Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 06:37:51 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2  (Đọc 3006 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2023, 05:25:31 pm »

Bắn thử loại vũ khí mới

Một sự kiện đặc biệt đến với chúng tôi là máy bay chở hàng từ Liên Xô đã bay sang Việt Nam. Đối với chúng tôi đó là một ngày hội lớn. Thông thường, phi hành đoàn máy bay IL-18 khi đem quà và thư từ cho chúng tôi, họ sẽ nghỉ ở Kim Liên. Chúng tôi rất quen biết các phi công và luôn luôn vui khi các đồng chí đó sang Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt rất kính trọng đồng chí Trung tá Sukhininin là Cơ trưởng. Đồng chí là người đi nhiều nước nơi có các binh sĩ và chuyên gia quân sự của chúng tôi công tác. Đồng chí ấy biết những thứ gì cần đem sang châu Phi, sang Cu Ba, sang Indonesia, sang Miến Điện và các nước.khác. Song đối với chúng tôi, bao giờ đồng chí ấy cũng đem sang cá trích, cá vền đen, bánh mỳ đen và tất nhiên có cả rượu vodka loại “thủ đô” hoặc “Moskva”. Chúng tôi nhớ đồng chí đó như là một linh hồn của cuộc hội ngộ và người khôi hài.

Trong một cuộc gặp vui vẻ như thế, chúng tôi được làm quen với các sĩ quan pháo binh mới bay từ Liên Xô sang. Sau khi đã ngồi vào bàn và chuyện trò với nhau, họ hỏi tôi có biết máy thông tin R-109. Sau khi nghe tôi trả lời, họ đề nghị tôi giúp đỡ tổ chức kênh thông tin tại một địa điểm. Đồng chí Thiếu tá Gromov đang có mặt tại đó và đồng ý cử tôi đi công tác trong một số ngày cùng với họ.

Ngày hôm sau, một nhóm sĩ quan tên lửa mà trước đây họ là bộ đội pháo binh đã đến gặp chúng tôi. Sáng sớm hôm đó, hai xe buýt đưa chúng tôi đến trường bắn. Trên đường, các đồng chí ấy giải thích cho tôi rằng, các đồng chí ấy sẽ giới thiệu với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam một loại vũ khí phản lực mới. Đồng chí Trung tá V. Azazov là Trưởng đoàn.

Sau khi đã đến trường bắn, các sĩ quan pháo binh bắt đầu đặt chiếc giá 3 chân bằng kim loại, san bằng khu vực đặt giá và xác định hướng, có nghĩa là làm những việc như người lính pháo binh ra trường bắn. Nhiệm vụ của tôi là làm quen với đồng chí Thượng úy Việt Nam phụ trách công tác thông tin trên trường bắn. Xem đường dây thông tin trên trường bắn được lắp đặt như thế nào và công suất của máy ra sao. Đồng chí ấy quý mến tôi, song không nói ra. Công việc của tôi là kiểm tra và đảm bảo cho gần chục máy R-109 công suất nhỏ có khả năng làm việc.

Sau khi đã đặt xong các giá 3 chân vào vị trí, các sĩ quan pháo binh lắp đặt các quả đạn phản lực từ dàn “Ca-chiu-sa” vào vị trí. Các mục tiêu dùng trong học tập như: mô hình xe bọc thép, mô hình xe vận tải và cả mô hình máy bay trực thăng được bố trí tại một địa điểm có diện tích hơn 2 ha, ở cách trường bắn khoảng 8 km. Các mô hình nói trên đều được điều khiển từ xa.

Theo đề nghị của tôi, số máy R-109 được dùng trong đợt bắn thử này đều được tập trung về ban tham mưu. Một số bình ắc qui đã hết điện. Khi kiểm tra, tôi phát hiện thấy tần số ở một số máy bị sai lệch và yêu cầu phải chỉnh theo tần số thạch anh. Trong khi các sĩ quan pháo binh làm việc của mình, các chiến sĩ thông tin do đồng chí Thượng uý phụ trách tiến hành chuẩn bị cho máy vào làm việc. Lau chùi các bình ắc qui và nạp điện cho chúng. Triển khai ăng-ten. Theo lệnh của tôi, cần có ăng-ten loại “tia nghiêng” để đảm bảo cự ly liên lạc được xa. Các bạn Việt Nam cũng ngạc nhiên khi thấy cự ly liên lạc loại ăng-ten này tăng lên một số lần. Tôi đích thân kiểm tra vạch đo bộ tạo phách của máy thông tin và điều chỉnh cho đúng. Buổi tối tôi cùng với một số đồng chí cố vấn về Hà Nội.

Sau vài ngày, chúng tôi lại quay trở lại trường bắn. Tập hợp tất cả các chiến sĩ thông tin Việt Nam cùng với máy đã được chuẩn bị. Một lần nữa chúng tôi tiến hành kiểm tra thiết bị bằng cách cho thiết bị làm việc ở chế độ không phát tín hiệu lên không trung và phân công các chiến sĩ thông tin về từng vị trí công tác. Tôi chỉ để trong ban tham mưu 2 đồng chí khá nhất.

Gần trưa, các tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có mặt ở sở chỉ huy trường bắn. Đồng chí Thiếu tướng Belov Grigory Anđreev, Trưởng đoàn chuyên gia ra đón các đồng chí cán bộ cao cấp Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt vui mừng được đón đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một thống lĩnh thiên tài, một nhân vật huyền thoại của Việt Nam, đã đánh thắng thực dân Pháp trong những năm 50 và là thủ lĩnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đến cuối cùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh hơi gầy nhưng cân đối, có bộ râu bạc và đôi mắt sáng, nhân từ. Người mặc bộ quần áo ka ki trắng được may rất đơn giản, đi đôi dép cao su. Ngay xe của Chủ tịch đi cũng không có gì đặc biệt hơn các xe chở các đồng chí lãnh đạo khác.

Sau khi xem trận địa các đàn tên lửa “Ca-chiu-sa” và lời giới thiệu của Thiếu tướng Belov, tất cả các đồng chí lãnh đạo Việt Nam đi vào căn hầm đặc biệt. Một khẩu lệnh bằng tiếng Nga vang lên “Bắn!” và trong vòng 15 phút, 12 dàn Ca-chiu-sa đã nhả 144 quả đạn tên lửa. Những quả đạn như xé mảng trời, bay đến mục tiêu để lại một dải khói dày đặc. Đã nghe được những tiếng nổ mạnh của đạn từ xa vọng về. Đợt bắn vừa kết thúc, trên bầu trời đã hình thành một dải khói rộng và đen nghịt, nối từ trường bắn đến địa điểm có mục tiêu, chẳng khác nào chiếc cầu vồng có 2 đầu là trường bắn và mục tiêu huấn luyện, đều ở trong rừng.

Tất cả những người có mặt đều được mời lên ô tô đến kiểm tra “hoạt động” của Ca-chiu-sa. Tôi rất tiếc không được đến xem kết quả. Chúng tôi phải nhanh chóng lên xe về Kim Liên.

Sau hơn 45 năm, trong hồi ức của Thiếu tướng Belov đã ghi: “Sau khi bắn xong, tôi vinh dự được đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xem kết quả. Những gì mà chúng tôi nhìn thấy thật là khủng khiếp. Các đường hào và hầm đều bị đất lấp đầy. Các cột bê tông cốt thép, các mô hình xe bọc thép, mô hình máy bay trực thăng đều bị phá hủy và thiêu cháy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bắt tay tôi và nói: “Đồng chí Belov, cám ơn về tất cả những gì các đồng chí đã làm. Tôi đề nghị đồng chí chuyển lời cảm ơn của chúng tôi đến lãnh đạo Bộ Quốc phòng Liên Xô và mong sớm cung cấp loại vũ khí này cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2023, 08:56:45 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2023, 05:27:10 pm »

Chuyến đi công tác vào khu 4

Theo chương trình học tập, đã đến kỳ các học viên Việt Nam làm các bài thi. Mỗi lớp, chúng tôi chuẩn bị phiếu thi riêng, số phiếu gấp đôi số học viên. Mỗi phiếu có 3 câu hỏi, 2 câu lý thuyết về cấu tạo của thiết bị thông tin, câu thứ 3 là câu thực hành sửa chữa. Các đồng chí học viên Việt Nam miệt mài ôn tập chuẩn bị thi một cách hết sức cố gắng.

Cuộc sống và chiến tranh đang làm thay đổi. Nửa đêm, phái viên gọi chuyên gia quân sự Liên Xô ở Kim Liên đi công tác. Đã về đêm, song các đồng chí Đại tá Đzưza, Thiếu tá Zaika, Thiếu tá Gromov và một số đồng chí khác đã được mời tới và ngồi xung quanh bàn. Nhìn vào nét mặt mệt mỏi và nghiêm nghị của các đồng chí đó, tôi nghĩ là có vấn đề gì nghiêm trọng đây. Chúng tôi được thông báo là các đồng chí Việt Nam đã biết rất rõ là sắp tới Mỹ có kế hoạch tiến hành chiến dịch không quân chiến lược, trong đó có sử dụng máy bay B-52 đánh vào các mục tiêu ở khu trung tâm Thủ đô Hà Nội. Không nói rõ nhiệm vụ cụ thể của mỗi người, song tất cả đều hiểu là các tiểu đoàn Tên lửa Phòng không cần phải cơ động như thế nào để đón được địch và giáng cho chúng những đòn thất bại nặng. Đặc biệt là nhiệm vụ phải tiêu diệt được “pháo đài bay B-52”, mà Mỹ vẫn huênh hoang đó là máy bay ném bom không thể bị bắn.

Tôi cần vào Hà Tĩnh để chuẩn bị và kiểm tra các thiết bị thông tin VTĐ, trạm vi ba ở trên các trận địa chính và trận địa dự bị của các tiểu đoàn tên lửa phòng không. Sau 2 giờ là phải lên đường.

Tôi nhanh chóng xếp vào túi bộ quần áo dã chiến: áo và quần màu xanh (tự may ở ngoài hiệu!), giày cao cổ, mũ cối do đồng chí phiên dịch Kiên tặng, các đồ dùng cá nhân, mũ sắt. Tôi cũng đem theo một số thứ lặt vặt như bánh kẹo, mấy hộp thức ăn, biết đâu có lúc cần. Sau này tôi mới tiếc là không đem theo chiếc máy ảnh FED-2. Nếu có thì bây giờ có những bộ ảnh quí như thế nào.

Ê kíp chúng tôi có: tôi, người bạn không thể thay thế được - phiên dịch Hoan, một học viên và đồng chí bảo vệ lại cùng nhau ngồi vào xe “Pôbeđa” lên đường làm nhiệm vụ mới. Đường vào phía Nam rất khó khăn. 2 ngày chúng tôi đi trên con đường có nhiều hố bom, lầy lội và phải qua nhiều phà. Ban đêm lại rơi vào tình trạng tắc nghẽn vì gặp phải những hố bom sâu do bom Mỹ mới gây ra. Trong đêm tối, nhiều người dân Việt Nam, mà chủ yếu là phụ nữ đã dùng mọi phương tiện và đôi bờ vai nhỏ bé của mình để vận chuyển hàng chục mét khối đất, nhanh chóng lấp đầy các hố bom đó, hồi sinh tuyến giao thông từ Bắc vào Nam.

Có một vài lần chúng tôi phát hiện thấy, theo dọc đường chúng tôi đang đi, có các máy bay tiêm kích ném bom Mỹ đang bay ở độ cao thấp. Có thể xe của chúng tôi sơn màu xanh lá cây nên chúng không phát hiện ngay được hoặc có thể bọn giặc lái Mỹ cũng không muốn để ý đến mục tiêu như loại xe của chúng tôi. Khi máy bay Mỹ bay gần đến chỗ chúng tôi, mọi người chúng tôi nhanh chóng ra khỏi xe và ẩn nấp vào các rãnh hai bên đường. Nhờ trời, bọn không tặc đã bay qua. Nhưng, hãy đợi đã! Các bạn chúng tôi đang triển khai vài tiểu đoàn tên lửa phòng không ở phía Nam, bọn Mỹ còn dám hung hăng nữa không!

Chúng tôi đã đến trận địa thứ nhất. Đồng chí thiếu úy là học viên đã học ở lớp do Đại úy Bakulin dạy, ra đón chúng tôi. (Rất tiếc tôi không nhớ họ tên của đồng chí thiếu úy). Đồng chí thiếu úy chỉ cho chúng tôi xe thông tin tiếp sóng R-405 đã được triển khai. Xe thông tin được ngụy trang trong khu rừng nhiệt đới thật lý tưởng. Cũng thời gian này, ở đơn vị chúng tôi bên Yrkutsk Liên Xô không có loại xe thông tin như thế này. Thật là không đúng khi người ta không có thiện chí nói rằng, Liên Xô chúng tôi cung cấp kỹ thuật cũ cho Việt Nam. Tôi rất thích thú khi được làm quen với kỹ thuật mới, song vẻ bên ngoài tôi không biểu lộ tôi hoàn toàn không biết gì về loại thiết bị này. Loại R-405 hoàn toàn giống loại R-401 của đơn vị tôi ở Liên Xô, song loại mới này được bổ sung thêm các khối sóng đề-xi-mét. Không sao, chúng tôi sẽ cùng nhau khám phá. Có tài liệu kỹ thuật đây rồi. Trước tiên tôi kiểm tra xem việc triển khai kỹ thuật đã đúng chưa, kiểm tra việc điều chỉnh và kiểm tra tài liệu. Rất vui là mọi việc đều được làm đúng như hướng dẫn. Ngay cả công tác kiểm tra định kỳ cũng được tiến hành và ghi đầy đủ đúng với tài liệu hướng dẫn. Vâng, đúng là chúng tôi đã dạy các bạn Việt Nam như thế. Trong bữa ăn trưa, tôi đã cám ơn đồng chí thiếu úy về sự đón tiếp và về việc đã sử dụng khí tài tốt như thế. Tôi hứa sẽ báo cáo Bộ Tư lệnh vấn đề này.

Ăn trưa xong, chúng tôi lên xe sang trận địa thứ 2. Sau vài giờ, chúng tôi đã đến trận địa. Song cái gì thế này? Thay vào trận địa hỏa lực là một vị nơi tập họp đông người làm việc. Đón chúng tôi là một chỉ huy quân sự không rõ đeo quân hàm loại gì. Vị chỉ huy này nói chuyện với đồng chí phiên dịch Hoan lâu và yêu cầu đồng chí Hoan xuất trình giấy tờ gì đó. Cuộc nói chuyện trở nên gay gắt hơn, trở nên to tiếng. Tôi lại áp dụng một thủ thuật cũ, đã có tác dụng. Tôi bước đến đồng chí chỉ huy. Tôi đề nghị đồng chí Hoan dịch là tôi được đồng chí Sát cử đến đây (đồng chí Sát là ai, chức vụ gì tôi không biết. Đồng chí Sát đã đến thăm trung tâm chúng tôi nhiều lần, rõ ràng đồng chí ấy phải là một thủ trưởng cỡ bự), nếu đồng chí không cho tôi kiểm tra thiết bị thông tin, tôi sẽ báo cáo đồng chí Sát và tôi sẽ PHÊ BÌNH Ở CUỘC HỌP. Đồng chí Hoan sợ không dám dịch những lời đó, tôi đề nghị dịch. Lời đe dọa đó có hiệu nghiệm, nhưng... trên trận địa không có một loại thiết bị thông tin nào, mà ở đây đang xây dựng trận địa tên lửa phòng không. Gần nghìn người nông dân với quang gánh trên vai, sọt trên tay vận chuyển đất, đá để làm các hầm đặt tên lửa. Họ đứng thành từng hàng và chuyền tay nhau những sọt đất đá. Còn những người gánh trên vai, chuyện trò vui vẻ, đua nhau những bước dài đến vị trí đặt các xe chỉ huy trận đánh. Một bức tranh nhắc chúng tôi nhớ câu chuyện đàn kiến đang kiên trì xây tổ.

Màn đêm buông xuống. Chúng tôi được bố trí vào thôn bên cạnh để ngủ. Cũng như mọi nơi, cửa sổ và cửa ra vào ở các nhà đều không có cánh. Các ô cửa sổ đều dùng chiếu che. Giường tre được trải chiếc chăn chiên, ruột gối và đệm đều làm bằng rơm. Các cháu thiếu niên thông tin rất nhanh là “Liên Xô” đã đến. Thế là dân địa phương là dân tộc Mèo đã kéo đến vây quanh chúng tôi. Họ là những người hiền lành, tốt bụng. Tôi hoàn toàn không hiểu ngôn ngữ của họ. Đồng chí Hoan cũng rất khó khăn dịch từ ngôn ngữ Mèo ra tiếng Nga. Họ đem đến cho chúng tôi nào là chè xanh, nào là các loại trái cây ở địa phương. Chúng tôi gửi lại họ các hộp thức ăn, chia kẹo và đường viên cho các cháu nhỏ. Các cháu nhỏ tò mò sờ vào tay tôi nhìn vào mắt và đề nghị tôi cho xem các con cơ hai đầu và chúng phá lên cười vì khoái trá.

Trận mưa rào vùng nhiệt đới đã làm gián đoạn buổi tiếp xúc giữa chúng tôi với nhân dân địa phương. Đêm đó là đêm khó ngủ đối với tôi, nóng bức và đủ các loại muỗi. Nhất là khi đồng chí lái xe ném từ trong xe ra một con chuột to, thì tôi chẳng sao ngủ được. Chuột chạy theo từng đàn xung quanh khu vực chúng tôi chúng leo lên tường và đường cáp. Một điều không hiểu tại sao dân địa phương lại không ăn thịt chuột? Sáng sớm, đồng chí Hoan thông tin cho chúng tôi biết là người dân ở đây không sờ đến chuột, người ta sợ có điềm xấu.

Đường trở ra Hà Nội không gặp một trở ngại nào. Sau hai đêm mất ngủ, không còn tâm trí để ý đến thiên nhiên xung quanh và những hậu quả của bom đạn nữa. Mỗi lần xe vượt qua suối hoặc một vũng lầy, chúng tôi như sắp bật ra khỏi xe.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2023, 05:28:46 pm »

Đường trở về Liên Xô

Sau khi về đến Hà Nội, tôi báo cáo ngay kết quả chuyến đi công tác với đồng chí Thiếu tá Gromov. Đồng chí Thiếu tá rất chú ý lắng nghe và hứa sẽ báo cáo lên Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam về kết quả chuyến đi của tôi và cả cuộc đụng độ với người chỉ huy vùng hậu phương.

Tháng 4 năm 1966 là thời hạn kết thúc khóa học. Sau khi các học viên ra trường, tôi chuẩn bị về nước. Tôi cần phải đặt mua một số đồ trang sức làm quà cho vợ và con gái. Tôi ghi thư cho mọi người mà chúng tôi thường viết thư cho nhau, tôi báo không gửi thư cho tôi theo địa chỉ Moskva-400, hòm thư 326, vì tôi không ở Moskva nữa.

Nhân dịp đoàn chúng tôi về nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã dành thời gian tới dự buổi chiêu đãi chúng tôi. Trong buổi chiêu đãi này, chúng tôi được trao tặng Huy chương “Hữu nghị” của Việt Nam, thư cám ơn do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký và quà lưu niệm - chiếc thuyền rồng làm bằng sừng trâu. Chuyên gia có chức vụ càng cao thì thuyền rồng càng lớn, như thế để không làm ai phật ý.

Sau chiêu đãi, chúng tôi tạm biệt các đồng chí và trở về Kim Liên.

Tại Kim Liên, đã chuẩn bị bữa liên hoan chia tay với tất cả các chiến hữu là lính thông tin. Rất buồn và bịn rịn khi phải chia tay với những người đã cùng nhau chung sống trong suốt thời gian khốc liệt qua. Đồng chí Thiếu tá Gromov dặn dò chúng tôi như người cha dặn con. Một số đồng chí ở Học viện Thông tin Quân sự Lêningrat đã cho tôi địa chỉ với lời chúc sau vài ba năm nữa là tôi phải vào học ở Học viện đó.

6 giờ sáng, các chuyên gia trong diện về nước như tôi đã lên 2 xe buýt để ra sân bay Gia Lâm. Tất cả bạn bè tôi đều ra tiễn. Những cái bắt tay cuối cùng và đoàn xe chuyển bánh. Tôi nhớ hôm đó là ngày 19-4. Sau khi đến sân bay, chúng tôi được đưa lên máy bay vận tải quân sự AN-12. Tại sao lại không được lên máy bay IL-18? Trên máy bay đó, ghế mềm hơn, có điều hoà và các cửa kính để hành khách nhìn được ra ngoài. Còn máy bay AN-12 chỉ dùng để vận chuyển hàng hoá hoặc thả lính nhảy dù. Nhưng không sao, cái chính là ngồi lên máy bay và về được tới gia đình. Một giờ trôi qua mà không thấy cơ trưởng và các hoa tiêu đến. Trong máy bay quá nóng bức, mặc dù đã tìm được cái quạt tay, song mồ hôi trong người cứ tuôn ra như tắm. Một số giờ như thế đã trôi qua. Chúng tôi được phép xuống sân bay và ngồi chờ. Sau vài giờ nữa, xe buýt lại xuất hiện và chúng tôi bất ngờ được thông báo nguyên nhân chúng tôi quay trở lại Kim Liên.

Một cuộc hội ngộ bất ngờ lại diễn ra ở Kim Liên. Những cái bắt tay và ôm hôn cứ như là không phải sáng hôm nay vừa mới chia tay, mà đã mấy năm nay chưa hề được gặp. Nói đùa một chút thôi. Nhưng cuộc gặp lại cũng rất vui, thêm vào đó, chúng tôi lại được phát thêm ít tiền để chi tiêu. Thông tin chót là sớm hôm sau, 20 tháng 4 năm 1966, có máy bay đưa chúng tôi về nước.

Mọi người tản mát hết, còn tôi cùng với những chiến sĩ Shatrov A., Tataev V., Sheglov E. là những người đã từng gắn bó với nhau, đi ra công viên “Thống Nhât”. Một lần nữa, họ mời Trung đội trưởng “đi” ca nô. Ăn chút xíu và uống cốc bia trong quán cà phê rồi cùng nhau ra bến thuyền. Một cảnh đẹp lạ thường bao trùm cả vùng hồ. Lá cây dừa, cây chuối phủ rợp xung quanh bờ hồ. Phía đông nam hồ là trường Đại học Bách Khoa - cái nôi đào tạo nhiều kỹ sư hiền tài cho Việt Nam. Chúng tôi được biết trong xưởng và các phòng thí nghiệm của trường này đã tiến hành thí nghiệm cả vũ khí. Có một vài ca nô, trên đó là các nam nữ thanh niên, đã bơi đến sát ca nô chúng tôi và chuyện trò vui vẻ.

Nhưng... cái gì thế??? Chúng tôi nghe thấy tiếng còi báo động, và ngay lập tức từ hướng Tây đã xuất hiện 2 máy bay tiêm kích ném bom của Mỹ. Chúng đã bắn đồng loạt xuống hồ về phía trường Đại học Bách Khoa. Nước ở vùng đạn rơi xuống đã trỗi lên thành từng dải. Những người ngồi trên các ca nô nằm trong vùng bị bắn đã bị tử vong ngay lập tức. Máy bay địch đã bắn rốc két xuống trường Đại học Bách Khoa và đã bắt đầu quay lại vòng thứ 2. Chúng tôi lấy hết sức bình sinh chèo và đã đưa ca nô vào sát bờ. Khi vòng trở lại, máy bay địch đã bay thẳng về hướng chúng tôi, và chúng tôi không còn khả năng thoát khỏi điểm hiểm họa này. Miệng súng liên thanh trên máy bay đã khạc ra những đám lửa. Thế là hết, từ biệt cuộc đời! Trong đầu tôi vẫn lóe lên câu hỏi: “Ai sẽ đem quà về cho vợ???”. Máy bay nhả đạn như mưa vào chỗ cách ca nô chúng tôi khoảng hơn 10 mét. Đây rồi, lũ giặc kia! Súng cao xạ, súng máy của các đơn vị phòng không Việt Nam từ các phía thi nhau nhả đạn vào máy bay. Máy bay vội ngóc lên và mất hút về hướng Đông.

Ca nô của chúng tôi đã đến bờ. Chúng tôi lao vào hầm. Vâng, đây là ngày đầu tiên khi ở Việt Nam, tôi đã qua một cơn hoảng sợ và yếu đuối như thế. Yên tĩnh đã trở lại. Bây giờ chúng tôi mới hiểu tại sao hôm nay lại không cho chúng tôi lên máy bay về nước. Tình báo Việt Nam lại chứng minh được tài nghệ của mình trong việc nắm tình hình địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2023, 05:30:13 pm »

Sáng ngày hôm sau, cuộc chia tay chớp nhoáng (vì để không có điềm gở), chúng tôi nhanh chóng lên xe buýt, sau đó lên máy bay AN-12 và cất cánh bay về hướng Bắc. Tạm biệt Việt Nam. Cầu trời hãy cho chúng tôi được gặp nhau trên mảnh đất này sau khi Việt Nam đã chiến thắng kẻ thù độc ác và bầu trời Việt Nam luôn luôn hoà bình.

Máy bay chúng tôi xuống sân bay Bắc Kinh. Tại đây, chẳng còn sự đón tiếp trọng thị nữa. Quan hệ giữa hai nước chúng tôi được biểu thị ở phong cách tiếp khách của người dân Trung Quốc. Các chiến sĩ biên phòng và nhân viên hải quan rất lạnh nhạt với chúng tôi. Bữa ăn trưa cùng không có những bài phát biểu chúc mừng, có nhiều món ăn, nhưng không có vodka và cô-nhắc như lần từ Liên Xô quá cảnh sang Việt Nam. Chúng tôi ngồi trong một phòng nhỏ chờ máy bay nạp thêm nhiên liệu, rồi tiếp tục bay sang U-Lan-Ba-To.

Máy bay chúng tôi hạ cánh xuống sân bay nằm giữa khu rừng. Cơ trưởng giải thích, từ đây về thành phố cần phải 40 phút nữa. Chúng tôi không phải qua các thủ tục kiểm tra, ngồi lên các xe “Hải âu” của Liên Xô và đưa thẳng về khách sạn nghỉ qua đêm. Kiến trúc xây dựng khách sạn theo đúng mẫu của Liên Xô, nhà 5 tầng thời Khrusov.

Nơi được gọi là trung tâm thành phố, vì nơi đó có các tòa nhà đồ sộ của Chính phủ nước CHND Mông Cổ, có Cung văn hóa. Phía trước các tòa nhà của Chính phủ là Lăng của Đamđini Sukhe-Bator - Lãnh tụ của đất nước, người lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng ách thống trị hàng thế kỷ của Trung Quốc, người anh hùng dân tộc. Tượng đài ông ở tư thế một lãnh tụ cưỡi ngựa, giơ tay chỉ đường về phía Liên Xô.

Chúng tôi được bố trí ở khách sạn trung tâm, phòng 2 người. Ăn tối và ăn sáng đặt ở Restaran. Khác hẳn các món ăn ở Trung Quốc, các món ăn ở đây hoàn toàn giống các món ăn Nga. Sau khi đi dạo chơi trên quảng trường trung tâm và dọc bờ sông Tô La, chúng tôi kéo nhau về khách sạn đi nghỉ.

Sáng sớm hôm sau, sau khi ăn sáng, chúng tôi lại ra sân bay. Trông nét mặt ai cũng rạng rỡ. Hôm nay, chúng tôi về đến thành phố Yakutsk, về đến Liên Xô. Đối với tôi là về đến nhà rồi. Các bạn của tôi phải thêm vài ngày nữa mới về đến đơn vị và sau đó mới về nhà. Tôi có may mắn, công tác và sống đều ở Yakutsk. Thời gian hình như bị kéo dài. Khi bay qua biên giới Liên Xô, phi công cho máy bay hạ độ thấp và lại nâng độ cao khi qua núi, rồi hạ cánh xuống mảnh đất thân yêu. Nhìn qua cửa ló trên máy bay, chúng tôi thấy các chiến sĩ đang vẫy chào và đồng thanh kêu: u-ra..a...!!!

Đón chúng tôi tại sân bay Yakutsk có: các chiến sĩ biên phòng, các nhân viên hải quan, Thiếu tướng Gusho - Sư trưởng Sư đoàn phòng không 26, và một đoàn các sĩ quan đi cùng. Sau khi hoàn tất các thủ tục nhập cảnh, đồng chí hiệu thính viên trên không của máy bay AN-12 mang vào phòng đợi cho tôi một bó hoa hồng được mua từ Hà Nội. Đó là món quà chính mà tôi muốn tặng vợ. Mất một vài giờ nghe nói chuyện trong phòng dành cho sĩ quan, thu hồi hộ chiếu và trả lại chứng minh thư và thẻ đảng cho từng người. Các bạn phải tiếp tục bay thì vào nhà ăn, còn những người ở thành phố Yakutsk như tôi được phát tiền công tác phí là 25 rúp và về nhà. Trung đoàn cho tôi chiếc xe Gaz-69, ngồi lên xe rồi mà tôi không biết đi hướng nào để đến phố Postưshev, nhà số 2, phòng số 6. Cách nhà chừng 300 mét, lái xe dừng lại và nói: “Thưa đồng chí trung úy, xe không thể vào tận nhà ở đồng chí được. Đồng chí vui lòng đi bộ”. Thế là, lúc thì tôi đi bộ, lúc thì tôi chạy. Một tay xách chiếc va ly đỏ, một tay ôm bó hoa hồng. Cả gia đình tôi sẽ bất ngờ khi tôi xuất hiện. Hình như vợ tôi, mẹ vợ tôi và con gái nhỏ bé Anzhelina của tôi đều ở nhà. Rất khó mô tả sự vui mừng khi chúng tôi được gặp nhau, nhất là khi viết những dòng hồi ức này đã qua 40 năm. Chỉ biết nói, đó là giây phút hạnh phúc nhất trong đời tôi.

Tổng kết những điều tôi kể, tôi thấy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nơi mà cách đấy trên 40 năm các chuyên gia quân sự Liên Xô đã công tác, nay đã là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt và đường lối tự chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên đã đạt được những thành tích lớn trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế và xã hội. Và đạt được tất cả điều đó, trước hết phải nói đến thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống Mỹ - một kẻ thù mạnh, nham hiểm và hung dữ. Mỹ đã phải trả một giá đắt cho cuộc chiến tranh đó. Mỹ đã mất 360 nghìn người, trong đó có 57 nghìn người bị tiêu diệt, 3744 máy bay và 4868 máy bay lên thẳng. Mặc dù Mỹ hơn hẳn Việt Nam về kinh tế và quốc phòng, song tháng 01 năm 1973, Mỹ phải ký Hiệp định Pari về việc rút quân đội khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, từ tháng 7 năm 1965 đến tháng 12 năm 1974, Liên Xô đã cử 6359 tướng lĩnh và sĩ quan hơn 4,5 nghìn hạ sĩ quan và lính nghĩa vụ sang Việt Nam làm chuyên gia quân sự. Có 16 người đã hy sinh.

Đánh giá sự giúp đỡ về quân sự và kinh tế của Liên Xô đã dành cho Việt Nam, cần phải nhấn mạnh đó là sự giúp đỡ kịp thời, vô tư và có hiệu quả. Nhờ đó, nhân dân Việt Nam anh hùng đã giành được nền độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Liên bang Nga, tháng 10 năm 2009
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2023, 05:32:20 pm »

NHỮNG NGƯỜI CON SIBERIA
THAM GIA CHIẾN ĐẤU Ở VIỆT NAM

Bogoyalevski Leonid Anatolievich


Vài nét về tác giả

Đại tá Bogoyalevski Leonid Anatolievich sinh ngày 03 tháng 10 năm 1941 ở vùng Kalinin.

Năm 1962, ông tốt nghiệp Trường quân sự Cờ đỏ Zhitomirsk của Lực lượng bộ đội Phòng không.

- Ông phục vụ trong Quân đoàn phòng không độc lập 14 với cương vị là người đứng đầu Đại đội kỹ thuật vô tuyến.

- Từ tháng 8 năm 1965 đến tháng 7 năm 1966, tham gia chiến đấu tại Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tên lửa Phòng không Minsk (năm 1971) ông tiếp tục phục vụ trong quân đội với chức vụ kỹ sư trưởng ngành Tên lửa cấp trung đoàn và là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn kỹ thuật thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không S-200 thuộc Quân đoàn Phòng không 16, Quân khu Phòng không Moskva.

- Năm 1979, ông tốt nghiệp khoa đào tạo cán bộ chỉ huy cấp Lữ đoàn Tên lửa Phòng không mang tên Nguyên soái Govorov (Học viện đặt tại thành phố Kharkov).

- Năm 1979, ông được giữ chức Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Tên lửa Phòng không 72 thuộc Quân đoàn Phòng không 16, Quân khu Phòng không Moskva

- Năm 1987 ông giữ chức vụ Trưởng phòng quản lý vũ khí của Phi đoàn Phòng không 1 thuộc Quân đoàn 1 Phòng không Quân khu Phòng không Moskva.

Ông được tặng thưởng Huân chương hạng 3 “Phục vụ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang Liên Xô” và 13 huy chương các loại, trong đó có Huy chương “Hữu nghị” của Việt Nam.


Ban Biên soạn
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2023, 08:56:26 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2023, 05:35:01 pm »

Những người con Siberia tham gia chiến đấu tại Việt Nam

Những năm 60 của thế kỷ trước là những năm có nhiều sự kiện lịch sử cả ở trên thế giới và cả ở Liên Xô chúng tôi. Và chúng tôi, các sĩ quan tên lửa trẻ của các lực lượng phòng không đã phục vụ trong Binh đoàn Phòng không lrkutsk (Quân khu Zabaikan), chúng tôi đã chứng kiến những sự kiện này.

Sư đoàn chúng tôi được gọi là sư đoàn Mukden (Sư đoàn thép). Sư đoàn trở nên nổi tiếng trong các trận đánh với đạo quân Quan Đông hồi tháng 8 năm 1945, cũng như trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Chúng tôi tự hào được phục vụ trong sư đoàn lừng lẫy chiến công. Chúng tôi thực hiện một nhiệm vụ chiến đấu để bảo vệ khu vực công nghiệp Angarsk-Irkutsk ở miền Đông Siberia. Ở đây, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy những gì mà trước đây chúng tôi đã học được từ sách giáo khoa: từ sự lưu đày của các chiến sĩ Tháng Mười hai đến các trạm thủy điện Erkusk có công suất mạnh.

Mùa thu năm 1962, tình hình quốc tế trở nên phức tạp đáng kể - cuộc khủng hoảng Ca-ri-be bùng nổ và nhiều người trong chúng tôi đã viết đơn tình nguyện sang Cuba. Nhưng định mệnh lại khác. Ngọn lửa chiến tranh nổ ra ở Đông Nam Á.

Từ tháng 8 năm 1964, Không quân Hoa Kỳ bắt đầu tiến hành các vụ đánh bom có hệ thống xuống lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và vào mùa hè năm 1965, các hệ thống tên lửa phòng không với sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia quân sự Liên Xô, đã mở đầu những thất bại nặng nề cho không quân Mỹ.

Tháng 7 năm 1965, một tiểu đoàn với biên chế rút gọn đã được thành lập khẩn cấp. Quân số bao gồm các chiến sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan Sư đoàn chúng tôi. Chỉ huy Tiểu đoàn là Trung tá Borisov Mikhail Aleksandrovich.

Chúng tôi đã được cử đến thành phố Kyakhta thuộc Cộng hòa Buryatia, nằm trên biên giới với Mông Cổ. Tại đây, chúng tôi đã được hợp nhất với Tiểu đoàn do Thiếu tá Ryzhikh Gavriel Semenovich chỉ huy. Tiểu đoàn này được tách từ Sư đoàn Phòng không Novosibirsk. Và trên cơ sở trường đào tạo các chuyên gia sơ cấp, chúng tôi bắt đầu thực hành.

Thời hạn đào tạo đã được rút ngắn đến mức thấp nhất. Kế hoạch bắn đạn thật trên trường bắn đã được hoạch định ngay từ đầu.

Sau khi hoàn thành đợt bắn thực hành, chúng tôi đến kiểm tra sức khỏe tại Hội đồng Quân sự của Quân khu. Quá trình kiểm tra, Hội đồng Quân sự đã phát hiện ra những người “không đủ tiêu chuẩn” vì nhiều lý do. Họ đã được gửi ngay về đơn vị cũ. Cần phải biết rằng, những người đó sẽ bị “phanh lại” sự thăng tiến trong quá trình phục vụ.

Và cuối cùng, chuyến bay Irkutsk - Bắc Kinh - Hà Nội đã đến với chúng tôi.

Trong những giờ đầu tiên sau khi hạ cánh, chúng tôi (vẫn coi mình là người Siberia) đã bị choáng váng bởi khí hậu địa phương. Sau khí hậu lục địa khô ráo, ngột ngạt của Đông Siberia, khí hậu nóng ẩm của Việt Nam dường như là một bồn tắm thật sự. Đêm đã đến, song đêm không đem lại sự mát mẻ cho chúng tôi.

Ngày hôm sau, Lãnh đạo Trung tâm đào tạo thứ hai, Thiếu tướng Bazhenov và Thiếu tá Zaika đã phổ biến cho chúng tôi tình hình ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam.

Sau khi đến Việt Nam, 2 tiểu đoàn “Siberia” của chúng tôi được mang phiên hiệu là Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 4. Hai tiểu đoàn của chúng tôi hợp nhất với 3 tiểu đoàn của Quân khu Baku đã đến Việt Nam trước chúng tôi có phiên hiệu là Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn Kỹ thuật sẽ hình thành Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 Quân chủng PKKQ QĐND Việt Nam.

Một sự kiện không thể quên đối với tôi, đó là ngày 1 tháng 10 năm 1965, trạm điều khiển tên lửa đã được mở máy, các ăng-ten và bệ phóng đã được triển khai hướng ra vịnh Bắc Bộ.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2023, 08:57:17 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2023, 05:36:09 pm »

Qua hệ thống thông tin bằng loa, chúng tôi nghe giọng nói rõ ràng và bình tĩnh của đồng chí Borisov: “Tất cả hãy chú ỷ! Tôi đang kiểm tra tình hình trên không. Trên trời có 12 nhóm máy bay địch”. Tôi ra lệnh: “Tiêu diệt mục tiêu!”.

Tên lửa thứ nhất, được phóng vào máy bay đi đầu, bay ở độ cao 400 mét, nó rơi xuống một làng quê Việt Nam và làm cho các ngôi nhà bị cháy. Chúng tôi nhìn thấy dân làng (chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em) vội vã chạy khỏi ngôi làng đang cháy. Hình ảnh này không dành cho những người yếu tim.

Đối với chỉ huy của chúng tôi, đây là cuộc chiến thứ 3. Trước khi đến Việt Nam, ông đã trải qua cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại và tham gia chiến tranh ở Triều Tiên năm 1950 - 1953.

Chúng tôi lại nghe lệnh của chỉ huy: “Chúng ta tiếp tục chiến đấu. Tiêu diệt mục tiêu!”. Tên lửa đã được phóng và 2 máy bay tiêm kích đã bị bắn rơi. Đó là chiến công đầu của đơn vị chúng tôi.

Đầu tháng 11, các máy bay tiêm kích của địch đã lợi dụng địa hình, bất ngờ tấn công vào trận địa chúng tôi. Tại thời điểm này, chỉ huy của chúng tôi đang ở vị trí bệ phóng. Một quả bom phát nổ gần xe chở tên lửa và quả tên lửa đã nổ. Người chỉ huy bị thương. Ồng được gửi đến bệnh viện, và sau đó phải đưa về Liên Xô.

Chẳng biết từ đâu lại có một tin đồn rằng, ông hèn nhát và gần như chạy khỏi Việt Nam. Có bao nhiêu thử thách có thể rơi vào số phận của một người! Sau này chúng tôi được biết, ngày hôm đó đã có tới 300 máy bay Mỹ đã oanh tạc vào miền Bắc Việt Nam.

Bất kỳ cuộc chiến tranh nào đều có những khoảnh khắc bi thảm.

Bộ Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cố gắng bằng mọi cách để phá vỡ hệ thống giao thông đường sắt giữa Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng, cũng như giữa Hà Nội và các tỉnh phía Nam.

Tiểu đoàn hỏa lực của chúng tôi được các đơn vị pháo cao xạ yểm trợ (đó là đơn vị pháo cao xạ 37 ly và 57 ly, các đơn vị súng máy 2 nòng và 4 nòng). Các đơn vị này được triển khai gần thị xã Hải Dương nhằm bảo vệ cầu Lai Vu có đường sắt chạy qua. Sau khi triển khai thiết bị vào ban đêm và để lại chuyên gia làm nhiệm vụ trực trong xe điều khiển, chúng tôi tạm thời rút về một địa điểm cách trận địa gần 0,5 km để tranh thủ nghỉ ngơi.

Sau một thời gian, chúng tôi nghe thấy những tràng nổ của súng cao xạ. Và ngay sau đó, trên đầu chúng tôi ở độ thấp và rất thấp xuất hiện nhiều tốp máy bay tiêm kích. Sau khi bay vòng, chúng lao xuống cây cầu và thả bom. Theo lệnh của đồng chí Đại úy Tokmakov Ivan Vasilyevich, khẩu đội trưởng khẩu đội bệ phóng, chúng tôi vắt chân lên cổ chạy đến trận địa. Một chiếc dù của phi công Mỹ đang bay lơ lửng ở trên đầu chúng tôi. Chiếc máy bay bị các xạ thủ đơn vị pháo cao xạ bắn rơi. Sau đó, cuộc đột kích kết thúc, cầu đường sắt bị hư hại. Trong cuộc tập kích của kẻ địch lần này, đơn vị chúng tôi không kịp phát hỏa.

Chúng tôi kiểm tra kỹ thuật. Tất cả các hệ thống đều có thể sử dụng được. Đột nhiên chúng tôi phát hiện ra rằng, tất cả các phích nối ngòi nổ ở trên các tên lửa đang nằm trên bệ phóng đều bị tháo rời ra (coi như chưa được nối mạch) Chính vì thế mà trong khi địch bay vào, trên các màn hình chỉ thị không hề có tín hiệu nào. Tuy nhiên, trong các nguyên nhân cây cầu bị phá hủy có thiếu sót của chúng tôi. Chúng tôi đã phải chịu đựng điều khiển trách này cho đến khi các bạn Việt Nam tìm thấy hai tên gián điệp. Bọn chúng đã trực tiếp tháo rời đầu nối các ngòi nổ trên tên lửa trước khi bắn. Chúng tôi đã được minh oan và khuyên không nên lan truyền tin này bất cứ nơi nào. Nhưng câu chuyện oan trái này vẫn ẩn chứa trong tâm trí chúng tôi.

Đại úy Bogdanov Yuri Petrovich tiếp tục chỉ huy chúng tôi chiến đấu và giành được chiến thắng.

Thiếu tướng Bazhenov Nikolai Vasilievich, trưởng Trung tâm của chúng tôi, là một người chỉ huy khéo léo, thông minh, nguyên tắc và chân chính. Ông đã tham gia trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại.

Đối với chúng tôi, những người lính trẻ, ông đối xử như một người cha với các con. Ông hiểu rằng, ở Việt Nam chúng tôi cũng có những khó khăn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2023, 05:37:41 pm »

Chúng tôi đã triển khai bộ khí tài tên lửa phòng không trên một khu vực thuộc sân bay không hoạt động, không xa vịnh Bắc Bộ. Trận địa này không có hiệu quả. Thực tế, chúng tôi ở vào vị trí không xa tàu sân bay của Hải quân Mỹ: máy bay tiêm kích của Mỹ có thể bay ở độ cực thấp, bất ngờ đánh vào các mục tiêu mà chúng đã có ý đồ bắn phá.

Vào một ngày nắng nóng của tháng 11, Tướng Bazhenov đã đến gặp chúng tôi. Quần áo của ông bị bẩn vì cát bụi. Ông mỉm cười và nói: “Tôi phải ẩn nấp ở một con mương bên đường vì một trận không kích của máy bay Mỹ”. Qua lời kể của ông, chúng tôi hiểu ông muốn mỉa mai rằng, các phi công Mỹ đã mài dũa kỹ năng chuyên môn của họ, để không bỏ lỡ ngay cả những chiếc xe đang di chuyển trên đường.

Sau khi đến với chúng tôi, Thiếu tướng Bazhenov đã hiểu rõ tình hình thực tế nơi chúng tôi đang đóng quân và ông đã quyết định chúng tôi cần nhanh chóng di chuyển đến vị trí khác.

Trước khi rời Việt Nam về Liên Xô, Thiếu tướng Bazhenov đã nêu với các bạn Việt Nam tất cả các yêu cầu và mong muốn của đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô: vấn đề nhà ở, thay đổi địa điểm làm việc, học tập trong trường đại học quân sự, v.v... Hầu hết những đề nghị đó đã được hoàn thành.

Trong chiến đấu, chúng tôi luôn luôn nhận được sự hợp đồng tác chiến của các đồng đội từ các tiểu đoàn khác của trung đoàn.

Những người con Siberia chúng tôi đang ở cương vị là chuyên gia của Tiểu đoàn 3, dưới quyền chỉ huy của Trung tá Ryzhikh Gavriil Semyonovich, chúng tôi đã chiến đấu có hiệu quả. Trung tá là một sĩ quan đã tham gia chiến đấu ở Triều Tiên trong những năm 1950-1953. Trung tá đã nêu tấm gương về lòng dũng cảm và kiên cường đối với cấp dưới của mình. Vì vậy, chúng tôi có thể mạnh dạn nói rằng: những người Siberia ở Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc. Các chuyên gia của Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 của trung đoàn chúng tôi đều là những cán bộ chiến sĩ thuộc Quân khu Baku. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 là Thiếu tá Tereshenko A.G. và của Tiểu đoàn 2 là Trung tá Lyakishev I.A. Họ đã khéo léo vận dụng những kinh nghiệm công tác của mình trong khu vực phòng thủ biên giới. Họ đã tham gia chiến đấu và khai thác thiết bị quân sự một cách chuyên nghiệp hơn chúng tôi.

Sau này chúng tôi nhận được tin vui, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 QĐND Việt Nam đã được phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”.

Với tình cảm ấm áp, tôi nhớ tất cả những người bạn chiến đấu của tôi:

Đại úy Prusov Ivan, Thượng úy Bulgakov Vladimir Leonidovich, Đại úy Arsiriy Anatoly Grigorievich, Đại úy Tokmakov Ivan Vasilyevich, Thượng úy Sherbak Gennady Alexandrovich, Thượng úy Sergei Kambarov, Thượng úy Sergei Porkhun.

Trong công tác và chiến đấu, dù khó khăn như thế nào, chúng tôi không bao giờ chia việc này là “của tôi” và việc kia là “của bạn”.

Thiết bị quân sự bị hỏng hóc, hoặc những sai sót trong chiến đấu - tất cả cái đó đều là nỗi đau chung của chúng tôi, và mỗi người chúng tôi đều đem hết khả năng và kiến thức của mình để khắc phục những khiếm khuyết đó.

Kinh nghiệm chiến đấu mà chúng tôi có được trong những năm công tác ở Việt Nam, đã rất có ích cho chúng tôi trong việc tiếp tục phục vụ lâu dài trong các lực lượng Phòng không ở quê hương xứ sở Bạch Dương.

Khi nào gặp khó khăn, chúng tôi đều nhắc lại: “Ở Việt Nam còn khó khăn hơn”.

Thành phố Vidnoye, tháng 7 năm 2007
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:09:59 pm »

VIỆT NAM VÀ QUÂN KHU 4

Korotaev Yury Anatolevich


Vài nét về tác giả

Trung tá Korotaev Yury Anatolevich sinh ngày 17 tháng 12 năm 1938 tại quận Satkinsky vùng Chelyabinsk.

- Năm 1961, ông tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật vô tuyến điện của Bộ đội Phòng không Quốc gia Minsk.

- Năm 1961-1968, ông là Trưởng Phân đội thứ 2 Bộ đội Tên lửa Phòng không C-75.

- Từ ngày 8 tháng 10 năm 1966 đến tháng 10 năm 1967, ông được cử sang công tác tại Việt Nam.

- Từ năm 1968-1969, ông là Phó chỉ huy Tiểu đoàn vũ khí.

- Từ năm 1969-1970, ông là Trợ lý cấp cao Trưởng phòng Quân huấn của Quân đoàn Phòng không 19.

- Từ năm 1970-1971, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không C-75.

- Từ năm 1971-1972, ông là công tác tại Học viện Ngoại giao quân sự.

- Từ năm 1972-1979, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không S-200.

- Từ năm 1979-1984, ông là Trực ban Chỉ huy sở Phòng không 40A.

- Năm 1984, xuất ngũ, nghỉ hưu

Ông được tặng thưởng Huân chương Sao Đỏ vì đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Việt Nam, 8 huy chương về thành tích đã phục vụ trong quân đội.

Ông được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng Huy chương “Hữu nghị”.

Ông qua đời năm 2002 tại thành phố Ekaterinburg.


Ban Biên soạn
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:11:30 pm »

Việt Nam và Quân khu 4

Tháng 9 năm 1966, Thiếu tá Kholuyanov Vladimir Vladimirovich, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không số 2 của chúng tôi đã nói với tôi rằng, tôi sẽ được giao nhiệm vụ đặc biệt là đến công tác ở một đất nước có khí hậu ẩm ướt và nóng bức, tôi đồng ý. Tôi hy vọng sẽ được đến Cuba. Tôi cũng muốn nói thêm, Tiểu đoàn trưởng của chúng tôi là một sĩ quan Xô Viết đã tham gia cuộc Chiến tranh ái quốc vĩ đại,

Tại cuộc họp của Hội đồng Quân sự 40A của lực lượng Phòng không, các đồng chí có trách nhiệm đã thông báo rõ cho chúng tôi biết là đi công tác sang Việt Nam. Trong khi trò chuyện với một thành viên của Hội đồng Quân sự, tôi nói: “Nếu cần thiết, thì chúng tôi sẽ chiến đấu”. Đồng chí ấy đã sửa câu nói của tôi, tôi phải nói - “Tôi sẽ không phụ lòng tin của cấp trên”.

Tại thời điểm sang Việt Nam, tôi là Đại úy, Trưởng kíp 2 của Đại đội kỹ thuật vô tuyến Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không thuộc Lữ đoàn Tên lửa Phòng không Zlatoustovsk.

Trước khi lên đường sang Việt Nam công tác, chúng tôi đã tập trung ở Moskva. Tại đó, chúng tôi nhận đồng phục dân sự và các đồng chí ở Cục 10 Bộ Tổng Tham mưu đã thông báo cho chúng tôi biết những sự kiện mới nhất tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ý tác giả muốn nói miền Bắc Việt Nam là nước VNDCCH - ND)

Đầu tháng 10 năm 1966, chúng tôi bay từ Moskva qua Trung Quốc (hạ cánh tại Bắc Kinh) và buổi tối cùng ngày, đã hạ cánh ở sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Sau khi ra khỏi máy bay, chúng tôi ngay lập tức cảm thấy rằng, chúng tôi đang sống trong thời chiến. Trên bầu trời ban đêm có những tia lóe sáng và âm thanh của những vụ nổ. Từ sân bay về thành phố, chúng tôi ngồi trên xe khách và xe phải đi bằng đèn gầm, ánh sáng chỉ soi dưới gầm xe, đủ cho người lái xe căn chỉnh hướng đi trên đường.

Chúng tôi được bố trí ở tại khách sạn Kim Liên, Hà Nội, Sau vài ngày, một vấn đề tổ chức đã được quyết định. Một nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô, trong đó có tôi, do Đại tá Vasily Grigorievich Baikov, người đã tham gia cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, làm Trưởng đoàn, sẽ lên đường vào Quân khu 4 của Việt Nam để thay thế các đồng chí chuyên gia quân sự Liên Xô đã hoàn thành nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, chúng tôi chỉ được đi vào ban đêm. Chúng tôi đã đi trong 2 đêm mới đến được nơi đóng quân của Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 QĐND Việt Nam. Trên đường đi, chúng tôi phải đi qua nhiều con sông. Đúng vào dịp mùa mưa nhiệt đới, những con suối nhỏ biến thành những con sông rộng 50-70 m và sâu tới 1,5 m.

Vào đêm thứ hai trên đoạn đường vùng đồi núi bị tắc nghẽn do có một hố bom của Mỹ gây ra. Trong đêm tối, nhân dân địa phương đã sử dụng các loại dụng cụ như cuốc, xẻng, xà beng, quang gánh để đào đất, sỏi đá và chuyển chúng đến lấp hố bom. Chẳng bao lâu, hố bom đã biến mất và con đường đã được lưu thông. Sau khi đến nơi, chúng tôi đã gặp Ban chỉ huy Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 và Chỉ huy các tiểu đoàn của Trung đoàn 238. Chúng tôi đã cùng với các đồng chí đó thảo luận các nhiệm vụ chính và tình hình trong khu vực triển khai của Trung đoàn.

Trung đoàn trưởng 238 là Trung tá Hội, Phó Trung đoàn trưởng là Thiếu tá Cần, kỹ sư trưởng là Thiếu tá Ngọc. Họ đều là những chỉ huy được đào tạo chuyên nghiệp, những người đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu với các cuộc không kích của Mỹ.

Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 QĐND Việt Nam áp dụng chiến thuật “phục kích” trong chiến đấu. Trong những năm 1966-1967, Trung đoàn 238 là trung đoàn duy nhất chiến đấu tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trung đoàn không có các đơn vị pháo cao xạ và súng máy yểm trợ. Các máy bay chiến đấu của Không quân Việt Nam cũng không hoạt động trong khu vực này. Do đó, Ban chỉ huy Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 thực hiện chiến thuật phục kích nhằm bắn hạ pháo đài bay B-52 của không quân Mỹ, trong khu vực vĩ tuyến 17. Phải nói rằng, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238 Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này: từ tháng 1 đến tháng 10 năm 1967, Trung đoàn đã bắn hạ 4 chiếc B-52. Đạt được thành tích đó là nhờ vào tinh thần lao động quên mình của các chuyên gia quân sự Liên Xô và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các chiến sĩ Bộ đội Tên lửa Phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam.

Các trận chiến đấu đã diễn ra trong điều kiện rất khó khăn: Không quân Mỹ đã lợi dụng lợi thế về địa hình, liên tục tiến hành trinh sát bằng không quân và mặt đất để xác định các đơn vị quân đội, trang thiết bị quân sự và vị trí của các đơn vị tên lửa phòng không. Khi các chuyên gia quân sự của chúng tôi đi đến các trận địa hỏa lực của các tiểu đoàn, chúng tôi đã phải vượt qua các cây cầu, cầu phao, thậm chí phải đi trên các con đê ven sông. Tất cả những công trình giao thông đó đều là mục tiêu ném bom hàng ngày của không quân Mỹ. Độ ẩm và nhiệt độ cao ảnh hưởng mạnh đến tình trạng sức khỏe của chúng tôi, gây ra cho chúng tôi các bệnh khác nhau, phổ biến nhất là bệnh “nhiệt đới”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM