Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 03:30:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323522 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #410 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 06:12:06 pm »

Hình như chiều 29/4/75 còn có 1 tốp F-4 bắn tên lửa xuống trận địa PK của QD2 (bọn Mỹ cũng công nhận vụ này).
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #411 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2010, 05:52:25 am »

Hình như chiều 29/4/75 còn có 1 tốp F-4 bắn tên lửa xuống trận địa PK của QD2 (bọn Mỹ cũng công nhận vụ này).

Thông tin tổng kết của bác Buff đây.

http://www.quansuvn.net/index.php/topic,4243.msg59361.html#msg59361

Trích dẫn từ: OldBuff
Kết hợp cả nguồn ta (sử f367 PK) và địch (báo cáo tổng kết Op. Frequent Wind như được nêu), thì trận đánh đó như sau: Ngày 29/4/1975, Đại đội 13 Tiểu đoàn 105 Đoàn cao xạ Hồng Lĩnh Sư đoàn phòng không 367 phối thuộc cùng mũi thọc sâu của Quân đoàn 1 tiến quân theo trục đường từ Tân Uyên qua Lái Thiêu về hướng Sài Gòn. Hồi 14 giờ 45 phút tại một điểm gần Tân Uyên, một tốp 4 chiếc F-4E Wild Weasel thuộc Không đoàn tiêm kích chiến thuật 388 Liên đoàn Không quân số 7 phát hiện trận địa của Đại đội 13 đang tham gia bảo vệ đội hình hành tiến cho mũi thọc sâu của Quân đoàn 1. Một chiếc F-4 cắt bom chùm bi trúng trận địa cao xạ khiến 5 chiến sĩ C13 là Nguyễn Hồng Sáu, Nguyễn Văn ấm, Trần Xuân Quang, Trịnh Tiến Thơ, Đinh Công Trai hi sinh.

Vụ F-4 với cả F-14 thì đây:

Logged
dream_kgb
Thành viên
*
Bài viết: 25


« Trả lời #412 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2010, 09:44:06 pm »

 Bác Trọng dạo này bận bịu gì thế ạ ?
Logged
minh son
Thành viên
*
Bài viết: 14


« Trả lời #413 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2010, 03:06:39 am »

Chào Trongc6 !Bài anh viết rất hay ! Đặc biệt là những cảm nghĩ ,rất chân thực ,rất sống động và...rất lính ! Không phải lính bây giờ mà đúng kiểu lính thời đánh Mỹ. Điều này chỉ có những người cùng thời mới " ngửi " thấy được. Mình là lính công binh ở Bắc Lào ,cũng có dính "tí" đánh nhau .Đúng như anh viết đấy,đánh nhau với bọn ngụy Lào cứ như đùa,như đánh trận giả .Chỉ có súng , đạn ,máu và cái chết là thật thôi ! Chúc anh khỏe !
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #414 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2010, 09:39:33 pm »


   Ở hậu cứ ít ngày, bên cạnh việc cùi cõng đạn gạo, ngày nào đại đội cũng phải cử người đi "cải thiện". Thường là một tốp 3 người do 1 lính cũ đã khá thông thạo địa hình vùng này dẫn đi. Mỗi người chỉ mang theo 1 khẩu AK có 1 băng đạn và 1 quả lựu đạn cho nhẹ. Để giữ gìn ba-lô, lính tráng chúng tôi ai cũng sắm cho mình một cái "gùi" chuyên dùng cho việc đi cải thiện hay cùi gạo, đạn. "Gùi" là một cái bao to như kiểu bao tải gạo, làm bằng vải Pông-xô lấy của địch (loại vải này không thấm nước, rất bền, dai). Lính tự khâu theo ý của mình cho vừa chiều ngang khổ người, nhưng phải đủ đựng được khoảng 35-40 kg gạo. Quai "gùi" được cắt ra từ quai ba-lô của địch. Lính mới vào thì mượn của lính cũ, sau đó nhờ lính cũ kiếm cho. Thứ này ở các căn cứ cũ của địch bị ta chiếm có nhiều. Chịu khó bới trong hầm, đem về giặt là xong. Nhiều khi chỉ cần xin lính cũ vì mỗi khi có dịp đi cải thiện gần căn cứ cũ của địch là nhiều anh lấy về làm mái che mưa cho lán.

   Thích nhất là đi cải thiện ở mạn đường 23. Nơi đó có rất nhiều bản cũ của dân, vườn tược cây cối bỏ hoang vì dân đã chạy từ lâu. Pắc-Soòng là thị trấn thì không nói làm gì, nhưng suốt dọc đường từ đó vào đến Bãi Đá dài 25 cây số thì có không biết bao nhiêu là bản cùng các căn cứ cũ của địch. Khi đó các căn nhà sàn của dân hầu như đều bị làm thịt. Dân Lào thì ra gỡ về để dựng nhà ở các bản "may", còn lính trung đoàn thì lấy về làm nhà thùng cho E bộ cho nó hoành tráng. Nhà sàn ở đây rất to, gỗ tốt nhưng mái lợp thì lại chủ yếu là tôn múi. Ngoài E bộ ra thì ở các D bộ cũng gỡ về một ít phục vụ nhà hầm chỉ huy. Chỉ có các C thì không dùng vì cũng chẳng cần đến thế. Hơn nữa lính đi cải thiện lấy đồ ăn là chính, còn sức đâu mà vác thêm tấm tôn về cho C bộ. Chỉ có ở tiểu đoàn bộ, bọn trinh sát hay thông tin đi địa hình lúc về tay không kết hợp vác tôn mà thôi.

   Bản nào ở đường 23 cũng có vườn. Bị bỏ hoang thì cây còi đi một chút, nhưng mùa mưa đến thì nó lại được dịp phát triển. Những thứ lấy về cải thiện chủ yếu là mít, chuối, đu đủ, măng và dứa dùng để nấu lên làm thức ăn. Còn các loại hoa quả khác như bưởi, chanh, lê, đào, xoài, táo… thì chỉ lấy ăn chơi và mang kết hợp về cho anh em trong A nhấm nháp buổi tối thôi. Dạo đó chúng tôi ăn gạo nếp, tiêu chuẩn 4 lạng, rồi 3 lạng một ngày nên đói lắm. Được đi cải thiện ra mạn đường 23 là chén thật lực các loại hoa quả vớ được. Kể ra đây thì nhiều loại như thế, nhưng vì đại đội nào cũng cử quân đi, mà lính thì thằng nào cũng giỏi sục sạo, ăn mãi đến rừng cũng phải cạn nên dần dần muốn có cái gì đó cũng phải chịu khó tìm kiếm. Đôi khi phát hiện được vườn hoang nào đó mà ẩn khuất thì phải đánh dấu, giữ kín và xin đi cải thiện liên tục để khai thác. Vùng cao nguyên này có 3 thứ quả gây ấn tượng mạnh trong tôi. Thứ nhất là đu đủ. Có một vườn cây mà các anh C tôi phát hiện được ở tít mãi bên Nam đường ngang với bản 40 (Dọc đường 23 không thể phân biệt rõ từng bản, chúng tôi gọi các cụm nhà dân theo cột cây số). Cây đu đủ ở đó to và sai quả vô cùng. Một lần 3 anh trong C tôi đi lấy mà không thể xếp vào cùi cho gọn được, đành chặt gậy làm đòn để gánh. Vai khoác AK, mỗi anh chỉ đủ sức gánh nổi 6 quả vì nó to quá. Số đu đủ ấy đại đội sào ăn đủ 3 ngày.

   Loại quả thứ hai là chuối. Cả vùng cao nguyên Bô-lô-ven chỉ có mỗi một giống chuối tây, không hề có chuối tiêu. Dân họ trồng nhiều như rừng, suốt hai bên đường xe bò hoặc lan từ vùng nương này đến vùng nương khác. Muốn lấy chuối không phải xin. Có thể lấy chuối xanh để xào hoặc lấy bắp-bi, thậm chí mới chỉ là bắp-bi của cây chuối có chửa mới nhô ở ngọn cũng được, không hề gì vì nó rất nhiều. Còn chuối chín cây hay chuối già lấy về dấm ăn dần, xin cứ tự nhiên. Có điều nên thực hiện một quy ước nhỏ thế này: Thấy cây chuối ra buồng mà quả đã già thì chặt đổ hộ cây chuối đó xuống. Không muốn lấy quả mà cứ để đó cho quả tự chín cũng được, để cho nó tự thối hoặc lợn rừng hay thú rừng khác vào ăn. Mục đích chặt đổ cây chuối chỉ đơn giản là để thân cây đó chóng thối, mau lấy chỗ cho chồi cây đẻ mới có chỗ mọc. Chuối tây nhiều chỗ quả rất to, nhất là ở rìa nương. Có một lần chúng tôi khiêng một buồng già về hậu cứ, tới khi chuối chín đố nhau ăn mà kẻ đạt danh hiệu vô địch cũng chỉ cố nuốt được 4 quả.

   Loại quả thứ ba là dưa chuột. Đúng là giống dưa chuột chứ không thể nhầm là loại dưa nào khác như dưa bở, dưa gang hay dưa hấu, vì nhìn vỏ và ruột nó biết ngay. Nhưng tính từ "chuột" gắn với tên dưa không còn đúng, vì những con chuột cống trong các cống ngầm ở thành phố cũng phải gọi kích thước các quả dưa chuột ở đây là cụ. Dưa chuột gì mà quả nào quả nấy đều dài và to như bắp chân. Chúng nằm trên nương nần nẫn và lăn lóc như đám lợn con.

   Dọc đường 23 còn có nhiều vườn mía và chè. Ở đây người dân trồng nhiều loại mía tím gióng ngắn, thân to và giòn như mía Tuy Hòa, ăn rất ngọt. Loại này khi bị bỏ hoang thì thoái hóa nhanh chóng. Còn một loại thứ hai là mía trắng vàng gióng dài thân nhỏ chỉ bằng nửa cổ tay, trồng thành bãi rộng hàng hec-ta. Những bãi mía này tuy không chăm sóc mấy nhưng mọc rất khỏe, chuyên dùng cho voi ăn. Người ta cứ chặt từng vác đem ra cho voi chén. Chúng tôi rất thích những bãi mía này, chui vào tít trong chén đến chảy máu lưỡi mới chui ra. Công bằng mà nói, khi đói ăn mía dễ hơn ăn chuối. Có thể không có cơm mà vẫn tồn tại được trong bãi mía cả tuần, nhưng nếu lạc vào vườn chuối chắc không trụ nổi ba ngày.

   Tất cả cái nguồn sản vật của dân dọc đường 23 để lại hấp dẫn như thế, nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng đến được vì đường xa quá. Những chỗ gần cách ba bốn giờ đi đường thì cạn dần thứ lấy được. Chỗ xa hơn thì không kịp về trong ngày vì còn phải sục xạo nữa. Mà cái việc lọ mọ tìm của ăn được mất nhiều thời gian lắm, đâu phải cứ tới nơi là lấy được ngay. Vì thế nhiều khi chúng tôi phải tìm đến các nương gần đó của dân để xin các thứ họ trồng. Mùa mưa, thứ sẵn và nhiều nhất là dưa chuột. Từ hậu cứ chỉ đi độ dưới một tiếng là đến nương có dưa. Dân Lào trồng dưa không phải chỉ để ăn. Họ vãi hạt trồng dưa đầy trong nương lúa mục đích để dưa mọc kín không có chỗ cho cỏ mọc. Đặc biệt lắm mới có một vài nơi người ta vãi hạt cải xanh hay hạt cây bí ngô. Những thứ đó chỉ cần xin dân một lần rồi tự nhiên lấy mãi. Cải xanh và bí ngô mà lính càn lần nào là tan hoang lần đó. Chỉ dưa chuột là gần như vô biên. Nhưng dưa chuột đem về thái ra xào ăn không hấp dẫn lắm, chẳng qua ăn cho có chất rau. Mà ngay cả mọi thứ thức ăn khác cũng vậy vì thực ra cơm nếp (nấu cơm chứ không ai hơi đâu mà đồ xôi) đâu có cần ăn cùng thức ăn.

   Ngoài dưa chuột ra thì củ kiệu cũng có sẵn. Dân Lào trồng kiệu để ăn, nhưng họ trồng nhiều lắm. Có khi cả một quả đồi bát ngát trồng toàn kiệu. Cây kiệu đẻ nhánh như hành, nhưng phát triển nhanh hơn. Búi kiệu lúc mới trồng chỉ to bằng miệng bát, thế mà về sau nó to thành đám đường kính đến gần hai gang tay. Dân họ bảo, bộ đội Việt nên lấy từng nửa búi một thôi để cho kiệu nó còn mọc tiếp, nhưng lính mình nhiều khi ẩu lắm. Đáng lẽ lấy dao găm xén ra một nửa thì lại bậy cả búi lên cho nhanh vì chỉ dăm sáu búi là đầy chặt gùi. Nhưng phải cám ơn và thừa nhận là dân Lào họ hiền và cần cù nhẫn nại lắm. Nhờ có các bản dân mà cuộc sống của chúng tôi đỡ cực rất nhiều so với các chiến trường khác. Sau này khi về miền Nam, quen cái kiểu tàn phá như bên Lào, không ít lính trong E tôi bị người dân tộc bắn chết hoặc gài lựu đạn gây thương vong khi mò vào các nương của dân định kiếm chác. Nhưng đó là chuyện về sau…

Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #415 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2010, 10:14:50 am »

….

                 Ma cũ bắt nạt ma mới. Chuyện đó ở đâu cũng có, chẳng bao giờ thoát được. Những ngày đi cải thiện cùng lính cũ, vì phải tiếp xúc dân nên hai đợt lính Hà Nội và Nam Hà vừa vào được lính cũ dạy tiếng Lào. Mục đích học ban đầu chỉ đơn giản là để chào rồi xin các thứ rau cỏ. Các nhu cầu khác xét sau. Mấy bố lính cũ mà điển hình là quản lý và y tá người Hà Bắc trong C tôi bắt đầu nghĩ chuyện tai quái. Họ giả vờ ân cần rồi dạy từ bậy bạ cho bọn tôi. Ghi chép ra giấy để luyện học hẳn hoi nhé. Nhưng bọn lính Hà Nội cũng không phải gà mờ. Học được câu nào với người này, chúng tôi áp dụng ngay với người khác trong C, sau đó là hỏi nhiều người một cách độc lập. Những câu bậy bạ không được thống nhất, mỗi người giải đáp một cách nên chúng tôi phát hiện ra ngay. Thằng Thái "Pi tơ" còn láu cá hơn. Một lần đi cải thiện, nó lủi ra nương làm một giấc ngon lành. Chiều về tay không, nó trả lời đại đội là theo như các anh dạy nó đã nói như thế, như thế… nhưng dân họ đuổi đi không cho. Đại đội nghe biết đúng là bậy bạ thật nên chẳng làm gì được nó. Cuối cùng CTV phó C tôi là người Tày phải họp tuyên bố chấm dứt bậy bạ và cử người dạy có trách nhiệm cho chúng tôi tiếng Lào. Sau này các đợt tân binh khác vào cũng chỉ có một vài lính cũ nói chuyện bậy bạ được vài câu lẻ tẻ rồi dần dần tịt hẳn.

                 Cùng cái đợt tân binh Nam Hà bổ sung, một lần toàn C tôi báo động hành quân chiến đấu rồi kéo nhau ra rìa một cái nương của dân. Tất cả lính tráng cũ mới đều được lệnh trải ni-lon rồi xếp toàn bộ quân tư trang ra đấy. Có cả một cán bộ D xuống kiểm tra. Họ ghi chép vào sổ tay cẩn thận, xác định mỗi lính chúng tôi có gì để sau này quản lý việc thực hiện chính sách chiến lợi phẩm cho tiện. Chỉ ghi quân tư trang cá nhân thôi. Nói chung là chúng tôi đều không có gì. Chỉ còn vài người có sổ tay để ghi chép nhật ký hay ghi linh tinh việc cá nhân. Thế mà họ cũng mở ra xem chúng tôi ghi cái gì. Nhưng có một trường hợp là thằng Thái "Pi tơ" có một cái nhẫn vàng hai chỉ. Vì chúng tôi cũng đã qua đôi ba trận đánh rồi nên các thủ trưởng nghi vấn, định tạm thu. Mấy thằng lính Hà Nội chúng tôi phản đối và xác nhận cho nó, đây là cái nhẫn mẹ nó cho lúc đi chiến trường. Nhà nó chỉ còn có mẹ và em gái, nhà làm nghề thủ công, chả dư dật gì, thế mà không hiểu sao nó vẫn cầm của mẹ nó mang đi. Các thủ trưởng cũng chưa tin đâu, nhưng may quá nó lôi ra được một mảnh giấy của C phó Hảo (cán bộ huấn luyện dẫn quân vào chiến trường) có ghi xác nhận cho nó khi đi chiến trường có mang theo một cái nhẫn hai chỉ. Chả có dấu má gì, nhưng dù sao cũng có sức thuyết phục ít nhiều. Thế là tài sản đó được ghi nhận. Về sau mỗi khi có đợt tân binh vào, trước khi chia quân các thủ trưởng đều bắt khai tài sản quý, nhưng chả ma nào có. Trường hợp của thằng Thái "Pi tơ" cũng chỉ có một và tôi biết chắc rằng cái nhẫn đó chính là nó mang đi từ miền Bắc.

                 Trong chiến trường chúng tôi không bao giờ được biết đến tiền phụ cấp. Nhưng hậu cần E và D vẫn được mặt trận phát cho tiền Kip của Lào để mua thực phẩm bổ sung cho lính. Ngoài gạo muối là thứ bắt buộc phải cấp ra, thứ khác phải lo tại chỗ. Rau cỏ cải thiện thì tự kiếm loanh quanh. Còn thịt thì từ cấp tiểu đoàn có tổ chức các nhóm công tác đi về các vùng dân phía sau để mua lợn. Bọn đi mua lợn này gần như là chuyên nghiệp quanh năm. Một nhóm 4 hay 5 người đi mấy ngày đường về vùng dân, có khi xuống tận gần đường 13. Lùng mua được hơn chục con lợn thì dong về như các mục đồng chăn ngựa sống trên thảo nguyên. Về đến đơn vị nghỉ vài ngày rồi lại đi mua đợt khác. Chẳng hiểu duyên cớ gì mà hai thằng lính Hà Nội trong C tôi là thằng Sưởng và thằng Thái "Pi tơ" đều được gọi lên tiểu đoàn để xung vào đội quân đi mua lợn do anh Choát chỉ huy. Chúng nó xa rời cảnh đánh nhau và cùi cõng của đơn vị. Đi mua lợn thì tác phong lúc nào cũng chỉ túc tắc và lững thững như lợn đi vậy thôi. Chúng nó luôn gần dân và thuộc loại đi công tác lẻ, tự do nên sinh hoạt rất đầy đủ, không gặp cảnh lúc nào cũng thèm ăn như anh em trong đơn vị. Cũng có cái hay là đôi khi chúng tôi cũng nhờ vả được tí chút. Trong đơn vị chúng tôi có quy định cấm lấy quân trang của địch. Thế nhưng dân Lào ở các vùng tự do rất thích quần áo và mũ của địch, vì nó đẹp và bền. Vậy là khi đánh trận, chúng tôi lén lấy những thứ đó nếu thấy nó còn mới và đem giấu đi. Sau đó gửi bọn đi mua lợn đem ra vùng dân đổi hàng. Cũng chả được bao nhiêu đâu. Một cái mũ vải dù hoa đổi được một cái bật lửa gần giống như bật lửa Trung Quốc và 5 viên đá lửa. Một cái quần hoặc áo trông còn mới thì đổi được 3 bao thuốc lá đầu lọc nhãn "Tô A". Vậy thôi, nhưng vẫn khoái lắm.

                 Cuối tháng sáu năm 1972, tiểu đoàn chúng tôi nhận lệnh chuyển sang hướng Nam đường 23. Như vậy là K15 ở hướng đường 231 khu bản Soan, còn K16 vẫn ở tuyến sau. Các C trực thuộc thì đi phối hợp xen vào các D bộ binh, chủ yếu là C hỏa lực và C công binh. Mùa mưa này nước huội Chăm pi lúc nào cũng đầy. Vì sang Nam đường bắt buộc phải qua Huội, địa bàn rộng nên công binh đi dọc suối tìm chỗ có cây to. Họ hạ cây to đổ ngang suối rồi đẽo bớt cành để làm cầu. Có hai ba lối đi sang như thế. Cây gỗ tuy to nhưng vì thân tròn nên đi qua cũng khá trơn và chênh vênh vì chẳng có tay vịn. Về sau công binh phải dùng dao băm vào thân cây thành khía cho thêm ma sát.

                 Cả C tôi sang hẳn bên Nam đường và luồn vào khá sâu. Có lẽ nơi nào gần đường thì mới có nhiều bản dân hoặc nhiều căn cứ địch. Những chỗ thuộc vùng sâu núi non hiểm trở, rừng già nhiều cây cổ thụ thì chỉ có ý nghĩa làm nơi trú quân cho quân ta là chính. Mạn Nam đường cũng có những con suối to. Lần này B4 phải đi sâu hơn qua một con suối, còn hai B chúng tôi nằm bên ngoài hướng ra phía đường 23. B4 làm chốt trên đồi bên kia, có cả anh nuôi ở chung hàng ngày lo cơm nước. Mấy ngày đầu có vẻ ngon lành, nhưng sau đó thì mưa tầm tã, nước suối dâng cao như lũ, B4 bị cách li. Thấy nước suối có vẻ cứ đầy lên không chịu rút, mà đường sang ở đoạn này thì khó hơn cả bên huội Chăm pi phía bản Soan, lại không có công binh hỗ trợ nên đại đội rất lo. Nếu địch phía bên đó sục vào đánh nhau với B4 thì không biết chi viện thế nào. Mà hết gạo ăn cũng gay chứ không phải chuyện chơi. Đến một ngày trời tạnh, thấy bên đó nổ súng đì đùng. Rồi bẵng đi rất lâu lại có tiếng B40. Cuối cùng thì tất cả câm tịt, mà lạ là cũng chẳng có bom pháo. Đại đội đoán B4 đụng thám báo, chắc tiêu diệt gọn cả lũ ấy rồi. Hai bên vẫn không liên lạc được với nhau, mà trời lại tiếp tục đổ mưa. Hơn một tuần như thế, không hiểu B4 ăn bằng cái gì, liệu có củ gì mà đào không. Có người đoán già đoán non là B4 đi sâu tiếp vào rất xa, gặp một cái bản nào đó và nương tựa vào dân.

                 Chúng tôi liên lạc về tiểu đoàn nhờ chi viện, cuối cùng thì cũng sang được với B4. Hóa ra các anh ấy chẳng hề đi đâu cả, vẫn trụ lại trên ngọn đồi với hầm hố đầy đủ, chả ai sứt sẹo gì. B trưởng Tuyền nhe răng cười bảo, chúng mày liên lạc chậm quá, sao không mò sang sớm. Hóa ra cái hôm có tiếng súng là ở bên ấy không hiểu sao có một chiếc trực thăng của địch mò tới. Nó bị trục trặc làm sao mà sa vào cả ngọn cây rồi rơi xuống đất. Anh nuôi Đức người Nam Hà ở gần đó vác AK mò tới, bắn chết được cả 3 thằng trong máy bay. B trưởng Tuyền cho quân ra chi viện, mò vào máy bay thấy mấy thùng hàng mở ra toàn đồ hộp. Anh ấy cho lính khuân về sạch rồi cho B40 bắn cháy máy bay, đề phòng trong đó có máy phát gọi được máy bay khác chi viện thì gay cả lũ. Hết gạo, không liên lạc được với đại đội, anh ấy cho lính ăn đồ hộp trừ cơm. Toàn là hộp cá tròn 2 lạng, chế biến giống như cá sốt cà chua. Bữa đầu ăn rất ngon, thả phanh mỗi lính 3 hộp ăn vã. Sau đó là lên kế hoạch để còn dùng lâu dài. Không ngờ đồ ăn dù ngon đến mấy mà ăn mãi thì cũng chán, nhất là không có cơm nên rất xót ruột. Về sau chả còn ai háo hức, anh Tuyền cho ăn tự do, tùy thích. Cuối cùng thì đến đoạn cứ nhìn hộp cá mà ngán, dù là đói. Lúc chúng tôi sang thì chỉ còn độ hơn hai chục hộp. Đại đội đem chia đều cho 2 B còn lại ăn tươi một bữa. Hôm ấy đối với 2 B chúng tôi thì gần như ngày hội. Đun cá hộp nóng rồi ăn với cơm nếp chả ra cái kiểu gì cả nhưng sao ngon thế. Mọi thứ sạch như chùi. B4 không ai động vào cá, chỉ ăn cơm nếp thôi. Vậy mà sau vụ đó nhiều anh trong B4 bị dị ứng với cá hộp, thậm chí là với cá. Có người chỉ nghe "cá" đã lợm hết cả cổ. Thậm chí đến năm 1975 đánh Đồng Dù lấy được đồ hộp ê chề, nhưng chỉ có thịt hộp hấp dẫn, còn cá hộp thì thờ ơ. Thật là no dồn đói góp.


Logged

baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #416 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2010, 07:33:11 am »

                 ..... B4 không ai động vào cá, chỉ ăn cơm nếp thôi. Vậy mà sau vụ đó nhiều anh trong B4 bị dị ứng với cá hộp, thậm chí là với cá. Có người chỉ nghe "cá" đã lợm hết cả cổ. Thậm chí đến năm 1975 đánh Đồng Dù lấy được đồ hộp ê chề, nhưng chỉ có thịt hộp hấp dẫn, còn cá hộp thì thờ ơ. Thật là no dồn đói góp.…


Cũng chỉ và phải ăn cá nhiều qua, mà cá nhân baoleo, đến bây giờ cũng vẫn còn sợ cá, Chỉ ăn cá trong hoàn cảnh bắt buộc.  Grin
Logged
votmuoi
Thành viên
*
Bài viết: 221


« Trả lời #417 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2010, 02:31:13 pm »

                 ..... B4 không ai động vào cá, chỉ ăn cơm nếp thôi. Vậy mà sau vụ đó nhiều anh trong B4 bị dị ứng với cá hộp, thậm chí là với cá. Có người chỉ nghe "cá" đã lợm hết cả cổ. Thậm chí đến năm 1975 đánh Đồng Dù lấy được đồ hộp ê chề, nhưng chỉ có thịt hộp hấp dẫn, còn cá hộp thì thờ ơ. Thật là no dồn đói góp.…


Cũng chỉ và phải ăn cá nhiều qua, mà cá nhân baoleo, đến bây giờ cũng vẫn còn sợ cá, Chỉ ăn cá trong hoàn cảnh bắt buộc.  Grin
Em  thì may quá ! tới lúc sang K, có nghĩa là 19 năm trong cuộc đời mới biết ăn cá & bí xanh Grin bi giờ thì em lại thích ăn bù Cheesy
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #418 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2010, 10:42:31 am »

….
              Thời gian chúng tôi ở Nam đường 23 cũng khá dài. Các B cứ thay nhau lên chốt. Không đánh nhau nên cái chốt không bị lộ, vì thế nó cứ tồn tại mãi. Nhưng như thế hóa ra phí cả một đại đội ở phía trước nằm chơi và hai đại đội phía sau phải cùi cõng tiếp tế. Tiểu đoàn cho chúng tôi tổ chức luồn sâu, vòng hẳn vào phía sau lưng địch. Tất nhiên không phải là vòng để bao vây, vì lực lượng địch hơn chúng tôi nhiều lắm. Nếu lộ, có khi chính chúng nó bao vây làm thịt chúng tôi ấy chứ. Chúng tôi luồn sâu nhưng phải bí mật. Sau đó cùng trinh sát tiểu đoàn (C tôi được tăng cường một tổ) bám địch, xem có bọn nào đóng lẻ chừng độ một B thì lên phương án tập kích chúng nó. Theo thiển nghĩ của tôi thì thực chất là quấy nhiễu. Nơi tập kích phải cách chỗ chúng tôi ém quân chừng 3 cây số để tạo thế an toàn. Đầu tiên là trinh sát D đi tìm và bám địch, sau đó cùng cán bộ B, C trinh sát lại và bàn giao vị trí địch. Phần cuối cùng là đại đội tôi tự tổ chức một nhóm, thường là gồm 2 M79, 3 B40 và 3 AK mò đến đó từ lúc nhập nhoạng tối và chiếm lĩnh vị trí. Chừng độ 9, 10 giờ đêm thì khai hỏa. B40 cấp tập vào đó mỗi khẩu hai quả, còn M79 thì mỗi khẩu câu vào chừng 5, 6 trái. Bọn địch bị bất ngờ còn đang lộn xộn chưa kịp phản ứng thì chúng tôi rút lẹ. Thời gian mỗi lần như thế có khi chỉ độ hơn một phút. Nếu chúng có bắn ra thì cũng chỉ là hú họa, thậm chí có lần chẳng bắn trả được phát nào. Các tay súng AK không bắn vì tác dụng không bao nhiêu, mà mục đích đi cùng chỉ là để bảo vệ. Tập kích xong chúng tôi cũng phải rút thật nhanh vì sợ pháo. Trung bình mỗi tuần tập kích độ 2 lần ở các nơi khác nhau. Kết quả địch có bị thương vong thế nào chủ yếu nhờ cấp trên nghe đài kỹ thuật báo lại. Tập kích kiểu này không bao giờ chúng tôi được tính thành tích vì không thu được súng. Cấp trên quy định báo công theo số súng thu được. Không hiểu sao cái trò này lại làm tôi háo hức. Tôi xin được đi cùng để bắn thử B40 và M79. Có một cái vẻ gì đó giống như chơi đánh trận giả ở nhà.

               Mùa mưa hiếm có ngày nắng, nhưng không phải là không có. Thi thoảng vẫn có đêm nằm bìa rừng nhìn thấy bầu trời có sao. Những ngôi sao lờ mờ không nhiều lắm và có vẻ xa tít tắp chứ không rạng rỡ như đêm mùa khô, khi đó sao sáng và nhiều tới mức tưởng có thể vươn tay được lên bầu trời mà nắm lấy. Thường người ta hay có cảm giác nhớ nhà nếu như được nhìn thấy một khung cảnh nào đó giống như lúc còn ở nhà. Giữa núi rừng sâu thẳm này thì khung cảnh duy nhất có thể gợi nhớ nhà chính là bầu trời đêm. Rất có thể lúc này đây, bản thân mình và cha mẹ, anh chị em ở nhà đang cùng ngắm một ngôi sao. Cái cảm giác ấy làm cho lòng ấm lên, thấy gần hậu phương hơn. Trải tấm nilon ra nằm cho đỡ ướt, ngắt một ngọn cỏ nhấm nháp và ngắm trời đêm trong khung cảnh thật bình yên. Tôi đã bắt đầu biết hút thuốc lá. Độ trước đi qua gần bản Xăm-xi-nuc "may" thấy có nương thuốc lá của dân trồng rất nhiều, cây cao to và xanh um. Có rất nhiều cái sự khác lạ ở đây để so sánh với ở nhà. Ví dụ như ở đây không hề có hành mà chỉ có kiệu. Còn thuốc hút thì cũng chỉ có thuốc lá (rất nhiều) mà không hề có thuốc lào. Các anh lính cũ hướng dẫn cho cách ngắt lá thuốc. Nhằm lá già gần gốc mà vặt, mỗi người làm một ôm to, cứ như của nhà mình chẳng xin xỏ gì vì thực ra cũng không mấy khi gặp dân ngoài nương. Đem về hậu cứ lấy dao thái nhỏ ra rồi bắc một tấm tôn lên bếp mà sao cho khô. Khi thuốc đã khô và nguội thì cho vào một cái túi khâu bằng vải dù, cất ba-lô. Lại có một cái túi con khác để bốc bỏ vào đấy một nắm đem theo bên người để hút. Tùy từng nơi mà thuốc lá có thể nặng nhẹ khác nhau chút ít. Nếu muốn thơm và nhẹ thì pha tí nước đường rồi vẩy vào sợi thuốc. Thuốc lá loại này không có mùi thơm bay xa nên không ngại. Vì thế ngồi chốt hay luồn sâu đều có thể hút. Toàn quấn thuốc kiểu sâu kèn thôi.

               Một vài lần nằm chơi ngắm trời sao và hút thuốc, có cả cán bộ B, C cùng tán chuyện. Cách xa địch hàng vài cây số, lại ở bí mật nên cũng hơi tự do. Chuyện lính thì đủ các thứ trên trời dưới biển. Chuyện thường của người này nhiều khi là điều lạ và thích thú với người kia. Đã là lính thì ai cũng biết rằng đối với lính chuyện nhiều nhất và lặp đi lặp lại không chán là chuyện ăn và chuyện tán bậy. Nhưng nhiều khi những chuyện khác cũng thu hút người nghe không kém. Trong C tôi lúc đó có khoảng 4 người đã học hết lớp 10 phổ thông nên đôi khi cũng đem những chuyện khoa học ra nói. Nhìn trời đêm, tôi thường hay kể về vũ trụ và các vì sao. Những chuyện ở nhà tôi đọc về Ga-li-lê, về Nicolai Copecnich…được đem ra kể. Nào là quan niệm vũ trụ và trái đất, về những dải Ngân hà, những Hệ Mặt trời, những ngôi sao và hành tinh… Khi từ những cái bao la như thế trở về thực tại thì thấy trái đất và con người bé nhỏ quá. Câu chuyện qua đi, đến lúc vào ca gác, ôm khẩu AK trong tay thì lại thấy mình không còn bé nhỏ nữa.

               Nhiều lần nói chuyện chơi như thế, tôi đã lọt vào tầm ngắm của Đại trưởng Kim Băng, một người nông dân ở tỉnh Nam Định khoác áo lính, mới học chưa xong lớp bảy. Anh ấy thích thú với cái tri thức mà thời tuổi trẻ anh ấy không có điều kiện tiếp cận. Thêm nữa là cũng có chút cảm tình với tôi qua cái trận chốt bản Soan (trận đầu tiên trong đời lính của tôi), tôi đã không phụ lòng mong đợi cho cái ý định "thử mấy thằng đoàn viên Hà Nội xem đánh đấm thế nào" của anh ấy. Thế là giữa tháng bảy, tôi chia tay anh Trịnh để lên C bộ làm liên lạc cho anh Băng. Ai cũng hiểu liên lạc là phải làm nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh liên tục từ BCH đại đội đến các B và các A độc lập trong chiến đấu, trong hành quân cũng như khi đóng quân tại chỗ. Cần phải nhớ đường, tập quan sát các vị trí và luôn bám theo thủ trưởng. Việc đầu tiên đại trưởng Băng dạy cho tôi là cách xem và sử dụng bản đồ, địa bàn. Học kiểu truyền tay thôi, nhớ theo quy ước là chính chứ không có giải thích. Địa bàn thì đơn giản hơn, vì thời học phổ thông chúng tôi cũng đã  được dạy để biết cách xem hướng. Chỉ có chuyện dùng nó kết hợp với bản đồ để đạp đường thì cần phải có nhiều thời gian, qua thực tế để đúc rút kinh nghiệm. Đại trưởng Băng cũng dạy tôi cách xem bản đồ. Những điều cơ bản không khó lắm. Xem tỉ lệ bản đồ, quy ra cách đo khoảng cách chim bay. Xem màu sắc, biết địa hình núi đá đất hay cây cối, rừng non, rừng già. Xem các đường bình độ và độ xít của nó, biết độ dốc các vùng hay biết chỗ không ghi suối mà mùa mưa có thể là suối… Đặc biệt cách xác định điểm đứng là cơ bản và khó nhất khi dùng bản đồ. Rồi những thủ thuật và kinh nghiệm đi từ một nơi đến một nơi khác trên bản đồ thì phải xác định thế nào. Tóm lại không khác gì kiển thức cho một trinh sát. Tôi rất háo hức nên tiếp thu cũng nhanh, làm đại trưởng Băng rất hài lòng. Tôi còn rất khoái khi anh ấy hỏi tôi lan man sang những kiến thức khác và những lý giải của tôi cũng nghe được, không đến nỗi nào.


Logged

lethaitho
Thượng tá
*
Bài viết: 1313



« Trả lời #419 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2010, 11:11:49 am »

Em ăn cá ở Biển Hồ chắc cũng không kém các Bác. Sáng cá, trưa cá, chiều cá, tối cá... Nhưng đến bây giờ vẫn thích ăn cá.
Chắc là nhiều quá hóa nghiện! Grin
Logged

Ngôi sao như mắt anh, trong những đêm không ngủ
Giáo án em vẫn mở, cho ánh sao bay vào
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM