Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:40:48 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử B2 Thành Đồng  (Đọc 6634 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #140 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2024, 02:35:43 pm »

DIỄN VĂN KHAI MẠC ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ QUÂN KHU 7
(ngày 06/11/1976)


    Thưa các đồng chí đại biểu Đại hội,
    Thưa các đồng chí phái viên của cấp trên về dự Đại hội Quân khu,


    Từ khi Trung ương Đảng thông báo về việc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng sẽ khai mạc vào trung tuần tháng 12 sắp đến, làn sóng phấn khởi hân hoan đã tràn ngập khắp non sông đất nước ta, vì Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đáp ứng được kịp thời sự đòi hỏi của tình hình nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, đáp ứng được yêu cầu tha thiết của giai cấp công nhân ta, của toàn thể dân tộc ta và của mỗi một đảng viên chúng ta. Đảng bộ Quân khu cũng như toàn thể lực lượng vũ trang Quân khu đã nô nức hướng về Đại hội lần thứ IV của Đảng, thi đua lập nhiều thành tích trên mọi lĩnh vực để dâng lên Đại hội Đảng. Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, hôm nay chúng ta vui mừng, phấn khởi chính thức bước vào khai mạc Đại hội.

    Các đồng chí thân mến,

    Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu chúng ta lần này với sự có mặt của 246 đại biểu chính thức và 13 đại biểu dự khuyết do đại hội các đảng bộ bầu cử về dự. Trong các đồng chí đại biểu có nhiều đồng chí là cán bộ cao cấp, trung cấp và có các đồng chí cán bộ cơ sở của các lực lượng vũ trang Quân khu. Có 8 đồng chí đại biểu là Anh hùng Quân đội trong đó có 2 đồng chí nữ, 44 đồng chí đại biểu là Chiến sĩ thi đua. Các đồng chí đại biểu đều là những đồng chí đảng viên đã trải qua cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, ác liệt và vô cùng anh dũng trên các chiến trường B2 và Quân khu 7. Có đồng chí trưởng thành từ phong trào đấu tranh chính trị, từ cuộc Đồng khởi, các đồng chí tham gia xây dựng những đội vũ trang đầu tiên ở B2; nhiều đồng chí đã có mặt trong cuộc chiến tranh chống Pháp và trong suốt các giai đoạn của cuộc chiến tranh chống Mỹ gay go ác liệt ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, có mặt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân, hầu hết tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tất cả đều là cán bộ chủ trì ở các đơn vị, các binh chủng và cơ quan. Sự cấu tạo của thành phần kể trên nói lên chất lượng của đại biểu, đại diện được đầy đủ ý chí, trí tuệ cho toàn thể Đảng bộ và toàn thể lực lượng vũ trang trong Quân khu, là hình ảnh đẹp đẽ về đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ.

   Đại hội chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh sự có mặt của đồng chí Ba Ban là một đồng chí cũ đã tham gia Đảng từ lâu và hiện nay là khách của Đại hội.

   Đại hội chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh 3 đồng chí mà Quân ủy Trung ương giới thiệu về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu và ứng cử đại biểu Đại hội toàn quân tại Đảng bộ Quân khu.

   Đại hội cũng nhiệt liệt hoan nghênh đoàn phái viên của Tổng cục Chính trị đến dự để theo dõi Đại hội chúng ta.

   Đại hội chúng ta lần này vinh dự khai mạc ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đã từng in vết chân Bác ra đi tìm đường cứu nước và là nơi chứng kiến ngày chiến thắng huy hoàng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi kết thúc thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta vô cùng xúc động, nhớ thương và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Bác, người đảng viên cộng sản đã hoàn toàn quên mình và cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng nhân dân, thống nhất đất nước, cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, người lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, của giai cấp công nhân, của lực lượng vũ trang và dân tộc Việt Nam.

   Trong Đại hội này, chúng ta vô cùng thương nhớ đến bao đồng bào, đồng chí, các đồng chí cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp đấu tranh chung và ngay trên Thành phố này.

   Các đồng chí thân mến,

   Qua việc nghiên cứu bản dự thảo Điều lệ (sửa đổi) ở các đại hội từ cơ sở gửi lên và đặc biệt là qua 3 ngày được tiếp cận dự thảo các văn kiện chủ yếu của Đại hội Đảng lần thứ IV, chúng ta càng nhận thức sâu sắc thêm ý nghĩa to lớn của Đại hội Đảng lần này.

   Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đã trải qua 3 kỳ đại hội đại biểu toàn quốc, đó là những cột mốc lịch sử trên bước đường đấu tranh cách mạng lâu dài của nhân dân ta. Nhìn lại đoạn đường đã qua, chúng ta vô cùng tự hào về Đảng ta, một đảng trăm trận trăm thắng, đã vận dụng một cách sáng tạo, tài tình đường lối chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam, lãnh đạo nhân dân giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà đỉnh cao là thắng lợi triệt để, trọn vẹn, có tính chất lịch sử và thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân cả nước ta vừa qua chính là thắng lợi của đường lối mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã đề ra.

    Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV này có ý nghĩa lịch sử rất to lớn, là đại hội của một đảng, một dân tộc đã toàn thắng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; là đại hội thống nhất nước nhà; là đại hội cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội Đảng lần thứ IV của Đảng đã quyết định đường lối để đưa nhân dân ta, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ vĩnh viễn chế độ người bóc lột người, xây dựng một chế độ mới, một nền kinh tế mới, một nền văn hóa và con người mới, thực hiện ước mơ của giai cấp công nhân và nhân dân ta, của Hồ Chủ tịch và các đồng chí tiền bối, xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu, đem lại cho nhân dân ta một cuộc đời ấm no, văn minh và hạnh phúc.

    Tiếp xúc với những nội dung các văn kiện của Đại hội, lòng chúng ta rộn lên niềm phấn khởi và tự hào vì thấy rõ đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội và mục tiêu phấn đấu trong 5 năm mà Ban Chấp hành Trung ương đề ra thể hiện tinh thần sáng tạo và tinh thần táo bạo của Đảng ta, dựa trên quyết tâm cách mạng cao, đồng thời dựa trên cơ sở khoa học, dựa vào những kinh nghiệm quý báu của quá trình thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng của 16 năm qua.

    Các đồng chí thân mến,

    Đại hội đại biểu Đảng toàn Quân khu phải làm tốt 2 nhiệm vụ sau đây:

    1) Thảo luận và đóng góp ý kiến vào bản Báo cáo chính trị và bản Báo cáo xây dựng Đảng. Chúng ta hãy phát huy tinh thần trách nhiệm đào sâu suy nghĩ, phát huy tự do tư tưởng, dân chủ thảo luận phát biểu ý kiến đóng góp vào các văn kiện của Đảng, tập trung vào các vấn đề chủ yếu theo sự hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương.

    2) Một trọng trách nữa mà chúng ta phải hoàn thành tốt đẹp trong Đại hội này là: Lựa chọn đại biểu xứng đáng để bầu làm đại biểu của Đảng bộ Quân khu đi dự Đại hội đại biểu Đảng toàn quân. Việc lựa chọn đại biểu xứng đáng đi dự đại hội cấp trên là sự đóng góp thiết thực vào thành công của Đại hội toàn quốc.

    Các đồng chí thân mến,

    Cách mạng là ngày hội của quần chúng. Đại hội Đảng lần thứ IV là ngày hội lớn của nhân dân cả nước ta. Chúng ta đóng góp phần tích cực của mình vào sự thành công của Đại hội Đảng toàn quân và Đại hội Đảng toàn quốc chính là góp phần làm cho ngày hội của quần chúng càng thêm tưng bừng, sôi nổi.

    Đại hội của chúng ta nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc một cách nghiêm túc và khẩn trương để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng bộ Quân khu giao phó cho mỗi đồng chí đại biểu chúng ta.

    Chúc các đồng chí đại biểu nhiều sức khỏe.
    Chúc Đại hội thành công.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #141 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2024, 02:42:22 pm »

PHÁT BIỂU TẠI ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ VII
(năm 1991)


    Kính thưa Đoàn Chủ tịch,
    Thưa toàn thể đại biểu,


    Tôi xin phát biểu góp ý kiến vào các văn kiện của Đại hội về ba nội dung:

    + Đánh giá thực trạng tình hình đất nước và những mặt tồn tại trong bối cảnh của tình hình quốc tế hiện nay.
    + Chiến lược kinh tế - xã hội và mối quan hệ của nó với chiến lược chính trị, ngoại giao và an ninh quốc phòng.
    + Vấn đề chỉnh đốn Đảng và đối với sự lãnh đạo của Đảng.

    I. Thực trạng kinh tế - xã hội và nguyên nhân của mặt tồn tại

    Trước hết, tôi nhất trí về cơ bản những đánh giá về những thành tựu trên nhiều mặt trong quá trình đổi mới kể từ sau Đại hội VI như trong Báo cáo chính trị đã nêu. Đó là những thành tựu bước đầu, chưa vững chắc, nhưng rất quan trọng, khẳng định một cách có cơ sở khoa học và thực tiễn: Đường lối đổi mới về mọi mặt của Đại hội VI đề ra là đúng đắn, đã và đang phát huy tác dụng tích cực, bước đầu đưa đất nước ta lên con đường thoát khỏi một thời kỳ trì trệ kéo dài hàng thập kỷ do phạm nhiều sai lầm, chậm được phát triển và sửa chữa kịp thời.

    Đó là những sai lầm về đường lối từ Đại hội IV, cả về đường lối chung cũng như đường lối kinh tế. Đường lối chung nhấn mạnh đẩy mạnh cải tạo quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa (còn gọi là cách mạng về quan hệ sản xuất) với ý muốn tạo điều kiện nhanh chóng thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong lúc lực lượng sản xuất của ta còn rất nhỏ bé và lạc hậu. Đường lối xây dựng kinh tế lấy ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, tập trung đầu tư vốn liếng và mọi mặt vào đấy trong lúc nhân dân ta vừa thoát khỏi một cuộc chiến tranh tàn phá kéo dài, kinh tế - xã hội xáo trộn, đời sống rất khó khăn, có nơi đói kém. Tuy Đại hội V đã chú ý phân tích rõ hơn đặc điểm nền kinh tế nước ta, xác định phải lấy nông nghiệp làm hàng đầu nhưng vẫn chưa dứt khoát với nội dung cơ bản của đường lối Đại hội IV, chưa kiên quyết phê phán nghiêm khắc những sai lầm cũ. Đến Đại hội VI, Đảng cũng tự phê bình không thực hiện đúng Nghị quyết Đại hội V “lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu”, xác định thêm tập trung thực hiện ba chương trình kinh tế lớn như một quyết sách về chiến lược kinh tế. Nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa thực sự tập trung vào nông nghiệp.

    Sai lầm về đường lối cộng thêm tác hại của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và các chủ trương chính sách giá - lương - tiền... càng làm cho thực trạng kinh tế - xã hội nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kéo dài cho đến nay cũng chưa thoát ra khỏi.

    Vừa qua, tuy đã bước đầu xây dựng một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có kiểm soát, đã kiềm chế một phần nạn lạm phát, khai thông lưu thông phân phối... nhưng tất cả đều chưa vững chắc, lại phát sinh những khó khăn mới không kém phần gay gắt. Đó là vì chúng ta chưa tập trung giải quyết một cách đồng bộ vấn đề phát triển sản xuất, khâu cơ bản nhất của nền kinh tế mà hầu như bị thu hút chủ yếu vào kinh doanh buôn bán, các hoạt động dịch vụ và giải quyết các vấn đề ngọn.

    Về nông nghiệp, đến nay đã đầu tư mọi mặt cho nông nghiệp nhưng vẫn nhỏ giọt, phân tán, chưa tập trung đúng mức cho các vùng chuyên canh trọng điểm, có giá trị hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu của cả nước và xuất khẩu. Nhiều chính sách đối với nông dân chưa được giải quyết đúng đắn, kịp thời như: Quyền sử dụng và sở hữu ruộng đất, chính sách trợ giá cho nông phẩm, cho vay tín dụng, thuế má, quan tâm đến vấn đề đời sống văn hóa - tinh thần và xây dựng nông thôn mới về mọi mặt.

    Công nghiệp quốc doanh và tiểu thủ công nghiệp trừ một số cơ sở có điều kiện phát triển khá, nhìn chung, sản xuất đình đốn, nhiều cơ sở đứng trước nguy cơ phá sản do thiếu vốn, kỹ thuật lạc hậu, năng suất thấp, chất lượng kém, giá thành cao, trình độ quản lý không thích ứng với cơ chế thị trường. Điều đáng quan tâm là một số chủ trương, chính sách lớn về tài chính, ngân hàng, chính sách thuế má, cơ chế quản lý không khuyến khích và bảo đảm cho sản xuất, mà còn gây thêm ách tắc, có nguy cơ dẫn tới suy sụp nền kinh tế.

    Trong khi thương nghiệp quốc doanh điêu đứng, nhiều nơi phải chuyển sang khoán doanh thu hoặc cho mướn cửa hàng, mặt bằng để sống thoi thóp thì hàng ngoại đủ loại nhập lan tràn, không kiểm soát nổi, tạo nên bộ mặt phồn vinh có phần giả tạo, nạn đua nhau tham gia buôn lậu với nhiều hình thức, bất chấp kỷ cương, luật pháp càng gây rối loạn thị trường, giá cả không ổn định, làm đình trệ sản xuất hàng hóa trong nước.

    Nghiêm trọng hơn, trực tiếp tác động xấu đến chính trị - xã hội là tệ nạn tham nhũng, hối lộ, xa hoa lãng phí, bất công xã hội phát triển, làm hư hỏng một bộ phận đáng kể đảng viên có chức có quyền, vô hiệu hóa các đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhưng chưa được kiên quyết ngăn chặn và xử lý kịp thời.

    Tình hình trên đây đã và đang gây ra tâm trạng bất bình chính đáng trong đông đảo quần chúng kể cả cán bộ, đảng viên sống lương thiện, trong sạch, làm giảm sút nghiêm trọng uy tín và lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và khả năng quản lý của Nhà nước. Đây là những vấn đề bức xúc nhất của thực trạng kinh tế - xã hội cần có biện pháp giải quyết một cách kiên quyết, triệt để nhất.

    Đặc biệt trong thời gian qua, công cuộc đổi mới của ta nằm trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp. Các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu bị khủng hoảng toàn diện và trầm trọng. Dưới chiêu bài dân chủ “đa nguyên chính trị, đa đảng”, các lực lượng cơ hội đối lập đã thực hiện lật đổ chế độ, giành chính quyền, từ bỏ mọi giá trị trước đây, phủ nhận mọi thành quả cách mạng mà nhân dân đã đạt được. Khi lên cầm quyền rồi, họ xóa bỏ mọi dân chủ, truy lùng ngay những người cộng sản. Nhiều nước đã công khai tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa xã hội đi theo chủ nghĩa tư bản, các nước tư bản chủ nghĩa ra sức tiếp tay khuyến khích, hứa hẹn giúp đỡ đủ điều nhưng đến nay những khoản tín dụng khổng lồ mà các nước Đông Âu mơ ước để nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế thị trường tự do vẫn chưa thấy đâu, trong khi đó nhân dân các nước ấy đang đắng cay sống trong hỗn loạn chính trị - xã hội, kinh tế suy sụp và đời sống ngày càng khó khăn hơn trước đây.

    Ở nước ta, từ Đại hội VI, Đảng ta đã kịp thời đề ra đường lối đổi mới toàn diện, chủ động thực hiện đổi mới từng bước cả chính trị và kinh tế, nhất là về kinh tế. Trong bốn năm qua, nhân dân ta mặc dù đã gặp nhiều khó khăn trong đời sống vật chất nhưng vẫn có điều kiện lao động sản xuất trong an ninh trật tự và ổn định chính trị. Đảng ta vẫn kiên định con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ đã dày công nghiên cứu và đề ra phù hợp với đất nước và dân tộc Việt Nam. Đó là thành công lớn nhất của Đảng ta trong những năm qua, chứng tỏ lập trường vững vàng và bản lĩnh lãnh đạo của toàn Đảng, của tập thể Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Giữ vững được ổn định chính trị vững vàng là nhân tố quyết định để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, thiết thực nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân mới củng cố được ổn định chính trị vững chắc để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

    II. Chiến lược kinh tế - xã hội và mối quan hệ với chiến lược chính trị, ngoại giao và an ninh - quốc phòng

    Trước khi đề cập tới chiến lược kinh tế 5 năm tới, tôi thấy cần phân tích rõ bối cảnh quốc tế mới đang tác động sâu sắc đến mọi mặt tình hình đất nước ta.

    - Với bản chất không thay đổi, chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ đã đề ra chiến lược “Vượt trên ngăn chặn” nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” tại các nước xã hội chủ nghĩa với tham vọng xóa sạch chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới vào cuối thập kỷ này. Được kích thích trước thành công nhanh chóng ngoài cả ước mơ ở Đông Âu, chúng có ý đồ chuyển mũi nhọn sang các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Á mà Việt Nam là một trọng điểm. Ngoài các biện pháp cô lập, cấm vận, phá hoại ngầm về mọi mặt đối với đất nước ta, Mỹ đang đẩy mạnh chiến tranh chính trị - tâm lý bằng lập các đài “châu Á tự do” hướng vào Việt Nam, đài “Trung Quốc tự do” hướng vào Trung Quốc theo kiểu các đài “châu Âu tự do” hướng vào Đông Âu và Liên Xô hoặc “đài Mácti” hướng vào Cuba lâu nay. Lợi dụng thế tương quan cân bằng chiến lược trên thế giới đột ngột chuyển hóa bất lợi cho phong trào cách mạng, nhất là việc chấm dứt Hiệp ước Vácsava và cuộc khủng hoảng toàn diện nghiêm trọng ở Liên Xô, Mỹ thao túng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để ra nghị quyết tiến hành cuộc chiến tranh chống Irắc, một cuộc chiến tranh hủy diệt vô cùng tàn bạo nhằm “lập lại trật tự thế giới mới” ở Trung Đông theo kiểu Mỹ. Đây là khu vực giàu dầu lửa, chiếm trên 60% trữ lượng của toàn thế giới, bao gồm nhiều nước thuộc “thế giới thứ ba” phần lớn không ưa gì Mỹ, lại có vị trí địa lý vô cùng quan trọng ở ngã tư đường giữa ba lục địa Âu, Á, Phi. Khống chế được khu vực này, thiết lập sự có mặt thường xuyên của quân đội Mỹ trên thực tế thì Mỹ đã triển khai được một thế chiến lược mới cả về kinh tế, chính trị, quân sự có tính chất toàn cầu trực tiếp uy hiếp sườn phía nam Liên Xô, là đối tượng chủ yếu của Mỹ, đồng thời ở thế thượng phong với các đối thủ kinh tế là những đồng minh như: Tây Âu, Đức, Nhật. Sự kiện chiến tranh vùng Vịnh càng chứng tỏ chủ nghĩa đế quốc không bao giờ từ bỏ sức mạnh bạo lực, với chúng, chân lý thuộc về kẻ mạnh nhất. Đáng chú ý, trong cuộc chiến tranh chống Irắc, Mỹ đã thử nghiệm thành công một loại hình chiến tranh cục bộ khu vực quy mô lớn bằng vũ khí thông thường nhưng rất hiện đại, rất tập trung, trong thời gian rất ngắn, có sức hủy diệt lớn, không cần sử dụng đến vũ khí nguyên tử.

    Kể từ khi xuất hiện xu thế hòa dịu do có sự thỏa hiệp giữa các nước lớn, Mỹ đã liên tiếp dùng hành động quân sự xâm lược Grênađa, Libi, Panama rồi đến chiến tranh chống Irắc. Giới cầm quyền Mỹ đang hý hửng kết luận đã “xóa bỏ được Hội chứng Việt Nam”, tự coi mình là siêu cường độc nhất vô nhị trên thế giới. Vậy sau vùng Vịnh, Mỹ sẽ nhằm vào đâu? Mỗi nước sẽ tự mình phân tích xu thế phát triển của tình hình chung để xác định đúng đắn chiến lược kinh tế - xã hội, chiến lược chính trị - ngoại giao và chiến lược an ninh - quốc phòng của mình cho phù hợp.

    Nước ta nằm ở vùng trung tâm khu vực các nước Đông Nam Á và châu Á -Thái Bình Dương, nơi có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế - chính trị -quân sự, là một vùng đông dân nhất thế giới với nhiều tài nguyên phong phú cả trên đất, dưới lòng đất, trên biển, dưới đáy biển, tất cả hầu như chưa được khai thác bao nhiêu so với châu Âu, châu Mỹ. Nhiều nhà chiến lược đã dự báo “Thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương”. Các nước tư bản phát triển nhất trên thế giới đều muốn dùng ưu thế tiền của và sức mạnh của mình để phân chia lại khu vực ảnh hưởng. Vì vậy các nước chậm phát triển không thể không cảnh giác để có chiến lược đúng đắn, bảo vệ quyền lợi và hạnh phúc cho dân tộc mình.

    Hiện nay, Mỹ đã chuyển sự chú ý sang Đông Nam Á. Đối với Việt Nam, Mỹ vẫn ngoan cố đặt điều kiện buộc ta phải gây sức ép với bạn (CPC) chấp nhận những điều khoản bất lợi trong dự thảo hiệp định do 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra, không những can thiệp trắng trợn độc lập, chủ quyền của nhân dân Campuchia mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho bè lũ diệt chủng “Khmer đỏ” có thể quay lại tiếm quyền, có nguy cơ uy hiếp cả an ninh của đất nước ta. Rõ ràng Mỹ mượn cớ vấn đề Campuchia, vấn đề người Mỹ mất tích để ép ta phải chấp thuận theo sự áp đặt của chúng để đổi lấy việc hủy bỏ cấm vận và việc quan hệ bình thường giữa hai nước. Vậy phải chăng ta buộc cầu đến Mỹ bỏ cấm vận, tranh thủ đầu tư vốn liếng, kỹ thuật của người Mỹ bằng bất cứ giá nào thì dân tộc ta mới được sống còn, nhân dân ta mới được xây dựng ấm no, hạnh phúc? Cho nên chúng ta cũng phải hết sức cảnh giác với âm mưu của Mỹ và một số nước khác đang muốn thông qua con đường mở rộng hợp tác và bằng con mồi đôla hòng thực hiện “diễn biến hòa bình” khống chế Việt Nam, kể cả không loại trừ khả năng chúng có thể dùng biện pháp sức mạnh quân sự kiểu chiến tranh vùng Vịnh để lặp lại cái gọi là “trật tự thế giới của Mỹ” ở khu vực này.

    Một lần nữa, quan điểm tự lực tự cường trong đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phải được coi là nguyên tắc cao nhất bảo đảm nền độc lập, tự do của đất nước và xây dựng ấm no hạnh phúc cho nhân dân ta. Tất nhiên trong xu thế mới của quốc tế hiện nay, phải biết vận dụng kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại một cách khôn khéo, sáng tạo.

    Sức mạnh của ta là tài nguyên phong phú, dồi dào, của đất - rừng - biển chưa được khai thác, là lực lượng lao động dồi dào, có tài năng, khéo léo. Sức mạnh của ta còn là truyền thống đoàn kết, yêu nước, có sự lãnh đạo của một đảng triệt để cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên trì đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cộng với sức mạnh của thời đại là khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ tiến tiến mà ngày nay nhiều nước kể cả các nước “thế giới thứ ba” đã vươn tới đỉnh cao, trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau và sự phân công hợp tác quốc tế vì lợi ích các bên ngày càng mở rộng. Đó là những thuận lợi rất cơ bản.

    Muốn vậy, chiến lược kinh tế của Đảng phải kiên quyết tập trung mọi nỗ lực một cách đồng bộ vào mặt trận hàng đầu là nông nghiệp - coi đó là định hướng chiến lược kinh tế cho đến năm 2000 để bảo đảm có dồi dào lương thực thực phẩm, có đủ hàng tiêu dùng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chỉ như vậy nước ta mới có điều kiện và khả năng bảo đảm tự lực tự cường trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn, phức tạp nào. Thực hiện chiến lược đó, tôi đề nghị chọn hai trọng tâm ưu tiên cho nền kinh tế nước ta:

    + Trọng tâm ưu tiên 1 là: Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nhằm đáp ứng vững chắc nhu cầu về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Phải phấn đấu trong một số năm, tăng nhanh khối lượng và tỷ suất hàng hóa nông sản ở mức cao đi đôi xây dựng nông thôn mới về mọi mặt. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể nói đến cải thiện đời sống nông dân (80% dân số) - quân chủ lực trong kháng chiến trước đây và cũng là quân chủ lực trong sản xuất hiện nay, từng bước rút ngắn khoảng cách đời sống vật chất, văn hóa - xã hội giữa nông thôn và thành thị, củng cố vững chắc khối liên minh công -nông - trí, nền tảng của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

    Muốn vậy phải tăng cường đầu tư đồng bộ cho mặt trận nông nghiệp cả về vốn, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lượng, kết cấu hạ tầng, vật tư, lao động, giáo dục - đào tạo... Đầu tư cho nông - lâm - ngư nghiệp bao gồm từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến vận chuyển, thu mua. Nhà nước phải có chính sách trợ giá đối với hàng nông sản chủ lực lúc có khó khăn, không để nông dân bị thiệt thòi khi giá cả vật tư thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp có biến động (như phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu...) để khuyến khích nông dân yên tâm sản xuất. Chính sách ruộng đất phải bảo đảm quyền sử dụng đất đai canh tác ổn định trong thời gian dài (15 - 20 năm hoặc hơn nữa), kể cả quyền thừa kế và sang nhượng. Chính sách tài chính, thuế, ngân hàng phải nhằm phục vụ đẩy mạnh sản xuất hàng hóa nông - lâm - ngư. Việc đầu tư phải tập trung có trọng điểm nhu cầu chiến lược chung của cả nước, tránh tràn lan, nặng đầu óc cục bộ, địa phương, thiển cận.

    + Trọng tâm ưu tiên 2 là: Công nghiệp dầu khí bao gồm công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến và hóa dầu. Đây là một ngành kinh tế có triển vọng phát triển quy mô lớn, đang có sức thu hút nguồn đầu tư của nước ngoài. Phấn đấu đến sau kế hoạch 5 năm (1991 - 1996) giải quyết được một phần quan trọng nhu cầu về dầu khí, năng lượng và nhiên liệu cho cả nông - công nghiệp thì nền kinh tế của ta sẽ có cơ sở thuận lợi để phát triển mạnh hơn trong bước tiếp theo.

    Ngoài ra, cần coi trọng và có chính sách cụ thể để khuyến khích nhân dân (cả thành thị và nông thôn) đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình dưới mọi hình thức. Hiện nay và cả trong một thời kỳ dài, kinh tế gia đình chiếm một tỷ trọng rất đáng kể trong thu nhập quốc dân, là nguồn thu nhập rất quan trọng trực tiếp góp phần cải thiện đời sống của từng gia đình trong tình hình đất nước còn nhiều khó khăn hiện nay. Đây không chỉ là chính sách kinh tế mà còn là chính sách xã hội góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một lực lượng lao động lớn, có tác dụng hạn chế bớt tiêu cực xã hội đồng thời huy động một phần vốn nhàn rỗi trong nhân dân vào sản xuất thêm của cải vật chất cho xã hội. Tiềm năng này ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam còn lớn, chưa được phát huy, trong khi số người thiếu việc làm và thất nghiệp đang có xu hướng tăng lên là điều rất quan tâm. Vấn đề là Nhà nước phải có chủ trương, chính sách cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích kinh tế gia đình phát triển đúng hướng.

    Kinh tế gia đình không chỉ là tự cấp tự túc mà là kinh tế hàng hóa, không chỉ là thủ công mà cả hiện đại, kỹ thuật nhỏ nhưng ở trình độ cao, không chỉ là kinh tế hộ gia đình cá thể mà tiến lên liên kết nhiều hộ mang tính chất tập thể từ nhỏ cho tới lớn. Kinh tế hàng hóa gia đình sẽ là thành phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chắc chắn sẽ chiếm một tỷ trọng lớn trong giá trị tổng sản lượng công - nông nghiệp của cả nước.

   III. Chỉnh đốn Đảng

   Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm đặt vấn đề trong các Báo cáo chính trị là: Để lãnh đạo thắng lợi công cuộc đổi mới cũng như toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta phải tự đổi mới và chỉnh đốn để có kiến thức, năng lực và sức chiến đấu mới, khắc phục có hiệu quả các hiện tượng tiêu cực và các mặt yếu kém, khôi phục và nâng cao uy tín của Đảng trong nhân dân.

   Chúng ta đều biết uy tín của Đảng đã bị giảm sút từ trước Đại hội VI. Sau Đại hội VI và khi tình hình đất nước đạt được một số tiến bộ về đổi mới kinh tế, vấn đề lương thực thực phẩm, tiền tệ, giá cả..., nhất là ta giữ vững được ổn định chính trị thì uy tín của Đảng có khôi phục một bước. Nhưng hiện nay, khi những khó khăn trong sản xuất và đời sống tăng lên, nhất là nạn tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, xa hoa lãng phí, ô dù và một bộ phận quan trọng cán bộ, đảng viên sa ngã, mất phẩm chất không bị ngăn chặn và trừng trị thì Đảng ta rõ ràng đứng trước một thử thách hết sức nghiêm trọng. Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng của các tầng lớp nhân dân đang là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của Đảng chớ không chỉ ảnh hưởng đến thành công hay thất bại về sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới...

    Nếu từ năm 1975 trở về trước, Đảng ta đã có những kỳ tích vĩ đại, lãnh đạo thành công cách mạng dân tộc dân chủ và trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ là vì được các tầng lớp nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ kính yêu, một lòng theo Đảng chiến đấu đến cùng. Bất cứ thời kỳ nào cũng vậy, tinh thần, ý chí và sức mạnh của lực lượng quần chúng nhân dân quyết định mọi thành bại. Vì vậy, đối với Đảng ta hiện nay, việc khôi phục lòng tin của nhân dân phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Muốn vậy Đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh và cách mạng. Tôi nhận thức sâu sắc và hy vọng Đại hội VII sẽ là đại hội tiêu biểu về xây dựng Đảng, một đảng trí tuệ và phẩm chất, một đại hội nhìn thẳng vào sự thật để tự đổi mới toàn diện.

    Chúng ta có cương lĩnh đúng đắn, có chiến lược kinh tế phù hợp. Nhưng phải có lực lượng nhân dân hồ hởi, phấn khởi ra sức thực hiện dưới sự lãnh đạo của một Đảng đoàn kết và vững mạnh, thì dù khó khăn đến mấy, dù kẻ thù có nhiều mưu mô thủ đoạn thâm hiểm đến đâu, nhất định chúng ta cũng sẽ thành công. Đó là chân lý bất di bất dịch.

    Nói đến Đảng là nói đến đội ngũ cán bộ các cấp mà trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là Bộ Chính trị Trung ương Đảng và các cấp ủy ở cơ sở - cơ quan lãnh đạo cao nhất tại địa phương và cấp trực tiếp với quần chúng nhất. Bác Hồ dạy: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Bác còn chỉ cách lựa chọn cán bộ: Ngoài các tiêu chuẩn đức và tài, Bác nhấn mạnh phải chọn: “Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh. Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ...”.

    Đội ngũ cán bộ Đảng ngày nay mà nhân dân nhìn vào đó, không bảo đảm giữ được uy tín của Đảng là một hiện tượng có thật. Vì sao? Đáng lẽ ra Trung ương và Bộ Chính trị chú ý đến đầy đủ hơn công việc xây dựng Đảng thường xuyên, cơ quan tham mưu của cấp ủy về xây dựng Đảng là Ban Tổ chức Trung ương phải sâu sát thực tế, hiểu biết tổ chức và cán bộ, có kế hoạch cho các cấp ủy lãnh đạo... thì cho tới nay trong công việc này nhiều mặt vẫn rất trì trệ, cũ kỹ, có cả quan điểm không đúng đắn. Ngay từ Đại hội V đã đánh giá: “Công tác tư tưởng và công tác tổ chức của Đảng trên các lĩnh vực... về nhiều mặt vẫn còn rất trì trệ”;... “Tình hình mất dân chủ, thiếu tự phê bình..., không xem trọng việc phân tích dư luận của quần chúng, những hiện tượng gia trưởng, độc đoán, thành kiến với cán bộ, trù dập cán bộ, đảng viên và quần chúng tốt dám phê bình khuyết điểm cũng không kém phần quan trọng”; rằng “nhiều người... đã đi đến chỗ bị biến chất trong lối sống, thoái hóa về chính trị...”. Về tổ chức, Đại hội V cũng đã phê phán: “Cơ cấu tổ chức của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở nói chung hiện nay là bộ máy tổ chức cồng kềnh, nặng nề mà hiệu lực lại thấp, chế độ trách nhiệm không rõ ràng”... Đến Đại hội VI cũng tiếp tục phê phán gần giống như vậy: Bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước “phình ra quá lớn, chồng chéo và phân tán”; “việc lựa chọn, bố trí cán bộ vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp còn theo một số quan niệm cũ kỹ và tiêu chuẩn không đúng đắn, mang nặng tính hình thức, không xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và yêu cầu của công việc... chưa chú ý lắng nghe ý kiến của quần chúng”. Đại hội VI đi đến kết luận: “Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.

     Đại hội VII lần này nhìn lại công tác tư tưởng, tổ chức và cán bộ, cũng như bộ máy nặng nề, quan liêu, kém hiệu quả của Đảng và Nhà nước, kể cả phẩm chất cán bộ, đảng viên... So với các đại hội trước, tình hình chưa có gì thay đổi đáng kể, trái lại có mặt còn nặng nề, nghiêm trọng thêm. Theo tôi, “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” vẫn còn đó. Chúng ta nói hàng chục năm nay nhưng chưa thật sự bắt tay làm. Thế mà chưa có công trình tổng kết kinh nghiệm nào về xây dựng Đảng; đi vào từng mặt công tác tư tưởng, công tác tổ chức hay công tác cán bộ thật sâu sắc. Cơ quan tổ chức đảng và những đồng chí trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác tổ chức - cán bộ chưa hề thấy có việc tự phê bình một cách nghiêm khắc, vẫn chưa thấy rõ trách nhiệm to lớn của mình trước Đảng và nhân dân.

     “Hãy trở về với Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây là khẩu hiệu cho toàn Đảng, toàn dân. Phải trở về với tư tưởng cách mạng vì dân, vì nước của Bác. Trở về với đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Bác. Trở về với phương pháp cách mạng “Nói và làm đi đôi” của Bác. Trở về với tác phong giản dị, khiêm tốn của Bác.

    Và nhất là trở về với bản Di chúc quý báu của Bác, vì nhân phẩm con người, vì đồng chí thân yêu, vì hạnh phúc của đồng bào, vì chủ nghĩa xã hội. Thực hiện Di chúc của Bác, chúng ta cần tiến hành chỉnh đốn Đảng ngay theo một kế hoạch thật chu đáo. Phải nhanh chóng loại ra khỏi Đảng những phần tử cơ hội, mất phẩm chất, tham nhũng, vì lợi ích cá nhân “một người làm quan cả họ được nhờ”. Phải làm cho Đảng trở nên thực sự trong sạch, vững mạnh, một đảng trí tuệ và phẩm chất.

    Trước hết, Đảng phải có một Ban Chấp hành Trung ương xứng đáng, một Bộ Chính trị lãnh đạo có uy tín trong Đảng và quần chúng, có lập trường và bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén và năng động, đủ sức lèo lái con thuyền cách mạng của nước ta vượt qua mọi khó khăn trở lực, có đủ năng lực và đạo đức trong sáng, có khả năng đoàn kết toàn Đảng, toàn dân. Trong tình hình phức tạp hiện nay, thành phần Bộ Chính trị cần thể hiện tính thừa kế và phát triển, năng động nhưng vững vàng về chính trị, mở rộng dân chủ đi đôi với quyết đoán nhanh chóng.

    Muốn thực hiện đổi mới Đảng, trước hết phải đổi mới bộ máy tổ chức, cán bộ của Đảng và những người làm công tác tổ chức - cán bộ. Trải qua ba kỳ đại hội, đã có đủ thời gian để thông qua hiệu quả của công tác tổ chức và cán bộ trong Đảng mà đánh giá tư tưởng, quan điểm, đạo đức, năng lực, uy tín của cán bộ phụ trách ngành này từ Trung ương đến cơ sở. Đã đến lúc phải kiên quyết khắc phục “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” một cách nghiêm túc nhất để làm cho Đảng thật sự vững mạnh, lấy lại tín nhiệm của Đảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

    Phải có chế độ bảo đảm thực hiện lãnh đạo dân chủ và tập trung, nhẹ nhàng nhưng có hiệu lực, tập thể đoàn kết nhất trí, có kiểm tra chặt chẽ, đủ quyền lực và trách nhiệm rõ ràng.

    Cần có quy chế cụ thể về thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; nhân dân làm chủ qua các đoàn thể cách mạng của mình và các cơ quan dân cử.

    Bộ máy nhà nước phải thực sự là của dân, do dân và vì dân, mọi quyết định phải vì quyền lợi của nhân dân lao động. Mọi tổ chức đặt ra đều là tối cần thiết, có hiệu lực thực sự, tiết kiệm người và tiền của. Phải sát tình hình thực tế và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

    Kính thưa Đoàn Chủ tịch và toàn thể Đại hội,

    Đất nước ta trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động rất phức tạp. Những năm còn lại cuối thế kỷ XX là thời kỳ thử thách đầy cam go của Đảng và nhân dân ta, nhất là trong vài ba năm trước mắt. Nếu Đảng ta không có một sự nỗ lực vượt bậc về mọi mặt trên con đường tiếp tục đổi mới thì khó có thể hoàn thành được sứ mạng lịch sử của nhân dân giao phó.

    Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII phải là đại hội tập trung trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, xây dựng cương lĩnh, đường lối, chiến lược kinh tế - xã hội nhằm thực hiện bằng được mong ước của Hồ Chủ tịch: Làm cho nhân dân ta ai cũng ăn no, mặc ấm, có việc làm, có giờ nghỉ, được học tập, tiến lên mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Phải quyết tâm tiến hành cuộc vận động cách mạng “chỉnh đốn Đảng” theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho Đảng ta xứng đáng là Đảng lãnh đạo.

    Với niềm tin vững chắc vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa, với truyền thống bất khuất, tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam, với bản lĩnh và kinh nghiệm của Đảng trong quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, với tinh thần giàu lòng yêu nước và chịu đựng hy sinh gian khổ của nhân dân ta, chúng ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn trở lực để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.

    Xin chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
    Xin cảm ơn tất cả đại biểu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #142 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2024, 02:44:13 pm »

PHÁT BIỂU Ở ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LẦN THỨ V
(ngày 23/10/1991)


    Kính thưa Đoàn Chủ tịch,
    Thưa các đồng chí tham dự Đại hội,


    Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ V của chúng ta diễn ra trong một thời kỳ mà tình hình đất nước và quốc tế có những diễn biến rất nhanh và rất phức tạp. Từ sau Đại hội VII, trong lúc các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, rối loạn triền miên, đời sống nhân dân ngày càng xáo trộn và xuống thấp thì ở đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành đổi mới mọi mặt thành công bước đầu, giữ vững được ổn định chính trị, nâng cao có mức độ khác nhau, đời sống các tầng lớp nhân dân nói chung, tuy còn thấp và chậm. Quá trình đổi mới là một quá trình cách mạng sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, những bước đi ban đầu có vô vàn khó khăn, có thành công cũng có thất bại, nhưng những thắng lợi là vô cùng quan trọng, đầy thử thách, sáng tạo và kiên trì. Nền móng ban đầu đã đặt đúng hướng và thành công, chúng ta tin tưởng vào bước đường phát triển tương lai. Tuy vậy, không thể không thấy hết những mặt tồn tại và những cái mới phát sinh. Chúng ta vẫn còn trong tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, lạm phát còn ở mức cao, nhiều cơ sở sản xuất còn đình đốn, lao động thiếu việc làm, chế độ lương quá bất hợp lý. Đời sống của những người ăn lương, của một bộ phận nông dân và lao động bị giảm sút. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực và bất công xã hội tăng thêm. Lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, trụy lạc, hủ tục phát triển. Trong lúc đó, quyền làm chủ của nhân dân chưa được tôn trọng và phát huy đầy đủ. Trong xã hội còn không ít hiện tượng mất dân chủ, dân chủ hình thức, có nơi rất nghiêm trọng. Việc thực hiện pháp luật, kỷ cương chưa nghiêm. Không ít cán bộ, đảng viên không đủ năng lực và phẩm chất đảm đương nhiệm vụ, thậm chí thoái hóa, biến chất, không được quần chúng tín nhiệm. Đó là những nhân tố có thể gây mất ổn định chính trị mà ta cần chú ý.

    Trước Đại hội vòng một của Thành phố đã xảy ra sự kiện vùng Vịnh Persique một cuộc chiến tranh cục bộ ác liệt do Mỹ tổ chức và cầm đầu để làm chủ một khu vực chiến lược quan trọng của thế giới. Sau đó Mỹ đã tuyên bố “xóa bỏ được Hội chứng Việt Nam” và xưng là siêu cường độc nhất, sẽ thiết lập “trật tự thế giới mới” kiểu của đế quốc Mỹ ở các khu vực chiến lược khác và trên toàn cầu. Rồi bây giờ trước Đại hội vòng hai của Thành phố, lại xảy ra việc tan rã của Liên bang Xôviết -nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên và thực sự như là thành trì của phe xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Liên Xô, một đảng do V.I. Lênin sáng lập, từng kiên cường đấu tranh cách mạng hơn 70 năm qua đã bị những người cầm đầu phản động của Đảng giải tán và cấm chỉ hoạt động, hàng triệu đảng viên thất nghiệp và bị truy lùng. Được thể, Tổng Tham mưu trưởng Mỹ đã lên mặt tuyên bố rằng, Mỹ không từ bỏ đòn đánh trước bằng vũ khí hạt nhân, điều mà trước đây khi Liên Xô còn là một siêu cường hạt nhân, đối trọng có giá trị, Mỹ chỉ dám tuyên bố “đánh trả ồ ạt”. Chủ nghĩa xã hội đang trải qua một thời kỳ thoái trào. Sự kiện Liên Xô đã ảnh hưởng lớn lao đến phong trào cách mạng toàn thế giới trong đó có Đảng ta và đất nước ta. Mặc dù chúng ta vẫn tin ở Đảng Cộng sản được trui rèn của Liên Xô, ở nhân dân Liên Xô, người đã đánh tan cuộc can thiệp vũ trang của 14 nước tư bản lúc cách mạng còn trong trứng nước và đập tan chủ nghĩa phátxít Hítle, cứu cả nhân loại khỏi vòng nô lệ bạo tàn, nhưng ảnh hưởng tai hại là rất nặng nề.

    Chúng ta khẳng định thắng lợi to lớn của ta vừa qua là giữ vững ổn định chính trị để đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội và kiên quyết đấu tranh giữ vững thế ổn định đó hiện nay và sắp tới. Tuy nhiên không thể không đếm xỉa đến tình hình mới là ta đang trải qua một thời kỳ còn ổn định về chính trị nhưng không ổn định về tư tưởng trong cán bộ và nhân dân ta. Đã có nhiều người hoài nghi con đường xã hội chủ nghĩa, con đường Bác Hồ đã vạch mà Đại hội VII toàn quốc đã khẳng định. Nhiều người hoài nghi rằng đất nước ta có đứng vững khi mà toàn bộ các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu kể cả Liên Xô đã sụp đổ và khi mà đế quốc tư bản do Mỹ cầm đầu đang ra sức chĩa mũi nhọn tấn công vào ta hòng thực hiện mơ ước xóa sạch chủ nghĩa xã hội trên quả đất vào cuối thập kỷ này. Sự đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản đã trưởng thành và chủ nghĩa xã hội còn non trẻ hiện nay là hết sức gay gắt. Thời kỳ hiện nay của đất nước ta, của Đảng ta là thời kỳ thử thách nghiêm trọng nhất, tuy tính cách thử thách có khác nhau, nhưng không thua gì cuộc thử thách gay go nhất của chiến tranh chống xâm lược Mỹ vừa qua. Ta đã thắng trong chiến tranh bằng ý chí cách mạng tự lực, tự cường, ta cũng sẽ bằng ý chí đó mà thắng lợi trong xây dựng đất nước.

    Hiện nay, để thực hiện âm mưu đánh quỵ chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam ta, Mỹ càng tăng cường phong tỏa ta, tiếp tục cấm vận, phá hoại bằng nhiều mặt. Cho dù đến lúc nào đó Mỹ có bỏ cấm vận đi nữa thì cũng không phải để giúp ta xây dựng chủ nghĩa xã hội mà là bằng thủ đoạn khác, dùng đầu tư và đôla chẳng hạn, để “diễn biến hòa bình” đất nước ta mà thôi. Nếu chúng ta chủ trương mở cửa tranh thủ đầu tư của nước ngoài là để tranh thủ cùng có lợi và bình đẳng, chớ không phải mơ hồ và ảo tưởng, xin xỏ và nhân nhượng. Tự lực, tự cường, cần kiệm xây dựng đất nước là phương châm đúng đắn nhất trong tình hình khó khăn hiện nay để đứng vững và đi lên.

    Một tình hình mới đang đến với chúng ta mà chúng ta cần hết sức quan tâm là nước láng giềng Campuchia sắp sửa là một nước theo chế độ đa đảng, với nền thị trường tự do, được tư sản hóa, ở sát nách chúng ta... Hàng mấy trăm cây số biên giới không còn là biên giới hữu nghị nữa mà sẽ đẻ ra rất nhiều phức tạp cả về chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, thương mại, xâm nhập đủ loại. Điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến Thành phố Hồ Chí Minh chúng ta, một trung tâm của cả khu vực phía Nam đất nước. Trong chiến tranh, chúng ta đã có quan niệm đúng đắn về chiến lược, ba nước Đông Dương là một chiến trường để có chủ trương và hành động chính xác phù hợp. Diễn biến thực tế cũng như vậy, các cuộc hành quân không quân chia địa giới, về sự liên hệ mật thiết giữa hai dân tộc, về giao thông kinh tế, trao đổi hàng hóa giữa các vùng, về giao thông vận tải và liên lạc... Ngày nay trong hòa bình xây dựng, sự ảnh hưởng qua lại tốt và xấu lẫn nhau sẽ là điều tất yếu xảy ra.

    Trong phạm vi chúng ta, ta không có phận sự nhận định đánh giá rằng nhân dân ta đã đổ xương máu không ít trên chiến trường bạn nhưng kết cục cuối cùng ta đã thua hay được mà chú ý là trong kế hoạch xây dựng và lãnh đạo của toàn bộ miền Nam Tổ quốc và đặc biệt là của Thành phố Hồ Chí Minh, nếu ta không khẩn trương có biện pháp thích hợp và cảnh giác cao độ thì không tránh khỏi những bất ngờ và tai hại không nhỏ.

    Còn điểm nữa là cho đến nay, Thành phố ta chưa làm tròn là một trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, giao lưu quốc tế... của cả khu vực phía Nam. Trung tâm nằm giữa một khu vực có tiềm năng dồi dào về nguyên liệu, về lao động, về tài nguyên thiên nhiên... nhưng chưa tận dụng được thế mạnh đó và cũng chưa phát huy thế mạnh của bản thân về công nghiệp, về lực lượng lao động kỹ thuật, về chất xám, về cơ cấu hạ tầng, về ngã tư giao lưu quốc tế của vùng Đông Nam Á để thúc đẩy sự phát triển của toàn khu vực. Từ lâu, Bộ Chính trị Trung ương Đảng cũng đã có nhận định về vị trí trung tâm của cả nước của Thành phố, nhưng hầu như Trung ương cũng chưa làm gì mấy để đẩy mạnh sự phát triển kinh tế của trung tâm đi trước để kéo theo sự phát triển các vùng khác của cả nước, hình như vẫn xem Thành phố Hồ Chí Minh như bất cứ một thành phố nào khác hay một tỉnh vậy. Về chiến lược chiến tranh, cần xác định chiến trường chính để chỉ đạo, ảnh hưởng đến toàn cục, về chiến lược phát triển kinh tế cũng phải xác định khu vực chủ yếu mà tập trung đầu tư mọi mặt, không thể dàn đều, thiển cận mà giành thắng lợi được. Và bản thân trung tâm cũng cần nhận thức được trách nhiệm mình đối với toàn quốc mà hoạt động và có kế hoạch phù hợp.

    Tóm lại, Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí rất quan trọng đối với cả nước. Đại hội chúng ta phải xây dựng một kế hoạch lãnh đạo và xây dựng phát triển trong nhiệm kỳ 5 năm trong một hoàn cảnh nhiều khó khăn phức tạp trong nước và ngay cả ở Thành phố, nhiều bất lợi trong tình hình quốc tế và xung quanh ta, trong hoàn cảnh mà kẻ thù đang tập trung mũi nhọn đánh phá ta quyết liệt. Rõ ràng đây là thời kỳ thử thách sống còn của Thành phố, của cả nước, thời kỳ của hành động khẩn trương và kiên quyết nhất.

    Chúng ta đã có được cương lĩnh xây dựng đất nước đúng đắn nhất, đã có chiến lược kinh tế đến năm 2000 mà toàn Đảng, toàn dân đã tham gia đóng góp ý kiến một cách dân chủ và đã thành Nghị quyết của Đại hội VII của Đảng. Giờ đây là quyết tâm vượt mọi khó khăn trở ngại, mọi hoàn cảnh bất lợi để thi hành. Trách nhiệm là ở các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương, trách nhiệm của toàn Đảng và toàn dân.

    Để đương đầu với mọi thách thức, giành thắng lợi, tôi nghĩ có mấy điều mấu chốt:

    1) Cần một đảng lãnh đạo mạnh, đoàn kết và vững vàng. Đảng lãnh đạo là yếu tố quyết định của thắng lợi cách mạng. Tình hình càng khó khăn, sóng gió, thì Đảng cần phải mạnh, đoàn kết thành một khối và có uy tín trong quần chúng nhân dân. Nói Đảng là nói cán bộ ở tất cả các cấp từ Trung ương đến cơ sở: Cán bộ quyết định tất cả. Vậy cán bộ phải trong sạch, có năng lực, một lòng vì dân vì nước, thì mới có uy tín với quần chúng. Lựa chọn cán bộ trở thành khâu then chốt: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân cụ thể là như vậy. Cần chấn chỉnh Đảng, loại khỏi Đảng những phần tử thoái hóa biến chất, tham nhũng, hối lộ, quan cách, ức hiếp quần chúng, bất cứ ở cương vị nào. Muốn Đảng đoàn kết ngoài cương lĩnh đường lối đúng thì mở rộng dân chủ nội bộ, nâng cao phẩm chất đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ lãnh đạo cấp cao là rất quan trọng. Không thể để bọn cơ hội len lỏi lên cấp cao, giữ vị trí quyết định trong Đảng và Nhà nước. Bọn họ sẽ tiếp tay quân thù tìm mọi thủ đoạn hại các đồng chí trung kiên, hại Đảng, như bài học của một số đảng anh em, làm cho Đảng chia rẽ mất sức chiến đấu, thậm chí phá tan Đảng, chống Đảng. Mọi lơ là và nương nhẹ đối với chúng sẽ là một tai họa khó mà lường hết.

    2) Công tác vận động quần chúng làm cho quần chúng đoàn kết quanh Đảng là vấn đề rất quyết định, quần chúng nhân dân là lực lượng cả trong sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, chế độ, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, chống lại phá hoại của kẻ thù. Các đoàn thể quần chúng cách mạng có vai trò rất lớn trong việc giác ngộ và đoàn kết nhân dân. Đảng cần có kế hoạch lãnh đạo khẩn trương củng cố tổ chức và hoạt động có hiệu lực các tổ chức đoàn thể và Mặt trận. Nghị quyết Trung ương 8 đã có nhưng ta chưa làm và chưa tạo điều kiện để làm, có khi còn có trở ngại nữa. Phải thực sự thực hiện việc dân tin Đảng và Đảng tin dân. Chính quyền cũng phải thực sự là của dân và vì dân. Tất cả các quyết định, các luật của Nhà nước phải vì quyền lợi của nhân dân, vì có lợi cho dân, cho xây dựng đất nước để dân tin tưởng là Chính phủ của mình, Đảng của mình.

    3) Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố phải chấp hành đúng Nghị quyết của Đại hội VII: “Phát triển nông lâm ngư nghiệp gắn với nông nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội”. Thực hiện Nghị quyết ấy phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Thành phố là một trung tâm của cả khu vực, của cả nước. Cụ thể là đầu tư phát triển thâm canh về nông, lâm và công nghiệp chế biến ở các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi, Thủ Đức, Hóc Môn, về lâm, ngư nghiệp ở Duyên Hải, Nhà Bè, gắn liền với đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Như phát triển các mặt công nghiệp, doanh nghiệp, dịch vụ... ở các quận khác, đặc biệt chú trọng ngành cơ khí, điện tử, hóa, sinh học... phục vụ việc phát triển cho toàn khu vực.

    Các vấn đề về đời sống, xã hội, văn hóa... ở một thành phố lớn đông dân cư và là một trung tâm quan trọng và rất phức tạp đòi hỏi phải giải quyết đúng đắn và kịp thời. Các quyết định, chủ trương, chính sách của Nhà nước ảnh hưởng không nhỏ, tốt hay xấu đến Thành phố. Vì vậy chúng ta đề nghị Thành phố phải có tiếng nói có giá trị của mình, đóng góp với Nhà nước, với các ngành Trung ương, trước khi có quyết định hay cần điều chỉnh quyết định đã ra - đó là chính đáng.

    Trong phạm vi thời gian hạn chế tôi chỉ xin trình bày rất vắn tắt.

    Xin chúc Đại hội thành công.

                                                                                   
Ngày 23/10/1991
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #143 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2024, 02:50:39 pm »

BÀI PHÁT BIỂU TẠI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ QUẬN 3 LẦN THỨ VI
(vòng 2)


    Thưa Đoàn Chủ tịch,
    Thưa các đại biểu,


    Trước hết, tôi xin tỏ lòng tán thành về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới của quận đã nêu trong Báo cáo tổng kết và các báo cáo bổ sung đưa ra Đại hội. Đó là nhấn mạnh trước hết về sản xuất - vấn đề cơ bản của nền kinh tế -mà không phải như trước đây nêu vấn đề trước mắt là dịch vụ mà lại đổ xô vào dịch vụ du lịch. Mặc dù đề ra không đúng như vậy nhưng mức tăng trưởng bình quân 11%/năm về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là một thành tích đáng kể. Điều đó chứng tỏ mới đây, xác định định hướng là công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và xuất khẩu, chủ yếu là tinh chế với chất lượng sản phẩm cao là hoàn toàn đúng đắn. Đi đôi với phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ, ta tích cực tranh thủ kỹ thuật cao và công nghệ tiên tiến với quy mô nhỏ và vừa để góp phần cùng với Thành phố và cả nước xây dựng công nghiệp nước nhà và khuyến khích việc phát triển dồi dào nguyên liệu nông - lâm - hải sản của các vùng khác. Nhằm tận dụng thế mạnh về khoa học kỹ thuật của Thành phố và trên cơ sở đã sẵn có, quận đầu tư phát triển ngành điện tử và cơ khí là rất phù hợp với xu hướng hiện đại hóa nền kinh tế chúng ta.

    Về thành phần kinh tế, tôi nghĩ quận ta cố gắng củng cố một số xí nghiệp quốc doanh làm ăn tốt, tranh thủ lập các xí nghiệp và công ty cổ phần nhằm thu hút vốn và tài năng quản lý kinh doanh trong dân, phát triển dạng liên doanh, hợp doanh với các quận, huyện ngoại thành và cả các tỉnh nhằm khắc phục việc thiếu mặt bằng cũng như nguyên liệu. Liên doanh, hợp doanh với các công ty nước ngoài để tranh thủ kỹ thuật - công nghệ, vốn đầu tư và khoa học quản lý. Nhưng trong việc xây dựng kinh tế làm giàu cho dân, cho nước thì vấn đề cơ bản hàng đầu là phải kinh doanh có lãi, phải có tích lũy cơ bản từ từng xí nghiệp, từng địa phương. Quận là đơn vị cơ sở lãnh đạo kế hoạch và xây dựng kinh tế phải làm nền móng vững chắc cho cả nước phát triển năng động và sáng tạo. Vì vậy, tất cả mở đầu là ở đây. Chính vì vậy, tôi đề nghị Đảng bộ quận ta giương ngọn cờ đầu về tư tưởng chỉ đạo.

    Tự lực tự cường, cần kiệm xây dựng đất nước. Đây chính là tư tưởng của Bác Hồ - người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người dựng nên nhà nước thống nhất, độc lập, dân chủ, và đi lên con đường xã hội chủ nghĩa ngày nay. Chính với tư tưởng tự lực tự cường, kiên cường bất khuất trước mọi kẻ thù cũng như mọi trở ngại, gian khổ, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư mà dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người và của Đảng ta, đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, nếu muốn dân giàu nước mạnh thì toàn Đảng đi trước, toàn dân theo sau, theo đúng tư tưởng Bác Hồ là thực hiện “tự lực tự cường, cần kiệm xây dựng đất nước”, lấy đó làm phương châm chỉ đạo cho mọi suy nghĩ và hành động của chúng ta.

    Cụ thể là mọi người hãy cần cù, sáng tạo, lao động hết mình, làm ra thật nhiều của cải cho xã hội nhưng hết sức tiết kiệm trong tiêu dùng, tiết kiệm của từng cá nhân, từng gia đình và cả nước. Nếu chúng ta đã kiên cường chịu đựng gian khổ, hy sinh tất cả, kể cả thân mình, chiến đấu cho độc lập, tự do suốt hơn 30 năm thì sao ta không chịu đựng gian khổ, tiết kiệm tối đa tiêu dùng để Nhà nước tích lũy, Nhà nước tích lũy để xây dựng đất nước trong vòng 10 năm, 20 năm, sau đó dân ta sẽ giàu, nước ta sẽ mạnh. Đó phải là ý chí của cả một dân tộc, của cả nước, kiên trì trong một thời gian. Trước đây ý chí rửa nhục mất nước, nhục làm nô lệ suốt gần thế kỷ, dân tộc ta dũng cảm, thành công vô cùng rực rỡ, thì ngày nay ý chí rửa nhục nghèo nàn và lạc hậu chỉ trong vòng vài chục năm không không lẽ chúng ta không làm được. Quan trọng là có quyết tâm, có lãnh đạo của từng địa phương như trong một quận và trong cả nước.

    Đây không phải là vấn đề viển vông. Ta phải học kinh nghiệm truyền thống của dân tộc ta và kinh nghiệm bổ ích của các dân tộc khác. Hãy lấy ví dụ về nước Nhật rất gần ta và cũng rất gần đây thôi. Năm 1945, nước Nhật thua trận, đầu hàng vô điều kiện Đồng minh, cả một dân tộc đã từng kiêu hãnh phải cúi đầu nhục nhã. Hơn thế nữa, cả nước đói khổ, nhiều người chết đói và khoảng 10.000 người chết dần chết mòn nhiều năm sau vì bom nguyên tử, hơn 100 thành phố chỉ còn là những đống tro tàn, cả Tokyo thành bình địa. Nhưng “nỗi tuyệt vọng và đói khổ đã không kéo dài. Rất nhanh chóng, dân tộc Nhật đã trở thành tấm gương mẫu mực cho cả thế giới. Nước Nhật đã thua cuộc trong chiến tranh. Đúng! Nhưng họ đã thắng trong hòa bình”. Đó là lời nhận xét của một nhà nghiên cứu Tây Âu Pierre Antoine Donnet trong cuốn sách Nước Nhật mua cả thế giới phát hành tháng 4/1991 (bản dịch do Nhà xuất bản Thông tin lý luận phát hành).

    Họ đã thắng như thế nào trong hòa bình?

    Quyển sách nghiên cứu vừa nói trên cho ta biết như sau:

    Cả một dân tộc toàn tâm toàn lực cho công cuộc tái thiết đất nước. Chỉ 15 ngày, dân chúng dọn sạch Tokyo mà 90% đã bị san bằng, lập lại trật tự và cất lên những cái chòi ban đầu. Chưa đầy ba năm, đã có dáng dấp một đô thị con người. Cả chính phủ, các bộ đã sống và làm việc trong các lán bằng gỗ. Đến năm 1952, cả nước Nhật vẫn còn chìm ngập trong cảnh đói nghèo, cả Tokyo không có một con đường trải nhựa, thành phố không có xe hơi. Dân Nhật tuyệt đối không biết đến nghỉ lễ, trong ngôn ngữ Nhật không có từ này. Một tuần làm việc cả 7 ngày, không có chủ nhật. Bắt đầu từ năm 1959, mới áp dụng chế độ mỗi tháng nghỉ hai ngày chủ nhật. Năm 1965, số giờ lao động trung bình hằng năm của mỗi người Nhật là 2.400 giờ, hơn hàng trăm giờ so với các nước phương Tây. Với sức làm việc quên mình, một cường độ lao động rất cao và sự tiêu xài chỉ để sống, mười năm sau chiến tranh, nước Nhật đã lập lại được mức thu nhập bình quân đầu người của thời kỳ trước chiến tranh. Thực sự nước Nhật phát triển kỳ lạ trong 10 năm từ năm 1955 đến năm 1965. Trong thời gian đó, chỉ số tăng trưởng bình quân của tổng sản lượng quốc gia là 9,9%. Thu nhập quốc gia đầu người năm 1952 là 162 đôla Mỹ thì năm 1965 là 694 đôla Mỹ. Tổng sản lượng quốc gia năm 1952 là 17 tỷ đôla Mỹ thì năm 1965 là 84 tỷ đôla Mỹ, chiếm vị trí thứ 5 trên thế giới sau Hoa Kỳ, Cộng hòa liên bang Đức, Anh và Pháp. Năm 1965, Nhật Bản nghiễm nhiên gia nhập “câu lạc bộ các siêu cường”.

    Như vậy, chỉ 20 năm sau chiến tranh, từ đống tro tàn của đổ nát, từ tâm trạng nhục nhã, hận, căm thù thua trận, nước Nhật đã trở thành một siêu cường về kinh tế và ngày nay gần như đứng đầu cả thế giới về sự giàu có phát triển. Thực sự thì chủ yếu là trong 10 năm 1955 - 1965 vì 10 năm trước chỉ là hàn gắn vết thương chiến tranh và chuẩn bị mọi điều kiện. Và từ năm 1965 đến nay vẫn giữ vững sự phát triển thắng lợi vinh quang ấy.

    Không những từ đống tro tàn đi lên mà nước Nhật lại còn là nước “hầu như không có những tài nguyên thiên nhiên và nguồn năng lượng. Nhật Bản nhập khẩu hơn 95% lượng dầu hỏa, gỗ và khoáng sản. Thứ tài nguyên duy nhất của nước Nhật là lao động”.

    Vì sao nước Nhật lại đạt được thành tựu phi thường như vậy? Trước hết phải nêu lên ý chí sắt đá và cao cả của cả một dân tộc muốn rửa cái nhục thua trận, quyết tâm đưa đất nước Nhật lên thành một nước giàu mạnh, để dân Nhật có thể ngẩng cao đầu, tự trọng và hãnh diện với thế giới. Cả nước đồng lòng cam chịu hy sinh cực khổ trong 10 năm để được sung sướng muôn đời. Phải chăng đó là phương châm của họ?

   Tác giả Pierre Antoine viết:

   “Chấp nhận thiếu thốn, hy sinh một cách quả cảm, khi phương Tây đang mải miết vui chơi và thưởng ngoạn những kỳ nghỉ tốn kém, thì dân tộc Nhật Bản miệt mài và tự nguyện đã thực hiện một nỗ lực phi thường. Một ý thức tập thể cao, một tôn ti trật tự nghiêm ngặt, ít có những xung đột xã hội, một kỷ luật sắt và một tinh thần lao động quên mình... Tất cả những điều ấy đã đưa nước Nhật lên ngang hàng các “siêu cường” trong thế giới công nghiệp...” và “trong khi các ông chủ Hòa Kỳ tự cho phép mình những mức lương kếch xù và các cổ đông bỏ túi những phần chia hậu hĩ, thì ở Nhật Bản những khoản lợi nhuận bao giờ cũng được đưa vào túi đầu tư. Hơn nữa, trong khi dân Mỹ vui vẻ với cuộc sống hưởng thụ, thì người Nhật lại rất chí thú với cuộc sống cần kiệm. Tỷ lệ dành dụm của các gia đình Nhật chiếm đến 20% tổng thu nhập. Đó chính là các khoản vốn và các ngân hàng Nhật Bản đưa ra cho vay theo những ưu tiên của chính phủ nhằm đưa ra những khoản tái đầu tư mới có hiệu quả. Người Nhật thì tiết kiệm còn nước Nhật thì đầu tư cho sự phồn vinh và cho sự tiêu thụ trong tương lai!”.

   Tôi chỉ trích ra những điều mà chúng ta cần và hoàn toàn có thể học hỏi để xây dựng đất nước hiện nay. Rất cần học ở các dân tộc khác, không phải học cái rởm, cái hưởng thụ tiêu xài quá phung phí khi nhân dân ta còn quá nghèo nàn, học cái tự do cá nhân bỉ ổi chỉ biết lo cho riêng mình, cho gia đình, bà con mình, mặc bất công vì đau thương của xã hội còn đầy rẫy. Bác Hồ luôn kêu gọi chống chủ nghĩa cá nhân, tất cả vì quyền lợi của nhân dân, của Tổ quốc. Trong cách mạng và chiến tranh trước đây, cả dân tộc Việt Nam đã làm được như vậy, nên đã đạt được thắng lợi vừa qua. Người Nhật đã cố thực hiện việc này trong một thời gian dài. Tác giả Pierre Antoine viết: “Ảnh hưởng của Phật giáo ở Nhật cũng như ở Viễn Đông luôn khuyên bảo con người xóa bỏ tính cá nhân trước quyền lợi tập thể”. Đó là đạo đức, là lối sống, cách xử thế của con người phương Đông từ ngàn xưa đã hun đúc và ngày nay được chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ giáo. Nhưng ngày nay lại có nhiều kẻ phỉ nhổ tính tập thể và chạy theo chủ nghĩa cá nhân, sống gấp, hưởng thụ, tự do tư bản phương Tây. Tác giả quyển sách đã nói một đoạn ngắn về phương pháp quản lý xí nghiệp như sau làm ta phải suy nghĩ kỹ: “Ở Châu Âu và Hoa Kỳ, quyền quyết định thuộc về giám đốc. Ở Nhật Bản, quyền quyết định thuộc về tập thể. Đó là sự nhất trí, một giá trị quan trọng của người Nhật. Đôi khi sự nhất trí cũng cản trở sự ra quyết định vì tất cả các cán bộ và nhân viên có liên quan đến đều được hỏi ý kiến. Nhưng một khi quyết định đã được thông qua nó sẽ được áp dụng lập tức cho đến khi nào hoàn tất và cả những ai ký vào quyết định đều cảm thấy trách nhiệm của mình”. Phải chăng giá trị của quyết định tập thể và tập thể thi hành đầy trách nhiệm là một trong những điều kiện giúp cho nước Nhật thành công rực rỡ trong xây dựng kinh tế cũng giống như ta vì thế mà thắng lợi vĩ đại trong chiến tranh.

    Chính sách phát triển kinh tế của Nhật là một chính sách có chỉ huy nghiêm ngặt theo một chiến lược đã chọn và có kế hoạch. Pierre Antoine viết: “Trong khi Hoa Kỳ trở thành vương quốc của chính sách kinh tế tự do thì Nhật Bản đã trở thành một vương quốc chính sách công nghiệp chỉ huy”, “mô hình độc đáo là sự tận tụy tuyệt đối của tất cả nhân viên, công nhân và cán bộ đối với cơ quan nơi mình làm việc... Toàn thể nhân viên đều đồng tâm dốc sức thực hiện bằng được mục tiêu đề ra. Tổ chức lao động đôi khi cũng mang dáng dấp quân sự”. Bộ não chỉ huy là Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế (viết tắt là Miti). “Chính bộ này ngay sau chiến tranh, đã bắt tay vào việc tổ chức lại toàn bộ nền công nghiệp quốc gia..., đã kiên trì đeo đuổi một chính sách công nghiệp hướng đến việc phát triển một số lĩnh vực mũi nhọn”. Hàng loạt các tổ hợp công nghiệp lớn được nâng đỡ, trợ cấp hỗ trợ và hướng dẫn... Miti đã dành ưu tiên cho các lĩnh vực lọc dầu, hóa dầu, tơ sợi nhân tạo, máy công cụ và nhất là ngành điện tử và xe hơi. “Luật Hải quan Nhật Bản cấm nhập khẩu các sản phẩm nước ngoài cùng chủng loại và bảo vệ chặt chẽ nền công nghiệp quốc gia”. Ý chí sắt đá của người Nhật muốn đầu tư nhập khẩu kỹ thuật phương Tây. Ngay từ thời kỳ Minh Trị, nước Nhật đã có tham vọng muốn vươn lên ngang bằng với các cường quốc phương Tây. Và khi chiến tranh vừa chấm dứt, các nhà lãnh đạo Nhật Bản vẫn tiếp tục không từ bỏ ý muốn san bằng sự chậm trễ về kỹ thuật so với các nước công nghiệp khác. Đặc biệt trong giai đoạn 1955 - 1964, Nhật Bản đã dành một phần đầu tư đáng kể để mua lại các bí quyết và công nghệ mới từ các quốc gia công nghiệp để áp dụng vào sản xuất công nghiệp của nước mình. Không hài lòng với việc áp dụng các công nghệ này cho nhu cầu quốc gia, các nhà kỹ thuật và kỹ sư Nhật Bản đã lao động không mệt mỏi trong các phòng thí nghiệm của họ để không ngừng cải thiện các kỹ thuật nhập về.

    “Một yếu tố nổi bật khác dẫn đến hiện tượng cất cánh kinh tế của Nhật Bản là một năng suất cao đi kèm với mức tiêu thụ nội địa thấp”...“Giảm chi phí sản xuất và tăng mức lợi nhuận”...“Một sự đạm bạc và dè xẻn mà người dân Nhật không bao giờ chối cãi”. Đó chính là những điều kiện hội tụ để nước Nhật tích lũy nhanh và tái đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Vòng tròn đã khép lại, những cải thiện và phát minh tuôn ra như thác, các sản phẩm trở nên tốt hơn và rẻ hơn, mức xuất khẩu tăng cao và giành được những khu vực thị trường mới.

    Tất nhiên, ta ngược hẳn với Nhật Bản về chế độ chính trị và xã hội. Ta xây dựng nền kinh tế ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa để có một chế độ công bằng, hợp lý, hạnh phúc hơn cho toàn dân. Nhưng những điểm rút ra trên đây là những bài học rất quý cho ta hiện nay. Dân tộc Việt Nam ta từng chứng tỏ, ý chí độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, lao động sáng tạo, quên mình để xây dựng nên lịch sử quang vinh của mình. Nếu được lãnh đạo sáng suốt và vững vàng, rất có thể toàn dân toàn tâm nhất trí, chịu cực khổ, lao động có hiệu quả, chối từ mọi xa hoa, đua đòi, hưởng thụ, tiết kiệm từng đồng làm ra, trong vòng 10 năm, thậm chí 20 năm thì chắc chắn chúng ta không thua bất cứ ai, đạt tới dân giàu nước mạnh.

    Lịch sử đã nói lên là dân tộc Việt Nam có ý chí cao, có kỷ luật nghiêm, có đức tính hy sinh, chịu đựng hiếm có và có quyết tâm kỳ lạ để giành thắng lợi cho mục tiêu đã đề ra. Vấn đề là vận động cách mạng toàn dân và lãnh đạo gương mẫu và kiên trì vì nghĩa lớn.

    Trước mắt, tôi đề nghị kiên quyết quét sạch các điểm ăn chơi nhậu nhẹt sa đọa trong toàn Thành phố, số đó có đến hàng vạn. Riêng Quận 3 đã có 540 điểm, trong đó có 115 điểm sa đọa ghê tởm không thể tha thứ được. Nhiều quận, huyện có đến hàng nghìn điểm như Thủ Đức, Nhà Bè. Trong lúc đó tại Thành phố chúng ta có đến 40.000 trẻ em bụi đời, 60.000 trẻ em nghèo không thể đi học, có đến 43.481 nhà ở rách nát ổ chuột và rất nhiều người không nhà, ngủ ở lề đường. Không thể nói hết được bao nhiêu bất công xã hội còn đầy rẫy trước mắt mọi người. Kẻ thì xa hoa, sa đọa, một số đông thì lầm than, đói rách. Trách nhiệm về ai?

    Ta cần kiểm lại năm 1990, với chủ trương năm du lịch, Thành phố đã đầu tư 100 tỷ đồng để xây dựng khách sạn, nhà hàng, như vậy đã đưa lại kết quả gì? Rất mỉa mai là khách ăn chơi ở các nhà hàng, điểm ăn chơi, lại không ít là cán bộ. Cần có cuộc vận động rộng rãi toàn dân tiết kiệm, cần kiệm xây dựng đất nước. Nghiêm trị tất cả những ai phung phí ăn chơi dù là của riêng mình, đả luận điệu “làm ra tiền thì được phép tiêu tiền”. Phải tuyên truyền vận động liên tục thành phong trào quần chúng tham gia ngăn chặn, trừng trị những kẻ vô trách nhiệm, mất gốc. Triệt hạ thẳng tay nạn tham nhũng và hối lộ. Những kẻ ấy bán nước ta, dân ta cho tư bản đế quốc để lấy đồng đôla thôi. Mọi người cố làm ra nhiều nhưng ăn tiêu rất dè xẻn để tích lũy cho đầu tư sản xuất. Vốn đầu tư sản xuất phải là từ tích lũy nội bộ, từng gia đình, từng xí nghiệp, từng quận, huyện, vốn chính là từ trong nhân dân. Vốn đầu tư từ ngoài là cần nhưng không phải là chính, phải có chọn lọc, có lợi theo hướng chiến lược phát triển của ta, không xin xỏ, không nhân nhượng quá mức để được bỏ cấm vận, để kéo đầu tư kếch xù. Nạn tham nhũng và hối lộ là tai họa, làm mất lòng tin của dân đối với Đảng, với chế độ nhất là nhận hối lộ của công ty nước ngoài, của nước ngoài dẫn đến mất nước, bị nô dịch về kinh tế, xã hội, văn hóa và cả chính trị và tư tưởng. Pháp luật cần xử phạt nặng đối với bọn này kể cả tử hình một số tên giữ chức vụ quan trọng: Diệt một hổ dữ, cứu nhiều sinh mệnh.

    Phải “tự lực tự cường, cần kiệm xây dựng đất nước”. Đây là khẩu hiệu của từng người Việt Nam, tự trọng yêu nước, từng đảng viên, từng cán bộ trong mọi ngành, từng gia đình, từng địa phương cho đến cả nước. Cán bộ phải gương mẫu, cán bộ càng cao càng phải gương mẫu nhiều, gương mẫu là yếu tố giáo dục vận động tốt nhất phong trào quần chúng. Cần chăng một hội nghị đại biểu toàn dân để hạ quyết tâm vì Tổ quốc giàu mạnh giống như hội nghị chính trị đặc biệt quan trọng trong chống Mỹ do Hồ Chủ tịch chủ trì hay hội nghị Diên Hồng thời Trần.

    Trên đây là nội dung tôi phát biểu trước Đại hội Đảng bộ một quận - Quận 3, nhưng mong rằng Quận ủy gửi lên để báo cáo với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và với Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

                                                                       
Ngày 07 tháng 12 năm 1991
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #144 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2024, 02:52:19 pm »

PHÁT BIỂU NHÂN DỊP 30/4
(do Quận ủy - Ủy ban nhân dân Quận 1 tổ chức ngày 30/4/1984)


    Thưa các đồng chí lãnh đạo,
    Thưa các đồng chí lão thành,
    Thưa tất cả các đồng chí,


    Tôi hết sức vui mừng được dự cuộc họp mặt để ôn lại truyền thống nhân ngày 30/4 này và cũng rất hân hạnh được phát biểu nhân danh một chiến sĩ cũ đã được tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Thành phố thân yêu của chúng ta.

    Tưởng mới hôm nào Thành phố tưng bừng nổi dậy, đỏ rực màu cờ mà đã qua 9 năm rồi. Đã 9 năm giải phóng nhưng mãi đến ngày nay, chúng ta vẫn phải đối phó với chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bành trướng câu kết với đế quốc Mỹ trả thù theo kế hoạch hậu chiến của chúng. Không những thế, chúng ta còn phải sẵn sàng đối phó với chiến tranh xâm lược lớn trong lúc ra sức xây dựng đất nước tiến lên.

    Trước tình hình nền độc lập, tự do của ta còn có nguy cơ bị hăm dọa và đời sống vật chất của ta còn nhiều khó khăn, qua 9 năm trời, những cuộc họp mặt ôn lại truyền thống để tự hào, để tin tưởng, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta thật là cần thiết và bổ ích.

    Mỗi một ngày kỷ niệm đến, một cuộc mặt thân mật, được gặp gỡ bao đồng chí, bạn bè, càng làm cho chúng ta nhớ lại những ngày đấu tranh không sợ khổ, không sợ chết, hoàn toàn vô tư vì mục đích duy nhất là giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta trong những ngày chiến tranh ác liệt đều không hề nghĩ đến quyền lợi, địa vị riêng tư nhỏ bé của mình để cho lòng thanh thản xông vào lửa đạn quân thù không một chút dè dặt, chùn bước trước cái chết và cái sống. Có phải chăng đó là đạo lý của từng con người đảng viên, con người cách mạng bất cứ ở cương vị nào, bất cứ ở thời kỳ nào. Trong chiến tranh đã như vậy thì trong hòa bình xây dựng cũng phải như vậy. Nếu tất cả đều vì lợi ích nâng cao nền kinh tế đất nước, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân như Đảng và Hồ Chủ tịch từng giáo dục, không một tính toán riêng tư, thanh thản xông vào mặt trận sản xuất, xây dựng, làm sai thì dũng cảm nhận, làm sai thì kiên quyết sửa, làm đúng thì cổ vũ, hoan nghênh. Nếu tất cả đều như vậy thì có lẽ mỗi năm ta lại lên một đỉnh cao của thành tựu, đời sống không ngừng được cải thiện, chúng ta sẽ thắng vẻ vang trong xây dựng cũng như đã thắng vẻ vang trong chiến tranh.

    Có người cho rằng chiến đấu dễ hơn xây dựng hay xây dựng phức tạp hơn chiến tranh. Tôi cho rằng không phải như vậy. Mỗi cái có cái phức tạp, cái khó khăn của nó. Chỉ cần nắm vững thực tế khách quan và khoa học. Đảng ta không phải tự nhiên mà giỏi về lãnh đạo chiến tranh để đưa chiến tranh đến toàn thắng. Bọn đế quốc, bọn tư bản nói bậy rằng Đảng ta chỉ tài về chiến tranh mà không biết về kinh tế. Không, một đảng chân chính có lý luận Mác - Lênin, có hiểu biết đa dạng, có mục đích vì hạnh phúc của nhân dân, có khả năng về nhiều mặt với sự đoàn kết giúp đỡ của giai cấp công nhân quốc tế, chắc chắn sẽ giành thắng lợi trên mặt trận xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chỉ có từng đảng viên có thể có chỗ kém cỏi, sai lầm, nhưng tập thể Đảng là sáng suốt đúng đắn. Đó là tất nhiên vì tất cả chúng ta đều là con người mà không phải là thần thánh. Cách mạng sẽ luôn luôn đi lên thắng lợi, lịch sử không dừng lại hay quay ngược lại.

    Chúng ta ôn lại truyền thống đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng anh minh. Ngày 30/4 là tiêu biểu của sự đoàn kết đó: Hàng vạn bộ đội dũng mãnh tấn công, hàng triệu con người nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Đồng chí Thu Quận 1 đã báo cáo sự tấn công và nổi dậy ấy ở Quận 1. Toàn Thành phố chúng ta cũng như vậy. Những người dân cách mạng toàn Thành phố không phải chỉ nổi dậy ngày 30/4 mà trước đó nhiều, trong suốt 30 năm chiến tranh chống xâm lược. Và trước đó nữa đã có những người cộng sản đấu tranh kiên cường như Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai...

    Đó còn là truyền thống dũng cảm đấu tranh vì chân lý, chống áp bức bất công, kiên cường bất khuất trước mọi thế lực phản động. Trước họng súng của bọn xâm lược Pháp rồi Mỹ, thanh niên, học sinh, công nhân, trí thức, các tầng lớp đã đứng lên trong bao nhiêu cuộc biểu tình chống đàn áp, đòi tự do dân chủ, đòi công ăn việc làm... ngay ở Thành phố này. Không phải chỉ có lực lượng vũ trang mà thanh niên nam nữ cũng đã chiến đấu diệt thù ngay tại Thành phố suốt các thời kỳ cho đến ngày 30/4.

    Đó là truyền thống nghĩa tình chung thủy với tấm lòng biết ơn sâu sắc những người đã ngã xuống cho đất nước đứng lên, những người đã cống hiến đời mình cho dân cho nước. Tấm lòng nhân dân Thành phố đối với Bác Hồ thể hiện ở nhà lưu niệm Bến Nhà Rồng, đối với liệt sĩ ở những tấm bia ở các mục tiêu tấn công hồi Tết Mậu Thân, bia chị Lê Thị Riêng và anh Lê Văn Kiểu..., cho đến những nhà tình nghĩa ở Củ Chi. Trong những ngày khói lửa, từ các hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong 9 năm đến những sự bao bọc cho chiến sĩ biệt động trong chiến tranh chống Mỹ; rồi những hội cứu trợ đồng bào bị tai nạn trong khi Diệm đánh Bình Xuyên, giúp đỡ bà con bị Mỹ - Thiệu cào nhà đốt nhà..., đã nói lên sự đùm bọc thương yêu nhau, lá lành đùm lá rách.

    Quý biết bao những truyền thống tốt đẹp đã qua, những quá khứ vẻ vang của người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là giá trị tinh thần cao quý cho những người ngày hôm nay đang ra sức xây dựng cho tương lai đẹp đẽ mai sau.

    Nhà văn hiện đại Liên Xô Aimatốp đã viết rất đúng rằng: Ký ức là thuớc đo nhân cách của con người, giá trị tinh thần của nó: Người nào không có ký ức, không có lịch sử, không có bản thư mục tinh thần được ghi lại... thì sẽ lâm vào tình trạng bần cùng hóa về mặt tinh thần, anh ta không được chuẩn bị để tiếp tục cuộc sống vô cùng phức tạp hiện nay... Người nào không có ký ức của quá khứ, không có kinh nghiệm lịch sử của dân tộc mình và các dân tộc khác thì sẽ nằm ngoài lịch sử vĩnh viễn và chỉ có khả năng sống bằng ngày hôm nay mà thôi.

    Tôi mượn câu ấy để kết thúc câu chuyện truyền thống lịch sử hôm nay. Xin chúc các đồng chí khỏe mạnh và một mùa xuân đầy sức sống.

                                                                                   
30 tháng 4 năm 1984
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #145 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2024, 02:54:13 pm »

PHÁT BIỂU NHÂN HỘI NGHỊ KHOA HỌC LỊCH SỬ
VỀ TẤN CÔNG NỔI DẬY XUÂN 1975
(ngày 18 - 19/3/1985)


    Thưa Hội nghị,
    Thưa các đồng chí,


    Mười năm đã qua từ ngày Thành phố Hồ Chí Minh chúng ta cũng như toàn miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Và cũng là 10 năm kết thúc một cuộc chiến tranh mà thế giới cho là một trong ba cuộc chiến tranh lớn nhất ở thế kỷ XX này: Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc chiến tranh 30 năm của chúng ta. Đây là cuộc chiến tranh lớn của thế kỷ, khốc liệt nhất, dài nhất và kết thúc bằng trận quyết chiến, thắng lợi trọn vẹn ở thành phố Sài Gòn - thành phố lớn có đến gần 4 triệu dân, là một sự kiện có tầm cỡ quốc tế và có tính thời đại như Đảng ta đã từng nhận định. Sự thắng lợi đó lớn quá, tài tình quá mang tính chất rất đặc biệt, rất huyền diệu. Một đế quốc giàu nhất, mạnh nhất đứng đầu phe tư bản là Mỹ luôn tự cho là chưa thua bao giờ mà nay phải thua nhục nhã, thua triệt để thì lạ lùng thật, vì vậy cả thế giới đang nghiên cứu tìm hiểu vì sao ta thắng, Mỹ thua. Cả thế giới đã như vậy thì chúng ta, những người dân Việt Nam anh dũng đã tiến hành cuộc chiến tranh ấy dưới sự lãnh đạo của một đảng anh hùng, của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh vô cùng sáng suốt, phải nghiên cứu giải thích sự thắng lợi vinh quang đó là việc hết sức cần thiết, là nhiệm vụ mà lịch sử giao phó. Vì vậy, tôi chắc rằng mọi người chúng ta rất hoan nghênh cuộc hội nghị khoa học lịch sử này. Cuộc hội nghị này sau 10 năm chiến thắng đã là muộn vì đáng lý phải sớm hơn do tầm quan trọng của vấn đề mà cả thế giới đang mong đợi. Nhưng là rất hợp thời vì nó mở đầu cho hàng loạt các hội nghị khoa học khác và có lẽ diễn ra nhiều năm sau này nữa mới có thể hiểu được hết những vấn đề khoa học của nó.

    Vì là một sự kiện lịch sử rất lớn, có tầm cỡ quốc tế, có tính thời đại nên không thể kết luận vội vàng, hời hợt với sự hiểu biết nông cạn, một chiều được, càng không thể hiểu rõ hết trong một cuộc hội nghị, mà phải bằng nhiều hội nghị, trong nhiều năm là như vậy. Cũng cần nhận rõ thật thà là ngay sau ngày thắng lợi, vì là thắng lợi vĩ đại quá, triệt để quá, nên phải chăng mỗi người chúng ta có một sự bàng hoàng, choáng ngợp nào đó trong sự tự hào chính đáng. Và bây giờ sau 10 năm rồi, bình tâm hơn, lắng đọng hơn, với nhiều sự việc thực tế đã được phát hiện và xác nhận, chúng ta có điều kiện hơn để nghiên cứu sâu sắc, khách quan mọi khía cạnh của chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

    Rất nhiều sự việc thực tế về hành động của quần chúng đang còn đó, nằm đọng ở mọi nơi trên chiến trường cũ, ở từng làng mạc, đường phố, ở từng cơ sở. Các chứng nhân lịch sử còn tồn tại bằng xương bằng thịt khá nhiều, mỗi người đã tham gia vào mỗi cương vị lúc đó, từ cương vị cao đến cương vị thấp, từ điều khiển đến hành động thực. Đó là của quý vô giá cho hội nghị khoa học lịch sử. Thực tế đã diễn ra bằng máu, đã tạo ra bằng trí tuệ tập thể của Đảng ta, bằng tinh thần bất khuất của nhân dân ta, bằng sức lực vạn năng của hàng triệu hàng triệu quần chúng cách mạng, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Tôi nghĩ rằng, thực tế thường đi trước lý luận và lý luận chi phối lại thực tế và do đó thực tế bao giờ cũng là cơ sở đúng đắn nhất cho những công trình nghiên cứu có giá trị chân lý. Mà thực tế thì vô cùng phong phú và rất vĩ đại từ cái rất nhỏ, vì nó đẻ ra từ suy nghĩ và hành động của hàng triệu người yêu nước để đóng góp vào thắng lợi mà một người dù sáng suốt tài giỏi đến đâu cũng khó mà hình dung ra nổi.

    Chúng ta có sẵn những thực tế đó chỉ cần sưu tầm tại thực địa. Chúng ta cũng có sẵn lý luận trong các nghị quyết và chỉ thị của Đảng lãnh đạo suốt quá trình chiến tranh. Đó là chủ trương của Đảng kiên quyết tiến hành một cuộc chiến tranh cách mạng kết hợp với khởi nghĩa vũ trang, đấu tranh bằng hai chân ba mũi, với lực lượng tổng hợp là lực lượng quân sự đủ loại, lực lượng chính trị quần chúng, lực lượng binh địch vận, lực lượng ngoại giao, lực lượng tinh thần và vật chất, lực lượng tổng hợp trong nước và cả trên thế giới của phe xã hội chủ nghĩa và của nhân loại tiến bộ trong tất cả các nước ngay cả ở nước Mỹ. Đó là kết hợp những quy luật của chiến tranh cách mạng và những quy luật của khởi nghĩa vũ trang, cả 2 loại quy luật đó tác động lẫn nhau, chi phối lẫn nhau trong hoàn cảnh cùng tiến hành song song cả chiến tranh cách mạng và cả khởi nghĩa vũ trang. Chúng ta đã tiến hành lặp đi lặp lại nhiều lần từ đơn giản đến phức tạp, từ nhỏ đến lớn, trên cả 3 vùng chiến lược đồng bằng, rừng núi và đô thị, trong một chiến lược tấn công, tấn công từ đầu đến cuối cuộc chiến tranh không thay đổi. Đó là tấn công và nổi dậy, nổi dậy và tấn công tiêu diệt và làm chủ, làm chủ để tiêu diệt, tiến lên tấn công đồng loạt và nổi dậy đồng loạt, đi đến tổng tấn công và tổng nổi dậy hay gọi là tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, kết thúc cuộc chiến tranh toàn thắng.

    Thưa các đồng chí!

    Tôi nghĩ rằng chúng ta cần nắm vững quan điểm, đường lối chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, đối chiếu với các thực tế phong phú đã diễn ra ở chiến trường đồng bằng, rừng núi, đô thị, trong từng thời kỳ chiến tranh và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để rút ra những bài học chính xác nhất, đúng đắn nhất, khoa học nhất.

    Chúng ta hiện đang đứng trước một nguy cơ không nhỏ, nguy cơ chiến tranh hăm dọa nhân loại. Bọn bành trướng, bọn đế quốc vẫn chưa từ bỏ âm mưu áp đặt tư tưởng, lối sống của chúng lên đầu các dân tộc bằng phá hoại, lật đổ, bằng chiến tranh. Không những chiến tranh trên mặt đất bằng vũ khí quy ước và cả vũ khí hạt nhân, hóa học mà còn chiến tranh trên các vì sao.

    Chúng ta nghiên cứu thắng lợi trong chiến tranh vừa qua, rút ra những bài học là để bảo vệ cuộc sống, bảo vệ tự do và độc lập, bảo vệ chân lý cho ngày nay và cả mai sau. Mỗi thời đại sẽ khác nhau về kỹ thuật, về vũ khí, về cách tiến hành chiến tranh. Nhưng thời đại nào thì nhân dân vẫn quyết định và kinh nghiệm quý báu của nhân dân vẫn căn bản có giá trị xuyên suốt các thời kỳ.

    Xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #146 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2024, 02:59:17 pm »

PHÁT BIỂU NHÂN KỶ NIỆM NGÀY SINH NHẬT BÁC HỒ
(năm 1985)


   Thưa các đồng chí,
   Thưa các bạn,


   Hôm nay, chúng ta họp mặt ở đây để kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ vô vàn kính yêu và ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ngồi ở vị trí bến Nhà Rồng hôm nay, sau hơn 10 năm giải phóng và thống nhất đất nước và cũng sau hơn 10 năm chồng chất khó khăn và hiện đang còn nhiều khó khăn của nhân dân ta, tôi có cảm giác như chúng ta tìm về đây suy tưởng những điều Bác Hồ - người thầy của cách mạng Việt Nam, người sáng lập ra Đảng ta và Nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta, đã dạy cho lớp lớp cán bộ Việt Nam từ nửa thế kỷ nay, hầu tìm ra lời giải đáp đúng đắn nhất cho những điều mong mỏi của mỗi người chúng ta.

   Tưởng nhớ Bác Hồ, chúng ta thấy ở Người tấm gương sáng chói về tài năng và đạo đức, về trí tuệ cao minh và hành động cách mạng dũng cảm, về lòng thương bao la đối với dân, đối với nước và phẩm chất tuyệt vời của một nhà cách mạng, một đảng viên cộng sản chân chính. Ở Người, lời nói luôn luôn đi đôi với việc làm, tư tưởng thống nhất với hành động. Những điều Người dạy cán bộ, đảng viên, nhân dân không mệt mỏi cũng là những điều Người thể hiện ở suốt cuộc đời mẫu mực, trọn vẹn từ khi làm cách mạng cho tới khi nhắm mắt từ giã cõi đời. Ngay từ lớp huấn luyện cán bộ cách mạng đầu tiên năm 1925 cho đến ngày Bác ra đi mãi mãi, Bác vẫn dặn dò ân cần cán bộ toàn Đảng là giữ vững đoàn kết, luôn nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình và thấm nhuần đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Suốt đời Bác đã dạy cán bộ như vậy, ngày nay ta nhắc đi nhắc lại lời dạy của Bác trên báo chí, sách vở, trong các cuộc hội họp vẫn không bao giờ thừa mà lại rất cần thiết, nhất là khi Bác đã đi xa.

    Bác viết trong Di chúc: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

    Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

    Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

    Đọc một đoạn ngắn này, đứng trước ảnh Bác, mỗi người chúng ta nên soi rọi lại mình xem ta đã làm được gì theo lời Bác dạy để lợi cho dân, cho nước. Thật là rộng lớn vấn đề phẩm chất đạo đức của con người cách mạng mà Bác đã đề cập. Trong thì giờ có hạn này, tôi chỉ xin nêu vài điều mà tôi nhớ một cách thấm thía, nhân dịp có phong trào tự phê bình và phê bình đang dấy lên ở Thành phố chúng ta.

    Bác luôn nói và cũng luôn tự phê bình và phê bình một cách hết sức nghiêm chỉnh. Năm 1945 trong khi kiểm điểm công việc của Chính phủ, sau khi nêu các ưu điểm và khuyết điểm, Bác nói: “Có thể đổ cho rằng: những khuyết điểm đó vì thời gian còn ngắn ngủi, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này, lẽ khác. Nhưng không, tôi phải nói thật: những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi”.

    Người đời không phải thần thánh, không ai tránh khỏi khuyết điểm.

    Rồi đến khi có sai lầm trong cải cách ruộng đất. Bác đã đứng ra dũng cảm và thành thật tự phê bình công khai trước quốc dân đồng bào. Bác đã thẳng thắn phê bình và xử lý nghiêm minh những đồng chí phạm sai lầm, kể từ đồng chí lãnh đạo cao nhất trong Đảng trở xuống. Bác và Đảng lúc ấy không hề sợ mất uy tín và cũng không sợ địch lợi dụng phản tuyên truyền.

    Quý báu xiết bao vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta. Công minh chính đại xiết bao người cầm lái con thuyền quốc gia vững vàng trong bão tố cũng như khi trời yên biển lặng.

    Năm 1947, khi thăm một lớp bổ túc trung cấp, Bác bảo: “Tự phê bình rồi lại phải phê bình người khác nữa. Ví dụ: tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể Cụ” không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người”.

    Trong quân đội có nếp kiểm điểm tự phê bình và phê bình sau mỗi mùa hoạt động, sau mỗi chiến dịch, sau mỗi trận đánh để phát huy ưu điểm sửa chữa khuyết điểm để ngày càng thắng lớn. Hồi kháng chiến chống Pháp, nhân cuộc kiểm điểm chiến dịch Đường 18 ở miền Bắc, Bác huấn thị, trong đó có đoạn: “Trước ta nói phê bình và tự phê bình, bây giờ phải nói tự phê bình và phê bình. Nói như thế là chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau, phê bình mình là chính, phê bình người là phụ...”.

    Bác lại dạy: “Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cao cấp phải làm gương trước...”.

    Bác luôn chú trọng làm gương trước rồi mới dạy người sau.

    Không ai được sống gần Bác, được Bác dạy dỗ, được gặp Bác dù chỉ một lần thôi, mà không giữ những kỷ niệm khó quên về Bác, về tính giản dị, khiêm tốn, về tình thương và độ lượng bao la của Bác. Bác không những luôn tự rèn luyện mình mà còn rèn luyện cho cán bộ, đảng viên, mong cho các lớp học trò được như mình hay cao hơn cả mình. Tất cả chỉ có lợi cho dân, cho nước thôi.

    Bác nói: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”. Bác luôn nhắc cán bộ là muốn lãnh đạo được nhân dân phải lấy đạo đức làm gốc. Bác nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

    Bác dạy cán bộ muốn có đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì không bao giờ được nghĩ và làm do chủ nghĩa cá nhân mà luôn luôn vì lợi dân ích nước.

    Bác nói: “Trong mọi việc, chúng ta chỉ có một mục đích, là phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc. Chúng ta chỉ có một phương châm, là chí công vô tư”.

    Bác dạy cán bộ: “Thờ dân tròn đạo hiếu
                              Thờ nước vẹn lòng trung”  1.

    Bác dạy bộ đội: Trung với nước, hiếu với dân thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

    Bác lại nói: “Nước lấy dân làm gốc”.

    Mà: “Gốc có vững cây mới bền
              Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

    Bác lại xác định thế nào là lãnh đạo. Bác viết:

    “Cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh.

    Lãnh đạo đúng nghĩa là:

    1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của lãnh đạo của ta.

    2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.

    3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”.

    Thế là Bác luôn chú trọng làm việc gì cũng phải sát quần chúng, nghe quần chúng, vì quần chúng.

    Bác nói: Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên... Vì vậy việc gì cũng phải hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc và giải thích cho dân chúng.

    Về việc lựa chọn cán bộ, Bác cũng bảo phải chọn những người liên lạc mật thiết với dân chúng, luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ.

    Với cán bộ, Bác luôn nhắc nhở cần kiệm xây dựng quân đội, cần kiệm xây dựng đất nước.

    Có lần, tôi được vinh dự đưa Bác đến thăm một đơn vị bộ đội miền Nam tập kết. Bác đi thăm từng nơi ở, bãi tập, xem xét cả thức ăn và quần áo. Có vẻ Bác hài lòng. Khi đi qua hàng quân chào tiễn Bác, Bác hỏi một chiến sĩ:

    - Cháu bắn có giỏi không?

    - Thưa Bác, cháu mới đạt loại khá.

    - Như vậy là chưa được. Đất nước ta còn nghèo. Quân đội ta còn ít súng đạn. Phải tiết kiệm từng viên đạn. Mỗi chiến sĩ phải cố đạt cho được mỗi viên đạn là một quân thù. Viên đạn bắn trúng đích ngoài nghĩa tiết kiệm còn nhiều nghĩa quan trọng khác. Muốn vậy phải cần. Có chuyên cần tập luyện mới bắn giỏi. Cần kiệm đi đôi với nhau.

    - Thưa Bác, cháu sẽ hết sức cố gắng tập bắn giỏi.

    Xong, Bác quay qua tôi nói:

    - Chú có biết rằng bộ đội thế nào thì cán bộ thế ấy? Chiến sĩ chưa cần kiệm tức là chỉ huy chưa cần kiệm. Chỉ huy càng cao trách nhiệm càng nặng.

    - Thưa Bác, chúng cháu xin nhận khuyết điểm và sẽ nỗ lực đạt được cần kiệm như Bác dạy.

    Sau đó một thời gian, gặp tôi Bác hỏi:

    - Cháu Giang (tên người chiến sĩ Bác hỏi hôm nọ) tập bắn súng ra sao rồi chú Trà?

    May quá, tôi đã thưa được với Bác rằng Giang đã là thiện xạ của đơn vị vì sau khi Bác về đã dấy lên một phong trào: “Mỗi viên đạn - là một quân thù” và toàn đơn vị ra sức tập bắn và đều đạt bắn giỏi. Giang là ngọn cờ đầu.

    Bác luôn dạy cán bộ đừng bao giờ tham danh, lợi, chức, quyền. Khi giải thích chữ “liêm”, Bác cắt nghĩa: Không tham địa vị, tiền bạc, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa.

    Bác cho rằng Bác làm Chủ tịch nước là nhiệm vụ mà nhân dân giao phó, phải gắng làm. Bao giờ nhân dân cho lui là Bác rất vui lòng lui. Năm 1946, Bác đã trả lời các nhà báo như sau:

    “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi cũng gắng làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính dáng gì với vòng danh lợi”.

    Như vậy có nghĩa là Bác không bao giờ tham quyền cố vị. Làm cũng là vì dân vì nước, mà lui cũng là vì dân vì nước. Đồng thời còn có nghĩa là Bác không bao giờ nghĩ là phải có Bác mới được mà Bác tin rằng theo quy luật tiến bộ, có nhiều học trò của Bác đủ sức thay Bác. Cho nên Bác mới rất vui lòng lui.

    Năm 1947, khi làm bài thơ tả cảnh rừng Việt Bắc, Bác lại nhắc đến ý nghĩ trước sau như một của Bác với hai câu kết:

    “... Kháng chiến thành công ta trở lại,
    Trăng xưa, hạc cũ với Xuân này”.

    Bác Hồ chúng ta vĩ đại quá, vĩ đại trong cái giản dị bình thường mà bất cứ cán bộ nào cũng có thể noi theo miễn là một lòng vì dân vì nước.

                                                                                     
Năm 1985




---------------------------------------------------------------------
1. Hai câu thơ này trích trong bài thơ Bác viết tặng cụ Võ Liêm Sơn - Chủ tịch Mặt trận Liên khu IV (xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.662 (B.T)).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #147 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2024, 03:05:10 pm »

BỘ ĐỘI CỤ HỒ 1
 


    Năm nay tháng 12 kỷ niệm 3 ngày lễ lớn: Ngày 19 - Toàn quốc kháng chiến; ngày 20 - thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và ngày 22 - ngày ra đời Quân đội nhân dân Việt Nam. Như vậy là bộ đội ta đã 44 tuổi. Chưa phải là năm kỷ niệm lớn (năm chẵn 5, 10 năm...), nhưng hai con số 4 đứng song song cũng đẹp, gợi tôi nhớ lại 4 năm về trước khi bộ đội ta tròn 40 tuổi (cũng những con số 4), tôi đã có một kỷ niệm vui mà buồn. Năm ấy, để ôn lại kỷ niệm sâu sắc, tôi về thăm một vùng căn cứ kháng chiến, nơi bắt đầu cuộc đời cầm súng của tôi. Tôi vào thăm một ông cụ, nhà đóng chỉ huy sở của tôi hồi ấy. Ông cụ nay tuổi đã cao, đầu tóc bạc phơ, nhưng người còn cứng cáp và đặc biệt là trí còn minh mẫn. Ông cụ nhớ ngay ra tôi nhưng không tỏ vẻ gì là vui mừng hay xa lạ. Hồi trước, cứ gà gáy canh tư là cụ đã dậy rồi, để pha trà uống và thế nào cũng kéo tôi cùng thưởng thức tách trà nóng ban mai, nói đôi câu chuyện thế sự. Vừa thấy tôi, cụ đã hỏi: “Ba đó hả? Anh vẫn là “bộ đội Cụ Hồ” hay đã...”. Tôi ngơ ngác chưa hiểu cụ muốn nói gì với câu hỏi bỏ lửng nửa chừng ấy. Một lúc cụ mới cười bảo: “Đó là tôi hỏi về cái chất ấy mà, anh vẫn như xưa hay khác xưa? Nếu vẫn như xưa thì mời vào và cùng uống với tôi tách trà, nói chuyện xưa, nay cho vui”. Tôi vỡ lẽ ra. Vừa vui vì gặp lại một cụ già “chí cốt”, vừa buồn vì phận mình bất lực trước sự đời.

     “Bộ đội Cụ Hồ”, không biết từ lúc nào nhân dân ta đã gọi Quân đội ta như vậy. Một cách gọi đơn sơ mà súc tích, nó bao hàm nhiều nghĩa sâu tình nặng. Một cách gọi trìu mến thân thương, quý trọng và khâm phục, khen ngợi và khích lệ. Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân đã ghép lấy tiếng bộ đội vào với Cụ Hồ. Đành rằng ai cũng biết, Cụ Hồ là người đã lập ra bộ đội ta, nuôi dưỡng giáo dục, lãnh đạo và rèn luyện, chỉ đạo từng cách đánh và phương hướng chiến lược trong từng thời kỳ, dẫn dắt từng bước đi ban đầu khi mới ra đời còn nhỏ bé cho tới lúc trưởng thành hiện đại, lập nên những chiến công bất hủ, hoàn thành được mục tiêu giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế mà chúng ta ngày nay đều xem Bác Hồ là cha đẻ, người thầy, người chỉ huy kính phục và người đồng chí, đồng đội thân yêu nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Thực tế trong xã hội, không phải bao giờ người con cha mẹ đẻ ra, nuôi dạy lớn lên cũng đáp ứng được những điều mong ước của bậc cha mẹ. Ở đây nhân dân đã đánh giá là đứa con - bộ đội, đã đáp ứng được mong mỏi của người cha đẻ - Cụ Hồ, cho nên mới tặng cho danh hiệu cao quý là “bộ đội Cụ Hồ”.

    Trong lịch sử dân tộc ta, mỗi thời đại đều có những vị anh hùng xuất chúng, những lãnh tụ kính yêu cùng tập thể kiên trung có tài năng và đức độ đã đưa lại cho nhân dân cuộc sống hạnh phúc và phẩm giá con người. Đó là Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh... “Cụ Hồ” của nhân dân ta là một người mà suốt cả cuộc đời chỉ vì dân vì nước. Từ suy nghĩ tới hành động, từ lời nói tới việc làm đều nhất quán trước sau, không một chút riêng tư. Vì vậy mà nghe và làm theo Cụ Hồ là nghe và làm theo lẽ phải, theo lương tâm, vì dân tộc, vì Tổ quốc. Một lời kêu gọi của Cụ Hồ được hàng triệu tấm lòng hưởng ứng. Tin theo Cụ Hồ nói, thực hiện điều Cụ Hồ bảo, làm theo Cụ Hồ làm là ích nước lợi nhà. Lòng tin yêu của nhân dân đối với Cụ Hồ là tuyệt đối.

    Quân đội nhân dân chúng ta được Cụ Hồ dạy bảo, chỉ đạo, chỉ huy đã từ tay không mà trưởng thành, lớn mạnh, hiện đại, đã có phẩm chất cao quý vì nước vì dân, đã đánh thắng những kẻ địch lớn hơn, có tổ chức và trang bị hơn mình, đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy mà được dân tin, dân yêu và thưởng cho danh hiệu quý vô cùng là “bộ đội Cụ Hồ”.

    Ngay từ ngày đầu thành lập Bác Hồ đã dạy: Tính chất cuộc kháng chiến của chúng ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, khi nhân dân đã đứng dậy thì có sức mạnh vô địch, mỗi người dân Việt Nam đều có ít hay nhiều lòng yêu nước, trọng nhân nghĩa, quý điều thiện. Tập hợp toàn dân toàn quân thành lực lượng tổng hợp thì sẽ bách chiến bách thắng.

    Đó là tư tưởng, là quan điểm chỉ đạo chiến tranh của Bác, chiến tranh nhân dân xuất phát từ tư tưởng và quan điểm đó mà có chiến lược, chiến thuật phù hợp với chiến tranh cách mạng. Trong cả hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bộ đội ta đã làm được như vậy. Bộ đội ta là lực lượng vũ trang được tổ chức chặt chẽ và trang bị ngày càng mạnh làm nòng cốt chiến đấu cho toàn dân, vận động toàn dân cùng mình chiến đấu trong mọi hoàn cảnh, bất cứ ở đâu. Nhờ đó giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Không hiểu nổi tư tưởng của Người và diễn biến thực tế của chiến tranh, có người hiểu sai lệch rằng thắng lợi vĩ đại của nhân dân vừa qua là do đòn sấm sét của quân đội có nhiều binh quân chủng mạnh và trang bị hiện đại áp đảo quân thù. Vì vậy mà họ phủ nhận những cuộc khởi nghĩa của quần chúng. Lênin nói: Thật khó mà phân biệt được khởi nghĩa và chiến tranh. Cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta quyện chặt với khởi nghĩa.

    Nhưng làm thế nào để vận động được toàn dân đánh giặc, làm thế nào cho dân tin, dân theo như Bác đã dạy: “dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được, dân chúng không ủng hộ việc gì cũng không nên”. Trong chiến tranh đã vậy, trong xây dựng hòa bình cũng vậy thôi. Trước hết phải xác định đúng mục đích việc làm của chúng ta. Bác nói: “Trong mọi việc, chúng ta chỉ có một mục đích, là phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc. Chúng ta chỉ có một phương châm là chí công vô tư” Trong thời kháng chiến, bộ đội ta đã được giáo dục thường xuyên: “Mình đánh giặc là vì nhân dân... Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân”. Đúng như vậy, thời ấy bộ đội ta đã tìm mọi cách giúp đỡ dân, đã hết lòng yêu thương dân và cũng được dân thương mến và giúp đỡ tận tình. Vì vậy mới có câu “Tình quân dân như tình cá nước”. Người quân nhân, người cán bộ cách mạng hiểu rõ chiến đấu là vì dân, vì nước nên không nề gian khổ, không sợ hy sinh, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, không một ý nghĩ riêng tư. Bất cứ làm việc gì cũng không vì quyền lợi, địa vị cá nhân và gia đình mình, gây thiệt hại hay hà hiếp nhân dân mà “vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân” như Bác thường răn dạy. Bác đã nói và làm, gương mẫu như vậy, chiến sĩ và cán bộ chỉ huy cũng học tập và noi theo như vậy. Nhờ thế mà toàn quân một lòng, toàn dân một lòng, việc gì cũng thành công.

    Bác Hồ chú ý đặc biệt là dạy dỗ, rèn luyện đội ngũ cán bộ. Bác xác định rõ: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Trong chiến tranh không phải toàn là thắng cả, đã có trận thua, thậm chí thua đậm. Đã có thời kỳ kém sút thất bại. Nhưng Bác đã hướng dẫn, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, thấy rõ đúng sai, kém cỏi của cán bộ mà anh dũng sửa chữa. Từ đó lại thắng lợi đi lên. Bác luôn rèn dạy cán bộ với một lòng độ lượng sâu rộng và tính nghiêm khắc cao, không bỏ sót một lỗi nhỏ mà không chỉ dạy, không bỏ sót một công nhỏ mà không khen thưởng, công minh chính đại. Vì quyền lợi chung của dân của nước, qua thực tế rành rành ở chiến trường, cán bộ nào không có khả năng, để thiệt hại cho bộ đội, cho nhân dân là thay đổi ngay, bất cứ cán bộ đó ở cương vị nào. Trong chiến tranh không hề có đặc quyền, đặc lợi, chỉ có trách nhiệm nặng nề và hy sinh cao cả nên việc thay thế cán bộ như vậy xem như tất yếu. Có cán bộ tự xét mình không thể hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy ở cấp nào đó đã tự xin xuống cấp hay từ chối một chức vụ là chuyện nhẹ nhàng thoải mái, vừa có lợi cho bản thân vừa có lợi cho bộ đội.

    Vì nhận thức công việc thành hay bại là do cán bộ nên Bác Hồ rất chú ý đến khâu lựa chọn cán bộ. Bác nói cán bộ phải là những người liên lạc mật thiết với dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ. Rõ ràng Bác rất chú trọng đến ý kiến của quần chúng, không thể áp đặt người nào đó làm lãnh đạo của nhân dân khi họ không thừa nhận. Đó là tiêu chuẩn hàng đầu của người cán bộ cách mạng.

    Để cho bộ đội có phẩm chất cao quý phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, trước hết Bác giáo dục rèn luyện cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có phẩm chất cách mạng đó. Bác dạy: Cán bộ phải có nhân, nghĩa, trí, dũng; phải hết lòng yêu thương giúp đỡ đồng chí, đồng đội, đồng bào; thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói, không sợ uy quyền, không sợ bất lợi cho mình; phải có gan chịu cực, có gan nhận và sửa khuyết điểm sai lầm; nếu cần có gan hy sinh tính mệnh vì dân, vì Tổ quốc. Đó là đạo đức cách mạng. Không có đạo đức thì không làm nổi việc gì.

    Bác luôn dặn cán bộ, chiến sĩ phải cần, kiệm, liêm, chính. Bác nói: Phải siêng năng chăm chỉ, dẻo dai; Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù hao bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng.

    “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm...
    Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm).
    Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm là tham vật úy lạo.
    Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh úy tử.
    Đều làm trái với chữ LIÊM”.

    Phải thẳng thắn, đứng đắn, không tà, không tự kiêu, tự đại. Phải yêu quý, tôn trọng, giúp đỡ mọi người. Chớ nịnh hót người trên, xem khinh người dưới. Việc thiện nhỏ mấy cũng làm, việc ác nhỏ mấy cũng tránh.

    Để xây dựng nội bộ quân đội thành một khối trên dưới nhất trí, chết sống có nhau, Bác dạy phải chống chủ nghĩa cá nhân, không tâng công và dìm người, không lánh nặng tìm nhẹ, không trốn trách nhiệm khi thất bại, không vơ công vào mình khi thắng lợi. Mỗi chiến sĩ phải có kỷ luật nghiêm, tinh thần vững, chí khí quật cường tất thắng, có đạo đức có trí dũng 2.

    Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được. Vì vậy phải thương yêu đội viên, thương yêu quần chúng nhân dân. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói, bộ đội chưa đủ mặc, cán bộ không được kêu mình rét, bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt.

    Để có được đạo đức, phẩm chất cao quý đẹp đẽ đó của người chiến sĩ và cán bộ một đội quân cách mạng, thắng lợi mọi kẻ thù, điều cốt tủy mà Bác dạy là khi đã một lòng trung với nước, hiếu với dân thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

    Quan niệm về Nước và Dân, Bác viết:
    “Nước lấy dân làm gốc...
    Gốc có vững cây mới bền
    Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.


***


    Quân đội nhân dân ta, suốt 30 năm chiến tranh giải phóng tuy chưa rèn mình được đúng y như Bác dạy, nhưng về cơ bản đã có được phẩm chất đạo đức cách mạng, nhờ nhân, nghĩa, trí, dũng mà hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang. Không có gì chính xác bằng sự đánh giá của nhân dân. Dân đã tặng danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là sự đánh giá sáng suốt của dân, là phần thưởng cao quý nhất không gì bằng. Mỗi cán bộ, mỗi chiến sĩ chúng ta suốt đời phải rèn luyện theo lời Bác Hồ để mãi mãi được nhân dân gọi “anh bộ đội Cụ Hồ”. Mỗi lần kỷ niệm ngày thành lập quân đội, mỗi chúng ta cần soi gương xem mình có còn như xưa, giữ vững phẩm chất người quân nhân cách mạng, mỗi người hãy xem nhân dân đánh giá mình thế nào. Quần chúng nhân dân đông đảo là rất sáng suốt, đừng coi thường nhận xét của số đông, đừng bỏ ngoài tai “lời chửi” của quần chúng. Vinh dự cao nhất của đời người là được dân tin, dân thương.

    Những người giữ được phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ có lẽ có những chiến sĩ đã suốt đời mình phục vụ trong quân ngũ và về già, sức yếu đã nghỉ hưu về với hàng ngũ nhân dân. Tất nhiên, không phải tất cả và mỗi người ở mỗi mức độ khác nhau. Muốn giữ được phẩm giá đó mãi mãi và dùng phẩm giá đó ảnh hưởng đến người cán bộ, chiến sĩ trẻ ngày nay không gì bằng có một đoàn thể để mà sinh hoạt giúp đỡ nhau: “Hội Cựu chiến binh Việt Nam”. Đây rõ ràng là một hội quần chúng, quần chúng đã có giác ngộ cách mạng khá cao, đã từng đem xương máu ra xây dựng chế độ dưới cờ của Đảng. Không ai hơn họ, sẵn sàng lại đem nắm xương tàn ra bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ và phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Sau 13, 14 năm hòa bình, nay vẫn chưa có Hội Cựu chiến binh là một thiếu sót không phải chỉ về tổ chức mà là về quan điểm tư tưởng, trình độ nhận thức, lập trường cách mạng hay không cách mạng. Ai chịu trách nhiệm về vấn đề này? Đây là đòi hỏi bức thiết, là quyền lợi, là nhiệm vụ cuối cùng của những cựu chiến binh, các anh bộ đội Cụ Hồ. Chắc chắn là nhân dân ta đã từng giúp đỡ và sát cánh chiến đấu với bộ đội Cụ Hồ cũng sẽ hoan nghênh và đòi hỏi lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Và chắc chắn là nhân dân tiến bộ trên thế giới đã từng ủng hộ và hoan nghênh chiến thắng vang lừng của Quân đội ta cũng mong mỏi có Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

    Truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” sẽ tồn tại vĩnh viễn với Quân đội ta, nhân dân ta.

                                                                                     
Năm 1988




------------------------------------------------------------------
1. Bài viết nhân kỷ niệm 44 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/1988).

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.371 viết: “Vệ quốc quân, dân quân du kích phải luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức: trí, dũng, liêm, trung của Giải phóng quân” (B.T).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM