phục vụ kịp thời nhu cầu giao lưu và phát triển kinh tế, văn hoá, góp phần cải thiện cuộc sống vật chất và tinh thần nhân dân, đáp ứng cơ bản yêu cầu chỉ đạo của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam.

Trong ba năm (1961-1963), sở dĩ công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải... đạt được bước tiến quan trọng như trên là do sự hỗ trợ tích cực có hiệu quả của các ngành thương nghiệp, ngân hàng, ngoại thương.

Xuất phát từ phương hướng mở rộng giao lưu hàng hoá, phục vụ tốt công cuộc xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thục đẩy sản xuất nông nghiệp và công nghiệp phát triển, góp phần cải thiện từng bước đời sống của nhân dân, củng cố quan hệ sản xuất mới và hoàn thiện cải tạo xã hội chủ nghĩa, ngành thương nghiệp quốc doanh trong hai năm 1961-1962 đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường, đạt 95,2% tổng mức lưu chuyển bán buôn (so với 93% năm 1960) và 60% tổng mức lưu chuyển bán lẻ (so với 51% năm 1960). Trong năm 1963 và những năm tiếp theo của kế hoạch năm năm lần thứ nhất, nhà nước chỉ đạo chặt chẽ hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa từ Trung ương đến địa phương, tổ chức thu mua, phân phối hàng hoá công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp... đến tận cơ sở sản xuất và người tiêu dùng, các mặt hàng công nghiệp thiết yếu như than đá, xăng dầu, xi măng, sắt thép, phân bón, hoá chất, ngành thương nghiệp có kế hoạch hiệp đồng, tổ chức thu mua, cung cấp đủ theo chỉ tiêu của nhà nước cho các ngành xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, bưu điện, điện năng, nông nghiệp... Các mặt hàng nông sản thực phẩm như trâu, bò, lợn, gà, cá rau, gai, cói, chè... ngành thương nghiệp chủ động hiệp đồng thu mua đạt 100% chỉ tiêu của nhà nước giao cho; tổ chức cung cấp thẳng tới các khu công nghiệp, các thành phố, các nhà ăn tập thể, mở mang thêm mạng lưới cửa hàng mua bán ba cấp (trung ương, tỉnh, huyện) vươn tới làm chủ trong kinh doanh phân phối, góp phần ổn định giá cả thị trường. Trong kế hoạch năm năm lần thứ nhất, số cửa hàng bán lẻ của thương nghiệp quốc doanh tăng 134% (so với năm 1960), trong đó cửa hàng lương thực tăng 93,3%, thực phẩm tăng 9,5%, cửa hàng sách báo tăng 6,3%, cửa hàng ăn uống công cộng tăng 84,4%, hệ thống cửa hàng hợp tác xã mua bán tăng 33%... Hoạt động của thương nghiệp thời kỳ này bảo đảm ổn định thị trường nội địa, cung ứng hàng hoá thiết yếu theo định lượng, góp phần bình ổn đời sống nhân dân. Những bước tiến vững chắc của ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa được phát huy, có tác dụng tốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngành ngân hàng, tài chính, ngoại thương do nhà nước độc quyền quản lý hoạt động tích cực, thiết thực phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng hậu phương miền Bắc. Ngân hàng, tài chính dựa trên tổng ngân sách nhà nước đã duyệt, chủ động đầu tư cho kế hoạch quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - văn hoá, nhất là các ngành công nghiệp thiết yếu và nông nghiệp; đồng thời điều tiết cân đối giữa thu và chi nhằm bình ổn giá cả. Ngoại thương tranh thủ nguồn vốn viện trợ từ bên ngoài, đặc biệt là của các nước xã hội chủ nghĩa để xây dựng đất nước.

Kinh tế - xã hội phát triển là cơ sở để Đảng, Nhà nước nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân lao động. Trong năm 1963, nhà nước đưa quỹ bảo hiểm xã hội lên cao hơn năm trước 10,5%, giải quyết cho 28.000 người có việc làm thường xuyên, 73.000 lượt người có việc làm từng vụ. Công tác y tế, phòng bệnh cũng có bước phát triển. Ta xây dựng thêm 22 bệnh viện (tăng 6,4% so với năm 1962). Các bệnh xá huyện, xã được tăng cường hơn 700 bác sĩ, y sĩ, thành lập thêm các đội tiêm phòng dịch, phấn đấu giảm tỷ lệ tử vong xuống thấp nhất vì các bệnh sốt rét, tả, lỵ... bảo đảm sức khoẻ cho nhân dân.

Trong những ngày tháng này, các tầng lớp nhân dân miền Bắc từ công nhân, nông dân, quân đội, trí thức đến các đoàn thể xã hội khác, luôn luôn hướng về miền Nam với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả vì thống nhất Tổ quốc, đã lao động quên mình trên đồng ruộng, nhà máy, xí nghiệp, nông trường, công trường, bãi tập, sản xuất ra nhiều của cải vật chất và thuần thục chiến, kỹ thuật để ổn định đời sống nhân dân, bảo vệ miền Bắc, chi viện cho miền Nam.

Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, cán bộ đảng viên các cấp, giữ những trọng trách trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương đa số đã tỏ rõ bản lĩnh và năng lực của mình, hoàn thành mọi nhiệm vụ. Nhưng còn một số cán bộ, đảng viên do trình độ năng lực hạn chế, lại không thường xuyên tự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, xa rời quần chúng v.v... gây cản trở tới hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch và nhịp độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 10:04:01 pm »


Nắm bắt những khuyết điểm, nhược điểm trong công tác quản lý kinh tế, tài chính của các cấp, các ngành, ngày 26-4-1962, Bộ Chính trị Trung ương Đảng mở cuộc vận động “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong ngành công nghiệp”1. Yêu cầu của cuộc vận động trong bốn năm (1962-1965) là thực hiện một cuộc chuyển biến cách mạng trên các mặt tư tưởng và tổ chức, đưa công tác quản lý lên một trình độ mới, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao đời sống nhân dân.

Thực hiện cuộc vận động “ba xây ba chống”, đầu tháng 6-1962, Ban Bí thư Trung ương Đảng mở cuộc vận động xây dựng chi bộ và đảng bộ “bốn tốt” nhằm xây dựng nội bộ đảng thật trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thắng lợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Nội dung cuộc vận động xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “bốn tốt” gồm: Lãnh đạo tốt sản xuất, lãnh đạo tốt việc chấp hành chính sách và pháp luật của nhà nước, quan tâm đến đời sống của quần chúng và làm tốt công tác vận động quần chúng, làm tốt công tác củng cố phát triển đảng.

Cuộc vận động được triển khai trong toàn Đảng. Nhiều đảng uỷ, chi uỷ, chi bộ được kiện toàn, tác phong công tác ở cơ sở có nhiều chuyển biến tốt. Tính tích cực, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng được nâng cao. Đó là động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng kinh tế củng cố quốc phòng và kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Tháng 7-1963, tại Hà Nội, Đại hội những người xuất sắc trong phong trào xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch năm năm lần thứ nhất đã được tổ chức. Hơn 600 đại biểu đại diện cho hàng triệu đoàn viên thanh niên xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch trên khắp các tỉnh, thành miền Bắc đã về dự. Đại hội đã sơ kết bước một phong trào thi đua trong hai năm và đề ra phương hướng cho thời kỳ tiếp theo. Với tinh thần “Đâu Đảng cần, thanh niên có; việc gì khó thanh niên làm”, hàng vạn nam nữ đoàn viên thanh niên ở các ngành kinh tế - xã hội đã hăng hái đăng ký thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng, nêu cao tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với việc ra sức phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian này, Đảng, Nhà nước ta cũng đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tiếp tục nâng cao địa vị quốc tế của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân toàn thế giới đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta.

Trong năm 1961, nước ta đặt quan hệ ngoại giao với các nước cộng hoà Ghinê, Mali, vương quốc Marốc, đặc biệt là với Cuba, lá cờ đầu của chủ nghĩa xã hội ở Tây bán cầu. Trung tuần tháng 8-1961, đoàn đại biểu Chính phủ ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đi thăm Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan. Từ năm 1963 đến đầu năm 1965, nước ta đặt đại sứ ở Angiêri, Iêmen, Cônggô, Gana, Inđônêxia và cộng hoà Arập thống nhất. Đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ xâm lược, ngày 3-8-1962, Uỷ ban đoàn kết Á - Phi của Liên Xô ký tuyên bố chung với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên án tội ác xâm lược của Mỹ, bày tỏ sự đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân ta. Các nước thế giới thứ ba ở châu Á như Lào, Campuchia, Miến Điện, Thái Lan, Malaixia, Ấn Độ; ở châu Phi, Mỹ Latinh như Angiêri, Ănggôla, Nicaragoa, Vênêduyêla... đều đồng tình ủng hộ nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Lúc này trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa - nhất là Liên Xô, Trung Quốc đã xuất hiện những bất đồng, Liên Xô theo đường lối đối ngoại cùng tồn tại hoà bình giữa các chế độ xã hội chính trị khác nhau, giữ cách mạng trong thế phòng ngự. Mâu thuẫn Liên Xô, Trung Quốc phát sinh và ngày càng gay gắt. Chiến lược đấu tranh chống đế quốc Mỹ của các nước lớn trong phe xã hội chủ nghĩa khác với chiến lược của Đảng ta. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và nội bộ phe xã hội chủ nghĩa, Đảng ta tự xác định nhiệm vụ cho mình là tập trung mũi nhọn đấu tranh chống đế quốc Mỹ, kiên trì chống những mặt tiêu cực trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, củng cố sự đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Ngày 10-2-1963, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra tuyên bố đề nghị các đảng anh em đình chỉ công kích lẫn nhau trên báo chí và đài phát thanh, họp nhau đề khắc phục bất đồng.
_____________________________________
1. Còn gọi là cuộc vận động “ba xây ba chống”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 10:04:41 pm »


Để tiếp tục làm tròn nghĩa vụ quốc tế của mình, góp phần tăng cường sự đoàn kết nhất trí giữa các đảng và các nước anh em, đầu tháng 12-1963 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp phân tích đặc điểm tình hình thế giới và nhiệm vụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nêu rõ lập trường, quan điểm của Đảng ta trên một số vấn đề có tính nguyên tắc về chiến lược và sách lược của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hội nghị nhận định: Cách mạng thế giới đang ở thế tiến công và tiến công liên tục vào chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ. Phương thức đấu tranh của phong trào cách mạng thế giới lúc này là phải đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận, giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Đi đôi với cuộc đấu tranh kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc, Đảng ta ra sức đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa cơ hội dưới mọi màu sắc, chống khuynh hướng chia rẽ và những hành động biệt phái, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ phong trào cộng sản quốc tế, bảo vệ Liên Xô, Trung Quốc, bảo vệ cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin, chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa chân chính và với sách lược mềm dẻo, Đảng ta đã tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác và sự ủng hộ nhiệt tình của các đảng cộng sản, công nhân quốc tế, thực hiện được trên thực tế mặt trận thế giới chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam.

Thực tiễn cách mạng nước ta chứng minh sự đúng đắn về đường lối đối nội, đối ngoại và thái độ đấu tranh có lý, có tình, đoàn kết, chân thành, trong sáng của Đảng và nhân dân ta.

Trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước vô cùng phức tạp, tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên nhất trí với đường lối, quan điểm của Đảng, đoàn kết chung quanh Ban Chấp hành Trung ương đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên trì phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng, một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhưng cũng có một số ít cán bộ, đảng viên dao động, tỏ ra hoài nghi, thiếu tin tưởng vào đường lối của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương mà đứng đầu là Bộ Chính trị đã lãnh đạo và chỉ đạo cho toàn đảng phê phán những quan điểm và hành động sai trái nói trên, đồng thời giáo dục cho cán bộ, đảng viên thường xuyên trau dồi phẩm chất cách mạng, bồi dưỡng ý chí chiến đấu, kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, cùng bè lũ tay sai, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.

Sự thống nhất, đoàn kết trong đảng, sự đồng tình giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của bè bạn quốc tế là nhân tố cực kỳ quan trọng để nhân dân ta giành được thắng lợi trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giải phóng miền Nam.

Như vậy, sau ba năm (1961-1963) thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất, miền Bắc có những biến đổi căn bản: Xoá bỏ được quan hệ sản xuất phong kiến và phương thức bóc lột của bọn đế quốc, địa chủ đã kìm hãm nền kinh tế nước nhà hàng thế kỷ. Ta đã thiết lập và củng cố vững chắc trên miền Bắc một quan hệ sản xuất mới tiên tiến - quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sức sản xuất phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể vươn lên giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân lao động ngày càng được cải thiện. Thắng lợi này đã tạo ra sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Nhờ tính ưu việt của chế độ mới, giải phóng giai cấp nông dân, công nhân và những người lao động khác khỏi bị bóc lột, phát triển giáo dục văn hoá y tế, đào tạo một thế hệ thanh niên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, có giác ngộ chính trị, thể lực tốt, củng cố và tăng cường khối đoàn kết toàn dân, Đảng, Nhà nước ta đã động viên tới mức cao nhất sức người, sức của cho cuộc kháng chiến và cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới”1. Đó là cơ sở vững chắc, là nền tảng để nhân dân ta hoàn thành thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ thắng lợi miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thỏi tiến hành cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc.
_____________________________________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.11, tr.224.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 10:47:09 pm »


II. CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG, XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, CHI VIỆN CHIẾN TRƯỜNG

Miền Bắc - hậu phương lớn của cả nước được xây dựng toàn diện, củng cố vững chắc, kinh tế - xã hội (1960-1965) phát triển đã tạo ra điều kiện thuận lợi để Đảng và Nhà nước ta củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đẩy mạnh chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến ở miền Nam.

Ngày 25-2-1961, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về nhiệm vụ quân sự trong năm năm (1961-1965) và phương hướng nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam. Bộ Chính trị nhận định:

Với những điều kiện thuận lợi về chính trị - kinh tế, xã hội ở trong nước và trên thế giới, ta còn nhiều khả năng giữ được hoà bình ở miền Bắc. Đó là điều kiện rất thuận lợi để quân và dân ta xây dựng hậu phương, củng cố quốc phòng, là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam. Vì vậy, trong thời gian này “Việc bảo vệ hoà bình, bảo đảm công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc là nhiệm vụ chủ yếu nhất”1.

Đối với cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, trong vòng năm năm tới quân và dân ta trên tuyến đầu Tổ quốc trực tiếp chống sự xâm lược và nô dịch của đế quốc Mỹ phải chuẩn bị đầy đủ về tinh thần và lực lượng, bảo đảm khi có thời cơ sẽ tiến lên giành thắng lợi to lớn, làm xoay chuyển tình thế có lợi cho cách mạng. Bộ Chính trị cho rằng, trong quá trình đấu tranh phải lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị hành động khôn khéo để tránh một cuộc can thiệp vũ trang lớn của đế quốc Mỹ”2, cố gắng kiềm chế âm mưu và hành động mở rộng chiến tranh của địch. Bộ Chính trị nhất trí thông qua nhiệm vụ quân sự năm năm lần thứ hai (1961-1965) do Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chuẩn bị:

- Xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng trên miền Bắc. Chú trọng tăng cường sức mạnh của lục quân, xây dựng bộ đội phòng không và phát triển cơ sở của không quân, hải quân. Hoàn thành việc chính quy hoá và đấy tới một bước hiện đại hoá, đảm bảo cho quân đội ta có đầy đủ và với một tỉ lệ tương xứng các thành phần binh chủng, vững chắc về chính trị, có sức chiến đấu mạnh, đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào.

- Xây dựng ở miền Nam một lực lượng vũ trang tập trung đủ mạnh, được đảm bảo tốt về trang bị kỹ thuật, cung cấp vật chất và chỉ đạo tác chiến. Bộ đội địa phương huyện tổ chức đến trung đội, đại đội. Bộ đội tập trung tỉnh tổ chức đến đại đội, tiểu đoàn. Xây dựng 10 đến 15 trung đoàn mạnh về xung lực, hoả lực và một số đơn vị pháo hỗn hợp có khả năng phá công sự, diệt xe tăng, bắn máy bay của địch đến một mức độ nhất định.

- Giúp đỡ các lực lượng vũ trang cách mạng Lào về đào tạo cán bộ, củng cố xây dựng vùng giải phóng và phát triển lực lượng vũ trang của bạn. Khi bạn có yêu cầu, tổ chức bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp chiến đấu với bộ đội bạn.

- Kiện toàn bộ máy chỉ đạo quân sự của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng đối với các lực lượng vũ trang. Trên miền Bắc, chấn chỉnh thêm một bước các cơ quan lãnh đạo và chỉ huy ở Bộ Quốc phòng và các quân khu, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội chính quy, hiện đại và yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu ở miền Nam và chiến trường Lào, đồng thời tích cực chuẩn bị để trong trường hợp chiến tranh mở rộng sẽ trên cơ sở bộ tư lệnh quân khu tổ chức các bộ tư lệnh dã chiến chỉ huy các binh đoàn chủ lực và bộ tư lệnh quân sự địa phương. Thành lập các cơ quan và đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Lào...

- Tích cực xây dựng dân quân, tự vệ và lực lượng hậu bị, duy trì lực lượng vũ trang nhân dân trong thời bình cũng như trong thời chiến.

Quân đội thường trực duy trì số quân thích hợp gồm các thành phần của một quân đội hiện đại, có biên chế và trang bị đáp ứng được nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường nước ta và trên bán đảo Đông Dương.

Căn cứ nhiệm vụ nói trên, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng đã giao cho Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu bổ sung kế hoạch chiến lược bảo vệ miền Bắc, đề phòng chiến tranh. kế hoạch này được soạn thảo từ kế hoạch quân sự năm năm lần thứ nhất (1955-1960) với hai biểu biên chế khác nhau: thời bình 15 vạn quân, thời chiến 65 vạn quân. Năm 1962, Nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa ký kết trang bị cho quân đội ta. Nhưng trong thời gian này miền Bắc có hoà bình, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định số quân thường trực là 17 vạn (tương ứng 1% dân số miền Bắc). Khi Mỹ mở rộng chiến tranh, trực tiếp uy hiếp miền Bắc thì số quân thường trực sẽ tăng lên 26 vạn.
_____________________________________
1, 2. Nghị quyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 25-2-1961, tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 10:48:29 pm »


Lực lượng dân quân, tự vệ - đội hậu bị hùng hậu của Quân đội nhân dân Việt Nam, việc xây dựng và phát triển lực lượng ở nông thôn đồng bằng và miền núi, mỗi xã có từ 100 đến 300 dân quân, du kích. Ở thành phố, thị xã (bao gồm các khu công nghiệp, công sở nhà nước) tự vệ được xây dựng theo các đơn vị hành chính với số lượng thích hợp vừa bảo đảm sản xuất, vừa trực chiến bảo vệ công xưởng và địa bàn được phân công.

Cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam đã phát triển thành một cuộc chiến tranh cách mạng, Bộ Chính trị quyết định giao cho Quân uỷ Trung ương, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng trong quân đội, nhiệm vụ chỉ đạo công tác quân sự ở miền Nam. Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và kế hoạch quân sự năm năm lần thứ hai (1961-1965) của Quân uỷ Trung ương là một bước cụ thể hoá nhiệm vụ quân sự do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đề ra.

Quán triệt nhiệm vụ quân sự của Bộ Chính trị, trong những tháng đầu năm 1961, các tổ chức đảng, tổ chức giáo dục cho toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, các ngành, các giới thấy rõ việc củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân là nhiệm vụ chung của mọi người. Trong đường lối, chính sách của mình, Đảng, Nhà nước luôn luôn kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, xã hội với yêu cầu xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh.

Những năm đầu của kế hoạch năm năm lần thứ nhất xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân miền Bắc đã góp công sức, tiền của cùng bộ đội xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia, cải tạo và mở mang nhiều tuyến giao thông chiến lược, tiếp tục phục hồi và mở rộng hệ thống sân bay, cầu cảng... Hầu hết hệ thống nhà máy, công trường, nông trường và hệ thống đương giao thông, bưu điện được bố trí đảm bảo cho phát triển kinh tế thời bình và đáp ứng nhu cầu quân sự khi xảy ra chiến tranh.

Căn cứ vào kế hoạch quân sự năm năm lần thứ hai của Quân uỷ Trung ương, tháng 3-1961, Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tổng tham mưu soạn thảo kế hoạch xây dựng, huấn luyện quân đội trong những năm 1961-1963, chấn chỉnh thêm một bước tổ chức biên chế, cải tiến trang bị của toàn quân nhằm nâng cao không ngừng sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Xuất phát từ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu ngày càng cao, trên cơ sở tổng số quân thường trực đã được ấn định, Bộ Tổng tham mưu đi sâu chỉ đạo xây dựng kế hoạch cơ bản lâu dài bảo vệ miền Bắc với phương châm tác chiến chiến lược là: Phòng thủ tích cực, đánh lâu dài, bố trí và sử dụng lực lượng trên miền Bắc trên bốn hướng lớn Việt Bắc, Tây Bắc, Quân khu III, Quân khu IV. Triển khai từng bước kế hoạch phòng thủ, xây dựng công trình chiến đấu trọng yếu ở giới tuyến, sâu trong nội địa và dọc bờ biển, xác định vị trí để xây dựng hệ thống chỉ huy thông tin, chỉ huy kỹ thuật, bố trí hậu phương, căn cứ hậu cần, phối hợp với các ngành của Chính phủ khôi phục và mở rộng hệ thống giao thông chiến lược, chiến dịch; đồng thời chỉ đạo thực hiện hai loại biên chế đối với các đơn vị trong toàn quân. Biên chế thời bình gồm các đơn vị không đủ số quân theo quy định và các đơn vị khung gồm cán bộ và nhân viên kỹ thuật. Biên chế thời chiến đủ số quân và trang bị cho các đơn vị bộ binh sư đoàn 308 trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh; sư đoàn 325, sư đoàn 341, trung đoàn 244 (Quân khu IV); lữ đoàn 316, 335 và trung đoàn 148 (Quân khu Tây Bắc); bộ đội phòng không, không quân, hải quân làm nhiệm vụ thường trực chiến đấu và huấn luyện. Số cán bộ ngoài biên chế được dự trữ ở các cơ quan, nhà trường trong quân đội. Bộ phận cán bộ, chiến sĩ phục viên về địa phương và chuyển sang các ngành kinh tế, văn hoá được đăng ký vào ngạch dự bị và tăng cường cho lực lượng dân quân, tự vệ, khi có nhu cầu sẽ gọi trở lại quân đội.

Quân chủng lục quân1 được tăng cường biên chế thống nhất và bổ sung trang bị kỹ thuật tương đối hiện đại. Để khắc phục một số mặt hạn chế trước đây về tổ chức, trang bị, đặc biệt là về mặt phát triển khoa học, nghệ thuật quân sự, Quân chủng lục quân đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học quân sự, huấn luyện cách đánh nhằm vào đối tượng tác chiến mới, trên những địa hình phức tạp, trong những điều kiện thời tiết khác nhau.

Binh chủng bộ binh tổ chức thành sáu sư đoàn, sáu lữ đoàn, ba trung đoàn độc lập trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh2 và các tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực trực thuộc quân khu; các đại đội, tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh, huyện. Mỗi sư đoàn biên chế 9.590 người, tổ chức thành bốn trung đoàn (ba trung đoàn bộ binh, một trung đoàn pháo binh) và một số tiểu đoàn binh chủng và phục vụ trực thuộc sư đoàn. Đầu kế hoạch quân sự năm năm lần thứ hai, các sư đoàn bộ binh và binh chủng kỹ thuật nhờ sự chi viện kỹ thuật quân sự của các nước xã hội chủ nghĩa chủ yếu là Liên Xô, Trung Quốc, vũ khí, trang bị được tăng cường cả về số lượng, chất lượng3. Hầu hết các loại súng tự động và bán tự động như AK47, CKC đã được trang bị thay thế cho các loại súng trường MAS, mút cơ tông, cạcbin. Các sư đoàn, trung đoàn bộ binh huấn luyện cách đánh vận động tiến công trên mọi địa hình, phục kích, tập kích địch hành quân càn quét, đổ bộ đường không hoặc đóng quân trong các căn cứ có công sự vững chắc.
_____________________________________
1. Quân chủng lục quân gồm các binh chủng: bộ binh, pháo binh, công binh, đặc công, thông tin, thiết giáp, hoá học, vận tải.
2. Sáu sư đoàn: 308, 304, 312, 320, 325, 341, sáu lữ đoàn là: 316, 305, 330, 324, 350, 335, ba trung đoàn độc lập là: 50, 246, 148.
3. Vũ khí trang bị của một sư đoàn: 5.000 súng trường, AK, RPD, 174 khẩu pháo, cối, 40 pháo cao xạ 37 ly và 20 ly, 190 ôtô, 250 máy thông tin, 300 km dây điện thoại.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 10:49:22 pm »


Binh chủng pháo binh tổ chức thành 70 tiểu đoàn và hơn 100 đại đội, trang bị trên 1.000 khẩu pháo xe kéo, 1700 cối và ĐKZ. Bốn lữ đoàn pháo binh (364, 368, 374, 378) trực thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh được tăng cường trang bị pháo tầm xa (122, 152) có khả năng chi viện hoả lực trên các hướng chiến dịch. Để nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật trong chiến đấu, bộ đội pháo binh xây dựng, huấn luyện cách đánh hiệp đồng binh chủng và cách đánh độc lập, bắn ngắm trực tiếp và bắn gián tiếp, bắn bằng phương pháp bao bọc hay đánh dấu điểm chạm,v.v... nhằm tiêu diệt, chế áp quân địch, hỗ trợ cho bộ binh tiến công đánh chiếm mục tiêu.

Binh chủng công binh tổ chức thành bảy trung đoàn trực thuộc Cục Công binh, một số tiểu đoàn trực thuộc quân khu, sư đoàn bộ binh, được tăng cường trang bị nhiều máy móc và phương tiện kỹ thuật tương đối hiện đại (máy ủi, ca nô, cầu, phà và các loại xe chuyên dùng), tổ chức huấn luyện mở đường, thông tuyến kịp thời, bảo đảm cho các sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng khác cơ động trên từng hướng chiến dịch.

Bộ đội đặc công gồm ba tiểu đoàn chuyên trách làm nhiệm vụ huấn luyện bộ đội đặc công cho chiến trường miền Nam, tăng cường huấn luyện cách đánh cứ điểm, chi khu kho tàng, sân bay, cầu, cảng và các cơ quan đầu não của địch trong thị xã, thành phố.

Binh chủng Thông tin thành lập các trung đoàn và các trung tâm thông tin trực thuộc Cục Thông tin liên lạc, học tập cách thu phát các mã hiệu thông tin (vô tuyến), cách rải dây (hữu tuyến), nhanh, bảo đảm an toàn các chỉ thị, mệnh lệnh đã thu, phát, đồng thời chống phá các thủ đoạn gây nhiễu của địch.

Bộ đội vận tải tổ chức, sắp xếp lại thành ba trung đoàn (225, 235, 245) dưới sự chỉ huy trực tiếp của Phòng Giao thông quân sự Bộ Tổng tham mưu. Các đơn vị vận tải trực thuộc Bộ, quân khu, binh chủng, sư đoàn bộ binh, được tăng cường xe vận tải cơ giới, tàu thuỷ, xà lan, học tập, huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện vận chuyển và vận chuyển trong mọi điều kiện, trên mọi địa hình theo yêu cầu của phương thức tác chiến mới.

Quân chủng Phòng không - Không quân bao gồm Binh chủng Pháo cao xạ, Binh chủng ra đa, Binh chủng Không quân và một số cán bộ khung của trung đoàn tên lửa mới hình thành. Tuy mới được hợp nhất từ Binh chủng Phòng không và Cục Không quân dân dụng (10-1963), quân chủng còn thiếu thốn nhiều mặt (nhất là sĩ quan điều khiển và các phương tiện chuyên dùng), nhưng Bộ Tư lệnh quân chủng động viên cán bộ, chiến sĩ ra sức học tập, nhanh chóng nắm bắt và sử dụng thành thạo trang thiết bị của mình, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Binh chủng cao xạ huấn luyện cách thiết kế và bố trí trận địa hoả lực trên các loại địa hình, cách nhận dạng các loại máy bay địch, hợp đồng thao tác bắn, bắt mục tiêu nhanh, kịp thời. Binh chủng ra đa học tập cách phát hiện mục tiêu từ xa, từ nhiều hướng, học tập cách xử lý chống nhiễu và khi thời tiết xấu.

Binh chủng Không quân tổ chức thành ba trung đoàn (một trung đoàn tiêm kích, một trung đoàn vận tải, một trung đoàn huấn luyện), tranh thủ thời gian huấn luyện, vươn lên làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại, tìm hiểu thủ đoạn của đối tượng tác chiến mới, sẵn sàng chiến đấu.

Bộ đội Hải quân được hợp nhất từ các đoàn Đ140 (tàu phóng lôi), đại đội 200 (tàu săn ngầm) và hai đoàn 130, 135 (tầu tuần tiễu)... với gần 100 tàu mặt nước các loại, có khả năng quản lý và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ mục tiêu từ vùng biển Đông Bắc tới Quân khu IV. Cùng với sự phát triển của các binh chủng, các quân cảng Bãi Cháy, Cửa Hội, Sông Gianh và một số đài, trạm kỹ thuật, trận địa pháo bờ biển, khu trú đậu, cầu tàu... lần lượt được xây dựng, bảo đảm chiến đấu của bộ đội hải quân. Tháng 1-1964, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân. Hải quân trở thành một quân chủng của quân đội ta và là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

Các quân khu được điều chỉnh lại cho phù hợp với nhiệm vụ phòng thủ và chỉ đạo chiến tranh nhân dân địa phương. Đầu năm 1964, Quân khu Tả ngạn và Quân khu Hữu ngạn hợp nhất thành Quân khu III1. Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu III triển khai tiếp kế hoạch quân sự năm năm lần thứ hai (1961-1965), nhanh chóng xây dựng Quân khu vững mạnh về mọi mặt, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng và thế trận, xây dựng nền quốc phòng toàn dân đáp ứng mọi yêu cầu của tình hình mới.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nói trên, Quân khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu III đã cùng với các tỉnh uỷ, thành uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương, một mặt thường xuyên tiến hành vận động tuyên truyền, giáo dục sâu rộng nhiệm vụ cách mạng trước mắt và lâu dài cho các tầng lớp nhân dân trong quân khu; mặt khác, phát động toàn dân, toàn quân trong quân khu tích cực xây dựng địa phương vững mạnh toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đẩy mạnh nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân đánh thắng mọi hình thức chiến tranh xâm lược của địch.
_____________________________________
1. Gồm các tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Bắc, Hòa Bình, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM