Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:07:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những câu hỏi, thắc mắc và những điều chưa biết về kháng chiến chống Pháp  (Đọc 292648 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
anhkhoi
Thành viên
*
Bài viết: 311


« Trả lời #200 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2010, 11:22:52 pm »

Công nhận tài liệu bác Chiangshan khai quật được từ TTVN rất lý thú. Trong ê kíp của tướng Nguyễn Bình trước đây có một nhân vật có nhiều ân oán trong các đợt thanh trừng nội bộ là Hai Đại, tức Nguyễn Đức Huy, được đặt biệt hiệu là "ông già râu kẽm", người được Nguyễn Bình cử làm chánh trị viên phân khu Duyên hải thuộc Khu 7 năm 1948. Theo "Người Bình Xuyên" của Nguyên Hùng thì sau năm 1954 ra Bắc Nguyễn Đức Huy bị tống giam vì là gián điệp cho Pháp. Tuy nhiên em chưa tìm được tài liệu nào khác về nhân vật này. Không biết có bác nào tìm được thông tin chi tiết hơn về Nguyễn Đức Huy hay không?
Logged
trucngon
Thành viên
*
Bài viết: 1776



« Trả lời #201 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2010, 02:15:57 pm »

Xin chào các bác,

Bọn em đang cần tái hiện lại cảnh chiến đấu của lực lượng phòng không của các cụ Việt Minh nhà mình trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bối cảnh là trận địa phòng không trợ chiến cho các lực lượng bộ binh tấn công đồi Độc Lập. Trong cảnh sẽ có các khẩu đội sử dụng súng Dushka 12.7mm và pháo 37mm. Em có tìm tư liệu liên quan đến chiến đấu kiểu này nhưng thật nan giải vì bọn em toàn người ngoài ngành. Có bác nào có thể giúp bọn em với không ạ?
VD bọn em cần những thông tin như sau:

1 khẩu đội 12.7mm có bao nhiêu chiến sĩ. Khi tác chiến thì phân công như thế nào, khẩu lệnh ra sao. (ngắm, bắn, nạp đạn....) Thao tác thế nào...
1 khẩu đội 37 mm thì ra sao?

Bác nào có thể giúp bọn em làm ơn ới em một tiếng, bọn em cảm ơn vô cùng.
Bọn em rất muốn mô tả cảnh chiến đấu này thật tốt để thế hệ khán giả trẻ cảm thấy bị thuyết phục vì lịch sử hào hùng của cha ông, thế hệ khán giả già thì thấy tâm đắc ...

Bạn cố gắng liên hệ với Đài Truyền Hình Việt nam hoặc bảo tàng lịch sử xem. Nhà quay phim Carmen đã cho ta bản quyền với những thước phim sống động về Điện Biên Phủ rồi đó!
Logged
fddinh
Thành viên
*
Bài viết: 324


Mít sờ tơ Khù văn Khoằm


WWW
« Trả lời #202 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2010, 11:00:42 pm »

Theo "Người Bình Xuyên" của Nguyên Hùng thì sau năm 1954 ra Bắc Nguyễn Đức Huy bị tống giam vì là gián điệp cho Pháp. Tuy nhiên em chưa tìm được tài liệu nào khác về nhân vật này. Không biết có bác nào tìm được thông tin chi tiết hơn về Nguyễn Đức Huy hay không?
ở PHẦN III
LÃNH CHÚA RỪNG XANH
 
Chương 68
 
RA HÀ NỘI BÌNH XUYÊN ĐI DẠO PHỐ
CHỢT LO CHO CÁC BẠN CÒN Ở LẠI SÀI GÒN
 
...
Sau khi kể cho Bảy Trân biết gia đình mình được ổn định, con cháu được học văn hóa bổ túc và bồi dưỡng nghiệp vụ, ông Tám nhắc tới mấy anh em Bình Xuyên còn ở miền Nam:
- Mình khỏe rồi, nhưng còn máy chú chạy theo Bảy Viễn như Mười Lực, Bảy Môn, Năm Chảng… tôi biết họ là người tốt. Sau khi tảo thanh, ngày nào Nguyễn Đức Huy cũng gọi Mười Lực với Bảy Môn lên văn phòng khủng bố tinh thần, làm cho họ hoang mang, không còn lòng dạ nào ở lại chiến khu. Họ trốn về thành chính là do Nguyễn Đức Huy đẩy họ vào chân tường. Còn Năm Chảng, Bảy Rô thì trường hợp về thành có khác. Cả hai là đảng viên, về thành là do Nguyễn Đức Huy phân công làm công tác nội ứng cho lực lượng Bình Xuyên cảu Bảy Viễn… À, mà lâu nay sao không nghe ai nhắc tới Nguyễn Đức Huy, thầy Bảy có biết tay này bây giờ ở đâu, làm gì không?
Bảy Trân:
- Về Nguyễn Đức Huy, tức ông già râu kẽm, ra đây tôi mới nghe nói. Hắn là một tay nguy hiểm, gián điệp của Phòng Nhì chui vào nội bộ của ta đó!
- Ghê vậy! – Ông Tám kêu lên.
- Lý lịch hắn như sau: Hắn là nhân viên hãng ô-tô bưýt ở Sài Gòn, gia nhập Đảng một thời gian thì bị Tây bắt. Hắn đầu hàng và được Tây giao nhiệm vụ phản gián trong hàng ngũ Đảng. Thành ủy không biết, giao hắn làm liên lạc. Vì vậy mà sau các cuộc họp, nhiều đồng chí bị Tây bắt…
- Thảo nào!... Hồi đó tôi cũng sinh nghi, nhưng chỉ thắc mắc trong bụng chớ không dám nói ra. Như vụ Tư Huỳnh về thành. Tư Huỳnh là em út của Bảy Viễn thì làm sao lôi kéo được Bảy Viễn? Rốt cuộc đi địch vận mà bị địch vận động lại mới là đau chớ! Rồi còn vụ tảo thanh. Giết trúng một mà giết oan tới mười. Bây giờ nghe thầy Bảy mình mới thấy rõ Nguyễn Đức Huy đúng là một tay phá hoại ghê ghớm.Bây giờ hắn ở đâu?
- Trong hỏa lò…
-----------
Trong cuốn "Đặc khu Rừng Sác" do bác ptlinh, chienvit đưa lên quansuvn có đoạn:
Trích dẫn
Có một ổ gián điệp nguy hiểm của giặc Pháp ở Rừng Sác bị xử tội?

Trước ngày giải thể, Trung đoàn 300 nhận được tin quân báo là có một ổ gián điệp của giặc Pháp nằm trong nội bộ của Trung đoàn. Bọn này từ lâu đã "chui sâu leo cao" lên được tới trung đoàn bộ, đầu mối của chúng có cơ sở cả ở tham mưu, chính trị, quân nhu (như tên Sơn trưởng văn phòng Trung đoàn, tên Lá - trường đài VTĐ, tên Paul - trưởng ban quân y, tên Hai Điều ở ban quân nhu, Bảy Nghiệp và một tên nữa ở tổ quân báo và địch vận).

Nhờ nắm phương tiện thông tin VTĐ nên địch biết được tin tức trong nội bộ của ta. Chúng đã lập kế hoạch để đánh một cú quyết định nhằm tiêu diệt toàn bộ Ban chỉ huy trung đoàn cùng với trung đoàn bộ và 3 cơ quan huyện đội, đồng thời nắm lại lực lượng Bình Xuyên. Nhưng "vỏ quít dày có móng tay nhọn", ta đã điều tra nắm rõ âm mưu của chúng và bắt toàn bộ bọn gián điệp trước khi chúng hành động.

Trước tòa án quân sự mở tại Long Thành, bọn này phải cúi đầu nhận tội và chịu xử án tội phản quốc. Đây là vụ án gián điệp lớn nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Rừng Sác.
Trong bài "Anh hùng LLVTND Cao Đăng Chiếm - Vị tướng An ninh huyền thoại"
Trích dẫn
Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa cho biết, đồng chí Cao Đăng Chiếm cũng từng bị một số cán bộ cấp trên hiểu lầm nhưng sau đó đã xin lỗi ông với tình cảm chân thành giữa những người cộng sản với nhau. Chẳng hạn như trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi ông còn làm Phó giám đốc Công an Nam Bộ kiêm Trưởng ty Công an Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí đã kiên quyết cho bắt và xử lý những CBCS trong lực lượng quân sự của Trung tướng Nguyễn Bình có những hành vi vi phạm kỷ luật quân đội và ảnh hưởng đến thanh danh của cách mạng.

Trung tướng Nguyễn Bình được báo cáo những thông tin có cách nhìn nhận sai về tình hình này, có lúc ông đã có ý định có phản ứng mạnh với đồng chí Cao Đăng Chiếm. Sau khi báo cáo với đồng chí Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ thì đồng chí Nguyễn Văn Linh đã minh oan cho đồng chí Cao Đăng Chiếm. Sau đó, đồng chí Nguyễn Bình đã trực tiếp xin lỗi đồng chí Cao Đăng Chiếm với tinh thần đồng chí, đồng đội rất chân thành...
Logged

Mít sờ tơ Khù văn Khoằm
anhkhoi
Thành viên
*
Bài viết: 311


« Trả lời #203 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2010, 10:55:54 pm »

Em vừa xem một đoạn trong Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 23/11/1940 của Trần Giang thấy có đoạn nhắc đến nhân vật Trần Đức Huy:
"Đồng chí Tạ Uyên lấy nhà này làm mơi gặp gỡ cán bộ là do tên Quới (tức Đức Huy) bố trí. Tên Quới còn có tên là Mập làm ở sở xe điện, vốn là một tên trốtkit, sau vào đảng cộng sản, làm công tác công đoàn. Quới đã được giới thiệu tham gia Thành ủy và lúc gần khởi nghĩa được cử phụ trách Ban công vận của Xứ. Khi nổ ra khởi nghĩa Quới không bị bắt. Sau Cách mạng Tháng Tám, thời kháng chiến chống Pháp, Quới đã lên tới chức Bí thư Khu ủy Miền Đông, làm trưởng ban tảo thanh Bình Xuyên của Bảy Viễn, trong lúc Bảy Viễn đang dự lễ phong chức Khu trưởng khu 7 do tướng Nguyễn Bình trao. Kết thúc kháng chiến chống Pháp, ta phát hiện, y nhận hết tội lỗi…
...Còn việc địch bắt các đồng chí lãnh đạo chủ chốt trước giờ nổ súng là do chúng đã cài được vào nội bộ cơ quan lãnh đạo Thành ủy và Xứ ủy tên Quới (Trần Đức Huy), môt tên phản bội đầu hàng...
"
http://www.quansuvn.net/index.php/topic,19117.20.html
Theo nội dung trên thì Trần Đức Huy và Nguyễn Đức Huy là một người.

Tuy nhiên đọc ký sự Nền cộng hòa 49 ngày trên Báo Tuổi trẻ-2006 lại thấy có thông tin sau:
"Tài liệu mới nhất từ công trình nghiên cứu cấp nhà nước về Nam kỳ khởi nghĩa cho biết chiều 22-5-1940, sau cuộc bố ráp kéo dài cả tuần lễ, địch đã bắt được N.D.H., bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Sau một thời gian bị tra tấn, bí thư N.D.H. không chịu đựng nổi nên đã đầu hàng và khai báo. Từ những thông tin khai báo đó, mật thám Pháp đã bắt thêm được nhiều cán bộ lãnh đạo khác."


Vậy nhân vật Nguyễn Đức Huy này có phải là N.D.H, nguyên bí thư tỉnh ủy Chợ Lớn không?
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #204 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2011, 11:37:40 am »

Em đang đọc hồi ký của cụ Lê Tuấn, nguyên quận trưởng CA Q5 Hà Nội thời KCCP thấy đoạn này quả là hơi bị gay cấn:

Chúng tôi cũng nắm hoạt động của một số nhân viên Biệt động đội do Tạ Đình Đề phụ trách. Bọn này phần lớn là lưu manh, trộm cướp được Đề dung dưỡng nên mặc sức hoành hành ngang ngược. Chúng thường xuyên đi lại vùng tề với danh nghĩa đánh địch, nhưng chúng cũng phục kích bắn giết cả người buôn lậu để cướp hàng hóa của họ, chia nhau ăn tiêu sa đọa ở các thị trấn Vân Đình, Cống Thần và Đồng Quan, Chợ Đại.

Những người dân buôn bán bị chết ở vùng giáp ranh thì ai biết được bị Pháp hay Biệt động đội bắn giết... Nhưng công an thì biết rõ vì đêm nào địch phục kích ở nơi đâu, công an đều nắm được. Nên khi báo cáo có người chết ở cánh đồng này nọ thì công an biết ngay họ bị ai sát hại.

Chuyện về nhân viên của Tạ Đình Đề buôn lậu, giết người còn nhiều lắm, và cũng đã có lần tôi phải giáp mặt ngay với Tạ Đình Đề để giải quyết những chuyện buôn hàng lậu như vậy... Cách quản lý nhân viên chiến sĩ của Biệt động đội còn gây tác hại rất lớn sau này (sẽ nói về việc tên Chi Nam phản bội chạy vào vùng giặc đầu hàng địch).

(...)
Cũng trong năm 1948, tên Chi Nam là chỉ huy phó của Tạ Đình Đề đã bí mật làm việc với địch. Hắn tổ chức thị Hợp là gái điếm ở Cống Thần làm liên lạc giữa vùng địch và vùng tự do. Tôi đã xin lệnh của Ty Công an Hà Nội để bắt tên Chi Nam, nhưng không rõ bị lộ ở đầu mối nào mà hắn biết nên đã trốn vào nội thành trước lúc bị bắt một ngày.

Bài học về tên Chi Nam chính là do cách dùng người của Biệt động đội: không quản lý cán bộ, chiến sĩ, buông lỏng cho họ tự do hoành hành...

Lãnh đạo Biệt động đội chỉ thiên về "anh hùng dởm", phè phỡn ăn chơi ở hậu phương và nhiều tên sau này đầu hàng địch, chống phá ta rất mạnh, làm cho công an phải mất nhiều công sức bố trí trừng trị chúng, để khỏi ảnh hưởng đến công tác hoạt động địch hậu nói chúng.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
thanhthe2012
Thành viên

Bài viết: 3


« Trả lời #205 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2011, 08:24:07 am »

Các Bác cho mình hỏi đơn vị 120 thời kỳ chống Pháp đóng quân Tại Ân Nghĩa - Hoài Ân - Bình Định khoảng năm 1952-1953. Cho mình xin thông tin về đơn vị đó, mong các Bác giúp cho.
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #206 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2011, 08:55:04 pm »



Xin nhờ các bác chút. Ảnh này chụp ngày 20-5-1953, địa điểm theo người chụp là "Yen-Vi, nằm trên lưu vực sông Đáy", rất có thể nằm trong "vallee My-duc". Search trên mạng thì thấy phần nói về AH Nguyễn Văn Thành có nhắc đến trận Yến Vĩ (Mỹ Đức, Hà Tây) vào tháng 5/1953, có bác nào biết thêm về trận này không ạ.


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN THÀNH


   Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1928, dân tộc Kinh, quê ở xóm Hào Nam, xã Thịnh Hào, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, nhập ngũ tháng 10 năm 1950. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đại đội trưởng bộ binh thuộc trung đoàn 48, đại đoàn 320, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Trận Yến Vĩ, Mỹ Đức - Hà Tây, tháng 5 năm 1953, địch đóng trong công sự kiên cố, rất khó đánh, Nguyễn Văn Thành có sáng kiến tự mình dẫn đầu một tổ, bí mật vào sát lô cốt, trèo lên nóc thả lựu đạn qua lỗ thông hơi diệt ụ trọng liên 12,7 mi-li-mét tạo điều kiện cho đơn vị xung phong diệt địch.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #207 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2011, 06:38:27 am »

Yến Vĩ là một vị trí boong-ke rắn, công binh đặc biệt của Pháp ra công nghiên cứu xây dựng, đã có lần cho bắn đạn thật vào vị trí để tính toán hỏa lực và thử sức cứng rắn của công sự. Hình như đã từng được tuyên truyền là “Yến Vĩ là linh hồn của sức mạnh bất khả xâm phạm đã được thử thách trong đại chiến thứ hai”, “Việt Minh đánh vào thì xác có chồng cao hàng dãy núi Hương Tích kia cũng chẳng làm gì nổi”, “an toàn nhất đồng bằng Bắc Bộ”. Trong hai ngày 15, 16 tháng 5 năm 1953, Trung đoàn 48 được tăng cường tiểu đoàn pháo binh 834 đã tiến công vị trí này, tiêu diệt hầu hết các mục tiêu, chỉ còn lô cốt mẹ chưa giải quyết được, phải rút ra. Nhưng ngày 19-5, ta tiêu diệt (lần thứ ba) Đục Khê, chỗ dựa cuối cùng của Yến Vĩ nên địch phải rút bỏ Yến Vĩ.
Sách Kí sự lịch sử Đại đoàn Đồng Bằng, tập 2 đã miêu tả rất kĩ trận đánh này, cũng như sự chiến đấu của anh hùng Nguyễn Văn Thành. Xin giới thiệu lại:

Đúng 21 giờ, quả bộc phá mở màn trận đánh bật lên một tia chớp. Mấy con chó béc-giê cột ở sườn lô-cốt rú lên như bị chọc tiết. Các cỡ súng của ta cùng một lúc giội đạn tới tấp. Phút chốc cả vị trí Yến-vĩ rung lên trong cơn bão táp.

Chiến sĩ bộc phá Vũ văn Biên ghì chặt quả bộc phá khối vào bên người. Lần này đại đội Biên được nhận nhiệm vụ chủ công đánh theo đường cái, vượt cầu chọc thẳng vào lô-cốt số 1. Biên lại được cùng Doanh đánh lô-cốt. Ánh lửa của chiếc chăn tẩm dầu ở bên mũi nghi binh đối diện bật sáng bừng bừng. Biên đã nhìn rõ chiếc lô-cốt nằm biên kia cầu. Mấy khẩu trọng liên, đại liên địch đang điên cuồng nhả đạn. Đầu đạn cày tóe lửa trên đường đá. Tiếng bộc phá ta mở hàng rào vẫn nối nhau nổ giòn. Sau mấy phút choáng váng, địch bắt đầu bắn phá dữ dội hơn ra phía cầu. Mấy chiến sĩ bộc phá vừa tiến lên đều bị thương ngã xuống. Biên không nén được mình nữa. Anh nhỏm dậy bật khỏi công sự. Bóng Biên loang loáng vượt lên, chạy xuống. Một quả nổ, hai quả nổ. Biên không kịp đếm nữa. Anh hét vào tai đồng đội:

- Đạn địch bắn cao, cứ bình tĩnh bò sát xuống, lên tiếp tế cho tớ, tớ đánh tiếp cho!

Biên đánh liền 8 quả, phá hết lớp rào này đến lớp rào khác. Hai tai anh ù đặc.

Trong lúc này tiểu đội biệt kích, do đại đội phó Nguyễn văn Thành dẫn đầu, đã bí mật cắt xong 5 hàng rào, bắt đầu vượt con suối chằng chịt gai góc đánh tạt sườn lô-cốt số 1 phối hợp với mũi chính. Đã ba bốn lần Thành ra vào quan sát con đường này rồi. Anh thuộc nó như thuộc con đường đi từ nhà đèn xưởng thợ, nơi anh đã làm ăn đầu tắt mặt tối trước khi cách mạng thành công và vào bộ đội. Thành lội thêm mấy bước. Nước con suổi nhỏ đã dâng đến ngang bụng. Thành nhẩm tính: còn đến 3 hàng rào nữa mới vào đến lô-cốt. Cắt nữa hay nổ bộc phá? Cắt thì giữ được bí mật nhưng chậm mất. Các chiến sĩ của anh bên mũi chính không thể vượt qua cầu. Hàng chục khẩu trọng liên, đại liên địch vẫn bắn ra xối xả. Đại bác địch từ Thanh-bồ, Phú-lý, Nhật-tựu, Vân-đình, tuy đã bị đơn vị bạn kiềm chế ráo riết, vẫn giội từng chập đạn lên cửa mở. Thành quyết định cho bộc phá lên…

Từ khi có lệnh nổ súng ở bên mũi diện, các chiến sĩ đại đội 46 cũng đã đánh vào lô-cốt số 3. Ngay lúc đơn vị mới vào chiếm trận địa, trung đội phó Nguyễn văn Chiu đã bò lên gỡ được 9 quả mìn. Anh chẳng còn kịp phân biệt đâu là mìn sáng, đâu là mìn nhảy nữa. Cặp mắt của anh tưởng như soi thấu từng sợi cỏ. Tay anh thoăn thoắt luồn lên phía trước như cái lưỡi rất linh hoạt của một con trăn. Theo sau anh tiếng kéo của Phi vẫn sần sật nghiến dây thép gai. Họ đã vào đến hàng rào thứ 5.

Các chiến sĩ bộc phá lao lên đánh tiếp. Cùng một lúc, các cỡ súng địch từ lô-cốt số 3, số 4 và ụ vệ tinh nổ như trút đạn chặn đứng đường quân ta tiến. Mấy chiến sĩ đã bị thương ở cửa mở. Chiu nghiến răng, trừng mắt nhìn những tia lửa đạn đỏ lừ chớp nhằng nhằng từ khẩu trọng liên 12,7 mi-li-mét đặt trong lô-cốt trước mặt. Anh chợt nhớ những ý kiến đã nên lên trong hội nghị quân sự dân chủ: “Chúng ta chưa nắm thật chắc tình hình địch, nhưng nếu ta có quyết tâm, dũng cảm, bình tĩnh, vừa đánh vừa thăm dò, không xung phong ào ạt, đánh liều đánh ẩu, thì dù boong-ke có rắn đến đâu ta cũng đánh bay…”. Khẩu ĐKZ vừa được đại đội trưởng điều lên, bất ngờ phụt lửa vào lô-cốt làm đạn địch có phần loạc choạc rồi. Chiu kéo chiến sĩ Trần ngọc Giao lại gần và nói:

- Đồng chí tiến lên tiêu diệt khẩu súng khốn kiếp kia cho đại đội làm tròn nhiệm vụ.

Giao trả lời như không còn phải suy nghĩ gì nữa:

- Tôi xin hứa làm tròn nhiệm vụ.

Vừa dứt lời, Giao ôm quả bộc phá vòng sang phải, luồn qua hàng rào thép gai lên bám lấy bờ lô-cốt. Nòng khẩu trung liên địch nhảy lên bần bật trước mắt Giao. Đạn bay sạt lưng nóng bỏng, nhưng không may, anh sờ tới bùi nhùi thì lửa đã tắt ngấm từ bao giờ. Đạn đại bác vẫn nổ, bụi mù chung quanh anh. Giao quờ tay cố tìm một nắm cát. Các chiến sĩ đánh Pú-chạng chẳng dùng cát diệt được hỏa điểm địch đấy ư? Nhưng dưới tay anh chỉ có gạch đá lổn nhổn. Giao thấy lòng mình như bị xát muối. Đồng đội đang phải chịu đựng những làn đạn quái ác kia. Giao quan sát chọn đường rồi lao vụt ra ngoài lấy bùi nhùi. Đạn bủa vây quấn quýt bên người, nhưng anh quên hết cả. Đầu anh nóng bỏng một ý nghĩ phải tiêu diệt bằng được khẩu súng này. Mọi người dõi theo bóng Giao mà thấy tim mình bị tay ai luồn vào nắm chặt lấy. Cái phút ngắn ngủi trôi qua tưởng như dài dằng dặc. Một tia chớp chói lòa cả moặt chiếc lô-cốt lì lợm. Khẩu 12,6 mi-li-mét câm bặt. Giao quay ra dẫn tổ lên đánh vào lô-cốt. Hai quả bộc phá 20 ki-lô-gam chập vào nhau phá toang bức tường dày mở ra một lỗ hỏng mờ mịt khói thuốc. Tin đại đội 46 đã hạ được lô-cốt số 3 như tiếp sức cho các chiến sĩ đại đội 48.

Phạm quốc Doanh vượt lên đánh bật 2 con “ngựa sắt” chặn mặt cầu nhưng con đường vào lô-cốt số 1 vẫn tràn ngập đạn địch. Đồng chí tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy mặt này, điều ĐKZ lên bắn vào lô-cốt. Nhưng những tên giặc ngoan cố, ỷ vào cái vỏ cứng rắn của lô-cốt, vẫn chống cự quyết liệt.

Hàng rào bên mũi biệt kích đã mở xong. Nhưng tiểu đội do đại đội phó chỉ huy đã có một số đồng chí bị thương vong. Họ chỉ còn cách lô-cốt số 1 chừng 5, 6 mét. Một chiến sĩ vừa ôm quả bộc phá 20 ki-lô-gam lên bám thành lô-cốt thì một quả lựu đạn nổ bất ngờ ngay bên chân. Anh bị thương ngã xuống. Quả bộc phá lăn ra một góc. Thành hô mọi người giạt ra xa lô-cốt. Anh bàn với tiểu đội phó Đàn:

- Tại sao lại có lưu đạn nổ ở đây, địch ném từ lỗ châu mai hay từ đâu?

 Đàn gỡ giật tay Thành ra, vừa thở hổn hển vừa nói:

- Anh để tôi xem cho.

Thành chưa kịp xử trí thì Đàn đã vào sát chân lô-cốt.

Giữa lúc đó một quả lựu đạn đang sì khói lại lăn từ trong lô-cốt ra theo một đường máng. Quả lựu đạn vừa nổ dứt, Đàn nhổm dậy cởi áo tống vào nút chặt cái lỗ hiểm ác này lại. Anh bê quả bộc phá 20 ki-lô-gam áp vào thành lô-cốt. Một tiếng nổ dậy đất choáng người. Thành và Tiếp chạy lên thì vừa lúc Đàn bị thương. Đàn chỉ còn kịp dặn một câu: “Anh Thành cẩn thận, có lỗ thả lựu đạn” rồi ngất đi.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tư, 2011, 06:58:20 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #208 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2011, 06:41:14 am »

Địch đối phó càng dữ dội. Trời lại sắp sáng rồi. Thành đưa tay sờ khắp mặt tường lô-cốt xù xì. Quả bộc phá 20 ki-lô-gam chỉ khoét nổi một vết lõm nhỏ. Bụng Thành như có lửa đốt. Chưa có trận nào khi đã vào đến chân lô-cốt mà Thành thấy mình bất lực như bây giờ. Nếu có thể đổi cả thân mình để đập vỡ cái lô-cốt này anh cũng vui lòng. Ngoài kia máu đồng dội đang chảy. Từng tích tắc trôi đi dài dằng dặc. Bỗng mắt Thành sáng lên. Anh chợt nghĩ ra rằng: trong chiếc lô-cốt kín mít, với những lỗ châu mai bé nhỏ, địch lại bắn dữ dội, khói lửa mịt nù như thế này, thì chúng giải quyết việc thông khí như thế nào. Phải có lỗ thông hơi! Dưới đất không có thì… ta thử tìm trên nóc xem. Thành bám tường trườn lên nóc lô-cốt. Đạn địch đan chằng chịt trên trời dưới đất. Tiếp thét lên:

- Anh Thành xuống đi. Nó bắn rát quá!

- Mặc nó.

Thành khua chân tìm tòi, bỗng anh chạm phải một vật cứng. Anh hồi hộp cúi xuống sờ soạng. Rõ ràng hình thù chiếc nón. Thành lia xẻng phạt nắp, chọc thủng một màng lưới mắt cáo. Một lỗ thông hơi sâu lút cán xẻng lộ ra. Thành reo lên:

- “Ăn tiền” rồi Tiếp ơi! Cậu nhặt tất cả lựu đạn cho mình, nhanh lên!

Thành mở nắp lựu đạn, chờ nó kêu xì xì anh mới thả xuống. Địch ở dưới lục đục kêu thét lên. Khẩu trọng liên lợi hại câm tịt. Thành đứng thẳng hét lớn:

- Sự ơi, mình đã lên đến lô-cốt rồi. Cậu cho đánh đi thôi!

Bóng Vũ văn Biên thoăn thoắt vượt qua cầu. Quả bộc phá của Biên nổ dậy đất nhưng cũng chỉ khoét vẹt thêm được một mảng tường lô-cốt. Lựu đạn của Thành vừa ngừng thả, những tên sống sót nhờ tường ngăn cách chui ra thay thế những tên bỏ mạng, ngoan cố chống cự. Khẩu trọng liên địch lại tuôn ra từng loạt đạn quét sát mặt cầu. Lựu đạn đã cạn rồi. Thành nghĩ ra một kế. Anh nhặt đá thả xuống. Địch tưởng ta hết lựu đạn, dò ra ụ súng thì vấp ngay một tiếng nổ sét đánh. Khẩu trong liên bắn ra hướng chính cầu như bị tê liệt. Biên và Doanh kéo tay nhau vượt lên. Hai quả bộc phá 20 ki-lô-gam nhẹ tênh tênh trong tay họ.

Doanh bảo Biên:

- Phải đặt 2 quả chồng lên nhau thì khối thuốc mới tập trung.

Họ bình tĩnh kê xếp hai khối thuốc nổ như đã từng làm trên thao trường. Họ không hề để ý tới những mảnh đại bác địch nổ trên không vẫy bay ríu rít bên hai tay cắm vào chiếc “áo giáp” bện rơm che kín lưng. Doanh khoát tay đẩy Biên ra:

- Cậu để mình đốt cho.

Doanh muốn chín mình được nổ quả bộc phá mà anh đã mê mẩn suy nghĩ từ mấy ngày nay. Biên gạt ngay:

- Cậu đã bị thương rồi. Cậu yếu không chắc chạy kịp. Tớ còn khỏe…

Hai người vừa ra đến đầu cầu thì bộc phá nổ. Thành tung lựu đạn và nhảy vào lỗ tường xi-măng rộng vừa người chui lọt. Trung đội trưởng Sự dẫn dầu xung kích đã lên tới nơi.

Thành chỉ khu nhà kho bên trái rồi nói với Sự:

- Tổ chức lực lượng mở đường đánh chiếm khu nhà kho và trận địa pháo 57 của địch.

Từ khi địch biết đã mất cả hai khu lô-cốt số 1 và số 3, đại bác chi viện từ các nơi của chúng đang nã dữ dội hơn vào ngay trong vị trí. Chưa bao giờ các chiến sĩ gặp phải một lưới lửa dày đặc như thế. Nhưng không sức mạnh nào cản nổi họ. Sau một loạt bộc phá mở đường, các chiến sĩ xung kích tràn sang chiếm gọn cả 5 dãy nhà kho và khẩu pháo 57 mi-li-mét. Lô-cốt mẹ, khu vực chỉ huy của địch nằm ngay trước mắt họ.

Lúc này tiếng súng vẫn nổ dữ dội bên phía đại đội 46. Mũi đánh chiếm lô-cốt số 4 diễn ra ác liệt. Do tổ chức kết hợp hỏa lực và bộc phá lúc này thiếu chặt chẽ cho nên ta không phát triển được. Quân ta lại phải lui về chiếm giữ khu vực lô-cốt số 3.

Trời đã rạng sáng. Yến-vĩ vẫn tơi bời lửa đạn. Cả mặt bắc và đông nam, trên một phần ba vị trí đã lọt vào tay quân ta. Như đã bị hai lưỡi gươm kề hai bên cổ, địch điên cuồng giãy giụa. Chúng bắn đại bác bừa bãi cả vào trong vị trí. Những chiếc lô-cốt rắn đanh mà địch khoe khoang hết lời đã sụp đổ. Địch bắt đầu mất tin tưởng vào tính chất “linh thiêng” của boong-ke. Ta càng thêm tin tưởng ở sức mạnh của bản thân. Các chiến sĩ sôi nổi bắt tay vào chuẩn bị một đợt chiến đấu mới. Đại bộ phận lực lượng được lệnh rút ra ngoài củng cố…

Ánh sáng bình minh rọi qua lỗ cửa mở chiếu lên xác những tên lính thực dân nằm ngổn ngang trong các ngách hầm lô-cốt. Hầu như tên nào cũng chỉ còn một manh xi-líp trên người, có tên trần truồng như nhộng. Nét kinh hoàng chưa xóa hết trên những cặp mắt đã trắng dã. Có tên, chắc để trấn tĩnh tinh thần, khi chết hàm răng còn nghiến chặt chiếc khăn mùi-soa. Thành cố lách chân lấy một lối đi mà cũng thấy khó. Anh nhìn những xác chết của binh lính định mà lòng thêm căm thù quân xâm lược và tiếc cho sự ngu ngốc của những tên lính đánh thuê này. Không còn một mảnh đất để cho chúng được mồ yên mả đẹp. Giặc Pháp đã xây những mồ xi-măng cốt sắt để chôn binh lính chúng một cách thảm hại như thế đấy!

Không còn cách nào khác, Thành đành bảo các chiến sĩ trải bạt lên những xác đó để nghỉ vừa chuẩn bị chiến đấu.

Chiến sĩ Sủng, từ nãy vẫn sục sạo nghiêng ngó khắp các ngõ ngách lô-cốt, giờ đã quay về chỗ Thành đứng quan sát. Anh kiễng chân nhòm qua lỗ châu mai, nơi đặt khẩu trọng liên của địch còn nguyên vẹn hướng về phía lô-cốt mẹ.

- Anh Thành ạ, đây tới lô-cốt ống bơ (Anh em đặt tên cho chiếc lô-cốt mẹ như thế vì trên nóc lô-cốt, địch có xây đài quan sát hình tròn như hình ống bơ.) có dễ đến gần trăm mét đấy nhỉ.

Nghe tiếng Sủng, Thành quay lại choàng tay ôm lấy người chiến sĩ chiến sĩ trẻ của mình. Anh còn đang mải suy nghĩ.

Như mọi người, anh rất quý những giây phút đứng giữa đồn địch quan sát như thế. Bao nhiêu bài học quý báu sẽ bắt đầu từ đây. Anh biết Sủng lại đến “gạ” chuyện xin làm nhiệm vụ. Anh hiểu lắm, Sủng mới nhập ngũ chưa bao lâu, nhưng không kém gì những chàng cựu binh đã dạn dày lửa đạn. Thành định bụng trêu cho cậu ta một mẻ. Thành chỉ bàn chuyện đánh qua bãi dây thép gai chi chít, mở đường vào lô-cốt mẹ như thế nào, bàn chuyện chia lực lượng thành từng tổ nhỏ như thế nào… Súng cũng sôi nổi góp ý:

- Anh xem lỗ bắn li ti thế này thì nó có nhìn thấy gì đâu. Chúng chỉ lia súng bắn bừa đấy thôi. Còn tất cả 6 khẩu trọng liên, đại liên, trung liên, và bao nhiêu tiểu liên, súng trường ở trong cái hộp này cùng nổ thì chúng nó còn chết ngạt nữa ấy chứ.

Nhưng rồi không cầm được mình, Sủng buột miệng:

- Anh Thành, anh cho tôi đánh lô-cốt ống bơ nhé!

- Thế cậu không sợ ăn đạn của nó à?

- Đêm qua nó bắn chán ra mà có làm gì được ta đâu, chúng ta vẫn vào được đấy thôi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #209 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2011, 06:41:57 am »


Trận địa im lặng quá. Có lẽ bọn tướng tá chỉ huy cũng đang luống cuống bàn cách đối phó. 8 giờ sáng tiếng máy bay thám thính rên rỉ trên nền trời Yến-vĩ. Thành nhô đầu ra ngoài cửa lô-cốt, quan sát. Cùng một loạt những khẩu trọng liên phòng không của ta đặt trên sườn núi Hương-tích nổ ran. Chiếc “bà già” chao cánh. Bỗng “uỳnh… víu… oàng!...”, một phát đạn đại bác nổ giữa trời tung ra từng chùm hoa cà hoa cải. Chiếc “bà già” vội rú máy vọt lên cao và chuồn thẳng.

- Các đồng chí ơi, “đại bác phòng không” của ta đã nổ! - Thành vui mừng reo lớn.

Lại một phát nữa nổ vang. Một chiến sĩ nói hóm hỉnh:

- Chắc thằng Pháp tưởng ta có “đại cao xạ”…

Trong lúc này các chiến sĩ pháo binh bố trí “trận địa phòng không” trên lưng núi Tân-lang đã ngóc nòng các khẩu sơn pháo 75 mi-li-mét đến hết cỡ rồi. Họ reo lên mỗi khi đạn nổ lại đuổi chiếc máy bay đi xa hơn. Ban chỉ huy tiểu đoàn pháo đứng thẳng, mắt đăm đăm rồi theo những chùm khói đạn nổ vây quanh chiếc máy bay “bà già”. Họ nhớ lại hôm hội nghị cán bộ bàn về phương án đánh Yến-vĩ “một đêm không xong lại tiếp tục chiếm giữ và chuẩn bị đánh tiếp”. Ai cũng đều băn khoăn nát óc về chuyện chặn viện binh lớn của địch, và đề phòng máy bay bắn phá. Để chặn viện, ta đưa tiểu đoàn Thanh-lũng vượt sông Đáy sang chiếm Bài-lâm, Hữu-vĩnh và 2 khẩu pháo 75 sau đêm đánh đồn sẽ chuyển ra bờ sông phối hợp. Còn đề phòng máy bay địch? Địch có thể tập trung số lớn máy bay bắn phá. Khả năng phòng không của Đại đoàn chỉ có 8 khẩu 12,7 mi-li-mét cọc cạch. Có khẩu lấy ở máy bay địch rồi rèn thêm chân, có khẩu chắp vá mươi mảnh. Giữa lúc mọi người đang băn khoăn thì các cán bộ tiểu đoàn pháo binh cũng quây quần nghiên cứu một đề án táo bạo: Tại sao lại không thể dùng pháo 75 bắn máy bay? Họ rất tin chiến sĩ có thể làm được. Họ nêu ý kiến ra trước hội nghị. Vừa nghe họ nói dứt lời, có đồng chí cười ồ. Chưa ai nghe thấy chuyện lạ như thế bao giờ. Nhưng rồi ý kiến của các đồng chí được hội nghị ủng hộ…

10 giờ sáng. Địch cho nhiều đợt máy bay tới bắn phá vào vị trí hòng xua giãn quân ta. Chúng ném cả bom na-pan xuống khu vực nhà kho. Các chiến sĩ vẫn gan góc giữ vững trận địa.

Giữa lúc này, tiếng súng nổ rộn lên bên phía Bài-lâm. Địch thúc quân cơ động đi cứu viện. Binh đoàn cơ động số 5 chạy rông suốt dọc phòng tuyến sông Đáy từ Ninh-bình về Hà-đông, Hà-nam… nay lại phải bỏ dở cuộc càn quét chung quanh Đồng-quan kéo về cứu Yến-vĩ. Khi chúng vừa tới đầu làng Bài-lâm, pháo binh của ta quật đầu chúng xuống. Bị một trận bắn phá bất ngờ, địch co cẳng chạy về Thanh-bồ và nằm bẹp tại đấy.

Từ trưa trở đi, thấy quân viện không thể vượt sông sang giải vây cho Yến-vĩ, địch liên tiếp tung máy bay đi, hết đợt này đến đợt khác. Trên tời máy bay cắn đuổi nhau gầm rít bắn phá. Tất cả các làng lân cận như Hội-xã, Đục-khê và ngay cả trong vị trí, đều mờ đi trong khói bom đạn mịt mù. Lưới lửa phòng không của ta vẫn giăng kín bầu trời Yến-vĩ. Địch không thể tự do hoành hành. Chúng giội bom trút đạn bừa bãi xuống sông, xuống ruộng. Giữa lúc này phó chỉ huy Đại đoàn Phạm ngọc Hồ, tham mưu trưởng Phùng thế Tài cùng các cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn tới từng công sự gặp gỡ các chiến sĩ trao đổi kinh nghiệm kịp thời và truyền tới từng cán bộ, chiến sĩ quyết tâm của Đảng ủy Đại đoàn.

Địch tưởng những trận mưa bom ấy có thể sát hại sinh lực ta và làm lung lạc tinh thần quân ta. Không bao giờ địch có thể đạt tới mơ tưởng hão huyền ấy. Đợt chiến đấu quyết liệt vẫn tiếp tục nổ ra.

Từ lô-cốt số 1 và số 3 các chiến sĩ bộc phá nối nhau đánh mở đường thẳng vào lô-cốt mẹ. Họ giành từng phút khi địch ngớt bắn là lao lên. Người trước ngã người sau tiến, không một ai chùn bước.

Ở mũi chính, các chiến sĩ chỉ còn cách lô-cốt mẹ có 10 mét. Nhưng những hàng rào dày đặc đã cản bước họ. Địch cảm thấy rõ rệt cái chết đã kề tận cổ. Ngoài các cỡ súng từ trong lô-cốt mẹ cuống quít nhả đạn, địch gọi đại bác bắn dữ dội ngay trên lô-cốt mẹ. Địch huy động tất cả hàng chục khẩu pháo 105 và 155 mi-li-mét giội đạn vào một mảnh đất không đầy 100 mét vuông này. Đạn nổ trên trời, đạn nổ dưới đất, đạn nổ ngay rên nóc lô-cốt. Cái lô-cốt mẹ như bốc lửa.

Chiến sĩ Sủng vẫn ôm quả bộc phá nằm gan lỳ trong cái hố đào vội. Anh nghe rõ mảnh đạn cắm phầm phập vào chiếc áo giáp rơm đội trên đầu. Anh cùng đồng đội gội đạn vượt qua gần 100 mét dây thép gai vào đến đây chẳng lẽ đành chịu bó tay. Anh gọi to:

- Các câu ơi, vào đến nơi rồi. Chỉ cần mấy quả nữa là vào đến lô-cốt thôi!

Nhưng mỗi phút trôi qua địch càng bắn điên cuồng hơn. Thấy không có điều kiện phát triển trận đánh, ban chỉ huy trung đoàn hạ lệnh cho các đơn vị lui quân. Lệnh truyền đến nơi, Sùng vẫn dùng dằng không muốn rút ra. Anh nhìn chiếc lô-cốt lù lù trước mắt nghiến răng căm uất.

Trời rạng sáng dần. Vị trí Yến-vĩ chỉ còn là một bãi tha ma khét lẹt mùi khói đạn, mùi xác lính địch và thấp thoáng bóng những tên sống sót say lử như những bóng ma. Bọn chúng giương cặp mắt trắng dã đã không dám nhìn thẳng vào những cảnh tan hoangg ở xung quanh. Ruột chúng như có ai đã vắt kiệt nước. Chúng há hốc mồm nốc rượu mạnh cho quên hết tất cả những phút kinh hoàng khủng khiếp vừa xảy ra. Bọn chỉ huy phải chọn những tên liều lĩnh nhất đi lôi những xác chết đã thối quẳng ra khỏi các lô-cốt. Nhưng rồi những tên này cũng mất tinh thần nốt. Đến trưa ngày 17, tiểu đoàn Âu - Phi số 1 của binh đoàn cơ động số 5 mới dám vượt sông Đáy, chiếm đóng lại Đục-khê và vào Yến-vĩ bó kín trên năm chục thây ma ném lên ô-tô chở đi. Song những xác đồng đội chúng bị chết một cách rùng rợn, những hình thù méo mó của hàng chục khẩu trọng liên, đại liên, trung liên, đại bác, những chiếc lô-cốt bị đánh thủng một cách ghê gớm đã làm tiêu tan trong đầu chúng tất cả mọi ý nghĩ về sự “bất khả xâm phạm” mà bọn chỉ huy của chúng thường khoe khoang.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM