Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 03:07:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa xuân trên sông Ô-đe  (Đọc 51578 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2017, 10:16:13 pm »


        Trô-khốp đáp:

       — Đồng chí ấy là bí thư chi bộ, tên là Xli-ven-cô.

       — Đồng chí ấy giải thích đúng lắm — Lu-ben-xốp vừa nói vừa nháy mắt hóm hỉnh. — Trình độ khá đấy chứ. Khối người có nói được như thế đâu !

        Trô-khốp đỏ mặt: anh thừa hiểu ý câu Lu-ben-xốp vừa nói. Chắc anh cũng nhớ lại câu chuvện va chạm giữa hai người bữa trước”

        Lúc này Xli-ven-cô bỗng ngừng lại. Rồi anh hô to:

       — Các đồng chí chú ý, địch đang di chuyển.

        Nhiều bóng đen nhỏ tiến từng bước nhẫy vọt trên mặt đường xe lửa.

        Lu-ben-xốp bảo:

       — Báo cho pháo binh biết.

        Trô-khốp chạy tới máy điện thoại trong hầm. Pháo ta và pháo địch hầu như cùng đồng thời khai hỏa. Trận pháo chiến kéo dài hơn mười phút. Đạn đại bác địch nổ hơi trệch sang bên trái nhưng rất gần.

        Lu-ben-xốp thét: "Nằm xuống”, nhưng không rời vị trí đứng quan sát. Nhìn ánh chớp, nghe tiếng đạn nổ miệng nòng và tiếng đạn chạm nổ, anh xác định các vi trí và các cỡ pháo địch. Về mặt này không ai bì kip Lu-ben-xốp : các cán bộ pháo binh cũng vẫn phải hỏi anh luôn. Tai, mắt đều chăm chú theo dõi, anh lẩm bẩm một mình:

       — Hay lắm... cỡ 75... Đúng lắm... một khẩu 75 nữa bố trí ở chỗ tiếp giáp nhà ga và kho hàng. Tuyệt quá. Ồ, cỡ lớn quá!... Ít ra phải là 155... Khoan, khoan ! Còn nữa đất... Cứ nằm yên, các cậu.

        Anh cúi mình xuống. Một tiếng rít ghê rợn, tiếp theo là tiếng trái phá nổ ầm phía sau chiến hào. Ngay sát cạnh hầm Trô-khốp, một ngọn cây kêu lắc rắc rồi bay tung lên từng mảnh. Những mảnh đạn, mảnh gỗ bay rít xung quanh. Quay lại, Lu-ben-xốp nhìn thấy Trô-khốp. Người đại đội trưởng này vẫn đứng im trên mô đất, nửa người hơi ngả ra ngoài chiến hào, cứ bình thản hút thuốc chẳng khác gì lục đang ngồi trên cồ xe tứ mã. Lu-ben-xop khẽ mỉm một nụ cươi nửa giễu cợt nửa hoan nghênh. Anh nghĩ thầm: "Anh hùng rơm thật! Nhưng cũng phải nhận là rất can đảm ! ”.

        Anh bảo:

       — Đồng chí xuống đi, liều mạng vô ích làm gì ?

        Trô-khốp phục tùng.

        Trận pháo chiến kết thúc cũng đột ngột như lúc mở màn.

       — Đi thôi — Lu-ben-xốp nói với anh em trinh sát — Ta phải về báo cáo tình hình với sư đoàn trưởng.

        Anh thân thiết bắt tay Trô-khốp và nhắc lại:

       — Hoan hô đồng chí bí thư chi bộ của anh. Một đảng viên cộng sản xứng đáng...

        Hội trinh sát đã đi khỏi, Trô-khốp vẫn còn đứng lại một lúc trong chiến hào. Anh nghĩ tới Lu-ben-xốp và đột nhiên thấy có cảm tình.

        Trô-khốp rất dũng cảm, điều đó anh cũng tự biết; tuy vậy anh không thể không công nhận là tinh thần dũng cảm của Lu-ben-xốp lại còn có ý nghĩa cao hơn.

        Lu-ben-xốp không hề muốn khoe khoang sự dũng cảm của mình. Nếu như vừa rồi anh phải đứng thẳng trong chiến hào, điều đó tuyệt nhiên không phải vì anh muốn tỏ cho mọi người biết là mình dũng cảm, mà đó chỉ vì nhiệm vụ yêu cầu phải như vậy. Trô-khốp nhận  thấy anh em trinh sát rất quí mến Lu-ben-xốp. Anh em trong đại đội 2 cũng mến phục Trô-khốp nhưng nếu anh thấy giữa anh và anh em vẫn thiếu tình thần thiết và lòng tin tưởng gần như tuyệt đối, thì anh lại thấy rất rõ điều này giữa Lu-ben-xốp và các chiến sĩ trinh sát.

        Lúc này, Trô-khốp không kìm nổi lòng ham muốn — một đặc tính của thanh niên — là làm sao theo kịp đượe con người mà mình khâm phục. Nhưng anh lại vội tự nhủ ngay là mình cũng " chẳng kém đến thế ” đâu. Ý nghĩ phải học tập Lu-ben-xốp, anh cho là quá tự ti.

        Về phần Lu-ben-xốp, trên đường quay về phòng tham mưu, anh cũng nghĩ tới Trô-khốp nhưng nghĩ tới Trô-kbốp  thì ít mà nghĩ tới cuộc gặp gỡ hôm trước với Ta-nhi-a thì nhiều; cuộc gặp gỡ đó, do việc anh gặp Trô-khốp, đã sống lại trong trí nhớ của anh và theo anh, rõ ràng là lần gặp gỡ cuối cùng rồi còn gì.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2017, 04:37:47 pm »


XVIII

        Thái độ khó chịu của chị y tá đối vói Ta-nhi-a biểu lộ trong những lời nói chuyện vói Lu-ben-xốp không phải là vô cở. Ta-nhi-a thời gian đầu được cán bộ, nhân viên trong tiểu đoàn quân y rất quý mến, nhưng gần đây đã bị dư luận chê bai. Thật thế, đã một tháng nay, đại tá Cra-xi-cốp, một trong những thủ trưởng quân đoàn, đã tỏ ra đặc biệt quan tâm đến Ta-nhi-a. Đại tá là một sĩ quan rất oai vệ và nổi tiếng trong các sư đoàn là nghiêm khắc và quả cảm. về tuồi tác đại tá gấp đôi tuồi Ta-nhi-a. Mọi người đều biết là đồng chí đã có con gái lớn gần bằng Ta-nhi-a.

        Nếu như từ trước đến giờ các bạn đồng sự không có cảm tình với Ta-nhi-a thì chắc chắn câu chuyện này cũng không làm họ phải bận tâm lắm. Nhưng họ vốn yêu mến Ta-nhi-a nên họ tự thấy không vừa lòng nếu họ không làm tròn trách nhiệm đối với chị. Ma-sa, người bạn gái tốt nhất của Ta-nhi-a là người bất bình nhiều nhất. Chị phụ trách khu điều trị, người cao lớn, mắt ti hí, da ngăm ngăm, tính tình rất cởi mở, có đôi gò má kiểu người Tác-ta và một bộ ngực nở nang. Nói chung, chị rất nghi ngờ nam giới. Chị thường xuyên chê trách những chị em y tá nào được các sĩ quan hay chiến sĩ có ”cảm tình”.

        Chị nói:

        — Các cô cứ tưởng là chuyện chỉ đến thế thôi ư ? Các cô cứ yên trí, chiến tranh cũng sẽ không châm chước gì cho các cô cả! Các cô tưởng rằng những chuyện ấy sau này không ai biết chăng? Đến lúc phục viên sẽ lại sống mọt cuộc đời mới chăng? Các cô cứ hy vọng như thế đi! Các cô em ơi, quả đất này tròn đấy! Rồi các cô xem, tôi nói nhất định là đúng.

        Không hiểu chị em trong tiều đoàn quân y có nghe theo lời chị hay không.

        Còn Ta-nhi-a, chị tuyên bố dứt khoát là không muốn nghe lên lớp về đạo đức và trước những lời thuyết lý giận dữ của người bạn gái, chị chỉ lặng lẽ cười.

        Tiếng cười của Ta-nhi-a làm cho những lời nói của Ma-sa mất hết hiệu lực. Tiếng cười ấy sao mà thân thiết chân thành, nên thường đã làm cho mọi người phải vui lây. Nghe tiếng cười ấy, mọi ý nghĩ sai lầm về Ta-nhi-a tự nhiên tiêu tan. Bình thường lúc Ta-nhi-a nghiêm trang, một nét răn hằn rõ trên trán giữa đôi lông mày nhíu lại, thấy chị lúc này nhiều người thường cho chị là con người quá nghiêm khắc hay hơi ác nghiệt nữa. Nhưng khi chị đã lên tiếng cười thì rõ ràng là người phụ nữ này có một tâm hồn hiền hậu, thẳng thắn, chất phác.

        Những thương binh chưa biết tên Ta-nhi-a thường gọi chị là: " nữ bác sĩ có tiếng cười hiền hậu”. Trước hôm Ta-nhi-a lên dự hội nghị các nhà giải phẫu trên tập đoàn quân, Ma-sa (không biết là lần thứ bao nhiêu nữa) định tâm sự với chị. Ma-sa không gõ cửa, bước vào buồng Ta-nhi-a. Nhưng chị dừng lại ở ngưỡng cửa một lát, hai bàn tay đút trong túi áo và khác với thói quen, chị cứ loanh quanh như muốn tìm câu để nói. Rồi chị ôm chầm lấy Ta-nhi-a và còn rưng rưng nước mắt khóc.

        Thấy Ma-sa khóc, Ta-nhi-a bực mình. Chị gạt ngay :

        — Tôi làm sao mà chị phải thương khóc tôi ? Tại sao lại có thái độ im lặng giả vờ và cái cười châm chọc thế nhỉ ? Vả lại ai yêu cầu chị đỡ đầu dạy bảo tôi kia chứ ? Đồng chí Cra-xi-cốp là một người rất tốt...

        Ma -sa la lên :

       — Rất tốt à! Những "người rất tốt” ấy, người ta thừa biết đi rồi !

        Ta-nhi-a vừa cười vừa nói :

       — Không hiểu sao chị lại nghĩ quẩn thế! để chị khỏi thắc mắc, tôi có thể bảo đảm với chị là tôi chỉ coi đồng chí Cra-xi-cốp như một người bạn tốt.

       — Thôi đừng nói giỡn nữa — Ma-sa vừa nói vừa giư tay lên như để chống đỡ với nụ cười của Ta-nhi-a — Cô nghĩ thế nào ? Cô cho là ông ta định nhận cô làm con nuôi hay sao, vì thương hại một cô gái mồ côi ư ? Thôi, cô làm gì thì tùy ý... Chắc hẳn cô lấy làm hãnh diện được một đại tá theo đuổi chứ gì, hãnh diện thấy ông ta rất nghiêm khắc với mọi người mà với mình lại quá dễ dãi chứ gì. Ông ấy còn dạy cô lái ô tô nữa... Thôi, tởm lắm !

        Chị đi ra, đóng cửa đánh sầm một cái.

        Kể ra Cra-xi-cốp cũng có được lòng Ta-nhi-a. Quả thực, chị cũng kiêu hãnh thấy một con người đã từng trẵi cuộc đừi là như thế, lại thân thiết với mình, quan tâm tới mình, và có lẽ còn yêu mình nữa. Tinh thần dũng cảm của đại tá, chị đã được nghe nhắc tới nhiều lần và có phần kính nể. Tuy vậy, Ta-nhi-a vẫn cương quyết gạt mọi ý định của Cra-xi-cốp thường muốn lái câu chuyện vào vấn đề yêu đương và mỗi lúc như vậy chị lại tìm cách rút lui khéo bằng một câu bông đùa.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2017, 08:07:07 pm »


        Ta-nhi-a vừa ở hội nghị giải phẫu về đơn vị, lòng còn chưa hết xúc động vì cuộc hành trình trên cỗ xe tứ mã quá khác thường và cuộc gặp gỡ tình cờ với Lu- ben-xốp. Chị tìm gặp đại úy Rút-cốp-xki, chỉ huy tiểu đoàn quân y sư đoàn. Chuông điện thoại của Cra-xi-cốp cắt ngang câu chuyện của hai người. Rút-cốp-xki đưa ống nghe cho Ta-nhi-a.

        — Thế nào, đã về rồi ư ? — Tiếng Cra-xi-cốp vui vẻ — Cô đi đường mạnh khỏe chứ ?

        — Rất khỏe anh ạ ! — Ta-nhi-a đáp lại — Lúc rời đơn vị thì còn trên đất Ba Lan, lúc về đã ở trên đất Đức rồi... Anh có biết tôi tiến vào nước Đức như thế nào không ? Anh không tài nào đoán ra được đâu nhé ! Đi xe tứ mã đấy ! Một cỗ xe tứ mã chính cống của một bá tước.

        Cra-xi-cốp hỏi :

        — Bao giờ chúng mình lại gặp nhau được nhỉ ? Có lẽ cô đến chỗ tôi chơi nhé ? Hả? Tôi cho xe đến đón... Vì hôm nay cô còn nghỉ kia mà. Cô sẽ lái nhé...

        Ta-nhi-a nhận lời và trong khi chờ đợi, sang bên nhà bếp ăn cơm. Bữa ăn đã xong, các bác sĩ đã đi cả. Chị cấp dưỡng, một cô bé người U-cren có đôi mắt đen láy, bưng ra món ăn thứ hai rồi khoanh tay đứng trước mặt chị.

        Cô ta nói :

        — Thế là sắp hết chiến tranh rồi. Chị đã đến Giơ- mê-rin-ca bao giờ chưa ?
 
        — Chưa — Ta-nhi-a đáp — Có việc gì thế ?

        — Không, em người Giơ-mê-rin-ca đấy chị ạ. — Cô ta mỉm cười thẹn thùng như người vừa thổ lộ một điều bí mật.

        Ta-nhi-a đoán :

        — Chắc cô mong về quê nhà lắm phải không ?

        — Vâng.

        Ta-nhi-a nói :

        — Thành phố quê tôi bị tàn phá cả rồi. I-u-nốp. Một thành phố rất xinh xắn. Có lẽ cô chưa nghe tên ấy đâu nhỉ ?

        — Có, em có nghe thấy nói đến tên thành phố đó rồi. Trong những bản tin của thông tấn xã chị ạ !

        Ta-nhi-a ra đường, ô tô đã đợi chị ngay ngoài cổng rồi. Một ít tuyết rơi phủ kín mui xe. Người lái xe ngủ gật sau tấm kính ướt nước. Ta-nhi-a mở cửa, ngồi xuống cạnh anh. Anh ta giật mình, chào chị :

        — Đồng chí Ta-nhi-a, đồng chí lái lấy chứ ?

        — Không, đồng chí cứ lái đi.

        Mỉm cười lơ đãng, Ta-nhi-a vừa nhìn những thân cây trụi lá vun vút chạy hai bên đường vừa nghĩ tới Lu-ben- xốp, nghĩ tới hai lần gặp gỡ. Nhưng, lúc nghĩ tới buổi chia tay nhau hôm ấy, chị không mỉm cười nữa. Bởi vì quả thực Lu-ben-xốp từ biệt chị có lạnh nhạt một tí. Vừa mới thấy xe ô tô của sư đoàn, anh đã vội vã nhẫy lên, cứ như là bắt buộc phải đi những xe ấy, không có cách nào khác.

        Trong làng bộ tham mưu quân đoàn đóng, Cra-xi- cốp ở một ngôi nhà nhỏ có hàng rào chấn song bằng gang. Cạnh cửa sổ, một con vẹt nhảy nhót trong chiếc lồng lớn do chủ nhà bỏ chạy để lại. Con vẹt cất tiếng nheo nhéo trong cổ họng chào Ta-nhi-a.

        — Auf Wiedersehen1!

        Cra-xi-cốp không có nhà. Lát sau đại tá gọi điện thoại về. Thường ngày Cra-xi-cốp nói oang oang, dõng dạc, thỉnh thoảng lại phá lên cười. Hôm nay đồng chí lại nói thì thầm vội vã :

        — Cô Ta-nhi-a, cô đừng giận nhé... Trung tướng Xi-dô-crư-lốp vừa tới, bất ngờ quá...

        — Thôi được, tôi chờ anh.

        — Đừ... ừng — Cra-xi-cốp luống cuống — Không nên, tôi còn bận lâu lắm. — Và đồng chí nói thêm, giọng cương quyết, nghiêm khắc hơn, như nói với một sĩ quan tham mưu nào đó : — Đây là một chiến dịch phức tạp. Phải chuẩn bị thật cẩn thận. Đồng chí bảo mọi người phải sẵn sàng. Thôi chào đồng chí nhé !

        Con vẹt lại cất tiếng chào khách : — Auf Wiedersehen !

        Thành thực mà nói, Ta-nhi-a củng hơi thấy bực mình. Chị không ghét Cra-xi-cốp nhưng chị thấy trong giọng nói của đại tá có điều gì làm chị không vừa ý. Điều làm chị khó chiu nhất, đó là thái độ sợ sệt của Cra-xi-cốp trước mặt đồng chí đại diện Hội đồng quân sự.

        Quả là chị đoán đúng, Cra-xi-cốp, lúc này đang luống cuống trước mặt đồng chí Xi-đô-crư-lốp.

        Trung tướng đã nổi tiếng nghiêm khắc và cảnh giác đối với khuyết điểm của mọi người. Hơn nữa, đồng chí lại rất ghét những "chuyện yêu đương lăng nhăng trên mặt trận". Lần nào gặp Cra-xi-cốp, trung tướng cũng không quên hỏi thăm sức khỏe vợ và con gái đại tá.

        Có lẽ trung tướng cố ý hỏi chăng ? Liệu đồng chí đã có biết bóng gió câu chuyện của Cra-xi-cốp chăng ? Điều này rất có thể : trung tướng hiếu rất rõ công tác và đời tư của các sĩ quan; các sĩ quan cũng thường không lấy dó làm ngạc nhiên gì cho lắm.

        Xi-dô-crư-lốp hôm nay chỉ tạt qua bộ tư lệnh quân đoàn. Đồng chí còn có nhiệm vụ khẩn cấp do bộ Tổng tư lệnh giao phó tới gặp các đơn vị thiết giáp. Đi theo trung tướng là một thiếu tướng bộ đội xe tăng, chỉ huy một đơn vị thiết giáp mới được điều lên mặt trận. Tư lệnh quân đoàn và các cán bộ giúp việc đều lên phòng tham mưu tập đoàn quân, không có nhà. Vì vậy trung tướng hội ý với Cra-xi-cốp trong 15 phút.

        Trung tướng tỏ vẻ có cảm tình với Cra-xi-cốp. Đồng chí công nhận những đức tính dũng cảm, bền bỉ va những tài tổ chức của Cra-xi-cốp. Thực ra trung tướng nhận xét Cra-xi-cốp còn thiếu tinh thần tự động. Trái lại Cra- xi-cốp là người chấp hành rất triệt để mọi mệnh lệnh của trên.

------------------
        1. Xin tạm biệt.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2017, 09:57:24 pm »


        Tinh thần phục tùng máy móc ấy đôi khi làm trung tướng bực mình. Khi chủ tọa một cuộc hội nghị hay những lúc ra mệnh lệnh, đồng chí đại diện Hội đồng quân sư thường muốn có những ý kiến nhận xét hay bổ sung của cán bộ dưới dựa trên kinh nghiệm bản thân họ. Chỉ có trong lúc tranh luận, đồng chí mới sôi nổi, hăng hái trình bày ý kiến của mình để rồi sau khi nghiên cứu mọi ý kiến, mới đi tới một quyết nghị.

        Trung tướng lúc này nét mặt gân guốc, sâu kín ngồi ngay trước mặt Cra-xi-cốp. Đồng chí nghe báo cáo, phát biểu thêm ý kiến về những biện pháp cải tiến hoạt động của cơ quan hậu cần các đơn vị trong quân đoàn, và nói rõ những nhiệm vụ mới của bộ tư lệnh phương diện quân từ khi bắt đầu tiến vào đất Đức. Đồng chí nói:

        — Ở đây cần thiết phải có những biện pháp cương quyết nhất để phòng ngừa những hành động vô kỷ luật.

        — Rõ — Cra-xi-cốp đáp lại.

        Trung tướng liếc nhìn Cra-xi-cốp. Đồng chí không thích là Cra-xi-cốp lại đồng ý vơi mình ngay tức khắc mà chưa suy nghĩ gì cả. Đồng chí nói tiếp :

        — Trước đây quân Đức hành động quá dã man trên đất nước ta, nên bây giờ ngăn ngừa được chiến sĩ ta trả thù không phải là chuyện dễ. Đồng chí thấy thế nào?

        — Thưa trung tướng, đúng thế.

        — Nhưng dù sao cũng phải làm bằng được. Cần phải làm một cách kiên nhẫn, giáo dục tỉ mỉ, đồng thời cũng cần có những biện pháp kỷ luật và các hình thức khác, kể cả việc đưa ra tòa án binh. Sau khi tiêu diệt bọn phát xít, chúng ta sẽ tạo điều kiện cho dân tộc Đức xây dựng một nước Đức mới, dân chủ, tập hợp những lực lượng cần thiết để đấu tranh chống với thế lực của bọn tài phiệt, mà cũng không phải chỉ có bọn tài phiệt Đức đâu. Không phải tất cả những người Đức đều là kẻ thù. Ta phải biết phân biệt.

        — Thưa trung tướng, rõ !

        — Dù sao — trung tướng kết luận, nét mặt khó chịu, quay nhìn ra phía cửa sổ—Ta cũng phải giáo dục cho họ cách sống để sau này con cháu họ sẽ ghi nhớ mãi không bao giờ gây chiến với nước Nga, hom nữa với nước Nga xô viết.

        — Báo cáo trung tướng, tôi đã rõ !

        — Đồng chí rõ cái gì nào ? — Trung tương đột ngột hỏi lại.

        Cra-xi-cốp luống cuống. Lúc đó trung tướng bèn dằn mạnh từng tiếng một:

        — Đồng chí phải chú ý không để xảy ra những hành động vô kỷ luật trong đơn vị, tuy rằng lòng khao khát trả thù đang sôi nổi trong trái tim các chiến sĩ ta là một tình cảm chính đáng; 

        Im lặng một lát, trung tướng hỏi:

        — Thế nào, tin tức gia đình đồng chí ra sao ? Chị ấy và cháu gái khỏe cả chứ ?

        — Vâng, rất khỏe.

        Trung tướng đứng dậy.

        Cra-xi-cốp hỏi:

        — Tôi có cần đưa đồng chí đi không ?

        — Không cần.

        Đưa trung tướng ra xe xong, Cra-xi-cốp, hai tay đặt trên chỉ quần, đứng mãi cho tới lúc ô tô và chiếc xe bọc sắt biến mất trong sương chiều.

        Nghĩ đến Ta-nhi-a, Cra-xi-cốp thấy ngài ngại và tuy  rất muốn gặp cũng không dám gọi điện tới tiểu đoàn quân y sư đoàn.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2017, 10:43:20 pm »

       
XIX

         Ngày hôm sau, qua một chặng hành quân, tiểu đoànquân y đóng lại ở một làng hẻo lánh giữa một khu rừng của thành Snây-đơ-mun. Người ta căng lều vải lên từ sớm. Đồng chí trưởng ban dược chính vừa càu nhàu vừa dỡ các hòm thuốc.

        Từ lúc rạng đông, Ta-nhi-a rửa mặt, mặc áo "blu” trắng rồi đi ra bệnh xá. Tới ngã tư đầu tiên, chị gặp Rút-cốp-xki đứng giữa một đám đông các ông bà già người Đức. Các ông già, bà già này líu lô hỏi xem có thể ở lại được hay không, tuy rằng chẳng có ai đuổi họ đi cả.

        Nhìn thấy họ, Ta-nhi-a sửng sốt ngạc nhiên.

        Chị cũng không quá thơ ngây đến nỗi không biết rằng sẽ gặp trên đất Đức những ông già, bà già bình thường như mọi nơi khác. Chỉ có một điều là phải qua bốn năm ròng, bốn năm kinh khủng, lòng căm thù quân Đức đã dần dần tích lũy trong đáy lòng chị đến mức độ chị không thể nào tưởng tượng được rằng người dân Đức cũng biết nghĩ, biết cười, biết khóc như những người khác. Chỉ riêng một tiếng "quân Đức” cũng đủ gợi lại trước mắt chị hình ảnh những thành phố, những thôn xóm bị tàn phá thành tro bụi, ở những nơi đó, nhân dân Liên Xô đã phải sống chui rúc dưới hầm hố, gợi cho chị nhớ lại những đoàn máy bay nã súng liên thanh xuống đám đông toàn là đàn hà, trẻ con, những trận ném bom bắn phá các đoàn tàu thương bệnh binh, và gợi lại cái chết của chồng chị đã ngã xuống trên một ngọn đồi vô danh, bên bờ con sông lớn của Tổ quốc.

        Chị bình thản nhìn đám người già lão khóc lóc. Chị cảm thấy như những giọt nước mắt của ho đều giả dối. Họ còn khóc lóc gì nữa khi họ đã làm cho bao người phải đẫm lệ ?

        Chị đã ngạc nhiên thấy trên đất nước Đức cũng có những cây sồi và cây bồ đề như ở quê mình, chị lại ngạc nhiên thêm khi thấy ở đây cũng có những ông bà cụ già với những nét răn, những dòng nước mắt bình thường. Chỉ riêng tiếng nói của họ, nghe rất khó hiểu, là kích động lòng căm thù của chị: tiếng nói đó ít ra cũng là một chứng cớ cụ thể tỏ rõ họ là người Đức.

        Nhưng họ cũng vẫn là người, cho nên cuối cùng Ta-nhi-a vẫn thấy thương hại họ: vẻ mặt họ thật thiểu não, khổ sở, đầu óc họ chắc đang bị đảo lộn một cách âm thầm, tựa như lúc này bị tiếng súng gầm thét bên tai, họ mới chú ý đến thế giới xung quanh, cái thế giới từ nay trở nên hằn thù và đáng sợ đối với họ. Một cụ già cao lớn, đầu hói, hai tay lật đi lật lại mãi chiếc mũ cát két, nói với Ta-nhi-a bằng tiếng Nga giọng van lơn :

           — Ta-va-rít... Ta-va-rít...1.

          Đồng chí... đồng chí...

        Ông cụ học đâu được tiếng này nhỉ ? Có lẽ ông cụ đã đoàn kết đấu tranh với các chiến sĩ cách mạng Nga năm 1918 chăng ? Thật là khó chịu khi nghe thấy tiếng gọi thân thiết ấy ở cửa miệng trống rỗng của một người nước ngoài, một người Đức. Thử hỏi tiếng gọi ấy bao hàm ý nghĩa gì khác ngoài tư tưởng nô lệ đê tiện và sợ hãi ?

        Ta-nhi-a thầm nghĩ : "Kể ra các người cũng đã tốn nhiều thời gian mới nhớ ra rằng chúng ta là đồng chí”.

        Những thương binh đầu tiên đã chuyền về. Nhìn vết thương nặng của các chiến sĩ đủ thấy rõ trận đánh rất ác liệt. Đây là trận tiến công vào một trận địa phòng ngự rất mạnh và có chuẩn bị trước. Phần lớn là những vết thương ở tay, ở chân do bị trúng mìn.

        Nhìn thấy Ta-nhi-a, anh em thương binh ngừng rên rĩ ngay tức khắc. Tâm lý nam giới bao giờ cũng thấy xấu hổ phải kêu la rên rĩ trước mặt một người phụ nữ trẻ đẹp. Những đồng chí nào nhiều tuổi hơn, từng trải hơn thì tự hỏi : " Chị ta trẻ thế thì liệu có chữa nổi hay không ?” Lúc đầu họ còn tưởng nhầm chị là y tá. Trong chiếc áo blu trắng, trông chi như chưa tới hai mươi nhăm. Nhưng không phải, đúng chị là bác sĩ. Các chị y tá giúp việc tấp nập quanh chị với một vẻ kính nể và chỉ cần một tiếng nói khẽ, một cái đưa mắt của chị, cũng đã hiểu và làm theo mệnh lệnh của chị. Đôi mắt xám của chị biểu lộ lòng đầy bình tĩnh, tự tin, đức tính đó chỉ ở con người nắm vững kỹ thuật mới có. Anh em thương binh nhìn chị tin tưởng, lại còn cố mỉm cười, mong đợi ở chị một cử chỉ thân mật và thông cảm.

        Chị khuyến khích:

        — Can đảm thật! Thật xứng đáng là một chiến sĩ! Trẻ măng mà đã can đảm thế!

        Hay là :

        — Nhiều tuổi thế mà còn can đảm như thanh niên!

        Đôi lúc chị sinh ra nói chuyện luôn mồm ; đó là trong những "ca” mỗ phức tạp :

        — Có đau không, đồng chí ? — Chị vừa hỏi vừa mĩm cười, làm duyên một chút — Đừng nhìn vết thương, đồng chí nhé, nhìn không hay ho gì đâu... Vả lại, đồng chí nhìn cũng không hiểu gì cơ mà. Có những vết thương trông bề ngoài có vẻ ghê gớm nhưng thực ra lại không can hệ gì.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2017, 11:43:08 pm »


        Thương binh chuyền về ùn ùn. Băng bông đẫm máu cứ hoa cả mắt. Vẫn vui vẻ, nhanh nhẹn, các chị y tá bây giờ đi lại quanh Ta-nhi-a, giúp việc với thái độ lặng lẽ đăm chiêu.

        Ta-nhi-a thoáng nhìn thấy một khuôn mặt quen quen bên lều thương binh vừa cáng về. Quay lại bàn mổ, chị cố nhớ xem đã gặp ở đâu. Nhưng chịu không nhớ ra.

        Người ta cáng vào một thương binh trúng đạn ở bụng, sau đến một pháo thủ mặt bị bỏng. Thế là bên trên cái thế giới nhỏ bé đẫm máu đầy tiếng than vãn và thở dài ấy, đôi mắt xám trầm lặng như hai hồ nước lớn, từ trên cái bẵng miệng vuông trắng toát, cứ tỏa ánh sáng long lanh xuống, đồng thời đôi bàn tay nhỏ nhắn và khéo léo, mang găng cao su, cứ thoăn thoắt hoạt động.

        Bác sĩ, y tá liên tục đến hỏi ý kiến Ta-nhi-a, nhờ chị giúp đỡ. Chị thong thả bước tới bàn hoặc đứng xa, co hơi nghển lên chăm chú xem xét vết thương, rồi gật đầu tán thành hay lắc đầu không đồng ý, khẽ nói nhỏ vài tiếng rồi lại quay về bàn mình.

        Thỉnh thoảng, Ma-sa chạy vào. Chị trìu mến nhìn Ta-nhi-a, rồi quay về lều mình phát biểu:

        — Chị ấy nhất định sẽ trở nên một nhà giải phẫu có tài! Miễn là cánh đàn ông đừng quấy rầy chị ấy!...

        Ma-Sa đi tìm Rúp-cốp-xki, bảo anh:

        — Ít ra anh cũng bắt chị ấy phải nghỉ tay, đi ăn một chút. Chị ấy đứng làm việc suốt từ sáng rồi còn gì! Hoặc ít ra cũng bảo chị ấy uống lấy một cốc nước chè chứ! Các anh làm cho chị ấy kiệt sức mất thôi!...

        Hai giờ chiều, Cra-xi-cốp tới. Đồng chí hỏi Rút- cop-xki :

        — Có tình hình gì mới không ?

        Rút-cốp-xki báo cáo số lượng thương binh đã và chưa cứu chữa.

        — Bao giờ các đồng chí cho chuyển thương binh về tuyến sau?

        — Báo cáo đại tá, chiều nay.

        Cra-xi-cốp bước vào lều mổ.

        Lần đầu tiên Cra-xi-cốp nhìn thấy Ta-nhi-a làm việc. Lúc đầu đồng chí chỉ nhận thấy một điểm là Ta-nhi-a mặc chiếc áo blu trắng bó chẽn lấy người trông rất thon đẹp. Nhưng rồi theo dõi những động tác chính xác và chắc chắn của Ta-nhi-a, nghe giọng nói bình thản của chị, đại tá cảm thấy một niềm kính trong sâu sắc đối với chị và, thật cũng lạ lùng, đối với ngay bản thân mình nữa. Đại tá không khỏi xúc động nghĩ thầm : " Mình không lầm... thật là một phụ nữ hiếm có...”. Đại tá đứng ngắm hồi lâu cái gáy và mái tóc mềm mại của chị hiện ra lờ mờ dưới chiếc mũ trắng, rồi rón rén bước ra ngoài.
Người chiến sĩ có khuôn mặt quèn quen với chị được cáng vào đặt lên bàn mổ. Sau khi dùng cặp tháo băng ở cánh tay phải, Ta-nhi-a thấy cần phải cưa cụt bàn tay đã bị gãy nát của chiến sĩ này.

        Chị an ủi :

        — Không hề gì, chịu khó nhé. Đồng chí sẽ thấy hơi đau một tí, tôi rửa vết thương thôi mà. Chịu khó nhé.

        Đồng chí thương binh khẽ nói:

        — Vâng.

        Lúc này chị mới nhận ra. Đó là đồng chí " đánh xe trạm”. chị nhớ lại dáng điệu hiên ngang của anh lúc ngồi trên ghế xe ngựa, và trống ngưc Ta-nhi-a bỗng rộn ràng.

        Chị y tá thấy sắc mặt Ta-nhi-a đột nhiên tái mét vội bảo :

        — Chị Ta-nhi-a, chị phải nghỉ thôi.

        — Đồng ý — Ta-nhi-a đáp lại, lòng riêng nghĩ đến Lu-ben-xốp.

        Chị tự nhủ: " Miễn sao Lu-ben-xốp không việc gì ”.

        Gắng vượt qua được giây phút mềm lòng ấy rồi, Ta-nhi-a bắt tay vào mổ. Đồng chí "đánh xe trạm” vừa ngửi ê te vừa đếm ngắt quãng:" Hai mươi mốt...Hai mươi hai... Hai mươi ba...” và khó nhọc mới thiếp đi được.

        Lúc cánh tay đồng chí thương binh đã cưa xong, Ma-sa rón rén bước vào. chị rất mến phục Ta-nhi-a nhưng lại làm ra bộ giận dữ nói:

        — Đồng chí làm ơn đi nghỉ ngay hộ cho. Thương binh không còn mấy. Chúng tôi giải quyết lấy cũng được.

        Ta-nhi-a ngoan ngoãn rửa tay, cởi bỏ chiếc áo blu loang lổ máu, khoác áo ca-pốt rồi bước ra ngoài. Trời đã xẩm tối. Gió lạnh buốt thoi mạnh ầm ầm như bão qua các ngôi nhà. Chị bước đi trên đường mà tâm hồn bàng hoàng. Mãi khi ra đến đầu làng, nghe tiếng Rút-cốp-xki gọi, chị mới bừng tĩnh.

        — Ta-nhi-a, chị về ngủ đi chứ !

        Chị quay lại nói với một giọng như van xin :

        — Anh để tôi đi dạo một lúc cho dễ chịu. Tôi sẽ quay về ngay.

        Chị đi ra phía nhà anh em thương binh nằm. Mới tới gian ngoài, ,chị đã nghe thấy tiếng rên rỉ, tiếng thì thầm. Các chị y tá thường trực đứng dậy, báo cáo với Ta-nhi-a tình hình anh em thương binh.

        Ta-nhi-a thong thả đi qua các giường bệnh, lắng nghe anh em thương binh trò chuyện.

        Một đồng chí ngồi trên giường, tay phải buộc băng, tay trái cuộn thuốc lá, nét mặt bình thản, nói:

        — Tụi Đức còn kháng cự. Nhưng mà lúc này còn kháng cự cách nào ? Lúc này không một kẻ nào chống nổi sức mạnh của chúng ta nữa rồi.

         Một đồng chí khác tham gia:

        — Bây giờ ở trên đất nước chúng mà chúng vẫn còn bỏ chạy đấy nhé! Chúng nó định rút chạy đến tận đâu nhĩ ? Chạy núp vào bọn Mỹ hẳn ?

        — Úi chà! — Đồng chí thứ ba khẽ kêu. Anh đang nằm nhưng cố xen vào, vừa rên vừa phát biểu: — Nghĩ cho kỹ thì bọn phát xít cũng thấy dễ sống với bọn Mỹ hơn... Chúng cùng một giuộc với nhau, còn lạ gì!

        Đồng chí "đánh xe trạm” nằm ở cuối phòng da mặt nhợt nhạt. Anh giới thiệu với Ta-nhi-a tên anh là Ca-lít- xtơ-rát E-vơ-gra-phô-vích. Cái tên khí dài và vinh dự này không đi đôi với nét mặt còn trẻ của anh.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2017, 11:27:03 pm »


        Ta-nhi-a hỏi:

        — Đồng chí không nhận ra tôi à ?

        Có chứ, anh đã nhận ra Ta-nhi-a ngay từ lúc sáng nhưng chắc anh không dám gọi. Anh khẽ nói:

        — Lúc ấy, ai ngờ lại như bây giờ chị nhỉ — Im lặng một lát, anh úp mở hỏi: — Tay tôi thế nào hở chị ? Ở bộ đội tôi là công binh, về nhà tôi là thợ mộc. Không có tay thì còn làm gì được?

        Ta-nhi-a tránh không trả lời thẳng vào vấn đề :

        — Đồng chí sẽ khỏi thôi.

        Anh em thương binh vẫn rên rỉ như thường lệ ; nhưng Ta-nhi-a nhận thấy một nét mới ở hầu khắp mọi người. Lẽ ra anh em hoặc ít hoặc nhiều tỏ ra sung sướng vì mình may chỉ bị thương chứ chưa phải hy sinh, đằng này anh em lại câm thấy chua xót không được tham chiến đến cùng. Chỉ mấy bước chân nữa là tới Béc-lin, thế mà giờ đây phải tụt lại.

        Từ xa tiếng đại bác vọng tới. Thương binh lắng tai nghe với một ve mơ màng, trầm ngâm chẳng khác gì những cụ già ngồi nhớ tiếc những ngày trai trẻ, mặc dầu những ngày đó có gặp gian khổ, khó khăn.

        XX

        Thiếu tướng Xê-rê-đa bị tứ phía thôi thúc. Tư lệnh quân đoàn, Tư lệnh tập đoàn quân chốc chốc lại gọi điện thoại xem thiếu tướng còn định loay hoay với thành Snây-đơ-mun đến bao giờ. Các sư đoàn khác đã tới sông Ô-đe mà thiếu tướng Xê-rê-đa vẫn chưa giải quvết xong cái thành phố ranh con, bẩn thỉu này.

        Nếu như lúc trước, cứ công bằng mà gọi thì Snây- đơ-mun là một "pháo đài”, bây giờ đồng chí Tư lệnh tập đoàn quân lại cố ý coi khinh nó, cho nó chỉ là cái "thành phố ranh con, bẩn thỉu”. Đồng chí lại còn hóm hỉnh dặn thiếu tướng Xê-rê-đa nên đọc lại các sách phổ thông nói về đường phố trong nhiều thành phố, chẳng hạn như trong thành Xta-lin-grát, lúc quân ta đang tiêu diệt các đơn vị đich bị bao vâv.

        — Rõ — Thiếu tướng Xê-rê-đa đáp lại mặt đỏ lên vì tức.

        Thiếu tưóug đã đến đóng ở cái chòi cao do thiếu tá cận vệ Lu-ben-xốp chọn làm đài quan sát cho đồng chí. Chiếc chòi đứng ở đầu làng, cách Snây-đư-mun khoảng một ki-lô-mét rưỡi. Đứng trên chòi cao, qua ống viễn kính nhìn thấy rõ thành phố, các cứ điểm địch bố trí giữa các ngôi nhà bị bom đổ sụp, những dãy chướng ngại và cọc chống tăng chặn ngang các phố ngoại ô, chiếc cầu lớn và nền đường sắt cao, ở đó địch bố trí nhiều ổ súng máy.

        Phía tay trái nhìn thấy khu nhà "Chim hải âu”, trung tâm phòng ngự của quân Đức, có bố trí các đơn vị súng máy và ba-dô-ca. Xe tăng địch không ngớt từ sau các khu nhà xông ra. Chúng bắn một chập rồi lui về đề mấy phút sau lại hiện ra ở một địa điểm khác.

        Lu-ben-xốp và sư đoàn trưởng đều có mặt trên đài quan sát. Ở đây còn có các nhân viên thường túc trực trên đài quan sát : sĩ quan tham mưu, sĩ quan pháo binh, điện thoại viên. Những phích thức ăn và báo chí Mát- xcơ-va được chuyển tới đây bằng xe ô tô. Báo chí thường chậm mất sáu, bảy ngày. Nghĩ tới những tờ báo Béc-lin đề ngày hôm qua, anh vừa được đọc, Lu-ben-xốp không khỏi mỉm. Cười với ý nghĩ : Mát-xcơ-va thì xa, mà Béc-lin đã gần kề.

        Bình thường ra, thiếu tướng Xê-rê-đa không tài nào ngồi im một chỗ trên đài quan sát: lúc thì quan sát địch tình qua ống viễn kính, lúc khiển trách các điện thoại viên vì máy nghe không rõ và bị đứt luôn : có lúc chính thiếu tướng tự hiệu chỉnh pháo bắn.

        Nhưng hôm nay thiếu tướng ngồi im không cử động trước tấm bản đồ, gần bên cửa sổ hình vòng cung nhọn trên chòi.

        Bước tiến của quân ta chỉ nhích lên được từng mét. Quân Đức phản xung phong không phút nào ngớt. Thành phố bị bao vây đến hôm thứ hai, một máy bay Đức tới rải truyền đơn, Lu-ben-xốp nhặt một tờ đưa cho thiếu tướng xem. Đó là một mệnh lệnh cho đội quân trong thành chống cự đến cùng "không được để lọt vào tay bọn Bôn-sê-vích chìa khóa mở cửa vào Béc-lin”. Địch mệnh danh cho Snây-đơ-mun như vậy. Cuối tờ truyền đơn lại có mấy dòng chữ đậm nét: " Sẽ có xe tăng tới tiếp viện .

        Thiến tướng nổi nóng nói:

        — Thật là trơ tráo ! Xe tăng nào ? Lấy đâu ra ? Rõ quân chuyên môn lừa bịp !

        Nghĩ một lát, đại tá Plốt-nhi-cốp phát biểu :

        — Khoan, tôi thấy phải làm cho bọn Snây-đơ-mun này mở mắt ra mới được. Để tôi phụ trách việc này.

        Và đại tá quay bảo Lu-ben-xốp :

        — Đồng chí chuẩn bị cho tôi hai tên tù binh, nhưng phải chọn những tên hiểu biết ấy nhé.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2017, 10:31:38 pm »

         
        Buổi chiều, anh em phòng chính trị bố trí một máy phóng thanh trên tiền duyên. Ô-ga-nhe-xi-an cùng đi lên đó. Thiếu tá Ga-rin thảo một bản kêu gọi bọn địch đóng ở thành Snây-đơ-mun. Ô-ga-nhe-xi-an cặm cụi dịch bản kêu gọi sang tiếng Đức. Cuối cùng mọi việc đã chuẩn bị đầy đủ.

        Chiều hôm ấy, trên tiền duyên, trong chiến hào của một tiểu đoàn, Lu-ben-xốp gặp tất cả những người tham gia cuộc phát thanh địch vận. Ô-ga-nhe-xi-an, nét mặt đăm chiêu suy nghĩ, đọc lại bản kêu gọi. Hai tên tù binh được phát bút chì đang ngồi viết bài phát biểu ý kiến trên những mẫu giấy xé trong cuốn sổ tay của thiếu tá Ga-rin. Ô-ga-nhe-xi-an đọc qua rồi dịch cho Ga-rin nghe - và góp ý kiến với hai tên lính Đức về một vài chi tiết. Hai tên này tỏ ra có "sáng kiến lành mạnh”, theo định nghĩa vui đùa của Lu-ben-xốp. Chốc chốc một tên lại hỏi xem có nên thêm "ý kiến này hay ý kiến khác”, "để cho bài nói chuyện được kết quả hơn”.

        Ô-ga-nhe-xi-an bắt đầu nói vào máy phóng thanh. Tiếng nói vang lên trong khung cảnh tĩnh mịch. Cả đến súng máy và súng tên lửa của địch cũng câm họng.

        Mãi tới lúc một tên tù binh Đức phát biểu ý kiến, bọn địch mới đáp lại. Tiếng đạn súng cối oàng oàng xé không khí. Rồi một khẩu pháo bắn gấp lên tiếng như muốn dập tắt ngay những câu nói vừa phóng ra khỏi miệng loa.

        Tuy thế, tên tù binh cũng đã tranh thủ những lúc pháo địch tạm ngừng, đọc xong bài phát biểu ý kiến.

        Có lệnh gọi Lu-ben-xốp tới đài quan sát của trung đoàn trưởng Trét-vê-ri-cốp; thiếu tướng sư đoàn trưởng đã xuống đó và muốn kiềm tra lại công tác chuẩn bị cho cuộc tiến công sáng hôm sau.

        Ở đài quan sát, ngoài thiếu tướng Xê-rê-đa và trung tá Trét-vê-ri-cốp còn có thiếu tá Mi-gai-ép và đồng chí tư lệnh pháo binh sư đoàn, trung tá Xi-dức.

        Thiếu tướng hỏi Trét-vê-ri-cốp xem anh đã cho anh em bố trí tiếp cận địch chưa, để có thể nhanh chóng tiến lên khi có lệnh. Trung tá báo cáo là anh em đã kề sát địch rồi.

        Thiếu tướng nói với mọi người:

        — Nếu thế chúng ta lên đó thôi.

        Đoàn người lặng lẽ tiến: thiếu tướng dẫn đầu, tiếp sau là trung tá Trét-vê-ri-cốp, Xi-dức, Lu-ben-xốp và các người tùy tùng. Thiếu tá Mi-gai-ép ở lại ban tham mưu trung đoàn, theo lệnh thiếu tướng.

        Tới đài quan sát của tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, thiếu tướng dừng lại. Đó là một cái khe hẹp ăn vào sườn đồi, trong có rải rạ. Thiếu tá tiểu đoàn trưởng, người gầy gò khẳng khiu, thoạt đầu chưa biết là có cấp trên tới. Đồng chí đang giơ ống nhòm quan sát dãy nhà đã nhòa dần trong bóng hoàng hôn, và hét vào máy nói:

        — Cậu có thấy cái gian nhà trắng nhỏ gần tòa nhà đó phía bên phải không? Có một khau súng máy ở tầng dưới cùng đấy. Làm ơn nã cho nó một phát đi... ồ, bọn

        Đức này láo quá! Nã cho trúng vào, mình chân thành yêu cầu cậu đấy...

        Vừa nhìn thấy thiếu tướng, thiếu tá bỏ vội máy nói, đứng thẳng dậy :

        — Báo cáo đồng chí thiếu tướng, tiểu đoàn 1 đang tiến công để chiếm pháo đài Snây-đơ-mun. Tôi, tiểu đoàn trưởng, thiếu tá Ve-xen-tra-cốp báo cáo !

        — Pháo đài à, pháo đài à... — Thiếu tướng lẩm bẩm —  Pháo đài gì nó. Một cái thành phố ranh con, bẩn thỉu. Tại sao các đồng chí không tiến lên ?

        Ve-xen-tra-cốp định trình bày lý do, nhưng thiếu tướng như không muốn nghe. Đồng chí cầm lấy chiếc ống nhòm của tiểu đoàn trưởng đưa lên nhìn. Một không khi im lặng ngượng ngập. Một khẩu súng máy nỗ giòn giã ngay gần đó.

        Sau khi hạ ống nhòm xuống, thiếu tướng nhẹ nhàng nhảy qua bệ chắn, thong thả tiến lên. Lúc tất cả đã lên tới một cái khe cây cối rậm rạp, thiếu tướng nói:

        — Các đồng chí ở lại đây. Tôi sẽ tiến lên gian nhà nhỏ kia kìa. Sau đó lần lượt từng người một lên theo tôi.

        — Đồng chí cần gì phải lên tận tiền duyên — Xi-dức hỏi. — Tư lệnh quân đoàn mà biết thì phiền lắm.

        — Được rồi, nếu đồng chí không nói thì Tư lệnh quân đoàn không biết được đâu.

        Lu-ben-xốp đề nghị:

        — Đồng chí thiếu tướng, đề nghị đồng chí bỏ mũ ra cho khỏi lộ.

        Thiếu tướng không trả lời, bước thong thả như đi dạo mát trên khoảng đất trống, tiến lại ngôi nhà nhỏ có bố trí sở chỉ huy của một đại đội. Gian nhỏ lỗ chỗ đầy vết đạn. Đồng chí đại đội trưởng nấp sau chiếc bếp lò đang hí hoáy viết.

        Thiếu tướng thấy trung úy định đứng dậy, liền hạ lệnh:

        — Nghỉ! Anh em đâu ? Tại sao đồng chí không tiến lên ?

        Trong khi trung úy chỉ vị trí các trung đội trên tấm bản đồ, thiếu tướng sốt ruột ngắt ngay:

        — Đồng chí chỉ trỏ gì thế ? Cứ như là ở bộ tham mưu tập đoàn quân vậy. Đi với tôi.

        Trung úy lo ngại cho thiếu tướng, nói" Báo cáo, trên ấy súng địch bắn rát lắm”. Nhưng thiếu tướng đã lững thững bước đi, trung úy đành theo sau.

        Hai chiến sĩ tiếp đạn khom lưng kéo những hòm đạn đi qua. Nhìn thấy thiếu tướng, hai người đứng thẳng dậy.

        — Nghỉ! Các đồng chí ở đại đội mấy ?

        — Báo cáo, đại đội 1.

        — Anh em đâu?

        — Báo cáo ở chỗ bãi tha ma kia.

        — Kể ra cũng khéo chọn chỗ đấy nhỉ ?

        Đạn víu víu khắp bốn phía. Trời đã xầm tối.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2017, 09:13:15 am »

       
        Cùng đi với trung úy và hai chiến sĩ tiếp đạn, thiếu tướng lên chỗ đại đội 1 bố trí. Anh em kẻ ngồi, người nằm trong những chiến hào không sâu lắm, đang quay lưng lại hướng gió để tránh gió mạnh.

        Thiếu tướng hỏi:

        — Tại sao các đồng chí lại quay lưng về phía địch thế?

        Nhận ra thiếu tướng sư đoàn trưởng, anh em vội đứng cả dậy.

        — Cứ nằm xuống ! — Thiếu tướng lắng nghe tiếng đạn rít, rồi hỏi: — Quân Đức có xa không ? Hay là quay lưng lại nên không thấy chúng ?

        — Báo cáo, chúng ở gần lắm... Súng máy của chúng lúc nào cũng khạc đạn.

        — Gần lắm là bao nhiêu ?

        — Báo cáo, khoảng trăm mét.

        — Này, ta thử lên xem một tí xem sao nhé ?

        Thiếu tướng cùng các chiến sĩ, tản hàng ngang tiến lên phía trước. Đoàn người lần đi trong đêm tối dày đặc được chừng hai trăm mét. Gió thốc vào mặt. Thiếu tướng lắng tai nghe rồi bảo :

        — Theo tôi, ta có thể bố trí ở đây. Bây giờ có lẽ địch cách ta chừng hai trăm mét, nếu tôi không nhầm.

        Thiếu tướng hỏi một chiến sĩ : — Này, như thế là địch đã chuyển súng máy của nó đi rồi à ? — Chiến sĩ kia im lặng, bối rối.

        Trét-vê-ri-cốp, Xi-dức, Lu-ben-xốp, tiểu đoàn trưởng và đại đội trưởng lặng lẽ tiến đến sau. Thiếu tướng không nhìn ai cả, mà quay lộn lại. Các sĩ quan cũng lẳng lặng đi theo. Súng máy của địch nhả đạn không ngớt: địch đã thoáng thấy có bóng người trong đêm tối hoặc đã nghe thấy tiếng nói vọng tới.

        Về tới đài quan sát của tiểu đoàn trưởng, thiếu tướng chỉ thị :

        — Tảng sáng mai, trung đoàn đồng chí phải chiếm được khu nhà máy, toàn bộ pháo sư đoàn sẽ yểm hộ cho các đồng chí. Khu nhà máy "Chim hải âu” là chìa khóa mở cửa vào thành phố. Phải chiếm cho kỳ được. 30 phút pháo bắn chuẩn bị, hoặc là 33 phút để đánh đòn bất ngờ —  Rồi đồng chí quay lại bảo Lu-ben-xốp : — Việc tổ chức trinh sát do đồng chí phụ trách. Cần tìm hiểu hệ thống hỏa lực của địch, nhưng phải làm hết sức cẩn thận.

        Tất cả quav về. Bên ngoài trời tối như mực.

        Tới trung đoàn bộ, thiếu tướng sau khi từ chối không ăn bữa cơm tối, vừa mỉm cười chua chát, vừa nói với Trét-vê-ri-cốp và Mi-gai-ép:

        — Các đồng chí làm ăn thế à ? Thế mà các đồng chí báo cáo với tôi hỏa lực địch mạnh. Thật là lạ! Các đồng chí cho là bộ binh không nhích lên được. Nhưng mà đối với bộ binh thì phải biết vận động họ, chỉ huy họ chứ. Các đồng chí quên mất điều đó rồi à ? Các đồng chí cứ tưởng là tự nó chuyển động một mình được à? Có phải chỉ cần khẽ đẩy vai một cái là được không?

        Về đến đài quan sát sư đoàn, thiếu tướng để cho Xi-dức và Lu-ben-xốp vào trước; đồng chí bước vào sau, khép chặt cửa lại. Rồi đồng chí quay lại phía Xi-dức. Nét mặt đồng chí như bi đau, nhăn lại, đồng chí nói:

        — Đồng chí thấy không, anh em họ nghĩ cũng đúng. Ông bạn pháo binh thân mến ơi, chiến tranh sắp kết thúc rồi, ai mà chả muốn sống. Ai cũng muốn được trở về quê hương, ngực lấp lánh huân chương và xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Lao vào trước mũi súng máy để làm gì ? Không cần thiết! Các đồng chí có hiểu thế hay không? Không cần thiết! Chúng ta đang cần người... Đồng chí nghĩ thế nào ? Đồng chí tưởng là cái anh chàng bộ binh sẽ chịu đựng được hay sao ? Không đâu. Cần phải có hỏa lực yểm hộ cho họ. Cần phải dập tắt tất cả những khẩu súng máy của địch, lúc đó bộ binh sẽ tiến. Tại sao đồng chí không nói gì ? Dù sao đồng chí cũng sẽ không lên trên đó kia mà, vì bây giờ đồng chí là chỉ huy pháo binh rồi kia mà? Có đúng thế không? Tôi xin báo cho đồng chí biết: sáng mai cần phải có một pháo hỏa cho ra trò, một pháo hỏa gọi là hết sức chuẩn xác. Để cho các tiểu đoàn trưởng không còn phải van xin gì qua máy nói nữa... Các đại đội trưởng pháo binh phải đến tiền duyên cùng với các đại đội trưởng bộ binh, rõ chưa? Còn đồng chí, đồng chí lên với Trét-vê-ri-cốp. Đồng chí còn nhớ câu nói của đồng chí đại diện Hội đồng quân sự không ? Câu ấy thế này: cái nước Đức này, phải cho nó nếm lại cái đòn ở trận Vê-li-ki Lu-ki, phải chiến thắng nó !

        Xi-dức nhảy ra khỏi phòng thiếu tướng sư đoàn trưởng, mặt đỏ ửng, mồ hôi chảy ròng ròng, đi truyền đạt mệnh lệnh. Lu-ben-xốp bảo Tri-bi-rép đóng ngựa để lên trung đoàn Trét-vê-ri-cốp.

        Thiếu tướng còn lại một mình. Cúi mình trên tấm bản đồ, đồng chí đột nhiên cảm thấy thiếu một ai: đó là bé Vi-ca đã về tuyến sau, Gọi điện cho nó chăng?

        Nhưng đêm đã khuya, đồng chí không dám đánh thức con gái.

        Mười phút sau lại chính Vi-ca gọi điện lên. Thiếu tướng nhận thấy giọng nói của con gái buồn buồn. Hắn là Vi-ca cũng buồn vì phải sống xa bố. Tuy thế, Vi-ca không để cho ai biết. Theo quy định, em gọi bố là "đồng chí 35" và hỏi xem tình hình diễn biến ra sao, mục tiêu 27 (tức là nhà máy "Chim hải âu”) đã chiếm được hay chưa. Thiếu tướng lòng se lại vì thương và yêu con gái.

        Đồng chí nghĩ thầm : "Nó cần phải có mẹ !”

        Pháo sáng vun vút bay lên trên thành phố, tiếng súng máy nổ vọng tới tận tai thiếu tướng. Hôm nay lạnh, gió thổi mạnh.

        Thiếu tướng nghĩ tới các chiến sĩ đại đội 1, đồng chí mỉm cười buồn bã nghĩ rằng mỗi một chiến sĩ hẳn cũng có những lo nghĩ riêng tây, nhưng đêm nay trước giờ phát hỏa đều tạm gác sang một bên ; và lúc này họ cũng chỉ có một ý nghĩ chủ yếu là họ cách xa Béc-lin những 240 ki-lô- mét, trong khi các sư đoàn khác đã tiến tới sông Ô-đe rồi.

        Đêm đã khuya, đại tá Cra-xi-cốp đến gặp thiếu tướng.

        Sau khi nghiên cứu kế hoạch tác chiến ngày hôm sau, đại tá nét mặt lo nghĩ, hỏi :

        — Đồng chí hy vọng chiếm được nhà máy chứ?

        — Chúng tôi hy vọng chiếm được — Thiếu tướng đáp lại.

        — Vô-rô-bi-ốp kể ra cũng không tiến chậm lắm —  Cra-xi-cốp nói khích. — Không biết có cần cho pháo binh quân đoàn giúp đỡ các đồng chí hay không ?

        — Chúng tôi không cần. — Thiếu tướng hơi khó chịu trả lời. — Các đồng chí giúp Vô-rô-bi-ốp thì tốt hơn.

        Lúc sau, Cra-xi-cốp được lệnh gọi về quân đoàn, thiếu tưómg lại còn lại một mình.

        Rạng đông, thiếu tướng Xê-rê-đa bước ra khỏi phòng tìm tới chỗ các sĩ quan. Đồng chí nhìn qua ống viễn kính quan sát một hồi lâu rồi nói :

        — Cái thành... cái thị trấn đáng ghét ấy kia kìa... —  Đồng chí quay lại và thấy mọi người đều đứng nghiêm, bèn bảo: — Các đồng chí ngồi xuống. Lúc nào có dịp là các dồng chí cũng đứng nghiêm và bỏ việc, hỏng quá ! — Im lặng một lát thiếu tướng hỏi: — Xi-dức đâu nhỉ ? A phải, lên trên chỗ Trét-vê-ri-cốp. — Thiếu tướng nhìn đồng hồ : — Theo tôi, có lẽ đã tới lúc phát hỏa rồi thì phải.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười Một, 2017, 11:02:22 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2017, 11:09:01 pm »

       
XXI

        Lu-ben-xốp cùng với anh em trinh sát nằm trong một cái khe, giữa đám bụi cây gai góc, quan sát dãy nhà thấp có hàng rào, những đống gạch và sắt vụn chất ở phía bên phải, những tòa nhà lớn của khu nhà máy nổi bật lên giữa những làn khói đạn. Phía bên trái, bóng các chiếu sĩ bộ binh thấp thoáng trong bụi cây. Me:séc-xki và Vô-rô-nhin ngồi xổm bên cạnh thiếu tá cận vệ.

        Với tấm vải bạt lấm bùn bê bết khoác trên người, quần áo ướt sũng, lầm lì, không trò chuyện gì, các chiến sĩ trinh sát trông bề ngoài có vẻ vụng về, lơ mơ buồn ngủ, không còn đủ sức để cử động nhanh nhẹn, suy nghĩ gì nữa.

        Trông thấy anh em như vậy, thiếu tá mặt cũng rầu rầu. Riêng bản thân anh cũng đang ở trong một tâm trạng ngồi đứng không yên, nóng lòng sốt ruột muốn giải quyết mau chóng Snây-đơ-mun để lao sang phía tây, thẳng hướng về Béc-lin, cùng với các sư đoàn bạn đang tiến bước trên khắp các nẻo đường nước Đức.

        Đúng sáu giờ, pháo binh bắt đầu bắn, rung chuyển cả không trung... Trong thành phố nhà cửa bốc cháy. Khói đen, tàn lửa cuồn cuộn tung len trên khu nhà máy.

        Bộ binh vọt tiến từng bước một. Đạn bay như mưa, kêu chiu chíu như tiếng chuột. Các đông chí tải thương, mặt tái nhợt, vác cáng đi lại dưới khe sâu. Lu-ben-xốp xem đồng hồ. Tới phút thứ 33 thì nổi tiếng gầm thét quen thuộc của những khẫu hỏa tiễn " Ca-chiu-sa ”, những khẩu súng cối cận vệ, tiếng gầm thét cứ nhip nhàng từng đợt, vui vẻ và phấn khởi, tiếng gầm thét mà các chiến sĩ rất yêu thích, tiếng gầm thét mỗi khi vang dậy lại thồi bùng lên trong lòng các chiến sĩ tinh thăn dũng cảm và ý chí tiêu diệt địch.

        Đó chính là hiệu lệnh xung phong.

        Anh em trinh sát bỗng nhiên hoạt động hẳn lên. vẻ ngái ngủ lập tức tiêu tan đâu mất. Họ điềm nhiên giũ bỏ tấm vải bạt khoác trên vai xuống, mình chĩ còn mặc áo bông chẽn. Thắt lưng người nào cũng lủng lắng đầy lựu đạn. Tất cả đều có ngay dáng điệu dũng mãnh như hùm, thật đúng dáng điệu của con nhà trinh sát.

        Lu-ben-xốp thở một hơi dài, mĩm cười khoan khoái ra lệnh:

        —  Xuất phát !

        Thoáng một cái, đội trinh sát đã biến vào trong đám bụi rậm. Hai đồng chí điện thoại ôm chiếc máy và cuộn dây bò theo sau. Cuộn dây nhả dây ra kêu ken két. Sợi dây điện tung tăng trên mặt đất bẩn thỉu, lê mình đi một cách bập bỗng : có lúc căng thẳng ra hoặc nhảy bật lên, bám vào những cành lá ướt át trên các bụi cây.

        Tiếng xung phong vang lên ở phía trái. Tiếng thét như bị gió bão và tiếng súng máy át đi.

        Lu-ben-xốp chăm chú quan sát các tiều đội, trung đội quân ta đang tiến lên. Bóng các chiến sĩ vọt tiến, ngã xuống bùn rồi lại vung dậy vượt lên phía trước. Chẳng mấy chốc, quân ta đã xuất hiện sau những đống gạch. Lúc này quân địch cố trấn tĩnh, câu đại bác và súng cối vào trận đia ta. Nhưng các chiến sĩ ta đă vượt lên xa rồi, ngoài tầm đạn địch rồi. Lu-ben-xốp lại chú ý đến sợi dây điện đang nằm thượt trên đất. Sợi dây sợ hãi và im lặng như chết.

        Tỏ ý sốt ruột, anh nói với Me-séc-xki :

        —  Mình phải tiến lên trước mới được. Khi nào trung đoàn chiếm được những tòa nhà ở đầu cùng, các cậu vọt ngay tới chỗ tháp chứa nước nhé. Mình và Vô-rô-nhin chờ các cậu ở đấy.

        Nói xong, anh cùng Tri-bi-rép tiến theo hướng dây điện thoại.

        Nhìn từ xa, bãi chiến trường như một dải lửa lớn, dài vô tận, hoang vắng và đầy chết chóc. Nhưng nếu ta ở ngay đó, ta sẽ thấy một khu vực rất phức tạp : nào nhà, nào lán, nào cây cối, nào đường ngõ, nào khe rãnh. Thỉnh thoảng cũng có những khoảng thời gian lặng hẳn đi khá dài và lại có tiếng người nói nói, cười cười nữa, cố nhiên cũng là họa hoằn thôi.

        Khi hai người tiến lên, bộ mặt vuông chằn chặn với đôi mắt nhỏ sắc của Tri-bi-rép không ngừng lắc lư, tưa như gắn liền vào vai trái của Lu-ben-xổp. Mỗi lúc Lu-ben- xốp nghe tiếng trái phá rít, nằm rạp xuống, khuôn mặt của Tri-bi-rép vẫn không xa rời vai trái Lu-ben-xốp.

        Không hiểu vì cuộc chiến đấu trở nên ác liệt hơn hay vì hai người đã vào tới khu vực gay go rồi, nên bước tiến mỗi lúc một khó khăn hơn. Đạn nồ khắp bốn phía.

        Bên cạnh đường, sáu đồng chí bị thương ngồi nói chuyện trong một hố. Một đồng chí thong thả nói :

        — Thì ra tụi Đức này vẫn còn chống cư dai dẳng.

        Một đồng chí khác tiếp theo :

        — Chúng nó còn cầu Chúa cứu chúng nó. Không biết sao ở vùng này lắm nhà thờ thế, cứ chi chít như những vựa lúa vùng Cu-băng mình vậy...

        Đồng chí thứ ba nhiều tuổi hơn phản đối :

        — Chúa nào, Chúa của chúng nó là Hít-le đấy. Quân khốn nạn, chúng nó quỳ gối phục tùng Hít-le đấy mà.

        Đồng chí thứ tư kể lại :

        — Này, hôm qua thiếu tướng xuống thăm đại đội tớ đấy nhé. Chính ông ấy dẫn bọn mình xung phong lên kia chứ. ông ấy cứ đi thẳng người, nhưng bọn mình thì ông ấy bắt phải cúi xuống, ông ấy bảo là có mất thiếu tướng thì trên lại phái đến một ông khác bổ sung được, chứ không có chiến sĩ thì không làm gì nên chuyện được.

« Sửa lần cuối: 09 Tháng Mười Một, 2017, 05:18:35 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM