Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 06:05:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323538 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thaynhin
Thành viên
*
Bài viết: 178


« Trả lời #300 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2009, 03:54:22 pm »

Em cũng không thật rõ nhưng cũng xin thưa vói bậc đàn anh Bác TrọngC6 ạ: Không biết sông Lệ thủy bác nhắc đến có phải sông Bến Hải không?
 Năm 2007,2008 em qua lai Đồng Lộc vài lần,đường qua ĐL là đường 15,em không biết có sự đổi tên nữa không?Trên đường thỉnh thoảng vẫn có bia kỷ niệm chiến thắng!Kính bác và chúc bác khỏe!
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #301 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2009, 05:39:10 pm »

     Sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh (Quảng trị)
     Còn sông Lệ Thủy thuộc Quảng Bình.

     Quảng bình có 2 sông chính là sông Gianh (Nơi gianh giới phân chia Trịnh-Nguyễn phân tranh hồi thế kỷ 17 đấy) và sông Lệ Thủy. Dân gian vẫn gọi là sông Lệ Thủy, thật ra tên chính là Nhật Lệ. Con sông này có một nhánh là sông Kiến Giang. Có lẽ chảy trên địa phận huyện Lệ Thủy nên người ta hay gọi Nhật Lệ là sông Lệ Thủy chăng? (con sông này có bến phà Long Đại nổi tiếng trong KCCM đấy).

     Các con đường mở ra trong KCCM có nhiều tên. chắc chắn có nhiều thay đổi. Ví dụ con đường 10 chạỵ qua căn cứ Chư Nghé ở B3 bọn tôi vẫn quen gọi ngày xưa, nhưng bây giờ mà nói đường 10 thì người ta lại hiểu là đường 10 ở Hải Phòng.
Logged

vovanha
Thành viên
*
Bài viết: 1575

Một thời để nhớ !


« Trả lời #302 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2009, 05:52:01 pm »

 ... Các con đường mở ra trong KCCM có nhiều tên. chắc chắn có nhiều thay đổi. Ví dụ con đường 10 chạỵ qua căn cứ Chư Nghé ở B3 bọn tôi vẫn quen gọi ngày xưa, nhưng bây giờ mà nói đường 10 thì người ta lại hiểu là đường 10 ở Hải Phòng.
Chư Nghé , cao điểm 421...hậu cứ của E95 thời 1975,1976.
Lạnh kinh khủng. Bây giờ vẫn còn hãi này Bác Trongc6 ơi !
Logged

Quy Nhơn ! Thành phố nhỏ hơn những gì nó có.Thơ bốn câu không quá hai mươi chữ. Rung chân trời một cánh yến mảnh mai. Con đường nghiêng em hát bên tôi. Gió và tóc...nắng và nước mía .
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #303 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2009, 10:22:44 pm »

….
     Chúng tôi được nghỉ ở đây một ngày.

       Cả đại đội huấn luyện chỉ còn có 5 cán bộ khung gồm C phó Hảo và 4 B phó khác dẫn chúng tôi vào Nam. Còn lại từng A chúng tôi phải tự bảo nhau. Trừ thủ trưởng Hảo, các B phó huấn luyện đều lần đầu vào Trường Sơn nên cũng chẳng ai có kinh nghiệm gì hơn chúng tôi. Nhất nhất đều phải nhận lệnh qua giao ban tại từng Trạm, hành quân có giao liên dẫn đường.

      Giờ này chắc các thủ trưởng đi họp giao ban nên chẳng có ai đánh thức chúng tôi dậy sớm. Chúng tôi ngủ ngon đến bảnh mắt.

       Đêm qua dù tối om nhưng không hiểu sao tôi vẫn mắc được tấm tăng che cao trên cái hầm thùng mấy chục phân để tránh sương. Bây giờ thức giấc rồi, tôi nằm im nhìn lên màn sáng đục sau tấm tăng. Nằm mà nghĩ vơ vẩn thôi. Thế là cái thân trai này đã nằm ngủ một đêm trên dãy Trường Sơn, cách nhà tới vài trăm cây số. Khoảng cách địa lý thì đo được, nhưng cuộc đời từ đây chỉ có một hướng: phía trước là mặt trận và cứ phải theo đó mà đi, không hẹn ngày trở lại. Không biết mấy tháng, mấy ngày nữa sẽ vào đến đơn vị mới, sẽ được xung trận, được nổ súng như các anh trong tiểu đội Bùi Ngọc Đủ trên đồi không tên đã đi vào bài hát "Dòng suối La La" bất diệt.

         Bỗng nhiên nghe tiếng loạt xoạt rất khẽ nơi bao gạo gối đầu. Rồi có tiếng nhai gạo lách cách. Tôi hơi nghiêng người, thấy có con gì đó be bé như con chuột chạy vụt ra. Quyết định nằm im tư thế đó mà theo rõi. Lại nghe tiếng loạt xoạt. Hé mắt khe khẽ ra thì thấy một con chuột đã chui vào cắn gạo. Nhưng không phải chuột. Nó to bằng nửa cổ tay, lông màu tro vằn vèo, đuôi dài và rậm. Cái đầu giống con chuột nhưng đôi mắt lanh lợi, không đen sì và gian giảo như mắt chuột. Con vật khá bạo, tiếp tục moi những hạt gạo ra ăn. Phải nghĩ mãi tôi mới đoán ra là con sóc. Nhưng sao con sóc này bé quá, đuôi không to như con sóc ăn hạt dẻ trong chuyện cổ tích. Tôi vùng dậy và con sóc chạy mất.

          Cởi bỏ tấm tăng, tôi nhìn quanh, thấy choáng ngợp trước quang cảnh của bãi khách. Bắt đầu từ đây, tôi biết đến từ "bãi khách", là nơi được trạm giao liên chuẩn bị sẵn, có hầm, có cây mắc võng, nằm dưới những tán rừng già, dùng để cho các đoàn "khách" vào, ra dừng chân. Một trạm có nhiều bãi khách. Thường các đoàn quân vào, ra đều chỉ biết bãi khách chứ hầu như không biết vị trí Binh tram hay Trạm, nơi có BCH, có thông tin, có trạm xá… nằm chỗ nào.

        Bãi khách này rộng thật. Hầm thùng đủ cho cả đại đội tôi hơn trăm rưởi người nằm mà vẫn còn thừa. Khi đó lính tráng đã dậy cả. Nhiều đứa đã ra tắm ở con suối chảy ven bãi khách. Suối không sâu nhưng rộng cỡ 2 mét, nước trong và mát. Nhiều tốp lính đã bẻ củi bắc hăng-gô nấu cháo ăn sáng. Củi khô ở đây nhiều vô biên, đúng là củi rừng. Mỗi lính chúng tôi được phát 2kg ruốc (một cân loại trằng ít muối, còn một cân loại đen thì nhiều muối mặn chát xít dùng để nấu ăn). Mỗi lính cũng được phát một gói cỡ 2 lạng mì chính cánh của Trung Quốc. Thế là tự nấu ăn được rồi, nhưng buổi sáng lười nên chỉ toàn nấu cháo. Đến trưa mới tổ chức nấu cơm theo tiểu đội. Đại đội phát nốt từ hôm trước ở Quảng Bình cho các A một ít rau cải chở theo được bằng ô-tô. Từ ngày mai thì chỉ còn ruốc và rau rừng.

        Ngày hôm đó, chúng tôi được phổ biến tất cả mọi quy định chung cần thiết khi hành quân trên Trường Sơn. Từ chuyện đội hình, giữ bí mật, vệ sinh theo kiểu "hố mèo"… đến các quy định về ánh sáng, lửa khói… Rồi học cách mắc tăng, mắc võng thế nào cho nhanh để khi tháo cũng chỉ rút dây một cái là xong, rồi cách buộc ni-lon khi đi trời mưa… Tóm lại là một đống kiến thức cần thiết trên đường hành quân. Không thể nhớ hết một lúc, nhưng dần dà qua những ngày hành quân dọc các binh trạm thì rồi tất cả ngấm vào người như một bản năng. Nó ngấm mạnh tới mức bây giờ vẫn không quên điều đó. (Tôi vẫn còn giữ được chiếc võng vải dù chiến lợi phẩm và tấm tăng TQ zin làm kỷ niệm. Chẳng có điều kiện mà dùng lại. Đôi lúc cũng muốn đem ra vườn mắc lên nằm chơi một buổi để gặm nhấm quá khứ, nhưng lại sợ thiên hạ nhìn thấy, chê bố này lẩn thẩn rồi, nên đành vẫn để đấy).

           Chúng tôi còn được nghỉ thêm một ngày nữa ở trạm 5. Tôi cứ ngồi ngửa cổ nhìn lên những cây già cao vút, cỡ hơn người ôm. Rồi nhận ra ở đây có rất nhiều lũ sóc chuột bé tẹo ấy. Hầu như ruột tượng của thằng nào cũng bị sóc cắn, chúng tôi phải khâu ríu lại. Về sau vào sâu trong Nam và sống lâu trong rừng, tôi biết rừng già nào cũng có sóc chuột. Có thể ví chúng với chuột ở đồng bằng. Và tôi nhận ra rằng chỗ có người ở thì có chuột đủ loại, còn rừng già thì có sóc, nhưng không có chuột. Ở đó chỉ có những con chuột núi (con dũi) to tướng hay đào gốc măng nhai kèn kẹt thôi. Nhiều vùng rừng già lại có cả sóc bay nữa. Chúng cũng bé tì tẹo. Lúc yên tĩnh, nhìn thấy chúng nó thả người từ một thân cây cao, vèo một cái đã thấy bám vào một cây khác cách đó một đoạn xa thì biết nó là sóc bay. Có điều nó chỉ bay từ trên cao xuống thấp thôi chứ không thấy bay từ thấp lên cao bao giờ.
….
Logged

con_ech_gia
Thành viên
*
Bài viết: 198



« Trả lời #304 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2009, 08:12:34 pm »

    Sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh (Quảng trị)
     Còn sông Lệ Thủy thuộc Quảng Bình.

     Quảng bình có 2 sông chính là sông Gianh (Nơi gianh giới phân chia Trịnh-Nguyễn phân tranh hồi thế kỷ 17 đấy) và sông Lệ Thủy. Dân gian vẫn gọi là sông Lệ Thủy, thật ra tên chính là Nhật Lệ. Con sông này có một nhánh là sông Kiến Giang. Có lẽ chảy trên địa phận huyện Lệ Thủy nên người ta hay gọi Nhật Lệ là sông Lệ Thủy chăng? (con sông này có bến phà Long Đại nổi tiếng trong KCCM đấy).
Bác TrongC6 chỉ đi qua thôi mà biết khá rõ về đất Quảng Bình  Grin. Nhưng em xin mạo muội đính chính một chút:
Sông Nhật Lệ gồm 2 nhánh chính: Kiến Giang (chỉ yếu trên đất Lệ Thủy) và Đại Giang (chủ yếu trên đất Quảng Ninh). Phà Long Đại nổi tiếng ác liệt đi qua dòng Đại Giang (gần thôn Long Đại). Cách đây mười mấy năm người ta còn trục được cả loạt T54 từ lòng sông lên, rồi hội POW/MIA về đào xác phi công cũng khá nhiều.
Có lẽ chỗ bác TrongC6 vượt sông là chỗ phà Long Đại đấy.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Mười Một, 2009, 08:19:39 pm gửi bởi con_ech_gia » Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #305 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2009, 10:07:21 pm »

….
              Sau ngày nghỉ tại trạm 5, chúng tôi hành quân sang trạm T6. Đường đi độ non ba chục cây số. Phần lớn đi trong rừng già. Đường thoai thoải lên cao xuống thấp tí chút như miền trung du ngoài Bắc. Có lẽ đây là vệt núi cùng bình độ với trạm 5. Hành quân trong Trường Sơn mà khung cảnh yên tĩnh hòa bình, nhiều lúc cảm thấy như vẫn đang đi dã ngoại vậy. Ngoài quân tư trang cá nhân giống nhau, chỉ có khẩu súng AK và cái soong là phải chia nhau mang. Vẫn 3 người một khẩu phát từ ngoài Kim Bảng, chưa có thêm vũ khí gì.

               Trạm T6 có bãi khách nhỏ hơn T5. Con suối cũng nhỏ hơn. Chúng tôi chỉ dừng chân một đêm, hôm sau sẽ đi tiếp. Sáng hôm sau, C38 với hơn trăm rưởi lính trong tiểu đoàn chúng tôi chia tay hành quân theo hướng khác. Họ đi theo trục Đông Trường Sơn. Sau này hết chiến tranh gặp lại mấy thằng,chúng nó kể là được bổ xung vào tỉnh Quảng Ngãi, làm bộ đội địa phương. Cũng xuống đồng bằng, vào làng, nằm hầm bí mật và chống càn. Đến năm 1975, Quảng Ngãi giải phóng thì chúng nó làm công tác tiếp quản địa phương. Không được theo đại quân vào chiến dịch Hồ chí Minh. Đến 1976 thì những đứa sống sót cũng lần lượt được ra quân và về nhà hết.

               Còn lại 3 đại đội chúng tôi hành quân theo ngả Tây Trường Sơn. Con đường chúng tôi đi đúng là đường mòn, chỉ có thể đi bộ. Chỗ rộng cũng chỉ đủ hai người đi ngược chiều tránh nhau. Cứ hành quân non tiếng lại nghỉ giải lao mươi phút. Đặt phịch ba-lô và ngồi ngay bên vệ đường. Chúng tôi được dặn là nghỉ đâu thì ngồi ngay đó. Đi giải thì cứ đứng mà chĩa ngang vệ đường. Còn đại tiện thì chỉ cần đi vài mét rồi đào hố mèo là xong. Nói thế nhưng chẳng thằng nào có xẻng mà đào hố, nên cứ thiên nhiên. Một thằng đi là thể nào cũng có vài đứa chửi rầm rầm lên vì thối. Giao liên còn dặn chúng tôi nên tập đi nhấc cao chân. Đừng tạo thói quen đá vào các vật bên đường. Chỉ qua ít trạm sau, chúng tôi còn được nghe phổ biến về cây nhiệt đới và mìn lá (loại này dẫm vào chỉ cụt nửa bàn chân, nhưng như thế cũng coi như bị loại ngũ rồi). Hai của này bọn Mỹ thả rất nhiều trong các cánh rừng miền Trung.

               Quá nửa chiều thì chúng tôi đến trạm T7. Như vậy là mỗi trạm cũng chỉ cách nhau chừng năm sáu tiếng đi đường. Chưa phải leo dốc nhiều. Đại đội tôi ở vào một bãi khách nhỏ nhưng rất bẩn. Mùi xú uế khắp nơi, cứ như có một bọn nào vừa rời khỏi đây. Mà cũng vì bãi nhỏ, không đi rộng ra được (vướng các khe núi) nên mật độ ở dày. Chúng tôi mắc võng san sát nhau. Cạnh bãi khách chỉ có một con suối nhỏ. Gọi là lạch thì đúng hơn, vì dòng chảy lờ đờ mà lại chỉ bé như cái cổ tay, vướng đầy lá. Phải bới một vệt lõm, gạt lá ra, chờ cho nước tụ lại trong trong rồi lấy ca gạn cho vào bi-đông. Hơn trăm rưởi thằng lính rải ra và chờ nhau mãi mới lấy đủ nước. Chỉ có cơm canh là đun nước sôi (mà canh cũng chỉ là nồi nước đun sôi cho vào ít ruốc, đánh tơi ra, cho đũa vào ngoáy trông nó như nồi canh sợi bao tải rách. vò vào đó ít lá chua người ta chỉ cho quanh đó, chẳng biết lá cây gì). Còn nước tất cả đều là nước lã, Mỗi bi-đông chúng tôi cho vào một viên thuốc lọc nước của Trung Quốc (Mỗi lính được phát một lọ nhựa có 50 viên). Uống thấy mùi nó hơi ngai ngái.

               Cấp trên thông báo chúng tôi đang ở đất Lào, thuộc tỉnh Khăm Muộn. Cũng chẳng biết là đã vượt biên từ lúc nào. À, thế ra là mình đã được "đi ngoài ra nước" (à không, "đi ra nước ngoài") rồi đấy. Đúng là đi Tây, chứ không phải là đi Tây Bắc như những thằng đi học ở Đông Âu đâu nhé.

               Hôm sau lại cuốn gói đi tiếp. Bắt đầu quen với nhịp điệu hành quân. Ngày đi đêm nghỉ. Sáng dậy nấu cơm vào lúc trời sáng hẳn để không còn nhìn rõ ánh lửa. Ăn sáng xong rồi mỗi thằng đùm một túm để ăn trưa. Không hơi sức đâu mà nắm cơm chung, của ai nấy lo. Ai muốn nắm thì nắm, ai ngại thì cứ gói vào khăn mặt hay ni-lon cũng được. Buổi trưa giữa đường thì giở ra ăn, chan ít nước lã, cho tý ruốc vào là xong. Mà cũng lạ là chẳng ai đau bụng. Sau này chúng tôi được biết là nếu đang hành quân, ra mồ hôi và căng cơ bắp thì uống nước lã cũng như nước sôi. Chỉ một lúc sau là nó bài tiết ra hết, kể cả vi trùng. Khoảng 3 giờ chiều thì tới trạm T8. Như vậy chặng đường này ngắn. Được phổ biến nghỉ lại đây một ngày lấy sức.

           Thế là đua nhau tắm giặt. May là ở đây có con suối nhỏ, nhưng là suối đá nên nước trong, và chảy khá mạnh. Giặt quần áo trên các mô đá rất khoái. Chúng tôi được phát mỗi người một bánh xà phòng giặt của Liên-xô có in chìm số 72%. Đây là một điểm đặc biệt, vì lúc đó mọi thứ khác trang bị cho chúng tôi đều là của TQ, kể cả cái bật lửa. Vậy mà lại lẫn vào trong đó con dao găm và bánh xà phòng Liên-xô. Được cái bánh xà phòng này rất bền. Mỗi lần giặt quần áo chỉ xát một ít vào cổ áo và đũng quần, rồi giặt. Chỉ có một ít xà phòng nhờ nhờ đục, thế mà cũng sạch. Cái bánh xà phòng hầu như không mòn. Dùng mãi đến 3 năm sau, khi chỉ còn bé bằng cái lưỡi mèo thì nó mới trôi tuột đi lúc nào không biết.
…..

« Sửa lần cuối: 11 Tháng Mười Một, 2009, 10:12:30 pm gửi bởi Trongc6 » Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #306 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2009, 01:15:37 pm »

…..
               Một ngày nghỉ không phải họp hành. Chỉ được đi chơi loanh quanh trong bãi khách. Tụ tập nhau tán chuyện và đun nước pha chè uống. Cũng chỉ vài thằng còn lại tí chút chè Ba-Đình sót lại sau tết mang từ nhà đi. Vài bữa nữa thôi là sẽ hết sạch. Thuốc lá không mấy ai hút. Cũng chỉ dăm ba thằng còn đem theo mấy bao thuốc Trường Sơn, chẳng ai xin làm gì. Rồi nấu cháo xì xụp ăn.

              Chiều đó mấy thằng liều lĩnh đột phá đi xa ngoài bãi khách và gặp dân. Chắc họ từ bản nào đó gần đây. Họ có chuối chín đem đổi. Lính tráng moi nốt tiền Bắc ra gạ mua (thôi, còn giữ để kỷ niệm làm gì nữa), nhưng không được, vì dân họ không dùng tiền. Đành nuốt nước bọt trở về. Độ nửa tiếng sau, đang buồn vì tiếc thì mấy thằng ở C khác hiên ngang xách 3 nải chuối chín đó đi qua. Xông ra hỏi chúng mày mua bằng gì mà tài thế. Mua gì đâu, bọn tao đổi 2 cái kim băng lấy một nải đấy. Thế là sùng sục bảo nhau tìm kim băng quay ra tìm dân, nhưng hết mất rồi. Kinh nghiệm này được phổ biến, và nó có tác dụng ở những trạm sau, thậm chí ngang đường hành quân cũng gặp dân đổi chuối, đổi sắn. Không chỉ đổi bằng kim băng đâu. Khi hết loại này rồi thì ảnh màu con gái là loại hàng có giá. Vô tình mà phát hiện ra điều này.

               Lính mới chúng tôi chưa hiểu được rằng đem được một cân gạo từ miền Bắc vào đây là ít nhiều cũng có máu xương của các đồng đội lái xe. Theo từng quãng nhất định, có những kho gạo binh trạm để phát cho các đoàn quân ra, quân vào. Tiêu chuẩn vẫn là 7 lạng một ngày. Hành quân đường dài thì như thế cũng chỉ là đủ, ăn vừa hết và không đói. Thế mà có thằng trong A tôi ngại nặng đã trút bớt  phần gạo của nó xuống khe núi cho nhẹ. Lúc đến mỗi trạm, thấy nó nhường cho người khác bỏ gạo ra nấu trước, tưởng nó có tinh thần đồng đội cao cả. Đến hôm cuối cùng tới lượt nó bỏ gạo ra nấu thấy còn có nửa, cả A chửi rầm lên. Nó cãi là cái ruột tượng rách, nhưng anh em biết thừa. Sau cái bữa đói đó, chúng tôi rút kinh nghiệm là đến bữa mỗi đứa góp một ít gạo đều nhau để nấu cho công bằng. Thằng nào đổ gạo đi thì tự nhịn. Về sau vào sâu hơn một chút thì chỉ lĩnh ăn 6 lạng gạo một ngày thôi. Mà đừng tưởng cứ vào Trường Sơn là ăn lương khô thoải mái đâu nhé. Của đó chỉ có lính lái xe, lính tăng pháo, lính binh trạm hay Bộ tư lệnh thôi. Vào chiến trường hơn nửa năm sau, tôi mới được biết mùi vị bánh lương khô nó như thế nào.

               Cũng vì còn đói nên chúng tôi hay nghĩ đến ăn. Cứ mơ mộng là trong rừng sẽ có nhiều củ quả gì đó, hay là một rừng cây ăn quả nào chẳng hạn. Nhưng cái đó (chắc chắn có) lại không nằm sẵn ven đường hành quân. Có lần qua một khúc rừng thấy ngào ngạt mùi bánh mỳ. Tưởng đến gần lò bánh của binh trạm nào đó, nhưng không phải. Đó chỉ là mùi của một loại lá cây. Cũng như có lần gặp lá cơm nếp. Nó thơm mùi của bát cơm nếp mới sới. Loại lá này đáng sợ lắm. Kẹp khô trong cuốn sổ, nó giữ mùi thơm đến cả năm. Ngửi nó đã không no mà còn làm mình thèm và thấy đói hơn.

               Trong cảnh thèm ăn như thế, một lần chúng tôi gặp dân ven đường hành quân. Họ có sắn, nhưng chúng tôi chẳng còn gì mà đổi cả. Thằng Dũng "ú ớ" moi trong ví ra cái huy hiệu đoàn, đổi được một củ sắn dài độ gang tay. Quá ít cho mấy cái vẻ mặt háo hức chờ ăn. Loay hoay thế nào, nó đánh rơi cuốn lịch túi (loại lịch một hào, bằng lòng bàn tay, thịnh hành lúc ấy). Trang bìa là ảnh của Ái Vân trong vai "chị Nhung" của bộ phim Việt nam cùng tên, kể về chiến công của nữ biệt động Sài Gòn, chiếu năm 1971. Năm đóng phim, Ái Vân (cô  ca sĩ sau này) mới 17 tuổi, kém lứa lính chúng tôi đúng một tuổi. Ảnh nhân vật chị Nhung của cô được lên trang bìa của lịch túi năm 1972. Phải nói là cô rất xinh, ảnh in màu nên hầu như lính nào cũng có một cuốn. Nhìn thấy cái hình cô gái, người dân đòi xem rồi gạ đổi 2 củ sắn. Thằng Dũng đồng ý luôn. Thế là chúng tôi rào rào lấy lịch ra đổi. Chỉ một loáng, mấy người dân đổi hết sắn và hể hả cầm mấy cuốn lịch ấy đi về. Không chỉ mấy người đàn ông, mà xem ra phụ nữ và cả trẻ con cũng thích ảnh con gái đẹp. Cũng phải thôi, vì phụ nữ dân tộc vùng đó xấu lắm, không ai vượt nổi qua nước cản.

               Vậy là sau đó, thằng nào còn lịch túi "chị Nhung" là bỏ sẵn hết ra túi áo để khi cần đổi cho nhanh. Rồi đổi mãi cũng hết lịch. Hết khôn dồn đến dại, nhiều thằng lấy cả ảnh người yêu ra đổi. Nhưng bà con dân tộc cũng khôn. Họ chỉ đổi ảnh màu thôi chứ không đổi ảnh đen trắng. Lúc ấy chưa có ảnh chụp màu. Sở dĩ có những tấm ảnh màu là do các bác thợ ảnh của mấy hiệu ảnh quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm dùng bút màu tô thêm cho ảnh ở những phần môi, mắt hay áo quần. Lúc mới đầu đổi ảnh người yêu lấy sắn cũng thấy hơi áy náy, nhưng cái dạ dày đã chiến thắng. Thôi, các bạn gái hãy vui lòng cho lính tráng có thêm sức mà chân cứng đá mềm. Gửi các em ở lại trong dân cũng như là nhờ hậu phương che chở. Theo bọn anh ra nơi hòn tên mũi đạn, nhỡ lọt vào tay quân thù thì lại đau lòng người lính hơn.

              Nếu bây giờ có nhà khảo cổ hay nhà dân tộc học nào lặn lội vào dãy Trường Sơn mà gặp những tấm ảnh "chị Nhung" hay ảnh các thiếu nữ Hà Nội tô màu đã phai mờ theo năm tháng ở trong các bản dân tộc ít người, xin hãy bình tĩnh, chớ vội reo mừng tưởng mình đã "tìm ra châu Mỹ".
….

Logged

trevn
Thành viên
*
Bài viết: 43


« Trả lời #307 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2009, 04:10:28 pm »

cháu chào chú TrongC6, chú ơi cho cháu hỏi là: doc đường hành quân theo đường TS vào nam, đơn vị chú có chạm trán với bọn biệt kích của giặc cũng như máy bay B52 Mỹ ném bom rải thảm không ạ ? vì cháu nghe CCB KCCM kể là có nhiều bộ đội ta hy sinh ngay trên đường TS, trước khi vào đến chiến trường cần chi viện. kính chúc chú khoẻ ạ
Logged
tran479
Thành viên
*
Bài viết: 793


« Trả lời #308 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2009, 05:48:10 pm »

Thời anh TrọngC6 du nam chắc là trên trời vắng bóng máy bay nhiều rồi ,từ đầu năm 1973 thì hình như hết máy bay do H Đ Paris ,còn từ 1972 về trước vẫn còn ...Nhưng theo đường ô tô chạy ,còn đường mòn lính đi bộ ngụy trang kỹ nên không lộ đường .
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #309 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2009, 01:59:16 pm »

….
               Sau một ngày nghỉ ngơi ở T8, hôm sau chúng tôi hành quân đến T9. Dọc đường, chúng tôi đi qua một cánh rừng toàn cây song. Đó là loại cây dây họ cây mây, nhưng thân to hơn nhiều, vỏ màu sẫm. Cả đoàn quân được dừng chân giải lao. Hầu như ai cũng tìm chặt một đoạn song theo ý mình. Rừng song này lớn lắm. Có lẽ các đoàn quân ra, quân vào đều dừng lại nơi đây chặt song làm gậy chống. Rừng song quá rộng, lại mọc liên tục nên lính có chặt cũng chẳng hao mòn bao nhiêu. Chịu khó mang theo đến chiều tới trạm khách hơ lửa uốn thì sẽ có cây gậy ba-toong tuyệt đẹp. Bây giờ và sau này cũng vậy. Rất nhiều lần chúng tôi được gặp những thứ có thể gọi là sản vật của rừng. Ở rừng Trường Sơn đây thì đơn giản, nhưng đó lại là thứ mơ ước rất lớn của người dân Hà Thành mà không phải ai cũng dễ có.

              Sau một ít ngày hành quân thì chúng tôi nắm sơ bộ được về cách bố trí các binh trạm Trường Sơn. Mỗi Binh trạm là 1 D, quản lý chừng 4 đến 5 trạm. Khoảng cách giữa các trạm là khoảng một ngày đường. Do địa hình nên khoảng cách không thể đều nhau. Có những trạm cách nhau trên hai chục cây số nếu nhiều đường bằng, người ta không đặt xa quá vì còn phải có thời gian cho bộ đội nghỉ ngơi. Không chỉ là đoàn quân mang vác bộ, mà ngay cả thương binh chuyển ra vào mùa mưa, cũng phải đảm bảo giao liên tải thương đi trong một ngày. Còn có những cung đường như từ trạm 40 đến trạm 43A thì dốc kinh khủng. Trên bản đồ, hai trạm chỉ cách nhau mươi cây số, nhưng một trạm là bên này núi, còn trạm kia là bên kia núi. Khi leo lên thì ba-lô thằng đi trước đặt sát mặt thằng đi sau. Chưa lên đến đỉnh mà mây mù đã phủ kín, cứ như đi thày trò Đường Tam tạng cưỡi mây. Đi trong mây mù như thế, chỉ một lúc sau là mồ hôi thấm ra và hơi nước ngấm vào đã bắt được tay nhau trên lớp vải quân phục của lính rồi. Mùa khô trên Trường Sơn không có vắt, nhưng những đoạn đường đỉnh núi cao ẩm ướt thì vắt bò như tằm trên noong dâu. Lúc xuống dốc toàn phải đi lùi. Người ta thường nói "gối mỏi, chân chùn", chắc là để chỉ với những lúc như thế này. Thanh niên cả mà đi run lẩy bẩy như những người ốm do ham mê tửu sắc, loại "chân ống giang, đầu gối củ lạc". Lúc giải lao, tử tế thì còn xoay người hạ ba-lô xuống đất, còn không thì cứ thế mà phệt cả người xuống, lúc đứng dậy hành quân tiếp lại phải nhờ người khác kéo tay.

               Các trạm đánh số thứ tự, nhưng cứ đến ngã ba của nhánh đường rẽ hướng, là lại đánh số khác. Từ trạm T5, chúng tôi cứ lần lượt đi đến trạm T13A. Những trạm nào đường bằng thì đa phần bãi khách rộng, suối nước trong lành, dù to hay nhỏ. Các trạm ở những vùng đường bình độ sít nhau, mặt bằng hẹp thì đa phần chật và bẩn. Nhiều trạm có bãi khách mà không có hầm, hoặc hầm chỉ là những hôc đá chiếu lệ. Chẳng may bị đánh bom thì đành chịu cảnh "nhà ngói cũng như nhà tranh". Ở những chỗ như thế thì chỉ có cây nhỏ, mắc võng rất tiện. Nhưng cũng thật bẩn nếu có các đoàn quân vào nối tiếp nhau, vì chẳng đủ diện tích dất để đào hố mèo. Các đoàn quân vào thưa thì không sao, vì để lâu thì nó cũng "…hóa bùn" rồi.

              Đến trạm T10 thì chúng tôi bắt đầu vào địa phận tỉnh Sa-va-na-khet của Lào. Đêm đó gặp mưa. Chiến trường Lào mùa mưa đến sớm hơn chiến trường miền Nam một tháng, nhưng cơn mưa đầu mùa này cũng là cơn mưa đến sớm, vì lúc này mới là nửa đầu tháng 3. Mưa không to, nhưng dày hạt, kéo dài chừng hơn một giờ. Lần đầu tiên được hưởng mưa rừng Trường Sơn, được thấy tác dụng thứ nhất của tấm tăng bộ đội (cái từ tăng mà xuất phát gốc của nó là TANK, thì rồi mãi về sau chúng tôi mới hiểu hết). Lúc đó chưa khuya, nằm trên võng mà cảm nhận rõ cái tiếng rơi lộp bộp của những hạt mưa xuyên qua lớp lá rừng thưa đập vào mái tăng, ngay sát mặt mình chỉ chừng mấy chục phân. Cảm giác hơi lạnh… và nhớ nhà.

               Nhớ những ngày mưa ở nhà, trẻ con rủ nhau chui ra chui vào những hốc cây rơm, cây rạ để trú, để chơi trò, coi đó như là cái nhà riêng của mình. Nhớ những lúc mưa ngồi núp kín dưới mấy tàu lá chuối tranh thủ vung cần xuống ao câu mấy con cá giếc đi ăn mưa, không hiểu sao lúc ấy cá cắn câu mạnh lắm. Nhớ những cơn mưa rào đầu mùa rủ nhau ra đồng bắt cá rô rạch. Nhớ những đêm mưa bão rủ nhau ra công viên chặt cành cây đổ về làm củi giúp mẹ. Rồi cuối cùng lại quay về nhớ cái cảnh trời mưa ngồi bậu cửa chờ mẹ đi chợ về có gói quà là một ít bỏng ngô, hay mấy miếng bánh chè lam lọc bột không kỹ còn lạo xạo trấu mẹ mua ở chợ đầu làng…

               Nước mắt không thành dòng, nhưng cũng đủ ướt hai khóe mắt… rồi chìm dần vào trong giấc ngủ. Hậu phương đã lùi xa, mà đường đến chiến trường thì vẫn còn dài, còn xa xăm lắm…
….

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM