Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 12:35:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sao Mai  (Đọc 21877 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #70 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2021, 06:55:21 am »

Chương tám

1

Hoài Châu trăn trở trên tấm võng ni-lông. Sương đêm lạnh buốt khiến anh thức giấc ngay từ lúc một giờ sáng. Cạnh đấy, trong lều của thầy trò Trần Nông, cũng có tiếng cựa mình. Hoài Châu nghĩ là Trần Nông có lẽ cũng khó ngủ,

Một tiếng vạc xa xăm bay qua. Một chiếc lá rụng hay một nhánh cây rơi xuống nền lá khô gây nên vài tiếng sột soạt nho nhỏ. Vang động hơn cả vẫn là tiếng ì ầm khó chịu của chiếc C47 đi ăn đêm. Nó lượn lờ ở phía sau lưng đơn vị anh. Những tràng liên thanh dài dằng dặc bắn xa nghe lục bục, ấm ức. Qua kẽ lá, Hoài Châu nhìn thấy những chấm lửa đỏ từ trên chiếc máy bay rạch bầu trời lao xuống. «Nó lại tìm xe! Không biết anh em mình có việc gì không!».

Tâm trạng Hoài Châu đang rối bời. Sự việc diễn ra mấy ngày qua khiến anh lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Tuy bề ngoài các chiến sĩ vẫn nhìn thấy vẻ điềm tĩnh vốn có của anh, những khi anh ngồi nói chuyện tầm phào với họ trong mấy phút nghỉ dọc đường, nhưng khi đã ba-lô lên vai, đặt từng bước chân chậm chạp trên lối đi mới vạch ra hay khi nằm một mình trên võng, những mối lo lắng âm ỉ lại vây kín lấy anh.

Từ hôm bị ném bom đến nay, đơn vị gần như giam chân tại chỗ. Vài cây số trong rừng hoang vu, tuy không phải dễ dàng mà đạt được, đã không đáp ứng yêu cầu của đơn vị anh.

Có tiếng chân bước sột soạt trên lá khô, rồi một người lần đến chạm vào võng anh, hơi thở gấp gáp:

— Thủ trưởng ơi!

Hoài Châu lật chiếc chăn dù ra, giọng tỉnh ngay:

— Có việc gì vậy?

Giọng người chiến sĩ rất hớn hở:

— Chữa được máy rồi anh ạ! May quá! Chúng tôi đã liên lạc được với Ngân Hả. Thủ trưởng có điện gì thì gửi ngay đi!

Hoài Châu mừng rơn, quên hết giá buốt, nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của anh đài trưởng:

— Hay quá! Các cậu không ngủ à?

— Ngủ sao yên được, thủ trưởng? Thông tin mà liệt máy như người bị cột chân tay. Chúng tôi chữa suốt đêm, khi được khi không. Bây giờ thì chắc rồi!

Hoài Châu tuột khỏi võng ôm lấy đôi vai ẩm ướt của anh đài trưởng:

— Lúc này, thông tin quyết định đấy!

Anh đài trưởng cười, xuýt xoa:

— Rét dữ! Thủ trưởng còn thuốc lá không?

— Còn đây! Còn đây!

Hoài Châu đã cai thuốc từ đầu năm. Nhưng anh vẫn mang trong ba-lô vài bao. Để «chiêu đãi» một cách rất hà tiện những khi họp cán bộ hay trong trường hợp như lúc này, vào lúc mà các chiến sĩ đã cạn túi. Các chiến sĩ đã nhanh chóng phát hiện cái «kho» quý giá của thủ trưởng, thường đến «thăm» anh vào những lúc nghỉ mấy phút, hoặc sau bữa ăn. Vì vậy «kho» của anh bị vơi đi nhanh chóng, mặc dù mới đi được nửa đường. Nay chỉ còn một bao.

Hoài Châu rút ra hai điếu thuốc, còn ấm hơi người đưa cho anh đài trưởng:

— Mừng thành tích đầu tiên của các cậu.

Trần Nông đã thức dậy và nghe rõ câu chuyện:

— Anh Châu vào đây! Ta viết diện về Bộ ngay đi!

Hoài Châu chui vào căn lều ấm sực hơi người. Anh đẩy Trường nằm lui vào giữa:

— Thằng nhóc này dễ ăn dễ ngủ!

Trần Nông đắc chí:

— Ba anh em, công ty lại là đủ một chiếc lều tuyệt diệu. Có phải ngủ ở đỉnh núi Phan-xi-păng cũng vẫn đàng hoàng, ông nên «giác ngộ» tham gia đi!

Hoài Châu bật cười vì câu nói khuếch đại. Anh có cá tính hơi lạ. Dù rét đến mấy hay mưa gió đến đâu. cũng cứ một mình một võng, trong làng hoặc trong nhà cũng vậy. Ai nói thế nào cũng không nghe. Anh chỉ mỉm cười: «Mình ngủ võng quen rồi!».
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Giêng, 2022, 09:07:18 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #71 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2021, 06:58:10 am »

Hai người rì rầm trao đổi, rồi Trần Nông bấm đèn cho Hoài Châu viết:

Điện số 09 — gửi số 303

«Bị bom dữ dội từ 10 giờ ngày 15-12 — Thiệt hại nhẹ — Hiện ở tọa độ... Đã chậm 2 ngày. Sẽ đến N2 đúng hẹn bằng mọi cách. Quyết tâm tốt — Cho biết rõ địa điểm liên lạc với Sao Hôm».

Hoài Châu đọc cho Trần Nông nghe rồi gật gù:

— Được rồi! Này Trường, đưa sang Cơ yếu làm ngay nhé!

Bấy giờ Trần Nông mới khẽ nói, giọng lo ngại:

— Anh Châu ạ! Tôi thấy mấy hôm nay anh sút quá! Ăn uống lại... kham khổ, mà nhiệm vụ chúng mình thì... chưa đâu vào đâu. Tôi rất lo. Mảnh lựu đạn ở đầu gối anh, tôi biết.... anh đi tập tễnh thế là đau lắm.

— Không sao đâu! Mình tuy vậy mà dai sức lắm.

— Tôi nói thật đấy. Anh gầy đi nhiều, lo nhiều việc mà lại ít ăn. Tôi đã bảo đồng chí Minh lấy thuốc bổ bồi dưỡng thêm cho anh...

— Ấy đừng! — Hoài Châu gạt phăng —Thuốc ấy chỉ để dùng cho thương binh. Mà mình đã sao đâu!

Hoài Châu đã giấu tất cả mọi người về một căn bệnh cũ mới tái phát. Từ hôm bị bom, một quả bom đã nổ cách công sự của anh chưa đầy mười mét, anh đã có lần thấy ngứa trong cổ họng. Khạc ra thấy trong đờm đầm đìa máu. Mấy đêm nay, anh thường sốt về nửa đêm. Cơn sốt không cao, nhưng âm ỉ, trán anh hâm hấp mồ hôi. Anh hiểu rằng bệnh lao phổi cũ của anh có cơ trở lại sau những ngày mệt mỏi, căng thẳng trên đường dài. Nhưng anh đã chịu đựng nó, hơn nữa đã chống chọi lại nó với một nghị lực phi thường. Không ai hiểu thật đúng lý do việc anh thích ngủ riêng.

Thật ra, sức khỏe của Hoài Châu, không phải cấp trên không biết, tuy không phải là biết thật cặn kẽ. Cục chính trị biết rằng anh mắc bệnh lao đã chữa khỏi và hiện nay còn mảnh đạn ở chân. Sức khỏe anh được xếp hạng B. Khi bàn đến nhiệm vụ của đội Sao Mai, Bộ chỉ huy đã cân nhắc mãi có nên sử dụng Hoài Châu hay không và quyết định sẽ yêu cầu anh báo cáo rõ vấn đề này. Nhưng Hoài Châu là một con người mà ý chí và nghị lực còn vượt xa khả năng chịu đựng của cơ thể. Khi nghe Chính ủy Bình hỏi về tình trạng lá phổi và cái đầu gối phải, anh đã nói: «Có làm sao đâu thủ trưởng?! Phổi tôi thở năm lít, còn đầu gối thì leo núi khỏe, nhanh như con sơn dương ấy! Sức tôi còn dai hơn Trần Nông kia!». Lưỡng lự hồi lâu, Chính ủy đứng dậy, gọi điện thoại sang phòng Cán bộ, chỉ thị đưa thuốc bồi dưỡng sang ngay cho Hoài Châu. Khi bắt tay anh, giọng ông còn chưa hết băn khoăn: «Việc này cần có cậu, nhưng mình lo cậu sẽ bị quỵ. Cần thành thực với tổ chức, kẻo lỡ việc mà bọn mình lại có khuyết điểm». À, cái gì Hoài Châu cũng thành thật với cấp trên, chứ cái này thì nhất định phải giấu và anh cũng không bao giờ để cho Bộ chỉ huy phải chịu khuyết điểm vì đã giao việc chiếu đấu cho anh...

Trần Nông liền nói ra điều mà anh suy nghĩ từ lâu:

— Anh Châu ạ! Tôi biết anh lo nhiều việc của đơn vị. Nhưng tôi thấy anh ôm đồm nhiều quá. Như thế không tốt cho sức khỏe của anh, lại dễ gây cho tôi tính ỷ lại. Anh cứ san bớt việc cho tôi, rồi khỏe, việc gì cũng làm được. Anh sẽ hướng dẫn cho tôi. Tôi học tập ở anh nhiều và kính trọng anh. Tôi nói thật tình đẩy. Anh đừng hiểu lầm tôi.

Hoài Châu cảm động và hơi bối rối trước câu nói chân thành của bạn. Anh hiểu Trần Nông là một đồng chí ưu tú và trước sau anh vẫn hoàn toàn tin tưởng bạn. Có lẽ anh đã quá bao biện chăng? Anh cười xòa:

— Nông ơi! Mình ở với cậu bấy lâu nay, có bệnh tật gì cậu cũng đã biết. Mình có tật hay bao biện làm thay, thì cậu cứ phê thẳng cánh vào. Còn về công việc thì mình sẽ đồng ý với cậu.

Trần Nông nhìn chiếc đồng hồ dạ quang rồi đứng dậy:

— Anh tranh thủ ngủ đi một ít nữa. Sáng mai lại hành quân rồi... Lát nữa cậu Khiêm về, ta xem lại tình hình rồi quyết định dứt khoát đi đứng ra sao. Tôi đi kiểm tra một lát kẻo lại vấp phải mấy ông «Trinh sát Trường Sơn» nữa thì hết việc!

Hoài Châu gật đầu:

— Cậu đi đi! Mình ngủ thế đủ rồi!

Hoài Châu còn nhìn theo Trần Nông cho đến khi ánh đèn bấm của anh tắt hẳn trong đêm, lòng bồi hồi cảm động. Trần Nông đã cùng anh gắn bó qua hai chiến dịch. Những đức tính của Trần Nông khiến anh hoàn toàn tin tưởng bạn. Đó là một con người trung thực, dũng cảm cực kỳ, miệng nói tay làm và không hề giả dối, một đồng chí có rất nhiều hứa hẹn. Nhược điểm của Trần Nông là gì? Anh sực nhớ tới những điều xì xầm bàn tán của anh em và câu phàn nàn của Vương Văn Khiêm với anh «gần đây hai cánh tay đã kệnh ra làm điệu bộ bệ vệ, nói năng với anh em cán bộ ra vẻ kẻ cả, có lúc còn quát tháo, thậm chí có lần còn «sạt» cả Thao Kèn». Hoài Châu nhớ lại và cũng cảm thấy ở Trần Nông có cái gì đó thật. Anh lại nhớ đến lời dặn của Tư lệnh trưởng: «Phải giúp hắn khắc phục cái khinh suất. Đó là căn bệnh chết người của một cán bộ chỉ huy».
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #72 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2021, 06:59:47 am »

Trần Nông còn rất trẻ, lại tiến bộ nhanh, có hoài bão và những suy nghĩ lớn đúng đắn. Trần Nòng «lên mặt» với anh em vì nghĩ rằng làm như thế mới ra vẻ chỉ huy cấp trên, hay là sự vô tình? Không! Dù sao cũng không nên để cái đó phát triển được. Mình muốn Trần Nông cứ bình thường như cũ, trong chỉ huy thì giữ đúng cương vị, trong sinh hoạt thì chan hòa, thân ái với mọi người. Như thế tốt hơn. Nhưng điều mà Hoài Châu lo lắng hơn là lời căn dặn của Tư lệnh trưởng. Trần Nông có thừa dũng khí, nhưng khi đã ở cương vị chỉ huy, lại phải đảm nhiệm một công việc nặng nề như lúc này, sự khinh suất sẽ phải trả giá đắt và nhiệm vụ chung sẽ bị tổn hại.

Hoài Châu quyết định sẽ phải trao đổi với Trần Nông trước khi vào trận đánh, hoặc làm tay đôi, hoặc trong chi ủy.

Không ngủ nữa, Hoài Châu cũng cuộn võng, quấn chiếc chăn dù lên cổ, rồi cầm đèn, lặn xuống phân đội Ba, đến chỗ lều của Vinh, tổ trưởng bị thương ở chân trong trận ném bom vừa qua.

Trái với dự đoán của anh; trong lều có tiếng rì rầm và tiếng cười nho nhỏ. Anh nhận ra tiếng của Thảo và Đạo, chiến sĩ cùng tổ.

— Hôm ấy cậu có sợ «mất gáo» không?

— Sợ gì! Tôi chỉ hốt gọi là!

— Khoác! Anh mới ra quân, bị một cú mở màn, lại không «cúp tai xuống». Cậu Đạo sao? Lính cựu mà!

— Mình chỉ tiếc thôi!

— Tiếc gì?

— Chưa đi đến nơi mà lại phải «chốt» ở đây thì cay quá. Dễ cậu thì không hẳn? Chỉ một ly nữa, nó xin anh cái cẳng. Thế là cuộc đời... hạ màn.

Vinh văng tục một câu rồi khịt mũi (cậu ta có cái tật ấy) giọng hơi to lên:

— Các cậu ạ! Tôi nói cái này các cậu đừng cười nhé! Tớ tự đặt cho mình một nhiệm vụ quan trọng: bắt cho được một thằng Mỹ. Không phải lính hay sĩ quan lèm nhèm, mà một thằng cao cấp đáng giá. Một thằng tướng chẳng hạn.

— Ý nghĩ hay đấy!

— Là vì suy nghĩ thế này: Ta chiến đấu chống Mỹ không những vì nhân dân ta, mà còn cho nhân dân thế giới nữa. Các cậu chưa quên chuyện anh Nguyễn Văn Trỗi chứ? Du kích Vê-nê-duy-ê-la đã bắt sống một tên trung tá Mỹ tên là Smô-len-cơ gì đó và ra điều kiện chỉ thả thằng đó nếu bên này bọn Mỹ thả anh Trỗi. Bọn Mỹ đã phải làm như thế, nhưng sau, chúng phản bội. Ta sẽ bắt bọn chúng thanh toán món nợ đó. Cho nên tớ nghĩ: tại sao không tóm lấy một thằng tướng Mẽo và ra điều kiện cho nó phải thả những anh chị em mình trong các «chuồng cọp» ở Côn Đảo, ở Chí Hòa, ở Thửa Phủ, phải thả Huỳnh Tấn Mẫm, Võ Thị Thắng, thả Ngô Bá Thành, hay An-giê-la Đê-vít chẳng hạn? Và ta còn ra điều kiện cho chúng phải ra lệnh cho bọn Do Thải thả tất cả những người Pa-lex-tin bị chúng giam giữ. Hoặc một điều kiện gì đó có lợi cho những người cộng sản ở Vê-nê-duy-ê-la, hay cho những nghĩa quân Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích. Các cậu bảo như thế có viển vông không? Có làm được không?

Tiếng Thảo và Đạo chen nhau, hào hứng:

— Chẳng có gì là viển vông.

— Được chứ! Chúng ta sẽ cùng làm! Cả tổ mình nhỉ?!

Những tiếng cười vui thú nổi lên. Một lát, tiếng Thảo rì rầm:

— Anh Vinh ạ! Tôi có kinh nghiệm này, tôi chỉ nói riêng với anh thôi đấy!

— Kinh nghiệm gì?

— Này, tôi nghiệm là ở một đơn vị, mà có hai anh trùng tên, thế nào cũng chết một.

— Xi!... Sách nào dạy cậu thế?! Nghiệm ở đâu?

— Mẹ tôi bảo... Ở làng tôi, có hai anh cùng tên là Cảnh, ở cùng một đại đội xe tăng, ở Tây Nguyên. Một anh chết. Ở phân đội Hai, có hai Oanh. Thằng Oanh sữa cùng huyện với tôi...

Tiếng Vinh càu nhàu:

— Im đi! Xong trận này, nếu hai Oanh còn nguyên tao cắt dái!

Giọng Thảo lưỡng lự:

— Thật! Mẹ tôi bảo thế!

Hoài Châu cử lẳng lặng đứng nghe. Tự nhiên anh không muốn vào nữa. Anh đã có kinh nghiệm: cứ nghe chiến sĩ «tào phào» riêng với nhau, nhiều khi ta biết được vấn đề đúng hơn và hiểu họ sâu hơn. Anh mỉm cười, rẽ sang phân đội Hai, đến lều của Hồ Oanh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #73 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2021, 05:46:51 pm »

2

Con đường tự vạch ra theo bản đồ khó đi quá mức đã dự kiến. Càng đi ngược lên, rừng càng rậm rạp, càng nhiều gai góc. Trần Nông chốc chốc lại rút địa bàn ở thắt lưng ra đối chiếu, xác định hướng. Tay anh tê dại đi vì giá buốt buổi sớm.

Thao Kèn đi đầu. Mới qua một giờ, trán anh đã đẫm mồ hôi. Anh thở phì phò. Con dao sáng loáng trong tay có vẻ hơi nhỏ so với tầm vóc của anh, vung lên chặt những cành cây gãy gục đổ làm dấu, phạt những đám gai góc chằng chịt đan nhau bám chặt lấy áo quần, cào toạc mặt mũi đến bật máu.

Con đường mở qua một rừng song mây nguyên thủy. Những cây song đồ sộ, to bằng bắp chân, cuộn từng khoanh lớn, ngoằn ngoèo như những con trăn khổng lồ, quấn chặt lấy nhau ở một dải đất hàng ngàn năm không có dấu chân người. Những cành gai của chúng vươn ra cứng nhọn như chông thép, đan vào nhau, tua tủa trông dữ tợn, chọc vào da thịt buốt như dùi đâm.

Thao Kèn điên tiết vì bị cả một chùm gai song đâm vào gáy, quay phắt lại, nghiến răng chém một nhát, tiện phăng một ngọn song to bằng bắp tay:

— Mày ngoan cố à!

Tổ tiền vệ làm việc rất vất vả nhưng tiến rất chậm. Theo sau họ chừng một trăm mét, toàn đội Sao Mai cũng nhích lên từng quãng. Trời lạnh cóng mà mặt ai nấy đều đỏ bừng, trán đầy mồ hôi.

Đi suốt một ngày họ mới nhích được một quãng chừng bốn ki-lô-mét, nhưng chắc chắn là đúng hướng đã vạch ra. Đến xẩm tối thì tổ tiền vệ bị một vách đá dựng đứng chặn lại. Mọi người đói cồn cào, mệt lả.

Trần Nông cũng rút dao ra, cùng mở đường với anh em. Tay anh rớm máu vì gai song. Anh gài dao vào bao, lắc đầu:

— Nhớ đời thằng gai song này! Còn sợ hơn thép gai Tây Đức.

Anh đi xuôi đội hình đơn vị, gặp Hoài Châu, đang chống gậy tập tễnh leo lên. Đi trước anh là mấy chiến sĩ bị thương, quấn băng ở trán, ở bàn tay. Vinh, tổ trưởng, bị thương vào đùi, chống gậy đặt từng bước chân. Anh đã giữ đúng lời hứa tối qua, nhất định không chịu để anh em phải khiêng mình. Mặc dù Hoài Châu đã dùng đến mệnh lệnh, rồi lại giải thích, Vinh vẫn khăng khăng: «Anh xem đường sá thế này, đến người chết cũng phải sống lại mà đi, huống hồ là tôi lại để khổ anh em thể ư!».

Trần Nông băn khoăn:

— Ta đi được ít quá. Tôi thấy cần động viên anh em đi suốt đêm nay mới kịp.

Mặc dù Hoài Châu cũng nóng lòng như lửa đốt, anh không để lộ ra những mối lo lắng ngổn ngang trong đầu:

— Không sao. Anh em đi như thế là khá lắm rồi. Ta nên cho nghỉ lại đây đêm nay. Ngày mai vượt 1787.

Trần Nông ngẫm nghĩ:

— Cũng mệt phờ rồi! Bây giờ tôi lên ngủ với tổ tiền vệ. Sớm mai chúng tôi sẽ mở đường theo vách đá và vượt yên ngựa, và bám bọn tuần tiễu ở 1787, nắm quy luật của chúng ra sao.

Hoài Châu leo đến chán vách đá, vừa đặt ba-lô xuống thì Vi Văn Minh đã lật đật đến:

— Thủ trưởng ạ! Tình hình lương thực gay lắm.

— Cậu tính toán đi.

— Hơn bù kém còn tám ngày!

Hoài Châu sửng sốt vì con số quá ít:

— Theo tôi tính thì phải còn mười hai ngày.

Vi Văn Minh xòe hai bàn tay ra:

— Ôi dào! Toàn của bất trị! Kể cả khoản tăng năng suất nữa là còn bằng ấy. Kế hoạch rõ ràng như thế rồi. Nhưng các tướng đều chén vượt tiêu chuẩn cả. Lúc nào tôi cũng nghe tiếng sột soạt, bóc giấy, có la rầy, bọn nhóc chỉ nhăn răng cười trừ. Có đứa còn chọc tôi «mời bác lại xơi cơm với nhà cháu. Được cái nhà cháu cũng dư dật đủ ăn!».

Hoài Châu thấy vẻ lo lắng thật sự trên gương mặt thuần hậu của người cán bộ lớn tuổi nhất đơn vị. Anh gãi đầu đồng tình:

— Đây là vấn đề nghiêm trọng. Chúng tôi không dự tính đủ những trắc trở dọc đường nên chậm mất mấy ngày rồi. Bom Mỹ đã phá mất một số. Việc kiểm tra nhắc nhở lại không nghiêm. Đó là lỗi tại tôi. Anh em còn trẻ, lại giản đơn. Cứ cho là đánh xong là sẽ no ngay. Lấy đâu ra mà no? Bây giờ ta nên rút xuống nữa.

— Rút từ ba xuống hai. Mà làm ngay từ ngày mai anh ạ! Trừ mấy đồng chí thương binh được ưu tiên giữ nguyên tiêu chuẩn.

Hoài Châu thở nhẹ ra:

— Cũng phải vậy thôi! Đường ta đi còn dài, biết đâu không còn trắc trở nữa. Rồi còn trinh sát, còn đánh, còn trụ lại, còn quay ra.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #74 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2021, 05:48:20 pm »

Tối hôm đó, anh triệu tập các tổ trưởng Đảng đến họp bất thường. Anh nói:

— Tôi thấy cần phải nói để các đồng chí biết vấn đề lương thực rất gay với chúng ta. Để hoàn thành nhiệm vụ, chúng ta phải chịu khó nhọc hơn, phải mang nặng hơn, đi xa hơn, nhưng lại phải ăn đói hơn. Chúng ta lại gặp rắc rối dọc đường mà ta dự kiến không hết. Anh em đói thật. Nhưng nếu ta buông lỏng nữa thì đừng nói đến khi đánh mà có nguy cơ không còn gì ăn nữa khi trinh sát. Lương thực lúc này là một vấn đề «chiến lược». Cái ăn quyết định hết thảỵ. Đề nghi các đồng chí hãy lãnh đạo anh em rút bớt khẩu phần nữa. Hãy làm cho anh em rõ vấn đề để vui vẻ mà chịu đựng. Như thế là từ hôm đi, chúng ta đã phải rút khẩu phần xuống còn một nửa. Nhưng việc này cũng chỉ là nhỏ đối với người chiến sĩ cách mạng, ở nhiều nơi, anh em ta còn phải nhịn ăn, nhịn đói mấy ngày liền mà vẫn đánh được giặc. Mang nặng để đánh thắng. Bây giờ là «bớt ăn để đánh thắng!».

Tất nhiên, các tổ trưởng đều hoàn toàn đồng ý nhanh chóng. Ngay sau đỏ, chủ trương rút khẩu phần được làm thông suốt tới từng chiến sĩ.

Nhưng thật ra, tình hình cũng chưa hẳn thiếu hụt đến mức thế? Vi Văn Minh vốn lo xa và cũng quá thật thà. Khi xuống các phân đội, anh kiểm tra từng tổ nhưng không biết rằng mấy anh chàng cựu binh láu cá, cảnh giác trước sự tính đếm của quản lý, cho rằng anh có «âm mưu» gì nên đã ậm ờ khai rút đi. Họ thề rằng «số tăng năng» đã chui vào bụng từ đời tám kiếp nào! Anh tin ngay, vả lại, chính mắt anh đã nhiều lần nhìn thấy cái cảnh mà anh cho là «gai mắt»: mấy tay cựu binh đầu trò đã thái hoa chuối rừng, lấy lương khô bóp vụn, ruốc bỏng, mì chính, vi-ta-min C làm nộm, ngồi khề khà đánh chén với nhau vào những giờ nghỉ trưa dọc đường. Có khi họ lại còn cải thiện thêm cả một hăng-gô canh «hạ sĩ» nữa.

Nghị quyết của chi ủy được các chiến sĩ nhất trí tán thành, chẳng khó khăn gì. Mấy tay cựu binh còn nhấp nháy mắt, giơ tay cao nhất. Dù có phải ăn kéo dài ra bằng số ngày như ông Minh đã đề ra, họ cũng vẫn còn khối cách.

Gần nửa đêm, trời đổ mưa. Từ ngày lên đường đến giờ mới có mưa. Không khí có ấm lên đôi chút nhưng lại khó chịu hơn vì cái ướt át của rừng già. Hoài Châu nằm trên võng, lắng nghe mưa rơi xào xạc trên tàn lá rơi đập xuống những mái tăng lộp bộp. Tiếng nước chảy thành giọt từ vách đá xuống nền lá khô dày mỗi lúc một ướt sũng. Dần dà, nước đọng thành vũng trên những mái lều lợp vội cốt che sương, rồi lần theo kẽ hở giữa hai tấm tăng, bất thần giội ào xuống.

Ánh đèn «ba ly» nhấp nháy, tiếng la hoảng cuống quýt, tiếng gọi nhau í ới, tiếng cười khúc khích, tiếng càu nhàu bực bội thi nhau nổi lên khắp đó đây:

— Ối! Đứa nào đổ nước vào mặt tao!

— Dột! Dột! Dậy bay ơi!

— Úi! Ướt mẹ nó chăn rồi!

— Kìa! Ba-lô, kéo ra chỗ này!

— Thằng này đái dầm!

—Ối mẹ ơi! Vắt!

Ồn cả lên ở các lán. Hoài Châu vùng dậy, bấm đèn, lần đến các lán gần đấy, nhắc mọi người củng cố các lều cho tốt mới được ngủ. Anh bấm đèn soi vào lều cơ yếu. Trường đã rúc vào ngủ chung với anh cơ yếu. Đầu cậu ta tuột ra khỏi tấm bạt, ngoẹo sang một bên, gối lên lớp lá khô. Một dòng nước trong vắt đang nhỏ bồm bộp xuống bụng cậu ta.

— Trường! Trường! Dạy mau! Kéo lại tăng đi!

Trường đang ngáy o o, bị lay mạnh, ngồi bật dậy, hấp háy mắt, giọng ú ớ như vướng gì trong miệng:

— Đi kiểm tra ư, thủ trưởng!

Ánh đèn soi rõ một vệt đen đen vắt qua hai môi Trường. Hoài Châu nhìn kỹ, kêu lên:

— Ủa! Vắt cắn này!

Một con vắt núi dài bằng hai đốt ngón tay, nằm vắt qua hai môi cậu ta. Mình nó tròn căng, da loáng lên dưới ánh đèn, hai vòi của nó cắm chặt vào da thịt. Trường hoảng hồn, phủi tay lia lịa, kêu u ú:

— Ối! Ối! Giứt hộ tôi! Giứt hộ tôi!

Khi Hoài Châu giật được con vắt mềm nhũn ra, hai vệt máu đỏ tươi chảy tràn trên cặp môi cậu ta, rớt xuống cằm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #75 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2021, 05:52:27 pm »

Trường thấy ngứa ở cổ chân, sờ tay gãi, chạm phải vật gì lành lạnh, mềm nhũn, bỗng giãy nảy lên:

— Vắt nữa này! Ối! Nhiều quá!

Anh cơ yếu vội vã soi đèn: ở quãng hở giữa đầu chun của bít tất với gấu quần đã được cài túm lại bởi một chiếc cúc, năm con vắt dăng thành một hàng ngang đang mải mê cắm vòi vào lớp da mỏng.

Một lát sau, trở về võng mình, Hoài Châu vẫn trằn trọc mãi, khó ngủ. Anh nghĩ đến tầm vóc của chiến dịch mà anh đã được nghe hôm lên núi Bò Sơn và liên tưởng đến nhiệm vụ của đơn vị, đến những trắc trở dọc đường. Đơn vị anh đã đi chậm hai ngày theo kế hoạch, lại đã bị sây sát bốn năm người, có ảnh hưởng đến sức chiến đấu. Vào được đến đây, một người cũng vô cùng quí giá. Với tính chất của đơn vị, mất một người là mất một tổ, có phải đơn giản đâu. May mà anh em chỉ bị thương, lại vẫn quyết tâm đi chứ không ai chịu quay ra. Lại còn vấn đề ăn. Hậu phương chưa có điều kiện tiếp tế ngay cho anh những ngày đầu. Địch lại đánh phá. Rõ ràng là thiếu to rồi. Phải bớt ăn. Cái đó cũng dễ thôi. Nhưng chẳng lẽ chỉ đơn giản kêu gọi quần chúng thắt chặt bụng lại mà hành quân, mà đánh giặc một cách thụ động thế thôi ư? Đến một lúc nào đó, có điều kiện, phải có chủ trương cho anh em cải thiện. Thiên nhiên không bạc đãi người lính. Biết đào, biết tìm, lính ta sẽ no bụng. Nhưng khi nào thì mới có điều kiện.

Hoài Châu lại nhớ đến lúc anh đến thăm lều của tổ Vinh đêm qua. Chiến sĩ ta, lúc bình thường nhìn bề ngoài thì hay có vấn đề nọ vấn đề kia, nhưng thực chất anh em ta rất tốt. Như cậu Vinh, có tiếng là tự do, đã bị phê bình ở chi đoàn, vậy mà ý chi mới quí làm sao!

Trống Choai thì không cần phải nói nữa. Cậu Đạo đấy! Chiến dịch trước, còn ném thủ pháo «tọa độ». Vậy mà họ nói chuyện đánh giặc lần này sao mà bình thản vậy!

Nhưng còn những khía cạnh khác của tư tưởng con người, nếu ta không đi sâu thì không thể hiểu nổi, Như cậu Thảo đấy! Làm lính Đặc công, nằng nặc đòi đi đánh giặc mà còn duy tâm «Mẹ tôi bảo thế!» Hoài Châu mỉm cười trong đêm.

Anh cơ yếu soi đèn đến võng anh:

— Có điện của Bộ.

Đây là cái mà anh đang chờ. Hoài Châu trùm chiếc chăn dù, bấm đèn soi từng chữ:

Gửi Sao Mai

Bộ chỉ huy phê chuẩn kế hoạch hành quân của các đồng chí Bộ hoan nghênh quyết tâm và gửi lời thăm hỏi các đồng chí thương binh và toàn thể anh em.

Bằng mọi cách, phải đến núi Hồng Linh an toàn, đến nơi, phải lập tức tìm bất liên lạc với Sao Hôm ở khu vực hang núi Đá Mềm, tọa độ...

Có tin địch nghi ngờ ta có lực lượng lớn thọc vào hướng đó nên đang tập trung đối phó. Có thể chúng đánh phá mạnh hơn bằng máy bay và dùng lực lượng lớn.

Phải rất bình tĩnh, nắm địch chắc. Hành động thận trọng.


S. 301

Hoài Châu thở phào. Niềm tin mãnh liệt càng được củng cố vững chắc thêm. Anh đã thấy rõ rằng, dù ở đâu, xa xôi đến mấy, mỗi một lúc đi sâu vào vùng địch, đơn vị anh vẫn không lẻ loi. Các binh đoàn to lớn cũng rầm rập tiến vào chiến trường, thế mạnh như thác lũ. Cấp trên ngày ngày theo dõi từng bước anh đi, mong đợi ở anh.

Hoài Châu lại nghĩ tới căn cứ Phượng Hoàng. Anh chưa biết đến nó, chưa thể hình dung nó ra sao. Hồi còn ở địa phương huyện, anh chưa đến đấy. Lên chủ lực tỉnh, thì chưa đủ sức đánh. Nhưng anh tin chắc rằng nó phải có tầm quan trọng sống còn với cuộc hành quân «Diều Hâu» hiện nay của bọn Mỹ—ngụy. Ngót ba vạn tên giặc, với đủ các loại lữ đoàn, chiến đoàn, mang những cái tên dữ dội và kiêu căng, đều sống dựa vào nó hàng ngày. Nó là bộ óc, là trái tim, là dạ dày của tất cả bọn đó.

Hoài Châu câm thấy rất tự hào được cấp trên giao nhiệm vụ đó cho Sao Mai.

Đột nhiên, anh lại nhớ tới kẻ thù: thằng Sáu Vằn! Một nỗi căm uất đến nghẹn cổ và một niềm khao khát trả thù lại dấy lên, quằn quại trong anh. A! Sáu Vằn! Mong sao cho mày chui cả vào căn cứ Phượng Hoàng!

Hoài Châu, mải mê với ý nghĩ, bật lên một tiếng cười gằn.

Trường nằm cạnh đó, trở mình:

— Thủ trưởng ngủ mơ à! Cười nghe sợ quá!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #76 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2021, 05:56:31 pm »

Hoài Châu ngồi dậy, giọng rất tỉnh:

— Mình thức đấy! Này, cậu có biết không? Mình nằm mê đang nhảy lên xe tăng địch ở Phượng Hoàng!

— Thật ư, thủ trưởng? Có thấy em trong đó cùng đánh không?

— Có! Ừ! Có cả cậu.

— Thủ trưởng này! Em giao hẹn với thủ trưởng, lúc ấy, em không làm liên lạc nữa đâu! Em trực tiếp đánh đấy!

— Liên lạc cũng là đánh chứ!

— Nếu không được chiến đấu thì em đã chả đi bộ đội.

Trường nói bằng một giọng trịnh trọng, rồi nằm xuống. Trằn trọc một lúc, cậu ta bật dậy:

— À, thủ trưởng! Kể tiếp câu chuyện hôm nọ đi! Chuyện gì ở Liên Xô ấy! Em không ngủ nữa đâu!

Giọng nói nhiệt tình của Trường khiến Hoài Châu vui hẳn lên. Anh cũng ngồi đậy, xếp chân bằng tròn trên võng, ngẫm nghĩ một lúc như để sắp xếp lại cho thứ tự, mạch lạc những gì xảy ra trong chuyến đi ngày ấy:

— Ừ! Mình chỉ nói một chuyện thôi, nhưng nó cứ làm cho mình suy nghĩ mãi...

Giữa năm sáu lăm, mình được ra thăm miền Bắc và được cùng một số anh hùng dũng sĩ Quân giải phóng đi thăm một số nước xã hội chủ nghĩa anh em. Bọn mình được đến nghỉ mát ở bờ biển Hắc Hải. Một buổi chiều, mình đang dạo chơi ở bãi tắm, thì gặp một ông người Âu đã già, tóc bạc, đeo kính và một người thanh niên da đen. Họ hỏi mình là người dân tộc nào. Khi biết mình là người Việt Nam, họ kêu lên mừng rỡ và ôm hôn, siết chặt tay mình rất lâu... Họ tìm được đồng chí phiên dịch biết tiếng Pháp và nói với mình nhiều điều, ca ngợi cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân ta chống bọn cướp Mỹ. Họ còn nói đại ý: « Bác Hồ là niềm tự hào và vinh quang của nhân dân Việt Nam và của các dân tộc bị áp bức đang đấu tranh trên thế giới. Các bạn có Đảng tiên phong và Mặt trận kháng chiến do những lãnh tụ xuất sắc lãnh đạo, tuy các bạn ở miền Nam Việt Nam nhưng các bạn có lãnh tụ chung là Bác Hồ, các bạn được sống dưới một chế độ tiên tiến trong vùng giải phóng do Mặt trận lãnh đạo, tuy về vật chất thì còn nhiều khó khăn gian khổ, nhưng xét về phẩm giá thì là cả một thiên đường. Các bạn mới ngoài hai mươi tuổi mà đã thật hạnh phúc. Anh thanh niên da đen quê ở mãi Nam Phi nói rằng nhân dân nước anh đang đấu tranh chống bọn phân biệt chủng tộc và tỏ ý muốn nhân dân ta sẽ giúp đỡ bọ về kinh nghiệm đấu tranh vũ trang.

— Thủ trưởng gặp nhiều người như thế ư?!

— Ừ!...

Khoảng bốn giờ sáng, Hoài Châu đang ngủ chập chờn bỗng tỉnh dậy bởi một cảm giác lành lạnh ở cổ. Anh nằm im một giây. Tăng mình bị dột chăng? Cổ anh như bị một vật gì mềm, lạnh ngắt. trơn tuột đang nhè nhẹ trườn qua. Hình như cái gì đó đang trườn qua mang tai anh, ngược lên dây võng. Hoài Châu nín thở, bỗng lạnh toát người đi! Theo bản năng tự vệ, anh vung tay hắt bật cái vật mềm nhũn rồi hốt hoảng vùng dậy, vồ lấy chiếc đèn ba ly bấm lên.

— Rắn!

Dưới ánh đèn lờ mờ, một con rắn, đen kịt như than, đang cuộn khoanh trên sợi dây nóc, khúc đầu lắc lư sà xuống phía võng. Hai mắt lồi sáng lóng lánh, lưỡi thè ra vẩy sang hai bên mép. Khúc đuôi bị đánh bật lên, quấn vào đoạn dây võng. Chừng như tức giận vì bị đánh bất ngờ, con rắn hạnh cái cổ ra, lo bằng bàn tay, phun «phè» một tiếng.

— Trường! Trường! Dậy mau!

Tiếng thét thất thanh khiến anh cơ yếu, Trường và các chiến sĩ ở mấy lều chung quanh vùng dậy. Khi nghe rõ câu nói, họ xô đến, bấm đèn vào con vật khủng khiếp, rối rít lân ra tìm gậy, rồi hô nhau xông vào, đập túi bụi.

Mấy phút sau, Trường lấy gậy khều con rắn ra một chỗ phẳng. Con rắn dài gấp rưỡi chiếc đòn gánh, khúc giữa to bằng chiếc đèn bấm, cái đầu dẹt, bạnh ra, trông rất dữ tợn. Nó chết rồi mà khúc đuôi còn quằn quại mãi không thôi. Người ta bảo đấy là nọc nó chạy.

Hoài Châu rùng mình. Anh vừa thoát một cái chết trông thấy.

Hầu như ở tất cả các lán, anh nào ít nhất cũng bị ba con vắt hút máu. Khí ấm và ẩm ướt đã đánh thức hàng vạn, hàng triệu con vắt nhỏ bằng cái tăm, dai ngoách, từ các khe kẽ dưới đất chui lên, huơ vòi đánh hơi người rồi hối hả cong vòi, nhung nhúc bò đến, đổ bộ vào các lều lán.

Ngoài «vụ» Hoài Châu, đêm ấy, còn một cậu nữa ở phân đội Hai bị rết rừng cắn. Bàn tay cậu ta sưng vù lên, đỏ bầm. Cơn sốt kéo đến ầm ầm. Cậu ta khóc hu hu mà vẫn không chịu bỏ ba-lô cho người khác mang hộ.

Họ đặt cho nơi đó cái tên «tọa độ vắt», «tọa độ rắn rết». Văn Chấn thì gọi một cách chữ nghĩa là «tọa độ Rừng Rú», ý muốn nói là một vùng nguyên thủy, hoang vu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #77 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2021, 05:58:37 pm »

3

Tính Trần Nông không hay suy nghĩ sâu xa như Hoài Châu. Anh cởi mở, xông xáo, nhưng xốc nổi, nhiều khi đến giản đơn, khinh suất. Bù lại, anh có những ưu điểm rất lớn là thuần tính, biết phục thiện. Một ý kiến, một chủ trương, đưa ra bàn cãi, dù không phải của mình, nhưng khi tập thể cấp ủy hay cán bộ đã nhất trí, anh lao vào tổ chức thực hiện, nghiêm túc, nhiệt tình, xông xáo như là thực hiện ý định của chính mình vậy.

Đêm ấy, Trần Nông điều toàn bộ phân đội Ba, trừ Vinh bị thương lên trên đầu đội hình. Anh chui vào lều ngủ chung với các chiến sĩ. Giấc ngủ của anh cũng giống như của các cậu trẻ tuổi kia, mau mắn, ngon lành, mặc dù sương buông dầm dề, và những giọt mưa cứ tí tách nhỏ xuống chăn. Tiếng bom và tiếng đại bác uỳnh oàng ở tuyến ngoài, tiếng liên thanh tặc tặc của một chiếc C 47 lượn những vòng rộng trên đầu, bắn dai như bò đái, đều không làm cho anh và các chiến sĩ thức giấc.

Mờ sáng hôm sau, Trân Nông đã thức dậy và lập tức đánh thức các chiến sĩ. Anh lấy trong ba-lô ra một bánh lương khô, chia một nửa cho Dậu, rồi ăn ngon lành. Ở tuổi hăm bốn của anh, nửa bánh chả mùi gì, nhưng anh hạ quyết tâm chỉ ăn mỗi ngày một bánh rưỡi.

Mươi phút sau, các chiến sĩ lại lên đường. Thao Kèn vẫn đi đầu. Hôm nay, cẩn thận hơn, anh quấn xà-cạp bó chặt lấy hai ống quần, quấn một chiếc dù hoa quanh cổ, buộc nút ra đằng sau.

Vách đá nhiều chỗ dốc đến tám mươi độ, rất khó đi. Họ men theo vách núi, ngược lên theo hướng địa bàn. Có chỗ, chỉ toàn đá tai mèo nhọn hoắt, ẩm ướt vì trận mưa đêm, trơn như đổ mỡ. Thao vừa đặt mũi giày lên một mỏm đá nhọn, chân kia vừa co lên lấy đà bước tiếp đã bị tuột chân, ngã nhào. Hai tay anh vồ kịp một mỏm đá sắc như dao, ống chân đập vào vách đá nhọn. Thao Kèn kêu lên một tiếng đau đớn. Bàn tay anh đã tứa máu, chân tê dại khiến anh lặng người đi một lát.

Có lúc, họ lại lần theo một vách núi đất cũng gần như dựng đứng. Những cây vầu mọc thành rừng, chưa hề có dấu người khai thác, nên đổ ngổn ngang, bề bộn. Có những cây chết khô, thân cành đen thui. Có những cụm chết cả bụi, chui qua rất vất vả. Đất ở đây lại tơi ra như bột. Chỉ cần đến người thứ ba leo lên, nếu đặt chân vào vết của người đi trước là bị tụt hẫng xuống không gượng được, đạp vào đầu người đi sau và đẩy luôn hai ba người nữa ngã xuống.

Trần Nông tra dao vào vỏ, hai tay bấu lấy một cây vầu non ngả rạp theo chiều dốc, vừa lấy sức đu người lên, đã húc phải đít anh đằng trước, khiến anh này lỡ đà, chới với, ngã tụt xuống, chân đạp vào đầu Trần Nông một cái đau điếng:

— Ối!

Trần Nông bật cười, một tay níu chặt lấy cành cây, tay kia rán sức đẩy mông anh chiến sĩ, khẽ hô:

— Dô ta này!

Vất vả suốt bốn giờ liền, họ mới vượt qua được vách núi dựng đứng.

Lưng áo mọi người ướt đẫm, mặt đỏ gay như uống rượu mạnh. Các chiến sĩ đặt ba-lô, thở như kéo bễ.

May thay! Đoạn đường căng thẳng nhất đã qua. Bây giờ, họ đứng trước một vạt rừng già khả bằng phẳng, chỉ còn vượt đường yên ngựa vắt qua hai điểm chốt 1733 và 1787 cao chót vót cách nhau không đầy một ki-lô-mét.

Những chiếc dù pháo sáng, không biết từ bao giờ lơ lửng vướng vào những ngọn cây cao. Mỗi lần có một cơn gió, các múi dù căng phồng lên, uốn éo mềm mại. Một chiếc dù trắng treo la đà trên một cành cây chỉ cách các chiến sĩ khoảng hai chục mét.

Lính ta vốn thích dù. Một cậu nhớn nhác nhìn trước sau, rồi quay sang cậu bên cạnh:

— Cậu có muốn một cái chăn không. Nhẹ tênh, chỉ hai lạng thôi!

— Nó còn cả bộ dây.

— Đếch ra gì đâu! Có làm mấy múi dù lồng vào chăn ấm ra phết. Hết chiến dịch về, kỷ niệm cho mấy em nhuộm xanh đỏ làm khăn quàng.

— Tôi lấy nhá!

— Kiếm cây sào!

— Không cần. Tôi trèo cây giỏi lắm. Ở nhà tôi bắt tổ chim trên ngọn gạo ở đình còn cao bằng mấy!

Anh chiến sĩ mới nói là làm ngay. Vừa thoăn thoắt trèo lên được nửa chừng, Trần Nông ở dưới dốc nhô lên, trông thấy vội quát:

— Xuống mau!

Anh chiến sĩ lụt xuống.

— Lần theo lối cũ ra đây!

Các chiến sĩ bất ngờ trước vẻ giận giữ bất ngờ của đại đội trưởng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #78 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2021, 06:00:00 pm »

Trần Nông hạ lệnh cho Thao Kèn:

— Cho người vào kiểm tra gốc cây!

Thao Kèn không cử ai, tự mình tiến vào lục soát chung quanh gốc cây. Anh thận trọng gạt lớp lá rụng đầy xung quanh gốc. Mấy phút trôi qua. Anh giơ tay ra hiệu, rồi chỉ vào hai chỗ ở hai bên gốc cây.

Một lát sau, anh bước ra, đến bên Trần Nông, khẽ nói:

— Hai quả mìn díp!

Anh chiến sĩ trèo cây hơi tái mặt đi, còn anh lính cựu đầu têu việc lấy dù thì chưng hửng.

Bấy giờ Trần Nông mới quay lại các chiến sĩ. Anh muốn nhân dịp này, chỉ ra cho các chiến sĩ mới vài kinh nghiệm hành quân vào vùng địch:

— Chiến sĩ Đặc công không thể mắc những sai lầm như thế trong vùng địch. Các đồng chí có biết đây là phạm vi hoạt động của 1787 không? Chúng ta chỉ cách chúng một cây số. Bọn chúng đề phòng trinh sát của ta lần mò đến khu vực này nên trong bán kính phòng ngự, chúng thường gài cạm bẫy. Như cái dù kia là dễ lấy, chúng cứ để nguyên đó để câu những anh trinh sát khờ khạo. Một là anh giẫm vào mìn, chúng sẽ lần đến và chỉ việc khiêng anh về đồn. Hai là mất chiếc dù, chúng đến kiểm tra là sẽ biết ngay. Rồi đây vào gần chúng hơn, các đồng chí phải hết sức lưu ý. Một cây đu đủ chín, một bao gạo để quên dọc đường chúng đi qua đều là cái chúng ta phải rất đề phòng.

Các chiến sĩ thấm thía vì bài học, im lặng nhìn nhau. Anh chiến sĩ trèo cây, đến bên Trần Nông băn khoăn:

— Em phạm khuyết điểm tự do. Em xin nhận lỗi với thủ trưởng.

Trần Nông bước lên, nháy mắt, hai cánh tay lại kệnh ra:

— Thích dù hả? Rồi nay mai tớ sẽ chỉ cho cậu. Một chiếc dù hoa chính hiệu U. S.

Hai giờ sau, họ ra khỏi cửa rừng. Nhưng nhìn lại đằng sau, điểm cao 1733 và 1787 vẫn còn sừng sững như thể chúng ở sát lưng họ. Dường như chỉ cần họ nói to một chút, bọn địch trên đó cũng có thể nghe thấy và giội súng cối xuống.

Sau khi ra lệnh cho bộ đội ngụy trang kỹ trước khi tụt xuống một dải rừng thưa, có nhiều quãng trống trải, Trần Nông và Hoài Châu vượt lên đầu phân đội tiền vệ thì gặp Văn Chấn hớt hải quay lại:

— Báo cáo thủ trưởng! Trước mắt ta có địch. Những điểm cao 1513, 1311 đều bị chốt cả. Ở phía Hồng Linh, thấy có khói mù mịt, như là địch đốt đồi gianh.

Tiếng máy bay T28 nặng nề từ phía trước vẳng lại như minh họa cho báo cáo của Văn Chấn.

Hai người vội vã đi nhanh lên phía trước. Vương Văn Khiêm và Trống Choai đang đứng khuất sau một lùm cây, chiếu ống nhòm ra phía trước mặt. Chỗ họ đứng là sườn dốc, có thể nhìn được rất xa. Khiêm đưa ống nhòm cho Hoài Châu và trỏ tay:

— Núi Hồng Linh chỗ kia! Đang mịt mù lửa khói. Chúng ta bắt buộc phải đi qua 1513 và 1322, nhưng phát hiện đều có địch đóng cả. Cái này ở nhà chưa thấy nói. Như vậy, lối này cũng vướng rồi!

Hoài Châu lẳng lặng đưa ống nhòm lên mắt, quan sát một hồi lâu. Trên những điểm cao 1513 và 1311, quả nhiên thấy nhấp nhô những lều bạt. Thỉnh thoảng, từ đó lại rộ lên vài tràng liên thanh. Thế lã sự việc đã xảy ra ngoài tính toán của anh: cả hai lối vào Hồng Linh đều bị chặn.

Anh lại chiếu ống nhòm ra xa hơn. Xa kia, dưới thấp, dãy núi Hồng Linh nhô lên giống như năm con gấu, trông rất hùng vĩ và bí ẩn. Nó nhuộm một màu xanh lam, mờ mờ sương khói, hằn lên những vệt đen thâm và những vệt dài màu gạch. Đó là những dải rừng mọc chen chúc, những vệt suối cạn và đất lở.

Trong ống kính, hai chiếc T28, to bằng con ruồi đang nối nhau bổ nhào xuống trước những vạt đồi tranh. Một vệt lửa tóe ra, cháy bùng lên, trong chốc lát đã biến thành những vệt lửa dài, ngoằn ngoèo như những con rắn, kèm theo những tiếng nổ lốp đốp. Chúng ném bom na-pan, đốt đồi gianh chung quanh núi Hồng Linh.

Bỗng Trần Nông kêu lên:

— Các anh trông kìa! Có cả bọn lính địch đang đốt gianh trước núi Hồng Linh!

Vương Văn Khiêm giật lấy chiếc ống nhòm trên tay Trần Nông. Cặp mắt rất tinh tường của anh nhìn thấy ngay những bóng dáng nhỏ xíu, khó phân biệt màu sắc đang thắp thoáng di động. Chúng đi đến đâu, từng đám khói bốc lên đến đấy.

— Chúng đốt ở trước hang Con Cóc rồi! Như thế là đường đi và nơi đến đều có địch!

Hang Con Cóc thuộc ngọn Hồng Linh C nằm giữa dải núi đá Hồng Linh, chính là nơi đội Sao Mai sẽ phải tập kết, theo quy định của Bộ chỉ huy chiến dịch. Chỉ sau khi bắt liên lạc được với Sao Hôm, đội Sao Mai mới di chuyển vào sát Phượng Hoàng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #79 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2021, 07:51:58 am »

4

Vương Văn Khiêm đưa chiếc ống nhòm cho Trống Choai, quay lại nói với Trần Nông:

— Ta vẫn đi được!

Trần Nông cũng nói:

— Đi được!

Khiêm nói tiếp:

— Từ đây đến Hồng Linh, đường toàn xuống dốc, tuy phải đi qua hai điểm chốt, rừng cây lại thưa, nhưng ta luồn lách lốt vẫn đi ban ngày được. Ta đi theo sườn 1533. Chúng ở trên cao, ban ngày không mò xuống đâu. Đi hết ngày hôm nay rồi để ra cả đêm nay để vượt suối Vàng vào hang Con Cóc.

Hoài Châu suy nghĩ rồi khen:

— Mình hoàn toàn đồng ý làm như vậy.

Khiêm nói:

— Bây giờ tôi mang tổ Một đi trước mở đường. Bộ đội cứ theo sau chừng một giờ. Vào đến hang tôi quay ra đón.

Trần Nông cất ống nhòm vào bao:

— Chúng ta cùng đi!

Hoài Châu gạt đi:

— Hôm nay Trần Nông đi với bộ đội, nhường cho mình đi trước với Khiêm.

Trần Nông xua tay:

— Anh đi sau, anh đang đau chân.

Hoài Châu cười:

— Đau chân thì trước sau cũng phải đến hang Con Cóc trước sáng mai. Cận đi sau, đặc biệt kiểm tra cái món xóa dấu vết cho kỹ vào.

Vương Văn Khiêm cũng phụ họa:

— Thay kíp!

Bàn bạc xong, Khiêm ra lệnh cho tổ Văn Chấn xuất phát và anh lại vượt lẻn đầu hàng. Hoài Châu và Trường đi sau mấy người.

Đi ban ngày, tuy gần địch, cũng có cái dễ dàng. Đó là sự bất ngờ, dễ tìm đường và ít bị lạc.

Họ luồn lách qua những vạt rừng tranh cao lút đầu người, qua những cánh rừng tre thưa, đi mãi xuống dốc. Sau lung họ, chốt 1787 vẫn sừng sững và hai điếm chốt khác 1322 và 1533 kẹp hai bên. Thỉnh thoảng, từng tràng đại liên và súng cối ở ba vị trí này đột nhiên lại hộc lên đùng đùng như là bọn địch đang thực sự chiến đấu ác liệt với kẻ thù bên ngoài hàng rào.

Một chiếc C 47 từ phía Phượng Hoàng bay tới, lượn mấy vòng trên hai cao điểm 1322, 1533. Những chiếc dù trắng từ bụng nó tung ra. Nó tiếp tế cái ăn, cái bắn cho lũ lính «Rắn Độc». Mỗi lần vòng lượn qua đầu các chiến sĩ, chiếc máy bay lại phơi cái bụng xám mốc như bụng con cá trắm.

Cứ thế họ tổ chức hành quân theo đội hình sâu đo. Khi Trần Nông lên đến nơi và cho lệnh nghỉ, thì Vương Văn Khiêm tại xốc ba-lô lên vai.

Họ càng xuống thấp dần. Lúc đầu họ đứng ngang tầm với chốt 1533 rồi 1501, rồi 1322. Khi xuống thấp nữa, men theo những vạt chuối lừng ở sườn 1501 thì họ càng thêm vững dạ. Ở trên đỉnh cao, bọn địch không thể nhìn thấy họ được nữa.

Xẩm tối, thì Vương Văn Khiêm đã đến con suối Vàng. Khiêm cho bộ đội đặt ba-lô ngồi nghỉ giữa dòng suối, trên những hòn đá nhẵn bóng. Nước chảy rì rầm dưới những tảng đá, trong vắt và đã thấy ấm hơn. Từ đây vào đến hang Con Cóc, còn chừng sáu cây số nữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM