Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 02:30:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323515 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #370 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2010, 02:15:04 pm »



               Hôm sau, phía bản Phin yên ắng. Có lẽ những chỗ đã bắn nát rồi thì địch cũng bỏ, coi như đã xác định được khu vực có quân ta. Ta và địch đều có công tác trinh sát thăm dò nhau. Phía ta là những tốp trinh sát, còn bên địch là những toán thám báo. Bọn địch đóng quân thành các căn cứ công khai vì chúng lập tuyến và có máy bay và pháo binh yểm trợ sẵn sàng. Quân ta chủ yếu ở rừng bí mật, thay đổi vị trí đóng quân thường xuyên. Ngay cả ở tuyến trước, việc lập chốt tức là tạo trận địa công khai, nhưng cũng chỉ qua một hai trận, lộ là lại chuyển chốt ngay. Vì thế thám báo địch khó nắm tình hình đối phương hơn trinh sát ta. Nhưng nếu vị trí trú quân của ta, dù là vị trí tạm mà bị lộ thì ăn đủ bom pháo ngay.

               Sáng hôm ấy, chúng tôi tiếp tục củng cố hầm và làm công tác ngụy trang. Trinh sát tiểu đoàn bám địch báo về, địch tiếp tục đưa thêm quân từ trong Phù Chiêng ra khu Lào Ngam. Tại Phù Chiêng là căn cứ chính của GM41 của địch. Vùng Hạ Lào này còn có một trung đoàn cơ động chủ lực của địch nữa là GM42 và một số tiểu đoàn bảo vệ quanh Pắc-xế. Bọn Thái Lan cũng có một trung đoàn, trong đó tiểu đoàn 621 Thái lập căn cứ có công sự vững chắc ngay tại Lào Ngam, nằm về phía Nam đường 23. Mấy ngày qua chúng tôi chủ yếu đánh nhau với một tiểu đoàn Lào của cái GM41. Chúng nó đóng sâu trong Lào Ngam nhưng liên tục nống ra lập trận địa dã ngoại đánh chặn quân ta.

               Buổi chiều, B tôi được lệnh lùng sục trinh sát ra đường 231. Tiểu đội thằng Đức (Cầu Giấy) được cử đi, gồm 4 người, 3AK và 1B40. Trong đơn vị tôi, tất cả các loại hỏa lực như B40, M79 đều giao cho lính cũ nhiều kinh nghiệm sử dụng, chứ bọn tân binh chúng tôi mới vào thì chỉ có AK thôi. Thằng Đức được cử đi đầu. Thằng này trắng trẻo, to con và cao tới 1m67. Thế là cao lắm rồi vì lính tráng chúng tôi thời đó đa phần chỉ cao từ 1m58 tới 1m62 thôi, cho nên trong hàng quân thì bao giờ cái đầu của nó cũng nhô cao hơn hẳn lên. Cắp AK đi đầu mà thằng này cứ đứng thẳng người, bước thẳng tưng như đi chơi ở chỗ không người. Anh Pha A trưởng của nó quát bảo phải khom người cúi thấp xuống mà đi, chậm chậm và thăm dò chứ phưỡn người ra như thế khác nào khiêu khích địch. Lộ ra nó nện cho một phát chết ngoéo bây giờ. Quát bảo thế, thậm chí nắm đầu mà dúi xuống, nhưng chỉ được ba bước là nó lại đứng thẳng lưng lên mà đi. Vài lần như thế, cứ như là trêu ngươi lính cũ vậy. Cáu tiết quá nhưng không làm gì được, vì nó cứ giơ cái mạng sống của nó ra mà đi như thế chứ có phải nó chạy lùi đâu, mà nó cũng chẳng tỏ ra sợ sệt gì cả. Cuối cùng anh Pha đành phải đi đầu và tống nó xuống cuối đội hình. Có lẽ cái xương sống của thằng Đức không cong được chứ không phải nó muốn trêu ngươi ai. Sau này đánh nhau cũng thế, nó cứ thẳng lưng mà chạy, mà xung phong. Nửa năm sau khi ngoài Sa-ra-van, trong một trận đánh vận động, nó bị trúng một mảnh đạn cối, xuyên vào phổi và vẫn mắc ở trong đó tới giờ. (Bây giờ nó là thương binh, là doanh nghiệp tư nhân buôn bán thuốc tây ở Quận Cầu Giấy).

               Chiều hôm ấy tiểu đội anh Pha không phát hiện thấy địch. Cái trận địa dã ngoại ngoài bản Phin của bọn địch hôm trước cũng đã bỏ không. Chúng tôi lại trải qua một ngày không tác chiến.

               Hôm sau, tiểu đoàn tập trung C5 và C6 tổ chức lùng sục vũ trang sang hẳn khu Lào Ngam. Bây giờ đến lượt tôi đi đầu tiểu đội. Anh Trịnh bám sát ngay sau tôi để chỉ dẫn. Các A khác cũng bám ngay sau A tôi. ra đến gần đường 231, chúng tôi thận trọng thăm dò tình hình. Chỗ này rất nhiều cây lúp xúp, xen kẽ nhiều cây nhỏ chỉ độ bắp chân mọc thưa, tầm nhìn không xa lắm. Đi một đoạn, chúng tôi lại ngồi xuống quan sát qua các khe thân cây rồi mới đi tiếp. Càng đến gần vùng đường 231, nơi mà trinh sát bám địch đã cảnh báo, chúng tôi càng thận trọng. Đến nửa buổi sáng hôm ấy thì chúng tôi phát hiện thấy địch. Chúng nó cũng đào công sự dã ngoại, hầm không nắp và không có hàng rào. Chúng tôi bò sát vào đến cách độ vài chục mét. Đại đội ra lệnh giá hai khẩu cối 60, nện vào đó hơn chục trái rồi chúng tôi bắt đầu đánh. B40 tập trung bắn mạnh, rồi chúng tôi xung phong, vừa chạy vừa bắn AK. Địa hình thưa nên M79 bắn thẳng rất tốt. Bị đánh vỗ mặt, bọn địch vừa bắn trả, vừa rút. Chúng tôi chiếm được mấy cái công sự bên ngoài. Vì dã ngoại nên địch không đào giao thông hào. Theo kế hoạch thì chúng tôi sẽ vừa lợi dụng địa hình địa vật, vừa đánh lấn từ hầm này sang hầm khác của địch. Nhưng mới chỉ được một đoạn, vượt qua được mấy cái xác địch ở khu công sự ngoài thì chúng tôi bị chặn lại. Địch đã kịp tổ chức lại và điều quân từ phía sau lên. Hai khẩu trung liên Bar của địch quạt chéo cánh sẻ vào đội hình chúng tôi. A trưởng Soán của B4 bị một viên vào mặt văng mất hàm dưới làm một mũi tấn công khựng lại. Cùng lúc địch dùng M72 bắn lại dữ dội. Rồi cối 61, cối 81 của địch rót vào khu vực trận địa mù mịt. Súng đạn bản thân của chúng tôi có hạn, chưa tiến được bao nhiêu thì B40 đã gần hết đạn, chỉ còn trông chờ M79 và AK. Chúng tôi phải nằm bẹp lại và tản thưa ra tránh đạn cối. B40 đạn ít mà địch không tập trung thì tác dụng thấp, lại bị địch chú ý tập trung tiêu diệt vì chúng rất sợ B40. Có lẽ cả đại đội mấy chục tay súng chúng tôi cũng không thể tiêu diệt được cái đại đội này của địch. Đại đội ra lệnh bắn cối 60 chi viện và gọi cối 82 của tiểu đoàn. Cả trận địa cứ mù mịt cả lên.

               Một khẩu cối 60 của C tôi bắn được mấy trái thì gặp nạn. Có lẽ do liều ẩm, trái trước chưa ra khỏi nòng thì anh Đối đã thả trái sau. Hai trái cối đội đít nhau nổ ngay đầu nòng làm anh Đối và một anh nữa hy sinh. Khẩu cối vỡ toác nòng. Còn một khẩu cối 60 nữa bắn cầm canh cùng cối 82 của tiểu đoàn chi viện cho được độ hai chục trái. Chúng tôi không đủ sức đánh tiếp nữa nên rút lui. Bây giờ mới gay go. Cả một vùng cây thưa, rừng thấp rộng lớn mà chúng tôi phải băng qua không che nổi đạn pháo của địch rót tới. Kẻ địch mạnh và dư thừa về bom pháo. Động một tí là chúng gọi pháo. Bom pháo luôn là mối đe dọa kinh hoàng đối với chúng tôi sau mỗi trận đánh. Không rút nhanh, thoát ra được nhanh, kể cả khi ta đã làm chủ trận địa thì khả năng thương vong rất cao. Trên đường chúng tôi rút chạy về đến khu tạm trú ở Huội Chăm-Pi (chỗ đó có hầm chữ A vững chắc và chưa bị lộ). thêm 4 người nữa hy sinh về đạn pháo, 3 người bị thương. Thế là chỉ trong một trận đánh không lớn vào buổi sáng đại đội tôi đã hy sinh mất 6, bị thương 4 và chúng tôi cũng chỉ còn đủ sức khiêng vác tất cả về đến huội Chăm-pi. May là địch chỉ gọi pháo bắn chứ không tổ chức truy kích chúng tôi.

               Phía C5 cũng không hơn gì chúng tôi. Họ bị địch phát hiện và tấn công trước. Bên đó lại còn không được cối 82 của tiểu đoàn hỗ trợ. Thực chất tiểu đoàn có lẽ cũng định tổ chức lùng sục vũ trang, gặp đơn vị nhỏ của địch, đánh phủ đầu tiêu hao sinh lực của chúng thôi, không ngờ cả 2 C đều gặp lực lượng lớn của địch. Không kể bị thương, C5 cũng có 5 tử sĩ.

               Cả hai đại đội chúng tôi khiêng thương binh, tử sĩ kéo nhau vượt về bờ Bắc huội Chăm-pi, đến tập kết tạm tại khu vườn chuối. Bây giờ cũng đã giữa chiều rồi còn gì.

….
Logged

hoi76
Thành viên

Bài viết: 4


« Trả lời #371 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2010, 02:50:58 pm »

Chào chú Trongc6 và các thành viên QSVN cháu là thành viên mới tham gia gia diễn đàn. Cháu rất đam mê lịch sử bi hùng của QDNDVN qua hồi ký của chú và các thành viên khác trong diễn đàn. Cháu sinh ra khi dân tộc ta vừa kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ thống nhất đất nước. Ký ức chiến tranh của cháu là qua lời kể của bố (bố cháu tham gia quân đội năm từ năm 1968 sau đó chuyển sang lái xe tại các mặt trận phía nam, chiến trường K, chiến trường Lào), rồi những năm khoảng 1984 đêm nằm chợt tỉnh giấc vì tiếng xe quân sự chạy rầm rập qua cửa (nhà cháu tại Hải Phòng nằm ngay trên trục đường Hải Phòng - Hà Nội cũ). Cháu còn nhớ những năm đó đã có lần mẹ cháu nhìn cháu và khóc "con ơi ... chiến tranh ... bộ đội ..." Khi cháu lớn lên thì đất nước đã rất đỗi thanh bình, tuy nhiên những gì mà chiến tranh để lại thì cháu vẫn có thể cảm nhận được : các chú thương binh chở về, các câu chuyện về bom đạn mất mát ..v.v.Cuộc hiện tại có thể thành công với người này hoặc còn khó khăn với người khác. Tuy nhiên khi đọc các trang hồi ký của các CCB người ta chợt có một khoảng lặng ở trong lòng và bỗng nhận ra rằng cuộc sống hiện tại thật tươi đẹp , thật hạnh phúc biết bao. Thưa các chú , các bác cháu rất yêu và khâm phục những người lính QDND Việt Nam. Cháu rất mong được đọc các trang hồi ký thấm đẫm sự chân thực của các CCB. Sau này con trai cháu lớn lên cháu cũng sẽ kể cho nó nghe một trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhân dịp những ngày đầu năm mới chúc các CCB mạnh khỏe, thành đạt trong công việc hiện tại.
Logged
tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #372 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2010, 10:19:55 am »

 Trung đoàn tôi đánh ngụy Lào , phỉ Vàng pao , lính Thái ở Xiêng khoảng , khi chạm BB mình lính nó hay chạy rồi kêu pháo ,mình khó diệt lại bị tổn thất nên hay dùng chiến thuật " Đón lõng ". Bộ phận đánh chính diện - xua đuổi _có khi ít nhưng bộ phận đón lõng thì nhiều vì phải phục kích ở nhiều ngả đường mình đoán địch chạy , do đó khi chạm địch nổ súng , địch chạy là bị rơi vào các ổ phục , địch  kêu pháo thì bộ phận đánh chính lui, nên ít tổn thất mà hiệu quả . Được cái lính thời đó chủ yếu  là các bác người Mông  ,thái , tày Tây bắc và các bác người Thanh ,Nghệ nên chuyện luồn rừng là chuyện nhỏ
Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #373 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 01:02:57 pm »

       Vừa nhớ đến Pleiku, định tìm topic "Từ Đức cơ đến chù Preat viahea" của đại trưởng trinh sát Võ Văn Hà mà không thấy cả chuỗi topic đó đâu cả. Độ này năm ngoái, bác VovanHa là điểm nóng của Box "Máu và hoa" cơ mà.

      Bác nào biết chùm topic đó dời đi đâu, chỉ giúp tôi với.
       Mà cũng lạ là đã lâu không hề thấy giáo Hà xuất hiện.
Logged

yawningallday
Thành viên
*
Bài viết: 9


« Trả lời #374 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 01:16:27 pm »

Bị khóa nick rồi bác ạ, thông báo tại đây ạ
http://www.quansuvn.net/index.php?topic=652.msg196618#msg196618
Logged
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #375 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2010, 12:39:55 am »

Em vừa thấy loáng thoáng xuất hiện ở đâu đó 1 bác nick mới vovanhoa...nghe hao hao...hihi nghi lắm...hình như ở topic của bác lixeta thì phải.
Mà bọn hậu sinh chúng em chỉ được đọc thông báo của admin, không rõ sự vụ thế nào...thế bác trongc6 cũng không biết ạ?
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #376 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2010, 09:44:47 am »

….
               Cả hai đại đội dồn cục lại khu vườn chuối, bây giờ mới giở cơm ra ăn vội. Cổ khô, chán chả muốn ăn.
   
           Thương binh được tập trung, vừa khiêng vừa dìu về ngay tuyến sau. Từ đây về đến trạm xá trung đoàn cũng phải bảy tám tiếng. Tiểu đoàn chỉ có một y sĩ và một y tá nên cũng chỉ sơ cứu được thôi. Mỗi C có 3 y tá đấy, nhưng cũng chẳng giải quyết được gì hơn. Tất cả tử sĩ được liệm trong vải dù trắng. Cũng phải có người khiêng về tuyến sau chứ, vì nghĩa trang của tiểu đoàn cũng phải đi xa tới dăm tiếng.
   
            Không thể để mất vị trí bờ huội Chăm-pi, trước khi trời tối, cả hai C5 và C6 lại phải sang giữ Nam huội Chăm-pi chặn địch. Tất cả 11 tử sĩ được xếp nằm trong vườn chuối, giao cho tôi ở lại canh ban đêm. Sáng mai sẽ có lực lượng của C7 ra khiêng về.
   
           (Trong trung đoàn tôi cũng có C25 gọi là C vận tải. Không biết quân số của họ là bao nhiêu, nhưng nhiệm vụ của họ chủ yếu là cùi gạo đạn và vận chuyển đồ đoàn của sở chỉ huy trung đoàn. Suốt thời gian chiến đấu ở E9b, tôi chưa bao giờ gặp họ đi cáng thương binh hay tử sĩ từ trận địa về bao giờ. Vì thế khi xem chuyện về Biên giới Tây Nam, tôi rất ngạc nhiên khi biết ở đó lính vận tải phải mang đạn ra tận trận địa cho bộ binh và nhận luôn nhiệm vụ cáng thương binh tử sĩ về).
   
           Lúc mới nhận nhiệm vụ một mình ở lại bãi chuối ban đêm trông tử sĩ, tôi chưa nhận thức được điều gì và chưa thấy sợ. Nhưng khi mọi người đi hết rồi, chỉ còn lại một mình với khẩu AK, một nắm cơm nếp và trời cứ tối dần thì tôi bắt đầu thấy sờ sợ. Cả cái vườn chuối rừng rộng lớn cây mọc đều nhau, trong đêm đen trông lờ mờ như những người đang đứng. Gió xào xạc, lá chuối phất phơ. Ở trong rừng chuối lạnh lẽo lắm chứ không ấm cúng như trong rừng già. Có mấy cái hầm chữ A đấy, nhưng cái nào cũng xâm xấp nước vì ở gần suối, nên không thể chui vào đó được. Trong đêm tối nhờ nhờ, dãy tử sĩ nằm nổi lên trắng toát, vẫn còn tanh mùi máu. Tôi cũng không phải là thằng sợ ma lắm vì ở nhà cũng rất hay nghịch ngợm, thường hay rủ bọn trẻ con ra bãi tha ma chơi đánh trận giả. Chơi chán thì dọa nhau rồi chạy. Trơ ra thì có khi còn ngủ quên cả ngoài đó vì trời mát, người nhà phải ra gọi về. Thế mà ở đây, đồng chí đồng đội mình nằm chứ ai, lại có khẩu AK lên đạn sẵn, thế mà vẫn thấy gai gai lành lạnh. Tôi không sợ địch vì biết chắc ở chỗ này cũng chẳng có ma nào mò tới. Bọn thám báo nó sục ở mé rừng già cơ, chứ chỗ này ngách cụt, chẳng ra thế trận gì cả thì chúng cũng chẳng màng. Có lẽ đơn vị phải cử tôi  trông vì sợ có con thú nào nó mò vào đây chăng. Tôi mới vào chiến trường, chuyện trò với các anh lính  cũ không được bao nhiêu, nên chẳng biết ở đây có hổ không. Nói dại chứ hổ nó mò vào thì tôi làm sao mà đánh lại được nó như ông Võ Tòng đánh hổ ở đồi Cảnh Dương trong Thủy hử. Tôi lại lan man nghĩ đến những con kỳ đà bới mộ ăn xác chết trong chuyện "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi. Đêm tối thế này nhìn không rõ mà có độ mấy con to như con cá sấu già sồn sột bò đến thì biết xử lý ra sao. Cứ nghĩ thế mà màn đêm xuống muộn lắm rồi tôi vẫn chưa lôi được gói cơm ra ăn.
   
             Chừng nửa đêm thì trời mưa. Nhẩm lại từ hôm tôi vào đại đội đến nay đã hơn hai tuần, đúng là mùa mưa rồi đấy mà tận hôm nay mới gặp mưa. Mưa khá to và dai dẳng suốt đêm. Tôi lấy tấm ni-lon ra quấn quanh người, bấm bụng lấy can đảm rồi rà một lượt đi quanh các tử sĩ. Mưa làm ướt hết tấm vải dù liệm xác, ướt hết cả tử sĩ, nhưng cũng chẳng có gì để che. Tôi đành quay về tìm một khóm chuối rậm rồi cứ để nguyên ni-lon quấn quanh người mà chui vào đó, ngồi co ro cho đỡ nước mưa và đỡ lạnh. Rồi cũng phải chén hết nắm cơm. Giá đây là căn hầm có rải cỏ tranh khô ráo thì tôi cũng đánh liều mà làm một giấc cho đỡ mệt. Nhưng cái bụi chuối này chỉ che được mưa tạt trực tiếp thôi, chứ không có hơi ấm. Lúc ấy tôi chưa nghiện thuốc lá, chưa có cái bọc thuốc rê như của lính cũ nên cũng chẳng có gì giúp làm mình ấm hơn. Không ngủ được và cứ ngồi co ro như thế nhìn ra ngoài chỗ để tử sĩ.
   
           Trong số các anh nằm kia, tôi cũng chỉ mới biết một hai người. Cũng chưa hiểu rõ tính tình các anh, quê quán nơi nào. Các anh vào lâu chưa, đánh bao nhiêu trận rồi. Bây giờ các anh ấy đã sớm trở về lòng đất. Cuộc đời đã khép lại, món nợ trần gian đã hết. Đã ai có vợ con gì chưa. Bao giờ thì gia đình các anh ấy nhận giấy báo tử. Tôi cứ nghĩ lan man rất dở hơi như thế mãi. Cái điệp khúc này dễ làm nao núng lòng người, dễ dẫn người ta đến con đường đảo ngũ lắm. Trong bộ đội, người ta yêu cầu sinh hoạt thường xuyên, dù ở tuyến trước hay tuyến sau, chính là để lính ta hướng vào hoạt động tập thể, giảm bớt cái khoảng thời gian suy nghĩ vẫn vơ dễ làm cho người ta sinh ra tư tưởng. Thế mà bây giờ tôi ngồi đây cả đêm mà nghĩ lung tung như thế thì thật không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi thoáng nghĩ đến con đường hành quân trên Trường Sơn. Đường vào gian nan một thì đường ra chắc phải khó gấp đôi. Nhưng tôi đã quyết ra đi không quay gót rồi mà. Nếu không đỏ ngực thì phải xanh cỏ thôi. Con đường chinh chiến phía trước còn dài và mịt mù lắm. Đã ai dám hẹn được ngày quay trở lại. Trong khó khăn, đói rét và cơ cực thì còn quyết tâm là mình phải sống, phải vượt qua chứ đời lính chiến thì đố ai dám quả quyết là mình phải sống. Chẳng ai đoán trước được số phận con người. Cứ xác định là rồi đến lúc nào cũng tới lượt mình ngã xuống thì còn thấy nhẹ nhàng và thanh thản hơn. Điều an ủi có thể làm yên lòng là mình đã thay cho gia đình để góp vào sự hy sinh chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến này mà gia đình nào cũng có nghĩa vụ đóng góp.
   
            Cuối cùng trong cái mưa lạnh ấy, về gần sáng tôi cũng chợp mắt được một lúc trong cái thư thế co ro trong bụi chuối. Ngủ đấy nhưng cũng tỉnh rất nhanh khi có tiếng động trên đầu dốc. Trời đã tảng sáng nhưng vẫn nhòa trong cơn mưa. Một đoàn lính của C7 theo sau một người của C tôi đi tới. Tất cả nhanh chóng xếp các tử sĩ vào cáng rồi khiêng đi. Mưa to, đường trơn thế này thì chắc cũng phải đến chiều mới tới nghĩa trang. Tôi trở về bên kia huội Chăm-pi với đại đội ngay sáng hôm ấy.
   
             Buổi chiều, tôi lăn ra sốt. Cơn sốt rét rừng đầu tiên. Thoạt đầu là thấy mệt mỏi, đau đầu. Rồi lạnh, cái lạnh như từ trong người chui ra. Tôi chúi xuống cái hầm chữa A xếp đầy cỏ tranh nằm sóng xoài. Đến khi hết rét thì người và đầu nóng bừng bừng, rồi thiếp đi, miên man không biết đến thời gian. Dọc đường hành quân trên Trường Sơn, chúng tôi được phát mỗi người một cái lọ nhựa có 50 viên Ni-va-quin. Mỗi tuần làm một viên để phòng chống. Có mấy thằng bị sốt dọc đường đã phải dùng theo chế độ 4 viên một ngày. Bây giờ đến lượt tôi. Lấy ngay lọ thuốc của mình chứ y tá chưa có cho thuốc men gì. Đến tối anh Trịnh đưa cho nắm cơm nếp, thấy khô và đắng lắm. Giả dụ có muốn ăn cháo thì ở đây cũng chẳng ai nấu cho mà ăn. Chỉ muốn nằm thôi vì nhỏm dậy là thấy chóng mặt vô cùng. Tôi cứ ốm vạ vật như thế mấy hôm, mặc cho đơn vị cứ thay nhau lên chốt. Nhưng hình như cũng chẳng có đánh nhau. Sau lưng nước huội Chăm-pi dâng cao do nước lũ đổ về, ngăn cách hẳn đơn vị với tuyến sau.


« Sửa lần cuối: 03 Tháng Tư, 2010, 09:51:27 am gửi bởi Trongc6 » Logged

nghiacdt
Thành viên
*
Bài viết: 8


« Trả lời #377 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2010, 05:53:18 am »

Kính chào chú Trọng
Cháu công tác trong quân đội 15 năm. Ngay từ khi bắt đầu vào QD. Khi được học về chiến thuật ở năm đầu tiên, cháu đã từng nghĩ, chiến đấu, chiến tranh đơn giản vậy sao
Và nghĩ rằng, những kiến thức về kỹ thuật chiến đấu, về cuộc sống của người lính trong chiến tranh, thực tế chiến tranh như thế nào, nếu không có ai truyền lại, ghi lại, viết ra. Thì thế hệ này qua thế hệ khác, các thế hệ sau, càng ngày càng xa lạ với lịch sử dân tộc, hiểu không đúng về lịch sử dân tộc, hoặc hiểu một cách chung chung, như cháu đã từng hiểu trước khi đọc được những dòng chú và các chú, các anh khác viết ra trong diễn đàn này.
Mặc dù không được học sâu toàn diện về quân sự, nhưng những gì được học qua trường đại học, qua nhìn nhận về các anh chỉ huy  ở năm đầu tiên, qua cuộc sống quân ngũ 15 năm, cháu vẫn thấy, kiến thức về chiến tranh, về quân sự, được truyền đạt không đủ để một người lính bình thường có thể chủ động trong chiến tranh.
Cháu cảm thấy, kiến thức quốc phòng, cách truyền đạt trong lịch sử, trong văn học chiến tranh, trong nhà trường quân sự, trong quân đội, đã bị lược bỏ nhiều yếu tố chân thực.
Qua đọc được những hồi ức của chú và các chú khác trong quansuvn.net, cháu thấy hiểu đúng, rõ ràng về cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, đánh Trung Quốc.
Và thấy đây là những thông tin chân thực nhất, về một giai đoạn lịch sử không thể nào quên. Thấy cuộc chiến tranh đúng là như vậy. Đó là cuộc đời.
Mảng đề tài chiến tranh Việt Nam, bây giờ, các chú mà không viết, thì lớp sau, hay các nhà văn, nhà viết sử bây giờ, chỉ viết như kiểu mô phỏng và thêm thắt, suy luận, không chân thực.
Chắc sẽ có ai đó suy nghĩ rằng, nếu thấy máu chảy, thấy hy sinh, hiểu quá sâu về chiến tranh, thì còn ai giám hy sinh.
Nhưng, các chú, các chú cũng đã chứng kiến, đã trải qua những khó khăn, các chú vấn “dấn thân”.
Riêng cháu, thế hệ cháu, và các lớp sau nữa, cháu nghĩ, vẫn sẽ suy nghĩ và hành động như các chú đã trải qua
Bọn cháu sống trong hòa bình, nhưng vẫn là người lính, vẫn thực hiện các nhiệm vụ, cũng có nhiều khó khăn, không thể bằng các chú, các anh lớp trước. Nhưng qua “cân, đong, đo, đếm” về những người lính thời bình. Cháu tin tưởng ỏ suy nghĩ của mình
Cháu không tô hồng, không lý tưởng hóa, không duy ý chí. Nhưng cháu tin là thế.
Một giai đoạn lịch sử không thể nào quên.
Chân thành cảm ơn chú đã viết lên những hồi ức chân thực.
Rất hy vọng, sẽ có dịp được gặp lại chú và các chú, các anh trong hội QKTD và trong nhóm Cựu chiến binh.
Nếu các chú, các anh, cần hỗ trợ về số hóa, về tin học… cháu xin sẵn sàng
Chúc chú giữ được sức khỏe và nhiệt huyết.
Mong chú tiếp tục vững tay máy vi tính, tiếp tục cho cháu, và những người khác, được biết những hồi ức chân thực không thể nào quên.

Logged
t2ncdn
Thành viên
*
Bài viết: 153



« Trả lời #378 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2010, 07:56:39 pm »

Rất chia sẻ với đồng chí nghiacdt. Nnăm 1992, khi mình đang học ở trường SQLQ I, trong buổi giới thiệu về cách mắc màn khi nằm võng trong lúc dã ngoại, đ/c trung đội trưởng khung kiêm giáo viên hướng dẫn anh em vắt màn qua dây đỉnh võng để hở 2 đầu. Nói chung là mọi người đều thấy không hợp lý nhưng có lẽ nghĩ rằng chả bao giờ dùng đến nên nên không thắc mắc gì. Mình là loại hiếu sự nên có hỏi như vậy thì mắc màn có tác dụng gì nếu như muỗi vẫn ra vào vô tư và được giải thích là trong chiến đấu việc bị muỗi đốt thì có ăn thua gì (chống chế một cách vụng về). Không thỏa mãn với cách giải thích như vậy lúc có dịp mình hỏi cụ già, cụ là lính hết chiến tranh phục viên với quân hàm hạ sĩ quan thì được hướng dẫn cách mắc màn hết sức thỏa đáng. Năm 1992, quân đội ta mới bước ra khỏi cuộc chiến cuối cùng thời gian không xa. Từ ví dụ nhỏ nêu trên mình thấy có rất nhiều kinh nghiệm chiến tranh hết sức quý báu giúp cho tiết kiệm xương máu người lính đã nhanh chóng bị lãng quên không được truyền lại cho thế hệ sau (riêng sốt rét cũng đã gây tổn thất không nhỏ làm mất sức chiến đấu của bộ đội). trong trường họp tình huống chiến tranh xảy ra nhiều việc lại phải bắt đầu lại từ đầu. Giá như có điều kiện tập hợp ghi chép lại những điều tưởng nư nhỏ nhặt này thành các tài liệu để truyền lại các thế hệ sau thì rất quý báu. Việc này ở quân đội nhiều nước đã làm rất tốt, trong quá trình làm việc mình đã có điều kiện tiếp xúc với một số tài liệu hướng dẫn kiểu như sổ tay dành cho chiến sĩ của quân đội nước ngoài thấy rất tiếc là quân đội ta đã bỏ phí một tài nguyên trí tuệ lớn của các lớp đàn anh đi trước.
Vĩ thanh: Sau này không nhớ cụ thể lúc nào mình có đọc một bài báo trên báo QDND nói về việc một đơn vị của Quân Đoàn 3 luyện tập hành quân dã ngoại gặp mưa tất cả đều bị ướt mặc dù được trang bị đầy đủ tăng võng, đơn giản là từ lính đến quan đều không biết cách mắc võng.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tư, 2010, 08:03:32 pm gửi bởi t2ncdn » Logged

Đời lính năm hào, không có em nào thương
Hai Ruộng
Thành viên
*
Bài viết: 1275


« Trả lời #379 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2010, 08:32:10 pm »

Cháu không tô hồng, không lý tưởng hóa, không duy ý chí. Nhưng cháu tin là thế.
Một giai đoạn lịch sử không thể nào quên.

 Các cháu suy nghĩ như thế là rất đúng . Nếu cái gì ta cũng tô hồng , đến khi bất chợt chúng ta gặp một việc gì đó nó không hồng thì ta dễ mất phương hướng lắm . Việc gì cũng cần chúng ta phải bình tỉnh , suy nghĩ như thế nào cho nó hợp với khoa học , thì lúc đó chung ta mới vững niềm tin .
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM