Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 05:07:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197923 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #110 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2009, 06:37:15 pm »

CHƯƠNG XV
TÔI MỜI TỔNG THỐNG JOHNSON ĐẾN ĐÂY UỐNG TRÀ

(Trong chương này, những lời Hồ Chủ tịch nói được viết theo bản ghi tốc ký của Nguyễn Tư Huyên, Trưởng phòng phiên dịch Bộ Ngoại giao.)

Ngày 7 tháng 1 năm 1967, hai người Mỹ ông H.S.Ashmore và W C.Baggs đến Hà Nội. Ông H.S.Ashmore là giáo sư, chủ bút tờ A-can-sát nhật báo, Phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu các thể chế dân chủ (CSD); ông W.C.Baggs là nhà báo, chủ bút tờ Tin Mai-a-mi một thành viên của CSD. Cùng đi với hai ông còn có một người không phải của CSD: ông Do Luis Quintanila người Mêxico, giáo sư, nhà văn, nhà báo và đã từng là đại sứ tại Mát-xcơ-va và Washington.

Từ khi Johnson bắt đầu đưa quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam và ném bom Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, các nhà lãnh đạo của CSD đã lo ngại rằng việc tăng cường chiến tranh như thế sẽ phá vỡ quan hệ hoà hoãn Đông - Tây mong manh mới được thiết lập. Vì lẽ đó, với sự khuyến khích của nhiều nhà hoạt động chính trị ở một số nước và ở Liên Hợp Quốc, họ mong muốn tổ chức một Hội nghị đặt tên là "Hoà bình trên trái đất" mời các bên tham chiến đến dự để gặp nhau, tìm cách lập lại hoà bình. Qua một số bạn người Pháp, họ gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị có tiếp xúc giữa Hà Nội và Trung tâm. Tháng 8 năm đó, họ nhận được trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng việc tiếp xúc vào lúc này chưa thuận lợi. Tuy vậy, con đường liên lạc với Hà Nội của Trung tâm đã mở.

Tháng 10 năm 1966, ông Do Luis Quintamla khi đó đang dạy tại Trường Đại học Mêxico, sang thăm Hà Nội. Ông đã dừng chân tại Bắc Kinh khi đó đang sôi sục trong cuộc Đại cách mạng văn hoá vô sản, có lẽ để có một cái nhìn chung về cuộc cách mạng đó đồng thời để sau này xem tác động của nó đối với Hà Nội và cũng để xem Hà Nội phụ thuộc Bắc Kinh đến đâu. Ông được đi thăm một số nơi, gặp một số nhân vật và được cả Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp. Ông thông báo là cuộc Hội nghị "Hoà bình trên trái đất" sẽ được tổ chức vào tháng 5 năm 1967 và chuyển lời của Trung tâm (CSD) mời Việt Nam cử Đại biểu tới dự. Hà Nội trả lời thuận lợi và sẵn sàng tiếp các đại diện của Trung tâm CSD để trao đổi thêm. Do đó ông Do Lui Quintanila đã giới thiệu hai ông Ashmore và Baggs.

Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý để hai ông này sang Hà Nội, nhưng yêu cầu hai ông tìm hiểu thái độ của Hà Nội về một số vấn đề mà họ quan tâm, kể cả vấn đề những phi công Mỹ bị bắt ở miền Bắc Việt Nam. Người ta được biết trước khi Ashmore và Baggs lên đường họ đã có ít nhất hai cuộc thảo luận trong tháng 11 và 12 với Bộ Ngoại giao Mỹ về lập trường của Mỹ. Các quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ còn yêu cầu họ giữ bí mật, và cũng là để giữ bí mật, họ chỉ được thị thực đi Hà Nội khi đến Hồng Kông. Nhưng do một sự ngẫu nhiên, bí mật của chuyến đi ngay từ đầu đã không giữ được: Trợ lý Tổng biên tập New York Times trên đường từ Hà Nội trở về đã nhìn thấy tên hai người trong vận đơn của chiếc máy bay của Uỷ ban Quốc tế phụ trách liên lạc giữa Sài Gòn - Hà Nội.

Trong thời gian ở Hà Nội, Ashmore, Baggs và Quimtamola đã có những cuộc gặp gỡ với Hội nhà báo Việt Nam, Uỷ ban liên lạc văn hoá với nước ngoài, Uỷ ban điều tra tội ác của đế quốc Mỹ. Họ đã đi thăm một số nơi bị máy bay Mỹ ném bom trong tháng 12, đặc biệt là Trường trung học Việt Nam - Ba Lan hoàn toàn bị san bằng, nhìn thấy tận mắt những hố to do bom một nghìn bảng Anh đào quanh trường, mặc dầu trường này cách xa các cơ sở công nghiệp hay quân sự. Tại thành phố Nam Định bị tàn phá nặng nề, thường dân đi sơ tán cả, nhưng nhà máy dệt vẫn hoạt động. Trên đường đi, họ qua thị xã Phủ Lý hoàn toàn bị san phẳng.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #111 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2009, 06:38:38 pm »

Họ cũng gặp em Thái Bình Dân, 13 tuổi, bị bom na-pan ở một làng thuộc tỉnh Long An miền Nam Việt Nam, khắp người chằng chịt những vết sẹo, và đã nghe em kể lại cuộc ném bom đã đốt cháy rụi nhà em và các nhà trong xóm. Họ lặng đi. Em Dân đề nghị họ về Mỹ tố cáo tội ác do máy bay Mỹ gây ra. Họ gật đầu và khi chia tay chúc em khoẻ mạnh, may mắn.

Họ đã nghe đại tá Hà Văn Lâu nói về tình hình chiến sự ở cả hai miền, đã có nhiều giờ trao đổi với đồng chí Hoàng Tùng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam về nguồn gốc và triển vọng phát triển của cuộc chiến tranh Việt Nam, về lập trường của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và của Mỹ.

Nhưng điều gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với họ là cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sâu sắc đến mức mà trong cuốn Công cán tại Hà Nội kể lại chuyến đi này, họ đã dành cả một chương về Người với những lời trân trọng nhất.

Cuộc gặp gỡ diễn ra vào hồi mười bảy giờ ngày 12 tháng 1 năm 1967 tại Phủ chủ tịch. Về phía Việt Nam, có ông Hoàng Tùng, ông Nguyễn Đình Phương giúp việc phiên dịch cho Chủ tịch, ngoài ra còn có ông Tố Hữu đến làm việc với Chủ tịch và được lưu lại cùng nghe.

Mở đầu câu chuyện, Hồ Chủ tịch nói với ông Quintanila bằng tiếng Pháp tỏ vẻ vui mừng gặp lại ông. Quay sang hai ông khách Mỹ, Người dùng tiếng Anh, tỏ ý tiếc là vì có nhiều người không biết tiếng Anh nên phải nhờ phiên dịch.

Ông Ashmore hỏi thăm sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta nhớ là năm đó Người đã bảy mươi bảy tuổi. Như hai ông Ashmore và Baggs đã viết sau này, Người "nhìn khách một cách hóm hỉnh như chỉ ra rằng Người biết câu hỏi đó là điều mà Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như nhiều trung tâm quyền lực trên thế giới rất quan tâm”.

Người đáp:

- Tôi vẫn khoẻ mạnh. Tôi chỉ có một thói xấu là hút thuốc lá, hút liên tục.

Người đưa điếu thuốc lá lên và nói tiếp:

- Bây giờ tôi đã quá già để tiếp tục hút nữa, vì nó làm hại sức khoẻ của tôi.

Và với giọng tâm sự, tự nhiên; Người nói:

- Tôi chưa có thời gian nào để lấy vợ và lập gia đình. Tôi nói với nhân dân Việt Nam rằng họ là con cháu tôi, vì vậy tôi sống rất bình yên và giản dị. Tôi ngủ rất ngon, ngay cả khi có việc ném bom của các ông.

Bất thình lình, Người chuyển sang nói bằng tiếng Anh:

- Thôi hãy bỏ thủ tục đi. Các bạn hãy xem như ở nhà mình. Chúng ta có thể nói chuyện với nhau một cách chân tình và bí mật được chứ?
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #112 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2009, 06:40:48 pm »

Baggs nói trịnh trọng:

- “Thưa Chủ tịch, chúng tôi rất sung sướng được đến thăm đất nước Ngài và rất vinh dự được Ngài tiếp. Chúng tôi xin bảo đảm với Ngài rằng chúng tôi sẽ hết sức giữ bí mật. Chúng tôi sẽ báo cáo một cách đầy đủ cho các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ là những người mà chúng tôi đã nói chuyện trước đây.

Ashmore nói thêm:

- Chúng tôi không có quy chế chính thức, không có thẩm quyền thương lượng hoặc hành động như nhân viên của Chính phủ chúng tôi. Nhưng chúng tôi nghĩ là mình có thể báo cáo một cách đầy đủ quan điểm đang chiếm ưu thế ở Washington và chuyển đến họ một cách chính xác ý kiến của Ngài khi chúng tôi về.

Baggs:

- Thưa Chủ tịch, trong số các nhân vật cấp cao của chính giới Mỹ có nhiều người đã thấy cuộc chiến tranh này là xấu xa tàn bạo. Chiến tranh còn tiếp diễn thì còn nhiều thanh niên, sinh viên bị giết cho nên cần chấm dứt ném bom, chấm dứt chiến tranh.

Không thể chấm dứt bất kỳ cuộc chiến tranh nào nếu đại diện bên tham chiến không ngồi lại nói chuyện với nhau về cách làm cho chiến tranh chấm dứt
.

Ashmore:

- Thưa Chủ tịch, chúng tôi nghĩ rằng nếu đại diện Mỹ và đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gặp nhau không chính thức để thăm dò khả năng tiến tới một cuộc họp chính thức thì điều đó có thể có ích. Mục đích cuộc gặp gỡ là bàn về vấn đề rút quân và ngừng bắn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Muốn chấm dứt chiến tranh phải đặt ra một câu hỏi: Ai gây ra chiến tranh? Ai là nạn nhân? Người nào gây ra chiến tranh, gây ra thảm hoạ, người đó phải chấm dứt trước.

Máy bay Mỹ đang giết hại nhân dân miền Bắc, quân đội Mỹ đang tàn sát đòng bào chúng tôi ở miền Nam, trong điều kiện như vậy làm sao mà có cuộc nói chuyện được?

Ashmore:

- Chúng tôi hoàn toàn thông cảm rằng do những hành động của Mỹ, Việt Nam có sự nghi ngờ là Mỹ không thành thực. Muốn có nói chuyện chúng tôi nghĩ trước hết Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc, sau đó hai bên sẽ thoả thuận về ngừng bắn ở miền Nam. Chúng tôi hy vọng rằng việc Mỹ ngừng ném bom sẽ là bước mở đầu nhằm tiên tới việc Mỹ rút quân.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #113 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2009, 06:42:06 pm »

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Chúng tôi đang sống yên lành, Mỹ đến ném bom rồi lại nói: nếu muốn Mỹ ngừng ném bom thì Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải trả giá nào đó. Như thế có khác gì một tên cướp ở Chicago xông vào nhà đánh và doạ giết chủ nhà rồi lại bảo nếu muốn để nó ra thì chủ nhà phải trả giá.

Hiện nay Washington nói hòa bình nhưng đồng thời lại đưa thêm quân vào miền Nam và tăng cường ném bom miền Bắc. Từ trước đến nay, mỗi bước leo thang chiến tranh của ông Johnson bao giờ cũng kèm theo điều kiện hoà bình giả.


Đến đây, Chủ tịch Hồ chí Minh nhắc lại lời Tổng thống F.Roosevelt nhiều lần tuyên bố rằng ông không có ý định để các nước Đông Dương trở lại dưới ách thực dân, nhưng sau đó lại ủng hộ quyết định của các đồng minh để quân Tưởng Giới Thạch và quân Anh vào chiếm đóng Việt Nam, mở đường cho Pháp trở lại. Người cũng nhắc lại lời tuyên bố của đại diện Chính quyền Eisenhower cam kết trong việc thi hành Hiệp nghị Genève, nhưng sau đó là một loạt hành động của Mỹ ủng hộ Ngô Đình Diệm, cản trở thống nhất nước Việt Nam và nay đưa quân xâm lược ViệtNam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tiếp:

- Chúng tôi đã học được bài học lịch sử nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã dạy chúng tôi phải là người yêu nước. Nhân dân chúng tôi là người có lý trí biết suy nghĩ, yêu hoà bình. Chúng tôi muốn kết thúc cuộc chiến tranh này nhưng nền độc lập, tự do của Việt Nam không bao giờ lại bị đưa ra thương lượng một lần nữa.

Tình hình hiện nay là: .

Một: Mỹ vẫn ném bom miền Bắc.

Hai: Quân đội Mỹ đang càn quét ở miền Nam.

Chúng ta đều biết Mỹ đã đưa vào miền Nam gần bốn trăm nghìn quân. Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh và đưa họ ra, sau đó mới xét được. Việc Chính phủ Mỹ phải làm là chấm dứt không điều hiện việc ném bom miền Bắc, sau đó có nói chuyện gì mới nói được. Nếu điều kiện đó được đáp ứng thì sẽ không còn trở ngại nào cho cuộc thương lượng có thể đi tới hoà bình.

Chính phủ các ông phải hiểu điều đó. Chúng tôi không đánh nước Mỹ. Chúng tôi không phạm phải một hành động đối địch nào vào Lãnh thổ của các ông. Chúng tôi đang ủng hộ cuộc chiến tranh giải phóng của đồng bào chúng tôi ở miền Nam, đó là vấn đề của người Việt Nam với nhau, không phải là tấn công vào nước Mỹ. Còn máy bay chiến đấu của các ông đang hàng ngày đánh phá đất nước chúng tôi, tàu chiến của các ông xâm phạm vùng biển của chúng tôi, pháo binh của các ông đang pháo kích chúng tôi qua khu phi quân sự. Không một Quốc gia nào quý trọng độc lập của mình lại tha thứ cho những hành động đó.

Trong khi những hành động chiến tranh đó còn tiếp diễn thì các ông đừng mong đợi chúng tôi đến bàn thương lượng. Làm như vậy không phải là thương lượng một giải pháp mà đó là đi xin hoà bình, là đầu hàng. Đó là điều chúng tôi không bao giờ làm.

Khi nào chấm dứt ném bom, cuộc nói chuyện sẽ bắt đầu. Nếu Mỹ muốn nói chuyện với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chính phủ các ông biết phải làm gì: chấm dứt ném bom.

Mỹ làm rùm beng về việc Bắc Việt Nam tiếp tục đưa người và hàng tiếp tế vào Nam cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cho rằng điều đó sẽ làm cho thế và lực của quân thù của họ được tăng cường và đe doạ các lực lượng Mỹ. Chính người Mỹ cũng làm như vậy. Họ vẫn đưa người và vũ khí vào miền Nam trong lúc đó ngừng ném bom. Nếu Mỹ muốn nói chuyện về việc giảm dần lực lượng ở miền Nam thì Mỹ phải chấm dứt việc đưa quân vào miền Nam trước đã và nếu điều đó được thực hiện thì có nhiều việc để nói chuyện với nhau.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #114 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2009, 06:43:04 pm »

Trả lời câu hỏi về việc rút quân Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

- Tôi ghi nhận rằng Tổng thống Johnson đã cam kết rằng Mỹ không có tham vọng để lại lực lượng quân sự ở miền Nam Việt Nam. Thực tình mà nói, tôi thấy điều đó khó tin khi người ta thấy việc xây dựng rất quy mô các căn cứ Mỹ ở miền Nam; và qua kinh nghiệm của chúng tôi, điều kiện về tuyển cử tự do là một cách thường dùng trước đây để kéo dài sự can thiệp.

Tuy vậy, về phía chúng tôi, chúng tôi cũng thấy không thể chấm dứt cuộc chiến, và đưa một lực lượng quân sự đồ sộ như vậy ra khỏi miền Nam một sớm một chiều.

Chúng tôi cho rằng phải có thời gian cho Mỹ rút sau khi có ngừng bắn.


Baggs hỏi:

- Như vậy Chủ tịch sẵn sàng xem xét việc rút quân từng giai đoạn như Tổng thống Johnson đã gợi ý?

Chủ tịch Hồ Chí Minh: '

- Các ông có thể gọi nó là như vậy, từ ngữ không quan trọng. Quan trọng là việc làm thật sự. Nhân dân Việt Nam phải được bảo đảm quyền giải quyết các công việc nội bộ của mình, không có sự can thiệp của nước ngoài.

Ashmore:
- Thưa Chủ tịch, xin Chủ tịch tin rằng chúng tôi rất kín đáo trong mọi việc liên hệ với Bộ Ngoại giao Mỹ. Chủ tịch có cho phép chúng tôi sau khi trở về sẽ thông báo không chính thức cho các bạn của chúng tôi ở Bộ Ngoại giao Mỹ biết rằng: Nếu Mỹ ngừng ném bom miền Bắc và ngừng đưa thêm quân vào miền Nam thì có thể yêu cầu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tham dự cuộc họp không chính thức với phía Mỹ không?

Có thứ bệnh địa phương gần như hoang tưởng nghi ngờ thái độ của Việt Nam. Chúng tôi muốn có một tuyên bố dứt khoát và rõ ràng của Chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Tôi không muốn bảo đảm điều gì trong điều kiện hiện nay. Tôi là một người đa nghi và tôi có lý do để ngờ vực. Người Mỹ các ông ít nhiều đều là nhà kinh doanh. Tôi cũng là nhà kinh doanh, đối với người kinh doanh chưa thấy mặt hàng thì chưa thể định giá được. Khi việc ném bom chấm dứt, cuộc nói chuyện bắt đầu. Ta sẽ xem mặt hàng.

Trong cuộc nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói nhiều đến lập trường bốn điểm. Nhưng các vị khách cũng tự hiểu rằng bốn điểm không phải là điều kiện cho việc bắt đầu nói chuyện, đó là những vấn đề sẽ thảo luận tại bàn Hội nghị.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #115 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2009, 11:12:51 am »

Về câu hỏi có phải phía Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh đòi hỏi có đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tham gia vào cuộc nói chuyện giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

- “Không có điều kiện nào khác cho cuộc nói chuyện giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ khi Mỹ chấm dứt ném bom. Tôi hiểu Mỹ có vấn đề thể diện, do những cam kết với Chính quyền Sài Gòn và các đồng minh khác, nhưng phía chúng tôi cũng có những vấn đề tương tự.

Nước Việt Nam là một, Việt Nam sau này phải được thống nhất lại dưới sự lãnh đạo của một Chính phủ duy nhất, một Chính phủ tập hợp những người đại diện của hai miền. Nhưng trong một thời gian, miền Nam không có lý do gì lại không thể có một Chính phủ riêng, một Chính phủ mang tính đại diện rộng rãi không phải như chế độ Sài Gòn hiện nay. Chính phủ đó sẽ không có khó khăn gì trong việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Và tôi tin rằng vào một thời gian thích hợp nào đó, hai chế độ ở hai miền sẽ xây dựng nên một khối thống nhất đoàn kết thật sự bền vững.


- Thế chủ tịch quan niệm "thời gian thích hợp" là thế nào?

- Có thể là mười năm hay lâu hơn nữa. Điều đó không quan trọng. Chừng nào nhân dân Việt Nam được tự do quyết định số phận của mình thì họ sẽ xem xét việc đó. Tôi không thể sống tới ngày đó, nhưng tôi không nghi ngờ việc thống nhất đó sẽ đến. Lịch sử dân tộc chúng tôi đòi hỏi như vậy
.

Phần trao đổi chính trị đã đến lúc kết thúc.

Ashmore:

- Chúng tôi rất cảm động về sự tiếp đón thân mật của Chủ tịch và tất cả đồng bào của Chủ tịch đã dành cho những người Mỹ chúng tôi, kể cả những người hiện nay là nạn nhân của việc ném bom của Mỹ.

Khách tỏ vẻ muốn đứng dậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh giơ hai tay giữ lại và nói:

- Tôi kính trọng nhân dân Mỹ. Nhân dân Mỹ là những người thông minh, là những người yêu hoà bình và dân chủ. Lính Mỹ hiện nay đang bị đẩy sang đây để đi giết người và để bị giết. Nhưng nếu họ đến đây giúp đỡ chúng tôi như những nhà kỹ thuật thì chúng tôi rất hoan nghênh họ như những người anh em. Còn bây giờ họ đến đây để giết người và để bị bắn chết. Đó là sự sỉ nhục đối với các ông, các ông khó mà tin được rằng tôi lấy làm đau lòng không những khi nhân dân Việt Nam bị giết hại mà tôi cũng rất buồn phiền khi lính Mỹ bị giết. Tôi thông cảm nỗi đau buồn của cha mẹ họ. Vì vậy chúng tôi nói với nhân dân chúng tôi rằng họ phải sẵn sàng hoan nghênh nhân dân Mỹ không phải khi họ đến như hiện nay với những người lính mang vũ khí – nhưng khi họ đến một lần nữa trong tương lai để giúp đỡ xây dựng lại đất nước chúng ta.

Nếu điều đó tỏ ra xa lạ với các ông thì các ông hãy nhìn lại mối quan hệ giữa chúng tôi với Pháp. Khi chiến tranh chấm dứt ở Điện Biên Phủ, mối quan hệ chặt chẽ và thân thiết đã phát triển giữa Paris và Hà Nội. Người Pháp hiện nay là người bạn nhiệt tình của chúng tôi và chúng tôi cũng tự hào có hương vị Pháp trong nền văn hoá hiện tại của chúng tôi.

Các ông hãy tin tôi khi tôi nói rằng tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp Tổng thống Mỹ đến đây một cách hoà bình. Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị ra với bất kỳ Quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập.”
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #116 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2009, 11:14:02 am »

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Ông Hoàng Tùng sẽ rất sung sướng được nghe bất cứ điều gì mà các ông nói, nhưng nếu các ông có một thông điệp cho tôi sao không gửi thẳng cho tôi? nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có đại diện ở Pháp, ở Algéri, ở các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nơi khác trên thê giới. Nếu Chính phủ Mỹ muốn có bất cứ cuộc tiếp xúc chính thức nào thì cơ quan ngoại giao của chúng tôi ở nước ngoài đều có thể thu xếp được.

Tôi xin thêm một điều, chúng tôi rất muốn hoà bình nhưng nếu Chính phủ Mỹ không muốn hoà bình và cứ tiếp tục chiến tranh thì chúng tôi kiên quyết chiến đấu đến cùng để giành độc lập tự do chứ quyết không chịu ách nô lệ của đế quốc Mỹ. Một nước đi gây chiến tranh xâm lược một nước khác là xấu. Mỹ là một nước lớn. Mỹ đi xâm lược một nước nhỏ như Việt Nam cho nên việc đó càng xấu.
Cuối cùng xin nhờ các ông chuyển đến nhân dân Mỹ lời chào của những người bạn Việt Nam
”. (Xem thêm H.S.Ashmore và W.C.Baggs: Công cán tại Hà Nội, Nhà xuất bản Pút-man'x. New York, 1986, tr. . 45-52.)

Theo như hai ông đã kể lại trong cuốn Công cán tại Hà Nội, sau khi trở về Mỹ, Ashmore và Baggs đã dành hai ngày báo cáo chuyến công cán ở Hà Nội cho Nicolos Kazenbach, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, William Bundy trợ lý Bộ trưởng về vấn đề Viễn Đông và Thái Bình Dương, Averen Harriman và một số quan chức khác. Họ còn gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Macnamara để trình bày nhận xét của mình về các cuộc ném bom của Mỹ ở Bắc Việt Nam. Họ cho là không có kết quả (Cả hai ông trong chiến tranh thế giới thứ hai đều là phi công, riêng H.S.Ashmore đã là trung tá trong không quân Mỹ). Họ cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đáp ứng tất cả các điều kiện mà Mỹ đã từng tuyên bố công khai và như vậy con đường đã mở rộng để thăm dò thêm qua hai ông hay qua con đường ngoại giao.

Những nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh gây ấn tượng và các yếu tố trong đề nghị rất đơn giản: Chúng ta ngừng ném bom và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đi vào nói chuyện. Hai ông không nhận lời ra điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng nghị viện Mỹ, nhưng đã thông báo chuyến đi và kết quả cho Chủ tịch Uỷ ban này là Fulbright và qua Fulbright, Tổng thống Johnson cũng đã biết chuyến đi Hà Nội của họ.

Hơn hai tuần sau khi báo cáo với Bộ Ngoại giao Mỹ, Ashmore và Baggs lại được mời tới Bộ Ngoại giao. Hôm đó có thượng nghị sĩ Fulbright dự. Các quan chức ngoại giao bàn về một bức thư của hai ông gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Katzendech duyệt lần cuối cùng lá thư đó và trao cho Ashmore ký tên và gửi đi. Ngày 7 tháng 2 năm 1967, Sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Phnôm Pênh nhận được bức thư đó. Trong thư có đoạn viết:

Họ (Bộ Ngoại giao Mỹ - Tác giả) đặc biệt chú ý đến gợi ý của Ngài với chúng tôi là có thể bắt đầu nói chuyện riêng miễn là Mỹ ngừng ném bom nước Ngài và chấm dứt việc đưa thêm quân vào miền Nam. Họ bày tỏ ý kiến cần một sự qua lại hạn chế nào đó để chứng tỏ không bên nào có ý định lợi dụng cơ hội để giành lợi thế về quân sự".

Bức thư cũng nói đến việc lấy Hiệp nghị Genève năm 1954 làm cái khung cho một giải pháp và cuộc thảo luận sẽ đề cập đến tất cả các vấn đề cho một giải pháp.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #117 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2009, 11:15:27 am »

Bức thư vẫn dựa trên yêu cầu "có đi có lại" của Nhà Trắng, nhưng ít nhất cũng là một bức thư ký tên ông Ashmore và được Bộ Ngoại giao Mỹ duyệt từng câu, từng chữ, một lập trường còn lấy Hiệp nghị Genève năm 1954 làm khung cho một giải pháp chính trị về Việt Nam. Ông Ashmore thật sự tin rằng Chính phủ Mỹ muốn hoà bình và tỏ ý muốn trở lại Hà Nội một lần nữa. Nhưng ngày 8 tháng 2 năm 1967, Tổng thống Johnson gửi bức thư đầu tiên cho Chủ tịch Hồ Chí Minh với lập trường cứng rắn hơn tất cả các lời tuyên bố trước như: Mỹ chỉ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam khi Hà Nội bảo đảm trước sẽ chấm dứt đưa quân vào miền Nam Việt Nam hoặc không hề nói đến việc lấy Hiệp nghị Genève năm 1954 làm cơ sở thương lượng. Rất kiên nhẫn, ông Baggs đợi đến ngày 18 tháng 9 năm đó mới viết bài đăng trên tờ Tin Maiami giới thiệu một cách chi tiết cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nhấn mạnh "thái độ hoà giải" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phê phán thái độ cứng rắn, không muốn thương lượng của Johnson. Ông đặc biệt công phẫn về thái độ của nhà cầm quyền Mỹ, ông viết:

“Tại sao Johnson lại chọn thời điểm đó (lúc hai ông vừa gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh) để gửi cho Hà Nội bức thư nói trên. Nếu coi thư của Ashmore là không quan trọng, tại sao Bộ Ngoại giao (Mỹ) lại cho gửi đi? ... Không thể hiểu cái lôgích: một thư của Bộ Ngoại giao, một thư của Nhà Trắng mà nội dung hai thư lại mâu thuẫn nhau...".

Ông Baggs kết luận, hơi nhẹ nhàng so với những câu chất vấn của ông: Johnson vừa xoa dịu phái bồ câu vừa nhân nhượng phái diều hâu ...

Nhưng Ashmore thẳng thừng hơn trong bài “Quan hệ công khai về hoà bình” đăng trên tạp chí của Trung tâm nghiên cứu các thể chế dân chủ ở Mỹ. Ông tố cáo Johnson là dùng thủ đoạn hai mặt thô lỗ và "trò chơi trí trá".

Cùng ngày 18 tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ phải ra tuyên bố xác nhận có bức thư ngày 5 tháng 2 năm 1967 của Ashmore gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng lại cố thanh minh rằng từ tháng 1, Mỹ đã thiết lập được quan hệ trực tiếp với Hà Nội qua Mát-xcơ-va mà Ashmore và Baggs không biết. Bản tuyên bố đó đã lờ đi hoặc không giải đáp câu hỏi: Tại sao Bộ Ngoại giao đầu tháng 2 đã thông qua thư của Ashmore gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh lời lẽ mềm mỏng còn thư Tổng thống Johnson gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trong thời điểm đó lại cứng rắn và bác bỏ thiện chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Và thiện chí đó, ngay thượng nghị sĩ Fulbright cũng đã thấy. Ông cảm thấy Mỹ có thể nói chuyện hoà bình với Bắc Việt Nam nếu Mỹ xét tới bất kỳ cái gì, trừ việc đầu hàng của Bắc Việt Nam. Thái độ của Bắc Việt Nam có thể dẫn tới đàm phán (Tin AP, UPI, Oa-sinh-tơn, ngày 18 tháng 9 năm 1967.).

Sự thật là Johnson tỏ vẻ muốn thương lượng hoà bình là nhằm che đậy ý định tìm một thắng lợi trên chiến trường để chuẩn bị năm bầu cử Tổng thống.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #118 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2009, 11:15:36 am »

*
*   *

Năm ngày sau khi tiếp hai ông Ashmore và Baggs, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn "Những người tình nguyện vì hoà bình", Đoàn gồm ba vị: .

Cụ A.J.Muste, tám mươi tuổi, mục sư Đạo Tin Lành, người Mỹ

Ông Abraham Feinbarg, sáu mươi bảy tuổi, mục sư Đạo Do Thái, người Mỹ sống ở Canađa.

Ông Enbrose Reeves, sáu mươi bảy tuổi, linh mục nhà thờ Anh giáo, người Anh.

Trong thời gian ở Hà Nội, ba vị đã thăm khu đông dân Phúc Xá và một số phố khác của Hà Nội bị ném bom nặng trong những ngày tháng 12 năm 1966, thăm Bệnh viện Saint-Paul và gặp một số phi công Mỹ bị bắt.

Ba vị đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, có cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng dự. Cuộc nói chuyện thật là thân mật, thoải mái. Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn ba vị từ ngàn dặm xa xôi bỏ công đến thăm đất nước Việt Nam đang bị xâm lược và chịu những hy sinh to lớn. Người nói: đối với nhân dân Việt Nam không có gì quý hơn độc lập, tự do. Thật vất vả cho những người ở tuổi các cụ khi tiến hành một chuyến đi như vậy. Người cũng nói Người đã bảy mươi bảy tuổi rồi. Người nhắc lại rằng Người đã ở Anh, từng làm đầu bếp trong một khách sạn, đã đến khu da đen Harlem ở New York, nhưng chưa được đến Canađa, và đã là lính thuỷ nên đã qua nhiều cảng. Người mời các cụ dùng nước chè,  uống cả rượu nho.

Các vị khách kể lại đã đi thăm nhiều nơi của Hà Nội bị máy bay Mỹ đánh phá. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

- “Tổng thống Johnson đã nói rằng ông ta sẽ gặp bất cử ai, ở đâu và bất cứ lúc nào để nói chuyện hoà bình. Tôi xin mời ông Johnson đến Hà Nội như là khách của chúng tôi. Ông hãy đến với vợ và con gái, người thư ký, người bác sĩ và người đầu bếp của mình. Nhưng đừng mang theo tướng lĩnh và đô đốc! Tôi xin bảo đảm rằng Tổng thống sẽ an toàn tuyệt đối” (Xem thêm: Hà Nội Diary của mục sư Feinberg, Alongmarm Book, Canađa,1968, tr. 205.).

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chụp ảnh chung với ba vị khách. Người đã tặng mỗi vị một cái ba-toong. Riêng đối với mục sư Feinberg là người kém mắt, Người đã tặng chiếc ba-toong sơn từng đoạn đen, trắng, một kỷ niệm của Người sau chuyến đi thăm nước Cộng hoà In-đô-nê-xi-a.

Thời bấy giờ, các công dân Mỹ không được sang thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trừ những trường hợp ngoại lệ. Căn cứ vào luật đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố. Ông Feinberg đi Bắc Việt Nam mà không được phép của Chính phủ Mỹ thì có thể bị truy tố.

Khi ông Feinberg về đến Anh, sứ quán Mỹ đã cho người đón ông về trụ sở và yêu cầu ông kể lại những điều đã thu lượm được khi sang Hà Nội. Về đến New York, ông đã có nhiều cuộc gặp gỡ khác với Bộ Quốc phòng Mỹ về các tù binh Mỹ mà ông đã gặp ở HàNội, với Bộ Ngoại giao. Ông còn nói chuyện trực tiếp với đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Arthur Goldberg và yêu cầu đại sứ chuyển lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Tổng thống Johnson. Goldberg lưỡng lự rồi giao cho thư ký ghi lại yêu cầu đó. Những thông tin ông đưa về Hà Nội và được các báo đăng rộng rãi, làm xôn xao dư luận.

Nhưng khi Feinberg trở về nơi cư trú ở Canađa một tháng sau lãnh sự Mỹ ở Canađa đã thu lại hộ chiếu của ông.

Về "Những người tình nguyện về hoà bình" chuyển lời Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Tổng thống Johnson sang thăm Hà Nội mà không được đáp ửng cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Trước đó không lâu, Johnson đã nói với thượng nghị sĩ Fulbright, khi thượng nghị sĩ đề nghị Tổng thống tiếp hai ông Ashmore và Baggs:

“Tôi rất muốn gặp họ, nhưng ngài biết đấy, tôi không thể nói chuyện với người đã ở đấy về và đã nói chuyện với Cụ Hồ Chí Minh ".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #119 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2009, 11:17:22 am »

CHƯƠNG XVI
HOA HƯỚNG DƯƠNG
(SUNFLOWER)

Đây là mật danh một cuộc vận động ngoại giao lớn (tháng 1 đến tháng 4 năm 1967) bao gồm một phần tại Mát-xcơ-va giữa Mỹ và Việt Nam, một phần tại Luân Đôn giữa Thủ tướng Anh H.Wilson và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Kossi guine (?)

*
*   *

Ngày 6 tháng 1 năm 1967, ba giờ chiều, Hoàng Mạnh Tú, Bí thư thứ nhất sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Liên Xô, nhận được một thư do một cán bộ sứ quán Mỹ đưa tới. Thư viết:

“Thưa ông đại sứ

Tôi được chỉ thị chuyển tới cá nhân ông một công hàm của Chính phủ tôi. Vì mục đích đó tôi sẵn sàng đến thăm ông vào một buổi gần nhất thuận lợi đối với ông. Mong ông cho biết khi nào ông có thể vui lòng tiếp tôi. Xin gửi ông lời chào trân trọng.
John Guthrie,

Đại biện lâm thời sứ quán Hoa Kỳ”

Đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh đã lên đường về nước khi hết nhiệm kỳ. Lê Trang, tham tán công sứ đại biện lâm thời sứ quán Việt Nam được chỉ thị của Hà Nội tiếp ông vào ngày 10 tháng 1.

Guthrie năm đó khoảng ngoài năm mươi tuổi và làm công tác tại sứ quán Mỹ ở Mát-xcơ-va lần thứ hai. Trước đó ông đã từng công tác tại Băng Cốc, Hồng Kông, Trung Quốc.

Qua cổng sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại đường Pirogoskaia, ông đến cửa phía sau phòng khách. Đồng chí Lê Trang đón ông. Cuộc gặp gỡ được bắt đầu bằng câu chuyện khá ly kỳ của ông để đi từ sứ quán Mỹ đến sứ quán Việt Nam. Không dùng chiếc xe mọi ngày, ông tự lái một chiếc xe khác, đi loanh quanh ra mãi ngoại ô rồi gần một giờ sau mới trở về trung tâm Mát-xcơ-va và đi đến sứ quán Việt Nam.

- Các ông thông cảm cho. Tôi phải giữ bí mật, tránh các con mắt tò mò hay soi mói của các nhà báo của chúng tôi. Nhiều khi họ làm hỏng việc.

- Tôi nghĩ nếu chúng ta thành thật thì việc gì phải giấu giếm - Đồng chí Lê Trang cười nói.

Guthrie đọc thông điệp:

- “Chính phủ Hoa Kỳ đặt ưu tiên cao nhất cho việc tìm ra những thu xếp hoàn toàn có bảo đảm mà hai bên có thể thoả thuận với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về khả năng hoàn tất một giải pháp cho cuộc xung đột ở Việt Nam. Nếu phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng mong muốn tìm kiếm những khả năng như vậy với Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ tìm cách đáp ứng mọi gợi ý mà phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ đưa ra liên quan đến thời gian và địa điểm của cuộc thảo luận đó và chúng tôi sẵn sàng nhận các tin tức như vậy trực tiếp từ phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà qua con đường ngoại giao ở bất cứ thủ đô nào mà cả hai bên đều có cơ quan thường trực”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM