Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:23:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa xuân trên sông Ô-đe  (Đọc 50796 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 28 Tháng Tám, 2017, 11:10:34 am »

        - Tên sách : Mùa xuân trên sông Ô-đe

        - Tác giả : Ca-da-kê-vích, giải thưởng Lê-nin năm 1949

                      Ngô Bình Lâm dịch, Trần Lưu hiệu đĩnh theo bản Pháp văn của Rút-nhi-cốp

         - Nhà xuất bản Ngoại văn Mát-xcơ-va - 1954, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân

         - Số hóa : Giangtvx
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2017, 07:37:53 am »

       

TẬP I

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

        Mùa xuân trên sông Ô-đe là một cuốn tiểu thuyết đặc sắc của nhà văn Liên Xô Ca-da-kê-vích, đã được giải thưởng Lê-nin về văn học năm 1949.

        Trong cuốn tiểu thuyết dài này, tác giả đã dựng lại khung cảnh vĩ đại của giai đoạn phản công của quân đội Liên Xô, tiến lên tiêu diệt toàn bộ quân đội phát xít Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Với khí thế dũng mãnh và tốc độ tiến công như vũ bão, quân đội xô-viết đã chọc thủng phòng tuyến sông Ô-đe. Một quân đoàn đã vòng xuống phía nam Béc-lin, xốc tới Pốt-xđam rồi quặt lên ngăn chặn phía tây Béc-lin tạo điều kiện cho các binh đoàn khác ở phía đông đánh thẳng vào dinh lũy cuối cùng của quân thù buộc chúng đầu hàng vô điều kiện.

        Ngòi bút sinh động của tác giả đã dẫn chúng ta đi vào cuộc sống chiến đấu sôi nổi của các đơn vị và đặc biệt của đội trinh sát trong sư đoàn bộ binh do thiếu tướng Xê-rê-đa chỉ huy. Trong khung cảnh chiến đấu đầy hy sinh gian khổ nhưng cực kỳ vĩ đại ấy, tác giả đã dựng lên hình ảnh các cán bộ và chiến sĩ quân đội xô-viết với tất cả đời sống tâm hồn phong phú và phẩm chất cao quý của họ, tiêu biểu cho những người cán bộ, chiến sĩ của một quán đội kiểu mới, tổ chức vũ trang của giai cấp vô sản được Đảng Mác - Lê-nin xây dựng và rèn luyện.  
Bằng ngòi bút hiện thực, tác giả đã thành công lớn trong việc xây dựng nhân vật. Qua từng chương sách, các nhân vật đã sống và hoạt động, với đầy đủ những cá tính, những băn khoăn và hy vọng, những ưu điểm và khuyết điểm của họ.

        Trong rất nhiều nhân vật mỗi người một vẻ ấy, tác giả đã khéo léo nêu bật lên hình ảnh thiếu tá cận vệ Lu-ben-xốp, chủ nhiệm trinh sát sư đoàn.

        Lu-ben-xốp tiêu biểu cho lớp cán bộ trẻ trong quân đội xô-viết. Đầy nhiệt tình cách mạng, gan dạ và mưu trí, Lu-ben-xốp rất yêu cuộc sống nhưng cũng rẫt sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc mình, luôn học tập đề nắm vững tri thức quân sự và bao giờ cũng chủ động cùng đơn vị hoàn thành mọi nhiệm vụ khó khăn nhất.

        Tác giả còn thành công về mặt mô tả kẻ thủ, bằng cách so sánh, đặt chúng với tâm trạng đen tối, cay độc, với những mưu toan điên loạn, mất hễt nhân tính bên cạnh những con người xô-viết chiến đấu có lý tưởng vĩ đại, và có tâm hồn cao thượng.

        Đọc Mùa xuân trên sông Ô-đe, chúng ta sẽ hiểu thêm về sức mạnh vô địch, thành tích chói lọi và cống hiến to lớn của quân đội xô-viết trong sự nghiệp giải phóng đất nước, đặc biệt trong sự nghiệp cứu nhân loại ra khỏi thảm họa của bọn phát xít Hít-le. Với chiến thắng rực rỡ của mình, quân và dân Liên Xô không những đã giữ vững và củng cố Tổ quốc xô-viết thân yêu mà còn giải phóng được nhiều dân tộc ở châu Ẩu và giúp đỡ phong trào cách mạng cho nhiều nước ở châu Á.

NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN        
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Mười Hai, 2017, 11:44:23 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2017, 08:12:13 am »

   
I

THIẾU TÁ CẬN VỆ

        Giữa một buổi sớm mùa đông mờ sương, vang tiếng quạ kêu cũng quang quác, ầm ỹ như tiếng quạ vùng xung quanh Mát-xcơ-va, một cánh rừng thông quang đãng hiện ra sau khúc đường vòng, chẳng khác gì cánh rừng bộ đội vừa tiến qua. Thế là đã sang đất Đức.

        Thực ra ngay khi ấy, chỉ có cơ quan tham mưu các cấp mới hiểu biết điều đó. Còn các chiến sĩ, những người thường không có bản đồ chỉ đường, họ đã bỏ lỡ mất giây phút vẻ vang ấy và mãi tận chiều mới được biết.

        Lúc này họ mới để mắt nhìn quang cảnh đất nước Đức, mảnh đất đã được dày công sang sửa này, xưa kia đã từng được các thị trấn Xla-vơ và những thanh kiếm người Nga bảo vệ chống lại những cuộc xâm lăng của quân rợ phương Đông. Trước mặt họ là những khóm rừng cây nhỏ được vun trồng chải chuốt, những cánh đồng phẳng lì, lô nhô nổi lên những mái nhà con, những lán xưởng nhỏ, điểm thêm những vạt đất, những mảnh vườn. Khó mà tưởng tượng được rằng miếng đất nhìn bề ngoài thật bình thường như vậy, lại đã là nơi phát sinh một thứ bệnh dịch ghê gớm tràn lan khắp thế giới.

        -À, thì ra "mi” là như vậy đấy!... -Một chiến sĩ vóc người đẫy đà, dáng trầm ngâm, buông thõng một câu. Lần đầu tiên anh dùng tiếng "mi” để gọi nước Đức, thay cho tiếng "nó” trừu tượng và căm thù mà anh đã dùng suốt bốn năm trời nay. Rồi các chiến sĩ liên tưởng tới đồng chí Xta-lin vĩ đại, người đã lãnh đạo và dắt dẫu họ tiến sang đến tận đất này. Bấy giờ mọi người mới đưa mắt nhìn nhau và trong khóe mắt mở to dạt dào niềm tin tưởng tự hào ở sức mạnh vô địch của mình :

        -Thế mới biết chúng ta đã lớn mạnh ngần nào !

        Bộ đội kéo đi như sóng nước điệp trùng. Nào bộ binh, nào xe vận tải, nào pháo nòng dài, nào lựu pháo miệng rộng, đều nhằm phía tây thẳng tiến. Thỉnh thoảng, do sự sơ suất của một đồng chí lái xe thiếu kinh nghiệm nào đó, dòng người ứ lại. Thế là tiếng la ó lại vang lên ầm ỹ. Những tiếng la ó ấy, thường xảy ra trên một con đường lên tiền phương chật ních người, ngựa, xe cộ, thật ra cũng không lộ vẻ gay gắt bực tức gì, như trường hợp vừa qua chẳng hạn. Mọi người đối xử với nhau càng thân ái hơn.

        Các đoàn quân lại chuyền mình tiến bước, trong hàng ngũ bộ binh lại vang lên tiếng hô : "Tránh sang phải !”. Các trật tư viên tiếp tục phất cờ hiệu và mọi việc sẽ lại diễn ra theo cái trật tự khá buồn tẻ thường ngày, nếu không có mấy tiếng : "Chúng ta đang tiến trên đất Đức” như hơi men đang dâng lên trong đầu óc và làm long lanh khóe mắt mọi người.

        Giá như lúc ấy giữa đoàn quân có một nhà thơ thì nhất đinh nhà thơ đó phải ngây ngất trước muôn ngàn cảm hứng dạt dào.

        Thật thế, mỗi một con người đang tiến bước trên đường đều có thể trở thành nhân vật của một bài thơ hay một cuốn tiểu thuyết. Ừ, tại sao không họa lại hình ảnh tuyệt đẹp của toán binh sĩ kia, trong đó, nồi bật lên đồng chí chuẩn úy tầm vóc to lớn, với nước da quá rám nắng nên mái tóc trông như bạc hay vì mái tóc màu nâu quá nhạt nên da mặt như sạm đi ? Hay hình ảnh các pháo thủ vui tươi nọ như bầy chim trong một vòm cây, đang bám lấy khẩu pháo khổng lồ của họ ? Hay là hình ảnh người chiến sĩ thông tin trẻ tuổi quá gầy gò kia, đang kéo lê đằng sau cuộn dây điện, hầu như từ mãi vùng ngoại ô Mát-xcơ-va cho tận đến đất nước Đức này ?

        Hay là hình ảnh các nữ y tá với khuôn mặt niềm nở, đôi mắt trong sáng; kia, họ đang chễm chệ ngồi trên một chiếc xe vận tải chất đầy vải bạt, thuốc men với một vẻ mặt trịnh trọng. Thấy các chị y tá, "lính ta” vội vàng đi thẳng người lên, ngực ưỡn ra, mắt sáng ngời.

        Và đây, trên đường cái lại vừa xuất hiện một chiếc xe hơi, trên có một vi tướng danh tiếng. Tiếp theo sau là một chiếc xe bọc sắt với nòng khẫu đại liên chĩa thẳng lên trời, vẻ đe dọa. Tại sao ta lại không nói gì tới vị tướng ấy, tới những đêm thức suốt sáng và những trận đánh tài tình do đồng chí ấy chỉ huy ?

        Mỗi người ở đây đều đã đi hai nghìn ki-lô-mét đường trường, chuyện của họ tưởng như chỉ thấy kể trong truyện cổ tích hay truyện thần thoại.

        Bỗng'nhiên, một cảnh tượng khác thường làm cho lính ta phải chú ý và vui nhộn hẳn lên.

        Một cỗ xe tứ mã đang bon bon trên con đường tuyết tan ẩm ướt. Quả vậy, một cỗ xe tứ mã chính cống quang dầu đỏ chói. Phía sau xe có dãy ghế ngồi của những quân hầu. Các cánh cửa đều chạm nổi những huy hiệu màu xanh da trời, thếp vàng, bên phải là hình đầu một con hươu có sừng nhiều chạc, bên trái có hình một bức tường thành cổ. Phía trên huy hiệu là hình một chiếc mũ sắt có lưỡi trai và ở dưới có dòng chữ la-tinh : "Pro Dea et Patria"1. Nhưng trên chiếc ghế cao, ngồi ở chỗ của người đánh xe, không phải là tên hầu của một bá tước mà lại là một chiến sĩ trẻ tuổi mặc chiếc áo "vét” bông. Anh tắc lưỡi thúc ngựa chạy đúng như kiều người Nga đánh xe ngựa:

        -Nào, các chú nghẽo, chạy nhanh lên chứ !

--------------------
       1. Vì Thượng đẽ và vì Tổ quốc - N.D.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2017, 04:32:48 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2017, 11:26:48 pm »


        Khi cỗ xe chạy qua, các chiến sĩ hò la, huýt sáo, pha trò, gọi với theo :

        - Ê này, cái nhà táng kia, lăn đi đâu đấy ?

        - Kìa, họ đưa đám ma !

        - Này các cậu ơi !... Cỗ xe này vừa trốn khỏi viện bảo tàng ra.

        Anh ”đánh xe trạm” cố phớt tỉnh, nhưng bộ mặt nhẵn nhụi không có râu và đỏ ửng của anh cũng cứ rung lên theo một nhịp cười mà anh phải vất vả lắm mới nén được.

        Khách ngồi trên cỗ xe lạ lùng này chỉ là những bạn đường tình cờ, người trở về đơn vi cũ, kẻ tìm đến đơn vị mới nhận công tác. Trô-khốp, một đại úy trầm lặng, ít nói, đã nhặt được cỗ xe trước cổng dinh cơ một tên chúa đất. Theo lời một ông cụ người Ba Lan hầu hạ ở đó thì, vì thiếu dầu xăng chạy xe hơi, nên "ngài nam tước” định dùng cỗ xe này chuồn về phía tây ; nhưng "ngài” chưa kịp trở tay thì xe tăng của Hồng quân dã tiến đến, "ngài nam tước” đành phải cải trang, cuốc bộ vậy.

        Sau khi hứa với ông cụ là nếu gặp lão nam tước thì sẽ tóm cổ nó lại, nện cho nó một trận, đại úy Trô-khốp nhảy lên xe phóng về đơn vị mới. Kể ra cũng chằng thiếu gì xe cộ đi cùng về hướng ấy, nhưng đại úy vốn tính ưa độc lập thích đi riêng. Dọc đường anh cho thêm hai chiến sĩ nữa đáp nhờ. Nhưng rồi con số 3 cũng chẳng giữ được lâu. Ngay tới cây số sau lại có một nữ bác sĩ trẻ tuổi, dong dong cao, mang cấp hiệu đại úy xin đi nhờ xe, và nửa giờ sau lại thêm một trung úy, cánh tay buộc băng đeo trước ngực : anh bi thương nhẹ vừa ở viện ra.Câu chuyện vừa nhóm lên đã bị ngắt quãng vì lại có khách mới: một thiếu tá có đôi vai rộng, đôi mắt xanh biếc, nhanh nhẹn nhảy lên bậc cửa. Nhìn lượt vải xa tanh bọc ghế ngồi bằng đôi mắt châm biếm, thiếu tá nói khôi hài:

        - Xin gửi gia đình quý phái này lời chào của người chiến sĩ Hồng quân.

        Vì không ai đề ý, nên không ai thấy nữ bác sĩ sửng sốt khẽ kêu "a !” lên một tiếng. Đôi mắt to xám của chị bỗng nhiên trở nên trong sáng, chăm chú nhìn thiếu tá. Cả đến thiếu tá cũng không nhìn thấy chị, vẫn nói tiếp :

        - Tôi đã đi thuyền, đi bè, đi xe hươu kéo cũng như xe trượt có cánh quạt, nghĩa là mọi phương tiện giao thông tôi đều đã dùng qua. Nhưng còn loại xe này thì quả là chưa bao giờ có dip. Tôi muốn đi thử một chuyến xem sao nào !

        Tự nhiên những câu nói lém lĩnh, vui nhộn của đồng chí thiếu tá đã phá tan cái không khí ngượng ngùng thường hay có giữa những người tình cờ tụ họp. Mọi người phá lên cười, nhìn nhau thân mật, có thể nói họ như những đứa trẻ bị bắt quả tang đang phạm lỗi. Trong đôi mắt xanh của đồng chí thiếu tá, long lanh một tia lửa ngời sức sống và một tình bạn thẳm thiết như muốn nói: ”Tôi yêu quý tất cả mọi người có mặt nơi đây, không phân biệt trai gái, già trẻ, dân tộc nào. Bởi vì các đồng chí là bạn tôi dù cho tôi chưa từng quen biết, là họ hàng thân thuộc của tôi tuy rằng họ xa, bởi vì tất cả chúng ta đều cùng một Tổ quốc Liên Xô, chúng ta cùng gánh vác chung một nghĩa vụ”. Các em nhỏ và các chiến sĩ rất mến những người có đôi mắt đầy sức sống và thắm thiết tình bạn như vậy.

        Mấy con ngưa "phong kiến” được anh nông trường viên trẻ tuổi thúc giục càng phi mau lẹ hom nữa. Thiếu tá gần như ném phịch mình xuống ghế ! Lúc đó anh mới nhìn thấy nữ bác sĩ, liền kêu to lên :

        -  Ô kìa ! Ta-nhi-a đấy ư ? -- Anh bắt tay chị thật chặt, nét mặt bỗng nghiêm trang hẳn lại.

        Không hiểu vì sao những người trên xe đều vui mừng trươc cuộc hội ngộ bất ngờ của hai người, có lẽ đã quen nhau từ thời kỳ xa lắc xa lơ trước chiến tranh. Nhưng phỏng đoán là một cuộc gặp gỡ thơ mộng gì đây, cho nên qua vài câu hỏi han thương lệ ("Thế nào ? Người quen à?”, "ồ, hội ngộ thú vị nhỉ!” V.V.), tất cả đều có nhã ý kín đáo ngoảnh nhìn đi chỗ khác đề cho thiếu tá và nữ bác sĩ nói chuyện riêng với nhau và còn có thể hôn nhau nữa.

        Nhưng không ai hôn ai cả. Mối quan hệ giữa thiếu tá cân vệ1  Lu-ben-xốp và đai úy quân y Ta-nhi-a tuy đã có tư lâu nhưng lại là mối quan hệ tình cờ và quá ngắn ngủi: hai người chung sống sáu ngày trời trong một đơn vị sắp chọc thủng vòng vây quãng giữa Vi-a-dma và Mát- xcơ-va vào năm 1941 đáng ghi nhớ.

---------------------
        1. Cận vệ là một danh hiệu vinh dự tặng cho đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong quân đội xô-viết
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2017, 08:14:14 am »


        Hồi ấy, Lu-ben-xốp còn là một trung úy. Ngay từ thời kỳ đó, mới hai mươi hai tuổi, anh đã tỏ ra luôn luôn vui vẻ lạc quan, mặc dầu anh phải tốn khá nhiều nghị lực mới có được thái độ bề ngoài ấy. Nhưng anh cho rằng đối với một đoàn viên thanh niên cộng sản, việc phải tỏ ra luôn luôn tươi vui trong những ngày gian khổ gần như là một nghĩa vụ.

        Nhiều chiến sĩ lạc đơn vị, đi lẻ hay đi từng tốp nhỏ, đã sát nhập vào bộ phận còn lại của trung đội do anh dẫn đầu. Trông anh em một vài người đã tỏ ra muốn quỵ rồi, đa SỐ chưa quen chịu đựng gian khổ trong chiến tranh. Tất nhiên là phải làm sao củng cố tinh thần của họ, động viên họ tin tưởng, hay ít nhất cũng làm cho họ đứng vững lại trước hoàn cảnh đầy gian nguy này.

        Một hôm, trong chặng nghĩ giữa một bãi lầy rậm rạp, một đồng chí mệt quá khẽ rên rĩ và hỏi anh :

        - Có lẽ chúng ta không thoát khỏi vòng vây mất ?

        Lu-ben-xốp đang dùng dao chặt một chiếc gậy lớn làm cáng khiêng đồng chí chiến sĩ xe tăng bị thương cả hai chân. Nghe hỏi, Lu-ben-xốp trả lời:

        - Theo tôi, cũng có thể là không thoát khỏi được -  Ngừng một lát anh thốt nhiên nói tiếp luôn - Nhưng điều đó có gì đáng ngại lắm đâu !
     
        Tiếng xì xào vì ngac nhiên nồi lên. Lu-ben-xốp cố làm ra vẻ không đáng quan tâm, giải thích:

        - Chúng ta sẽ ở lại sau lưng địch đánh du kích. Chúng ta có đủ sức tổ chức thành một đội du kích lắm chứ! Chúng ta lại có cả một thầy thuốc nữa kia mà. -  Anh hất hàm chỉ về phía Ta-nhi-a - Còn như vũ khí thì không thiếu...

        Do đâu mà Lu-ben-xốp có được niềm tin tưởng và chí kiên quyết trong những ngày gian khổ như vậy ? Anh vốn sinh trưởng giữa vùng rừng thẳm bên bờ sông A-mua ; anh có sức chịu đựng dẻo dai, thạo đi rừng và có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống giữa rừng. Nhưng vấn đề không phải là ở chỗ đó. Trung úy Lu-ben-xốp có một lòng tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng trước bất cứ một kẻ thù nào. Lòng tin sắt đá ấy nhiều lúc đã làm cho ngay cả chị Ta-nhi-a đáng thương là người đã hoàn toàn bị rã rời vì phải hành quân liên miên, đã phải chịu đựng những gian khố chưa từng chịu đựng, đã phải có những ý nghĩ quá nặng nề, cũng phải ngạc nhiên.

        Ta-nhi-a vừa tốt nghiệp đại học Y khoa thì nhập ngũ và chưa kịp bắt tay vào công tác tại một trung đoàn bộ binh thì xe tăng Đức đã chọc thủng tuyến phòng ngự của ta để tiến về Mát-xcơ-va.

        Chẳng bao lâu đồng chí trung úy trẻ tuổi đã tỏ ra đặc biệt quan tâm đến Ta-nhi-a, người phụ nữ độc nhất trong đơn vị. Sư quan tâm đó ấp ủ một cái gì sâu sắc hơn là một mối cảm tình thông thường.

 
        Anh ái ngại đến đau xót cho Ta-nhi-a, người thiếu nữ có đôi mắt to, sao mà xanh xao và buồn bã quá, đến nỗi anh muốn mang chị lên vai để vượt qua những quãng đường hẻm sụt lở vì mưa thu, ngập ngụa một lớp bùn nhớp nháp, chạy giữa hai hàng bụi cây vàng úa và đẫm nước. Ta-nhi-a lặng lẽ bước đi, không phàn nàn, không nhìn ngang nhìn ngửa; và thái độ bình tĩnh của chị cũng như cả việc chị có mặt ở đây, đã có ảnh hưởng tốt đến những anh em khác. Dĩ nhiên chị không biết điều đó, nhưng Lu-ben-xốp, anh hiểu rõ điều đó và đôi lần anh đã nói với những người lề mề rớt lại sau :

        - Các đồng chí nên trông gương người thiếu nữ kia kìa..

        Buổi sáng, các vũng nước đều phủ một lớp băng mỏng, trời tối sầm lại. Quân Đức đóng ngay gần đó. Ta-nhi-a đau đớn, hai tay chị tê cóng đến nỗi không tài nào chải đầu, vấn tóc, rửa mặt được. Và mọi ý nghĩ của chị cũng như đã bi đông cứng lại, trừ một ý nghĩ: "Trời ơi! sao mà tôi đau đớn thế này!”. Ấy thế mà đồng chí trung úy kia hàng ngày vẫn cạo râu, vừa cười bằng mắt, vừa phàn nàn là thiếu xi đánh giày. Một hôm anh còn lội xuống một khe nước để tắm nửa mình trên. Cứ nhìn anh tắm như vậy, Ta-nhia cũng đã đủ run lên cầm cập rồi.

        Chị rất vui lòng được anh săn sóc : như ở những chặng nghỉ anh đã nhóm riêng cho chị một đống lửa nhỏ, còn nói chung anh cấm đốt lửa để tránh lộ mục tiêu vì như thế rất nguy hiểm; anh lại dạy cho chị biết cách quấn vải vào chân thay bít tất và anh trìu mến nhìn chị làm, thỉnh thoảng lại động viên :

        - Hoan hô Ta-nhi-a, chị sẽ trở nên một chiến binh khá.

        Vốn tính hoạt bát, bền bỉ lại rất hiểu tính người, anh thường hay có lời khuyến khích không riêng gì với Ta-nhi-a mà với bất cứ ai. Đức tính kiên nhẫn và gan dạ của anh đã làm cho anh em thêm tin tưởng và bình tĩnh.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2017, 02:21:22 am »

     
        Trời chưa hửng sáng, anh đã thường cùng hai đồng chí nữa đi trinh sát. Một hôm, anh đi về, nét mặt lo âu suy nghĩ. Anh cho biết ở làng bên cạnh có một số chiến sĩ ta bị địch bắt làm tù binh, phần lớn bị thương nhẹ. Theo như anh điều tra được thì những anh em bị thương nặng đã bị địch bắn chết ở dọc đường rồi.

        Ngừng một lát, anh lại nói;

        - Anh em tù binh đều bị lính địch canh giữ, nhưng chúng chỉ có độ mười lăm thằng. Chúng lại không bố tri canh gác gì cả.

        Sau khi đưa mắt thăm dò ý kiến anh em chung quanh, anh nói tiếp:

        - Còn như đường liên lạc của chúng, chỉ có một sợi dây điện nhô... Chặt một nhát là xong chuyện.

        Mọi người im lặng. Bỗng nhiên có một anh mặc chiếc áo choàng cồ xù lông bước ra. Cho đến nay, anh này hành quân cứ lùi lũi đi, mặt cúi gằm, chẳng nhúng vào bất cứ một việc gì. Anh ta thong thả và dằn giọng nói:

        - Tội gì mà lao vào cái trò mạo hiểm ấy. Đó là một việc quá nặng nề đối với chúng ta. Đồng chí nói địch chỉ có mười lăm thằng còn chúng ta những năm mươi người. Búng; Nhưng chúng là quân chủ lực, chúng lại là quân Đức !

        Trung úy cau mặt nói:

        - Đây không phải là hội nghị công đoàn mà là một đơn vị quân đội, dù là một đơn vị hỗn hợp.

        Anh chàng áo cồ lông lúng búng trong miệng :

        - Anh không căn phải dạy tôi điều lệnh. Tôi còn biết hơn anh nhiều !

        - Thế thì càng hay. - Lu-ben-xốp nói lại nhẹ nhàng - Tôi là chỉ huy, mệnh lệnh của tôi phải được chấp hành.

        - Ai cử anh làm chỉ huy ? - Anh kia nổi nóng lên - Anh có biết cấp bậc tôi là gì không ? Đại úy !

        Lu-ben-xốp phá lên cười :

        - Anh mà là đại úy à ? Anh là "chiếc áo choàng xù lông” thì đúng hơn chứ đại úy gì!

        Anh chàng, có vẻ lùi bước nhưng chưa chịu hẳn.

        - Có phải là anh giáng cấp tôi không đấy!

        - Đâu có thế ! - Lu-ben-xốp đáp lại rồi quay sang phía anh em nói thêm : - Chính anh tự giáng cấp anh đấy chứ !

        Trận đánh giải thoát anh em tù binh dễ dàng quá, ngay chính Lu-ben-xốp cũng không ngờ. Bị tiến công bất ngờ, bọn lính gác không chống cự lại được chút nào. Quân Đức tưởng đây đã là hậu phương an toàn của chúng. Trong gian phòng xép của trụ sở Ủy ban xô-viết xã, súng ống xếp từng đống. Lu-ben-xốp phân phối số vũ khí cướp được cho anh em thương binh vừa được giải phóng. Anh em cũng đã được Ta-nhi-a tìm mọi cách băng bó vết thương.

        Sau đó đơn vị lại lên đường ngay, Lu-ben-xốp sợ địch truy kích. Toàn đội bước đi thoăn thoắt, tưởng như chiến dịch chỉ mới bắt đầu. Anh em thì thầm chuyện trò vui vẻ. Không một ai buồn ngủ nữa, cả những đồng chí kém chịu đựng nhất bây giờ cũng không thấy kêu đau chân nữa. Tất cả đều đã ca tụng trận thắng quá mức và càng tin phục đồng chí trung úy. Đối với nhiều đồng chí, rõ ràng là đêm hôm ấy đã đánh dấu bước đầu cuộc đời chiến đấu của họ.

        Đêm hôm sau, lăn đầu tiên, Ta-nhi-a nhìn thấy quân Đức.

        Trời mưa mãi. Đơn vị tiến ra đường cái. Trên đường, một đoàn xe vận tải nối đuôi nhau chạy. Lúc đầu, Ta-nhi-a không chút đề ý cứ lơ đãng tiến bước. Nhưng cũng vừa lúc ấy, bàn tay của trung úy đã nắm lấy vai chị. Anh nói rất nhỏ :

        -  Nằm xuống, bọn Đức đấy !
 
        Ta-nhi-a quay lại, hốt hoảng : chúng nó đâu ? Và rồi, dán mình xuống mặt đất, chị mới hiểu rằng những chiếc xe vận tải kia - những chiếc xe bình thường, đèn phà sáng rực - chính là "bọn Đức". Mấy chiếc xe xích sắt mang dấu hiệu chữ thập đen xuất hiện. Những giọng nói lơ lơ đập vào tai Ta-nhi-a.

        Quang cảnh ấy đối với Ta-nhi-a sao mà lạ lùng, phi lý và đáng ghét đến nỗi làm cho chị có một cảm giác vừa ngạc nhiên, vừa ghê tởm, vừa sợ hãi. Chị bỗng cảm thấy cô độc, mệt mỏi, dường như những bóng người xa lạ đến làm cho người ta phải ghê tởm kia, đã cắt đứt hiệu tại với quá khứ, với mọi hy vọng và mọi ước mơ của chị. Chị nắm lấy cánh tay Lu-ben-xốp cho mãi tới khi đơn vi lại tiếp tục hành quân. Ánh đèn chập chờn của xe quân Đức soi lờ mờ khuôn mặt của trung úy. Những giọt nước mưa từ từ lăn trên má anh. Khuôn mặt người thanh niên lúc ấy thật vô cùng nghiêm nghị và hằn rõ nét buồn.

        Thế rồi, sáng hôm sau trung đội cũng về tới đơn vi. Lúc tới gần địa điểm tập trung, Lu-ben-xốp tới bên Ta-nhi-a hỏi địa chỉ của chị ở Mát-xcơ-va : "Có thể một ngày kia chúng ta sẽ lại gặp nhau. Tôi sẽ lại chơi nhà chị uống nước trà ”.

        Câu hỏi ấy của Lu-ben-xốp làm Ta-nhi-a phải ngạc nhiên trước lòng tin sắt đá của anh về thắng lợi tương lai, về cuộc sống hòa bình sẽ tới, có gặp gỡ, có hẹn hò, cùng nhau uống nước trà và trò chuyện.
       
        Địa chỉ ư? Sau khi ở trường y khoa ra Ta-nhi-a đến ở nhờ nhà bà cô chị tại Mát-xcơ-va. Nhưng vấn đề đâu phải chỗ đó. Chị liền đáp :

        - Tôi đã có chồng rồi.

        Chắc chắn câu trả lời đó không được thông minh lắm bởi vì nói cho cùng, Lu-ben-xốp cũng không hề ngỏ lời cầu hôn gì với chị kia mà. Nên chị vội vã nói thêm:

        - Nhất định tôi sẽ phải ghi địa chỉ cho anh chứ !

        Nhưng rồi trong lúc vội vàng chị quên mất lời hứa. Về tới địa điểm tập trung, các sĩ quan, trong đó có nhiều cán bộ quân y đã xúm quanh Ta-nhi-a. Người ta mời chị uống nước trà đường, ăn thịt hộp. Tỉnh táo lại rồi và mải mê với niềm hy vọng sẽ gặp mẹ, gặp chồng, Ta-nhi-a không còn nghĩ gì tới sự săn sóc của người trung úy rất can trường, vui tính và rất tốt bụng đối với chị, trải qua suốt sáu ngày gian khổ nhất trong đời chị.

        Đồng chí trung úy đứng tách ra ngoài một lúc rồi lặng lẽ bỏ đi. Về sau chị nghe tin anh được điều về một đơn vị và đã đi xa. Những lúc thoáng hồi tưởng lại sáu ngày đã qua ấy, nghĩ tới anh, chị cảm thấy buồn và hối hận đã không có lấy một lời từ biệt và cảm ơn.

        Thế mà giờ đây, đồng chí trung úy ấy đã là thiếu tá cận vệ, sau ba năm mấy tháng gì đó, lại đã ngồi cạnh chị trong chiếc xe tứ mã bon bon trên con đường nhựa  ướt át.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2017, 04:33:25 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2017, 04:36:29 am »

       
II

        Gặp gỡ đột ngột. Cả hai người đều xúc cảm mạnh. Ta-nhi-a hỏi :

        - Trông anh lúc nào cũng vẫn tươi vui, không có gì thay đổi cả chứ ?

        Lu-ben-xốp hỏi lại:

        - Còn chị thì vẫn như xưa, hơi có vẻ buồn buồn một chút, nhưng lớn hơn.

        - Già đi đấy. - chị vừa nói vừa cười vang.

        Tiếng cười của chị sao mà dễ thương, dịu dàng và trong sáng tưởng đâu như chị cười riêng với mình chị. Khi cười, đôi mắt tròn to của chị gần như biến hẳn đi, hóa thành hai vệt nhỏ sáng long lanh, mũi chị cau lại, làm cho khuôn mặt chị bỗng nhiên đượm vẻ hồn hậu hết sức.

        Giữa lúc này, giọng nói oang oang và sôi nổi của đồng chí "đánh xe trạm” vẳng từ trên ghế cao xuống:

        - Báo cáo các đồng chí sĩ quan! Hình như chúng ta đã tiến vào đất Đức rồi thì phải, đâu đâu cũng thấy bàn tán ầm ỹ...

        Lu-ben-xốp sửng sốt, ngước mắt nhìn lên, rồi mở xà cột rút ra chiếc bản đồ, trải lên đầu gối và cố nén xúc cảm nói với mọi người :

        - Đúng, chúng ta hiện đang tiến trên đất Đức.

        Đồng chí trung úy rút súng lục, mở tung cửa xe, chĩa lên trời bắn hết một băng đạn. Đồng chí "đánh xe trạm” nổ chỉ thiên một phát súng trường. Bầy ngựa hốt hoẵng càng phóng nhanh hơn. Mọi người đều dán mắt vào cửa kính xe. Hai bên đường, những cánh rừng thưa nối tiếp nhau, rồi đến những ria rừng gỗ, những bụi cây. Mọi người ngạc nhiên trước tất cả những cảnh vật rất quen thuộc này:

        - Trông này, cây bồ đề kìa !

        - Ồ, cây sơn trà này!

        - Lại có cả cây táo nữa kìa!

        Đồng chí trung úv mơ va-li lục lọi một lát rồi thất vọng kêu:

        - Tiếc quá, không có vốt-ca1!

        Đại úy Trô-khốp, "chủ nhân” chiếc xe tứ mã, chẳng nói chẳng rằng, không hiểu lôi ở đâu ra một bình đầy rượu trắng. Đồng chí chiến sĩ ngồi trong xe mỉm cười ngượng nghịu, đưa tay vuốt bộ ria hung hung phát biểu:

        - Các đồng chí sĩ quan, chúng ta có... cái này... một chút rượu... Nếu các đồng chí thấy không có gì bất tiện... kể ra cũng không ngon lắm, nhưng cũng khá cay miệng đấy ạ...

        Cỗ xe dời đường cái, chạy lắc lư một lát rồi dừng lại trong một khu rừng nhỏ. Đồng chí "đánh xe trạm” sau khi cắm chiếc roi ngựa vào thành ghế, cũng vào nhập bọn trong xe. Mọi người trò chuyện ầm ỹ; riêng Ta-nhi-a không hiểu vì cớ gì cứ im lặng. Chị ra ngồi trên chiếc ghế cao của người đánh xe, cúi gập hẳn người lại, trầm ngâm, mỉm cười lư đãng nhìn những cánh rừng nho nhỏ, thưa thớt xung quanh. Chị đã từ chối không uống rượu.

        - Lúc này không phải là lúc uống rượu vui -  chị vừa nói vừa gạt cốc rượu. - Tôi không hiểu nên làm gì, có lẽ là nên khóc thương những người đã không thể may mắn đặt chân tới đây.

        Mọi người hiểu ngay là chị nói đúng. Họ vẫn tiếp tục uống rượu nhưng không làm ầm ỹ nữa, tâm hồn như chìm đắm trong một giấc mơ nặng nề.

        Trước hết, tất cả nâng cốc chúc thọ đồng chí Xta-lin, rồi chúc mừng chiến thắng và các đơn vị của phương diện quân Bi-ê-lô-rút-xi thứ nhất. Đồng chí có bộ ria hung hung đề nghị nâng cốc chúc mừng cả "mặt trận gia đình của chúng ta, nghĩa là vợ và con chúng ta".

        Anh nhìn trộm Ta nhi-a, nói thêm :

        - Và lẽ dĩ nhiên cũng là chúc mừng những vị " phu quân ” nếu có, hoặc nếu không, thì những " phu quân ” tương lai.

        Ta-nhi-a phát biểu :

        - Nghĩ cũng lạ. Xa kia có một làng Đức. Kể cũng khó mà tin được rằng có những người Đức đang sống ở đó, những con người đã gây nên bao đau thương cho thế giới. Xử sự thế nào ? Đốt cháy làng ấy ư ? Giết hết dân làng ấy đi ư!

        Không ai nói năng gì. Tiếng đại úy Trô-khốp phá tan im lặng:

        - Chứ lại không à ? Chúng ta làm đi thôi, đợi gì nữa ? - Trô-khốp nói lên những câu ấy với một giọng bình thản, làm cho mọi người phải quay lại và nhìn thấy khuôn mặt tròn trĩnh, trai trẻ, chiếc mũi nhỏ thẳng và đôi mắt xám đầy nghị lực của anh, lộ rõ lòng tự tin và tính gây gổ của một con người chưa từng biết sợ điều gì.

        Thiếu tá cận vệ Lu-ben-xốp trừng trừng nhìn Trô- khốp và hất tay một cái tỏ vẻ chán ngán! Cử chỉ cộc lốc, hơi có vẻ khinh bỉ này, có lẽ đã có tác dụng thuyết phục nhiều hơn lời nói. Vấn đề rõ ràng đặt ra với mọi người là không ai được đi đâu, không được đốt phá một vật gì cả, không được sát hại một người nào - ít nhất cũng không được làm những công việc ấy khi thiếu tá cận vệ có mặt tại đây.

        Trô-khốp cũng hiểu thế ! Anh tức tối nhìn Lu-ben- xốp, môi mím chặt không nói thêm nửa lời.

        Lu-ben-xốp lạnh lùng nói :

        - Quân đội Đức còn đang kháng cự kich liệt. Đồng chí còn khối dịp đề tỏ rõ lòng hăng hái của mình trong chiến đấu.

        Ta-nhi-a dàn hòa nói :

        - Thôi, chúng ta đi thôi.

        Mọi người lên xe. Một lát sau, cỗ xe lọc cọc tiến vào trong làng. Mọi người nhìn thấy một tấm biển lớn trước ngôi nhà công quán bé nhỗ :

        SIEG ODER SIBIRIEN2!

        Lu-ben-xốp dịch lại cái khẩu hiệu khó hiểu ấy cho mọi người nghe, chắc hẳn đó là sáng kiến cuối cùng của tên Gơ-ben 3.

--------------------
       1. Một thứ rượu mạnh của Liên Xô - N.D.

        2. Chiến thắng hay chịu đầy sang Xi-bê-rì.

        3. Bộ trưởng tuyên truyền của Hít-le - N.D.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Chín, 2017, 03:13:57 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2017, 03:17:12 am »

        
        Đồng chí chiến sĩ có bộ ria hung hung phát biểu, giọng khinh bỉ: "Một thằng Đức lại mang xứ Xi-bê-ri của chúng ta ra đề dọa dẫm một thằng Đức khác. Chao ôi! Chỉ mong sao cho tôi sống được đến ngày chiến thắng để quay về miền Xi-bê-ri thân yêu gặp mẹ nó và các cháu ”.

        Đồng chí " đánh trạm xe ” cho xe dừng lại trước một ngôi nhà gạch xinh xắn có thềm bậc lên xuống khá cao. Gian nhà tĩnh mịch, tối tăm và sặc mùi mốc meo. Trong lúc đồng chí "đánh xe trạm” tháo ngựa, những người khác ồn ào ùa vào các gian phòng lạnh lẽo. Ai cũng tò mò đưa mắt nhìn vào các xó tối.

        Bỗng nhiên, đồng chí " đánh xe trạm ” ở ngoài chạy vào, hốt hoảng nói với Lu-ben-xốp:

        - Báo cáo đồng chí thiếu tá cận vệ, ở cái lán dưới nhà có chuyện không hay...

        Hai người cùng đi ra. Đàn lợn ủn ĩn trong bóng sân tối om. Trong lán chất đầy củi và sau đống củi, Lu-ben- xốp bấm đèn pin soi rõ năm xác người bi treo cổ. Anh chửi: " Chà, quân khốn kiếp! ”. Rồi ra lệnh : " Hạ xuống đất! ”. Và anh lấy dao cắt dây thừng.

        Mấy xác chết rơi phịch xuống đất. Đồng chí trung úy và Trô-khốp bước vào. Trong lúc trung úy vội vã giúp Lu-ben-xốp thì Trô-khốp chỉ đứng tách ra một chỗ. Điếu thuốc lá của anh lập lòe trong bóng tối.

        Có hai nạn nhân còn thoi thóp thở : một bà cụ già và một em gái nhỏ. Anh em khiêng bà cụ và cô bé lên nhà. Ta-nhi-a phụ trách việc cứu chữa cho họ. Lát sau cô bé đã ngồi cạnh Ta-nhi-a trên chiếc ghế dài, một tay xoa cổ, một tay bám lấy chị phụ nữ lạ mặt này. Còn bà cụ thì lẳng lặng lê bước chân đi thu nhặt các đồ vật rơi rải rác trên sàn nhà, mắt không dám nhìn những người Nga đang im lặng chung quanh.

        Lu-ben-xốp biết đôi chút tiếng Đức ; tuy lưng vốn tiếng Đức của anh gần như không vượt quá phạm vi những từ ngữ quân sự, anh cũng cố gắng hỏi được chuyện bà cụ. Thì ra tên con trai bà là một đảng viên Quốc xã trong vùng. Hắn đã không kịp rút chạy, và vì hoảng hốt quá nên hắn đã quyết định treo cổ tự tử, đồng thời treo cổ tất cả gia đình. Đêm hôm trước, xe tăng Nga đã tiến qua làng và suốt ngày hôm qua, bộ đội xô-viết đã kéo đi không lúc nào ngớt. Biết không tài nào trốn thoát, tên chủ gia đình đã thực hiện ý định của hắn.

        - Chúng nó thế mà cũng gọi là giống người à? - Đồng chí chiến sĩ người Xi-bê-ri có bộ ria hung hung vừa nhóm lò vừa phát biểu, giọng nói lộ vẻ ghê tởm. -  Cái thằng phát xít ấy chẳng còn tình nghĩa gì với ai cả. Đến ngay con cái nó, nó cũng chẳng thương. Chính tự tay nó đã treo cổ các con nó, thật là đồ khốn kiếp!

        Đồng chí " đánh xe trạm ” vỗ trán suy nghĩ, cố giải thích cho bà cụ :

        - Con bà, chà, chà, thật là đồ vứt đi... Verste- chen1? - Đồng chí nói thật to, chắc hẳn cho rằng càng hét to thì bà cụ càng dễ hiểu hơn. - Đời thuở nhà ai, một em như thế này... - đồng chí trỏ vào em bé - rất là bé nhỏ - tay đồng chí giơ ngang mặt đất - lại thắt cổ nó - đồng chí đưa tay lên ngang cồ.

        Bà cụ thu xếp giường chiếu cho những người Nga ngủ. Bà cụ làm công việc ấy không có gì là quỵ lụy: vừa thoát chết, bà cụ đâu còn nghĩ được chuyện lấy lòng ai. Bà cụ nghĩ giản đơn rằng: người Nga chiến thắng thì tất nhiên là có quyền bắt kẻ thất bại phải chịu nhục.

        Nhưng vốn là con nhà lính, Lu-ben-xốp không thể tin ở thái độ ti tiện biểu lộ quá muộn ấy của người Đức. Vì thế anh quyết định phải bố trí canh gác đề phòng ngừa bất trắc. Sau khi sắp đặt việc canh gác, quy định các hiệu lệnh báo động, Lu-ben-xốp bảo anh em:

        - Tóm lại là các đồng chí đều có thế đi ngủ cả; tôi sẽ thức canh suốt sáng. Đêm nay, tôi cũng khó mà nhắm mắt được!

        Ta-nhi-a đứng trong một góc nhà khuất nẻo hỏi vọng ra: .

        - Đồng chí có thề cho phép tôi cùng thức với đồng chí được không?

        - Được lắm chứ! - Lu-ben-xốp đồng ý thật to.

        Mọi người như đã có dặn dò nhau trước, liền giải tán về giường nằm. Lu-ben-xốp và Ta-nhi-a ngồi lại bàn một lúc rồi mới mặc áo ra chỗ gác.

        Một tiếng ngáy nhỏ âm vang khắp gian nhà. Trước lúc ra ngoài, hai người đi một vòng thăm các buồng. Đại úy Trô-khốp nằm trên chiếc ghế dài trong phòng ăn. Lúc ngủ khuôn mặt tròn trĩnh của anh thật hoàn toàn thơ trẻ, mất hẳn vẻ tự tin và gây gổ là một nét đặc biệt của anh. Trong gian phòng bên, đồng chí trung úy còn cựa mình mãi trên giường. Anh vẫn đội chiếc mũ cũ có tai của anh, nghiến răng kèn kẹt và nói lảm nhảm. Đồng chí chiến sĩ có bộ ria hung hung và đồng chí " đánh xe trạm ” chiếm một chiếc giường to. Hai người, để nguyên cả quần áo, giày, và đắp áo ca-pốt ngủ mặc dù dưới lưng có cả một đống chăn. Dưới tấm áo ca-pốt lính thò ra mấy nòng súng tiểu liên và súng trường, và cả súng cũng như đang ngủ say.

---------------------
       1. Hiểu chưa.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Chín, 2017, 10:19:42 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2017, 08:26:56 pm »

             
        Cô bé người Đức ngủ trên chiếc giường con bên cạnh.

        Lu-ben-xốp cười lặng lẽ trước cảnh súng cũng được ” đắp áo ” như người, trước tác phong giản dị, gian khổ của các chiến sĩ, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu, một tác phong đã được rèn luyện trong chiến tranh.

        Hai người bước ra sân. Trời tối như mực, gió thổi mạnh. Tiếng ồn ào của các đơn vị kéo qua, tiếng còi ô-tô vọng từ ngoài đường cái vào làng. Có vật gì động đậy dưới rặng cây to. Lu-ben-xốp bấm đèn lên. Bà cụ chủ nhà đang dùng mai đào một cái hố.

        Ta-nhi-a khẽ hỏi:

        - Bà cụ ấy làm gì thế anh ?

        Lu-ben-xốp tới cạnh bà cụ hỏi chuyện. Bà cụ dài dòng kể lể với anh. Anh quay lại chỗ Ta-nhi-a và nói:

        - Bà cụ đào một cái huyệt. Nghe đâu ở đây họ không chôn người tự tử vào nghĩa địa thì phải...

        Hai người bước ra đường, cùng im lặng một lúc. Bỗng Ta-nhi-a hỏi :

        - Dạo này anh phụ trách công tác gì?

        - Tôi là chủ nhiệm trinh sát sư đoàn. Tôi vừa ở bộ tham mưu tập đoàn quân về. Trên cho lệnh gọi và định cử tôi về học ở Viện hàn lâm quân sự Mát-xcơ-va. Tôi cũng vất vả lắm mới xin được cấp trên thay đổi ý kiến đấy. Thật thế, lúc này mà phải bỏ mọi việc lại đấy và trở về hậu phương, nhất là giữa lúc chiến tranh sắp kết thúc thì có đáng bực mình không kia chứ ! Hơn nữa, tôi không muốn phải xa anh em đơn vị tôi : sống với họ quen quá đi mất rồi. Cả sư đoàn tôi đối với tôi bây giờ cũng thân thiết như gia đình vậy. Dù sao, cuối cùng cũng thuyết phục được các thủ trưởng của tôi. Thật may quá là các đồng chí ấy không điều tôi về nữa... Nếu không, bây giờ co lẽ tôi đã đang ở trước thành Min-xcơ rồi đấy...- Anh im bặt, rồi nói thêm: - Và nếu thế thì lại không gặp được chị.

        Qua câu chuvện hai người mới biết là có nhiều bạn quen chung. Ta-nhi-a có thời kỳ đã công tác ở viện quân y tập đoàn quân và có quen đồng chí chủ nhiệm trinh sát, đại tá Ma-lư-sép. Hôm nay chị vừa ở một cuộc hội nghị các nhà mổ xẻ về: chị là chủ nhiệm khoa mổ trong sư đoàn của đại tá Vô-rô-bi-ốp.

        Lu-ben-xốp nói :

        - Tôi cũng có quen đại tá. Đồng chí ấy là một thủ trưởng rất tốt. Nhưng thiếu tướng Xê-rê-đa, chỉ huy sư đoàn tôi lại còn tốt hơn nữa kia.

        - Theo ý anh, thì các đồng chí ấy đều tốt cả. -  Ta-nhi-a mỉm cười nói. Hồi liếc mắt nhìn anh, chị thấp giọng nói tiếp: - Thật may mắn biết bao, trải qua cuộc chiến tranh khủng khiếp này, cuộc chiến tranh đã giết hại biết bao người ưu tú, mà anh vẫn không việc gì cả. Nhất là trong ngành công tác của anh. Được gặp anh lần này tôi rất sung sướng. - Ngừng lại một lát chị hỏi thêm : - À, còn đại tá Cra-xi-cốp ở bộ tham mưu quân đoàn anh có quen không nhỉ !

        - Có, biết sơ sơ thôi.

        Hai người đi dọc theo phía trước mặt ngôi nhà đang thiêm thiếp ngủ. Ta-nhi-a bước hẫng một cái, Lu- ben-xốp nắm lấy cánh tay chị rồi không rời ra nữa.

        - Theo điều lệnh thì trong lúc canh gác có được phép làm như thế này không nhỉ ? - Ta-nhi-a hỏi giọng hơi có vẻ đùa.

        Lu-ben-xốp thì nghĩ thầm : " Ồ, hâu như giữa thời bình rồi còn gì! Có lẽ đã bốn năm nay, lần đầu tiên mình mới được khoác tay phụ nữ đi như thế này! ”.

        Trời đã quang hẳn. vầng trăng như xé nát những đám mây chui ra. Ánh trăng soi sáng những ngôi nhá quét vôi trắng có những chiếc xà đen sẫm bắc ngang trên tường và soi sáng cả nóc nhà thờ nhọn hoắt. Trong giây phút này, bảo Lu-ben-xốp không hồi tưởng lại khu rừng trước thành Vi-át-ma, nơi mà hai người đã cùng nhau hành quân ba năm trước đây, làm sao được?

        Anh nói:

        - Tôi có cảm tưởng như chúng ta đã phải trèo mãi một ngọn núi cao, dốc ngược, và giờ đây chúng ta đã tới hay sắp tới đỉnh rồi... Kể ra so sánh như vậy cũng không được đúng, nhưng mà khi lên đến đỉnh cao này trông lại sao mà thấy xa thế! Quá khứ đã bắt đầu thấy lờ mờ mà tương lai thì thật đã quá sáng tỏ... Giờ đây, chúng ta đã nhận thức rõ sức mạnh và vai trò của mình. Nghĩa là chúng ta đã lớn lên, đã chín chắn hơn...- Anh mỉm cười, có vẻ bối rối: - Kể ra cũng khó nói...

        Ta-nhi-a thì chăm chú nhìn anh như để xem có thực đúng là đồng chí trung úy, ba năm về trước, giữa một đêm thu lạnh lẽo đã đứng cạnh chị bên con đường mòn gần Xmô-len-xcơ hay không ? Đúng là con người mà ai đã từng chung sống đều có thể học tập được lòng tin tưởng và dũng cảm. Bỗng nhiên chị ao ước được như những chiến sĩ trinh sát và nói chung được như tất cả những ai sống gần bên anh.

        Đột nhiên Lu-ben-xốp hỏi:

        - Chị có nghe thấy gì không ?

        Hai người nhìn nhau ngạc nhiên : đâu đây vẳng lại những âm thanh than vãn, tựa như tiếng gió lướt trên những sợi dây đàn khổng lồ. Đó là một bài ca buồn mà cả hai đều đã được nghe từ thuở còn thơ ấu. Có ai đang dạo trên một cây đàn lạ bài ca nổi tiếng của Ra-din. Tiếng đàn từ phía nhà thờ vong lại. Hai người tìm tới đó. Trước mặt họ là những bậc thềm rất rộng. Họ bước vào. Ánh trăng rọi qua những khung cửa số hình cung nhọn và hẹp. Dưới ánh trăng chan hòa như suối, sau một bao lơn cao, một đồng chí trung sĩ đang ngồi dạo đàn phong cầm. Phía dưới, một nhóm chiến sĩ đang lắng tai nghe.

        Tiếng đàn bỗng ngừng lại và đồng chí trung sĩ đứng dậy, hỏi bằng một giọng nói êm dịu:

        - Thưa đồng chí thiếu tá, đồng chí cho phép chúng tôi tiếp tục chứ ?

        Thoạt đầu mải nghe nhạc quá, Lu-ben-xốp không biết là đồng chí đó nói với mình. Nhưng sau, anh cũng không nói gì, chỉ vẫy tay ra hiệu đồng ý rồi cùng Ta-nhi-a đi ra.

        Bên ngoài trời lạnh, gió thổi mạnh. Ấy thế mà không khí đường phố như ngày hội. Hai người lững thững quay về nhà. Bỗng nhiên Lu-ben-xốp hỏi :

        - Anh nhà ta... bây giờ ở mặt trận nào ?

        - Nhà tôi hy sinh rồi. Nãm 42. - Chị nói thêm, giọng lạnh lùng : - Ở mặt trận Xta-lin-grát.

        Giọng nói cụt lủn đột nhiên ấy ngụ ý rằng: " Xin anh không phải ái ngại cho tôi, đừng nên nói những điều không bổ ích gì cả và cũng xin đừng làm ra vẻ quan tâm đến chồng tôi ”.

        Chị lại hững hờ buông thêm một câu :

        - Sự tình là như thế đó!

        Nhưng liền sau đấy chị quay lại nhìn Lu-ben-xốp, và khi thấy nét mặt anh xúc động và bối rối thì chị không nén nồi nữa. Chị muốn cắn chặt lấy môi, nhưng quá muộn: nước mắt đã trào ra. Chị quay đi, cố nén khỏi bật khóc thành tiếng.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Chín, 2017, 10:20:13 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2017, 10:21:10 pm »

           
III

        Từ mờ sáng, một đoàn xe vận tải kéo qua làng. Một chiếc xe bỗng dừng lại. Một trung úy thông tin trẻ tuổi, đồng chí Nhi-côn-xki, nhảy xuống. Việc đầu tiên là anh vui vẻ báo tin cho Lu-ben-xốp :

        - Báo cáo đồng chí thiếu tá cận vệ, chúng ta đã tiến vào đất Đức, đồng chí đã biết chưa ?

        - Có, tôi có biết. - Lu-ben-xốp mỉm cười rồi quay lại phía Ta-nhi-a. Đã tới lúc phải lên đường, nhưng lưu luyến không muốn chia tay.

        Đồng chí người Xi-bê-ri vừa ngủ dậy, ở trong nhà bước ra. Thấy Lu-ben-xốp sắp đi, đồng chí chào :

        - Đồng chí thiếu tá cận vệ, xin chúc đồng chí lên đường may mắn. Dù thế nào, chúng ta cũng sẽ lại gặp nhau ở Béc-lin.

        - Đúng đấy.

        Lu-ben-xốp cười bắt thật chặt bàn tay rắn chắc của đồng chí chiến sĩ. Anh cũng nắm chặt mấy ngón tay búp măng của Ta-nhi-a. Đau quá, chị nhăn mặt, nói như van:

        - Ơ, cái anh này! Làm gì thế? Tay tôi còn phải dùng để mổ cho thương binh kia đấy!

        Lu-ben-xốp luống cuống, tư trách mình vụng về rồi trèo lên ngồi cạnh đồng chí lái xe. Đồng chí trung úy nhảy lên phía sau, và xe mở máy chạy.

        " Thật mình kém cỏi quá! - Lu-ben-xốp nghĩ mà lại giận mình. - Chẳng nói được một câu nào từ biệt, cũng chẳng gửi lời chào các đồng chí khác... Không hiểu cô ta sẽ cho mình là người thế nào ? ”.

        Anh thở dài đánh thượt một cái. Đồng chí lái xe liếc trộm anh, mỉm cười ý nhị: "Chà, các ông sĩ quan trinh sát này tài thật, môn nào cũng giỏi cả! ”. Trong sư đoàn ai cũng biết Lu-ben-xốp; người ta cũng từng bàn tán nhiều về tinh thần dũng cảm và óc mưu trí của anh. Đồng chí lái xe cũng như trung úy Nhi-côn-xki đều nhất quyết rằng không phải bỗng dưng vô cớ mà thiếu tá cận vệ lại đi chơi với chị bác sĩ có đôi mắt xám ấy ngay từ sáng sớm.

        Lúc này, xe đã ra đường cái lớn, nhập vào dòng xe cộ chạy liên miên không bao giờ hết, nên phải đi chậm lại.

        Lu-ben-xốp đưa mắt nhìn cánh đồng chạy dài phía trước mặt, những mái ngói lấm tấm tuyết trắng, những chòm cây trồng thẳng tắp; theo thói quen tư nhiên, anh nhận xét cảnh vật về mặt chiến thuật, nhưng óc thì vẫn không ngừng nghĩ tới Ta-nhi-a, tới đôi hàng nước mắt, tới câu chuyện cảm động về chồng chị bị giết và bà cụ chị bị mất. Nhớ tới đây, anh chợt bắt được mình mỉm cười, một nụ cười mơ mộng dịu dàng, nhưng anh cho là tàn nhẫn. Anh nghĩ thẫm : " A, thế ra mình lại sung sướng vì được tin chồng chị ấy chết hay sao ? Không ngờ mình lại có thể đê hèn đến thế!”

        Anh cố giữ vẻ nghiêm nghi.

        Cuộc gặp gỡ với Ta-nhi-a, nhất là giữa một ngày đánh dấu chiến tranh sắp kết liễu, đối với anh có rất nhiều ý nghĩa.

        Ta-nhi-a là "một người quen cũ”, điều đó có tác dụng quan trọng đối với Lu-ben-xốp. Như vậy nghĩa là mối quan hệ giữa hai người không mang tính chất một "tình bạn” xốc nổi thường có trong chiến tranh giữa nam và nữ, thứ "tình bạn” mà anh rất ghét và cố hết sức tránh.

        " Người quen cũ ”! Mấy tiếng ấy, vô cùng êm ái, làm cho anh khỏi nhút nhất, tính này anh thường vẫn có khi đứng trước mặt những phụ nữ tình cờ gặp gỡ mà họ biết quá rõ ý muốn của ta đối với họ.

        III

        Từ mờ sáng, một đoàn xe vận tải kéo qua làng. Một chiếc xe bỗng dừng lại. Một trung úy thông tin trẻ tuổi, đồng chí Nhi-côn-xki, nhảy xuống. Việc đầu tiên là anh vui vẻ báo tin cho Lu-ben-xốp :

        - Báo cáo đồng chí thiếu tá cận vệ, chúng ta đã tiến vào đất Đức, đồng chí đã biết chưa ?

        - Có, tôi có biết. - Lu-ben-xốp mỉm cười rồi quay lại phía Ta-nhi-a. Đã tới lúc phải lên đường, nhưng lưu luyến không muốn chia tay.

        Đồng chí người Xi-bê-ri vừa ngủ dậy, ở trong nhà bước ra. Thấy Lu-ben-xốp sắp đi, đồng chí chào :

        - Đồng chí thiếu tá cận vệ, xin chúc đồng chí lên đường may mắn. Dù thế nào, chúng ta cũng sẽ lại gặp nhau ở Béc-lin.

        - Đúng đấy.

        Lu-ben-xốp cười bắt thật chặt bàn tay rắn chắc của đồng chí chiến sĩ. Anh cũng nắm chặt mấy ngón tay búp măng của Ta-nhi-a. Đau quá, chị nhăn mặt, nói như van:

        - Ơ, cái anh này! Làm gì thế? Tay tôi còn phải dùng để mổ cho thương binh kia đấy!

        Lu-ben-xốp luống cuống, tư trách mình vụng về rồi trèo lên ngồi cạnh đồng chí lái xe. Đồng chí trung úy nhảy lên phía sau, và xe mở máy chạy.

        " Thật mình kém cỏi quá! - Lu-ben-xốp nghĩ mà lại giận mình. - Chẳng nói được một câu nào từ biệt, cũng chẳng gửi lời chào các đồng chí khác... Không hiểu cô ta sẽ cho mình là người thế nào ? ”.

        Anh thở dài đánh thượt một cái. Đồng chí lái xe liếc trộm anh, mỉm cười ý nhị: "Chà, các ông sĩ quan trinh sát này tài thật, môn nào cũng giỏi cả! ”. Trong sư đoàn ai cũng biết Lu-ben-xốp; người ta cũng từng bàn tán nhiều về tinh thần dũng cảm và óc mưu trí của anh. Đồng chí lái xe cũng như trung úy Nhi-côn-xki đều nhất quyết rằng không phải bỗng dưng vô cớ mà thiếu tá cận vệ lại đi chơi với chị bác sĩ có đôi mắt xám ấy ngay từ sáng sớm.

        Lúc này, xe đã ra đường cái lớn, nhập vào dòng xe cộ chạy liên miên không bao giờ hết, nên phải đi chậm lại.

        Lu-ben-xốp đưa mắt nhìn cánh đồng chạy dài phía trước mặt, những mái ngói lấm tấm tuyết trắng, những chòm cây trồng thẳng tắp; theo thói quen tư nhiên, anh nhận xét cảnh vật về mặt chiến thuật, nhưng óc thì vẫn không ngừng nghĩ tới Ta-nhi-a, tới đôi hàng nước mắt, tới câu chuyện cảm động về chồng chị bị giết và bà cụ chị bị mất. Nhớ tới đây, anh chợt bắt được mình mỉm cười, một nụ cười mơ mộng dịu dàng, nhưng anh cho là tàn nhẫn. Anh nghĩ thẫm : " A, thế ra mình lại sung sướng vì được tin chồng chị ấy chết hay sao ? Không ngờ mình lại có thể đê hèn đến thế!”

        Anh cố giữ vẻ nghiêm nghi.

        Cuộc gặp gỡ với Ta-nhi-a, nhất là giữa một ngày đánh dấu chiến tranh sắp kết liễu, đối với anh có rất nhiều ý nghĩa.

        Ta-nhi-a là "một người quen cũ”, điều đó có tác dụng quan trọng đối với Lu-ben-xốp. Như vậy nghĩa là mối quan hệ giữa hai người không mang tính chất một "tình bạn” xốc nổi thường có trong chiến tranh giữa nam và nữ, thứ "tình bạn” mà anh rất ghét và cố hết sức tránh.

        " Người quen cũ ”! Mấy tiếng ấy, vô cùng êm ái, làm cho anh khỏi nhút nhất, tính này anh thường vẫn có khi đứng trước mặt những phụ nữ tình cờ gặp gỡ mà họ biết quá rõ ý muốn của ta đối với họ.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM