Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:35:23 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323491 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #390 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 11:08:28 am »

….
              Sốt rét là một loại bệnh đặc biệt trong các loại bệnh. Lúc ở nhà, Hà Nội đã có dịch sốt xuất huyết cũng rất đáng sợ. Vô tình uống thuốc hạ sốt để cơ thể bị hạ áp hay xuất huyết nội là rất dễ đi tong. Bây giờ vào chiến trường thì biết được sốt rét thế nào. Người ta bảo sốt rét là thứ bệnh đặc thù của lính Trường Sơn. Ai chưa từng sốt rét, chưa được công nhận là lính Trường Sơn. Trừ các anh bị sốt rét ác tính đa phần nằm lại rừng già không nói làm gì, còn ai cũng bị sốt rét và không phải chỉ một lần. Sốt rét có thể nóng lên đến 42 độ C mà không chết. Lúc sốt thì các khớp xương rã rời, ăn gì cũng đắng miệng. Có thuốc uống thì tốt, mà không có thuốc uống thì cứ vật vã độ dăm ba ngày cũng tự nhiên khỏi (có điều khi đó cái lá lách lại bị yếu đi một tí). Khỏi rồi thì thèm ăn, không có mà ăn thôi chứ có đủ thì khi đó lính dám ăn thi với Trạng ăn lắm.

               Tôi cũng không phải ngoại lệ. Vật vã ba ngày rồi thì tôi cũng có thể vác súng ra ngồi chốt đánh nhau được.

               Mùa mưa đã đến thật rồi. Bây giờ thì không còn có ngày nắng to nữa. Ngày nào gọi là không mưa thì bầu trời cũng u ám, còn đa phần là mưa. Mưa ở đây không giống mưa rào, cũng chẳng phải mưa bão như ngoài Bắc. Chẳng cần có gió thổi giật ầm ầm đổ cây cối, nhưng trời cứ mưa liên miên, lúc to lúc bé, rất dai dẳng. Lúc này mới thấy tác dụng to lớn của tấm ni-lon, không có nó thì gay. Mặc dù quần áo lúc nào cũng ẩm, gấu quần và tay áo luôn ướt, nhưng về đêm co ro một lúc thì nó cũng khô khô do hơi ấm của mỉnh nhả ra. Nếu lúc nào cũng ướt sũng chắc cảm lạnh mà chết, dù rằng khi đó đang là sức trai mười tám đôi mươi. Các căn hầm chữ A làm trên triền dốc đều được chúng tôi làm mái che cỏ tranh trên nắp nên về đêm vẫn có thể ngủ ngon trong hầm.

               Mùa khô ủng hộ quân ta, còn mùa mưa lợi thế thuộc về kẻ địch. Nói thế vì về căn bản do các đường giao thông của ta toàn ở trong rừng, lại là đường đất, sông suối ngăn cách nên mùa mưa khó vận chuyển, cả vũ khí và lương thực. Cùi cõng bằng sức lính thì mùa mưa cũng kém hơn. Thiếu cơ sở vật chất hơn địch, nên nói rằng chúng nó làm chủ cũng đúng thôi. Nhưng công bằng mà nói, vào mùa mưa địch nó cũng đóng căn cứ là chính, kết hợp lùng sục phát hiện quân ta để gọi bom pháo thôi chứ chúng cũng chẳng sức đâu mà lấn với dũi. Còn chúng tôi cũng chốt giữ là chính. Nhưng chẳng lẽ lại không đánh đấm gì, thế nên mùa mưa chúng tôi cũng rải quân ra khá rộng, luồn sâu tập kích các vị trí nhỏ của địch. Bọn cối 160 và DKB của trung đoàn thì làm trận địa, bắt bộ binh chúng tôi cùi đạn đến rồi thỉnh thoảng bắn ì ùm một hai phát vào tít mãi trong Phù Chiêng cách Pắc-xế hơn 10 cây số để dọa địch là chính. Thằng Khiêm (cái thằng cùng tiểu đội có cái đài 3 bóng khuếch đại thẳng mà tôi kể khi còn huấn luyện ở Bãi Nai ấy) được vào C16 là đại đội hỏa lực của trung đoàn. Thơm hơn nữa là nó lại được vào trinh sát pháo. Cái bọn trinh sát pháo thì chỉ khi đánh lớn chúng nó mới ra trận. Nằm ở cửa mở cùng bộ binh, lúc mở màn trận đánh thì quan sát điểm nổ để chỉnh độ ba bốn phát cho nó rơi vào trong trận địa, xong là hô cấp tập, thế là hết nhiệm vụ, rút lui luôn. Mà gọi là pháo cho oai, chứ thực chất chỉ là khẩu cối 160 ly. Chỉnh cho nó rơi vào chỗ nào trong cái căn cứ to tướng của địch là được, quan trọng nhất là đừng có đấm đít bộ binh.

               Cái thời chúng tôi mấy khi có đánh lớn, thế cho nên bọn hỏa lực E tôi chỉ làm nhiệm vụ tập kích và bắn trộm là chính. Thằng Khiêm lại là trinh sát pháo DKB nên chỗ quan sát của nó còn lâu mới ra đến tuyến trước. Tôi nghe nói DKB chính là một cái nòng của dàn hỏa tiễn Ca-chiu-sa 16 nòng tháo ra. Cả E có 2 nòng trang bị cho C16. Đạn của nó nặng hơn năm chục cân, phải chia đôi đầu và liều phóng cho hai thằng vác một quả. Bọn DKB thường làm trận địa cách xa bộ binh (vì chẳng đời nào chúng tôi cho chúng nó làm gần cả, để tránh bị phản pháo oan). Chúng nó thường làm trận địa ở khe núi để ngụy trang tiếng vọng nổ đầu nòng. Phần thóat khói phụt ra khi bắn phải đào cả một cái hầm to theo kiểu bếp Hoàng Cầm để giấu khói. Thế mà lần nào cũng chỉ vừa bắn đi một quả là có L19 lượn đến chỉ điểm cho pháo địch bắn tới, hoặc T28 đánh bom. Ngày nào may lắm, nhìn trước nhìn sau cẩn thận mới bắn được 2 quả. Có ngày chẳng bắn gì. Tiếng nổ và bay của DKB to lắm, nên cứ khi nào bọn C16 bắn là chúng tôi biết ngay. Nhưng phải thừa nhận là bọn DKB giấu trận địa rất khéo. Suốt thời gian ở trong đó, bắn không phải là ít, bị bom và phản pháo cũng nhiều, thế mà không lần nào trúng vào trận địa chính. Bọn linh DKB số thọ lâu thật.

               Thằng Khiêm là trinh sát pháo đấy, nhưng chưa một lần nào nó phải vào gần Phù Chiêng quan sát. Vào đấy thì làm gì có điện đài, hữu tuyến thì lại càng không thể có. Nó kể là phải leo lên cây cao dùng ống nhòm quan sát để hiệu chỉnh nhưng tôi chả tin. Chả có cái cây nào đủ cao và cái ống nhòm nào có đủ tầm xa để nó nhòm vào Phù Chiêng từ cách xa hơn chục cây số.

              Sau cái đợt đánh nhau ở đường 231 rồi tôi bị sốt ít ngày ấy, B tôi được rút về cái giông đồi cao ở phía Bắc cách xa Huội Chăm-pi tới hơn cây số làm nhiệm vụ cùi cõng. Mưa suốt ngày nên nước suối lúc nào cũng dâng cao như có lũ. Bọn công binh E kiếm dây rừng bện thành một sợi rất to căng ngang suối sát mặt nước. Lính tráng khi qua thì bám dây bơi sang, người vuông góc với dây, từ trên cao nhìn xuống trông cứ như cái giẻ vắt trên cây sào. Còn gạo và đạn thì cho vào bao ni-lon chằng dây hai đầu kéo sang. Có chục bao vừa gạo và đạn đưa qua suối cũng hết cả buổi. B nằm chốt bên bờ Nam với B làm vận chuyển bên bờ Bắc, chả biết thằng nào cực hơn thằng nào. Đấy là chưa kể một B còn phải chuyển gạo đạn từ hậu cứ xa hàng mấy tiếng đồng hồ ra đây nữa.

               Suốt thời gian đó chúng tôi chỉ có ăn cơm nếp với muối, vì cũng hết vừng. Muối cho lẫn vào gạo lúc vo. Bây giờ tuy là mùa mưa, nhưng cái hướng ra tuyến trước này của chúng tôi là các núi cao, rất xa các bản. Trong rừng này không có cái giống tre nứa nên cũng không có măng. Chỉ có khu bãi chuối nơi tôi canh tử sĩ độ trước là có chuối rừng, Tranh thủ lúc chuyển gạo đạn ra tuyến trước, khi về chúng tôi tạt qua chặt lấy gốc của nó đem về ăn cho đỡ xót ruột. Nhưng cũng không thể ăn mãi được. Ngày ở nhà ăn bún hay bánh đúc cua mong có tí rau chuối ăn vào cho ngon miệng là vì ăn ít và có canh cua quá ngon nó đỡ cho thôi, chứ bây giờ ngày nào cũng ăn cơm nếp xong rồi lôi một khúc thân chuối ra nhai thì nó cũng vô vị và khó nuốt lắm.


Logged

lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #391 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 11:43:26 am »

He...He...!
Quê lại nhắc đến mùa mưa làm tôi thấy ... rùng mình. Chả thế mà ở B4 có câu ca... rao thế này: "Bao giờ mùa nắng; Ta thắng Mỹ thua; Còn đến mùa mưa, Ta thua Mỹ thắng"... Grin
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #392 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2010, 10:30:22 am »


               Cùi cõng được vài ngày thì địch bắt đầu dò ra con đường mòn đạp trong rừng từ giông đồi chỗ B tôi đóng quân ra bờ huội Chăm-pi. Thế là không kể giờ giấc, cứ thích lúc nào là chúng nó lại nện pháo vào dọc con đường đó. Mỗi ngày độ dăm bảy đợt, mỗi đợt chỉ 15, 20 quả mà gây cho lính vận chuyển tâm lý nặng nề. Đại đội cho tăng cường đào thêm hầm chữ A dọc con đường đó. Đào kiểu lấn dũi, dựa vào hầm cũ trú ẩn khi pháo bắn để đào thêm hầm mới. Những đoạn toàn vách đá không đào được hầm thì đành chịu, trước khi qua đó dừng lại nghe ngóng một hồi phán đoán tình hình rồi khẩn trương ù té qua.

               Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, các cụ dạy cấm có sai. Sau nhiều lần cùi cõng qua đó, vừa đi vừa chạy tránh pháo thì một buổi chiều đầu tháng sáu, năm người chúng tôi vừa đến đúng cái đoạn đường đá không có hầm thì bị pháo dập. Cả bọn nép mình vào một bên bờ đá, lấy cùi gạo che người. Bị pháo bắn mà nằm trơ ra trên mặt đất thì chỉ còn mỗi cách cầu mong ông bà ông vải phù hộ thôi. Bỗng tôi thấy cánh tay trái tê dại, nhìn vào máu chảy toe toét. Không phải một mà có đến 3 mảnh găm vào tay. Tôi kêu to "Em bị thương rồi". Thêm vài quả nữa thì pháo địch ngừng bắn. Một anh lính cũ đến bên xé băng cá nhân ra băng cho tôi. Cái cùi gạo tôi ôm bên người cũng bị vỡ bục. Thế mà bốn anh kia lại không ai hề hấn gì. Các anh ấy xan gạo của tôi sang cho các anh ấy, dìu tôi đến đoạn có hầm cho chui vào đó rồi đi tiếp. Tôi phải nằm chờ đến hơn một tiếng, các anh ấy quay lại mới đưa tôi về chỗ trú quân trên đỉnh đốc.

               Buổi tối nằm trong hầm với cái tay băng chặt thấy nhức lắm. Lúc tối anh y tá xem cho tôi bảo là chỉ vào phần mềm thôi, chưa chạm xương. "Chú mày chưa đủ tiêu chuẩn ra Bắc đâu. Mai cho về hậu cứ, lên trạm xá Trung đoàn nghỉ ít ngày rồi lại về với anh em. Nếu cái mảnh nó bé thì cứ để im trong đó, không phải mổ gì hết". Tôi sợ không dám nói gì, nhưng vẫn nghĩ là về trạm xá nhất định phải xin mổ chứ mảnh nó nằm ngay bắp tay thế này vướng lắm. Lại nhớ chuyện thằng Phúc "chó" cùng A với tôi ngoài Bắc. Nhà nó ở phố Bạch Mai gần Trại Găng. Ngày còn học sinh đi sơ tán về quê Ninh Bình có lần bị máy bay Mỹ thả bom bi. Nó bị 3 viên vào mông, nhưng vì viên bi nó tròn, mông lại lắm mỡ nên bác sĩ không mổ vì bi nó chạy, không nằm yên một chỗ. Ông ấy bảo mỡ nó sẽ bọc viên bi lại, không có vấn đề gì hết. Thế nhưng thằng Phúc kể là nhiều khi ngồi mà nó vẫn có cái cảm giác cộm trong mông. Ngày đi dã ngoại ở Tân Lạc, một lần ra bờ đập tắm cùng tôi, nó kêu ngứa rồi chổng mông cho tôi xem. Tôi thấy có một vết đen rất rõ, sờ tay vào cảm nhận được cả viên bi. Rồi nó nghiến răng gãi và cào thế nào đó mà bật được ra cả một viên bi giống như viên bi xe đạp. Cái chỗ đó hở ra một lỗ, rỉ nước vàng mà không chảy máu. Chỉ mấy hôm sau là chỗ đó thành sẹo. Rồi nó cứ cầu mong cho 2 viên bi còn lại chạy tiếp ra phía ngoài da như thế để cậy, nhưng chuyện đó không xảy ra nữa.

               Hôm sau, có 2 A về hậu cứ lấy đạn và tôi được về cùng. Bây giờ tôi mới được biết hậu cứ của đại đội mình. Cứ C6 nằm trên hai khoảnh rừng cách nhau một con suối nhỏ. Lòng suối chỉ rộng hơn mét, rất sâu. Lối đi qua suối được bắc bằng mấy cây gỗ ghép lại. Sát hai bên bờ suối toàn chuối rừng. Chỗ này chỉ cách tiểu đoàn bộ, nơi chúng tôi đã ở mười ngày khi mới được bổ sung về tiểu đoàn dạo nọ chừng sáu bảy trăm mét. Rừng già, cây to nhưng chỉ đi độ trăm mét là ra đến nương của dân. Nương của dân thuộc một Bản gần đó có tên là Xăm-xi-núc May. Chữ "may" trong tiếng Lào là "mới". Bản Xăm-xi-núc Cầu ("cũ") cách đó chừng hai cây số. Có lý do gì đó nên dân bản chuyển chỗ để lập bản mới. Trên cao nguyên Bô-lô-ven có mấy cặp bản có đuôi tên là "cầu" và "may" như thế, nhưng trên bản đồ thì chỉ có bản "cầu" thôi. Bản cũng chỉ hơn chục nóc nhà. Tất cả những điều đó là về sau mới biết chứ lúc đó tôi chưa được ra bản.

               Về đến hậu cứ lại phải nằm thêm một đêm nữa với cái tay nhức. Bây giờ mà ai có nhọt hoặc là sứt sẹo chỗ nào đó là được chỉ định kiêng của nếp. Nhưng lúc đó chỉ toàn ăn gạo nếp nên cũng chẳng ai nói kiêng dè gì, có lẽ vì thế mà mấy cái vết thương bé tẹo của tôi gây nhức chăng. Nói bé tẹo, vì hôm sau lên D bộ, Y sĩ tiểu đoàn là anh Soạn xem rồi bảo: để đấy tao giải quyết. Anh ấy cho một người giữ tay tôi, tiêm mấy mũi No-vo-ca-in vào cạnh vết thương rồi dùng panh ngoáy vào gắp ra được mấy mẩu đá bằng cái hạt bưởi. Hóa ra là tôi bị mảnh đá bắn vào chứ không phải mảnh pháo, nên nó mới chỉ vào phần mềm thôi. Anh Soạn bảo nếu là mảnh pháo thì nó phải cắm vào đến xương rồi. Thế là tôi không phải về Trạm xá của E nữa. Tuy là vết thương mảnh đá, nhưng anh Soạn vẫn giữ tôi lại cho nghỉ cùng D bộ 3 ngày rồi mới trả về C. Vết thương chỉ bôi thuốc đỏ, để hở nhưng rất nhanh khô và lành. Về đến C tôi lại được nghỉ thêm 3 ngày, chỉ xuống anh nuôi giúp việc lặt vặt là coi như khỏi hẳn.

               Trong tuần đó, cả đại đội tôi cũng lục tục trở về hết khu hậu cứ. Đánh đấm nhẹ nhàng hơn nên chỉ còn có một C5 ở lại chỗ huội Chăm-Pi khu vực bản Soan. Nghe nói chúng tôi sẽ mở hướng sang phía Nam đường 23, mạn đông khu Lào Ngam. Cái vùng này vẫn rất nhiều núi cao, rừng rậm, bản làng thưa thớt. Tôi vẫn ở tiểu đội anh Trịnh. Bây giờ anh ấy là A trưởng, nhưng vẫn giữ B40. Trung đội tôi là B5, trung trưởng là anh Quân, người dân tộc Mường ở Hòa Bình. Anh này không to con, nhưng rắn chắc, nhanh nhẹn, cặp mắt sáng rất khôn và nói năng mạnh bạo đâu ra đấy, chẳng có vẻ dân tộc tẹo nào. Trung đội tôi nằm ở cái dẻo rừng cách biệt với đại đội một con suối nhỏ tí ấy. Bếp ăn của C và của B tôi nằm hai bên suối. Ở đây là hậu cứ nên chúng tôi đào hầm rất cẩn thận. Hầm trú ẩn là chữ A vững chắc, cạnh đó là hầm thùng để sinh hoạt và ngủ. Bên trên chúng tôi làm lán, đơn sơ nhưng vững chắc, mái lợp cỏ tranh mưa to mấy cũng không dột. Mỗi A một lán. Trong hầm làm sạp nằm ghép bằng nứa. Chỉ có mỗi đường đi là trơn vì bùn đất thôi. Chúng tôi làm công trình phụ hẳn hoi chứ không được dùng hố mèo. Trung đội tôi nằm ở đây chặn con đường đi từ phía nương dân vào. Chỉ trừ thám báo luồn lách thôi chứ địch muốn vào tất phải đi qua con đường này.

               Cần nói thêm là bọn lính Lào đi rừng rất giỏi. Lính mình dù trong lý lịch quân nhân khi xuất ngũ về có ghi là "Sở trường hoạt động rừng núi" đấy, nhưng trình độ luồn rừng thì không bao giờ bằng lính bản địa được. Tuy tuyến trước có thể cách hậu cứ chúng tôi dăm tiếng đi đường, nhưng chuyện cả một trung đội địch hơn chục thằng có thể luồn rừng xuất hiện tại các khu hậu cứ của chúng tôi rồi tổ chức phục kích, đánh ù một trận bất ngờ rồi biến mất nhanh chóng không phải là chuyện hiếm. Năm ngoái ngay gần tại khu hậu cứ của trung đoàn, an toàn đến mức pháo địch không bắn tới, lúc họp đơn vị có thể cùng nhau hát vang bài "Giải phóng miền Nam", thế mà địch cũng bí mật mò tới được. Chúng phục kích tại một ngã ba vườn cà phê bắn chết E phó Mịch và cậu liên lạc đang trên đường đến một D gần đó. Từ đó về sau ngã ba ấy được mang tên "Ngã ba ông Mịch".


Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #393 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2010, 08:32:26 am »


              Về trung đội được một hôm thì hôm sau cả B tôi phải sang Nam đường 23. Ở trong lính có lẽ từ cấp đại đội trở lên không có cái kiểu đi hoạt động lẻ và ăn mảnh, vì đội hình của cả C thì hơi đông. Thế nhưng từ cấp B trở xuống A, hay một tổ khi đi hoạt động lẻ thì tức là đã được tự do. Cả trung đội hơn chục người bảo nhau cũng dễ, biết giữ bí mật và lúc cần huy động sức người thì cũng có đủ. Thông thường đi lẻ một B là sẽ có 1 cán bộ C đi theo. Đại phó Hùng thường đi với B5, nhưng tính ông này cũng bạt mạng lắm, hợp với lính nên cũng coi như anh em một nhà. Lần này B tôi đi độc lập không có C phó, sang hướng Nam đường nhưng không phải là lập chốt đánh nhau mà chỉ là đi thăm dò địa hình. Có lẽ cũng đã biết hướng này đang an toàn vì đã từng đi nên anh Quân B trưởng tự tin lắm. Đi khỏi hậu cứ chừng 3 tiếng, anh ấy bảo tất cả đi chậm lại phía sau, để anh ấy đi lên trước cách xa anh em tới năm chục mét. Vùng này thường hay có hoẵng, khỉ và anh ấy có ý định săn bắn cải thiện. Cứ đi như thế rất lâu thì chúng tôi nghe "đoàng" một tiếng, rồi nghe tiếng anh ấy gọi. Chạy lên đã thấy anh ấy đứng đó, dưới chân là một con khỉ vàng rất to. Nó bị bắn trúng đầu nên rơi thẳng từ trên cây xuống đất. Chúng tôi chặt gậy, lấy dây buộc rồi khiêng đi. Đến một khu rừng khá rậm, có một con suối thì anh Quân cho tất cả dừng lại nghỉ chân. Anh ấy cắt cử người sục sạo cảnh giới và cho làm thịt con khỉ. Mấy anh thạo việc xắn một tay giúp anh nuôi. (C tôi có 3 anh nuôi, nếu có một B đi lẻ thì có 1 anh nuôi đi cùng). Cách làm thì cũng na ná như làm thịt chó, cũng thui vàng. Con khỉ này thuộc giống nào không biết, nhưng rất to, phải đến hơn chục cân. Các anh ấy bỏ đầu đi cho nó đỡ ghê, còn lại luộc tất. Mà cũng chỉ làm được thế thôi chứ không thể làm gì hơn. Rau ăn kèm có ít kiệu tươi lấy từ nương dân ở hậu cứ. Đây là lần đầu tiên tôi được ăn thịt thú rừng. Thịt khỉ ăn lúc đầu thì thấy nó hơi gây gây, nhưng đói nên cứ chén tràn. Chiều và đêm hôm ấy chúng tôi nghỉ luôn tại đấy.

               Hôm sau chúng tôi lần mò sang Nam đường. Đoạn đường này còn cách xa địch nên vượt qua rất dễ dàng. Ở đây, quân ta chỉ chốt chặn địch theo khu vực chứ không chốt theo tuyến đường. Bây giờ mà cứ thẳng đường 23 này đi về phía Tây thì sẽ tới thẳng căn cứ của địch. B chúng tôi đi lần này không có trinh sát tiểu đoàn, không có thông tin vô tuyến đi cùng. Anh Quân chỉ nhận nhiệm vụ miệng và cầm bản đồ địa bàn rồi dẫn chúng tôi đi thôi. Không biết có phải vì anh ấy là người dân tộc, cũng đã thạo đi rừng hay vì anh ấy đã thạo khu vực này mà dẫn chúng tôi đi rất tự tin. Đi lẻ kiểu này cũng gần như trinh sát. Chả có đào hầm hố gì cả. Đến đêm thì bố trí quân, mắc võng ngủ và chia nhau canh gác. Chủ trương là không tác chiến, nếu không phải là đường cùng. Sang đến Nam đường thì chúng tôi cẩn thận hơn, không có săn bắn gì nữa. Sục xạo trong mấy cánh rừng suốt hai ngày đến cách cái khu Lào Ngam một con suối mà không thấy có gì thì chúng tôi quay lại, rồi trở về đơn vị. Sau này khu Nam đường được giao cho D tôi chốt giữ suốt mấy tháng mùa mưa.

               Gần cuối tháng sáu, trung đoàn tôi nhận một đợt tân binh Nam Hà. Đại đội tôi được nhận mười lính, A tôi được một người. Lính Hà Nội chúng tôi chỉ vào trước chúng nó có hai tháng nhưng đương nhiên được coi là lính cũ hơn rồi. Chả gì thì cũng đã đánh vài trận, bắn đì đòm vài băng đạn và chạy bom chạy pháo chí chết chục lần. Đảm bảo hơn hẳn về cái đoạn nghe tiếng pháo rít biết đạn nó rơi thế nào. Nhưng nói vậy thôi chứ các anh cũ đã đối xử với chúng tôi ân tình thế nào thì chúng tôi cũng đối xử với chúng nó như thế.

              Hướng Lào Ngam phía Bản Soan được bàn giao cho K15. Toàn bộ D tôi rút về để chuẩn bị sang hướng Nam đường 23. Mùa mưa chốt chặn là chính. Mỗi hướng thường chỉ có 1 C đứng chân phía trước, còn các C khác cùi cõng để tiếp tế. Sau một tháng lại đổi nhau trong cùng tiểu đoàn. Chúng tôi xác định công việc trong vài tháng tới sẽ chủ yếu làm công tác vận tải. Xe ô-tô của mặt trận chỉ chở hàng cho chúng tôi vào đến khu hậu cứ trung đoàn, sau đó chúng tôi phải tự cùi cõng về đơn vị. Hậu cứ đơn vị nào xa nhất thì cũng chỉ cách kho trung đoàn độ năm sáu tiếng. Nhưng từ đó ra đến phía trước lại vài tiếng đi đường nữa. Vì thế các D phía sau ngoài việc cùi cõng cho mình còn phải làm vận tải trung chuyển cho D ở tuyến trước. Một lần hứng lên, trung đoàn cho một cái xe "Giải phóng" chở đạn đến tận vùng hậu cứ D tôi để lính tráng đỡ cùi cõng một ngày đường. Xe ô-tô cứ dựa vào đường xe bò mà đi qua các bản. Không may cái bản Xăm-xi-nuc "may" gần hậu cứ D tôi là con đường cụt, đường do dân mở chưa hẳn thành đường xe bò nên đến cách D tôi chừng cây số thì cái ô-tô bị sa xuống suối đất. Càng rú ga càng lún, bánh xe quay tròn phá rộng cả một bên bờ suối. Đến lúc bị lầy gần kín bánh thì cái xe chịu thua. Ba đại đội trong K18 chúng tôi được huy động quân ra kéo xe. Hơn một trăm con người do D phó Khanh chỉ huy bắt đầu cứu xe từ sau bữa cơm trưa. Chúng tôi phải bốc chuyển đạn lên xa bờ, sau đó kiếm dây rừng bện lại thành thừng buộc vào xe để kéo. Không khí chả kém gì quân ta kéo pháo vào Điện Biện năm xưa, có khi còn khí thế hơn vì chúng tôi phải hò dô ta vang cả một vùng rừng. Có điều là kinh nghiệm kém nên có vẻ như càng kéo cái xe càng bị lầy hơn, đến giữa chiều mà nó vẫn nằm im. Không biết ai dân vận ở đâu mà sau đó mượn được một con voi của dân bản. Lúc đầu lính tráng ngồi trên bờ xem người dân chỉ huy con voi kéo xe. Nhưng thật tội nghiệp cho chú voi vì cái xe bị lầy chắc chắn nặng gấp mấy lần nó. Nó rướn người kéo cong cả vòi, rống lên ồ ồ như gọi thêm bầy đàn giúp sức mà cái xe chỉ hơi rung rinh. Tin chắc một mình con voi không thể thay thế hơn trăm thằng lính "sốt rừng" chúng tôi nên cuối cùng D phó Khanh quyết định hợp lực. Thế là lại phải cho người về hậu cứ lấy xẻng ra bạt lại đường cho đỡ dốc, rồi vừa voi vừa người cùng bâu vào kéo. Lại phải cử chục thằng vác các khúc gỗ chèn dần vào bánh xe. Cuối cùng thì ta nhất định thắng, cách mạng bao giờ cũng thành công. Trời vừa tối không nhìn rõ mặt người thì cái ô tô đã nằm ngon lành trên đường. Tay lái xe nổ máy cho xe ô-tô cút thẳng về trung đoàn. Chẳng biết con voi được dắt đi lúc nào và có được bồi dưỡng cái gì cho lại sức không. Còn chúng tôi thì lại phải chia nhau số đạn bốc ra từ ô-tô để mang đến nhập vào kho trung chuyển, làm nốt nhiệm vụ mà cái xe ô-tô bỏ lại. Chúng tôi về đến nhà vào lúc gần nửa đêm. Thằng nào cũng bẩn bê bết bùn đất. Ăn suất cơm tối xong là về lán lăn ra ngủ, bẩn cũng chưa chết ngay đâu mà phải sợ.

               Hôm sau tất cả được nghỉ một buổi sáng. Nghĩ lại chuyện hôm qua mà rùng mình. Nếu như bọn thám báo nó mò ra chúng tôi lúc ấy, gọi B52 hoặc T28 đến ném bom, chắc D tôi xóa sổ. Thầm mong cái chuyện vận tải cùi cõng ra tuyến trước, thôi từ nay cứ để đấy cho sức lính chúng tôi. Chúng tôi như những con kiến tha lâu cũng đầy tổ, bày đặt cái chuyện vận tải ô-tô mà không tổ chức tốt, thì "hiện đại" đúng là "hại điện". Cầu được, ước thấy, từ đó về sau không còn có chuyện ô-tô chở hàng vào đến vùng hậu cứ chúng tôi nữa.


Logged

hoi76
Thành viên

Bài viết: 4


« Trả lời #394 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2010, 01:28:01 pm »

Câu chuyện chú trongc6 kể cháu nghe khá giống với những câu chuyện bố cháu kể ngày xưa, dân Lào quý bộ đội Việt Nam. Chờ bài của bác đã lâu, trưa nay cháu có việc không được ngủ lại được đọc bài mới. Cám ơn chú !
Logged
vitính
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 483


« Trả lời #395 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 06:44:36 am »

Chuyện của anh bạn tôi, lính phòng không A72
Ảnh: Báo Chiến sĩ Giải phóng ngày 17/5/1975




Thời gian sau 35 năm ,chiều 29/4 năm 1975 các đơn vị hổn hợp mũi nhọn của QĐ2 trong khí thế hừng hực,say sưa chiến thắng,được lệnh hành quân hướng về phía Sài Gòn.Từ đầu chiến dịch C15 -A72 thuộc F673 của chúng tôi luôn bám sát đội hình.Trung đội do Tôi phụ trách có 3tiểu đội thì 1 tiểu đội đi phối thuộc cho F304,1 tiểu đội bảo vệ cho lữ Tăng 203,Tôi được trực tiếp phụ trách một tiểu đội bảo vệ QĐ bộ.Thực ra thì nhiệm vụ này được bắt đầu từ sau cái ngày 17/4,ngày bắn được cái F5E.Khoảng 17h đội hình chiến đấu hợp đồng quân binh chủng xuất kích từ căn cứ Nước Trong đã ra đến lộ 15.Ngay từ chiều mặt dù các lực lượng Ta đánh rất mạnh,nhưng địch vẫn chống trả quyết liệt.Các loại máy bay phản lực F4, F5 vẫn gầm rít trên bầu trời .Đã nhiều lần vác đạn trên vai,đã thay nhiều nguồn pin đến nóng rát cả bàn tay,nhưng không thể bắn được vì chúng bay quá cao, đã là lính thì nếu có cơ hội là nhả đạn.Các loại pháo cao xạ lúc này sẵn sàng nổ súng .Chúng quần lượng không đánh vào đội hình rồi theo hướng Biển bay thẳng.Lúc này vào khoảng 21h đoàn quân đã ra gần đến xa lộ thì được lệnh dừng lại.Phía trước bộ đội Đặc Công đang chiến đấu quyết liệt với địch giữ cầu xa lộ.Từ các đài quan sát địch vẫn theo dõi các hướng tiến công của ta.BTL quân đoàn ra lệnh các loại pháo hạ nòng bắn thẳng vào hỏa lực đich.Suốt đêm 29/4 chúng tôi vẫn phải chờ phía trước mở đường.Lúc này anh,em cử nhau cảnh giới còn lại tranh thủ nghỉ dưới gầm xe và bờ bụi quanh đó.nói là nghỉ nhưng không ai ngủ được,súng đạn lúc nào cũng lăm lăm trong tay,vì tàn binh địch đâu đó còn nhiều lắm.
-Mờ sáng ngày 30/4 tất cả đã sẵn sàng.Khoảng 9h có lệnh hành quân ,cả đoàn quân ào ào như Thác đổ,ra đến xa lộ các loaị xe lao vun vút tiến về hướng Sài Gòn trong tiến reo hò,vẫy chào cũa nhân dân hai bên đường,nhưng cũng không tránh khỏi những ánh mắt sợ hải,những khuôn mặt cúi gầm xuống lầm lủi đi bên lề đường, đó là những lính ngụy lột hết quân phục để thoát thân,xác giặc chết ngổn ngang nằm dọc xa lộ đầu hướng về thành phố.Không thể nói hết được cái rạo rực lúc bấy giờ.
-Trước mặt chúng tôi là cổng Dinh Độc Lập bị húc đổ trước đó ít phút,lúc này, dân Sài Gòn đổ về đây đông nghịt,họ tranh nhau xin được chụp ảnh với bộ đội,xin được làm những gì gì đó nhiều lắm.Khó có thể nói hết những gì vào cái ngày lịch sử này.Đã 35 năm trôi qua nhưng những ngày này, kỷ niệm về một thời đi đánh giặc vẫn còn đó

Ít nhất có một chuyện nhầm, là chiến trường khi đó làm gì có F4, ở VN thứ này chỉ thuộc không quân Mỹ thôi chứ.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Tư, 2010, 06:53:36 am gửi bởi vitính » Logged
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #396 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 06:57:07 am »

Bố mày quen miệng, lúc ấy Không lực VNCH chủ yếu chỉ có A7,F5...Một cái nhần nữa là thượng sĩ nhưng các bài viết và sách đã phong cho ông này lên Thiếu úy.
Logged
minhnam1803
Thành viên
*
Bài viết: 111


« Trả lời #397 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 07:56:10 am »

F4 của Mỹ bay bảo vệ cầu hàng không di tản ?

Em nghe nói ngoài ra còn có cả F14?
Logged
Hungnt_E1F2
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1072


« Trả lời #398 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 08:06:32 am »

F4 của Mỹ bay bảo vệ cầu hàng không di tản ?

Em nghe nói ngoài ra còn có cả F14?
Khoảng thời gian này Mỹ đang tiến hành chiến dịch "Kẻ Liều mạng" di tản người, máy bay mà bác, trong biên đội tàu của Mỹ có tàu sân bay đang ở ngoài khơi Vũng tàu. Khả năng là có máy bay F4 Hải quân Mỹ. Trong bài cũng nói là bay thẳng ra biển.
Logged
vitính
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 483


« Trả lời #399 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 08:08:10 am »

Bố mày quen miệng, lúc ấy Không lực VNCH chủ yếu chỉ có A7,F5...Một cái nhần nữa là thượng sĩ nhưng các bài viết và sách đã phong cho ông này lên Thiếu úy.
PQ gõ chữ thiếu, A37 chứ.
À, chuyện F4 Hải quân Mỹ bảo vệ di tản thì mình không biết thật.
Bác Đại Cương này còn nhầm phiên hiệu F367 thành F673, gõ nhịu?
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Tư, 2010, 08:37:45 am gửi bởi vitính » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM