Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 01:27:37 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên mang bí số T31  (Đọc 8199 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2020, 10:19:39 pm »


        Phạm Đăng Hào sinh năm Quý Hợi (1923) ở thôn Khê Tang, xã Cự Khê, tỉnh Hà Đông, Hào có bẩy anh anh chị em, Hào là trưởng1. Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945, Hào tham gia tự vệ thành Hà Nội, được đứng trong đội danh dự dưới chân lễ đài trong lễ Tuyên ngôn Độc lập của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945 ở quảng trường Ba Đình Hà Nội, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946) Phạm Đăng Hào gia nhập Vệ Quốc đoàn ở trung đoàn 66. Sau đó vì yếu sức khỏe, hồi cư về Hà Nội do Pháp tạm chiếm. Do mới quan hệ họ hàng một người anh em trong họ giới thiệu anh làm quen với Trần Khắc. Khắc lôi kéo anh vào Đại Việt - Quốc Dân đảng. Trước khi vào tổ chức này, Phạm Đăng Hào có đến hỏi ông Hai Thạch, thường gọi là "Ông Hai già” là cán bộ nội thành mà anh biết từ trước, ông Hai Thạch khuyên anh: "Làm gì thì làm nhưng phải có lợi cho cách mạng và đừng hại nước, hại dân là được. Nếu có điều kiện chui vào hàng ngũ của chúng để hoạt động càng tốt".

        Theo lời khuyên của ông Hai Thạch, Phạm Đăng Hào vào đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng nhưng không đi lính, không làm chỉ điểm mà chỉ vào tổ chức này để yên thân làm ăn vì anh vẫn luôn luôn nhớ lời ông Hai Thạch: "Làm gì thi làm nhưng phải có lợi cho cách mạng và đứng hại nước, hại dân".

        Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Tình báo Thủy quân lục chiến Mỹ cùng Lãnh sự quán Mỹ ở Hà Nội chọn một số người tin cậy trong đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng trong đó có Phạm Đăng Hào đưa đi huấn luyện gián điệp. Việc tuyển chọn này rất nhanh và bí mật, ngay những người được chọn cũng không biết vì thế Phạm Đăng Hào không kịp báo cáo với ông Hai Thạch, nhưng anh nhớ lời ông dặn: “Nếu có điều kiện chui vào hàng ngũ của chúng để hoạt động thì càng tốt” Hào nghĩ thôi cứ đi rồi về báo cáo với ông Hai già cũng được!"

        Các tên còn lại trong số 16 tên cũng đều là ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động có tội với cách mạng, có nợ máu với nhân dân.

        Ngày 2-8-1954 tất cả 16 tên trong toán gián điệp được triệu tập đến một địa điểm để họp, rồi cả bọn bị đưa lên xe ô tô bịt bạt kín mít, có một nửa tiểu đội cầm súng gác. Bọn chúng đứa nọ đưa mắt nhìn đứa kia không hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra với chúng. Chúng hỏi nhau nhưng mấy tên lính cấm họ không được trò chuyện, không được vạch bạt nhìn ra ngoài. Xe đưa chúng xuống Hải Phòng, nhưng không dừng bánh ở đây mà xuống phà Bính qua Thủy Nguyên, Quảng Yên đến Hòn Gai rồi xuống một chiếc tàu há mồm đưa chúng ra vịnh Hạ Long nằm trong vịnh Bắc Bộ. Tới hải phận quốc tế cả bọn được chuyển lên một chiến hạm có số hiệu 125 của quân đội Mỹ rồi đi tiếp. Cho đến khi cả toán 16 tên đã lênh đênh trên biển Thái Bình Dương kể cả Cao Xuân Tuyên cũng không được phổ biến là mình đi đâu. Còn người lái xe ô tô chở chúng đi đã chịu một số phận bi thương là vĩnh viên, không ở trên cõi đời để bảo đảm bí mật của chuyến đi, sáu tên lĩnh hộ vệ đám 16 người này cũng không rõ đi đâu.

        Tàu chạy trên biển khơi ròng rã một tuần, nhiều tên trong bọn không quen sóng gió bị say sóng nôn thốc, nôn tháo trên sàn tàu. Tới cuối ngày di trên biển thứ bảy, tầu cập căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Ô ki na oa, Nhật Bản. Tại trung tâm tình báo quân sự của Mỹ ở đảo này, các cố vấn tình báo Mỹ bắt buộc bọn này khai lý lịch, kiểm tra sức khỏe và trải qua nhiều lần thẩm vấn kỹ càng theo đúng tiêu chuẩn khắt khe của tình báo Mỹ. Tất cả bọn chúng phải thay tên Việt cúng cơm mà đặt tên theo lối Pháp, Mỹ như Trần Cập mang tên Letsti, cũng tại đây, Trần Cập còn đổi tên là Trần Minh Châu, nhưng vì tên mới nên bao giờ cũng gọi kèm tên cũ là "Trần Minh Châu, tức Cập", Bùi Mạnh Hà tức Tiềm đổi tên là Bôtscô; Vũ Đình Đích, tức Hải đổi tên là Philip, Phạm Đăng Hào mang tên mới là Sác lơ ma nhơ...

        Qua việc thẩm vấn, khai lý lịch trên, các cố vấn Mỹ loại bỏ ba tên không phải vì lý do sức khỏe và lý lịch không rõ ràng mà vì họ vẫn chưa dứt bỏ được ông chủ cũ "Đại Pháp" của họ, các cố vấn tình báo Mỹ nói cho họ trở lại Việt Nam, nhưng điều đó làm sao mà chứng minh được, vả lại trong bọn họ cũng chẳng ai nghĩ đến người khác ngoài bản thân mình.

----------
        1. Các em của Phạm Đăng Hào như Phạm Đăng Mão là một trong số 36 chiến sĩ đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, sau hi sinh ở Mặt trận Phú Thọ; Phạm Thị Đường tham gia hoạt động từ kháng chiến chống Pháp, năm 1954 nhận lệnh di cư vào Nam hoạt động trong một đơn vị nội thành; Phạm Thị Bẩy cũng hoạt động từ rất sớm, sau trở thành con dâu đồng chí Phan Đăng Lưu nguyên bí thư Xứ ủy Nam Kỳ; Phạm Đăng Sỹ, thành ủy viên Hà Nội, Cục phó cục Tài sản công bộ Tài chính.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2020, 10:19:59 pm »


        Tháng 10-1954, mười ba tên còn lại được đưa lên máy bay tiếp tục cuộc hành trình mà bọn chúng cũng không rõ là đến xứ sở nào. Máy bay bay ròng rã một đêm thì hạ cánh xuống một sân bay dã chiến, ở trên máy bay bước xuống, bọn chúng ngồi túm tụm lại vì trời chưa sáng rõ chỉ nghe thấy tiếng sóng biển gầm gào hung dữ. Đến khi mặt trời xua tan lớp mây mù, bọn chúng mới giật mình vì chúng dừng chân ở đảo Guy am.

        Đảo Guy am nằm trong quần đảo Marianne nằm giữa Thái Bình Dương. Đây là căn cứ lớn của đế quốc Mỹ có nơi chuyên đào tạo gián điệp để tung vào phá hoại các nước Đông Nam châu Á.

        Bọn chúng chưa kịp hoàn hồn sau chặng đường dài hết tầu chiến lại máy bay thì cả bọn lại được đưa lên một chiếc xe quân sự che bạt kín mít rồi dừng lại ở một doanh trại trên bờ biển.

        Bọn chúng xuống xe mới có dịp quan sát một phần nhỏ của hòn đảo Guy am này. Trại lính nằm trên một vùng đất rất rộng nhưng hoang vắng, ngoài cây cối cằn cỗi, tiếng chim hải âu cùng tiếng sóng biển gầm, tiếng gió rít thì hầu như phần lớn hòn đảo này không có sự sống của con người. Cái gọi là doanh trại chỉ là khu nhà một tầng, nhưng mái hình tròn, kiểu nhà Viện trợ Mỹ. Có lẽ chỉ có kiểu nhà, cả mái đều bằng tôn hình tròn mới phù hợp với khí hậu có gió mạnh và bão tố quanh năm này. Quanh khu nhà đó là những dẫy nhà đổ nát không rõ do nạn động đất hay bão biển, sóng thần gây ra cách khu nhà khoảng vài ba kilômét có màu xanh của những cây dừa và mía, có lẽ đấy là khu dân cư của thổ dân, những người chủ đích thực của hòn đảo này. Tại đây bọn chúng được phát quần áo, giầy mũ giống như lính Nhật và không được phép ra khỏi doanh trại. Thực ra chúng có muốn đi cũng không được vì chung quanh trại có lính Mỹ gác súng tiểu liên lúc nào cũng lăm lăm trên tay.

        Toán tình báo 13 tên được tổ chức thành một lớp học do các chuyên gia tình báo Mỹ giảng, thông ngôn cũng là người Mỹ nói tiếng Việt.

        Các bài học đều là những môn cơ bản của nghề do thám như điều tra, quan sát, chụp ảnh các căn cứ quân sự, kinh tế, các đầu mối giao thông quan trọng, các bến tầu, bến xe. Chúng cũng học cách sử dụng mật mã, máy thông tin liên lạc, học cách sử dụng địa bàn và sửa chữa những hư hỏng nhỏ của các máy móc đó. Chúng cũng học cách làm quen, gợi chuyện, dùng tiền hủ hóa cán bộ, nhân viên Nhà nước, đưa họ vào con đường ăn chơi, trụy lạc rồi bắt bí, không chế làm nội gián, tuyên truyền xuyên tạc đường lối của Đảng, Chính phủ. Chúng cũng học cách mắc máy điện thoại để nghe trộm các cuộc đàm thoại của quân đội, công an và các đoàn thể Nhà nước cũng như cách trèo tường, vượt rào, mở khóa. Các cố vấn Mỹ đặc biệt chú trọng giảng dạy cách phản tuyên truyền bằng những luận điệu lừa bịp xuyên tạc chủ nghĩa Mác- Lênin, chống đối chủ trương của Đảng, Nhà nước. Bọn cố vấn Mỹ không quên dạy chúng phương pháp diễn thuyết, sử dụng truyền đơn, khẩu hiệu, thơ ca, hò vè, sách báo, tranh ảnh, thư nặc danh, phao tin đồn nhảm. Bọn chúng cũng tận dụng một bộ phận cư dân còn mê tín để sử dụng sấm trạng, xóc thể, bói toán, đồng cốt gây chia rẽ cán bộ với dân, bộ đội với dân nơi đóng quân...

        Những việc làm của chúng đều nhằm mục đích kích động một bộ phận nhân dân gây ra các vụ rối loạn chính trị như ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), Ba Làng An (Thanh Hóa).

        Bọn chúng tuy đều là sĩ quan, mật thám đã quen sử dụng vũ khí nhưng các cố vấn tình báo Mỹ vẫn dạy chúng cách sử dụng súng trường, súng tiểu liên, súng lục giảm thanh, các loại súng ám sát giống như bật lửa, tuýp đánh răng cho tới các loại súng lớn như ba-dô-ca, đại bác không giật, cối 61 li. Chúng còn học sử dụng thành thạo các loại mìn như mìn nổ, mìn điện, mìn cháy, mìn làm chảy sắt thép, mìn giống như hòn than kíp lê do Mỹ chế tạo, chông ba cạnh để bẫy thủng lốp ô tô.

        Đại úy Cao Xuân Tuyên trưởng toán còn được học một lớp riêng về phương pháp tổ chức một toán, một nhóm gián điệp, cách xây dựng màng lưới tình báo, cách mở rộng địa bàn hoạt động và không ghê tay khi phải thủ tiêu cấp dưới có nguy cơ bị lộ để bảo đảm bí mật của tổ chức gián điệp.

        Về chiến thuật, chúng được học kỹ thuật chiến đấu cá nhân, cách phục kích, cách phá vây, học lái xe ô tô, mô tô, xuồng máy và học võ thuật.

        Việc xác minh lí lịch, ý thức chính trị của học viên được các cố vấn Mỹ coi trọng ngay trong khi đang tiến hành khoá học. Đã có hai tên có xu hướng thân Pháp bị loại bỏ và vĩnh viễn không bao giờ trở lại đất nước đã sinh thành ra chúng mà chúng phản bội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2020, 10:20:42 pm »


        Ban đầu Lucium Conein và bọn giảng viên Mỹ định chương trình học sáu tháng, nhưng sau thấy công việc cấp bách là phải tung toán gián điệp biệt kích tới ba mục tiêu đã định trước khi quân Pháp rút khỏi Hải Phòng ba tháng để chúng còn kịp thời ổn định cho hai nhóm Hà Nội, Nam Định nên lớp học rút xuống còn bốn tháng. Sau khi học xong lý thuyết, bọn chúng được thực tập đánh phá một số mục tiêu như phá hoại một chiếc cầu, một đoạn đường sắt, một tháp nước, một căn nhà bỏ hoang trên đảo do bọn Mỹ phòng thủ và bảo vệ.

        Lớp học kết thúc ngày 8-2-1955 cả bọn 11 tên được đưa lên máy bay của nước Niu Gilân bay thẳng về Sài Gòn. Vừa đặt chân tới thành phố, bọn du học về được các cố vấn Mỹ như Lucium Conein, Paul cùng bọn trùm Đại Việt - Quốc Dân đảng như Đặng Văn Sung, Nguyễn Văn Thọ, Trần Ninh Hợi, Trần Khắc đón tiếp, khích lệ là “các chiến sĩ tiền phong chống Cộng", "chiến binh mở đầu Bắc tiến” và phong cho chúng hàm thiếu úy, trung uý.

        Trong những ngày đó bọn chúng được tiệc tùng linh đình, ăn chơi xả láng trong các nhà hàng, quán ba. Trước khi bọn chúng rời Sài Gòn, Đặng Văn Sung giao cho Cao Xuân Tuyên mở tiếp lớp học về tình hình thực tế ở miền Bắc , dạy chúng cách ăn mặc nói năng cho tới cử chỉ cho phù hợp với cán bộ, bộ đội, nhân dân miền Bắc vừa được giải phóng.

        Trước ngày bọn chúng lên máy bay ra Hải Phòng, thiếu tá tình báo Lucium Conein bắt tay từng tên một, động viên; “Tôi rất hy vọng rằng sẽ gặp lại các anh ngay trên đất miền Bắc”.

        Thượng tuần tháng 3-1955 Cao Xuân Tuyên ở lại miền Nam, 10 tên còn lại được đưa bằng máy bay quân sự ra sân bay Cát Bi, Hải Phòng, khu tập kết 300 ngày của quân Liên hiệp Pháp. Lucium Conein đã có mặt ở đó từ trước xác định một lần nữa nhiệm vụ của bọn chúng là:

        - Điều tra lấy tin tức bí mật quân sự chính trị, kinh tế của ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, có điều kiện thì phát triển sang các tỉnh khác, chuẩn bị cho chiến dịch, "Bắc Tiến" của đế quổc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam, lôi kéo những kẻ chống Chính phủ gây bạo động chính trị.

        - Móc nối với những người bất mãn như Thụy An, Phan Khôi trong nhóm Nhân Văn - Giai phẩm Mùa xuân, Mùa thu, tạp chí Đất Mới đả kích Đảng, Nhà nước Việt Nam, đấu tranh đòi tự do dân chủ theo kiểu tư sản như các báo Nhân Văn. Giai Phẩm đòi hỏi.

        - Tạo mọi cơ hội gây tiếng nổ phá hoại các công trình quân sự, giao thông, công nghiệp.

        - Tìm mọi cách ám sát cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và các nhà khoa học có tên tuổi.

        Trần Minh Châu tức Cập được Lucium Conein chỉ định là toán trưởng chỉ huy cả ba nhóm. Phạm Đăng Hào được chỉ định là toán phó được quyền giải quyết toàn bộ công việc của toán khi Trần Minh Châu đi vắng.

        Sau khi nhận nhiệm vụ của Lucium Conein, Trần Minh Châu tức Cập bàn với Phạm Đăng Hào:

        - Đặc vụ của "đội quân tiên phong Bắc Tiến" anh đã rõ, bây giờ tôi phân chia làm ba nhóm như sau: nhóm Hà Nội có tôi, Phạm Văn Lan tức Tùng, Nguyễn Sỹ Hoằng, Nguyễn Thị Nghĩa do tôi trực tiếp làm nhóm trưởng; nhóm Hải Phòng có Bùi Mạnh Hà (tức Tiềm) và Xuyên, do Bùi Mạnh Hà làm nhóm trưởng; nhóm Nam Định có Vũ Đình Đích do Đích làm nhóm trưởng.

        Từ hôm ở Sài Gòn ra Hải Phòng. Phạm Đăng Hào nóng lòng muổn gặp ông Hai Thạch để báo cáo tường tận về toán gián điệp biệt kích có nguy hại đến nền an ninh quốc gia, cơ quan công an cần phải biết sớm để có kế hoạch đối phó nhưng phải khôn khéo tìm cách về Hà Nội trước bọn chúng. Vì vậy khi Trần Minh Châu bàn về tổ chức các nhóm, anh muốn biết rõ hơn nhiệm vụ của từng tên trong ba nhóm liền nói:

        - Chúng ta có 10 người đi dự học ở Guy am về lại còn một số người nằm vùng như Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Tùng (tức Lan) Nguyễn Sĩ Hoằng, Nguyễn Thị Nghĩa hãy chia cho đủ, nhóm Hà Nội, Hải Phòng tạm được; còn nhóm Nam Định có một mình Vũ Đình Đích làm sao xoay xỏa nổi?

        Trần Minh Châu trả lời:

        - Điều đó không lo, tôi có một số cơ sở tin cậy ở Nam Định, Ninh Bình tôi sẽ cùng đi với Đích để phát triển. Bùi Mạnh Hà, cũng có cơ sở ở Hải Phòng, ta không lo thiếu người. Còn vũ khí, điện đài, tôi chia đều cho ba nhóm, riêng nhóm Hải Phòng được trang bị mìn than để phá tầu hỏa. Sau này sẽ bổ sung vì Nguyễn Thị Nghĩa đang còn giữ một kho vũ khí, điện đài ở Hà Nội, còn ở Hải Phòng, ta cũng có vài kho dự trữ nữa...

        Phạm Đăng Hào nói:

        - Ta phải đặt mật danh cho ba nhóm để bảo đảm bí mật.

        Trần Minh Châu trả lời ngay:

        - Tôi đã dự kiến, anh nghe xem có được không, nhóm Hà Nội lấy mật danh là An Trạch, nhóm Hải Phòng lấy mật danh là Hải An còn nhóm Nam Định lấy tên là Đồng Văn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2020, 10:21:02 pm »


        Hào hỏi:

        - Sao không lấy một địa danh cũ ở tỉnh, thành đó như Nam Định thì lấy tên là Sơn Nam, Hà Nội lấy tên là Long Biên, tại sao Đồng Văn làđịa danh của Hà Nam mà anh lại lấy đặt cho Nam Định?

        Trần Minh Châu cười:

        - Không nhất thiết phải như vậy, thí dụ ta đặt mật danh nhóm Nam Định là Đồng Văn, nếu có sơ suất lộ ra điều gì thì công an sẽ đổ xô về Hà Nam tìm kiếm, thì nhóm ở Nam Định đã cao chạy, xa bay rồi.

        Phạm Đăng Hào thấy rõ thủ đoạn nham hiểm của Trần Minh Châu từ việc đặt tên cho các nhóm thì mình không thể khinh suất được liền nói:

        - Anh nghĩ xa như vậy thật là chu đáo, nhưng bây giờ chúng ta phải làm gì?

        Trần Minh Châu trả lời:

        - Ông Lucium Coine nhắc ta ém quân xong càng sớm càng tốt, cho nên tôi định đi Hà Nội sau đó đi Nam Định, anh ở lại cai quản tụi nó.

        Vối lòng mong muôn phải sớm báo cáo vụ gián điệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh Tổ quốc tối cơ quan Công an càng sớm càng tốt, Phạm Đăng Hào nói:

        - Đây là vùng tập kết 300 ngày, ta lo gì, tôi với anh cùng đi Hà Nội gặp Tùng, Sơn, Nghĩa, Hoằng và chuẩn bị nơi “lót ổ” cho cả hai nhóm ở Hà Nội và Nam Định.

        Trần Minh Châu tỏ vẻ băn khoăn:

        - Cơ sở ở Hà Nội có nhiều nhưng chọn được nơi an toàn đâu có dễ dàng gì?

        Biết Trần Minh Châu đang lo lắng địa điểm tập kết ở Hà Nội, Phạm Đăng Hào tỏ ra sốt sắng:

        - Nhà tôi, đó là căn nhà ở 25 phố Quán Thánh là an toàn hơn cả, cả hai nhóm ở đó cho đến khi tìm được chỗ đứng chân chắc chắn mới chuyển đi

        Trần Minh Châu sung sướng:

        - Vậy mà tôi không nghĩ ra, được địa điểm nhà anh thật quá lý tưởng. Vậy anh lo việc này, cần thêm địa điểm dự trữ, còn tôi lo móc nối với anh em ở Hà Nội.

        Sau khi đã nắm vững "nhân sự" các nhóm, Phạm Đăng Hào hỏi tiếp:

        - Vậy ngày mai lên đường, ta đi ô tô hay tầu hỏa?

        Trần Minh Châu trả lời:

        - Đi tầu hỏa đông người dễ trà trộn hơn, nhưng mỗi người đi một toa.

        Phạm Đăng Hào muốn đến Hà Nội trước liền nói:

        - Đi cùng một chuyến không ổn, tôi đi chuyến sáu giờ sáng, còn anh đi chuyến tầu 12 giờ trưa.

        Trần Minh Châu trả lời:

        - Thế cũng được, nhưng sớm tối ngày thứ năm phải có mặt ở Hải Phòng, để sáng thứ sáu báo cáo với ông Lucium Coine.

        Phạm Đăng Hào cười:

        - Ô kê...

        Sáng đó Phạm Đăng Hào đi chuyến tầu sáu giờ sáng lên Hà Nội. Thông thường anh đến ga Đầu cầu Long Biên thì xuống để về nhà nhưng chuyến này anh xuống ga Hàng cỏ rồi về phố Khâm Thiên đến ngõ Thổ Quan vào một căn nhà nhỏ một mái ở bên số lẻ, trước cổng có cây dâu da xoan là địa điểm liên lạc với ông Hai Thạch. Người chủ nhà cho biết ông Hai Thạch đi họp phải ba ngày nữa mới tới, Phạm Đăng Hào nghĩ: "Nêu chờ ba ngày nữa thì bọn Trần Minh Châu đã đưa cả hai nhóm Hà Nội, Nam Định vào nơi an toàn, phải tìm mọi cách để ông Hai Già, hay đến ngay đồn công an trình diện và kể rõ mọi việc về toán gián điệp này, nhưng anh lại sợ Trần Minh Châu cho người theo dõi phát hiện anh có liên hệ với công an nên lại bỏ ý định đó".

        Cuối cùng Hào nhớ ra một thủ tục đơn giản là những người sống ở Hải Phòng - vùng tập kết 300 ngày của quân đội Liên hiệp Pháp tới Hà Nội đều phải đến trình giấy thông hành ở đồn công an ga Hàng Cỏ. Nghĩ thế Phạm Đăng Hào quay lại ga, tới nơi anh thấy người đứng xếp hàng chờ trình giấy rất đông, anh liền vào cuối hàng, không lâu, sau lưng anh đã có vài chục người. Đến lượt mình trình giấy, khai báo xong, anh viết vào mảnh giấy trắng dòng chữ: "Cho tôi gặp Đồn trưởng báo cáo một việc quan trọng". Trực ban liếc nhìn mấy dòng chữ liền nói to để mọi người khỏi nghi ngờ:

        - Giấy thông hành của anh đã quá hạn 20 ngày, anh vào phòng trong giải quyết.

        Nói rồi trực ban dẫn anh vào gặp Đồn trưởng. Vừa vào tới nơi Hào đã nói:

        - Tôi được ông Hai Thạch cán bộ công an Hà Nội cử đi làm nhiệm vụ ở Hải Phòng, tôi đến trạm liên lạc thì ông đi họp, nhờ anh nói giúp với ông Hai Thạch tôi báo cáo một việc khẩn cấp.

        Đồn trưởng đoán việc này chắc chắn có quan hệ đến an ninh quốc gia liền gọi điện về công an thành phố. Anh nói chuyện trong máy một lúc rồi quay ra nói với Hào:

        - Anh cứ về nơi anh vừa đến, sẽ có người đến gặp anh.

        Hào cảm ơn viên đồn trưởng, ra gọi xích lô đi đến đầu ngõ Thổ Quan thì xuống xe, anh vừa bước vào trong nhà đã thấy ông Hai Thạch ngồi chờ ở đó. Anh báo cáo ngay việc mình được CIA và Đặng Văn Sung đưa đi cùng một toán sang đảo Guy am huấn luyện gián điệp rồi tung ra phá hoại miền Bắc. Trưa hôm nay Trần Minh Châu tức Cập sẽ đi từ Hải Phòng lên Hà Nội để gặp bọn Nguyễn Văn Sơn, Tùng cắt tóc, Hoằng sinh viên sau đó đi Nam Định móc nối với bọn nằm vùng ở đó đón Vũ Đình Đích.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2020, 10:21:19 pm »


        Ông Hai Thạch nghe xong khen ngợi:

        - Đây là vụ án gián điệp nguy hiểm, anh báo cáo sớm như vậy cơ quan an ninh rất hoan nghênh, chúng tôi sẽ triển khai ngay kế hoạch bao vây, giám sát ngay từ khi tên Châu đặt chân tới Hà Nội. Từ nay tôi sẽ có mặt ở trạm liên lạc từ 17 giờ đến 19 giờ các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy, từ nay anh mang bí số HG và nhớ tường trình chi tiết về toán gián điệp này vào buổi gặp sau.

        Sau khi báo cáo với ông Hai Thạch về toán gián điệp trên, Hào mới yên tâm trở về nhà ở nhà ở 25 phố Quán Thánh.

        Nguyễn Văn Sơn tuy là "chánh văn phòng" đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng khu vực Hà Nội, nhưng kể từ tháng 7-1954 khi hình thành toán gián điệp C30 từ khi tuyển chọn người đi học ở đảo Guyam đến khi bọn này trở về Hải Phòng thì Nguyễn Văn Sơn vẫn như người đứng ngoài cuộc. Anh chỉ được Cao Xuân Tuyên, giao cho ở lại Hà Nội "chờ đợi người của thế giới tự do Bắc tiến"

        Cho mãi tới hạ tuần tháng 5-1955 Trần Minh Châu tức Cập ở Hải Phòng đi tầu hỏa tới ga Hà Nội vào hồi 16 giờ 30, hắn đến nhà số 9 phố Hàng Mành gặp Phạm Văn Lan tức Tùng bàn bạc công việc. Đến 20 giờ, Châu sai Tùng đến nhà số 54C phố Hàng Đào báo cho Sơn đến nhà mình gặp Trần Minh Châu tức Cập, anh mới chắp mối liên lạc được với bọn này.

        Nhận được tin này, đúng giờ hẹn, Sơn đến ngay nhà tên Tùng để gặp Trần Minh Châu, Anh tỏ ra mừng rỡ vì "gặp người của ta" ra bắt liên lạc. Châu bảo Tùng đóng cửa hàng sớm rồi cả ba vào trong gian phòng sép ở phía trong trò chuyện. Trong câu chuyện, Châu không hề nhắc đến toán gián điệp biệt biệt kích vừa đi học ở đảo Guy am về đã có mặt ở Hải Phòng mà chỉ nói "người của ta" sắp lên Hà Nội và Nam Định, các anh có nhiệm vụ bố trí nơi ăn nghỉ và tạo việc làm hợp pháp cho họ và tìm nơi cất dấu vũ khí, điện đài... Sơn hứa tích cực chuẩn bị địa điểm nhưng thực ra anh biết mọi việc đã được Đặng Văn Sung, Cao Xuân Tuyên sắp xếp đâu vào đấy từ khi Hà Nội còn nằm trong sự kiểm soát của quân Pháp, ví như việc bố trí cho Phạm Văn Lan (Tùng) mở hiệu cắt tóc, đào hầm chứa vũ khí ở nhà Nguyễn Thị Nghĩa, chi tiền cho Phạm Đăng Hào mua xe ô tô chạy tuyến Hà Nội -  Nam Định để chở khách và hàng hóa nhưng thực ra là để chở vũ khí, tài liệu phản động.

        Trong buổi gặp gỡ lần này cũng chẳng có gì mới mẻ, chỉ có việc đón bọn ở Hải Phòng lên "lót ổ" ở Hà Nội , Nam Định. Còn phương thức hoạt động vẫn là phao tin thất thiệt, phản tuyên truyền, lôi kéo những người trước kia đã cộng tác với Pháp, những cán bộ, nhân viên Nhà nước biến chất, bất mãn với chế độ vào tổ chức gián điệp.

        Sơn tỏ ra hăng hái, làm tất cả những việc mà Trần Minh Châu nêu ra. Anh thấy tên Tùng mặt mày rạng rỡ, gật đầu lia lịa, đôi lúc còn phụ họa những điều mà Châu nêu ra. Sơn ở nhà tên Tùng tới 10 giờ khuya, tuy đã muộn nhưng anh vẫn đến nhà Đoàn Vy ở số nhà 26 phố Hàng Gai. Đoàn Vy là chủ hiệu may lớn, đồng thời là cơ sở tin cậy của công an nội thành từ những năm kháng chiến 9 năm để hẹn gặp đồng chí Tạ Văn Minh báo cáo.

        Đúng ngày giờ hẹn, đồng chí Tạ Văn Minh đến số nhà 26 phố Hàng Gai, nghe Nguyễn Văn Sơn báo cáo về sự xuất hiện Trần Minh Châu tức Cập ở Hà Nội và những công việc hắn giao cho anh và tên Tùng trong đó việc trọng tâm là chuẩn bị đón bọn gián điệp lên Hà Nội và Nam Định.

        Đồng chí Tạ Văn Minh chăm chú nghe, hỏi lại một số việc Sơn báo cáo tóm tắt rồi chỉ thị cho anh tiếp tục bám sát các hoạt động của bọn chúng, trong đó có tên Tùng là cơ sở tin cậy của hắn báo cáo kịp thời.

        Sau khi ở nhà Đoàn Vy về, Tạ Văn Minh đến ngay nhà đồng chí Lê Quốc Thân giám đốc công an Hà Nội kiêm trưởng ban chuyên án C30 để báo cáo, xin chỉ thị.

        Sau cuộc gặp gỡ tay ba Trần Minh Châu -  Phạm Văn Lan tức Tùng - Nguyễn Văn Sơn, Trần Minh Châu đáp tầu hỏa về Hải Phòng vào chuyến 3 giờ sáng hôm sau. Chừng một tuần sau Trần Minh Châu cho Nguyễn Sĩ Hoằng tức Nguyễn Văn Sinh là sinh viên năm thứ ba trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nội dung cuộc gặp cũng không khác gì hồi anh gặp Châu ở nhà tên Tùng mà chỉ là thúc giục họ nhanh chóng tìm nơi cư trú, tìm một nghề thích hợp cho Châu và bọn đàn em khi đến Hà Nội. Tên Hoằng còn chuyển lời của Châu là anh phải hoạt động mạnh hơn nữa trong giới trí thức, tư sản để kích động họ chống Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gia nhập tổ chức của chúng. Sơn lập tức báo cáo về hộp thư về tên Hoằng - một tên mới xuất hiện trong toán gián điệp C30 để lực lượng an ninh khống chế, giám sát.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2020, 10:21:37 pm »

 
        Để tạo cho mình có "vẻ mặt trí thức sáng giá" hơn thân phận gia sư, Nguyễn Văn Sơn được Đặng Duy Tá tức Lê Hưng giới thiệu vào ban Giám hiệu trường tư thục dạy nghề do một kỹ sư cơ khí quen biết Tá làm hiệu trưởng, Sơn làm ủy viên ban giám hiệu phụ trách thư ký kiêm thu ngân. Vào hồi đó đấy là một trường lớn ở Hà Nội vừa dạy chữ vừa dạy nghề phay, bào thu hút khá nhiều người tới học.

        Từ khi giữ chân ủy viên ban giám hiệu, Sơn mở rộng được mối quan hệ trong giới tư sản, trí thức.

        Sau cuộc gặp gỡ với Tùng và Sơn ở Hà Nội, Trần Minh Châu ổn định nhóm gián điệp ở Hải Phòng do Bùi Mạnh Hà tức Tiềm làm nhóm trưởng. Để có vỏ bọc hợp lý Bùi Văn Hà đã đóng vai một nhà tư sản giầu có, sẵn tiền - thực ra tiền đó là do Trần Minh Châu giao cho, rủ rê, lôi kéo Nguyễn Văn Hồng - một nhà tư sản trước kia thân Pháp có nhiều hành động làm hại kháng chiến chung vốn mở nhà in để chủ động in ấn truyền đơn phản động chống Đảng, Nhà nước ta, ca ngợi bè lũ đế quốc Mỹ và tay sai, kích động số phần tử quá khích, bất mãn trong nhân dân bạo loạn chính trị.

        Tuy làm chủ nhà in nhưng Bùi Mạnh Hà ít khi có mặt ở xưởng, mọi công việc đều giao cho Lê Văn Hồng quản lý, còn hắn thì la cà ở bến tầu, bến xe, chợ búa để tung tin thất thiệt như hạm đội Mỹ đang tiến vào vịnh Bắc Bộ có thể nổ súng vào đất liền bất kì lúc nào, tung tin lũ lụt ở Bắc Giang, Bắc Ninh tàn phá 5-6 huyện, hơn 1000 người bị nước lũ cuốn trôi. Hắn còn trắng trợn tung tin Chính phủ Kháng chiến vào tiếp quản Hải Phòng sẽ đưa tất cả những người cộng tác, buôn bán với Pháp lên giam giữ ở trên rừng cho tới chết..

        Ổn định xong nhóm ở Hải Phòng, Trần Minh Châu khẩn trương đưa người của các nhóm Hà Nội, Nam Định vào vị trí. Khi mới đặt chân tới Hà Nội, Trần Minh Châu và Phạm Đăng Hào để cả hai nhóm ở nhà Hào số nhà 25 phố Quán Thánh, Hà Nội.

        Nhờ có tên Tùng và mụ Nghĩa quen biết nhiều ở Hà Nội, đã thuê cho Trần Minh Châu một gian nhà mặt đường để mở cửa hàng sửa chữa xe đạp. Cập quen ăn chơi trác táng không quen lao động tay chân nên vẫn chứng nào tật ấy dân phố xì xào bàn tán. Để Cập ở lâu phố Hàng Rươi sẽ bị lộ, Tùng liền cho thuê một gian nhà nhỏ ở trong ngõ phố Quán Thánh cho Cập ở, hàng ngày Cập đẩy xe nước mía ra bán ở vườn hoa Hàng Đậu. Cập thấy mình đã đứng tuổi mà độc thân, nay nhà thổ này, mai quán ba khác, dân phố sẽ sinh nghi liền lấy một gái làng chơi đã từng là tình nhân của hắn mấy năm trước làm vợ hờ.

        Trong khi đó thì Phạm Đăng Hào đã cùng Vũ Đình Đích đi thành phố Nam Định. Cập giao cho Đích tiền mua một chiếc xe tắc xi chạy đường Nam Định - Hà Nội để che mắt mọi người và chủ động chuyên chở vũ khí, tài liệu. Đích thuê một ngôi nhà hoang vắng ở ngoại thành Nam Định để ở và cũng là nơi tụ tập tay chân cho kín đáo.

        Như vậy là chỉ trong hai tháng cả toán đã có nơi cư trú ổn định, có nghề nghiệp để che mắt công an và những người láng giềng tò mò. Trần Minh Châu bàn với Phạm Đăng Hào gọi điện vào Nam báo cho Cao Xuân Tuyên là kẻ được các cố vấn tình báo Mỹ và thủ lĩnh đảng Đại Việt - Quốc Dân 94 đảng Đặng Văn Sung giao cho giữ đầu mới liên lạc với toán gián điệp đang hoạt động ở miền Bắc. Bọn chúng nhận được mệnh lệnh là phải tiến hành ngay việc tuyên truyền chống Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ám sát một số cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước và các nhà khoa học có tên tuổi.

        Nhận được mệnh lệnh trên, lập tức Trần Minh Châu, Phạm Đăng Hào thúc ép các nhóm khẩn trương hoạt động. Bùi Mạnh Hà tức Tiềm vốn là tên chống Cộng khét tiếng từ thời theo Pháp nên nhận được lệnh của Trần Minh Châu là hắn vào cuộc ngay. Điều Hà quan tâm vẫn là tuyên truyền xuyên tạc, tung tin thất thiệt, gây chiến tranh tâm lý. Hắn phản tuyên truyền kín đáo cứ như nghe sao nói vậy, mà thường chỉ là câu chuyện làm quà, nên không mấy người nghĩ rằng mình bị tuyên truyền kích động. Cùng trong khi phản tuyên truyền, Bùi Mạnh Hà đã lôi kéo được Bùi Văn Lưu, nhân viên một cơ quan thoái hóa tham ô tiền của Nhà nước bị kỉ luật, sinh ra bất mãn, nói xấu chế độ. Bùi Mạnh Hà đã cung cấp tiền cho hắn ăn chơi rồi mua chuộc, khống chế buộc phải làm những việc mình sai khiến. Sau mấy lần thử thách Hà thấy Lưu thực sự trung thành với mình mới giao cho hắn giữ điện đài.

        Bùi Mạnh Hà không những chỉ tung tin phản tuyên truyền mà còn đi do thám các vị trí quân sự, bến cảng, nhà ga, kho xăng dầu. Để nắm được các hoạt động ở cảng Hải Phòng, hắn đóng vai người câu cá ở gần bến tầu để theo dõi số tầu ra vào cảng, lượng hàng hóa chứa trong các kho. Để điều tra các hoạt động của sân bay Cát Bi hắn đã cải trang như dân nghèo, áo nâu rách, quần cộc, ngang lưng đeo giỏ đi bắt cáy ở đầm lầy sát sân bay để điều tra số máy bay lên xuống, loại máy bay... Do nhóm của Hà được Mỹ trang bị loại "mìn than" để phá đầu máy xe lửa và các nhà máy có lò cao chạy bằng than, hắn thường xuyên "để mắt" đến nhà ga Hải Phòng để tìm cơ hội lọt được vào khu cấp than đặt "mìn than" lẫn vào trong đống than cấp cho đầu máy xe lửa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2020, 10:22:33 pm »


        Nhóm ở Hà Nội hoạt động cũng không kém phần kết quả. Trần Minh Châu bán nước mía ở vườn hoa Hàng Đậu một thời gian, thấy dân phố nhìn mình với ánh mắt nghi ngờ, hắn liền bỏ nghề đó, dọn đi nơi khác hùn vốn với một công ty tư nhân để kinh doanh. Sau hắn thấy làm chung gò bó không có thời gian hành nghề gián điệp liền rút vốn ra đi làm thư ký cho một hãng buôn tư nhân. Nhưng hoạt động có hiệu quả hơn ở cả nhóm Hà Nội phải kể đến Nguyễn Sỹ Hoằng tức Nguyễn Văn Sinh. Hắn là con một gia đình địa chủ và là em ruột Nguyễn Sỹ Thuyên một gián điệp nhà nghề của Mỹ trước khi di cư vào Sài Gòn đã dặn em: "nhà ta đã 4 đời cộng tác với Pháp, Nhật và Mỹ có thâm thù với cộng sản, em ở lại khi có người của "thế giới tự do đến liên lạc thì ra hoạt động". Hoằng có lợi thế là sinh viên năm thứ ba trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tuy chưa qua khóa đào tạo chính qui nào, nhưng hắn lại có nhiều thủ đoạn phản tuyên truyền tinh vi. Hắn đã thu thập có kết quả các hoạt động của nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, Đất Mới, tuyên truyền các bài báo kích động mọi người chống Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong đó có bức tranh biếm họa "Ông Cảnh giác soi gương kêu địch đây rồi!" đăng trên báo Nhân Văn để chế riễu lực lượng an ninh, chế riễu tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân ta.

        Việc tên Hoằng đưa bức tranh châm biếm trên ra chế riễu lực lượng an ninh và tinh thần cảnh giác của nhân dân nó có thâm ý sâu xa là chống lại nghị quyết Trung ương lần thứ 14 phần nói về "bảo vệ an ninh Tổ quốc" như sau: "Bọn tay sai của chủ nghĩa đế quốc và Ngô Đình Diệm bao gồm bọn gián điệp, bọn phá hoại, bọn thổ phỉ, biệt kích, bọn phản động đội lốt tôn giáo, những phần tử địa chủ ngoan cố chống chế độ vẫn ngấm ngầm hoạt động phá hoại miền Bắc. Đối với bọn chúng, ta cần phải luôn luôn cảnh giác và trấn áp kịp thời"

        Nguyễn Sỹ Hoằng đã tận dụng tất cả những bài báo trên các báo Nhân văn, Giai phẩm Mùa xuân, Giai phẩm Mùa thu, Đất mới của sinh viên có xu hướng đòi tự do dân chủ tư sản để đầu độc, kích động sinh viên chống chủ trương xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất đất nước, làm tê liệt tinh thần cảnh giác cách mạng trong sinh viên, học sinh, dần dần đi tới đồng loã với các hành động phá hoại an ninh chính trị, trật tự xã hội của bọn phản động.

        Nguyễn Sỹ Hoằng còn tận dụng các chuyến "sinh viên đi thực tế" để điều tra các hoạt động kinh tế, trình độ quản lý khoa học của cán bộ các nhà máy, lôi kéo các phần tử bất mãn ở các nhà máy chông đối chủ trương công nghiệp hóa. Hoằng còn gieo rắc sự hoài nghi trong đám công nhân mới được tuyển dụng vào các nhà máy là "chủ trương của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa khôi phục kinh tế trong 2 năm 1955-1956 là điều không thể thực hiện được"

        Hoằng còn được Trần Minh Châu giao cho giữ đầu mối liên lạc giữa các tên hoạt động ở Hà Nội, để báo cho Phạm Văn Lan (tức Tùng) tổng hợp báo cho Trần Minh Châu và truyền đạt mệnh lệnh của Trần Minh Châu đến các tên trong nhóm ở Hà Nội.

        Trước những hoạt động có kết quả của Nguyễn Sĩ Hoằng, Trần Minh Châu điện vào Sài Gòn là sẽ tạo mọi điều kiện, cho Hoằng thi đỗ khoa Chế tạo máy trường Đại học bách khoa để được bố trí vào làm việc tại một cơ quan khoa học ở Trung ương như ủy ban Khoa học Nhà nước hay Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để luồn sâu, leo cao phục vụ cho kế hoạch xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ. Phạm Văn Lan (tức Tùng) trong vai thợ cắt tóc, nhờ có cửa hàng khang trang sạch sẽ, và tài kể chuyện vui, khéo léo gợi chuyện với từng loại khách nên khách hàng ai cũng muốn tỏ ra mình là người hiểu biết chuyện trên trời, dưới biển, nên hết kể chuyện giá cả thị trường đến chuyện đường phố rồi chuyện cơ quan. Để giữ chân khách và để khách dốc hết bầu tâm sự, khoe khoang sự hiểu biết của mình, Lan đã sắm một bàn cờ tướng, lại pha sẵn cả chè tươi đãi khách. Thế là "cờ ngoài, bài trong" người đánh thì ít, người xúm vào xem, mách nước thì nhiều. Với tài khéo gợi chuyện của mình, một số cán bộ ở các cơ quan Nhà nước đến đó "không khảo mà xưng" đã nói ra hết những điều chỉ được phép nói trong các cuộc họp ở cơ quan. Nhờ các cuộc trò chuyện đó Phạm Văn Lan đã lựa chọn, chắt lọc được một lượng thông tin quan trọng để đưa vào bản báo cáo cho toán trưởng Trần Minh Châu.

        Nhóm Nam Định của Vũ Đình Đích cũng tỏ ra không thua kém. Đích đã mua chuộc được Trần Ngọc Giao tức Diu làm giao thông liên lạc giữa Hà Nội - Nam Định. Đích còn dụ dỗ được Bùi Công Kỳ là con một địa chủ, cường hào ở tỉnh Ninh Bình. Hồi Pháp chiếm đóng, Kỳ làm mật thám, chỉ điểm cho Pháp bắt cán bộ vào hoạt động ở vùng địch hậu, đánh phá cơ sở cách mạng ở vùng địch hậu và vùng giáp ranh. Hòa bình, hắn đã được học tập cải tạo, nhưng vẫn "ngựa quen đường cũ". Không hoạt động chính trị được thì buôn lậu, chỉ từ đầu năm đến cuối năm 1955 hắn đã bốn lần bị bắt về tội buôn lậu. Kỳ được Đích giao cho hoạt động gián điệp ở tỉnh Ninh Bình.

        Trong khi bọn Trần Minh Châu tức Cập ráo riết hoạt động thì các chiến sĩ tình báo của ta lọt được vào tổ chức này như Sơn (T31), Sự (T15), Thái (T20), Trang (T35) Hào (HG) đã theo dõi, giám sát chặt chẽ nắm được phần lớn hoạt động của từng tên. Vì vậy tất cả các hoạt động của toán gián điệp này đều bị giám sát, khống chế, nên chúng không gây được vụ nổ nào, kể cả việc chúng dùng "mìn than" xếp lẫn vào than chạy đầu máy xe lửa, chúng cũng không gây một vụ mất an ninh chính trị nào như biểu tình, bãi khóa, bãi thị dù là rất nhỏ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2020, 10:23:04 pm »

 
V- T31 VÀO SÀI GÒN LẦN THỨ NHẤT

        Kể từ khi toán gián điệp C30 đặt chân tới Hải Phòng rồi phát triển lên Hà Nội và Nam Định thì Trần Minh Châu tức Cập vẫn không sắp xếp Nguyễn Văn Sơn vào hoạt động cho nhóm nào và cũng không giao nhiệm vụ cụ thể nào cho anh. Kể từ khi quân đội Liên Hiệp Pháp rút khỏi Hà Nội thì tổ chức Đại Việt - Quốc Dân đảng ở Hà Nội hầu như cũng không có hoạt động nào, nên Nguyễn Văn Sơn hầu như là người đứng ngoài cuộc vụ gián điệp C30 này.

        Tới tháng 5-1956 bọn cầm đầu tình báo CIA ở Sài Gòn muốn nắm thật chắc toán gián điệp do Tình báo Thủy quân lục chiến Mỹ và Lãnh sự quán Mỹ ở Hà Nội tuyển lựa người của đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng do Trần Minh Châu tức Cập đang hoạt động ở miền Bắc liền điện cho Trần Minh Châu cử người vào Nam báo cáo trực tiếp. Nhận được mệnh lệnh trên, Cập rất mừng vì chúng đã hết tiền tiêu đang muốn xin CIA tiếp tế.

        Trần Minh Châu nhận thấy cho người vượt biển hoặc vượt núi Trường Sơn vào Nam rất nguy hiểm vì khó lòng qua được sự kiểm soát gắt gao của các lực lượng bộ đội, công an, dân quân và sự cảnh giác của người dân, chỉ có cách đi theo đường "quan hệ Bắc Nam" qua cầu Hiền Lương một cách công khai là an toàn nhất. Trần Minh Châu biết rõ Nguyễn Văn Sơn có người bác họ là ông bà Đức Long di cư vào Sài Gòn từ năm 1954, mở cửa hiệu tơ lụa , vải vóc ở đường Lê Lợi, thành phố Sài Gòn, vì thế Châu nói với Sơn:

        - Theo điện từ Sài Gòn yêu cầu ta phái người vào báo cáo với người Mỹ và trung ương Đại Việt -  Quốc Dân đảng về các hoạt động của toán và nhận mệnh lệnh từ các cố vấn Mỹ về các hoạt động sắp tới và cũng xin viện trợ tiền, hàng. Nguyễn Văn Sơn chưa biết nhận hay từ chối vì chưa nhận được chỉ thị của ban chuyên án, nên trả lời:

        - Được các anh tin tưởng giao cho đi công cán ở miền Nam tôi lo không đảm đương nổi, anh cho tôi suy nghĩ đến sáu giờ chiều mai tôi trả lời.

        Trần Minh Châu khích lệ:

        - Với tài của anh tôi tin là anh hoàn thành xuất sắc công vụ này, anh cứ suy nghĩ đi, đến 18 giờ mai gặp tôi.

        Sau khi tiễn Trần Minh Châu ra về, Nguyễn Văn Sơn lập tức đến hộp thư xin gặp khẩn cấp đồng chí Tạ Văn Minh để báo cáo xin ý kiến trưởng ban chuyên án Lê Quốc Thân.

        Ngay sau khi nghe Nguyễn Văn Sơn trình bày cuộc nói chuyện giữa Sơn và Trần Minh Châu, Minh báo cáo ngay với đồng chí Lê Quốc Thân giám đốc Công an Hà Nội, trưởng ban chuyên án C30. Đồng chí Thân nhận thấy việc "đánh" người vào Nam rất quan trọng liền làm ngay đề án rồi báo cáo với bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Đồng chí Bộ trưởng rất quan tâm đến vụ án gián điệp lớn này vẫn thường xuyên nghe đồng chí Thân báo cáo và chỉ đạo cụ thể từng bước. Nay đọc đề án và nghe đồng chí Thân báo cáo trực tiếp về vụ này, đồng chí Bộ trưởng đã nhất trí vởi chủ trương của ban chuyên án "đánh" T31 vào Sài Gòn tiếp cận tình báo CIA và trung ương Đại Việt - Quốc Dân đảng nhằm tìm hiểu thêm âm mưu của chúng đối với miền Bắc, đồng thời thăm dò tình hình đồng chí T20 do Trần Minh Châu phái vào từ trước và ban chuyên án cũng giao nhiệm vụ, nhưng không nhận được tin tức gì.

        Được ban chuyên án giao nhiệm vụ, đích thân đồng chí Lê Quốc Thân mời cơm thân mật, dặn dò Sơn cách đối phó với tình báo CIA và bọn trùm Đại Việt - Quốc Dân đảng và khai thác những bí mật mà đến nay chúng ta chưa nắm được, Nguyễn Văn Sơn biết là chuyến đi này nguy hiểm nhưng vẫn chấp hành mệnh lệnh của cấp trên một cách nghiêm túc. Sơn trở về nhà đem tấm ảnh anh chụp với người vợ yêu qúy, tấm ảnh của mẹ, ảnh của bé Khôi ra ngắm nghía, anh muốn đem tất cả ba tấm ảnh này đi trong chuyến công tác này. Song anh giữ đúng nguyên tắc hoạt động bí mật khi đi vào đất địch không được đem bất cứ thứ gì liên quan đến gia đình, quê hương, cơ quan, anh chỉ đem tấm ảnh bé Khôi còn hai tấm ảnh kia gửi lại Đặng Duy Tá1.

----------
        1. Khi vụ gián điệp C30 bị phác giác, ông Đặng Duy Tá đã  giao hai tấm ảnh trên cho em gái ruột mình là bà Đặng Thị Hoài, vợ ông giáo Vũ Văn Quýnh ở thôn Nghĩa Trang gọi cụ Vũ Thị Nghiêm là cô ruột giữ cho đến tháng 10-1975, ông Đỗ Văn Kha về nhà, bà Hoài mới trao lại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2020, 10:23:44 pm »


        Đúng giờ hẹn, Nguyễn Văn Sơn đến báo tin cho Trần Minh Châu biết mình sẵn sàng vào Sài Gòn theo sự phân công của hắn. Trần Minh Châu mừng rỡ liền bỏ phần lớn số tiền của toán hiện có để mua các đặc sản như tinh dầu cà cuống Thanh Trì, chè Bắc Ba, hạt sen Phố Hiến để Sơn đem vào biếu Đặng Văn Sung, Cao Xuân Tuyên.

        Cùng đi chuyến "quan hệ Bắc-Nam" lần này với Nguyễn Văn Sơn còn có hơn một chục người họ đều là người Hà Nội, Hải Phòng có người thân di cư vào Nam từ năm 1954-1955. Phương tiện đi lại lúc đó rất khó khăn, ba ngày mới có một chuyến ô tô Hà Nội - Quảng Bình - Vĩnh Linh, trên đường đi lại có rất nhiều trạm kiểm soát.

        Biết rõ khó khăn đó, đồng chí Lê Quốc Thân đã cử đồng chí Tạ Văn Minh đóng vai người cùng đi chuyến xe bí mật giúp đỡ Nguyễn Văn Sơn từ Hà Nội đến Bến Hải. Mỗi lần đến trạm kiểm soát, Minh dùng công lệnh đặc biệt của Bộ cấp để can thiệp, nên lần nào Sơn cũng gặp may mắn. Từ khi lấy vé ô tô, qua phà Minh đều đứng ra lo liệu, anh xuất trình công lệnh đặc biệt cho phụ trách bến xe, bến phà trước, rồi cũng ra xếp hàng, còn Sơn thì gửi tiền nhờ mua hộ. Tuy vậy trong cái cảnh hỗn loạn trước cửa bán vé nhiều lần Minh phải chen ngang mới lấy được hai cái vé loại ưu tiên. Lần nào cũng vậy hễ cầm được vé trong tay là Sơn lại khoe với mọi người về sự may mắn của mình.

        Đề phòng bọn mật vụ cho người trà trộn vào đám “quan hệ Bắc-Nam” theo dõi, Minh chỉ mua vé xe đến thị xã Đồng Hới. Tới nơi anh xuống xe, trên xe chỉ còn lại Sơn và những người đi “quan hệ Bắc-Nam” vào Vĩnh Linh.

        Tới thị xã Đồng Hối, Tạ Văn Minh đã đến công an Quảng Bình điện trước cho công an Vĩnh Linh về việc T31 sẽ đến đó vào chuyến xe khách buổi chiều để qua sông Bến Hải vào Nam làm nhiệm vụ đặc biệt. Ngay sau khi điện cho công an Vĩnh Linh, Tạ Văn Minh đã được công an Quảng Bình bố trí một chiếc xe com măng ca bí mật đưa Minh vào Vĩnh Linh trước khi xe ca tới, Công an Vĩnh Linh đã dành cho Minh và Sơn một phòng riêng biệt trong nhà trọ công cộng và bố trí thuyền cho Sơn vượt sông Bến Hải sang bờ Nam cách cầu Hiền Lương một kilômét về phía hạ lưu.

        Xuống xe ô tô ở Vĩnh Linh, Nguyễn Văn Sơn cũng vào nhà trọ như mọi người đi "quan hệ Bắc- Nam" như lời anh Tạ Văn Minh dặn trước khi xuống xe ở thị xã Đồng Hới. Nhưng khi anh xuất trình giấy tờ để đăng ký tạm trú thì một cô nhân viên nhà trọ dẫn anh đến một phòng riêng ở cuối dẫy, cách phòng của những người đi "quan hệ Bắc- Nam" tối 5 phòng bỏ trống, lại có cái bàn trực đêm của nhân viên nhà trọ thay nhau thức suốt đêm kê choán gần hết lối đi. Khi bước qua ngưỡng cửa vào phòng, Sơn đã thấy Tạ Văn Minh có mặt ở đó thì rất mừng vì mình luôn luôn được đồng chí săn sóc và giúp đỡ nhiệt tình. Minh báo cho Sơn biết tối ngày mai, đoàn người "quan hệ Bắc-Nam" sẽ tới bờ Bắc sông Bến Hải, họ xuất trình giấy tờ cho Hải quan nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở bờ Bắc rồi qua cầu sang bờ Nam còn Sơn sẽ được công an Vĩnh Linh bố trí vượt sông Bến Hải bằng thuyền cách cầu Hiền Lương về phía hạ lưu khoảng một kilômét. Anh cũng báo cho Sơn biết là anh đã nhận được điện cho biết Trần Minh Châu đã điện vào Sài Gòn để Cao Xuân Tuyên cho người ra đón anh ở bờ Nam sông Bến Hải.

        Ngày mai khoảng nhá nhem tối sẽ có người dẫn anh tới nơi thuyền chờ đưa anh sang bờ Nam. Đồng chí Tạ Văn Minh nhắc lại nhiệm vụ mà Bộ và công an Hà Nội giao cho anh khi tiếp xúc với CIA và bọn trùm Đại Việt - Quốc Dân đảng và nhắc anh bằng mọi cách phải dò tìm được tung tích đồng chí T20.

        Dặn dò Sơn xong thì nhân viên nhà trọ bên lên một mâm cơm đậy lồng bàn đặt trên chiếc bàn gỗ mộc kê ở trong phòng. Minh mở ra xem thấy mâm cơm có thịt gà luộc, cá thu rim, cua luộc, tôm hùm hấp cách thủy toàn những món hải sản và một chai rượu chanh. Mâm cơm to như vậy nhưng vẫn có đĩa thịt nướng là món ăn Sơn rất thích. Đó cũng là món ăn mà đồng chí Lê Quốc Thân giám đốc công an Hà Nội, trưởng ban chuyên án C30 đã  mời anh cùng với mẹ anh là bà Vũ Thị Nghiêm vào một ngày giáp tết năm 1955 tại nhà một cơ sở ở Hà Nội.

        Trong suốt bữa ăn, Minh ăn rất ít, mà chủ yếu là gắp thức ăn tiếp anh. Biết Sơn nhớ đến mẹ già, vợ trẻ lại vừa sinh con trai bị buộc rời khỏi nhà vì bị qui là địa chủ, Minh động viên, hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan sẽ có cách can thiệp với địa phương và hỗ trợ gia đình tới mức cao nhất trong điều kiện cho phép. Sơn hiểu rõ mình nhận nhiệm vụ này chẳng những bản thân phải hi sinh mà mẹ, vợ, các con cũng chịu thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng để giành thắng lợi trọn vẹn cho dân tộc thì mặt trận tình báo góp phần quan trọng nên anh sẵn sàng chịu đựng hi sinh nên anh trả lời là mình rất yên tâm đi chuyến này cho đồng chí Minh yên tâm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2020, 07:09:54 am »


        Cơm nước xong đồng chí Tạ Văn Minh khuyên Sơn nên đi nghỉ sớm cho tinh thần sảng khoái, minh mẫn trước khi bước vào cuộc chiến đấu trực tiếp với bọn trùm CIA và đám thủ lĩnh Đại Việt - Quốc Dân đảng.

        Khoảng 5 giờ chiều hôm sau, Sơn cũng như những người đi "quan hệ Bắc Nam" được Hải quan Vĩnh Linh đưa lên xe ô tô chở vào bờ bắc sông Bến Hải gần đầu cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17, ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ bờ bắc cầu Hiền Lương, anh thầm chào lá cờ của Tổ quốc mà vì mầu cờ đỏ thắm có ngôi sao vàng năm cánh ở giữa mà cả dân tộc Việt Nam đã đoàn kết trăm người như một dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, tuân theo "Lời kêu gọi Toàn Quốc kháng chiến" ngày 19-2-1946 là: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa" và Người đã kêu gọi: "Không, chúng ta thề hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

        Anh đang miên man suy nghĩ như vậy thì có một người quẩy gánh lưới đi ngang qua nói nhỏ với anh: "Anh đi theo tôi cách đây khoảng một cây số sẽ có thuyền chở anh sang bờ Nam". Ngẩng lên chưa kịp cảm ơn thì người đó đã đi vượt lên một quãng xa. Khi đó trời trạng vạng tối, anh đành xuôi theo bờ Bắc đi về phía cửa Tùng.

        Đúng như người dân chài nói, Sơn đi bộ cách cầu Hiền Lương chừng một kilômét thì thấy một chiếc thuyền gỗ nhỏ đậu áp sát vào bờ liền xách cặp rảo bước tới. Gần tới nơi, người lái đò vẫy ta ra hiệu cho anh xuống thuyền đoạn đưa mắt nhìn trước, trông sau rồi chống sào đẩy thuyền ra xa. Sơn định lên tiếng hỏi, nhưng người lái khẽ lắc đầu ra hiệu cho anh không nên nói chuyện. Sông Bến Hải ở đoạn giáp Cửa Tùng rộng, Sơn nhìn sang bờ Bắc lưu luyến chia tay, thầm hẹn ngày chiến thắng trở về. Anh muốn nhìn những rặng phi lao chạy tít tắp tới Cửa Tùng với các làng chài của Vĩnh Linh anh hùng tuyến đầu của miền Bắc đang hàn gắn vết thương chiến tranh và ngọn cờ đỏ thắm trên đỉnh cột cờ ở bờ Bắc cầu Hiền Lương nhưng lúc này trời đã chạng vạng tối, mây mù đã  buông xuống, anh nhìn không rõ. Vả lại anh biết từ bờ Nam có hàng chục cặp mắt xoi mới đang căng ra dõi theo từng hành động nhỏ của mình nên vội quay về bờ Nam. Con thuyền cưỡi sóng cắt ngang dòng sông tiến về phía Nam, còn cách bờ khoảng hơn một chục mét thì thuyền chạm đất không thể đi được. Người lái đò nói nhỏ vừa đủ để anh nghe tiếng: "Thuyền không vào được, ông vui lòng lội một đoạn, chúc ông thượng lộ hình an" Sơn cũng đáp lại: "Xin chúc ông vạn sự như ý" Nói rồi cúi xuống cởi giầy tất, xắn quần xách cặp lội vào. Lên tới bờ, Sơn lấy từ túi áo ra chiếc khăn mù xoa trắng đó là ám hiệu do Trần Minh Châu qui định khi sang tới bờ Nam sông Bến Hải.

        Đúng như dự đoán của Sơn, anh vừa bước lên bờ thì đã có hai thanh niên mặc thường phục đến đón, một trong hai người đó cũng giơ chiếc khăn tay trắng lên nói: "Xin chào người anh em, bá và dì có được mạnh giỏi không?". Sơn đáp lại câu trả lời mà anh đã học thuộc lòng: "Cảm ơn hai cậu, bà và dì vẫn bình yên vô sự". Nhận ra đúng ám hiệu và mật khẩu hai tên ra đón Sơn ra hiệu cho anh theo chúng đi đến đầu cầu Hiền Lương ở bờ Nam sông Bến Hải do chính quyền Ngộ Đình Diệm quản lý. Đúng lúc đó những người đi "quan hệ Bắc-Nam" đã từng ngồi chung với anh một xe, từng chịu bao nỗi vất vả trên dọc đường cũng đứng túm tụm cả ở đầu cầu bờ Nam. Một trong hai tên đi đón Sơn nói lớn với mọi người:

        - Các ông các bà đi làm thủ tục, còn cái ông này bị tình nghi phải đưa về ty công an Quảng Trị thẩm vấn...

        Bọn chúng đưa Nguyễn Văn Sơn lên trên gác cho ăn cơm, uổng rượu rất thịnh soạn. Sáng hôm sau bọn chúng đưa ô tô ra đón Sơn đến dinh Tỉnh trưởng Quảng Trị, trưởng ty công an Quảng Trị cũng ra tận ô tô đón Sơn.

        Sáng hôm sau, trung úy Ninh, người của giám đốc An ninh tình báo Trần Kim Tuyến từ Sài Gòn đến dinh tỉnh trưởng Quảng Trị đón Sơn. Tên này người miền Bắc, cao khoảng lm68, mặt hơi to, mũi dọc dừa, nặng khoảng 60 kilôgam, hắn mặc thường phục. Ninh cảm ơn Tỉnh trưởng, trưởng ty công an Quảng Trị rồi đưa Sơn vào Huế tới phi trường Phú Bài lấy vé máy bay bay vào Sài Gòn.

        Máy bay hạ cánh ở phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn tại đây có một chiếc xe con đón Sơn và trung úy Ninh. Người đón là trung tá Liễu. Tên này tướng ngũ đoản, mặt tròn, đeo kính trắng, nặng chỉ khoảng gần 50 kilôgam, nói tiếng miền Trung nhưng hơi nhẹ, có lẽ vì đã ở thành phố nhiều năm. Ninh giao Sơn cho trung tá Liễu rồi lái xe đi. Trung tá Liễu tỏ vẻ lịch sự mời anh lên xe của hắn. Liễu phóng xe rất nhanh vòng vèo qua một số đường phố vắng ở thành phố Sài Gòn rồi bất chợt dừng lại bên lề một ngã tư đường. Liễu giao anh cho một người Âu hay Mỹ không rõ, mặc thường phục, dáng cao, to, tự lái xe. Sau này Sơn tìm hiểu mới biết đó là Paul, thiếu tá tình báo CIA.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM