Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 05:03:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323533 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #230 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2009, 09:19:39 pm »

      … Chiều ngày hành quân thứ ba thì chúng tôi đến Bãi Nai. Chỗ này còn cách thị xã Hòa Bình 10 cây số nữa. Rẽ phải vào một đoạn thì gặp một con suối. Lòng suối rộng, nước nông và trong, gập ghềnh toàn đá sỏi. Suối này xe ô tô qua lại vô tư, không phải bắc cầu hay làm đường.

              Qua suối phải đi thêm 7 cây số, qua 2 cái bản rồi mới đến địa danh gọi là dốc Bụt. Lại qua một con suối nhỏ nhưng khá sâu nữa thì lên đến doanh trại. Lán trại đã có sẵn từ đợt huấn luyện tân binh trước. Địa hình rất dốc, các lán phải làm kiểu nửa nhà sàn. Chỗ bằng phẳng do lính san ra không rộng hơn cái chiếu là mấy. Sạp nằm bằng nứa dài đủ sáu bảy người nằm. Mỗi A vào một gian lán. Cuộc sống bộ đội bắt đầu.
 
               Liên tục mấy ngày đầu phải đi gùi lương thực thực phẩm, súng ống … từ mãi ngoài BCH Trung đoàn ở khu suối cạn. Rồi cả D được thịt một con trâu khao lính. Sau đó thì học chính trị, học 10 lời thề, kỷ luật quân đội …

               Hưởng trận mưa rừng đầu tiên, cả đơn bị ngồi bó giò trong lán. Chỉ khổ thằng đi lấy cơm. Nhưng mưa này là mưa rừng miền Bắc, chả thấm vào đâu so với mưa rừng Trường Sơn sau này. Tối nào cũng sinh hoạt, học hát các bài quy định và tự hát "sinh hoạt văn nghệ" cho có không khí.

              Sau tuần đầu tiên thì đơn vị bắt đầu có lính "tút". Lần đầu tiên nghe từ "đảo ngũ". Cho đến bây giờ nói quen miệng thôi chứ thật tình tôi vẫn chưa hiểu "bác" nào trên cục Quân huấn hay Cục chính trị sáng tác ra cái từ này. Xem truyện của Liên xô thời Chiến tranh vệ quốc, thì những ai bỏ đơn vị không tham gia chiến đấu gọi là "đào ngũ", còn chạy sang đầu hàng địch gọi là phản bội. Cái từ "đảo" này chả biết Hán ngữ hay Nôm ngữ, nhưng từ quan to đến lính đều gọi quen mồm thế chứ chưa ai giải thích được rõ ràng. Tóm lại vẫn là theo qui tắc số đông.

               Đợt tôi nhập ngũ, tuy là lính khu phố, nhưng vẫn phân ra hai loại. Số ít là những thằng vừa học xong lớp 10 phổ thông (đã có giấy gọi đại học hoặc không), còn đa phần là dân tự do, công nhân hoặc chưa có việc gì làm. Tuy là lính mới mà vẫn có trò bắt nạt nhau. Những thằng vô công rồi nghề  lúc ở nhà tỏ ra gấu nhất. Thằng Th."mốc" (bây giờ là thương binh, cầm đầu một số anh em thương binh nặng-mất từ 2 chi trở lên- lập nhóm chuyên đòi nợ thuê trong dân sự) có cái mũi đỏ to còn hơn của nghệ sĩ Quang Thắng bây giờ, hay trợn mắt dọa bọn tôi: "Chúng mày có đi lính, chẳng qua đi nghĩa vụ, gọi mới đi, chứ tao đây còn tự nguyện viết đơn xin ra tù để đi lính cơ". Chả là thằng này lúc ở nhà chuyên "giạt vòm", trộm cắp. Trước ngày nhập ngũ nó bị bắt vì tội đánh nhau hay móc túi gì đó, gia đình phải bảo lãnh cho ra để kịp ngày đi bộ đội. Nhưng cái vẻ hung hăng của nó làm khối người sợ. Vào dốc Bụt được một tuần, nó rủ năm sáu thằng đảo ngũ. Chúng nó không trở ra lối suối cạn, mà hỏi đường dân rồi đi sâu vào trong dốc Bụt rồi tìm lối tắt ra quốc lộ 6. Một tuần sau chúng nó lên đơn vị, bị bắt gác đêm và học thuộc 10 lời thề QĐ. Nghe chúng nó kể, lần đầu tiên tôi biết đến đơn vị đo chiều dài của người dân tộc là "một quãng dao". Cả bọn suy diễn, đứa bảo là "một con dao quăng", đứa bảo là "một tay dao". Xem ra thì "một tay xách dao" đúng hơn, vì xách mỏi tay thì nó đổi tay xách, quãng đường tương ứng rất dài chứ "một quăng dao" thì may lắm chỉ vài chục mét là cùng.
….
Logged

Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #231 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2009, 09:54:00 pm »

@Trongc6: Chuyện bác kể làm tôi lại nhớ thời huấn luyện. Tôi có ở Bãi Nai vài hôm nhận quân trang sau đó hành quân đi Tân Lạc. Cảm giác của tôi từ Bãi Nai đến thị xã Hòa Bình ít nhất cũng gần 20 km. Tôi còn nhớ buổi đầu hành quân từ Bãi Nai đến Trăm mất một ngày đấy.
Bác mà rỗi, hôm nào ta lên thăm lại chỗ huấn luyện xưa,  37,38 năm rồi còn gì...
Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #232 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2009, 07:56:58 am »

@Trongc6: Chuyện bác kể làm tôi lại nhớ thời huấn luyện. Tôi có ở Bãi Nai vài hôm nhận quân trang sau đó hành quân đi Tân Lạc. Cảm giác của tôi từ Bãi Nai đến thị xã Hòa Bình ít nhất cũng gần 20 km. Tôi còn nhớ buổi đầu hành quân từ Bãi Nai đến Trăm mất một ngày đấy.
Bác mà rỗi, hôm nào ta lên thăm lại chỗ huấn luyện xưa,  37,38 năm rồi còn gì...

@Bác Phong Quảng;
Bác cứ giữ cái ý định ấy nhé.
Khi nào em có khe cửa hẹp về thời gian, em sẽ rủ bác và vài bác cựu khác đi thăm lại nơi ta đã đeo quân hàm binh nhì.
Em cũng muốn có được khoảng chừng 10 giờ đồng hồ, để được sống lại thời "binh nhì ngu ngơ" , để quyên đi cái cuộc sống đen bạc này bây giờ, của em.
Logged
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #233 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2009, 09:41:13 am »

@baoleo: đồng ý ngay !!!
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #234 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2009, 09:23:17 pm »

        … Đợt nhập ngũ của chúng tôi quân đông quá. Cả đợt tới gần 1800 lính, mỗi A tới 17, 18 thằng nên ở rất chật chội, sinh hoạt có gì đó không ổn. Vì vậy gần một tháng sau, từ 2 tiểu đoàn 48, 50 được tách ra một tiểu đoàn nữa (D52). Tôi được sang D52, hành quân ra đóng quân ở cạnh một bản dân tộc Mường gần khu suối cạn. Chỗ này địa hình bằng phẳng, cả 4 B quây mặt vào một cái sân rộng đủ chỗ tập trung cho cả C. Chỉ khi đi sâu vào rừng mới phải leo dốc. Thao trường cũng là bãi đất bằng cách xa doanh trại nửa cây số. Chỗ tập đội ngũ theo từng B thì thoải mái, rộng rãi, chả bù cho trong dốc Bụt.

             Thế là những ngày huấn luyện bắt đầu, Chúng tôi chỉ học 3 loại súng là AK, RPK và K63.
 
              Chuyện học đội ngũ, học bắn súng, ném lựu đạn, đánh bộc phá, hay đào công sự thì có lẽ nơi nào cũng như nhau trong toàn quân. Lúc đầu chưa quen, mệt và vất vả thì ai cũng như ai, rồi sẽ quen tất thôi. Có mấy điều gây ấn tượng với chúng tôi. Thứ nhất là được ăn nhiều hơn (tiêu chuẩn 1 tháng: 21kg gạo so với 13,5kg ở nhà và 2,4kg thịt so với 0,3kg ở nhà). Thứ hai là phải tập đi bộ và đeo nặng 20-25kg. C trưởng thông báo chúng tôi phải hành quân đủ 500 cây số thì mới được vào chiến trường chiến đấu.

              Đời tân binh có đủ mọi chuyện lạ, nhất là đối với lính học sinh chúng tôi.

              Đầu tiên là chuyện thằng Lương "vỗ vai". Thằng này vóc dáng bình thường thôi, nhưng rắn chắc. Nó chơi ghi-ta rất khá, lúc học sinh từng theo thày Văn Vượng ở khu Cửa Nam để học đàn. Nghe ngón vê đàn của nó thì thật mê li. (Cái trò âm nhạc thu hút lòng người ghê lắm. Bắc lính nào có ngón chơi đàn giắt lưng thì khi đóng quân nhà dân giao lưu, khối em chết). Khi đó thấy trong C có một số thằng hay gây gổ, thằng Lương khó chịu lắm. Cứ gặp thằng nào gây sự với mấy đứa thư sinh, nó lại gần thằng đó "vỗ vai" ghé tai nói nhỏ gì đó. Thế là sau giờ sinh hoạt tối, Lương lặng lẽ cùng thằng đó trốn ra thao trường (cách doanh trại chỉ độ 500 mét). Sau hơn nửa tiếng thấy hai thằng trở về, rồi từ hôm sau thấy thằng kia "dịu" hẳn đi. Mấy vụ như thế, chúng tôi tò mò rồi bí mật theo chân chúng nó trốn ra thao trường ban tối để xem. Thấy thằng Lương và đối phương chẳng nói chẳng rằng, xông vào nhau đấm túi bụi. Kết quả bao giờ cũng là thằng Lương thắng. Sau đó hai thằng đó lặng lẽ ra về. Cứ như vậy, thằng Lương "so găng" đến hơn chục vụ. Rồi anh em trong C cũng biết hết chuyện và nể nó ra mặt. Từ đó Lương có tên là Lương "vỗ vai", nhiều khi chúng tôi còn phong nó là "Lê Mã Lương". (bác này bây giờ làm nghề tự do, sửa TV có tiếng trong khu Đống Đa. Gần sáu chục tuổi rồi mà chiều nào bác ấy cũng chạy 2 vòng hồ công viên thống nhất, sau đó về giã gạo xà kép 2 chục chiếc vô tư, mặt không hề đỏ. Thanh niên khối đứa chạy dài không kịp).

              Rồi đến chuyện của mấy thằng bất trị. Một tối họp đại đội, CTV đứng trên bục thông báo: "Có đồng chí nào lấy trộm cái mũ cối tàu của C trưởng thì trả ngay. Đây là hành động trộm cắp lưu manh, không thể chấp nhận có trong bộ đội được…". Cả C im lặng. Nhiều thằng biết cái mũ cối ấy đã bị chuyển hóa thành kẹo dồi (kẹo lạc) ở quán nước ngoài suối cạn lúc sẩm tối, và đã chui vào bụng lính hết rồi, nhưng không đứa nào dám nói. Lên lớp về phẩm chất cần có của anh bộ đội cụ Hồ chán chê mà không có kết quả, CTV cho cuộc họp giải tán.

              Tối sau, chúng tôi lại họp C (Hơi bất thường). CTV lại đăng đàn. Lần này giọng nói của ông chùng xuống, nghe hơi run run. Ông bảo: "Hôm qua tôi vừa nhắc nhở chuyện cái mũ cối của C trưởng, tìm chưa ra, thế mà đêm qua đ/c nào đã lấy mất của tôi cái ca uống nước. Cái ca ấy không giá trị nhiều, nhưng là kỷ niệm tự tay tôi làm từ ống pháo sáng hồi chiến đấu bên Lào. Thôi, đ/c nào lỡ lấy thì cho tôi xin".

               CTV chỉ nói thế thôi, nhưng lần này lính tráng chúng tôi tỏ thái độ không đồng tình với kẻ bất thiện. Hai hôm sau, một buổi sáng sớm, CTV ra đánh răng đã nhìn thấy cái ca "pháo sáng" ngoắc trên cái ba chạc gác chậu đầu hè.

             Từ đó về sau, không ai còn chính thức nhắc đến cái mũ cối và cái ca trong các cuộc họp nữa.
….

« Sửa lần cuối: 27 Tháng Sáu, 2009, 09:27:02 pm gửi bởi Trongc6 » Logged

tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #235 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2009, 09:28:41 am »

 Đào ngũ:thời các bác có câu truyền đến bọn em .; Hà chuồn ,Nam lủi Thái bình bay
                                                              Hải phòng anh dũng trốn ban ngày
                                                              Thanh hóa mất mùa xin ở lại
                                                               Nghệ -tĩnh thấy thế cũng dơ tay
                                                            hà....hà....
Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #236 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 10:53:37 pm »

        … Ngay từ tuần thứ hai ra khu doanh trại mới, chúng tôi đã phải tập hành quân mang vác. Phải tập đi những 500 cây số rèn luyện cơ mà. Mỗi thằng tự nặn 4 cục đất (sét), mỗi cục 5 ký lô. Mỗi tuần có hai buổi tối tập hành quân. Vất quân tư trang ra sạp trong lán rồi lấy nilon gói 4 cục đất cho vào ba lô. Buổi đó không phải sinh hoạt tối, đi ngay từ lúc 7 giờ. Mỗi tối đi chừng 10 cây số, sau tăng dần nhưng chỉ thêm độ một hai cây số. Đi và về một hướng nên nhiều thằng láu cá ra khỏi doanh trại một đoạn là giấu bớt một cục đất vào bụi, lúc trở về lại lấy ra cho vào ba lô, nên về đến doanh trại kiểm tra vẫn đủ. Về sau cán bộ B, C đổi chiến thuật, mỗi lần đi một hướng, sau đó là đi theo đường vòng tròn, xuất phát hướng Tây, nhưng về doanh trại lại vào theo hướng Đông nên nhiều thằng bị vạch mặt. Về sau, chúng tôi xác định nếu không tự rèn thì vào đến Trường Sơn mình tự chết trước, nên cái trò láu cá mất dần. Sau nữa, đơn vị lại thỉnh thoảng tổ chức đi dã ngọai xa vài chục cây nên có láu cá cũng không được.

             Chủ nhật, chúng tôi không được nghỉ mà phải vào rừng lấy củi. Ba thằng chung một con dao dựa, khoán mỗi thằng 20 ký. Thực chất mỗi chúng tôi chỉ chặt được một khúc to, chủ yếu là tươi, vác thấy nằng nặng là được. Cái điệp khúc này, lính Bắc chắc ai cũng gặp và cũng ngán. Chẳng qua đều là chặt cây rừng, trộm của dân. Có điều khi đó rừng chưa giao cho dân, lại mang tiếng bộ đội thời chiến nên đồng bào Mường không ai kiện cáo gì. Càng đợt lính sau càng phải đi xa, vào sâu hơn.

               Đến tháng thứ hai, chúng tôi được phép đón người nhà lên thăm. Có lán "nhà khách" dựng ngoài cổng doanh trại hẳn hoi. Vì hầu như chưa lính nào có vợ nên người nhà chỉ lên thăm một ngày. Cuối chiều về sớm để còn kịp ra Bãi Nai đón xe khách. Được chút bánh kẹo đem về lán chia nhau, chủ yếu trong tổ tam tam. Tiểu đội có 12 người nên không đủ chia cho tất cả. Tôi còn nhớ vụ mẹ thằng K. "con" lên thăm nó. Hôm ấy C phó Hảo trực nhà khách nên có ra tiếp mẹ nó. Ông Hảo (người Hà Tĩnh) 35 tuổi mà vẫn lẹt đẹt C phó, là người cao tuổi nhất đại đội, gọi thằng K. là em mà gọi mẹ nó cũng là em. Lính tráng phì cười, mãi sau mới rõ là ông ấy có lý. Mẹ thằng K năm ấy mới có 32 tuổi, sinh nó lúc chưa tròn 15 (!), mà thằng K năm đó cũng chưa đủ 18 tuổi. Nó bị trêu ghê quá tới mức viết thư về dặn mẹ nó đừng lên thăm nữa. Nó bé nhất A nên về sau ai có chút quà gì cũng chia cho nó, cho nó khỏi tủi thân. (Thằng này bây giờ chuyên bán gà làm sẵn ở chợ Vọng, người vẫn nhỏ con và tính vẫn tếu táo như ngày nào. Không ai dám bảo thằng này đã quá 50 tuổi).

               Trung đội tôi ở một khu đất quay sát vào một núi đất. sau lán có mấy rặng bương, vầu của dân. Trong đơn vị có anh Thanh, vốn là công nhân lâm nghiệp, 27 tuổi rồi, nhưng vì sao đó nên phải nhập ngũ cùng đợt chúng tôi. Anh ấy đã có vợ và con. Tính cởi mở nhưng không tếu. Chiều nào trước giờ cơm chiều anh ấy cũng ra sau lán bẻ bẹ vầu đun nước pha chè bồm trong cái ống bơ to. Bát nước chè chuyền tay nhau cho mấy thằng trong tiểu đội. Đôi khi anh ấy kể chuyện rừng, chuyện khai thác lâm nghiệp của xí nghiệp anh ấy. Tôi có cái hứng uống nước chè từ khi đó. (Sau này đến khi chúng tôi vào chiến trường thì anh ấy được giữ lại về làm thủ kho gì đó ở Bộ Tư lệnh thủ đô).

              Rồi lại chuyện thằng Khiêm (thằng này vào chiến trường có nhiều chuyện lắm, kể dần sau). Nó kiếm đâu được cái đài khuyếch đại thẳng tự lắp bằng ba bóng Tranzistor nghe được đài tiếng nói Việt Nam. Pin là tầng pin Vô tuyến cũ xin đâu đó, một cực cứ phải cắm bằng cái kim băng để lấy đúng điện áp nguồn. Tối nào nó cũng đem ra nghe từ 9 giờ tối cho đến 9 giờ 30 thì phải tắt để đi ngủ. Tôi nằm cạnh nó, được nghe ké nên cũng thấy đỡ nhớ nhà.


Logged

haanh
Thượng tá
*
Bài viết: 5795


HOT nhất forum


« Trả lời #237 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 11:52:04 pm »

Đào ngũ:thời các bác có câu truyền đến bọn em .; Hà chuồn ,Nam lủi Thái bình bay
                                                              Hải phòng anh dũng trốn ban ngày
                                                              Thanh hóa mất mùa xin ở lại
                                                               Nghệ -tĩnh thấy thế cũng dơ tay
                                                            hà....hà....
hehe , đến thời của em câu này vẫn còn mà hình như cũng đúng vì ...SQ đa số là Thanh Hóa , Nghệ An  Grin
Logged

NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ .
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #238 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 08:12:45 am »

        … Ngay từ tuần thứ hai ra khu doanh trại mới, chúng tôi đã phải tập hành quân mang vác. Phải tập đi những 500 cây số rèn luyện cơ mà. Mỗi thằng tự nặn 4 cục đất (sét), mỗi cục 5 ký lô. ...................


Thời bọn em là 8 viên gạch.
Vì thế, bọn em tự nhật là có quân hàm cao nhất Việt Nam:  1 sao - 8 gạch  Wink
Logged
tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #239 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 02:04:51 pm »

 ...Sỹ quan đa số là Thanh nghệ ...Lý do đơn giản thôi : thứ nhất:- dân Thanh ,Nghệ (nghệ an Hà tĩnh )vốn có truyền thống về lòng quả cảm ,ngàn xưa các vua chúa phong kiến Viẹt nam đều trông vào quân Thanh Nghệ "  Hoan Diẽn còn đó thập vạn binh""
    thứ hai :- Dân số Thanh Nghệ đông ,hiện nay vẫn chiếm khoảng 8/% dân số Việt nam nên lính Thanh Nghệ nhiều ,
 Câu ca cho vui chứ ở đâu chẳng có anh hùng ,tiểu nhân
Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM