Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 01:00:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2  (Đọc 3050 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:13:18 pm »

Trong điều kiện thời tiết và chiến sự do Mỹ gây ra như thế, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã thực hiện các nhiệm vụ sau: đào tạo các chuyên gia Việt Nam thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị theo định kỳ; đào tạo các trắc thủ biết làm việc trong các điều kiện chiến đấu khác nhau; biết phân tích các tính năng chính của thiết bị; biết vận dụng chiến thuật tác chiến trong từng trận đánh và biết vận dụng những ý kiến tư vấn phù hợp với hiện tại; biết sửa chữa những hư hỏng hàng ngày phát sinh trong quá trình vận hành thiết bị, cũng như sau khi trận địa bị máy bay Mỹ ném bom.

Tất cả những nhiệm vụ nêu trên, tiểu đoàn phải thực hiện dưới các điều kiện ngụy trang và bí mật nghiêm ngặt. Việc di chuyển đội hình chiến đấu từ trận địa này sang trận địa khác chỉ được thực hiện vào ban đêm.

Vì Trung đoàn 238 triển khai chiến đấu trên địa bàn gần vĩ tuyến 17, tôi muốn mô tả một cách chi tiết hơn về tình hình trong khu vực này. Đây là một dải đất có chiều rộng từ 50 đến 100 km, tiếp giáp với vĩ tuyến 17, nó giống như một dải tiền phương của thời kỳ Chiến tranh ái quốc vĩ đại. Theo Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam được ký năm 1954 tại Giơnevơ Thụy Sĩ, thì vĩ tuyến 17 là giới tuyến tạm thời chia cắt Việt Nam thành 2 miền: miền Bắc là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, còn miền Nam sống dưới chế độ của chính quyền bù nhìn thân Mỹ. Hàng ngày, máy bay Mỹ ném bom xuống khu vực này. Chúng không chỉ ném xuống khu vực này những quả bom thông thường với sức công phá khác nhau, mà chúng còn ném xuống những loại bom khác: bom bi, bom nổ theo giờ đã hẹn, bom từ tính, bom napal. Sông, hồ, ao và thậm chí cả cánh đồng lúa ở khu vực này cũng bị không quân Mỹ phong tỏa bằng các loại bom nói trên. Để cái gọi là “ngụy trang”, người Mỹ đã sơn các loại bom nói trên có màu xanh lá cây hoặc màu nâu nhạt.

Từ năm 1966, Mỹ bắt đầu sử dụng các tàu hải quân để bắn pháo vào khu phi quân sự của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Để bám trụ được trong điều kiện như đã mô tả ở trên, nhân dân của Quân khu 4 đã buộc phải sống trong địa đạo. Các trường học, nhà trẻ, bệnh viện và một số cơ sở sản xuất cũng phải đặt dưới lòng đất.

Ban đêm, các nhóm biệt kích của địch đã từ bờ Nam sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) đột nhập vào các khu dân cư trên bờ Bắc sông Bến Hải, phá hoại nhiều công trình khác nhau của nhân dân địa phương. Do đó, trong khu vực gần khu phi quân sự đều thành lập những đơn vị dân quân và bộ đội địa phương, được trang bị vũ khí, đạn dược và lựu đạn để chiến đấu với những kẻ phá hoại.

Tháng 4 năm 1966, các máy bay A-6 của Mỹ đã rải chất độc hóa học xuống vùng lãnh thổ rộng lớn của tỉnh Quảng Bình. Do tác hại của những chất độc này, đồng cỏ và cây cối đã chuyển từ màu xanh sang màu vàng và phần lớn các cây không còn lá, nhiều loại cây đã bị chết. Các nhà báo Việt Nam và nhà báo Ba Lan Monika Vamenski đã tiến hành các cuộc điều tra và có kết luận, việc Mỹ rải chất độc hóa học xuống các vùng ở miền Nam Việt Nam và trong khu vực vĩ tuyến 17 đã làm cho con người đang khỏe mạnh bị bệnh tật trầm trọng, không tử vong cũng bị tàn tật. Hãy tìm đọc cuốn sách “Việt Nam: chiến tranh hóa học”, biên soạn 1972).

Người Mỹ vẫn tiếp tục rải các loại chất độc hóa học xuống tỉnh Quảng Bình cho đến năm 1970. Việc làm này của người Mỹ không chỉ là hủy hoại thực vật, mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do không quân Mỹ liên tục ném bom xuống các thành phố Vinh và Đồng Hới, nên hai thành phố này đã bị phá hủy hoàn toàn.

Khi phân tích tình hình này, một câu hỏi đã được đặt ra: Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô của Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 QĐND Việt Nam đang chiến đấu trong địa bàn Quân khu 4 trong thời gian từ tháng 10 năm 1966 đến tháng 10 năm 1967, đã cùng với các chiến sĩ Việt Nam chiến đấu như thế nào và liệu họ có thể tránh khỏi những thảm họa đau thương do chất độc hóa học của Mỹ gây ra? Và người nông dân Việt Nam ở những vùng bị rải chất độc hóa học đã tiếp tục phát triển nông nghiệp như thế nào? Còn người Mỹ đã tiến hành trinh sát cả trên không và dưới mặt đất, có thắng nổi các đơn vị phòng không của Việt Nam không?

Thái độ của người Mỹ với sự hiện diện của các chuyên gia quân sự của Liên Xô là khác nhau. Khi chưa bị các lực lượng phòng không Việt Nam đánh trả quyết liệt, không quân Mỹ đã không đụng chạm đến chúng tôi. Nhưng khi một số máy bay có người lái của không quân Mỹ bị bắn hạ, họ đã ném bom một cách dã man xuống các trận địa tên lửa và nơi ở của chúng tôi. Vì vậy, sau mỗi trận đánh, chúng tôi phải nhanh chóng di chuyển không chỉ trận địa mà còn phải di chuyển nơi ở của đoàn chuyên gia quân sự chúng tôi. Các bạn Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: phải bảo vệ cẩn thận tính mạng của các chuyên gia quân sự Liên Xô.

Các tiểu đoàn chuẩn bị trận địa trong rừng, bí mật vận chuyển thiết bị đến trận địa. Trong thời gian “nghỉ đánh”, chúng tôi cùng với các bạn Việt Nam cẩn thận chuẩn bị thiết bị tên lửa vào tư thế chiến đấu. Cụ thể là, thực hiện công việc bảo trì thiết bị và nghiên cứu tình hình chiến sự trên không. Khi tiểu đoàn đã sẵn sàng vào trận chiến, Ban chỉ huy Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 đã đề nghị Trưởng đoàn của chúng tôi không cần mạo hiểm cuộc sống của các chuyên gia quân sự Liên Xô, vì họ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trong giai đoạn này, hầu hết các tiểu đoàn tên lửa phòng không Việt Nam đã độc lập chiến đấu, các chuyên gia quân sự Liên Xô không có mặt trong các trận đánh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:15:32 pm »

Người Mỹ đã dùng máy bay ném bom chiến lược B-52 để ném bom khu vực vĩ tuyến 17. Máy bay B-52 xuất phát từ các khu căn cứ như: các đảo Guam, Okinawa, từ các sân bay quân sự của Thái Lan (Utapao). Máy bay ném bom B-52 được sử dụng trong các điều kiện thả nhiễu tích cực và có các máy bay tiêm kích của họ hộ tống. Máy bay B-52 có thể mang theo 27 tấn bom, gồm có bom phá, bom napal và bom bi. Bằng ấy số lượng bom, nó có thể hủy hoại một khu vực rộng lớn.

Từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1967, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 đã chiến đấu liên tục và chịu thiệt hại lớn. Trong 4 tiểu đoàn thì 3 tiểu đoàn đã mất sức chiến đấu, khoảng một phần ba quân số bị hy sinh. Tháng 8 năm 1967, chỉ còn Tiểu đoàn 82 là đơn vị còn sức chiến đấu. Đồng chí Lan là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 82.

Ngày 13 tháng 8, trong khi đang phục kích trong khu vực vĩ tuyến 17, trạm ra đa trinh sát mục tiêu (Bộ đội tên lửa thường gọi là Trạm ra đa P-12 - ND) và Xe điều khiển tên lửa (thường gọi là ca bin U - ND) đồng loạt mở máy và phát hiện được mục tiêu cách xa 60 km, ở độ cao 10 km. Các trắc thủ đã bám sát mục tiêu tốt, nhưng họ lại không phát hiện được địch đã phóng tên lửa không đối đất gọi là sơ-rai. Có nghĩa là, khi phi công Mỹ phát hiện tên lửa đất đối không đã được phóng lên và đang được đài chỉ huy điều khiển đưa tên lửa đến mục tiêu, thì ngay lập tức phi công Mỹ đã phóng sơ-rai từ máy bay xuống mặt đất. Sơ-rai được điều khiển bởi sóng phát xạ từ đài điều khiển tên lửa. Tại thời điểm quyết định cho tên lửa nổ thì sơ-rai cũng trúng xe điều khiển tên lửa. Kết quả là xe điều khiển bị hỏng, các trắc thủ trong ca bin xe “U” bị hy sinh, một số chiến sĩ và chỉ huy đã bị thương.

Sau sự cố đau xót này, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã tập trung sửa chữa thiết bị và sau 3 tuần lễ, thiết bị đã sẵn sàng vào chiến đấu. Tiểu đoàn 82 đã triển khai trận địa bên cạnh trận địa ngày 13 tháng 8. Trận địa mới được ngụy trang rất cẩn thận. Sau khi kiểm tra các thiết bị, Tiểu đoàn 82 bắt đầu trực chiến.

Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Tiểu đoàn phát hiện một tốp mục tiêu ở cự ly 40 km. Mặc dù địch thả nhiễu tích cực và nhiễu xung phản ứng, các trắc thủ bám sát bằng tay đã bám sát mục tiêu một cách chính xác. Phóng quả đạn thứ nhất khi mục tiêu ở cự ly 31 km, quả thứ hai - ở cự ly 23 km; quả thứ ba vẫn nằm trên bệ phóng vì mục tiêu đã nằm vào “khu cấm”. Các phi công của B-52 ngay lập tức phát hiện ra tên lửa, thiết bị cảnh báo trên máy bay đã hoạt động, vì vậy chiếc B-52 ngay lập tức bắt đầu “giải phóng” số bom của nó xuống bất cứ đâu và cho máy bay cơ động.

Tên lửa đầu tiên tự hủy diệt, tên lửa thứ hai nổ tung gần mục tiêu. Các mảnh vỡ từ máy bay tạo ra hiệu ứng của nhiễu thụ động. Chiếc B-52 biến thành ngọn lửa rơi xuống biển cách 20 km về phía Nam của khu phi quân sự.

Toàn thể cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 82 và nhân dân địa phương đã theo dõi trận đánh này và họ rất vui mừng vì chiến công của Tiểu đoàn.

Sau khi mở máy trên xe “U” lần thứ 2, đã phát hiện một tốp mục tiêu ở cự ly 50 km và một mục tiêu độc lập ở cự ly 18 km. Tiểu đoàn chỉ còn lại một tên lửa, xác suất đánh trúng mục tiêu, đặc biệt là bắn “đuổi”, sẽ thấp. Nhưng người chỉ huy tiểu đoàn đã quyết định bắn một mục tiêu độc lập. Ngòi nổ vô tuyến của tên lửa hoạt động ở cự ly 30 km. Và, mặc dù trong trường hợp này, theo lý thuyết tên lửa sẽ bị bắn trượt nhiều hơn là bắn trúng, nhưng mục tiêu kích thước lớn nên đã bị một khối mảnh vỡ của tên lửa hủy diệt. Chiếc B-52 không kịp bay ra biển, bổ nhào xuống ngay khu vực bờ biển. Tàu của hải quân Mỹ đã cố gắng tiến sát vào địa điểm máy bay rơi cứu phi hành đoàn. Sự việc này nhân dân địa phương đã nhìn thấy.

Đồng chí Lan, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 82 đã kể cho tôi nghe chi tiết của trận đánh. Tôi cũng được đồng chí Trung tá Ienhyakov Evgheny Mikhailovich, Trưởng đoàn chúng tôi xác nhận lời kể của đồng chí Tiểu đoàn trưởng. Đồng chí Trung tá Ienhyakov Evgheny Mikhailovich sang Việt Nam hồi tháng 9 năm 1967 thay đồng chí Đại tá Vasily Grigorievich Baikov, Trưởng đoàn đầu tiên của chúng tôi.

Sau khi ở Việt Nam về nước, đồng chí Ienhyakov phục vụ cùng với tôi trong lữ đoàn Tên lửa Phòng không thứ 57 của lực lượng Phòng không. Đồng chí Ienhyakov ở cương vị là Tham mưu trưởng Lữ đoàn.

Từ tháng 10 năm 1967 đến cuối năm 1967, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 Quân đội nhân dân Việt Nam đã bắn rơi thêm hai chiếc B-52 nữa.

Do đã tham gia chiến đấu ở Việt Nam, tôi được trao Huân chương Sao Đỏ và Trung tá Ienhyakov Evgheny Mikhailovich được trao Huân chương Cờ Đỏ. Tên của các trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam, như: Thiếu tướng Bazhenov, Đại tá Baikov, Trung tá Ienhyakov đã mãi mãi được ghi danh vào trong sổ vàng của Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 Quân đội nhân dân Việt Nam. Do lập được những chiến công xuất sắc, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân”.

Cuối năm 1967, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 QĐND Việt Nam bị thiệt hại nghiêm trọng về người và trang thiết bị, nên đã rút quân khỏi địa bàn Quân khu 4 để tái thiết lập lại. Tháng 5 năm 1969, Trung đoàn lại tiếp tục chiến đấu trong khu vực vĩ tuyến 17.

Thời gian không thể xóa đi những ký ức về những khó khăn và nguy hiểm mà nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô đã công tác tại Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 QĐND Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đại tá Baikov. Tôi muốn cảm ơn các đồng chí của tôi đã giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau, đó là các đồng chí Menshikh, Igrevsky, Popadenko, Voitko, Pasko, Kokarev và những đồng chí khác. Tôi rất tiếc là không nhớ tên của các đồng chí đó.

                                                                                                           
Chúc đất nước Việt Nam hòa bình và phát triển!
Tp. Ekaterinburg, năm 2002
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:17:55 pm »

VIỆT NAM KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Kolesnik Nikolai Nikolaevich


Vài nét về tác giả

Thượng sĩ cận vệ Kolesnik Nikolai Nikolaevich sinh ngày 28 tháng 1 năm 1943 tại làng Baza, huyện Borovsky, tỉnh Kharkov.

Năm 1959, ông tốt nghiệp trường trung học số 12 Gorlovsk. Năm 1961, tốt nghiệp Trường Kỹ thuật số 15, trở thành một thợ điện làm việc trong Ban điều hành hệ thống điện tự động hóa các thiết bị dưới hầm mỏ.

Từ 1963 đến 1966, ông phục vụ trong quân đội Liên Xô.

Từ tháng 7 năm 1965 đến tháng 3 năm 1966, ông tham gia huấn luyện và chiến đấu ở Việt Nam với cương vị là chỉ huy Khẩu đội bệ, Phó Trung đội trưởng, rồi lên Trung đội trưởng Trung đội bệ thuộc Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 236, và 285 của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau khi từ Việt Nam trở về nước, ông được vào học tại trường Đại học năng lượng điện Moskva và đến tháng 6 năm 1972, ông tốt nghiệp, ra trường.

Từ năm 1972 đến năm 1994, ông làm việc trong các xí nghiệp công nghiệp hàng không quốc phòng với cương vị là kỹ sư thiết kế, Phụ trách thợ điện - cơ khí của phân xưởng, kỹ sư thiết kế chủ đạo và Quản đốc phân xưởng. Trong thời gian đó, ông cũng làm công tác giảng dạy.

Từ năm 1994, ông là một chuyên gia hàng đầu, và từ năm 1996 đến nay ông là người đứng đầu bộ phận kỹ thuật điện của tòa nhà Duma Quốc gia Liên bang Nga.

Năm 1994, ông được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tổ chức xã hội Liên khu vực của các Cựu chiến binh đã chiến đấu ở Việt Nam (gọi tắt là Hội CCB Xô Viết ở Việt Nam).

Ông được trao tặng Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Sao Bạc là loại Huân chương “Xã hội công nhận” của Peter Đại đế hạng Nhất; Huân chương Thánh tử Alexander Nevsky hạng 2, Huân chương “Hữu nghị” của Việt Nam và 12 huy chương các loại, trong đó có Huy chương “Cựu chiến binh”, Huy chương “Lão thành lao động”, Huy chương “Vì củng cố hợp tác chiến đấu”, Huy chương “Vì lòng dũng cảm trong chiến đấu”, Huy chương “Hữu nghị” của Việt Nam, các kỷ niệm chương “Chiến binh quốc tế”, “Cựu chiến binh phòng không” của Liên Xô và Việt Nam.

Nhớ đến những ngày công tác và tham gia chiến đấu bắn máy bay Mỹ ở Việt Nam, ông Nikolai Kolesnik đã viết bài hồi ức có tên gọi “Việt Nam, không thể nào quên “. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.


Ban Biên soạn
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:20:00 pm »

Việt Nam - không thể nào quên

Tháng 2 năm 1965, Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Kosygin dẫn đầu đã thăm Việt Nam, Trong chuyến thăm này, hai Chính phủ đã ký Hiệp định về việc Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam. Trên cơ sở Hiệp định đó đầu tháng 3-1965, theo lệnh của Đại tá Pobozhakov, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tên lửa Phòng không cận vệ Putinlov-Kirolovsk 236, Tiểu đoàn 3 của chúng tôi đã thu hồi khí tài và rời khỏi trận địa cố định của mình ở gần làng Korostovo, quận Krasnogorsk. Đêm hôm đó, chúng tôi đã di chuyển đến một trận địa thuộc huyện Dmitrovsk để thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, bao gồm: triển khai thiết bị vào vị trí chiến đấu, mở đài ra đa theo dõi các mục tiêu đang hoạt động trên không, mô phỏng phóng tên lửa, bảo vệ trận địa bằng bộ khí tài tên lửa phòng không C -75.

Nhằm nghiên cứu các phương pháp bảo vệ trận địa tên lửa phòng không, Tiểu đoàn chúng tôi được bổ sung biên chế vào đội hình chiến đấu một Đại đội pháo 1 cao xạ 57 ly có trạm điều khiển pháo SON-9 và PUAZO (thiết bị điều khiển pháo phòng không). Loại pháo cao xạ này cũng được cung cấp để trang bị cho Bộ đội cao xạ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chúng tôi rất phấn khởi khi được nghiên cứu tính năng chiến đấu của loại vũ khí quân sự này: chúng tôi đã học cách đặt súng và nạp đạn vào súng, học cách sử dụng thước ngắm, điều chỉnh thước ngắm theo đường bay, theo chiều cao và tốc độ của mục tiêu.

Tất nhiên, chúng tôi cũng đã đoán trước được rằng, chúng tôi đã không tình cờ học loại súng cao xạ này, vì chiến tranh ở Việt Nam buộc chúng tôi phải tìm ra những phương pháp chiến đấu mới và phương pháp bảo vệ, bộ khí tài tên lửa phòng không C-75 sao cho có hiệu quả nhất, không bị không quân của đối phương đánh vào.

Vào cuối kỳ tập luyện, chúng tôi đã hoàn thành các bài kiểm tra và được Bộ Chỉ huy Quân đoàn 10 Phòng không đánh giá cao. Tiểu đoàn 3 chúng tôi quay trở lại nơi đóng quân cố định. Vài ngày sau, chúng tôi cùng với Thiếu tá Ivan Konstantinovich Proskumin - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cận vệ được triệu tập về Ban Tham mưu Trung đoàn và được giao nhiệm vụ đi công tác tới một đất nước có khí hậu nhiệt đới ẩm ướt, và đang có chiến tranh. Chúng tôi ngay lập tức nhận ra rằng, chúng tôi sẽ được sang Việt Nam. Trong số những người trong Tiểu đoàn 3 chúng tôi được mời lên Ban Tham mưu Trung đoàn, ngoài đồng chí Tiểu đoàn trưởng, có các đồng chí sau đây: Binh nhất Raphail (Tolya) Akhunov, Binh nhất Alesei Fomichev, Binh nhất Anatoly Pshenichny và Binh nhất Andrei Merzuk. Các đồng chí trên đều thuộc tiểu đội 2 trung đội bệ phóng của chúng tôi. Một số trắc thủ ở các tiểu đoàn khác trong Trung đoàn đã được điều chuyển về tiểu đoàn chúng tôi, cụ thể là các trắc thủ bám sát bằng tay, gồm có các binh nhất Alexandr Burtsev, Tarzan Cherkviani, Nikolai Gavrilyuk, trắc thủ trạm ra đa nhìn vòng P-12 - binh nhất Viktor Kubushev và lính bệ phóng - Binh nhất Ivan Agalakov.

Cấp trên cho chúng tôi thời gian để suy nghĩ, sau đó tất cả những ai đã đồng ý đều được gửi đến Hội đồng kiểm tra sức khỏe. Tại Hội đồng y tế, bác sĩ tim mạch hỏi:

- Bạn sẽ chịu đựng thời tiết nóng như thế nào?

- Tôi chịu đựng bình thường, tôi trả lời, “chỉ có đi ngủ là tốt nhất”.

- Vâng, tất cả là như vậy - bác sĩ trấn an tôi.

Bác sĩ nha khoa đã phàn nàn về ai đó có bộ răng xấu. Nếu làm răng “mới” sẽ cần thời gian đến một tuần.

Sau gần một tháng, 80 người chúng tôi được lựa chọn từ các đơn vị khác nhau thuộc Quân khu Phòng không Moskva, đã tập trung về trận địa của Trung đoàn chúng tôi ở làng Mitino. Tại đây, chúng tôi huấn luyện chiến đấu và huấn luyện thể chất, nghiên cứu các tài liệu về công tác chiến đấu và sử dụng trang thiết bị. Một số người quyết định không muốn thử thách số phận, đã tự nghỉ tập. Bộ Chỉ huy đã biết việc này và quyết định trả những người này về đơn vị cũ.

Hai ngày trước khi lên đường, chúng tôi đã được cấp quần áo dân sự: một bộ comle, quần màu sáng, 4 áo sơ mi, cà vạt, áo khoác màu sáng, áo mưa, 2 đôi giày, trong đó có 1 đôi giày cao cổ, 4 đôi tất chân, thắt lưng, khăn tay và mũ tai bèo. Không hiểu tại sao, tất cả đều có màu như màu cát.

Đại tá giáo viên dạy chúng tôi đã nói với chúng tôi một cách ghen tị:

- Các đồng chí có may mắn, các đồng chí vẫn còn quá trẻ, được đi ra nước ngoài. Điều này không phải ai cũng có trong cuộc đời, đặc biệt là trong quân đội.

Thiếu tá Proskumin được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn. Bạn bè và gia đình của các sĩ quan đã tiễn chúng tôi như những người thân đến sân bay Chkalovsky.

Hành trình bay của chúng tôi có hạ cánh ở một số điểm và nghỉ qua đêm ở Irkutsk. Sáng sớm ngày hôm sau mới bay từ Irkutsk.

Một giờ sau, máy bay đã vượt qua biên giới Liên Xô sang Mông Cổ, và hai giờ sau đỏ, vượt qua biên giới Mông Cổ sang Trung Quốc. Thời tiết rất đẹp, không có mây mù, chúng tôi có thể nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:22:28 pm »

Trên đất Trung Hoa

Tại Bắc Kinh, các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Liên Xô và đại diện của Trung Quốc đã ra sân bay đón chúng tôi. Chúng tôi đã được đưa về thành phố và được bố trí nghỉ trong một khách sạn xinh đẹp với các phòng đôi có quạt trần, phòng tắm và máy thu thanh. Ở thời điểm này, khách sạn loại này xếp vào loại sang trọng nhất. Không hiểu tại sao máy thu thanh lại không hoạt động?

Buổi tối, chúng tôi được mời đến một nhà hát mùa hè xem các nghệ sĩ Trung Quốc biểu diễn. Hội trường đã đầy khán giả và khi chúng tôi bước vào, chúng tôi được chào đón một cách trịnh trọng. Chương trình biểu diễn bao gồm các bài hát và các điệu múa dân gian Trung Quốc. Chúng tôi như lạc vào một thế giới khác, thật là quá tuyệt vời! đây là một Trung Quốc mà tôi đã cảm nhận khi tôi còn là một cậu bé. Khi đó, tôi đã đọc những câu chuyện dân gian Trung Quốc.

Sáng hôm sau, chúng tôi chia thành nhóm đi ra ngoài phố. Người Trung Quốc thận trọng một chút, nhìn chúng tôi với sự tò mò, không che giấu.

Buổi chiều, chúng tôi ra sân bay. Thời tiết ban ngày nóng và máy bay của chúng tôi nằm dưới ánh mặt trời, chúng tôi nhìn nó giống như một phòng tắm hơi. Việc cất cánh đã bị trì hoãn trong gần một giờ đồng hồ, và chúng tôi đã phải đổ mồ hôi khá nhiều khi phải ngồi chờ trên máy bay. Nhưng đây chính là một cuộc diễn tập nhẹ nhàng của các bài kiểm tra khả năng chịu đựng khí hậu nhiệt đới, mà sau này chúng tôi phải chịu đựng ở Việt Nam.

Cuối cùng, máy bay đã cất cánh và cũng sớm hạ cánh xuống sân bay ở thành phố Nam Ninh, mặc dù, theo cung độ bay thì máy bay sẽ bay thẳng đến Hà Nội. Ngày hôm đó có một cuộc bay “mật tập” vào lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc. Nhằm đảm bảo an toàn cho chúng tôi, máy bay chúng tôi không được phép bay qua biên giới Trung - Việt.

Chúng tôi được đưa lên xe buýt và đưa vào thành phố. Tất nhiên, thành phố ở đây không thể so sánh với Bắc Kinh cả về sự lộng lẫy của kiến trúc cổ xưa, lẫn mức độ kiến trúc hiện đại. Đây chỉ là một thị trấn nhỏ. Trên đường phố có rất nhiều người đi xe đạp. Trên phố có những chiếc xe tải quý hiếm, thuộc loại mô đem ZIL-150 do Trung Quốc sản xuất. Trên đường phố hoàn toàn không có thùng bỏ rác.

Trong khi chờ khách sạn bố trí và sắp xếp phòng, chúng tôi được chủ nhà tổ chức một chuyến tham quan nhà máy dệt. Một số nhân viên của nhà máy đã học tập ở Liên Xô, nói tiếng Nga tốt, và vui mừng được gặp chúng tôi. Những người thợ dệt, chủ yếu là phụ nữ. Họ nhân từ, niềm nở và sẵn sàng giới thiệu cho chúng tôi xem những sản phẩm chưa hoàn thành của họ. Thật khó mô tả bằng lời nói những công việc tuyệt vời này: Họ thêu những động vật, những con chim, những cành thực vật bằng những sợi tơ tằm tốt nhất, di chuyển sống động trên những bức tranh lụa với hơi thở nhẹ nhất của không khí. Cho đến bay giờ, trước mắt tôi vẫn hiện lên một con mèo có lông màu xám sáng, có bộ râu cong, trên thân con vật được thêu những đường chỉ như tóc thật.

Chúng tôi được biết tiền công trong tháng của người thợ thêu không hơn 40 nhân dân tệ, khi họ đã bước vào tuổi 40, thị lực của họ bị giảm và khả năng thêu bằng tay của người thợ cũng giảm đi. Lúc này, họ chỉ còn khả năng thêu những chữ tượng hình trên các bài thơ của của các bậc vĩ nhân.

Sau khi đến thăm nhà máy, chúng tôi được đưa đến một khách sạn hoàn toàn vắng khách. Chúng tôi biết khách sạn này vừa là nơi ăn nghỉ của các đại biểu Công đoàn của tỉnh về dự hội nghị, họ đã phải khẩn trương chuyển đến một nơi khác để chúng tôi được nghỉ ở khách sạn này.

Ngày hôm sau, khi máy bay chúng tôi đã cất cánh được 20 phút, bất ngờ có 2 máy bay chiến đấu xuất hiện bên trái máy bay của chúng tôi. Hai máy bay bay một đường song song và vọt lên cao rồi quay đầu lại. Chúng tôi đã lo lắng: không biết đây là máy bay chiến đấu của ai và họ có ý định gì. Nhưng nỗi băn khoăn đó ngay lập tức bị tiêu tan khi chúng tôi thấy các dấu hiệu nhận dạng của Không quân Trung Quốc trên đôi cánh của máy bay MiG-17. Họ quay lại và lắc đôi cánh của họ và bay về phía sau. Đây là những máy bay tiêm kích của Trung Quốc bảo vệ chúng tôi đến biên giới với Việt Nam. Sau đó, máy bay của chúng tôi cũng được máy bay tiêm kích của Việt Nam tiếp tục bảo vệ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:24:32 pm »

Trên đất Việt Nam

Chúng tôi bay đến Hà Nội. Máy bay của chúng tôi lượn một vòng và hạ cánh xuống đường băng một cách êm ru. Bởi vì, phi hành đoàn của chúng tôi đã hiểu rất rõ sân bay Gia Lâm và làm chủ được mọi tình hình trên không ở sân bay này.

Và đây là lần đầu tiên chúng tôi đặt chân lên mảnh đất của Việt Nam. Chúng tôi được đoàn cán bộ của Quân đội nhân dân Việt Nam ra sân bay đón tiếp. Sau nghi lễ chào mừng, chúng tôi được mời uống trà. Mặc dù đồng hồ đã chỉ 6 giờ chiều, (giờ địa phương) song chúng tôi vẫn gặp khí nóng không thể chịu nổi. Chúng tôi tập hợp dưới những “chiếc ô” khổng lồ được làm bằng những chiếc dù của Mỹ, căng trên các cột tre Việt Nam. Chúng tôi uống nước chè xanh, không đường. Đó là điều không bình thường đối với chúng tôi. Nhưng chẳng bao lâu chúng tôi đã hiểu và đánh giá cao lợi thế đặc biệt của loại đồ uống này, vì nó đã làm dịu cơn khát.

Điều không bình thường đối với chúng tôi là cái oi bức của khí hậu nhiệt đới kèm với độ ẩm cao và tiếng ve sầu kêu ở xung quanh chúng tôi. Một thói quen của các bạn Việt Nam là mời nhau chén trà ngay từ phút đầu làm quen. Ở dưới mái vòm của chiếc dù Mỹ căng trên, tôi đã bắt đầu bài học tiếng Việt đầu tiên.

Do đường bị đánh phá, có nhiều hố bom, nên chúng tôi phải ngồi lâu trên xe khi về nơi ở.

Phong cảnh Việt Nam rất thanh bình và hài hòa. Các cánh đồng được những con đường thẳng bao quanh, xen lẫn các kênh đào và hệ thống máng tưới tiêu, thấp thoáng từng tốp nông dân làm việc, mà trên đầu họ lúc thì chiếc nón, lúc thì chiếc mũ rơm. Một đàn trâu đang đắm mình trong những vũng nước trên ruộng hoặc dưới lòng mương gần cây cọ hoặc bụi tre để tránh cái nóng của vùng nhiệt đới. Những làng quê nhỏ có những ngôi nhà bằng gỗ, trước cửa nhà mỗi gia đình là những hàng cau. Rìa mỗi làng quê Việt Nam đều có nghĩa trang cho những người quá cố. Mỗi dinh cư của người nông dân Việt Nam bao giờ cũng có bức tường bằng tre hoặc cây duối bao bọc với một cổng tò vò cao ở lối vào nhà. Ở phía sau nhà ở là một ao cá hoặc một hồ chứa nước

Trong suốt hành trình dài, chúng tôi thích thú ngắm nhìn những ngôi làng ven đường, ngắm nhìn những người nông dân đang mệt mỏi trở về từ cánh đồng lúa, ngắm nhìn những đứa trẻ đang cưỡi trên mình những con trâu. Mọi thứ dường như rất yên bình và xa cách với chiến tranh, nếu không có vô số những hố bom dọc 2 bên đường đi...

Tôi còn bị choáng ngợp bởi những ao trồng sen. Đó là một thảm bông hoa hồng mềm mại, đang đua nhau nở, bao phủ khắp mặt ao.

Và cuối cùng, chúng tôi đã đến cây cầu lớn trên sông Hồng, đó là cầu Long Biên. Trên vòm cao của cầu, cứ 50 mét lại có một tổ dân quân trực chiến bên khẩu pháo phòng không. Trung úy Tuấn, người đi cùng chúng tôi giải thích rằng, cây cầu này là một trong những cây cầu quan trọng nhất của Việt Nam. Hầu như tất cả các hàng hóa từ cảng Hải Phòng đều đi qua cây cầu này để vào phía Nam của đất nước. Do đó, bảo vệ cây cầu là nhiệm vụ số 1 của quân và dân Hà Nội. Các khẩu đội cao xạ bảo vệ cây cầu đang trực chiến suốt ngày đêm.

Khi xe chúng tôi đi qua những đường phố Hà Nội, chúng tôi đã luôn luôn nhìn thấy các giếng tròn, chúng nằm cách nhau 4-5 m ở hai bên vỉa hè. Chúng tôi nghĩ rằng đây là những hố bình thường để sửa chữa đường cáp ngầm thông tin liên lạc, vậy thì tại sao lại có quá nhiều, mà lại ở cả hai bên vỉa hè? Trung úy Tuấn giải thích cho chúng tôi rằng, đây không phải là hố để sửa chữa cáp ngầm, mà là nơi trú ẩn máy bay Mỹ ném bom dành cho những người đang đi trên đường phố, không kịp chạy đến ẩn nấp trong các hầm trú ẩn kiên cố. Những hố tránh bom loại này cũng được các đội viên Đội Tự vệ sử dụng để trực tiếp bắn máy bay Mỹ bay ở tầm thấp. Trong những ngày ở Việt Nam, nhiều người trong chúng tôi cũng đã phải sử dụng những hố trú ẩn đơn giản nhưng đáng tin cậy này. Nhờ đó, nhiều đồng đội chúng tôi đã tránh được những mảnh bom và bom bi của máy bay Mỹ. Các hố tránh bom dạng này đều có ở hai bên tất cả các con đường chính trên miền Bắc Việt Nam.

Trong đêm đầu tiên ở vùng nhiệt đới, hầu như không ai trong chúng tôi ngủ được. Tất cả mọi người đều bị mồ hôi làm ướt đẫm, chúng tôi nói chuyện với nhau, chia sẻ cho nhau những ấn tượng của mình. Chỉ gần sáng, tôi mới có thể chợp mắt được một lát. Sáng dậy, chúng tôi thấy quần áo của chúng tôi đã phơi qua một đêm mà không khô... Cách duy nhất để phơi khô quần áo là sử dụng quạt điện, nhưng không thể sử dụng quạt điện trong điều kiện dã chiến. Phần nhiều, chúng tôi sống trong lều bạt “dã chiến” hoặc dưới những mái che bằng cót ép.

Ban ngày càng trở nên nóng hơn. Nếu vào ban đêm, nhiệt độ chỉ khoảng + 30 o C, còn lúc 12 giờ trưa, ở trong bóng râm, nhiệt độ đã tăng lên + 37 o C. Các bạn Liên Xô của chúng tôi, những người đến Việt Nam trước chúng tôi nói rằng, đó không phải là ngày nóng nhất, còn có những ngày nóng hơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:25:52 pm »

Chuyện Binh nhất Tarzan “mất tích”

Ngày hôm sau, sẽ không có bất kỳ sự cố nào nếu không xảy ra trường hợp trước bữa ăn tối, Binh nhất Tarzan Chirkviani đột nhiên vắng mặt, không biết bạn ấy đi đâu? Bạn ấy là trắc thủ bám sát bằng tay, người được tất cả chúng tôi yêu thích bởi tính hay vui đùa. Sau khi chờ đợi khoảng mươi phút, chúng tôi đã cử hai đồng chí đi tìm. Họ trở về không tin tức. Bữa trưa hôm đó, chúng tôi không có Tarzan. Chúng tôi ăn trưa xong, lại tiếp tục đi tìm, vẫn không thấy Tarzan. Chúng tôi lo lắng... Chúng tôi bắt đầu lục lại trí nhớ: ai đã nhìn thấy Tarzan và nhìn thấy lúc nào? Hình như, tôi đã nhìn thấy bạn ấy khoảng 30 phút trước bữa trưa. Không có gì đặc biệt, Tarzan chỉ phàn nàn về cái nóng và cái khát, mong muốn được uống nước “ khoáng”. Đó là lời phàn nàn của Tarzan. Khi đó tôi nói:

- Này, bạn Tarzan! Bạn phàn nàn về cái nóng? Bạn đến từ vùng Kavkaz ...

- Bạn nói gì! Bạn so sánh Kavkaz với Việt Nam chẳng khác gì so sánh vùng Yakutia với vùng Tashken...

Chúng tôi chia thành nhóm và đi quan sát toàn bộ khu vực gần nơi chúng tôi đóng quân để tìm Tarzan. Gần nơi chúng tôi ở có một hồ chứa nước, nhưng nước đục. Trên đường vào hồ có một trạm bảo vệ nội bộ của Việt Nam. Chúng tôi ra hiệu hỏi đồng chí bảo vệ: “Có ai trong chúng tôi tắm trong ao không?”.

Đúng như dự đoán, câu trả lời là không, bởi vì ngày hôm trước, chúng tôi đã được cảnh báo rằng, không thể tắm ở đây vì có nguy cơ nhiễm trùng da và bị bệnh đường tiêu hóa. Nói chung, việc tìm kiếm không đạt được kết quả. Tarzan đã “chìm xuống nước” như thế nào???

Và sự việc đã xảy ra như sau: vì quá nóng, bạn ấy đã trèo vào một thùng nước ở dưới tán cây gần nhà ăn, cảm thấy dễ chịu và bình tĩnh ngủ trong đó... Chỉ một giờ sau, khi các đồng chí nuôi quân đến thùng lấy nước để tưới sàn nhà, mới phát hiện ra anh bạn Tarzan của chúng tôi. Người “nhái nước” của chúng tôi xấu hổ và không biết phải đi đâu. Mong muốn thoát khỏi cái nóng không chịu nổi đã khiến bạn ấy bối rối, và câu chuyện này đã trở thành một đề tài cho các cuộc vui của chúng tôi

Đặc biệt những người béo và những người mắc bệnh thận rất vất vả với cái nóng mùa hè ở Việt Nam. Đến cuối ngày thứ 2, tôi làm phép tính nhẩm, tôi đã uống khoảng 8 lít nước mỗi ngày, nhưng cơn khát vẫn không ngừng tra tấn tôi. Trong khi đó, không chỉ riêng tôi mà các đồng chí của tôi cũng thờ ơ với các bữa ăn. Vì thế, việc đầu tiên là chúng tôi phải tìm cách nào đó để đưa chất dinh dưỡng vào người, chủ yếu là chất lỏng. Ngày thứ nhất, chúng tôi còn ăn được ít chút, nhưng sang ngày thứ hai, hầu như chỉ ăn được món xúp, không ai đả động đến món ăn thứ 2 (đó là cơm và thức ăn để cùng trong một đĩa - NCK), mà mọi người đều dùng ngay món thứ ba - nước hoa quả (compot) hoặc nước chanh. Vâng, còn bia thì sao? Thông thường, bia được uống trong bữa ăn trưa. Bia của Việt Nam có nhiều loại, tốt nhất là bia “Trúc Bạch” hoặc bia “Hà Nội”. Nhưng ở xứ nóng, bia không làm dịu cơn khát, vì vậy hầu hết chúng tôi thích uống nước chanh hoặc nước compot từ các loại trái cây như vải, nhãn, về hương vị, các loại trái cây này giống như loại mận trắng của Liên Xô. Thông thường, hàng ngày chúng tôi uống nước chè, một loại chè xanh nổi tiếng của Việt Nam, khi uống không có đường, chúng tôi đã được uống lần đầu tiên tại sân bay Gia Lâm. Chính loại nước chè xanh này đã làm dịu những cơn khát của chúng tôi và sự mệt mỏi dần dần biến mất. Chỉ hai tuần sau, cơ thể tôi dần khỏe lên, tôi ít đổ mồ hôi hơn và không thấy mệt mỏi, lượng nước uống vào người đã giảm xuống 3-4 lít mỗi ngày, và đã cảm thấy ăn ngon mỗi lần ngồi vào bàn ăn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:28:01 pm »

Cuộc không kích ban đêm

Vào một đêm, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng kẻng báo động. Chiếc kẻng này làm bằng vỏ quả bom không nổ của Mỹ ném xuống làng quê Việt Nam. Kẻng được treo trên cành cây và được sử dụng để phát ra tín hiệu “Báo động phòng không”. Nghe tín hiệu báo động, tôi chộp lấy quần áo, mũ bảo hiểm và theo mọi người nhảy qua cửa sổ ra ngoài. Trước mặt tôi là một màn đêm, và trên đầu tôi là một bầu trời nhiệt đới tối đen với những tia nhấp nháy của các vì sao sáng và một tiếng rít xé tai, từ phía trên trời đến với tôi, tôi hiểu đó là “bom”.

Tôi nằm sấp xuống, vùi cằm vào thảm cỏ ấm và ẩm ướt. Tôi đội mũ bảo hiểm lên đầu, hai tay bịt chặt tai và chờ tiếng nổ. Một cái gì đó rất lớn, chẳng khác gì sét đánh xé tai đang lao về phía tôi. Tôi nằm ép chặt xuống mặt đất giống như người đã chết. Tôi nghĩ: “Từ độ cao nào họ đã thả quả bom chết tiệt này xuống và nếu như quả bom đó rơi... sao lâu thế?”. Tôi bắt đầu đếm từng giây:

- 121, 122, 123 ...

Đột nhiên, ngọn lửa màu vàng đồng loạt chiếu sáng những khẩu súng cao xạ có nòng dài ở ngay bên phải tôi. Âm thanh sắc bén, chói tai của pháo binh đồng loạt nhả đạn đập vào tai tôi và trong một khoảnh khắc chìm đắm tiếng hú xuyên qua mang tai tôi.

- 124, 125, 126 ...

Những tiếng nổ chói tai trên không, nó chẳng khác nào một đòn roi quật vào ngựa. Âm thanh chiến đấu bất ngờ thay đổi, dần dần như thể bị yếu đi và dừng lại. Tôi ngạc nhiên thấy sự im lặng bất ngờ đã đến. Tôi nhận ra “đây không phải là một quả bom”. Ai đó đã hét lên:

- Máy bay bị bắn rơi!

- Hoan hô!

Tôi từ từ đứng lên, tôi thấy một cái gì đó, đúng rồi, một khối lửa rực sáng lao nhanh về phía chân trời.

Tôi dõi theo khối lửa đó cho tới khi nó rơi xuống đất. Nó chiếu sáng bầu trời một lúc. Tiếp đó, tôi nghe thấy âm thanh từ xa vọng lại còn mạnh hơn sấm, sét...

Sau khoảng 20 phút, chúng tôi nghe thấy tín hiệu báo yên và chúng tôi tuy mệt mỏi song lại vừa phấn khởi, vừa hồi hộp trở về nơi ở. Chúng tôi hy vọng rằng trước bình minh, chúng tôi vẫn có thể ngủ được ít chút. Sớm hôm sau, chúng tôi được thông báo là đêm qua, một chiếc máy bay Mỹ bị bắn và rơi xuống một địa điểm cách chúng tôi 8 cây số. Phi công không kịp nhảy dù. Chuyến bay đêm của một trong những phi công của không lực Hoa Kỳ đã kết thúc như thế đó! Anh ta đã bị chết một cách vô nghĩa ở xứ sở cách quê mẹ nửa vòng trái đất. Anh ta bị chết trên bầu trời nóng bỏng của miền Bắc Việt Nam, trên mảnh đất của đất nước mà anh ta đã đem đến cái chết và đau khổ cho hàng triệu dân lành.

Cách đây không lâu, chúng tôi tiếp nhận những thông tin về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, như về các cuộc nệm bom tàn bạo của không quân Mỹ xuống các thành phố và các khu dân cư của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, về số lượng nạn nhân, về số lượng máy bay Mỹ bị lực lượng phòng không Việt Nam bắn rơi trong các cuộc chiến “đất đối không” như một cái gì đó thật khủng khiếp, nhưng lại xa xôi và do đó không cảm thấy nguy hiểm. Chúng giống như các cảnh quay trong một bộ phim chiến tranh: bạn xem phim, bạn chân thành chia sẻ những đau khổ và cái chết của các nhân vật trong phim. Nhưng tất cả thời gian đó, bạn nhớ rằng, điều này là không thực sự, mà chỉ là trên màn hình. Còn bây giờ, cuộc chiến tranh từ màn hình tưởng tượng dường như đã đặt ngay trong khán phòng, và chúng tôi đang chuyển từ những khán giả sang những người tham gia trong cuộc chiến này, không khó gì để nhận thức đầy đủ lực hấp dẫn của tất cả các thử thách sắp tới.

Tôi mãi mãi nhớ cái đêm báo động này. Đó là tuần đầu tiên chúng tôi ở Việt Nam và lần đầu tiên chúng tôi trực tiếp chứng kiến một cuộc chiến khốc liệt...

Trong tâm trí của tôi, từ thời thơ ấu, chiến tranh dường như là một loại quái vật khủng khiếp. Hai từ “chiến tranh” buộc tôi luôn phải nhớ đến người cha của tôi đã bị chiến tranh cướp đi.

Cha tôi - Nikolai Dmitrievich Kolesnik, là Thượng sĩ, chỉ huy pháo của Lữ đoàn xe tăng 186, Quân đoàn xe tăng số 10. ông hy sinh ngày 30 tháng 10 năm 1944 trong trận giải phóng thành phố Latvisky của Liepai. Ông được an táng tại nghĩa trang đồng đội, mộ No 1344. Lúc đó cha tôi 20 tuổi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2023, 08:38:36 pm »

Khai giảng lớp học

Hai ngày sau khi đến Việt Nam, chúng tôi nhận bộ khí tài tên lửa phòng không C-75 hệ 6 xe (hệ 6 xe là hệ trên trận địa có 6 xe điều khiển tên lửa và 6 bệ phóng tên lửa - NCK). Nơi nhận khí tài là một địa điểm thuộc Hà Đông, cách Hà Nội không xa. Chúng tôi mở niêm phong khí tài, kiểm tra chức năng của tất cả các hệ thống và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chính mà chúng tôi đã được giao. Đó là, trong một thời gian ngắn, chúng tôi phải đào tạo các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam biết sử dụng khí tài để chiến đấu với không quân Mỹ, có nghĩa là thành lập một Trung đoàn Tên lửa Phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Qui trình đào tạo được tổ chức như sau: khí tài được triển khai trên một trận địa ngụy trang như các công trình xây dựng nhà ở hoặc trang trại cách Hà Nội không xa. Ngay trên trận địa đó, các học viên Việt Nam dựng các nhà tranh tre, nứa lá để ở và học tập. Còn các chuyên gia Liên Xô vẫn sống ở nơi cũ.

Việc đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc “Làm như tôi làm” - trước tiên bạn phải nói cách bắn hạ máy bay của Mỹ, và sau đó chỉ cho cách thực hiện việc bắn máy bay như thế nào. Nhiệm vụ là rất khó khăn vì trình độ kỹ thuật của các học viên không đồng đều và việc giao tiếp với học viên phải thông qua phiên dịch. Thật vậy, trong số những người lính, có nhiều người là thanh niên nông thôn, mà trước khi vào bộ đội, họ chưa từng nhìn thấy loại công nghệ nào phức tạp hơn chiếc xe đạp.

Mỗi khẩu đội bệ phóng Việt Nam có một khẩu đội bệ phóng Liên Xô phụ trách. Chỉ huy khẩu đội bệ phóng đầu tiên do tôi huấn luyện là Trung sĩ Huỳnh Văn Thanh. Đồng chí ấy là người miền Nam. Đồng chí ấy nổi bật trong số những người khác là có tầm vóc cao, thân hình mạnh mẽ, tính tập trung và chính xác.

Thanh đã tự học tiếng Nga, và chẳng bao lâu chúng tôi có thể dễ dàng giao tiếp được với nhau mà không cần phiên dịch. Đồng chí Thanh rất nhanh chóng nắm được nội dung chính của bài học, cho dù đó là khối cơ khí hay khối điện tử, và sau đó, sau khi hỏi tôi một vài chi tiết chưa rõ, đồng chí ấy đã giải thích tất cả nội dung bài học cho khẩu đội của mình.

Tôi cũng nhớ tới pháo thủ số 3 - Binh nhất Lai. Trước khi được gọi vào bộ đội, Lai tốt nghiệp lớp 10 và là một tiểu thương ở Hà Nội. Anh là một thanh niên ham học hỏi, nhưng hơi lười. Lúc đầu, anh ta đối đáp lại bất cứ mệnh lệnh nào và thậm chí đã cố gắng tranh luận với Thanh, nhưng Thanh kiên quyết và bình tĩnh khăng khăng đòi hỏi làm theo ý của Thanh, về lập luận của Thanh, tôi chỉ có thể đoán, vì câu hỏi của tôi là:

- Có chuyện gì vậy, Thanh?

Thanh trả lời không thay đổi:

- Mọi thứ đều ổn, Nikolai ạ.

Cuối cùng, Lai với nét mặt không vui, lẩm bẩm một điều gì đó. Nhưng đến cuối tuần thứ hai, Lai đã thay đổi. Mọi người nói rằng, Lai đã “hiểu công việc “ và đã cố gắng đi sâu tìm hiểu các chi tiết của công nghệ tên lửa. Đôi khi Lai còn tỏ ra “chuyên nghiệp”, tự đặt ra câu hỏi giá thành của mỗi bộ phận tên lửa như: bệ phóng, quả tên lửa và toàn bộ khí tài C-75. Khi đã biết giá gần đúng, Lai so sánh giá một quả tên lửa với một chiếc máy bay Mỹ. Nhân dịp này, tôi nói đùa với Lai:

- Lai ơi! Bạn sẽ trở thành một thương nhân tên lửa?

Lai trả lời:

- Không, tôi chỉ cảm thấy tiếc vì những thiết bị tên lửa thông minh và đắt tiền đó sẽ bị phá hủy sau khi nó nổ để tiêu diệt mục tiêu! Còn tôi, từ lâu đã mơ ước có một chiếc đài radio đơn giản cho mẹ tôi đang bị bệnh. Mẹ tôi hầu như không nhìn thấy và không thể đọc được báo để biết những tin tức mới nhất, trong đó có tin bây giờ Việt Nam chúng ta đã có tên lửa.

Các lớp học được tiến hành riêng biệt cho từng đơn vị trong Trung đoàn: Đại đội bệ phóng học riêng, đại đội kỹ thuật vô tuyến học riêng. Giảng bài và nghe giảng bài đều qua phiên dịch. Hầu hết các đồng chí phiên dịch đều là sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Có nhiều thuật ngữ kỹ thuật mới khiến việc dịch thuật trở nên rất khó khăn. Lúc đầu, tôi phải giải thích mọi chi tiết cho người phiên dịch, và chỉ sau khi đảm bảo rằng, người dịch đã hiểu chính xác ý nghĩa của những gì mà tôi đã nói, và quan trọng nhất là phải hiểu được cấu tạo và nguyên lý hoạt động của khối thiết bị hoặc của một cơ chế thiết bị đang được nghiên cứu, khi đó tôi mới đồng ý để đồng chí phiên dịch dịch cho học viên ghi chép.

Trong đội ngũ phiên địch, những người dịch giỏi nhất là Lào và Hào. Họ có khả năng tuyệt vời để nghiên cứu công nghệ và nhanh chóng trở thành những “kỹ thuật viên” thực sự. Tôi nghĩ rằng, vào thời điểm Tiểu đoàn ra quân chiến đấu, rất ít người Việt Nam nghiên cứu hệ thống tên lửa phòng không C-75 tốt hơn những người phiên dịch này.

Phiên dịch Lào nổi trội hơn bởi dáng trí thức và sự cẩn trọng của mình, còn Hào thì cởi mở hơn, thích vui đùa, đặc biệt là yêu thích nghe và kể lại những câu chuyện tiếu lâm của Nga và khi kể chuyện, Hào luôn cười một cách chân thành. Hào thường hỏi về cuộc sống ở Liên Xô, về phong tục của dân tộc chúng tôi, vì trong đoàn chúng tôi có 13 quốc tịch: Nga, Ukraina, Belarus, Latvia, Estonia, Tatars, Kazakhstan, Gruzia, Yakut, Kirghiz, Uzbekishtan, Azerbaizan và thậm chí một người Bungari mang quốc tịch Moldova.

Hàng ngày, chúng tôi vẫn giao tiếp với trẻ em Việt Nam mà không có người phiên dịch, vì vậy chúng tôi đã cố gắng học cách hiểu tiếng Việt và các bạn Việt Nam cũng cố gắng hiểu tiếng Nga. Tôi phải nói, sự cố gắng đó đã thành công. Tuy nhiên, đôi khi đã có hiểu lầm. Ví dụ, trong quá trình phấn đấu để đạt tiêu chuẩn rút ngắn thời gian cho việc chuyển một bệ phóng từ tư thế chiến đấu sang tư thế hành quân. Tôi hô khẩu lệnh cho các trắc thủ: “Thu hồi khí tài! nhanh lên!”. Nhưng các trắc thủ đang mệt mỏi, không đủ sức, nên đã nói:

“Sau đó, sau đó” Tôi phải giải thích với họ rằng, trong chiến đấu, nếu bạn không nhanh chóng thay đổi trận địa mà cứ “sau đó, sau đó” thì có thể không đến được trận địa mới... Các bạn Việt Nam đã bắt đầu thao tác nhanh hơn
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2023, 08:39:46 pm »

Rào cản ngôn ngữ đã làm cho tên lửa phải “quay trở lại”

Một lần trong quá trình tự học, trắc thủ ca bin “U” của chúng tôi, đồng chí Sasha Burtsev chứng kiến cuộc đối thoại giữa hai trắc thủ Việt Nam là Hiền và Phát: họ lần lượt đưa ra câu hỏi cho nhau. Họ ôn lại chức năng của bảng điều khiển trong xe ca bin “U”.

Hiền, chỉ vào nút “QUAY LẠI”. Nút này dùng để trả lại lược đồ điều khiển phóng về trạng thái ban đầu sau khi đã phóng tên lửa, Hiền hỏi Phát:

- Nút này để làm gì?

Phát suy nghĩ một chút, với vẻ thông minh, đã trả lời:

- Đây là nút, nếu tên lửa đã vượt qua mục tiêu, thì khi đó ấn nút “Quay lại”, có thể tên lửa được trở về bệ phóng”. Khi trả lời, Phát còn vẽ trên không theo trí tưởng tượng một quỹ đạo bay của tên lửa.

Sasha nghe giải thích như vậy và không thể nín được cười. Còn hai bạn Hiền và Phát thì thấy rất xấu hổ. Sasha một lần nữa giải thích cho họ mục đích thực sự của nút “QUAY LẠI”:

- Nếu đúng như Phát nói, tên lửa thực sự quay lại, thì tất cả chúng ta sẽ bay lên thiên đàng.

Thế là tất cả mọi người đều cười với nhau một cách chân thành.

Các bạn Việt Nam đều cố gắng để có thể nghiên cứu các thiết bị chiến đấu, không chỉ nhanh chóng nắm vững các kỹ thuật chiến đấu, mà còn nắm vững một cách có chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về thời gian. Nói không ngoa chúng tôi có những sinh viên có năng lực.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM