Trongc6
Thành viên

Bài viết: 495
|
 |
« Trả lời #285 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2009, 10:08:34 pm » |
|
…… Sáng hôm sau, Cả tiểu đoàn lại được tập trung ra sân kho xem văn công biểu diễn. Lần này là văn công Hà Nội, không phải văn công Trung ương. Các tiết mục thập cẩm, có cả hát chèo lẫn chầu văn. Tôi đang ngồi giữa hàng quân nghe hát, thì thấy anh Thụy lách vào ra hiệu cho tôi ra ngoài:"Mẹ cậu tới thăm đấy". Tôi xin phép anh rồi chui ra ngoài. Mẹ tôi và một thằng bạn học phổ thông đang đứng chờ. (Là một trong ba thằng tiễn tôi vào Hà Đông hôm trước. Nó không phải đi lính vì hiện đang có anh trai là bộ đội đặc công chiến đấu trong Quảng Nam).
Mẹ tôi nói đã xin phép cấp chỉ huy, rồi dẫn tôi ra ngoài thôn. Từ đây ra ga Đồng Văn ngoài đường 1 có 5 cây số. Thằng bạn hỏi thăm biết đơn vị chúng tôi còn ở đây mấy ngày nên đưa mẹ tôi xuống thăm. Mẹ tôi cũng biết đây là lần cuối cùng có thể gặp được tôi nên không quản đường xa. Cả ba ra một cái quán nước bên đường ngồi nói chuyện. Mẹ tôi mua đủ thứ cho tôi ăn, mà tôi lại không ăn được mấy (mà hàng quà lúc đó cũng chỉ lèo tèo ít hoa quả, bánh quê và vài thứ kẹo vờ vẩn rắn như đanh thôi). Tôi biết mẹ thương tôi lắm, vì tôi là đứa có hiếu nhất nhà. Hoàn cảnh của tôi lúc ấy, nếu tôi không đi bộ đội, mà đi học nước ngoài thì vẫn được vì khi đó bố tôi là một cán bộ cao cấp trong ngành ngoại giao. Nhưng tôi không muốn bố tôi mang tiếng, ảnh hưởng đến thanh danh. Mặt khác gia đình tôi có hai anh em trai, đứa em tuổi cũng gần kề tôi.
Trước ngày tôi nhập ngũ ít tháng, mẹ tôi đã suy nghĩ rồi bảo tôi:
- Đằng nào thì nhà mình cũng phải góp một người cho cuộc kháng chiến Chống Mỹ cứu nước này. Con dù sao cũng có phần nhanh nhẹn hơn em con, đi bộ đội may ra cũng có thể còn sống mà trở về. Nếu con đi học nước ngoài thì chắc chắn đến năm sau nữa, em con phải vào bộ đội. Nó vốn chậm chạp, chắc không thoát khỏi cái chết.
Tôi vui lòng nghe lời mẹ, không lấn cấn điều gì. Song, qua tâm sự của mẹ tôi, tôi cũng biết mẹ rất đau lòng. Giàu con út, khó con út. Mẹ thương em tôi cũng phải thôi. Mà ngay cả tôi, tôi cũng rất thương em. Nếu phải hy sinh một người trong nhà, thì đó sẽ là tôi.
Tôi vào lính và ra đi thanh thản lắm. Tôi cũng có một chút cá tính. Đợt 22/12 năm ngoái, quân lực trung đoàn chấm tôi cho về làm văn thư ở Bộ tư lệnh thủ đô, vì tôi là thằng văn hay chữ tốt. (Học phổ thông, tôi nhiều năm là học sinh tiên tiến A1, A2. Năm lớp 10, tôi còn suýt đi thi học sinh giỏi văn. Điểm văn trung bình của tôi năm đó là 8,2. Tôi từng có những bài văn cô giáo cho điểm 10, được đọc trước toàn lớp). Thế nhưng tôi đã từ chối, đơn giản vì ý nghĩ rât kiêu hùng của lớp lính thời đó: "Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực". Đã đi lính mà không được làm thằng lính cầm súng ra trận giết giặc, lại ngồi ru rú góc văn phòng thì đời trai còn có nghĩa lý gì nữa.
Mẹ tôi cũng biết chuyện này, nhưng không phàn nàn gì. Mẹ không muốn làm chùn bước tôi. Còn bố tôi thì nghĩ theo kiểu riêng. Năm đó đang công tác nước ngoài không về được, ông bảo mẹ tôi gửi ảnh tôi sang rồi cặm cụi thuê làm một cái ảnh to như quyển sách giáo khoa trên một tấm gỗ bọc phim. Cái ảnh là hình tôi màu sáng ở giữa với đôi mắt măng tơ mở to nhưng kiên nghị, mà xung quanh là cả một vùng tối, trông như ảnh thờ. (May mà bức ảnh không phải làm cái chức năng ấy). Sau này tôi trở về, nhận lại tấm ảnh đó từ bố tôi. Nó vẫn sáng như ngày năm đó, nước phim không hề mờ ố, đến nay vẫn vậy. Thằng con tôi học đại học rồi mà vẫn treo cái ảnh ấy của bố nó trước bàn học. Đấy là 2 thằng thanh niên của hai thế hệ đang nhìn nhau.
Buổi trưa mẹ tôi cho tôi đi ăn phở. Gọi là phở cho oai thôi, thực ra là món bánh đa thái nhỏ, còn nước dùng là nồi nước ninh với dăm củ su hào cho ngọt. Mẹ tôi cho thêm một tí mì chính vào, thế là ngon tuyệt. Tôi chén ngon lành tới hai bát. Rồi mẹ tôi cho tiền, nhưng lần này tôi dứt khoát không nhận. Ngày cuối cùng rồi, từ mai đã trên đường hành quân, còn ở đất Bắc mấy ngày nữa mà mua với bán. Thằng bạn tôi hầu như không bắt chuyện, nó ngồi im để cho mẹ con tôi rì rầm nói chuyện.
Đến đêm đơn vị mới lên tàu, nhưng buổi chiều tôi đã nói mẹ tôi nên ra ô-tô về Hà Nội kẻo trễ. Tôi không muốn mẹ tôi tiễn tôi vào lúc tàu chạy, sợ mẹ buồn. Mẹ tôi không khóc, nhưng lúc lên ô-tô, mẹ tôi đã kín đáo lấy khăn tay lau mắt. Tôi biết mẹ tôi buồn lắm.
Đến đêm, tôi cùng đơn vị ra ga, lên tàu vào chiến trường. Thế là tôi đã ra đi, tôi đã đem theo cả cuộc đời của mẹ tôi mà ra trận.
…
|