Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 12:32:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học  (Đọc 17674 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #180 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2022, 02:12:54 pm »


Với một quyết tâm cao độ, nhân dân ta đã đem hết sức mình cùng với quân đội khắc phục muôn vàn khó khăn để giành thắng lợi. Dưới khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả để chiến thắng", nhân dân ta đã cung cấp hàng vạn tấn lương thực và thực phẩm cho bộ đội. Riêng tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra tiền tuyến 9.000 tấn gạo. Nhân dân Tây Bắc tuy vừa được giải phóng và còn đang gặp khó khăn, cũng đã đóng góp rất nhiều, riêng một huyện Tuần Giáo, với số dân 11.000 người, sau bao nhiêu năm bị giặc nạo xương rút tủy mà vẫn đóng góp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ được 1.270 tấn gạo, ngót 1.000 tấn rau và 300 tấn thịt.

Để cung cấp lương thực, đạn dược cho quân đội, từng đoàn ôtô vận tải, xe đạp, ngựa thồ, cùng hàng vạn dân công gồng gánh đã lần lượt tiến ra mặt trận Điện Biên Phủ, mặc cho máy bay địch ngày đêm bắn phá. Để chi viện cho chiến dịch, hơn 26 vạn người đã hăng hái đi dân công ra tiền tuyến, riêng tuyến hậu cần chiến dịch đã có 33.500 người phục vụ với hơn 3 triệu ngày công. Hơn 2 vạn xe đạp thồ đã được huy động phục vụ cho tiền tuyến.

Để bảo đảm tuyến cung cấp không bị gián đoạn, hàng vạn dân công và thanh niên xung phong đã anh dũng tham gia công tác sửa đường dưới sự uy hiếp của máy bay địch ngay trên những quả bom nổ chậm.

Dân công còn trực tiếp công tác ngay tại hỏa tuyến: chuyến đạn vào trận địa, săn sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh, có nơi hàng nghìn dân công đã bám sát bộ đội ta trên các tuyến đường truy kích để kịp thời chuyên chở lương thực, đạn dược cho quân ta giết giặc.

Trong suốt mấy năm kháng chiến, thật chưa bao giờ nhân dân ta đã đi ra mặt trận nhiều như trong Đông Xuân 1953-1954 và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cả một hậu phương đã tuôn người, tuôn của ra tiền tuyến, như những dòng thác mạnh dìm kẻ địch chìm xuống vực sâu.

Tinh thần tích cực chi viện tiền tuyến của nhân dân là kết quả của đường lối cách mạng đúng đắn, của công tác động viên chính trị sâu rộng của Đảng ta. Đặc biệt, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, tinh thần đó là kết quả trực tiếp của chính sách phát động quần chúng cải cách ruộng đất vừa được ban hành và bước đầu thực hiện. Được Đảng giáo dục, động viên và bồi dưỡng, nhận rõ mối quan hệ khăng khít giữa nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, giữa quyền lợi giai cấp và quyền lợi dân tộc, nhân dân ta, trước hết là nông dân, đã không tiếc sức mình để chi viện cho kháng chiến thắng lợi. Qua bước đầu thực hiện chính sách cải cách ruộng đất của Đảng, hậu phương ta đã được củng cố và phát triển về mọi mặt kinh tế cũng như chính trị, v.v. nên không những đã cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu vật chất cho tiền tuyến mà còn chuyển ra mặt trận tinh thần phấn khởi cách mạng của nhân dân, thúc đẩy chiến sĩ ta càng quyết tâm giết giặc.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ và nói chung của cả chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, còn chứng minh tư tưởng chỉ đạo chiến tranh sáng suốt của Đảng ta. Rút kinh nghiệm chỉ đạo kháng chiến trong tám năm qua, nhất là trong những năm 1951-1952, Đảng ta đã nắm vững những quy luật của cuộc chiến tranh xâm lược của địch, nhận rõ những mâu thuẫn và nhược điểm căn bản của chúng, do đó đã đề ra chủ trương và phương châm chiến lược đúng đắn. Đứng về mặt chỉ đạo chiến lược mà nói, có được thắng lợi trên là do Trung ương Đảng ta đã đề ra phương châm chiến lược: "Tích cực chủ động, cơ động linh hoạt", đã lựa chọn phương hướng tác chiến thích hợp.

Hội nghị lần thứ tư của Trung ương Đảng (đầu năm 1953) đã chỉ rõ: "Phương hướng chiến lược của ta là tạm thời tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực của chúng, mở rộng vùng tự do". Hội nghị còn chỉ thị: "Do phương hướng chiến lược này, quân đội ta phải đánh địch ở những nơi chúng sơ hở, đồng thời đẩy mạnh hoạt động trong vùng sau lưng địch. Bất kỳ ở miền núi hay đồng bằng, quân đội ta phải chuẩn bị đánh những lực lượng, những cứ điểm ngày càng mạnh của địch". Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Trung ương Đảng đã mở đường cho những thắng lợi rực rỡ của quân và dân ta trên khắp các chiến trường trên cả nước trong Đông Xuân 1953-1954, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bước vào Thu Đông 1953, trước âm mưu của Nava, tập trung binh lực ở chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, uy hiếp nghiêm trọng vùng tự do của ta, một vấn đề được đặt ra là chủ lực ta nên lấy việc phòng ngự bảo vệ vùng tự do và đánh địch ở đồng bằng là chính, hay chủ yếu là nên dùng hành động tích cực tiến công ở các hướng chiến lược quan trọng để tiêu diệt sinh lực địch. Vì lo sợ địch chiếm mất vùng tự do, vì muốn nhanh chóng giải phóng đồng bằng, vì lo ngại tác chiến ở chiến trường rừng núi sẽ gặp nhiều khó khăn, một số cán bộ quân đội và cán bộ địa phương đã có ý muốn theo phương án thứ nhất. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã chỉ rõ, đó là một phương án sai lầm. Vì rằng, muốn bảo vệ và giải phóng được đất đai thì trước hết phải tích cực tiêu diệt nhiều sinh lực địch, muốn tiêu diệt địch thì phải phân tán binh lực của chúng, muốn thế, cần phải tiến công vào những phương hướng mà địch tương đối yếu và sơ hở, nhưng lại có ý nghĩa chiến lược quan trọng, khiến địch không thể không rải quân ra phòng ngự bị động ở khắp nơi. Nếu theo phương án thứ nhất thì không những địch càng có thể tập trung được lực lượng đối phó với ta ở đồng bằng mà chúng còn lợi dụng được điều kiện thuận lợi về địa hình để phát huy ưu thế về trang bị kỹ thuật, nhất là về không quân, pháo binh, lực lượng cơ giới. Quân ta không những không tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, mà ngược lại, còn có thể bị địch tiêu hao, vùng tự do cũng khó lòng giữ được.

Kiên trì Nghị quyết của Hội nghị lần thứ tư của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã đề ra phương châm: "Tích cực chủ động, cơ động linh hoạt" và xác định phương hướng tác chiến chủ yếu của quân ta phải là các chiến trường rừng núi. Chủ trương đó đã làm cho Nava thất bại: Nava muốn tập trung binh lực ở đồng bằng Bắc Bộ, nhưng rốt cuộc đã phải rải quân mỗi nơi một ít trên các chiến trường Tây Bắc, Thượng, Trung và Hạ Lào, bắc Tây Nguyên. Nava muốn tác chiến ở đồng bằng để tiêu hao chủ lực ta, nhưng ta đã buộc y phải điều quân lên các chiến trường rừng núi là nơi chúng không phát huy được ưu thế về trang bị kỹ thuật, là nơi thích hợp với sở trường tác chiến của quân ta.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, nhờ sự chỉ đạo chiến lược khôn khéo của Trung ương Đảng, chúng ta đã điều động quân địch theo ý định của ta để tạo điều kiện cho quân ta tiêu diệt. Do chủ động tiến công vào các phương hướng chiến lược quan trọng mà địch tương đối yếu và sơ hở, buộc chúng phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược trên nhiều chiến trường, mà quân ta đã có điều kiện tập trung lực lượng chủ yếu vào hướng chiến lược chính là Tây Bắc, làm cho địch phải bị động điều quân lên Điện Biên Phủ để quân ta đánh đòn quyết định. Thực tế đã chứng tỏ chủ trương của Trung ương Đảng là hoàn toàn đúng đắn và đã đưa đến thắng lợi to lớn của chiến cuộc Đông Xuân.

Một vấn đề được đặt ra trong kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 là chủ trương quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ và vấn đề phương châm quyết chiến.

Sau khi hoàn toàn tiêu diệt quân địch ở khu vực Lai Châu, quân ta khép chặt vòng vây chung quanh Điện Biên Phủ. Lúc đó tuy quân địch đứng chân chưa vững, binh lực chưa nhiều, công sự phòng ngự chưa vững chắc, nhưng về phía ta thì chưa thật rõ tình hình địch, công tác chuẩn bị chưa xong. Vì vậy, chủ trương của ta lúc bấy giờ là một mặt giam chân địch ở Điện Biên Phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta hoạt động ở các chiến trường phối hợp; mặt khác, đẩy mạnh công tác điều tra và chuẩn bị, để nếu có điều kiện thì dùng phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh" mà tiêu diệt địch. Trong quá trình điều tra và chuẩn bị, chúng ta thấy rõ địch đã tăng cường binh lực và công sự, bố trí phòng ngự kiên cố. Trước tình hình đó, có ý kiến cho rằng quân ta khó lòng tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng cũng có người cho rằng vẫn có thể "đánh nhanh, giải quyết nhanh".

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy chủ trương kiên quyết tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồng thời dùng phương châm "đánh chắc, tiến chắc" để tiêu diệt địch.

Trong điều kiện lúc bấy giờ, chúng ta phải kiên quyết tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, vì nếu không thì sẽ không mở được con đường tiến bộ cho bộ đội, không đẩy mạnh cuộc kháng chiến tiến lên giai đoạn mới, không hoàn toàn phá tan được kế hoạch Nava và làm hậu thuẫn đắc lực cho cuộc đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Giơnevơ.

Chúng ta có thể tiêu diệt được địch ở Điện Biên Phủ vì tuy địch mạnh nhưng bị cô lập ở chiến trường rừng núi, xa căn cứ hậu phương. Chúng chỉ có thể dựa vào sự tiếp tế của không quân, nhưng hoạt động của không quân lại bị hạn chế nhiều ở chiến trường rừng núi. Một nhược điểm căn bản nữa của địch là tinh thần chiến đấu dễ dàng sút kém khi gặp khó khăn. Về phía quân ta thì chúng ta có ưu thế về binh lực tập trung, có tinh thần chiến đấu anh dũng, chiến thuật, kỹ thuật tiến bộ. Ta có nhiều khó khăn về chiến thuật, về cung cấp, nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được nếu biết phát huy ưu thế về chính trị và tinh thần.

Chúng ta nhất định phải tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải dùng phương châm "đánh chắc, tiến chắc", không thể dùng phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Vì rằng binh lực của địch khá mạnh, công sự khá kiên cố, hỏa lực bố trí dày đặc, lại có máy bay, trọng pháo, cơ giới phối hợp chặt chẽ. Hơn nữa, quân ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm, nên phải vừa đánh vừa học tập. Nếu vì sợ đánh lâu dài, lo địch tăng cường củng cố, sợ cung cấp khó khăn, bộ đội tiêu hao, mệt mỏi, mà chủ trương "đánh nhanh, giải quyết nhanh" thì không những không tiêu diệt được địch mà còn có thể bị thất bại.

Thực tiễn đã chứng minh chủ trương quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ và phương châm "đánh chắc, tiến chắc" là vô cùng sáng suốt, thể hiện tinh thần vừa kiên quyết, vừa thận trọng trong sự chỉ đạo chiến lược, chiến dịch của Đảng ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #181 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2022, 02:13:24 pm »


*

*        *

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ của nhân dân ta chống đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ với một thắng lợi cực kỳ vĩ đại. Điện Biên Phủ mãi mãi nêu cao tinh thần quật cường của toàn dân, tinh thần anh dũng của một quân đội nhân dân đã chiến thắng quân đội lớn mạnh của chủ nghĩa đế quốc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ nói lên chân lý của thời đại chúng ta: một dân tộc nhỏ yếu khi đã có quyết tâm đứng dậy đoàn kết đấu tranh, kiên quyết chiến đấu cho độc lập dân tộc, cho hòa bình, thì có đầy đủ khả năng để chiến thắng chủ nghĩa đế quốc lớn mạnh.

Bởi vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của nhân dân ta mà còn là thắng lợi của phong trào giải phóng của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay, phong trào đấu tranh đòi giải phóng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc không ngừng lớn mạnh và ngày càng thu được nhiều thắng lợi. Trong những năm qua, cách mạng của nhân dân Cuba đã thành công, cuộc kháng chiến của nhân dân Angiêri đã thắng lợi, cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân các nước Ănggôla, Cônggô, Vênêduêla, v.v. đang ngày một phát triển. Đứng trước sự lớn mạnh của phong trào giải phóng dân tộc, chủ nghĩa đế quốc đã tỏ ra vô vùng thâm độc, một mặt duy trì chủ nghĩa thực dân cũ, mặt khác đang thực hành chủ nghĩa thực dân kiểu mới để tiếp tục nô dịch nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc. Nhưng trước cơn bão táp cách mạng của nhân dân các nước châu Á, châu Phi và Mỹ latinh, trước tinh thần quật khởi của các dân tộc đang vùng lên theo gương Điện Biên Phủ, bọn đế quốc nhất định sẽ thất bại, các dân tộc bị áp bức nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.

Nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại ở Đông Dương, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, nhưng miền Nam nước ta còn nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Ngày nay bọn đế quốc Mỹ đang ngang nhiên vũ trang xâm lược miền Nam nước ta, hòng biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự để thực hiện mưu đồ xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam Á. Chúng đang thực hiện cái gọi là: "chiến tranh đặc biệt" để rút kinh nghiệm đàn áp phong trào giải phóng dân tộc ở các nơi trên thế giới...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #182 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2022, 02:27:30 pm »


CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ LÀ THẮNG LỢl
CỦA SỰ LÃNH ĐẠO ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG TA
(Trích)

LÊ QUANG ĐẠO

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ LÀ THẮNG LỢI CỦA ĐƯỜNG LỐI BẠO LỰC CÁCH MẠNG, ĐẤU TRANH VŨ TRANG Ở MỘT NƯỚC THUỘC ĐỊA NHỎ YẾU CHỐNG ĐẾ QUỐC XÂM LƯỢC

Chiến dịch Điện Biên Phủ không phải chỉ là một cuộc đọ sức giữa ta và địch trong hai tháng ở mặt trận này mà là đỉnh cao nhất của cuộc kháng chiến toàn dân của chúng ta, là kết cục của một quá trình đấu tranh cách mạng, đấu tranh vũ trang lâu dài do Đảng ta lãnh đạo.

Sau Cách mạng Tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ một lần nữa chứng tỏ rằng nhân dân ta cần phải và có thể dùng bạo lực cách mạng để đánh đổ bọn đế quốc xâm lược. Đối với nhiều dân tộc bị áp bức khác trên thế giới, chân lý đó cũng đã quá rõ ràng. Nhưng nhìn lại tình hình nước ta trong thời kỳ đế quốc Pháp thống trị, nhân dân ta không có một tấc sắt trong tay, còn đế quốc Pháp và phátxít Nhật thì có cả một bộ máy thống trị với lực lượng vũ trang mạnh mẽ, hay nhìn lại tình hình nước ta hồi đầu kháng chiến, chúng ta chỉ có lực lượng vũ trang cách mạng nhỏ bé với vũ khí thô sơ, còn địch thì có cả một quân đội nhà nghề, giàu kinh nghiệm, trang bị hoàn toàn hiện đại, mấy ai lúc đó tưởng tượng được rằng ta có thể làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Chỉ có Đảng ta, do nắm vững "tư tưởng về cách mạng bạo lực là nền móng của toàn bộ học thuyết của Mác và Ăngghen"2 nên ngay từ lúc ra đời đã sớm vạch ra được con đường cho nhân dân ta đi tới thắng lợi vẻ vang. Những chiến sĩ cách mạng của Đảng ta, trong đó có bao nhiêu đồng chí trước khi bị đưa lên máy chém hoặc đưa ra trường bắn của bọn đế quốc, vẫn một lòng tin tưởng vững chắc ở con đường tất thắng của mình tức con đường vận động quần chúng đứng lên làm cách mạng, dùng bạo lực cách mạng chôn vùi chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến.

Trải qua mấy chục năm đấu tranh, Đảng ta, tùy tình hình từng thời kỳ, vận dụng nhiều hình thức đấu tranh cách mạng khác nhau rất linh hoạt từ thấp đến cao, lúc chính trị, lúc vũ trang, lúc vừa chính trị vừa vũ trang, kết hợp công tác công khai và bí mật để phát triển lực lượng. Song, luôn nhớ lời dạy của Lênin "không có cách mạng bạo lực thì không thể thay nhà nước tư sản bằng nhà nước vô sản được"3, Đảng ta không bao giờ đi chệch con đường mácxít - lêninnít chân chính là con đường bạo lực cách mạng.

Trong Luận cương chính trị năm 1930 Đảng ta đã xác định rõ nhiệm vụ của mình là phải "đánh đổ chánh phủ của địch nhân và giành lấy chánh quyền cho công nông"4. Đảng ta đã sớm đặt vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang và tiến hành đấu tranh vũ trang. Trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng, việc xây dựng quân đội công nông được coi là một nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng. Hội nghị Trung ương Đảng họp vào tháng 10-1930, khi bàn về tình hình và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, lại quyết định "phải tổ chức bộ quân sự của Đảng để:
-   Làm cho đảng viên được quân sự huấn luyện.
-   Giúp cho công nông hội tổ chức đội tự vệ"5.

Từ những năm 1930-1931, Đảng ta đã nghiêm khắc phê phán khuynh hướng "sợ đấu tranh kịch liệt", chủ nghĩa "bất bạo động", "hòa bình tranh đấu" của một số đảng viên.

Bước sang thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, lợi dụng sự suy yếu của quân thù, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa vũ trang từng phần, xây dựng căn cứ địa cách mạng ở nông thôn miền núi, và xúc tiến việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, tích cực chuẩn bị, chờ thời cơ giành chính quyền trong cả nước. Trong Thông cáo ngày 21-12-1941 của Trung ương Đảng gửi các cấp có ghi rõ: "Chính phủ lâm thời cách mạng của địa phương phải thi hành ngay những điều cốt yếu trong chương trình Việt Minh, tổ chức nhân dân cách mạng quân, tiếp tục chiến đấu đánh đuổi Pháp, Nhật... Hiện nay có các bộ đội hằng ngày chiến đấu tiễu trừ Việt gian và chống Nhật, Pháp. Đó là đội quân Bắc Sơn, Đình Cả Tràng Xá (Bắc Kỳ) rút vào rừng sau cuộc khởi nghĩa thất bại năm ngoái. Các đảng bộ phải xem xét những điều kiện có thể mở rộng những bộ đội ấy, gây thêm những bộ đội mới để mở rộng du kích chiến tranh"6.
______________________________________________
1. Tạp chí Học tập, số 5-1964.
2, 3. V.I Lênin: Toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1963, t. 25, tr. 468, 469.
4. Đảng Cộng sản: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.2, tr.102.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 116.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 251.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #183 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2022, 02:28:36 pm »


Tháng 8-1945, khi quân đội Xôviết giành được thắng lợi quyết định ở mặt trận phía đông, chủ nghĩa quân phiệt Nhật bị tan rã và phải đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, bọn thống trị Nhật và tay sai của chúng hoang mang dao động đến cực độ, Đảng ta đã nắm vững thời cơ, lãnh đạo các lực lượng vũ trang cách mạng và toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa cướp chính quyền.

Có người cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là "ăn may". Nói như vậy không đúng. Cách mạng Tháng Tám nổ ra trong điều kiện khách quan thuận lợi, nhưng nếu chúng ta không tích cực xây dựng lực lượng về mọi mặt kể cả lực lượng vũ trang, không tập dượt cho quần chúng đấu tranh ngót hai chục năm ròng thì làm sao tranh thủ được thời cơ thuận lợi, làm gì có cách mạng thành công?

Lại có những người cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của con đường hòa bình. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Một trong những kinh nghiệm lớn mà Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng đã nêu lên là Đảng ta đã giành chính quyền bằng con đường vũ trang, trong đó Đảng đã khéo kết hợp lực lượng vũ trang với lực lượng chính trị, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị để giành thắng lợi. Dù ít đổ máu, Cách mạng Tháng Tám vẫn là cách mạng bạo lực. Trước Cách mạng Tháng Tám, chúng ta đã dùng lực lượng quân sự mở rộng địa bàn cách mạng, lập khu giải phóng, nhiều lần đánh nhau với quân đội Nhật, làm cho thanh thế cách mạng ngày càng rộng lớn, tinh thần bọn thống trị ngày càng sa sút. Đến khởi nghĩa Tháng Tám, Giải phóng quân cùng với lực lượng quần chúng có tổ chức, nhất là những đội tự vệ cứu quốc và nhân dân đông đảo vũ trang bằng mọi thứ vũ khí có thể kiếm được, đã nổi lên giành chính quyền. Mặc dù ở nhiều địa phương, do tình thế đặc biệt thuận lợi lúc đó, nhân dân đã cướp chính quyền không xảy ra xung đột vũ trang, nhưng Cách mạng Tháng Tám vẫn là một cuộc khởi nghĩa vũ trang.

Tiếp theo Cách mạng Tháng Tám, chúng ta phải trải qua tám, chín năm kháng chiến cho đến sau thắng lợi Điện Biên Phủ mới giải phóng hoàn toàn được nửa nước. Cuộc kháng chiến lâu dài chính là tiếp tục sự nghiệp của Cách mạng Tháng Tám bằng hình thức đấu tranh vũ trang.

Rõ ràng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, thắng lợi của Điện Biên Phủ chỉ cho chúng ta thấy rằng một dân tộc bị đế quốc thống trị muốn giành được độc lập tự do thật sự thì không có con đường nào khác là phải dùng bạo lực cách mạng đập tan bạo lực phản cách mạng của bọn đế quốc. Theo kinh nghiệm của dân tộc ta và kinh nghiệm của nhiều dân tộc bị áp bức khác trên thế giới, con đường đấu tranh vũ trang thật sự đã là quy luật phổ biến để giành thắng lợi triệt để. Không đi theo con đường đó thì chỉ có đi theo con đường đầu hàng thỏa hiệp với đế quốc và nhiều lắm là giành được một thứ "độc lập" giả hiệu.

Song chủ nghĩa xét lại hiện đại trên thế giới lại đang tuyên truyền cho con đường giành độc lập bằng thương lượng hòa bình, thỏa hiệp với đế quốc, chờ đợi chính sách "phi thực dân hóa" của chúng, trông mong bọn đế quốc thi hành Nghị quyết của Liên hợp quốc "thủ tiêu chế độ thực dân"... Thật là nực cười. Trước đây giai cấp tư sản và một số nhân sĩ trí thức ở nước ta đã từng đề xướng thuyết "Pháp - Việt đề huề" hoặc cầu mong độc lập bằng cách dựa vào đế quốc này chống đế quốc khác. Tất cả các tà thuyết đó đã bị thất bại thảm hại. Nếu nhân dân ta làm theo các tà thuyết đó thì một thắng lợi nhỏ cũng không đạt được chứ đừng nói đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong Cách mạng Thánh Tám, nhân dân ta có hoàn cảnh khách quan thuận lợi; trong kháng chiến, nhân dân ta được sự ủng hộ nhiệt tình của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới. Nhưng nếu không có sự nỗ lực phi thường, không có tinh thần hy sinh dũng cảm dám đương đầu với đế quốc, thử hỏi làm sao nhân dân ta tận dụng được mọi yếu tố thuận lợi khách quan, làm sao giành được thắng lợi của Cách mạng Thánh Tám, làm sao có được chiến công hiển hách Điện Biên Phủ.

Nếu nhân dân ta chỉ đấu tranh hòa bình trong khuôn khổ mà bọn thống trị cho phép, chờ đến khi các nước xã hội chủ nghĩa anh em xây dựng kinh tế, phát triển sản xuất vượt chủ nghĩa đế quốc về sản lượng tính theo đầu người, hoặc ngồi đợi cách mạng Pháp thành công với hy vọng "bất chiến tự nhiên thành", thì chỉ là "há miệng chờ sung". Nếu sa vào con đường đó, tất nhiên chúng ta không có chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân ta sẽ còn phải làm nô lệ cho đế quốc chưa biết đến bao giờ.

Trong quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng ta không bỏ lỡ cơ hội lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đế quốc, không phản đối việc thương lượng với chúng trên cơ sở giữ vững nguyên tắc có lợi cho cách mạng. Song, Đảng ta không bao giờ có ảo tưởng ở lòng thành thật của chúng. Sự phản bội của Chính phủ tư sản Pháp đối với Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946 mà họ đã ký với Chính phủ ta càng chứng minh dã tâm của bọn đế quốc. Năm 1954, sở dĩ chúng phải thật sự thương lượng với ta ở Hội nghị Giơnevơ vì chúng là kẻ chiến bại, còn ta là kẻ chiến thắng. Kẻ nào cho rằng kết quả đạt được ở Hội nghị Giơnevơ là thắng lợi của chính sách thương lượng hòa bình, kẻ ấy không thấy bản chất của bọn đế quốc, phủ định kết quả của một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài của nhân dân ta do Đảng ta lãnh đạo, không thấy ý nghĩa có tính chất quyết định của chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cuộc đấu tranh vũ trang của chúng ta tiến hành trong hoàn cảnh của một nước thuộc địa nhỏ yếu. Trước khi cách mạng Trung Quốc thành công, nước ta ở giữa vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, địa thế lại hẹp và dài, dễ bị chia cắt, chúng ta có muôn vàn khó khăn phải vượt qua. Song nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đem tinh thần dũng cảm khắc phục mọi khó khăn, để đi từ thắng lợi nhỏ đến thắng lợi lớn.

Trong quá trình đấu tranh cách mạng, không phải lúc nào nhân dân ta cũng giành được thắng lợi. Xôviết Nghệ - Tĩnh, khởi nghĩa Nam Kỳ, khởi nghĩa Bắc Sơn... đã bị dìm trong biển máu. Trong kháng chiến cũng vậy, có những trận chúng ta không thắng, thậm chí còn thất bại. Song những thất bại ấy chỉ là cục bộ, tạm thời, và qua đó chúng ta rút ra được những bài học xương máu để tiến lên giành thắng lợi, để có chiến thắng Điện Biên Phủ.

Không phải cứ dùng bạo lực cách mạng, tiến hành đấu tranh vũ trang, tự khắc sẽ đạt được thắng lợi. Nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của kháng chiến lâu dài, đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ đúng đắn của Đảng ta.

Trưởng thành trong một nước thuộc địa và nửa phong kiến, giai cấp công nhân còn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dân cư, Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc những nguyên lý vĩ đại của Lênin về vai trò của nông dân trong cách mạng, về vai trò của liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, và luận điểm nổi tiếng của Stalin về vấn đề dân tộc thực chất là vấn đề nông dân và vấn đề nông dân là nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc. Đảng ta đã nắm vững đường lối cách mạng dân tộc dân chủ, kết hợp đúng đắn nhiệm vụ chống đế quốc với nhiệm vụ chống phong kiến; do đó đã động viên được toàn dân, chủ yếu là lực lượng nông dân đông đảo, mang sức mạnh phi thường của mình ra đánh bại kẻ thù xâm lược.

Trong và sau Cách mạng Thánh Tám cũng như trong thời kỳ kháng chiến, chúng ta đã giải quyết từng bước vấn đề ruộng đất cho nông dân. Đến năm 1953-1954, nhờ có chủ trương cải cách ruộng đất, khí thế cách mạng của hàng triệu nông dân được phát động mạnh mẽ, liên minh công nông được thực sự củng cố, do đó mọi mặt kháng chiến đều được đẩy mạnh. Nông dân ta đã dốc toàn lực ra phục vụ cho tiền tuyến Điện Biên Phủ, không từ một khó khăn, gian khổ, một hy sinh nào. Trên chiến trường, những chiến sĩ Quân đội nhân dân và tuyệt đại đa số là nông dân mặc áo lính, cầm súng đánh giặc dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, qua cuộc chỉnh huấn về cải cách ruộng đất, được nâng cao giác ngộ giai cấp, càng thêm phấn khởi, quyết tâm chiến đấu, không tiếc xương máu, để giành toàn thắng cho chiến dịch.

Rõ ràng, thắng lợi của Điện Biên Phủ đã được chuẩn bị ngay từ khi tiến hành cuộc phát động cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu "người cày có ruộng". Thắng lợi của Điện Biên Phủ cũng là thắng lợi của chính sách cải cách ruộng đất, là thắng lợi của đường lối cách mạng dân tộc dân chủ đúng đắn của Đảng ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #184 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2022, 02:31:28 pm »

 
CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ LÀ THẮNG LỢI CỦA ĐƯỜNG LỐI CHIẾN TRANH NHÂN DÂN

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân và dân ta, các nhà lý luận quân sự tư sản thi nhau tìm nguyên nhân thắng lợi của ta, thất bại của địch. Nhưng họ không thể nào hiểu nổi chiến thắng Điện Biên Phủ của ta là thắng lợi của chiến tranh nhân dân, của đường lối chiến tranh đúng đắn của Đảng ta.

Chiến tranh nhân dân là chiến tranh chính nghĩa do đông đảo quần chúng nhân dân tiến hành, chống đế quốc xâm lược. Trong thời đại ngày nay, đối với các nước thuộc địa và phụ thuộc, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, một cuộc chiến tranh nhân dân thật sự phải là cuộc chiến tranh do đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo, lấy nông dân làm quân chủ lực, thực hiện được liên minh công nông, tiến hành chiến đấu vũ trang chống xâm lược và lật đổ ách thống trị của đế quốc và bè lũ tay sai.

Nội dung chính của chiến tranh nhân dân là toàn dân đánh giặc. Không phải chỉ có quân đội đánh giặc, còn nhân dân chỉ đóng vai trò thụ động, ủng hộ và làm hậu thuẫn cho quân đội, mà mọi người dân đều trực tiếp đánh giặc bằng mọi phương tiện có trong tay. Trong cuộc kháng chiến lâu dài của ta, khẩu hiệu "mỗi người dân là một người lính, mỗi thôn xã là một pháo đài, mỗi chi bộ đảng, mỗi ủy ban kháng chiến là một bộ tham mưu" đã trở thành hành động thực tiễn giết giặc cứu nước hằng ngày của toàn dân ta từ Bắc chí Nam, từ vùng tự do đến vùng tạm bị chiếm.

Dựa trên tinh thần kiên quyết cách mạng của mình, nhân dân và quân đội ta đã vận dụng mọi hình thức tác chiến từ thấp đến cao từ đánh du kích nhỏ với vũ khí thô sơ tiến lên đánh du kích lớn với vũ khí được cải tiến hơn, từ tác chiến với đơn vị nhỏ phân tán tiến lên tác chiến với đơn vị lớn hơn, với các binh đoàn chủ lực tập trung. Chiến tranh nhân dân như vậy không phải chỉ là đánh du kích phân tán, đánh bằng vũ khí thô sơ mà còn phải tiến lên các hình thức tác chiến tập trung cao hơn, các chiến dịch tiến công với quy mô lớn của các binh đoàn chủ lực, mới tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, giải phóng được từng bước đất đai của Tổ quốc, đưa kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao nhất của cuộc chiến tranh nhân dân chống đế quốc Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Trong thời gian tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu hiệu toàn dân vũ trang, toàn dân đánh giặc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng ta đã kêu gọi ngay lúc bắt đầu kháng chiến: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là ngươi Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước"1 đã được thực hiện với một quyết tâm chưa từng thấy. Bước vào Đông Xuân 1953-1954, trên khắp các chiến trường ở Đông Dương, đâu đâu quân địch cũng bị giáng những đòn nặng nề. Bằng những đòn lớn ở những hướng chiến lược quan trọng: Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, Tây Bắc, Tây Nguyên, bộ đội chủ lực phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương, dân quân du kích và lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân Lào, đã xé khối cơ động chiến lược của giặc Pháp thành nhiều mảng bị cô lập, buộc địch phải bị động chống đỡ khắp nơi. Chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ, rộng khắp các vùng sau lưng địch. Trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, quân và dân ta đã tiêu diệt nhiều cứ điểm kiên cố của địch, tập kích sân bay Cát Bi, sân bay Gia Lâm phá hủy 78 máy bay địch, cắt đứt đường số 5. Ở Nam Bộ, chiến tranh du kích đã tiêu diệt và bức rút trên 1.000 đồn bốt của địch, phá nhiều kho bom, đánh chìm nhiều tàu chiến của địch.

Ở Bình - Trị - Thiên, ở cực nam Trung Bộ, quân và dân ta cũng tích cực đánh địch, mở rộng căn cứ du kích, tăng cường công tác địch vận và thu được nhiều thắng lợi. Vì thế, trong Đông Xuân 1953-1954, trên toàn chiến trường Đông Dương, 2/3 lực lượng cơ động mạnh của địch buộc phải phân tán để đối phó với chiến tranh du kích. Chúng không thể cưỡng lại quy luật của chiến tranh xâm lược là mâu thuẫn giữa tập trung lực lượng để đối phó với chủ lực của ta và phân tán lực lượng để chiếm giữ đất đai, đối phó với phong trào đấu tranh của quần chúng. Mâu thuẫn đó ngày càng trở nên sâu sắc theo sự phát triển lớn mạnh của quân đội ta. Cũng chính vì thế mà bộ đội chủ lực của ta có thể tập trung ưu thế binh lực tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của địch ở Điện Biên Phủ, mặc dù lúc bấy giờ, nếu tính từ đơn vị trung đoàn trở lên, toàn bộ lực lượng vũ trang của địch vẫn còn nhiều hơn bộ đội chủ lực của ta gấp mấy lần.

Chiến dịch Điện Biên Phủ còn là một đỉnh cao của sự chi viện về mọi mặt của hậu phương đối với tiền tuyến dưới khẩu hiệu "tất cả để chiến thắng". Trong suốt tám năm kháng chiến, nhân dân ta đã tích cực phục vụ tiền tuyến nhưng chưa bao giờ nhân dân ta lại góp sức người và của cải nhiều như trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các hội đồng ủng hộ tiền tuyến được thành lập khắp nơi để chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Cả một hậu phương hừng hực lửa đấu tranh đánh đổ giai cấp địa chủ, tuôn người tuôn của ra tiền tuyến để tiêu diệt đế quốc xâm lược, cả vùng tự do và vùng tạm bị chiếm, nhân dân ta đã góp 261.500 dân công từ hậu phương đến tiền tuyến, tính thành 3.130.000 ngày công và đã góp 27.400 tấn gạo. Ngay đồng bào Tây Bắc mới được giải phóng trong chiến dịch này cũng đã góp 7.300 tấn gạo. Có đồng bào sẵn sàng đưa bát gạo cuối cùng của mình ra tiền tuyến cho bộ đội giết giặc. Hàng đoàn dân công, thanh niên xung phong, ngày đêm trèo đèo lội suối, mặc máy bay địch, mặc bom nổ chậm, mặc bao nhiêu nguy hiểm khác, dùng sức người chuyển một số lực lượng lớn lương thực, đạn dược cho bộ đội chiến đấu.

Lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ còn ghi lại những thành tích, những gương hy sinh dũng cảm của anh chị em dân công tiền tuyến bên cạnh những gương hy sinh dũng cảm của bộ đội. Chính sức mạnh tinh thần và vật chất, sự chi viện vô điều kiện của nhân dân, nhất là của công nông được Đảng động viên, tổ chức, lãnh đạo là một yếu tố quyết định khiến cho quân và dân ta khắc phục được những khó khăn về vận chuyển, tiếp tế tưởng chừng như không thể nào vượt qua và đã chiến thắng oanh liệt. Không có sự đóng góp sức người và của cải to lớn ấy của nhân dân, không thể có chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Rõ ràng, Chiến dịch Điện Biên Phủ, một chiến dịch tiến công quân địch tập trung đông nhất, với quy mô sử dụng lực lượng, phương tiện, vũ khí, kỹ thuật lớn nhất, bằng hình thức tiến công trận địa tương đối hiện đại và đã tiêu diệt gọn một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch, đã thể hiện rõ rệt tính chất nhân dân của cuộc chiến tranh cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Nó là đỉnh cao nhất của cuộc kháng chiến toàn dân vừa qua.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả và là một điển hình thành công nhất của sự chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng ta về sự phối hợp giữa ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích; về sự phối hợp giữa đánh vận động và đánh du kích, giữa chiến trường chính diện và chiến trường sau lưng địch, giữa chiến trường chính và chiến trường phối hợp trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Con số 112.000 tên địch (bao gồm cả 16.200 tên thuộc các đơn vị tinh nhuệ nhất ở Điện Biên Phủ) bị tiêu diệt trên các chiến trường cả nước trong Đông Xuân 1953-1954 đủ nói lên điều ấy.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã nói lên vai trò vô cùng quan trọng của bộ đội chủ lực. Cùng với sự phát triển của kháng chiến, trên cơ sở toàn dân vũ trang, ba thứ quân: dân quân du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực của ta đều lớn mạnh lên từng bước. Chúng ta đã dần dần xây dựng được bộ đội chủ lực ngày càng trưởng thành. Bộ đội chủ lực là nòng cốt của lực lượng vũ trang cách mạng, có tác dụng quyết định trong việc tiêu diệt sinh lực chủ yếu của địch. Có bộ đội chủ lực mạnh mới tạo nên những quả đấm mạnh đánh vào lực lượng tinh nhuệ của địch, làm chuyển biến được cục diện chiến tranh. Có bộ đội chủ lực mạnh mới phân tán được lực lượng cơ động chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến tranh du kích phát triển. Có bộ đội chủ lực mạnh mới tiêu diệt được hoàn toàn quân địch.

Đồng thời, Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng khẳng định địa vị chiến lược của lực lượng dân quân du kích, của chiến tranh du kích trong toàn bộ cuộc chiến tranh nhân dân. Nếu không có chiến tranh du kích ngày càng phát triển thì không thể có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường dưới sự chỉ đạo chiến lược thống nhất, mà không có sự phối hợp tích cực giữa các chiến trường thì lực lượng cơ động mạnh của địch không bị phân tán, quân địch ở Điện Biên Phủ không bị cô lập, bao vây và tiêu diệt. Không có lực lượng dân quân du kích lớn mạnh, không có bộ đội địa phương phát triển thì không thể phát động được chiến tranh du kích rộng rãi trong phạm vi cả nước và cũng không thể xây dựng được các binh đoàn chủ lực tập trung để giành thắng lợi to lớn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
___________________________________________________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 480.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #185 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2022, 02:32:29 pm »


Thực tiễn chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 khẳng định đường lối xây dựng ba lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, là hoàn toàn đúng đắn. Ba lực lượng ấy dựa vào nhau, cùng xây dựng, cùng phát triển, cùng kết hợp chặt chẽ với nhau dưới sự chỉ đạo của phương châm chiến lược, phương châm tác chiến thống nhất thích hợp với yêu cầu của các giai đoạn chiến lược và toàn bộ cuộc chiến tranh.

Những bài học có tính nguyên tắc của chiến tranh nhân dân biểu hiện cao nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đang được nhân dân miền Nam nước ta vận dụng một cách linh hoạt, phát huy một cách sáng tạo trong hoàn cảnh đấu tranh mới. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận dân tộc giải phóng, 14 triệu đồng bào miền Nam nước ta đang tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Với tinh thần kiên quyết chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, bằng hầm chống, hố mìn, bẫy đá và mọi thứ vũ khí khác có trong tay, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và vận động binh lính địch, đồng bào miền Nam nước ta đã làm cho đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai có lực lượng quân đội đông, có vũ khí hiện đại phải thất điên bát đảo chịu hết thất bại này đến thất bại khác ngày càng nặng nề. Địa vị chiến lược của lực lượng dân quân du kích, của chiến tranh du kích đã được nhân dân miền Nam nâng lên trình độ cao. Đó là sự phát triển của chiến tranh nhân dân trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta.

Để xuyên tạc những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác- Lênin về chiến tranh, về vai trò của quần chúng nhân dân trong chiến tranh, bọn theo chủ nghĩa xét lại hiện đại trên thế giới đã không ngớt tung ra cái luận điệu cho rằng khi đã xuất hiện vũ khí hạt nhân thì thắng lợi trong chiến tranh không phải do con người quyết định mà do vũ khí quyết định (!), chiến tranh nhân dân không còn có giá trị gì nữa, v.v.. Thật là một luận điệu hoang đường, chỉ lừa bịp được những kẻ yếu bóng vía. Nếu nghe theo bọn xét lại hiện đại thì các giai cấp và các dân tộc bị áp bức không có vũ khí hạt nhân chỉ có thể đấu tranh trong khuôn khổ của pháp quyền tư sản, không đụng chạm gì đến nền móng thống trị của bọn đế quốc, tư bản, không dám dùng bạo lực cách mạng, không dám tiến hành đấu tranh vũ trang khi cần thiết và có điều kiện để lật đổ ách thống trị của chúng, do đó đành chịu bó tay, cam tâm làm nô lệ cho chúng. Luận điệu đó không khác gì luận điệu của một số người ở nước ta trước đây run sợ trước sức mạnh của trang bị vũ khí của Pháp - Nhật, cho rằng ta không có máy bay, xe tăng, đại bác thì làm sao đánh nổi đế quốc (!). Luận điệu đó cũng không khác gì quan điểm "chiến tranh bấm nút" của chủ nghĩa đế quốc tung ra hòng dọa dẫm nhân dân thế giới. Thực chất của luận điệu đó của bọn theo chủ nghĩa xét lại hiện đại là thổi phồng tác dụng của vũ khí, vứt bỏ địa vị quyết định của con người, của quần chúng nhân dân, cũng có nghĩa là thủ tiêu cách mạng, kéo dài ngày giãy chết của chủ nghĩa đế quốc đã mục nát đến cực độ.

Thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến toàn dân mà đỉnh cao nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ, những thắng lợi liên tiếp của nhân dân miền Nam nước ta hiện nay, thắng lợi của nhân dân Cuba, v.v. đã đập tan luận điệu sai lầm đó của bọn xét lại hiện đại.

Hiện nay, trong khi xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại, chúng ta phải khẳng định rằng, nếu chiến tranh xảy ra ở miền Bắc nước ta thì bất kể trong trường hợp nào, cuộc chiến tranh của ta cũng phải là cuộc chiến tranh nhân dân: toàn dân vũ trang, toàn dân đánh giặc bằng mọi thứ có trong tay. Vai trò của bộ đội chủ lực rất quan trọng, phải được xây dựng thật lớn mạnh với một tinh thần khẩn trương, tích cực. Nhưng mọi tư tưởng coi thường, hạ thấp địa vị của dân quân du kích, của chiến tranh du kích, hạ thấp bất cứ ở chừng mực nào vai trò quyết định của nhân dân trong chiến tranh, đều xa lạ với quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Chúng ta phải đề phòng và khắc phục mọi ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại hiện đại, mọi thái độ sùng bái vũ khí, nhất là vũ khí hạt nhân, phủ định vai trò quyết định của con người, của yếu tố giác ngộ chính trị của con người đối với chiến tranh, thấu suốt sâu sắc hơn nữa tư tưởng quân sự của Đảng ta.

Chiến tranh nhân dân có chiến lược, chiến thuật riêng của nó. Chiến lược, chiến thuật đó dựa trên tinh thần cách mạng triệt để, dựa vào sức mạnh của quần chúng công nông được giác ngộ về quyền lợi giai cấp và quyền lợi dân tộc, dưới sự chỉ đạo của tư tưởng quân sự của đảng của giai cấp công nhân. Quân đội xâm lược nhà nghề của bọn đế quốc tư sản không thể áp dụng chiến lược, chiến thuật đó được.

Kinh nghiệm của cuộc kháng chiến toàn dân của ta chứng tỏ một giai cấp, một dân tộc nhỏ yếu chống lại sự xâm lược của bọn đế quốc có quân đội mạnh về trang bị kỹ thuật, có lực lượng vật chất nhiều hơn, thì phải đánh lâu dài.

Chiến lược của đế quốc Pháp là chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh". Chiến lược của ta là chiến lược đánh lâu dài. Chỉ có chiến tranh nhân dân với phương châm tự lực cánh sinh mới có thể đánh lâu dài được.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là sản phẩm của chiến lược đánh lâu dài với phương châm tự lực cánh sinh của Đảng ta trong cuộc chiến tranh nhân dân. Trước một kẻ địch tạm thời có ưu thế về trang bị kỹ thuật, nhân dân ta không có điều kiện để đánh nhanh thắng nhanh. Chúng ta cần có thời gian để rèn luyện mình, vừa đánh vừa học tập, tích lũy kinh nghiệm, vừa bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trong chiến đấu, cướp vũ khí giặc để cải tiến trang bị cho ta. Chúng ta cần có thời gian để động viên, tổ chức, bồi dưỡng lực lượng kháng chiến, để tiêu hao lực lượng địch, dần dần làm chuyển biến sự so sánh lực lượng giữa ta và địch theo hướng có lợi cho ta. Kiên trì kháng chiến lâu dài, đi từ thắng lợi nhỏ đến thắng lợi lớn, chúng ta mới có được trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ vĩ đại nhất và đã thắng lợi vẻ vang. Quyết chiến chiến lược là một hiện tượng tất yếu xảy ra trong quá trình chuyển biến của chiến tranh. Nhưng nó chỉ có thể xảy ra khi mà sự so sánh lực lượng giữa hai bên tham chiến đã có chuyển biến đến một mức nhất định có lợi cho ta. Đến Đông Xuân 1953-1954, khi lực lượng của ta trải qua bồi dưỡng tích cực và lâu dài trong mấy năm kháng chiến, đã phát triển mạnh, chúng ta mới có thể đánh trận quyết chiến chiến lược với địch ở Điện Biên Phủ.

Thực tiễn chiến tranh của ta đã khẳng định điều đó. Chúng ta đã mở nhiều chiến dịch với các quy mô từ nhỏ đến lớn. Thắng lợi của ta trong từng chiến dịch đánh dấu sự tiến triển của cuộc kháng chiến, là yếu tố trực tiếp quyết định sự thất bại chiến lược của địch từ bộ phận đến toàn bộ.

Đi theo sự phát triển lực lượng của ta trong chiến tranh, hình thức tác chiến, quy mô sử dụng lực lượng trong các chiến dịch, địa vị và tác dụng của các chiến dịch do ta mở ra cũng phát triển từ thấp đến cao. Từ hình thức tác chiến chủ yếu là đánh du kích, chúng ta tiến dần lên đánh vận động, và đến Điện Biên Phủ đã mở chiến dịch tiến công bằng hình thức trận địa; từ đánh các cứ điểm lẻ, đánh quân địch phân tán, tiến lên đánh tập đoàn cứ điểm mạnh nhất với binh lực tập trung cao nhất của địch.

Về sử dụng lực lượng, từ những đơn vị nhỏ, chúng ta tiến lên những binh đoàn chủ lực tập trung; từ những đơn vị bộ binh, tiến lên sử dụng phối hợp các binh chủng khác. Về địa vị, tác dụng của các chiến dịch, từ chỗ chỉ có các chiến dịch riêng lẻ của các chiến trường đến những chiến dịch tương đối lớn hơn trên chiến trường chính (Bắc Bộ) nhưng vẫn là những chiến dịch độc lập với nhiệm vụ và mục đích có hạn, đến Đông Xuân 1953-1954, chúng ta đã tiến lên mở nhiều chiến dịch trong cùng một thời gian, dưới sự chỉ đạo chiến lược thống nhất, đánh trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ làm chuyển biến cục diện, mở ra một thời kỳ mới trong đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.

Bài học chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là bài học về sự thấu suốt tư tưởng chiến lược đánh lâu dài của Đảng, khắc phục tư tưởng nôn nóng, muốn đánh nhanh thắng nhanh. Phải đánh lâu dài, nhưng lâu dài không phải là vô hạn. Từ sự biến đổi dần dần hằng ngày, hằng tháng, chúng ta phải phát huy cao độ tính năng động chủ quan để nhanh chóng đạt tới một sự biến đổi nhảy vọt về chất, tức là phải có đầy đủ tinh thần tích cực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, đưa trình độ mọi mặt của ta tiến lên từng bước để ngày càng có thể đánh lớn hơn, dẫn tới những trận then chốt làm chuyển biến cục diện chiến tranh. Nhưng sự cố gắng chủ quan không thể thoát ly tình hình thực tế. Không phải chỉ có sự nỗ lực chủ quan - tuy rằng sự nỗ lực chủ quan bao giờ cũng là điều kiện quyết định nhất - mà còn phải có điều kiện khách quan thuận lợi nữa mới có thể đánh trận lớn như trận Điện Biên Phủ. Nếụ trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, chúng ta không tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Nà Sản của địch - tập đoàn cứ điểm này yếu hơn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - là đúng vì lúc đó ta chưa có đủ điều kiện chủ quan và khách quan cần thiết, thì quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lại là một quyết tâm rất đúng dựa trên sự tính toán đầy đủ những cố gắng rất lớn của ta, dựa trên sự phân tích đúng đắn tình hình địch, nắm đúng thời cơ diệt địch.

Rõ ràng là quân và dân ta một mặt phải có tinh thần kiên trì kháng chiến lâu dài, mặt khác lại phải có tinh thần hết sức tích cực, khẩn trương mới có thể rút ngắn thời gian, đưa cuộc kháng chiến mau đến thắng lợi. Hiện nay, trước âm mưu, hành động xâm lược và mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, những bài học về đánh lâu dài, về tinh thần tích cực khẩn trương, quyết tâm diệt địch vẫn có một ý nghĩa thực tiễn rất lớn đối với chúng ta.

Muốn đánh được lâu dài, phải đặc biệt coi trọng việc đề cao tinh thần tự lực cánh sinh. Nhân dân ta đã ra sức xây dựng hậu phương, phát triển kinh tế kháng chiến để tự cấp tự túc và cung cấp cho tiền tuyến. Quân đội ta đã tìm nguồn cung cấp ở ngay tiền tuyến, cướp súng giặc giết giặc, tiết kiệm từng viên đạn, từng hạt gạo, thực hiện khẩu hiệu "có gì đánh nấy". Quân và dân ta đã tìm tòi, phát minh, sáng chế ra mọi phương tiện giết giặc cứu nước. Tinh thần tự lực cánh sinh cũng đã được thể hiện rõ rệt ngay trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nếu không có tinh thần tự lực cánh sinh thì không thể kháng chiến lâu dài, không khắc phục được khó khăn, sáng tạo nên mọi điều kiện đưa cuộc kháng chiến tiến lên từng bước và không thể có chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ...

... Rõ ràng, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sản phẩm và đỉnh cao của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài theo tinh thần tự lực cánh sinh. Chúng ta có thể nói được rằng: "cuộc kháng chiến anh dũng của toàn dân ta là một trận Điện Biên Phủ trường kỳ vô cùng vĩ đại", dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #186 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2022, 02:34:01 pm »


CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ LÀ THẮNG LỢI CỦA ĐƯỜNG LỐI XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Chiến dịch Điện Biên Phủ là thử thách cao nhất đối với quân đội ta trong cuộc kháng chiến 1945-1954. Chiến dịch này, bản chất và truyền thống cách mạng tốt đẹp của quân đội đã được phát huy đến cao độ; quân đội ta đã chiến đấu vô cùng anh dũng và chiến thắng vô cùng oanh liệt.

Các nhà lý luận quân sự tư sản không thể giải thích đúng đắn vì sao quân ta ở Điện Biên Phủ, với những cán bộ và chiến sĩ phần lớn là công nông, chủ yếu là nông dân, trình độ văn hóa thấp, có người còn mù chữ, chỉ được huấn luyện quân sự rất ít, lại đánh bại được một quân đội nhà nghề hùng mạnh, có nhiều máy bay và lực lượng cơ giới, do các sĩ quan tốt nghiệp nhiều trường quân sự chính quy của đế quốc chỉ huy. Và trong chúng ta cũng vậy, không phải ai cũng nhận thức được sâu sắc và đầy đủ những nguyên nhân thắng lợi của quân đội ta.

Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, phòng ngự kiên cố, phải có một trình độ hỏa lực nhất định mới đánh được. Quân ta đã được tăng cường một lực lượng pháo binh xấp xỉ pháo binh địch và một số đơn vị súng cao xạ. Đồng thời, để giải quyết những khó khăn rất lớn về tiếp tế, chúng ta đã tập trung được một số lượng khá lớn ôtô để bảo đảm công tác vận chuyển. Lực lượng binh khí kỹ thuật này đã là một yếu tố quan trọng của thắng lợi. Và đó cũng là biểu hiện của một bước trưởng thành mới của quân đội ta. Không có một lực lượng binh khí kỹ thuật mới đó, khó mà đánh được một tập đoàn cứ điểm mạnh như Điện Biên Phủ, và không có một lực lượng cơ giới nhất định cũng khó mà bảo đảm nổi công tác vận chuyển, tiếp tế một khối lượng lớn lương thực, đạn dược... cho một mặt trận xa hậu phương hàng mấy trăm kilômét như thế.

Tuy nhiên, nhìn riêng về mặt hỏa lực, địch ở Điện Biên Phủ vẫn mạnh hơn rất nhiều. Chúng có nhiều đạn dược hơn hẳn ta, lại có một lực lượng không quân và cơ giới mạnh. Nếu đơn thuần hoặc chủ yếu căn cứ vào hỏa lực, thì không thể hạ quyết tâm đánh địch. Và rõ ràng, nếu lấy việc trang bị kỹ thuật đã được cải tiến của quân ta ở Điện Biên Phủ để giải thích nguyên nhân quyết định thắng lợi của ta thì không thể giải thích nổi. Chiến thắng Điện Biên Phủ là do quyết tâm chiến lược rất sáng suốt và dũng cảm của Đảng ta; do việc chỉ đạo chiến dịch, chiến thuật đúng đắn; do trình độ chiến thuật, kỹ thuật của quân đội ta đã tiến lên một bước mới.

Nhưng chúng ta hạ quyết tâm tiêu diệt Điện Biên Phủ và vận dụng được những chiến thuật và kỹ thuật mới, chủ yếu không phải là dựa vào trang bị vũ khí đã được cải tiến - mặc dù đó là yếu tố rất quan trọng mà chủ yếu là dựa vào tinh thần quyết chiến quyết thắng, bản chất giai cấp vô sản của quân đội ta, vào tình đoàn kết chiền đấu giữa quân đội và nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chính nhờ có tinh thần quyết chiến quyết thắng, anh dũng tuyệt vời, không tiếc xương máu để rửa hận thù giai cấp và dân tộc, quân ta đã chiến đấu dưới làn mưa đạn bão bom của địch trong 55 ngày đêm liền ở Điện Biên Phủ (nếu kể cả chiến cuộc Đông Xuân thì thời gian chiến đấu kéo dài đến nửa năm), giành đi giật lại với địch từng mỏm đồi, từng tấc đất quê hương, quyết chôn vùi nơi đây binh đoàn Đờ Cátxtơri và cả mưu đồ xâm lược của bọn đế quốc thực dân. Trên tất cả các mặt trận, quân ta đã khắc phục muôn vàn khó khăn để diệt địch, có khi đã phải ăn cháo, nhịn đói mà đánh địch. Có đơn vị hành quân bộ trên 300 km truy kích địch.

Chính nhờ có tinh thần quyết chiến quyết thắng và sức lao động sáng tạo của mình, quân ta đã làm đường chuyển pháo vào trận địa xuyên qua rừng núi, gỡ bom nổ chậm, mở các đường vận chuyển, không nản chí kéo pháo vào lại kéo pháo ra trên những dốc núi cao dựng đứng và bên những vực sâu thăm thẳm, nên khi pháo ta nổ thì quân địch hoàn toàn bị bất ngờ. Địch biết ta có pháo nhưng chúng không thể ngờ ta đưa được pháo vượt núi rừng hiểm trở lên Điện Biên Phủ.

Chính nhờ có tinh thần quyết chiến quyết thắng, bằng chiến đấu dũng cảm kết hợp với lao động dũng cảm, quân ta đã biến đổi địa hình, xây dựng trận địa, đào chiến hào, siết chặt vòng vây diệt địch. Mỗi đoạn chiến hào là một trận chiến đấu ác liệt giữa ta và địch.

Chính nhờ có tinh thần quyết chiến quyết thắng, quân ta mới học tập, sáng tạo và áp dụng được lần đầu tiên những chiến thuật và kỹ thuật mới và qua thực tiễn chiến đấu dũng cảm, quân ta đã từng bước và ngày càng nhanh chóng trưởng thành, tiến lên trình độ tác chiến mới, cao hơn.

Chính nhờ có tinh thần quyết chiến quyết thắng mà những đồng chí lái xe hàng chục đêm không ngủ, nhiều người mới được đào tạo ngay trong chiến dịch, đã lái xe vượt suối băng rừng, qua những chặng đường đầy bom nổ chậm của địch. Hàng vạn dân công từ vùng tự do đến vùng mới giải phóng và vùng tạm bị chiếm, với đôi vai và đôi chân của những nông dân cần cù, căm thù sâu sắc bọn đế quốc và phong kiến đã tự nguyện tự giác vượt hàng trăm kilômét đường dưới làn mưa bom đạn của địch để tiếp tế cho mặt trận, vận chuyển thương binh về hậu tuyến. Đó cũng là một điều hoàn toàn bất ngờ đối với địch.

Rõ ràng, không dựa trên tinh thần quyết chiến quyết thắng, anh dũng hy sinh của quân và dân ta, chúng ta không thể hạ quyết tâm đánh địch, không thể khắc phục được muôn vàn khó khăn, không thể áp dụng và sáng tạo những chiến thuật và kỹ thuật thích hợp để tiêu diệt địch. Chính tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân đội và nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi ở Điện Biên Phủ.

Nói thế không phải chúng ta coi nhẹ yếu tố trang bị và trình độ chiến thuật, kỹ thuật của quân đội. Trong quá trình đấu tranh vũ trang và xây dựng lực lượng vũ trang, Đảng ta thường xuyên quan tâm đến việc cải tiến trang bị của quân đội. Từ những đơn vị du kích đầu tiên chỉ có giáo mác, súng kíp, lựu đạn..., qua Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã có những binh đoàn chủ lực tập trung với một số lượng quan trọng về pháo mặt đất và cao xạ, phương tiện vận chuyển cơ giới, và đến nay chúng ta đang tích cực hiện đại hóa quân đội. Chúng ta cũng luôn quan tâm đến việc nâng cao trình độ chiến thuật, kỹ thuật của quân đội cho phù hợp với yêu cầu tác chiến và trình độ trang bị kỹ thuật của mỗi thời kỳ. Trang bị càng được cải tiến, trình độ chiến thuật, kỹ thuật càng được nâng cao, thì khả năng chiến đấu của quân đội ta càng lớn. Coi thường những yếu tố đó là không đúng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #187 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2022, 02:34:43 pm »


Tuy nhiên, do đấu tranh vũ trang là đấu tranh giai cấp, cho nên trong bất cứ cuộc đấu tranh vũ trang nào, ngay cả trong điều kiện chiến tranh hiện đại cũng vậy. Đảng ta cũng luôn luôn nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, coi con người là nhân tố quyết định, coi sự giác ngộ giai cấp, tinh thần chiến đấu là nhân tố quyết định, như Lênin đã nói: "Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, thắng lợi rốt cuộc là do tinh thần của những quần chúng đang đổ máu trên chiến trường quyết định". Bọn đế quốc sẵn có vũ khí, kỹ thuật hiện đại, và trong nhiều trường hợp chúng hơn hẳn ta về mặt này; nhưng chúng không thể nào có được những con người có tinh thần quyết chiến quyết thắng, không quản hy sinh, chịu đựng được mọi thử thách phức tạp và gay go nhất trong chiến tranh.
Do đâu mà quân đội ta có được tinh thần chiến đấu anh dũng tuyệt vời, quyết chiến quyết thắng như vậy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như trong cả cuộc kháng chiến lâu dài? Đó là vì cuộc chiến tranh chính nghĩa, vì quân đội ta là quân đội cách mạng, quân đội công nông. Sự khác nhau hoàn toàn cũng như ưu thế tuyệt đối của quân đội ta so với quân đội xâm lược của bọn đế quốc và mọi quân đội khác của giai cấp bóc lột, không phải là ở trang bị vũ khí hay trình độ chiến thuật, kỹ thuật, mà là ở bản chất giai cấp, ở tinh thần chiến đấu dũng cảm dựa trên cơ sở giác ngộ về lợi ích giai cấp.

Tinh thần chiến đấu của quân đội ta là kết quả của một quá trình lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng ta đối với quân đội; kết quả của việc Đảng ta, trong đường lối xây dựng quân đội, đã luôn luôn lấy việc xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng làm nền tảng để tăng cường bản chất cách mạng, và trên cơ sở đó, giải quyết các vấn đề tổ chức, trang bị, huấn luyện và tác chiến.

Quân đội ta là quân đội của công nông dưới sự lãnh đạo của đảng của giai cấp vô sản, một quân đội kiểu mới chưa từng có trong lịch sử của dân tộc ta, hoàn toàn khác mọi quân đội của giai cấp bóc lột.

Thành phần giai cấp của quân đội rất quan trọng nhưng bản chất giai cấp của quân đội được quyết định trước hết ở chỗ nó là công cụ của giai cấp nào, chiến đấu vì mục đích chính trị của giai cãp nào, do giai cấp nào lãnh đạo. Cho nên, sự lãnh đạo của Đảng ta là nhân tố quyết định làm cho quân đội ta có bản chất cách mạng tốt đẹp, có tinh thần quyết chiến quyết thắng để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đi đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và lớn mạnh như ngày nay.

Vì vậy, vấn đề cơ bản nhất trong việc xây dựng quân đội là phải không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, làm cho quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, chiến đấu theo đường lối chính trị của Đảng, thấm nhuần tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ công nông. Chỉ có trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo của Đảng mới giải quyết được tốt và đúng đắn các vấn đề tổ chức, trang bị, huấn luyện và chiến đấu của quân đội.

Nói đến sự lãnh đạo của Đảng là phải nói đến công tác chính trị trong quân đội. Công tác chính trị thực chất là công tác đảng trong quân đội, thấu suốt sự lãnh đạo của Đảng đối với với quân đội. Nó là linh hồn của quân đội. Quá trình tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cũng là quá trình đề cao vai trò của công tác chính trị, đấu tranh chống những khuynh hướng sai lầm, coi nhẹ hoặc hạ thấp vị trí của nó. Có nhìn thắng lợi Điện Biên Phủ gắn liền với cả quá trình xây dựng và trưởng thành của quân đội ta, mới thấy hết vị trí quan trọng của công tác chính trị trong quân đội cách mạng. Tinh thần quyết chiến quyết thắng, bản chất cách mạng tốt đẹp của quân đội ta - nhân tố quyết định thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ - được phát huy cao độ không phải chỉ là kết quả của việc làm trong vài tháng, mà là kết quả dựa trên cơ sở chính trị vững chắc tiềm tàng của quân đội ta từ trước. Cho nên bao giờ cũng vậy, quân đội ta phải coi việc xây dựng Đảng, tăng cường công tác chính trị là căn bản để bảo đảm tăng cường bản chất cách mạng, phát huy truyền thống tốt đẹp và ưu thế tuyệt đối về chính trị, tinh thần của ta để chiến thắng kẻ địch.

Công tác chính trị trong quân đội lấy việc giáo dục chính trị, tư tưởng làm công tác hàng đầu, vì công tác chính trị là công tác lãnh đạo, vận động, giáo dục quần chúng làm cho đông đảo cán bộ, chiến sĩ do giác ngộ lợi ích cách mạng mà tự nguyện triệt để chấp hành mọi nhiệm vụ của Đảng trao cho, tự nguyện hy sinh chiến đấu vì lợi ích cách mạng.

Giáo dục về giai cấp là nội dung cơ bản của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Chỉ khi nào phân rõ ranh giới giai cấp, phân biệt được ta, bạn, thù, hiểu rõ đường lối, nhiệm vụ của Đảng, bản chất giai cấp và mục tiêu chiến đấu của quân đội, cán bộ và chiến sĩ ta mới có được chí căm thù địch sâu sắc, lòng yêu nước nồng nàn, mới thương yêu nhau như ruột thịt, mới có tinh thần chiến đấu dũng cảm phi thường, quyết chiến quyết thắng.

Từ khi quân đội ta mới ra đời, nhất là từ những năm 1950-1951 về sau, chúng ta đã tiến hành những cuộc chỉnh huấn chính trị về hai phe trên thế giới, về bản chất của quân đội nhân dân, về đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến của Đảng..., làm cho trình độ giác ngộ chính trị của quân đội ta được nâng lên từng bước. Đó thật sự là những cuộc vận động cách mạng hóa quân đội. Đặc biệt năm 1953, cùng với cuộc phát động cải cách ruộng đất của Đảng, cuộc chỉnh huấn về cải cách ruộng đất đã đánh dấu một bước chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho quân đội. Cuộc chỉnh huấn đó đã đem lại một sức mạnh mới cho quân đội ta, khiến cho cán bộ và chiến sĩ có trình độ giác ngộ giai cấp khá cao, có lòng căm thù đế quốc và phong kiến sâu sắc, ai ai cũng nô nức muốn thi đua giết giặc lập công. Cuộc chỉnh huấn đó là một bước chuẩn bị cơ bản nhất cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ không tách rời thắng lợi của chỉnh huấn về cải cách ruộng đất.

Công tác chính trị trong quân đội phải gắn chặt với hoạt động chiến đấu của quân đội; nó không chỉ dừng lại ở việc giáo dục đường lối, nhiệm vụ cách mạng và chính sách chung của Đảng, mà còn phải đi sâu giáo dục tư tưởng quân sự của Đảng, phương châm chiến lược và tư tưởng chỉ đạo tác chiến nữa. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta đã giáo dục cho quân đội nắm vững chủ trương quân sự, mục đích, ý nghĩa của chiến dịch, phương châm tác chiến "đánh chắc, tiến chắc" và tư tưởng chiến thuật đúng đắn để áp dụng các hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu vào trong chiến dịch tiến công một tập đoàn cứ điểm mạnh của địch.

Tuy vậy, việc giáo dục cho quân đội thấu suốt tư tưởng và nhiệm vụ quân sự bao giờ cũng phải dựa chắc trên cơ sở giáo dục đường lối, nhiệm vụ cách mạng, nâng cao giác ngộ giai cấp cho quân đội. Giáo dục chính trị thường xuyên trước chiến đấu là bồi dưỡng tinh thần chiến đấu cho quân đội, nhân tố quyết định thắng lợi trên chiến trường. Tinh thần chiến đấu trên chiến trường là kết quả và cũng là sự khảo nghiệm công tác giáo dục chính trị thường xuyên trước chiến đấu. Cũng vì vậy, sự giải thích chiến thắng Điện Biên Phủ phải gắn liền với những nguyên nhân sâu xa, tác động một cách thường xuyên trong quân đội từ trước và trong chiến dịch.

Quá trình giáo dục chính trị, tư tưởng là quá trình bồi dưỡng tư tưởng vô sản và đấu tranh khắc phục các tư tưởng không vô sản. Qua học tập chính trị, thời sự, chính sách.... qua các cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân, đấu tranh phê bình và tự phê bình, tư tưởng vô sản được nâng lên từng bước, các tư tưởng không vô sản bị đẩy lùi và quân đội ta ngày một trưởng thành thêm để đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ chiến đấu. Giữ vững và phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội ta trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ cũng phải trải qua giáo dục kiên nhẫn và đấu tranh liên tục chống những tư tưởng sai lầm. Sau những trận thắng, tư tưởng chủ quan nảy nở. Trong những trận chiến đấu ác liệt, tư tưởng cầu an dao động, hữu khuynh tiêu cực xuất hiện. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, một cuộc đấu tranh sâu rộng chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực đã được tiến hành ngay tại mặt trận để phát huy tinh thần tích cực cách mạng và triệt để chấp hành mệnh lệnh, bảo đảm thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch. Và cuộc đấu tranh tư tưởng đó đã thành công. Đó cũng là một thắng lợi lớn, một bài học sâu sắc của công tác chính trị trong quân đội ta. Nó chứng tỏ rằng, trên cơ sở của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng thường xuyên trước chiến đấu, còn phải tích cực tiến hành giáo dục chính trị, tư tưởng ngay trong chiến đấu thì mới bảo đảm giành được thắng lợi.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là lãnh đạo về chính trị, tư tưởng và tổ chức, các mặt đó không thể tách rời nhau. Một hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội từ đại đội trở lên đã được xây dựng và ngày càng được củng cố, kiện toàn. Sau Chiến dịch Biên giới, Trung ương Đảng lại tăng cường thêm sự lãnh đạo đối với quân đội, đưa thêm nhiều cán bộ vào quân đội. Chế độ lãnh đạo của Đảng trong quân đội là chế độ lãnh đạo tập thể, tức chế độ đảng ủy lãnh đạo, thủ trưởng phân công phụ trách, cũng được kiện toàn thêm một bước. Tổ chức đảng các cấp đã luôn luôn là hạt nhân lãnh đạo đoàn kết đơn vị, phát huy dân chủ về quân sự, chính trị, kinh tế để phát động lực lượng mạnh mẽ của quần chúng, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó, bảo đảm cho quân đội ta luôn luôn là công cụ sắc bén, tin cậy của Đảng. Trên chiến trường Điện Biên Phủ cũng như trên các chiến trường phối hợp, trong từng làng và tổ chiến đấu ở khắp nơi, các cấp đảng bộ, chi bộ, tổ đảng, đảng viên đã nêu cao vai trò lãnh đạo, đoàn kết quần chúng, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của quần chúng, anh dũng chiến đấu, xung phong dẫn đầu bộ đội trong tất cả các tình huống chiến đấu gay go, ác liệt. Đảng viên hy sinh, các tổ chức đảng xộc xệch, thì công tác chấn chỉnh tổ chức, kết nạp đảng viên mới được tiến hành khẩn trương ngay tại mặt trận, bảo đảm giữ vững và phát triển những hạt nhân lãnh đạo (riêng mấy đại đoàn trong chiến dịch này đã kết nạp được 1.281 đảng viên mới). Những anh hùng Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... chính là những đảng viên cộng sản ưu tú trong rất nhiều đảng viên ưu tú khác đã nêu gương dũng cảm hy sinh trong chiến dịch. Rõ ràng, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh trong quân đội là một trong những công tác mấu chốt để xây dựng quân đội vững mạnh.

Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng quân đội về mặt tổ chức, Đảng ta luôn luôn nắm vững đường lối giai cấp và nắm vững khâu trung tâm là đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ. Đội ngũ cán bộ ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ gồm những anh em từ nhiều ngành, nhiều thành phần khác nhau, nhưng phần lớn vẫn là những anh em xuất thân công nông, khác hẳn bọn sĩ quan của tướng Đờ Cátxtơri mà ta bắt được, hầu hết là con cái bọn nhà giàu. Trải qua kháng chiến gian lao cũng như qua thử thách ác liệt ở Điện Biên Phủ, cán bộ quân đội ta, kể cả những anh em xuất thân không vô sản, đều đã được rèn luyện và trưởng thành nhanh chóng, tuyệt đối trung thành với Đảng, hết lòng hết dạ phục vụ công nông. Cán bộ ta đã chiến đấu rất dũng cảm, không sợ hy sinh và đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Ngay trong chiến dịch, có nhiều đồng chí đã được đề bạt từ chiến sĩ lên, trong đó có những người do nhu cầu tác chiến, được đề bạt vượt cấp, mà vẫn làm tròn nhiệm vụ. Đó là thắng lợi của đường lối giai cấp trong công tác cán bộ của Đảng ta trong quân đội, đường lối lấy công nông binh làm cốt cán. Nhớ lại những ngày đầu, từ khi chỉ có hai bàn tay trắng, qua Điện Biên Phủ và nhìn vào đội ngũ cán bộ ta hiện nay, chúng ta càng thấy rõ sự đúng đắn của đường lối giai cấp trong công tác cán bộ của Đảng ta, càng thấy rõ công phu lớn lao của Đảng trong công tác giáo dục và đào tạo cán bộ.

Trong quá trình chấp hành đường lối tổ chức của Đảng, chúng ta đã phải đấu tranh khắc phục những tư tưởng hữu khuynh xa rời đường lối giai cấp, coi thường anh em công nông; và có nơi, có lúc, cũng phải khắc phục những hiện tượng hẹp hòi của chủ nghĩa thành phần, mới xây dựng và củng cố được tổ chức đảng mạnh mẽ, tăng cường và phát triển được đội ngũ cán bộ hùng hậu như ngày nay.

Thực tiễn thắng lợi của quân ta ở Điện Biên Phủ cũng như cả quá trình trưởng thành của quân đội ta chứng minh đường lối xây dựng quân đội của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn. Trong công tác xây dựng quân đội, bao giờ cũng phải lấy việc xây dựng về chính trị làm nền tảng, mà điểm mấu chốt là tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội, lấy công tác chính trị làm mạch sống, lấy việc giáo dục chính trị, tư tưởng làm công tác hàng đầu và thấu suốt đường lối giai cấp trong công tác tổ chức. Trong quá trình thấu suốt đường lối xây dựng quân đội của Đảng ta, chúng ta đã phải đấu tranh chống mọi khuynh hướng tư tưởng sai lầm, như làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, coi nhẹ công tác chính trị, coi thường vai trò quần chúng, xa rời đường lối giai cấp và những biểu hiện khác của quan điểm quân sự tư sản như tư tưởng sùng bái vũ khí kỹ thuật, tác phong quan liêu, quân phiệt,...

Trên con đường xây dựng quân đội ta tiến lên chính quy, hiện đại ngày nay, chúng ta vẫn luôn luôn giữ vững và thấu suốt đường lối xây dựng quân đội của Đảng. Tuy nhiên, trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại, cũng có một số ít đồng chí tỏ ra dao động trên những vấn đề nguyên tắc này, như cường điệu vai trò của trang bị kỹ thuật, hạ thấp vai trò quyết định của con người, nhấn mạnh một chiều yêu cầu về trình độ kỹ thuật, tổ chức và chỉ huy, coi nhẹ yêu cầu về nâng cao trình độ chính trị, tinh thần chiến đấu của quân đội,... Chúng ta phải phản đối những khuynh hướng sai lầm đó, kiên trì những nguyên tắc xây dựng quân đội của Đảng ta, những nguyên tắc này mãi mãi còn nguyên vẹn giá trị...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #188 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2022, 02:45:12 pm »


PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ĐIỆN BIÊN PHỦ ANH HÙNG,
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM QUYẾT TÂM HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ
TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
1

Đại tướng PHẠM VĂN TRÀ
Ủy viên Bộ Chính trị,
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu bước phát triển mới trong cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: "Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang dâng cao đến thắng lợi hoàn toàn"2. Người khẳng định: "Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại; cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công". Điện Biên Phủ không chỉ thể hiện "sức mạnh dân tộc và có tầm vóc thời đại", tô đậm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Truyền thống đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: "Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"3.

Thật vậy, vào năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã bước sang năm thứ tám với những thắng lợi hết sức to lớn trên các mặt quân sự, chính trị, ngoại giao. Đội quân viễn chinh Pháp lâm vào tình thế nguy khốn buộc phải cầu cứu đến đế quốc Mỹ hòng tìm một "lối thoát danh dự" cho cuộc chiến ở Việt Nam. Với sự thoả thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp đưa tướng Nava sang Việt Nam thay Xalăng làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Nava đề ra một kế hoạch với mục tiêu giành thắng lợi trong vòng 18 tháng. Nội dung cơ bản của kế hoạch này là tập trung binh lực, xây dựng khối cơ động chiến lược thật mạnh, đủ sức tiến công tiêu diệt chủ lực ta nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường. Theo đánh giá của chính giới Pháp và Mỹ lúc bấy giờ thì đây là "một kế hoạch táo bạo, kiên quyết và có cơ sở vững chắc".

Với nhãn quan chiến lược rộng lớn và sắc sảo, bằng sự phân tích so sánh tương quan lực lượng địch, ta một cách khoa học và cách mạng, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hạ quyết tâm giữ vững quyền chủ động chiến lược, buộc địch tiếp tục lún sâu vào thế bị động phòng ngự, phát triển mạnh mẽ thế tiến công chiến lược của ta, đập tan kế hoạch Nava, chớp thời cơ giành thắng lợi quyết định. Kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954   được vạch ra với phương châm "tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt". Thực hiện kế hoạch này, chúng ta đã giành được những thắng lợi hết sức to lớn trên các chiến trường, tạo nên cục diện mới của cuộc chiến tranh, làm cơ sở để Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến, đánh đòn quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, quân đội ta gặp không ít thử thách, khó khăn, có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi.

Trước hết, đánh Điện Biên Phủ là đánh vào tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ. Nó bao gồm 49 cứ điểm, được tổ chức thành các cụm cứ điểm liên hoàn với nhau. Mỗi cụm cứ điểm là một khu vực phòng ngự - một "trung tâm đề kháng", có lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động, với hoả lực riêng, xung quanh có nhiều hàng rào kẽm gai và mìn. Các "trung tâm đề kháng" này lại được liên kết với nhau thành các phân khu. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được chia thành ba phân khu: Phân khu bắc (có hai trung tâm đề kháng), phân khu trung tâm (có năm trung tâm đề kháng) và phân khu nam (có một trung tâm đề kháng).

Điện Biên Phủ còn có hệ thống hoả lực mặt đất khá mạnh với hai tiểu đoàn pháo 105 ly, một đại đội pháo 155 ly, một đại đội súng cối 120 ly được bố trí ở hai căn cứ Mường Thanh và Hồng Cúm. Đó là chưa kể hoả lực tăng cường ở các cứ điểm và trung tâm đề kháng. Hai sân bay Mường Thanh (sân bay chính) và Hồng Cúm (sân bay dự bị) với gần 100 lần chiếc cất cánh, hạ cánh mỗi ngày, có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch, bảo đảm nguồn tiếp viện cho quân Pháp trong quá trình tác chiến. Toàn bộ lực lượng địch tập trung ở Điện Biên Phủ lên tới hơn 16.000 quân, chiếm 1/3 lực lượng cơ động của Pháp trên toàn chiến trường Bắc Bộ, phần lớn thuộc các đơn vị Âu - Phi tinh nhuệ. Với lực lượng đông và mạnh như vậy, Nava coi Điện Biên Phủ như "một pháo đài không thể công phá", là nơi thu hút để tiêu diệt chủ lực của ta. Đã có lúc, giới quân sự Pháp lo ngại đối phương sẽ không chấp nhận giao chiến ở Điện Biên Phủ.

Thứ hai, Điện Biên Phủ là một chiến dịch có quy mô lớn nhất kể từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thời điểm đó. Nó lại diễn ra trên địa bàn rừng núi hiểm trở, thời gian chuẩn bị gấp. Vì vậy, công tác chuẩn bị cho chiến dịch gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đường cơ động cho pháo và việc bảo đảm hậu cần cho lực lượng lớn bộ đội tác chiến trong một thời gian dài.

Thứ ba, về đối sánh lực lượng đôi bên, với vị trí đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân uỷ đã quyết định tập trung vào đây một lực lượng khá lớn bao gồm bốn đại đoàn bộ binh, một đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 người. Nếu so sánh số quân đơn thuần thì ta hơn hẳn địch. Song, về hoả lực và phương tiện chiến tranh hiện đại, thì địch có ưu thế hơn ta, nhất là về lượng đạn pháo, máy bay và xe tăng,... Mặt khác, chúng được bảo vệ trong hệ thống công sự trận địa vững chắc, với nhiều trung tâm đề kháng. Nếu không có phương án tác chiến đúng đắn và cách đánh phù hợp, ta khó có thể thắng địch.

Thứ tư, việc thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" là một quyết định đúng đắn của Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Chỉ huy chiến dịch, song ta cũng đứng trước những khó khăn không nhỏ. Với lực lượng tham gia chiến dịch đông hơn, thời gian tác chiến dài hơn, cách đánh cũng khác nên có những việc chúng ta phải chuẩn bị lại từ đầu, nhất là việc tổ chức, bố trí hệ thống hoả lực chiến dịch. Nếu trước đây, pháo binh ta bố trí tập trung thành các trận địa lớn ở giữa cánh đồng Bản Tấu, Nà Hy, Bản Nghịu, nay được bố trí phân tán trên các điểm cao thành một đường vòng cung bao lấy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để từ đó có thể bắn trực tiếp vào các mục tiêu dưới lòng chảo. Như vậy, pháo của ta đã kéo vào (theo phương án tác chiến cũ), nay lại phải kéo ra để bố trí trên các trận địa mới. Với địa hình rừng núi hiểm trở, giao thông bị gián đoạn, cách trở như ở Điện Biên Phủ, việc này quả là không đơn giản.
______________________________________________
1. Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên - Bộ Tư lệnh Quân khu 2 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 266.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 350.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #189 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2022, 02:46:58 pm »


Mặc dầu vậy, với bản chất và truyền thống tốt đẹp của một đội quân "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu", cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, tìm mọi cách vượt qua thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã giao phó.

Điều này được thể hiện trước hết ở việc chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ các mặt cho chiến dịch. Chỉ tính riêng việc làm đường để đưa pháo lớn vào các trận địa đã được lựa chọn, ta phải mở tới năm tuyến đường với tổng chiều dài 63 km. Với quyết tâm cao và tinh thần lao động khẩn trương, chỉ sau 10 ngày đêm, bộ đội công binh đã mở thông cả năm tuyến. Trong khi bộ đội công binh "mở đường thắng lợi" thì bộ đội pháo binh cũng phải cật lực "khoét hầm" xây dựng các trận địa pháo ngay trên các sườn núi, còn bộ binh thì đào hào xây dựng hệ thống công sự bao vây tiến công trên tất cả các mũi, các hướng dài tới hàng trăm kilômét với hàng ngàn công sự chiến đấu. Toàn mặt trận như một công trường lớn, lặng lẽ hoạt động không kể ngày đêm. Báo chí phương Tây đã ví hệ thống hầm hào, công sự của bộ đội ta ở Điện Biên như "các vòi của con bạch tuộc, cứ vươn tới với tốc độ khủng khiếp", "đối phương (tức bộ đội ta) đã tạo cho chiếc cuốc, chiếc xẻng của họ có một sức mạnh không kém xe tăng, máy bay của quân đội Pháp".

Vấn đề bảo đảm hậu cần được Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đặc biệt quan tâm. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh, Tổng cục Cung cấp tiền phương đã huy động hàng ngàn chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cùng hơn 30.000 dân công, thanh niên xung phong tổ chức bộ máy hậu cần chiến dịch với các kho (quân nhu, quân y, quân khí), các binh trạm vận tải, các đội điều trị, các đơn vị công binh, thanh niên xung phong sửa chữa cầu đường bảo đảm giao thông... Để tăng nhanh khả năng vận chuyển, đáp ứng yêu cầu của chiến dịch, các loại phương tiện vận tải từ ôtô đến tàu thuyền canô, xe ngựa, xe trâu, xe đạp,... được tổng động viên. Riêng đạo quân xe đạp thồ hoạt động trên các tuyến lên tới hàng vạn chiếc được tổ chức thành tiểu đội, trung đội chặt chẽ. Nhờ vậy, mặc dù địch đánh phá, ngàn chặn ác liệt các tuyến đường, chúng vẫn không ngăn được con đường tiếp tế cho mặt trận Điện Biên Phủ. Trong cuốn Trận Điện Biên Phủ, Giuyn Roa, cựu đại tá không quân Pháp đã viết: "Mặc dù nhiều tấn bom đã trút xuống các trục lộ giao thông nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ bị đứt. Không phải chỉ viện trợ của Trung Quốc giúp Việt Minh đã thắng tướng Nava mà chính là những chiếc xe đạp nhãn hiệu Pơgiô thồ được từ 200 đến 300 kg hàng, được điều khiển bởi những dân công ăn không đủ no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm vải nilông. Tướng Nava bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương"1.

Không chỉ chuẩn bị chu đáo, công phu cho trận quyết chiến chiến lược lịch sử ở Điện Biên Phủ, trong quá trình tác chiến, bộ đội ta đã thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, quên mình, sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo khiến Nava phải thốt lên rằng: "Bao giờ Việt Minh cũng từ chối chiến tranh cổ điển và bắt Pháp phải theo hình thức chiến tranh cuả họ", cuộc chiến tranh "chưa có một học viện quân sự nào nghiên cứu kỹ lưỡng". Độc đáo của lối đánh ở Điện Biên là đánh gần, đánh vây lấn, chia cắt đối phương, bóc vỏ, dứt điểm lần lượt từng mảng hệ thống phòng ngự của địch. Lối đánh này không những giúp ta khắc phục hạn chế về binh khí kỹ thuật hiện đại để đột kích mạnh và tấn công địch từ xa như xe tăng, máy bay, pháo tự hành... mà nó còn giúp ta vô hiệu hoá thế mạnh của địch ở Điện Biên Phủ là phòng ngự theo kiểu cụm cứ điểm, vừa có sức đề kháng độc lập cao, vừa có thế liên hoàn chặt chẽ, có thể chi viện, hỗ trợ đắc lực cho nhau khi một cứ điểm bị tiến công.

Chính vì vậy, sau 55 ngày đêm chiến đấu, qua ba đợt tiến công, ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trong quá trình chiến đấu cũng như chuẩn bị chiến dịch đã xuất hiện rất nhiều tấm gương tiêu biểu minh chứng cho lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, sự chịu đựng gian khổ, ác liệt, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Đó là pháo thủ Nguyễn Văn Chức, khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình cùng đồng đội cứu pháo. Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót dũng cảm lấy thân mình bịt lỗ châu mai ngăn làn đạn địch, tạo thuận lợi cho đồng đội xông lên diệt địch. Tổ trưởng liên lạc Bùi Minh Đức, chiến sĩ điện thanh Chu Văn Mùi, giữa vòng vây địch, bị đói nhiều ngày vẫn bám máy, bình tĩnh liên lạc hướng dẫn cho pháo binh bắn đúng mục tiêu,...

Những hành động dũng cảm trên là biểu hiện tập trung nhất phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ". Đó cũng là những nét nổi bật truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng mà Điện Biên Phủ là một trong những điểm chói sáng.

Như vậy có thể nói, với lòng yêu nước, thương dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, bằng ý chí và quyết tâm cao, dưới sự chỉ đạo, chỉ huy tài tình của Bộ Chính trị, Tổng Quân uỷ và Bộ Tư lệnh chiến dịch, quân đội ta đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, hy sinh, cùng toàn dân làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, tô thắm thêm ngọn cờ Quyết chiến, Quyết thắng mà Đảng và nhân dân đã tin tưởng trao cho.
____________________________________________________
1. Giuyn Roa: Trận Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 357 - 358.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM