Trongc6
Thành viên

Bài viết: 495
|
 |
« Trả lời #224 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2009, 05:50:09 pm » |
|
… Chiều ngày thứ ba, chúng tôi được phát quân trang. Có 3 cỡ số, nhưng lính tráng toàn thuộc loại nhỏ con nên chỉ số 2 và 3 là phù hợp. Thằng nào vớ phải số 1 thì như mặc áo phường tuồng. Nhưng không có đăng ký lựa chọn gì, ai vớ phải ba lô có cái nào dùng cái đó. Ba lô là của Việt Nam, còn quần áo là màu cứt ngựa, vải dày nhưng nhẽo nhèo nhèo, nghe nói của Triều Tiên viện trợ. Chiều đấy mặc quân phục vào nhìn nhau lạ lắm. Nhìn sau lưng ai cũng giống ai, chưa quen phân biệt dáng dấp riêng. Một hai hôm sau mới thấy bình thường.
Thêm được một ngày nữa làm công tác chuẩn bị. Buổi tối, đơn vị phổ biến lệnh hành quân. Chưa phát súng nhưng mỗi thằng được phát ruộng tượng và 5 cân gạo. Khi đó phát cả chiếu cói cá nhân.
Sáng ngày thứ năm, cả đơn vị lên đường hành quân, nhằm hướng Thị xã Hòa Bình thẳng tiến. Đội hình là đại đội, nhưng mọi thứ nhất nhất theo lời A trưởng. Chưa quen đi nên ai cũng mỏi mệt. Mỗi tiếng giải lao 10 phút, cứ thế mà làm. Dọc đường đi lên Quốc Oai còn thấy ngấn bùn đọng cao trên hàng cây to ven đường, dấu tích của trận lụt vừa qua.
Vị trí tập kết mới là Bãi Nai thuộc Kỳ Sơn, Hòa Bình. Từ Đại Mỗ lên đó cỡ bảy chục cây số, chia làm 3 ngày đi đường. Tôi được cử vào đoàn tiền trạm của một chặng, lếch thếch theo một anh B phó hành quân, đi trước đội hình đơn vị một ngày. Tới trước nơi mà đơn vị sẽ định trú quân, tập làm mọi thứ để giao dịch với dân.
Tôi rất có ấn tượng với một xã thuộc huyện Quốc Oai, Hà Tây ấy. Trong xã hầu như không có thanh niên. Trung niên cũng lác đác, còn đa phần là phụ nữ. Xã đội trưởng cũng là phụ nữ. Về lý thì họ tiếp nhận, giúp chúng tôi phân chia địa bàn vào các xóm, còn hỏi nghỉ nhờ một đêm ở nhà ai thì chúng tôi phải tự đi hỏi. Mang tiếng là bộ đội, nhưng chúng tôi bỡ ngỡ và ngờ nghệch lắm. Toàn chào người nhiều tuổi là mẹ, xưng con, còn với các nữ dân quân thì gọi là đồng chí. Ban đầu cứ nhấm nha nhấm nhẳn với các nữ dân quân, lúc thì đồng chí, khi anh em, mãi gần tiếng đồng hồ mà chưa hỏi được mấy nhà có chỗ cho nghỉ. Cái khó không phải là mái hiên, mảnh vườn, mà khi đó chúng tôi yêu cầu có chỗ nằm trong nhà, lại còn xin dân củi nước nấu cơm nhờ nữa kia. Lính Hà Nội không quen nấu cơm bằng rạ, muốn xin củi cơ, mà đồng bằng khó kiếm (dân Hà Nội khi đó còn phải mua than hay củi định lượng theo phiếu hàng tháng. Tôi nhớ mỗi kỳ bão là bọn thanh niên rủ nhau ban đêm vác dao đi lượm cành khô hoặc chặt cành cây đổ do bão về làm củi. Khi đó có cây đổ, chả đợi đến Công ty Công viên-cây xanh như bây giờ, dân tự dọn hết, sáng ra là đã đường thông hè thoáng rồi. Mà gỗ xà cừ, chặt tươi còn dễ, đem về để khô mới chặt, chẻ thì vất lắm).
Đi lại loanh quanh mãi mà kết quả không bao nhiêu, tôi tách ra ngồi bệt xuống cạnh một cái rào duối để nghỉ, bụng nghĩ thây kệ, muốn ra sao thì ra. Dùng rạ nấu cơm mà không xong thì tất cả nhịn. Nhưng may quá, lần đầu tiên tôi biết thế nào là "thánh nhân đãi kẻ khù khờ". Hai vị thánh của tôi xuất hiện. Đó là hai cô bé chỉ độ 13, 14 tuổi. Chúng nhìn thấy tôi là ngồi luôn xuống bên cạnh hỏi chuyện, cực kỳ mộc mạc và chân thật. Tôi được phong lên hàng "chú" bộ đội, mặc dù về tuổi xét ra chúng là em, kém tôi chỉ 4, 5 tuổi. Nghe tôi kể khổ, chúng nghe và không ngần ngại kể cho tôi biết trong xóm nhà nào dễ, nhà nào khó, nhà nào có thể cho bộ đội củi nấu cơm. Rồi chúng hăm hở dẫn tôi đi. Hơn nửa tiếng sau thì tôi đã hỏi nhờ được đủ số nhà dân cho trung đội nghỉ nhờ. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên trong lính như vậy đó.
Ôi, các cô bé gái tuổi niên thiếu. Đủ độ để hiểu việc mà lại rất thực, không dấm dẳn à ơi như các "chị" mười tám đôi mươi, tán gẫu thì vui mà đụng vào việc nào là hỏng việc ấy. Các em là những người thày thực tế đầu tiên đã làm cho anh hiểu thêm tâm lý con người. Cái này nhà trường đâu có dạy. Từ đó về sau, khi đóng quân nhà dân, bao giờ tôi cũng tìm cách làm thân với những em gái 13, 14 tuổi, và bao giờ cũng được việc khi muốn tìm hiểu tình hình xóm làng.
(Sau này tôi có đúc rút kinh nghiệm vả kể lại rất nhiều trường hợp, rất tỉ mỉ cho một thằng bạn làm bên ngành giáo dục, đến nỗi thằng này chọn đó làm đề tài nghiên cứu tâm lý và thu về được một cái bằng Tiến sĩ, cũng hỉ hả như ai). …
|