Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu nước ngoài => Tác giả chủ đề:: macbupda trong 29 Tháng Ba, 2023, 05:51:52 pm



Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Ba, 2023, 05:51:52 pm
Tên sách: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Dịch giả: Ninh Công Khoát
Nhà xuất bản: Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2019
Người số hóa: macbupda

Ban Biên soạn (tiếng Nga):

- Ông Kolesnik N.N. - Giáo sư danh dự Viện Hàn lâm khoa học Nga, Chủ tịch Hội CCB Xô Viết đã chiến đấu ở Việt Nam - Trưởng ban
- Ông Skoryak V.V. - Phó Trưởng ban
- Ông Davudov A.V. - Ủy viên
- A.I. Khiupenen - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học quân sự - Cố vấn các vấn đề kỹ thuật quân sự

Tác giả trong tuyển tập hồi ức này là các Cựu chiến binh Xô Viết đã chiến đấu ở Việt Nam trong những năm 1965-1974

(https://i.imgur.com/l6W5ZHc.jpg)
 
LỜI GIỚI THIỆU

Trong quyển 1 tập hồi ức “VIỆT NAM không thể nào quên” đã giới thiệu với độc giả 6 bài hồi ức về những ngày công tác và chiến đấu ở Việt Nam của các CCB Xô Viết và 4 bài viết của các đồng chí là tướng lĩnh, Anh hùng Liên xỏ đang giữ trọng trách trong Hội Hữu nghị Nga - Việt và Hội CCB và quân nhân Liên Xô/Liên bang Nga. Bốn bài này mang tinh giới thiệu về truyền thống tình hữu nghị anh em và sự hợp tác chiến đấu giữa Quân đội Việt Nam và quân đội Liên Xô trước đây/Liên bang Nga ngày nay.

Trong quyển 2 tập hồi ức sẽ tiếp tục giới thiệu với độc giả 9 bài hồi ức của các CCB Xô Viết đã chiến đấu ở Việt Nam.

Đọc quyển 2. bạn đọc sẽ thấy được tình yêu vô cùng to lớn của những người con Xô Viết đã dành cho nhân dân ta trong những năm 1965-1974, họ đã gác lại tình cảm thương nhớ vợ con, xa rời cuộc sống hàng ngày có đầy đủ cả về vật chất và tinh thần để sang Việt Nam giúp Nhân dân và quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại do Mỹ gây ra ở miền Bắc nước ta. Bạn đọc cùng thấy được những cố gắng tối đa của cả thầy và trò trong học tập để nhanh chóng làm chủ các[5] phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại, thành thạo sử dụng các loại vũ khí đó trong các trận đánh tiêu diệt mục tiêu của địch. Bạn đọc thấy được trình độ chiến thuật sử dụng vũ khí hiện đại của quân đội ta, nên trận đầu ra quân ngày 24 tháng 7 năm 1965, chỉ với 5 quả tên lửa của Liên Xô mà 3 máy bay F-4 của không lực Hoa Kỳ đã bị bắn rơi trên bầu trời Việt Nam. Tiếp theo chiến công đó, cũng tại trận địa này, sau khi đơn vị Bộ đội Tên lửa Phòng không thu hồi khí tài, hành quân đến trận địa mới, thì bộ đội cao xạ và dân quân địa phương đã hạ gục thêm 5 máy bay Mỹ. Có nhiều câu chuyện rất cảm động về tình cảm anh em, tình bạn chiến đấu giữa các chuyên gia quân sự Liên Xô với Nhân dân và Quân đội ta. Điển hình là câu chuyện ông Skreb Lyukov chuyên gia thông tin liên lạc, biết vợ đang mang thai đứa con đầu lòng, song cả hai vợ chồng ông coi nhiệm vụ sang Việt Nam vừa là trách nhiệm của mỗi công dân quê hương Cách mạng Tháng Mười, vừa là niềm vinh dự của gia đình ông. Ông tin là vợ ông ở trong nước không bị cô đơn, nên ông đã viết đơn tình nguyện sang Việt Nam giúp Nhân dân và Quân đội Việt Nam đánh thắng bọn xâm lược Mỹ. Trong câu chuyện một CCB Xô Viết, ông Todorashko sau 40 năm kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, ông được trở lại thăm Việt Nam. Trên đường đến thăm trận địa cũ ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội, ông đã đến thăm gia đình ông Trương Văn Ta, nguyên phiên dịch tiếng Nga đã dịch cho ông và cùng ông tham gia trận đầu ra quân đánh thắng ngày 24 tháng 7 năm 1965. Đến nơi, ông mới biết người bạn chiến đấu của ông, đã đi vào cõi vĩnh hằng. Hình ảnh ông Todorashko ôm di ảnh người bạn chiến đấu Việt Nam đã gây niềm xúc động lớn cho mọi người.

Trong quá trình chuyển ngữ từ tiếng Nga sang tiếng Việt Nam, một số trường hợp họ và tên riêng của các nhân vật là người Việt Nam, chúng tôi phải để theo phiên âm không dấu, vì trong tiếng Nga không có đa nguyên âm như tiếng Việt Nam. Thí dụ: từ CAN phiên âm từ tiếng Nga, thì trong tiếng Việt có thể là Căn, Cân, Cần, Cận v.v...

Dịch giả chân thành cám ơn đồng chí Giám đốc Thư viện Trung ương Quân đội nhân dân, Ban Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Ban Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân đã hiểu rõ những nguyện vọng của dịch giả trong việc xuất bản và quyển 2 tập hồi ức “VIỆT NAM không thể nào quên” đã được xuất bản kịp thời.


                                                                                                                                       
Hà Nội, tháng 6 năm 2019
NINH CÔNG KHOÁT


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Ba, 2023, 05:55:18 pm
MIỀN ĐẤT LỬA VIỆT NAM

Yuritt Viktor Alekseevich

(https://i.imgur.com/orPHP0v.jpg)

Vài nét về tác giả

Thiếu tá Yurin Viktor Alekseevich sinh ngày 27 tháng 2 năm 1938 tại làng Lyubimov, huyện Dolmatovsk, tỉnh Kurgan.

Từ ngày 9 tháng 9 năm 1957 đến ngày 19 tháng 4 năm 1984, ông phục vụ trong lực lượng vũ trang Liên Xô. Trong thời gian đó, ông đã qua các lớp đào tạo sau:

- Năm 1960, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng kỹ thuật - quân sự của lực lượng phòng không Yaroslavsk.

- Năm 1971, ông học khóa bồi dưỡng sĩ quan Bộ đội Tên lửa Phòng không 5 tháng.

Các chức vụ đã kinh qua:

- Từ ngày 9 tháng 9 năm 1957 đến ngày 19 tháng 8 năm 1960, ông là học viên.

- Từ ngày 10 tháng 10 năm 1960 đến ngày 11 tháng 2 năm 1967, ông là Tiểu đội trưởng Tiểu đội bệ phóng thuộc Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 129.

- Từ ngày 11 tháng 2 năm 1967 đến ngày 16 tháng 9 năm 1975, ông là Khẩu đội trưởng Khẩu đội bệ phóng thuộc Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 129.

- Từ ngày 16 tháng 9 năm 1975 đến ngày 19 tháng 4 năm 1984, ông là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 129.

- Từ ngày 27 tháng 5 năm 1972 đến ngày 20 tháng 1 năm 1973, ông được cử sang Việt Nam huấn luyện các chiến sĩ bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam và tham gia các trận bắn máy bay Mỹ.


Ban Biên soạn


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Ba, 2023, 05:58:29 pm
Miền đất lửa Việt Nam

Ngày 01 tháng 5 năm 1960, chúng tôi là những sinh viên năm cuối của trường kỹ thuật - quân sự Bộ đội Phòng không hành quân trong đội hình duyệt binh ra quảng trường trung tâm thành phố Yaroslavsk. Khi đó, Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không do Thiếu tá Voronov chỉ huy đã bắn rơi một máy bay trinh sát “Lockheed” U-2 trên bầu trời thành phố Sverdlovsk, Chúng tôi rất tự hào rằng hệ thống tên lửa phòng không S-75 của chúng tôi đã chặn đứng hành động xảo quyệt của gián điệp Mỹ.

Sau 12 năm, tôi đã tận mắt nhìn thấy toàn bộ “mặt hàng” của không quân Hoa Kỳ hoạt động trên bầu trời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: các loại máy bay tiêm kích, máy bay trinh sát, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay chiến lược B-52. Bằng mắt thường tôi nghiên cứu các phương pháp hành động của chúng, tôi hiểu thế nào là một nhóm (“không đoàn”) máy bay gồm 10 máy bay đã dàn đội hình theo chiều cao và theo chính diện.

Vào cuối năm 1971, sau 5 tháng học nâng cao trình độ nghiệp vụ chỉ huy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không, tôi đã rời thành phố Kosteryovo trở về đơn vị cũ. Trong thời gian học tập, tôi đã kinh qua các công việc sau đây: Thực hiện hàng chục lần bắn đạn thật trên các trường bắn Ashuluk và Kapustin Yar; nhận các bộ khí tài mới; thay đổi các trận địa bắn; luôn luôn sẵn sàng phóng các tên lửa cứu hộ; xây dựng các công trình để duy trì các tên lửa ở chế độ sẵn sàng chuyển tiếp; xây dựng hầm trú ẩn cho máy bay tiêm kích; thu hoạch khoai tây cho các đơn vị trong quân khu; giúp nông dân Liên Xô thu hoạch mùa (“lúa mạch”); nhận tân binh từ các vùng khác nhau trên cả nước và giao cho các đơn vị trong Quân khu.

Ngày 01 tháng 01 năm 1972, trong khi đang nghỉ phép, tôi nhận được lệnh cần có mặt ngay tại Ban Tham mưu đơn vị để làm hồ sơ đi chuyến công tác đặc biệt.

Một đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô thuộc Binh chủng Phòng không đã được hình thành và được giao nhiệm vụ sang Việt Nam huấn luyện các chiến sĩ bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam. Tôi là thành viên trong đoàn chuyên gia nói trên.

Ngày 26 tháng 5 năm 1972, máy bay đưa chúng tôi từ Moskva sang Việt Nam. Trên chặng đường bay, máy bay hạ cánh tại các sân bay sau đây để tiếp nhiên liệu: Tashkent, Bombay, Calcutta, Vrangun, Vientiane, ngày 27 tháng 5 năm 1972, máy bay hạ cánh tại Hà Nội.

Hai ngày chúng tôi nghỉ tại khách sạn Kim Liên, Hà Nội. Sang ngày thứ 3, chúng tôi ngồi trên xe GAZ-69 (loại xe ô tô con có ghế ngồi theo chiều dọc thùng xe - ND) đi vào Quân khu 4, phía Nam thành phố Vinh.

Nhóm chúng tôi có 6 người, nên cả nhóm không thể ngồi hết vào xe. Tôi phải ở lại cùng với toàn bộ hành lý của đoàn để đi xe khác. Trong thời gian ở lại Kim Liên, Hà Nội có báo động phòng không. Tôi chỉ ở trong phòng ngủ của khách sạn, vì tôi không biết hầm trú ẩn ở đâu, và tôi cũng không chạy ra hành lang như những người đã ở đây lâu hơn tôi.

Ngày hôm sau, tôi được triệu tập đến gặp Đại tá Pavel Ivanovich Suslov, Phó trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam, phụ trách công tác chính trị. Ông ân cần giải thích cho tôi tình hình thực tế ở Việt Nam, đưa ra lời khuyên cần phải sống và làm việc như thế nào trong điều kiện chiến tranh và bổ nhiệm tôi làm “chính ủy” của Đoàn. Ông đã viết một lá thư giới thiệu gửi cho Trung tá Philippov Viktor Ivanovich - Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhằm tăng cường mối quan hệ với nhân dân địa phương nơi đóng quân, ông đã trao cho tôi những món quà mà các cháu học sinh Liên Xô đã tặng các học sinh Việt Nam, như: cặp đựng sách, vở viết, bút chì, các loại phù hiệu, tạp chí bằng tiếng Việt. Sau buổi tiếp đón ấm áp như vậy, trong tâm hồn tôi đã ấm lên. Ngày 4 tháng 6 năm 1972, chiếc xe GAZ đã đưa tôi đến nơi đóng quân của Trung đoàn Tên lửa phòng không 236. Đi xe vào ban đêm trên chặng đường sau vĩ tuyến thứ 19, lái xe phải tắt đèn và đi theo các cột chỉ giới. Chúng tôi dừng lại khi có tiếng gầm của máy bay. Phía trước mắt chúng tôi là những vạch sáng trên cao của tên lửa hay của đạn pháo bắn lên từ phía biển; (âm thanh không nghe được) với khoảng thời gian sáu giây. Tôi có ý định châm một điếu thuốc, song đồng chí phiên dịch ra hiệu, ý nói “không nên, kinh nghiệm của chiến tranh!”.

Xe ô tô phải sử dụng loại đèn được đựng trong một cái hộp gắn dưới động cơ, mà các bạn Việt Nam gọi là “đèn gầm”. Tôi không hiểu đồng chí lái xe có tên là Tuyên sẽ nhìn được gì trên đường với loại đèn gầm. Khi phải đi qua một hố có 2 thanh gỗ bắc qua, chúng tôi thấy rất nguy hiểm, mọi người rời khỏi xe, người lái xe cố gắng cho xe từ từ lăn bánh đi qua và một giọng đầy tin tưởng lại cất lên “không sao, chiến tranh cho chúng ta kinh nghiệm mà!”.

Và mọi điều đều hoàn hảo. Một lần nữa lại vang lên giọng nói tự tin: “Không sợ! Chiến tranh đã cho ta kinh nghiệm.” Tất cả khó khăn đều vượt qua và sớm ngày 06 tháng 6 năm 1972, tôi đã có mặt trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236.

Nhóm chuyên gia quân sự chúng tôi là một tập thể sĩ quan Xô Viết được tập trung từ các đơn vị Tên lửa Phòng không thuộc Quân khu Phòng không Baku. Tôi chỉ giới thiệu với bạn đọc 3 đồng chí chủ chốt trong đoàn:

- Trung tá Philippov Viktor Ivanovich làm Trưởng đoàn. Sau khi ở Việt Nam về, ông được đề bạt là Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tên lửa Phòng không bảo vệ thành phố Arkhangelsk. Hiện nay (năm 2008), ông là CCB với cấp hàm Trung tướng.

- Thiếu tá Gorokhov Nikolai Mikhailovich là Trưởng ban Kỹ thuật tên lửa của Trung đoàn Tên lửa Phòng không Krasnovodsk, được chỉ định làm phó đoàn phụ trách kỹ thuật.

- Đại úy Chuprin Andrey Nikolaevich, nguyên là sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 128 thuộc Quân khu phòng không Baku.

Và các đồng chí khác đều ở độ tuổi từ 26-30


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Ba, 2023, 06:01:24 pm
Tập thể chúng tôi đã nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì chúng tôi ở xa Hà Nội, xa sự chỉ đạo trực tiếp của Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam. Không ai kiểm tra chúng tôi và không ai “giúp đỡ” chúng tôi. Đoàn chúng tôi coi như một đơn vị “tự trị”. Mỗi tháng 1 lần, Đại úy Kharin về Hà Nội báo cáo với Lãnh đạo Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam về công việc chúng tôi đã làm và đem thư, thuốc lá, tin tức v.v... về cho chúng tôi. Vì chiếc đài bán dẫn VEF-202 không thu được tín hiệu đài phát thanh bằng tiếng Nga, nên chúng tôi chỉ nghe tin tức qua đài phát thanh “Đại Tây Dương”. Đài phát thanh này phát tiếng Nga theo yêu cầu của ngư dân vùng Vladivostok, mỗi ngày 30 phút.

- Chúng tôi ở trong một căn nhà được gọi là nhà “dã chiến” vì:

- Nhà không có trần.

- Tường nhà chỉ là một lớp tre đan

- Cánh cửa làm bằng cót,

- Nền nhà không có gạch lát

- Cửa sổ cũng bằng cót ép

Nhà “dã chiến” được dựng giữa những hàng cây trên một con đê. Dưới chân đê là một con sông nhỏ có chiều rộng gần 10 mét, lưu lượng dòng chảy cũng mạnh và có chứa phù sa. Phía trong đê là cánh đồng lúa (Nếu ở Liên Xô, chúng tôi coi vùng này là đầm lầy).

Các hầm trú ẩn cho chúng tôi được “xây dựng” ngoài cánh đồng lúa bằng cách chôn xuống đất 2 vỏ thùng phi No2 là thùng đựng cánh tên lửa và bộ ổn định tên lửa. Thế là đã có 1 hầm trú ẩn cho 5 người. Khi nhảy xuống hầm, nước ngập tới mắt cá chân. Mọi người có thể dùng mũ bảo hiểm ngồi xuống và “tán gẫu”, chờ còi báo yên.

Trong mỗi nhà “dã chiến” được bố trí 5 người ở. Nội thất gồm có: giường gấp có đệm, chăn, gối, tủ đầu giường và đèn lồng Trung Quốc có chụp ánh sáng quay 180°. Dưới chùm tia laser như thế, chúng tôi đọc những lá thư nhà và ăn tối trong phòng ăn. Nhà chúng tôi ở cũng là nhà ăn, là góc thư viện và một trạm y tế. Ở đây chữa bệnh chủ yếu bằng phấn rôm trộn với streptotsiđom đựng trong một hộp nhựa với một “bộ lọc” có nút đậy. Còn một loại thuốc chữa bách bệnh, đó là “dầu cao con hổ” của Trung Quốc. Trên mặt đất, dưới các giường xếp - nơi chúng tôi nằm phải có đến hàng chục con ngóe, chúng lặng im khi rắn bò trườn qua và chúng cất tiếng bíp lớn khi rắn bắt đầu nuốt chúng. Điều tôi thấy ghê nhất trong nhà “dã chiến” là đàn kiến. Chúng chui cả vào lọ đựng lạc treo bằng một sợi dây vào xà nhà, chúng bò vào hộp đựng thuốc lá để dưới vỏ cây.

Nhà tắm, đây là cách gọi theo tiếng Việt. Thực tế nó là một chiếc nắp của thùng đựng đạn No1 (thùng đựng tầng 2 tên lửa), được chôn dựng đứng xuống đất làm “bể” chứa nước. Các bạn Việt Nam lấy nước ngoài cánh đồng lúa, đổ đầy vào “bể” chứa đó. Sau một thời gian, cấn trong nước được lắng xuống đáy “bể”, nước trở nên trong hơn. Múc nước từ “bể” chứa, đổ vào chảo đặt trên bếp và đun cho nước ấm lên. Nước này dành cho những đồng chí vừa từ lớp học hoặc từ trận địa trở về nơi ở. Các đồng chí ấy dùng khăn mặt nhúng vào nước ấm. rồi xoa lên người, nếu ai bị rôm thì trên người sẽ nổi lên những mụn đỏ. Lúc này sẽ lấy phấn rôm xoa lên, một lát sau sẽ khỏi.

Về lương thực, thực phẩm: Chúng tôi hiểu là chúng tôi đang sống trong vùng đất lửa ở miền Bắc Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn. Tôi kể những mẩu chuyện sau đây không phải là chê trách các bạn Việt Nam, mà để thế hệ trẻ của chúng tôi hình dung ra được thế nào là chiến tranh:

- Về gạo: có khi gặp phải lớp gạo có sạn, khi ăn vớ phải viên sạn, tưởng như bị gẫy răng.

- Về thịt: chủ yếu là thịt gà, đôi khi có thịt lợn.

- Bánh mỳ: ở xứ sở Quân khu 4 này, bánh mỳ là một điều mơ ước của chúng tôi. Vào dịp Cách mạng tháng Mười năm 1972, chúng tôi mới được ăn bánh mỳ từ Hà Nội đem vào. Do không có bánh mì, chúng tôi được cấp lương khô của Trung Quốc, đó là những phong bánh có kích thước hình hộp chữ nhật, màu xám xanh. Khi đưa bánh vào mồm, bánh tan ngay trong miệng.

- Chuối là thực đơn có thường xuyên, đôi khi được thay thế bằng dứa.

- Trà xanh là loại nước chúng tôi yêu thích.

Trung tá Philippov đã phê bình nhẹ về công tác phục vụ của chúng tôi. Ông ra lệnh cho tôi và bác sĩ phải thường xuyên nhớ hàng ngày vào buổi sáng (trước khi ăn trưa) phải vớt hết các con muỗi vằn từ nồi hơi trong nhà bếp.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Ba, 2023, 06:03:15 pm
Trong những lúc nhàn rỗi, giải trí, các bạn Việt Nam giúp tổ “phục vụ” chúng tôi bắt hến, bắt cua, cá ở đáy sông. Muốn làm việc này, chúng tôi không cần phải lao người xuống dưới sông, mà chỉ cần lấy chân đạp mạnh vào một đoạn ống tre, tiến sát vào miệng giỏ và nâng giỏ lên xem trong đó có những loại con gì? (đó là đánh dậm - ND) Có lúc may mắn “bắt” được một con đỉa giữa các ngón chân!!! Hai ngày tôi không hiểu đó là cái gì?

Tiền ăn của chúng tôi, mỗi tháng là 210 đồng. Trong khi đó, người ta nói rằng, lương tháng của đồng chí Lê Duẩn là 120 đồng.

Công tác văn hoá và giáo dục trong đơn vị chúng tôi: Hàng tháng, Đại úy Kliarin về Hà Nội, nhận thư báo và thông báo lại cho chúng tôi những tin tức từ Đoàn cố vấn Liên Xô tại Việt Nam.

Cuối tháng 10 năm 1972, tôi đã được giao nhiệm vụ về Hà Nội để gặp Ban Lãnh đạo các đoàn chuyên gia quân sự Phòng không Liên Xô ở Việt Nam và lắng nghe những ý kiến nhận xét về đoàn chuyên gia chúng tôi đang ở Quân khu 4. Tôi đã gặp Đại tá Suslov, tôi thấy thái độ của Đại tá đối với đoàn chúng tôi rất cởi mở. Tại cuộc họp thường kỳ với đại diện của tất cả các Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô được tiến hành trong sân của Đại sứ quán, Đại tá đã mời tôi lên ghế Đoàn Chủ tịch. Tôi nghe và hiểu rằng, cuối năm nay, các cuộc chiến đấu có thể đạt được kết quả mong muốn.

Một vài ngày sau đó, tôi đã được mời đến gặp đồng chí đại diện của Việt Nam về công tác liên kết văn hóa giữa Việt Nam và Liên Xô, ông chỉ quan tâm đến mối quan hệ của chúng tôi với người dân địa phương. Các vấn đề còn lại chúng tôi đều hài lòng.

Về điện ảnh, chúng tôi có một bộ phim “Đám cưới ở Malinovk” và nó đã được chiếu vài ba lần. Phông màn hình bị rách, không cuộn lại được vào ống, nên không thuận tiện khi di chuyển địa điểm chiếu. Chúng tôi phải tháo rời tấm vải phông màn hình, dùng dây cước khâu và nối chiều rộng theo mong muốn. Bằng cách này đảm bảo được quy mô nhỏ gọn và phù hợp với thùng xe.

Về công tác Đảng và chính trị: vận động để trong Đoàn hạn chế những câu bông đùa gây tâm trạng hoang mang. Làm tốt điều này đã duy trì tâm trạng yên tâm công tác cho mọi thành viên trong đoàn, đảm bảo đoàn kết nội bộ. Thiếu tá Gorokhov là người vui nhộn nhất, các khẩu hiệu chính của ông là “vẫn chưa muộn!”, “Chúng ta sẽ vượt qua!”, “Ôi, hôm nay chân tôi bị chuột rút!” Đại úy Kharin thường là mục tiêu để Thiếu tá trêu đùa: Đại úy là một nhà tiếu lâm, thích pha trò, thích chen vào giữa nơi đang cười đùa.

Phần chính thức của công tác Đảng - Chính trị là thành lập một “góc màu hồng”, bao gồm: một bàn viết thư, trên tường treo ảnh các ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Bộ Chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang của Liên Xô, và một chồng sách mỏng. Những con dao, lưỡi cưa, mà tôi nhặt từ Liên Xô đem sang lại có tác dụng trong đời sống sinh hoạt của chúng tôi.

Quà mừng sinh nhật của mỗi người là quyển album có nhiều chữ ký kỷ niệm và một chai vodka (5 người/một chai). Trung tá Philippov thống nhất khi vào phòng ăn tất cả mọi người đều mặc đồng phục: áo sơ mi và quần short.

Ở phía Nam miền Trung này, không quân Mỹ đang trong thời kỳ “hoàn toàn thống trị bầu trời Việt Nam” Hàng tuần, chúng ném bom xuống một khu đất nhỏ ở cách bờ kênh cách chúng tôi không quá 300 mét. Chiếc thứ nhất ném những quả bom có “dây cháy”, những chiếc khác khi quay trở lại (chúng tôi đang ở giữa vòng lượn của chúng) bổ nhào xuống trút từng đợt một, hai ba quả bom 250 kg, khi chúng ngóc đầu lên, tiếng động cơ gầm lên. Điệp khúc đó chỉ ngừng khi mỗi máy bay đã ném 12 quả bom xuống mảnh đất này. Đất dưới chân chúng tôi đang “thở”.

Ngày 26 tháng 7 năm 1972, Không quân Mỹ đã thay đổi chiến thuật: 2 máy bay “con ma” (F-4) từ đám mây ở bên phải chúng tôi, trên độ cao 500 m, chúng đã bổ nhào xuống, song bỏ qua khu chúng tôi ở, chỉ bắn liên hồi xuống cánh đồng lúa cách nơi chúng tôi ở khoảng 100 mét. Tại thời điểm đó, chúng tôi đang đi công tác. Tôi với Trung tá Philippov thậm chí không kịp nằm xuống nơi nào đó. Ngoài cánh đồng, người nông dân đang làm việc.

Chúng tôi nhặt được một mảnh bom có chiều dài trên 40 cm. Tôi lấy viên gạch màu đỏ ghi trên mảnh bom: “Ních-xơn, hãy liệu hồn!”. Tất cả các thành viên trong nhóm chúng tôi đều ký vào mảnh bom đó. Sau này, khi chúng tôi được lệnh chuyển ra Hà Nội, tôi nhét mảnh bom đó vào va li của Đại úy Kharin, song Đại ủy cảm thấy thêm trọng lượng, nên đã ném nó đi.

Đêm 29 rạng sáng ngày 30 tháng 7 năm 1972, Đoàn chúng tôi đã đến gần Chỉ huy sở Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236. Chỉ huy sở nằm ở rìa làng, ở phía đông Chỉ huy sở khoảng 15 mét là một cái hồ lớn. Muốn đến Chỉ huy sở phải băng qua một con đường trên cánh đồng lúa.

Đêm ngày 06 tháng 8 năm 1972, một máy bay ở tầm thấp lượn quanh trên đầu chúng tôi. Ngay sau đó, một máy bay trực thăng bay từ phía Tây sang phía Đông, qua đầu chúng tôi và nhả đạn một cách vu vơ. Chúng bay qua hồ và bay về hướng biển, nó tìm kiếm mục tiêu nào đó. Còn ban ngày hôm đó, chúng tôi cùng với Shcheklein và Chuprin đã tắm ở hồ, chúng tôi bơi dọc theo hàng cây ven bờ.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Ba, 2023, 06:05:47 pm
Chiếc máy bay Mỹ thứ 4000

Để việc di chuyển trận địa đảm bảo được bí mật, chúng tôi thường bắn vào ban đêm. Tiểu đoàn hỏa lực chưa có sự yểm trợ của các đơn vị bạn. Ngày 05 tháng 10 năm 1972, tất cả các đơn vị đã sẵn sàng phóng tên lửa. Đồng chí Philippov vỗ vai tôi và nói: “Chúng mình đi đến trạm ra đa nhìn vòng (trạm ra đa P-12), xem tình hình tổng thể trên không thế nào đi”, trong xe “Y” không có VIKO. Chúng tôi đi trong bóng đêm, đồng chí phiên dịch Tam, đi trước, tiếp theo là đồng chí Viktor Ivanovich, cuối cùng là tôi. Tôi khó có thể đoán được bóng của họ. Bỗng từ bên trái xuất hiện bão lửa, thuốc súng đã bị đốt, khoảng 600 kg thuốc súng của động cơ tầng 1 tên lửa với lực đẩy 50 tấn đã đẩy tên lửa khỏi bệ phóng lao lên không trung. Đây không phải là một vụ nổ của một quả bom 250 kilôgam, mà là thuốc súng trong động cơ tầng 1 tên lửa đang cháy trong 2,5 giây, tạo ra một lực đẩy tên lửa rời khỏi bệ phóng; Lúc này, đầu đạn tên lửa được “đốt cháy” và bay theo quĩ đạo do điều khiển từ mặt đất.

Tối ngày 05 tháng 11 năm 1972, trận địa hỏa lực của Trung đoàn đã bước vào chiến đấu. Chúng tôi cùng với đồng chí phiên dịch quan sát thấy 2 tên lửa của 2 tiểu đoàn hỏa lực của Trung đoàn đã được phóng lên và đang bay đến mục tiêu. Chúng tôi bấm đồng hồ tự động đếm thời gian. Nếu đầu đạn nổ trong vòng 50 giây kể từ khi phóng, chắc chắn là mục tiêu đã bị tiêu diệt. Trúng rồi! Chúng tôi vui mừng, ôm nhau! Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 4000 bị bắn rơi trên miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, chiến công này lại lập được trước một ngày Lễ kỷ niệm 65 Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngay sau đó, đồng chí Chuprin và đồng chí Sheklein đã có mặt và họ đến Tiểu đoàn hỏa lực truyền lệnh của đồng chí Viktor Ivanovich: phải đi chuyển khí tài đến trận địa mới trước sáng ngày 06 tháng 11.

Ngay từ sáng sớm ngày 6 tháng 11 năm 1972, chúng tôi đã có mặt ở trận địa mới và bắt đầu làm việc. Tôi vất vả vì một dây cáp đồng bộ. Nó bị mòn phần tiếp giáp với đầu nối điện của bộ phóng. Ban chỉ huy Tiểu đoàn lo lắng, bởi vì chỉ cần một mối hàn cũng phải cho máy phát điện dự phòng DES-75 làm việc (máy phát điện diesel). Tại thời điểm này, chiếc máy phát điện đó quí như vàng vì không có cái thứ 2.

Tới 14 giờ 00, chúng tôi kết thúc công việc, chúng tôi đi đến xe để về nơi ở. Đúng lúc đó, trên đầu chúng tôi, ở tầm thấp, xuất hiện 4 máy bay tiêm kích. Kế hoạch của họ rất rõ ràng. Chúng tôi đã đi đến Tiểu đoàn, với một độ chính xác tuyệt vời, chúng tôi chiếm vị trí trong một căn hầm chữ Y bằng tre trên có đắp đất. Chúng tôi cảm thấy lo sợ, tiếng nổ ình oàng, đùng đoàng, trái đất rung chuyển và cứ như vậy trong khoảng 30 phút. Kết quả: Tiểu đoàn bị phá hủy, máy phát điện điezel-75 bị cháy. Các công trình xây dựng, như chiếc hầm chữ Y, đều bị hư hỏng. Tuy thế, tên lửa vẫn nằm trên bệ phóng. Chiếc xe jeep của chúng tôi bị cắt nát, không thấy lái xe đâu... Đồng chí phiên dịch nói: “Anh ấy đã giơ nắm đấm khi các máy bay tiêm kích bổ nhào”. Làng quê Việt, nơi Tiểu đoàn sơ tán, đang nằm trong khói, lửa.

Sau khi rút quân khỏi làng quê, chúng tôi đã ổn định trật tự đội hình. Hành quân 30 km. Giầy bát két của đồng chí Chuprin không có lót và dây buộc, tôi đã đổi cho Chuprin đôi giày vải Việt Nam của tôi. Đến buổi chiều, tôi không đi bộ được. Bàn chân của tôi phồng lên, trong những chỗ phồng có nước. Tôi dùng những miếng gạc bông từ túi “cứu thương” để quấn lên những chỗ phồng, nhưng không giúp được gì. Đêm hôm đó, chúng tôi trú quân ở một làng quê mà tôi không còn nhớ được tên làng. Sáng hôm sau, tôi được nhân dân địa phương tặng một chiếc xe đạp hoàn toàn mới. Và khi đến một làng quê khác, chiếc xe đạp lại được thay cái mới. Đồng chí Tam, phiên dịch ngạc nhiên nói: “Ôi! anh Victor, anh thực sự là người Việt Nam rồi, ngồi lên xe đạp và đi rất vững!”. Đến 14 giờ ngày 7 tháng 11 năm 1972, chúng tôi đã “ở nhà”. Trung tá Philippov nhìn thấy chúng tôi còn sống và khỏe mạnh, ông như trút được gánh nặng. Trước đó ông không có một thông tin nào từ Chỉ huy sở Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 về việc chúng tôi đang ở đâu và những gì đang xảy ra với chúng tôi.

Trong phòng ăn đã bố trí hai bàn, mỗi bàn có 1 chai 0,5 lít rượu “Moskva” nhãn màu xanh lá cây, mà tôi đem từ Hà Nội vào. Cuộc chiến của chúng tôi bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 4000 đã kết thúc như thế đấy. Đây là chiếc máy bay F-111, bị đơn vị nữ dân quân Phòng không Việt Nam bắn hạ trên miền Bắc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng chí Tam, phiên dịch giải thích cho chúng tôi: “Cuộc chiến tranh của chúng tôi là chiến tranh nhân dân, tất cả những chiếc máy bay bị bắn rơi đều tính vào thành tích chung của cả nước...”.

“Đi phà, đi phà, bờ bên trái, bờ bên phải...” đó là những mệnh lệnh trên đường hành quân...

Cầu phao được lắp ghép bằng các hòm No1 đựng tên lửa và các cây luồng, cây tre ghép lại. Cầu phao chỉ hoạt động vào ban đêm. Đường dẫn đến cầu bị kẹt giao thông, không thể vượt lên, nếu phía trước là 2 xe tải ZIL vì 2 bên thành xe đã hàn 2 hòm (mà các bạn Việt Nam gọi là “xe lội nước”). Khi gặp hố sâu, các hòm bám vào mặt đất, còn khi ở trên núi, các đèn đã lóe lên. Có máy bay. Bên trái - đầm lầy. Bên phải cũng thế. Nên phải xếp hàng đi qua cầu phao.

Địch đã thả pháo sáng. Tiếng gầm rú của máy bay, tiếng nổ của bom đạn, những tràng súng cao xạ. Nếu đã tham gia vào đội hình hành quân, và thậm chí còn phải qua phà, thì lúc này chỉ có ý nghĩ duy nhất là phải sang được bờ bên kia mới thoát khỏi ùn tắc giao thông.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Ba, 2023, 06:08:11 pm
Sau khi đã qua phà, tôi muốn ngồi xuống đâu đó nghỉ một lát, nhưng đằng sau vẫn tiếp tục một đội hình đi tới. Một lần nữa, lại nghe câu cửa miệng “kinh nghiệm của chiến tranh”: nếu bạn không muốn bị ách tắc giao thông, bạn phải đi lên phía trước.

Ở những chỗ chúng tôi dừng chân nghỉ, những nữ thanh niên xung phong Việt Nam đã đến chào hỏi chúng tôi. Qua tiếp xúc, chúng tôi biết họ là những người san lấp hố bom hoặc gánh gạo vào các vùng giáp ranh Sài Gòn. Họ vui cười, nắm lấy cánh tay chúng tôi. Các chị quan tâm đến tuổi tác và gia đình chúng tôi. Đôi khi các chị còn xin một điếu thuốc, không buông tay cho đến khi chưa đụng vào chiếc xe jeep của chúng tôi. Những người đàn ông chuyển gạo trong bao tải đặt trên một chiếc xe đạp. Để điều khiển xe đạp, họ dùng một cây gậy buộc vào phía bên trái của ghi đông và cột chặt một đoạn tre thẳng đứng vào ghế yên của xe đạp, tay trái cầm cây gậy đã buộc vào ghi đông, tay phải bám vào cột đứng để giữ xe đạp ở vị trí thẳng đứng và đẩy xe đạp đi về phía trước. Mọi người dân Việt Nam đối với chúng tôi rất thân thiện và cởi mở. Khi gặp chúng tôi, mọi người đều điệp khúc câu: “Liên Xô, Liên Xô”.

Ngày 15 tháng 11 năm 1972, một điều bất ngờ đến với chúng tôi và Chỉ huy Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là lệnh tất cả chúng tôi hành quân ra Hà Nội. Hai xe GAZ-69 và một xe tải GAZ-63 đưa chúng tôi ra Hà Nội. Ngày 17 tháng 11 năm 1972 chúng tôi đã về đến khách sạn Kim Liên. Nhóm chuyên gia chúng tôi giải thể, các thành viên được phân công về các đơn vị khác nhau. Tôi được đi đến Hải Phòng. Trưởng nhóm chuyên gia ở Hải Phòng là Trung tá Krivokhizh. Điều kiện sinh hoạt và ăn uống ở đây thật tuyệt vời. Trong sân có một vòi nước, một hầm trú ẩn bom hiện đại. Hầm xây bê tông, rộng rãi, trên nóc hầm đổ một lớp đá hộc có độ dày khoảng 5 mét. Nhờ đó, khi ngồi dưới hầm không nghe rõ tiếng bom nổ và tiếng gầm rú của 8 động cơ máy bay B-52. Tiếng gầm của B-52 chấn động toàn bộ không gian, vang đi tứ phía, thậm chí xuyên qua trái đất, nhưng B-52 chúng không phải là thần thánh. Căn cứ vào các số liệu của các phương tiện truyền thông đại chúng của chúng tôi, một số chỉ huy B-52 đã chọn con đường đi của mình là đến tòa án, chứ không đi vào không phận của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Tính riêng trong thời gian chúng tôi ở Việt Nam, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 QĐND Việt Nam đã bắn hạ được hơn 20 máy bay Mỹ (trong đó có 4 máy bay B-52).

Thượng tướng Khyupenen trong hồi ký của mình, ông đã viết: “Có thể ghi nhận trong nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô do Trung tá Philippov làm Trưởng đoàn, tất cả các chuyên gia đều xứng đáng nhận giải thưởng của Chính phủ Liên Xô và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Trích từ tập hồ sơ cá nhân, có đoạn ghi: “Đại úy Yurin Viktor Alekseevich đã hoàn thành một cách vẻ vang nhiệm vụ do Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô giao cho và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế của mình”.

*
*   *

Phần cuối của bài viết, tôi muốn mượn lời nhận xét của Nhà bình luận Mỹ William Lipman để nói lên giá trị chiến thắng của Quân đội và Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Không quân Mỹ. Ông William Lipman đã viết: “Chúng tôi phải thừa nhận rằng, quân đội Mỹ không thể kiểm soát được châu Á. Chứng minh nhận xét này là điều xấu hổ và nhục nhã của Mỹ ở Việt Nam mà chúng tôi phải gánh chịu”.

Để một nhà bình luận Mỹ phải công nhận sự thất bại của quân đội nước mình trước truyền thông thế giới, Quân đội và Nhân dân Việt Nam trong thời gian từ ngày 05 tháng 8 năm 1964 đến ngày 31 tháng 12 năm 1972, đã bắn rơi 4181 máy bay các loại của Hoa Kỳ, mà phi công của những máy bay bị rơi trên miền Bắc Việt Nam đều là những phi công chuyên nghiệp cao cấp nhất. Ngồi trên các máy bay tiêm kích đã được treo những quả bom tấn, những “phi công tài năng” đó đã thể hiện sự hợp đồng ở độ cao rất thấp, tính toán làm sao để thời gian tương tác có thể rút ngắn chẳng khác nào tốc độ của đĩa bay viễn tưởng.

Ngày 31 tháng 12 năm 1972, Không quân Mỹ đã bị tổn thất nặng trên bầu trời miền Bắc Việt Nam: trong 12 ngày đêm hạ tuần tháng 12 năm 1972, Quân và dân Việt Nam đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc pháo đài bay B-52 và 3 chiếc F-111. Hoa Kỳ đã buộc phải ngừng cuộc chiến bằng không quân trên miền Bắc Việt Nam, và ngày 27 tháng 1 năm 1973, họ đã ký hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”.

Nhân dân Việt Nam đã đứng lên, không quỳ gối trước sức mạnh của “quái vật” bên kia Đại Tây Dương.

Ông Sherbakov, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại Việt Nam, đã phát biểu trong một cuộc gặp mặt các chuyên gia quân sự Liên Xô nhân dịp đón Tết - Năm mới của Việt Nam, tháng 2 năm 1973: “... Các chuyên gia quân sự Liên Xô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Bằng thao lược quân sự của mình, họ đã tạo ra khả năng và mở ra con đường thiết lập quan hệ ngoại giao tốt với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bây giờ, họ cần xây dựng mối quan hệ kinh tế...”.

Ngày 20 tháng 01 năm 1973, là thời điểm kết thúc chuyến công tác của chúng tôi. Chúng tôi lên máy bay, và sau 28 giờ đã về đến Moskva ...

Ký ức về tất cả những người mà cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã gắn kết tôi với họ, sẽ mãi mãi trong tâm trí tôi.

Thành phố Kurgan, năm 2008


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Ba, 2023, 07:11:16 pm
CHUYẾN CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT

Skreblyukov Aeksei Ivanovich

(https://i.imgur.com/R0SQkiW.jpg)

Vài nét về tác giả

Đại tá Skreblyukov Aeksei Ivanovich sinh ngày 21 tháng 3 năm 1944 tại thành phố Yakutsk vùng Siberia.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành thông tin VTĐ trường Cao đẳng thông tin quân sự Kharkov năm 1964, ông được điều về công tác tại Trung đoàn Tên lửa Phòng không thuộc Sư đoàn Phòng không 26, Quân khu pháo Phòng không 14, có trụ sở tại thành phố Yakutsk. Khi đó ông được giao chức vụ Trung đội trưởng Thông tin VTĐ.

Từ tháng 8 năm 1965 đến tháng 4 năm 1966, ông được cử sang Việt Nam đào tạo cán bộ thông tin VTĐ cho các đơn vị bộ đội tên lửa phòng không và không quân.

Sau khi từ Việt Nam trở về nước, ông được cử đi học chuyên ngành về chỉ huy tại các Học viện quân sự Liên Xô, bao gồm:

- Năm 1972, tốt nghiệp chuyên ngành chỉ huy tại Học viện Thông tin Liên lạc Quân sự mang tên nguyên soái Liên Xô Buđennưi S.M.

- Năm 1987, tốt nghiệp Học viện Quân sự Bộ Tổng Tham mưu Liên Xô mang tên Vorosilov K.E. và được cử làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Thông tin Quân đoàn xe tăng Quân khu Prikarpatsk.

- Từ năm 1989 là Trưởng khoa Thông tin nghiệp vụ Học viện Thông tin Quân sự.

- Năm 1990, được phong học hàm Phó giáo sư và năm 1992 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học Quản sự.

- Mặc dù đã được nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá, song hiện nay (2012) ông vẫn tiếp tục làm việc tại Cục quản lý Điều phối Hợp nhất các hệ thống điện lực khu vực Tây - Bắc Liên bang Nga.

Ông là Chủ tịch Phân ban Hội CCB Xô Viết ở Việt Nam tại thành phố Sankt-Peterburg.

Do lập nhiều thành tích xuất sắc trong những năm phục vụ trong Quân đội Liên Xô và hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã được:

- Nhà nước Liên Xô tặng thưởng Huân chương “Sao Đỏ” Huân chương “Phục vụ Tổ quốc” hạng 3 và 14 Huy chương các loại.

- Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng Huy chương “Hữu nghị” của Việt Nam.

- Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân QĐND Việt Nam tặng kỷ niệm chương Bộ đội Tên lửa Phòng không.

- Ông đã viết hơn 40 đầu sách về chiến thuật quân sự và những hồi ức về chuyến công tác ở Việt Nam. “Chuyến công tác đặc biệt” đã được in trong cuốn “Việt Nam, không thể nào quên”.


Ban Biên soạn


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Ba, 2023, 07:13:45 pm
Những người lính tình nguyện

Đầu năm 1965 tôi được đề bạt làm Trung đội trưởng Thông tin Trung đoàn Tên lửa Phòng không thuộc sư đoàn Phòng không 26 Mukđesky. Thành phố Yakutsk là nơi bố trí cơ quan Tham mưu của Trung đoàn. Nói một cách chính xác là cơ quan Tham mưu đặt cách thành phố 45 km. Nhà thờ cửa làng Urik xây dựng từ thế kỷ thứ 19 có độ cao đến mức ở cách xa nơi đóng quân của chúng tôi 4 km mà chúng tôi vẫn nhìn thấy.

Không hiểu từ đâu mà khi đó tôi biết ngày lễ đính hôn của tôi, ngày 13 tháng 2 năm 1965, lại trùng với ngày ở Mỹ đã thông qua chiến dịch “ROLLING THUNDER” (“Sấm rền”), bắt đầu chiến dịch “Mỹ cùng chính quyền Nam Việt Nam tiến hành các trận tập kích bằng không quân vào các mục tiêu trên miền Bắc Việt Nam”.

Tại thời điểm này, Chính quyền Nam Việt Nam chỉ kiểm soát được những thành phố lớn, còn phần lớn lãnh thổ Nam Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Tháng 2 năm 1965, đoàn Đại biểu Chính phủ Liên Xô thăm chính thức Việt Nam do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Koshưghin làm trưởng đoàn đã tới Hà Nội. Trong thời gian Đoàn đang ở thăm Hà Nội, lực lượng Không quân Mỹ lại tiến hành những cuộc không kích ra miền Bắc Việt Nam. Đây là một hành động thách thức không chỉ chống lại Việt Nam mà chống lại cả Liên Xô. Cán bộ chiến sĩ đơn vị chúng tôi đã mít tinh cực lực phản đối hành động dã man đó.

Ngày 28 tháng 2 năm 1965, Tổng thống Mỹ Johnson đã ra lệnh tung 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ của Mỹ vào thành phố Đà Nẵng. Mệnh lệnh của Johnson đã trở thành “món quà đặc biệt” vào ngày cưới của tôi. Đây là bước đi thứ nhất trên con đường Mỹ đưa quân vào Việt Nam. Bước thứ 2 là ngày 2 tháng 3 năm 1965, lực lượng Không quân Mỹ đã đánh bom vào miền Bắc Việt Nam.

Ngày 03 tháng 3 năm 1965, tôi nhận được báo cáo của Trung đội phó - Thượng sỹ Nabokov về tình hình trực ban trong ngày. Thượng sĩ Nabokov đã không giấu được nỗi lo lắng và hồi hộp, báo cáo: Đêm qua, không quân Hoa Kỳ đã ném bom miền Bắc Việt Nam. Và Thượng sĩ đã trao cho tôi 24 đơn của cấp dưới tình nguyện sang bảo vệ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tất nhiên, trong Trung đội mọi người đều biết tôi đang hưởng tuần trăng mật. Ánh mắt của mọi người vụt sáng lên như muốn hỏi: “Thế nào đồng chí Trung úy? Có đủ sức cùng chúng tôi sang Việt Nam chiến đấu không?”. Không đắn đo gì, tôi đã đưa thêm một đơn tình nguyện của tôi vào tập đơn tình nguyện của Trung đội.

Đơn đề nghị của Đại úy Khẩu đội trưởng Kuklenkov V.M. về việc được đưa chúng tôi - những chiến sĩ tình nguyện sang Việt Nam và cặp đựng các lá đơn tình nguyện đó đã nằm trên bàn làm việc của Đại tá Trung đoàn trưởng Matveev A.I.

Đại úy Khẩu đội trưởng Kuklenkov, một cựu binh trong chiến tranh ái quốc vĩ đại, hoan nghênh sáng kiến của chúng tôi, song bản thân đồng chí ấy lại chưa viết đơn tình nguyện... Không phải nghe người ta nói, mà Đại úy Khẩu đội trưởng cũng đã biết chiến tranh không phải là trò chơi tiêu khiển, mà nó là một hình thái nguy hiểm và dã man. Đại úy Khẩu đội trưởng là một người lính của Sư đoàn Phòng không 26 đã trải qua chiến tranh ở Triều Tiên. Vì thế đồng chí ấy hiểu rõ trách nhiệm của một người vừa mới lập gia đình cũng không kém phần quan trọng so với nguyện vọng được giúp đỡ một sự nghiệp chính nghĩa và mong được thể hiện bằng hành động tích cực. Đồng chí ấy đã nhẹ nhàng và rủ rỉ trao đổi với tôi - một trung úy đang đầy hưng phấn: “Đồng chí đã cân nhắc quyết định đó chưa? Có hiểu rõ những hậu quả của quyết định đó không? Cân nhắc cho thật kỹ, đồng chí ạ!”.

Trong lúc này, tôi không tin là trong số các đơn tình nguyện, cán bộ cấp trên lại chú ý đến đơn của tôi. Phải chăng, tôi mới 20 tuổi và cạnh tôi lại là một người vợ xinh đẹp và rất đáng yêu. Trước tiên là tôi xin đi phép vào tháng 5 để thăm những người thân trong gia đình vợ, vì tôi chưa có dịp được gặp họ.

Lại còn một khối lượng công việc cần sắp xếp trong phòng ở, tại khu tập thể ở Yakutsk (phòng rộng 16m2). Ở đó, ngoài mấy cái giường của lính, cái tủ nhỏ, cái bàn, thì chẳng có cái gì. Niềm tự hào của gia đình tôi là chiếc khăn trải bàn bằng nhung màu đỏ, chiếc chăn bông tuyệt đẹp và bộ ga trải giường. Nghèo quá! Song chúng tôi giàu tình cảm, giàu tính lạc quan và giàu tình yêu! Nhiệm vụ của tôi trong những ngày tiếp theo không dễ dàng. Bận việc ngay từ ngày đầu tuần, suốt ngày đêm phải trực ban trong đơn vị và chỉ có ngày thứ sáu (cũng không phải tuần nào cũng có ngày thứ sáu) mới được về với người vợ trẻ ở trong thành phố Yakutsk. Song trước khi mời vợ về căn hộ tập thể, tôi cần phải sưởi ấm căn phòng đã. Sau đó phải chạy đến ký túc xá sinh viên, thuyết phục vợ về nhà ngủ, thề thốt với nàng rằng: nhiệt độ trong phòng không dưới + 30 độ. Thế là có 2 ngày nghỉ liền - thứ bảy và chủ nhật. Ngày thứ hai, 9 giờ phải có mặt ở đơn vị. Còn người vợ trẻ cũng nhanh chóng rời căn phòng đã nguội lạnh về ký túc xá sinh viên, chờ đến chiều thứ sáu tới. Đó là điều tất nhiên sẽ đến, nếu như chồng không được cử làm công tác trực ban ở đơn vị. Bạn thấy cuộc sống của một trung úy như thế đó!!!

Nhưng tháng 5 tôi không được nghỉ phép như dự định. Cấp trên biên chế tôi vào đội hình thứ nhất các chiến sĩ tình nguyện sang công tác ở nước anh em. Trung Quốc không cho chúng tôi qua biên giới. Thế là tôi gặp may... Tôi được 14 ngày nghỉ phép. Con tàu của ngành đường sắt đưa chúng tôi về quê vợ. Chúng tôi đến ga Lebiagie-Siberia tỉnh Kurkansky khi trời đã tối. Lần này, vợ tôi có dịp được giới thiệu tôi với mẹ, bà Bagienova Pheđosya Nikiphorovna, với chị gái Nina và em trai Vađim.

Hết phép, tôi trở về đơn vị và được biên chế vào đoàn chuyên gia gần 200 người đến một nơi có khí hậu nóng, độ ẩm cao, làm nhiệm vụ huấn luyện và đào tạo. Trong buổi gặp với đồng chí Trung tá Bachurin, Trưởng phòng cán bộ Sư đoàn, ngoài những câu hỏi về quá trình công tác, về ý thức chấp hành kỷ luật của Đảng và chính quyền, đồng chí Trung tá Trưởng phòng cán bộ còn nói với tôi thế này: “Đồng chí Trung úy ạ, chúng tôi biết đồng chí mới lập gia đình và vợ đồng chí rất mong có con. Có thể đồng chí suy nghĩ thêm về chuyến đi công tác đặc biệt này? Vì đây không phải là đi chơi và không đi có một tuần, mà là đi một năm”. Tôi thấy đau nhói trong tâm hồn, nhưng vẻ ngoài không thể hiện gì cả. Tôi nói cho đồng chí Trung tá yên lòng là mẹ vợ tôi đã đến ở trong gia đình tôi và vợ tôi đã đồng ý để tôi đi công tác. Vâng, Marina đã tiễn tôi và khi chia tay, vợ tôi đã phải quay mặt đi, lau nước mắt để tôi không nhìn thấy...


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Ba, 2023, 07:15:07 pm
Sau một tuần, Đoàn chúng tôi đã đến thành phố Kyasta, tỉnh Buryansky nước Cộng hòa XHCN Azerbaijan cách biên giới Mông Cổ gần 1 km. Đây vốn là một thành phố quân sự. Nó còn giữ lại những nét cổ xưa gợi nhớ lại quá khứ lịch sử của thành phố. Chúng tôi sống trong doanh trại của một trung đoàn quân đội Kazakh. Phía xa nơi chúng tôi đóng quân là nhà thờ của người Kazakh, nó đã được sử dụng như là một doanh trại. Trong doanh trại có đủ các tiện nghi sinh hoạt: lò sưởi, bình tắm nước nóng v.v...

Các giáo sư của các trường đại học và các sĩ quan tham mưu đảm nhiệm công tác đào tạo các chuyên gia trẻ cho bộ đội Thông tin liên lạc. Trước tiên, đào tạo các sĩ quan như chúng tôi, sau đó mới đào tạo các binh sĩ. Tất cả cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đều hiểu rất rõ tầm quan trọng của những vấn đề đang xảy ra. Không có một lời chê trách gì về tính kỷ luật. Một đoàn cán bộ y tế đến kiểm tra sức khỏe và tư vấn những vấn đề cần thiết khi công tác ở vùng khí hậu nhiệt đới. Thời gian cho công tác chuẩn bị là 2 tháng.

Một niềm vui lớn đến với tôi - vợ tôi đến thăm. Trong thời gian 1 tuần vợ tôi đến thăm, các buổi tối, tôi được phép ra ngủ ở khách sạn ngoài doanh trại. Tôi tự hào về người vợ của tôi. Cô ấy là người phụ nữ duy nhất đến thăm chồng. Những ngày sống bên nhau, chúng tôi cùng lắng nghe hơi thở của “Anđryusa” (con gái tương lai của chúng tôi), cùng nhau vui cười. Phải thừa nhận là tôi quá xúc động khi phải chia tay những người thân.

Ngồi trên chiếc xe tải quân sự, tôi tiễn vợ ra ga Khoronkhoi để lên tàu về Yakutsk sau đó với tâm trạng nặng trĩu, tôi trở về đơn vị.

Trung tuần tháng 8, chúng tôi lại được quay trở lại Yakutsk, nhưng không được phép thăm người thân. Chúng tôi ở trong doanh trại và được thông báo có Đoàn quân sự cấp cao đến thăm và làm việc.

Ngày hôm sau, Đoàn cán bộ Hội đồng Quốc phòng Quân đoàn Phòng không 14 do Thượng tướng Saprưkin, Anh hùng Liên Xô làm trưởng đoàn từ Novosibirsk đã đến đơn vị chúng tôi. Hội đồng Quốc phòng đã phỏng vấn từng cán bộ, chiến sĩ chúng tôi. Thiếu tướng Gusho, Tư lệnh Sư đoàn, Đại tá Salyuk, Phó Tư lệnh Chính ủy Sư đoàn, Bí thư Thành ủy Yakutsk, đồng chí Shechinm cũng nằm trong Hội đồng Quốc phòng.

Chúng tôi ngồi trong phòng truyền thống mang tên Lênin và chờ đến lượt được gọi phỏng vấn. Người đầu tiên được gọi là Trung tá Segal - Tham mưu trưởng Trung đoàn. Cuộc trò chuyện diễn ra khá lâu. Với nét mặt đỏ bừng, không ghé qua chỗ chúng tôi đang ngồi, Trung tá Segal đi thẳng về trung đoàn của mình. Trong phòng có tiếng rì rầm trao đổi: Họ không cho Trung tá đi!!! Trông ngực tôi đập thình thịch, người ta biết vợ tôi đang có bầu, họ cũng không cho tôi đi đâu!!.

Người vào phỏng vấn trước tôi là Trung úy Selov. Đồng chí ấy ở trung đoàn bên cạnh. Vừa ra khỏi cuộc phỏng vấn, Trung úy đã oang oang nói: “Tôi được phong quân hàm theo đúng niên hạn - lên Thượng úy”. Sau này được biết, trong quá trình phỏng vấn, Trung úy Selov đã báo cáo với Tư lệnh trưởng là: “hàm Trung úy của tôi đã quá niên hạn 6 tháng rồi”.

Đến lượt tôi. Tôi vào phòng phỏng vấn. Tư lệnh trưởng chăm chú xem các hồ sơ của tôi. Ông hỏi tôi có đề nghị gì không? Đã sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ chưa? Tôi trả lời không có đề nghị gì và sẵn sàng hoàn thành mọi mệnh lệnh của Tổ quốc giao cho. Tôi thầm nghĩ: Duyệt nhanh lên!! Hay không duyệt. Trung tá Bachurin, người đưa hồ sơ cho Tư lệnh trưởng, chỉ cho Tư lệnh trưởng một tờ riêng. Một câu hỏi tiếp cho tôi: “Vợ đồng chí đang có bầu hiện ở với ai?” Tôi đã chuẩn bị trả lời câu hỏi này và nói: “Báo cáo đồng chí Tư lệnh trưởng, mẹ vợ đã chuyển đến chỗ chúng tôi. Vợ tôi không phản đối việc tôi đi công tác đặc biệt”. Tư lệnh trưởng nói: “Đồng chí Trung úy thân mến, đồng chí có người vợ thực sự của sĩ quan Xô Viết! Duyệt. Trung úy Skreblyukov Aleksei Ivanovich được cử đi công tác đặc biệt”. Vừa bước ra khỏi phòng phỏng vấn, các bạn đã thi nhau hỏi: Hội đồng hỏi những gì và cậu trả lời như thế nào? Còn tôi thì vui bất tận, Hội đồng Quốc phòng đã tin tưởng tôi, giao cho tôi vũ khí để bảo vệ lợi ích của Tổ quốc.

Sau phỏng vấn, đoàn lính tình nguyện của chúng tôi được đưa đến một cửa hàng thương nghiệp quốc phòng lớn ở Yakutsk. Tại đây, dưới sự hướng dẫn của nhân viên cửa hàng, chúng tôi được thỏa sức lựa chọn bộ trang phục dân sự, áo măng tô mùa thu, áo mưa, khăn quàng cổ, mũ mùa đông, mũ mùa hè, găng tay, 2 áo len dài tay, áo sơ mi, quần mặc thường ngày, giày, dép và nhiều thứ lặt vặt khác. Được cấp cả va li nữa, chỉ tiếc là tất cả va ly đều có chung một màu và kích thước như nhau. Thôi được, gia đình tôi sống ở thành phố này, tôi đem hết về nhà và đem đi theo những thứ cần thiết. Chúng tôi cũng chưa biết chính xác là đi đâu, nếu có đoán thì cũng không nói cho ai.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Ba, 2023, 07:59:34 pm
Đường đến Việt Nam

Sáng sớm ngày 31 tháng 8 năm 1965, chúng tôi được triệu tập đến nhà họp dành cho sĩ quan và được thông báo: nơi đến công tác là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời gian lên đường là 6 giờ sáng ngày 01 tháng 9. Yêu cầu từ thời điểm này, không ai được rời doanh trại, vì thời gian và địa điểm thực hiện những nhiệm vụ quân sự là bí mật quốc gia. Một đồng chí mặc thường phục đã thông tin cho chúng tôi về tình hình chính trị - quân sự ở Đông Dương. Buổi nói chuyện kéo dài vài tiếng đồng hồ.

Qua buổi nghe nói chuyện, chúng tôi hiểu Việt Nam là một nước nông nghiệp, 80% dân số sống ở nông thôn. Lương thực chính là lúa. Lãnh thổ Việt Nam có diện tích 330.000 km2, có chiều dài tính từ cực Bắc đến cực Nam là 1750 km và chiều rộng từ Đông sang Tây là 600 km. Việt Nam có 3800 km chiều dài bờ biển. Việt Nam có gần 80 triệu người. (Đây là con số của bạn, tôi hiểu khi đó Việt Nam chưa có đến 80 triệu người - ND), gồm trên 50 dân tộc, như dân tộc Kinh chiếm tới 88%, dân tộc Hoa chiếm 4%, dân tộc Thái, dân tộc Mường, dân tộc Mèo v.v... Khí hậu ở Việt Nam là nhiệt đới gió mùa. Thời tiết mùa xuân và mùa thu không ổn định, miền duyên hải hay có bão. Nhiệt độ trung bình ít thay đổi và dao động từ +25 độ C đến +29 độ C.

Rừng núi chiếm phần lớn diện tích của cả nước, tới 40%. Có 2 sông lớn là sông Mê Kong và sông Hồng, về mùa mưa, mực nước 2 sông này được dâng lên cao, có thời kỳ cao hơn 10 mét. Việt Nam có nhiều sông với dòng chảy mạnh và có nhiều cảng.

Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam. Hà Nội có truyền thuyết rất hay về sự hình thành của vùng đất này. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ - người sáng lập ra Triều Lý, đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về vùng có vị trí chiến lược lợi thế nhất. Khi thuyền của nhà vua tới bờ, nhà vua thấy hình ảnh có một con rồng vàng đang bay lên trời. Đó là một dấu hiệu tốt đẹp và ngài đã quyết định đặt tên gọi mới cho Thủ đô là Thăng Long. Các thành phố lớn ở Việt Nam, ngoài Bắc có Hải Phòng - thành phố công nghiệp và cảng biển, Nam Định, Vinh, Thanh Hóa, Hòn Gai; trong Nam có Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang. Mỗi thành phố đều có lịch sử và thắng cảnh riêng của mình. Chẳng hạn như Nha Trang nổi tiếng về những tháp của người Chăm được xây dựng từ thế kỷ VIII và hoàn thành vào thế kỷ XII. Hiện nay chỉ còn lại 4 tháp, một trong số đó là tháp Sivo, thứ 2 là tháp Ganese, thứ 3 là Uma - đây là ngọn tháp cao nhất và cuối cùng là tháp của vợ vua Sivo. Ngay ở cửa vào tháp thử 4 là pho tượng toàn thân vua Sivo có 4 tay ngồi trên lưng trâu. Nội thất của tháp vẫn được giữ nguyên như xưa. Người dân vẫn cầu nguyện thánh Bo Noga là người dạy dân nghệ thuật trồng lúa.

Có cần phải nói là tôi rất muốn đến đó tham quan tháp? Nghe báo cáo viên, tôi đã tin và lại không tin rằng sau vài ngày nữa chúng tôi sẽ sống trong rừng và dạo chơi trong các vườn xoài.

Báo cáo viên thứ 2, có lẽ người của Bộ Ngoại giao hoặc Tổng cục Tình báo, đã khái quát bức tranh về tình hình chính trị - quân sự ở Đông Dương. Tính đến nửa năm 1965, số lượng quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam trong 1 năm đã tăng từ 30 nghìn đến 200 nghìn người. Ngoài ra, Mỹ còn có 56 nghìn lính hải quân và phi công trên Hạm đội 7. Thêm vào đó là 25 nghìn lính Pắc Chung Hy, Uc và Tân Tây Lan. Quân đội Ngụy Sài Gòn có khoảng 600 nghìn người.

Chiến tranh đã trở thành thực tế hàng ngày ở Việt Nam. Từ tháng 4 năm 1965, Mỹ đã bắt đầu các cuộc tập kích bằng không quân không chỉ vào các mục tiêu quân sự mà cả vào các công trình dân sự, vào Thủ đô và các thành phố ở miền Bắc Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh này, miền Nam Việt Nam trở thành tiền tuyến lớn và miền Bắc trở thành hậu phương lớn.

Sau mỗi lần nghe báo cáo viên nói chuyện, tôi càng hiểu chúng tôi sẽ đương đầu với kẻ thù vừa mạnh, vừa xảo quyệt. Nét mặt của các bạn trẻ trở nên nghiêm nghị hơn. Trong số đó, tôi có những người bạn đồng cấp cùng Trung đoàn như Trung úy Bulgakov, Vagin, Borođin.

Chúng tôi chuẩn bị lên máy bay với tâm trạng buồn. Mỗi người được trao hộ chiếu ra nước ngoài, còn chứng minh thư, thẻ đảng viên, chúng tôi giao cho người đại diện của Cục 10 Bộ tổng Tham mưu. Ngày mai lên đường. Tôi xin phép trưởng đoàn được về nhà một đêm. Sáng sớm ngày 01 tháng 9, xe ô tô buýt đưa chúng tôi ra sân bay. Đã đến giờ cất cánh, song có gì đó không bình thường, Sư đoàn trưởng, Thiếu tướng Guso được mời vào trong nhà của sân bay. Sau một giờ, chúng tôi được lệnh lên xe trở lại thị trấn Sao Đỏ của thành phố Yakutsk. Chúng tôi nhớ lại điềm gở phải quay trở lại. Chúng tôi ngủ trong doanh trại của những người lính. 4 giờ sáng ngày 02 tháng 9 có báo động và tất cả chúng tôi bật dậy, nhanh chóng ra xe ô tô và đi ra sân bay. Một bầu không khí im lặng bao trùm cả trong xe, cả trên sân bay. Ai cũng sợ nói, vì nói sẽ có điềm gở, bỗng lại có lệnh dừng chuyến đi.

Chúng tôi làm công tác kiểm tra xuất cảnh nhanh và chiếu lệ. Tiễn chúng tôi lên đường có Tư lệnh trưởng Sư đoàn và một số đồng chí nữa. Tất cả đều chúc chúng tôi sẽ quay trở lại Tổ quốc sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đoàn chúng tôi lên máy bay IL-18.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Ba, 2023, 08:00:38 pm
Tư lệnh Sư đoàn lên máy bay chúc mừng chúng tôi. Song mọi người cảm thấy lâng lâng như đang bay! Vang lên tiếng cười đùa. Chúng tôi biết đây là máy bay quân sự, người lái cũng là lính và tất cả họ đều chưa sang Việt Nam lần nào. Một câu hỏi được nêu ra là chúng tôi đem theo cái gì. Sau khi nghe chúng tôi kể là trong đoàn nghiêm cấm đem theo rượu và đồ ăn đi theo, các phi công đã buồn thực sự. Trả lời thắc mắc của chúng tôi ở dạng: “Thế vậy thì được đem theo cái gì?” họ trả lời rất hóm hỉnh “Các đồng chí bay đến đó và các đồng chí sẽ biết!!”.

Máy bay đã cất cánh và bay trên bầu trời. Sau 1 tiếng bay, chúng tôi đã qua biên giới Mông Cổ. Không rời khỏi cửa ánh sáng trên máy bay, tôi quan sát cảnh quan bên dưới. Những đàn ngựa, đàn cừu đang say đắm với những mồi ngon trên cánh đồng cỏ của đất nước Mông Cổ.

Tiếp sau đó là những cồn cát sa mạc, phía trước mắt tôi là một dải đất lạ? Tôi hỏi tổ lái mới biết đó là Vạn lý Trường thành của Trung Quốc. Tôi vui mừng thông báo tin này tới mọi người. Thế là mọi người đổ xô về bên phải máy bay để xem một trong các kỳ quan của thế giới. Bỗng máy bay tròng trành nghiêng về phía bên phải. Đồng chí hoa tiêu từ buồng lái đi ra và hét toáng lên để ai về chỗ người đó, không làm cho máy bay bị tròng trành nữa.

Chúng tôi được nghỉ quá cảnh tại Bắc Kinh. Thời gian này ở Bắc Kinh đang diễn ra cuộc Cách mạng văn hóa. Nhạc điệu nghiêm trang “Quốc tế ca” được phát ra từ các loa phóng thanh. Cùng lúc đó là bài Quốc ca Trung Quốc. Tôi trở nên tò mò không biết họ dịch bài Quốc tế ca ra tiếng Trung như thế nào? Vì từ vựng của bài hát này bao gồm những âm tố phức tạp.

Chúng tôi ra cầu thang máy bay để xuống đất. Các nhân viên Sứ quán Liên Xô cùng các đại diện của Trung Quốc ra đón chúng tôi. Trong phòng nghỉ ở sân bay sạch bóng như băng tuyết, nền nhà được lát đá hoa cẩm thạch. Chúng tôi thận trọng bước từng bước và ngồi vào bàn. Trên mỗi bàn đều có trước tác Mao Trạch Đông và ảnh, huy hiệu, tờ rơi của Mao Trạch Đông. Chúng tôi không đoái hoài đến những thứ đó và ngồi chờ bữa ăn trưa.

Sau một lúc, bức rèm ngăn phòng chúng tôi đang ngồi chờ được kéo mở ra và trước chúng tôi là một dãy bàn dài. Trên bàn được bày la liệt các món ăn, có cả rượu cô nhắc, votka, rượu vang và một số món không biết gọi là gì.

Chúng tôi chưa biết phải làm như thế nào. Vì ngồi cùng chúng tôi là các chiến sĩ mà họ lại bị cấm uống rượu. Còn các sĩ quan... họ được uống rượu chứ! Tất cả mọi người đều chăm chú nhìn vào Trưởng đoàn, còn Trưởng đoàn lại nhìn vào Đại điện của Sứ quán với ánh mắt như dò hỏi “uống hay không uống?”.

Người đại diện Sứ quán đứng dậy và lên tiếng như ra lệnh: “Tôi đề nghị tất cả chúng ta hãy nâng cốc”. Thế là các sĩ quan nhanh chóng cầm lấy chai cô nhắc các chiến sĩ bắt đầu uống các đồ giải khát, rồi chuyển sang uống rượu vang và loại rượu nặng hơn một chút... Cốc đầu tiên chúc tình hữu nghị Xô - Trung. Bắt đầu dùng các món ăn nguội. Các nữ tiếp viên nói tiếng Nga trơn tru, giải thích cho chúng tôi đây là xúp tôm, đây là trứng rùa, vây cá mập, v.v... Chúng tôi đang thưởng thức món khai vị, các tiếp viên đã đem tiếp món nóng thứ 1, thứ 2 và còn nữa. Chúng tôi đã ăn no, uống say, song các tiếp viên vẫn tiếp tục đem thức ăn ra. Chỉ tiếc là không được đem lên máy bay vì còn phải bay lâu.

Sau khi ăn trưa, chúng tôi được đi thăm thành phố Bắc Kinh. Chúng tôi thấy thành phố sạch sẽ và có nhiều cây xanh. Rất ít thấy ô tô, chủ yếu là xe đạp, xe máy và xích lô. Trước tiên, chúng tôi được đưa đến tham quan sông Dương Tử, nơi mà “Người cầm lái vĩ đại” Mao Trạch Đông đã cùng hàng trăm thanh niên Trung Quốc bơi vượt qua sông. Một dòng sông rộng, nước phù sa và chảy xiết. Có nghĩa là bơi qua được dòng sông này phải là người thanh niên cường tráng. Để chứng minh điều này, các bạn Trung Quốc đã đưa đoàn chúng tôi đến thăm sông Dương Tử.

Chúng tôi chỉ được xem bên ngoài Cung điện nhà vua. Tuy thế chúng tôi vẫn trầm trồ ca ngợi tài nghệ của các kiến trúc sư cổ xưa của Trung Quốc. Công trình tiếp theo là Quảng trường Thiên An Môn, dịch ra có nghĩa là quảng trường dưới bầu trời bình yên.

Quảng trường Thiên An Môn là một trong những quảng trường lớn trên thế giới, là trung tâm chính trị - hành chính của thành phố. Bao bọc quảng trường là những ngôi nhà có sắc thái khác nhau, ở phía Bắc là Cổng thành Thiên An Môn, phía trên cổng thành là khán đài dành cho Chính phủ trong thời gian duyệt binh. Phía Nam cũng có cổng thành Hạ Môn là di tích còn lại của thành cổ Bắc Kinh. Phía Tây là Đại lễ đường Quốc hội. Trung tâm Quảng trường được dựng một đài tưởng niệm người anh hùng của dân tộc.

Cuộc dạo chơi của chúng tôi ở Bắc Kinh đã đến hồi kết. Chiều ngày thứ 2, chúng tôi được đưa ra sân bay. Chúng tôi tiếp tục bay và cũng nghỉ quá cảnh tại một thành phố gọi là Trần Sa. Tại đây, chúng tôi cũng được đi dạo phố. Trước khi máy bay cất cánh, các bạn Trung Quốc tặng chúng tôi rất nhiều dưa hấu. Máy bay tiếp tục cất cánh và bay về phương Nam.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Ba, 2023, 08:03:02 pm
Những bất ngờ đầu tiên

Máy bay chúng tôi bay trên lãnh thổ Trung Quốc thêm vài giờ. Qua cửa ánh sáng trên máy bay, tôi đã nhìn thấy biển xanh mênh mông. Chẳng khác nào như một bàn cờ, chúng tôi có thể nhìn thấy những cánh đồng lúa xanh tươi. Tổ lái đã thông báo cho chúng tôi là máy bay đã qua biên giới Việt Nam. Tất cả chúng tôi đều dán mắt vào các cửa ánh sáng trên máy bay. ôi bức tranh sơn thủy không hề thay đổi. Núi, rừng và cánh đồng lúa bất tận. Máy bay đang hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm. Với tâm trạng vừa vui, vừa hồi hộp chúng tôi đặt chân lên đất Việt Nam.

Theo kế hoạch đã được thông báo trước, ra sân bay đón chúng tôi sẽ có Thiếu tướng Bagienov Nikolai Ivanovich - Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam, đoàn đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam và các chuyên gia quân sự Liên Xô đã sang Việt Nam hồi tháng 3 và tháng 7 năm 1965. Song đồng chí Thiếu tướng chưa đến. Bạt được dựng ngay bên cạnh để ăn tối. Chúng tôi đem dưa hấu Trung Quốc vào bữa ăn tối và ngồi chờ đồng chí Thiếu tướng. Một người đàn ông trung tuổi, đi đôi dép cao su, đầu đội loại mũ mà chúng tôi lần đầu tiên mới biết, đã mời tất cả chúng tôi ngồi vào bàn. Tôi dò hỏi mới biết người đó chính là Thiếu tướng Bagienov. Bữa ăn tối vẫn được chuẩn bị theo thực đơn Nga. Các chuyên gia sang Việt Nam đợt trước chúng tôi đã đến, chúc mừng chúng tôi đã hạ cánh an toàn và hỏi luôn một câu: “Các bạn đem theo sang được nhiều cá trích và bánh mì đen không?”. Đó là câu hỏi bất ngờ đối với chúng tôi. Im lặng, chúng tôi nhìn nhau. Nhìn thấy sự bối rối của chúng tôi, các đồng chí ấy buồn và nhún vai. Các đồng chí phi công với vẻ bực mình và cười nói: “Chúng tôi đã nói là không có nhận áo măng tô san và áo sơ mi...”. Đó là thất bại đầu tiên trong chuyến công tác. Ngay tại sân bay Gia Lâm, chúng tôi đã nộp hộ chiếu cho đại diện Sứ quán Liên Xô. Như thế trong người chúng tôi không có một loại giấy tờ tùy thân nào. Thời điểm này, chúng tôi chẳng khác nào người vô gia cư thực thụ.

Các đồng chí Việt Nam dùng xe ô tô loại chiến lợi phẩm của Pháp để đưa chúng tôi về nơi ở và phải đi vào ban đêm. Đường bị bom Mỹ phá hỏng, song xe ô tô vẫn phải chạy bằng đèn gầm. Ở nông thôn càng ít ánh sáng, phải đảm bảo tốt công tác ngụy trang. Đến cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, xe chúng tôi phải dừng lại trước đồn Cảnh sát giao thông. Các đồng chí cảnh sát xem kỹ giấy tờ của chúng tôi, nhìn vào trong xe và khi đồng chí phiên dịch nói đây là các chuyên gia Liên Xô, các đồng chí Cảnh sát nở nụ cười rất tươi, vẫy tay và mở ba-ri-e cho xe chúng tôi đi. Hà Nội đón chúng tôi trong bầu không khí bình an. Mặc dù thành phố ít ánh sáng, song vẫn có nhiều người đi dạo phố. Ít xe ô tô chạy trên phố. Đường phố hẹp, nên lái xe luôn bấm còi xin đường. Không tin nổi là một đất nước như Việt Nam đang tiến hành một cuộc chiến tranh ác liệt chống một kẻ thù mạnh như thế. Chúng tôi đã qua cầu Long Biên vào thành phố.

Thời gian đi trong phố cũng khá lâu. Vì thế, khi chúng tôi đi đến khu sát ngoại thành Hà Nội, người dân đã nằm ngủ trên hè phố. Chỉ cần trải chiếu ra nền xi măng hoặc nền gạch, không cần mái che, thế là người ta có một giấc ngủ ngon. Chúng tôi thấy lạ và ngạc nhiên bởi hiện tượng này. Đồng chí phiên dịch giải thích cho chúng tôi vì ban ngày trời nắng, nhiệt độ trong các nhà đá hoặc mái tôn sẽ rất cao, độ ẩm trong không khí cũng cao, nên buổi tối trong các ngôi nhà đó rất ngột ngạt. Chính vì thế, buổi tối người ta ra khỏi nhà, tìm nơi thoáng mát ngoài phố để ngủ. Đối với người Việt Nam, sân hoặc hành lang ngoài phố đều là nhà.

Sau 2 tiếng đồng hồ chúng tôi ra khỏi thành phố. Một bóng tối dày đặc bao trùm chúng tôi. Con đường nhỏ đến doanh trại của chúng tôi cũng bị bom Mỹ cày xới, bắt buộc chúng tôi phải đi vòng. Vì nóng bức mà áo của chúng tôi lấm tấm mồ hôi. Các cửa kính trên xe đều mở, nên rất nhiều muỗi bay vào trong xe. Mãi nửa đêm xe mới đưa chúng tôi đến nơi ở. Không bật điện sáng hoặc đốt đèn, các đồng chí Việt Nam bố trí chúng tôi ở trong một nhà lán tạm thời được chia thành từng phòng. Cửa sổ được che kín bằng chiếu. Giường sắt dùng cho chiến sĩ được trải đệm và ga. Muốn phơi quần áo chỉ việc treo lên giường. Mặc dù sau một ngày hành quân vất vả, song không sao ngủ được. Tôi nhớ lại những gì đã được nhìn thấy trong những ngày qua. Lo cho người vợ, không biết sẽ ra sao khi tôi không ở nhà...

Hình như tôi không ngủ được. Tôi nghĩ lung mung. Tại sao người Việt Nam quá cực nhọc? Tại sao máy bay Mỹ lại bay vào không phận Việt Nam? Chúng tôi phải làm gì? Chạy đi đâu? Hầm tránh bom ở đâu? Nghe rõ tiếng nổ giòn giã của pháo cao xạ và những đợt bắn của súng tiểu liên. Họ bắn vào ai? Tôi ra lệnh cho cấp dưới:

- Tất cả dậy! Báo động!

Chúng tôi chạy ra ngoài đường. Trời hết sức tối. Các đợt bắn của pháo cao xạ và súng máy đã tạo ra những tia sáng soi mặt đường. Trên trời máy bay địch gầm thét. Dưới mặt đất, pháo cao xạ và súng máy thi nhau nhả đạn vào máy bay địch. Tôi tức giận vì mình bất lực. Các chiến sĩ ở xung quanh tôi chẳng khác nào đàn gà con đang vây quanh mẹ. Không biểu hiện run sợ, tôi ra lệnh: “nằm xuống”. Tôi là người đầu tiên nằm xuống ngay vũng nước gì đó. Các chiến sĩ cũng nằm bên cạnh tôi. Máy bay bay qua đầu chúng tôi, nhưng tiếng bom nổ ở phía nào đó. Thời gian cũng khá lâu, song chưa rõ đã kết thúc cuộc hỗn loạn đó chưa. Trước tiên là máy bay phải bay đi khỏi đây và sau đó mới im tiếng súng cao xạ và súng máy, vẫn còn một đèn chiếu đang tìm ai đó trên bầu trời đen nghịt của vùng nhiệt đới.

Người chúng tôi ai cũng bẩn, nhưng chúng tôi tự hào vì đã trải qua một “cuộc thử thách” đầu tiên. Chúng tôi nhìn nhau và bỗng nhiên phá lên cười. Tất cả mọi người khi chạy ra khỏi phòng ở chỉ có một manh quần đùi và cùng nằm đúng vào vũng nước gì đó! Trông cứ như hề một loạt. Chúng tôi nhanh chóng vào nhà tắm để xua hết bẩn đi. Ở các phân đội khác đã phải mất nhiều thời gian đi tìm các chiến sĩ.

Sau này chúng tôi mới rõ là Tình báo Mỹ biết có đoàn chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam và biết cả vị trí đoàn sẽ ở. Bọn Mỹ đã chuẩn bị chào đón chúng tôi. Song, các đồng chí Việt Nam đã làm một trận địa già cách nơi chúng tôi đang ở 3 km. Các đồng chí Việt Nam đã chiếu sáng trận địa đó và triển khai những hoạt động sôi nổi. Đêm hôm đó, địch đã đánh vào trận địa giả, còn chúng tôi bị một phen hú vía.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Ba, 2023, 08:05:39 pm
Những nhiệm vụ đầu tiên

Trung tâm huấn luyện số 2, căn cứ của Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238, cách Hà Nội không xa. Tại đây, chúng tôi đã rèn luyện để thích nghi với khí hậu và thích nghi với cuộc sống trong điều kiện chiến tranh và khí hậu nóng bức. Chúng tôi cũng được giao nhiệm vụ xuống các trận địa hỏa lực của các Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không để sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ các thiết bị thông tin liên lạc. Tại thời điểm này, đang thành lập thêm các đơn vị nhằm tăng cường cho 2 Trung đoàn Tên lửa Phòng không.

Vận may đến với chúng tôi là thời tiết. Ban ngày nhiệt độ chỉ tới 35 độ C, ban đêm 30 độ C, độ ẩm 100%. Những ngày đầu mới đến, chúng tôi cảm thấy khó khăn quá. Phía trên giường nằm được trang bị một thứ gọi là màn. Lúc đầu, chúng tôi chưa thấy tác dụng của nó. Nhưng ban đêm đang ngủ say thấy đau, tỉnh dậy, mới hiểu bị muỗi đốt, khi đó mới thấy giá trị của cái màn. Nếu không có màn, sáng ngủ dậy, ai cũng bị muỗi đốt và trên người xuất hiện nhiều chấm đỏ. Các chấm đỏ đó có thể bị mưng mủ. Khi độ ẩm cao, mồ hôi ra nhiều, nên áo mặc lúc nào cũng ẩm, ướt. Chính vì thế việc sấy quần áo thấy không cần thiết. Sau một đêm, quần áo cũng không khô được.

Mỗi nhóm chuyên gia có 1 phiên dịch. Các đồng chí phiên dịch đã giúp chúng tôi học tiếng Việt. Ngày đầu chúng tôi học chữ số từ 1 đến 1 triệu và hơn nữa. Khi biết chữ số hàng đơn vị như 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, v.v... có thể thêm bất kỳ một số nào đó vào hàng đơn vị, ta sẽ. được chữ số hàng chục. Tương tự như thế ta sẽ được chữ số hàng trăm. Thí dụ: một một = 11; một một một = 111; một một một một = 1111. Không thể đơn giản hơn được nữa.

Khó khăn nhất là học tiếng Việt. Vì trong tiếng Việt một âm tiết có nhiều nghĩa. Thí đụ: âm cá dùng để chỉ các loài động vật sống trong nước, còn trong tiếng Nga, mỗi loại, có một tên riêng. Tuy thế, sau một tuần chúng tôi có thể giao tiếp được với các bạn Việt Nam không cần phiên dịch.

Trong khi thành lập các đoàn, tôi và các chiến sĩ Aleksanđr Shatrovưy và Vladimir Tataevưy được cử xuống trận địa hỏa lực của một Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 để sửa chữa trạm thông tin chuyển tiếp P-401 bị hỏng.

Sáng sớm một ngày, chiếc xe “Varsava” đã cũ, vốn là chiếc xe “Popeđa” của Liên Xô đã được cải tiến, đưa chúng tôi cùng đồng chí phiên dịch và đồng chí bảo vệ lên đường xuống trận địa. Chúng tôi phải qua một chặng đường khoảng 70 km. Tiểu đoàn đóng quân trong vùng núi, nằm ở phía nam Trung tâm huấn luyện của chúng tôi.

Ai chưa từng ở Việt Nam vào thời điểm này, khó hình dung ra nổi những con đường bộ. Đó là một dải đất nhỏ được đắp lên giữa cánh đồng lúa và được gọi là đường. Ngoài việc nó bị các loại phương tiện vận tải như xe ngựa, xe bò, xe ô tô đào xới mỗi lần sau cơn mưa, nó còn bị máy bay Mỹ ném bom phá hoại. Thế rồi các nhánh sông, nhánh suối cũng trở thành những chướng ngại vật khó khắc phục. Các cầu qua sông đã trở thành mục tiêu chính của không lực Hoa Kỳ. Đã một số lần, khi cầu mới bị phá hoại, chúng tôi phải quay đầu xe đi vòng qua rừng để đến đơn vị, mặc dù chỉ cách đó 10 km. Đường trong rừng rất hẹp, chẳng khác nào đi trong đường hầm, hai bên đường cành lá xum xuê. Dọc đường, ở những nơi có vách đá đều được sử dụng làm trận địa pháo cao xạ. Khi qua các trạm gác công an, thỉnh thoảng chúng tôi cũng bị dừng lại kiểm tra. Bất ngờ xuất hiện các xe quân sự có lưới và lá ngụy trang, đó là xe chở khí tài Tên lửa phòng không S-75 “Đvina”.

Loại khí tài này được trang bị cho Quân đội Liên Xô từ năm 1957. Nó gồm có xe điều khiển, xe trinh sát và chỉ thị mục tiêu (trạm ra đa nhìn vòng), quả đạn tên lửa 2 tầng, 6 bệ phóng, các xe nạp đạn TZM và các xe cung cấp điện. Đảm bảo công tác thông tin liên lạc có đài thông tin tiếp sức P-401, đài liên lạc vô tuyến sóng cực ngắn P-109. Chính bộ khí tài này đã cắt đứt các chuyến bay của máy bay do thám Mỹ trên bầu trời Liên Xô. Nhằm tránh tổn thất cho các chuyến bay trên bầu trời Liên Xô, Cục Tình báo Mỹ đã đặt mua hàng của Công ty “Lokkheed” loại máy bay bay ở tầm cao U-2. Loại máy bay này có thể bay ở độ cao 24400 m, và được trang bị máy chụp ảnh, không có vũ khí. Từ ngày được đưa vào sử dụng cho đến đầu tháng 5 năm 1960, các máy bay U-2 đã xâm phạm bầu trời Liên Xô mà không bị trừng phạt. Ngày 01 tháng 5 năm 1960, Mỹ đã quyết định cho máy bay xâm phạm bầu trời Quảng trường Đỏ ở Moskva khi đang tiến hành duyệt binh. Máy bay do Pauers lái, cất cánh từ Trung Á. Hệ thống ra đa Phòng không của Liên Xô đã phát hiện đường bay của nó. Đơn vị Tên lửa S-75 đã phóng 2 quả đạn. Một quả trúng vào máy bay của Liên Xô, quả thứ 2 trúng vào phần đuôi U-2. Tên giặc lái bị các nông trang viên bắt. Nỏ bị kết án 8 năm tù và năm 1962 nó được trao đổi với một điệp viên nổi tiếng của Liên Xô tên là Ruđolph Abel.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Ba, 2023, 08:06:58 pm
Thực hiện Hiệp định đã ký giữa hai Chính phủ Việt Nam và Liên Xô, đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 4 năm 1965. Đoàn có gần 100 người, chủ yếu là lính tên lửa và cao xạ. Trưởng đoàn là Đại tá Đzưza A.M.

Nhiệm vụ của Đoàn chuyên gia là đào tạo 2 Trung đoàn Tên lửa Phòng không đầu tiên của Việt Nam và sau thời gian ngắn nhất, hai trung đoàn này có thể hành quân ra trận địa.

Vì tình hình chiến sự tại thời điểm này rất phức tạp, hàng ngày máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc Việt Nam, nên việc huấn luyện Bộ đội Tên lửa Việt Nam phải tiến hành khẩn trương theo nguyên lý “Bạn hãy làm theo tôi”. Các học viên phải làm việc với cường độ 14-15 giờ/ngày trong điều kiện khí hậu tới 40 độ C và độ ẩm cao. Tuy thế, trung tuần tháng 7 năm 1965, chương trình huấn luyện cơ bản đã được hoàn thành. Ngày 24 tháng 7 năm 1965, 2 Tiểu đoàn 63 và 64 Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 đã ra quân chiến đấu và đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Đó là những chiếc máy bay thứ 399, 400 và 401 của Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc Việt Nam. Chỉ huy Tiểu đoàn 63 là Thiểu tá Boris Mozaev, đồng chỉ huy là Đại úy Nguyễn Văn Thân. Chỉ huy Tiểu đoàn 64 là Thiếu tá Phedor Ilin, đồng chỉ huy là Đại úy Nguyễn Văn Ninh.

Thắng lợi giòn giã trong việc sử dụng tên lửa Phòng không Liên Xô đã gây cho Mỹ một cú sốc lớn. Đối với Mỹ, không còn là bá chủ trên không và các cuộc ném bom sẽ bị trừng phạt. Mỹ phải ngừng ném bom 2 tuần. Phi công Mỹ được trả gấp đôi lương cho mỗi chuyến bay. Và chi sau những yếu tố đó, Mỹ lại tiếp tục ném bom miền Bắc Việt Nam. Một bộ phận nhỏ phi công trên hàng không mẫu hạm đã bị thay đổi. Và lúc này, một trong các nhiệm vụ chính của Không quân Mỹ là phát hiện và tiêu diệt khí tài Tên lửa Phòng không của Liên Xô.

Trước khi sang Việt Nam, tôi cũng đã một số lần đến công tác ở các trận địa Tên lửa Phòng không ở trong nước. Theo thông lệ, thì các trận địa này đều là trận địa cố định và giấu kín trong các hầm bê tông hoặc dưới đất. Các xe ca bin được nối với nhau bằng đường dây cáp đẹp. Đặc biệt việc ngụy trang cho toàn Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không được làm rất đẹp. Đối với các đồng chí Việt Nam, chúng tôi không phải dạy cách đánh lừa địch. Công tác ngụy trang và rừng núi đã giấu kín binh khí một cách đáng tin cậy.

Tôi có ý định tìm hiểu việc bố trí khí tài trên trận địa như thế nào. Nhưng tiếc là trong Tiểu đoàn không có chuyên gia Liên Xô. Trước khi bắt tay vào công việc, đồng chí Tiểu đoàn trưởng Việt Nam đã ra lệnh đem bữa ăn đến cho chúng tôi. Chỉ sau mấy phút, các đồng chí Việt Nam đã đem đến cho chúng tôi những đĩa cơm cá. Trên bàn ăn còn có nước mắm, rau, bát ăn cơm và đôi đũa tre.

Điều hạnh phúc đến với chúng tôi là đồng chí Tiểu đoàn trưởng đã học ở Liên Xô, đồng chí đã lệnh đem cùi rìa và móng sét cho chúng tôi. Chúng tôi hiểu không chỉ cần phải học tiếng Việt, mà cần phải biết cả phong tục, tập tục và phải biết sử dụng đũa trong các bữa ăn. Đồng chí phiên dịch của chúng tôi nhanh nhẹn cầm đôi đũa và sẻ một phần khẩu phần ăn trong đĩa vào bát con và bắt đầu ăn. Hai đồng chí trong nhóm chúng tôi - Shatrov và Tataev cũng bắt chước các động tác của đồng chí phiên dịch. Những người xung quanh được một trận cười chảy nước mắt khi thức ăn trong các bát của 2 người đồng hương của tôi bị rơi xuống quần. Không sao, chúng tôi sẽ biết dùng đũa, chỉ cần thêm một thời gian nữa thôi.

Sau ăn trưa, chúng tôi được đưa đến đài tiếp sức. Đài được đặt trên sàn xe Gat-63 và được lá cây ngụy trang kin. Xe nạp ắc qui dã chiến được đặt ngay bên cạnh xe ô tô đặt đài tiếp sức. Hai đồng chí Việt Nam có ý định mắc nối tiếp 2 bình ắc qui không cùng ký hiệu, do đó họ bị anh em quát ầm lên để ngăn lại. Chúng tôi trèo lên xe Gaz-63. Trời ơi! Đây không phải là xe thông tin mà là một phòng tắm hơi. Tôi tìm nhiệt kế. Kim nhiệt kế chỉ con số +70 độ C, cao chút nữa là đến mức ngưỡng. Theo yêu cầu của chúng tôi, đồng chí Trung sĩ trực ban nhanh chóng bật quạt máy. Hơi nóng đập vào mặt chẳng khác nào vừa trong nhà xông hơi ra. Tôi hiểu tất cả. Tôi tự tắt quạt máy. Trên xe không có các khối riêng biệt. Tôi băn khoăn hỏi đồng chí Trưởng đài về những ô trống rỗng. Câu trả lời đại loại như thế này:

“Trong điều kiện dã ngoại, chúng tôi không sử dụng những khối đó”.

“Vì đó là những khối dự bị? Các khối nạp ắc qui tự động có thể cần tới trong bất kỳ lúc nào?”.

Im lặng. Để kiểm tra đài thông tin chuyển tiếp, tôi lấy nửa khối thứ nhất điều chỉnh nửa khối thứ 2.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Ba, 2023, 08:09:18 pm
Đài đang ở chế độ làm việc. Tôi lưu ý là các tần số của máy thu phát bị mờ. Tôi hỏi: để kiểm tra liên lạc với các đài đối thì lấy tần số làm việc ở đâu? Đồng chí trưởng đài trả lời: Tần số bị mờ nhằm để địch không biết được tần số đó (??!!). Sau cuộc trao đổi chớp nhoáng, đồng chí Trưởng đài miễn cưỡng đã cho tôi tần số làm việc để kiểm tra liên lạc. Đài đối không trả lời phiên gọi của tôi. Công việc căng thẳng. Trong buồng máy chật chội, ngoài tôi và đồng chí phiên dịch, còn có đồng chí Trưởng đài và 2 đồng chí chuyên gia cùng đi với tôi. Tôi mời tất cả mọi người ra khỏi buồng máy. Đồng chí Việt Nam đem đến 1 xô nước. Tôi đổ nước ra sàn. Trên thế gian không có điều tuyệt diệu nào hơn nếu như nửa thứ nhất của bộ khí tài điều chỉnh được nửa thứ hai và đảm bảo được liên lạc, thì khi làm việc bên thứ 2 ở đâu? Có thể ở đầu bên kia máy bị hỏng? Tôi nhớ lại qui tắc của hiệu thính viên: “Nếu không có liên lạc, phải tìm nguyên nhân ở ngay chính mình!!”.

Màn đêm đã xuống. Tiếng kêu ve sầu phá tan yên tĩnh, nhiều đom đóm bay lập lòe. Trong rừng vang lên những tạp âm khác nhau Trong đầm bên cạnh vang lên tiếng kêu của mấy chú ễnh ương và tiếng sủa hình như của chó... Không phải, đó là tiếng kêu của những chú ếch to. Nhưng... tôi không còn tâm trí để quan sát thế giới kỳ lạ đó. Không có liên lạc! Cự ly đến đài đối - tất cả chừng 15 - 20km. Tôi nhớ lời thầy dạy ở Kyakht. Thôi, cứ áp dụng một cách máy móc đi, tôi lấy một đoạn cáp thay cho ăng-ten 14 mét để đấu vào khối mất liên lạc. Mở máy và điều chỉnh. Thật là kỳ diệu: có liên lạc rồi!!! Đồng chí Trưởng đài nhìn tôi một cách ngạc nhiên: “Sao lại thế? không có ăng-ten mà liên lạc được! Chúng tôi lại định thảo khối này đi, vì chẳng ai cần đến nó!!!”. Tôi ra lệnh nhanh chóng hạ ăng-ten xuống, dùng cồn rửa các phích cao tần, kiểm tra cực tính của tần số. Ái chà chà, cực tính của ăng-ten bị nhầm lẫn!!! Gần sáng thì đường liên lạc tải 3 (đài chuyển tiếp) đã được điều chỉnh và trên chỉ huy sở của Tiểu đoàn đã có chiếc máy điện thoại.

Tôi báo cáo Tiểu đoàn trưởng kết quả công tác. ông chăm chú nghe. Tôi đặc biệt nhấn mạnh sai sót không thể dung thứ được về việc mất đồng bộ trên xe thông tin liên lạc chuyển tiếp. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng hứa với tôi là ông sẽ đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự buổi họp đầu tiên của các cán bộ chủ chốt. Câu trả lời của đồng chí Tiểu đoàn trưởng làm tôi hơi ngạc nhiên. Tại thời điểm này, trong Quân đội nhân dân Việt Nam chưa có chế độ 1 thủ trưởng. Trong một vài trường hợp, Chính ủy Tiểu đoàn có thể thay đổi chỉ thị của Tiểu đoàn trưởng, cấp dưới cũng có quyền thảo luận chỉ thị và không chấp hành chỉ thị đó. Tất cả mọi công việc đều do Hội nghị các cán bộ chủ chốt quyết định. Theo quan điểm của tôi, trong điều kiện chiến đấu, những hành động tương tự như trên không đem lại cho sự nghiệp chung một kết quả khả quan.

Tiểu đoàn trưởng đề nghị tôi lên lớp dạy cách nạp các bình ắc qui. Thôi được, khi ở đại đội chỉ huy ở Yrkutsk tôi đã phải làm việc này. Binh nhất Shatrov sẽ phụ trách các bài thực hành. Khi kiểm tra xe nạp ắc qui, chúng tôi phát hiện có nhiều bình không có chất điện phân. Vì thế không chỉ dạy cách nạp mà còn phải dạy cách chuẩn bị chất điện phân, cách đo nồng độ các điện phân và nhiều vấn đề khác.

Sau đợt huấn luyện, đồng chí Tiểu đoàn trưởng mời tôi đến lán của đồng chí ấy ăn bữa cơm tối theo “thực đơn Nga”. Cũng lại cơm, một miếng thịt gà, rau thỏa sức, dứa và chuối. Tối hôm đó chúng tôi cùng ngủ trong lán có màn “chống muỗi”. Buổi tối chúng tôi đã xua hết muỗi trong màn và đêm đó ngủ rất ngon. Tuy thế, cũng vài lần phải thức dậy để xua muỗi ra khỏi màn. Không hiểu tại sao muỗi vẫn chui được vào màn? Đơn giản thôi, có thể đoán được câu trả lời. Sớm dậy chúng tôi nhanh chóng lên xe “Varsava” để về Trung tâm huấn luyện.

Sau khi về đến Trung tâm, tôi báo cáo kết quả chuyến công tác cho đồng chí Thiếu tá Rưzik - Trưởng đoàn chuyên gia, đặc biệt là nguyên nhân làm mất đồng bộ trạm thông tin chuyển tiếp. Lãnh đạo Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 đánh giá cao kết quả công tác của chúng tôi. Đồng chí Trưởng đoàn chuyên gia đề nghị tôi ở lại Trung đoàn 238 làm cố vấn cho Trung đoàn trưởng về công tác thông tin. Khi tôi trình bày lại là ở trong nước tôi chỉ chỉ huy một Trung đội thông tin, đồng chí Thiếu tá - Trưởng đoàn đã trả lời: “Các đồng chí Việt Nam đề nghị đấy”. Tôi phải đồng ý.

Chẳng bao lâu chúng tôi nhận được tin vui, ở tiểu đoàn nơi tôi đến sửa chữa thiết bị thông tin, đã bắn rơi 2 máy bay của địch. Tôi cảm thấy tự hào về tiểu đoàn đó, tiểu đoàn của “chúng ta” đã thân quen rồi. Tự hào về các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam. Trong chiến thắng này có một phần sức lao động của tôi.

Sau một số ngày, tất cả chuyên gia trong đoàn đều được phân chia xuống các đơn vị chiến đấu. Mỗi Trung đoàn Tên lửa Phòng không có từ 30-40 chuyên gia Liên Xô. Đồng chí Shatrovury về Trung đoàn 238. Trước khi chúng tôi sang Việt Nam, ở Trung đoàn chưa có chuyên gia - thông tin Liên Xô. Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu hệ thống thông tin của Trung đoàn. Nhưng nghiên cứu thế nào? Không có một tài liệu nào nói về tổ chức thông tin. Sơ đồ cũng không có. Thông qua đồng chí phiên dịch, tôi hỏi đồng chí quyền Trưởng đài về mặt tổ chức thông tin liên lạc. Tôi nhận được câu trả lời rành rọt - về trạm thông tin chuyển tiếp và thông tin VTĐ. Tôi nhớ lại tần số làm việc đã bị mờ ở trạm thông tin chuyển tiếp. Tôi hiểu đồng chí Trưởng trạm thông tin của Trung đoàn chưa tin vào tôi, người trung úy trẻ này.

Chúng tôi tiếp tục sống ở Trung tâm huấn luyện. Hàng sáng, sau khi ăn sáng xong, xe lại đưa chúng tôi đến các trận địa hỏa lực. Tôi cùng đồng chí phiên dịch và đồng chí phụ trách thông tin liên lạc của Trung đoàn bắt đầu công việc trên xe thông tin. Không thể gọi công việc chúng tôi đang làm là bảo dưỡng định kỳ, vì đây là dạy thực hành các qui tắc sử dụng và bảo dưỡng kỹ thuật cho cán bộ chiến sĩ thông tin đang làm việc trên các đài R-401; R-118B và đài vô tuyến sóng cực ngắn. Đồng chí Binh nhất Shatrov đã phục vụ 2 năm trong Đại đội chỉ huy với nhiệm vụ là cơ công chính của đài R-401. Sau một thời gian ngắn, các chiến sĩ thông tin của đài tiếp sức R-401 và đài sóng ngắn công suất trung bình đã nắm được những kinh nghiệm bảo dưỡng kỹ thuật mà mình đang phụ trách. Thật thú vị khi nhìn thấy các đồng chí Việt Nam và chúng tôi đã nhanh chóng có tiếng nói chung khi làm việc trong lĩnh vực thông tin liên lạc.

Trong quá trình dạy học, phần lớn thời gian chúng tôi làm động tác, dùng các bản vẽ và sơ đồ chức năng để giải thích nếu như có cái gì đó chưa rõ. Trong trường hợp cần thiết mới đề nghị đồng chí phiên dịch hỗ trợ. Tốt vui biết mấy, nếu khi người dịch có kiến thức về kỹ thuật hoặc làm việc với kỹ sư và sẽ giảng giải giúp. Tôi cũng ngạc nhiên về bản thân, vì tôi cũng nhanh chóng hiểu được nghĩa của các danh từ kỹ thuật bằng tiếng Việt. Thí dụ các từ sau đây: điện trở, bán dẫn, đèn điện tử, tụ điện, rơ le, v.v... Hiểu biết những từ đó đã giúp chúng tôi rất nhiều trong khi trao đổi những vấn đề kỹ thuật.

Chỉ sau một tuần làm việc, sự cách biệt giữa chúng tôi không còn nữa. Chúng tôi biết, đồng chí phụ trách thông tin liên lạc của đơn vị đã chiến đấu trong chiến trường miền Nam và là Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Về phần mình, tôi cũng không giấu giếm, tôi cũng là Đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô.

Một hôm vào buổi sớm, khi chúng tôi đang làm việc, bỗng vang lên tiếng súng của đại đội pháo cao xạ 37 ly. Chúng tôi nhanh chóng chạy ra khỏi xe. Chúng tôi thấy ở độ cao không quá 200 mét có 2 máy bay đang bay thẳng về phía chúng tôi. Trong tích tắc, chúng đã đến rất gần khu vực chúng tôi. Chúng tôi lao nhanh xuống hào, tìm nơi ẩn nấp. Một loạt tiếng nổ của rốc két “không đối đất” vang lên cách chúng tôi khoảng 10 mét. Cũng lúc đó, bọn chúng còn nhả đạn súng máy vào các công trình ở gần đó. Đây là lần đầu tiên chúng tôi bị bọn Mỹ uy hiếp trên mảnh đất Việt Nam. Tất nhiên là sẽ có nhiều lần như thế, nhưng không ai có thể nhớ và viết hết được, song lần đầu tiên và lần cuối cùng thì nhớ suốt đời.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Ba, 2023, 08:12:54 pm
Chuẩn bị cơ sở huấn luyện

Cuối tháng 9 năm 1965, tôi được gọi về Sứ quán Liên Xô tại Hà Nội gặp đồng chí Thiếu tá Gromov Aleksanđr Ivanovich. Trong buổi làm việc, đồng chí Thiếu tá hỏi tôi:

- Đồng chí có biết các loại máy thông tin vô tuyến trên mặt đất và trên máy bay dùng vào việc liên lạc với không quân không?

- Báo cáo đồng chí, tôi học ở trường Cao đẳng Hàng không quân sự Khrakov. Song trong quân đội, tôi chưa có thực tế.

- Trong số chuyên gia ở Việt Nam, chưa có ai biết các loại thiết bị này. Đồng chí hãy dạy các đồng chí Việt Nam nhé!

Đồng chí Thiếu tá còn thông báo cho tôi biết quyết định của Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô về việc từ nay tôi làm việc dưới quyền điều hành của đồng chí Thiếu tá. Nhiệm vụ của nhóm chúng tôi là đào tạo các chuyên gia Việt Nam, biết sửa chữa các thiết bị thông tin. Theo đề nghị của tôi, các đồng chí binh nhất Shatrov, Tataev và Sheglov được điều về nhóm này.

Thiếu tá Gromov là trưởng nhóm chuyên gia bộ đội thông tin ở Việt Nam. Đồng chí đã tham gia trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, tốt nghiệp Học viện Thông tin Quân sự. Đồng chí quyết định mọi vấn đề về tổ chức, dự trù, phân phối và sửa chữa các thiết bị thông tin liên lạc cho tất cả các Trung đoàn Tên lửa Phòng không.

Ngày hôm sau, chúng tôi chuyển về khách sạn Kim Liên, nơi có nhiều chuyên gia nước ngoài đang ở và được làm tốt công tác bảo vệ. Ngoài chuyên gia Liên Xô, còn có các chuyên gia Trung Quốc, Triều Tiên, Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức và Nam Tư.

Trong khu tập thể này có 5-6 nhà loại 4 tầng, một nhà ăn 2 tầng, có cửa hàng tạp hóa, có sân bóng chuyền và bóng rổ. Người ra, vào khu tập thể này đều phải qua thường trực cảnh sát bảo vệ.

Bổ sung vào nhóm của tôi có: Đại úy Larionov E. I., Đại úy Rưbin I.A., Đại úy Voznesensky V.A., Đại úy Bakulin O.I., Thượng úy Kanhyuk V.I và tôi - Trung úy Skreblyukov A.I., có các chiến sĩ Shantrov, Tataev và Sheglov. Ngoài việc huấn luyện, tôi còn được phân công phụ trách số chiến sĩ thông tin nói trên.

Sĩ quan và chiến sĩ đều được bố trí 2 người 1 phòng. Thiếu tá Aleksanđr Ivanov Gromov ở riêng một phòng dành cho cán bộ chỉ huy. Thời gian đào tạo cán bộ sửa chữa thiết bị thông tin là 3 tháng.

Để huấn luyện cần phải có máy phục vụ cho công tác kiểm tra. Vì thế phải tháo máy ra khỏi xe ô tô và các thiết bị thông tin dã ngoại, sau đó lại phải lắp đặt lại vào xe ô tô. Công việc thật là phức tạp. Nếu việc này tiến hành trong thời bình hoặc ở Liên Xô thỉ chỉ có đại diện của nhà máy sản xuất mới được làm. Trong số các chuyên gia Liên Xô ở Việt Nam vào thời điểm đó, chỉ có tôi đã được học trong trường Cao đẳng Thông tin và biết sử dụng đài thông tin R-842M. Song chỉ học phần lý thuyết mà chưa có thực hành. Ngoài quyển tài liệu kỹ thuật đi cùng máy, không có một loại tài liệu giáo trình.

Thiết bị dùng để dạy các học viên không phải là thiết bị mới mà là thiết bị đã trải qua một chặng đường dài từ Liên Xô qua Trung Quốc sang Việt Nam. Trên đường vận chuyển, thiết bị đã bị lưu lại trong rừng ở Việt Nam hay ở Trung Quốc trong điều kiện không được che chắn nắng mưa.

Trước khi tháo máy ra khỏi xe ô tô Zil-157, phải mất nhiều công sức để đưa máy vào trạng thái làm việc. Đó quả thật là một việc khó đối với người chưa có kinh nghiệm thực tế, song tôi đã cố gắng hoàn thành tốt công việc này.

Trung tâm huấn luyện là một sân của hợp tác xã nông nghiệp có vài gian nhà tạm, các cửa sổ được chiếu che kín. Trong khuôn viên của sân có bếp ăn dã chiến và mái che cho xe thông tin. Các học viên sống ở xóm bên cạnh. Cách đó khoảng 100 mét là nhà vệ sinh công cộng, người nông dân sử dụng nó để lấy phân hữu cơ bón ruộng.

Chúng tôi làm việc từ 12 đến 14 giờ trong ngày. Hàng ngày chúng tôi dậy sớm, ăn sáng ở khách sạn Kim Liên, đến Trung tâm và chiều tối muộn mới quay trở về Kim Liên. Buổi trưa, chúng tôi chỉ uống nước chè với các đồng chí phiên dịch. Sau một số ngày, công tác chuẩn bị để dạy các bạn Việt Nam đã được hoàn tất.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2023, 09:11:21 pm
Khởi đầu công tác đào tạo Bộ đội Thông tin

Trong thời gian công tác ở Việt Nam, tiền lương của chúng tôi được trả như sau: 100% lương của chúng tôi (lương trung úy như tôi là 120 rúp) được để ở trong nước cho gia đình, ở Việt Nam, chúng tôi được lĩnh một khoản lương bằng tiền Việt Nam tương ứng với chức vụ và quân hàm. Tôi được lĩnh 210 đồng/ tháng. (Tại thời điểm đó 1 VND = 0,5 rúp Liên Xô).

Chúng tôi chỉ trả tiền ăn, các dịch vụ khác như nhà ở, phương tiện đi lại, nước uống, bảo vệ, do phía Việt Nam chi trả. Số tiền còn lại chúng tôi chi cho các nhu cầu khác của cá nhân hoặc chuyển sang thẻ tín dụng màu xanh dùng để mua các mặt hàng trong cửa hàng “Bạch dương” dành riêng cho các chuyên gia Liên Xô hoặc là gửi vào Ngân hàng để lấy tiền rúp.

Sau khi chúng tôi về ở khách sạn Kim Liên, đoàn chúng tôi ăn ở nhà ăn của khách sạn theo định lượng của mình, do đó chúng tôi có thể tiết kiệm được thêm ít chút.

Tại trung tâm huấn luyện, tất cả đã sẵn sàng tiếp nhận những học viên đầu tiên. Mỗi sĩ quan Liên Xô phụ trách một trung đội thông tin Việt Nam. Tôi được phân công dạy máy thu phát R-824M là loại thiết bị khó nhất và hiện đại nhất thời bấy giờ. Trung đội học viên của tôi có 12 người do đồng chí Thiếu úy Thanh làm chỉ huy. Trung sĩ Hoan (hoặc Hoàn - ND) có thân hình béo, có 3 con, là phiên dịch cho chúng tôi.

Tại Trung tâm huấn luyện có tất cả 6 trung đội: trung đội của tôi, trung đội của Thượng úy Kanhyuk cũng học loại máy thu phát sóng cực ngắn R-814. Trung đội của Đại úy Voznesensky học loại máy P-312 và P-303. Trung đội của Đại úy Bakulin học thiết bị thông tin chuyển tiếp R-401M, R-405. Trung đội của Đại úy Rưbin và trung đội của Đại úy Larionov học loại thiết bị thông tin có công suất trung bình R-118BM và R-102M.

Những giờ học đầu tiên chúng tôi gặp nhiều khó khăn, vì đồng chí phiên dịch không có kiến thức về kỹ thuật. Trước tiên, chúng tôi phải nói và giải thích cho đồng chí phiên dịch, rồi đồng chí phiên dịch mới dịch cho học viên. Các học viên rất chịu khó, cố gắng ghi tất cả những điều nghe được vào vở. Cuối mỗi tiết học, các học viên lại bắt đầu nêu ra những câu hỏi. Tất nhiên đồng chí phiên dịch dịch theo ý của mình. Nhiều câu hỏi phải được làm rõ và đính chính lại, và cuối cùng chúng tôi mới trả lời đúng.

Chúng tôi rất cảm phục tinh thần yêu lao động và sự khát khao kiến thức của các học viên. Chỉ sau mấy ngày, chúng tôi đã gắn bó với nhau. Đồng chí phiên dịch đã có kinh nghiệm giao tiếp, các học viên hiểu tiếng Nga (một số trong họ đã học tiếng Nga trong trường phổ thông), các giáo viên kiên trì học các từ kỹ thuật bằng tiếng Việt. Đồng chí phiên dịch không chỉ gắn bó với giáo viên trong phạm vi bài giảng, mà luôn trò chuyện về sinh hoạt, gia đình, cha mẹ, vợ con và bạn bè. Các học viên luôn hỏi về Liên Xô và chú ý lắng nghe... Tất cả chúng tôi cố gắng lảng tránh những vấn đề chính trị.

Cách dạy và học như thế, đến cuối tháng đầu tiên của khóa học, chúng tôi đã có thể sử dụng ½ ngôn ngữ dạy học là tiếng Việt và các đồng chí học viên có thể sử dụng 1/2 ngôn ngữ là tiếng Nga để trả lời các câu hỏi của thày giáo. Chúng tôi đã hiểu nhau và gắn bó với nhau như thế đó.

Bắt đầu mỗi bài học, chúng tôi đều chào nhau. Sau mỗi đợt giải lao, khi vào lớp, nhất thiết phải bắt tay đồng chí Trung đội trưởng và chào cả lớp. Chúng tôi nói tiếng Việt:

- Chào các đồng chí!

Cả lớp đồng thanh:

- Chào đồng chí!

Cứ như thể, 7 lần trong ngày. Trong khi chúng tôi lên lớp, đồng chí cấp dưỡng (đồng thời cũng là quản trị của chúng tôi) đến chợ hoặc tìm mua thực phẩm của người dân, chuẩn bị bữa ăn trưa cho chúng tôi. Thực đơn chủ yếu là gạo và cá. Một số học viên đã đem từ đồng quê nhiều loại rau, trong đó có loại từ cây tre non mà các bạn Việt Nam gọi là măng.

Giờ nghỉ ăn trưa đã đến. Mỗi học viên đem theo một bát tô và xếp hàng để nhận khẩu phần ăn. Chiến sĩ nuôi quân nhanh chóng đưa cơm vào tô thứ nhất và thức ăn vào tô thứ 2. Các chiến sĩ Việt Nam đứng xung quanh bàn ăn hoặc ngồi lên cái gì thấy thuận tiện, vừa ăn, vừa nói chuyện, vui đùa với nhau. Sau khi uống nước chè, mọi người đi nghi.

Buổi chiều còn 2 tiết học trên lớp. Sau đó, các học viên tự học. Rất khó phân biệt giữa học trên lớp và tự học, bởi vì quá trình tự học diễn ra sôi nổi và căng thẳng. Tôi có nhận xét là Binh nhì Hạnh là người có khuôn mặt tròn, thân hình cao, thường xuyên giải thích những vấn đề nhiều người chưa rõ. Vì thế tự học chẳng khác gì lên lớp.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2023, 09:12:27 pm
Những tổn thất đầu tiên của chúng tôi

Tháng 10 năm 1965, bắt đầu mùa khô. Tư lệnh quân đội Mỹ mở đầu cuộc tấn công chiến thuật mà chúng gọi là “kế hoạch quả đấm thép”. Tham gia cuộc tấn công này có 200 nghìn binh sĩ quân đội viễn chinh Mỹ, 500 nghìn quân đội bù nhìn Nam Việt Nam. 28 nghìn quân đội các nước chư hầu. 2300 máy bay và trực thăng, 1200 pháo, 1400 xe tăng và xe bọc thép, 50 tàu chiến. Mục tiêu chính của chiến dịch này là đánh vào hai hướng chính: ở miền Trung Việt Nam: từ cảng biển lên phía tây biên giới với Lào và Campuchia. Ở miền Nam Việt Nam: từ Sài Gòn lên phía Tây - Bắc biên giới Campuchia. Chúng tăng cường ném bom xuống miền Bắc Việt Nam.

Chúng tôi có linh cảm là trên đất nước Việt Nam tình hình chiến sự đang xảy ra một cách ác liệt. Do chưa có thông tin chính thống, nên đoàn chúng tôi dùng máy thu thanh riêng để nghe các đài phát thanh Moskva, Trung Quốc và Rumani, thậm chí chúng tôi nghe cả các buổi phát thanh phát đi từ các đài trên hàng không mẫu hạm của Mỹ. Trong đơn vị có nhiều cán bộ, chiến sĩ Việt Nam sinh ra từ miền Nam. Mặc dù không biết tiếng, song chúng tôi cũng có thể nhìn thấy họ đang lo lắng về gia đình, về những người thân đang sống dưới chế độ Mỹ - Ngụy.

Hàng ngày Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc Việt Nam. Trước đây, ngày chủ nhật, phi công Mỹ được nghỉ. Nhưng từ khi mở chiến dịch này, chúng hoạt động cả ban ngày, ban đêm và ngày nghỉ.

Ngày chủ nhật 17 tháng 10 năm 1965 là ngày chúng tôi phải chịu những tổn thất đầu tiên tại trận địa Tiểu đoàn 82 Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238.

Theo lời kể của Đại úy Đemchenko - Đại đội trưởng Đại đội bệ phóng, 8 giờ sáng hôm đó, họ tiến hành kiểm tra khí tài. Sau khi đã kiểm tra xong, một tổ trực chiến được phân công ở lại trận địa, số còn lại trở về nơi tạm trú. Mọi người chưa kịp ăn sáng đã nghe tiếng còi báo động và nhanh chóng lên xe ra trận địa. Đã gần 10 giờ sáng. Khi chúng tôi đến trận địa, tất cả các ca bin đều đã được mở máy, các quả đạn đều đã được tháo bạt, các khẩu đội tiến hành sục sạo mục tiêu. Chiến sĩ đại đội bệ phóng ở trong hầm, một số đồng chí tập trung theo dõi mục tiêu trên bản tiêu đồ được kéo ra từ một xe nằm sát lều bạt.

Toàn Tiểu đoàn tập trung vào mục tiêu đang bay ở phía bắc trận địa. Nhưng địch thả nhiễu quá nhiều, trên màn hình không thể xác định được mục tiêu và không thể ra lệnh bắn được. Trong khi đó, từ phía Nam trận địa, một tốp A-4 của địch bay ở tầm thấp, khi gần tới trận địa tên lửa, chúng đã đột ngột bay vọt lên và lao xuống, ném bom vào trận địa tên lửa phòng không. Đơn vị pháo cao xạ 4 nòng ở vòng ngoài trận địa tên lửa đã kịp nhả đạn và đã làm cho một máy bay địch bốc cháy và rơi xuống vùng núi cách trận địa tên lửa khoảng 500 mét.

Cũng trong thời gian đó. bất ngờ từ phía Tây trận địa đã vang lên một tiếng nổ không khác nào tiếng sấm, vả sau vài giây tiếp theo là 3 tiếng nổ ở ca bin, 2 cột khói đen bốc lên. 3 máy bay Mỹ F-104 đã vòng sang bên trái và sau mấy giây chúng đã ném bom xuống trận địa. Hai bệ phóng tên lửa bị bom phá hủy hoàn toàn và xe chỉ huy cũng bị thiệt hại nặng. 7 chiến sĩ bị thương, trong đó có Binh nhất Vitaly Smimov. Đồng chí Smimov bị 2 vết thương, một vào sườn và một vào chân. Máy bay trực thăng từ Hà Nội nhanh chóng đến trận địa và đưa các thương binh về bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Sau này chúng tôi được thông tin cho biết, tại Quân y viện 108, tập thể bác sĩ giỏi đã tập trung tiến hành phẫu thuật để lấy mảnh đạn ra khỏi thận của đồng chí Smimov. Song vết thương của đồng chí ấy quá nặng, ngày 24 tháng 10, đồng chí Smimov đã hy sinh. Vợ và con gái 1 tuổi của đồng chí ấy đang sống ở khu vực ga xe lửa Yaya tỉnh Kemerovskaya đau buồn khi nhận được tin dữ này.

Đó là tổn thất đầu tiên của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam.

Trên trận địa của Tiểu đoàn 82 Trung đoàn Tên lửa Phòng không đã diễn ra một cuộc họp khẩn cấp để đánh giá tình hình của đơn vị: Tinh thần chiến đấu của cán bộ chiến sĩ rất cao, khí tài có thể nhanh chóng được sửa chữa... Bộ chỉ huy quyết định khẩn trương dùng mọi biện pháp để đưa Tiểu đoàn vào tư thế sẵn sàng chiến đấu. Gần 12 giờ ngày hôm đó, một tốp máy bay Mỹ lại bay vào khu vực hoạt động của tên lửa phòng không. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 82 ra lệnh phóng 2 quả đạn, một máy bay F-105 của không lực Hoa Kỳ đã bị bắn rơi.

Như vậy, trong trận đầu, Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 82 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư khen ngợi Tiểu đoàn. Do có lòng quả cảm và tinh thần chiến đấu cao, các chuyên gia Liên Xô đang làm việc tại Việt Nam lúc bấy giờ đã gọi Tiểu đoàn 82 là “Tiểu đoàn thép” của Trung đoàn Tên lửa Phòng không.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2023, 09:14:22 pm
Nhiệm vụ chiến đấu

Kế hoạch học tập của chúng tôi không được thực hiện một cách có hệ thống, nhiều khi bị gián đoạn vì các yêu cầu sửa chữa khẩn cấp số thiết bị thông tin bị hỏng từ các đơn vị chiến đấu gửi tới. Các đồng chí học viên Việt Nam lại bị thu hút vào công việc này. Cuối tháng 10 năm đó, Thiếu tá Gromov đột nhiên đến Trung tâm huấn luyện. Đồng chí Gromov thông báo, đài thông tin chính tại sân bay Kép, nơi có các máy bay MiG-17 đã bị hỏng, đã cho mở máy thông tin dự phòng R-824M, nhưng nó không hoạt động được. Hiện tại việc liên lạc với các máy bay được duy trì là nhờ vào một trạm cơ động nào đó. Một điều rất rõ là việc liên lạc với các máy bay bảo vệ Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 và Thủ đô Hà Nội đang nằm trong tình trạng chẳng khác nào ngàn cân treo trên sợi tóc. Đã có chỉ thị của cấp trên là cử ngay 2 đồng chí học viên lên đường gấp đến sân bay Kép để sửa chữa đài thông tin.

Việc lựa chọn cán bộ đi sửa chữa được tiến hành rất nhanh. Đồng chí Thiệu là một trong 2 số học viên được chọn. Cùng đi với chúng tôi còn có 2 chiến sĩ bảo vệ được trang bị súng AK-47. Tất cả chúng tôi ngồi trên xe Gaz-69 và hành quân lên đường ngay buổi tối hôm đó. Đi từ phía Nam lên phía Bắc Hà Nội phải qua những con phố vào ban đêm trong thời chiến quả là một việc không đơn giản. Trên đường phố đã chật hẹp lại đầy người đi xe đạp, đi bộ và cả xe xích lô nữa. Lái xe chúng tôi luôn bấm còi xin đường, song tốc độ của xe chẳng khác nào con bò đang kéo xe. Đồng chí bảo vệ hiểu tính chất khẩn cấp của nhiệm vụ, nên đã ngó đầu qua cửa xe và giải thích điều gì đó với đồng chí cảnh sát giao thông. Song dù có bằng phương pháp nào cũng không thể thay đổi được tình hình này.

Sau nhiều giờ, xe chúng tôi mới đi tới cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Hồng - cầu Long Biên. Xe chúng tôi bị chặn lại trước cầu. Tất cả mọi lý lẽ chứng minh chúng tôi cần được ưu tiên trong giao thông đều vấp phải tính ngang bướng của các đồng chí cảnh sát giao thông. Họ đã có một qui định rất nghiêm ngặt: 20 phút dành cho ô tô, xe đạp và xe xích lô đi từ nội thành ra, sau đó 20 phút dành cho các phương tiện từ ngoài vào thành phố. Trời tối đến mức tôi không thể chiêm ngưỡng công trình nổi danh của Kiến trúc sư người Pháp Eiffel.

Trong đêm tối đen như mực mà xe chỉ được đi bằng đèn gầm, song chúng tôi đã vượt qua cầu Long Biên, đi được ra ngoài thành phố. Không hiểu đồng chí lái xe đã định hướng thế nào trên con đường như thế? Đối với tôi bây giờ vẫn là điều bí mật. Trong đêm tối như thế, cái xe khốn khổ của chúng tôi cứ phải tạt ngang, tạt ngửa trên đường. Đi khoảng được mấy trăm mét, xe chúng tôi bị sa xuống một hố sâu. Thế là mọi người phải xuống và cùng nhau đẩy nó lên mặt đường. Hình như con đường là vô tận. Tôi nhầm rồi, xe chúng tôi đã đến cuối đường. Thông qua đồng chí phiên dịch, đồng chí lái xe buồn rầu báo cáo với tôi rằng xe không thể tiếp tục đi nữa; nước sông lên cao đến mức không thể qua cầu được. Đồng chí lái xe nhìn thấy sông ở đâu? Đây chỉ là nước lũ tràn về, chẳng có một dòng chảy nào cả, nó như một vùng hồ. Tất cả chúng tôi có 6 người. Tôi cũng sợ và cũng liều, nên quyết định: tiếp tục đi. Trong đêm tối, chúng tôi chỉ mặc quần đùi, cùng với đồng chí lái xe và 1 đồng chí bảo vệ lội xuống nước dò tìm đường cũ. Có những chỗ sâu, nước tới ngang cổ các đồng chí Việt Nam, còn tôi nước đến ngang lưng.

Hạnh phúc đến với chúng tôi là có một đơn vị quân đội hành quân thần tốc. Đồng chí phiên dịch đã trao đổi nhanh với đồng chí chỉ huy đơn vị và đồng chí chỉ huy đơn vị cất lên một tiếng hô rất hữu nghị vang lên: “Liên Xô - Việt Nam muôn năm” và họ đã kéo xe chúng tôi sang bờ bên kia sông. Tôi đã cám ơn đồng chí chỉ huy đơn vị hành quân thần tốc về sự giúp đỡ. Đồng chí chỉ huy đã bắt tay tôi và nói “Liên Xô - Việt Nam - Tình hữu nghị”.

Trời sáng, công việc của chúng tôi trở lên sôi nổi hơn. Cánh rừng đã lùi lại sau, nhường cho những cánh đồng lúa xanh rờn. Tôi thiêm thiếp ngủ và nghe thấy trong cuộc trao đổi giữa đồng chí lái xe và đồng chí phiên dịch có nhiều điều lo lắng. Song tôi lại nghĩ rằng, chúng tôi đã đi đến nơi rồi. Chúng tôi hơi hoảng khi nhìn thấy ở phía trước xe chúng tôi đang đứng là một cái hố nước to khoảng 6 mét. Đó là hố bom. Đồng chí phiên dịch nói: “Đây là hố bom napan, chúng ta phải cẩn thận, có thể bên cạnh còn sót bom chưa nổ hoặc bom hẹn giờ”.

Có rất nhiều người nông dân, mà chủ yếu là phụ nữ, đang hăng say lao động lấp hố bom. Sau một giờ, hố bom đã được lấp kín và xe chúng tôi lại được tiếp tục lăn bánh trên đường đến sân bay.

Trong thời kỳ này, đường bộ và đường sắt ở Việt Nam luôn luôn nằm trong tình trạng bị đào xới.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2023, 09:15:35 pm
Rất khó mô tả lại những sự kiện của những ngày đã lùi đi quá xa. Các bức thư gửi về nhà có giúp gì được trí nhớ không? Trong thời gian công tác ở Việt Nam, tôi đã gửi về cho vợ hơn 100 lá thư. Rất vui là vợ tôi vẫn giữ đủ những lá thư đó. Nhưng trong thời kỳ đó, chúng tôi bị nghiêm cấm viết hoặc có một ký hiệu gì trong thư để người đọc biết được chúng tôi đang chiến đấu ở Việt Nam. Cũng không được nhắc tên bất kỳ người nào. Nghiêm cấm đem máy ảnh đến chỗ làm việc. Trong các ảnh chụp tập thể, không có các đồng chí Việt Nam. Địa chỉ hòm thư của chúng tôi là: Moskva-400, hòm thư số 326. Cha mẹ của một số chiến sĩ rất vui viết: “Con thân yêu! Con được phục vụ ở gần nhà quá! Ngay thủ đô Moskva?”.

Và tất cả các lá thư đó đều được đóng dấu bưu điện, ghi lại những ngày tháng của những năm đó, nay đã trở thành những trang nhật ký tuyệt vời của chúng tôi. Có những bức thư không gửi qua cơ quan kiểm duyệt, mà gửi qua các đồng chí chuyên gia về Liên Xô, thì nội dung được phong phú hơn nhiều.

Quay trở lại chuyến đi của chúng tôi. Đến trưa thì chúng tôi đến trận địa hỏa lực. Cách vài cây số, chúng tôi đã nghe tiếng rít của động cơ máy bay. Đài thông tin R-824 được triển khai tại một vị trí đã được ngụy trang tốt trong rừng rậm. Kíp chiến đấu ở trong một lán mái che, cách đài thông tin vài chục mét. Bên cạnh đài thông tin cũng có hố tránh bom. Phía sau đài thông tin là thiết bị cung cấp điện AB-4 T-230 và máy điezen 3 pha dự phòng.

Đồng chí bảo vệ dừng chúng tôi ở cổng ra vào đơn vị và đề nghị đợi để đồng chí đó báo cáo chỉ huy. Chúng tôi vô cùng phấn khởi khi gặp lại đồng chí Thiếu úy đã đến đây trước. Bằng cử chỉ úp cả bàn tay vào cổ, đồng chí ấy muốn nói với chúng tôi rằng đang rất cần khôi phục khả năng làm việc của đài thông tin. Tất cả chúng tôi hiểu về tình hình của công việc mặc dù đồng chí phiên dịch chưa kịp dịch.

Chúng tôi mở máy và rất hoảng sợ: quá nhếch nhác! Chưa nói là máy hình như đã cũ, nhưng nó cũng không được trang bị đầy đủ. Phía dưới có một lỗ thủng lớn không có khối nạp điện cho ắc qui... Không có khối nguồn. Các tay nắm điều khiển đã bị han gỉ, chứng tỏ chưa bao giờ tiến hành công tác bảo dưỡng định kỳ. Chúng tôi muốn xem sổ nhật ký của máy để biết quá trình làm việc của máy. Song sổ nhật ký cũng không có. May cho chúng tôi là quyển thuyết minh kỹ thuật của máy vẫn còn tại chỗ. Đang xem các tài liệu về máy thì một xe chở một đồng chí Đại úy chuyên gia Liên Xô và một chuyên gia Việt Nam đến. Đồng chí Đại úy mô tả lại tình hình thiết bị thông tin liên lạc trên sân bay và khẩn khoản đề nghị chúng tôi bằng mọi cách nhanh chóng khôi phục lại khả năng làm việc của đài thông tin. Khả năng làm việc của đài thông tin quyết định tính sẵn sàng chiến đấu của cả trung đoàn bay. Đồng chí ấy không chấp nhận đề nghị của tôi là trước tiên cần kiểm tra máy. Đồng chí ấy nói: “Tôi đã kiểm tra trước khi đồng chí đến... Các đồng chí hãy sửa chữa đi, càng nhanh càng tốt!”.

Tôi yêu cầu lắp tất cả các khối của máy vào vị trí. Tôi giao nhiệm vụ cho các học viên là trợ lý của tôi phải kiểm tra xem đã lắp các khối vào đúng vị trí chưa. Tôi tự tháo các khối để kiểm tra bên ngoài. Đúng là tôi chưa gặp trường hợp nào như thế này. Các cuộn cáp đều bị mốc và mối xông. Cáp lại còn bị thủng một số chỗ. Có lẽ chúng bị chuột cắn.

Không hiểu lý do gì mà Trung sĩ Thieu đang cáu với các đồng nghiệp của mình. Khi triển khai đài thông tin, dây tời kim loại bị rơi xuống vòng tròn phía dưới của ăng-ten hình chóp nón, như thế ăng-ten đã bị tiếp đất! Chúng tôi hạ ăng-ten xuống, dùng xăng để lau các tiếp điểm, (rất tiếc là không có cồn để lau).

Khi chuẩn bị bài giảng để dạy các học viên nắm được nguyên lý hoạt động của trạm thông tin và trả lời các câu hỏi của học viên qua phiên dịch, tôi đã thuộc các chi tiết trong mạch sơ đồ ở mức độ không chỉ nắm vững tính năng, tác dụng của từng chi tiết mà còn thuộc cả số của từng tụ điện và từng điện trở, chẳng khác nào đang nằm trong mơ. Song trạm thông tin này đã quá cũ và có nhiều điểm khác so với cùng loại thuộc xêri mới.

Lần mở máy thử đầu tiên đã làm cho một số cầu chì bị hỏng. Trong hộp phụ tùng không có cầu chì và cũng không có hộp phụ tùng của loại máy này. Chúng tôi buộc phải tìm các sợi dây đồng có tiết diện tương đối thích ứng để làm cầu chì. Chúng tôi lau thật sạch các đầu phích cắm điện và các tiếp điểm của rơ le. Kể ra cũng thấy hơi lạ một chút, song chúng tôi vẫn cho chạy máy sấy và ở nhiệt độ cao, chúng tôi sấy các khối bên trong của trạm thông tin. Ngay bây giờ, khi ngồi nhớ lại tôi cũng không thể lý giải được việc làm nói trên của chúng tôi: Nhiệt độ ngoài trời gần +30 độ, còn trong buồng máy là +60 độ, ấy thế mà chúng tôi còn sấy các khối của máy. Tất cả điều đó vì độ ẩm cao, từ 90-100%. Mồ hôi nhỏ xuống sàn nhà nhiều đến mức tạo thành điểm ướt như có nước vừa đổ. Phải làm việc trong điều kiện như thế, chúng tôi không có cách nào khác là sấy thiết bị.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2023, 09:16:55 pm
Sau nhiều giờ làm việc, đồng chí Trưởng đài ngất xỉu. Đồng chí phiên dịch Hoan và Trung sĩ Thieu (trong tiếng Nga không có dấu - ND) đưa đồng chí Trưởng đài ra khỏi xe. Tôi đề nghị cần gọi bác sĩ đến, song cả tập thể không nhất trí và giải thích để tôi yên tâm rằng: đây là việc bình thường khi làm việc trong trạm thông tin. Chập tối, sau trạm thông tin đã có một vòi tắm hoa sen cơ động.

Sau khi đã sấy các khối và cho chạy thử các máy biến thế cao áp và các bộ nắn dòng si len, chúng tôi tiến hành kiểm tra tổng thể. Bữa ăn trưa cho chúng tôi đã được đem đến. vẫn có thịt gà, cơm, gia vị và trái cây. Để ý đến địa hình, xung quanh là rừng, không thể tin được là cách nơi chúng tôi đang làm việc lại có một sân bay hoàn chỉnh. Những cây dầu khuynh diệp, cây lau và tre đã tạo thành hàng rào che chắn thiết bị. Một ăng-ten có chiều cao 14 mét, nhô cao lên không trung chẳng khác nào cây thông trong đêm Nô en. Song chúng tôi chẳng còn tâm trí mơ tưởng đến những ngày Tết trong khi hệ thống điều khiển máy bay đang không có liên lạc.

Sau khi mặt trời lặn, thời tiết đã dịu đi ít chút. Song lại có rất nhiều muỗi và các loại sinh vật bay. Chúng chẳng khác nào đồng minh của Mỹ cứ nhằm vào những chỗ đau nhất của chúng tôi mà cắn. Không thể không nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Tôi lần lượt “lệnh” cho cấp dưới của mình đi ngủ dưới lán che hoặc trong xe Gaz-69. Đến rạng sáng thì máy thu đã được sửa xong. Chúng tôi nghe được tín hiệu của đài thông tin trên không. Niềm vui đã đến với chúng tôi vì khối khuếch đại tần số là khối chủ yếu và khó sửa nhất đã được sửa xong!

Bây giờ có thể nghỉ ngơi một chút. Tôi vừa ngả lưng đã nghe thấy tiếng kẻng báo động ở một nơi xa và tiếng còi báo động của đơn vị cũng vang lên. Tôi vùng dậy và bổ nhào về phía trạm thông tin. Kíp trực chiến và các chuyên gia sửa chữa đã tập họp đầy đủ. Tôi ra lệnh “Tất cả vào hầm!”. Trưởng đài với nụ cười thâm thúy nhìn tôi “Đồng chí Trung uý sao nhát thế?”. Nhóm của tôi đã vào hào, tất cả đều đội mũ sắt. Tiếng ầm ầm của máy bay xé tan sự yên tĩnh. Nghe rất rõ từng hồi vang của súng cao xạ. Bay phía trên hào nào là các cành cây, đất đá và cái gì đó nữa. Tai đã bị ù. Mọi người nằm sát xuống đất. Đồng chí phiên dịch Hoan còn nằm đè lên người tôi để bảo vệ cho tôi!

Tiếng máy bay chưa kịp dứt đã vang lên một tiếng nổ mới. Đó là niềm vui - tên lửa của chúng ta. Nó để lại một vệt khói như đuôi con rồng và lao thẳng vào máy bay địch. Tôi vỗ vai các bạn Việt Nam và nói: “Các bạn xem kìa, tên lửa đang bay trên trời!”. Chính bản thân tôi cũng rất thú vị. Vì đây là lần đầu tôi được tận mắt nhìn thấy tên lửa bay trên trời. Khi ở trong nước, tôi không đến trường bắn, nên chưa nhìn thấy các đợt phóng tên lửa khi bắn đạn thật. Máy bay không kịp né tránh tên lửa. Tên lửa đã đuổi kịp máy bay. Một đám mây dầy đặc nằm giữa tên lửa và máy bay. Một tiếng nổ cực mạnh và một khối lửa và khói lao xuống đất. Một tiếng nổ và một khối khói lửa bao trùm kín vị trí máy bay rơi.

Chúng tôi vội quay trở lại trạm thông tin. Cửa mở và nghe thấy tiếng rên ở bên trong xe. Đồng chí Trưởng trạm bị thương vào bụng và chân đang nằm ở sàn xe. Đồng chí lái xe cũng bị thương vào chân đang ngồi sau Trưởng trạm. Các mảnh bom phá đã làm thủng nhiều chỗ trên xe.

Chúng tôi khênh đồng chí Trưởng trạm vào xe Gaz-69 và đưa đi bệnh viện. Đồng chí lái xe đi cùng với Trưởng trạm như người hộ tống. Khi máy bay địch bay tới, đồng chí lái xe đã kịp nằm xuống sàn xe và một mảnh đạn đã xiên qua “dép cao su” đâm vào lòng bàn chân của đồng chí ấy. Rất may cho đồng chí lái xe là đôi dép cao su được cắt từ chiếc lốp xe tải, dày tới 2...3 cm và có đôi quai cũng bằng cao su. Nhờ có đôi dép cao su nên đồng chí lái xe không bị thương nặng.

Trạm thông tin cũng bị hư hỏng: Đèn điện tử Gi-76 ở tầng đầu ra của máy phát, máy biến áp nguồn, các cửa sổ trên xe ô tô và máy phát điện dự phòng đều bị hỏng.

Các đồng chí cán bộ cao cấp Việt Nam đã đến trận địa. Chúng tôi báo cáo với các đồng chí ấy những hư hỏng trên xe. Đồng chí Thượng uý phụ trách công tác thông tin hứa sẽ đem đến những linh kiện bị hư hỏng. Đến trưa hôm đó, chúng tôi đã có những thứ cần thiết để thay thế. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao trạm thông tin của chúng tôi không có các khối. Trong điều kiện chiến tranh, khi không có các thiết bị thông tin dự phòng và các linh kiện dự trữ, các bạn Việt Nam buộc phải tháo các linh kiện của thiết bị đang nằm ở tuyến thứ yếu để thay thế những linh kiện hư hỏng của thiết bị đang nằm ở tuyến lửa.

Phải cần một ngày đêm để khôi phục khả năng làm việc của trạm thông tin này. Tôi phải lục lại những kiến thức và kinh nghiệm của mình đã có, mở các khối cao tần đã bị hỏng. Đây là những khối thiết bị cấm được mở trong những điều kiện không có chiến tranh. Sau khi kiểm tra liên lạc từ trạm thông tin đã tốt và bàn giao trạm thông tin cho đồng chí Trưởng trạm mới, chúng tôi yên tâm có thể nghỉ ngơi ít chút. Tôi không nhớ trên đường quay trở về Kim Liên như thế nào, vì trên đường tôi ngủ liên miên, không biết nóng và không biết cả muỗi đốt. Nhiệm vụ trên giao đã được hoàn thành.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2023, 09:18:58 pm
Công việc tốt và niềm vui

Ở Kim Liên có một xếp dày thư của vợ, của cha mẹ anh em và bạn bè đang chờ tôi. Ôi vui sướng biết bao tôi nhận được tin vui từ gia đình. Tôi xếp lần lượt theo ngày gửi tới chục lá thư của vợ và đọc rất nhanh để đến 2 thư gửi vào ngày gần nhất. Sau đó lại đọc nhanh một lần nữa để xem Marina, vợ tôi muốn nói gì trong thư. Nhưng vợ tôi cũng không thể nói được tất cả, vì cơ quan kiểm duyệt làm việc tốt lắm...

Đã đến ngày lễ của chúng tôi, ngày 6 tháng 11 năm 1965, ngày Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại. Nhân dịp này, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam đã tổ chức chiêu đãi trọng thể tất cả các chuyên gia Liên Xô tại Hà Nội. Đồng chí Tư lệnh Lê Văn Tri đã phát biểu chào mừng. Sau lời phát biểu đáp từ của đồng chí Serbakov, Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Đại tá Đzưv A.M đã đọc quyết định phong quân hàm cho các chuyên gia đến niên hạn và quyết định khen thưởng các chuyên gia đạt thành tích xuất sắc. Tại thời điểm này, rất hiếm trường hợp được phong quân hàm trước niên hạn, thậm chí đối với những quân nhân lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu. Nhà nước Xô Viết rất khắt khe trong việc phong quân hàm và khen thưởng.

Sau phần nghi lễ trọng đại là chương trình biểu diễn của đoàn nghệ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân. Chúng tôi đã dành những tràng pháo tay kéo dài khi tốp ca nữ đang hát những bài dân ca Nga. Chúng tôi thực sự cảm động khi nghe các nghệ sĩ Việt Nam hát những bài hát của Nga có phối nhạc Việt Nam.

Sau chương trình văn nghệ, chúng tôi được mời tới dự bữa tiệc đứng. Tại đây, chúng tôi có thể đi lại thoải mái, tìm gặp những đồng đội cùng trung đoàn đã gần 2 tháng chưa được gặp, như: các Trung úy Bulgakov, Vaghin, Borođin, Đại úy Tokmakov và một số đồng chí khác. Các đồng chí đó được ở các trận địa hỏa lực của các Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không và đă tham gia bắn rơi không phải 1 máy bay Mỹ. Trong trò chuyện thân tình, tôi thấy các sĩ quan của chúng tôi đã trưởng thành và trở thành những chuyên gia quân sự thực thụ. Niềm vui, niềm tự hào về những chiến công của tên lửa phòng không đã tăng thêm khí thế hào hứng của chúng tôi, tất nhiên rượu cô nhắc và rượu vang đã trợ giúp chúng tôi trong bầu không khí quá vui và xúc động như thế này.

Từ những câu chuyện kể của Trung úy Bulgakov và các đồng chí khác, chúng tôi thấy chiến thuật sử dụng tên lửa phòng không của các tiểu đoàn rất đơn giản Các tiểu đoàn độc lập tác chiến (không nằm trong đội hình chiến đấu của trung đoàn). Đúng ra, xung quanh mỗi mục tiêu cần bảo vệ phải có một số trận địa hỏa lực. Nhân lực xây dựng các trận địa đó là hàng nghìn người dân địa phương. Tất nhiên, như thế thì Mỹ sẽ biết rất rõ vị trí của từng trận địa. Nhưng chúng không thể nào biết tiểu đoàn hỏa lực sẽ triển khai tại trận địa nào. Chiến thuật này đã đem lại kết quả đáng khích lệ. Các đồng chí Việt Nam đã khéo léo dùng tre, nứa làm ra những bệ phóng tên lửa và đạn tên lửa giả để đánh lừa kẻ địch. Các trận địa giả này đã làm cho trinh sát trên không của địch bị nhầm lẫn. Điều cốt yếu là các đồng chí Việt Nam đã có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên không của địch với xác suất cao.

Chiến thuật mai phục đã được áp dụng phổ biến. Các Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không tham gia mai phục thường thường được các đơn vị pháo phòng không yểm trợ. Nếu trong điều kiện địa hình không cho phép, thì các Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không phải chiến đấu độc lập. Các trận địa mai phục thường được bố trí ở gần các công trình chiến lược quan trọng hay bị không quân Mỹ ném bom, hoặc bố trí trên tuyến máy bay địch bay đến các công trình nói trên. Gần các trận địa hỏa lực của các Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không, thông thường có các đơn vị pháo cao xạ. Khi mục tiêu xuất hiện, các Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không phóng đạn và sau đó họ nhanh chóng thu hồi khí tài và đi chuyển sang trận địa dự phòng. Và trên trận địa đó, các đồng chí Việt Nam nhanh chóng triển khai các khí tài giả. Để tạo ra tình huống đúng như thực tế, các đồng chí Việt Nam đã dùng dây để quay và di chuyển các khí tài giả đó từ vị trí này sang vị trí khác. Các đơn vị pháo cao xạ nằm im chờ đợi. Chỉ sau một thời gian, trên trời đã xuất hiện máy bay do thám và theo sau là một đàn máy bay ném bom. Chúng đã ném bom và bắn tên lửa xuống trận địa giả của Việt Nam mới làm. Cuối cùng là máy bay đến chụp ảnh kết quả oanh tạc mà chúng vừa mới thực hiện. Song, các đồng chí Việt Nam không để cho chúng thoát đâu! Các đơn vị pháo cao xạ đồng loạt nhả đạn làm cho những máy bay địch vừa mới oanh tạc còn đang bay ở tầm thấp không kịp thoát khỏi trận địa giả. Phải có đến 2, 3 máy bay địch đã bị bắn rơi, đôi khi còn nhiều hơn. Trận đánh như thế không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất cho không lực Hoa Kỳ mà còn đem lại cho địch một cú sốc về tinh thần.

Kẻ địch đã phải thay đổi chiến thuật. Các máy bay ném bom đã chuyển đội hình từ độ cao xuống độ thấp - bay là là mặt đất. Chúng muốn đánh vào các đơn vị tên lửa phòng không Việt Nam ở độ thấp. Trên máy bay của địch đã có loại thiết bị báo cho chúng biết trong vùng bay đang có tín hiệu trinh sát từ ra đa mặt đất và tín hiệu điều khiển tên lửa phòng không. Địch bắt đầu gây nhiễu tích cực và nhiễu tiêu cực cho các trạm ra đa của chúng ta. Địch lợi dụng tín hiệu điều khiển của ta chúng bắn tên lửa không đối đất được gọi là sơrai để phá hủy các trạm ra đa của các tiểu đoàn hỏa lực.

Còn nhiều điều mà mỗi người đều muốn kể. Song đêm đã khuya, chúng tôi phải chia tay để ai về trận địa của của người đó. Đoàn của chúng tôi lên xe về khách sạn Kim Liên. Trong tâm trí mỗi người chứa đầy những cảm xúc về những điều vừa mới được nghe từ các đồng đội của mình. Trên xe, chúng tôi đã hát vang những bài ca truyền thống và bài hát được sáng tác bằng lời bài thơ của một nhà thơ Việt Nam nói về chiến công bắn máy bay trên cầu Gia Bảy Thái Nguyên.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2023, 09:20:33 pm
Được lên chức bố

Ngay ngày hôm sau, tôi nhận được một tin vui từ gia đình. Trước khi lên xe đến trung tâm huấn luyện, Thiếu tá Gromov đã đem từ Sứ quán đến cho chúng tôi một chồng thư. Chúng tôi vui đùa và chen nhau chọn lấy thư của mình. Bỗng rơi vào tay tôi một bức thư rất mỏng mà địa chỉ trên thư được viết rất ngoằn nghèo, chẳng khác nào dòng người đang đứng xếp hàng mua loại hàng khan hiếm. Tôi hồi hộp xé phong bì và... “Anh Liosa yêu quí, hôm nay ngày 25 tháng 10, con gái của chúng ta đã chào đời. Con nặng 2,4 kg... Em và con đều khỏe...”.

Tôi hình như bất động, tựa lưng vào xe ô tô. Vụt trong đầu tôi lóe ra một ý “Con ơi! Con sẽ mang tên Anđryusca!!!”. Hình như nét mặt tôi đã rất khác thường và làm cho mọi người xung quanh chú ý. Và cùng một lúc nhiều người cất tiếng hỏi: “Cái gì thế?”, “Tình hình thế nào?”, “Có vấn đề gì vậy?”, “Gia đình cậu mọi việc đều ổn chứ?”. Tôi thở dài và nói “Con gái!!”. Mọi người hiểu là tôi mong con trai, mà đây là con gái. Những người đầu tiên động viên tôi an tâm là Đại úy Voznesensky và Đại úy Larionov. Họ cũng có con gái đầu lòng và họ rất vui vì điều đó. Họ cho rằng điều đó rất tốt và cần phải như thế “Đầu tiên cần có người đun nước pha trà, sau đó mới cần có bạn chơi cờ”. Thượng úy Kanhiuk nói chắc như đinh đóng cột: “Cậu vẫn còn thời gian và sức lực, khi trở về Liên Xô sẽ sinh con trai và thêm một con gái nữa. Hãy vui lên, vì bên nhà mọi việc đều tốt đẹp”. Đến đây, mọi ý nghĩ về con trai trong tôi đã tiêu tan.

Buổi tối, tôi đã chuẩn bị thịnh soạn trong phòng nghi ở Kim Liên để đón các bạn đến chúc mừng. Đồng chí Thiếu tá Gromov thay mặt tập thể trịnh trọng trao tặng tôi máy ảnh FEĐ-2. Còn các chiến sĩ của tôi như Shatrov, Sheglov và Tataev phải chờ đến ngày hôm sau mới đến chúc mừng sinh nhật con gái tôi được.

Các bạn Việt Nam cũng vui mừng chúc tôi có con gái. Tôi ngạc nhiên khi biết các bạn Việt Nam đã có 2 hoặc 3 con. Ai cũng cho tôi xem ảnh của các con và vợ mình. Các ảnh đều có cỡ 4x6 và luôn luôn năm trong túi áo ngực của mỗi người.

Cần phải đánh giá đúng tinh thần yêu lao động của các học viên. Trình độ văn hóa của họ chỉ ở mức lớp 7-8 và thấp hơn. Phần đông họ ở nông thôn, chưa bao giờ tiếp xúc với những kỹ thuật khó hơn nhiều so với trồng lúa. Nhưng khát vọng bảo vệ Tổ quốc và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược đã biến họ trở thành những anh hùng lao động. Nếu ai trong họ chưa hiểu bài thì cả lớp tập trung giải thích. Sợ nhất là nhận được điểm dưới trung bình, nó chẳng khác nào một bi kịch của tiểu đội. Cũng thấy hay hay khi thấy các bạn Việt Nam phê bình đồng chí của mình ở trong hội nghị. Nhưng có một hình thức kỷ luật lạ nhất là sau một số lần nhận xét, tôi thông báo: “Tôi sẽ phê bình đồng chí tại cuộc họp”. Trước đây tôi không hiểu ý nghĩa của các từ đó đối với các đồng chí Việt Nam. Tương tự như thế này mà đối với các chiến sĩ ở Liên Xô thì phải nói: “Tôi sẽ đưa anh ra tòa án danh dự của sĩ quan...” hoặc “Anh sẽ bị đưa ra khỏi đội ngũ quân nhân theo điều...”. Nhưng rất ít khi dùng những ngôn từ như thế này, và ở thời kỳ đầu khóa học, chúng tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của mối đe dọa này.

Cuối khóa học, các chuyên gia chúng tôi đã tự mình lên lớp mà không cần phải thông qua phiên dịch. Biết được các từ kỹ thuật đã cho phép chúng tôi kiểm tra trình độ của các học viên. Chỉ trong những trường hợp thật cần thiết, chúng tôi mới yêu cầu đến đồng chí phiên dịch. Trong giờ giải lao, chúng tôi trực tiếp trao đổi với nhau những đề tài về gia đình. Các đồng chí Việt Nam nhanh chóng thuộc các từ không được “nhã nhặn”. Xin kể một trường hợp ngẫu nhiên. Trên đường đi đên trung tâm huấn luyện, những người đi xe đạp và xe thồ, theo thói quen, không nhường đường cho xe ô tô chúng tôi, Đại úy Voznesénsky đã quát rất to và họ đã nhường đường, xe chúng tôi đã đi được nhanh hơn. Chúng tôi cũng không ngờ “mấy từ tiếng Nga” mà Đại úy của chúng tôi thốt lên đã có sức mạnh như thế?

Chúng tôi lại càng ngạc nhiên, ngày hôm sau cũng trên đường đi đến trung tâm huấn luyện, đồng chí lái xe tên là Chien không biết một từ tiếng Nga nào, nhưng cũng lặp lại câu của đồng chí Đại úy đã quát hôm trước, không sai chính tả một từ nào, chỉ có âm tiết còn mang một chút âm tiết tiếng Việt. Tất cả chúng tôi phá lên cười, nhưng từ đó trở đi trong xe, chúng tôi không bao giờ dám nói tục nữa.

Sau một số ngày, xe của chúng tôi được điều lên sứ quán để chở đoàn đại biểu Liên Xô. Và... sau đó chúng tôi thấy có điều không ổn về đồng chí lái xe. Đồng chí Thiếu tá Gromov từ Sứ quán trở về Kim Liên với nét mặt khó đăm đăm. Đồng chí ấy khuyên chúng tôi:”Các cậu dạy lái xe những cái tốt, đừng có dạy những từ tục tĩu! Các cậu đừng làm xấu hổ lính thông tin trước phụ nữ sứ quán”.

Trong một ngày chủ nhật cuối năm, chúng tôi quyết định vào thành phố mua tặng phẩm cho gia đình. Đối với tôi thì đây là một sự kiện trọng đại. Vì ngoài vợ tôi còn có thêm con gái Anzhelina. Trong lá thư mới nhận, tôi biết ở nhà đã gọi con gái tôi là Anzhelina. Việc lựa chọn loại quà trong các cửa hàng cũng thoải mái, chỉ có điều là phải biết chọn. Có thể đặt đóng đôi dày bằng da rắn. Quần áo thì có thể chọn loại vải len của Pháp hoặc lụa Trung Quốc. Túi xách có nhiều loại khác nhau. Tôi đã chọn áo len dệt kim màu đỏ.

Khi từ chỗ mua hàng về Kim Liên, tôi đã gặp người bạn chí cốt khi còn ở Yrkutsk, bạn Vlađimir Bulgakov tôi gọi thân mật là Volođia. Có cảm tưởng như đã mấy chục năm chúng tôi không gặp nhau, mà thực tế chỉ mới có hơn một tháng xa nhau thôi.

Volođia thông báo:

- Hôm nay là sinh nhật tôi!

Bạn ấy nhầm lẫn thế nào? Cách đây khá lâu, chúng tôi đã chúc mừng ngày sinh của bạn ấy rồi? Volođia nhanh chóng rút từ túi áo ra một mảnh bom: “Sáng sớm hôm nay, suýt nữa thì thằng này nó thịt tôi rồi đó!”. Volođia kể lại, mọi người vừa tập trung để đi về Hà Nội thì đột nhiên máy bay ập tới. Tất cả mọi người kịp chạy xuống hào ẩn nấp. Một mảnh bom bắn vào bờ hào và này vào sườn phải Volođia. Rất may, chi có chiếc áo sơ mi bị cháy. Nếu mảnh đạn đó rơi thẳng vào người Volođia, thì hôm nay chẳng có cuộc gặp này. Đúng, đây là ngày sinh thứ 2 của Volođia. Bạn ấy cần phải thay chiếc áo khác. Chiếc áo đó đang phơi trong doanh trại, có khi cũng bị các mảnh bom làm rách mất rồi. Diện chiếc áo sau một trận máy bay oanh tạc như thế này chẳng khác gì con ngáo ộp. Đúng, đây là ngày sinh thứ 2 của bạn tôi. Ngày mà bạn tôi đã được thoát chết.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2023, 09:22:29 pm
Chúng tôi quyết định kỷ niệm ngày sinh của bạn tôi tại công viên Thống Nhất, cách khách sạn Kim Liên khoảng hơn 1 km. Một vị trí núp dưới các lán lá cọ trong một quán cà phê, với chiếc bàn nhỏ dành cho 2 người là vị trí lý tưởng của chúng tôi. Chúng tôi đặt hàng với người nữ tiếp viên xinh đẹp rót cho mỗi người 1 cốc rượu “Đồng Tháp”, còn đồ nhắm là lạc rang, các món ăn khác chúng tôi không dùng được.

Volođia kể cho tôi biết là trong tuần trước, bạn ấy đã được điều động gấp về Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 238 để sửa chữa đài ra đa nhìn vòng P-12 bị sơrai của địch phá hủy nặng. Đây là một yêu cầu khẩn cấp. P-12 hỏng là tiểu đoàn không thể chiến đấu được các chiến sĩ tên lửa không thể phát hiện được mục tiêu đang bay tới.

Volođia đã làm việc từ tối đến sáng để sửa chữa trạm ra đa này. Trời vừa sáng, thì tất cả các khối của máy không chỉ ở trên bàn mà cả ở dưới sàn xe đã được nối với nhau. Mở máy để kiểm tra tất cả các tham số. Các khối làm việc bình thường, cấp điện cao áp để kiểm tra tổng thể khả năng làm việc của trạm ra đa. Và đúng lúc đó, trên màn hình của máy xuất hiện một tốp máy bay Mỹ đang bay vào trận địa của tiểu đoàn. Volođia báo cáo ngay với Tiểu đoàn trưởng, Thiếu tá Rưzhik. Tiểu đoàn vào vị trí chiến đấu. Lệnh phóng tên lửa. Theo số liệu của tình báo, Mỹ hiểu tiểu đoàn đang ở tình trạng mất sức chiến đấu, nên chúng tổ chức tấn công bất ngờ. Nhưng 3 “thần sấm “của chúng đã tìm được mồ trên đất Việt Nam trong trận này. Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân Việt Nam đánh giá cao thành tích của Trung úy Vlađimir Bulgakov, chuyên gia duy nhất đã sửa chữa kịp thời trạm P-12, một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của trận chiến này.

Xin được nói thêm, sau đó một thời gian dài, tại Hội nghị Khoa học thực tiễn, lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 27 tháng 10 năm 1999, Đại tá Zaika Anatolyi Borisovich, trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên của Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238, đã nói: “Tìm và phát hiện được các mục tiêu chủ yếu là do các tiểu đoàn hỏa lực không chỉ dựa vào ra đa nhìn vòng P-12 mà cũng dựa vào cả ra đa trên xe điều khiển tên lửa. Tất nhiên cần phải đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo cho đài làm việc được chính xác và việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của khẩu đội. Chính vì thế, Trung úy Vlađimir Bulgakov được cử gấp sang Việt Nam công tác và ngay từ chân cầu thang máy bay, Trung úy Bulgakov đã được đưa thẳng về các tiểu đoàn hỏa lực. Công việc của đồng chí ấy rất có lợi và có hiệu quả. Tư thế sẵn sàng chiến đấu của trạm ra đa P-12 đã được tăng lên đáng kể. Trình độ chuyên môn của khẩu đội P-12 cũng được tăng lên. Đài P-12 làm việc có chất lượng cao đã góp phần đáng kể vào thành tích chung của Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đánh giá cao kết quả sửa chữa trạm P-12 của Trung úy Bulgakov và đồng chí ấy được tiếp tục cử đến sửa chữa ở các trung đoàn khác. Đây là một công việc vất vả, không có thời gian nghỉ ngơi và sau này đồng chí Trung úy đã được tặng thưởng Huân chương “Quân công Cờ Đỏ” và Huy chương “Dũng cảm”.

Say mê với những câu chuyện, chúng tôi không biết là trong cốc đã hết rượu. Chúng tôi gọi mua thêm một cốc “Đồng Tháp” nữa, tiếp viên lắc đầu và nói “không tốt”, chúng tôi trả lời “tốt lắm”. Chuyện trò vui vẻ và liên tục nâng cốc chúc mừng nhau, chúng tôi quên cả thời gian và luôn cảm thấy vị ngọt của rượu. Mãi sau này chúng tôi mới biết nồng độ của rượu là 50... 60 độ.

Chúng tôi đã được các nhân viên phục vụ ngoài cửa hàng đưa về Kim Liên trong tình trạng nửa tỉnh, nửa mê. Đây là trường hợp duy nhất trong đời tôi (xin nói thêm, đối với bạn Bulgakov cũng thế). Chúng tôi bị say xỉn vì uống loại rượu lạ. Sau này, tôi đã rút kinh nghiệm: không uống các loại rượu lạ và lại uống bằng cốc nữa.

Các học viên sửa chữa các thiết bị thông tin sẽ kết thúc khóa học vào dịp năm mới. Nhân dịp này, tại Trung tâm huấn luyện đã tổ chức một buổi liên hoan chúc mừng các học viên tốt nghiệp khóa học và các chuyên gia chúng tôi. Món ăn chính trong bữa liên hoan này là một loại món ăn truyền thống của Việt Nam. Đồng chí phiên dịch không tìm được từ trong tiếng Nga và giải thích rằng: nguyên liệu chế biến món ăn này là gạo với thịt được gói trong lá chuối non, đem luộc và sau đó ép thật chặt (có lẽ đây là bánh chưng - người dịch). Chúng tôi lại sợ ăn những thứ lạ như trường hợp uống rượu “Đồng Tháp”, nên chúng tôi chỉ dùng thịt gà và cá. Đồ uống thì chúng tôi dùng rượu “Vodka Moskva”, còn các bạn Việt Nam - uống bia “Hà Nội”. Các bạn Việt Nam ai cũng rất vui, họ hát và cảm ơn chúng tôi đã dạy họ học.

Chúng tôi đón năm mới 1966 ở quầy hàng cà phê Kim Liên dành cho chúng tôi trên tầng 2. Ban Quản lý khách sạn đã tổ chức một buổi ca nhạc nhẹ. Từ đất nước Liên Xô đã gửi cho chúng tôi một cây thông nhỏ. Trên chiếc bàn dài, đã bày lên các món ăn quen thuộc hàng ngày, có rượu vodka nhãn hiệu “Thủ đô” là loại rượu xuất khẩu chỉ có trong những ngày lễ hội. Các chị phụ nữ trên sứ quán đã chuẩn bị quần áo cho ông già tuyết. Ông già tuyết được khâu bằng vải màn tuyn, râu làm bằng rong tảo địa phương, đôi ủng làm bằng giấy bạc, mũ được làm bằng các lông vũ của con vẹt. Chúng tôi rất thích thú khi thấy ông già nô-el là Thượng úy của chúng tôi. Thượng úy cũng mặc áo bằng màn tuyn và đội mũ của con vẹt.

Chúng tôi đón năm mới 2 lần: 12 giờ đêm theo giờ Hà Nội là giao thừa ở Việt Nam và 4 giờ sáng Hà Nội sẽ là giao thừa ở Moskva.

Nhạc rất hay, nhưng chẳng có ai để nhảy. Có một số bạn gái Việt Nam đến dự trong trang phục quần áo dài màu trắng. Cũng có khoảng mươi phụ nữ từ sứ quán đến dự, nhưng họ là vợ của các nhân viên trong sứ quán hoặc họ đã có bạn nhảy rồi. Sau khi đón năm mới cùng với cả nước, chúng tôi vui vẻ chia tay nhau, ai về phòng người ấy.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2023, 09:24:00 pm
Đảng và Nhà nước Liên Xô với các chuyên gia quân sự của mình

Bước sang năm mới 1966, trung tâm huấn luyện của chúng tôi được chuyển gần về thành phố Hà Nội, gần Xưởng sửa chữa thiết bị thông tin của quốc phòng. Đây là một quyết định rất hợp lý. Bởi lẽ các thiết bị thông tin bị hỏng ở các đơn vị chiến đấu được đưa về xưởng sửa chữa này và học viên của chúng tôi có điều kiện kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành. Quá trình học tập của học viên được rút ngắn. Các bài giảng chủ yếu được trình bày bằng tiếng Việt. Trong trường hợp có khó khăn, sẽ nhờ đến đồng chí phiên dịch. Học viên Thai được coi là học viên đặc biệt thông minh. Học viên này luôn luôn nêu câu hỏi, vì thế học viên này cũng rất dễ giải thích cho các học viên còn lại, Sau này chúng tôi mới biết Thai là Hoa kiều, đã tốt nghiệp Đại học ở Bắc Kinh.

Sau năm mới, chúng tôi được thông báo có đoàn cao cấp của Đảng, và Chính phủ Liên Xô do đồng chí Aleksanđr Nikolaevich Shelepin dẫn đầu thăm chính thức Việt Nam. Trong hàng ngũ lãnh đạo cấp Nhà nước, đồng chí Shelepin đứng ở vị trí thử 4: Brezhnev; Pođsornưy; Kosưgin và Shelepin đương kim Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô. Đồng chí là người trẻ nhất, kém các đồng chí lãnh đạo khác tới 10 tuổi. Chúng tôi được mời đến dự buổi đón chính thức tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ở trong sứ quán Liên Xô, Đại tá Borisenko, Phó trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, phụ trách công tác chính trị, đã báo trước với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ được trao tặng các phần thưởng của Chính phủ. Yêu cầu chúng tôi phải mặc com lê, và khi được trao, không bắt tay mạnh và giật tay người trao. Đồng chí Đại tá nói: “Các đồng chí hãy hình dung xem, các đồng chí lãnh đạo phải có bao nhiêu lần gặp gỡ, rồi lại trao phần thưởng và nếu như mỗi lần tiếp xúc, ai cũng bắt tay theo cách đó, mà đồng chí lãnh đạo của chúng ta cũng chỉ có một tay phải thôi. Các đồng chí cũng không nêu câu hỏi với cấp lãnh đạo, tất cả mọi vấn đề sẽ được chúng ta giải quyết ở Sứ quán”.

Ngày hôm sau, Thiếu tá Gromov lại tập họp chúng tôi. Kiểm tra diện mạo bên ngoài, giống như đã thông báo và đồng chí hài lòng với tất cả chúng tôi. Xe ô tô buýt chờ chúng tôi đến thẳng Quảng trường Ba Đình. Đây là Quảng trường lịch sử của Việt Nam, vì ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Trong khuôn viên Quảng trường còn có Phủ Chủ tịch và Chùa Một cột. Chùa Một cột được xây dựng từ năm 1049. Trên Quảng trường Ba Đình đã kín dòng người là các thiếu nữ Việt Nam trong bộ quần áo dài trắng truyền thống lộng lẫy. Đoàn chuyên gia chúng tôi được bố trí đứng cùng với các nhân viên Sứ quán. Sau một giờ chờ đợi, trong tiếng hô vang bằng tiếng Nga “hữu nghị” và “hoan hô”, mấy chiếc xe đen mui trần đang tiến vào Phủ Chủ tịch, về phía Việt Nam, chúng tôi được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Nói về Đoàn đại biểu cấp cao của chúng tôi, ngoài đồng chí Shelepin là Trưởng đoàn, có các thành viên trong đoàn là: đồng chí Đmitry Pheđorovich Ustinov, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng CSLX, phụ trách các vấn đề Quốc phòng của Liên Xô; đồng chí Thượng tướng Tolubko, Tư lệnh trưởng Bộ đội Tên lửa chiến thuật.

Một món quà tặng đã mong đợi từ lâu đang nằm chờ chúng tôi ở Kim Liên. Một máy bay vận tải chở quà cho chúng tôi cùng đi với Đoàn đại biểu. Mỗi người được nhận một gói quà. Sĩ quan Trung cấp nhận gói số 1, sĩ quan sơ cấp nhận gói số 2, còn sĩ quan chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sĩ nhận gói số 3. Các gói quà đều như nhau, chỉ khác nhau về chất lượng của rượu. Trong gói số 1 có sâm panh và 2 chai cô nhắc quân đội loại 5 sao. Trong gói số 2 có sâm panh và 1 chai vôtka “thủ đô”, 1 chai vôtka “Moskva”. Trong gói số 3 có sâm panh và 2 chai vôtka “Moskva”. Ngoài ra trong mỗi gói quà còn có lạp xường, trứng cá đen và đỏ, bánh qui, thuốc lá, giày, khăn mặt, quần dài, áo len dài tay. Món quà quí nhất đối với chúng tôi là một thùng 4 chiếc bánh mỳ đen được bọc trong giấy bóng và 1 lọ cá trích được ngâm trong rượu nho đỏ. Đây là điều mơ của chúng tôi vẫn thể hiện trong ca khúc hàng ngày “Tôi mong có mẩu bánh mỳ Nga, bạn hãy cho tôi một cái đuôi cá trích và tôi sẽ trả bạn nhiều tiền”. Hình như bài hát trên đã đến tai Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, Nguyên soái Malinovsky. Các gói quà mà chúng tôi mới được nhận là của cá nhân đồng chí Nguyên soái Bộ trưởng. Có lẽ đồng chí Nguyên soái Bộ trưởng nhớ lại thời kỳ đồng chí đã là lính tình nguyện sang Tây Ban Nha năm 1937. Mỗi chúng tôi đều nhận được thư riêng của đồng chí Nguyên soái Bộ trưởng với nội dung: “Bạn chiến đấu thân mến! Tổ quốc chúc mừng đồng chí nhân dịp năm mới 1966. Sức. chiến đấu của đồng chí - đó là hoàn thành nghĩa vụ quốc tế. Các đồng chí không chỉ bảo vệ Việt Nam mà các đồng chí còn bảo vệ Tổ quốc Liên Xô của chúng ta. Chúc mừng năm mới các đồng chí”.

Buổi tối đồng chí Gromov đến gặp tôi và báo cho tôi biết là tôi được gọi lên sứ quán gấp. Ông cũng không biết nguyên nhân triệu tập tôi lên. Xe ô tô ZIN của sứ quán đến đón tôi. Và cuối cùng cũng biết được người gọi tôi lên sứ quán là đồng chí Tùy viên quân sự, Đại tá Lebeđev, Anh hùng Liên Xô.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2023, 09:25:14 pm
Trong phòng làm việc khá mát mẻ, ngoài đồng chí Đại tá Tùy viên quân sự, còn một nhân viên an ninh (KGB) của sứ quán. Đối với đồng chí Đại tá Tùy viên quân sự thì tôi đã gặp nhiều lần trên sân bóng chuyền. Còn gặp trong phòng làm việc với thành phần như thế này đối với tôi là một câu đố. Khi phát hiện trên mặt tôi có điều băn khoăn, đồng chí Lebeđev nêu đề nghị giúp đỡ đồng chí ấy một việc: Kiểm tra phòng sẽ dùng làm nơi để đồng chí Sherbacov - Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa báo cáo với các thành viên trong Đoàn đại biểu về tình hình chính trị - quân sự ở khu vực. Thì ra, các đồng chí trong Sứ quán nhớ lại lời cảnh báo của tôi về trường hợp nghe trộm ở Kim Liên.

Phòng để Đại sứ báo cáo đẹp hơn phòng dùng để tiếp khách. Cửa sổ hai bên đều có rèm che và trên trần có lắp quạt cỡ lớn. Trên tường treo những bức tranh cổ có khung. Bàn hình bầu dục được đặt giữa phòng cùng với các ghế sô pha.

Trong thập niên 60 chưa có các thiết bị nghe trộm và nhìn lén loại cực nhỏ. Loại đài thông tin nhỏ nhất hiện có là chiến lợi phẩm chúng tôi thu được của tù binh phi công Mỹ. Loại này cũng nặng gần 1 kg và cố định chỉ 1 tần số, vì loại đài này dùng cho phi công gọi cấp cứu khi máy bay bị bắn rơi. Còn ngày nay, chỉ một máy điện thoại cầm tay có thể thực hiện được một loạt dịch vụ như: viđeo, chụp ảnh, ghi âm, các chức năng của một máy tính, chức năng máy hàng hải, biên tập v.v...

Cùng với đại diện KGB, chúng tôi kiểm tra đường dây điện, thay đèn bàn, cắt hệ thống truyền thanh trong sứ quán. Kiểm tra phía ngoài phòng họp. Kiểm tra các cửa sổ xem có “con bọ hung” nào không. Tôi đề xuất ý kiến trong lúc đồng chí Đại sứ báo cáo, nên mở nhạc. Thời gian đã cho thấy, Mỹ không hề biết được ý đồ của Nhà nước chúng ta.

Đã đến thời điểm chúng tôi được nhận phần thưởng của Tổ quốc trao cho. Chúng tôi chọn bộ com lê đẹp nhất để mặc. Tất cả các chuyên gia Liên Xô đều tập họp tại gian khánh tiết của đại sứ. Các thành viên trong đoàn đại biểu đã đến. Đồng chí Shelepin bước lên khán đài, còn các đồng chí Ustinov và Thượng tướng Tolubko ngồi cùng với chúng tôi. Đồng chí Ustinov dường như ngồi cạnh tôi, chỉ có điều là ở hàng trên. Một ý nghĩ ban đầu thoáng vụt trong tôi: “cứ y như Thiếu tá Smagin, trưởng đơn vị thông tin của trung đoàn chúng tôi ở Yakutsk”. Giống nhau là lẽ thường, song không đến mức độ như thế này. Cứ như là Thiếu tá của chúng ta sinh đôi vậy, đôi kính đeo cũng giống hệt và cả nụ cười nữa chứ!

Đồng chí Shelepin rất tin tưởng kể lại tình hình chính trị kinh tế ở Đông Dương. Đây là tình hình có thật, không thêm bớt. Đồng chí đánh giá cao công việc của chúng tôi. Những thắng lợi của chúng tôi trong các trận đánh trả không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam đã làm tốt lên mối quan hệ của các đồng chí lãnh đạo nhà nước Việt Nam với Nhà nước Liên Xô. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô luôn theo dõi sự tiến triển tình hình ở Việt Nam. Cuối cùng đồng chí chúc mọi người đạt thành tích xuất sắc và quay trở về Tổ quốc bình an. Đây là một bài phát biểu xuất chúng, nắm được tâm tư của khán phòng và tạo ra một bầu không khí cởi mở, thể hiện được tầm nhìn của một nhà lãnh đạo lớn cấp quốc gia.

Sau báo cáo, Đại tá Đzưza công bố danh sách những người có tên sang phòng bên cạnh để nhận phần thưởng. Đồng chí Shelepin và Đại sứ Sherbakov cùng với các đồng chí chuyên gia sang phòng bên cạnh. Các chuyên gia thông tin ở lại phòng do đồng chí Ustinov trao phần thường. Một đại diện của Sứ quán đọc Quyết định tặng thưởng huân, huy chương. Người được lên nhận phần thưởng đầu tiên là đồng chí Belov G.A. Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô. Giữa buổi trao tặng, vang lên họ tên tôi: “Đồng chí Trung uý Skreblyukov Aleksei Ivanovich do có thành tích dũng cảm và anh hùng trong cuộc đấu tranh với không quân Mỹ, quyết định tặng Huy chương “Dũng cảm”. Tôi đi nghiêm tới gần đồng chí Ustinov và báo cáo theo đúng điều lệnh. Tôi chăm chú nhìn vào đồng chí Ustinov: “Đúng là Thiếu tá Smagin rồi”, tôi mỉm cười với đồng chí ấy và đồng chí ấy cũng cười với tôi. Tôi hân hạnh về điều đó.

Sau một thời gian khi đã về nước, trong thập niên 70, tôi có vinh dự nhiều lần được đảm bảo thông tin liên lạc cho đồng chí Nguyên soái Ustinov D. F - Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô. Ngay thời kỳ chiến tranh ái quốc vĩ đại, đồng chí là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Quốc phòng đã làm được rất nhiều, góp phần vào chiến thắng phát xít Đức. Cuối cuộc chiến tranh đồng chí được phong quân hàm Thượng tướng và được tặng thưởng phần thưởng cao nhất của Nhà nước - danh hiệu “Anh hùng Lao động XHCN”. Gần gũi với cấp dưới, hiểu biết công việc của mình và mạnh dạn đứng trước “cấp trên” nhận trách nhiệm những phần việc đã được giao - đó là đức tính của đồng chí Ustinov Dmitriy Feodorovich.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2023, 09:26:33 pm
Cuối nghi lễ trao huân, huy chương, tất cả lại tập trung về chỗ chúng tôi. Mọi người nhìn sang gian bên cạnh. Trên những cái bàn dài đã bày la liệt các chai sâm panh Liên Xô và các đĩa kẹo và trái cây.

Thiếu tướng Belov tiến sát gần đồng chí Shelepin và khẽ hỏi điều gì đó. Đồng chí Shelepin cất tiếng to dõng dạc nói: “Thôi nào, chúng ta có thể bắt đầu!”.

Nhóm các sĩ quan bắt đầu mở các chai rượu. Sau khi các chai đã được mờ và các cốc đã được rót rượu, mọi người được mời vào bàn. Đồng chí Shelepin đề nghị nâng cốc đầu tiên chúc thắng lợi sắp đến với chúng ta. Sau khi nâng cốc xong, đồng chí ấy nói, nếu ai có muốn hỏi gì, cứ việc hỏi, đừng có ngại, chúng tôi sẽ giải quyết.

Thay mặt những người được tặng thưởng, Thiếu tướng Belov, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã phát biểu cảm ơn Đảng và Tổ quốc Liên Xô.

Sau buổi tiệc đứng, chúng tôi tụ tập thành từng nhóm, xem huân, huy chương của nhau và trò chuyện với nhau. Sau khi nói chuyện xong, tôi hỏi Đại uý Sviridov, cậu hỏi Shelepin điều gì đó? Vâng, về nhà ở ấy mà, sống trong một lán gỗ ở nông thôn thế là đủ rồi. Còn Marina - vợ tôi đã sinh con gái và đang sống trong một căn hộ hai phòng, nó chẳng khác gì một lán gỗ trước cách mạng, phải dùng củi để sưởi ấm, nhà vệ sinh quanh năm giá rét, nhưng lại còn phải chia sẻ chỗ ở với gia đình tác-ta có những 10 người, mà người con trai cả Nail mới ở tù về. Không hiểu vợ con tôi chịu sao nổi khi vắng tôi?

Tôi cũng đến gặp đồng chí Shelepin. Tôi tự giới thiệu tôi là “Trung uý Skreblyukov”, theo đúng điều lệnh quân đội, tôi xin phép được nêu một đề nghị cá nhân. “Vâng, tất nhiên, đồng chí cứ nêu! Nào, đồng chí Trung uý có vấn đề gì?”. Tôi báo cáo: “Sau khi tôi được Chính phủ cử đi công tác, vợ tôi sinh con gái trong căn hộ nhiều gia đình...”. Đồng chí Shelepin ngắt lời tôi và gọi trợ lý của mình tới, đề nghị nghe tôi trình bày thực chất của vấn đề mà tôi muốn nêu. Cuối buổi trao đổi, đồng chí trợ lý bắt tay tôi và nói: “Thôi nhé nhất định chúng tôi sẽ giúp đỡ!”.

Người trợ lý, rút từ túi ngực ra quyển sổ có đánh số trang và những ký hiệu nghiệp vụ, có Quốc huy Liên Xô, rồi ghi đầy đủ phiên hiệu đơn vị của tôi, địa chỉ gia đình tôi đang ở, họ tên vợ tôi. Đồng chí trợ lý nở nụ cười thân thiện và nói: “Mọi việc sẽ tốt đẹp!” tôi đi sang một bên. Thiếu tá Gromov đi đến tôi và hỏi “Tai sao cậu lại đến gặp đồng chí Shelepin, đã nói trước với cậu là không cần đến gặp riêng. Giờ cậu hãy chờ những điều không lấy gì làm vui”.

Trong buổi trao huân, huy chương này, Bulgakov - bạn tôi, nhận Huân chương Chiến công Cờ Đỏ. Tôi chia sẻ với bạn cuộc nói chuyện với Shelepin. Volođia ủng hộ tôi: “Nếu không giải quyết bây giờ thì còn đến bao giờ? Không thể quyết định khi mặc bộ com lê bằng kẽm. Chúng ta đi khỏi đây, mọi người sẽ quên chúng ta ngay”.

Đại tá Borisenko M.E. phó phụ trách chính trị của Thiếu tướng Belov, Trưởng đoàn chuyên gia, với vẻ bực tức và giận dữ, đi ngang tôi, nhưng không bắt tay chúc mừng tôi được tặng thưởng. Có thể tôi sẽ bị kỷ luật chăng? Có thể bị đuổi về cùng với nhóm đầu tiên trở về Liên Xô. Có lẽ đối với tôi sẽ như thế.

Các bạn đồng nghiệp chia làm 2 nhóm trong việc đánh giá hành động của tôi báo cáo lên cấp “bị cấm”. Tôi hành động như thế, đúng hay không đúng. Nếu như tôi không đề nghị, thì suốt đời tôi lại trách mình quá hèn nhát. Mặc cho cái gì sẽ xảy ra, tôi đã quyết định rồi... Một tuần thấp thỏm: Tôi bị đưa về Liên Xô hay vấn đề xin nhà ở của tôi được giải quyết?

Sau đúng một tuần, Thiếu tá Gromov thông báo, Đại tá Borisenko gọi tôi lên nói chuyện. Không có xe ô tô, tôi đi bộ lên Sứ quán với phán quyết “Được hay không được”.

Đại tá gặp tôi vui vẻ, tôi nghĩ ngay “mọi việc đều đâu vào đó”. Một số câu hỏi mang tính xã giao về thư từ, sức khỏe của vợ và con gái, và cuối cùng Đại tá mới đi vào vấn đề chính: Gia đình đồng chí được chia một căn hộ ở trung tâm thành phố Yakutsk, có địa chỉ như sau: Phố Các Mác, nhà số... phòng số... Niềm vui đã chiếm kín cả tâm hồn tôi. Thế là nhờ trời, mọi vấn đề đã được giải quyết!

Trên đường từ Sứ quán trở về tôi đi trên xe ô tô của Đại tá Borisenko. Các bạn vui mừng chúc mừng tôi đã nhận được căn hộ mới. Vợ tôi đã ghi thư cho tôi và kể rằng, nửa đêm các thủ trưởng đã đến nơi ở của cô ấy và đưa mẹ con cô ấy đến khu tập thể khác có hệ thống sưởi ấm trung tâm, đối diện với tòa nhà của các sĩ quan. Lại khu tập thể, và một điều bất ổn nhất là căn phòng lại nằm dưới cửa vòm, vào mùa tuyết của Sibêria, tuyết sẽ rơi vào nền và các góc phòng. Sau khi nhận được thông tin này, tôi đã đến gặp Đại tá Borisenko và kể lại mọi chuyện cho Đại tá nghe. Nói thêm một chút là Trợ lý của đồng chí Shelepin đã để lại địa chỉ cho tôi để báo cáo. Đại tá Borisenko rất tức giận: “Đồng chí Aleksei thân mến, đồng chí cứ yên tâm, chúng tôi sẽ khắc phục vấn đề này sớm”.

Sau tròn một tháng, vợ tôi ghi thư thông báo, họ đã chuyển gia đình về chỗ ở mới. Một căn hộ 2 phòng tầng 2 nhà 5 tầng, Tòa nhà này chưa hoàn thiện xong Địa chỉ: Phố Postưsev, nhà số 2. Cách sông Angara chừng 50 mét, có cảnh rất đẹp nhìn ra nhà máy thủy điện Yakutsk. Chỉ có một điểm yếu là hiện tại mới chỉ có một căn phòng này được bàn giao cho người đến ở các căn hộ còn lại phải sau 2 tháng nữa.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2023, 05:23:15 pm
Những vẻ đẹp Việt Nam

Trong những ngày ở Việt Nam, hàng ngày lên lớp dạy các chuyên gia Việt Nam quả là một công việc đơn điệu. Song tác động nhiều đến tư tưởng chúng tôi là điều kiện sinh hoạt hàng ngày có khó khăn, đặc biệt là tình hình chiến sự luôn căng thẳng, máy bay Mỹ luôn luôn xâm phạm bầu trời, khiến có lúc lo lắng có thể bị thương vong trong điều kiện đều xa gia đình. Việc liên lạc với gia đình chỉ có một con đường duy nhất là thư, mà nhiều khi thư cũng chậm hàng tháng. Ngày nay nhớ lại, chúng tôi cũng rất khó hình dung là khi đó chúng tôi chịu đựng được khí hậu nhiệt đới có độ ẩm cao. Khí hậu nhiệt đới đã gây ra một số bệnh ngoài da cho chúng tôi. Nước uống chỉ được dùng nước đã đun sôi và không để nguội. Nhiều chuyên gia chúng tôi bị các bệnh về đường ruột, dạ dày, bởi vì họ làm việc ở những nơi thiếu màn chống muỗi và thiếu các món ăn Nga.

Chiến tranh là chiến tranh. Tuy thế, những ngày chủ nhật, các bạn Việt Nam đã cố gắng tổ chức cho chúng tôi những tua du lịch đầy thú vị. Đối với chúng tôi, mỗi chuyến đi là một sự kiện vô cùng quí giá. Chúng tôi được phép đem theo máy ảnh để chụp. Chúng tôi được chiêm ngưỡng và chụp những thắng cảnh vô cùng đẹp và nổi tiếng. Chúng tôi không thể tin nổi bàn tay của những kẻ man rợ của thế kỷ 20 đã tàn phá những cảnh đẹp tương tự như thế này.

Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ khi Việt Nam dành được thắng lợi toàn thắng: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vì công việc, tôi cũng nhiều lần phải gặp và nói chuyện với các cựu binh Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam, song hình ảnh người Mỹ là kẻ thù xâm lược vẫn suốt đời giữ trong nhận thức của tôi. Tính kiêu ngạo của họ trong khi trao đổi nhanh chóng bị tiêu tan khi nhắc tới những yếu tố thất bại... Họ phải rút lui khỏi các cuộc nói chuyện và tiếp xúc với những người chiến thắng. Đó là điều tại sao chúng tôi không thích họ...

Trong một ngày chủ nhật mùa đông, trời nắng ấm, chúng tôi cùng với các đồng chí phiên dịch đi ra vịnh Hạ Long - hòn ngọc của đất nước này. Chúng tôi đi sớm để dễ dàng vượt qua được thành phố lúc nào cũng chen chúc và qua được cầu Long Biên là chiếc cầu đẹp nhất Đông Dương có chiều dài 1800 mét bắc qua sông Hồng. Ngồi trên xe hơn 3 tiếng đồng hồ chạy theo hướng đông về phía vịnh Hạ Long. Sau đó tất cả chúng tôi được chia thành nhóm 10 người và ngồi vào ca nô chạy theo dòng chảy của sông. Chúng tôi rất vui khi chúng tôi được sát nhập với đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô. Trong đoàn có đồng chí Vaghin, đồng chí Tokmakov. Ngồi sau tay lái ca nô là những cô gái. Họ lái rất điêu luyện đến mức chúng tôi phải khâm phục tài nghệ của họ.

Cảnh đẹp của vịnh Hạ Long làm tôi sửng sốt. Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch, trong vịnh có trên 3000 hòn đảo và gần một nghìn hòn đảo chưa có tên gọi. Hướng dẫn viên đã chỉ cho chúng tôi hòn đảo mang tên nhà du hành vũ trụ Gherman Titov với câu chuyện rất hay. Ngày 22 tháng 11 năm 1962, nhà du hành vũ trụ số 2 của chúng tôi - Gherman Titov đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh ra nghỉ trên hòn đảo này. Khi tàu đưa đoàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới vùng đảo này, nhà du hành vũ trụ xin phép Bác Hồ được tắm. Dưới đây là trích đoạn hồi ký của Ti Tốp:

- Cháu có rét không? Bác Hồ âu yếm cười và hỏi tôi:

Sau một giây, chúng tôi đã xuống xuồng và đi tới một đảo nhỏ. Các phiến đá màu xanh và lóng lánh bởi những giọt sương trên đảo dựng thành bức tường thẳng đứng và chỉ có một nơi được tạo thành bãi cát vàng.

- Đây gọi là đảo gì?

Bác Hồ hỏi đồng chí phụ trách ca nô, khi chúng tôi ùa vào sóng, chúng tôi lại chạm vào boong tàu bảo vệ. Đồng chí hải quân trả lời:

- Thưa bác, đảo này mang số 46 ạ!

- Bác nghĩ, Gherman Titov đến Việt Nam và không thể mãi mãi ở lại Việt Nam, chúng ta để lại cho Ti Tốp một món quà khác, - Bác Hồ ôm vai tôi và nói, Bác đặt tên cháu cho hòn đảo này! Cháu tới đây lúc nào cháu muốn, cháu là khách quí mà! Và Bác Hồ đã quay sang người phụ trách ca nô và giải thích một ý của Người:

- Hãy sửa lại trên bản đồ: Đảo này từ nay gọi là đảo Gherman Titov”.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2023, 05:24:02 pm
Chúng tôi cũng theo gương nhà du hành vũ trụ của chúng tôi. Và mặc dù cấm tắm, song chúng tôi đồng loạt nhảy xuống nước và bơi tới hòn đảo vinh quang. Nước lạnh bao quanh thân thể chúng tôi chẳng khác nào người mẹ thân yêu. Mỗi người nghĩ về hồ nước nơi mà mình học bơi. Còn đối với tôi, trước mắt tôi là một hòn đảo nhỏ ở quê hương tôi - vùng Shabelnik xa xôi.

Với cảm giác vui và hân hạnh, chúng tôi bơi tới đảo. Mọi người có cảm giác đây là một phần của Tổ quốc mình.

Cảnh đẹp như vịnh Hạ Long, trong đời tôi không biết lấy gì mà so sánh. Hàng nghìn hòn đảo có cây đâm chồi nẩy lộc đang tạo ra ở đây một cảnh đẹp kỳ diệu - hàng nghìn đảo là hàng nghìn hình dạng khác nhau. Hình như những con rồng khổng lồ cổ xưa đã bị chết cóng và những con tàu tuần tiễu đang đứng suốt đời để tạo thành bản sắc không thể nhìn thấy được của việc chuyển giao từ rừng sang đại dương.

Các hang động với kích thước khác nhau cũng tạo ra cho vịnh một bản sắc đặc biệt. Phần lớn các hòn đảo ở đây là núi đá vôi và chúng đã bị xói lờ với mức độ khác nhau. Do đó các hang động được tạo thành. Một số hang có thể đi ca nô thẳng vào, song như lời giới thiệu của hướng dẫn viên thì khi nước thủy triều dâng lên, một số hang động bị chìm trong nước.

Chúng tôi không bao giờ quên câu chuyện hang Đầu Gỗ. Hang này gồm có 3 gian, mỗi gian có chiều dài gần 100 mét. Có cảm tưởng như là đang ở trong câu chuyện của Bazhov về “bà hoàng của núi vàng”. Những tấm nhũ đá muôn hình, muôn vẻ được tạo ra những hình thù khác nhau, như con chim, con cá, hoa và tất cả những gì mà con người ta có thể tưởng tượng ra được.

Những gam màu kỳ diệu và các sắc thái của chúng không đâu có được thể hiện rõ trên các bức tường của gian thứ 2. Gian thứ 3. theo tôi là gian có nhiều chứng tích lịch sử của Việt Nam. Gian này đã được sử dụng để cất giấu các cọc gỗ của đạo quân Trần Hưng Đạo. Thời bấy giờ đạo quân của tướng Trần Hưng Đạo đã đóng cọc xuống đáy sông Bạch Đằng để đánh các tàu của “quân phương Bắc”.

Những di vật lịch sử như: các cọc gỗ, các thanh kiếm, mũi tên và di hài của các nghĩa sĩ đạo quân đều để trong một khám đặc biệt trong tường và chỉ giới thiệu cho những vị khách quân sự và khách danh dự như các thành viên trong đoàn chúng tôi xem. Những mảnh xương sọ màu vàng được để riêng trong từng ô được ngăn cách bởi những viên đá cẩm thạch đã gợi cho người xem những cảm xúc đặc biệt.

Tôi ngạc nhiên khi nghe nhà sư bắt đầu giới thiệu và kể về bậc tiền bối của mình và về các chiến công của họ. Thông qua phiên dịch, tôi hỏi lại xem đó là của ai? “Ồ, tất nhiên đó là của tôi, đấy, chiếc xương sọ trắng nhất là của bố tôi, còn đây là ông nội tôi, bên cạnh là cụ cố tôi, còn đây là cha của cụ cố tôi...”. Cứ như thế nhà sư đã giới thiệu đầy đủ họ và tên từng người, kể về lòng dũng cảm và chiến công của các tiền nhân từ thế kỷ thứ 8 đến ông tổ anh hùng của mình. Lúc này tôi suy nghĩ về việc mình chẳng hiểu gì về lịch sử của nước mình, về lịch sử của dòng họ Skreblyukov.

Trên đường trở về Hà Nội, chúng tôi bị cảnh sát giao thông chặn xe và báo cho biết có báo động máy bay Mỹ sắp tới. Chúng tôi xuống vệ đường và nghe tiếng rú của máy bay, chúng đang bay về phía Hải Phòng.

Bỗng từ phía núi vang lên tiếng ầm ầm, lên lửa của chúng ta vút lên và theo sau là một dải khói trắng mờ, nhanh chóng bám sát máy bay. Máy bay không kịp hạ độ cao, cố ý tránh sang bên trái. Tên lửa cổ bám sát và đã vượt tốc độ máy bay. Sau mấy phút, tên lửa đã đuổi kịp mục tiêu và một tiếng nổ kèm theo, một đám mây màu vàng tung ra, máy bay biến thành nhiều mảnh và rơi xuống khu rừng. Chúng tôi vui mừng và tự hào về những chiến sĩ tên lửa của chúng tôi đã trừng trị kẻ thù đem bom đánh phá các mục tiêu hòa bình của Việt Nam. Khi đã về Hà Nội, chúng tôi mới biết đơn vị Tên lửa Phòng không đánh trận nói trên do Thiếu tá Lyakishev I.A. chỉ huy.

Việc dạy và học tại trung tâm huấn luyện khi đã chuyển về phía nam ngoại thành Hà Nội dành nhiều thời gian vào việc sửa chữa các thiết bị thông tin được chuyển từ các mặt trận ở miền Nam Việt Nam. Làm việc trong xưởng sửa chữa này không chỉ có các chuyên gia Việt Nam mà có cả các chuyên gia Trung Quốc.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2023, 05:25:31 pm
Bắn thử loại vũ khí mới

Một sự kiện đặc biệt đến với chúng tôi là máy bay chở hàng từ Liên Xô đã bay sang Việt Nam. Đối với chúng tôi đó là một ngày hội lớn. Thông thường, phi hành đoàn máy bay IL-18 khi đem quà và thư từ cho chúng tôi, họ sẽ nghỉ ở Kim Liên. Chúng tôi rất quen biết các phi công và luôn luôn vui khi các đồng chí đó sang Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt rất kính trọng đồng chí Trung tá Sukhininin là Cơ trưởng. Đồng chí là người đi nhiều nước nơi có các binh sĩ và chuyên gia quân sự của chúng tôi công tác. Đồng chí ấy biết những thứ gì cần đem sang châu Phi, sang Cu Ba, sang Indonesia, sang Miến Điện và các nước.khác. Song đối với chúng tôi, bao giờ đồng chí ấy cũng đem sang cá trích, cá vền đen, bánh mỳ đen và tất nhiên có cả rượu vodka loại “thủ đô” hoặc “Moskva”. Chúng tôi nhớ đồng chí đó như là một linh hồn của cuộc hội ngộ và người khôi hài.

Trong một cuộc gặp vui vẻ như thế, chúng tôi được làm quen với các sĩ quan pháo binh mới bay từ Liên Xô sang. Sau khi đã ngồi vào bàn và chuyện trò với nhau, họ hỏi tôi có biết máy thông tin R-109. Sau khi nghe tôi trả lời, họ đề nghị tôi giúp đỡ tổ chức kênh thông tin tại một địa điểm. Đồng chí Thiếu tá Gromov đang có mặt tại đó và đồng ý cử tôi đi công tác trong một số ngày cùng với họ.

Ngày hôm sau, một nhóm sĩ quan tên lửa mà trước đây họ là bộ đội pháo binh đã đến gặp chúng tôi. Sáng sớm hôm đó, hai xe buýt đưa chúng tôi đến trường bắn. Trên đường, các đồng chí ấy giải thích cho tôi rằng, các đồng chí ấy sẽ giới thiệu với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam một loại vũ khí phản lực mới. Đồng chí Trung tá V. Azazov là Trưởng đoàn.

Sau khi đã đến trường bắn, các sĩ quan pháo binh bắt đầu đặt chiếc giá 3 chân bằng kim loại, san bằng khu vực đặt giá và xác định hướng, có nghĩa là làm những việc như người lính pháo binh ra trường bắn. Nhiệm vụ của tôi là làm quen với đồng chí Thượng úy Việt Nam phụ trách công tác thông tin trên trường bắn. Xem đường dây thông tin trên trường bắn được lắp đặt như thế nào và công suất của máy ra sao. Đồng chí ấy quý mến tôi, song không nói ra. Công việc của tôi là kiểm tra và đảm bảo cho gần chục máy R-109 công suất nhỏ có khả năng làm việc.

Sau khi đã đặt xong các giá 3 chân vào vị trí, các sĩ quan pháo binh lắp đặt các quả đạn phản lực từ dàn “Ca-chiu-sa” vào vị trí. Các mục tiêu dùng trong học tập như: mô hình xe bọc thép, mô hình xe vận tải và cả mô hình máy bay trực thăng được bố trí tại một địa điểm có diện tích hơn 2 ha, ở cách trường bắn khoảng 8 km. Các mô hình nói trên đều được điều khiển từ xa.

Theo đề nghị của tôi, số máy R-109 được dùng trong đợt bắn thử này đều được tập trung về ban tham mưu. Một số bình ắc qui đã hết điện. Khi kiểm tra, tôi phát hiện thấy tần số ở một số máy bị sai lệch và yêu cầu phải chỉnh theo tần số thạch anh. Trong khi các sĩ quan pháo binh làm việc của mình, các chiến sĩ thông tin do đồng chí Thượng uý phụ trách tiến hành chuẩn bị cho máy vào làm việc. Lau chùi các bình ắc qui và nạp điện cho chúng. Triển khai ăng-ten. Theo lệnh của tôi, cần có ăng-ten loại “tia nghiêng” để đảm bảo cự ly liên lạc được xa. Các bạn Việt Nam cũng ngạc nhiên khi thấy cự ly liên lạc loại ăng-ten này tăng lên một số lần. Tôi đích thân kiểm tra vạch đo bộ tạo phách của máy thông tin và điều chỉnh cho đúng. Buổi tối tôi cùng với một số đồng chí cố vấn về Hà Nội.

Sau vài ngày, chúng tôi lại quay trở lại trường bắn. Tập hợp tất cả các chiến sĩ thông tin Việt Nam cùng với máy đã được chuẩn bị. Một lần nữa chúng tôi tiến hành kiểm tra thiết bị bằng cách cho thiết bị làm việc ở chế độ không phát tín hiệu lên không trung và phân công các chiến sĩ thông tin về từng vị trí công tác. Tôi chỉ để trong ban tham mưu 2 đồng chí khá nhất.

Gần trưa, các tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có mặt ở sở chỉ huy trường bắn. Đồng chí Thiếu tướng Belov Grigory Anđreev, Trưởng đoàn chuyên gia ra đón các đồng chí cán bộ cao cấp Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt vui mừng được đón đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một thống lĩnh thiên tài, một nhân vật huyền thoại của Việt Nam, đã đánh thắng thực dân Pháp trong những năm 50 và là thủ lĩnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đến cuối cùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh hơi gầy nhưng cân đối, có bộ râu bạc và đôi mắt sáng, nhân từ. Người mặc bộ quần áo ka ki trắng được may rất đơn giản, đi đôi dép cao su. Ngay xe của Chủ tịch đi cũng không có gì đặc biệt hơn các xe chở các đồng chí lãnh đạo khác.

Sau khi xem trận địa các đàn tên lửa “Ca-chiu-sa” và lời giới thiệu của Thiếu tướng Belov, tất cả các đồng chí lãnh đạo Việt Nam đi vào căn hầm đặc biệt. Một khẩu lệnh bằng tiếng Nga vang lên “Bắn!” và trong vòng 15 phút, 12 dàn Ca-chiu-sa đã nhả 144 quả đạn tên lửa. Những quả đạn như xé mảng trời, bay đến mục tiêu để lại một dải khói dày đặc. Đã nghe được những tiếng nổ mạnh của đạn từ xa vọng về. Đợt bắn vừa kết thúc, trên bầu trời đã hình thành một dải khói rộng và đen nghịt, nối từ trường bắn đến địa điểm có mục tiêu, chẳng khác nào chiếc cầu vồng có 2 đầu là trường bắn và mục tiêu huấn luyện, đều ở trong rừng.

Tất cả những người có mặt đều được mời lên ô tô đến kiểm tra “hoạt động” của Ca-chiu-sa. Tôi rất tiếc không được đến xem kết quả. Chúng tôi phải nhanh chóng lên xe về Kim Liên.

Sau hơn 45 năm, trong hồi ức của Thiếu tướng Belov đã ghi: “Sau khi bắn xong, tôi vinh dự được đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xem kết quả. Những gì mà chúng tôi nhìn thấy thật là khủng khiếp. Các đường hào và hầm đều bị đất lấp đầy. Các cột bê tông cốt thép, các mô hình xe bọc thép, mô hình máy bay trực thăng đều bị phá hủy và thiêu cháy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bắt tay tôi và nói: “Đồng chí Belov, cám ơn về tất cả những gì các đồng chí đã làm. Tôi đề nghị đồng chí chuyển lời cảm ơn của chúng tôi đến lãnh đạo Bộ Quốc phòng Liên Xô và mong sớm cung cấp loại vũ khí này cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2023, 05:27:10 pm
Chuyến đi công tác vào khu 4

Theo chương trình học tập, đã đến kỳ các học viên Việt Nam làm các bài thi. Mỗi lớp, chúng tôi chuẩn bị phiếu thi riêng, số phiếu gấp đôi số học viên. Mỗi phiếu có 3 câu hỏi, 2 câu lý thuyết về cấu tạo của thiết bị thông tin, câu thứ 3 là câu thực hành sửa chữa. Các đồng chí học viên Việt Nam miệt mài ôn tập chuẩn bị thi một cách hết sức cố gắng.

Cuộc sống và chiến tranh đang làm thay đổi. Nửa đêm, phái viên gọi chuyên gia quân sự Liên Xô ở Kim Liên đi công tác. Đã về đêm, song các đồng chí Đại tá Đzưza, Thiếu tá Zaika, Thiếu tá Gromov và một số đồng chí khác đã được mời tới và ngồi xung quanh bàn. Nhìn vào nét mặt mệt mỏi và nghiêm nghị của các đồng chí đó, tôi nghĩ là có vấn đề gì nghiêm trọng đây. Chúng tôi được thông báo là các đồng chí Việt Nam đã biết rất rõ là sắp tới Mỹ có kế hoạch tiến hành chiến dịch không quân chiến lược, trong đó có sử dụng máy bay B-52 đánh vào các mục tiêu ở khu trung tâm Thủ đô Hà Nội. Không nói rõ nhiệm vụ cụ thể của mỗi người, song tất cả đều hiểu là các tiểu đoàn Tên lửa Phòng không cần phải cơ động như thế nào để đón được địch và giáng cho chúng những đòn thất bại nặng. Đặc biệt là nhiệm vụ phải tiêu diệt được “pháo đài bay B-52”, mà Mỹ vẫn huênh hoang đó là máy bay ném bom không thể bị bắn.

Tôi cần vào Hà Tĩnh để chuẩn bị và kiểm tra các thiết bị thông tin VTĐ, trạm vi ba ở trên các trận địa chính và trận địa dự bị của các tiểu đoàn tên lửa phòng không. Sau 2 giờ là phải lên đường.

Tôi nhanh chóng xếp vào túi bộ quần áo dã chiến: áo và quần màu xanh (tự may ở ngoài hiệu!), giày cao cổ, mũ cối do đồng chí phiên dịch Kiên tặng, các đồ dùng cá nhân, mũ sắt. Tôi cũng đem theo một số thứ lặt vặt như bánh kẹo, mấy hộp thức ăn, biết đâu có lúc cần. Sau này tôi mới tiếc là không đem theo chiếc máy ảnh FED-2. Nếu có thì bây giờ có những bộ ảnh quí như thế nào.

Ê kíp chúng tôi có: tôi, người bạn không thể thay thế được - phiên dịch Hoan, một học viên và đồng chí bảo vệ lại cùng nhau ngồi vào xe “Pôbeđa” lên đường làm nhiệm vụ mới. Đường vào phía Nam rất khó khăn. 2 ngày chúng tôi đi trên con đường có nhiều hố bom, lầy lội và phải qua nhiều phà. Ban đêm lại rơi vào tình trạng tắc nghẽn vì gặp phải những hố bom sâu do bom Mỹ mới gây ra. Trong đêm tối, nhiều người dân Việt Nam, mà chủ yếu là phụ nữ đã dùng mọi phương tiện và đôi bờ vai nhỏ bé của mình để vận chuyển hàng chục mét khối đất, nhanh chóng lấp đầy các hố bom đó, hồi sinh tuyến giao thông từ Bắc vào Nam.

Có một vài lần chúng tôi phát hiện thấy, theo dọc đường chúng tôi đang đi, có các máy bay tiêm kích ném bom Mỹ đang bay ở độ cao thấp. Có thể xe của chúng tôi sơn màu xanh lá cây nên chúng không phát hiện ngay được hoặc có thể bọn giặc lái Mỹ cũng không muốn để ý đến mục tiêu như loại xe của chúng tôi. Khi máy bay Mỹ bay gần đến chỗ chúng tôi, mọi người chúng tôi nhanh chóng ra khỏi xe và ẩn nấp vào các rãnh hai bên đường. Nhờ trời, bọn không tặc đã bay qua. Nhưng, hãy đợi đã! Các bạn chúng tôi đang triển khai vài tiểu đoàn tên lửa phòng không ở phía Nam, bọn Mỹ còn dám hung hăng nữa không!

Chúng tôi đã đến trận địa thứ nhất. Đồng chí thiếu úy là học viên đã học ở lớp do Đại úy Bakulin dạy, ra đón chúng tôi. (Rất tiếc tôi không nhớ họ tên của đồng chí thiếu úy). Đồng chí thiếu úy chỉ cho chúng tôi xe thông tin tiếp sóng R-405 đã được triển khai. Xe thông tin được ngụy trang trong khu rừng nhiệt đới thật lý tưởng. Cũng thời gian này, ở đơn vị chúng tôi bên Yrkutsk Liên Xô không có loại xe thông tin như thế này. Thật là không đúng khi người ta không có thiện chí nói rằng, Liên Xô chúng tôi cung cấp kỹ thuật cũ cho Việt Nam. Tôi rất thích thú khi được làm quen với kỹ thuật mới, song vẻ bên ngoài tôi không biểu lộ tôi hoàn toàn không biết gì về loại thiết bị này. Loại R-405 hoàn toàn giống loại R-401 của đơn vị tôi ở Liên Xô, song loại mới này được bổ sung thêm các khối sóng đề-xi-mét. Không sao, chúng tôi sẽ cùng nhau khám phá. Có tài liệu kỹ thuật đây rồi. Trước tiên tôi kiểm tra xem việc triển khai kỹ thuật đã đúng chưa, kiểm tra việc điều chỉnh và kiểm tra tài liệu. Rất vui là mọi việc đều được làm đúng như hướng dẫn. Ngay cả công tác kiểm tra định kỳ cũng được tiến hành và ghi đầy đủ đúng với tài liệu hướng dẫn. Vâng, đúng là chúng tôi đã dạy các bạn Việt Nam như thế. Trong bữa ăn trưa, tôi đã cám ơn đồng chí thiếu úy về sự đón tiếp và về việc đã sử dụng khí tài tốt như thế. Tôi hứa sẽ báo cáo Bộ Tư lệnh vấn đề này.

Ăn trưa xong, chúng tôi lên xe sang trận địa thứ 2. Sau vài giờ, chúng tôi đã đến trận địa. Song cái gì thế này? Thay vào trận địa hỏa lực là một vị nơi tập họp đông người làm việc. Đón chúng tôi là một chỉ huy quân sự không rõ đeo quân hàm loại gì. Vị chỉ huy này nói chuyện với đồng chí phiên dịch Hoan lâu và yêu cầu đồng chí Hoan xuất trình giấy tờ gì đó. Cuộc nói chuyện trở nên gay gắt hơn, trở nên to tiếng. Tôi lại áp dụng một thủ thuật cũ, đã có tác dụng. Tôi bước đến đồng chí chỉ huy. Tôi đề nghị đồng chí Hoan dịch là tôi được đồng chí Sát cử đến đây (đồng chí Sát là ai, chức vụ gì tôi không biết. Đồng chí Sát đã đến thăm trung tâm chúng tôi nhiều lần, rõ ràng đồng chí ấy phải là một thủ trưởng cỡ bự), nếu đồng chí không cho tôi kiểm tra thiết bị thông tin, tôi sẽ báo cáo đồng chí Sát và tôi sẽ PHÊ BÌNH Ở CUỘC HỌP. Đồng chí Hoan sợ không dám dịch những lời đó, tôi đề nghị dịch. Lời đe dọa đó có hiệu nghiệm, nhưng... trên trận địa không có một loại thiết bị thông tin nào, mà ở đây đang xây dựng trận địa tên lửa phòng không. Gần nghìn người nông dân với quang gánh trên vai, sọt trên tay vận chuyển đất, đá để làm các hầm đặt tên lửa. Họ đứng thành từng hàng và chuyền tay nhau những sọt đất đá. Còn những người gánh trên vai, chuyện trò vui vẻ, đua nhau những bước dài đến vị trí đặt các xe chỉ huy trận đánh. Một bức tranh nhắc chúng tôi nhớ câu chuyện đàn kiến đang kiên trì xây tổ.

Màn đêm buông xuống. Chúng tôi được bố trí vào thôn bên cạnh để ngủ. Cũng như mọi nơi, cửa sổ và cửa ra vào ở các nhà đều không có cánh. Các ô cửa sổ đều dùng chiếu che. Giường tre được trải chiếc chăn chiên, ruột gối và đệm đều làm bằng rơm. Các cháu thiếu niên thông tin rất nhanh là “Liên Xô” đã đến. Thế là dân địa phương là dân tộc Mèo đã kéo đến vây quanh chúng tôi. Họ là những người hiền lành, tốt bụng. Tôi hoàn toàn không hiểu ngôn ngữ của họ. Đồng chí Hoan cũng rất khó khăn dịch từ ngôn ngữ Mèo ra tiếng Nga. Họ đem đến cho chúng tôi nào là chè xanh, nào là các loại trái cây ở địa phương. Chúng tôi gửi lại họ các hộp thức ăn, chia kẹo và đường viên cho các cháu nhỏ. Các cháu nhỏ tò mò sờ vào tay tôi nhìn vào mắt và đề nghị tôi cho xem các con cơ hai đầu và chúng phá lên cười vì khoái trá.

Trận mưa rào vùng nhiệt đới đã làm gián đoạn buổi tiếp xúc giữa chúng tôi với nhân dân địa phương. Đêm đó là đêm khó ngủ đối với tôi, nóng bức và đủ các loại muỗi. Nhất là khi đồng chí lái xe ném từ trong xe ra một con chuột to, thì tôi chẳng sao ngủ được. Chuột chạy theo từng đàn xung quanh khu vực chúng tôi chúng leo lên tường và đường cáp. Một điều không hiểu tại sao dân địa phương lại không ăn thịt chuột? Sáng sớm, đồng chí Hoan thông tin cho chúng tôi biết là người dân ở đây không sờ đến chuột, người ta sợ có điềm xấu.

Đường trở ra Hà Nội không gặp một trở ngại nào. Sau hai đêm mất ngủ, không còn tâm trí để ý đến thiên nhiên xung quanh và những hậu quả của bom đạn nữa. Mỗi lần xe vượt qua suối hoặc một vũng lầy, chúng tôi như sắp bật ra khỏi xe.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2023, 05:28:46 pm
Đường trở về Liên Xô

Sau khi về đến Hà Nội, tôi báo cáo ngay kết quả chuyến đi công tác với đồng chí Thiếu tá Gromov. Đồng chí Thiếu tá rất chú ý lắng nghe và hứa sẽ báo cáo lên Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam về kết quả chuyến đi của tôi và cả cuộc đụng độ với người chỉ huy vùng hậu phương.

Tháng 4 năm 1966 là thời hạn kết thúc khóa học. Sau khi các học viên ra trường, tôi chuẩn bị về nước. Tôi cần phải đặt mua một số đồ trang sức làm quà cho vợ và con gái. Tôi ghi thư cho mọi người mà chúng tôi thường viết thư cho nhau, tôi báo không gửi thư cho tôi theo địa chỉ Moskva-400, hòm thư 326, vì tôi không ở Moskva nữa.

Nhân dịp đoàn chúng tôi về nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã dành thời gian tới dự buổi chiêu đãi chúng tôi. Trong buổi chiêu đãi này, chúng tôi được trao tặng Huy chương “Hữu nghị” của Việt Nam, thư cám ơn do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký và quà lưu niệm - chiếc thuyền rồng làm bằng sừng trâu. Chuyên gia có chức vụ càng cao thì thuyền rồng càng lớn, như thế để không làm ai phật ý.

Sau chiêu đãi, chúng tôi tạm biệt các đồng chí và trở về Kim Liên.

Tại Kim Liên, đã chuẩn bị bữa liên hoan chia tay với tất cả các chiến hữu là lính thông tin. Rất buồn và bịn rịn khi phải chia tay với những người đã cùng nhau chung sống trong suốt thời gian khốc liệt qua. Đồng chí Thiếu tá Gromov dặn dò chúng tôi như người cha dặn con. Một số đồng chí ở Học viện Thông tin Quân sự Lêningrat đã cho tôi địa chỉ với lời chúc sau vài ba năm nữa là tôi phải vào học ở Học viện đó.

6 giờ sáng, các chuyên gia trong diện về nước như tôi đã lên 2 xe buýt để ra sân bay Gia Lâm. Tất cả bạn bè tôi đều ra tiễn. Những cái bắt tay cuối cùng và đoàn xe chuyển bánh. Tôi nhớ hôm đó là ngày 19-4. Sau khi đến sân bay, chúng tôi được đưa lên máy bay vận tải quân sự AN-12. Tại sao lại không được lên máy bay IL-18? Trên máy bay đó, ghế mềm hơn, có điều hoà và các cửa kính để hành khách nhìn được ra ngoài. Còn máy bay AN-12 chỉ dùng để vận chuyển hàng hoá hoặc thả lính nhảy dù. Nhưng không sao, cái chính là ngồi lên máy bay và về được tới gia đình. Một giờ trôi qua mà không thấy cơ trưởng và các hoa tiêu đến. Trong máy bay quá nóng bức, mặc dù đã tìm được cái quạt tay, song mồ hôi trong người cứ tuôn ra như tắm. Một số giờ như thế đã trôi qua. Chúng tôi được phép xuống sân bay và ngồi chờ. Sau vài giờ nữa, xe buýt lại xuất hiện và chúng tôi bất ngờ được thông báo nguyên nhân chúng tôi quay trở lại Kim Liên.

Một cuộc hội ngộ bất ngờ lại diễn ra ở Kim Liên. Những cái bắt tay và ôm hôn cứ như là không phải sáng hôm nay vừa mới chia tay, mà đã mấy năm nay chưa hề được gặp. Nói đùa một chút thôi. Nhưng cuộc gặp lại cũng rất vui, thêm vào đó, chúng tôi lại được phát thêm ít tiền để chi tiêu. Thông tin chót là sớm hôm sau, 20 tháng 4 năm 1966, có máy bay đưa chúng tôi về nước.

Mọi người tản mát hết, còn tôi cùng với những chiến sĩ Shatrov A., Tataev V., Sheglov E. là những người đã từng gắn bó với nhau, đi ra công viên “Thống Nhât”. Một lần nữa, họ mời Trung đội trưởng “đi” ca nô. Ăn chút xíu và uống cốc bia trong quán cà phê rồi cùng nhau ra bến thuyền. Một cảnh đẹp lạ thường bao trùm cả vùng hồ. Lá cây dừa, cây chuối phủ rợp xung quanh bờ hồ. Phía đông nam hồ là trường Đại học Bách Khoa - cái nôi đào tạo nhiều kỹ sư hiền tài cho Việt Nam. Chúng tôi được biết trong xưởng và các phòng thí nghiệm của trường này đã tiến hành thí nghiệm cả vũ khí. Có một vài ca nô, trên đó là các nam nữ thanh niên, đã bơi đến sát ca nô chúng tôi và chuyện trò vui vẻ.

Nhưng... cái gì thế??? Chúng tôi nghe thấy tiếng còi báo động, và ngay lập tức từ hướng Tây đã xuất hiện 2 máy bay tiêm kích ném bom của Mỹ. Chúng đã bắn đồng loạt xuống hồ về phía trường Đại học Bách Khoa. Nước ở vùng đạn rơi xuống đã trỗi lên thành từng dải. Những người ngồi trên các ca nô nằm trong vùng bị bắn đã bị tử vong ngay lập tức. Máy bay địch đã bắn rốc két xuống trường Đại học Bách Khoa và đã bắt đầu quay lại vòng thứ 2. Chúng tôi lấy hết sức bình sinh chèo và đã đưa ca nô vào sát bờ. Khi vòng trở lại, máy bay địch đã bay thẳng về hướng chúng tôi, và chúng tôi không còn khả năng thoát khỏi điểm hiểm họa này. Miệng súng liên thanh trên máy bay đã khạc ra những đám lửa. Thế là hết, từ biệt cuộc đời! Trong đầu tôi vẫn lóe lên câu hỏi: “Ai sẽ đem quà về cho vợ???”. Máy bay nhả đạn như mưa vào chỗ cách ca nô chúng tôi khoảng hơn 10 mét. Đây rồi, lũ giặc kia! Súng cao xạ, súng máy của các đơn vị phòng không Việt Nam từ các phía thi nhau nhả đạn vào máy bay. Máy bay vội ngóc lên và mất hút về hướng Đông.

Ca nô của chúng tôi đã đến bờ. Chúng tôi lao vào hầm. Vâng, đây là ngày đầu tiên khi ở Việt Nam, tôi đã qua một cơn hoảng sợ và yếu đuối như thế. Yên tĩnh đã trở lại. Bây giờ chúng tôi mới hiểu tại sao hôm nay lại không cho chúng tôi lên máy bay về nước. Tình báo Việt Nam lại chứng minh được tài nghệ của mình trong việc nắm tình hình địch.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2023, 05:30:13 pm
Sáng ngày hôm sau, cuộc chia tay chớp nhoáng (vì để không có điềm gở), chúng tôi nhanh chóng lên xe buýt, sau đó lên máy bay AN-12 và cất cánh bay về hướng Bắc. Tạm biệt Việt Nam. Cầu trời hãy cho chúng tôi được gặp nhau trên mảnh đất này sau khi Việt Nam đã chiến thắng kẻ thù độc ác và bầu trời Việt Nam luôn luôn hoà bình.

Máy bay chúng tôi xuống sân bay Bắc Kinh. Tại đây, chẳng còn sự đón tiếp trọng thị nữa. Quan hệ giữa hai nước chúng tôi được biểu thị ở phong cách tiếp khách của người dân Trung Quốc. Các chiến sĩ biên phòng và nhân viên hải quan rất lạnh nhạt với chúng tôi. Bữa ăn trưa cùng không có những bài phát biểu chúc mừng, có nhiều món ăn, nhưng không có vodka và cô-nhắc như lần từ Liên Xô quá cảnh sang Việt Nam. Chúng tôi ngồi trong một phòng nhỏ chờ máy bay nạp thêm nhiên liệu, rồi tiếp tục bay sang U-Lan-Ba-To.

Máy bay chúng tôi hạ cánh xuống sân bay nằm giữa khu rừng. Cơ trưởng giải thích, từ đây về thành phố cần phải 40 phút nữa. Chúng tôi không phải qua các thủ tục kiểm tra, ngồi lên các xe “Hải âu” của Liên Xô và đưa thẳng về khách sạn nghỉ qua đêm. Kiến trúc xây dựng khách sạn theo đúng mẫu của Liên Xô, nhà 5 tầng thời Khrusov.

Nơi được gọi là trung tâm thành phố, vì nơi đó có các tòa nhà đồ sộ của Chính phủ nước CHND Mông Cổ, có Cung văn hóa. Phía trước các tòa nhà của Chính phủ là Lăng của Đamđini Sukhe-Bator - Lãnh tụ của đất nước, người lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng ách thống trị hàng thế kỷ của Trung Quốc, người anh hùng dân tộc. Tượng đài ông ở tư thế một lãnh tụ cưỡi ngựa, giơ tay chỉ đường về phía Liên Xô.

Chúng tôi được bố trí ở khách sạn trung tâm, phòng 2 người. Ăn tối và ăn sáng đặt ở Restaran. Khác hẳn các món ăn ở Trung Quốc, các món ăn ở đây hoàn toàn giống các món ăn Nga. Sau khi đi dạo chơi trên quảng trường trung tâm và dọc bờ sông Tô La, chúng tôi kéo nhau về khách sạn đi nghỉ.

Sáng sớm hôm sau, sau khi ăn sáng, chúng tôi lại ra sân bay. Trông nét mặt ai cũng rạng rỡ. Hôm nay, chúng tôi về đến thành phố Yakutsk, về đến Liên Xô. Đối với tôi là về đến nhà rồi. Các bạn của tôi phải thêm vài ngày nữa mới về đến đơn vị và sau đó mới về nhà. Tôi có may mắn, công tác và sống đều ở Yakutsk. Thời gian hình như bị kéo dài. Khi bay qua biên giới Liên Xô, phi công cho máy bay hạ độ thấp và lại nâng độ cao khi qua núi, rồi hạ cánh xuống mảnh đất thân yêu. Nhìn qua cửa ló trên máy bay, chúng tôi thấy các chiến sĩ đang vẫy chào và đồng thanh kêu: u-ra..a...!!!

Đón chúng tôi tại sân bay Yakutsk có: các chiến sĩ biên phòng, các nhân viên hải quan, Thiếu tướng Gusho - Sư trưởng Sư đoàn phòng không 26, và một đoàn các sĩ quan đi cùng. Sau khi hoàn tất các thủ tục nhập cảnh, đồng chí hiệu thính viên trên không của máy bay AN-12 mang vào phòng đợi cho tôi một bó hoa hồng được mua từ Hà Nội. Đó là món quà chính mà tôi muốn tặng vợ. Mất một vài giờ nghe nói chuyện trong phòng dành cho sĩ quan, thu hồi hộ chiếu và trả lại chứng minh thư và thẻ đảng cho từng người. Các bạn phải tiếp tục bay thì vào nhà ăn, còn những người ở thành phố Yakutsk như tôi được phát tiền công tác phí là 25 rúp và về nhà. Trung đoàn cho tôi chiếc xe Gaz-69, ngồi lên xe rồi mà tôi không biết đi hướng nào để đến phố Postưshev, nhà số 2, phòng số 6. Cách nhà chừng 300 mét, lái xe dừng lại và nói: “Thưa đồng chí trung úy, xe không thể vào tận nhà ở đồng chí được. Đồng chí vui lòng đi bộ”. Thế là, lúc thì tôi đi bộ, lúc thì tôi chạy. Một tay xách chiếc va ly đỏ, một tay ôm bó hoa hồng. Cả gia đình tôi sẽ bất ngờ khi tôi xuất hiện. Hình như vợ tôi, mẹ vợ tôi và con gái nhỏ bé Anzhelina của tôi đều ở nhà. Rất khó mô tả sự vui mừng khi chúng tôi được gặp nhau, nhất là khi viết những dòng hồi ức này đã qua 40 năm. Chỉ biết nói, đó là giây phút hạnh phúc nhất trong đời tôi.

Tổng kết những điều tôi kể, tôi thấy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nơi mà cách đấy trên 40 năm các chuyên gia quân sự Liên Xô đã công tác, nay đã là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt và đường lối tự chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên đã đạt được những thành tích lớn trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế và xã hội. Và đạt được tất cả điều đó, trước hết phải nói đến thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống Mỹ - một kẻ thù mạnh, nham hiểm và hung dữ. Mỹ đã phải trả một giá đắt cho cuộc chiến tranh đó. Mỹ đã mất 360 nghìn người, trong đó có 57 nghìn người bị tiêu diệt, 3744 máy bay và 4868 máy bay lên thẳng. Mặc dù Mỹ hơn hẳn Việt Nam về kinh tế và quốc phòng, song tháng 01 năm 1973, Mỹ phải ký Hiệp định Pari về việc rút quân đội khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, từ tháng 7 năm 1965 đến tháng 12 năm 1974, Liên Xô đã cử 6359 tướng lĩnh và sĩ quan hơn 4,5 nghìn hạ sĩ quan và lính nghĩa vụ sang Việt Nam làm chuyên gia quân sự. Có 16 người đã hy sinh.

Đánh giá sự giúp đỡ về quân sự và kinh tế của Liên Xô đã dành cho Việt Nam, cần phải nhấn mạnh đó là sự giúp đỡ kịp thời, vô tư và có hiệu quả. Nhờ đó, nhân dân Việt Nam anh hùng đã giành được nền độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Liên bang Nga, tháng 10 năm 2009


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2023, 05:32:20 pm
NHỮNG NGƯỜI CON SIBERIA
THAM GIA CHIẾN ĐẤU Ở VIỆT NAM

Bogoyalevski Leonid Anatolievich

(https://i.imgur.com/1FW5vE0.jpg)

Vài nét về tác giả

Đại tá Bogoyalevski Leonid Anatolievich sinh ngày 03 tháng 10 năm 1941 ở vùng Kalinin.

Năm 1962, ông tốt nghiệp Trường quân sự Cờ đỏ Zhitomirsk của Lực lượng bộ đội Phòng không.

- Ông phục vụ trong Quân đoàn phòng không độc lập 14 với cương vị là người đứng đầu Đại đội kỹ thuật vô tuyến.

- Từ tháng 8 năm 1965 đến tháng 7 năm 1966, tham gia chiến đấu tại Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tên lửa Phòng không Minsk (năm 1971) ông tiếp tục phục vụ trong quân đội với chức vụ kỹ sư trưởng ngành Tên lửa cấp trung đoàn và là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn kỹ thuật thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không S-200 thuộc Quân đoàn Phòng không 16, Quân khu Phòng không Moskva.

- Năm 1979, ông tốt nghiệp khoa đào tạo cán bộ chỉ huy cấp Lữ đoàn Tên lửa Phòng không mang tên Nguyên soái Govorov (Học viện đặt tại thành phố Kharkov).

- Năm 1979, ông được giữ chức Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Tên lửa Phòng không 72 thuộc Quân đoàn Phòng không 16, Quân khu Phòng không Moskva

- Năm 1987 ông giữ chức vụ Trưởng phòng quản lý vũ khí của Phi đoàn Phòng không 1 thuộc Quân đoàn 1 Phòng không Quân khu Phòng không Moskva.

Ông được tặng thưởng Huân chương hạng 3 “Phục vụ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang Liên Xô” và 13 huy chương các loại, trong đó có Huy chương “Hữu nghị” của Việt Nam.


Ban Biên soạn


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2023, 05:35:01 pm
Những người con Siberia tham gia chiến đấu tại Việt Nam

Những năm 60 của thế kỷ trước là những năm có nhiều sự kiện lịch sử cả ở trên thế giới và cả ở Liên Xô chúng tôi. Và chúng tôi, các sĩ quan tên lửa trẻ của các lực lượng phòng không đã phục vụ trong Binh đoàn Phòng không lrkutsk (Quân khu Zabaikan), chúng tôi đã chứng kiến những sự kiện này.

Sư đoàn chúng tôi được gọi là sư đoàn Mukden (Sư đoàn thép). Sư đoàn trở nên nổi tiếng trong các trận đánh với đạo quân Quan Đông hồi tháng 8 năm 1945, cũng như trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Chúng tôi tự hào được phục vụ trong sư đoàn lừng lẫy chiến công. Chúng tôi thực hiện một nhiệm vụ chiến đấu để bảo vệ khu vực công nghiệp Angarsk-Irkutsk ở miền Đông Siberia. Ở đây, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy những gì mà trước đây chúng tôi đã học được từ sách giáo khoa: từ sự lưu đày của các chiến sĩ Tháng Mười hai đến các trạm thủy điện Erkusk có công suất mạnh.

Mùa thu năm 1962, tình hình quốc tế trở nên phức tạp đáng kể - cuộc khủng hoảng Ca-ri-be bùng nổ và nhiều người trong chúng tôi đã viết đơn tình nguyện sang Cuba. Nhưng định mệnh lại khác. Ngọn lửa chiến tranh nổ ra ở Đông Nam Á.

Từ tháng 8 năm 1964, Không quân Hoa Kỳ bắt đầu tiến hành các vụ đánh bom có hệ thống xuống lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và vào mùa hè năm 1965, các hệ thống tên lửa phòng không với sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia quân sự Liên Xô, đã mở đầu những thất bại nặng nề cho không quân Mỹ.

Tháng 7 năm 1965, một tiểu đoàn với biên chế rút gọn đã được thành lập khẩn cấp. Quân số bao gồm các chiến sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan Sư đoàn chúng tôi. Chỉ huy Tiểu đoàn là Trung tá Borisov Mikhail Aleksandrovich.

Chúng tôi đã được cử đến thành phố Kyakhta thuộc Cộng hòa Buryatia, nằm trên biên giới với Mông Cổ. Tại đây, chúng tôi đã được hợp nhất với Tiểu đoàn do Thiếu tá Ryzhikh Gavriel Semenovich chỉ huy. Tiểu đoàn này được tách từ Sư đoàn Phòng không Novosibirsk. Và trên cơ sở trường đào tạo các chuyên gia sơ cấp, chúng tôi bắt đầu thực hành.

Thời hạn đào tạo đã được rút ngắn đến mức thấp nhất. Kế hoạch bắn đạn thật trên trường bắn đã được hoạch định ngay từ đầu.

Sau khi hoàn thành đợt bắn thực hành, chúng tôi đến kiểm tra sức khỏe tại Hội đồng Quân sự của Quân khu. Quá trình kiểm tra, Hội đồng Quân sự đã phát hiện ra những người “không đủ tiêu chuẩn” vì nhiều lý do. Họ đã được gửi ngay về đơn vị cũ. Cần phải biết rằng, những người đó sẽ bị “phanh lại” sự thăng tiến trong quá trình phục vụ.

Và cuối cùng, chuyến bay Irkutsk - Bắc Kinh - Hà Nội đã đến với chúng tôi.

Trong những giờ đầu tiên sau khi hạ cánh, chúng tôi (vẫn coi mình là người Siberia) đã bị choáng váng bởi khí hậu địa phương. Sau khí hậu lục địa khô ráo, ngột ngạt của Đông Siberia, khí hậu nóng ẩm của Việt Nam dường như là một bồn tắm thật sự. Đêm đã đến, song đêm không đem lại sự mát mẻ cho chúng tôi.

Ngày hôm sau, Lãnh đạo Trung tâm đào tạo thứ hai, Thiếu tướng Bazhenov và Thiếu tá Zaika đã phổ biến cho chúng tôi tình hình ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam.

Sau khi đến Việt Nam, 2 tiểu đoàn “Siberia” của chúng tôi được mang phiên hiệu là Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 4. Hai tiểu đoàn của chúng tôi hợp nhất với 3 tiểu đoàn của Quân khu Baku đã đến Việt Nam trước chúng tôi có phiên hiệu là Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn Kỹ thuật sẽ hình thành Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 Quân chủng PKKQ QĐND Việt Nam.

Một sự kiện không thể quên đối với tôi, đó là ngày 1 tháng 10 năm 1965, trạm điều khiển tên lửa đã được mở máy, các ăng-ten và bệ phóng đã được triển khai hướng ra vịnh Bắc Bộ.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2023, 05:36:09 pm
Qua hệ thống thông tin bằng loa, chúng tôi nghe giọng nói rõ ràng và bình tĩnh của đồng chí Borisov: “Tất cả hãy chú ỷ! Tôi đang kiểm tra tình hình trên không. Trên trời có 12 nhóm máy bay địch”. Tôi ra lệnh: “Tiêu diệt mục tiêu!”.

Tên lửa thứ nhất, được phóng vào máy bay đi đầu, bay ở độ cao 400 mét, nó rơi xuống một làng quê Việt Nam và làm cho các ngôi nhà bị cháy. Chúng tôi nhìn thấy dân làng (chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em) vội vã chạy khỏi ngôi làng đang cháy. Hình ảnh này không dành cho những người yếu tim.

Đối với chỉ huy của chúng tôi, đây là cuộc chiến thứ 3. Trước khi đến Việt Nam, ông đã trải qua cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại và tham gia chiến tranh ở Triều Tiên năm 1950 - 1953.

Chúng tôi lại nghe lệnh của chỉ huy: “Chúng ta tiếp tục chiến đấu. Tiêu diệt mục tiêu!”. Tên lửa đã được phóng và 2 máy bay tiêm kích đã bị bắn rơi. Đó là chiến công đầu của đơn vị chúng tôi.

Đầu tháng 11, các máy bay tiêm kích của địch đã lợi dụng địa hình, bất ngờ tấn công vào trận địa chúng tôi. Tại thời điểm này, chỉ huy của chúng tôi đang ở vị trí bệ phóng. Một quả bom phát nổ gần xe chở tên lửa và quả tên lửa đã nổ. Người chỉ huy bị thương. Ồng được gửi đến bệnh viện, và sau đó phải đưa về Liên Xô.

Chẳng biết từ đâu lại có một tin đồn rằng, ông hèn nhát và gần như chạy khỏi Việt Nam. Có bao nhiêu thử thách có thể rơi vào số phận của một người! Sau này chúng tôi được biết, ngày hôm đó đã có tới 300 máy bay Mỹ đã oanh tạc vào miền Bắc Việt Nam.

Bất kỳ cuộc chiến tranh nào đều có những khoảnh khắc bi thảm.

Bộ Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cố gắng bằng mọi cách để phá vỡ hệ thống giao thông đường sắt giữa Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng, cũng như giữa Hà Nội và các tỉnh phía Nam.

Tiểu đoàn hỏa lực của chúng tôi được các đơn vị pháo cao xạ yểm trợ (đó là đơn vị pháo cao xạ 37 ly và 57 ly, các đơn vị súng máy 2 nòng và 4 nòng). Các đơn vị này được triển khai gần thị xã Hải Dương nhằm bảo vệ cầu Lai Vu có đường sắt chạy qua. Sau khi triển khai thiết bị vào ban đêm và để lại chuyên gia làm nhiệm vụ trực trong xe điều khiển, chúng tôi tạm thời rút về một địa điểm cách trận địa gần 0,5 km để tranh thủ nghỉ ngơi.

Sau một thời gian, chúng tôi nghe thấy những tràng nổ của súng cao xạ. Và ngay sau đó, trên đầu chúng tôi ở độ thấp và rất thấp xuất hiện nhiều tốp máy bay tiêm kích. Sau khi bay vòng, chúng lao xuống cây cầu và thả bom. Theo lệnh của đồng chí Đại úy Tokmakov Ivan Vasilyevich, khẩu đội trưởng khẩu đội bệ phóng, chúng tôi vắt chân lên cổ chạy đến trận địa. Một chiếc dù của phi công Mỹ đang bay lơ lửng ở trên đầu chúng tôi. Chiếc máy bay bị các xạ thủ đơn vị pháo cao xạ bắn rơi. Sau đó, cuộc đột kích kết thúc, cầu đường sắt bị hư hại. Trong cuộc tập kích của kẻ địch lần này, đơn vị chúng tôi không kịp phát hỏa.

Chúng tôi kiểm tra kỹ thuật. Tất cả các hệ thống đều có thể sử dụng được. Đột nhiên chúng tôi phát hiện ra rằng, tất cả các phích nối ngòi nổ ở trên các tên lửa đang nằm trên bệ phóng đều bị tháo rời ra (coi như chưa được nối mạch) Chính vì thế mà trong khi địch bay vào, trên các màn hình chỉ thị không hề có tín hiệu nào. Tuy nhiên, trong các nguyên nhân cây cầu bị phá hủy có thiếu sót của chúng tôi. Chúng tôi đã phải chịu đựng điều khiển trách này cho đến khi các bạn Việt Nam tìm thấy hai tên gián điệp. Bọn chúng đã trực tiếp tháo rời đầu nối các ngòi nổ trên tên lửa trước khi bắn. Chúng tôi đã được minh oan và khuyên không nên lan truyền tin này bất cứ nơi nào. Nhưng câu chuyện oan trái này vẫn ẩn chứa trong tâm trí chúng tôi.

Đại úy Bogdanov Yuri Petrovich tiếp tục chỉ huy chúng tôi chiến đấu và giành được chiến thắng.

Thiếu tướng Bazhenov Nikolai Vasilievich, trưởng Trung tâm của chúng tôi, là một người chỉ huy khéo léo, thông minh, nguyên tắc và chân chính. Ông đã tham gia trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại.

Đối với chúng tôi, những người lính trẻ, ông đối xử như một người cha với các con. Ông hiểu rằng, ở Việt Nam chúng tôi cũng có những khó khăn.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2023, 05:37:41 pm
Chúng tôi đã triển khai bộ khí tài tên lửa phòng không trên một khu vực thuộc sân bay không hoạt động, không xa vịnh Bắc Bộ. Trận địa này không có hiệu quả. Thực tế, chúng tôi ở vào vị trí không xa tàu sân bay của Hải quân Mỹ: máy bay tiêm kích của Mỹ có thể bay ở độ cực thấp, bất ngờ đánh vào các mục tiêu mà chúng đã có ý đồ bắn phá.

Vào một ngày nắng nóng của tháng 11, Tướng Bazhenov đã đến gặp chúng tôi. Quần áo của ông bị bẩn vì cát bụi. Ông mỉm cười và nói: “Tôi phải ẩn nấp ở một con mương bên đường vì một trận không kích của máy bay Mỹ”. Qua lời kể của ông, chúng tôi hiểu ông muốn mỉa mai rằng, các phi công Mỹ đã mài dũa kỹ năng chuyên môn của họ, để không bỏ lỡ ngay cả những chiếc xe đang di chuyển trên đường.

Sau khi đến với chúng tôi, Thiếu tướng Bazhenov đã hiểu rõ tình hình thực tế nơi chúng tôi đang đóng quân và ông đã quyết định chúng tôi cần nhanh chóng di chuyển đến vị trí khác.

Trước khi rời Việt Nam về Liên Xô, Thiếu tướng Bazhenov đã nêu với các bạn Việt Nam tất cả các yêu cầu và mong muốn của đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô: vấn đề nhà ở, thay đổi địa điểm làm việc, học tập trong trường đại học quân sự, v.v... Hầu hết những đề nghị đó đã được hoàn thành.

Trong chiến đấu, chúng tôi luôn luôn nhận được sự hợp đồng tác chiến của các đồng đội từ các tiểu đoàn khác của trung đoàn.

Những người con Siberia chúng tôi đang ở cương vị là chuyên gia của Tiểu đoàn 3, dưới quyền chỉ huy của Trung tá Ryzhikh Gavriil Semyonovich, chúng tôi đã chiến đấu có hiệu quả. Trung tá là một sĩ quan đã tham gia chiến đấu ở Triều Tiên trong những năm 1950-1953. Trung tá đã nêu tấm gương về lòng dũng cảm và kiên cường đối với cấp dưới của mình. Vì vậy, chúng tôi có thể mạnh dạn nói rằng: những người Siberia ở Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc. Các chuyên gia của Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 của trung đoàn chúng tôi đều là những cán bộ chiến sĩ thuộc Quân khu Baku. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 là Thiếu tá Tereshenko A.G. và của Tiểu đoàn 2 là Trung tá Lyakishev I.A. Họ đã khéo léo vận dụng những kinh nghiệm công tác của mình trong khu vực phòng thủ biên giới. Họ đã tham gia chiến đấu và khai thác thiết bị quân sự một cách chuyên nghiệp hơn chúng tôi.

Sau này chúng tôi nhận được tin vui, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 QĐND Việt Nam đã được phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”.

Với tình cảm ấm áp, tôi nhớ tất cả những người bạn chiến đấu của tôi:

Đại úy Prusov Ivan, Thượng úy Bulgakov Vladimir Leonidovich, Đại úy Arsiriy Anatoly Grigorievich, Đại úy Tokmakov Ivan Vasilyevich, Thượng úy Sherbak Gennady Alexandrovich, Thượng úy Sergei Kambarov, Thượng úy Sergei Porkhun.

Trong công tác và chiến đấu, dù khó khăn như thế nào, chúng tôi không bao giờ chia việc này là “của tôi” và việc kia là “của bạn”.

Thiết bị quân sự bị hỏng hóc, hoặc những sai sót trong chiến đấu - tất cả cái đó đều là nỗi đau chung của chúng tôi, và mỗi người chúng tôi đều đem hết khả năng và kiến thức của mình để khắc phục những khiếm khuyết đó.

Kinh nghiệm chiến đấu mà chúng tôi có được trong những năm công tác ở Việt Nam, đã rất có ích cho chúng tôi trong việc tiếp tục phục vụ lâu dài trong các lực lượng Phòng không ở quê hương xứ sở Bạch Dương.

Khi nào gặp khó khăn, chúng tôi đều nhắc lại: “Ở Việt Nam còn khó khăn hơn”.

Thành phố Vidnoye, tháng 7 năm 2007


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Tư, 2023, 08:09:59 pm
VIỆT NAM VÀ QUÂN KHU 4

Korotaev Yury Anatolevich

(https://i.imgur.com/2ljza4g.jpg)

Vài nét về tác giả

Trung tá Korotaev Yury Anatolevich sinh ngày 17 tháng 12 năm 1938 tại quận Satkinsky vùng Chelyabinsk.

- Năm 1961, ông tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật vô tuyến điện của Bộ đội Phòng không Quốc gia Minsk.

- Năm 1961-1968, ông là Trưởng Phân đội thứ 2 Bộ đội Tên lửa Phòng không C-75.

- Từ ngày 8 tháng 10 năm 1966 đến tháng 10 năm 1967, ông được cử sang công tác tại Việt Nam.

- Từ năm 1968-1969, ông là Phó chỉ huy Tiểu đoàn vũ khí.

- Từ năm 1969-1970, ông là Trợ lý cấp cao Trưởng phòng Quân huấn của Quân đoàn Phòng không 19.

- Từ năm 1970-1971, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không C-75.

- Từ năm 1971-1972, ông là công tác tại Học viện Ngoại giao quân sự.

- Từ năm 1972-1979, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không S-200.

- Từ năm 1979-1984, ông là Trực ban Chỉ huy sở Phòng không 40A.

- Năm 1984, xuất ngũ, nghỉ hưu

Ông được tặng thưởng Huân chương Sao Đỏ vì đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Việt Nam, 8 huy chương về thành tích đã phục vụ trong quân đội.

Ông được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng Huy chương “Hữu nghị”.

Ông qua đời năm 2002 tại thành phố Ekaterinburg.


Ban Biên soạn


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Tư, 2023, 08:11:30 pm
Việt Nam và Quân khu 4

Tháng 9 năm 1966, Thiếu tá Kholuyanov Vladimir Vladimirovich, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không số 2 của chúng tôi đã nói với tôi rằng, tôi sẽ được giao nhiệm vụ đặc biệt là đến công tác ở một đất nước có khí hậu ẩm ướt và nóng bức, tôi đồng ý. Tôi hy vọng sẽ được đến Cuba. Tôi cũng muốn nói thêm, Tiểu đoàn trưởng của chúng tôi là một sĩ quan Xô Viết đã tham gia cuộc Chiến tranh ái quốc vĩ đại,

Tại cuộc họp của Hội đồng Quân sự 40A của lực lượng Phòng không, các đồng chí có trách nhiệm đã thông báo rõ cho chúng tôi biết là đi công tác sang Việt Nam. Trong khi trò chuyện với một thành viên của Hội đồng Quân sự, tôi nói: “Nếu cần thiết, thì chúng tôi sẽ chiến đấu”. Đồng chí ấy đã sửa câu nói của tôi, tôi phải nói - “Tôi sẽ không phụ lòng tin của cấp trên”.

Tại thời điểm sang Việt Nam, tôi là Đại úy, Trưởng kíp 2 của Đại đội kỹ thuật vô tuyến Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không thuộc Lữ đoàn Tên lửa Phòng không Zlatoustovsk.

Trước khi lên đường sang Việt Nam công tác, chúng tôi đã tập trung ở Moskva. Tại đó, chúng tôi nhận đồng phục dân sự và các đồng chí ở Cục 10 Bộ Tổng Tham mưu đã thông báo cho chúng tôi biết những sự kiện mới nhất tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ý tác giả muốn nói miền Bắc Việt Nam là nước VNDCCH - ND)

Đầu tháng 10 năm 1966, chúng tôi bay từ Moskva qua Trung Quốc (hạ cánh tại Bắc Kinh) và buổi tối cùng ngày, đã hạ cánh ở sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Sau khi ra khỏi máy bay, chúng tôi ngay lập tức cảm thấy rằng, chúng tôi đang sống trong thời chiến. Trên bầu trời ban đêm có những tia lóe sáng và âm thanh của những vụ nổ. Từ sân bay về thành phố, chúng tôi ngồi trên xe khách và xe phải đi bằng đèn gầm, ánh sáng chỉ soi dưới gầm xe, đủ cho người lái xe căn chỉnh hướng đi trên đường.

Chúng tôi được bố trí ở tại khách sạn Kim Liên, Hà Nội, Sau vài ngày, một vấn đề tổ chức đã được quyết định. Một nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô, trong đó có tôi, do Đại tá Vasily Grigorievich Baikov, người đã tham gia cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, làm Trưởng đoàn, sẽ lên đường vào Quân khu 4 của Việt Nam để thay thế các đồng chí chuyên gia quân sự Liên Xô đã hoàn thành nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, chúng tôi chỉ được đi vào ban đêm. Chúng tôi đã đi trong 2 đêm mới đến được nơi đóng quân của Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 QĐND Việt Nam. Trên đường đi, chúng tôi phải đi qua nhiều con sông. Đúng vào dịp mùa mưa nhiệt đới, những con suối nhỏ biến thành những con sông rộng 50-70 m và sâu tới 1,5 m.

Vào đêm thứ hai trên đoạn đường vùng đồi núi bị tắc nghẽn do có một hố bom của Mỹ gây ra. Trong đêm tối, nhân dân địa phương đã sử dụng các loại dụng cụ như cuốc, xẻng, xà beng, quang gánh để đào đất, sỏi đá và chuyển chúng đến lấp hố bom. Chẳng bao lâu, hố bom đã biến mất và con đường đã được lưu thông. Sau khi đến nơi, chúng tôi đã gặp Ban chỉ huy Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 và Chỉ huy các tiểu đoàn của Trung đoàn 238. Chúng tôi đã cùng với các đồng chí đó thảo luận các nhiệm vụ chính và tình hình trong khu vực triển khai của Trung đoàn.

Trung đoàn trưởng 238 là Trung tá Hội, Phó Trung đoàn trưởng là Thiếu tá Cần, kỹ sư trưởng là Thiếu tá Ngọc. Họ đều là những chỉ huy được đào tạo chuyên nghiệp, những người đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu với các cuộc không kích của Mỹ.

Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 QĐND Việt Nam áp dụng chiến thuật “phục kích” trong chiến đấu. Trong những năm 1966-1967, Trung đoàn 238 là trung đoàn duy nhất chiến đấu tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trung đoàn không có các đơn vị pháo cao xạ và súng máy yểm trợ. Các máy bay chiến đấu của Không quân Việt Nam cũng không hoạt động trong khu vực này. Do đó, Ban chỉ huy Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 thực hiện chiến thuật phục kích nhằm bắn hạ pháo đài bay B-52 của không quân Mỹ, trong khu vực vĩ tuyến 17. Phải nói rằng, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này: từ tháng 1 đến tháng 10 năm 1967, Trung đoàn đã bắn hạ 4 chiếc B-52. Đạt được thành tích đó là nhờ vào tinh thần lao động quên mình của các chuyên gia quân sự Liên Xô và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các chiến sĩ Bộ đội Tên lửa Phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam.

Các trận chiến đấu đã diễn ra trong điều kiện rất khó khăn: Không quân Mỹ đã lợi dụng lợi thế về địa hình, liên tục tiến hành trinh sát bằng không quân và mặt đất để xác định các đơn vị quân đội, trang thiết bị quân sự và vị trí của các đơn vị tên lửa phòng không. Khi các chuyên gia quân sự của chúng tôi đi đến các trận địa hỏa lực của các tiểu đoàn, chúng tôi đã phải vượt qua các cây cầu, cầu phao, thậm chí phải đi trên các con đê ven sông. Tất cả những công trình giao thông đó đều là mục tiêu ném bom hàng ngày của không quân Mỹ. Độ ẩm và nhiệt độ cao ảnh hưởng mạnh đến tình trạng sức khỏe của chúng tôi, gây ra cho chúng tôi các bệnh khác nhau, phổ biến nhất là bệnh “nhiệt đới”.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Tư, 2023, 08:13:18 pm
Trong điều kiện thời tiết và chiến sự do Mỹ gây ra như thế, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã thực hiện các nhiệm vụ sau: đào tạo các chuyên gia Việt Nam thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị theo định kỳ; đào tạo các trắc thủ biết làm việc trong các điều kiện chiến đấu khác nhau; biết phân tích các tính năng chính của thiết bị; biết vận dụng chiến thuật tác chiến trong từng trận đánh và biết vận dụng những ý kiến tư vấn phù hợp với hiện tại; biết sửa chữa những hư hỏng hàng ngày phát sinh trong quá trình vận hành thiết bị, cũng như sau khi trận địa bị máy bay Mỹ ném bom.

Tất cả những nhiệm vụ nêu trên, tiểu đoàn phải thực hiện dưới các điều kiện ngụy trang và bí mật nghiêm ngặt. Việc di chuyển đội hình chiến đấu từ trận địa này sang trận địa khác chỉ được thực hiện vào ban đêm.

Vì Trung đoàn 238 triển khai chiến đấu trên địa bàn gần vĩ tuyến 17, tôi muốn mô tả một cách chi tiết hơn về tình hình trong khu vực này. Đây là một dải đất có chiều rộng từ 50 đến 100 km, tiếp giáp với vĩ tuyến 17, nó giống như một dải tiền phương của thời kỳ Chiến tranh ái quốc vĩ đại. Theo Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam được ký năm 1954 tại Giơnevơ Thụy Sĩ, thì vĩ tuyến 17 là giới tuyến tạm thời chia cắt Việt Nam thành 2 miền: miền Bắc là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, còn miền Nam sống dưới chế độ của chính quyền bù nhìn thân Mỹ. Hàng ngày, máy bay Mỹ ném bom xuống khu vực này. Chúng không chỉ ném xuống khu vực này những quả bom thông thường với sức công phá khác nhau, mà chúng còn ném xuống những loại bom khác: bom bi, bom nổ theo giờ đã hẹn, bom từ tính, bom napal. Sông, hồ, ao và thậm chí cả cánh đồng lúa ở khu vực này cũng bị không quân Mỹ phong tỏa bằng các loại bom nói trên. Để cái gọi là “ngụy trang”, người Mỹ đã sơn các loại bom nói trên có màu xanh lá cây hoặc màu nâu nhạt.

Từ năm 1966, Mỹ bắt đầu sử dụng các tàu hải quân để bắn pháo vào khu phi quân sự của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Để bám trụ được trong điều kiện như đã mô tả ở trên, nhân dân của Quân khu 4 đã buộc phải sống trong địa đạo. Các trường học, nhà trẻ, bệnh viện và một số cơ sở sản xuất cũng phải đặt dưới lòng đất.

Ban đêm, các nhóm biệt kích của địch đã từ bờ Nam sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) đột nhập vào các khu dân cư trên bờ Bắc sông Bến Hải, phá hoại nhiều công trình khác nhau của nhân dân địa phương. Do đó, trong khu vực gần khu phi quân sự đều thành lập những đơn vị dân quân và bộ đội địa phương, được trang bị vũ khí, đạn dược và lựu đạn để chiến đấu với những kẻ phá hoại.

Tháng 4 năm 1966, các máy bay A-6 của Mỹ đã rải chất độc hóa học xuống vùng lãnh thổ rộng lớn của tỉnh Quảng Bình. Do tác hại của những chất độc này, đồng cỏ và cây cối đã chuyển từ màu xanh sang màu vàng và phần lớn các cây không còn lá, nhiều loại cây đã bị chết. Các nhà báo Việt Nam và nhà báo Ba Lan Monika Vamenski đã tiến hành các cuộc điều tra và có kết luận, việc Mỹ rải chất độc hóa học xuống các vùng ở miền Nam Việt Nam và trong khu vực vĩ tuyến 17 đã làm cho con người đang khỏe mạnh bị bệnh tật trầm trọng, không tử vong cũng bị tàn tật. Hãy tìm đọc cuốn sách “Việt Nam: chiến tranh hóa học”, biên soạn 1972).

Người Mỹ vẫn tiếp tục rải các loại chất độc hóa học xuống tỉnh Quảng Bình cho đến năm 1970. Việc làm này của người Mỹ không chỉ là hủy hoại thực vật, mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do không quân Mỹ liên tục ném bom xuống các thành phố Vinh và Đồng Hới, nên hai thành phố này đã bị phá hủy hoàn toàn.

Khi phân tích tình hình này, một câu hỏi đã được đặt ra: Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô của Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 QĐND Việt Nam đang chiến đấu trong địa bàn Quân khu 4 trong thời gian từ tháng 10 năm 1966 đến tháng 10 năm 1967, đã cùng với các chiến sĩ Việt Nam chiến đấu như thế nào và liệu họ có thể tránh khỏi những thảm họa đau thương do chất độc hóa học của Mỹ gây ra? Và người nông dân Việt Nam ở những vùng bị rải chất độc hóa học đã tiếp tục phát triển nông nghiệp như thế nào? Còn người Mỹ đã tiến hành trinh sát cả trên không và dưới mặt đất, có thắng nổi các đơn vị phòng không của Việt Nam không?

Thái độ của người Mỹ với sự hiện diện của các chuyên gia quân sự của Liên Xô là khác nhau. Khi chưa bị các lực lượng phòng không Việt Nam đánh trả quyết liệt, không quân Mỹ đã không đụng chạm đến chúng tôi. Nhưng khi một số máy bay có người lái của không quân Mỹ bị bắn hạ, họ đã ném bom một cách dã man xuống các trận địa tên lửa và nơi ở của chúng tôi. Vì vậy, sau mỗi trận đánh, chúng tôi phải nhanh chóng di chuyển không chỉ trận địa mà còn phải di chuyển nơi ở của đoàn chuyên gia quân sự chúng tôi. Các bạn Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: phải bảo vệ cẩn thận tính mạng của các chuyên gia quân sự Liên Xô.

Các tiểu đoàn chuẩn bị trận địa trong rừng, bí mật vận chuyển thiết bị đến trận địa. Trong thời gian “nghỉ đánh”, chúng tôi cùng với các bạn Việt Nam cẩn thận chuẩn bị thiết bị tên lửa vào tư thế chiến đấu. Cụ thể là, thực hiện công việc bảo trì thiết bị và nghiên cứu tình hình chiến sự trên không. Khi tiểu đoàn đã sẵn sàng vào trận chiến, Ban chỉ huy Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 đã đề nghị Trưởng đoàn của chúng tôi không cần mạo hiểm cuộc sống của các chuyên gia quân sự Liên Xô, vì họ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trong giai đoạn này, hầu hết các tiểu đoàn tên lửa phòng không Việt Nam đã độc lập chiến đấu, các chuyên gia quân sự Liên Xô không có mặt trong các trận đánh.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Tư, 2023, 08:15:32 pm
Người Mỹ đã dùng máy bay ném bom chiến lược B-52 để ném bom khu vực vĩ tuyến 17. Máy bay B-52 xuất phát từ các khu căn cứ như: các đảo Guam, Okinawa, từ các sân bay quân sự của Thái Lan (Utapao). Máy bay ném bom B-52 được sử dụng trong các điều kiện thả nhiễu tích cực và có các máy bay tiêm kích của họ hộ tống. Máy bay B-52 có thể mang theo 27 tấn bom, gồm có bom phá, bom napal và bom bi. Bằng ấy số lượng bom, nó có thể hủy hoại một khu vực rộng lớn.

Từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1967, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 đã chiến đấu liên tục và chịu thiệt hại lớn. Trong 4 tiểu đoàn thì 3 tiểu đoàn đã mất sức chiến đấu, khoảng một phần ba quân số bị hy sinh. Tháng 8 năm 1967, chỉ còn Tiểu đoàn 82 là đơn vị còn sức chiến đấu. Đồng chí Lan là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 82.

Ngày 13 tháng 8, trong khi đang phục kích trong khu vực vĩ tuyến 17, trạm ra đa trinh sát mục tiêu (Bộ đội tên lửa thường gọi là Trạm ra đa P-12 - ND) và Xe điều khiển tên lửa (thường gọi là ca bin U - ND) đồng loạt mở máy và phát hiện được mục tiêu cách xa 60 km, ở độ cao 10 km. Các trắc thủ đã bám sát mục tiêu tốt, nhưng họ lại không phát hiện được địch đã phóng tên lửa không đối đất gọi là sơ-rai. Có nghĩa là, khi phi công Mỹ phát hiện tên lửa đất đối không đã được phóng lên và đang được đài chỉ huy điều khiển đưa tên lửa đến mục tiêu, thì ngay lập tức phi công Mỹ đã phóng sơ-rai từ máy bay xuống mặt đất. Sơ-rai được điều khiển bởi sóng phát xạ từ đài điều khiển tên lửa. Tại thời điểm quyết định cho tên lửa nổ thì sơ-rai cũng trúng xe điều khiển tên lửa. Kết quả là xe điều khiển bị hỏng, các trắc thủ trong ca bin xe “U” bị hy sinh, một số chiến sĩ và chỉ huy đã bị thương.

Sau sự cố đau xót này, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã tập trung sửa chữa thiết bị và sau 3 tuần lễ, thiết bị đã sẵn sàng vào chiến đấu. Tiểu đoàn 82 đã triển khai trận địa bên cạnh trận địa ngày 13 tháng 8. Trận địa mới được ngụy trang rất cẩn thận. Sau khi kiểm tra các thiết bị, Tiểu đoàn 82 bắt đầu trực chiến.

Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Tiểu đoàn phát hiện một tốp mục tiêu ở cự ly 40 km. Mặc dù địch thả nhiễu tích cực và nhiễu xung phản ứng, các trắc thủ bám sát bằng tay đã bám sát mục tiêu một cách chính xác. Phóng quả đạn thứ nhất khi mục tiêu ở cự ly 31 km, quả thứ hai - ở cự ly 23 km; quả thứ ba vẫn nằm trên bệ phóng vì mục tiêu đã nằm vào “khu cấm”. Các phi công của B-52 ngay lập tức phát hiện ra tên lửa, thiết bị cảnh báo trên máy bay đã hoạt động, vì vậy chiếc B-52 ngay lập tức bắt đầu “giải phóng” số bom của nó xuống bất cứ đâu và cho máy bay cơ động.

Tên lửa đầu tiên tự hủy diệt, tên lửa thứ hai nổ tung gần mục tiêu. Các mảnh vỡ từ máy bay tạo ra hiệu ứng của nhiễu thụ động. Chiếc B-52 biến thành ngọn lửa rơi xuống biển cách 20 km về phía Nam của khu phi quân sự.

Toàn thể cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 82 và nhân dân địa phương đã theo dõi trận đánh này và họ rất vui mừng vì chiến công của Tiểu đoàn.

Sau khi mở máy trên xe “U” lần thứ 2, đã phát hiện một tốp mục tiêu ở cự ly 50 km và một mục tiêu độc lập ở cự ly 18 km. Tiểu đoàn chỉ còn lại một tên lửa, xác suất đánh trúng mục tiêu, đặc biệt là bắn “đuổi”, sẽ thấp. Nhưng người chỉ huy tiểu đoàn đã quyết định bắn một mục tiêu độc lập. Ngòi nổ vô tuyến của tên lửa hoạt động ở cự ly 30 km. Và, mặc dù trong trường hợp này, theo lý thuyết tên lửa sẽ bị bắn trượt nhiều hơn là bắn trúng, nhưng mục tiêu kích thước lớn nên đã bị một khối mảnh vỡ của tên lửa hủy diệt. Chiếc B-52 không kịp bay ra biển, bổ nhào xuống ngay khu vực bờ biển. Tàu của hải quân Mỹ đã cố gắng tiến sát vào địa điểm máy bay rơi cứu phi hành đoàn. Sự việc này nhân dân địa phương đã nhìn thấy.

Đồng chí Lan, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 82 đã kể cho tôi nghe chi tiết của trận đánh. Tôi cũng được đồng chí Trung tá Ienhyakov Evgheny Mikhailovich, Trưởng đoàn chúng tôi xác nhận lời kể của đồng chí Tiểu đoàn trưởng. Đồng chí Trung tá Ienhyakov Evgheny Mikhailovich sang Việt Nam hồi tháng 9 năm 1967 thay đồng chí Đại tá Vasily Grigorievich Baikov, Trưởng đoàn đầu tiên của chúng tôi.

Sau khi ở Việt Nam về nước, đồng chí Ienhyakov phục vụ cùng với tôi trong lữ đoàn Tên lửa Phòng không thứ 57 của lực lượng Phòng không. Đồng chí Ienhyakov ở cương vị là Tham mưu trưởng Lữ đoàn.

Từ tháng 10 năm 1967 đến cuối năm 1967, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 Quân đội nhân dân Việt Nam đã bắn rơi thêm hai chiếc B-52 nữa.

Do đã tham gia chiến đấu ở Việt Nam, tôi được trao Huân chương Sao Đỏ và Trung tá Ienhyakov Evgheny Mikhailovich được trao Huân chương Cờ Đỏ. Tên của các trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam, như: Thiếu tướng Bazhenov, Đại tá Baikov, Trung tá Ienhyakov đã mãi mãi được ghi danh vào trong sổ vàng của Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 Quân đội nhân dân Việt Nam. Do lập được những chiến công xuất sắc, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân”.

Cuối năm 1967, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 QĐND Việt Nam bị thiệt hại nghiêm trọng về người và trang thiết bị, nên đã rút quân khỏi địa bàn Quân khu 4 để tái thiết lập lại. Tháng 5 năm 1969, Trung đoàn lại tiếp tục chiến đấu trong khu vực vĩ tuyến 17.

Thời gian không thể xóa đi những ký ức về những khó khăn và nguy hiểm mà nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô đã công tác tại Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 QĐND Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đại tá Baikov. Tôi muốn cảm ơn các đồng chí của tôi đã giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau, đó là các đồng chí Menshikh, Igrevsky, Popadenko, Voitko, Pasko, Kokarev và những đồng chí khác. Tôi rất tiếc là không nhớ tên của các đồng chí đó.

                                                                                                           
Chúc đất nước Việt Nam hòa bình và phát triển!
Tp. Ekaterinburg, năm 2002


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Tư, 2023, 08:17:55 pm
VIỆT NAM KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Kolesnik Nikolai Nikolaevich

(https://i.imgur.com/JJPs6gI.jpg)

Vài nét về tác giả

Thượng sĩ cận vệ Kolesnik Nikolai Nikolaevich sinh ngày 28 tháng 1 năm 1943 tại làng Baza, huyện Borovsky, tỉnh Kharkov.

Năm 1959, ông tốt nghiệp trường trung học số 12 Gorlovsk. Năm 1961, tốt nghiệp Trường Kỹ thuật số 15, trở thành một thợ điện làm việc trong Ban điều hành hệ thống điện tự động hóa các thiết bị dưới hầm mỏ.

Từ 1963 đến 1966, ông phục vụ trong quân đội Liên Xô.

Từ tháng 7 năm 1965 đến tháng 3 năm 1966, ông tham gia huấn luyện và chiến đấu ở Việt Nam với cương vị là chỉ huy Khẩu đội bệ, Phó Trung đội trưởng, rồi lên Trung đội trưởng Trung đội bệ thuộc Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 236, và 285 của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau khi từ Việt Nam trở về nước, ông được vào học tại trường Đại học năng lượng điện Moskva và đến tháng 6 năm 1972, ông tốt nghiệp, ra trường.

Từ năm 1972 đến năm 1994, ông làm việc trong các xí nghiệp công nghiệp hàng không quốc phòng với cương vị là kỹ sư thiết kế, Phụ trách thợ điện - cơ khí của phân xưởng, kỹ sư thiết kế chủ đạo và Quản đốc phân xưởng. Trong thời gian đó, ông cũng làm công tác giảng dạy.

Từ năm 1994, ông là một chuyên gia hàng đầu, và từ năm 1996 đến nay ông là người đứng đầu bộ phận kỹ thuật điện của tòa nhà Duma Quốc gia Liên bang Nga.

Năm 1994, ông được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tổ chức xã hội Liên khu vực của các Cựu chiến binh đã chiến đấu ở Việt Nam (gọi tắt là Hội CCB Xô Viết ở Việt Nam).

Ông được trao tặng Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Sao Bạc là loại Huân chương “Xã hội công nhận” của Peter Đại đế hạng Nhất; Huân chương Thánh tử Alexander Nevsky hạng 2, Huân chương “Hữu nghị” của Việt Nam và 12 huy chương các loại, trong đó có Huy chương “Cựu chiến binh”, Huy chương “Lão thành lao động”, Huy chương “Vì củng cố hợp tác chiến đấu”, Huy chương “Vì lòng dũng cảm trong chiến đấu”, Huy chương “Hữu nghị” của Việt Nam, các kỷ niệm chương “Chiến binh quốc tế”, “Cựu chiến binh phòng không” của Liên Xô và Việt Nam.

Nhớ đến những ngày công tác và tham gia chiến đấu bắn máy bay Mỹ ở Việt Nam, ông Nikolai Kolesnik đã viết bài hồi ức có tên gọi “Việt Nam, không thể nào quên “. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.


Ban Biên soạn


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Tư, 2023, 08:20:00 pm
Việt Nam - không thể nào quên

Tháng 2 năm 1965, Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Kosygin dẫn đầu đã thăm Việt Nam, Trong chuyến thăm này, hai Chính phủ đã ký Hiệp định về việc Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam. Trên cơ sở Hiệp định đó đầu tháng 3-1965, theo lệnh của Đại tá Pobozhakov, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tên lửa Phòng không cận vệ Putinlov-Kirolovsk 236, Tiểu đoàn 3 của chúng tôi đã thu hồi khí tài và rời khỏi trận địa cố định của mình ở gần làng Korostovo, quận Krasnogorsk. Đêm hôm đó, chúng tôi đã di chuyển đến một trận địa thuộc huyện Dmitrovsk để thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, bao gồm: triển khai thiết bị vào vị trí chiến đấu, mở đài ra đa theo dõi các mục tiêu đang hoạt động trên không, mô phỏng phóng tên lửa, bảo vệ trận địa bằng bộ khí tài tên lửa phòng không C -75.

Nhằm nghiên cứu các phương pháp bảo vệ trận địa tên lửa phòng không, Tiểu đoàn chúng tôi được bổ sung biên chế vào đội hình chiến đấu một Đại đội pháo 1 cao xạ 57 ly có trạm điều khiển pháo SON-9 và PUAZO (thiết bị điều khiển pháo phòng không). Loại pháo cao xạ này cũng được cung cấp để trang bị cho Bộ đội cao xạ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chúng tôi rất phấn khởi khi được nghiên cứu tính năng chiến đấu của loại vũ khí quân sự này: chúng tôi đã học cách đặt súng và nạp đạn vào súng, học cách sử dụng thước ngắm, điều chỉnh thước ngắm theo đường bay, theo chiều cao và tốc độ của mục tiêu.

Tất nhiên, chúng tôi cũng đã đoán trước được rằng, chúng tôi đã không tình cờ học loại súng cao xạ này, vì chiến tranh ở Việt Nam buộc chúng tôi phải tìm ra những phương pháp chiến đấu mới và phương pháp bảo vệ, bộ khí tài tên lửa phòng không C-75 sao cho có hiệu quả nhất, không bị không quân của đối phương đánh vào.

Vào cuối kỳ tập luyện, chúng tôi đã hoàn thành các bài kiểm tra và được Bộ Chỉ huy Quân đoàn 10 Phòng không đánh giá cao. Tiểu đoàn 3 chúng tôi quay trở lại nơi đóng quân cố định. Vài ngày sau, chúng tôi cùng với Thiếu tá Ivan Konstantinovich Proskumin - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cận vệ được triệu tập về Ban Tham mưu Trung đoàn và được giao nhiệm vụ đi công tác tới một đất nước có khí hậu nhiệt đới ẩm ướt, và đang có chiến tranh. Chúng tôi ngay lập tức nhận ra rằng, chúng tôi sẽ được sang Việt Nam. Trong số những người trong Tiểu đoàn 3 chúng tôi được mời lên Ban Tham mưu Trung đoàn, ngoài đồng chí Tiểu đoàn trưởng, có các đồng chí sau đây: Binh nhất Raphail (Tolya) Akhunov, Binh nhất Alesei Fomichev, Binh nhất Anatoly Pshenichny và Binh nhất Andrei Merzuk. Các đồng chí trên đều thuộc tiểu đội 2 trung đội bệ phóng của chúng tôi. Một số trắc thủ ở các tiểu đoàn khác trong Trung đoàn đã được điều chuyển về tiểu đoàn chúng tôi, cụ thể là các trắc thủ bám sát bằng tay, gồm có các binh nhất Alexandr Burtsev, Tarzan Cherkviani, Nikolai Gavrilyuk, trắc thủ trạm ra đa nhìn vòng P-12 - binh nhất Viktor Kubushev và lính bệ phóng - Binh nhất Ivan Agalakov.

Cấp trên cho chúng tôi thời gian để suy nghĩ, sau đó tất cả những ai đã đồng ý đều được gửi đến Hội đồng kiểm tra sức khỏe. Tại Hội đồng y tế, bác sĩ tim mạch hỏi:

- Bạn sẽ chịu đựng thời tiết nóng như thế nào?

- Tôi chịu đựng bình thường, tôi trả lời, “chỉ có đi ngủ là tốt nhất”.

- Vâng, tất cả là như vậy - bác sĩ trấn an tôi.

Bác sĩ nha khoa đã phàn nàn về ai đó có bộ răng xấu. Nếu làm răng “mới” sẽ cần thời gian đến một tuần.

Sau gần một tháng, 80 người chúng tôi được lựa chọn từ các đơn vị khác nhau thuộc Quân khu Phòng không Moskva, đã tập trung về trận địa của Trung đoàn chúng tôi ở làng Mitino. Tại đây, chúng tôi huấn luyện chiến đấu và huấn luyện thể chất, nghiên cứu các tài liệu về công tác chiến đấu và sử dụng trang thiết bị. Một số người quyết định không muốn thử thách số phận, đã tự nghỉ tập. Bộ Chỉ huy đã biết việc này và quyết định trả những người này về đơn vị cũ.

Hai ngày trước khi lên đường, chúng tôi đã được cấp quần áo dân sự: một bộ comle, quần màu sáng, 4 áo sơ mi, cà vạt, áo khoác màu sáng, áo mưa, 2 đôi giày, trong đó có 1 đôi giày cao cổ, 4 đôi tất chân, thắt lưng, khăn tay và mũ tai bèo. Không hiểu tại sao, tất cả đều có màu như màu cát.

Đại tá giáo viên dạy chúng tôi đã nói với chúng tôi một cách ghen tị:

- Các đồng chí có may mắn, các đồng chí vẫn còn quá trẻ, được đi ra nước ngoài. Điều này không phải ai cũng có trong cuộc đời, đặc biệt là trong quân đội.

Thiếu tá Proskumin được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn. Bạn bè và gia đình của các sĩ quan đã tiễn chúng tôi như những người thân đến sân bay Chkalovsky.

Hành trình bay của chúng tôi có hạ cánh ở một số điểm và nghỉ qua đêm ở Irkutsk. Sáng sớm ngày hôm sau mới bay từ Irkutsk.

Một giờ sau, máy bay đã vượt qua biên giới Liên Xô sang Mông Cổ, và hai giờ sau đỏ, vượt qua biên giới Mông Cổ sang Trung Quốc. Thời tiết rất đẹp, không có mây mù, chúng tôi có thể nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Tư, 2023, 08:22:28 pm
Trên đất Trung Hoa

Tại Bắc Kinh, các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Liên Xô và đại diện của Trung Quốc đã ra sân bay đón chúng tôi. Chúng tôi đã được đưa về thành phố và được bố trí nghỉ trong một khách sạn xinh đẹp với các phòng đôi có quạt trần, phòng tắm và máy thu thanh. Ở thời điểm này, khách sạn loại này xếp vào loại sang trọng nhất. Không hiểu tại sao máy thu thanh lại không hoạt động?

Buổi tối, chúng tôi được mời đến một nhà hát mùa hè xem các nghệ sĩ Trung Quốc biểu diễn. Hội trường đã đầy khán giả và khi chúng tôi bước vào, chúng tôi được chào đón một cách trịnh trọng. Chương trình biểu diễn bao gồm các bài hát và các điệu múa dân gian Trung Quốc. Chúng tôi như lạc vào một thế giới khác, thật là quá tuyệt vời! đây là một Trung Quốc mà tôi đã cảm nhận khi tôi còn là một cậu bé. Khi đó, tôi đã đọc những câu chuyện dân gian Trung Quốc.

Sáng hôm sau, chúng tôi chia thành nhóm đi ra ngoài phố. Người Trung Quốc thận trọng một chút, nhìn chúng tôi với sự tò mò, không che giấu.

Buổi chiều, chúng tôi ra sân bay. Thời tiết ban ngày nóng và máy bay của chúng tôi nằm dưới ánh mặt trời, chúng tôi nhìn nó giống như một phòng tắm hơi. Việc cất cánh đã bị trì hoãn trong gần một giờ đồng hồ, và chúng tôi đã phải đổ mồ hôi khá nhiều khi phải ngồi chờ trên máy bay. Nhưng đây chính là một cuộc diễn tập nhẹ nhàng của các bài kiểm tra khả năng chịu đựng khí hậu nhiệt đới, mà sau này chúng tôi phải chịu đựng ở Việt Nam.

Cuối cùng, máy bay đã cất cánh và cũng sớm hạ cánh xuống sân bay ở thành phố Nam Ninh, mặc dù, theo cung độ bay thì máy bay sẽ bay thẳng đến Hà Nội. Ngày hôm đó có một cuộc bay “mật tập” vào lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc. Nhằm đảm bảo an toàn cho chúng tôi, máy bay chúng tôi không được phép bay qua biên giới Trung - Việt.

Chúng tôi được đưa lên xe buýt và đưa vào thành phố. Tất nhiên, thành phố ở đây không thể so sánh với Bắc Kinh cả về sự lộng lẫy của kiến trúc cổ xưa, lẫn mức độ kiến trúc hiện đại. Đây chỉ là một thị trấn nhỏ. Trên đường phố có rất nhiều người đi xe đạp. Trên phố có những chiếc xe tải quý hiếm, thuộc loại mô đem ZIL-150 do Trung Quốc sản xuất. Trên đường phố hoàn toàn không có thùng bỏ rác.

Trong khi chờ khách sạn bố trí và sắp xếp phòng, chúng tôi được chủ nhà tổ chức một chuyến tham quan nhà máy dệt. Một số nhân viên của nhà máy đã học tập ở Liên Xô, nói tiếng Nga tốt, và vui mừng được gặp chúng tôi. Những người thợ dệt, chủ yếu là phụ nữ. Họ nhân từ, niềm nở và sẵn sàng giới thiệu cho chúng tôi xem những sản phẩm chưa hoàn thành của họ. Thật khó mô tả bằng lời nói những công việc tuyệt vời này: Họ thêu những động vật, những con chim, những cành thực vật bằng những sợi tơ tằm tốt nhất, di chuyển sống động trên những bức tranh lụa với hơi thở nhẹ nhất của không khí. Cho đến bay giờ, trước mắt tôi vẫn hiện lên một con mèo có lông màu xám sáng, có bộ râu cong, trên thân con vật được thêu những đường chỉ như tóc thật.

Chúng tôi được biết tiền công trong tháng của người thợ thêu không hơn 40 nhân dân tệ, khi họ đã bước vào tuổi 40, thị lực của họ bị giảm và khả năng thêu bằng tay của người thợ cũng giảm đi. Lúc này, họ chỉ còn khả năng thêu những chữ tượng hình trên các bài thơ của của các bậc vĩ nhân.

Sau khi đến thăm nhà máy, chúng tôi được đưa đến một khách sạn hoàn toàn vắng khách. Chúng tôi biết khách sạn này vừa là nơi ăn nghỉ của các đại biểu Công đoàn của tỉnh về dự hội nghị, họ đã phải khẩn trương chuyển đến một nơi khác để chúng tôi được nghỉ ở khách sạn này.

Ngày hôm sau, khi máy bay chúng tôi đã cất cánh được 20 phút, bất ngờ có 2 máy bay chiến đấu xuất hiện bên trái máy bay của chúng tôi. Hai máy bay bay một đường song song và vọt lên cao rồi quay đầu lại. Chúng tôi đã lo lắng: không biết đây là máy bay chiến đấu của ai và họ có ý định gì. Nhưng nỗi băn khoăn đó ngay lập tức bị tiêu tan khi chúng tôi thấy các dấu hiệu nhận dạng của Không quân Trung Quốc trên đôi cánh của máy bay MiG-17. Họ quay lại và lắc đôi cánh của họ và bay về phía sau. Đây là những máy bay tiêm kích của Trung Quốc bảo vệ chúng tôi đến biên giới với Việt Nam. Sau đó, máy bay của chúng tôi cũng được máy bay tiêm kích của Việt Nam tiếp tục bảo vệ.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Tư, 2023, 08:24:32 pm
Trên đất Việt Nam

Chúng tôi bay đến Hà Nội. Máy bay của chúng tôi lượn một vòng và hạ cánh xuống đường băng một cách êm ru. Bởi vì, phi hành đoàn của chúng tôi đã hiểu rất rõ sân bay Gia Lâm và làm chủ được mọi tình hình trên không ở sân bay này.

Và đây là lần đầu tiên chúng tôi đặt chân lên mảnh đất của Việt Nam. Chúng tôi được đoàn cán bộ của Quân đội nhân dân Việt Nam ra sân bay đón tiếp. Sau nghi lễ chào mừng, chúng tôi được mời uống trà. Mặc dù đồng hồ đã chỉ 6 giờ chiều, (giờ địa phương) song chúng tôi vẫn gặp khí nóng không thể chịu nổi. Chúng tôi tập hợp dưới những “chiếc ô” khổng lồ được làm bằng những chiếc dù của Mỹ, căng trên các cột tre Việt Nam. Chúng tôi uống nước chè xanh, không đường. Đó là điều không bình thường đối với chúng tôi. Nhưng chẳng bao lâu chúng tôi đã hiểu và đánh giá cao lợi thế đặc biệt của loại đồ uống này, vì nó đã làm dịu cơn khát.

Điều không bình thường đối với chúng tôi là cái oi bức của khí hậu nhiệt đới kèm với độ ẩm cao và tiếng ve sầu kêu ở xung quanh chúng tôi. Một thói quen của các bạn Việt Nam là mời nhau chén trà ngay từ phút đầu làm quen. Ở dưới mái vòm của chiếc dù Mỹ căng trên, tôi đã bắt đầu bài học tiếng Việt đầu tiên.

Do đường bị đánh phá, có nhiều hố bom, nên chúng tôi phải ngồi lâu trên xe khi về nơi ở.

Phong cảnh Việt Nam rất thanh bình và hài hòa. Các cánh đồng được những con đường thẳng bao quanh, xen lẫn các kênh đào và hệ thống máng tưới tiêu, thấp thoáng từng tốp nông dân làm việc, mà trên đầu họ lúc thì chiếc nón, lúc thì chiếc mũ rơm. Một đàn trâu đang đắm mình trong những vũng nước trên ruộng hoặc dưới lòng mương gần cây cọ hoặc bụi tre để tránh cái nóng của vùng nhiệt đới. Những làng quê nhỏ có những ngôi nhà bằng gỗ, trước cửa nhà mỗi gia đình là những hàng cau. Rìa mỗi làng quê Việt Nam đều có nghĩa trang cho những người quá cố. Mỗi dinh cư của người nông dân Việt Nam bao giờ cũng có bức tường bằng tre hoặc cây duối bao bọc với một cổng tò vò cao ở lối vào nhà. Ở phía sau nhà ở là một ao cá hoặc một hồ chứa nước

Trong suốt hành trình dài, chúng tôi thích thú ngắm nhìn những ngôi làng ven đường, ngắm nhìn những người nông dân đang mệt mỏi trở về từ cánh đồng lúa, ngắm nhìn những đứa trẻ đang cưỡi trên mình những con trâu. Mọi thứ dường như rất yên bình và xa cách với chiến tranh, nếu không có vô số những hố bom dọc 2 bên đường đi...

Tôi còn bị choáng ngợp bởi những ao trồng sen. Đó là một thảm bông hoa hồng mềm mại, đang đua nhau nở, bao phủ khắp mặt ao.

Và cuối cùng, chúng tôi đã đến cây cầu lớn trên sông Hồng, đó là cầu Long Biên. Trên vòm cao của cầu, cứ 50 mét lại có một tổ dân quân trực chiến bên khẩu pháo phòng không. Trung úy Tuấn, người đi cùng chúng tôi giải thích rằng, cây cầu này là một trong những cây cầu quan trọng nhất của Việt Nam. Hầu như tất cả các hàng hóa từ cảng Hải Phòng đều đi qua cây cầu này để vào phía Nam của đất nước. Do đó, bảo vệ cây cầu là nhiệm vụ số 1 của quân và dân Hà Nội. Các khẩu đội cao xạ bảo vệ cây cầu đang trực chiến suốt ngày đêm.

Khi xe chúng tôi đi qua những đường phố Hà Nội, chúng tôi đã luôn luôn nhìn thấy các giếng tròn, chúng nằm cách nhau 4-5 m ở hai bên vỉa hè. Chúng tôi nghĩ rằng đây là những hố bình thường để sửa chữa đường cáp ngầm thông tin liên lạc, vậy thì tại sao lại có quá nhiều, mà lại ở cả hai bên vỉa hè? Trung úy Tuấn giải thích cho chúng tôi rằng, đây không phải là hố để sửa chữa cáp ngầm, mà là nơi trú ẩn máy bay Mỹ ném bom dành cho những người đang đi trên đường phố, không kịp chạy đến ẩn nấp trong các hầm trú ẩn kiên cố. Những hố tránh bom loại này cũng được các đội viên Đội Tự vệ sử dụng để trực tiếp bắn máy bay Mỹ bay ở tầm thấp. Trong những ngày ở Việt Nam, nhiều người trong chúng tôi cũng đã phải sử dụng những hố trú ẩn đơn giản nhưng đáng tin cậy này. Nhờ đó, nhiều đồng đội chúng tôi đã tránh được những mảnh bom và bom bi của máy bay Mỹ. Các hố tránh bom dạng này đều có ở hai bên tất cả các con đường chính trên miền Bắc Việt Nam.

Trong đêm đầu tiên ở vùng nhiệt đới, hầu như không ai trong chúng tôi ngủ được. Tất cả mọi người đều bị mồ hôi làm ướt đẫm, chúng tôi nói chuyện với nhau, chia sẻ cho nhau những ấn tượng của mình. Chỉ gần sáng, tôi mới có thể chợp mắt được một lát. Sáng dậy, chúng tôi thấy quần áo của chúng tôi đã phơi qua một đêm mà không khô... Cách duy nhất để phơi khô quần áo là sử dụng quạt điện, nhưng không thể sử dụng quạt điện trong điều kiện dã chiến. Phần nhiều, chúng tôi sống trong lều bạt “dã chiến” hoặc dưới những mái che bằng cót ép.

Ban ngày càng trở nên nóng hơn. Nếu vào ban đêm, nhiệt độ chỉ khoảng + 30 o C, còn lúc 12 giờ trưa, ở trong bóng râm, nhiệt độ đã tăng lên + 37 o C. Các bạn Liên Xô của chúng tôi, những người đến Việt Nam trước chúng tôi nói rằng, đó không phải là ngày nóng nhất, còn có những ngày nóng hơn.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Tư, 2023, 08:25:52 pm
Chuyện Binh nhất Tarzan “mất tích”

Ngày hôm sau, sẽ không có bất kỳ sự cố nào nếu không xảy ra trường hợp trước bữa ăn tối, Binh nhất Tarzan Chirkviani đột nhiên vắng mặt, không biết bạn ấy đi đâu? Bạn ấy là trắc thủ bám sát bằng tay, người được tất cả chúng tôi yêu thích bởi tính hay vui đùa. Sau khi chờ đợi khoảng mươi phút, chúng tôi đã cử hai đồng chí đi tìm. Họ trở về không tin tức. Bữa trưa hôm đó, chúng tôi không có Tarzan. Chúng tôi ăn trưa xong, lại tiếp tục đi tìm, vẫn không thấy Tarzan. Chúng tôi lo lắng... Chúng tôi bắt đầu lục lại trí nhớ: ai đã nhìn thấy Tarzan và nhìn thấy lúc nào? Hình như, tôi đã nhìn thấy bạn ấy khoảng 30 phút trước bữa trưa. Không có gì đặc biệt, Tarzan chỉ phàn nàn về cái nóng và cái khát, mong muốn được uống nước “ khoáng”. Đó là lời phàn nàn của Tarzan. Khi đó tôi nói:

- Này, bạn Tarzan! Bạn phàn nàn về cái nóng? Bạn đến từ vùng Kavkaz ...

- Bạn nói gì! Bạn so sánh Kavkaz với Việt Nam chẳng khác gì so sánh vùng Yakutia với vùng Tashken...

Chúng tôi chia thành nhóm và đi quan sát toàn bộ khu vực gần nơi chúng tôi đóng quân để tìm Tarzan. Gần nơi chúng tôi ở có một hồ chứa nước, nhưng nước đục. Trên đường vào hồ có một trạm bảo vệ nội bộ của Việt Nam. Chúng tôi ra hiệu hỏi đồng chí bảo vệ: “Có ai trong chúng tôi tắm trong ao không?”.

Đúng như dự đoán, câu trả lời là không, bởi vì ngày hôm trước, chúng tôi đã được cảnh báo rằng, không thể tắm ở đây vì có nguy cơ nhiễm trùng da và bị bệnh đường tiêu hóa. Nói chung, việc tìm kiếm không đạt được kết quả. Tarzan đã “chìm xuống nước” như thế nào???

Và sự việc đã xảy ra như sau: vì quá nóng, bạn ấy đã trèo vào một thùng nước ở dưới tán cây gần nhà ăn, cảm thấy dễ chịu và bình tĩnh ngủ trong đó... Chỉ một giờ sau, khi các đồng chí nuôi quân đến thùng lấy nước để tưới sàn nhà, mới phát hiện ra anh bạn Tarzan của chúng tôi. Người “nhái nước” của chúng tôi xấu hổ và không biết phải đi đâu. Mong muốn thoát khỏi cái nóng không chịu nổi đã khiến bạn ấy bối rối, và câu chuyện này đã trở thành một đề tài cho các cuộc vui của chúng tôi

Đặc biệt những người béo và những người mắc bệnh thận rất vất vả với cái nóng mùa hè ở Việt Nam. Đến cuối ngày thứ 2, tôi làm phép tính nhẩm, tôi đã uống khoảng 8 lít nước mỗi ngày, nhưng cơn khát vẫn không ngừng tra tấn tôi. Trong khi đó, không chỉ riêng tôi mà các đồng chí của tôi cũng thờ ơ với các bữa ăn. Vì thế, việc đầu tiên là chúng tôi phải tìm cách nào đó để đưa chất dinh dưỡng vào người, chủ yếu là chất lỏng. Ngày thứ nhất, chúng tôi còn ăn được ít chút, nhưng sang ngày thứ hai, hầu như chỉ ăn được món xúp, không ai đả động đến món ăn thứ 2 (đó là cơm và thức ăn để cùng trong một đĩa - NCK), mà mọi người đều dùng ngay món thứ ba - nước hoa quả (compot) hoặc nước chanh. Vâng, còn bia thì sao? Thông thường, bia được uống trong bữa ăn trưa. Bia của Việt Nam có nhiều loại, tốt nhất là bia “Trúc Bạch” hoặc bia “Hà Nội”. Nhưng ở xứ nóng, bia không làm dịu cơn khát, vì vậy hầu hết chúng tôi thích uống nước chanh hoặc nước compot từ các loại trái cây như vải, nhãn, về hương vị, các loại trái cây này giống như loại mận trắng của Liên Xô. Thông thường, hàng ngày chúng tôi uống nước chè, một loại chè xanh nổi tiếng của Việt Nam, khi uống không có đường, chúng tôi đã được uống lần đầu tiên tại sân bay Gia Lâm. Chính loại nước chè xanh này đã làm dịu những cơn khát của chúng tôi và sự mệt mỏi dần dần biến mất. Chỉ hai tuần sau, cơ thể tôi dần khỏe lên, tôi ít đổ mồ hôi hơn và không thấy mệt mỏi, lượng nước uống vào người đã giảm xuống 3-4 lít mỗi ngày, và đã cảm thấy ăn ngon mỗi lần ngồi vào bàn ăn.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Tư, 2023, 08:28:01 pm
Cuộc không kích ban đêm

Vào một đêm, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng kẻng báo động. Chiếc kẻng này làm bằng vỏ quả bom không nổ của Mỹ ném xuống làng quê Việt Nam. Kẻng được treo trên cành cây và được sử dụng để phát ra tín hiệu “Báo động phòng không”. Nghe tín hiệu báo động, tôi chộp lấy quần áo, mũ bảo hiểm và theo mọi người nhảy qua cửa sổ ra ngoài. Trước mặt tôi là một màn đêm, và trên đầu tôi là một bầu trời nhiệt đới tối đen với những tia nhấp nháy của các vì sao sáng và một tiếng rít xé tai, từ phía trên trời đến với tôi, tôi hiểu đó là “bom”.

Tôi nằm sấp xuống, vùi cằm vào thảm cỏ ấm và ẩm ướt. Tôi đội mũ bảo hiểm lên đầu, hai tay bịt chặt tai và chờ tiếng nổ. Một cái gì đó rất lớn, chẳng khác gì sét đánh xé tai đang lao về phía tôi. Tôi nằm ép chặt xuống mặt đất giống như người đã chết. Tôi nghĩ: “Từ độ cao nào họ đã thả quả bom chết tiệt này xuống và nếu như quả bom đó rơi... sao lâu thế?”. Tôi bắt đầu đếm từng giây:

- 121, 122, 123 ...

Đột nhiên, ngọn lửa màu vàng đồng loạt chiếu sáng những khẩu súng cao xạ có nòng dài ở ngay bên phải tôi. Âm thanh sắc bén, chói tai của pháo binh đồng loạt nhả đạn đập vào tai tôi và trong một khoảnh khắc chìm đắm tiếng hú xuyên qua mang tai tôi.

- 124, 125, 126 ...

Những tiếng nổ chói tai trên không, nó chẳng khác nào một đòn roi quật vào ngựa. Âm thanh chiến đấu bất ngờ thay đổi, dần dần như thể bị yếu đi và dừng lại. Tôi ngạc nhiên thấy sự im lặng bất ngờ đã đến. Tôi nhận ra “đây không phải là một quả bom”. Ai đó đã hét lên:

- Máy bay bị bắn rơi!

- Hoan hô!

Tôi từ từ đứng lên, tôi thấy một cái gì đó, đúng rồi, một khối lửa rực sáng lao nhanh về phía chân trời.

Tôi dõi theo khối lửa đó cho tới khi nó rơi xuống đất. Nó chiếu sáng bầu trời một lúc. Tiếp đó, tôi nghe thấy âm thanh từ xa vọng lại còn mạnh hơn sấm, sét...

Sau khoảng 20 phút, chúng tôi nghe thấy tín hiệu báo yên và chúng tôi tuy mệt mỏi song lại vừa phấn khởi, vừa hồi hộp trở về nơi ở. Chúng tôi hy vọng rằng trước bình minh, chúng tôi vẫn có thể ngủ được ít chút. Sớm hôm sau, chúng tôi được thông báo là đêm qua, một chiếc máy bay Mỹ bị bắn và rơi xuống một địa điểm cách chúng tôi 8 cây số. Phi công không kịp nhảy dù. Chuyến bay đêm của một trong những phi công của không lực Hoa Kỳ đã kết thúc như thế đó! Anh ta đã bị chết một cách vô nghĩa ở xứ sở cách quê mẹ nửa vòng trái đất. Anh ta bị chết trên bầu trời nóng bỏng của miền Bắc Việt Nam, trên mảnh đất của đất nước mà anh ta đã đem đến cái chết và đau khổ cho hàng triệu dân lành.

Cách đây không lâu, chúng tôi tiếp nhận những thông tin về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, như về các cuộc nệm bom tàn bạo của không quân Mỹ xuống các thành phố và các khu dân cư của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, về số lượng nạn nhân, về số lượng máy bay Mỹ bị lực lượng phòng không Việt Nam bắn rơi trong các cuộc chiến “đất đối không” như một cái gì đó thật khủng khiếp, nhưng lại xa xôi và do đó không cảm thấy nguy hiểm. Chúng giống như các cảnh quay trong một bộ phim chiến tranh: bạn xem phim, bạn chân thành chia sẻ những đau khổ và cái chết của các nhân vật trong phim. Nhưng tất cả thời gian đó, bạn nhớ rằng, điều này là không thực sự, mà chỉ là trên màn hình. Còn bây giờ, cuộc chiến tranh từ màn hình tưởng tượng dường như đã đặt ngay trong khán phòng, và chúng tôi đang chuyển từ những khán giả sang những người tham gia trong cuộc chiến này, không khó gì để nhận thức đầy đủ lực hấp dẫn của tất cả các thử thách sắp tới.

Tôi mãi mãi nhớ cái đêm báo động này. Đó là tuần đầu tiên chúng tôi ở Việt Nam và lần đầu tiên chúng tôi trực tiếp chứng kiến một cuộc chiến khốc liệt...

Trong tâm trí của tôi, từ thời thơ ấu, chiến tranh dường như là một loại quái vật khủng khiếp. Hai từ “chiến tranh” buộc tôi luôn phải nhớ đến người cha của tôi đã bị chiến tranh cướp đi.

Cha tôi - Nikolai Dmitrievich Kolesnik, là Thượng sĩ, chỉ huy pháo của Lữ đoàn xe tăng 186, Quân đoàn xe tăng số 10. ông hy sinh ngày 30 tháng 10 năm 1944 trong trận giải phóng thành phố Latvisky của Liepai. Ông được an táng tại nghĩa trang đồng đội, mộ No 1344. Lúc đó cha tôi 20 tuổi.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2023, 08:38:36 pm
Khai giảng lớp học

Hai ngày sau khi đến Việt Nam, chúng tôi nhận bộ khí tài tên lửa phòng không C-75 hệ 6 xe (hệ 6 xe là hệ trên trận địa có 6 xe điều khiển tên lửa và 6 bệ phóng tên lửa - NCK). Nơi nhận khí tài là một địa điểm thuộc Hà Đông, cách Hà Nội không xa. Chúng tôi mở niêm phong khí tài, kiểm tra chức năng của tất cả các hệ thống và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chính mà chúng tôi đã được giao. Đó là, trong một thời gian ngắn, chúng tôi phải đào tạo các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam biết sử dụng khí tài để chiến đấu với không quân Mỹ, có nghĩa là thành lập một Trung đoàn Tên lửa Phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Qui trình đào tạo được tổ chức như sau: khí tài được triển khai trên một trận địa ngụy trang như các công trình xây dựng nhà ở hoặc trang trại cách Hà Nội không xa. Ngay trên trận địa đó, các học viên Việt Nam dựng các nhà tranh tre, nứa lá để ở và học tập. Còn các chuyên gia Liên Xô vẫn sống ở nơi cũ.

Việc đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc “Làm như tôi làm” - trước tiên bạn phải nói cách bắn hạ máy bay của Mỹ, và sau đó chỉ cho cách thực hiện việc bắn máy bay như thế nào. Nhiệm vụ là rất khó khăn vì trình độ kỹ thuật của các học viên không đồng đều và việc giao tiếp với học viên phải thông qua phiên dịch. Thật vậy, trong số những người lính, có nhiều người là thanh niên nông thôn, mà trước khi vào bộ đội, họ chưa từng nhìn thấy loại công nghệ nào phức tạp hơn chiếc xe đạp.

Mỗi khẩu đội bệ phóng Việt Nam có một khẩu đội bệ phóng Liên Xô phụ trách. Chỉ huy khẩu đội bệ phóng đầu tiên do tôi huấn luyện là Trung sĩ Huỳnh Văn Thanh. Đồng chí ấy là người miền Nam. Đồng chí ấy nổi bật trong số những người khác là có tầm vóc cao, thân hình mạnh mẽ, tính tập trung và chính xác.

Thanh đã tự học tiếng Nga, và chẳng bao lâu chúng tôi có thể dễ dàng giao tiếp được với nhau mà không cần phiên dịch. Đồng chí Thanh rất nhanh chóng nắm được nội dung chính của bài học, cho dù đó là khối cơ khí hay khối điện tử, và sau đó, sau khi hỏi tôi một vài chi tiết chưa rõ, đồng chí ấy đã giải thích tất cả nội dung bài học cho khẩu đội của mình.

Tôi cũng nhớ tới pháo thủ số 3 - Binh nhất Lai. Trước khi được gọi vào bộ đội, Lai tốt nghiệp lớp 10 và là một tiểu thương ở Hà Nội. Anh là một thanh niên ham học hỏi, nhưng hơi lười. Lúc đầu, anh ta đối đáp lại bất cứ mệnh lệnh nào và thậm chí đã cố gắng tranh luận với Thanh, nhưng Thanh kiên quyết và bình tĩnh khăng khăng đòi hỏi làm theo ý của Thanh, về lập luận của Thanh, tôi chỉ có thể đoán, vì câu hỏi của tôi là:

- Có chuyện gì vậy, Thanh?

Thanh trả lời không thay đổi:

- Mọi thứ đều ổn, Nikolai ạ.

Cuối cùng, Lai với nét mặt không vui, lẩm bẩm một điều gì đó. Nhưng đến cuối tuần thứ hai, Lai đã thay đổi. Mọi người nói rằng, Lai đã “hiểu công việc “ và đã cố gắng đi sâu tìm hiểu các chi tiết của công nghệ tên lửa. Đôi khi Lai còn tỏ ra “chuyên nghiệp”, tự đặt ra câu hỏi giá thành của mỗi bộ phận tên lửa như: bệ phóng, quả tên lửa và toàn bộ khí tài C-75. Khi đã biết giá gần đúng, Lai so sánh giá một quả tên lửa với một chiếc máy bay Mỹ. Nhân dịp này, tôi nói đùa với Lai:

- Lai ơi! Bạn sẽ trở thành một thương nhân tên lửa?

Lai trả lời:

- Không, tôi chỉ cảm thấy tiếc vì những thiết bị tên lửa thông minh và đắt tiền đó sẽ bị phá hủy sau khi nó nổ để tiêu diệt mục tiêu! Còn tôi, từ lâu đã mơ ước có một chiếc đài radio đơn giản cho mẹ tôi đang bị bệnh. Mẹ tôi hầu như không nhìn thấy và không thể đọc được báo để biết những tin tức mới nhất, trong đó có tin bây giờ Việt Nam chúng ta đã có tên lửa.

Các lớp học được tiến hành riêng biệt cho từng đơn vị trong Trung đoàn: Đại đội bệ phóng học riêng, đại đội kỹ thuật vô tuyến học riêng. Giảng bài và nghe giảng bài đều qua phiên dịch. Hầu hết các đồng chí phiên dịch đều là sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Có nhiều thuật ngữ kỹ thuật mới khiến việc dịch thuật trở nên rất khó khăn. Lúc đầu, tôi phải giải thích mọi chi tiết cho người phiên dịch, và chỉ sau khi đảm bảo rằng, người dịch đã hiểu chính xác ý nghĩa của những gì mà tôi đã nói, và quan trọng nhất là phải hiểu được cấu tạo và nguyên lý hoạt động của khối thiết bị hoặc của một cơ chế thiết bị đang được nghiên cứu, khi đó tôi mới đồng ý để đồng chí phiên dịch dịch cho học viên ghi chép.

Trong đội ngũ phiên địch, những người dịch giỏi nhất là Lào và Hào. Họ có khả năng tuyệt vời để nghiên cứu công nghệ và nhanh chóng trở thành những “kỹ thuật viên” thực sự. Tôi nghĩ rằng, vào thời điểm Tiểu đoàn ra quân chiến đấu, rất ít người Việt Nam nghiên cứu hệ thống tên lửa phòng không C-75 tốt hơn những người phiên dịch này.

Phiên dịch Lào nổi trội hơn bởi dáng trí thức và sự cẩn trọng của mình, còn Hào thì cởi mở hơn, thích vui đùa, đặc biệt là yêu thích nghe và kể lại những câu chuyện tiếu lâm của Nga và khi kể chuyện, Hào luôn cười một cách chân thành. Hào thường hỏi về cuộc sống ở Liên Xô, về phong tục của dân tộc chúng tôi, vì trong đoàn chúng tôi có 13 quốc tịch: Nga, Ukraina, Belarus, Latvia, Estonia, Tatars, Kazakhstan, Gruzia, Yakut, Kirghiz, Uzbekishtan, Azerbaizan và thậm chí một người Bungari mang quốc tịch Moldova.

Hàng ngày, chúng tôi vẫn giao tiếp với trẻ em Việt Nam mà không có người phiên dịch, vì vậy chúng tôi đã cố gắng học cách hiểu tiếng Việt và các bạn Việt Nam cũng cố gắng hiểu tiếng Nga. Tôi phải nói, sự cố gắng đó đã thành công. Tuy nhiên, đôi khi đã có hiểu lầm. Ví dụ, trong quá trình phấn đấu để đạt tiêu chuẩn rút ngắn thời gian cho việc chuyển một bệ phóng từ tư thế chiến đấu sang tư thế hành quân. Tôi hô khẩu lệnh cho các trắc thủ: “Thu hồi khí tài! nhanh lên!”. Nhưng các trắc thủ đang mệt mỏi, không đủ sức, nên đã nói:

“Sau đó, sau đó” Tôi phải giải thích với họ rằng, trong chiến đấu, nếu bạn không nhanh chóng thay đổi trận địa mà cứ “sau đó, sau đó” thì có thể không đến được trận địa mới... Các bạn Việt Nam đã bắt đầu thao tác nhanh hơn


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2023, 08:39:46 pm
Rào cản ngôn ngữ đã làm cho tên lửa phải “quay trở lại”

Một lần trong quá trình tự học, trắc thủ ca bin “U” của chúng tôi, đồng chí Sasha Burtsev chứng kiến cuộc đối thoại giữa hai trắc thủ Việt Nam là Hiền và Phát: họ lần lượt đưa ra câu hỏi cho nhau. Họ ôn lại chức năng của bảng điều khiển trong xe ca bin “U”.

Hiền, chỉ vào nút “QUAY LẠI”. Nút này dùng để trả lại lược đồ điều khiển phóng về trạng thái ban đầu sau khi đã phóng tên lửa, Hiền hỏi Phát:

- Nút này để làm gì?

Phát suy nghĩ một chút, với vẻ thông minh, đã trả lời:

- Đây là nút, nếu tên lửa đã vượt qua mục tiêu, thì khi đó ấn nút “Quay lại”, có thể tên lửa được trở về bệ phóng”. Khi trả lời, Phát còn vẽ trên không theo trí tưởng tượng một quỹ đạo bay của tên lửa.

Sasha nghe giải thích như vậy và không thể nín được cười. Còn hai bạn Hiền và Phát thì thấy rất xấu hổ. Sasha một lần nữa giải thích cho họ mục đích thực sự của nút “QUAY LẠI”:

- Nếu đúng như Phát nói, tên lửa thực sự quay lại, thì tất cả chúng ta sẽ bay lên thiên đàng.

Thế là tất cả mọi người đều cười với nhau một cách chân thành.

Các bạn Việt Nam đều cố gắng để có thể nghiên cứu các thiết bị chiến đấu, không chỉ nhanh chóng nắm vững các kỹ thuật chiến đấu, mà còn nắm vững một cách có chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về thời gian. Nói không ngoa chúng tôi có những sinh viên có năng lực.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2023, 08:41:02 pm
Bảo vệ Hà Nội

Vào hạ tuần tháng 7 năm 1965, Tiểu đoàn 61 của chúng tôi đã chiếm lĩnh trận địa dọc theo con đường số 32, ngoại ô thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội 35 km về phía Tây. Không quân Mỹ đã tạo ra đầy đủ cường độ cho “quá trình học tập” và chúng tôi cũng không cần tiến hành báo động giả vì có rất nhiều lần báo động chiến đấu. Trạm trinh sát và chỉ định mục tiêu (cán bộ chiến sĩ bộ đội tên lửa thường gọi là ra đa P-12 - ND) đã làm việc 24/24. Khi dạy các chiến sĩ bộ đội tên lửa Việt Nam, chúng tôi đã học được rất nhiều điều: chúng tôi nghiên cứu chiến thuật bay của không quân Mỹ, nghiên cứu bản đồ tuyến đường bay, các loại nhiễu mà không quân Mỹ sử dụng.

Vì khi cử chúng tôi sang Việt Nam, rõ ràng là chưa có ý định là chúng tôi sẽ tham gia chiến đấu. Do đó chúng tôi sang với số lượng không đầy đủ theo biên chế, trong mỗi đơn vị cũng thiếu trắc thủ. Trong nhóm chuyên gia của Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 61 chỉ có 28 người, mà theo biên chế của thời bình thì phải có 70 người.

Chỉ huy của Tiểu đoàn là Thiếu tá Ivan Konstantinovich Proskumin,

Trong xe “U” (xe điều khiển tên lửa - ND), có 16 người, gồm có:

- Sĩ quan điều khiển

- Trắc thủ bám sát mục tiêu bằng tay theo góc tà

- Trắc thủ bám sát theo cự ly

- Trắc thủ bám sát theo phương vị

- Trắc thủ ra đa

- Tiêu đồ viên

- Chỉ huy khẩu đội kỹ thuật vô tuyến

- Kỹ thuật viên cabin “PA”

- Trắc thủ cabin “PA”

- Kỹ thuật viên cabin “K”

- Kỹ thuật viên cabin “SVK”

- Kỹ thuật viên cabin “RPK”

- Trắc thủ cabin “RM”

- Trắc thủ cabin “C”

Khẩu đội bệ phóng, gồm có 3 trung đội:

- Trung đội 1, phụ trách 2 bệ phóng, có 4 người

- Trung đội 2, phụ trách 2 bệ phóng, có 4 người:

- Trung đội 3, phụ trách 2 bệ phóng, có 4 người.

Thực tế là trong thời gian chỉ có 1 tháng, không thể đào tạo được 1 chiến sĩ tên lửa hoàn chỉnh. Do đó, nếu triển khai chiến đấu, thì trong tất cả các vị trí phải có các chuyên gia Liên Xô. Việc thiếu quân số trong đoàn chuyên gia là một khó khăn lớn trong việc đảm bảo hiệu quả chiến đấu của tiểu đoàn và trung đoàn. Nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ trong đoàn chuyên gia Liên Xô phải thực hiện chức năng của hai người, và đôi khi của ba người. Theo biên chế trong thời bình, một khẩu đội bệ phóng gồm có 4 người - chỉ huy và 3 trắc thủ. Để hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, Trung đội bệ phóng Liên Xô của tôi mặc dù thiếu 3 người nhưng vẫn phải tách ra làm 2 để phục vụ 2 bệ phóng của trung đội 3 và một bệ phóng của trung đội 2. Tất nhiên, chúng tôi cùng với các đồng chí Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chiến đấu này.

Ngoài ra, tôi như một chỉ huy trung đội (thực tế, những người này cũng chưa có), đã phải giúp chỉ huy đại đội, và đôi khi làm việc thay cho cả trắc thủ cabin “C”. Tình hình thiếu biên chế như thế đã xảy ra trong tất cả các khẩu đội và các tiểu đoàn của Trung đoàn Tên lửa Phòng không đầu tiên (E 236 - NCK). Do đó, mỗi người chúng tôi đã làm mọi việc để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu.

Các trắc thủ bám sát bằng tay và toàn thể CBCS Đại đội kỹ thuật vô tuyến đôi khi phải làm việc liên tục trong 12-14 giờ, không ra khỏi cabin, mặc dù nhiệt độ trong các xe cabin lên tới + 70°C. Các chiến sĩ trẻ phải mặc quần cộc, ngồi trong cabin làm việc. Tuy thế, vẫn không giảm được cái nóng bức và ngột ngạt ở trong xe. Trên mặt ghế quay của trắc thủ luôn luôn ướt đẫm mồ hôi.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2023, 08:42:40 pm
Nạp nhiên liệu cho đạn tên lửa

Sau khi đã thu hồi khí tài bệ phóng để hành quân đến trận địa mới, một khó khăn nhất cho kíp chiến đấu là nạp nhiên liệu ô xy vào tên lửa. Để nạp nhiên liệu ô xy vào tên lửa, trắc thủ phải mặc bộ quần áo bảo hộ làm bằng vải cao su, đi ủng cao su, đeo mặt nạ phòng độc, đeo găng tay cao su. Trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời là 35 độ, trắc thủ phải làm việc trong gần một giờ, mồ hôi chảy ra như tắm.

Sau 20 phút, bạn đã cảm thấy trong đôi ủng cao su và trong đôi găng tay cao su có hơi nước. Nhìn qua kính mặt nạ, trắc thủ có thể nhìn thấy hơi của chất ôxy có màu nâu nâu đang bay quanh người.

Đây là một công việc làm cho trắc thủ tiêu hao nhiều công sức nhất.

Trận đánh xảy ra vào chiều ngày 24 tháng 7 năm 1965 tại trận địa cách Hà Nội 60 km. Tham gia trận đánh có Tiểu đoàn 63 và tiểu đoàn 64 Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 Quân chủng PKKQ. Chỉ huy Tiểu đoàn 63 là Thiếu tá Boris Mozhayev và Đại úy Nguyễn Văn Thân; Chỉ huy Tiểu đoàn 64 là Thiếu tá Fedor Ilyin và Đại úy Nguyễn Văn Ninh. Sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn 63 là Thượng úy Vladislav Konstantinov và Trung úy Lã Đình Chi; Sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn 64 là Thượng úy Oleg Bondarev và Trung úy Phạm Trương Uy. 3 máy bay ném bom chiến đấu của Mỹ bay ở độ cao hơn 2000 mét từ phía Tây dãy núi Trường Sơn về Hà Nội đã bị bắn rơi. Đây là những chiếc máy bay thứ 399, 400 và 401 của không quân Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc Việt Nam tính từ ngày 05 tháng 8 năm 1964.

Sau này, đồng chí Phạm Trương Uy được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, còn các chuyên gia quân sự Liên Xô nói trên đều được Nhà nước Liên Xô trao tặng Huân chương Cờ Đỏ, Huân chương Sao Đỏ và Huy chương “Hữu nghị” của Việt Nam.

Các bạn Việt Nam đã dùng mảnh máy bay Mỹ thứ 400 bị bắn rơi để làm huy hiệu chiến thắng trận đầu, trên nền của huy hiệu có chữ 24-7-65. Những người đã tham gia trong các trận bắn máy bay Mỹ đều được tặng tấm huy hiệu này. Tấm huy hiệu này của tôi (tác giả Kolesnik) được giữ ở Bảo tàng Trung ương các Lực lượng Vũ trang Nga).

Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra quân trận đầu. Chúng tôi cùng với những người bạn Việt Nam đã vui mừng chào đón chiến thắng đầu tiên của vũ khí tên lửa Liên Xô. Sau chiến thắng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định lấy ngày 24 tháng 7 năm 1965 là ngày truyền thống Bộ đội Tên lửa Phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau trận chiến này, trừ máy bay không người lái, còn các loại máy bay Mỹ trong hai tuần hoàn toàn không dám bay vào Hà Nội. Nhưng họ tiếp tục đánh bom một cách dã man xuống các tỉnh phía Nam thành phố Hà Nội

Trong giai đoạn “nhàn rỗi này”, chúng tôi đã tranh thủ dạy các bạn Việt Nam về lý thuyết và thực hành nhằm nâng cao sức chiến đấu. Thí dụ: như cách nạp đạn vào bệ phóng, thu hồi đạn ra khỏi bệ phóng.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2023, 08:43:44 pm
Những buổi tối ở Việt Nam

Vào các buổi tối, khi cái nóng bức đã giảm xuống một chút, chúng tôi đã dùng ghi-ta để thu hút mọi người cùng hát. Bạn Sasha Kurakin của chúng tôi là một tay chơi guitar sành điệu. Bài hát “chiếc accordion cô đơn” được hát thường xuyên hơn những bài hát khác. Các bạn hãy tưởng tượng: một đêm nhiệt đới oi bức, từng tốp đom đóm nhấp nháy trong tiếng kêu của những con ve sầu, trên bầu trời tối đen lấp lóe những ngôi sao, và ... “các bạn sẽ thấy thế nào???”.

Đôi khi chúng tôi tổ chức thi bóng chuyền giữa các đội Liên Xô và Việt Nam. Mọi người chơi bóng cũng “cay cú” được - thua, chẳng khác gì “đánh bạc”. Mỗi sân của từng đội được kèm theo một dấu chấm than thân thiện “Cố lên!”. Trên sân bóng chuyền, những người bạn chiến đấu trở thành “đối thủ” của nhau, thực sự nuối tiếc vì đội mình đã bị thua. Những người chơi bóng chuyền của cả 2 đội đều rất tuyệt vời, và những trận đấu đã diễn ra quyết liệt, nhưng tình bạn luôn luôn thắng.

Những ngày, đúng hơn là những buổi tối trở thành ngày hội thực sự của chúng tôi là khi chúng tôi được xem những bộ phim Liên Xô trình chiếu ngay tại nơi chúng tôi đang ở. Cư dân của tất cả các làng xung quanh đã đến xem phim cùng chúng tôi. Tôi nhớ bộ phim “Người lính của đội quân Malakhov Kurgan” là một trong số những bộ phim nói về chiến tranh, có tác động mạnh nhất đối với chúng tôi và các bạn Việt Nam. Bộ phim này đã được chiếu lại nhiều lần và mỗi lần chiếu đến cảnh các thủy thủ Biển Đen ném từng loạt lựu đạn vào các xe tăng địch đã gợi lên một cảm giác không thể tả được về tinh thần quả cảm, sự quyết tâm và lòng yêu nước của các thủy thủ Xô Viết.

Những bộ phim về cuộc sống yên bình, chẳng hạn như bộ phim âm nhạc “Người lính thủy thủ nhảy từ “tàu du lịch”, cũng được trình chiếu nhiều lần.

Các bạn Việt Nam vừa ngạc nhiên, vừa ngưỡng mộ những gì đang diễn ra trên màn hình với một loại ngôn ngữ thân thiện. Nhiều nhất là khi trên màn hình xuất hiện những cô gái Liên Xô xinh đẹp, đặc biệt là khi các đôi tình nhân hôn nhau. Tại thời điểm này, ở Việt Nam, một nụ hôn, như một cách thể hiện cảm xúc của những người đang yêu, mới bắt đầu được công nhận trong giới trẻ Việt Nam, và nụ hôn đó không được chấp nhận khi hôn một cách công khai.

Cần phải nói đến các nữ diễn viên trẻ trên phim đã gây được sự ngưỡng mộ đặc biệt trong khán giả.

Bộ phim “Cuộc chạy việt dã không có thưởng” đã được khán giả quá đam mê. Bộ phim này đã được chiếu nhiều lần, và mỗi lần chiếu, khán giả cười một cách thoải mái. Đây là bộ phim duy nhất, dễ hiểu mà không cần dịch.

Tôi rất tiếc trong suốt thời gian chúng tôi tham gia chiến đấu ở Việt Nam, chúng tôi chưa bao giờ được các nghệ sĩ Liên Xô đến thăm. Tôi nghĩ rằng đây không phải là lỗi của họ, mà là do chế độ “bảo mật nghiêm ngặt” của quân đội Liên Xô và Quân đội Việt Nam.

Món tráng miệng bằng mía

Thỉnh thoảng trước bữa ăn tối, Lai biến mất hút đi đâu, và sau một lúc anh xuất hiện với một bó cây giống thân cây ngô có màu xanh đậm. Đó là cây mía mọc gần trận địa chúng tôi. Lai quyết định gây bất ngờ và thiết đãi chúng tôi một cốc nước ép mía tự nhiên. Nước mía ép thực sự là một loại nước giải khát ngon và bổ dưỡng. Để ép được nước mía sạch, Lai đã tìm được một dụng cụ trong nhân dân, mà các bạn Việt Nam gọi là máy ép mía. Vì vậy, ở Việt Nam, nước mía được coi là một món ăn dành cho trẻ em và ở một mức độ nào đó, nó có thể thay thế bánh ngọt ở Việt Nam.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2023, 08:45:46 pm
Hành quân bí mật. Trận địa phục kích

Bất cứ ai chưa từng nhìn thấy những con đường của Việt Nam trong thời chiến đều không thể hiểu hết tất cả những khó khăn trên đường hành quân của chúng ta phải băng qua cánh đồng lúa, rừng rậm và cuối cùng là những ngọn núi. Thiết bị phải chuyển qua những đầm lầy trên cánh đồng lúa, mà thực tế chúng là những vùng trũng nhân tạo. Chỉ có “trâu nước” của Việt Nam mới có khả năng di chuyển qua những khu vực đầy bùn và nước như thế này. Các bệ phóng được cố định chặt vào gầm khung xe. Phải dùng xe xích để kéo xe chở bệ phóng vượt qua những quãng đường như đã mô tả ở trên.

Trên những ngọn đồi bán sơn địa là những dãy cây, bụi rậm, cảnh quan thật là đẹp. Song, bất chợt trên đường hành quân, lại đập vào mắt chúng tôi vài ba lô cốt bê tông cốt thép. Nghe nói đó là những “chiến lũy” của quân đội viễn chinh Pháp. Họ hy vọng nhờ có những “chiến lũy” này, các lực lượng viễn chinh của Pháp khi đó có thể cố gắng duy trì được chế độ thuộc địa ở Việt Nam, nhưng họ đã bị thất bại.

Hành quân trong rừng già dễ dàng hơn một chút. Nhưng ở một số nơi, để chuyển các bệ phóng qua được, cần phải chặt các cành cây rà sát mặt đất ở 2 bên đường, vì các cành cây đan xen chặt chẽ với dây leo và tạo thành một cái lều liên tục trên một con đường hẹp. Nhờ sự ngụy trang tự nhiên này, chúng tôi di chuyển qua khu rừng ngay cả vào buổi chiều, mà không sợ máy bay địch từ trên cao phát hiện ra chúng tôi.

Trong rừng Việt Nam có rất nhiều loài chim và động vật. Chúng được coi là cư dân bản địa của rừng Việt Nam. Sự xuất hiện của chúng tôi đã làm mất đi sự bình an của chúng. Vì thế, chúng tôi bị “đáp lại” và chúng tôi cũng có những phản ứng, song chúng tôi lại sợ tiếp xúc với chúng. Những con ve rừng là loại động vật vô lễ nhất. Tương tự là những con vắt màu đỏ thẫm nhỏ xíu, chúng từ trên cành cây rơi xuống chúng tôi, bám chắc vào quần áo và... với tốc độ đáng kinh ngạc, chúng cắn qua quần áo chúng tôi vào tận da thịt. Đặc biệt là khi hành động, loại đỉa này không gây đau cho bạn, hình như chúng tiết ra chất giảm đau? Khi bạn đã phát hiện đang bị đỉa cắn, bạn muốn giải thoát - đó là một việc hết sức “vất vả”. Vì nó đã chui sâu vào cơ thể bạn đến 2 cm, phải cố gắng tìm cách kéo nó ra. Tốt nhất là nhờ bác sĩ của chúng tôi dùng nhíp để kéo từng con vắt ra khỏi lóp da cơ thể của bạn.

Mặc dù cuộc hành quân của chúng tôi hoàn toàn được giữ bí mật, song ở mọi địa phương chúng tôi đi qua, bất cứ lúc nào, ban ngày hay ban đêm, chúng tôi đều được nhân dân địa phương đón tiếp, chủ yếu là các ông bà luống tuổi và trẻ em.

Những người lớn chăm chú nhìn vào các đường nét bất thường của các bệ phóng được phủ bạt kín và rì rầm trao đổi với nhau những ấn tượng của mình về những gì mà họ được nhìn thấy. Những đứa trẻ với cặp mắt tinh nhanh và đứng thành tốp nhỏ, rồi đun đẩy những bạn được coi là “dũng cảm nhất” lên phía trước, về phía các bác “Liên Xô” tuy quá cao lớn nhưng không đáng sợ chút nào. Các cháu nói bằng tiếng Nga phát âm chưa chuẩn: (được dịch như sau: NCK)

- “Liên Xô! Liên Xô! Tốt! Xin chào! Đi đầu! Tạm biệt! Cám ơn! Liên Xô!”.

Một cuộc trò chuyện sôi nổi, thú vị giữa chúng tôi và người dân địa phương đã diễn ra trong các câu hỏi truyền thống: “Tên của bạn là gì?”, “Bạn bao nhiêu tuổi?”, “Bạn có vợ, con không?”, v.v... chúng tôi đã cố gắng trả lời bằng tiếng Việt, và nó tạo ấn tượng không thể diễn tả được đối với những người đối thoại của chúng tôi. Họ càng ngạc nhiên khi chúng tôi nói tiếng Việt “Liên Xô”, mặc dù chúng tôi phát âm chưa chuẩn!

Nghe khẩu lệnh “Tất cả lên xe!” Chúng tôi nói lời tạm biệt với dân làng, ngồi vào chỗ của mình trong xe và tiếp tục lên đường.

Hơi nóng đã giảm xuống một chút, không khí trở nên mát dịu. Ánh sáng yếu ớt của bầu trời giúp chúng tôi thấy được trước mặt chúng tôi đang xuất hiện các đường nét mềm mại của những ngọn đồi thấp đang chìm trong bóng tối. Phía dưới, ngay trên mặt đất, những tia sáng đom đóm màu xanh lục. Những đàn đom đóm đang bị quấy rầy bởi tiếng ồn của một đoàn người đang di chuyển, vội vã. Đứng đằng sau hàng rào dày đặc bằng những cây tre tươi là một người lính trẻ. Anh giật mình bởi những tia sáng hẹp của đèn pha xe ô tô. Những đường nét không vững chắc của các tòa nhà trong làng xuất hiện. Tại barie lối vào, được làm bằng một cây tre dài, người lính canh gác khoan thai đi lại với một khẩu súng trường cũ trong tay. Trả lời câu hỏi của người chỉ huy ngồi ở xe đầu:

- Đây là làng nào, đồng chí?

- Đây là xã Gia Sơn! Chúng tôi đã chờ đợi các đồng chí suốt cả đêm và mọi người vừa mới về nhà. Tôi được giao nhiệm vụ thông báo cho tất cả mọi người biết các đồng chí đã đến.

- Không cần phải thông báo. Để mọi người nghỉ ngơi - Người chỉ huy mệt mỏi nói.

Sau khi phân tán và ngụy trang khí tài, chúng tôi tranh thủ rửa mặt, chân tay cho hết mồ hôi và bụi rồi dùng một bữa ăn nhanh. Sau đó nằm nghỉ dưới một lán lớn được dựng bằng những tấm chắn làm bằng tre.

Khi hoàng hôn đã buông xuống, quan sát thấy trời đã nhá nhem tối, đảm bảo an toàn nếu có máy bay địch bay qua, chúng tôi bắt đầu bắt tay vào công việc chuẩn bị trận địa. Trận địa triển khai trên vùng đồi núi, do đó đất ở đây là loại đất có lẫn sỏi đá. Muốn san mặt bằng khu vực này phải dùng tới cuốc chim và xẻng và mất rất nhiều thời gian và công sức.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Huyện ủy huyện Gia Viễn, mọi tầng lớp nhân dân địa phương, chủ yếu là cụ già, phụ nữ và trẻ em đã đến giúp chúng tôi chuẩn bị trận địa. Chỉ trong đêm đó, không dưới 300 người dân địa phương đã san lấp gần như nửa quả đồi đất sỏi để chúng tôi có trận địa, chuẩn bị bước vào cuộc chiến. Mặc dù sau một đêm không ngủ và mệt mỏi, song nhân dân địa phương không muốn rời trận địa. Mọi người thích thú quan sát hiện trường, ngắm nhìn tên lửa, xe ô tô đặc chủng, máy kéo, các bệ phóng và ngắm cả chúng tôi nữa!!!

Đã gần 5 giờ sáng, mọi người phải rời trận địa trở về nhà. Trước khi ra về, họ yêu cầu chúng tôi bắn rơi ít nhất một máy bay và phải để cho họ nhìn thấy những mảnh vỡ của máy bay. Chị Liên nói: “Vì máy bay Mỹ mà chúng tôi không có nhà ở. Chúng ném bom cả ngày và đêm. Chúng thật đáng nguyền rủa...

Chúng tôi hứa nhất định sẽ thực hiện yêu cầu đó. Khi chia tay, tôi đã tặng cháu Đông huy hiệu có hình nhà du hành vũ trụ Gagarin. Cháu Đông rất vui mừng. Nắm chặt chiếc huy hiệu trong bàn tay bé xíu, Đông vẫy tay tạm biệt chúng tôi và hét lên: “Liên Xô! Gagarin! Tên lửa! Tốt! Tạm biệt!”


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2023, 08:48:05 pm
Chiến đấu và chiến thắng

Mặc dù bị mệt mỏi toàn thân, đồng hồ đã chỉ 5 giờ 30 phút sáng, song cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 61 chúng tôi vẫn sẵn sàng, nghiêm chỉnh thực hiện các mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên.

Trong ngày hôm đó, 18 lần báo động, 18 lần chúng tôi đều ở vị trí chiến đấu của mình và nín thở chờ lệnh “Phóng”. Mười tám lần dây thần kinh của chúng tôi căng thẳng đến tột cùng, và 18 lần thay lệnh “Phóng” bằng lệnh “Hết báo động”.

Gần tối, máy bay Mỹ ít xuất hiện và chúng cũng chỉ bay cách trận địa chúng tôi hơn 70 cây số. Chúng tôi có bữa ăn tối nhiều hơn và yên bình hơn.

Ăn tối xong, chúng tôi phân công người trực và bắt tay nhau, chúc nhau ngủ ngon và đi đến chỗ nghỉ của mình.

Tôi ngủ thiếp đi ngay lập tức... Trong mơ, tôi nghe thấy tiếng còi báo động và tôi không thể lý giải: Tôi mơ hay có còi báo động thực? Và... tôi hiểu đây không phải là một giấc mơ. Tôi nhảy lên, lay các bạn Liên Xô của tôi: “Dậy! Vào cấp một!”.

Lấy quần áo, mũ bảo hiểm và vừa đi vừa mặc. Tôi chạy nhanh đến bệ phóng. Trong bóng tối, tôi bắt đầu tháo các khuy cài bạt. Hai tay tôi hành động như máy và sau 15 giây tất cả các khuy cài bạt đều đã được tháo. Cần phải cuộn bạt, nhưng không thấy khẩu đội trưởng Thanh và đồng đội của Thanh?

Tôi chạy đến lán tìm Thanh. Trong lều chuông điện thoại vang lên rất dữ, còn lều thì lắc lư. Tôi đoán rằng, các bạn Việt Nam chưa tỉnh ngủ, lại ở trong bóng tối, nên không tìm được lối ra. Tôi nhổ một cọc lều ở góc và vén lều lên. Trong ánh sáng mờ mờ, chúng tôi đã nhìn thấy nhau, các bạn nhảy ra, tôi la:

- Chạy ngay đến bệ phóng! Nhanh lên! Nhanh lên nào!

Thanh cùng đồng đội cảm thấy có lỗi vì sự chậm trễ, vội vàng chạy bán thốc, bán tháo. Chúng tôi chạy đến bệ phóng, dùng sào cùng lúc hất bạt xuống đất. Các vị trí của Khẩu đội đều báo cáo “xong”. Thời gian chỉ tính bằng giây.

Tôi kết nối phích cắm ở thân tên lửa với bệ phóng. Tôi báo cáo với đài chỉ huy:

- Khẩu đội 5 đã sẵn sàng chiến đấu!

- Được!.

Qua hệ thống liên lạc bằng loa, mọi người có thể nghe được cuộc đàm thoại:

- Phương vị 120, cự ly 32.

- Chuyển sang chế độ bám sát tự động!

- Rõ!

Tôi ra lệnh:

- Toàn khẩu đội vào hầm!

Chúng tôi ngã lộn nhào xuống dưới khe. Tôi báo cáo qua điện thoại:

- Trung đội 3 đã vào hầm trú ẩn!

- Được! Tiêu diệt tốp mục tiêu! Ba quả, lần lượt, cách nhau 6 giây! Phóng quả thứ nhất! (Giọng của Thiếu tá chỉ huy Proskumin).

- Rõ, phóng quả thứ nhất! (Sĩ quan điều khiển, Trung uý Karetnikov báo cáo).


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2023, 08:49:38 pm
Một tiếng nổ choáng tai, gập người chúng tôi xuống mặt đất. Tiếp theo là quả thứ 2, thứ 3... Ba khối lửa khổng lồ nối tiếp nhau lao lên trời, nhanh chóng bay về hướng Nam và nổ trong vòng sát thương mục tiêu.

Khi đã bị nổ tung, máy bay Mỹ đã tạo thành những đống lửa trên mặt đất, vệt khói tạo thành quĩ đạo máy bay rơi. Toàn bầu trời chìm trong biển lửa.

Chúng tôi được kíp chiến đấu trong xe điều khiển kể lại, một hình ảnh rất ấn tượng khi nhìn vào màn hình trong ca bin: 4 máy bay Mỹ xếp thành đội hình sát cạnh nhau, ở độ cao 3000 mét, bay vào khu vực chúng tôi, bị 3 tên lửa hạ gục. Đó là ngày 21 tháng 8 năm 1965 vào lúc 23 giờ 50 tại xã Gia Sơn, giáo xứ Xích Thổ, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Chúng tôi nắm chặt tay nhau, ôm nhau chúc mừng chiến công đầu.

Song, một khẩu lệnh từ chỉ huy sở vang lên:

- Tất cả vào vị trí chiến đấu!

Chúng tôi lại lao đến bệ phóng. Chúng tôi đưa xe chở tên lửa vào cầu trên bệ phóng. Tôi lệnh cho Khẩu đội:

- Nạp đạn!

Chúng tôi nhanh chóng nạp đạn, kết nối thân tên lửa với bệ phóng.

- Khẩu đội 5 đã sẵn sàng! - Tôi báo cáo đài chỉ huy

- Được... Mọi người ở lại vị tri!

Nhưng không có lệnh “Phóng!”. Sau nửa giờ chờ đợi, chỉ huy quyết định rút quân khỏi trận địa. Chúng tôi đã dốc hết sức còn lại để thu hồi khí tài. Từ mọi phía, trong bóng tối vang lên những tiếng hô bằng tiếng Nga “Đa vai! Đa vai!” và tiếng Việt “hai... ba này! cố lên này!”.

Chúng tôi đang thu hồi khí tài, nhân dân các làng lân cận đã kéo đến trận địa cũng náo nhiệt như đêm hôm trước. Họ chào đón chúng tôi đã đánh thắng và chân thành cảm ơn chúng tôi.

Nhiều người đã đem quà tặng chúng tôi: cam, chuối, mít. Chúng tôi rất xúc động bởi sự quan tâm như vậy. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ đến cái nhìn biết ơn, chứa đầy nỗi buồn của một người phụ nữ tên Loan. Tôi luôn nhớ đến cái bắt tay ấm áp của chị và câu chuyện xúc động mà chị đã kể:

“Cảm ơn các bạn! Các bạn đã trả thù cho hai con trai tôi. Mùa thu năm ngoái, máy bay Mỹ đã ném bom xuống làng chúng tôi. Quả bom đầu tiên rơi ngay xuống trường học... Không ai kịp chạy vào hầm trú ẩn. Tất cả đều chết... hai con trai của tôi cũng chết. Hai con tôi đều 11 tuổi. Cha của các cháu là Diện - Liệt sĩ năm 1954 trên chiến trường Điện Biên chống thực dân Pháp. Chồng tôi không biết tôi đã sinh đôi... Và bây giờ hai con trai thân yêu của tôi cũng không còn nữa... Người Mỹ đáng nguyền rủa! - Chị nói với sự giận dữ và giọng run run. - Bạn hãy vui lòng cầm lấy mấy quả quýt. Quýt rất ngon. Tình và Nam của chúng tôi rất thích ăn quýt...”.

Sau 40 phút kể từ khi có lệnh “Thu hồi khí tài - hành quân!”, Tiểu đoàn đã lên xe và hành quân vào rừng và trở lại Hà Nội.

Khi đã về đến trận địa ở ngoại thành Hà Nội, chúng tôi vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đến thăm và động viên.

Tôi không bao giờ quên những kỷ niệm về trận đầu ra quân của Tiểu đoàn 61, Trung đoàn Tên lửa phòng không 236 Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Moskva, năm 2010


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Tư, 2023, 10:10:09 pm
CHUYẾN CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT ĐẾN VIỆT NAM

Kolesnikov Anatoly Ivanovich

(https://i.imgur.com/eXH73ex.jpg)

Vài nét về tác giả

Đại tá Kolesnikov Anatoly Ivanovich sinh ngày 6 tháng năm 1936.

Năm 1944, khi đang có chiến tranh, ông mới đi học tiểu học. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, năm 1954, ông vào học tại Trường Cao đẳng Thông tin lạc Hàng không Quân sự tại thành phố Kharkov và tốt nghiệp khóa học vào năm 1957. Sau khi tốt nghiệp, ông được cử đi công tác ở Rumani trong một đơn vị độc lập số 1 của Lực lượng Vũ trang Xô.

Năm 1977, ông tốt nghiệp Đại học Quốc gia Kirghizsk mang tên 50 năm Liên Xô.

Ông đã giữ các chức vụ: Trung đội trưởng, Chỉ huy Tình báo Phòng không, Phó Chỉ huy Đại đội phó cơ giới - Phụ trách công tác chính trị; Tiểu đoàn phó - Phụ trách công tác chính trị; Huấn luyện viên cao cấp về công tác tổ chức Đảng của Phòng Chính trị Lữ đoàn cận vệ Phòng không 145.

Ông phục vụ tại Belarus, Turkmenistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Từ tháng 9 năm 1966 đến tháng 7 năm 1967, ông tham gia chiến đấu tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tức miền Bắc Việt Nam - ND) với tư cách là giảng viên cao cấp trong việc đào tạo Bộ đội trinh sát làm việc trên trạm ra đa phát hiện và xác định cự ly các mục tiêu trên không.

Sau khi từ Việt Nam về nước, ông tiếp tục giữ chức vụ là Chỉ huy đơn vị Trinh sát Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 41.

Do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, nên ông đã được Nhà nước Liên Xô tặng thưởng Huân chương “Sao Đỏ”, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Rumani tặng thưởng Huy chương “Hữu nghị” , ngoài ra, ông còn được tặng thưởng 11 huy chương khác.

Năm 1975, ông được bầu đi dự Hội nghị Bí thư Đảng toàn quân lần thứ 5 tại Moskva.

Dưới đây là bài hồi ức của ông.


Ban Biên soạn


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Tư, 2023, 10:12:26 pm
Chuyến công tác đặc biệt đến Việt Nam

Tháng 7 năm 1966, Tiểu đoàn cận vệ của chúng tôi đã thực hiện bắn đạn thật tại trường bắn Ashuluk. Sau đợt bắn đạn thật đó, chúng tôi được thông báo sẽ có một số cán bộ, chiến sĩ được cử sang Việt Nam công tác. Chúng tôi được đưa đến nhà ga Pishpek ở Frunze và những người vợ đã tiễn chồng đi trong nước mắt và lo lắng.

Tình hình trong Tiểu đoàn khá căng thẳng, mọi người đang chờ đợi - ai sẽ được cử đi công tác?

Theo chỉ thị của Đại tá Pavluschenko, Lữ đoàn trưởng, tôi, Trung úy Albul, Trung úy Zakomozhny, Thiếu tá L và Thượng úy B được gọi đến Ban Tham mưu Lữ đoàn. Tại đây, chúng tôi được thông báo rằng, chúng tôi được cử đi một chuyến công tác đặc biệt ra nước ngoài, đến một đất nước có khí hậu rất ẩm ướt và nóng. Ngoài 5 anh em chúng tôi cùng một tiểu đoàn, còn có 2 sĩ quan thuộc tiểu đoàn khác. Hai sĩ quan này đã ngay lập tức từ chối nhiệm vụ nói trên. Họ lập luận rằng, họ sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự ở trên lãnh thổ Liên Xô.

Khi kiểm tra sức khỏe, mỗi người chúng tôi được cấp một quyển y bạ mới. Tại thời điểm này, hai sĩ quan L. và B. đã sử dụng các mối quan hệ để có lý do không đi công tác: Vợ của Thiếu tá L. làm việc tại Viện Y tế - và anh ta được chẩn đoán bị suy tim (sau đó anh ta phục vụ 28 năm). Còn vợ của Thượng úy B. là Bí thư Đảng ủy thành phố - anh ta được chẩn đoán bị loét dạ dày (với chẩn đoán này, ông phục vụ cho đến năm 1988). Vì vậy, nó trở nên rõ ràng ai là người thế nào?

Trong các sổ y bạ, căn cứ vào các chỉ số khám và xét nghiệm, Hội đồng giám định đã ghi kết luận: “Sức khỏe phù hợp để công tác trên lãnh thổ có khí hậu nóng và ẩm”.

Sau này mới biết, khi đó tôi là một người dự bị. Có một sĩ quan trong diện được chọn đi chuyến công tác đặc biệt này, nhưng khi ở Dushanbe, trong tiệm ăn, những đại diện từ Moskva đã nhìn thấy người sĩ quan này uống nhiều rượu. Vì thế, ông đã bị loại khỏi vòng đội ngũ sĩ quan thực hiện nhiệm vụ quốc tế do Chính phủ giao.

Cuối tháng 7, tôi được gọi đến Ban Tham mưu Lữ đoàn và được trao quyết định đi công tác. Thế là tôi được ghi danh vào một trung tâm đào tạo ở Dushanbe, chuẩn bị cho chuyến đi công tác đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ huy Trung tâm Dushanbe là Đại tá Yaroslavsev A.D., Tham mưu trưởng của Trung tâm là Trung tá Katyshev I.I.

Ở Dushanbe, tôi được bổ nhiệm làm giảng viên cao cấp đào tạo các khẩu đội trinh sát trên trạm ra đa. Còn giáo viên là Thượng úy Semechkin - đồng nghiệp với tôi từ Lữ đoàn 145 của chúng tôi.

Công tác đào tạo được bắt đầu từ việc lập kế hoạch và soạn giáo án để dạy các khẩu đội trinh sát Việt Nam tương lai. Các bài trong giáo án được biên soạn theo cách để làm cho các học viên Việt Nam dễ dàng hiểu và ghi chép được, vì họ phải nghe chúng tôi giảng thông qua phiên dịch.

Tiếp đó, một ủy ban từ Moskva đến kiểm tra công tác chuẩn bị của các giáo viên chúng tôi. ủy ban yêu cầu chúng tôi tiến hành giảng bài cho các khẩu đội trinh sát trên các trạm ra đa và các chuyên gia khác.

Đại tá, Trưởng khoa trường Đại học quân sự, (tôi không nhớ họ, tên của ông) đã trao đổi, trò chuyện với chúng tôi. Sau khi trò chuyện, ông có nhận xét về kiến thức của chúng tôi. Ông nói rằng, khi ông là giáo viên, thì ông không biết những gì mà nay chúng tôi biết. Ông đánh giá rất cao trình độ đào tạo và kiến thức của chúng tôi.

Không cần giữ bí mật, mọi người dân ở Dushanbe đều biết rằng chúng tôi là những người lính Hồng quân đang được chuẩn bị sang Việt Nam công tác.

Sau khi đã hoàn thành các thủ tục hành chính và tiêm chủng, (một số thủ tục tôi không kịp làm vì tôi trong diện gọi bổ sung, đến muộn so với mọi người), chúng tôi nhận quần áo dân sự. Thế là, tất cả chúng tôi nhìn bề ngoài đều giống nhau. Nhân dịp này, tôi muốn kể cho bạn đọc một số trường hợp xúi quẩy của tôi:

Thứ nhất: là trường hợp cán bộ quân lực đã dán nhầm ảnh trong hộ chiếu giữa tôi và một đồng chí trong đoàn, buộc hai chúng tôi phải làm lại hộ chiếu. Chính vì thế mà thời gian lên đường của chúng tôi bị chậm lại. Hộ chiếu của chúng tôi được mang từ Moskva về đơn vị là thời điểm các đồng chí của chúng tôi đã được mời lên máy bay.

Thứ hai: là năm 1970, sau khi từ Việt Nam về, tôi đã dự kỳ thi tuyển vào Học viện Chính trị về Đảng, điểm trúng tuyển là 8, mà tôi chỉ đạt điểm 7. Hội đồng tuyển sinh không tính điểm ưu tiên của tôi đã hoàn thành chuyến công tác đặc biệt và được trao tặng Huân chương “Sao Đỏ”, về phần tôi, tôi cũng không biết cung cấp cho Hội đồng tuyển sinh những tài liệu để chứng minh những thành tích trên. Vì thế tôi phải học khóa tại chức.

Thứ ba: là năm 1977, khi thi vào Học viện Giáo dục Đại học Kiev, không biết là cố tình hay thực sự là do quên, các hồ sơ ưu tiên của tôi cũng không được gửi tới trường. Sau này, tôi mới được Thiếu tá Andrianov - Trường phòng cán bộ giải thích với tôi. Điều xúi quẩy lại đến với tôi.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Tư, 2023, 10:16:27 pm
Trở lại chuyến công tác đặc biệt:

Ngày 14 tháng 9 năm 1966 chúng tôi bay trên máy bay IL-18 đến Irkutsk, và ngày hôm sau, máy bay của chúng tôi hướng đến Bắc Kinh. Trên máy bay, khi vượt qua biên giới, phi hành đoàn bay thông báo rằng chúng tôi đã vượt qua biên giới và đang bay trên lãnh thổ nước ngoài. Tất cả chúng tôi bám vào cửa sổ, nhưng tất nhiên mọi người đều nghĩ về chính mình, về đất nước mà chúng tôi sẽ đến và về những gì đang chờ đợi chúng tôi ở phía trước.

Tại sân bay Bắc Kinh, chúng tôi được đại diện các cơ quan ngoại giao, thanh thiếu niên Trung Quốc đón tiếp khá long trọng.

Chúng tôi được mời đến nhà hàng của sân bay. Tại đây, chúng tôi nhìn thấy trên những chiếc bàn được phủ khăn trắng la liệt đồ ăn nhẹ và rượu mạnh. Đây là một cuộc đón tiếp cao cấp. Liên tiếp vang lên những lời phát biểu thân thiện, đề nghị cùng nhau nâng cốc chúc mừng.

Chúng tôi đã trồng cây hữu nghị sau Restauran tại sân bay. Mọi thứ diễn ra đều rất thân thiện và dường như sẽ không có điều gì xấu xảy ra trong tương lai. Nhưng khi đoàn thứ hai của trung tâm chúng tôi bay qua Bắc Kinh sang Việt Nam vào tháng 1 năm 1967, khi quá cảnh qua Bắc Kinh, họ thậm chí còn không được ra khỏi máy bay.

Sau bữa trưa thịnh soạn và đồ uống mạnh, (mọi người chúng tôi đều trong tình trạng tốt), máy bay của chúng tôi hướng về Hà Nội. Chúng tôi bay đến sân bay Gia Lâm vào khoảng 22 giờ 30. Chúng tôi đều mặc com lê, thắt cà vạt trước khi ra khỏi máy bay. Nhưng vừa mới ra khỏi máy bay, chúng tôi đã gặp thời tiết ngoài trời quả nóng, và chúng tôi đã xin phép cởi áo khoác ngoài, bỏ cà vạt và đề nghị được uống gì đó cho đỡ nóng bức.

Sau khi hoàn thành một số thủ tục theo qui định, chúng tôi được đưa lên xe khách và đi trong đêm đến một nơi nào đó. Trên xe cấm hút thuốc lá và sử dụng bật lửa hoặc diêm. Một số đồng chí, đôi khi đã vi phạm quy định này. Nhưng khi chúng tôi nhìn thấy những tiếng nổ của pháo cao xạ từ xa, xe chở chúng tôi dừng lại, yêu cầu mọi người xuống xe và nấp xuống một con hào. Trong hào trú ẩn không còn tính chủ nghĩa lãng mạn, mọi người im lặng, không ai muốn hút thuốc nữa. Lúc này, mọi người chúng tôi mới hiểu rằng, chúng tôi đến đây không phải để đi dạo chơi, mà chúng tôi đã đến một đất nước đang chiến đấu.

Xe đưa chúng tôi đi trong đêm tối, đi trên những con đường có nhiều ổ gà. Xe đã chạy được khá lâu và đến một nơi mà chúng tôi nhìn qua cửa xe thấy hai bên đều là cánh rừng khô cằn. Lúc này, trời đã hừng sáng. Chúng tôi được các đồng chí Việt Nam trong tay cầm chiếc đèn dầu, đứng thành hai hàng dọc, tạo thành một hành lang và mời chúng tôi đi theo hành lang đó. Chúng tôi vừa đi vừa đáp lại lời chào của các bạn Việt Nam.

Chúng tôi được xem một chương trình nghệ thuật múa miêu tả cuộc chiến tiêu diệt con rồng mang tính tượng trưng. Đây là một loại hình nghệ thuật đầy màu sắc, mô tả cuộc đấu tranh bất diệt giữa thiện và ác, tất nhiên, kết thúc bằng chiến thắng của thiện - con rồng đã bị đánh bại. Mọi người đều rất hài lòng và hoan nghênh các nghệ sĩ.

Sau đó chúng tôi được đưa đến nơi nghỉ ngơi trong một ngôi nhà gỗ. Đây là những tòa nhà rất khác thường, cửa sổ và cửa ra vào đều không có cánh, song lại có thảm trải trên sàn nhà. Giường có chăn, gối và nệm được nhồi bằng rơm. Mọi thứ đều ẩm ướt, chúng tôi nghĩ rằng, tất cả các thứ ở trên giường đều đã được giặt sạch. Sau khi nghỉ ngơi, chúng tôi được mời đến ăn một bữa sáng nhẹ, và ở đây, chúng tôi thấy khu rừng có những cây cao, gió thổi tạo ra những tiếng đàn xen lẫn tiếng chim hót và tiếng ve sầu trở thành bản hợp xướng không bao giờ tắt.

Sau vài ngày chuẩn bị, chúng tôi được đưa về Trung tâm đào tạo ở Hà Đông (cách Hà Nội 8 km).

Tôi muốn lưu ý rằng, khi chúng tôi đến Trung tâm huấn luyện, xuống xe buýt và đi bộ trên khuôn viên của Trung tâm, chúng tôi thấy hai cabin P bị trúng tên lửa (Sorai) (Shrike). Ca bin 1 lúc này trông giống như một bông hoa đang nở. Còn cabin thứ hai giống như một cái lưới sắt. Bạn có thể hình dung được tâm trạng của mọi người như thế nào? Một kỹ thuật viên của cabin P, sau những gì anh ta nhìn thấy, ngay lập tức nói rằng, anh sẽ không tham gia chiến đấu trong cabin P. Anh ta ngay lập tức được gửi trở lại Liên Xô. Đây chỉ là một trường hợp cá biệt trong đội ngũ chuyên gia chúng tôi.

Chúng tôi được bố trí ở trong những ngôi nhà xây tường gạch và lợp ngói. Cửa sổ và cửa ra vào chưa có cánh gỗ, phải dùng các tấm chiếu cói để che. Trong nhà có nhiều chuột, chúng chạy dọc theo dây điện. Ban đêm, chúng cắn nhau chí chóe làm chúng tôi rất khó ngủ trong hoàn cảnh chưa quen với môi trường chiến tranh. Vài ngày sau, trong chúng tôi đã có đồng chí bị những triệu chứng bệnh lý về khí hậu, như bị mụn trứng cá có mủ, bác sĩ của chúng tôi đã dùng dao chích và lấy băng bịt kín.

Tất nhiên, bạn không thể hình dung được tất cả những gì đã đến với chúng tôi trong thời gian đó: từ việc ăn ở đến việc vệ sinh cá nhân hàng ngày.

Hoạt động “gian khổ” của chúng tôi đã bắt đầu ở Việt Nam như thế đó.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Tư, 2023, 10:17:59 pm
Các lớp học được thành lập, đội ngũ giảng viên được phân công đến giảng dạy từng khẩu đội theo hệ thống khí tài. Thời lượng học từ 4 giờ đến 6 giờ trong ngày. Các đồng chí Việt Nam rất cẩn thận trong học tập, ghi chép rõ ràng, những nội dung chính đều dùng bút chì màu đánh dấu.

Tôi dạy môn ra đa với các cán bộ chỉ huy của trung đoàn. Tại đây, các đồng chí đã nêu rất nhiều câu hỏi về bề mặt phản chiếu của mục tiêu; về những yêu cầu đối với trận địa triển khai trạm ra đa? Tại sao trạm ra đa nhìn vòng (trạm ra đa phát hiện và xác định mục tiêu P-12) lại không phát hiện được mục tiêu khi bị núi che khuất, hay trạm đó đã bị hỏng?! Đặc biệt là những câu hỏi mang tính thăm dò đã được đồng chí Chính ủy của Trung đoàn nêu ra. Khi tôi chia sẻ điều này với kỹ sư Osipov, đồng chí ấy nói rằng: “Lúc đầu, các bạn Việt Nam đều nêu các câu hỏi như thế với tất cả các giáo viên chúng ta”. Thời gian đầu, hình như các bạn Việt Nam muốn hiểu rõ về các chuyên gia Liên Xô và kiểm tra trình độ đào tạo của giáo viên. Họ nêu một câu hỏi với nhiều giáo viên, và cẩn thận lắng nghe câu trả lời của từng giáo viên để so sánh.

Những buổi lên lớp vẫn được tiến hành theo thời khóa biểu và chỉ bị gián đoạn khi máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời Hà Nội. Chúng tôi thường xuyên được theo dõi máy bay Mỹ bay vòng quanh Hà Nội và thả bom như thế nào. Khi bom nổ, đất đã rung chuyển dưới chân chúng tôi giống như trận động đất. Pháo phòng không 75 ly được các xạ thủ Việt Nam điều khiển bằng thiết bị SON-9. Nhưng không hiểu tại sao, đạn pháo lại nổ ở phía sau mục tiêu. Tất cả chúng tôi đều bực bội, không hiểu tại sao lại xảy ra như vậy.

Chúng tôi được lệnh phải đội mũ bảo hiểm, nhưng không phải ai cũng làm điều này: đôi khi họ quên đem theo mũ bảo hiểm, hoặc bị bỏ lại trong phòng ăn, trong lớp học, v.v... Nhưng sau lần máy bay bắn phá tiếp theo, một mảnh đạn xuyên qua mái nhà làm trần nhà bị vỡ thành từng mảng và rơi xuống gần chỗ người trực ban. Từ đó, không ai bỏ quên mũ bảo hiểm ở bất cứ nơi nào.

Trong những ngày học, chúng tôi không có thời gian rảnh rỗi, vì chương trình học rất khép kín. Công việc chính là học tập, chuẩn bị bài, ăn tối và đi ngủ. Đôi khi, đơn vị chiếu phim cơ động hoặc đoàn văn công của Quân đội nhân dân Việt Nam đã đến phục vụ đơn vị chúng tôi.

Một lần vào lúc 5 giờ sáng, chúng tôi được gọi dậy và mời lên xe buýt, đưa đi vài cây số và xuống xe, ở lại trong một khu đồi có cây bao phủ. Mọi người chỉ biết làm theo lệnh, không được giải thích bất cứ điều gì. Đôi khi, ở cấp trên có những điều kỳ lạ như vậy. Bữa sáng, bữa trưa, chúng tôi được đưa đến khu đồi này, và vào lúc 17:00, khi máy bay Mỹ ngừng bay, chúng tôi lại được đưa về Hà Đông. Điều này diễn ra trong ba ngày. Sau đó, các bạn Việt Nam nói với chúng tôi rằng, chúng tôi sẽ chuyển đến ở trong ký túc xá của một trường Đại học Hà Nội. Nhưng vì một số lý do nào đó, chúng tôi lại lên xe và trở lại địa điểm ban đầu trong rừng rậm. Sau khi đã trở về địa điểm cũ, các đồng chí phiên dịch mới thì thầm với chúng tôi rằng, có tin báo địch chuẩn bị ném bom Trung tâm của chúng tôi, và ký túc xá mà chúng tôi chuyển đến, trước sau vẫn bị đánh bom. Điều này cho thấy các đồng chí Việt Nam là “những người đặc biệt”.

Các buổi lên lớp vẫn tiếp tục trong rừng với thời gian biểu như trước, các buổi thực hành được thực hiện ngay trên khí tài. Trong các giờ học, chúng tôi mới thấy được tính kiên trì, tìm tòi cái mới và khao khát kiến thức của các bạn Việt Nam. Mặc đù lớp học là một ngôi nhà được xây dựng bằng tre, nứa và không có tường bao bọc kín, mùa đông phải đốt củi ở giữa phòng để sưởi ấm. Chúng tôi mặc áo khoác, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy lạnh. Còn các học viên của chúng tôi đang ngồi trong chiếc áo phông và đôi dép cao su làm từ lốp xe ô tô, song họ vẫn chăm chú lắng nghe những gì thày giáo đang giảng. Thầy giáo giải thích một tài liệu nào đó, có vẻ như mọi người đều hiểu, nhưng rồi có bàn tay giơ lên và người lính nói: “Thầy giáo đã kể cho chúng tôi rất tốt, nhưng xin đề nghị thày làm ơn, nhắc lại một lần nữa. Và như vậy, gần như cả nhóm, cho đến khi họ học thuộc lòng

Các bữa ăn được chuẩn bị tốt: súp từ lõi của thân chuối, có cơm, xúc xích, thịt lợn, thịt trâu, thịt gà và cả “nước suối” chính hãng của Liên Xô.

Chúng tôi được trân trọng mời tới dự lễ kỷ niệm 49 năm Cách mạng Tháng Mười và năm mới 1967. Nhân dịp năm mới, chúng tôi đã nhận được quà của Bộ Quốc phòng Liên Xô, của Bộ trưởng Malinovsky. Trong gói quà có rượu, các loại xúc xích và đặc biệt là một chiếc bánh mì đen chính hãng.

Một ngày nọ, vào sáng sớm, chúng tôi bị đánh thức bởi một tiếng nổ tương tự như một tràng súng liên thanh, chúng tôi lập tức nhảy ra khỏi ngôi nhà ở và thấy rằng phòng ăn của chúng tôi đang bị cháy. Âm thanh nổ lách tách của các cây tre và nứa ở trên mái và ở các bức tường của phòng ăn. Ngày hôm đó, bữa sáng muộn hơn bình thường và không có ca cao. Trong lúc dập lửa và hoảng sợ, đồng chí Trung tá Krupnov - Phó chỉ huy phụ trách chính trị của Trung tâm, cùng với một đồng chí trong Đoàn nhìn thấy một thùng chứa 40 lít chất lỏng và hai người đã bê thùng nước đó đổ vào đám cháy (thời điểm này trời chưa sáng). Sau đó, mới phát hiện ra đó là thùng ca cao nấu cho bữa sáng. Đầu bếp người Việt Nam chỉ kịp hét lên: “Ôi! Kaka! Kaka! đấy...”. Nhưng đã quá muộn - ca cao đã ở trên mái nhà.

Trong giờ giải lao, một số đồng chí của chúng tôi đã đánh đu trên những cây leo ở khắp nơi, điều này làm cho các bạn Việt Nam lo lắng và khi Đại úy Duzhkov bị ngã và bị thương ở tay, thì ngay ngày hôm sau, tất cả các cây leo ở gần nhà ở của chúng tôi đều bị chặt đứt.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Tư, 2023, 10:19:56 pm
Đầu tháng 2, các đồng chí Việt Nam mời chúng tôi đón năm mới theo âm lịch. Trong buổi gặp này, các đồng chí Việt Nam nói nhiều lời cảm ơn đến nhân dân Liên Xô và các chuyên gia quân sự Liên Xô đã và đang giúp đỡ nhân dân Việt Nam anh em.

Sau một thời gian đã định, chúng tôi lại được chuyển đến Hà Đông. Tại đây, chúng tôi tiếp tục dạy phần lý thuyết cho các đồng chí Việt Nam. Học viên là trắc thủ của các khẩu đội bệ phóng, khẩu đội kỹ thuật vô tuyến và khẩu đội trạm ra đa trinh sát và xác định mục tiêu (gọi tắt là trạm P-12). Đầu tháng 1, các đồng chí của chúng tôi từ Liên Xô đã sang để dạy thực hành trên thiết bị.

Trong tháng 3, tháng 4, chúng tôi được cử đến các trận địa chiến đấu để dạy thực hành cho các khẩu đội. Chúng tôi được giao nhiệm vụ dạy các học trò của mình trong tình huống chiến đấu, ngồi trong xe P-12, quan sát tình hình trên không, nhưng không cung cấp bất kỳ một thông tin chiến đấu nào đến các đơn vị trong trận địa.

Chúng tôi đã dạy các trắc thủ cách trinh sát không phận, bắt và theo dõi các mục tiêu; dạy cách báo cáo cho chỉ huy Tiểu đoàn về tình hình trên không. Sau khi được huấn luyện thực tế, Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không có số hiệu 41 được thành lập. Tiểu đoàn trưởng phía Liên Xô là Trung tá Igor Vladimirovich Bondarenko, phía Việt Nam là Đại úy Thành. Khẩu đội P-12 bao gồm: Tôi - với tư cách là người đứng đầu tình báo của Tiểu đoàn, Trường xe P-12, phía Liên Xô là Trung sĩ Leschenko và phía Việt Nam là đồng chí Mão, tôi không nhớ tên những đồng chí khác.

Chúng tôi đã cùng với các đồng chí Việt Nam đến một làng quê để bàn giao bộ khí tài C-15 (Trạm ra đa P-12). Khi nhận trạm P-12 MP, đồng chí Mão trưởng xe và các chiến sĩ của ông đã kiểm tra mọi thứ một cách rất cẩn thận. Ngay cả khi, nếu có thừa một số bu-lông, vòng đệm, ốc vít thì vẫn được coi là bình thường, nhưng nếu ở đâu đó trong gói không có đủ một vài chi tiết nhỏ, đều được ghi vào biên bản kiểm kê và báo cáo lên chỉ huy Tiểu đoàn. May mắn thay, không có sai sót nghiêm trọng.

Trong quá trình thực hành đã xảy ra một sự cố làm cho tôi hú vía - ăng-ten có thể bị gẫy và trạm P-12 sẽ bị hỏng. Tôi đang ở trong cabin dạy và giới thiệu cho học viên các bộ phận của trạm P-12, đồng chí trưởng xe Mão lại chỉ huy cho nâng ăng-ten về vị trí làm việc. Tại thời điểm này, hình như trong tôi có một linh tính nào đó, nó đã khiến tôi ra khỏi cabin và tôi nhìn thấy ăng-ten đang được nâng lên sai với qui phạm trong hướng dẫn lắp ráp và đưa ăng-ten về vị trí làm việc. Vì trên cột ăng-ten có một mộng đặc biệt dùng để ngoặc cái móc của tời kéo vào, còn trên động cơ điện cũng có một đinh ốc vòng, nó chỉ được sử dụng để nâng cột ăng-ten. Nếu tời được móc vào đinh ốc vòng của động cơ điện, thì khi nâng ăng-ten đã lắp ráp đến một độ cao nhất định sẽ bị rơi xuống, vì đinh ốc vòng không chịu được trọng lượng như vậy. Ăng-ten đã bị rơi, thì không thể phục hồi được. Vì tôi thấy cái móc của tời lại móc vào động cơ điện, và ăng-ten đã được nâng lên cách mặt đất khoảng 0,5 m, tôi lập tức ra lệnh cho toàn khẩu đội bám vào ăng-ten, và lệnh cho người đang đứng trên tời hạ sản phẩm xuống. Lệnh đặt ăng-ten lên giá đỡ, chuyển móc của tời vào mộng đặc biệt trên cột ăng-ten. Sau đó mới nâng ăng-ten lên vị trí làm việc một cách an toàn.

Sự cố này là bài học thực hành cho các học viên.

Trong thời gian chúng tôi ở nông thôn, chúng tôi được người dân địa phương coi chúng tôi như những người thân, mời chúng tôi uống nước chè, ăn trái cây, cho chúng tôi cả rau để đưa vào bữa ăn. Mỗi khi gặp nhau, tay bắt, mặt mừng, về phần mình, chúng tôi cũng đã cho họ những viên đường trắng và kẹo Liên Xô. Nói ngắn gọn là chúng tôi sống trong bầu không khí hữu nghị và nồng ấm nhất. Đặc biệt là các cháu thiếu nhi, chúng rất vui khi chúng tôi cho phép các cháu lên xe buýt và ngồi trong đó một lúc. Không thể diễn tả hết được cảm xúc trên khuôn mặt của cả trẻ em và người lớn khi họ được bước vào xe buýt của chúng tôi.

Trở lại ký ức về công việc. Sau khi trạm ra đa P-12 đa được lắp ráp, chúng tôi cho các học viên thực tập trên máy. Trong một ca thực hành, thày và trò chúng tôi đã căn cứ vào góc phương vị “0”, phát hiện có một mục tiêu đang tiến vào Tiểu đoàn của chúng tôi. Nhìn vào màn hình chỉ thị IKO thấy có một loại tia sáng nào đó phát ra từ mục tiêu. Chúng tôi ngay lập tức báo cáo Chỉ huy Tiểu đoàn. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng ngay lập tức ra lệnh quay ăng-ten của ca bin “P” (xe thu phát - ND) đi hướng khác và tắt các máy phát. Chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi nghe thấy tiếng rơi của đạn Shrike phát nổ ở ngoại khu vực khí tài trên trận địa. Chúng tôi đã hai lần gặp địch phóng Shrike.

Sau một số lần thực tập, Tiểu đoàn chúng tôi triển khai khí tài ra trận địa hỏa lực. Chúng tôi bắt đầu mong chờ thời điểm phóng tên lửa lên các mục tiêu của địch. Sự kiện này đã xảy ra vào ngày 21 tháng 5 năm 1967 - Tiểu đoàn 41 của chúng tôi đã bắn hạ hai máy bay Mỹ: một F-105 và một A-6A.

Chúng tôi luôn thay đổi trận địa, hành quân qua cầu, qua phà và lên cả vùng núi Tam Đảo khi thực hiện chiến thuật “phục kích”. Thời kỳ đầu, các đồng chí Việt Nam chưa đồng ý với các đề xuất của chúng tôi về việc Tiểu đoàn triển khai ngay sau mỗi đợt hành quân chuyển địa điểm, các bạn lý luận: “Các đồng chí (các chuyên gia Liên Xô - ND) làm việc với chúng tôi chỉ trong thời gian từ 6-12 tháng, còn nếu chúng tôi làm việc với tốc độ này, thì chúng tôi sẽ không đủ sức cho nửa năm”.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Tư, 2023, 10:21:20 pm
Các điều kiện làm việc trên trạm ra đa P-12 thật tồi tệ - nhiệt độ đạt tới 60 o C. Chúng tôi ngồi trong xe chỉ mặc một chiếc quần cộc (quần sook) với chiếc khăn quanh cổ, ướt đẫm mồ hôi. Xuất hiện những vết hăm ở vùng kín. May là vợ tôi đã gửi cho tôi 18 tuýp kem trẻ em, nên cả khẩu đội P-12 chúng tôi chữa khỏi được bệnh này.

Những cơn mưa rào nhiệt đới, muỗi đốt và cái nóng như thiêu, như đốt của mặt trời đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng tôi. Nhưng tất cả chúng tôi - những người con Xô Viết đều quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được giao.

Đã đến thời điểm chúng tôi có thể an tâm trao tay lái cho các đồng chí Việt Nam. Nhiệm vụ của chúng tôi là: 7 giờ sáng hàng ngày kiểm tra chức năng của trạm ra đa P-12, và sau đó, nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyên gia quân sự Liên Xô, chúng tôi đã được đưa đến một địa điểm cách không xa trận địa hỏa lực của tiểu đoàn. Để có thể nghỉ ngơi gần trạm ra đa P-12, các đồng chí Việt Nam đã dựng một chiếc lều bạt ngay sát trạm, trong lều có cả giường xếp và màn chống muỗi.

Thời khắc mong chờ đã đến khi ba chiếc máy bay Mỹ bay vào Tiểu đoàn chúng tôi từ phía sau dãy núi Tam Đảo. Nhận được lệnh “Vào vị trí chiến đấu!” và ngay sau đó là lệnh “phóng”. Một trong những chiếc F-105 bị bắn hạ, hai chiếc còn lại bắt đầu ném bom trận địa chúng tôi. Xe cabin “P” bị các mảnh bom làm thủng một số chỗ ở thành xe. Bom Mỹ rơi nhiều vào vị trí thuộc khẩu đội bệ phóng tên lửa và pháo phòng không 36 ly và nơi chứa nhiên liệu và dầu nhờn, một số thùng nhiên liệu bị cháy nổ. Điều này đóng một vai trò nhất định trong việc đánh lạc hướng của phi công Mỹ xác định vị trí trận địa hỏa lực của Tiểu đoàn. Một lệnh đã phát ra: “Tắt máy trạm P-12! Tất cả vào hầm trú ẩn!” Do sức nổ của bom quá mạnh mà cửa của xe ca bin “U “(xe điều khiển tên lửa - ND), bị bật tung và đồng chí chỉ huy Tiểu đoàn, Trung tá Bondarenko cũng bị hất theo khi ông mở cửa để thoát ra ngoài. Bom bi của Mỹ ném xuống đã làm một trắc thủ bám sát mục tiêu bằng tay của chúng tôi, Binh nhất Mikhail Boletsky bị thương. Ngoài đồng chí Binh nhất, không có ai bị thương. Ngay sau khi máy bay rời đi, có lệnh “Thu hồi khí tài”. Tôi phải nói rằng, tất cả các khẩu đội trong Tiểu đoàn đã vượt chỉ tiêu về “thời gian thu hồi khí tài”. Tiểu đoàn đã phân tán dưới hàng cây cách trận địa một khoảng cách an toàn. Vâng, tôi cũng muốn lưu ý rằng, trong số các chiến sĩ Phòng không Việt Nam đã bị thương, đều được các bác sĩ và nhân viên y tế của chúng tôi và Việt Nam kịp thời cứu chữa.

Ngày hôm sau, cũng tại trận địa mà hôm qua Tiểu đoàn chúng tôi mới rút đi, năm máy bay Mỹ đã bay đến và ném bom. Khi vụ đánh bom kết thúc, các đồng chí của chúng tôi muốn đến đó xem hậu quả, nhưng các đồng chí Việt Nam đã không cho phép. Chúng tôi chỉ được đồng chí phiên dịch kể lại rằng, nơi đặt trạm P-12 có một hố bom khá lớn

Sau trận chiến này, tôi được triệu tập về Hà Nội đến Cục Tham mưu gặp Trưởng đoàn chuyên gia Bộ đội Tên lửa Phòng không - Tướng Kislyansky Viktor. Tại buổi gặp này, tôi được thông báo rằng gia đình tôi đang lâm vào tình trạng khó khăn và tôi sẽ phải kết thúc nhiệm kỳ công tác để về Liên Xô.

Vài ngày sau, tôi được về Hà Nội và ở trong khách sạn Kim Liên. Tôi sống ở đó một tuần vì phía Trung Quốc không cho phép bay qua đất nước này.

Tôi luôn luôn nhớ đến đồng chí Shilov - Trung đoàn trưởng và Đại úy Nemtsov, các đồng chí đã đến thăm tôi tại khách sạn và đã thay mặt Lãnh đạo của cả Liên Xô và Việt Nam cảm ơn tôi đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, trao cho tôi những lá thư cảm ơn và huy chương Hữu nghị của Chính phủ Việt Nam.

Sau khi được Trung Quốc cho phép bay, tôi là thành viên trong Đoàn Ngoại giao, chúng tôi bay từ Hà Nội vào buổi tối đến thành phố Nam Kinh. Sáng hôm sau, chúng tôi bay và hạ cánh xuống một thành phố (tôi không nhớ tên), ở đây, chúng tôi ăn trưa và tiếp tục bay đến Bắc Kinh.

Sau khi đã về đến Moskva, tôi được báo cáo với các đồng chí có trách nhiệm của Cục 10 Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô về tình hình hoạt động của các thiết bị kỹ thuật quân sự do Liên Xô trong điều kiện khí hậu ở Việt Nam vừa nóng và độ ẩm cao. Tôi cũng báo cáo tình hình công việc mà tôi đã tham gia thực hiện, cũng như tình hình chiến sự ở Việt Nam.

Sau đó, tôi được về thăm gia đình ở Frunze. Vợ tôi đón tôi tại sân ga xe lửa Frunze và nghẹn ngào cho tôi biết là mẹ tôi đã qua đời. Bà đã qua đời ở tuổi 67. Khi tôi sang Việt Nam, mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Hình như mẹ tôi có linh cảm sẽ không còn được nhìn thấy con trai của mình nữa. Việc tôi đến Việt Nam đã ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của bà và làm cho bà mỗi ngày một yếu. Thật đáng buồn khi tôi phải kết thúc chuyến đi công tác thực hiện nghĩa vụ quốc tế mà Chính phủ Liên Xô đã giao trong bối cảnh gia đình tôi như thế!!!.

Bạn không thể mô tả tất cả những gì bạn đã thấy, những gì bạn đã chịu đựng. Bạn sẽ không nói tất cả những gì Chính phủ Liên Xô cần phải làm liên quan đến những người lính làm nghĩa vụ quốc tế. Hãy bù đắp những gì mà hiện nay chưa làm được cho các sĩ quan và binh sĩ của chúng tôi, những người không tiếc sức khỏe và xương máu để hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ giao.

Thành phố Ekaterinburg, tháng 2 năm 2008


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Tư, 2023, 10:24:35 pm
KÝ ỨC DƯỚI BẦU TRỜI VIỆT NAM

Todorashko Valentin Ivanovich

(https://i.imgur.com/qFOvXnI.jpg)

Vài nét về tác giả

Thiếu tá Todorashko Valentin Ivanovich ngày 7 tháng 10 năm 1936 tại vùng Odessa, Ukraina.

Năm 1959, ông tốt nghiệp trường Pháo binh Phòng không Odessa.

Từ năm 1959 đến năm 1960, ông là Trung đội trưởng Trung đội pháo 100mm thuộc Trung đoàn Pháo binh Phòng không 244 ở thành phố Reutovo.

Từ năm 1960 đến năm 1965, ông là Kỹ thuật viên hệ phát lệnh RPK tổ hợp tên lửa S-75.

Từ ngày 16 tháng 4 năm 1965 đến tháng 5 năm 1966, với cương vị là một chuyên gia hệ phát lệnh RPK tổ hợp tên lửa S-75, ông đã dạy các chiến sĩ Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam và cùng họ tham gia chiến đấu bắn máy bay Mỹ xâm phạm trời Việt Nam.

Từ năm 1966 đến năm 1970, ông là giáo viên Trường Tên lửa Phòng không mang tên Engels.

Từ 1970 đến 1983, ông là giáo viên Trường Đào tạo các chuyên viên cơ sở thành phố Sverdlovsk.

Năm 1983, ông về nghỉ hưu

Ông được Chính phủ Liên Xô tặng Huân chương Sao Đỏ, tám huy chương vì những thành tích phục vụ trong quân đội. Ông được Chính phủ Việt Nam tặng thưởng Huy chương “Hữu nghị”.

Nhớ về những kỷ niệm khi tham gia công tác tại Việt Nam, ông đã viết những trang hồi ức “Những ký ức dưới bầu trời Việt Nam”.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.


Ban Biên soạn


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Tư, 2023, 10:25:47 pm
Ký ức dưới bầu trời Việt Nam

Cuối năm 1964, Đại tá Mikhailov, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cận vệ đề nghị tôi tham gia Đoàn chuyên gia thực hiện một nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ Liên Xô. Tôi đồng ý. Và tháng 1 năm 1965, tôi được cử đến thành phố Sverdlovsk. Tại đây, một đoàn gồm nhiều sĩ quan Liên Xô đã tập trung, trong đó bảy sĩ quan trong đoàn được chọn vào một nhóm “kỹ thuật đặc biệt” và chúng tôi được giao nhiệm vụ đến thành phố Baku - Thủ phủ nước Cộng hòa Azerbaijan - để nhận thiết bị quân sự ở “kho”. Chúng tôi có trách nhiệm đưa bộ thiết bị đó đến trường bắn để kiểm tra hoạt động của chúng. Sau khi kiểm tra, kết quả là thiết bị đã sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi mới chuẩn bị cho việc vận chuyển thiết bị sang Việt Nam.

Đoàn của chúng tôi gồm có:

- Trưởng đoàn là Thiếu tá Meshkov, ông là kỹ sư ở Trung đoàn Tên lửa phòng không;

- Đại úy Ivanov là đại đội trưởng kỹ thuật vô tuyến.

- Thượng úy Konstantinov là sĩ quan điều khiển tên lửa.

- Thượng úy Shelestov là kỹ thuật viên hệ tọa độ.

- Thượng úy Kolesnik là kỹ thuật viên hệ lập lệnh.

- Thượng úy Pustovoitov là kỹ thuật viên xe thu - phát.

- Còn tôi là Thượng úy Todorashko, kỹ thuật viên hệ phát lệnh.

Chúng tôi tiếp nhận bộ khí tài thuộc loại sử dụng ở các các quốc gia vùng nhiệt đới. Chính vì thế, mọi người đều phỏng đoán, chúng tôi sẽ được cử đến nước nào. Bởi vì chúng tôi đã biết cách đây không lâu - ngày 5 tháng 8 năm 1964, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc Việt Nam.

Ngày 5 tháng 4 năm 1965, sau khi thử nghiệm bộ khí tài mà chúng tôi đã chọn trong các điều kiện khác nhau trên trường bắn, các tham số kỹ - chiến thuật của bộ khí tài đều đạt yêu cầu. Chúng tôi xếp khí tài lên tàu và đưa chúng về thành phố Chelyabinsk. Ở đây, một đoàn tàu đặc biệt được chuẩn bị để chở trang thiết bị và có một đoàn hộ tống. Chúng tôi nhanh chóng khởi hành.

Đoàn tàu đặc biệt của chúng tôi đến ga Zabaikan, biên giới Liên Xô - Trung Quốc và dựng lại ở đó để thay bộ đồng phục dân sự, thay các cặp bánh xe cho đoàn tàu, vì độ rộng của đường ray Trung Quốc hẹp hơn so với đường sắt Liên Xô. Sau 4 ngày đêm, đoàn chúng tôi đến Bắc Kinh. Chúng tôi dừng ở đó 8 giờ, được các bạn Trung Quốc đón tiếp nhiệt tình và thiết đãi các món ăn Trung Quốc. Chúng tôi cùng chúc mừng nhau, cùng chúc cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa Liên Xô và Trung Quốc.

Sau đó, chúng tôi tiếp tục đến biên giới Trung Quốc - Việt Nam. Chúng tôi dừng lại ở ga Bằng Tường. Tại đây, chúng tôi lại phải chuyển thiết bị, vì đường ray ở Việt Nam thậm chí còn hẹp hơn so với ở Trung Quốc. Chúng tôi được thông báo và hướng dẫn cách trú ẩn trong trường hợp gặp máy bay Mỹ, vì không quân Mỹ định kỳ ném bom tuyến đường sắt này.

Đêm ngày 16 tháng 4 năm 1965, đoàn chúng tôi đã vượt qua biên giới Trung Quốc - Việt Nam an toàn và cũng không gặp sự cố nào trên đường về Hà Nội. Thiết bị của chúng tôi đã được bốc xuống, xếp lên các xe ô tô vận tải và đưa đến Trung tâm huấn luyện trong rừng.

Còn chúng tôi đi trên xe chở khách về Trung tâm huấn luyện. Đêm hôm đó, lần đầu tiên trong đời, tôi được ngủ trong rừng.

Trưởng Trung tâm huấn luyện đầu tiên ở Việt Nam là Đại tá Xugankov; Phó chỉ huy Trung tâm phụ trách Chính trị là Trung tá Barsuchenko; Tham mưu trưởng là Thiếu tá Egorov và Kỹ sư trưởng Trung tâm là Thiếu tá Meshkov.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Tư, 2023, 10:26:52 pm
Chúng tôi khẩn trương chuẩn bị để dạy các học viên Việt Nam. Đúng ngày 1 tháng 5, mọi công việc đã sẵn sàng, các lớp học đã được khai giảng. Việc học và dạy lúc đầu phải qua phiên dịch. Người dịch đầu tiên cho tôi là đồng chí Trần Phúc Căn. Tôi đã giới thiệu phần lý thuyết của tài liệu và chỉ cho các học viên thấy cần phải làm thế nào để thực hiện được từng động tác, và đồng chí Căn dịch những điều tôi nói, các học viên ghi lại. Mỗi ngày chúng tôi dạy và học trên lớp khoảng 12 giờ. Ngoài 12 giờ trên lớp, học viên còn có 2 giờ tự học. Đây là yêu cầu xuất phát từ tình hình chiến tranh ở Việt Nam.

Theo kế hoạch ban đầu, thời gian trong chương trình huấn luyện là 3 tháng. Chúng tôi đã sống và dạy các bạn Việt Nam học kỹ thuật quân sự trong một môi trường mà chúng tôi chưa bao giờ gặp. Nóng đến 35-45 độ và độ ẩm lại rất cao. Trong 2-3 tháng, chúng tôi không nhận được thư của gia đình. Có hỏi cấp trên, câu trả lời đều giống nhau. Ngoài ra, trong đoàn chúng tôi cũng có những đồng chí bị bệnh. Tất nhiên, các bác sĩ đã dùng mọi biện pháp cần thiết, nhưng không phải tất cả các bệnh đều được điều trị khỏi. Một số bệnh nhân phải gửi trở lại Liên Xô. Các chuyên gia mới được cử sang thay thế những đồng chí đó.

Nhiệt độ khu vực chúng tôi đang sống và làm việc thật là khủng khiếp. Trong các xe kỹ thuật, nhiệt độ lên đến 60 độ. Chúng tôi đã phải làm việc trong điều kiện như thế trong suốt thời gian 2 tháng rưỡi, mặc dù thời gian đào tạo đã được dự tính là 3 tháng.

Vấn đề là ở chỗ, ngay từ ngày đầu chúng tôi đến Việt Nam, đài phát thanh “Hoa Kỳ” đã loan tin: Việt Nam đã có tên lửa “SAM”, dự kiến 3 tháng sau sẽ đưa vào sử dụng. Và người Mỹ bắt đầu tìm kiếm chúng tôi. Song công tác ngụy trang của chúng tôi đã được làm rất tốt, Mỹ rất khó phát hiện ra các đơn vị trong Trung tâm huấn luyện. Các đơn vị pháo cao xạ của Quân đội nhân dân Việt Nam bảo vệ chúng tôi. Họ được cấp trên chỉ thị là chỉ được bắn khi nào thấy có mối nguy hiểm trực tiếp đến Trung tâm.

Khi đã tìm mọi cách ngụy trang, nhưng vẫn có nguy hiểm, trong trường hợp này, Trung tâm huấn luyện của chúng tôi được chuyển đến địa điểm gần thủ đô Hà Nội. Vì chúng tôi đã biết, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh không ném bom xuống Hà Nội trong phạm vi bán kính 60km. Ở đó, chúng tôi đào tạo các chiến sĩ tên lửa Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp và Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, tướng G. Belov đã đến thăm Trung tâm. Chúng tôi được giao nhiệm vụ: chuẩn bị bộ khí tài để đào tạo các chiến sĩ tên lửa Việt Nam, đồng thời cũng để chiến đấu. Đại tá Xưgankov, Trưởng Trung tâm huấn luyện đã ra lệnh phải thực hiện nhiệm vụ này trong một thời gian càng sớm càng tốt. Có nhiều vấn đề liên quan đến công tác sẵn sàng chiến đấu: trước tiên là độ tin cậy của thiết bị quân sự Liên Xô, và quan trọng nhất là cuộc sống của rất nhiều người. Do đó, mỗi người trong chúng tôi cần phải điều chỉnh thiết bị kỹ thuật của mình sao cho độ chênh lệch của các tham số đều bằng “0”, nghĩa là, hoàn toàn chính xác, cần phải làm như thế, không có bất kỳ một dung sai nào. Hai tiểu đoàn Tên lửa Phòng không - Tiểu đoàn 63 và Tiểu đoàn 64 - đã được thành lập. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân giao nhiệm vụ cho hai tiểu đoàn hành quân vào ban đêm và chiếm lĩnh trận địa cách Hà Nội 60km về phía Tây Bắc.

Đội hình chiến đấu gồm có các chuyên gia Liên Xô và cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, những người mà chúng tôi đã huấn luyện. Xét về mặt kỹ thuật, các trận địa hỏa lực đã được chuẩn bị tốt. Khi chúng tôi triển khai trận địa, nhân dân địa phương đã giúp chúng tôi ngụy trang các vị trí chiến đấu. Họ trồng các cây chuối và đắp bao cát vào xung quanh thiết bị, họ đào hào trong trường hợp bị bắn phá...

Gần sáng, chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu. Công tác ngụy trang tốt đến mức phi công Mỹ không thể tìm thấy chúng tôi.

Hai tiểu đoàn 63 và 64 của Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 - đơn vị Tên lửa phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - đã được triển khai chiến đấu. Tôi ở Tiểu đoàn 63, chỉ huy Tiểu đoàn là Trung tá Mozhayev và Đại úy Nguyễn Văn Thân. Chỉ huy Tiểu đoàn 64 là Trung tá llynyh và Đại úy Nguyễn Văn Ninh.

Cùng chiến đấu với tôi trong cabin, “RPK” là đồng chí học trò của tôi Nguyễn Đình Khoan. Đồng chí Khoan là một sĩ quan và một kỹ thuật viên tốt. Sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn 63 là Thượng úy Konstantinov và Trung úy Lã Đình Chi; sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn 64 là Thượng úy Bondarev và Trung úy Phạm Trương Uy. Sau này, đồng chí Phạm Trương Uy được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tôi cũng muốn nói thêm, hiện nay, nhiều thao tác trên máy được thực hiện bằng công nghệ tin học. Nhưng khi đó, yếu tố con người đóng vai trò cơ bản. Các bài toán chiến đấu được tính như thế nào, tên lửa sẽ bay như thế.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Tư, 2023, 10:28:16 pm
Tình hình trên bầu trời vẫn còn phức tạp. Chúng tôi chỉ bắn máy bay vào lúc trời chập choạng tối để sau mỗi trận đánh, chúng tôi nhanh chóng thu hồi khí tài và chuyển đến trận địa mới. Thời gian vào buổi tối đặc biệt phù hợp với chúng tôi. Trong ngày, chúng tôi không thể ngụy trang để địch không phát hiện được vì lý do sau đây: Ngoài vịnh Bắc Bộ luôn luôn có 3 tàu hàng không mẫu hạm của Mỹ. Các máy bay Mỹ cất cánh từ hàng không mẫu hạm đó, chỉ sau 5 - 10 phút, chúng đã vào đất liền Việt Nam. Nếu họ tìm thấy chúng tôi, ưu thế sẽ thuộc về họ. Đặc biệt nguy hiểm nếu cuộc tập kích diễn ra ở các độ cao khác nhau và từ các hướng khác nhau. Tất nhiên bộ đội tên lửa Việt Nam có thể bắn tên lửa vào ban ngày, tiêu diệt một hoặc hai máy bay. Nhưng khi đó, các máy bay ném bom của Mỹ còn lại sẽ “tập trung” tiêu diệt tiểu đoàn tên lửa, và khi đó chính các đơn vị pháo cao xạ đã bảo vệ các trận địa của chúng tôi.

Ngày 24 tháng 7 năm 1965, tình hình trên bầu trời miền Bắc Việt Nam đã trở nên phức tạp do các máy bay Mỹ gây ra. Chúng tôi đã ra quân trận đầu ở Việt Nam, dùng tên lửa chống lại máy bay Mỹ.

Ngay từ sáng sớm, đã có nhiều máy bay bay qua, ở đâu đó vang lên tiếng bom nổ như sấm rền. Tất cả các tiểu đoàn chúng tôi đều đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Tất cả các hệ thống hoạt động bình thường. Và bỗng mệnh lệnh của Trung tá Mozhaev vang lên, Tiểu đoàn trưởng: “Mục tiêu bay thành tốp - tiêu diệt!”. Sĩ quan điều khiển Konstantinov phát hiện một tốp máy bay địch. Chỉ huy Đại đội kỹ thuật vô tuyến Brusnikin kiểm tra công việc của tất cả các khẩu đội. Khi các trắc thủ phát hiện được mục tiêu đi đầu, lúc đầu bám sát bằng tay, sau đó chuyển sang bám sát tự động. Rồi khi mục tiêu đã sát với giới hạn vùng sát thương, sĩ quan điều khiển Konstantinov ấn nút “phóng”. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam “Rồng lửa” đã bay lên.

Với một tiếng ầm như sấm, tên lửa phóng lên và lao tới mục tiêu. Sau 6 giây, sĩ quan điều khiển lại ấn nút “phóng” quả đạn thứ hai. Cả hai tên lửa đều bay đến mục tiêu, tiêu diệt hai chiếc máy bay. Tiểu đoàn hỏa lực 64 cũng bắn hạ một chiếc máy bay khác. Trong tốp bốn chiếc máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời Việt Nam, ba chiếc đã bị bắn rơi, còn chiếc thứ tư biến mất về đâu không rõ. Một phi công đã bị bắt.

Các bạn Việt Nam gọi trận đánh này là “Rồng lửa Việt Nam trận đầu ra quân đánh thắng”. Sau khi bắn rơi ba chiếc máy bay, tất cả mọi người - các bạn Việt Nam và chúng tôi - đã ôm nhau và đồng thanh hét lên “Hoan hô, máy bay Mỹ rơi rồi”. Trận đánh này đã diễn ra vào hồi 14 giờ 25 phút, ngày 24 tháng 7 năm 1965 tại hai xã Phú Sơn và Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội - NCK), cách Hà Nội 60km.

Chúng tôi nhanh chóng thu hồi khí tài trên trận địa, tập kết trong một khu rừng và ngay tối hôm đó hành quân về trận địa mới. Sáng sớm ngày 25 tháng 7, chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu.

Trước khi diễn ra trận đánh ngày 24 tháng 7, các đồng chí Việt Nam đã chuẩn bị mô hình trận địa tên lửa giả. Các thiết bị giả của bộ khí tài S-75 được làm bằng tre, nứa và cót, rồi sơn màu như màu của tên lửa thật. Sau khi chúng tôi thu hồi thiết bị di chuyển đi nơi khác, các bạn Việt Nam đã bố trí các thiết bị giả vào các vị trí trận địa, coi như tiểu đoàn hỏa lực vẫn chưa di chuyển. Trong hơn 10 ngày máy bay Mỹ không bay qua lãnh thổ Việt Nam. Mỹ đang cố gắng xác định ai đã bắn hạ máy bay của họ. Sau khi trinh sát, họ tiếp tục không kích vào trận địa này, và các xạ thủ pháo cao xạ của Việt Nam đã bắn hạ thêm 5 chiếc máy bay Mỹ trên trận địa này.

Mặc dù người Mỹ đã thay đổi chiến thuật bay, chúng tôi vẫn bắn rơi máy bay Mỹ và duy trì các đơn vị tên lửa phòng không luôn luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong tình huống đơn giản, chúng tôi đã dạy các đồng chí Việt Nam tự bắn các mục tiêu trên không. Trong những lần như thế, chúng tôi luôn ở sát bên các đồng chí Việt Nam và sẵn sàng hành động chính xác khi cần thiết.

Chúng tôi đã chứng minh được thiết bị quân sự của Liên Xô rất đáng tin cậy và hiệu quả. Chúng tôi đã giúp các bạn Việt Nam hiểu được kỹ thuật tên lửa là một loại vũ khí tập thể, và thành công của trận chiến đấu phụ thuộc vào từng trắc thủ. Vâng, thành công của trận chiến đấu cũng còn phụ thuộc vào các công việc quan trọng khác như: việc sản xuất tên lửa và vận chuyển chúng đến các trận địa sao cho an toàn, bí mật và nhanh chóng. Sau khi phóng tên lửa, khẩu đội bệ phóng phải nhanh chóng dùng xe chở đạn để nạp tên lửa mới vào bệ phóng và nhanh chóng đưa xe chui vào hầm trú ẩn, mà chúng tôi gọi là nạp đạn. Thao tác này tiến hành càng nhanh thì bệ phóng càng sớm ở tư thế sẵn sàng chiến đấu

Sau một thời gian, Thiếu tá Solomatin nói với chúng tôi rằng, chúng tôi đã bắn hạ “Con ma” (máy bay F-4).

Tháng 8 năm 1965, các tiểu đoàn 63 và 64 chúng tôi được giao nhiệm vụ mới: Hành quân và triển khai trận địa ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa. Trên bầu trời vùng này, các máy bay Mỹ vẫn bay một cách ngang nhiên, họ cho rằng bộ đội tên lửa chưa thể đến đây được. Chính vì thể, Tiểu đoàn 63 của chúng tôi đã phóng năm quả tên lửa và bắn rơi hai máy bay A-6A bay từ Hàng không mẫu hạm Midway. Lúc này, chúng tôi chỉ còn một quả tên lửa dự phòng. Do đó, chúng tôi hành quân về Hà Nội.

Khi các cán bộ và chiến sĩ bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam đã được học đầy đủ cả phần lý thuyết và thực hành, tự độc lập chiến đấu có hiệu quả, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam đã quyết định để một số các chuyên gia trong đoàn chúng tôi ở lại với những bộ phận thiết yếu trong các tiểu đoàn; số chuyên gia còn lại được cử đến Trung tâm huấn luyện mới, đào tạo các trung đoàn tên lửa phòng không mới cho Việt Nam.

Năm cán bộ được chọn để đến trung tâm đào tạo thứ hai bao gồm: Konstantinov, Pustovoitov, Kolesnik, Shelestov và tôi. Trước khi chúng tôi đến trung tâm đào tạo thứ hai, chúng tôi được đi nghỉ trên Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng 100km về phía Bắc. Tam Đảo ở độ cao 1.000 mét so với mặt biển. Đường lên đỉnh núi quanh co hình xoắn ốc. Ở trên cùng là những nhà nghỉ dưỡng, ở độ cao 1.000 mét, thời tiết không nóng như khi ở Trung tâm huấn luyện. Chỉ cần mở cửa sổ là gió mát sẽ lùa vào phòng, cảm thấy như một đám mây lạnh đổ vào ngực bạn...

Sau khi nghỉ ngơi, chúng tôi được đưa đến một trung tâm đào tạo mới, nằm trong rừng rậm. ở Trung tâm này, đồng chí Trương Văn Ta, mà chúng tôi thường gọi là đồng chí Ta, là phiên dịch của tôi. Sau 3 tháng học tập với thời gian biểu căng thẳng, các khẩu đội tên lửa Việt Nam đã sẵn sàng chiến đấu. Các đồng chí Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt và thành thạo các thao tác chiến đấu một cách dễ dàng hơn.

Chẳng bao lâu, tiểu đoàn của chúng tôi và các đơn vị khác đã được giao nhiệm vụ triển khai trận địa để bảo vệ bầu trời Hà Nội, Hải Phòng khỏi các cuộc không kích của không quân Mỹ. Tiểu đoàn chúng tôi ở lại tại chỗ trong thời gian vài tháng.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Tư, 2023, 09:42:42 pm
Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô
sang thăm Việt Nam và đến thăm các chuyên gia quân sự Liên Xô

Tháng 1 năm 1966, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô do đồng chí Shelepin dẫn đầu đã đến thăm trận địa chúng tôi. Trong đoàn còn có Bí thư ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Ustinov và Tư lệnh Bộ đội Chiến lược Liên Xô, Thượng tướng V.F. Tolupko. Các đồng chí trong đoàn đánh giá cao sự đóng góp của chúng tôi vào cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ tại Việt Nam, chúc mừng chúng tôi nhân dịp năm mới 1966 và trao các phần thưởng cao quí của Chính phủ Liên Xô cho chúng tôi vì lòng dũng cảm và lập được những chiến công. Tôi được thưởng Huân chương “Sao Đỏ”, vì đã tham gia trong đội hình Tiểu đoàn 63 Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236, Quân chủng Phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam bắn rơi 8 máy bay Mỹ. Đồng chí Shelepin đã trao phần thưởng cho tôi. Vào thời điểm đó, tôi đang ở tuổi 29. Tôi nhớ cha mình, Todorashko Ivan Timofeevich, người đã tham gia Chiến tranh vệ quốc vĩ đại và hy sinh vào tháng 8 năm 1944 tại Moldavia. Ngày ông hy sinh, ông cũng 29 tuổi.

Chúng tôi phải chiến đấu trong những điều kiện khác nhau. Một ngày hạ tuần tháng 2 năm 1966, chúng tôi được chuyển từ Hà Nội đến Hải Phòng, thành phố có tầm quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp mọi thử cần thiết cho Việt Nam. Chúng tôi bảo vệ thành phố cảng trong điều kiện phải liên tục thay đổi trận địa chiến đấu. Có khi chúng tôi phải bắn máy bay trong điều kiện sương mù dày đặc. Chúng tôi bắn hạ một chiếc máy bay Mỹ với hai tên lửa, nó rơi xuống biển. Do sương mù, nên thời điểm máy bay rơi xuống biển không ghi lại được, đồng nghĩa với việc chiếc máy bay bị bắn rơi không được tính vào thành tích của tiểu đoàn chúng tôi. Vì theo quy định, các bạn Việt Nam chỉ ghi vào bảng thành tích bắn rơi máy bay khi đã có trong tay mảnh máy Mỹ với các chữ số và ký hiệu của máy bay.

Chúng tôi đã bảo vệ bầu trời Hải Phòng cho đến cuối tháng 4 năm 1966. Trong số các chuyên gia Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam hồi tháng 4 năm 1965 (khoảng 100 người), chỉ có năm sĩ quan chưa có người từ Liên Xô sang thay thế.

Trở về Tổ quốc

Chúng tôi chuyển giao hệ thống khí tài cho các đồng chí Việt Nam khi họ đã thành thạo kỹ năng sử dụng và lên xe về Hà Nội. Ở Hà Nội, chúng tôi được Đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân mở tiệc chiêu đãi. Chúng tôi được trao tặng Huy chương “Hữu nghị” của Chính phủ Việt Nam và quà của Tư lệnh Quân chủng. Trong buổi chiêu đãi, chúng tôi được ăn món mằn thắn của Liên Xô là món ăn lần đầu tiên được ăn ở Việt Nam. Thật xúc động và lưu luyến khi phải chia tay với các bạn Việt Nam, những người mà chúng tôi đã kề vai, sát cánh trong chiến hào bảo vệ bầu trời Việt Nam. Chuyến công tác của tôi đến Việt Nam đã kết thúc sau 13 tháng 4 ngày. Chúng tôi chia tay nhau, tặng cho nhau những tấm ảnh kỷ niệm. Ngày 10 tháng 5 năm 1966, chúng tôi lên máy bay, rời Việt Nam sang Trung Quốc.

Do thời tiết xấu đi, máy bay của chúng tôi phải hạ cánh xuống Vũ Hán. Chúng tôi nghỉ qua đêm trong một khách sạn, và sáng ngày hôm sau, ngày 11 tháng 5, chúng tôi bay đến Bắc Kinh. Những ngày này, trên đường phố Bắc Kinh lực lượng Hồng vệ binh hoạt động hầu như 24/24, nên chúng tôi phải ở lại trong Đại sứ quán Liên Xô và mãi đến sáng ngày 16 tháng 5 mới rời khỏi Trung Quốc và cùng ngày bay tới Moskva.

Ở thủ đô Moskva, chúng tôi được bố trí ăn nghỉ trong khách sạn của Bộ Quốc phòng Liên Xô. Năm người chúng tôi gồm: Đại úy Ivanov, các thượng úy Konstantinov, Kolesnik, Shelestov và tôi được giao nhiệm vụ ở lại Moskva vài ngày để báo cáo Bộ Quốc phòng về chiến thuật của không quân Mỹ và các trận chiến đấu với không quân Mỹ của các tiểu đoàn tên lửa phòng không Việt Nam bằng bộ khí tài tên lửa C-75. Sau đó, chúng tôi được phép về nhà hai tuần trước khi trở lại đơn vị cũ.

Sau khi trở lại đơn vị ở thành phố Ufa, tôi được một kỳ nghỉ phép của hai năm 1965-1966 là 88 ngày. Khi tôi sang Việt Nam, con trai tôi tròn hai tuổi rưỡi, bây giờ nó đã gần 4 tuổi. Cuộc hội ngộ gia đình rất xúc động và vui vẻ. Cả gia đình tôi đi nghỉ. Đầu tiên chúng tôi đến Odessa thăm mẹ tôi, sau đó đến thành phố Baksan thuộc Kavkaz thăm mẹ vợ tôi.

Sau kỳ nghỉ, tôi được bố trí tiếp tục phục vụ trong trường đào tạo bộ đội Tên lửa Phòng không mang tên Engels. Sau đó, từ tháng 2 năm 1970, tôi phục vụ tại Sverdlovsk. Ngày 26 tháng 10 năm 1983 tôi chuyển sang chế độ sĩ quan dự bị và đảm nhiệm vị trí đặt hàng của Phòng số 161 do Đại tá Buev Evgeni Mikhailovich làm trưởng phòng. Cho đến năm 2008, tôi làm việc tại Phòng số 100 thuộc doanh nghiệp “Vector” vinh quang.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Tư, 2023, 09:44:30 pm
Mơ ước trở lại Việt Nam

Trong những năm qua, tôi luôn luôn nhớ đến Việt Nam, tôi kính phục tính kiên cường và lòng dũng cảm của quân và dân Việt Nam. Tôi không giấu các bạn đôi khi tôi mơ ước được đến Việt Nam một lần nữa, mà Việt Nam nay đã là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến Việt Nam để được nhìn thấy mảnh đất thân yêu này, để được nhìn thấy những người con tuyệt vời của Việt Nam đang sống và làm việc trong một môi trường hòa bình, để được gặp lại những người bạn đã một thời cùng chúng tôi trong một chiến hào bảo vệ bầu trời Việt Nam.

Và sau 42 năm, mơ ước đó đã đến với tôi. Mùa thu năm 2007, tôi đã được quay trở lại Việt Nam. Tôi thực hiện được mơ ước đó là nhờ có Hội Hữu nghị Nga - Việt thành phố Ekaterinburg do Mikhail Anatolievich Morozov làm chủ tịch và Anatoly Viktorovich Davydov làm phó chủ tịch, các thành viên của Hội là những Cựu chiến binh Xô Viết đã chiến đấu ở Việt Nam. Một số hội viên đã đến thăm Việt Nam. Và bây giờ, tôi đã được Hội Hữu nghị Nga - Việt mời đến thăm Việt Nam - một đất nước xa xôi về địa lý, nhưng lại rất gần gũi và thân yêu về tình cảm. Tôi sẽ được gặp những người vừa là học trò, vừa là những người bạn cùng chung chiến hào. Tôi thực sự muốn tận mắt nhìn thấy những gì mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong những năm hòa bình kể từ năm 1975.

Đoàn chúng tôi gồm bốn người: Davydov Antoly Viktorovich làm trưởng đoàn, các thành viên của đoàn gồm: Skoryak, tôi và nữ bác sĩ Skipina Marina Valerievna - bác sĩ quân y viện tâm thần, thần kinh học lâm sàng tỉnh Sverdlovsk của các Cựu chiến binh. Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Ekaterinburg, Tiến sĩ Luật Lê Quý Quỳnh đã cấp thị thực cho chúng tôi. Chúng tôi được hỗ trợ tiền cho chuyến đi. Một doanh nhân Việt Nam, ông Hoàng Văn Vinh đã dành cho cá nhân tôi 30.000 rúp. Các thành viên khác của đoàn được Giám đốc nhà máy luyện kim - ông Vladimir Ivanovich Butenko và Giám đốc quân y viện tâm thần thần kinh học lâm sàng tỉnh Sverdlovsk của các Cựu chiến binh tài trợ cho chuyển đi.

Ngày 24 tháng 9, chúng tôi bay từ sân bay Koltsovo, Ekateringburg đến sân bay Quốc tế Domodedovo, Moskva. Tại đây, chúng tôi chuyển sang máy bay Boing 777 để đến Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Chúng tôi bay thẳng từ Moskva đến Thành phố Hồ Chí Minh hết 10 giờ 30 phút.

Đón chúng tôi tại Thành phố Hồ Chí Minh là các bạn Việt Nam - thành viên diễn đàn “Nước Nga trong tâm hồn tôi” do anh Cương dẫn đầu. Tham gia diễn đàn “Nước Nga trong tâm hồn tôi” là những nam, nữ thanh niên Việt Nam đã học ở Liên Xô cách đây 15-20 năm. Chúng tôi được đưa về khách sạn và anh Cương đã giới thiệu với chúng tôi chương trình của đoàn:

- Ngày 25, gặp các thành viên trong diễn đàn “Nước Nga trong tâm hồn tôi”,

- Ngày 26, gặp các Cựu chiến binh Việt Nam,

- Ngày 27, du thuyền trên sông Cửu Long và thăm miệt vườn dọc bên sông,

- Ngày 28, chúng tôi rời Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Trên chặng đường 1.500km, chúng tôi sẽ dừng chân tham quan 3 thành phố.

Một cuộc hội ngộ diễn ra rất vui và cảm động. Chúng tôi được các bạn Việt Nam thết đãi các món ăn Việt, hát rất nhiều bài hát của Nga và tặng quà cho nhau. Chúng tôi tặng các bạn Việt Nam những món quà lưu niệm vùng Ural.

Sau hơn 40 năm mới được gặp lại, các Cựu chiến binh Việt Nam và chúng tôi đều rất vui mừng và ai cũng muốn được nói những điều mà mình muốn nói. Các Cựu chiến binh Việt Nam đã cám ơn chúng tôi về sự giúp đỡ vô tư trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Những người có mặt trong buổi gặp này đã dành một phút mặc niệm những người đã hy sinh vì nền độc lập và tự do của Việt Nam. Nhà văn Lưu Trọng Lân, một Cựu chiến binh Việt Nam đã tặng mỗi thành viên trong Đoàn chúng tôi một cuốn sách - tuyển tập các hồi ức có tên gọi “Điện Biên Phủ trên không”.

Trong bữa cơm tối thân mật, chúng tôi và các bạn Việt Nam đã chia sẻ những kỷ niệm về một thời khói lửa, đã chụp ảnh làm kỷ niệm, đã nâng cốc chúc tình hữu nghị giữa nhân dân và quân đội hai nước. Phiên dịch trong các buổi gặp mặt là anh Cương, con trai Thiếu tướng Trần Chi Cường. Thiếu tướng là người trong những năm chiến tranh đã tổ chức vận chuyển tên lửa phòng không của Liên Xô sang Việt Nam. Chúng tôi đã đến thăm gia đình Cựu chiến binh Huỳnh Văn Thanh, nguyên chỉ huy khẩu đội bệ phóng tên lửa thuộc Tiểu đoàn 63 Trung đoàn Tên lửa phòng không 236. Trong tập hồi ức của các Cựu chiến binh Xô Viết có tên gọi “Chiến tranh ở Việt Nam... là thế đó (1965- 1973)”, Cựu chiến binh Xô Viết Kolesnik Nikolai Nikolaevich, người thầy của đồng chí Huỳnh Văn Thanh hồi năm 1965, đã viết: “Tôi nhớ Trung sĩ Huỳnh Văn Thanh - người chỉ huy khẩu đội bộ phóng đầu tiên của tôi, ông là người con sinh ra ở Sài Gòn, ông nổi bật trong những người Việt Nam là ngoài thân hình cao và chắc, còn có đức tính bình tĩnh, chính xác và thông minh”. Trong buổi gặp tại gia đình Cựu chiến binh Huỳnh Văn Thanh, nữ nghệ sĩ Nguyệt Hải đã hát những bài hát tiếng Nga, còn chúng tôi cùng với các Cựu chiến binh Việt Nam đã vỗ tay cổ vũ, ủng hộ. Chủ nhà đã giới thiệu với chúng tôi một bức ảnh mà ông tự viết vào đó dòng chữ “Phóng tên lửa đầu tiên đã bắn hạ một chiếc máy bay không người lái của Không quân Hoa Kỳ đang bay ở độ cao 800 mét”. Thiếu tướng Trần Chi Cường đã trao cho chúng tôi và Skoryak Valery huy hiệu “Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam” vì chúng tôi đã đóng góp vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chúng tôi cảm nhận được tấm lòng chân thành sâu sắc và tình cảm anh em của các Cựu chiến binh Việt Nam đã dành cho chúng tôi, những cuộc hội ngộ như thế này không bao giờ bị lãng quên.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Tư, 2023, 09:45:45 pm
Ngày hôm sau, chúng tôi được đưa đi tham quan sông Mê Kông. Chúng tôi đi về phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Xe đưa chúng tôi trên con đường đã được rải nhựa tốt. Trong khoảng thời gian một tiếng rưỡi xe lăn bánh trên đường, chúng tôi chưa bao giờ gặp bất cứ một hố bom nào. Đất nước đã được hồi phục hoàn toàn. Mọi thứ đều được xây dựng lại như mới. Phía bên phải và bên trái là những ruộng lúa, ao, hồ, cảnh vật rất đẹp, đặc biệt là ở miền Nam. Giữa cánh đồng lúa, chúng tôi luôn nhìn thấy những nơi chôn cất, những nấm mồ. Ở Việt Nam, Phật giáo chiếm đa số. Theo niềm tin của đạo Phật, người chết được chôn gần nhà nhưng không để vĩnh viễn. Ba năm sau, những ngôi mộ này được “cất”, xương của người quá cố được bốc lên, rửa sạch sẽ, xếp vào trong một hộp bằng sành gọi là “tiểu sành” và đưa đi chôn vĩnh viễn.

Đến sông Mê Kông, chúng tôi đi phà sang bờ phía Nam. Ở đó, có nhiều nơi nghỉ ngơi, giải trí, kể cả trên đảo. Ở đó cũng có một bảo tàng và công viên cây xanh kỳ lạ. Dòng sông có lưu lượng lớn và chảy qua 5 quốc gia.

Chúng tôi đi ca nô theo kênh rạch vào sâu tận trong rừng. Hành trình của chúng tôi mang tính tham quan. Chúng tôi dừng lại ở một ngôi làng. Chúng tôi rất vui mừng được làm quen với cuộc sống của người dân nông thôn. Trong vườn, người dân địa phương hầu như trồng dừa là chính. Có rất nhiều quả dừa ở trên cây cao tự rơi xuống đất, người dân cứ mặc chúng để chúng nảy mầm, mọc lên những cây mới và sau một thời gian lại được một lớp dừa xanh.

Người dân vùng này đang được làm giàu bởi những món quà của rừng già. Những vỏ dừa xếp thành đống ở sau nhà. Chúng tôi rất thích uống nước dừa, nó vừa tươi, vừa mát. Chưa ai muốn xa khu rừng này. Song theo lịch trình, chúng tôi đã phải xuống ca nô về nơi ở.

Sớm ngày hôm sau, chúng tôi bắt đầu chuyến đi ra Hà Nội theo lộ trình của một công ty du lịch. Sau 9 giờ ngồi trên xe, chúng tôi đã đến thành phố Nha Trang.

Chúng tôi ở lại Nha Trang 2 ngày. Nha Trang là thành phố biển. Nếu không tắm nắng ở đây thì đó là một thiếu sót lớn. Hai ngày sau. buổi tối chúng tôi đến thị trấn Hà Tĩnh. Chuyến đi rất khắc nghiệt, suốt cả đêm cơn bão “Lekima” luôn bám đuổi chúng tôi. Hơn mười tiếng đồng hồ, xe chúng tôi phải xuyên qua bức tường nước mưa dày đặc. Chúng tôi đến Hả Tĩnh giữa lúc đỉnh cao của cơn bão. Bão đã tàn phá nhiều nhà cửa, làng mạc và hoa màu. Trong khách sạn “Nika”. nơi chúng tôi ở, nhiều khung cửa sổ đã bị văng ra ngoài. Những cây dừa trong thành phố, một loại cây được coi là cứng rắn, cũng bị bão quật đổ. Thành phố bị mất điện nhiều lần.

Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga thành phố Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Tinh đã ân cần đón tiếp chúng tôi.

Hà Tĩnh là địa phương rất giàu khoáng sản, và nền nông nghiệp cũng có nhiều lợi thế phát triển. Phía Đông thành phố là biển, và phía Tây là dãy Trường Sơn.

Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng chương trình tham quan cho đoàn chúng tôi. Chúng tôi thăm bảo tàng nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Du. Chúng tôi đến thăm Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng chí Hà Văn Giáp đã tiếp đón chúng tôi. Các nhà doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được hợp tác với các lĩnh vực công nghiệp phát triển của thành phố Sverdlovsk của chúng tôi. Buổi tối ngày cuối cùng ở Hà Tĩnh, chúng tôi đã được những người bạn mến khách địa phương đến tiễn chúng tôi lên đường ra Hà Nội.

Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi đã đến Hà Nội. Chúng tôi đã được bố trí ở trong khách sạn “Thống Nhất”. Cũng như ở Thành phố Hồ Chí Minh, đa số người dân Thủ đô đi lại bằng xe máy, mặc dù cũng có xe ô tô. Hà Nội hiện có 5 triệu người. Chúng tôi được biết, năm 1975 dân số Việt Nam có 40 triệu người, và năm 2005 đã có 85 triệu người. Mặc dù đã có khuyến nghị trong mỗi gia đình trẻ, không nên đẻ quá hai con.

Sau 30 năm, tại thủ đô Hà Nội đã xây dựng nhiều tòa nhà mới, trong đó có các tòa nhà cao tầng. Chúng tôi mua bản đồ thành phố, đánh dấu vị trí khách sạn chúng tôi đang ở và tự đi tham quan các danh lam, thắng cảnh của Thủ đô. Chúng tôi đến thăm hồ Hoàn Kiếm, địa danh lịch sử nổi tiếng của Hà Nội.

Ngày 6 tháng 10, chúng tôi được đưa tới “hòn ngọc” của Việt Nam. Đó là vịnh Hạ Long - một khu nghỉ mát tuyệt vời. Có thể nói vắn tắt hành trình trong một ngày như sau: từ Hà Nội đi về phía đông nam, khoảng 1 giờ 30 phút đã đến khu nghỉ mát, ở đó 4 giờ và tối cùng ngày có thể trở về Hà Nội được. Trong thời gian đó, chúng tôi đã có bao nhiêu ấn tượng tuyệt vời! Nhiều khách sạn được xây dựng ở đây, bao gồm cả những khách sạn sang trọng được xếp vào loại “sao”. Chúng tôi được ngồi trên ca nô đi thăm vịnh, quan sát nhiều hòn đảo cổ tích tuyệt vời trong vịnh, ngưỡng mộ môi trường xung quanh đẹp như tranh vẽ... Sức nóng 35 - 40 độ nhưng vẫn dễ chịu.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Tư, 2023, 09:49:06 pm
Cuộc hội ngộ của những người bạn chiến đấu

9 giờ sáng ngày 7 tháng 10, chúng tôi đi thăm làng lụa Vạn Phúc nổi tiếng ở ngoại ô thủ đô. Buổi chiều, tham quan một số đường phố Hà Nội và mua quà lưu niệm; lúc 18 giờ sẽ diễn ra buổi gặp mặt thân mật với những người tham gia diễn đàn “Nước Nga trong tâm hồn tôi”, ăn tối.

Ngày 8 tháng 10 - chúng tôi được các Cựu chiến binh Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam đưa đến thăm trận địa của Tiểu đoàn 63 Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 ở Ba Vì, Sơn Tây, nơi mà hồi tháng 7 năm 1965 chúng tôi đã cùng nhau ra quân đánh thắng trận đầu. Trên đường đến trận địa cũ, chúng tôi được đến thăm gia đình đồng chí Trương Văn Ta - nguyên là phiên dịch của tôi hồi năm 1965. Buổi chiều, chúng tôi được Lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp đón, sau đó thăm Bảo tàng Phòng không - Không quân. Chiều tối cùng ngày, tới thăm Sư đoàn Phòng không 361 và được Lãnh đạo Sư đoàn mời cơm thân mật.

8 giờ sáng ngày 9 tháng 10 được gặp lại các Cựu chiến binh Bộ đội Tên lửa Phòng không. Trong buổi gặp này có sự tham gia của các phóng viên truyền hình và phóng viên giới truyền thông đại chúng. Buổi chiều, chúng tôi được gặp Giám đốc Viện Châm cứu trung ương, và buổi tối, được tới thăm toà soạn báo “Tiền Phong”. Tất cả các sự kiện đều được các phóng viên báo chí, cũng như truyền hình, phóng viên ảnh chụp và đưa tin.

Ngày 7 tháng 10, chúng tôi được đến thăm làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội 15km. Trong làng có truyền thống sản xuất nhiều sản phẩm lụa tơ tằm cũng như tranh thêu lụa. Ngành truyền thống này có tính giáo dục truyền thống rất cao. Sau khi mua quà cho người thân, chúng tôi trở về trung tâm Hà Nội.

Tối hôm đó, chúng tôi đã tham dự diễn đàn “Nước Nga trong tâm hồn tôi”. Tới dự buổi diễn đàn này có rất nhiều người Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đại học ở Liên Xô. Tất cả đều biết tiếng Nga và văn học Nga ở một trình độ nào đó. Ngày hôm đó là sinh nhật lần thứ 71 của tôi. Các bạn Việt Nam đã nồng nhiệt chúc mừng tôi, tặng tôi quà và một lẵng hoa lớn. Và trong niềm vui này có một điều bí ẩn nào đó, chưa nói hết ra được. Hình như mọi người đang chờ đợi ai đó sẽ đến. Và đây rồi! một người đang ôm một bó hoa đi tới. Từ xa, tôi chưa nhận ra đó là ai. Và khi anh đến gần hơn, tôi vui mừng nhận ra Nguyễn Đình Khoan, người mà tôi đã dạy học cách đây hơn 40 năm và cùng chúng tôi vai kề vai, ngồi cạnh nhau trong xe ca bin phát lệnh trong trận đầu ra quân đánh thắng ngày 24 tháng 7 năm 1965. Chúng tôi và Nguyễn Đình Khoan đảm bảo việc điều khiển tên lửa đến thời điểm nổ khi tên lửa gặp chiếc máy bay của Mỹ. Bây giờ anh ấy cũng là Cựu chiến binh Bộ đội tên lửa như tôi. Đối với cả hai chúng tôi, cuộc hội ngộ sau hơn 40 năm là một bất ngờ thú vị. Chúng tôi ôm nhau, hôn nhau như những người bạn thân nhất. Chúng tôi vui mừng vì chúng tôi còn sống và chúng tôi hạnh phúc khi được trải nghiệm một khoảnh khắc vui vẻ như vậy đã dành cho chúng tôi. Chúng tôi nhớ lại những giai đoạn của cuộc chiến tranh đã qua, nhớ đến các đồng đội của chúng tôi, và kể cho nhau nghe về một cuộc sống hạnh phúc sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ. Nguyễn Đình Khoan tặng tôi một bức ảnh cả gia đình mình. Các phóng viên đã chăm chú quay lại khoảnh khắc đầy xúc động của chúng tôi.

Trong diễn đàn này, tất cả chúng tôi đều nâng cốc chúc tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Nga - Việt Nam, chúc lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam luôn luôn cảnh giác và đứng vững trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước. Sau đó, rất nhiều người trong chúng tôi đã hát vang các bài hát của Nga. Nữ ca sĩ Tuyết Thanh đã biểu diễn rất chân thành, mọi người đều im lặng lắng nghe. Các bạn Việt Nam rất thích những bài hát Nga, đặc biệt là bài “Kachyusa”, “Chiều Moskva” cũng như các bài hát chiến tranh: bài “Cư dân trái đất”... Thật tuyệt vời khi ở trong một bầu không khí thân thiện và đầy cảm xúc như thế này. Chúng tôi cũng hát với họ. Valery Vasilyevich Skoryak đã giới thiệu với các bạn Việt Nam những bức ảnh đã ngả màu vàng chụp trong chiến tranh ở Việt Nam. Vào cuối buổi diễn đàn, chúng tôi đã chúc nhau sức khoẻ, đạt nhiều kỳ vọng trong cuộc sống. Buổi giao lưu này cho thấy đất nước chúng ta, với sự giúp đỡ vô điều kiện mà chúng ta đã dành cho nhân dân Việt Nam trong những năm khó khăn, đã chinh phục được tâm hồn của người dân Việt Nam.

Sáng hôm sau, một chiếc xe buýt nhỏ từ trụ sở Sư đoàn Phòng không 361 đã đến khách sạn “Thống nhất” đón chúng tôi đến dự cuộc họp mặt với các sĩ quan Việt Nam. Chúng tôi được mời ngồi ở hàng ghế danh dự, được mời uống nước trà xanh. Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hải thông qua phiên dịch đã giới thiệu với chúng tôi những Cựu chiến binh Bộ đội Tên lửa Phòng không, những người đã tham gia trong trận đầu ra quân đánh thắng ngày 24 tháng 7 năm 1965. Họ là:

- Đại tá Phạm Trương Uy - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Cựu chiến binh Bộ đội Tên lửa Phòng không, nguyên sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn 64;

- Nguyễn Văn Thân - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 63;

- Lã Đình Chi - sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn 63;

- Nguyễn Văn Thực - Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tiểu đoàn trưởng;

- Nguyễn Quang Hùng là một Cựu chiến binh Bộ đội Tên lửa phòng không;

- Nguyễn Đình Khoan nguyên trắc thủ RPK. (Trắc thủ hệ lập lệnh - ND);

- Đại tá Quách Hải Lượng, chỉ huy đơn vị phiên dịch quân sự Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236. Trong số phiên dịch đó có Trần Phúc Căn và Trương Văn Ta.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Tư, 2023, 09:50:45 pm
Đồng chí Phạm Trương Uy đã trao tặng những món quà kỷ niệm cho tôi và Skoryak, coi chúng tôi như những Cựu chiến binh Việt Nam. Đồng chí Quách Hải Lượng - chỉ huy đơn vị phiên dịch đã ký và giao cho tôi bản sao danh sách các chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc tại Việt Nam trong những năm 1965-1966.

Chúng tôi tặng các Cựu chiến binh Việt Nam mô hình tên lửa đã thu nhỏ làm bằng đuya ra, mô phỏng quả tên lửa đã được phóng lên bắn rơi máy bay Mỹ trong trận đầu ra quân đánh thắng ngày 24 tháng 7 năm 1965. Trong bài phát biểu tại buổi gặp mặt thân mật này, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hải - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn giữ trong tâm trí mình một tình cảm đặc biệt và lòng biết ơn chân thành đối với nhân dân Liên Xô trước đây và nhân dân Nga ngày nay về sự giúp đỡ to lớn mà họ đã dành cho chúng tôi trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Hôm nay, chúng tôi rất vui mừng được chào đón những người bạn chiến đấu Nga”.

Trên đường đến thăm trận địa tên lửa cách đây đã trên 40 năm, chúng tôi đã vào thăm gia đình đồng chí phiên dịch Trương Văn Ta, người đã dịch cho tôi khi tôi công tác ở Việt Nam. Khi chúng tôi vừa bước ra khỏi xe, chúng tôi đã được những người thân của đồng chí Trương Văn Ta ra tận xe chào đón. Bà Nguyễn Thị Tuyên vợ đồng chí Ta đã xúc động giới thiệu với chúng tôi những người con trong gia đình: 2 người con trai, trong đó (con trai cả) là Trương Quang Ninh hiện là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 61 Trung đoàn Tên lửa 236 - đơn vị mà cha anh đã từng phục vụ. Người con gái là Trương Thị Hà - thành viên diễn đàn “Nước Nga trong tâm hồn tôi”. Chúng tôi đã vào nhà và mỗi người đều thắp ba nén hương thơm để tưởng niệm người bạn chiến đấu của mình đã về cõi vĩnh hằng năm 2002. Trên bàn thờ có một bức ảnh lớn của ông. Bà Tuyên đã hạ bức ảnh xuống và đưa cho tôi như một món quà lưu niệm. Bà Tuyên cũng trao cho tôi một món quà của gia đình. Bà đã tham gia đoàn và cùng chúng tôi ra thăm trận địa.

(https://i.imgur.com/nROUWvU.jpg)


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Tư, 2023, 09:52:18 pm
Tại trận địa hỏa lực mà ngày 24 tháng 7 năm 1965, Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 63 lần đầu tiên ở Việt Nam đã dùng tên lửa bắn rơi hai máy bay Mỹ, đồng chí Nguyễn Văn Thân nguyên Tiểu đoàn trưởng thời bấy giờ đã chỉ cho mọi người trong đoàn xem vị trí đặt bệ phóng và các cabin điều khiển tên lửa. Tôi vô cùng hồi hộp. Có thể nói, tôi đã trải qua những giây phút đầy ý nghĩa. Tôi lại đi dọc theo mảnh đất khói lửa này và tôi nhớ những gì đã xảy ra cách đây 42 năm. Trải tấm bản đồ cũ ra, chúng tôi nhìn vào các vị trí đặt khí tài và mọi người nhớ đến từng chi tiết của trận đánh lịch sử ngày 24 tháng 7 năm 1965. Trận đánh này có ý nghĩa lịch sử thật sự, nó đã trở thành cơ sở trận đầu ra quân đánh thắng không quân Mỹ, trở thành một tấm gương cổ vũ các chiến sĩ yêu nước ở miền Nam Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại quân đội Mỹ. Nhiều khoảnh khắc trên trận địa nổi tiếng này đã được ghi lại trên phim ảnh, đài truyền hình và cũng có những phóng sự về trận đánh này. Tôi và bạn tôi, đồng chí Nguyễn Đình Khoan, đã chụp những bức ảnh kỷ niệm trực tiếp trên đài quan sát. Truyền hình Việt Nam đã ghi lại những câu chuyện bên cạnh những chiến hào mà các cựu chiến binh hai nước đã cùng nhau nhớ lại.

Chúng tôi ghé thăm xã Phú Sơn, nơi đã dựng biểu tượng quả tên lửa để vinh danh trận đầu ra quân đánh thắng của Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam. Chúng tôi đã chụp ảnh kỷ niệm bên biểu tượng. Đúng lúc này, các học sinh khăn quàng đỏ từ một trường học gần đó đã chạy ùa đến chào đón chúng tôi. Chúng tôi đã mời các cháu đến chụp ảnh bên biểu tượng quả tên lửa với chúng tôi. Niềm vui của những học sinh không có giới hạn!

Tối hôm đó, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam đã tổ chức chiêu đãi chào mừng Đoàn chúng tôi. Tại buổi chiêu đãi, chúng tôi nhận được nhiều lời phát biểu ấm áp, các bạn Việt Nam đã bày tỏ lòng biết ơn về sự giúp đỡ của Liên Xô, về việc chúng tôi đã sang thăm lại chiến trường xưa. Chúng tôi đã nhận được nhiều món quà ý nghĩa của các bạn Việt Nam.

Trong Bảo tàng Phòng không Không quân, chúng tôi đã được xem sa bàn trận đánh lịch sử 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” diễn ra hồi tháng 12 năm 1972. Trong chiến dịch này, 81 chiếc máy bay của Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 máy bay B-52. Sau trận đánh này, Mỹ đã buộc phải chấm dứt các cuộc ném bom của mình và ngồi vào bàn thảo luận. Năm 1975, miền Nam Việt Nam được giải phóng, non sông Việt Nam đã về một dải.

Ngày 8 tháng 10, chúng tôi được mời đến Ban biên tập báo “Tiền Phong” - tờ báo của Đoàn Thanh niên Việt Nam. Tổng Biên tập là nhà thơ Dương Kỳ Anh. Ông chào đón chúng tôi và giới thiệu chúng tôi với tất cả những người tham dự cuộc họp mặt. Nghe ông phát biểu, chúng tôi hiểu những năm đầu của thập niên 70, ông là lính Tên lửa Phòng không và phục vụ trong Tiểu đoàn 61, hiện nay Tiểu đoàn trưởng của Tiểu đoàn 61 là Trương Quang Ninh, con trai đồng chí Trương Văn Ta cựu phiên dịch của tôi.

Đại diện báo chỉ và truyền hình đã được mời tham dự cuộc họp này. Chúng tôi đã nói chuyện về chuyến đi trên đất nước Việt Nam của chúng tôi. Chúng tôi đã đi trong mưa bão như thế nào, cơn bão nhiệt đới có tên gọi là “Lekima” và chúng tôi đã về thăm lại chiến trường xưa ra sao... Và người bạn chiến đấu của tôi, ông Nguyễn Đình Khoan, Cựu chiến binh Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam, đã nói về những cảm tưởng của ông, về tình hữu nghị chiến đấu của chúng tôi, về cuộc đấu tranh chống xâm lược Mỹ và nhiệt liệt cảm ơn vì sự giúp đỡ vô tư của chúng tôi. Thay mặt cho tất cả các Cựu chiến binh Việt Nam, ông Khoan đã tặng tôi một album ảnh. Cả gia đình đồng chí phiên dịch quá cố Trương Văn Ta của tôi đã tham dự buổi họp mặt này. Con gái của Trương Văn Ta, cháu Trương Thị Hà, đã hát bài hát Nga “Địa chỉ của tôi là Liên Xô” bằng tiếng Nga. Khi chia tay, tất cả chúng tôi đã chụp ảnh làm kỷ niệm.

Trong ngày này, chúng tôi đã được đến thăm Viện Châm cứu Trung ương, người đứng đầu viện châm cứu là ông Nguyễn Tài Thu - một giáo sư nổi tiếng khắp thế giới. Trong viện, bằng phương pháp châm cứu, nhiều người đã được điều trị thành công rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh nghiện rượu. Bệnh nhân chỉ phải trả một ít tiền cho giường nằm, còn điều trị là miễn phí. Chúng tôi đã được tham quan tất cả các phòng ban, được xem thiết bị và mọi thứ khác cần thiết để điều trị thành công. Nữ bác sĩ Skipina Marina Valerievna - đại diện của quân y viện Sverdlovsk của chúng tôi, bệnh viện dành cho các cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại và các Cựu chiến binh Xô Viết ở Việt Nam, đã nói rằng trường đào tạo châm cứu ở Trung Quốc và Việt Nam là trường tốt nhất trên thế giới. Để đào tạo những chuyên gia châm cứu, chúng ta có thể mời các chuyên gia Việt Nam đến Sverdlovsk hoặc gửi các học viên của chúng ta sang Việt Nam. Về vấn đề này, bà Marina hỏi ý kiến Phó Giám đốc và nhận được câu trả lời có thể giải quyết được cả hai phương án. Đến đây cũng kết thúc chương trình chuyến thăm Việt Nam của chúng tôi.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Tư, 2023, 09:53:13 pm
Tôi muốn nhấn mạnh và nêu lên các vấn đề mà chỉ có bây giờ, trong thời bình mới có thể hiểu được. Có thể nói, sau ngày 10 tháng 5 năm 1966, khi 5 sĩ quan Liên Xô rời Việt Nam về nước, trong suốt thời gian chiến tranh, Tiểu đoàn 63 thân mến của tôi đã bắn hơn 100 quả tên lửa, hạ 32 máy bay Mỹ. Còn trong toàn bộ cuộc chiến tranh từ năm 1964 đến năm 1974, lực lượng phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam đã bắn rơi 1.293 máy bay chiến đấu của Mỹ, trong đó có 54 pháo đài bay B-52.

Có thể đưa ra một bản thống kê tổng hợp từ ngày 5 tháng 8 năm 1964 đến ngày 31 tháng 12 năm 1972, trên bầu trời Việt Nam đã có 4.181 máy bay quân đội Mỹ bị bắn hạ, trong đó lực lượng pháo phòng không bắn rơi 2.568 chiếc, chiếm 60%. Không quân Việt Nam bắn rơi 320 chiếc, chiếm 9%. Bộ đội Tên lửa Phòng không bắn rơi 1.293 chiếc, chiếm 31%. Trong số 4.181 máy bay bị bắn rơi, có 54 pháo đài bay B-52, trong số B-52 đó. 90% là do tên lửa đất đối không bắn rơi.

Tại sao Mỹ lại bị thất bại ở Việt Nam? Vì:

1. Nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu và Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam một cách vô tư.

2. Trong chiến đấu, quân và dân Việt Nam luôn thể hiện sự kiên cường, dẻo dai, mưu trí và thao lược.

3. Chúng ta đã biết hướng dẫn các bạn Việt Nam biết sử dụng và chiến đấu bằng khí tài hiện đại của Liên Xô, các bạn Việt Nam biết sử dụng thành công loại khí tài đó trong điều kiện chiến đấu cụ thể ở Việt Nam.

4. Điều quan trọng nhất trong cuộc chiến đấu này là yếu tố tinh thần và tâm lý đã được chuẩn bị ở mức cao.

Tôi biết ơn cuộc đời đã đưa tôi đến gần với Việt Nam hơn, ban cho tôi những người bạn chiến đấu trung thành, và chúng tôi đã được gặp nhau sau nhiều năm trong điều kiện hòa bình, không có chiến tranh.

Tất cả chúng tôi rất biết ơn ông Lê Quý Quỳnh - Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Ekaterinburg. Ngay sau khi chúng tôi trở về từ Việt Nam, ông mời chúng tôi đến Lãnh sự quán. Chúng tôi đã kể lại cho ông nghe về chuyến đi của chúng tôi. ông đã mời chúng tôi như những vị khách danh dự đến cơ quan lãnh sự đón năm mới theo lịch phương Đông - ngày 7 tháng 2 năm 2008. Năm mới của người Việt được coi là “Tết” và ngày 3 tháng 2. chúng tôi đã nhận được giấy mời đón Tết, được tổ chức tại nhà hàng “Bắc Kinh” ở Ekaterinburg.

Tổ chức cựu chiến binh khu vực của chúng tôi có trung tâm ở thành phố Ekaterinburg. là một phần của “Tổ chức Xã hội Liên khu vực các Cựu chiến binh Xô Viết đã công tác và chiến đấu ở Việt Nam”. Tổ chức của chúng tôi bao gồm tất cả các cựu chiến binh của vùng Ural. những người đã tham gia chiến đấu ở Việt Nam trong những thời điểm khác nhau của cuộc chiến tranh chống chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra. Tôi được bầu làm phó chủ tịch của tổ chức. Chúng tôi sẽ ủng hộ và giúp đỡ tất cả các cựu chiến binh.

Tôi nghĩ rằng chuyến đi của tôi tới Việt Nam và các cuộc hội ngộ với các cựu chiến binh Việt Nam cho thấy chúng tôi càng cần tích cực tuyên truyền và giáo dục giới trẻ một cách thiết thực hơn nữa tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào về Lực lượng Vũ trang của đất nước và họ sẽ là những chiến sĩ quốc tế thực sự.

Ekaterinburg, năm 2008


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Tư, 2023, 04:24:16 pm
MÁY BAY MIG TRÊN BẦU TRỜI VIỆT NAM

Isaev Petr Ivanovich

(https://i.imgur.com/0O0V3LA.jpg)

Vài nét về tác giả

Đại tá Isaev Petr Ivanovich sinh ngày 5 tháng 8 năm 1933 tại làng Grano-Mayaki vùng Altai.

Năm 1955, ông tốt nghiệp Trường Phi công Hàng không Hải quân Yeisk và được đến phục vụ trong Hạm đội Thái Bình Dương.

Trước năm 1960, ông giữ chức phi công, phi công trưởng, chỉ huy biên đội Trung đoàn Không quân chiến Năm 1960, ông được chuyển đến Trung đoàn Không quân chiến đấu thuộc Quân khu Phòng không Viễn Đông và giữ chức Biên đội trưởng.

Năm 1961, ông vào học tại Học viện Không quân Gagarin. Năm 1965, ông tốt nghiệp Học viện loại và được bổ nhiệm làm chỉ huy phi đội máy bay đấu trong Quân khu Ban Tích.

Năm 1968, ông được bổ nhiệm làm Phó chỉ huy Trung đoàn Không quân chiến đấu thuộc Quân khu Không quân Ban Tích.

Năm 1971, ông được chuyển đến Tập đoàn quân phía Bắc ở Ba Lan. Cùng năm đó, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy Trung đoàn Không quân chiến đấu.

Từ 1976 đến 1990, ông là Cộng tác viên khoa học cao cấp tại Học viện Không quân Gagarin. Sau khi được nghỉ hưu, ông tiếp tục làm Cộng tác viên khoa học cao cấp tại Học viện này.

Từ tháng 8 năm 1968 đến tháng 7 năm 1969, ông tham gia chiến đấu ở Việt Nam với tư cách là Trưởng đoàn chuyên gia Không quân Liên Xô thuộc Trung đoàn Không quân Quân chủng Phòng không - Không quân QĐND Việt Nam.

Từ tháng 12 năm 1973 đến tháng 3 năm 1976, ông làm nhiệm vụ đặc biệt ở Syria với cương vị là cố vấn cho chỉ huy Lữ đoàn Không quân chiến đấu của Quân chủng Không quân Quân đội Syria.

Ông được Chính phủ Liên Xô trao tặng Huân chương Sao đỏ, Huân chương Phục vụ Tổ quốc trong Lực lượng Vũ trang Liên Xô hạng III, Huy hiệu danh dự “Chiến binh - Quốc tế” và 15 huy chương.

Chủ tịch nước nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã trao tặng Huân chương “Chiến công” hạng III, và Huy chương “Hữu nghị”.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài hồi ức của Đại tá Isaev Petr Ivanovich.


Ban Biên soạn


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Tư, 2023, 04:25:39 pm
Máy bay MiG trên bầu trời Việt Nam

Những ngày đầu khi sắp đến Việt Nam

Tôi được cử đến Việt Nam công tác khi tôi đang công tác tại Trung đoàn Không quân chiến đấu 53 với cương vị là Trung đoàn phó. Trung đoàn chúng tôi được trang bị máy bay chiến đấu MiG-21 và đóng tại thành phố Shaulyai nước Cộng hòa XHCN Litva.

Tôi thấy rõ trong sư đoàn đã được bổ nhiệm thêm một số cán bộ chỉ huy bay: Trung đoàn phó, chỉ huy phi đội và Phó chỉ huy phi đội. Có nghĩa là trong sư đoàn đã có một số cán bộ chỉ huy dự trữ. Điều này cho phép khi cần thiết, có thể cử cán bộ chỉ huy trong sư đoàn đi công tác mà không ảnh hưởng đến việc huấn luyện chiến đấu của các đơn vị. Do đó, bất cứ ai rơi vào diện dự trữ này, đều luôn luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ đi công tác ra nước ngoài. Tôi mong ước được rơi vào diện đó.

Mơ ước này đã đến với chúng tôi. Tôi và Phó chỉ huy phi đội - Đại úy Velikanov cùng cán bộ kỹ thuật bay - Đại úy Tomilets được Chỉ huy trung đoàn triệu tập lên phòng chỉ huy. Tại đây, Trung đoàn trưởng đã giao nhiệm vụ chúng tôi chuẩn bị đi công tác đến Việt Nam.

Chúng tôi thực hiện theo trình tự: - Gặp gỡ các đồng chí trong Ban Chỉ huy để nghe những lời căn dặn và chia tay.

- Đến Hội đồng Không quân để báo cáo nguyện vọng của chúng tôi là sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ.

- Lên Moskva. Tại đây, chúng tôi được hướng dẫn trong Phòng Quân huấn, Bộ Tham mưu Không quân, và sau đó đến một cơ quan thuộc Bộ Tổng tham mưu. Ở đây, chúng tôi được Ủy ban Kiểm tra chất vấn. Riêng tôi còn phải đến một số nơi để thống kê danh sách các tài liệu kỹ thuật đã có sẵn ở Việt Nam và đặt thêm những tài liệu chưa có ở Việt Nam, nếu thấy cần thiết.

Sau khi hoàn thành mọi thủ tục trên Moskva, chúng tôi được phép về nhà chờ thông báo thời gian trở lại Moskva để lên đường sang Việt Nam. Khi đã trở về trung đoàn, chúng tôi cùng Đại úy Velikanov tích cực tham gia vào công việc bay huấn luyện. Khi thực hiện bay huấn luyện, đã xảy ra điều bất ngờ: trong thời gian máy bay đã có bom cất cánh khỏi mặt đất, trên máy bay của Velikanov, thiết bị hạ cánh bên trái bị hỏng, do đó khi hạ cánh phi công bị thương và Velikanov bị rút khỏi danh sách sang Việt Nam. Vì vậy, nhóm của chúng tôi sang Việt Nam công tác bị thiếu một phi công.

Vài ngày sau chúng tôi được gọi đến Moskva. Vợ chúng tôi cùng chúng tôi đến Thủ đô và tiễn chúng tôi sang Việt Nam.

Trước khi lên đường, chúng tôi bàn giao thẻ đảng cho Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, thực hiện những thủ tục tài chính và nhận đồng phục.

Số lượng đồng phục được phát, theo ước tính của tôi, phải đủ dùng trong ba năm. Trong tư trang được cấp có cả ủng cao su. Lúc đầu chúng tôi không muốn nhận, nhưng sau khi trao đổi với những người đã ở Việt Nam về, chúng tôi đã đồng ý đem theo. Sau này, khi đã ở Việt Nam, chúng tôi thấy đôi ủng cao su rất có ích trong khi di chuyển địa điểm, nhất là vào mùa mưa.

Sau một vài ngày, nhóm 24-26 người của chúng tôi đã được đưa đến sân bay. Nhóm này chủ yếu bao gồm các sĩ quan Bộ đội Tên lửa phòng không, chỉ có hai chúng tôi là sĩ quan không quân. Cùng đi với chúng tôi có Đại tá Polivayko Yevgeny Ivanovich, Phó trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô về nước nghỉ phép, nay trở lại Việt Nam.

Cuộc chia tay thật buồn. Vợ và người thân của chúng tôi đã khóc. Chúng tôi là những nam nhi liệu có thể trấn an vợ và những người đi tiễn được không? Mỗi chúng tôi đều thổn thức trong tim và tôi cảm nhận ai cũng mong muốn thời gian chia tay sớm kết thúc và xe buýt chở chúng tôi sẽ lao nhanh ra sân bay.

Vào thời điểm đó, mỗi ngày chỉ có một chuyến bay từ Moskva đến Bắc Kinh. Lịch bay như sau: một ngày máy bay Trung Quốc, một ngày máy bay Liên Xô.

Chúng tôi đã gặp may - chúng tôi đã bay trên chiếc Tu-104 Aeroflot cùng với phi hành đoàn hãng Hàng không Liên Xô. Trên đường bay đến Bắc Kinh, máy bay phải đỗ quá cảnh tại 2 điểm. Vào thời điểm đó, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc đã bị rạn nứt. Tại Trung Quốc đang diễn ra cuộc cách mạng văn hóa. Sau khi hạ cánh, lính biên phòng Trung Quốc lên máy bay kiểm tra hộ chiếu chúng tôi. Một sĩ quan biết nói tiếng Nga đã hỏi chúng tôi:

- Các ông bay đi đâu? Các ông là ai?

- Chúng tôi là chuyên gia và bay đến Việt Nam. - Trưởng đoàn chúng tôi trả lời.

- Chuyên gia ngành gì?

- Chúng tôi là chuyên gia về điện.

Trưởng đoàn chúng tôi dùng tay làm động tác xoáy bóng điện vào đui đèn. Viên sĩ quan biên phòng Trung Quốc gật đầu, cho thấy ông ta hiểu tất cả mọi thứ, và mời chúng tôi rời khỏi máy bay. Đi trên cầu thang xuống sân ga, chúng tôi đã nghe bài hát “Moscow - Bắc Kinh”, nổi tiếng ở cả Liên Xô và Trung Quốc. Từ chiếc loa công suất lớn, đoạn điệp khúc vang lên:

“Stalin và Mao Trạch Đông đang lắng nghe chúng ta...”. Một đoạn bài hát được trình bày bằng tiếng Nga, đoạn còn lại bằng tiếng Trung. Chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng bài hát được trình diễn dành riêng cho hành khách trên máy bay của chúng tôi. Trong hội trường nhà ga, buổi hòa nhạc được lặp lại. Nhưng đây là một dàn hợp xướng bao gồm người lớn, người già và trẻ em. Họ hát những bài hát đã từng phổ biến ở Liên Xô và Trung Quốc.

Sau khi điền vào tờ khai, chúng tôi được mời lên máy bay trên tuyến Bắc Kinh - Quảng Châu. Đó là một chiếc máy bay IL-18 và nhóm của chúng tôi là hành khách chính.

Tại Quảng Châu, chúng tôi phải nằm chờ trong hai ngày. Chúng tôi được giải thích vì thời tiết ở Việt Nam nên máy bay phải nằm chờ ở Quảng Châu. Chúng tôi được bố trí ở trong khách sạn, chúng tôi phải chi trả tiền phòng. May là khi ở Moskva, mỗi chúng tôi được cấp 25 Nhân dân tệ. Nếu ai trong chúng tôi đã tiêu một phần tiền ở Bắc Kinh, thì có thể sang ngày thứ hai, người đó đã hết tiền. Chúng tôi không biết tham khảo ý kiến ai vì ở Quảng Châu không có lãnh sự quán Liên Xô. Chúng tôi quyết định gọi điện hỏi đại sứ quán của chúng tôi tại Bắc Kinh. Chúng tôi nhận được lời khuyên từ đại sứ quán là không nên ký bất kỳ giấy tờ nào trong khách sạn hay trong nhà hàng.

Sau 10 phút, nhân viên khách sạn đã đem hóa đơn 25 Nhân dân tệ cho cuộc nói chuyện điện thoại giữa chúng tôi với Sứ quán Liên Xô. Chúng tôi chỉ có một cách duy nhất là góp nhặt tất cả số tiền còn lại của tất cả mọi người để thanh toán và ngồi trong chờ sân bay mong thời gian máy bay được cất cánh.

Hình như Ban quản lý sân bay đã nhận ra sự bối rối của chúng tôi trong vấn đề tài chính và hiểu rằng, việc giữ chúng tôi ở sân bay sẽ không còn ý nghĩa nữa, nên đã quyết định dùng máy bay IL-14 đưa chúng tôi đến Việt Nam.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Tư, 2023, 04:27:14 pm
Những ngày đầu ở Việt Nam

Tướng Yevgeny Nikolaevich ra đón chúng tôi tại sân bay Gia Lâm. Tôi rất vui khi được chuyển thư và quà của gia đình ông gửi cho ông. Sau buổi gặp này, Tướng Yevgeny Nikolaevich đưa tôi đến sứ quán Liên Xô gặp Lãnh đạo đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô.

Khi trò chuyện với tôi, điều quan tâm đầu tiên của ông là công việc ở các đơn vị trong sư đoàn ở trong nước như thế nào? Sau đó, ông giới thiệu cho tôi về tình hình chính trị quân sự ở Việt Nam và tình hình trong lực lượng Phòng không - Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuối cuộc trò chuyện, ông cho tôi những lời khuyên cần chú ý những gì trong công tác sắp tới. Ông nhấn mạnh vào việc cần nâng cao chất lượng huấn luyện chiến thuật bay và kỹ năng chiến đấu cho cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn, tăng cường công tác kiểm tra việc chuẩn bị máy bay và trang bị cho các chuyến bay cũng như các vấn đề khác.

Ngày hôm sau, tôi được giới thiệu đến gặp Tùy viên quân sự của đại sứ quán. Sau đó, tôi đã gặp Phó Tùy viên quân sự Shport Ivanov Petrovich, nguyên là phi công. Tiếp theo, tôi được Tướng Antsipherov giới thiệu với các đồng nghiệp của tôi đang công tác tại sân bay Nội Bài.

Vào thời điểm đó, thời tiết ở Việt Nam đang là mùa mưa, đường xá nhiều chỗ bị ngập nước, chiếc xe “Volga” chở chúng tôi, có khi bị nước tràn vào trong khoang, chúng tôi phải giơ chân lên để nước không vào ủng.

Các chuyên gia hàng không của nhóm chúng tôi sống trong một khuôn viên ngôi chùa cách không xa sân bay.

Trong sân chùa, dưới làn cây cổ thụ, các chuyên gia - đồng nghiệp và đồng đội của tôi đang đứng chờ đón tướng Antsipherov và tôi. Chúng tôi vui mừng được gặp nhau trên mảnh đất lửa Việt Nam. Tướng Yevgeny Nikolaevich giới thiệu tôi với các đồng nghiệp của tôi. Một cuộc trao đổi về công việc đã diễn ra. Các chuyên gia đã báo cáo những vấn đề mới phát sinh trong quá trình làm việc và đề xuất cách giải quyết. Sau đó, chúng tôi đi thăm nơi ở của các chuyên gia, như: nhà ở, nhà bếp, phòng ăn, v.v... Các chuyên gia trong đoàn ở trong ba ngôi nhà liền kề với ngôi chùa. 1 nhà dành riêng cho các phi công. Trong nhà có 4 giường trải ga trắng, trong đó có giường cho tôi. Các chuyên gia còn lại sống trong hai ngôi nhà. Có một ngôi nhà gỗ riêng biệt dành cho các chuyên gia lắp ráp máy bay mới được đưa từ Liên Xô sang Việt Nam. Tất cả các cửa ra vào, cửa sổ trong các nhà chúng tôi ở đều không có cánh... Tôi nhìn thấy những chiếc bảng nhỏ treo trên tường với dòng chữ: “Quảng trường của những giấc mơ”, trên các tấm bảng đó, các đồng đội của tôi dán những bức thư nhận được từ nhà, họ muốn bày tỏ nỗi buồn khi nhớ về quê hương, nhớ người thân và bạn bè.

Nhìn vào tất cả những điều này, tôi nghĩ, nhân dân chúng ta mạnh đến mức nào, và trong những điều kiện khó khăn, họ không mất đi tinh thần kiên cường và thậm chí cả năng khiếu hài hước.

Sau khi làm quen với tình hình của đoàn, tôi và Tướng Yevgeny Nikolaevich được mời vào phòng ăn trưa.

Ngày hôm sau, tôi được trang bị mũ sắt, đồng phục bay đã qua sử dụng, súng lục, thẻ chuyến bay và một tài liệu xác nhận rằng tôi là công dân Liên Xô đến Việt Nam để giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống quân xâm lược Mỹ và đề nghị công dân Việt Nam giúp đỡ tôi, trên tay áo bay của tôi có phù hiệu không quân Việt Nam. Các giấy tờ đó phải luôn luôn trong người tôi, đặc biệt khi tôi đang bay.

Tôi có nguyện vọng nhanh chóng được đến sân bay để gặp gỡ các lãnh đạo và phi công của Trung đoàn. Nhưng người đứng đầu văn phòng nói với tôi rằng ngày mai, chỉ huy trung đoàn sẽ tổ chức một buổi chiêu đãi chào mừng tôi đã đến Việt Nam và sau đó tôi có thể bắt tay vào công việc.

Tất cả các chuyên gia trong đoàn đều được mời đến dự chiêu đãi. Trung tá Trần Hanh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung đoàn trưởng dẫn đầu đoàn sĩ quan Việt Nam. Ông cảm ơn những người con Xô Viết đã gác lại nỗi nhớ gia đình để đến Việt Nam giúp đỡ quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ. Ông chúc anh em chúng tôi thành công trong công việc. Tôi thay mặt đoàn chuyên gia, cảm ơn Chỉ huy Trung đoàn đã đón tiếp chúng tôi rất thân mật và hứa với đồng chí Trung đoàn trưởng rằng chúng tôi sẽ đem tất cả sức lực, kiến thức và kinh nghiệm của mình để góp phần nhỏ bé của mình vào chiến thắng sắp tới của các bạn Việt Nam.

Ngày hôm sau, toàn đoàn chúng tôi đã đi đến sân bay. Ở đó, tôi gặp các đồng chí phi công đang trực chiến. Họ nói với tôi rằng, hiện nay máy bay địch ngừng đánh bom Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu ở gần hai thành phố đó. Chúng chuyển hướng ném bom xuống các mục tiêu ở phía Nam Hà Nội và các máy bay tiêm kích của Trung đoàn đang tiến hành không chiến trong khu vực đó. Còn khu vực Hà Nội và Hải Phòng, Mỹ dùng máy bay không người lái tiến hành trinh sát. Tôi đã được chứng kiến điều này vào ngày thứ hai của tôi ở Việt Nam, tôi đã nhìn thấy một máy bay trinh sát không người lái bay qua chúng tôi ở độ cao 200 mét. Bộ đội phòng không đã bắn máy bay trong suốt tuyến đường bay của nó, nhưng tất cả đạn đều nổ sau đuôi máy bay. Tôi nhớ khi đó chúng tôi hét lên: “Tăng độ bắn đón lên!”.

Tại sân bay, tôi nhận thấy số lượng máy bay có ít. Sau này, tôi mới hiểu quyết định đúng đắn của Bộ Tư lệnh Không quân và Trung đoàn chỉ để một phi đội trực chiến, còn những chiếc máy bay khác đều đưa vào trong núi. Dùng máy bay trực thăng Mi-6 để vận chuyển máy bay MiG vào núi.

Bộ Tư lệnh Không quân hiểu rằng mối tương quan giữa 2 lực lượng không quân, thì không quân Mỹ chiếm ưu thế. Vì vậy, các bạn Việt Nam đã cố gắng bằng mọi cách bảo toàn được máy bay chiến đấu nói trên và chỉ đánh vào kẻ thù trên không vào thời điểm thuận lợi. Bộ Chỉ huy hiểu rằng việc mất máy bay chiến đấu trong các trận không chiến là tổn thất chính đáng, còn tổn thất trên mặt đất là một tổn thất không xứng đáng đối với nhân dân Việt Nam.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Tư, 2023, 04:29:05 pm
Tham gia huấn luyện bay chiến đấu

Tôi nhanh chóng tham gia công việc huấn luyện bay. Đầu tiên, cần phải đào tạo một số phi công biết tiêu diệt các mục tiêu mặt đất. Với mục đích này, các bạn Việt Nam đã dùng một tấm bảng màu trắng làm mục tiêu và đặt nó gần đường băng. Bài thực hành được thực hiện theo phương án: 1 phi công Liên Xô và 1 phi công Việt Nam cùng ngồi trên một máy bay huấn luyện chiến đấu MiG-21 Y. Chiến thuật như sau:

- Lần thứ nhất, phi công Liên Xô cho máy bay tiếp cận các mục tiêu ở độ thấp (50 mét), sau đó thực hiện chiến đấu bằng cách cho máy bay bổ nhào với góc 30-40 độ, rồi ngắm mục tiêu và bắn bằng chụp ảnh hoặc ném bom bằng chụp ảnh.

- Lần bay thứ hai, phi công Việt Nam thực hiện các động tác trên.

Kết thúc chương trình này là bài thực hành bắn và ném bom mục tiêu trên trường bắn. Cùng với các chuyến bay huấn luyện chiến đấu theo kế hoạch, các phi công Việt Nam cũng thường xuyên được bay lên không trung để thực hiện nhiệm vụ bắn vào máy bay địch.

Ngay khi mới bắt đầu công việc huấn luyện bay, tôi đã gặp hai sự cố quan trọng.

- Thứ nhất: Một trong những chuyến bay thử nghiệm sau bảo dưỡng định kỳ, động cơ máy bay đã có sự cố - dừng lại. Bản chất của việc bay thử là kiểm tra tất cả các hệ thống máy bay ở tốc độ siêu âm tối đa và chiều cao tối đa. Hôm đó, chính tôi là người lái máy bay.

Sau khi cất cánh và chọn độ cao 5000 m, tôi bật động cơ ở chế độ đốt tối thiểu nhằm mục đích để động cơ vào lớp nhiệt khí quyển nhanh hơn và tiêu thụ nhiên liệu cũng ít hơn. Đây là lớp khí quyển giữa tầng đối lưu và tầng bình lưu, đặc trưng của lớp khí quyển này là nhiệt độ ở ngưỡng âm tối thiểu, đảm bảo lực đẩy tối đa cho động cơ, có nghĩa là tốc độ bay sẽ nhanh hơn. Sau khi đã vào lớp này, tôi bật bộ đốt ở chế độ đầy đủ và bắt đầu tăng tốc. Ở tốc độ M = 1.7 (tốc độ của máy bay lớn hơn tốc độ âm thanh 1,7 lần), có tiếng nổ mạnh và động cơ dừng lại. Tất cả các động tác tiếp theo của tôi được thực hiện đúng theo tài liệu hướng dẫn cho phi công. Sau khi rẽ vào sân bay, tôi thấy mình đang ở trên đường hạ cánh khoảng cách 100 km. Sân bay hoàn toàn có thể nhìn thấy và tôi tiếp tục hạ xuống độ cao đáng tin cậy (8000 m). Ở độ cao này, tôi khởi động động cơ. Nhưng trong quá trình giảm độ cao, máy bay bắt đầu rung lắc và độ rung lắc đó tăng dần khi máy bay giảm độ cao và giảm tốc độ vòng quay của động cơ. Ở độ cao 100-150m, máy bay bị rung lắc tăng lên rất nhiều đến nỗi việc theo dõi kim đồng hồ trên máy rất khó khăn. Và ở độ cao 50 m, trong tôi lóe lên ý nghĩ cần phải nhảy dù. Máy nhảy dù hiện đại sẽ đảm bảo an toàn cho phi công ngay cả khi máy bay đã ở độ cao cực thấp. Nhưng tôi vẫn mong muốn cho máy bay hạ cánh, vì tôi đã tiếp cận đường băng, nên ý nghĩ nhảy dù trong tôi đã bị dập tắt. Ở độ cao cân bằng, tôi tắt động cơ. Đương nhiên, chiếc máy bay đột ngột rơi xuống đất. Lúc này, tôi nhanh chóng và lấy hết lực kéo cần điều khiển vào lòng và duy trì tốc độ đã được tăng lên theo kế hoạch... Máy bay đã hạ cánh khá mềm. Trên đường băng, tôi thả chiếc dù kéo và giải phóng làn đường theo quán tính.

Trong khi các kỹ sư và kỹ thuật viên của chúng tôi đang kiểm tra máy bay, tôi đã phân tích hành động của mình trong chuyến bay không dễ dàng này. Tôi nhớ lại những tình huống khác không có trong lý thuyết mà tôi phải rơi vào cuộc đời bay gần hai mươi lăm năm của mình, và tôi đã ngạc nhiên rằng chỉ trên chuyến bay này, lần đầu tiên tôi có ý nghĩ về việc cần phải rời khỏi máy bay.

Sau khi kiểm tra máy bay, các kỹ sư và kỹ thuật viên đã đưa ra ý kiến nhất trí rằng lý do dừng động cơ và sự xuất hiện của máy bay rung lắc mạnh ở tốc độ thấp là vì một phần của một trong các ổ trục cánh quạt của động cơ bị hỏng.

Sự cố thứ 2: Một lần tôi lên Trung tâm chỉ huy và kiểm soát các chuyến bay để tìm hiểu thiết bị của Trung tâm chỉ huy (hay còn gọi là Chỉ huy sở - ND). Chính trong thời gian đó, đồng chí Trung đoàn trưởng đang trên máy bay và cho máy bay hạ cánh. Thời tiết rất đẹp, tầm nhìn quá tốt, trong ngành hàng không chúng tôi xếp tầm nhìn như thế này vào loại “triệu phần triệu”. Từ trên chỉ huy sở tôi nhìn thấy máy bay do Trung đoàn trưởng lái, tôi thấy máy bay đang hạ cánh mà càng lại không được mở. Tôi ra lệnh cho đồng chí phiên dịch nói với người chỉ huy chuyến bay trên Chỉ huy sở phải thông tin cho phi công biết máy bay không mở càng. Vì người chỉ huy chuyến bay không biết tiếng Nga, tôi đã phải nói với người phiên dịch nhiều lần để yêu cầu người chỉ huy chuyến bay ra lệnh cho phi công đi vòng thứ hai. Nhưng máy bay, khi đã vào đường băng, bắt đầu hạ cánh. Tôi chộp lấy khẩu bắn pháo hiệu đúng lúc máy bay đang ở độ cao cân bằng, tôi đã bắn về phía máy bay. Quả đạn pháo hiệu đỏ bay qua buồng lái. Chiếc máy bay đã vọt lên, và tôi nghĩ rằng phi công đã hiểu được tín hiệu, bắt đầu đi đến vòng thứ hai. Tuy nhiên, chiếc máy bay đã bị bắn lên do lỗi phi công trong lấy cân bằng. Phi công đã sửa chữa chính xác và cho máy bay không mở càng, hạ cánh trực tiếp xuống đường băng.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Tư, 2023, 04:30:20 pm
Chiếc máy bay bị khói bao trùm, bị đe dọa không thể tránh khỏi vụ nổ. Nhưng cột khói này dừng lại, khói tan nhanh và chúng tôi nhìn thấy chiếc máy bay năm trên đường băng và một phi công đứng gần máy bay. Chúng tôi nhanh chóng lên xe và lao tới chỗ máy bay. Trên đường đi, chúng tôi thấy 4 quả rocket đều bị gãy làm 2 và nằm xung quanh máy bay và một người đen đứng bên cạnh. Tôi chạy đến máy bay. Trời ơi! Tôi nhận ra đồng chí Trung đoàn trưởng đang trong trang phục của một phi công thực hiện chuyến bay tầm cao. Tôi nghĩ rằng đồng chí Trung đoàn trưởng đã không bay từ lâu rồi, bởi vì trong thời gian ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ thấy đồng chí ở sân bay. Và đột nhiên, vào sáng sớm hôm nay, đồng chí ấy quyết định bay lên một tầm khá cao với gia tốc tốc độ tối đa. Đồng chí ấy thực hiện chuyến bay này với mục đích gì? Đối với tôi, nó vẫn còn là một bí ẩn.

Tôi đến gần máy bay và hỏi Trung đoàn trưởng: “Đồng chí Trần Hanh! Chuyện gì đã xảy ra? ông trả lời: “Càng máy bay không mở”. Nhưng trên thực tế, mọi thứ đơn giản hơn: sau khi cất cánh và làm sạch khung gầm, ông quên đặt cần trục về vị trí trung lập theo đúng yêu cầu của tài liệu hướng dẫn cho phi công, và khi hạ cánh, khi thả càng, ông đã đẩy cần trục xuống, như thế cần trục đã ở vị trí kéo càng lại. Có nghĩa là phi công thực sự chỉ đưa cần điều khiển đến vị trí trung lập, và không đưa cần gạt về vị trí mở càng. Một tuần sau, chúng tôi gặp ông. Ông ngượng ngùng và nói với tôi: “Đồng chí Isaev, có lẽ đồng chí đã thấy tổn thất đầu tiên trong chiến đấu ở Việt Nam”, ông mỉm cười buồn, ông rất buồn về những gì đã xảy ra, tôi đã cố gắng để trấn tĩnh ông. Tôi nói với ông: “Trong ngành hàng không, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng không được thất vọng, mà phải tiếp tục làm việc để chiến thắng”.

Các chuyên gia Liên Xô cùng với các đồng chí Việt Nam đã làm tất cả những gì mà tình hình lúc đó yêu cầu. Ví dụ, trong điều kiện người Mỹ bắt đầu tiến hành trinh sát trên không bằng máy bay không người lái có thả nhiễu tích cực. Điều này đã gây khó khăn cho các phi công của Trung đoàn để đánh chặn và tiêu diệt chúng. Chúng tôi cần phải nghiên cứu tình hình và nghiên cứu chiến thuật hành động của máy bay tiêm kích trong những điều kiện này. Để nghiên cứu tình hình, chúng tôi đã cùng với đồng chí phiên dịch Tran Van Van đi bộ đến khu vực đặt ra đa, nơi đảm bảo các hoạt động chiến đấu của Trung đoàn Không quân. Trên đường đi, chúng tôi gặp một con sông nhỏ. Một cô gái mỏng manh lái đò, khách qua sông chỉ phải trả một khoản tiền nhỏ. Cô ấy chở chúng tôi sang sông, nhưng khi biết tôi là một phi công Liên Xô, cô đã từ chối nhận tiền của chúng tôi. Sau đó, chúng tôi đi dọc theo con đường hẹp đi qua một ngôi làng nhỏ. Tôi đi phía trước, đồng chí Van đi phía sau. Dân làng nhanh chóng rời khỏi nhà, xếp hàng dọc theo lối đi và nhìn chúng tôi một cách giận dữ. Tôi cảm thấy có gì đó không ổn, nhanh chóng quay lại hỏi đồng chí phiên dịch để làm rõ tình hình, tại sao dân làng lại nhìn chúng ta không có thiện cảm? Và... tôi phát hiện ra một bức hình như sau: Van đang cầm một cây gậy dùng để dọa rắn, trông cây gậy giống như một khẩu súng máy, chẳng khác nào Van đang áp tải một phi công Mỹ! Chà..., nó giống như một bản sao của bức ảnh nổi tiếng trong thời kỳ đó ở Việt Nam “Nữ dân quân Kim Lai và tù nhân - một phi công Mỹ”. Tôi đã nói với Van: “Van oi! Chẳng lẽ bạn lại đùa như thế?”. Và Van đã nhanh chóng nói điều gì đó với cư dân và cười lớn. Sau khi Van ngắt tiếng cười, đôi mắt của người dân ấm lên, và họ bắt đầu mỉm cười. Khi đã đến nơi, tôi nhanh chóng ngồi cạnh sĩ quan chỉ huy đang ngồi trước màn hình ra đa và chúng tôi cùng nhau kiểm soát tình hình trên không.

Dường như theo đơn đặt hàng của chúng tôi, người Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị phóng loại máy bay trinh sát không người lái. Đầu tiên, máy bay gây nhiễu Cu-130 đi vào khu vực phóng máy bay trinh sát và máy bay gây nhiễu đó bay một vòng khép kín. Kinh nghiệm cho thấy, nó có thể bay từ vài phút đến 1-2 giờ. Tiếp theo, trên màn hình, có thể thấy hai máy bay cùng xuất hiện và cùng nằm trong các vùng hai bên sườn của tàu sân bay ở một khoảng cách hợp lý với nhau.

Chúng tôi đã cùng với các bạn Việt Nam tìm ra biện pháp chống lại thủ đoạn xảo quyệt này của không quân Mỹ. Đây là bí mật quân sự của 2 quân đội, tôi chỉ nêu một vài ví dụ:

Để thực hiện chiến thuật chiến đấu với máy bay trinh sát không người lái, Trung đoàn đã thành lập hai nhóm, một nhóm bao gồm các phi công Liên Xô đóng vai trò máy bay không người lái. Nhóm thứ hai bao gồm các phi công Việt Nam đóng vai trò là máy bay chiến đấu. Giả định, khu vực làm nhiệm vụ trực ban của máy bay chiến đấu được đặt trên sân bay và các máy bay trinh sát phải đột ngột bay ở tầm thấp qua khu vực này với các đường bay khác nhau. Như thế, máy bay chiến đấu không biết kế hoạch bay của máy bay trinh sát. Do đó, mục đích chính của các chuyến bay như vậy là để kiểm tra sự cơ động của máy bay chiến đấu khi gặp máy bay trinh sát không người lái từ các góc độ khác nhau. Những chuyến bay như vậy đã giúp mở rộng tầm nhìn chiến thuật của các phi công, thực hiện nhiệm vụ phá hủy máy bay trinh sát trên không.

Trong thời gian tới, theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân Việt Nam, các phi công Liên Xô phải thực hiện một nhiệm vụ rất khó khăn. Trước khi nhận nhiệm vụ, tôi được hỏi: liệu các phi công của chúng tôi hiện nay có thể bay trên máy bay MiG-17 và UTI MiG-15 hay không. Câu hỏi thật bất ngờ. Tại sao phải đổi sang máy bay lỗi thời nếu chúng tôi đến một Trung đoàn được trang bị các loại máy bay chiến đấu MiG-21 mới. Tôi đã trả lời một cách khẳng định rằng các phi công Liên Xô đã lái những chiếc máy bay này và bây giờ có thể lái chúng được.

Nhiệm vụ được giao là huấn luyện phi công của hai trung đoàn điều khiển công nghệ bay trên biển ở độ cao cực thấp, và ném bom vào tàu của địch. Cần phải đào tạo bốn phi công từ trung đoàn MiG-21 và 4 phi công từ trung đoàn MiG-17.

Chúng tôi đã thông qua phần thứ nhất của nhiệm vụ. Do có kinh nghiệm khi bay trên biển, cho phép các phi công Việt Nam tự tin truy đuổi một máy bay địch đang bay ra phía biển và không cho kẻ địch thoát khỏi cuộc tấn công của ta. Mặc dù các phi công của chúng tôi đã hoài nghi về việc huấn luyện ném bom các mục tiêu trên biển, nhưng họ đã không nói điều này với các bạn Việt Nam, họ đã quyết định sau này mới nói.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Tư, 2023, 04:32:07 pm
Bản chất của phương pháp ném bom này như sau: máy bay tiếp cận tàu của kẻ thù ở độ cao cực thấp, tương xứng với chiều cao của cột buồm của nó, và hướng vuông góc với thân tàu. Không cần đến sát con tàu, thả một quả bom xuống một điểm đã được tính toán, bom bắt đầu bật trở lại. Ở giai đoạn đầu tiên, khi bom rời khỏi nước, nó sẽ đâm vào mạn tàu. Phương pháp này đã được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Tuy nhiên, kết quả của các chuyến bay nghiên cứu được thực hiện ở vùng Baltic, mà người thực hiện là các phi công của Trung đoàn chúng tôi, trong đó có tôi, cho thấy việc ném bom hàng đầu vào máy bay tốc độ cao hiện đại là không hiệu quả. Chúng tôi quyết định nói với các đồng chí Việt Nam về điều này sau khi thực hành kỹ thuật thí điểm trên biển.

Trong khi đó, đội tham gia các chuyến bay này đã được lệnh di chuyển đến sân bay Hải Phòng. Các chuyên gia của chúng tôi, trong đó có các phi công, đã đi đến Hải Phòng bằng đường bộ, các phi công Việt Nam đã chuyển máy bay đến sân bay Cát Bi Hải Phòng.

Tại Hải Phòng, đang chờ chúng tôi là các phi công từ một trung đoàn khác đến đây trên máy bay MiG-17 và UTI MiG-15. Tất cả đã được tập trung đầy đủ. Chúng tôi nhanh chóng bắt đầu chuẩn bị cho chuyến bay. Lúc đầu, các đồng chí Việt Nam làm quen với chúng tôi về tình hình hàng hải và hàng không trong khu vực các chuyến bay sắp tới và những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bay, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị sơ bộ về cách giải quyết những vấn đề này.

Đầu tiên, ở khoảng cách 80 - 100 km từ bờ biển, có hai hàng không mẫu hạm. Đương nhiên, nếu chúng tôi bị phát hiện, máy bay chiến đấu của địch có thể sẽ cất cánh để tiêu diệt hoặc, tốt nhất, hất cẳng chúng tôi ra khỏi khu vực. Do đó, chúng tôi được tư vấn trong trường hợp máy bay chiến đấu của Mỹ đến khu vực của chúng tôi, theo lệnh của Bộ Chỉ huy, chúng tôi phải nhanh chóng rời khỏi không phận trên biển và đi ra ngoài hành lang đến bờ biển, chiếm khu vực chờ của chúng tôi.

Thứ hai, có rất nhiều ngư dân Việt Nam trên biển, và trên mỗi tàu đánh cá đều có súng máy phòng không, và chúng tôi lại không có mối liên hệ nào với họ, có nghĩa là không thể báo trước cho họ về sự xuất hiện của chúng tôi ở trên đầu họ.

Các đồng chí Việt Nam khuyên chúng ta không nên đến gần những con tàu này. Các phi công của chúng tôi chỉ ra hai vấn đề khó giải quyết hơn. Vấn đề đầu tiên là không một phi công nào đến từ một trung đoàn khác biết tiếng Nga. Để giải quyết vấn đề này trong những tình huống khó, chỉ có thể tự mình điều khiển máy bay. Vấn đề thứ hai, máy bay UTI MiG-15 chỉ được trang bị một súng máy, không cho phép chống lại các máy bay chiến đấu của kẻ thù một cách hiệu quả. Vấn đề đã được giải quyết bằng cách rời khỏi khu vực vào vùng chờ.

Với quyền hạn của một trưởng nhóm, và tính đến việc gần đây tôi cũng là là một phi công trên biển, chuyến bay trinh sát đầu tiên tôi quyết định tự thực hiện trên một chiếc máy bay UTI MiG-15 với một phi công từ một trung đoàn lân cận. Trước khi bay, thông qua một phiên địch, tôi chỉ đưa ra cho người phi công đó một chỉ thị: chúng tôi bay ra biển ở độ cao 2000 mét.

Bay ra biển dọc theo hành lang định trước. Một bức tranh toàn cảnh biển mở ra trước mắt chúng tôi: mặt biển phẳng lặng mịn màng với hàng trăm tàu đánh cá. Tôi lập tức nhận ra rằng đề nghị của các đồng chí Việt Nam - không được đến gần các tàu đánh cá trong điều kiện như vậy - là không thể chấp nhận được. Khi thực hiện bất kỳ thao tác nào ở độ cao cực thấp, sẽ không thể bỏ qua các tàu đánh cá này. Ví dụ, nếu chúng tôi thực hiện một ngã rẽ ở độ cao 10-50 mét với tốc độ 800-900 km mỗi giờ, thì bán kính quay vòng sẽ là 8-11 km. Điều này có nghĩa là với mật độ của các tàu đánh cá dày đặc như thế, khi chúng tôi thực hiện số quay vòng sẽ bay qua một tàu đánh cá. Chỉ có một lối thoát duy nhất là - cần phải làm mọi thứ để các thuyền viên của những con tàu đánh cá hiểu rằng đây là máy bay của Việt Nam đang bay ở độ cao mà súng máy cao xạ có thể bắn hạ được máy bay, đồng thời ở độ cao này cho phép ngư dân phân biệt được dấu hiệu trên máy bay... Sau khi đưa ra quyết định như vậy, tôi điều khiển máy bay và bắt đầu hạ xuống độ cao 1500 mét. Đột nhiên, một lệnh được phát ra từ Chỉ huy sở. Trong lệnh đó, tôi chỉ hiểu có một từ cảnh báo về sự nguy hiểm - đó là từ “MI”. Tôi đã biết - nó có nghĩa là “Người Mỹ!”. Phi công Việt Nam nhanh chóng nắm lấy quyền điều khiển máy bay, và sau khi thực hiện một động tác đầy năng lượng, đồng nghiệp của tôi đã hướng máy bay về bờ biển đến khu vực chờ. Vì vậy, trong một chuyến bay, chúng tôi đã bay ra biển ba lần và quay lại, như thể đang chơi trò “mèo và chuột” với người Mỹ.

Cách làm trên đã diễn ra tương tự trong các chuyến bay khác và với các phi công khác. Kết quả cuối cùng là các ngư dân đã nhận ra chúng tôi là người của mình, và chỉ sau một ngày, chúng tôi đã bay trên họ ở độ cao có thể thấp nhất, thực hiện kỹ thuật bay thí điểm. Họ vẫy tay chào đón chúng tôi, còn chúng tôi đáp lại họ bằng nhiều thủ thuật khác nhau trên máy bay.

Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chúng tôi đã hỏi các phi công Việt Nam tại sao họ cần phải thành thạo ném bom từ độ cao khá lớn. Họ trả lời rằng họ muốn đánh chìm tàu sân bay. Tôi không biết, bạn ấy nói đùa hay nghiêm túc. Nhưng sau đó, chúng tôi đã giải thích với họ rằng phương pháp ném bom vào máy bay tốc độ cao này là không hiệu quả, và việc sử dụng máy bay chiến đấu chống lại tàu sân bay là không khôn ngoan. Chúng tôi không biết điều gì đã ảnh hưởng đến Bộ Chỉ huy Việt Nam, nhưng sau khi thực hiện kỹ thuật thí điểm trên biển, chương trình đã bị đóng cửa và chúng tôi trở lại sân bay Nội Bài.

Và chúng tôi lại bắt đầu các chuyến bay chuyên sâu, bây giờ vào ban đêm. Cần phải khôi phục kỹ năng bay của các phi công, những người trước đây đã từng bay vào ban đêm và chuẩn bị hai phi hành đoàn (8 phi công mới). Những phi công đã từng bay, mặc dù họ đã nghỉ bay vào ban đêm, nhưng chỉ sau 2-3 chuyến bay với người hướng dẫn của chúng tôi, họ đã bay độc lập. nhưng chúng tôi phải làm việc đầy đủ lực lượng với những người mới bắt đầu.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Tư, 2023, 04:33:45 pm
Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm đơn vị

Tôi nhớ một ngày, khi tôi được đồng chí phiên dịch Van đến gặp và thông báo rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng sẽ đến thăm Trung đoàn vào ngày mai và Bộ trưởng cần các phi công Liên Xô giới thiệu thuật lái của mình cho Bộ trưởng xem. Tôi đề nghị đồng chí phiên dịch hỏi Trung đoàn trưởng tại sao Trung đoàn không muốn giới thiệu thuật lái của các phi công Việt Nam cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng từ Trung đoàn đã có thông tin xác nhận rằng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng muốn xem thuật lái của các phi công Liên Xô. Hai giờ sau, Tướng Antsipherov đã đến chỗ chúng tôi. Ông giải thích thực chất của cuộc biểu diễn thuật lái sắp tới của các phi công Liên Xô. Tướng Antsipherov và tôi nhanh chóng phác thảo kế hoạch trình diễn, trong đó nêu rõ thứ tự các phi công sẽ cất cánh trên máy bay nào để thực hiện các bài trình diễn.

Kể cả việc dùng thiết bị hạ cánh nào sẽ rút ngắn thời gian chạy trên đường băng cũng được phổ biến cho từng phi công. Ví dụ:

- Phi công thứ nhất rút ngắn được thời gian nói trên bằng cách thả cánh hạ về vị trí hạ cánh.

- Phi công thứ hai còn bổ sung thêm một động tác nữa là mở chiếc dù phanh khi máy bay đang chạy trên đường băng.

- Phi công thứ ba còn áp dụng hệ thống SPS (CПC) (hệ thống này thổi lớp không khí biên ra khỏi cánh, vì lớp không khí biên làm tăng lực nâng máy bay, có nghĩa là làm giảm tốc độ hạ cánh).

- Phi công thứ 4 áp dụng tất cả các biện pháp trên. Nhưng phi công này lại cho mở dù phanh trước khi máy bay hạ cánh.

Nhưng trong kế hoạch không nêu phi công cần thực hiện cụ thể phương án nào. Tất cả các phi công đều là những người có kinh nghiệm và mỗi cá nhân phải thể hiện kỹ năng của mình, có nghĩa là mỗi người có một thủ thuật riêng, giống như nét chữ của mỗi người.

Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi đã có mặt ở sân bay. Các máy bay đã sẵn sàng cất cánh và xếp thành một hàng trên đường băng. Chúng tôi vừa ổn định đội ngũ, xe “volga” đã đưa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến, ông mặc quân phục. Trong xe, ngoài tài xế, còn có cô con gái 8-10 tuổi của Bộ trưởng, và trên ghế phía sau là một khẩu súng săn. Bộ trưởng chào chúng tôi và nói rằng, ông được nghỉ vài ngày và ông quyết định đi săn. Trên đường đi, ông quyết định đến thăm các phi công.

Tướng Antsipherov mời Bộ trưởng leo lên Sở Chỉ huy. Và theo kế hoạch đã định, tôi và Sasha Mironov vào vị trí số 1 trên máy bay huấn luyện chiến đấu MiG-21Y: Sasha vào buồng lái trên cùng, còn tôi vào buồng lái phía sau. Sasha nổ máy và bắt đầu cho máy bay cất cánh. Đột nhiên, máy bay bắt đầu chuyển hướng sang phải đường băng và Sasha hét lên với tôi qua bộ đàm (SPU): “Phanh không làm việc!”. Tôi nhanh chóng nắm lấy cần điều khiển phanh, nhưng phanh không có tác dụng và máy bay từ từ trượt khỏi đường băng. Bánh sau máy bay chạm vào đèn ranh giới sân bay và dừng lại. Tôi tắt máy. Tướng Antsipherov nhanh như sóc, từ Chỉ huy Sở chạy xuống, đến chỗ chúng tôi và tức giận hỏi: “Có chuyện gì vậy?” Chúng tôi báo cáo ông về việc phanh không làm việc, ông ra lệnh cho tôi “Isaev, nhanh chóng lên máy bay chiến đấu!”. Tôi chạy đến máy bay chiến đấu MiG-21 và Thiếu tướng còn hét đuổi theo: “Bình tĩnh, không quá xúc động!”. Tôi trả lời “Rõ!” và nhanh chóng nhảy vào cabin, khởi động động cơ. Sau khi cất cánh và thu càng về vị trí “đóng”, cuộc trình diễn bắt đầu. Sau khi hoàn thành toàn bộ bài trình diễn, tôi cho máy bay hạ cánh với phương án cho mở dù hãm. Tôi cũng thấy một máy bay chiến đấu khác cất cánh nối tiếp máy bay tôi. Chúng tôi đã lần lượt biểu diễn thuật bay cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Khi đã trở về mặt đất, tôi hỏi các đồng nghiệp: “Các bạn đánh giá cuộc trình diễn của tôi thế nào?”. Các bạn tôi trả lời: “Bình thường! Lá cờ trên nóc đài chỉ huy đã bay phất phới, khi máy bay của anh bay trên đài chỉ huy ở độ thấp”.

Sau buổi trình diễn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã rời khỏi Chỉ huy Sở, đến gặp các phi công chúng tôi và cảm ơn tất cả mọi người về chương trình trình diễn thú vị. Tiếp đó, Bộ trưởng năm lấy khuỷu tay tôi và kéo tôi sang một bên và hỏi: “Các phi công Việt Nam có thể trình diễn được như các đồng chí không?”. Tôi báo cáo với Bộ trưởng, các đồng chí phi công Việt Nam đã tốt nghiệp trường bay ở Liên Xô, nơi họ được các giảng viên giàu kinh nghiệm huấn luyện, và bây giờ chúng tôi đang giúp họ tiếp tục hoàn thiện tốt hơn nữa kỹ năng bay của họ. Tất nhiên, các phi công Việt Nam có thể trình diễn cho Bộ trưởng thấy một chương trình tuyệt vời. Bộ trưởng nói: “Cảm ơn”.

Trung đoàn trưởng mời tất cả mọi người đang có mặt đến bàn uống nước trà. Một chiếc bàn dài nằm giữa 2 hàng ghế được đặt dưới mái che. Trung đoàn trưởng Trần Hanh ngồi cạnh Bộ trưởng Quốc phòng, tôi ngồi đối diện với Bộ trưởng. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện ngẫu nhiên về các chủ đề khác nhau. Và đột nhiên, Bộ trưởng nhìn tôi và hỏi tôi một câu hỏi bất ngờ: “Mối quan hệ giữa đồng chí với đồng chí Trung đoàn trưởng ở đây như thế nào?”. Trước câu hỏi này tôi thậm chí bị nao núng. Nhưng, không do dự, tôi báo cáo Bộ trưởng rằng, giữa tôi và đồng chí Trung đoàn trưởng có mối quan hệ công tác tốt. Tất cả đều im lặng và chủ đề này đã không được nhắc lại nữa. Còn tôi, sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu câu hỏi đó với tôi, tôi đã tự hỏi mình: “Bây giờ, bạn đã hiểu tại sao trên đường đi săn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lại quyết định rẽ vào sân bay thăm các phi công”.

Buổi uống trà kết thúc, mọi người đứng dậy khỏi bàn. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ôm vai đồng chí Trung đoàn trưởng, cùng nhau đi bách bộ và nói chuyện với nhau trên đường băng khoảng một giờ.

Mặc dù đôi khi có sự bất đồng giữa các chuyên gia Liên Xô và các đồng chí Việt Nam về một vấn đề nào đó, song họ không bao giờ để xảy ra mất đoàn kết hoặc mất niềm tin lẫn nhau và không bao giờ để xảy ra hậu quả tiêu cực khác. Chúng tôi luôn thân thiện với nhau và cùng nhau giải quyết những nhiệm vụ đã được giao cho chúng tôi là nâng cao khả năng chiến đấu của Trung đoàn Không quân.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Tư, 2023, 04:35:38 pm
Tình đồng chí không bao giờ phai

Với lòng rất kính trọng khi tôi nhớ đến đồng chí Trung đoàn trưởng Trần Hanh, đồng chí Chính ủy Trung đoàn KINH, các đồng chí phi công Bieo, Ton, Mao, Cuong và những người khác, cũng như đồng chí Thanh - Trưởng phòng Ngoại vụ, đồng chí Tran Van Van phụ trách nhóm phiên dịch và tất cả mọi người mà các chuyên gia Liên Xô đã cùng làm việc và được giao tiếp. Một số phi công trẻ mà chúng tôi đã đào tạo nâng cao ở Việt Nam, sau này tôi lại được gặp lại họ ở Liên Xô tại Học viện Không quân mang tên Gagarin, tại đây tôi là giáo viên, còn họ là học viên. Rất vui và tự hào vì một nửa trong số họ là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Có nghĩa là, công sức của chúng tôi không phải là vô ích. Sự can đảm và dũng cảm của những đồng chí phi công này được hỗ trợ bởi kiến thức và kinh nghiệm có được trong quá trình huấn luyện chiến đấu, tình yêu vô hạn đối với Tổ quốc đã giúp họ trở thành những Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Cùng với nhiệm vụ đào tạo nâng cao cho các phi công Việt Nam, chúng tôi còn được thực hiện các nhiệm vụ khác. Thí dụ, thực hiện các chuyến bay thử nghiệm mang tính kiểm tra sau khi bảo dưỡng định kỳ hoặc sau khi loại bỏ được các sự cố nghiêm trọng của thiết bị hàng không. Có một lần, theo quyết định của Bộ Tư lệnh Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi bắt đầu cho bay thử những chiếc máy bay bị hư hại do bom bi trên mặt đất gây ra và đã được sửa chữa. Chúng tôi cho một số máy bay nêu trên bay thử. Tuy nhiên, sau vụ rơi một máy bay MiG-17 cũng trong diện máy bay bay thử ở trung đoàn lân cận do phi công Triều Tiên thực hiện, Bộ Tư lệnh đã cấm các phi công Liên Xô bay thử những chiếc máy bay như vậy. Hóa ra chiếc MiG-17 này không chỉ bị hỏng vỏ bọc bên ngoài, mà còn bị gãy dầm dọc cánh máy bay. Do đó, các máy bay như vậy đòi hỏi phải kiểm tra cẩn thận mức độ thiệt hại đối với cấu trúc và hệ thống của máy bay. Điều này có nghĩa là việc sửa chữa máy bay bị hư hỏng như nêu ở trên không được thực hiện trong các xưởng sửa chữa cơ động, mà phải thực hiện trong một nhà máy sửa chữa cố định. Vào thời điểm đó, loại nhà máy này không có ở Việt Nam.

Tôi nhớ tất cả những người bạn trong nhóm chúng tôi đã cùng nhau hoàn thành nghĩa vụ quốc tế mà Tổ quốc và nhân dân Liên Xô đã giao cho chúng tôi trong những điều kiện khó khăn nhất, số phận đã đưa họ đi khắp thế giới. Nhiều người trong số họ hiện đang sống ở các quốc gia khác, nhưng ký ức về đồng đội của họ không có giới hạn. Và chúng tôi sẽ giữ nó mãi mãi. Trong ký ức của tôi mãi mãi là những phi công đồng đội của tôi, những người bay cả ngày lẫn đêm trong điều kiện không có một số phương tiện điều hướng và hạ cánh. Tôi đang muốn nhắc đến tên các bạn. Đó là Galkin A.K.. Karnaukhov K.V., Makarov V., Trefilov V.Ya.. Ignatov V.A.

Với tình yêu bao la, tôi nhớ đến những người bạn của chúng tôi trong đội ngũ kỹ thuật như Polevoi V.F., Morozov P.N., Bezborodov Ya.M., Selyaev N.D., Tomilets G.R., Boyko N., Korchagin V.L., Vaalm E.Yu., Menshikh I.A., Samylov B.N., Srudin V.N., sĩ quan chỉ huy quân sự Miroshnik SA, bác sĩ hàng không Aslanov G.Kh.

Với sự kính trọng, tôi nhớ đến người chỉ huy trực tiếp của chúng tôi - Thiếu tướng Hàng không Yevgeny Nikolaevich. Ông hy sinh trong một vụ tai nạn máy bay, là Phó Chỉ huy Tập đoàn hàng không. Vinh quang đời đời thuộc về ông! Chúng tôi sẽ giữ mãi ký ức về ông. Người Phó Chỉ huy của chúng tôi là Tham mưu trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Không quân Liên Xô tại Việt Nam - ông Moskalev P.E. ông đã giúp đỡ nhóm chúng tôi rất nhiều.

Họ là những người khác nhau về tính cách, nhưng họ lại thống nhất với nhau bởi tình bạn chiến đấu, bởi sự giúp đỡ lẫn nhau và bởi nghĩa vụ và tình yêu với Tổ quốc...

Chúng tôi rất ít nhận được tin tức từ quê hương: các máy thu thanh mà chúng tôi đang có trong tay không nghe được các đài phát thanh phát đi từ Liên Xô, còn thư từ gia đình không được chuyển đến thường xuyên. Các tờ báo cũng hiếm khi nhận được và có nhận được cũng là một bó báo lớn. Mặc dù có muộn, song chúng tôi cũng biết được các sự kiện ở Liên Xô. Trong thời gian ở Việt Nam, có hai đoàn đại biểu đã đến thăm nhóm chúng tôi. Đoàn thứ nhất là Đoàn của báo “Sao đỏ” do Tổng biên tập, Đại tá Hải quân Korenevsky dẫn đầu. Và tôi muốn nói một chút về Đoàn thứ hai. Vào khoảng hai giờ chiều, từ Trung đoàn đã gọi điện thông báo với chúng tôi có một Anh hùng Liên Xô đã rời Hà Nội đến thăm chúng tôi và dường như đó là một nữ Anh hùng. Sau khi nhận được thông tin này, tôi đã cho ý kiến sơ bộ để đầu bếp sẵn sàng chuẩn bị một bữa trưa ngon miệng. Tôi cũng nói với Tham mưu trưởng của nhóm chúng tôi để đồng chí ấy đi ra ngoài doanh trại và nhìn ra xa xem trên đường có xe nào đi về hướng doanh trại chúng tôi không. Tham mưu trưởng nhanh chóng quay lại và hớt hải nói rằng, khách đã đến, họ đang ra khỏi xe và đến đây ngay bây giờ. Tin tức về sự xuất hiện của Đoàn khách nhanh chóng lan truyền khắp doanh trại của chúng tôi và tất cả mọi người nhanh chóng tập trung ngay tại hội trường “Mộng mơ”, và sau 1-2 phút, nữ Anh hùng Liên Xô xuất hiện trước cửa. Đây là một người đã tham gia tích cực trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nữ phi công nổi tiếng Chechneva Marina Pavlovna. Cùng đi với bà có Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam, Thiếu tướng Stolnikov BA cùng phu nhân. Tôi ra đón khách và trong đầu tôi nghĩ: làm sao đón một vị khách như thế này mà lại không có hoa. Và tìm đâu ra hoa trong tình huống này? Và đột nhiên, trên đường đến đón khách, tôi thấy một nhà thờ bỏ hoang có đầy hoa cỏ dại, qua đấy, tôi nhìn thấy những bông hoa riêng lẻ trên những thân cây mảnh mai. Chọn từng cái một là không thực tế, không có thời gian. Và tôi nhanh chóng bắt đầu bứt những bông hoa này như bứt cỏ dại và không may tôi nhổ cả rễ của chúng. Vừa bước đến trước mặt những vị khách, tôi tìm cách bẻ gốc cây. Đất rơi xuống dưới chân tôi, thân cây cỏ dại cứng như dây thép. Nhưng trong tình huống này, tôi lấy đâu ra sức mạnh. Cuối cùng, khi tôi đến trước mặt vị khác. Tôi trao bó hoa cho bà và xin lỗi vì một bó hoa không bình thường. Bà trấn an tôi, qua những giọt nước mắt, bà nói: “Đây sẽ là bó hoa đắt nhất và khó quên nhất trong cuộc đời tôi”.

Sau cuộc gặp gỡ và trò chuyện với các chuyên gia của nhóm chúng tôi, Marina Pavlovna bày tỏ mong muốn được gặp các phi công Việt Nam. Chúng tôi đến sân bay. Nhưng cuộc gặp đã không diễn ra. Chỉ huy của trung đoàn giải thích rằng các phi công đang trong kỳ nghỉ, vì ngày mai họ sẽ tham gia chiến sự. Nhìn chung, nghề phi công quân sự không thuộc danh mục phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt là trong điều kiện chiến tranh, kể cả ở Việt Nam.

Ở cuối bài hồi ức của tôi, tôi muốn nói rằng các chuyên gia Liên Xô thuộc tất cả các quân binh chủng đã giúp đỡ rất nhiều cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược. Đó là chiến thắng của nhân dân Việt Nam. Thật khó dự đoán tình hình chính trị quân sự nào sẽ tồn tại ở khu vực này. Nhưng đây là một lĩnh vực của các chính trị gia và nhà ngoại giao. Chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng tôi. Trong ký ức của tôi sẽ mãi mãi là bầu trời Việt Nam và những người bạn Việt Nam chiến đấu không thể nào quên của tôi.

Thành phố Monino, tháng 10 năm 2011


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Tư, 2023, 04:37:19 pm
NHỚ NHỮNG THÁNG NĂM
CÙNG CÁC PHI CÔNG VIỆT NAM TRONG BOM ĐẠN

Vasilev Andrey Borisovich

(https://i.imgur.com/ZyRe4Gn.jpg)

Vài nét về tác giả

Thiếu tá Vasilev Andrey Borisovich sinh ngày 12 tháng 4 năm 1949 tại thành phố Bausk nước CHXHCNXV Latvia. Năm 1966, ông nhập ngũ và học tại Trường Kỹ thuật Không quân Riga, năm 1967 chuyển về Trường Kỹ thuật Không quân Perm mang tên Đoàn TNCS Lê-nin và năm 1969 tốt nghiệp, rồi ông được điều về phục vụ tại trung đoàn Không quân Tiêm kích ở thành phố Maryi thuộc Quân khu Cờ Đỏ Turkestan, cách Dushanbe 200km.

Thiếu tá Vasilev Andrey Borisovich 2 lần được cử sang Việt Nơm làm chuyên gia huấn luyện các chiến sĩ thuộc Trung đoàn Không quân Tiêm kích Quân đội nhân dân Việt Nam. Đợt 1 từ tháng 4 năm 1972 đến tháng 10 năm 1972; đợt 2 từ tháng 10 năm 1973 đến tháng 10 năm 1974. Khi trở về nước, ông được tiếp tục vào học tại Học viện Kỹ thuật Không quân mang tên Nguyên soái Giukov và tốt nghiệp vào năm 1979. Năm 1994 ông được chuyển sang ngành dự bị. Ông đã được tặng thưởng 11 huân huy chương các loại, trong đó có Huân chương Hữu nghị và Huy hiệu “Chiến sĩ Quốc tế” của Việt Nam.

Những năm khói lửa ở Việt Nam đã để lại cho ông nhiều kỷ niệm khó quên về những khó khăn, gian khổ trong huấn luyện và chiến đấu. Xin giới thiệu với bạn đọc bài hồi ức của Thiếu tá phi công Vasilev Andrey Borisovich.


Ban Biên soạn


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Tư, 2023, 04:38:51 pm
Đầu năm 1972, ba chúng tôi gồm - tôi, Trung úy Botcharov và Thượng úy Tsykh được chọn vào danh sách Đoàn chuyên gia sang Việt Nam công tác. Sau khi Hội đồng Quân sự Quân khu Cờ Đỏ Turkestan phê duyệt hồ sơ, chúng tôi được đưa đến sân bay dân sự Dushanbe để bay về Moskva.

Ban đầu chúng tôi đến Cục Kỹ thuật Không quân Bộ Tham mưu Không quân nhận lệnh, sau đó chúng tôi đến Tổng cục 10 thuộc Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô. Tại đây, các cán bộ của Bộ Tổng Tham mưu đã làm việc rất chi tiết với chúng tôi. Chúng tôi được bố trí ở tại Nhà khách của Bộ Quốc phòng tại phố Universitetskaya, Moskva. Dĩ nhiên, so với biển cát mênh mông miền Trung Á, cuộc sống ở Moskva với chúng tôi là thiên đường. Chúng tôi đến trong quân phục của mình, sau đó chuyển sang trang phục dân sự, thẻ Đoàn viên Komsomol gửi lại ở Trung ương Đoàn TNCS Lê-nin.

Trên một chiếc IL-18, chúng tôi bay từ sân bay Sheremetivo (Moskva) tới Tashkent, tại đây diễn ra cuộc kiểm tra hộ chiếu và hải quan. Chúng tôi hạ cánh tại Bombay, rồi đến Calcutta, Rangoon, Vientiane và Hà Nội. Đón chúng tôi tại cảng hàng không Gia Lâm, Hà Nội có đại diện Bộ Tư lệnh Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam, các thiếu nữ bận áo dài dân tộc trao cho mỗi chúng tôi một bó hoa, rồi họ mời uống trà và đưa chúng tôi về khách sạn Kim Liên. Chúng tôi ở đây một tuần lễ, chờ ngày đưa chúng tôi lên sân bay Nội Bài.

Một ngày sau khi tới khách sạn Kim Liên, chúng tôi đi tham quan thành phố. Khi chúng tôi đang ở trong công viên có hồ chứa nước khá lớn (Công viên Thống nhất - ND) máy bay Mỹ đã không kích vào khu vực này. Người chỉ huy của chúng tôi, Thiếu tá Lev Nikolaievich Kalitenko ra lệnh: “tất cả ra khỏi ô-tô!”, và dưới tiếng gầm vang của những khẩu cao xạ, chúng tôi lăn từ bờ dốc ra bờ hồ, trên đầu chúng tôi hai chiếc F-4 “Con ma” đang vòng lại. Một nỗi tức giận bao trùm chúng tôi vì không có gì trong tay để bắn kẻ thù. Trong chúng tôi không hề có nỗi sợ hãi nào, mà chỉ có sự xúc động mạnh. Và chúng tôi chạy theo bờ hồ tới một ngôi nhà, nghĩ rằng: chúng tôi sẽ ẩn náu sau các bức tường. Đúng lúc đó, một trái bom rơi xuống giữa hồ, một cột nước và bùn bốc lên cao, các khẩu cao xạ tiếp tục nhả đạn, trên mặt hồ loang ra một làn khói súng mỏng, ở lại đây là không thể, người ta nhanh chóng chở chúng tôi ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Sau khi trở về khách sạn, chúng tôi cảm thấy mình như thể những anh hùng. Sau đó khi còi báo động vang lên, chúng tôi không vội vã ra hầm tránh bom, chúng tôi coi mình như những người xạ thủ đang chiến đấu và thích thú dõi theo phát đạn tên lửa của tổ hợp CA-75 bắn lên.

Chuyến bay đến Hà Nội của chúng tôi trùng với đợt hoạt động tích cực của không quân Mỹ. Chúng tôi cảm thấy điều đó nóng hổi trên da thịt mình. Chúng tôi sốt ruột chỉ mong chóng được lên sân bay Nội Bài. Và một tuần sau, khi tất cả mọi thủ tục đã được hoàn tất, chúng tôi được đón đến đơn vị huấn luyện, chiến đấu. Bốn tiếng sau, chúng tôi đã thuộc nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô do Trung tá phi công quân sự Ivanov chỉ huy.

Sân bay Nội Bài nằm cách điểm đóng quân của chúng tôi 4 km. Xung quanh là đồng lúa. Những ngôi nhà nhỏ nằm ở chân một điểm cao nhỏ. Nhưng chúng tôi lại không sống ở đó, bởi vì theo những tính toán an toàn thì người ta quyết định các chuyên gia quân sự và chuyên gia của nhà máy chế tạo sẽ được bố trí ở trong các ngôi nhà tạm 1 tầng tại các trận địa pháo. Chúng tôi có dịp làm quen với các đồng nghiệp là những người sẽ cùng chúng tôi làm việc tại sân bay. Vấn đề đầu tiên mà các bạn đồng nghiệp quan tâm là: “Chúng tôi có chở bánh mỳ đen sang không? Có cá trích không?”. Tất nhiên là có. (Bánh mỳ đen và cá trích là 2 loại thực đơn quí trong các bữa tiệc của người Nga - NCK). Và trong bữa ăn tối hôm đó người ta thết chúng tôi những “món ngon”. Chúng tôi được chăm sóc chu đáo.

Sau một thời gian người ta bắt đầu chở chúng tôi ra sân bay. Theo lệ thường, các phi công của chúng tôi vẫn bay trên những chiếc máy bay hai chỗ ngồi với tư cách là huấn luyện viên. Trên những chiếc MiG-21 chiến đấu, phi công Việt Nam tự mình bay và tiến hành trực chiến. Nhiệm vụ của tôi là kiểm tra thông số kỹ thuật của thiết bị hàng không trước khi bay. Để máy bay được nạp ô-xy thì các van ô-xy phải ở vị trí mở. Trên máy bay có lắp đặt bình ắc-quy điều hòa nhiệt độ. Các chuyến bay thường diễn ra vào thời gian tối trong ngày, vì vậy mối quan tâm đặc biệt là kiểm tra độ tin cậy của các thiết bị chiếu sáng, các đèn pha hạ cánh, các đèn dẫn đường hàng không trên máy bay.

Các phi công của chúng tôi thường thực hiện 3-4 phi vụ. Khi chưa bay và thời tiết cho phép, trước khi ăn chiều, chúng tôi tổ chức chơi bóng chuyền, trên sân bóng sôi sục niềm đam mê thực sự. Luôn luôn có một đội chuẩn bị để vào thay đội thua, ở doanh trại tôi được giao một trọng trách xã hội là phụ trách việc chiếu phim trong nhóm đã quy định một thứ tự: ai sẽ đến lượt ngồi vào sau máy chiếu và chiếu phim. Nhiệm vụ của tôi là chăm sóc máy móc chiếu phim, bảo dưỡng nó và chuẩn bị phim theo yêu cầu. Phổ biến nhất là phim về Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, phim hài, và phim được đặc biệt thích là “Mặt trời trắng trên sa mạc”.

Một lần chúng tôi đang xem phim về chiến tranh, trên màn ảnh súng gầm, mìn nổ thì bỗng nghe thấy tiếng ầm vang ngoài khu vực sân bay. Buổi chiếu phim ngừng lại, mọi người lao nhanh ra khỏi nhà. Ngoài đó các chiến sĩ cao xạ đang nhả hàng tràng đạn lửa. cần chạy về ngay vị trí của mình. Hóa ra lợi dụng trời sập tối, một chiếc A-6 đơn thương độc mã đã tấn công sân bay, nó ném một loạt bom bi vào khu vực bảo trì - kỹ thuật, làm cháy một xe máy thủy lực EGU-53 lắp trên xe GAZ-53 và làm bị thương 2 người.


Tiêu đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Tư, 2023, 04:40:07 pm
Ngày 2 tháng 9, chúng tôi đang ở Hà Nội họp Đoàn Thanh niên Komsomol, sân bay còn phải chịu một cuộc không kích dữ dội hơn. Khi đó toàn bộ trận địa kỹ thuật, nơi thường xuyên tiến hành công tác chuẩn bị máy bay bị rải đầy bom bi. Trên đường về sân bay, chúng tôi nhìn thấy một cột khói đen ở khu vực sân bay, những dải giấy kim loại thả từ máy bay xuống làm nhiễu bắt đầu rơi xuống trên đầu chúng tôi. Rất nhiều người nông dân từ các làng xung quanh chạy đến sân bay để lấp các hố bom do Mỹ gây ra. Trong số đó, có một quả bom rơi xuống giữa đường băng. Hố bom đó đã được lấp đầy một cách nhanh chóng và khi máy bay tiêm kích cất cánh không xảy ra một trở ngại nào.

Thời gian trôi đi, đã đến cuối kỳ công tác biệt phái của chúng tôi. Một lần sau bữa trưa, chúng tôi đi bay. Như thường lệ chúng tôi kiểm tra chiếc hai chỗ ngồi mới được thu hồi. Kỹ thuật trưởng của phi đội Tsykh Grigori Ivanovitch lúc đó kiểm tra độ kín của hệ thống thủy lực trên một trong những chiếc máy bay, còn tôi và Ghennady Botcharov ngồi dưới mái dù che chờ đợi chuyến bay trở về của chiếc máy bay hai chỗ ngồi mà trên đó huấn luyện viên Volodia Kaptsiev bay cùng một phi công Việt Nam. Bỗng chúng tôi nhìn thấy xung quanh mọi người đang chạy, lệnh truyền đến: “vào hầm trú ẩn” và chúng tôi cũng chạy đến đó. Cảnh tượng cuối cùng mà tôi kịp nhìn thấy là chiếc máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi của chúng tôi đang bị một chiếc F-4 bám đuôi và phóng tên lửa, nhưng lần này phát tên lửa đã trượt. Trong hầm trú ẩn nhiều người chen chúc, tôi đã ở dưới bậc thang, khắp nơi cao xạ đang bắn lên. Trong hầm rất ồn ào, mũ sắt được đội lên, thời gian bị nén lại. Sau đó chúng tôi nghe thấy ở trên kêu: “Liên Xô lên đi!” Chúng tôi leo lên khỏi hầm trú ẩn, ngồi vào ô-tô và rời sân bay.

Trên đường về nơi ở, chúng tôi thấy một thùng dầu phụ rơi xuống, còn con đường tiếp theo bị một chiếc tiêm kích chắn ngang và ba người Việt Nam đang cố gắng lăn nó vào hầm trú ẩn. Chúng tôi dừng lại, nhảy ra khỏi ô-tô giúp đẩy máy bay vào hầm trú ẩn. Tất cả đều lo lắng! Câu hỏi được đặt ra là chiếc máy bay huấn luyện của chúng tôi hiện ở đâu, chuyện gì xảy ra với các phi công.

Mọi người về đến nơi cùng một lúc, chúng tôi trên chiếc ô-tô của mình, còn các phi công trên chiếc GAZ-69 chạy từ một hướng khác tới, tất cả đều xúc động, các phi công vẫn nguyên vẹn, chỉ có người phi công Việt Nam bị xây sát ở cằm vì khi nhảy dù mặt nạ dưỡng khí bị giật đứt. Theo lời kể của Vladimir Kaptsiev chúng tôi được biết có đến 6 quả tên lửa “không-đối-không” bắn vào anh và chỉ đến phát đạn thứ 6 mới trúng động cơ máy bay, nhưng động cơ này đã ngừng hoạt động vì xăng đã dùng hết, mà đến trước lúc đó người phi công Việt Nam, sử dụng lời nhắc qua radio đã ngoặt tránh được kẻ thù đang công kích. Các phi công đã nhảy dù thành công. Lo lắng hơn tất cả là người đại diện của nhà máy đến từ Gruzia. Chiếc máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi là sản phẩm của họ. Sau đó chúng tôi không còn tổn thất nào nữa.

Công việc vẫn tiếp tục như ngày hôm trước. Chiều chiều, sau khi xem phim, chơi bóng chuyền. Thư từ bưu kiện lớn thì một tháng có 1 lần, còn lại là bưu kiện nhỏ, thỉnh thoảng chúng tôi nhận được thư từ quê nhà. Báo, tạp chí thường rất chậm nhưng vẫn thường xuyên được chở từ Hà Nội đến và đưa đến cho chúng tôi cái gọi là “những con lăn”, nhờ thế chúng tôi biết tin tức trên thế giới.

Nửa năm trôi qua thật nhanh, chúng tôi đã chuẩn bị về nhà, chúng tôi tạm biệt mọi người. Người ta lại chở chúng tôi đến khách sạn Kim Liên, chúng tôi thanh quyết toán tại sứ quán, tiêm chủng các loại. Sau đó chúng tôi được mời chiêu đãi do Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức. Chúng tôi được trao Huy chương Hữu Nghị. Buổi sáng người ta đưa chúng tôi ra sân bay Gia Lâm, các bạn Việt Nam đi tiễn chúng tôi. Chiếc IL-18 thân thương lăn bánh rồi cất cánh, từ trên độ cao 2000m, chúng tôi lấy hướng tới Viên-chăn, và 20 tiếng sau chúng tôi đã ở Moskva. Tôi phải quay ngược về Tashkent nơi có người vợ yêu quý đang chờ tôi. Khi đó tôi không thể nghĩ rằng 11 tháng sau tôi sẽ lại một lần nữa được cử sang Việt Nam giúp các bạn đồng nghiệp. Tôi vô cùng vui mừng khi lại được trở lại chỗ làm việc cũ. Thêm một năm tôi được giúp các bạn Việt Nam chiến đấu giành lại độc lập cho Tổ quốc của họ.

Trong thời gian ở Liên Xô chuẩn bị cho đợt 2 sang Việt Nam công tác, chúng tôi vui mừng được các bạn Việt Nam thông tin cho biết: trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” Trung đoàn Không quân Tiêm kích của Việt Nam đã bắn rơi 10 máy bay địch trong đó có 2 pháo đài bay B-52.