Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:39:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197639 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #280 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:58:13 pm »

Chuyển sang chiến lược hoà bình

Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 năm 1972, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp liên tục để đánh giá tình hình một cách toàn diện.

Trong hơn ba tháng liên tục chiến đấu dẻo dai, vượt mọi hy sinh gian khổ, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn: tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá tan các tuyến phòng ngự kiên cố nhất của địch, tiến sâu vào hậu phương của chúng, lập được những vùng giải phóng mới rộng lớn không những ở rừng núi mà còn ở đồng bằng Khu V và đồng bằng Nam Bộ, thiết lập được những nơi đứng chân vững chắc cho các đơn vị chủ lực ở các địa bàn chiến lược. Lực lượng chính trị, cơ sở quần chúng và du kích cùng bộ đội địa phương được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực phát triển nhanh chóng. Chương trình bình định của địch bị phá vỡ từng mảng lớn, cơ sở nhân dân được phục hồi và cúng cố. Vùng kiểm soát của Chính quyền ta được mở rộng.

Tóm lại, tuy chưa giành được thắng lợi căn bản, cục diện chiến trường đã có một hình thái mới có lợi cho Việt Nam tạo cho cách mạng miền Nam phát triển cuộc đấu tranh một cách vững chắc sau này.

Quân Mỹ còn lại rất ít, nếu chúng rút hết đi thì cách mạng miền Nam có thuận lợi đối phó riêng với quân Nguỵ.

Ở miền Bắc, ta đã đánh thắng một bước quan trọng trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, giữ vững và mở rộng tuyến tiếp tế vào miền Nam.

Tóm lại, thế của Việt Nam là thế thắng vững vàng, tương quan lực lượng đã thay đổi và sẽ thay đổi có lợi cho cách mạng.

Lực lượng Mỹ và Chính quyền Sài Gòn tuy có tổn thất nhưng đã được bổ sung và đang giằng co quyết liệt với Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Chúng vẫn giữ được Kontum, An Lộc và các tỉnh lỵ khác và đang cố gắng giành lại Quảng Trị. Tuy nhiên, chỗ dựa chủ yếu là quân Mỹ thì lại ngày càng giảm đi. Đó là nhân tố rất quan trọng có tác động lớn đến tinh thần Quân đội Sài Gòn. Mặt khác, việc Mỹ đánh phá ác liệt và phong toả miền Bắc gây cho ta không ít khó khăn trong việc tiếp nhận viện trợ bên ngoài.

Trên trường quốc tế, cả Liên Xô và Trung Quốc đều muốn Việt Nam giải quyết vấn đề với Mỹ trước hết là về quân sự.

Diễn biến chiến sự trên chiến trường Việt Nam lúc đó cho mọi người thấy Nixon đánh phá ác liệt miền Bắc, phong toả cảng Hải Phòng sau khi đi Bắc Kinh về.

Còn Liên Xô từ tháng 4, Kissinger đã báo cáo với Nixon rằng “Người Xô viết đã không đáp ứng yêu cầu mới nào về trang bị của Bắc Việt Nam" (R.Nixon. Sđd, tr.592). Liên Xô cũng không đáp ứng yêu cầu của Việt Nam chở hàng viện trợ vào Hải Phòng, mà chở vòng vèo qua Trung Quốc. 

Trong thương lượng, Chính quyền Nixon đã đáp ứng một yêu cầu cơ bản của ta, không đòi quân miền Bắc rút khỏi miền Nam nữa. Về Chính quyền Thiệu ở miền Nam, họ đã lùi một bước chấp nhận Thiệu từ chức. Trong điều kiện Mỹ - Nguỵ còn kiểm soát được hầu hết các thành phố và hai phần ba dân số, ta chưa đánh bại đối phương trên chiến trường thì không thể đòi Thiệu từ chức ngay được.

Việc chạy đua vào Nhà Trắng lại đang thúc bách Nixon. Đó là cơ hội tốt cho ta.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #281 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:58:21 pm »

Xuất phát từ thực tế đó, Hà Nội đã đi đến quyết định chuyển hướng chiến lược: “Từ chiến lược chiến tranh sang chiến lược hoà bình”. Đó là một bước ngoặt trong chỉ đạo cách mạng miền Nam.

“Theo nhận định lúc đó của Hà Nội: Việt Nam cần phát huy thế thắng, thế vững vàng và chủ động, từ nay đến trước bầu cử Tổng thống Mỹ, lợi dụng mâu thuẫn nội bộ Mỹ và các nước khác để giành một bước thắng lợi quan trọn, kết thúc chiến tranh, chuyển sang một phương thức đấu tranh mới, lấy đấu tranh chính trị là chính, tiếp tục đưa cách mạng miền Nam tiến lên một bước mới, đồng thời ra sức nhanh chóng khôi phục kinh tế miền Bắc và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững chắc... Trong mấy tháng tới Việt Nam có khả năng buộc Mỹ chấp nhận một giải pháp vững chắc đối với ta, đồng thời ta vẫn chuẩn bị khả năng chiến tranh kéo dài đến sau 1972” (Thư của Nguyễn Duy Trinh gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng.).

Sau này, ngày 14 tháng 11 năm 1988, nói chuyện với một số cán bộ phụ trách tổng kết Hội nghị Paris, Lê Đức Thọ nói:

“Giữa quân ta và Mỹ có mấy vấn đề, đối với Mỹ vấn đề cơ bản là rút quân mà vẫn giữ được ngụy quyền miền Nam. Còn đối với ta, vấn đề cơ bản nhất là Mỹ rút quân còn quân ta thì đâu cứ ở đấy. Nhưng đã ngồi vào đàm phán thì làm sao mà giành được trên chiến trường, làm sao anh đòi tất cả về anh cũng như nó đòi tất cả về nó được. Vấn đề đặt ra là phải có nhân nhượng, nhưng nhân nhượng gì và cái gì không thể nhân nhượng... Vấn dề quân Mỹ ra khỏi miền Nam và quân ta giữ nguyên trong đó là điều hết sức cơ bản và quan trọng, làm cho tương quan lực lượng trên chiến trường thay đổi có lợi cho ta về cơ bản... Ta đòi Mỹ rút hết Quân đội của Mỹ, nhưng Mỹ không đòi rút hết Quân đội của mình nữa. Lúc bấy giờ Mỹ đã thua nặng ở Campuchia, đường 9 Nam Lào rồi thì không có cách gì mà không đi vào giải pháp, nên không thể giữ nguyên như trước.

Để ép ta đi vào giải pháp có lợi cho Mỹ, năm 1972 Mỹ đã gặp Trung Quốc, Liên Xô nhằm tranh thủ hai nước lớn này giảm giúp đỡ cho ta xuống mức thấp nhất để ngăn chặn ta đánh mạnh ở miền Nam. Ý đồ chiến lược của Mỹ là như vậy. Nixon sang Trung Quốc, Liên Xô không thể không mời Nixon để Nixon đừng đi quá  xa với Trung Quốc chống Liên Xô. Còn Mỹ đặt ra là làm sao để các nước anh em giảm viện trợ cho Việt Nam nhằm hạn chế thắng lợi của ta. Cái mấu chốt chính của nó là ở đó...".

Sau khi nêu những khó khăn của tình hình quốc tế đầu năm 1972 đối với cuộc kháng chiến của Việt Nam, Lê Đức Thọ nói tiếp:

“Tình hình quốc tế như vậy mà ta vẫn thắng ở Campuchia, ở đường 9 Nam Lào. Viện trợ giảm nhưng ta vẫn mở rộng cuộc tấn công năm 1972, giải phóng Quảng Trị và Lộc Ninh, lần đầu tiên giải phóng một thành phố và một thị trấn, đánh bại một bước Việt Nam hoá chiến tranh của Mỹ, buộc Mỹ phải đi vào đàm phán thực chất. Ta thắng đến mức đó là có thể đi vào đàm phán để giải quyết. Kết luận của Bộ Chính trị là tương quan lực lượng chính trị trên chiến trường thay đổi cơ bản, Ngụy yếu hơn ta, Mỹ đã ra thì khó mà trở lại”(Toàn văn kết luận của Bộ Chính trị về việc ký kết Hiệp định Paris. Xem: Lê Duẩn, Thư vào Nam. Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội - 1985. Trang 359-362.).

Ta lại đánh vào năm bầu cử Tổng thống, sức ép của dư luận Mỹ càng lớn với Nixon buộc Nixon phải giải quyết... Còn phía ta đánh đến liều lượng đó, liều lượng buộc Mỹ phải nhận quân Mỹ rút mà quân ta thì ở lại ... Trong tình hình quốc tế đó ta giải quyết lúc đó là đúng. Như vậy ta mở đúng lúc mà chấm dứt cũng đúng lúc. Nếu kéo dài nữa thì bất lợi cho ta, Mỹ đã nhượng bộ ta cả về chính trị mà ta còn đòi loại bỏ Thiệu, lập Chính phủ liên hiệp ba thành phần ở miền Nam Việt Nam thì đời nào Mỹ chịu. Không những thế ta còn đòi Mỹ bồi thường chiến tranh nữa. Tình hình quốc tế lúc đó tương quan lực lượng lúc đó không cho phép ta đạt tất cả hai mục đích lớn cùng một lúc" (Lê Đức Thọ, Tư liệu đã dẫn.)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #282 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 02:32:23 pm »

CHƯƠNG VII
THĂM DÒ VÀ MẶC CẢ

Cuộc hẹn ngày 19 tháng 7: Bước chuyển

Trong những tháng hê năm đó, chiến sự ở miền Nam có vẻ lắng dịu. Quân nguỵ Sài Gòn, với sự trợ giúp của không, hải quân Mỹ vẫn ra sức nhằm phản kích chiếm lại các vùng đã mất, nhất là Quảng Trị, nhưng vẫn không thành công. Lực lượng của ta cũng không giành được thêm thắng lợi lớn. Địch vẫn giữ được An Lộc.

Nhưng nội tình nước Mỹ vẫn không ổn định. Những bước leo thang của Nixon đã bị dư luận Mỹ và phe đối lập chỉ trích mạnh mẽ. Họ gọi đó là “một hành động quân sự vô ích trong lúc tuyệt vọng - một hành động mất danh dự". Rất nhiều giám đốc các trường Đại học bày tỏ sự lo ngại của họ không thể ủng hộ một sự nghiệp quá mất lòng dân. Việc ném bom vào các đê điều càng bị lên án gay gắt.

Đợt rút quân phụ tuyên bố hồi tháng 5 đã hết, Nixon phải tuyên bố thêm một đợt rút quân mới 10.000 người bắt đầu từ tháng 7.

Tại Quốc hội, ở Thượng viện cũng như Hạ viện, nhiều dự luật đã được đưa ra đòi Nixon rút hết quân về nước với điều kiện duy nhất là lấy được tù binh. Xu hướng này ngày càng tăng, chiếm đa số trong các thượng nghị sĩ Mỹ.

Họ chỉ muốn Mỹ rút đi, còn chiến tranh có tiếp diễn hay không là chuyện của Sài Gòn và đối phương của họ.

Ngày 10 tháng 7, Thượng nghị sĩ Mac Govern, người chủ trương chấm dứt dính líu không điều kiện ở Việt Nam và chấm dứt viện trợ quân sự cho Sài Gòn, được Đại hội Đảng Dân chủ đưa ra tranh cử Tổng thống. Nixon đứng trước một cuộc chạy đua gay gắt vào Nhà Trắng. 
Cuộc họp giữa Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thuỷ với Tiến sĩ Kissinger hôm 19 tháng 7, vẫn ở số nhà 11 phố Darthé, trong căn buồng có cửa sổ nhìn ra ngoài vườn. Hai bên có lý do để tỏ ra vui mừng khi gặp nhau. Cố vấn Nhà Trắng tươi cười hơn lần trước có lẽ vì tình hình chiến trường không quá đỗi bi đát như ông ta nghĩ hồi tháng 4 và 5. Còn Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ hết sức phấn khởi về thế trận mới ở miền Nam và vừa nhận được hướng dẫn rõ mục tiêu đấu tranh từ tối đa đến tối thiểu về quân sự, chính trị các vấn đề sách lược cụ thể và cả về cách tiến hành đàm phán.

Cả hai bên đều tỏ ra hữu nghị, bắt tay nhau. 

Kissinger chủ động đề nghị hai bên đưa tin về cuộc gặp này mà không nói gì đến nội dung, với lý do rằng các phóng viên theo dõi ông rất chặt chẽ suốt hai mươi tư giờ. Thật ra đây là thủ đoạn mập mờ để phục vụ tuyển cử ở Mỹ đã bước vào thời kỳ sôi động. Rồi ông ta đọc dự thảo bản tin sẽ công bố ở Washington vài giờ tới. Từ hôm đó cho đến các cuộc họp sau Kissinger đều đưa ra yêu cầu này mỗi khi họp riêng. Hôm ấy Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ đồng ý, nhưng sau cuộc họp đoàn ta thấy rằng nhẽ ra ta không đồng ý thì hơn vì Mỹ sẽ lợi dụng việc ta đồng ý để gây ảo tưởng trong dư luận. Ta không đồng ý thì Mỹ cũng công bố, nhưng trách nhiệm thuộc về họ. Và từ lần sau, Xuân Thuỷ đã bác bỏ đề nghị đó của Kissinger.

Tiếp đó Kissinger lại đề cập đến các tin tức về việc ta thả tù binh cho phe đối lập, có ý ngăn cản ta về việc này nhưng ông ta mất công vô ích.

Kissinger nói rằng ông đến gặp ta lần này trong một cố gắng cuối cùng nhưng trước khi đi vào nội dung, ông ta đã có một bản thuyết trình dài. Ông ta kể rằng Mỹ đã giải quyết được những vấn đề rất quan trọng với các nước khác, thậm chí với những nước hai mươi năm nay không có quan hệ gì với Hoa Kỳ, hoặc những nước đã đối địch hàng chục năm với Hoa Kỳ. Các nước đó đã chú ý giải quyết không những vấn đề hiện nay, mà cả những vấn đề sau này. Và khi Hoa Kỳ đã làm việc đó Hoa Kỳ rất thận trọng cố giữ lời cam kết. Nhưng ông ta cũng thanh minh ngay rằng ông ta không bàn vấn đề Việt Nam với các nước đó. Ông nói rằng Hoa Kỳ đạt được kết quả ở Bắc Kinh và Matxcơva vì có sự tin cậy lẫn nhau tối thiểu... cuối cùng ông ta nói Hoa Kỳ nghiêm chỉnh muốn chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #283 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 02:34:23 pm »

Kissinger không quên đổ lỗi cho ta cho đến nay dùng đàm phán không phải để giải quyết mà cốt để gây sức ép trong dư luận, còn trong gặp riêng thì tìm cách làm cho Mỹ có nhân nhượng bí mật điều mà không chịu nhận công khai.

Kissinger nói rằng Việt Nam vẫn hiểu lầm về mục đích của Mỹ. Ông ta thừa nhận rằng đúng là từ trước tới nay Hoa Kỳ có ý định tách vấn đề quân sự và vấn đề chính trị nhưng không phải Hoa Kỳ tìm cơ hội để trở lại Việt Nam, không tìm cách kéo dài mãi chiến tranh mà chỉ tìm cách tách vấn đề Mỹ tham gia trực tiếp vào Việt Nam khỏi vấn đề chính trị là với ý định sau này giải quyết vấn đề chính trị ở Việt Nam là tuỳ thuộc vào điều kiện Việt Nam chứ không phải tuỳ thuộc vào hành động của Mỹ. Hoa Kỳ làm việc đó rất chân thật chứ không phải vì Hoa Kỳ muốn trở lại Việt Nam.

Kissnger cũng cho rằng Việt Nam đã bỏ lỡ thời cơ năm 1971, bỏ lỡ cơ hội ngày 2 tháng 5 vừa qua, lúc đó tình hình quân sự của Việt Nam tốt hơn bây giờ, mà thế quân sự tốt hơn thì khả năng về chính trị cũng tốt hơn. Ông ta nhắc lại Mỹ không phản đối các mục tiêu của Việt Nam nhưng không muốn thực hiện các mục tiêu đó hộ ta

Sau hơn nửa giờ, Cố vấn Nhà Trắng mới tóm lại chính sách của Mỹ ở Việt Nam là muốn tìm một giải pháp. Ông nói:

Trong một thời kỳ mà Hoa Kỳ giảm bớt sự có mặt ở châu Á, không có gì thúc đẩy Hoa Kỳ giữ quân đội, giữ căn cứ, giữ ưu thế chính trị trong góc nhỏ bé của châu Á gọi là Việt Nam này.

Trong khi Hoa Kỳ có thể chấp nhận những Chính phủ không thân Mỹ ở những nước to lớn thì tại sao Hoa Kỳ cứ đòi có Chính phủ thân Mỹ ở Sài Gòn.

Hoa Kỳ có thể chung sống với Bắc Kinh và Matxcơva thì có thể chung sống với Hà Nội được. Sau này Hoa Kỳ không phải là mối đe doạ đối với Việt Nam. Một khi chiến tranh chấm dứt, Hoa Kỳ hoàn toàn có lợi nếu có một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phồn vinh, nhân dân Việt Nam là một nhân tố vĩnh viễn ở Đông Dương, còn Hoa Kỳ thì rời khỏi khu vực này cách xa mười hai ngàn dặm. Hoa Kỳ thành thật muốn thương lượng một giải pháp, giải pháp đó tôn trọng nền độc lập của Việt Nam và đáp ứng những quan tâm hợp lý của Việt Nam. 

Hoa Kỳ quan tâm đến một khu vực Đông Nam Á độc lập và trung lập chứ không quan tâm đến những căn cứ hoặc những khối liên minh với Mỹ. Hoa Kỳ không gắn bó với một nhân vật chính trị cụ thể nào ở Nam Việt Nam. Hoa Kỳ sẵn sàng để cho tình hình chính trị ở Nam Việt Nam tiến triển một cách tự nhiên không có sự có mặt của Hoa Kỳ hoặc bị ảnh hưởng bởi ưu thế của Hoa Kỳ.

Sau khi đã nêu lên các nguyên tắc trên, Kissinger đề ra một điều tất yếu là không bên nào được áp đặt một giải pháp quân sự cho bên kia. Kết quả chính trị ra sao để cho nhân dân Nam Việt Nam quyết định, việc Mỹ rút ra không phải chỉ là một hành động quân sự mà còn là một quyết định chính trị có ảnh hưởng chính trị sâu sắc ở Đông Nam Á.

Ông ta còn nói thêm rằng bất cứ cố gắng nào nhằm lợi dụng cuộc đàm phán này để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Mỹ chỉ làm cho một giải pháp chậm lại đến sau bầu cử (Khi hỏi lại thì ông ta nói rõ rằng bất cứ một cố gắng nào nhằm lợi dụng cuộc đàm phán này để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Mỹ thì Mỹ sẽ ngừng đàm phán đến sau bầu cử ở Mỹ. Và đến sau bầu cử thì phía Việt Nam cũng không đạt được điều kiện tốt hơn đâu).

Cuối cùng ông ta đề nghị một chương trình làm việc, định ra mục tiêu tổng quát, định ra thời gian biểu cụ thể. Một lần nữa ông ta nói không bên nào có thể đánh lừa được bên kia. Mỹ đã ký được nhiều Hiệp định với Liên Xô trong một tuần ở Matxcơva và đã thực hiện tất cả các điều đã ký kết. Việt Nam đã thử mọi con đường, tại sao không thử con đường này...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #284 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 02:37:03 pm »

Lê Đức Thọ lại nói khá lâu về truyền thống vẻ vang chống ngoại xâm, về quyết tâm của nhân dân ta. Đây là những lời quá quen thuộc và không phải không có tác dụng đối với Kissinger và những người tham dự buổi họp. Ông cũng nêu rõ nguyên nhân đàm phán bốn năm qua không giải quyết được là do Mỹ mở rộng chiến tranh, và đòi Mỹ chấm dứt ném bom và thả mìn phong toả miền Bắc:

- Chúng tôi tự hỏi nếu Mỹ thật sự muốn thương lượng nghiêm chỉnh để tìm ra một giải pháp thoả đáng thì có thể nào Mỹ cứ tiếp tục ném bom và phong toả miền Bắc như vậy... Tiếp tục đánh phá miền Bắc, tiếp tục Việt Nam hoá chiến tranh ở miền Nam thì không khuất phục được chúng tôi, không giải quyết được vấn đề mà càng làm cho Mỹ dính líu sâu vào không biết bao giờ rút ra được ... Đã đến lúc các ông cùng chúng tôi cần đi vào thảo luận những vấn đề về thực chất... Việc giải quyết hoà bình phải là trực tiếp giữa chúng tôi và các ông. Các ông tìm những con đường khác và dùng thủ đoạn ngoại giao nào khác chỉ là uổng công vô ích, nhất định không thể giải quyết được.

Lê Đức Thọ tỏ ý nghi ngờ về lòng thành thật của Mỹ trong việc thực hiện các điều đã ký kết. Ông nói:

- Chúng tôi đã thương lượng và ký kết với các ông nhiều lần nhưng các Hiệp định đó đều bị các ông xé bỏ, cho đến cả thoả thuận hồi tháng 10 năm 1968 về chấm dứt ném bom miền Bắc các ông cũng không tôn trọng. Ngay việc nhỏ hơn như việc không công bố các cuộc gặp riêng các ông cũng không bao giờ giữ lời hứa. Chúng tôi đã bị lừa gạt quá nhiều.

Bộ trưởng Xuân Thuỷ tiếp lời Lê Đức Thọ nói một cách tổng quát mục tiêu chiến đấu của nhân dân ta, chính sách của ta đối với Lào và Campuchia, lòng mong muốn có một Đông Nam Á hoà bình ổn định hợp tác với nhau, và chính sách của ta đối với Mỹ sau này. Bộ trưởng cũng nhắc lại sự hợp tác Việt - Mỹ rất tốt đẹp trong thời kỳ chống Nhật, và nói thêm:

- Không phải ngẫu nhiên mà bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lại bắt đầu bằng câu trích trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ cách đây gần hai trăm năm. Điều đó chứng tỏ ngay khi mới giành được độc lập khi dân tộc Việt Nam bắt đầu một trang sử mới, chúng tôi đã có thiện ý muốn có quan hệ với nước Mỹ trên một cơ sở mới.

Cố vấn Nhà Trắng Kissinger nhắc lại vì tình hình trên thế giới làm cho Hoa Kỳ khi xét đến việc tiếp tục trở lại Việt Nam như trước đây thì không có lý... Hoa Kỳ có trách nhiệm với cả thế giới nên trong khi giải quyết vấn đề Việt Nam, một số khía cạnh Hoa Kỳ phải nghĩ đến hậu quả của sự giải quyết đó đến các khu vực mà Việt Nam không quan tâm.

Về nghi ngờ của ta, Kissinger nói nếu đạt được thoả thuận thì không những Mỹ sẽ tôn trọng lời văn mà cả tinh thần của nó, không những các công thức mà cả mọi khía cạnh của nó.

Trầm ngâm một lát, ông đại diện Tổng thống Mỹ đưa ra việc ngừng bắn tạm thời trong ba, bốn tháng để cho đàm phán có thể tiến triển được, nhưng ông ta lại nói ngay chắc ta không đồng ý.

Đến lúc này ông ta mới đưa ra điều mà ông ta gọi là cố gắng cuối cùng: Đề nghị năm điểm - tháng 7 năm 1972:

1- Ngừng bắn toàn Đông Dương có hiệu lực... trong đó có việc Hoa Kỳ hợp tác gỡ mìn ở cảng và cửa sông miền Bắc.

2- Rút quân Hoa Kỳ và đồng minh bốn tháng, có giám sát quốc tế

3- Trao trả tù binh và thường dân vô tội bắt đầu và kết thúc với việc rút quân Mỹ.

4- Giám sát quốc tế.

5- Các nguyên tắc chỉ đạo việc thương lượng - thực ra là các nguyên tắc về tương lai chính trị nội bộ miền Nam.

Đề nghị này về cơ bản giống như tuyên bố 8 tháng 5 năm 1972 của Nixon cộng thêm một số điểm về chính trị như đề nghị 25 tháng 1 năm đó. Điều đáng chú ý là có ngừng bắn tại chỗ, không đòi quân miền Bắc rút khỏi miền Nam, thả tù binh song song với việc rút quân Mỹ chứ không phải thả tù binh trước tiên như Nixon nói hồi tháng 5.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #285 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 02:38:20 pm »

Lê Đức Thọ nhận xét sơ bộ ngay rằng, những sửa đổi của Mỹ về cơ bản không cụ thể, hay có thể nói không có sửa đổi gì thậm chí cũng có điểm không được nói rõ như trước, như vấn đề Thiệu từ chức, thời gian tuyển cử ở miền Nam Việt Nam. Ông Thọ phê phán: 

- So với lời ông phát biểu lúc đầu về thiện chí, về đi vào giải quyết cụ thể thì tôi chờ mãi trong phát biểu của ông thì không có gì cụ thể cả. Thành ra những lời ông nói lúc đầu so với những điều ông vừa trình bày không đi đôi với nhau. Phát biểu của ông ngoài đạo lý chung chung, chưa có gì tích cực.

Ngừng một lát, Lê Đức Thọ nói tiếp:

- Bước đầu này chưa mở ra triển vọng tốt đẹp ... Nếu muốn đàm phán có kết quả thì hai bên đều phải tích cực.

Sau bốn mươi lăm phút nghỉ, hai bên trở lại làm việc. Theo yêu cầu của phía Mỹ, Lê Đức Thọ nói lại hai vấn đề nói rõ thêm của ta: đòi Mỹ đưa ra một thời hạn rõ ràng cho việc rút quân và đòi Thiệu từ chức ngay, Chính quyền Sài Gòn phải thay đổi chính sách. Kissinger nêu ra một loạt câu hỏi xung quanh vấn đề này: Từ thời gian Thiệu từ chức, đến thay đổi chính sách thế nào? Giải tán bộ máy kìm kẹp là thế nào? Có giải tán cảnh sát không? Quân đội hai bên sẽ ra sao trước và trong khi thảo luận giữa hai bên? - Thời gian thành lập Chính phủ hoà hợp dân tộc? v..v...

Sau khi được trả lời, Kissinger nhận xét rằng một số điểm Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ nêu ra là tích cực, một số khác thì mơ hồ, nhất là vấn đề chính trị thì phía Việt Nam lại quá cụ thể.

Lê Đức Thọ:

- Ông cho rằng chúng tôi nói vấn đề chính trị quá cụ thể, chúng tôi lại nhận xét phát biểu của ông về vấn đề này lại quá mơ hồ. Hiện nay những vấn đề giữa chúng ta còn mắc míu là vấn đề chính trị và cách đàm phán. Các ông thì muốn giải quyết vấn đề quân sự rồi ngừng bắn, còn chúng tôi thì muốn rằng giữa chúng ta thảo luận và thoả thuận cả vấn đề quân sự và chính trị xong còn các chi tiết cụ thể sẽ do các bên Việt Nam thảo luận và thoả thuận với nhau, sau đó đi đến ký Hiệp định rồi ngừng bắn.

Kissinger muốn biết ngay các bên Việt Nam là ai, nhưng ông Thọ nói ngay:

- Vấn đề đó lần sau sẽ thảo luận.

Kissinger:

- Nếu như Chính quyền Sài Gòn tồn tại hiện nay là một bên Việt Nam thì sẽ làm dễ dàng cho công việc chúng tôi nhiều lắm.

Hai bên còn trao đổi quan điểm về ngừng bắn và hẹn gặp lại vào 31 tháng 7 hoặc 1 tháng 8. Khi sắp ra cửa, Kissinger còn hỏi lại hai bên có đề nghị gì công khai không, và lấy làm yên lòng khi Xuân Thuỷ trả lời không có gì sẽ đưa ra công khai.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #286 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 02:40:25 pm »

Ngày 26 tháng 7 năm 1972, Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ nhận xét rằng:

1- Nội dung Kissinger tuyên bố về chính sách của Mỹ có thể có ý nghĩa.

2- Về giải pháp cụ thể, Mỹ vẫn giữ lập trường cũ. Nhưng:

a) Đề nghị năm điểm tháng 7 năm 1972 so với đề nghị 2 tháng 5 năm 1972 bớt ngoan cố hơn nhưng về cơ bản là lặp lại đề nghị 8 tháng 5 năm 1972 cộng thêm một số nguyên tắc về chính trị như tám điểm.

Vẫn tách vấn đề quân sự và chính trị, chỉ giải quyết các vấn đề quân sự, còn vấn đề chính trị là then chốt thì lập trường của Mỹ không thay đổi. Mỹ vẫn buộc ta phải nói chuyện với nguỵ quyền Thiệu nhằm rút được sự dính líu quân sự của Mỹ, đưa được tù binh về nước mà vẫn giữ được nguỵ quyền.

Về các nguyên tắc chính trị chung chung, Kissinger không đưa ra gì mới, hỏi nhiều điểm về chính trị ở miền Nam có vẻ như để tìm hiểu nhưng chính là nhằm bác bỏ giải pháp của ta.

Vấn đề chính quyền ở miền Nam là vấn đề khó khăn nhất của giải pháp, đó là do Mỹ ngoan cố giữ nguỵ quyền để bám lấy miền Nam. Đồng thời vấn đề này còn có ý nghĩa chiến lược toàn cầu đối với Mỹ. Hiện nay Nixon lấy ngụy quyền làm công cụ chủ yếu để thực hiện chiến lược mới gọi là học thuyết Nixon của Mỹ. Do đó ngay trong trường hợp Mỹ phải chấp nhận một giải pháp thoả hiệp về chính trị ở miền Nam Việt Nam thì cũng không thể công khai bỏ rơi nguỵ quyền.

b) Ngoài ra Mỹ còn đưa ra phương án ngừng bắn tạm thời bốn tháng toàn Đông Dương để đàm phán chi tiết về giải pháp về Việt Nam, thả một số tù binh bị giam giữ lâu ngày nhưng Kissinger lại nói ngay là chắc Việt Nam không tán thành. Rõ ràng đề nghị này là chuẩn bị những thủ đoạn giúp Mỹ vượt qua thời gian tuyển cử.

3- Về thái độ thương lượng. Nói chung Kissinger muốn mềm dẻo nhưng mặt khác vẫn đàm phán trên thế mạnh. Mỹ cho rằng Việt Nam không có lợi thế bằng thời điểm cuộc họp ngày 2 tháng 5, cho rằng Mỹ đã thành công trong việc tranh thủ Liên Xô, Trung Quốc giảm sự ủng hộ ta về mọi mặt, cho rằng ta muốn giải quyết trước bầu cử - do đó Kissinger đe doạ sẽ ngừng đàm phán đến sau bầu cử tháng 11 năm 1972.

4- Chỗ yếu của Mỹ là sức ép tuyển cử. Ngay từ đầu năm nay, Mỹ đã có nhiều thủ đoạn lừa bịp dư luận Mỹ về vấn đề Việt Nam phục vụ cho tuyển cử. Đặc biệt là từ giữa tháng 6 năm 1972 trở đi Mỹ ra sức ngăn chặn ta lợi dụng tuyển cử, đồng thời ra sức dùng đàm phán để lừa bịp dư luận. Mỹ đề nghị gặp ta ngày 28 tháng 6 để ngăn chặn khuynh hướng chống chiến tranh trong Đại hội Đảng Dân chủ (10 tháng 7). Ta không chịu ngày đó. Cuối tháng 6, Kissinger thông qua Liên Xô đề nghị ta không để lộ nội dung thương lượng cho phe đối lập, tức là Đảng Dân chủ, biết và doạ sẽ tính đến khả năng hoãn thương lượng đến khi cuộc bầu cử kết thúc vào tháng 11 năm 1972.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #287 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 02:41:37 pm »

Trong cuộc gặp riêng ngày 19 tháng 7, Mỹ tìm cách ngăn chặn ta tác động vào tuyển cử, hỏi ta về việc thả tù binh cho phe đối lập, đề nghị ta không tấn công ngoại giao công khai và nhắc lại lời đe doạ là Mỹ sẽ ngừng thương lượng cho đến sau bầu cử nếu ta lợi dụng đàm phán để ảnh hưởng đến bầu cử ở Mỹ. Trong khi đó thì Mỹ lợi dụng gặp riêng để phục vụ cho cuộc vận động tuyển cử, đề nghị công bố các cuộc gặp riêng và ngay việc Mỹ đưa ra đề nghị năm điểm tháng 7 năm 1972 và phương án ngừng bắn tạm thời bốn tháng toàn Đông Dương mặc dầu Kissinger biết chắc ta không đồng ý cũng là để chuẩn bị công bố nhằm lừa bịp dư luận.

5- Về khả năng phát triển của tình hình.

Qua cuộc gặp riêng ngày 19 tháng 7, ta chưa có đủ căn cứ để kết luận là “khả năng Mỹ đi vào giải quyết với giá phải chăng có nhiều” .

Trước mắt vẫn có hai khả năng:

a) Vì thất bại của chính sách “Việt Nam hoá chiến tranh" trên chiến trường, vì những khó khăn trong cuộc bầu cử, Tổng thống Mỹ buộc phải nhận một giải pháp có lợi cho ta mà Mỹ có thể chấp nhận được (theo phương án vừa và tối thiểu) trong năm nay.

b) Nixon cho rằng ông ta có thể vượt qua tuyển cử bằng những thủ đoạn lừa bịp, Nixon ngoan cố không chịu giải quyết theo mức tối thiểu của ta. Trong trường hợp này chiến tranh còn kéo dài đến sau năm 1972.

Qua cuộc gặp riêng vừa qua, ta thấy Nixon đi vào đàm phán giải quyết với ta đồng thời ráo riết chuẩn bị dư luận và đổ trách nhiệm cho ta để vượt qua tuyển cử.

Từ nay đến cuối tháng 8 tình hình sẽ phát triển rõ hơn. Nhận xét về cuộc họp, Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ cho rằng:

“Nói chung ta đã tìm hiểu thêm được một phần ý đồ chiến lược của Mỹ tuy chưa đầy đủ để nhận định hướng giải quyết chủ yếu của nó, đồng thời đã làm cho Mỹ hiểu rõ chính sách chung và thiện chí của ta”.

Trong báo cáo cho Nixon về cuộc họp này, Kissinger viết:

“Nếu sự thật là họ không nói gì để loại trừ sự quay trở lại hoàn toàn với lập trường cũ của họ thì thái độ của họ trong cuộc họp đầu tiên này gần đạt tới mức tích cực như người ta mong đợi...

Nếu sau này họ chấp nhận một thoả hiệp điều đó có thể là một cuộc ngừng bắn cộng với những nguyên tắc chính trị trong đường lối của đề nghị của chúng ta ngày 25 tháng 1. Nhưng để cho sự việc được rõ ràng điều này chưa xuất hiện trước cuộc gặp khác. Cũng có khả năng họ dùng cuộc nói chuyện để vạch rõ chỉ có mình Thiệu là trở ngại cho một giải pháp toàn bộ” (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng Sđd, tr. 1369.).

Nhận xét của hai bên đều có phần đúng. Nhưng mọi việc chưa phải đã dễ dàng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #288 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 02:42:53 pm »

Cuộc họp ngày 1 tháng 8: Hai phương án để thăm dò và mặc cả

Để chuẩn bị cho cuộc họp ngày 1 tháng 8 năm 1972, ngày 22 tháng 7, Hà Nội thông báo tình hình cho Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ.

So sánh lực lượng chung ở miền Nam trên chiến trường Đông Dương đang phát triển có lợi cho cách mạng. Nội bộ Mỹ mâu thuẫn gay gắt giữa nhân dân Mỹ và Nixon, giữa hai đảng Cộng hoà và Dân chủ trong vấn đề Việt Nam. Trong việc giải quyết vấn đề Việt Nam so sánh lực lượng ở chiến trường là chính nhưng lúc này vấn đề lợi dụng mâu thuẫn gay gắt trong cuộc bầu cử ở Mỹ rất quan trọng, cần lợi dụng đúng mức sức ép của nhân dân Mỹ và mâu thuẫn giữa hai đảng. Từ nay đến Đại hội Đảng Cộng hoà (ngày 24 tháng Cool cần bàn những nguyên tắc lớn trên cơ sở phương án cao và trung bình của ta.

Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ cho rằng:

- Chủ trương của ta là đẩy mạnh đấu tranh trên ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao, tranh thủ giải quyết vấn đề Việt Nam trong năm 1972, chuyển cuộc đấu tranh theo một chiều hướng mới bằng phương pháp đấu tranh chính trị là chính... Mặt khác đề phòng Nixon không chịu đáp ứng yêu cầu tối thiểu của ta, ta cần tích cực chuẩn bị tiếp tục cuộc chiến đấu sau năm 1972.

Trên chiến trường, về mùa mưa hoạt động của ta có hạn chế, địch cố gắng phản công, ta có những khó khăn nhất định trong việc làm cho so sánh lực lượng có lợi hơn cho ta trước khi hết mùa mưa.

Ở Mỹ, cuộc vận động tuyển cử sẽ gay gắt trong hai tháng 9 và 10 năm 1972. Thời điểm mà ta có thể lợi dụng tốt mâu thuẫn giữa hai đảng Cộng hoà và Dân chủ để giành một giải pháp có lợi cho ta là từ tháng 8.

Xuất phát từ nhận định trên, Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ đã đề nghị với Bộ Chính trị:

1- Từ nay đến Đại hội Đảng Cộng hoà, hướng chính của ta trong gặp riêng là bàn những nguyên tắc lớn trên cơ sở những yêu cầu tối đa của ta nhằm thăm dò ý đồ Mỹ và nhằm buộc Mỹ đi vào giải quyết toàn bộ với ta.

Về phía Mỹ có nhiều khả năng từ nay đến đấy, Nixon cũng chưa ngả con bài ra. Nhưng nếu trong thời gian này, Mỹ muốn đi vào giải quyết thì ta cũng không bỏ lỡ thời cơ. Đến Đại hội Đảng Cộng hoà, nếu Nixon chưa chịu giải quyết thì thời cơ để có thể giải quyết là vào khoảng tháng 10.

2- Từ nay đến Đại hội Đảng Cộng hoà, ta cần thảo luận với Kissinger về những phương hướng chung và hướng Mỹ đi dần vào lập trường giải quyết của ta.

a) Ta nói với Kissinger là ta ghi nhận lời tuyên bố của Mỹ trong phiên họp ngày 19 tháng 7.

b) Ta đồng ý với Mỹ muốn giải quyết được vấn đề thì phải gây được tin cậy lẫn nhau. Ta muốn tin rằng Mỹ thật sự tôn trọng và thực hiện những điều tuyên bố trên đây. Nhưng đi vào giải quyết thì những đề nghị 8 tháng 5 năm 1972 cũng như đề nghị năm điểm tháng 7 năm 1972 của Mỹ mâu thuẫn với tuyên bố trên đây. Ta vạch rõ các mâu thuẫn đó, xoáy vào vấn đề Mỹ vẫn duy trì Nguỵ quyền Sài Gòn và thực tế chống lại Chính phủ hoà hợp dân tộc.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #289 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 02:43:37 pm »

c) Ta đưa ra hai cách giải quyết vấn đề cả quân sự và chính trị.

Về quân sự - Mỹ chấm dứt các hoạt động quân sự ở Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh trong hai tháng, thả tù binh và thường dân bị bắt trong hai tháng. Mỹ có trách nhiệm hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại hai miền Việt Nam.

Về chính trị - Trong thời gian từ hoà bình lập lại đến khi tổng tuyển cử không bên nào được áp đặt chế độ chính trị của mình, không bên nào thôn tính bên nào, thành lập Chính phủ ba thành phần ngang nhau, bình đẳng với nhau, không do bên nào khống chế, tổng tuyển cử trong vòng 6 tháng (sau khi ký Hiệp định).

Ngay sau khi ký Hiệp định về một giải pháp toàn bộ thực hiện ba việc cùng một lúc: Thiệu từ chức, Chính phủ ba thành phần nhậm chức, ngừng bắn. Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ cũng đề nghị tách các vấn đề ra thành hai loại:

Các vấn đề giữa Mỹ và Việt Nam gồm có: chấm dứt mọi hoạt động quân sự và các lực lượng vũ trang Việt Nam ngừng tấn công quân Mỹ, rút quân Mỹ và đồng minh, thả các quân nhân và thường dân bị bắt. Mỹ có trách nhiệm trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam như Hiệp định Genève năm 1954 qui định, chấm dứt viện trợ cho Chính quyền Thiệu và tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. 

Các vấn đề nội bộ Việt Nam gồm có: vấn đề thống nhất Việt Nam do nhân dân Việt Nam giải quyết lấy không có can thiệp của bên ngoài, vấn đề nội bộ miền Nam gồm có vấn đề Chính quyền, ngừng bắn giữa hai bên miền Nam... sẽ do các bên miền Nam giải quyết. 
Ta sẽ đưa cho Mỹ bản viết nội dung trên. Nếu Mỹ công bố nội dung gặp riêng, ta công bố văn bản này.

Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ đều hiểu rằng: Để giải quyết vấn đề Việt Nam theo yêu cầu của ta, phải giành được một sự so sánh lực lượng có lợi cho ta là chính nhưng đồng thời coi trọng lợi dụng mâu thuẫn địch. Mâu thuẫn hai phe ở Mỹ đang phát triển. Thắng lợi của Mc Govern là bất ngờ đối với mọi người. Cương lĩnh của Mc Govern về Việt Nam và về nội bộ Mỹ là tiến bộ và mạnh. Thắng lợi đó gây thêm khó khăn cho Nixon, Nixon phải tiến hành một cuộc tranh cử gay go.

Ta có thuận lợi hơn trước song song với tiến bộ trên chiến trường để ép Nixon về một giải pháp có lợi cho ta. Nhưng ta cần lợi dụng mâu thuẫn của hai phe cho đúng mức. Làm quá mức thì ta bỏ lỡ thời cơ nhưng nếu làm không đúng mức thì ta không lợi dụng được sức ép tuyển cử có lợi cho phía Việt Nam.

Hai ông cũng cho rằng: Lập trường của Mc Govern và Nixon khác nhau cơ bản là trong thái độ đối với Nguỵ quyền Sài Gòn. Mc Govern đòi chấm dứt viện trợ quân sự cho nguỵ quyền, chấm dứt dính líu về quân sự của Mỹ không điều kiện. Trái lại, Nixon đòi duy trì nguỵ quyền làm điều kiện cho việc dính líu về quân sự của Mỹ ở Việt Nam. Ta cần khéo léo và lợi dụng lập trường của Mc Govern để vạch và ép Nixon. Lập trường của ta trong vấn đề này không thể thấp hơn lập trường của Mc Govern.

Cuộc tranh cử ở Mỹ sẽ gay gắt trong hai tháng 9 và 10. Ta cần lợi dụng thời điểm này có lợi cho ta nhất. Ngược lại, Nixon lại ra sức giảm sức ép của tuyển cử và xoa dịu dư luận để đàm phán có lợi cho họ, để vượt qua tuyển cử mà không giải quyết.

Mặt khác, lúc này Việt Nam rất cần thời gian để bố trí lại lực lượng chuẩn bị cho việc chuyển hướng cuộc đấu tranh. Thời điểm tốt nhất là cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Cần đi hai chân, vừa đàm phán với Nixon vừa giữ khả năng gây khó khăn cho Nixon nếu ông ta muốn vượt tuyển cử để lừa bịp, mặt khác chuẩn bị đối phó với những thủ đoạn của ông ta để vượt tuyển cử mà không giải quyết. Đồng thời phải có kế hoạch làm ăn với phe đối lập trong các tình huống khác nhau: Nixon chưa đi vào giải quyết với ta, Nixon đang đi vào giải quyết với ta và tình huống Nixon ngoan cố không chịu giải quyết.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM