Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 02:37:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bạn chiến đấu - Tập 1  (Đọc 6804 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2022, 08:00:10 am »

Không một người nào trả lời, và sự im lặng đó cuối cùng làm đại úy lúng túng. Anh nói:

— Ai đồng ý thì giơ tay lên.

— Thôi, không cần — Lông-bác-đô ngắt lời — chúng tôi đã quyết định rồi. Tất cả đều đồng ý, vũ khí để ở đâu?

— Trong xe — đại úy nói — Ở trong xe có 6 tiểu liên. Pê-tơ-ra-sếch được một khẩu, và súng trường, nhiều đạn nhưng ít lựu đạn và báng tiểu liên.

Sau khi thảo luận một chút về vũ khí, cuối cùng họ thân ái phân phối cho nhau — và sếp hàng bốn, họ bắt đầu hành quân trong một phố tối, không một ánh lửa, dưới mưa buốt mùa đông.

Hai giờ hau họ đã chiến đấu, và cuộc chiến đấu kéo dài mười ba ngày, gần như không gián đoạn, từ mờ sáng ngày 25 tháng giêng, ở ngoại ô phía Tây Bác-xơ-lon, ngăn không cho bọn phát-xít chiếm một chiếc cầu trên đường giao thông đi bảo vệ lối rút cho những người lánh nạn, đến buổi sáng cuối cùng, ngày 7 tháng hai, ngày chính bản thân họ vượt qua biên giới Pháp gần Péc-tuýt, qua một chiếc cầu nhó. Mười ba ngày đó lưu lại trong trí nhớ của Pê-tơ-ra-sếch như một ngày duy nhất, giống nhau, một ngày mệt mỏi, đầy tiếng động ầm ì, tiếng kêu rên và tiếng chửi rủa, tiếng ùng ục của đại liên, tiếng rít của bánh xe và tiếng khóc của trẻ nhỏ. Cái ngày dài đằng đẵng đó, họa hoằn lắm, mới bị gián đoạn bởi một giấc ngủ ngắn, trong lúc đại liên vẫn không ngừng ùng ục nổ, bánh xe rít và trẻ con khóc, khóc mãi.

Trong tất cả những ngày những đêm đó, làn sóng buồn thảm của những người lánh nạn không ngừng chảy trên những con đường từ Ca-ta-lô-nhơ về phía biên giới Pháp.

Bất chấp sự khủng khiếp của mọi cái xẩy ra chung quanh mình, Pê-tơ-ra-sếch hiểu rằng cuộc di cư này của nửa triệu con người, đi từ một vùng duy nhất, vùng Ca-ta-lô-nhơ, và theo quân đội rút lui, đến một sự đầy ải mà không ai tưởng trước được là sẽ kéo dài bao nhiêu lâu, sự ra đi của những con người gồm một nửa là nông dân bị mất theo mái nhà và mảnh đất tất cả những gì họ có trên đời, không phải chỉ là một thảm họa, mà là một thách thức của cả một dân tộc đối với chủ nghĩa phát-xít.

Anh nhìn thấy rất rõ điều đó ở những người nông dân đang đẩy trước họ, qua hết cây số này đến cây số khác về phía Bắc, những chiếc xe cút kít chở các thứ đồ đạc tạp nham nhất, ở  người đàn bà sau khi vùi xác con chết trong một trận ném bom, lại lên đường về phía Bắc tựa trên cánh tay chồng. Anh nhìn thấy ở những khẩu hiệu trên tường những ngôi nhà nông dân bỏ lại. «Chúng tôi không muốn sống với bọn phát-xít», ở vô số đám lửa trại, mà người dân lánh nạn đốt ban đêm trên tất cả các quả đồi lân cận. Những đám lửa đó chứng minh rằng làn sóng người cuồn cuộn chảy trên con đường rút lui rộng lớn con đường từ Bác-xơ-lon đến Phi-gơ-rát, chỉ là một phần của cơn lũ người mênh mông đổ về biên giới nước Pháp.

Cánh tượng trên con đường Phi-gơ-rát thật kinh khủng.

Một cơn mưa lạnh buốt tầm tã ngày đêm trút lên đầu những người dân lánh nạn, thỉnh thoảng lắm mới ngớt chút ít. Núi đồi lân cận đều phủ tuyết, và trong số những người từ núi đồi xuống nhiều người chân tay bị tê cóng.

Đàn ông, đàn bà nhịn đói từ nhiều ngày đổ gục trên những đống đất và chết. Nằm trên những ổ rơm sũng nước mưa, những người bị thương tải bằng xe bò rên rỉ.

Máy bay Ý và Đức suốt ngày bay trên đường. Chúng ném bom và bắn vào những người dân lánh nạn. Mỗi lần một máy bay đã trút hết bom và đạn đại liên, lại bay ầm ầm trở về vị trí trên đầu những người chết và những người sống. Ở lối vào thành phố cổ kính và xinh đẹp Giê-rô-na có một chiếc cầu hẹp bắc qua một con sông nhỏ, xe cộ bị nghẽn lối phải ngừng lại — Bọn phát-xít ném bom đám đông ùn lại ở đấy mười giờ dòng dã, mãi đến tối mịt.

Ở Phi-gơ-rát, cách biên giới nước Pháp hai mươi nhăm cây số, hàng nghìn người trú đêm gần đường cái trên quảng trường cũ hình vuông ở trung tâm thành phố — Mưa như trút, nhưng những căn nhà vòng quanh quảng trường dù sao cũng che được gió buốt cho họ.

Sớm tinh mơ, những chiếc gioong-ke xuất hiện. Pê-tơ-ra-sếch qua Phi-gơ-rát buổi chiều hôm đó. anh quấy rối bọn phát-xít để bảo vệ cho những toán người lánh nạn cuối cùng rút lui. Anh không có thời giờ nhìn chung quanh mình, nhưng quang cảnh anh nhìn thấy buổi chiều hôm đó trên quảng trường mười giờ sau khi ném bom đến suốt đời anh cũng không quên được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2022, 08:02:33 am »

Bản thân anh làm gì những ngày cuối cùng này? Anh bảo vệ cho những người dân lánh nạn đến tận biên giới.

Sớm nào cũng vậy, sau thời gian yên tĩnh ban đầu, pháo binh phát-xít lại bắt đầu nổ súng. Nó thường là bắn hú họa hay bắn vào những địa điểm công cộng của làng xóm. Sau đó, bộ binh Phơ-răng-cô xung phong lao lên.

Chiếm lĩnh vị trí từ ban đêm trên một quả đồi rìa đường, trong những chiếc hầm đào vội, sau những căn nhà đổ của một xóm hay giữa những nấm mộ của một nghĩa trang, Pê-tơ-ra-sếch và những người bên tả, bên hữu anh, của nhưng đơn vị Tây-ban-nha hay của những Bình đoàn quốc tế nổ súng vào đầu bọn lính Phơ-răng-cô. Đơn vị bảo vệ cuối cùng này nói chung gồm toàn cựu binh, bắn rất chính xác; sau khi mất một vài người, bị chết hoặc bị thương, bọn phát-xít nằm rạp xuống đất.

Quả đồi mọc ria đường, khu nghĩa trang hay căn nhà đổ trong một hay hai tiếng đồng hồ bị pháo binh Phơ-răng-cô nã bắn, sau đó bọn lính lại nhỏm dậy và tiến lên. Giữa thời gian đó, đoàn người lánh nạn đi qua, những đơn vị cộng hòa lùi dăm cây số về phía Bắc, và đến lượt bọn phát-xít tiến theo.

Mặc dù chiếm ưu thế tuyệt đối về số lượng, chúng cũng không dám tính đến chuyện quá mạo hiểm. Rõ ràng là chung nhận được lệnh «bao vây», «chia cắt», «tiêu diệt», nhưng đó chỉ là một mệnh lệnh, và không tên nào trong bọn chúng muốn nhận một viên đạn vào đầu trước ngày chiến thắng, ở cách biên giới nước Pháp bốn mươi hay hai mươi cây số.

Ngày 7 tháng hai, hàng vạn dân lánh nạn đã vượt biên giới Pháp ở những địa điểm khác nhau.

Buổi sáng sớm hôm đó, khi Pê-tơ-ra-sếch nhìn thấy chiếc khe sâu chạy theo đường vạch của biên giới và chiếc cầu vắt qua, đơn vị anh bẩy mươi hai người, chỉ còn lại có mười bảy.

Không bao giờ anh có thể quên cái buổi sớm tháng hai 1939 sương mù dày đặc đó ở biên giới nước Pháp. Người ta nhìn rõ, cách một trăm thước, những căn nhà của thành phố nhỏ nước Pháp, thành phố Péc-tuýt. Tối hôm trước, tất cả những người của các binh đoàn quốc tế còn sống rút lui trong những đơn vị bảo vệ cuối cùng, nhận được lệnh tập trung ở địa điểm biên giới này.

Sớm hôm đó, lần đầu tiên, họ ở cách bọn phát-xít vài cây số — Thật vậy, những chiến sĩ Tây-ban-nha của quân đoàn Mô-đét-stô lúc đêm đã chiếm lĩnh khu vực này của mặt trận. Như thế, những chiến sĩ Tây-ban-nha sẽ là những người cuối cùng rời bỏ đất đai của xứ sở họ.

Suốt tất cả những năm ba mươi sáu, ba mươi bảy và ba mươi tám — và ngay cả trong những ngày bi đát của tháng giêng năm 1939 — Pô-tơ-ra-sếch và những đồng chí của anh trong các Binh đoàn quốc tế — đã yêu mến đất nước Tây-ban-nha nơi thuở ban đầu họ chiến đấu chống bọn phát-xít — yêu mến những người Tây-ban-nha một dân tộc cao thượng và tự hào mà quyền tự do đáng được bảo vệ.

Nhưng cùng sẽ không đúng nếu cho rằng Pê-tơ-ra-sếch chỉ nhìn thấy phía tốt đẹp của nước Tây-ban-nha Cộng hòa. Anh cùng nhìn rõ những sai lầm. Bọn vô chính phủ liều lĩnh như lũ điên trong những ngày phản công và lo quýnh lên trước những thất bại đầu liên — Những nhà hùng biện hô hào chết cho Tổ quốc bằng một giọng bi kịch, nhưng lại không biết im lặng chết cho đất nước. Anh đã trông thấy, nhất là trong những ngày cuối cùng, những nhân vật của nước Cộng hòa, khi mọi việc có vẻ thuận buồm suôi gió, thì ôm lấy những địa vị cao nhất và khăng khăng không chịu chia quyền với những người cộng sản, nhưng, khi khó khăn đến, vắt chân lên cổ chạy vội sang phía bên kia biên giới và một khi yên ổn rồi đổ tất cả những lỗi lầm lên đầu những người cộng sản.

Khi tai họa đã trở thành hiện thực, anh lại có dịp gặp những người cố làm như không có sự khác biệt căn bản giữa chế độ dân chủ và chủ nghĩa phát-xít: để thoát chết, rốt cuộc, người ta có thể tán thành ngay đến cả Phơ-răng-cô. Nhưng Pê-tơ-ra-sếch cũng biết rõ rằng tất cả cái đó, mặc dù đáng xấu hổ một cách đau sót, không chút gì dính líu đên nhân dân Tây-ban-nha; rác bẩn dần dần nổi lên mặt; ròng rã hai năm, bọn phát-xít nhận được vũ khí và quân đội qua biên giới Bồ-đào-nha, lúc nào cũng mở sẵn trong lúc biên giới Pháp đóng chặt chỉ cho lọt sang phía cộng hòa những lời hứa hẹn giá dối về việc không can thiệp.

Chưa bao giờ anh yêu mến đất nước Tây-ban-nha như trong những ngày rút lui kinh khủng này, khi sát cánh với những chiến sĩ của Mô-đét-stô và Lit-stơ, trong những đơn vị bảo vệ, anh chiến đấu với lũ phát-xít càng ngày càng tiến sát. Anh đã nhìn gần nhiều lần, chính Mỏ-đét-stô, trong đơn vị cuối cùng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2022, 08:04:17 am »

Lòng dũng cảm của Mô-đét-stô không phải là của một kẻ muốn người ta thấy mình chết; Mô-đét-stô chỉ đơn giản là một người Tây-ban-nha ngạc nhiên thấy mình vẫn còn sống và là người cuối cùng rời bỏ mảnh đất xứ sở vì anh không thể làm khác được — Bộ đội của anh, bản thân họ cũng thế, họ không tự hỏi xem mình có vượt được biên giới Pháp không. Họ bảo vệ những người lánh nạn tản cư, và việc đó không thể tiến hành mà không phải chịu đựng những tổn thất nặng nề.

Một hôm, đã đi khỏi Phi-gơ-rát, cách biên giới độ mười lăm cây số, Pê-tơ-ra-sếch và sáu người nữa bào vệ một khẩu đội pháo loại nhẹ do ngựa kéo. Một trung úy Tây-ban-nha chỉ huy khẩu đội vẫn ngồi trên lưng con ngựa trống không chịu xuống mặc dù đạn địch bắn. Khẩu đội ngăn được bọn phát-xít trong ba tiếng đồng hồ — Khi bắn xong viên đạn cuối cùng, trung úy ra lệnh tháo quy-lát các khẩu đại bác cho bộ đội rút lui, xuống ngựa, giết ngựa rồi tự sát — Đúng ra thì anh ta không nên hành động như thế, nhưng Pê-tơ-ra- sếch, chắc chắn sẽ ngăn anh ta nếu kịp, không có can đảm chê trách anh ta.

Những người của các Binh đoàn quốc tế tập hợp gần cầu Péc-tuýt.

Khung cảnh họ vừa đi qua làm Pê-tơ-ra-sếch nhớ đến miền Bắc Tiệp-khắc, trên con đường đi từ Pa-ra-ha về phía Xuy-đét, anh quen thuộc từ thuở nhỏ: một con đường dốc khúc khuỷu, những quả đồi xanh um, những bụi rậm, những mảnh rừng tùng nhỏ mọc xen lẫn với sồi. Trước mặt họ, một khe sâu và một chiếc cầu, sau đó, bắt đầu nước Pháp.

Một trong những cán bộ lãnh đạo của ban tham mưu những Binh đoàn quốc tế, một người đã đứng tuổi, mặt nghiêm nghị và mệt mỏi, mặc thường phục đứng trên một điểm cao phía trước dốc đi xuống cầu. Bị thương trong những trận chiến đấu vừa rồi, một cánh tay anh gập trong một chiếc băng treo rộng màu đen. Dăm người đứng bên cạnh anh, mang quân kỳ của những đơn vị Binh đoàn quốc tế mười một, mười hai, mười ba, mười bốn, mười lăm, để ở Ban tham mưu sau khi những đơn vị đó giải tán.

Ba trăm người thuộc các binh đoàn quốc tế, hàng ngũ tề chỉnh, tiến về phía họ — Những người mang quân kỳ đi hàng đầu. Trong số người đứng đợi trên điểm cao, không phải ai cũng biết rằng những chiến sĩ cuối cùng của các Binh đoàn quốc tế, những người cuối cùng rời bỏ mảnh đất Tây-ban-nha, mặc dù tất cả những khó khăn của cuộc rút lui, vẫn còn giữ trong tay bốn lá cờ tiểu đoàn. Tiến đến nơi, những người mang quân kỳ rời khỏi hàng và trao cờ lại cho những đồng chí chỉ huy cũ của mình. Họ trở về hàng và đoàn quân tiếp tục đi đều bước, hàng bốn vừa đi vừa hô giọng nghiêm nghị và trang trọng.

— Vi-va la Rê-pu-bli-ca Ét-spa-nô-la!(1)

Rồi đến mười hai thước cầu, đến đầu cầu phải nộp khí giới cho cảnh sát Pháp.

Pê-tơ-ra-sếch nhiều lần chua chát nhớ lại lúc vượt biên giới Pháp, trên cát lạnh của trại Ác-giơ-lét, ở đó mọi người, đêm phải vùi mình xuống cát sợ chết cóng, khẩu phần hàng tuần — gồm cá thối và rau ôi — chỉ lóp lép đủ cho ba ngày. Những điều kiện sinh hoạt này hoàn toàn không phải do chính phủ Pháp không dự đoán trước hay bị bất ngờ: trại Ác-giơ-lét chính được họ quan niệm như một địa điểm để bước sang thế giới bên kia.

Người ta sợ giết những kẻ bị giam trong trại Ác-giơ-lét vì có những đảng viên cộng sản ở nước Pháp và vì công nhân, nông dân và giai cấp tiểu tư sản sẽ không hiểu được sao người ta lại tàn sát trên đất của nước cộng hòa Pháp những con người đã trốn chạy chủ nghĩa phát-xít. Nhưng chính phủ Pháp, vừa ghét vừa sợ những đảng viên cộng sản, lại sợ Hít-le gấp bao nhiêu lần hơn là ghét hắn. Đại sứ Pháp ở Bá-linh từ lâu, trong những bản báo cáo, đã nói rằng Hít-le sẽ không bằng lòng nếu những người Cộng hòa Tây-ban-nha được những điều kiện sống dễ dàng trên đất Pháp. Chính vì thế mà người ta chiêu đãi họ bằng một chế độ dây thép gai — Hơn nữa, chế độ này cũng có lợi cho chính phủ Pháp.

Người ta không giết ai ở Ác-giơ-lét, nhưng người ta đánh đập cho đến chết tất cả những ai đến sát gần dây thép gai. Người ta không làm cho họ chết trong những phòng hơi độc, lúc đó còn chưa phát minh ra, nhưng người ta làm cho họ chết đói. Người ta không tiêm vi trùng dịch hạch, nhưng người ta không phát ký-nin.


(1) Nước Cộng hòa Tây-ban-nha muôn năm.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười Hai, 2022, 08:10:23 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2022, 08:06:52 am »

Những người cộng sản bị giam trong trại, không nghĩ rằng những người chết vì đau khổ đều được đưa thẳng đến thiên đường, họ đã làm tất cả những gì có thể làm được để việc đó xảy ra càng ít càng hay. Người ta tổ chức một Ủy ban cứu tế có thể cung cấp một chiếc áo khoác cho một người đàn bà gần chết rét, hay một nửa hộp sữa cho một đứa trẻ gần chết đói, nhưng nhất là đã tìm cách liên lạc được với những người cộng sản Pháp và đã đòi được chuyển đến trại từ phía bên kia hàng rào dây thép gai ít nhất là một phần của tất cả những gì nhân dân Pháp quyên góp cho những người Tây-ban-nha lánh nạn — Chính phủ Pháp sở dĩ phải đồng ý vì sợ nhưng lời chất vấn ở nghị viện không khỏi sẽ làm cho nhân dân phẫn nộ.

Một tháng sau, rõ ràng những con người ấy đã làm cho những sự tính toán của những kẻ lập nên khu tập trung ở bãi cát hoang vắng nay, thất bại, họ vẫn còn là người, ngay cả sau hàng rào dây thép gai: họ tương trợ và sát cánh đấu tranh với kẻ thù chung.

Nằm dài trên cát. Mồ hôi lạnh vã ra như tắm, trong tỉnh trạng bất lực sau những cơn sốt. nhưng Pê-tơ-ra-sếch biết rằng mờ sáng hôm sau người đồng chí ấy mà anh chỉ mới biết mặt sẽ đền gần anh thăm hỏi bệnh tình. Anh cũng biết rằng nếu bệnh trầm trọng thêm, người ta sẽ kiếm ký-nin cho anh. Đối với trại Ác-giơ-lét, đó cũng là một điều đáng kể.

Nhưng anh còn biết hơn nữa — Anh biết rằng, ngày hôm sau ở trại sẽ có một cuộc họp nhân dịp ngày Lễ quốc tế mồng Một tháng Năm — Những người cộng sản không đủ sức đem niềm vui chan hòa vào trong nơi đáng nguyền rủa này, nhưng rõ ràng là họ có khả năng đấu tranh chống với tuyệt vọng và nhắc nhở những người lánh nạn rằng ngoài những hạt cát nhỏ của bãi biển Ác-giơ-lét, trên đời còn có quảng trường Đỏ ở Mạc-tư-khoa mà Hồng quân sẽ diễu qua ngày mai.

Pê-tơ-ra-sếch tự hỏi không biết sớm ngày hôm sau anh có dậy được không. Anh những muốn làm được như thế với bất cứ giá nào và anh cảm thấy hằn thù đối với cơ thể sốt rét, nhớp nháp mồ hôi và yếu đuối của mình.

Anh đã đổi chiếc áo sơ-mi, dây lưng, bút máy, hộp đựng thuốc lá lấy đồ ăn, nhưng vẫn còn giữ lại chiếc đồng hồ. Kim chỉ bốn giờ sáng; lúc này là 6 giờ ở Mạc-tư-khoa.

Anh nghĩ đến Mạc-tư-khoa lúc này đã thức giấc chuẩn bị diễu hành và biểu tình. Hai mươi sáu năm của đời anh, anh sống mười ba năm ở Pa-ra-ha, mười năm ở Mạc-tư-khoa và hai năm rưỡi ở Tây-ban-nha. Anh nói tiếng Nga vẫn còn pha giọng, nhưng Mạc-tư-khoa đối với anh không phải chỉ là thành phố của tuổi thanh niên, mà là thành phố ở đó anh đã trở nên con người như hôm nay và không phải ai khác, Pa-ra-ba, mà kỷ niệm cháy lửa trong lòng anh thời kỳ anh lên đường đi Tây-ban-nha, có một ý nghĩa lớn lao đối với anh, nhưng đêm nay, đêm trước ngày mồng Một tháng Năm trong trại Ác-giơ-lét, anh nghĩ đến Mạc-tư-khoa.

Đã từ ba năm nay, anh tình nguyện đi theo con đường hiện nay chưa biết sẽ ra sao. Đến Tây-ban-nha như một công dân của Nhà nước Tiệp-khắc cũ, anh hiểu rằng, qua mười năm ở Mạc-tư-khoa, anh không có quyền nhờ cậy lãnh sự quán Liên-xô. Anh biết rằng anh sẽ không làm thế để thoát chết. Nhưng, nghĩ đến tương lai, anh nghĩ đến Quảng trường Đỏ, nơi đúng bốn giờ nữa, nhịp với tiếng đồng hồ trên tháp S-pát-scai-a, cuộc duyệt binh bắt đầu. Nếu đời sống của anh và của những người như anh có một tương lai, tương lai chỉ có thể đến được từ đó.

Tim Pê-tơ-ra-sếch trào lên cay đắng vì anh đã phải nộp khẩu tiểu liên không đạn cho một tên cảnh sát Pháp, vì anh phải ở trong trại này, vì những trận chiến đấu đầu tiên chống chủ nghĩa phát-xít chấm dứt dưới mắt anh bằng sự chiến thắng của chủ nghĩa phát-xít, và sự thất bại của nước Cộng hòa Tây-ban-nha.

Thật ra phải cố gắng lắm mới có thể tin vào tương lai sau thảm họa Ca-ta-lô-nhơ.

Anh nghĩ rằng với anh. lòng tin tưởng đó cũng còn dễ dàng hơn nhiều anh em khác trong số những người lánh nạn của trại. Mặc dù tất cả những thử thách, họ vẫn còn giữ lòng tin ở Liên-xô xa xôi ấy mà họ chưa từng thấy bao giờ. Anh, anh đã nhiều lần bước trên đường phố Quảng trường Đỏ, anh đã tự chính tay mình nắm chặt lấy cán cờ, và đã chính mắt mình nhìn thấy, không phải những chân dung Xta-lin, mà ngay chính Xta-lin đứng ở phía trên mộ Lê-nin. Hàng nghìn lần trong đời anh, anh đã xiết chặt tay những công dân Xô-viết, thường dân và quân đội, những người sắp sửa đương đầu với chủ nghĩa phát-xít và sẽ chiến thắng nó.

Đối với anh, hình như không ai cảm thấy rõ ràng hơn anh cái tương lai không thể tránh được đó, trên mặt cát ẩm của trại Ác-giơ-lét, cách biên giới Tây-ban-nha hai mươi cây số.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2022, 09:53:26 am »

CHƯƠNG V

Lúc đầu, Ác-tê-mi-ép chỉ ao ước sao cho ngày đi đến địa điểm nhận công tác mới sẽ chậm lại, dù chỉ một tuần, cho đến buổi lễ long trọng mãn khóa.

Nhưng cái ngày hằng chờ đợi đó đã qua đi, tiếp theo năm ngày nữa; người ta đã có thời giờ tổ chức lễ cưới của Xa-nai-ép; và Ma-sa quyết định ở lại đến ngày anh mình lên đường, đã hai lần phải hoãn ngày đi nghi của chị; Xa-nai-ép, Bôn-đác-súc và Ác-tê-mi-ép vẫn chưa nhận được giấy triệu tập của Bộ quốc phòng.

Cảnh ăn không ngồi rồi chờ đợi bắt đầu đè nặng, khi cuối cùng, ngày 17 tháng năm, họ được gọi đến Bộ, và người ta bắt đầu chuẩn bị giấy tờ cho họ gấp rút, việc này báo trước là ngày lên đường liền ngay đó.

Bảy giờ tối, sau khi đã nhận được công lệnh cho mình và các bạn, anh đến nơi bán vé dành riêng cho quân đội ở nhà ga phía Bắc, giữ chỗ trong chuyến tàu ban ngày, hôm sau sẽ khởi hành đi Vla-đi-vốt-stốc.

Anh phụ trách tất cả nhưng công việc đó, vì là người độc nhất chưa có vợ và do đó trong số anh em đi anh là người ít bận hơn cả.

Anh gọi dây nói từ nhà ga cho Bôn-đác-súc báo cho bạn biết anh đã lấy được vé cho tất cả, rồi anh đi theo phố nhỏ Oóc-li-cốp đến đại lộ Xa-đô-vay-a về nhà. Anh biết rằng mẹ anh, như thường lộ, sẽ ở xưởng về muộn, và Ma-sa dự định từ buổi sớm đi xem hát, chắc là còn về muộn hơn.

Vừa tự nhủ lúc này không còn là giờ để đến từ biệt mọi người ở trường đại học, và để sớm hôm sau thì tốt hơn, Ác-tê-mi-ép thủng thỉnh đi theo những đại lộ đã bắt đầu cảm thấy sự mát lạnh của buổi chiều.

Anh biết rằng anh chẳng có lý do gì để vội vàng và chẳng có nơi nào để mà đến, trừ một ngôi nhà nào đó nhưng lại chẳng có lý do gì để mà đến, sau khi đã suy nghĩ nhiều lần về việc đó và kết luận rằng quyết định của mình là đúng, mãi nửa giờ sau anh vẫn thấy mình ở phố Srê-ten-ca, gần nhà Na-đi-a.

Anh còn đứng do dự mấy giây ở ngoài cửa, nhưng cuối cùng anh tự nhủ thật ra có lẽ nên gặp Na-đi-a nói rằng anh đi, và dứt khoát vĩnh biệt chị, không để cho mình hay cho Na- đi-a một khả năng dù bé nhỏ nhất trở lại quá khứ là hơn.

Lên đến gác ba và sắp sửa bấm chuông, anh vẫn còn tự hỏi anh sẽ xử sự thế nào nếu Na-đi-a, được tin anh đi, đột nhiên tuyên bố, mặc dù thế nào chị cũng sẵn sàng bỏ tất cả để đi với anh, như thỉnh thoảng trong một lúc trìu mến bồng bột và cả gan không suy nghĩ, chị đã có thái độ như vậy, dù rằng chưa bao giờ thấy xảy ra đối với những vấn đề quan trọng như những vấn đề này.

«Không thể có được!» Anh vừa tự nhủ, vừa bấm nút chuông, trong bụng vẫn không biết rằng nếu sự không thể có được lại xảy ra, thì anh sẽ đối phó như thế nào.

Na-đi-a có nhà. Chính chị ra mở cửa. Hiểu rõ tính nết Na-đi-a, nên Ác-tê-mi-ép biết trước rằng sau câu chuyện những bức thư, chị sẽ không lộ vẻ khó chịu khi tiếp anh, mà ngược lại còn cố tỏ ra rất bình tĩnh, rất âu yếm, để làm nổi thật rõ là anh đã tàn nhẫn với chị đến mức nào.

Chị không thích cãi cọ, hay đúng hơn không muốn là người khởi đầu và khi chị muốn gây chuyện, chị kiên nhẫn tìm cách để anh nói một lời không phải, rồi lu loa phóng to nó lên để rốt cuộc bao giờ anh cũng là kẻ có lỗi và chị là một nạn nhân sẵn sàng tha thứ.

Ác-tê-mi-ép biết rằng trong trường hợp này chị sẽ không xử sự khác, dù không có mục đích rõ rệt, không có ý định làm lành, mà chỉ hoàn toàn là để thỏa mãn cá nhân, để tán dương bản thân chị.

Ngay phút đầu, Ác-tê-mi-ép hiểu rằng việc mình đến thăm không những bất ngờ mà còn không đúng lúc. Na-đi-a không kịp giữ được vẻ mặt bình thường. Trong giây phút đó anh thấy chị có vẻ lạ lùng vừa bực tức vừa sợ hãi, như chị muốn đóng cửa lại không tiếp anh. Một thoáng sau, chị lại cười được và nói với anh bằng giọng chị vẫn thường dùng ở nhà rất phù hợp với lúc này chị đang đeo chiếc tạp-dề nhó và xắn tay áo.

— Chào, anh bé Pôn của tôi Rất hài lòng được gặp anh. Đã lâu chẳng có tin tức gì về anh. Đến đây cho em hôn vào má nào — Anh tự đóng cửa lấy thôi, em đã bôi bẩn hết cả bơ vào cả khóa rồi, em đang bận làm bánh — Mẹ không có nhà mà em lại đang có khách. Anh cứ đi thẳng vào buồng ăn các anh sẽ làm quen với nhau.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2022, 09:56:23 am »

Chị quay ngoắt lại rất nhanh và biến vào trong bếp. Ác-tê-mi-ép liếc nhìn tóc mình trong gương và đi về phía buồng ăn. Anh chờ đợi nghe tiếng nói chuyện và ngừng lại một giây, nghĩ bụng có lẽ nên vào bếp, từ biệt Na-đi-a thì hơn. Nhưng không nghe thấy gì ở phía sau cánh cửa. Anh mở cửa bước vào.

Trong buồng ăn quá quen thuộc với anh này, có chiếc buýp-phê cũ bằng gỗ đào hoa tâm, rất đẹp nhưng cũng quá cồng kềnh đối với căn buồng và một chiếc bàn tròn, không có ai mà nhiều khách. Chỉ có mỗi một người, một quân nhân. Anh ta ngoảnh vội đầu lại khi nghe tiếng cửa mở và nhìn chằm chằm Ác-tê-mi-ép vẻ tò mò không dấu kín được.

Ác-tê-mi-ép hiểu rằng Na-đi-a đã nói ở hành lang khá to để cho người này nghe rõ từng lời của chị, và người quân nhân nóng lỏng chờ đợi cái chàng «bé Pôn» nào đó mà người ta không được tin tức gì và người ta đã hôn vào má.

Bàn ăn dọn cho hai người: những cốc dùng vào ngày chủ nhật những khăn ăn hồ bột, gấp như kiểu phong cầm và để vào những chiếc giá đựng bằng bạc — Tóm lại, Na-đi-a đã cố gắng như trong những ngày đại lễ.

Ác-tê-mi-ép bỗng đột ngột cảm thấy giận dữ với tất cả: với những chiếc khăn ăn hồ bột, những chiếc cốc đẹp, với người được mời, với Na-đi-a và nhất là đối với chính mình. Anh thèm làm ngay một cái gì không suy nghĩ: uổng và ăn tất cả những gì Na-đi-a đã sửa soạn, ở lại muộn hơn người được mời, làm cho Na-đi-a nổi khùng, tóm lại làm hoàn toàn trái ngược với điều mà Na-đi-a và anh chàng kia mong ước, trái ngược với cảm giác mà căn phòng này với những chiếc khăn ăn hồ bột và những chiếc cốc bằng thủy tinh gợi lên.

«Được lắm, anh nghĩ bụng, tức giận, khi nhớ lại cái hôn ẩn ý của Na-đi-a trên má, cô sẽ giới thiệu tôi như một người khách quen gia đình, như một người bọn thuở nhỏ, người bạn tâm sự mà người ta kể lể những chuyện thầm kín nhất của trái tim từ thời ngồi trên ghế nhà trường. Muốn thế nào cũng được! Nhưng cô đừng hòng thấy trên mặt tôi một dấu vết dù bé nhỏ nào của đau khổ, tôi sẽ không cho cô điều thích thú ấy đâu»

Và Ác-tê-mi-ép, vui thích nghe giọng nói của chính mình, giọng nói bình tĩnh vẻ vui vẻ:

— Chào đồng chí đại tá, tôi vinh dự được phép tự giới thiệu, theo lệnh của bà chủ nhà: Ác-tê-mi-ép.

— Cô-xi-ri-ốp — đến lượt người khách đứng dậy tự giới thiệu.

Ác-tê-mi-ép nhìn gần anh ta: Cô-xi-rô-ốp mang phù hiệu không quân và ba huân chương trên ngực. «À, cái anh bạn thường chu du ở những xứ sở xa xôi mà một hôm cô to đã nói qua với mình đâỵ» Ác-tê-mi-ép nghĩ bụng, theo thói quen, anh xiết rất chặt tay Cô-xi-ri-ốp, trong lòng vui thích và cảm thấy trong người càng thêm bình tĩnh, thái độ anh vẫn thường để lộ ra khi gặp những lúc gay go trong đời anh.

— Anh có hút thuốc không? — Cô-xi-ri-ốp hỏi để mà nói một cái gì, vừa đưa thuốc lá cho Ác-tê-mi-ép.

— Không, cám ơn, tôi không hút bao giờ cả.

Thoạt nhìn, Cô-xi-ri-ốp cũng không gây cho anh một ấn lượng khó chịu. Anh ta vóc người chắc nịch, không cao lớn lắm, nhưng vai rộng, trạc ba mươi tuổi, tóc sáng, nhiều và quăn, mắt nhỏ và nhanh, mũi hếch, khá dễ thương. Cảm thấy không thoải mái lắm, anh ta nhăn trán và nhíu lông mày hút thuốc, nhưng khi Na-đi-a bước ra trên ngưỡng cửa, tất cả nét mặt anh hướng về chị vì quên hết trong hạnh phúc.

«Anh chàng này yêu Na-đi-a» Ác-tê-mi-ép tự nhủ và lần đầu tiên anh để ý nhận xét Na-đi-a với một con mắt bình tĩnh từ đằng xa, chị bắt đầu mập ra nhưng vẫn còn giữ được dáng dấp cũ, khuôn mật có cặp mắt xám to hơi lồi và cái miệng tỏ rõ tính khi thất thường, vẫn còn giữ được vẻ đẹp.

— Các anh đã làm quen với nhau chưa? — Na-đi-a hỏi, giữa lúc chị ngồi xổm bên chiếc tủ buýp-phê để lấy thêm bát đĩa cho Ác-tê-mi-ép.

— Lẽ dĩ nhiên là đã! — Ác-tê-mi-ép nói.

Na-đi-a ngoảnh vội đầu về phía anh. Giọng nói của anh làm chị ngạc nhiên, chị vẫn còn chưa hiểu lý do tại sao.

— Lẽ dĩ nhiên — đến lượt, Cô-xi-ri-ốp nói, vẫn với nụ cười tươi sáng.

Na-đi-a đã đến đằng sau Ác-tê-mi-ép và cúi người đưa qua vai anh đặt bát đĩa xuống bàn.

— Xê ra một chút nào, đồ gấu, anh không thấy là tôi không thể đăt được bát đĩa hay sao — chị nói bằng một giọng đã dùng, để nói với anh ở phòng ngoài — Còn cốc, thì anh lấy lấy mà dùng, ở trên kia kìa, trong tủ ấy. Đồ đạc trong nhà này để đâu anh biết rõ quá rồi còn gì?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2022, 09:57:41 am »

«Đúng chưa», Ác-tê-mi-ép nghĩ bụng, vừa cười thầm và vô tình, như là anh dự tính đếm kết quả những lời tiên đoán của mình trên ngón tay, anh gập ngón út ở bàn tay trái.

«Những chiếc cốc này, anh vừa nghĩ bụng, vừa đi ra phía tủ và như vậy là quay lưng lại với Na-đi-a và Cô-xi-ri-ốp, cô ta bảo mình đi tìm là để có thể, trong lúc ấy, nhún vai và với một nụ cười bất lực ý muốn nói «Dù sao em cũng không thể không cho anh ta vào».

Anh trở về chỗ, tay cầm mấy chiếc cốc.

— Anh rót đi, cốc của chúng tôi đầy rồi — Na-đi-a nói — Anh thật may đấy; Cô-xi-ri-ốp ở đây đã từ lâu, anh ấy đói cuồng lên rồi nhưng em bảo anh ấy đợi và không được bắt đầu ăn khi mà em chưa rán xong những chiếc bánh nhân thịt ăn với cháo, để sau này em khỏi phải đứng lên lần nữa.

— Chúc anh sức khỏe — Ác-tê-mi-ép nói vừa chạm cốc với Cô-xi-ri-ốp. Hơi quay sang Na-đi-a và chạm cốc với chị.

— Anh biết đấy, em không uống một giọt nào từ ngày ở nhà anh, không phải lần vừa rồi, mà ngay từ tháng ba kia — Na-đi-a nói vừa uống cạn nửa cốc vốt-ca.

«Thật là cô ấy vội phun ra tất cả, Ác-tê-mi-ép nghĩ bụng, cô ấy sợ mình nói mất».

— Bọn em là bạn thân lắm, Pôn và em — Na-đi-a nói với Cô-xi-ri-ốp — Từ năm thứ nhất ở trường học. Thời gian đi mau quá! Mười chín năm rồi!

Ác-tê-mi-ép, lần này lẩm nhẩm, gập một ngón tay nữa.

— Anh cười gì thế? — Na-đi-a hỏi, giọng hơi có vẻ lo ngại.

Thi ra vô tình, Ác-tê-mi-ép đã cười trong khi theo luồng tư tưởng của anh.

— Cười về những kỷ niệm hồi nhỏ.

— Phải, anh là một nhân chứng sống về việc nhìn nay em đã hai mươi bảy, Na-đi-a nói. Bao giờ em cũng nói thật thôi, không bớt xén một năm nào.

Đoạn sau. chị nói với Cô-xi-ri-ốp.

— Chị chẳng cần phải nói bớt tuổi chút nào — Cô-xi-ri-ốp nói, mắt ngắm Na-đi-a say đắm.

— Dù có cần, em cũng chẳng làm thế. Em cũng chẳng thích dùng son bôi môi nữa, em không hiểu được những người đàn bà đánh phấn — Em, nói chung là em không tán thành cái giả tạo trong đời sống, em chỉ yêu cái gì chân thật; một tình yêu chân thật, một tình bạn chân thật.

«Cô ta định lấy anh chàng này đây» Ác-tê-mi-ép vừa nghĩ bụng vừa chạm cốc với Cô-xi-ri-ốp và cảm thấy Na-đi-a liếc nhìn anh rất nhanh, muốn tìm xem nét mặt anh có lộ vẻ đau khổ thầm kín không.

Hai người uống mấy cốc vốt-ca, thưởng thức và hoan nghênh tất cả các món ăn phụ đầu bữa có trên bàn. Na-đi-a gần như không uống: chỉ có nửa cốc vốt-ca lúc bắt đầu. Về sau chị chỉ dúng môi vào cốc rượu vang còn đầy nguyên. Đó là một chuyện lạ.

«Đúng rồi, cô ta sắp lấy chồng» Ác-tê-mi-ép tự nói với mình một lần nữa.

— Ơ sao chị không uống, Na-đi-ét-da A-lếch-xây-ép-na — Cô-xi-ri-ốp nói — chị không bao giờ uống rượu à?

Liếc vội về phía Ác-tê-mi-ép, Na-đi-a lại một lần thứ hai đối phó với nguy hiểm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2022, 09:59:35 am »

— Ồ, Pi-ốt-tơ Xéc-gây-ê-vít, nói thật ra thi ngượng lắm, nhưng có Pôn biết rõ đấy, khổ quá. Đôi lúc em có thể uống hai cốc, cả ba nữa cùng một lần. Nhất là khi em cám thấy rất sung sướng hay ngược lại rất buồn. Em cũng như ba. Ông cụ to lớn, và thỉnh thoảng ông cụ thích uống dăm cốc. Em mới ngoan ngoãn như thế từ một tháng nay thôi. Ý nghĩ này nảy ra cũng không phải đơn giản đâu...

Những chữ «từ một tháng nay» được Na-đi-a nhấn rõ mạnh trong giọng nói; chuyện Cô-xi-ri-ốp chắc xảy ra được một tháng rồi.

Ác-tê-mi-ép nhìn anh ta. Cô-xi-rì-ốp thành thật sung sướng, tin cậy và bình tâm. Gặp mắt Ác-tê-mi-ép nhìn mình, anh cười, nụ cười rộng. Anh vui vẻ, tất cả đều tốt đẹp — Ác-tê-mi-ép là một bạn học, thế thôi.

— Bé Pôn của em ơi, đi với em vào bếp, lấy bánh và cháo đi. một mình em không thể mang được Na-đi-a nói.

Chị cũng nhìn thấy nét mặt Cô-xi-ri-ốp và biết rằng bây giờ chị có thể hoàn toàn yên tri cầm tay Ác-tê-mi-ép kéo vào bếp để nói chuyện riêng với anh một lát. Quả thật là chị muốn lấy Cô-xi-ri-ốp và kiên quyết định làm việc đó. Tự chủ được mình lúc Ác-tê-mi-ép đến, nhưng chị vẫn không chế ngự nổi nỗi lo, chị cảm thấy mình hoàn toàn bị lệ thuộc vào cái mà Ác-tê-mi-ép muốn nói hay làm từng lúc. Bây giờ chị chỉ có một ao ước: thấy bữa cơm chấm hết càng sớm càng hay và sau đó hai người cùng đi ngay tức khắc. Chính để bắt buộc Ác-tê-mi-ép phải xử sự như thế mà chị yêu cầu anh đi vào bếp. Chị đã chuẩn bị trước điều sắp nói: chị chỉ yêu cầu anh, lúc này, đi về ngay với Cô-xi-ri-ốp, hôm sau chị sẽ đến gặp anh và có lẽ là lần cuối cùng trong đời hai người có dịp nói với nhau về dĩ vãng và tương lai.

Dù Ác-tê-mi-ép không tin chị, do tự ái, chị nghĩ, anh cũng không thể bàn cãi với chị trong bếp trên tay còn cầm liễn cháo. Ý nghĩ đề hai người ra về cùng với nhau không phải không làm cho chị lo lắng, dù hiểu rõ Ác-tê-mi-ép, chị gần như chắc chắn rằng lòng tự kiêu của anh sẽ cắt đứt mọi câu chuyện mà Cô-xi-ri-ốp định hỏi về vấn đề anh, nhưng ai mà biết được họ sẽ nói với nhau những gì? Nhưng đối với chị để Ác-tê-mi-ép đi và Cô-xi-ri-ốp ở lại còn nguy hiểm hơn, chị sợ Ác-tê-mi-ép trong một lúc tức giận bột phát nào đó có thể thản nhiên nói những lời rõ ràng nhất và tàn nhẫn nhất.

— Nào, giúp em một tay — Na-đi-a nhắc lại vừa chìa tay cho Ác-tê-mi-ép. Anh không nhúc nhích.

— Không, chính cô là chủ nhà — anh nói với một nụ cười mà Na-đi-a thấy như một thách thức — Đàn ông không vào bếp.

Thật là hết sức kỳ quái và nó phá vỡ tất cả kế hoạch đẹp đẽ của Na-đi-a đến độ, chị đứng sững giữa phòng, như bị tê liệt, cặp mắt kinh ngạc nhìn Ác-tê-mi-ép chằm chằm. Ác-tê- mi-ép cũng chằm chằm nhìn chị, vì anh đã gần đoán được điều chị muốn, và hoàn toàn không có ý chấp nhận cuộc nói chuyện tay đôi ấy.

Cô-xi-ri-ốp vội nhổm dậy và do đó cứu Na-đi-a khỏi bối rối. Việc Ác-tê-mi-ép từ chối làm anh sung sướng quá. Anh nói:

— Tôi cũng là đàn ông, nhưng tôi rất vui thích được đi cùng với chị vào bếp, nếu chị cho phép.

— Nhất định là em cho phép anh rồi — Na-đi-a lại trấn tĩnh được.

Còn lại một mình, Ác-tê-mi-ép thích thú nhận thấy anh không muốn một chút nào từ biệt Na-đi-a và nói cho chị nghe tất cả những gì mà cách đây một giờ, anh còn cho rằng dù sao anh cũng cằn phải nói với chị trước khi đi.

«Cần phải bế mạc bữa ăn, đứng dậy và ra đi với anh chàng Cô-xi-ri-ốp này, anh ta sẽ nguyền rủa mình đứng dậy quá sớm, vì Na-đi-a, lẽ dĩ nhiên, là sẽ bắt anh ta phải đi với mình, dù cô ấy dự định lấy anh ta, hay đúng hơn chính vì cô ấy dự định lấy anh ta».
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2022, 10:00:38 am »

Một phút sau Na-đi-a và Cô-xi-ri-ốp trở lại. Na-đi-a bưng đĩa bánh và Cô-xi-ri-ốp, liễn cháo. Rồi chị dọn thịt ra. Họ ăn và uống trà.

Lo ngại trước thái độ khó hiểu của Ác-tê-mi-ép, Na-đi-a trong nửa phần thứ hai của bữa ăn, cố nói huyên thuyên, không để cho Cô-xi-ri-ốp và nhất là Ác-tê-mi-ép chen vào một lời nào. Chị nói về tất cả mọi việc, tất cả mọi người, thoạt đầu, chị nói dài dòng về bà mẹ chị với cái nghề kinh khủng, khi bà tiếp bệnh nhân trong phòng, nhất là phụ nữ, người ta không thể nào yên ổn ngồi trong phòng ăn, người ta luôn luôn nghe thấy từ phía sau bức tường những tiếng kêu hay tiếng động của chiếc máy quỷ quái ấy.

Và Na-đi-a bắt chước rất giống và khôi hài tiếng sè sè của chiếc máy khoan.

Rồi chị nói về công việc của mình. Cả một sự chán. Chị không có con, nhưng rõ ràng là quấn tã cho trẻ còn đỡ hơn đi sắp xếp các thứ hồ sơ này: việc tã lót ít nhất còn thú vị hơn,

Sau khi học xong, chị muốn trở thành kỹ sư, nhưng không trở thành được... Quá nhiều lý do ngăn cản chị.

— Lý do gì thế? — Cuối cùng Ác-tê-mi-ép thốt ra hỏi, anh hoàn toàn biết rõ rằng chẳng có việc gì, chẳng người nào ngăn cản chị trở thành kỹ sư. Một lần nữa Na-đi-a lại can đảm đương đầu với khó khăn.

— Rất nhiều thứ trong bản thân em — chị nói—Anh Pi-ốt-trơ Xéc-gây-vít này, em chẳng quen viện lý do bào chữa đâu. Trong mọi trường hợp và về tất cả mọi thứ bao giờ em cũng nghĩ chính em là kẻ có lỗi.

Đây là một cách nhìn mới về sự vật vì từ khi Ác-tê-mi-ép quen Na-đi-a đến nay, anh biết rõ rằng từ trước bao giờ chị cũng phủi tay chút tất cả những sai lầm của mình lên đầu người khác.

Sau cùng Na-đi-a nói về người chồng trước.

— Anh có nhớ không, anh Pi-ốt-trơ, hình như em có nói với anh là em đã lấy chồng, hồi em còn đi học. Chuyện này làm hỏng cả đời em, chỉ một mình em thôi. Nhưng em nhận rằng khuyết điểm hoàn toàn là do em. Em lấy anh chàng đó không suy nghĩ và rồi đáng lẽ phải sống trọn cuộc đời khổ ải bên anh ta ở cái xứ Xích-típ-ca ấy thì em lại ly dị.

Ác-tê-mi-ép thấy một bóng đen thoáng qua trên nét mặt hớn hở của Cô-xi-ri-ốp. Có lẽ anh ta nghĩ rằng một ngày kia mình cũng có thể chuyển công tác xa Mạc-tư-khoa, và bắt buộc phái đi trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, mà không được ở ngay cả một tỉnh như Xích-típ-ca, còn tít tắp xa hơn, trung một đồn biên thùy không tìm thấy trên bản đồ.

Ác-tê-mi-ép không phải là người độc nhất nhìn thấy nét mặt Cô-xi-ri-ốp sầm lại, cả Na-đi-a cũng nhận thấy.

— Em không đi với anh ta không phải là vì xa quá, mà vì em không yêu anh ta. Anh có hiểu em không, anh Pi-ôt-trơ, hay là anh trách em?

Na-đi-a nhìn vào mắt Cô-xi-ri-ốp, vẻ phiền muộn sâu xa, như là chị sẵn sàng ngay hôm sau đi Xích-típ-ca, nếu Cô-xi-ri-ốp chê trách chị.

— Lẽ dĩ nhiên, nếu chị không yêu... — Cô-xi-ri-ốp nói chung chung sau một lúc im lặng, giọng bối rối vì câu hỏi của Na-đi-a.

Ác-tê-mi-ép uống cạn chén trà, gấp chiếc khăn ăn cẩn thận như Na-đi-a thường nhiều lần bảo anh làm, gài một chiếc giá khăn bằng bạc.

— Thôi — Ác-tê-mi-ép vừa nói vừa đứng dậy, chậm rải vuốt lại nếp áo — Xin từ biệt, Na-đi-ét-da tôi phải đi đây.

Na-đi-a liếc vội về phía sau. Chưa bao giờ anh gọi chị là Na-đi-ét-da và một cái gì trong giọng nói của anh có vẻ là lạ đối với chị — Chị sung sướng thấy bữa ăn đã đến lúc chấm dứt nhưng cái cách Ác-tê-mi-ép đứng dậy và quyết định đột ngột ra đi làm chị sợ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2022, 10:01:59 am »

Ác-tê-mi-ép nhìn Cô-xi-ri-ốp và qua bộ mặt rầu rĩ của anh ta, anh hiểu rằng Na-đi-a đã có thời giờ rỉ tai rằng anh ta không nên ở lâu hơn và phải đi về cùng với Ác-tê-mi-ép.

— Hãy ở lại thêm nửa giờ nữa — Na-đi-a nói khi nhìn thấy nét mặt Cô-xi-rỉ-ốp — ta nói chuyện thêm một chút.

—  Cô với tôi hai đứa chúng ta là những bạn cố tri đến nỗi — Ác-tê-mi-ép nói vừa đứng dậy hẳn — cô khó có thể nói với tôi một điều gì mới, tôi cũng vậy — anh nói thêm và nhìn chằm chằm vào mặt Na-đi-a, mỉm cười.

Na-đi-a nhận lấy cái nhìn của Ác-tê-mi-ép trong cặp mắt tê dại vì sợ hãi của mình. Chị không còn hiểu ra sao. Chị không hiểu cái điều mà chính bản thân Ác-tê-mi-ép cũng chỉ vừa mới hiểu hoàn toàn khi anh nghe Na-đi-a nói giọng lanh lảnh trong gian nhà này, trong buồng ăn «Chào anh bé Pôn của tôi, đến đây để em hôn vào má nào» và nhìn thấy người mà câu nói đó muốn vọng đến tai. Anh đã thôi không yêu Na-đi-a nữa.

Lẽ dĩ nhiên, vẫn còn lại trong tim sự nuối tiếc, niềm cay đắng, những kỷ niệm, nhưng không còn tình yêu nữa, vì nếu anh nhận thấy cái cảm giác bình tĩnh nó nâng đỡ anh những lúc gay go của cuộc đời, nó khiến anh chịu đựng được bữa ăn này, chính vì cái tình yêu hấp hối từ lâu nay đã chết hẳn.

Không thể chịu đựng được lâu hơn nữa cái nhìn của Ác-tê-mi-ép, Na-đi-a quay mặt đi.

Cô-xi-ri-ốp không để ý đến lớp kịch câm này, anh đang quá phiền muộn vì chuyện phải đi về sớm.

— Cả anh nữa, anh cũng về đây, Na-đi-ét-da A-lếch-xây-ép-na — anh nói vừa đứng dậy, vẫn còn hy vọng là dù thế nào Na-đi-a cũng giữ anh lại.

Nhưng Na-đi-a chỉ buồn rầu giang hai bàn tay ra, trong một điệu bộ bất lực, không nói năng gì. Cả ba cùng đi ra phòng ngoài, Cô-xi-ri-ốp bối rối, Ác-tê-mi-ép lê bốt mới quèn quẹt và Na-đi-a im lặng. Đầu óc chị thấy bối rối lạ lủng. Giờ đây chị thấy sợ Ác-tê-mi-ép, chị mong anh đỉ ngay lập tức, nhưng vừa nhận ra là lần này anh đi hẳn, chị bỗng nảy ra một ý muốn điên rồ giữ anh lại, nói và cắt nghĩa cho anh hiểu, tuy cùng chẳng biết mình có thể hay cần phải nói những gì.

Bình tĩnh và yên lặng lạ lùng, chị tiễn hai người ra đến cửa.

Cô-xi-ri-ốp nắm tay chị hồi lâu và nhìn chị trìu mến. Anh cho rằng Na-đi-a bối rối là do việc anh ra về.

Ác-tê-mi-ép im lặng đưa tay cho chị, không khỏi chua chát nhớ lại cách đây hai giờ, đứng trước cánh cửa này, trong thâm tâm anh vẫn còn cho rằng Na-đi-a sẽ đi với anh. Anh chờ đợi một lát: liệu Na-đi-a còn dám hôn anh vào má nữa không?

Chị không có đú can đảm. Chẳng nói chẳng rằng, chị đặt vội bàn tay vào tay Ác-tê-mi-ép, rồi rút về cũng vội vàng như thế và mở cửa. Lúc xuống đến tầng dưới hai người mới nghe tiếng Na-đi-a chào vọng xuống:

— Xin từ biệt. Đừng quên nhau nhé!

Na-đi-a đóng sầm cửa, ngồi phịch xuống mọi chiếc ghế đẩu gần mắc áo và khóc nức nở. Chị khóc vì chị thấy mỏi mệt sau cơn căng thẳng thần kinh vừa rồi, vì Ác-tê-mi-ép làm chị sợ và việc anh ra đi chấm dứt hai năm trong cuộc đời của chị, hai năm hoàn toàn gắn bó với anh.

Trong tâm hồn ích kỷ của chị, những người khác, tất cả những người khác chiếm ít chỗ đối với bản thân chị đến nỗi trong khoảng nhỏ tí xíu dành cho người khác, Ác-tê-mi-ép đã chiếm một khoảng quan trọng. Như tất cả mọi người yêu mình hơn là yêu người khác, Na-đi-a dễ dàng đánh giá cao những tình cảm cỏn con mà dù sao chị cũng cảm thấy đối một số người nào, và chị không tự dối mình khi chị tự nhủ rằng tình yêu của chị đối với Ác-tê-mi-ép đã là một trong những tình cảm sâu xa nhất của đời chị. Anh ta đã đi. Thật ra, nếu chị lạnh lùng suy nghĩ đến tương lai, sự mất mát này hiện giờ cũng chẳng đau đớn gì hơn một vết kim châm. Buồn thay, mũi kim vừa châm không phải vào ai khác mà vào chính chị, vào bản thân chị mà chị quý yêu một cách trìu mến trung thành và lập tức nốt kim châm gần đau như một vết thương. Na-đi-a khóc mãi, khóc nức nở, vẫn ngồi trên chiếc ghế đẩu ở phòng ngoài. Nước mắt dòng dòng trên mặt. Chị thổn thức, chị rên rỉ hai nắm tay bôi nước mắt đầy má, than thở và nhất là chua xót nghĩ rằng có lẽ nước mắt phải làm cho chị xấu lắm, trong khi thật ra chị đẹp và có lẽ «người» hơn lúc thường nhiều.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM