Ở đất kẻ thù
Câu chuyện kể về số phận của một tên tù binh phi công Mỹ bị bắn rơi xuống một làng quê có những nông phu lành hiền, nghèo cực, tần tảo đã được khắc họa khá tài tình và công phu. Cái lạc hậu và cái văn minh, sự hiện đại và sự chân chất, điều thiện và điều ác, ý nghĩa xâm lược và triết lý tự vệ được va chạm, phá vỡ và đào bới đến tận đáy để khẳng định một giá trị nhân bản mang tính cội nguồn của lịch sử loài người.

Để rồi khi đọc xong cuốn sách dù chỉ vỏn vẹn gần hai trăm trang, ta bỗng nôn nao tự hỏi, cái gì sẽ tồn tại và ngự trị trong dòng đời đầy rẫy hiểm nguy và bão tố này. Để có nắng gió thơi thới hôm nay, dân tộc ta đã phải gồng mình trải qua những ngày tháng đau thương khủng khiếp như thế nào? Phải chăng tất cả nằm trong đôi mắt trẻ thơ và cái chết của cô bé Na. Đôi mắt chỉ có tình thương, đôi mắt không có hận thù, đôi mắt thiên sứ, đôi mắt đứng trên tất cả các cuộc giao tranh đầy tội ác và hư vô của con người và cuối cùng đôi mắt ấy cũng bị nhắm lại vĩnh viễn bởi chính sự hận thù đó.
Với sự kết hợp khá mềm giữa văn học, thi ca và điện ảnh, giữa tả thực và cách điệu, tác giả đã tạo nên một cái nhìn mới về chiến tranh, một đề tài không khéo sẽ rất dễ giẫm chân vào các lối viết đã thành hào, thành rãnh của người đi trước.
Cuốn hút và xúc động. Có lẽ chỉ cần nói gọn một câu như thế về cuốn sách này. Và đó cũng là bản chất của một cuộc đi khai khẩn tìm đường trên lộ trình văn chương rất đỗi chông gai...
(Trích lới giới thiệu sách của Nhà văn Chu Lai. Mời các bạn đón đọc cuốn Ở đất kẻ thù của nhà văn Lê Lan Anh.- Nxb. Văn học, 2007)