Trongc6
Thành viên

Bài viết: 495
|
 |
« Trả lời #450 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2010, 09:05:06 am » |
|
… Có lẽ ở chiến trường nào và ở đơn vị nào cũng từng xảy ra chuyện nhìn gà hóa cáo, đôi lúc thần hồn nát thần tính mà chung quy lại cũng chỉ là chuyện kỷ luật chiến trường không thật nghiêm. Những quy định đề ra đôi khi bị coi nhẹ hay vì mệt mỏi quá mà tặc lưỡi bỏ qua nên chấp hành lỏng lẻo. Chỉ đến khi xảy ra chuyện, tất cả mới giật mình xem xét lại, nhưng rồi chỉ đơn vị đó rút ra nhiều kinh nghiệm, còn đơn vị khác lại thì lâu lâu không thấy gì, xem nhẹ để rồi lại rơi vào vết xe đổ của đơn vị bạn trong một tình huống khác.
Ký ức chiến trường không hoàn toàn chỉ là những điều chính mình gặp, mà nó còn là chuyện của đồng đội khác trong đơn vị, thậm chí khác tiểu đoàn, nhưng buộc mình phải nghe, phải biết và phải nhớ.
Khi chiến sự vừa mới qua đi ở Pắc-soong, địch rút về chốt ở cây số 40, còn K18 chúng tôi thì chốt ở bản vườn lê 42, phía dưới bản Păc-kụt một chút. Ở ngoài Bắc thời bao cấp, mọi thứ của ngon vật lạ đều dành cho đâu đâu ấy chứ nên dân thường thì thèm đủ thứ. Đã có mấy ai có được diễm phúc ngồi trong vườn mà thả phanh ăn quả, nhất là những thứ quả cao cấp như Cam, như Đào, như Lê… Thế nên các đơn vị lập chốt giữ quanh các bản có vườn cây ăn quả thì lính tráng giống như Tôn Ngộ Không lọt vào vườn Đào của Vương Mẫu. Cái kiểu ăn của lính khi ở cương vị chủ nhân của trời đất thì không hề giống ai. Ăn mít mật thì rung cây cho quả chín tụt nõ rơi xuống, chỉ việc bốc ăn, khỏi phải bổ. Ăn đu đủ thì chọn quả chín bổ đôi rồi dùng thìa xúc ăn chứ không gọt vỏ. Đào với lê thì chọn quả to ngon mà trẩy, chùi vào vạt áo rồi chén luôn. Thường lúc đầu thì ăn như Trư Bát Giới ăn nhân sâm, sau rồi thì chén đến cả những quả có sâu, bé tẹo. Suốt dọc đường 23, thậm chí trong Cao nguyên chỉ có duy nhất một bản 42 có vườn lê bạt ngàn. Quả lê vỏ xanh, mềm chứ không phải quả Mắc-cọp vỏ nâu cứng ăn hơi có vị chát của vùng Lạng Sơn, Cao Bằng. Bọn C5K18 chốt giữ gần đó, sống như vua nên quên mất rằng dân Lào trên Cao nguyên, những người chủ nhân thật sự của những khu vườn cây trái đó cũng có quyền được hưởng thụ. Dân họ rất dát, nhưng thỉnh thoảng cũng có người liều mạng mò ra các vườn cây. Hôm ấy bọn lính C5 đang chốt quay ra phía Pắc-kụt. Hướng đó quay ra dân hơn là quay ra phía địch nên khá an toàn, thế mà không hiểu sao chúng nó lại tương nhầm dân. Một phần cũng do phía trước chốt cây lá lòe xòe che phủ, mấy người dân đi ra lại lầm lũi không nói chuyện. Họ cứ vạch cây lá đạp đường mà đi vào chốt. Lính ta thấy loạt xoạt là bắn, quên mất quy tắc phải quan sát cho rõ. Lia xong vài loạt AK mà chả thấy đối phương bắn lại. Nghi nghi hoặc hoặc mãi rồi mới mò ra thì đã thấy hai người phụ nữ nằm gục bên vũng máu. Chắc cũng có người chạy thoát. Biết là bắn nhầm dân rồi thì cha con đều sợ, từ thằng lính cho đến cán bộ C, D. Thế là cái chốt ấy phải bỏ, lính chuồn thật xa, để mặc cho dân ra lấy xác rồi sau này coi như là địch bắn, lính ta không biết. Chuyện này khi đó là tuyệt mật với dân, còn tất nhiên lính ta xì xào thì rồi ai cũng biết. Cũng chẳng có ai bị kỷ luật, chắc là chỉ rút kinh nghiệm thôi. Thật đúng là chiến tranh, lạnh lùng và tàn nhẫn. Rơi vào ai thì người đó phải chịu. Đến bây giờ tôi cũng không biết chính xác thằng lính nào đã bóp cò AK hôm đó, nhưng nếu sau này không hy sinh, chắc nó cũng có lúc dằn vặt. Còn chúng tôi thì rút kinh nghiệm đại trà là khi ngồi chốt phải chịu khó quan sát, mở to mắt ra mà nhìn, đừng có mà mắt to hơn người.
Chuyện qua đi, nhưng rồi đến lượt tôi bị vấp trong một tình huống khác. Ấy là khi đang luồn sâu ở đường 23, tại khu trú quân phải canh gác đàng hoàng. Tôi lúc ấy là liên lạc cũng phải tham gia gác. Ca ấy của tôi chỉ tầm mười giờ đêm. Trời mưa nhỏ nên tôi chỉ khoác tấm nilon gập đôi và đi lại nhẹ nhàng quanh cái hầm đại đội. Nếu nằm dưới hầm thì có thể hút thuốc chứ khi gác thì không được. Phải quan sát và dỏng tai lên mà nghe ngóng. Đầu ca gác, mấy cán bộ và lính B6 đi trinh sát tối trở về còn ráp mật khẩu với tôi trước khi về hầm. Tôi cũng hỏi mấy câu chiếu lệ rồi quay ra vị trí gác. Chuyện xảy ra chỉ sau đó chừng mười phút thôi. Khi tôi vừa ôm súng vòng ra mé hầm ngoài rìa khu trú quân thì chợt phát hiện ra một bóng đen lờ mờ trên nền ánh sáng bàng bạc của bầu trời đêm mưa. Chắc bọn thám báo đã bám theo chân mấy bố trinh sát nhà ta mà mò vào đơn vị rồi. Nghĩ vậy, tôi liền ngồi thụp xuống hô to mật khẩu "Sông!" vừa bật chốt an toàn, nhưng tôi vẫn mong chờ tiếng trả lời "Hương!" quen thuộc. Bóng đen không trả lời mà bỗng ngồi sụp ngay xuống. Tôi liền kéo cò súng nhả ngay một loạt vào đó rồi nhảy tạt sang bên cạnh. Không có tiếng súng đáp trả, nhưng loạt AK "tặc.tặc." chìm trong đêm mưa của tôi đã đánh thức đơn vị. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, lính B6 đã có mặt sát bên tôi chi viện. Tôi đoán tên địch đã trúng đạn không kêu được tiếng nào rồi, nhưng vẫn phải mò lên thận trọng vì sợ còn tên thám báo khác. Tại chỗ có bóng đen không có cái xác nào, chỉ có một tấm nilon dúm dó. Mọi người tản ra xục xạo, còn anh Ngữ B trưởng B6 soi đèn vào thì hóa ra là tấm nilon của ta. Mọi người nhanh chóng hiểu ra tình huống: Thằng Bình lính B6 đi trinh sát về vô tình ngoắc tấm nilon lên một cành cây ngoài hầm đã làm cho tôi tưởng lầm cái bóng đen trong đêm nhờ nhờ ấy là người, khi mà trước đó ở chỗ ấy không có gì. Đúng cái lúc tôi hô mật khẩu thì cái tấm nilon ấy lại ngẫu nhiên tụt rơi xuống đất nên đã phải hứng loạt AK của tôi. Tất cả cười khoái trá trong cái ngượng nghịu của tôi, may mà đêm tối không ai thấy rõ. Sáng hôm sau tôi mới bị phê bình. Không phải cán bộ C mà là anh Liêu liên lạc mắng tôi. Anh ấy bảo mày đúng là mắt to hơn người (lại cái câu ấy rồi, mà không hiểu sao trong đơn vị khi ấy hễ thằng nào có làm cái gì do hoảng hốt thì đều bị mắng phủ đầu là "mắt to hơn người"). Lẽ ra mày không cần hô mật khẩu vội mà phải quan sát thêm đã, vì mình đang ở thế chủ động cơ mà. Tôi cũng chỉ biết nhận lỗi chứ chẳng thể phân bua được, tuy trong bụng cũng thấy tức thằng Bình đã vắt tấm nilon đêm đó. Nhưng nghĩ lại cũng thấy đáng đời cho nó vì tấm nilon của nó đã nát toét rồi. Từ nay ráng mà chịu ướt chờ kiếm tấm khác nhé.
Chuyện của tôi tuy có xấu hổ chút ít, nhưng chưa chết ai. Chuyện anh Định B4 (người Nam Hà) sau đó một tuần mới thật là nghiêm trọng. Hôm ấy B4 tổ chức chốt, trời quang không mưa mà còn hơi hửng nắng. Thấy trời đẹp, một nhóm cán bộ B, C mò lên phía trước nắm địch, cũng định kiếm cơ hội làm một trận tập kích lấy khí thế. Bình thường thì khi ở chốt hay luồn sâu mà đi trinh sát thì sẽ theo nguyên tắc đi lối nào, trở về lối đó cho dễ hiệp đồng và bắt liên lạc. Chiều đó, các anh đi trinh sát vẫn theo lối cũ trở về bình thường, chỉ trừ B phó Đương. Có lẽ cũng là số phận hay sao ấy. Tôi đã có lần kể là trong trung đoàn tôi có lệnh cấm lấy quân trang của địch, nhưng nếu có cơ hội thì lính ta vẫn lấy vụng để đem về tuyến sau đổi thuốc. Lần ấy anh Đương cũng đang giấu trộm một cái mũ thám báo vải dù rằn ri. Trong rừng trời mưa, đôi khi anh ấy cũng lấy ra đội. Lần ấy đi trinh sát, anh Đương lại giắt cái mũ trong người rồi vô tình đội lên đầu mà không để ý. Lúc về chốt, anh ấy lại rẽ ngang một mình xuống suối làm gì đó rồi cứ ngược theo sườn dốc ấy mà đi lên chốt. Quanh chốt toàn cây cứt lợn cao ngang đầu người. Anh Định (A trưởng) đang ngồi chốt thấy đám cây phía trước lay động rồi có tiếng người vạch cây loạt xoạt mà đi. Chắc lúc ấy anh ấy cũng hơi buồn ngủ rồi chợt tỉnh, nên khi thấy trên phía lùm cây có cái mũ thám báo nhấp nhô là bắn luôn. Không may là anh Định cũng không phải là tay bắn xoàng. Một loạt AK nổ chói tai kèm cái ngã uỵch và tiếng rống lên ồ ồ không thành tiếng. Anh Định lại bồi thêm một loạt AK nữa cho chắc ăn. Cả chốt nghe tiếng súng cũng vội vào tư thế chiến đấu. Một lúc lâu chẳng thấy thêm động tĩnh gì, mọi người yểm hộ nhau lên kiểm tra thì hỡi ôi, chẳng thấy địch đâu, chỉ thấy anh Đương đã tắt thở trên vũng máu, người lỗ chỗ vết đạn. Anh Định mặt cắt không còn hột máu, quỳ xuống ôm xác anh Đương mà khóc không thành tiếng. Chúng tôi ai cũng sợ.
Liền trong chiều ấy, đại đội cử người khiêng anh Đương về hậu cứ chôn cất. Anh Định cũng bị gọi về cùng để lên tiểu đoàn chịu kỷ luật. Lúc ấy trong trung đoàn tôi chưa thấy có cái gọi là tòa án binh hay gì đó tương tự. Xử lý những trường hợp như tự thương của thằng Tuấn "đen" hay bắn nhầm đồng đội của anh Định, chỉ là lệnh kỷ luật dội từ trên D hoặc trên E xuống. Sau vụ đó anh Định bị khai trừ đảng, cách chức xuống làm lính thường. Vì bản chất con người là mãi mãi còn hiện tượng chỉ là nhất thời (đúng như quan điểm của đảng), nên sau vụ đó anh Định vẫn tiếp tục chiến đấu và công tác tốt, giống như bản chất của người nông dân cần mẫn trên đồng, dù mùa màng có lúc bội thu hay thất bát.
Quân số của đơn vị vơi dần theo thời gian và các trận đánh nếu không kịp bổ sung quân số, nên vài tháng sau, anh Định vẫn phải nhận trách nhiệm tiểu đội trưởng. Hơn năm tháng sau, anh ấy và cả tiểu đội đã hy sinh trong một trận giữ chốt bên bờ sông Se-kong, mặt trận Sa-ra-van. Chỉ có cái nguyện vọng được là liệt sĩ-đảng viên mà anh ấy nhiều lần nói khi còn sống thì không thể thực hiện được vì quỹ thời gian quá ngắn, không thể đủ để anh ấy làm lại từ đầu.
Thế hệ chúng tôi phải công bằng mà nói, sống rất có lý tưởng. Những điều mà bây giờ có rất nhiều người coi là chuyện không đáng quan tâm thì đối với chúng tôi khi đó lại là điều trăn trở. Để khỏi quên do đứt mạch câu chuyện, tôi muốn kể thêm về một người anh khác trong C6 của tôi. B4 cũng có một A trưởng khác là anh Khung người Nam Hà (lại cũng là Nam Hà) là đảng viên. Sau vụ anh Đương bị bắn nhầm, anh Khung lên thay làm B phó B4. Lên được một tháng anh ấy bị khai trừ ra khỏi đảng nhưng vẫn được làm B phó. Lý do, nhà anh ấy ở quê là thành phần trung nông lớp trên (có bát ăn bát để đây), thế mà khi khai lý lịch vào đảng anh ấy chỉ ghi thành phần là trung nông (chỉ đủ ăn no, nếu nhà có nuôi chó nuôi mèo thì phải san bớt chút ít để cho chúng ăn). Vào đảng rồi, sau này tổ chức mới phát hiện ra nên phải khai trừ anh vì đã "không trung thực". Nhưng anh ấy chiến đấu giỏi nên vẫn được làm cán bộ B và vẫn có cơ hội phấn đấu tiếp để lại vào đảng. Anh ấy cũng là nông dân chất phác, sống có lý tưởng nên không nản chí. Hai năm sau, anh ấy lại được kết nạp đảng và được điều sang C5 làm B trưởng. Trong trận đánh Đồng Dù 29/4/1975, anh ấy và hầu hết anh em trong trung đội đã hy sinh trên cửa mở, trước ngày toàn thắng của dân tộc chỉ có một ngày. Nhưng chắc dưới suối vàng, anh ấy cũng ngậm cười vì mình đã là đảng viên, dù chưa kịp trở thành đảng viên chính thức.
Các anh Định anh Khung ơi, hãy tha thứ cho em là đã đem chuyện của các anh ra kể. Dẫu biết rằng các anh chẳng cần gì, nhưng xin cứ để cho em nói ra một lần, âu cũng là thêm một lần tưởng nhớ tới các anh, để thêm một lần bày tỏ lòng biết ơn các anh đã hy sinh để cho những thằng như em được sống.
...
|