Trongc6
Thành viên

Bài viết: 495
|
 |
« Trả lời #443 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 08:26:08 am » |
|
…… Mùa mưa đầu tiên trong chiến trường tôi đã hưởng cái đói. Mà kể cũng lạ, khi ở nhà tiêu chuẩn gạo cán bộ của bố mẹ tôi chỉ có 13,5 kg một tháng (tôi khi đang là học sinh lớp 10 được hưởng cao nhất là 15 kg một tháng) thế mà sao vẫn đủ ăn, không thấy đói. Mà tiêu chuẩn đó là quanh năm, niềm mơ ước được đong gạo bông không bao giờ sợ đói so với dân làng ở quê đấy nhé. Vào trong chiến trường tiêu chuẩn là 21 kg một tháng, nhưng đó là trên giấy thôi, còn thực tế là có đến đâu phát đến đấy, thường là ít hơn. Bắt đầu từ lúc ăn 5 lạng một ngày là thấy đói, thấy thèm ăn rồi. Mà ở đất Nam Lào này mùa mưa chỉ có gạo nếp. Mùa khô thì có gạo đồ của Trung Quốc, thứ gạo không nở và không thể nấu thành cháo. Thành ra gạo nào thì cũng đói. Trên chiến trường Lào, lúc gay go nhất là ăn 3 lạng một ngày. Mỗi bữa một lạng cơm nếp nắm lại chỉ to hơn quả trứng vịt. Nhưng cơm nếp có ưu điểm là để được lâu hơn. Đi chốt cả ngày hay thậm chí 2 ngày chỉ cần tiếp tế cơm một lần. Khi nấu cơm nếp cho tí muối vào là đủ độ đậm, không cần thức ăn. Cũng vì trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến ăn nên lính tráng đi đến đâu cũng ngó nghé tìm ăn. Của rừng cũng được mà của dân cũng xong. Bản bỏ ven đường 23 nhiều đấy, nhưng không phải lúc nào cũng được đi qua, hay cây cối cũng phải có thời gian cho nó mọc chứ. Thế là cái từ "bài ca ống cóng" ra đời. Lính mà kém cái phần "ca cóng" là coi như kém hẳn một khả năng để tồn tại.
Đợt cuối tháng 8 năm 1972 các đơn vị phải đi cùi cõng gạo đạn chéo cho nhau nhiều lắm. Thông thường cùi từ kho trung đoàn về kho dã chiến tiểu đoàn. Khi các C đi nhận gạo từ kho tiểu đoàn về, chúng tôi không được lĩnh gạo theo cân có đóng bao, mà nhận gạo theo đong soong. Một gạt bằng của soong 6 tương đương 5 kg gạo. Tức một nỗi nữa là cái soong dùng để phát gạo cho lính gao giờ cái đít cũng bị lõm vào trong một ít, nên một soong chắc không đủ 5 cân. Đi lĩnh gạo từ kho tiểu đoàn về C thì chúng tôi rất nghiêm chỉnh. Chỉ khi cùi gạo trung chuyển chúng tôi mới giở trò. Thoạt đầu chúng tôi cũng hiền lắm, nhưng hiền cũng không xong. Lúc nhận gạo ở kho trung đoàn, thường bọn ở kho đong cho chúng tôi bắng cái soong lõm đít. Khi trả gạo ở kho tiểu đoàn thì bọn ở đây lại nhận bằng cái soong lồi đít. Thế nên bao giờ chúng tôi cũng bị thiếu gạo. Tình ngay lý gian, lính tráng bị chửi mắng, nhưng chúng tôi cùi cõng theo cả đội hình, có cán bộ C đi kèm thì làm sao ăn cắp gạo. Có tụt hết tất cả ra mà khám thì cũng chẳng tìm được gì, cuối cùng là hòa cả làng. Vậy là 2 thằng thủ kho 2 đầu ăn gian đã dạy cho chúng tôi cũng chẳng cần thật thà làm gì cho mệt. Thế là dù không bảo nhau, nhưng thỉnh thoảng (chỉ thỉnh thoảng thôi) khi cùi gạo, lúc qua suối, thằng nào không phải mang súng là xoay cái cùi gạo nặng hơn hai chục cân của mình lại, ôm chặt trong lòng rồi vừa lội suối vừa cởi nút bốc ra một nắm gạo cho vào cái bình tông đeo bên mình, rồi buộc lại xong nút gùi thì cũng vừa vặn đi qua bên bờ kia suối. Làm thế không dễ đâu nhé, nhưng rồi cũng làm được. Mà ở cái bình tông cũng phải có độ non nửa là nước trong đó, vừa để ngụy trang, vừa không làm cho gạo bị nát mủn. Buổi chiều về đến nhà gom lại chui vào góc hầm nấu cháo là tối đến mỗi thằng cũng được lưng bát cháo hoa. Làm ít và kín đáo nên mùa mưa đó chúng tôi chưa bao giờ bị lộ. Âu cũng là cảnh đói ăn vụng, túng làm liều như các cụ đã dạy.
Đấy là đánh lẻ khi ở hậu cứ. Ra tuyến trước thường không có gì. Trong rừng chim thú cũng nhiều, nhưng phải tùy vùng. Lại phải giữ bí mật nơi trú quân, nên thường chỉ có đi lùng sục lẻ mới có thịt thú rừng ăn. Đợt cuối tháng 8 năm đó, chúng tôi còn được đi cải thiện thịt ngựa theo chủ trương của tiểu đoàn. Số là khi ta giải phóng thị trấn Pắc-Soong, địch rút chạy đã đành, cả dân ở trong toàn thị trấn và ven đường 23 cũng chạy tứ tán. Các loại gia cầm gia súc được tháo cũi sổ lồng chạy hết vào rừng. Bên Lào thì chỉ cần đi ra khỏi bản độ vài trăm mét thì đã là rừng rồi. Ngày đầu chính sách dân vận được thực hiện nghiêm lắm, nhưng trò đời cái gì để lâu chẳng hóa bùn. Đuổi địch mãi thì cũng phải có lúc dừng lại làm hậu cứ trú quân. Lúc bận quá không sao, nhưng lúc có tí rỗi rãi, tất "nhàn cư vi bất thiện", mà cái bất thiện đầu tiên tất phải hướng đến cái dạ dày. Lính tráng trong các C tìm dịp lần mò quay lại các bản cũ tìm ăn, dù đường xa có khi tới trên hai chục cây số. Cái gì ngon xơi thì làm trước, hết nạc là vạc tiếp xương. Lũ gà vịt vốn là loài thuần hóa, không thể bỏ đi xa, chạy loạn chỉ ít hôm là phải quay về kiếm ăn quanh bản nên được hóa kiếp đầu tiên. Tiếp theo là đám lợn lười nhác và ngốc nghếch lần lượt chui vào bếp lính. Giải phóng Pắc-Soong nửa năm thì các bản trở thành bản hoang hết lượt. Tuy thế có hai loài nhanh chóng thích nghi với đời sống hoang dã của tổ tiên chúng bởi dễ kiếm cái ăn trên những bãi cỏ mênh mông ven các cánh rừng, đó là bò và ngựa. Chúng sống luôn trong rừng và xa lánh con người, nên đã tồn tại được trước sự tham ăn và thèm khát của những anh lính Bắc Việt. Nhưng chết nỗi là loài vật cũng nhiều khi có tình có nghĩa. Chúng chưa hoang dã hoàn toàn nên đôi khi cũng nhớ chủ, nhớ chuồng. Thỉnh thoảng chúng cũng về kiếm ăn ở các bãi cỏ cạnh bản.
Đầu tiên không ai để ý điều này, nhưng bọn lính trinh sát trên trung đoàn phát hiện ra trước. Bọn trinh sat E vốn được đi loăng quăng nhiều nơi trên địa bàn rộng và chỉ thật bân bịu khi đánh cỡ Tiểu đoàn trở lên (mà những trận đánh như thế thì cả năm có khi đếm chưa hết 5 đầu ngón tay). Đầu tiên chúng nó ngỡ là của dân đang chăn thả, vì một số bản phía trong Cao nguyên vẫn có dân, mãi sau mới đoán ra là những con thú đi hoang. Lúc đầu là trung đoàn cho các C trực thuộc bắn để cải thiện chất tươi. Về sau dưới các tiểu đoàn cũng tham gia cải thiện. Các đại đội cử lính, thường là tốp 3 người về vùng quanh thị trấn Pắc-soong tìm kiếm. Những con bò chậm chạp hơn nên bị săn bắn trước tiên. Ba thằng lính cũng không khiêng nổi con bò, nên sau khi cắt sẻ mang được bao nhiêu thì mang, còn lại vứt đó về báo tọa độ cho các C khác trong tiểu đoàn đến lấy nốt. Cũng có khi gặp lính C trực thuộc thì chia sẻ luôn, ngược lại cũng vậy. Ở vùng này hiếm thú dữ nên khá an toàn. Bắn được bò thì bao giờ nhóm cải thiện cũng phải chén trước. Thường chúng tôi đi săn phải mất hai ngày, lại xa địch nên thể nào cũng nổi lửa thưởng thức trước đã. Sau đó thì tùy tình hình mà trở về. Hôm nào bắn được bò vào lúc chiều tối thì nghỉ luôn tại chỗ, hôm đó là khỏe nhất. Mà cả con bò chúng tôi cũng chỉ lọc lấy phần thịt, còn xương, da và đầu, chân vứt lại. Đấy là lúc đầu thôi. "Miệng ăn núi lở" nên dần dà về sau mang được đến đâu là mang tất về, anh nuôi khắc lo chế biến.
Rồi bò cũng tuyệt chủng luôn. Lúc ấy chúng tôi phải quay sang bắn ngựa. Những con ngựa nhanh lắm, nên gặp bất thình lình thường không bắn được mà phải phục kích. Mỗi lần đi săn phải dài ngày hơn. Bây giờ thì các anh người dân tộc phát huy thế mạnh vì khi ở nhà họ cũng đã quen săn bắn. C nào cũng có lính dân tộc nên thế mạnh ngang nhau. Đại đội tôi có anh Quân (Mường) cũng thiện nghệ lắm, nhưng anh ấy là B trưởng nên không thể cử đi bắn ngựa. Thường là C tôi cử anh Sơn (Tày) làm tổ trưởng đi săn, còn lại là lính như bọn tôi. Mỗi lần đi thì chỉ có khác nhau là dài hay ngắn ngày thôi, chứ thể nào đại đội cũng có thịt ngựa ăn. Thịt ngựa đem về chỉ làm độc mỗi món luộc chấm muối, ăn cứu đói rất tốt nhưng nói thật là tôi thấy nó không ngon, cũng gây gây như kiểu thịt khỉ. (Chắc là do khi đó chẳng có rau cỏ gia vị gì để chế biến chứ bây giờ người ta bảo thịt ngựa Sóc Sơn đem về Hà Nội bán được chế biến ngon còn đắt hơn cả thịt trâu, thịt bò).
Vào cái giai đoạn mà cả bò và ngựa hoang đã vãn ấy, một lần cả trung đoàn được thông báo C hỏa lực bắn được một con voi rừng rất to bên đường xe bò gần bản Pắc-Kụt, các đơn vị cử người đến mà xẻ thịt. Chả có chia bôi gì, anh nào đến trước lấy được bao nhiêu cứ lấy. C tôi cũng vội cử 3 người mang theo gùi và dao sắc đi. Đến tới nơi đã có nhiều lính của các C khác. Bọn bắn được voi và tụi đến trước đã cắt hết cả vòi, tai và đế chân rồi, nghe bảo đó là những thứ có thể coi là ngon của con voi. Các C đến sau hè nhau lột da, cắt thịt đã hết nửa con voi. Nhìn cái bộ khung xương to dính máu trông phát ghê, chúng tôi phải hè nhau dùng gậy bẩy và lật phía bên kia của con voi để cắt thịt. Chắc cuối cùng con voi chỉ còn lại xương với da. Đem về nhà luộc thịt voi lên chấm nước muối ăn, mới hiểu câu nói của các cụ: "trăm voi không được bát nước xáo". Nhạt thếch.
Hai hôm sau, tưởng không còn nói gì đến chuyện con voi nữa thì trung đoàn thông báo: C hỏa lực bắn nhầm voi của dân. Chỗ bản Pắc-Kụt tuy cũng là bản bỏ, nhưng vẫn là đất rừng của dân Lào thì đương nhiên họ có quyền chăn thả voi. Thằng lính hỏa lực người Hà Tây hôm đó mắt to hơn người, cà là tóe mới nhìn đã vội tưởng voi rừng nên tương cho một loạt AK rồi về báo công. Cũng phúc tổ bảy mươi đời nhà nó là voi nhà đã thuần dưỡng thì mới bắn được như thế chứ nếu voi rừng thì có khi ra bã rồi. Thịt voi ăn đã chẳng ra gì lại còn bị dân bắt đền. Trung đoàn phải cử cán bộ đến xin lỗi và đền mất một tạ muối. Nhưng khi đó chúng tôi cũng thiếu muối nên phải quy ra tiền (kíp Lào) trả cho dân, lính tráng đương nhiên phải nhịn ăn bớt phần đi về vùng dân mua lợn mất hơn tháng. Trung đoàn có lệnh từ nay cấm bắn voi, nhưng chuyện đó giống như "mất bò mới lo làm chuồng" vì về sau cũng chẳng khi nào chúng tôi gặp voi mà không có dân đi kèm.
…
|