Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:33:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Winston Spencer Churchill  (Đọc 53161 lần)
0 Thành viên và 4 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2018, 09:14:42 pm »

        
        - Tên sách : Hồi ký Winston Spencer Churchill
                          Giải Nobel Văn học 1953  
                          Người dịch : Hoàng Tuý - Hoàng Hữu Phấn - Nguyễn Xuân Phương - Hoàng Ngọc

        - Tác giả : Denis Kelly

        - Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin

        - Năm xuất bản : 1974

        - Số hóa : Giangtvx
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 02:27:08 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2018, 08:07:14 am »


LỜI NHÀ XUẤT BẢN

        Bộ hồi ký 2 tập này được biên dịch từ bộ "Hồi Ký về Chiến tranh Thế giới Thứ hai" gồm 6 tập của Huân tưóc W. Churchill. Đây là bộ sách mà các sự kiện chiến tranh được trình bày một cách sinh động qua lời văn của tác giả, một người đã được trao tặng giải thưởng Nobel Văn chương năm 1953 với chính tác phẩm này.

        Như chúng ta đã biết, thế kỷ XX khép lại với hai cuộc chiến tranh thế giới do bọn đế quốc gây ra, nhất là cuộc chiến tranh thế giới thứ hai vô cùng khốc liệt, đã làm cho loài người hao tốn bao nhiêu xương máu và của cải. Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai này, Liên Xô với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại tuy đã gánh chịu nhũng tổn thất nặng nề nhất, nhưng đã giáng những đòn chí mạng quyết định vào bọn phát xít Đức và quân phiệt Nhật, buộc chúng phải đầu hàng không điều kiện, được cả loài người tôn vinh, khâm phục và biết ơn. Quá trình chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu anh dũng tuyệt vời như thế nào của quân và dân Liên Xô đều được trình bày rõ ràng, cụ thể, đầy đủ trong các hồi ký của nguyên soái Giu-côp, nguyên soái Va-xi-lép-xki, của đại tướng Stê-men-cô, nhưng đó chỉ mới là những diễn biến chiến sự, những sự kiện chiến tranh, ở mặt trận phía Đông, ở mặt trận Xô-Đức, còn chúng ta chưa biết hoặc biết rất ít về một mặt trận khác, mặt trận chống Đức-Ý-Nhật ở phía Tây, lúc đầu giữa Anh-Pháp với Đức-Ý, sau đó giữa Anh-Mỹ với Đức-Ý-Nhật.
         
        Bộ hồi ký này sẽ giúp chúng ta có thêm tài liệu về mặt trận đó, giúp ta hiểu biết toàn diện - dù là bước đầu - về cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, khi trong tay đã có nhũng hồi ký của nhũng người trong cuộc từ hai phía viết ra. Dĩ nhiên các tác giả đều xuất phát từ nhũng quan điểm tư tưởng chính trị khác nhau, trái ngược nhau, với quyền lợi khác nhau, đối lập nhau. Đó là điều trước hết chúng ta cần nhận rõ. Ai cũng biết Huân tước Churchill lãnh tụ Đảng Bảo thủ Anh là một chính khách chống Cộng khét tiếng, khi trình bày sự kiện không tránh khỏi một số lệch lạc thiếu khách quan, thậm chí một số suy nghĩ đánh giá có tính độc ác, phản động. Nhưng với tư cách một người đã trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới, lại là người trong giai đoạn đầu trước khi Hitler xâm lược Ba Lan, mở đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, ông chưa tham gia chính trường, còn là người ngoài cuộc. Sau đó, trong chiến tranh ông mới tham gia Chính phủ, đứng đầu Chính phủ và là Bộ trưởng Quốc phòng Anh, thì những sự kiện ông trình bày đều có giá trị nhất định, giúp chúng ta có cơ sở để mở rộng sự hiểu biết, nhận xét và phân tích. Như ông đánh giá sự nhu nhược, hèn nhát của Chamberlain cũng như đánh giá thiện chí của Chính phủ Liên Xô trong việc thành lập mặt trận chung chống phát xít Đức là hoàn toàn đúng đắn, tuy ông chưa nói lên được âm mưu thủ đoạn xấu xa, thâm độc của Anh-Pháp đối với Liên Xô, muốn đẩy Liên Xô đánh nhau với Đức còn họ thì đứng ngoài. Và với tư cách một nhân chứng lịch sử, với tư cách một nhà văn, một con người biết tôn trọng sự thật và chính nghĩa dù là trong chừng mục nhất định, ông minh họa sự tàn bạo của Hitler, ông xúc động trước việc tự sát của Thủ tướng Hungari, của Thủ tướng Hy Lạp để bảo toàn khí tiết, ông ca tụng một số sĩ quan yêu nước Nam Tư, ông khen ngợi tướng De Gaulle mà ông không mấy ưa thích khi De Gaulle rời khỏi nước Pháp bại trận, mang theo danh dự của Tổ quốc để tiếp tục cuộc kháng chiến chống xâm lược. Đặc biệt, ông dùng nhiều lời lẽ hùng hồn để đánh giá cao, hết sức ca tụng Staline, ca tụng nhân dân và quân đội Liên Xô, mặc dù có lúc ông đả kích thậm tệ Staline. Nhưng điều quan trọng là với bộ hồi ký này, ông đã giúp chúng ta khẳng định rằng nhân loại đã phải trả giá đắt cho chính sách mù quáng, ích kỷ, thiển cận của giới cầm quyền phương Tây lúc bấy giờ.

        Các dịch giả của chúng tôi cố bám sát nguyên văn, dù có những đoạn, nhũng chỗ không phù họp với quan điểm, đường lối, tư tưởng của chúng ta, là nhằm làm cho bạn đọc có thể nhận chân được tư tưởng, quan điểm của tác giả vốn thù ghét chủ nghĩa Cộng sản đến xương tủy. Đây là lần đầu bộ hồi ký của Churchill được dịch và ra mắt bạn đọc Việt Nam chắc chắn không thể tránh khỏi sai sót. Rất mong bạn đọc xa gần thông cảm và có nhận xét góp ý để khi tái bản, bộ sách được hoàn hảo hơn.

NHÀ XUẤT BẢN       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2018, 10:25:48 am »


TÓM TẮT NỘI DUNG
HỒI KÝ WINSTON s. CHURCHILL

        Chiến tranh Thế giới Thứ nhất kết thúc, sau khi ký hiệp ước Versailles, những người cầm đầu các nước thắng trận phương Tây, chủ yếu là Anh, Pháp bị chủ nghĩa hòa bình một chiều chi phối, hoặc đang bận rộn vào những hoạt động chính trị đối nội đã tỏ ra bị động, rụt rè, tiêu cực, nhút nhát, chia rẽ lẫn nhau. Mỹ thì xem như phủi tay khỏi mọi việc ở châu Âu, Hội quốc liên thì không có quyền lực gì đáng kể vào nhũng thời điểm mà hoạt động và sức mạnh của Hội là hết sức cần thiết.

        Trong tình hình đó xuất hiện Hitler với đường lối tôn chỉ chính trị về một nhà nước cực quyền phải thiết lập ở Đức mà y trình bày trong cuốn Mein Kamph (Cuộc Chiến Đấu của Tôi). Năm 1933, y nhận chức Thủ tướng Đức. Tham vọng trước mắt của y là xây dụng một nưóc Đại Đức hướng vào Áo và Đông Nam châu Âu. Được Anh, Mỹ cho vay, nước Đức nhanh chóng phục hồi, từ một nước bại trận phải bị giải giáp, nước Đức được  tái vũ trang với đầy đủ các lực lượng hải, lục, không quân hùng mạnh. Ý và Nhật vốn ở trong phe đồng minh trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, nay lại đứng về phía Đức, khiến cho bọn Quốc Xã không còn bị cô lập.   

        Theo Churchill, năm 1936 về căn bản không quân Đức mạnh hơn Anh. Dựa trên chế độ cường bách quân dịch, số lính được gọi nhập ngũ của Đức từ năm 1934 đến năm 1940 là trên 3 triệu, trong lúc đó Pháp chỉ có trên 1,5 triệu. Năm 1936 Hitler chiếm lại vùng Rhineland, năm 1938 cưỡng đoạt nước Áo sáp nhập lãnh thổ Áo vào nước Đức Quốc xã, xây dụng phòng tuyến Siegfried, cũng năm 1938, Anh gạt bỏ cố gắng của Tổng thống Roosevelt, không đếm xỉa gì đến tuyên bố của Liên Xô muốn cùng các nước phương Tây bảo vệ Tiệp Khắc, đã cùng Pháp, Đức và Ý buộc Tiệp Khắc nhượng vùng Sudetes cho nước Đức. Chamberlain, Thủ tướng Anh, đã nhượng bộ Hitler lần lượt hết việc này đến việc khác, lại còn thiết lập quan hệ thân thiết một cách nhục nhã với Mussolini. Năm 1938 - 1939, chi phí quân sự mọi mặt của Anh là 304 triệu bảng mà Đức ít nhất là 1500 triệu bảng. Trước khi chiến tranh bùng nổ, mức sản xuất của Đức gấp đôi và có thể gấp 3 tổng sô vũ khí trang bị của Anh và Pháp cộng lại. Cán cân nghiêng hẳn về nước Đức.

        Đức với chính sách dùng thủ đoạn đe dọa, chia rẽ, mua chuộc, dụ dỗ, lừa gạt các nước, càng ngày càng vi phạm trắng trợn, nghiêm trọng, và thô bạo Hiệp ước Versailles. Chính quyền Anh của Thủ tướng Chamberlain không tin khả năng quân sự của Liên Xô, lại thù ghét và sợ hãi chủ nghĩa Cộng sản đã tỏ ra lạnh nhạt với những đề nghị hợp lý của Liên Xô như họp sáu cường quốc, thành lập mặt trận thống nhất Anh-Pháp-Liên Xô nhằm đối phó với Đức. Hội nghị quân sự Anh-Pháp-Liên Xô cũng tan vỡ, khi Ba Lan và Rumani từ chối không cho Hồng quân đi qua lãnh thổ của họ để chống Đức. Hungari thì đúng vào phe Đức. Tình thế mới lúc bấy giờ là các phương tiện để tổ chức bất cứ một sự kháng cự nào chống lại sự xâm lược của Đức ở Đông Âu đều hầu như cạn kiệt. Trong lúc đó Ý đổ quân vào chiếm Albani, dùng Albani làm bàn đạp tấn công Hy Lạp. Lúc đó xuất hiện ở Anh hàng nghìn biểu ngữ yêu cầu Churchill trở lại chính trường.

        Về phía Liên Xô, từ vụ Munich và nhiều vụ việc khác, Chính phủ Liên Xô tin rằng Anh, Pháp không ai muốn chiến đấu, cơn bão được tích tụ sắp nổ ra, Liên Xô phải lo cho mình Vào đêm 23/8/1939 Hiệp ước Xô-Đức được ký kết, đây là một thất bại ngoại giao của Anh-Pháp, một thắng lợi cần thiết cho Liên Xô đẩy Đức về phía Tây, xa bao nhiêu hay bấy nhiêu để tranh thủ thời gian chuẩn bị.

        Sáng ngày 1/9/1939, Đức tấn công Ba Lan, mở đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Churchill tham gia Chính phủ làm Bộ trưởng Hải quân và là thành viên Nội các Chiến tranh. Lúc bấy giơ tình thế của Anh là Ba Lan đang hấp hối, Pháp chỉ còn là cái bóng mờ nhạt của một thời thiện chiến, Liên Xô không còn là đồng minh. Đế quốc Anh vẫn nguyên vẹn, thống nhất nhưng chuẩn bị tồi, không sẵn sàng. Anh kém về số lượng không quân, vẫn kiểm soát được đường biển nhưng vào những ngày đầu chiến tranh, tàu Anh bị tàu Đức tiêu diệt khá nhiều. Quân Đức chiếm Na Uy, Đan Mạch, và qua Bỉ-Hà-Lục tiến vào đất Pháp, ngày 14/6/1940 Paris thất thủ, Thống chế Pétain thuộc phái thất bại chủ nghĩa thành lập Chính phủ. Tướng De Gaulle rời nước Pháp, tiếp tục cuộc kháng chiến, quân Anh cùng với vũ khí đạn dược phải di tản khỏi nước Pháp. Nước Anh lúc này với Churchill làm Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng, bị trơ trọi. Đức và Ý chiến thắng ở ngay sát nách, toàn bộ châu Âu mở của cho quyền lực của Hitler và ở bên kia quả địa cầu thì Nhật Bản hoành hanh. Nước Anh phải lo công việc phòng thủ, bảo vệ đất nước, tổ chức chống không quân Đức oanh tạc dữ dội Luân Đôn và các vùng khác, chuẩn bị chống quân Đức đổ bộ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2018, 10:54:45 am »


        Mỹ tuy chưa tham chiến, nhung bắt đầu tích cực giúp Anh, với Tổng thống Roosevelt được bầu lại, Mỹ đã dành một nửa vũ khí xuất xưởng cho Anh và Canada, đã cung cấp máy bay cho Anh. Dư luận chính giới Mỹ cho rằng cách phòng thủ Hợp Chủng Quốc tốt nhất là giúp Anh chiến thắng. Sau khi Pháp đầu hàng, Anh chấm dứt quan hệ với Chính phủ Vichy của Pétain và giúp đỡ, mở rộng hoạt động với tướng De Gaulle. Hòa nhịp với quân Đức ngày 13/9/1939, bộ đội chủ lục Ý bắt đầu tiến quân vào biên giới Ai Cập nhưng đến ngày 15/12 thì toàn bộ quân Ý bị đẩy lùi khỏi Ai Cập, quân Anh chiến thắng ở sa mạc Libi. Trong lúc đó Hitler chuẩn bị can thiệp trên quy mô lớn vào vùng Balkan và Địa Trung Hải, Anh mưốn hình thành một mặt trận Balkan gồm Nam Tư, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ chống Đức, nhưng cuối cùng thất bại. Nam Tư, Hy Lạp đầu hàng Đức, mặt khác sườn sa mạc ở Bắc Phi là chỗ dựa để hình thành một mặt trận cho vùng Balkan, bị Đức tấn công, phải sụp đổ. Anh phải rút lui khỏi đảo Crête - một hòn đảo có ý nghĩa chiến lược đối với Anh. Tuy vậy, với các chiến dịch thắng lợi của Anh ở Syrie và Irac, đã cải thiện được nhiều vị trí chiến lược của Anh ở Trung Đông, chặn được Đức tìm cách thâm nhập vào Địa Trung Hải theo hướng Đông. Tuyến phòng thủ kênh Suez được đưa xa thêm 250 dặm về phía Bắc, giải tỏa mối lo của Thổ Nhĩ Kỳ về biên giới phía Nam của mình, nhất là việc chiếm đóng Syria đã đáp ứng được nhu cầu tối cần thiết và chấm dứt vĩnh viễn việc Đức tiến sang vịnh Ba Tư và Ấn Độ. Trong lúc đó, quân Đức vẫn tiếp tục oanh tạc dữ dội nước Anh mà Churchill cho rằng nhằm che đậy cho việc chuẩn bị tiến công Liên Xô. Thực sự thì Đức đang chuẩn bị tiến công Liên Xô và sáng ngày 22 tháng 6 năm 1941 quân Đức tràn vào lãnh thổ Liên Xô.

        Tuy ngờ vực và không bằng lòng Liên Xô, cho rằng Liên Xô đã bị lừa, bị đánh bất ngờ, và mặc dù quan hệ giữa cá nhân Churchill và Staline không được thoải mái, Churchill vẫn khâm phục Staline, khen ngợi, ca tụng nhân dân và quân đội Xô Viết, cho rằng cuộc kháng chiến của Liên Xô đã làm sụp đổ, đã bẻ gẫy quân đội Đức, đã giáng một đòn chí mạng vào nước Đức Quốc xã, cho rằng chiến dịch tiến đánh vào Liên Xô là sai lầm chết người. Từ đó, từ chỗ đơn thương độc mã, thì nay có thêm Liên Xô và Mỹ cùng chống một kẻ thù, quân Anh đã cùng quân Mỹ đánh nhau với quân Đức ở Bắc Phi. Cho đến tháng 5/1943 thì quân Anh-Mỹ đã giành được quyền kiểm soát toàn bộ bơ biển Bắc Phi từ Tunis trải dài đến Ai Cập. Nhung ở Viễn Đông, ở Thái Bình Dương thì quân Nhật đánh chiếm Philippines, Singapore, Malaysia, tấn công Trân Châu cảng. Anh và Mỹ ra tuyên bố chống phe Trục, kêu gọi các nước khác cũng tham gia chống phe Trục cho đến ngày toàn thắng và thành lập ủy ban Tham mưu trưởng hỗn họp (không có Liên Xô vì ở xa và đang ở mặt trận riêng rẽ độc lập).

        -Năm 1942, Mỹ chiến thắng tại vùng biển San hô và đảo Midway ngăn chặn sự bành trướng của Nhật ở Thái Bình Dương.

        -Tháng 2/1943, Liên Xô chiến thắng ở Stalingrad.

        -Tháng 5/1943, toàn bộ lực lượng Đức-Ý ở châu Phi bị quân Đồng minh tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh

        -Tháng 8/1943, quân Đức bị đánh bật khỏi đảo Sicily.

        Năm 1943 chiến tranh Xô-Đức ác liệt, 3 trận đánh lớn ở Kursk, Orel và Kharkov trong 2 tháng, đánh dấu sự sụp đổ của quân Đức tại mặt trận phía Đông. Trong lúc dó các chiến dịch của Anh-Mỹ ở Địa Trung Hải và việc nỗ lực oanh tạc của đồng minh từ Anh có tác dụng chia lửa với Liên Xô ở mặt trận phía Đông, Đức phải tăng cường chống đỡ một cách bị động. Cùng thời kỳ này Anh-Mỹ chuẩn bị mở mặt trận thứ hai. Tháng 9 quân Đức phải rút lui trên toàn bộ mặt trận phía Nam, từ vị trí đối diện với Matxcova đến Biển Đen. Đến tháng 12, sau 3 tháng bị quân Liên Xô truy kích, các đạo quân Đức ở miền Trung và miền Nam nước Nga bị đánh bật trở lại hơn hai trăm dặm, quân Đức thất bại trong việc giữ phòng tuyến Dnieper, đã phơi lưng cho cuộc tấn công của quân Liên Xô vô cùng lợi hại.

        Trong khi chiến tranh ngày càng gần đến lúc kết thúc, trong những cuộc gặp gỡ giữa Churchill, Roosevelt và Staline bàn về mặt trận thứ hai, về công việc sau chiến tranh thường có những ý kiến khác nhau, những quan điểm, ý đồ khác nhau và cả nhũng ngờ vục nhất là xung quanh vấn đề sau khi nước Đức đầu hàng, trong cuộc gặp gỡ ở Téhéran.

        Tuy vậy, cuối cùng phe Đồng minh đã toàn thắng, còn phe Trục Đức-Ý-Nhật bị thất bại thảm hại. Riêng phát xít Ý thất bại từ tháng 10/1943. Hitler tự sát, Mussolini bị bắt và bị xử bắn. Đối với trường hợp đầu hàng của Nhật, Churchill cho rằng Nhật thất bại, đầu hàng không phải vì bom nguyên tử của Mỹ mà trước khi bị bom nguyên tử, rõ ràng sức mạnh hàng hải, tàu bè của Nhật đã bị phá hủy với hon tám triệu rưỡi tấn tàu Nhật bị đánh chìm.

        Và một khi nước Đức Quốc xã bị đánh bại, thì Churchill tỏ ý nghi ngơ, lo ngại sự bành trướng của Liên Xô khi sức mạnh vũ trang của Anh-Mỹ và một số nước phương Tây không thể tồn tại như trước. Từ hội nghị Yalta, ông nghĩ Liên Xô có nhũng hành động khó hiểu, do đó trong lời bạt viết cho bộ hồi ký rút gọn này vào năm 1957, Churchill cho rằng dường như châu Âu chỉ thay đổi từ một kẻ độc tài này sang một kẻ độc tài khác và nếu Anh-Mỹ duy trì được vị trí đứng đầu thì Liên Xô sẽ thấy rằng hòa bình và phát triển cần được bảo vệ hơn là chiến tranh hủy diệt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2018, 09:50:56 am »


LỜI NÓI ĐẦU

        Tôi cần phải xem những tập này như là một sự tiếp tục lịch sử của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất mà tôi trình bày trong các tác phẩm "Sự khủng hoảng thế giới", "Mặt trận phía đông" và "Hậu quả". Những tác phẩm này đều bao hàm sự đánh giá, cách giải thích, về cuộc chiến tranh sau đó 30 năm.

        Nhưng trong các tập nói trên, trong chừng mục có thể, tôi đi theo phương pháp của nhà văn Defoe viết "Hồi ức của một kỵ sĩ", trong đó tác giả chép sử biên niên và tranh luận về những sự kiện quân sự chính trị vĩ đại theo dòng kinh nghiệm riêng của một cá nhân. Có lẽ tôi là người duy nhất giữ chức vụ cao trong chính phủ, đã trải qua cả hai cuộc biến động lớn quan trọng nhất của lịch sử được ghi chép. Nhưng dẫu sao trong chiến tranh thế giới thứ nhất, tôi giữ những chúc vụ quan trọng nhưng lệ thuộc, còn trong cuộc chiến đấu lần thứ hai với nước Đức, tôi đã hơn năm năm là người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia. Vì vậy tôi viết từ một quan điểm khác và với nhiều căn cứ hon so với những sách viết ban đầu. Tôi không mô tả cuộc chiến đấu này như là khoa sử học, vì điều này thuộc thế hệ khác. Nhưng tôi quả quyết rằng đây sẽ là một đóng góp hữu ích cho lịch sử. Ba mươi năm hành động và chủ trương của tôi thể hiện sự cố gắng suốt đời tôi, và tôi sẵn sàng chấp nhận sự phán xét về những chủ trương, hành động đó. Tôi giữ vững nguyên tắc của mình là không bao giờ phê phán biện pháp chiến tranh nào hoặc chính sách nào sau sự kiện quan trọng này, trừ phi trước đó tôi phát biểu công khai những ý kiến của tôi hoặc có lời cảnh báo về những vấn đề đó. Thực vậy, trong những sự việc mà về sau mới sáng tỏ, tôi đã làm dịu đi nhiều tính ác liệt của cuộc tranh luận đương thời. Điều này khiến tôi đau khổ khi ghi lại những bất đồng với nhiều người mà tôi yêu mến hay kính trọng. Nhưng sẽ sai lầm nếu không đặt nhũng bài học của quá khứ trước tương lai. Không cho phép ai đánh giá thấp những con người đáng kính có thiện chí kia mà hành động của họ được ghi vào những trang này mà không suy nghĩ kỹ, tự xem xét lại việc hoàn thành công vụ của mình và áp dụng nhũng bài học của quá khứ vào cách xử sự sau này của họ.

        Không nên nghĩ rằng tôi mong đợi mọi người đồng tình với điều tôi nói, lại càng không nên nghĩ rằng tôi chỉ viết điều sẽ được mọi người ưa thích. Tôi đưa ra bằng chúng của tôi theo chân lý mà tôi theo đuổi. Nhằm xác minh các sự kiện, mọi sự thận trọng đều có thể chấp nhận được, nhung phần nhiều được đưa ra ánh sáng do sự phát hiện những tài liệu bắt được, hoặc do những sự tiết lộ khác có thể biểu thị một khía cạnh mới đối với những kết luận tôi nêu ra.

        Một hôm Tổng thống Roosevelt nói với tôi rằng ông ta đang công khai hỏi ý kiến về cuộc chiến tranh này lẽ ra nên gọi là gì. Tôi nói ngay đó là "cuộc chiến tranh không cần thiết". Không bao giờ lại xảy ra một cuộc chiến tranh nếu người ta có thể ngăn chặn được nhất là khi nó tàn phá những gì còn lại của thế giới, từ sau cuộc chiến tranh trước đó. Bi kịch của loài người đạt tới điểm cao nhất bằng sự thật là sau tất cả các nỗ lực và hy sinh của hàng trăm triệu con người và những chiến thắng của chính nghĩa, chúng ta vẫn chưa tìm thấy hòa bình và an ninh, và chúng ta đang ở trong sự kìm kẹp của ngay những hiểm họa tệ hại hơn những hiểm họa mà chúng ta đã vượt qua. Hy vọng tha thiết của tôi là những suy nghĩ về quá khứ có thể dẫn đường cho tương lai, cho phép thế hệ mới sửa chữa một số sai lầm của những năm xưa và như thế mới chế ngự được cái cảnh tượng khủng khiếp trong tương lai đang lộ ra, phù hợp với nhu cầu cơ bản và niềm tự hào của loài người.

WINSTON SPENCER CHURCHILL         
Chartwell Kent Tháng 3-1948             
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2018, 10:36:09 am »


Phần 1

CÁC CỘT MỐC TRÊN ĐƯỜNG ĐI TỚl THẢM HỌA
1919 -1940



1

SỰ ĐIÊN RỒ CỦA NHỮNG KẺ CHIẾN THẮNG
1919 - 1929

        Sau khi Chiến tranh Thế giới 1914 kết thúc, có một lòng tin vững chắc sâu sắc và hy vọng hầu như phổ biến, rằng hòa bình nhất định ngự trị trên thế giới. Sự mong muốn cuồng nhiệt của tất cả các dân tộc có thể dễ dàng đạt tới do sự tin chắc kiên định chính đáng, do lẽ thông thường phù họp với lý trí và sự khôn ngoan. Câu nói "Chiến tranh để kết thúc chiến tranh" ở trên mọi của miệng, và các phương sách được thi hành để biến nó thành hiện thực. Điều được nghĩ tới là tổng thống Wilson nắm quyền hành ở Hoa Kỳ đã chuẩn bị cho quan niệm về sự hình thành một Hội Quốc Liên nổi bật nhất trong mọi ký ức.

        Quân đồng minh đóng dọc sông Rhine, cồn các đầu cầu của họ nằm sâu vào trong nước Đức bại trận, bị tước vũ khí và đói khát. Nhũng người đúng đầu các cường quốc thắng trận, thảo luận tranh cãi về tương lai ở Paris. Trước mặt họ là bản đồ châu Âu sẽ được vẽ lại gần như do chính họ có thể quyết định.

        Sau năm mươi hai tháng đau khổ và rủi ro, liên minh các dân tộc Teuton (gồm người Anglo-saxon, người Hà Lan, người Đức và người Scandinave) đành phó mặc số phận cho họ, và không một ai trong bốn thành viên của liên minh này có thể đua ra sự kháng cự yếu ót nhất đối với ý muốn của họ. Nước Đức, đương đầu với sự xúc phạm, bị tất cả mọi người xem như là nguyên nhân chủ yếu của thảm họa mà thế giới phải gánh chịu, đã phó mặc cho những kẻ chiến thắng quyết định, hoặc là phải theo ý muốn của họ, và chính họ cũng lảo đảo vì nỗi thống khổ phải chịu đựng. Hơn nữa, đó là một cuộc chiến tranh không phải của các chính phủ mà là của các dân tộc. Toàn bộ tiềm năng sinh lực của những quốc gia vĩ đại nhất đều tuôn ra biến thành những phẫn nộ và tàn sát. Những người lãnh đạo chiến tranh họp nhau tại Paris mùa hè năm 1919 đều chịu sự tác động của những trào lưu mạnh mẽ nhất, dữ dội nhất, đã từng dâng lên trong lịch sử nhân loại. Đã qua rồi thời buổi của các hiệp ước Utrecht và Vienna, khi các chính khách quý tộc và các nhà ngoại giao, kẻ thắng cũng như người bại, gặp nhau bàn cãi lịch sự, nhã nhặn, không phải chịu sự ồn ào hỗn độn của những tiếng nói khác nhau của nền dân chủ, có thể nặn ra những chế độ mà tất cả họ đã đồng ý về những nguyên tắc cơ bản. Các dân tộc hết sức xúc động vì đau khổ, vì phải nghe những lời phê phán của đại chúng, hàng triệu người đòi hỏi sự trừng phạt cao nhất. Sẽ rắc rối cho các lãnh tụ bây giờ ngồi trên đỉnh cao ngất của chiến thắng, nếu tại bàn hội nghị họ bỏ quên những người lính đã đấu tranh trên hàng trăm chiến trường đẫm máu.

        Nước Pháp cũng vậy, do những nỗ lục và tổn thất của họ, họ giữ vị trí lãnh đạo, gần một triệu rưởi người Pháp bỏ mình, những người đã đứng vững trên đất Pháp chống kẻ xâm lược, bảo vệ lãnh thổ. Năm lần trong vòng một trăm năm, vào những năm 1814, 1815, 1870, 1914 và 1918, các ngọn tháp của nhà thờ Đức Bà đã chứng kiến quân Phổ phô trương súng ống và nghe được âm vang của những loạt đại bác của chúng. Lúc này, trong bốn năm khủng khiếp, mười ba tỉnh của nước Pháp nằm dưới sự thống trị kìm kẹp khắc nghiệt của quân Phổ. Nhiều vùng rộng lớn bị quân thù tàn phá có hệ thống, hoặc bị nát vụn như cám trong các cuộc đụng độ của các đạo quân. Hầu như không có một túp nhà tranh hay một gia đình nào từ Verdun đến Toulon mà không khóc người thân đã mất, hay lo buồn cho những người què quặt của mình. Đối với những người Pháp này - có nhiều trong các nhà chức trách cao cấp - đã chiến đấu và đau khổ trong năm 1870, thì việc nước Pháp lẽ ra phải nổi bật là người chiến thắng trong cuộc chiến đấu đầy nguy khốn không gì so sánh được vừa mới kết thúc. Suốt đời họ lo sợ đế quốc Đức. Họ nhớ lại cuộc chiến tranh phòng ngừa do Bismarck cố gắng tiến hành năm 1875. Họ nhớ lại sự đe dọa tàn bạo đã đuổi Delcassé khỏi cơ quan năm 1905, trước cuộc tranh chấp của người Bosnia năm 1908, và trước cuộc khủng hoảng ở của biển Agadir năm 1911. Sự đe dọa bằng quân sự và những bài diễn văn đằng đằng sát khí của Kaiser1 có lẽ được tiếp nhận với sự nhạo báng ở Anh và Mỹ, nhưng chúng phát lên hồi chuông báo tử thực sự khủng khiếp trong lòng nhân dân Pháp. Trong năm mươi năm, hầu như họ sống trong nỗi khiếp sợ vũ khí của Đức. Giờ đây, bằng xương máu của mình, sức đè nặng lâu dài đó đã tan biến. Cuối cùng, không nghi ngờ gì nữa, đây là hòa bình và an ninh. Với một sức bật nồng nhiệt, nhân dân Pháp hét lên: "Không bao giờ nữa”.

----------------
        1. Kaiser: danh hiệu của các hoàng đế Đức và Áo - Hung cho đến năm 1918.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2018, 10:33:58 pm »

   
        Nhưng tương lai lại nặng trĩu điềm gở. Dân số nước Pháp không bằng hai phần ba dân số Đức. Dân số nước Pháp không thay đổi, trong lúc đó thì dân số Đức tăng. Trong một thập kỷ hoặc ít hơn, lứa thanh niên Đức tới tuổi nghĩa vụ quân sự phải là gấp đôi so với Pháp. Nước Đức gần như đánh cả thế giới, dù chỉ hầu như đơn thương độc mã và suýt nữa đã chiến thắng.

        Những ai nắm được tình hình thì sẽ dễ dàng hiểu được những sự kiện đặc biệt ấy, nhất là khi kết quả của cuộc chiến tranh vĩ đại ở vào tình trạng nguy ngập, và những chuyện rủi may đã làm lệch cán cân quyết định. Viễn cảnh tương lai như thế nào mà khối Đồng minh vĩ đại quyết một lần nữa xuất hiện hằng hàng triệu quần chúng của họ trên các chiến trường nước Pháp hay ở phía Đông? Nước Nga đổ nát và rối loạn, biến đổi khác trước xa - nước Y có thể ở phía đối lập. Anh và Mỹ bị tách rời khỏi châu Âu bởi các biển hoặc đại dương. Bản thân Đại Đế quốc Anh dường như liên kết chặt chẽ với nhau bằng những mối quan hệ mà chỉ những công dân của họ mới có thể hiểu. Có bao giờ những người Canada hùng mạnh ở chiến trường Vimy Ridge, những người Úc vinh quang ở chiến trường Villers Bretonneux, những ngưbi New Zealand dũng cảm ở chiến trường đầy hố bom Passchendaele, những quân đoàn kiên định Ấn Độ trong mùa đông khắc nghiệt năm 1914 đã giữ vững phòng tuyến gần thủ phủ Armentières, có thể gọi cho nước Pháp và vùng Flanders nhớ lại một lần nữa những sự kiện đầy ấn tượng đó không?

        Còn nhớ nước Anh hòa bình, sẵn sàng chống quân phiệt, đã có lần phải đi bộ qua những đồng bằng quận Artois và tỉnh Picardy với những quân đoàn hàng hai ba triệu người? Còn nhớ đại dương một lần nữa phải mang hai triệu đàn ông nước Mỹ đến tỉnh Champagne và vùng Argonne? Bị kiệt sức dần, bị tàn sát, nhưng vẫn là người chủ của hiện tại, nước Pháp nhìn kỹ tương lai vừa kinh ngạc biết ơn, dù bị nỗi kinh hãi ám ảnh. Vậy thì ở đâu mà không có an ninh thì tất cả những gì đã giành được dường như vô giá trị và bản thân cuộc sống ngay cả giữa sự vui mừng thắng lợi cũng hầu như không thể duy trì được. Nhu cầu tối cần là an ninh bằng mọi giá, và bằng mọi phương pháp, dù là nghiêm khắc hay thậm chí tàn nhẫn.

        Trong ngày lễ Đình chiến, quân đội Đức trở về nước rất có trật tự. Thống chế Foch, tổng tư lệnh quân Đồng minh với vòng nguyệt quế sáng chói trên trán đã nói theo kiểu nhà binh: "Họ chiến đấu giỏi, hãy để cho họ giữ vũ khí của mình". Nhưng ông ta đòi biên giới nước Pháp, từ nay trở đi phải là sông Rhin. Nước Đức có thể bị giải trừ quân bị, hệ thống quân sự của họ bị phá vỡ từng mảng, pháo đài của họ bị tháo dỡ. Nước Đức có thể bị suy kiệt, có thể bị buộc phải gánh chịu những khoản bồi thường vô hạn, có thể trở thành nạn nhân của mối thù truyền kiếp trong thâm tâm, nhưng mọi việc nhất định rồi sẽ qua đi trong mười hay vài mươi năm. Sức mạnh không thể hủy diệt "của tất cả bọn Đức", nhất định trỗi dậy một lần nữa và ngọn lửa không bị dập tắt của nước Phổ quân nhân lại bùng sáng và bùng cháy trở lại. Nhưng sông Rhin, con sông Rhin rộng sâu, chảy xiết, một khi được quân đội Pháp gìn giữ và củng cố nhất định là vật chướng ngại, là vật che chở cho bao thế hệ nước Pháp có thể yên tâm, không còn sợ hãi. Rất khác biệt với những tình cảm và quan điểm của thế giới nói tiếng Anh, nhưng nếu không có sự giúp đỡ của thế giới này thì chắc hẳn nước Pháp đã thua. Những điều khoản về đất đai của hòa ước Versailles thực tế đã để cho nước Đức còn nguyên vẹn. Nó vẫn là một khối chủng tộc đồng nhất, rộng lớn nhất ở châu Âu. Khi nghe ký hòa ước Versailles, thống chế Foch đã có nhật xét hết sức đúng đắn: "Đây không phải là hòa bình - Đó là một cuộc đình chiến trong hai mươi năm".

        Những điều khoản về kinh tế của hòa ước hiểm độc và đơn giản đến mức làm cho chúng hiển nhiên trở nên vô nghĩa. Nước Đức buộc phải bồi thường với một mức không thể tưởng tượng được. Sự bức chế này biểu lộ nỗi túc giận của kẻ chiến thắng và làm cho dân chúng họ hiểu rằng không có quốc gia hay cộng đồng chiến bại nào có thể bao giờ lại nộp cống với quy mô đáp úng cái giá phải trả cho cuộc chiến tranh hiện đại.

        Quần chúng vẫn chìm đắm trong nạn dốt về những sự kiện kinh tế giản đơn nhất và lãnh tụ lại chỉ lo tìm kiếm lá phiếu cho mình nên không dám để dân chúng tỉnh ngộ. Báo chí phản ảnh và làm nổi bật những dư luận đang thịnh hành theo phong cách của họ, ít tập trung giải thích là việc bồi thường chiến tranh này có thể chỉ thực hiện bằng tàu xe phục vụ trên một tuyến đường hoặc bằng sự vận chuyển hàng hóa thông thường bằng đường thủy hay đường bộ, hoặc khi hàng hóa đó đến các nước có yêu cầu, lại làm hỏng nền công nghiệp địa phương trừ trường hợp là nó được đưa vào các xã hội rất nguyên thủy hoặc được kiểm soát chặt chẽ. Trong thực tế, như người Nga bây giờ đã học tập được, cách duy nhất để đòi hỏi một quốc gia bại trận bồi thường là bắt họ chở bằng xe bò đồ đạc cần có và lây di một phần đàn ông của họ như những lao động tạm thời hay vĩnh viễn. Nhưng cái lợi thu được từ những phương pháp như vậy không liên quan gì đến chi phí cho chiến thắng. Không một ai trong giới cầm quyền chủ yếu, có trí sáng suốt, có uy thế hoặc có tính độc lập lại công bố những sự thật tàn nhẫn cơ bản đó với cử tri, mà cũng chẳng ai tin cả, ngay cho dù họ có như thế. Phe Đồng minh thắng trận tiếp tục quả quyết rằng họ phải bóp nặn nước Đức cho đến kiệt quệ. Tất cả điều này liên quan manh mẽ đến sự phồn vinh của thế giới và tâm trạng của chủng tộc Đức.

        Nói tóm lại, tuy thế, những điều khoản nay không bao giờ được thực thi. Trái lại, trong khi tài sản của Đức chừng một tỷ bảng Anh bị các cường quốc thắng trận chiếm hữu, thì sau đó hơn một tỷ rưỡi bảng Anh lại cho nước Đức vay, chủ yếu do Mỹ và Anh. Như vậy cảnh đổ nát của chiến tranh được nhanh chóng đền bù. Kèm theo những việc hào hiệp trên đây là tiếng gào thét của quần chúng bất hạnh và bực tức tại các nước thắng trận, và trong khi các chính khách của họ tin rằng nước Đức buộc phải trả giá tới đồng xu cuối cùng, thì không trông mong gì lòng biết ơn hay thiện chí được đền đáp lại.

        Lịch sử sẽ mô tả đặc điểm của tất cả những sự kiện đó như là ngu dại. Những sự kiện đó không chỉ gây ra tai họa chiến tranh mà còn gây ra cơn bão tuyết dữ dội về kinh tế, càng về sau càng nhiều hơn. Tất cả là câu chuyện buồn bã của một hành động ngu si mà quá trình thực hiện đã lãng phí bao nhiêu sức lực và công lao.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Mười Hai, 2018, 09:03:53 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2018, 09:04:35 am »

     
*

        Thảm kịch chủ yếu thứ hai là sự tan rã hoàn toàn Đế quốc Áo - Hung do các hiệp ước Saint-Germain và Trianon. Trong nhiều thế kỷ, hiện thân của Đế chế thần thánh La Mã đã tạo cuộc sống chung với những thuận lợi về thương mại và an ninh cho một số lớn dân tộc, không ai trong bọn họ ở vào chính thời đại chúng ta, có sức lục hoặc sinh khí để tự mình đứng vững trước áp lực của nước Đức hồi sinh hay nước Nga.

        Tất cả những chủng tộc đó hy vọng thoát khỏi cơ cấu liên bang hay đế chế, và việc cổ vũ dục vọng của họ được coi là một chính sách hào phóng.

        Việc sáp nhập đông nam châu Âu vào vùng Balkan được thực hiện mau lẹ với sự mở rộng tất yếu tương đối của Phổ và đế chế Đức, tuy Đức mệt mỏi và lo sợ chiến tranh nhưng vẫn còn nguyên vẹn, còn quá mạnh trong khu vực. Bất kỳ một dân tộc hoặc tỉnh thành nào đã tạo thành Đế chế của dòng họ Hasburgs khi giành được độc lập đều phải chịu những nỗi thống khổ mà các thi nhân và các nhà thần học ngày xưa thường mô tả về những linh hồn bị đọa đày. Kinh thành Viên huy hoàng, quê hương của một nền văn hóa và một truyền thống được bảo vệ lâu đời như vậy, trung tâm của nhiều con đường, nhiều dòng sông và đường sắt bị bỏ hoang và bị đói giống như một trung tâm buôn bán to lớn ở một vùng đã bị bần cùng hóa mà phần lớn dân cư đã bỏ đi.

        Những kẻ chiến thắng tìm cách đánh lừa để gán mọi ý tưởng mà các quốc gia tự do phương Tây lâu nay vẫn theo đuổi cho người Đức. Họ được giảm bớt nghĩa vụ quân sự bắt buộc và sự cần thiết phải duy trì lực lượng vũ trang hùng hậu. Những khoản vay nợ to lớn của Mỹ chẳng mấy chốc đè nặng lên họ, mặc dù họ không có tiền gửi ngân hàng. Một hiến pháp dân chủ, phù hợp với mọi tiến bộ mới nhất được thiết lập ở Weimar1. Các hoàng đế bị hất cẳng, những kẻ vô danh tiểu tốt được bầu lên. Cho rằng không xúng đáng với cơ cấu yếu ớt này, dân tộc Đức hùng cường, tuy bại trận, nhưng cơ bản vẫn còn nguyên.

        Do Pháp chiếm đóng vùng Ruhr, cơn giận dữ nổi lên ở Đức, đưa đến việc in giấy    bạc một cách liều lĩnh, nhằm mục đích phá hủy toàn bộ cơ sở tiền tệ. Trong các giai đoạn lạm phát cuối cùng, phải bốn mươi ba triệu đồng Mác mới đổi được một đồng bảng Anh. Sự lạm phát này dẫn đến hậu quả hết sức nghiêm trọng về kinh tế và xã hội. Tiền tiết kiệm của giai cấp trung lưu được trả hết tạo ra một lực lượng lớn ủng hộ chủ nghĩa quốc xã. Toàn bộ cơ cấu kỹ nghệ Đức bị bóp méo do sự phát triển nhanh của các tờ-rớt. Toàn bộ vốn luân chuyển của xứ sở biến mất. Nợ quốc gia trong nước và nợ công nghiệp dưới dạng tư bản bất biến và tiền thế chấp dĩ nhiên đồng thời phải được trả hoặc bị quỵt. Nhưng không có tiền bồi thường cho việc mất mát vốn luân chuyển. Tất cả dẫn đến việc vay mượn nước ngoài với quy mô lớn của một nước vỡ nợ, là đặc trung của những năm sau đó. Đau khổ và cay đắng của dân tộc Đức cũng kéo dài trong nhiều năm.

        Tâm trạng người Anh đối với nước Đức, lúc đầu là hết sức khó chịu nhưng rồi nhanh chóng đi tới hướng ngược lại. Một vết rạn nứt xuất hiện giữa Lloyd George và Poincarré mà tính giận dữ cố hữu đã ngăn trở các chính sách kiên quyết, nhìn xa thấy rộng của ông. Hai quốc gia bắt đầu có những suy nghĩ và hành động khác nhau, và đối với nước Đức, sự đồng tình hoặc thậm chí là lòng khâm phục của người Anh, đã đạt tới mức có thể biểu lộ mạnh mẽ.

-------------------
        1. Weimar = một thành phố ở phía đông nước Đức
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Hai, 2018, 11:58:01 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2018, 11:58:22 am »


*

        Hội Quốc liên thà không được sáng lập, còn hơn là để nó chịu một đòn chí tử. Nước Mỹ từ bỏ con cháu của Tổng thống Wilson. Bản thân Tổng thống sẵn sàng chiến đấu cho lý tưởng của mình, và sẵn sàng chịu sự chống đối ngay từ lúc ông lên đường tiếp tục cuộc vận động, và từ đó trở đi, dần dần đưa tới sự sụp đổ, đảng và chính sách của ông bị loại bỏ do thắng lợi của đảng Cộng hòa vào năm 1920 - ở bên kia Đại Tây Dương. Ngay sau khi Đảng Cộng hòa dành được thắng lợi, thì những quan niệm theo chủ nghĩa biệt lập chiếm ưu thế. Châu Âu bị bỏ rơi, và phải trả các món nợ hợp pháp của mình. Cùng lúc đó, các biểu thuế quan được dụng lên để ngăn ngừa việc nhập hàng hóa mà chỉ có việc nhập này mới thanh toán được các khoản nợ kia. Tại hội nghị Washington năm 1921, Mỹ đưa ra những đề nghị nhằm áp dụng rộng rãi vấn đề giải trừ hải quân. Chính phủ Anh, Mỹ giấu các chiến hạm, phân tán lực lượng quân sự. Ngay sau đó, sự bài xích của Anh, Mỹ chĩa thẳng vào nước Pháp không còn nữa.

        Mỹ nói rõ với Anh rằng nếu Anh và Nhật tiếp tục liên minh với nhau, mà người Nhật tuân thủ liên minh đó một cách chi tiết tỉ mỉ, thì việc đó sẽ tạo nên một chường ngại trong quan hệ Anh, Mỹ. Vì vậy liên minh này phải chấm dứt. Sự bãi bỏ này gây một ấn tượng sâu sắc ở Nhật và được xem như sự hắt hủi một cường quốc châu Á của phương Tây. Nhiều mối liên kết bị tách ra, sau này đã có thể chứng minh về giá trị quyết định đối với hòa bình. Cùng lúc ấy Nhật có thể tự an ủi với sự kiện là sự suy sụp của Đức và Nga trong một thời gian đã vực họ lên vị trí thứ ba trong các cường quốc hải quân thế giới. Vậy mà hiệp nghị về hải quân Washington qui định một tỷ lệ quân số trên các tàu lớn của Nhật thấp hơn Anh và Mỹ (5:5:3), chỉ tiêu phân cho Nhật được thông báo đầy đủ đối với khả năng xây dựng và tài chính của họ trong nhiều năm, tiếp đó họ chú ý theo dõi hai cường quốc hải quân quan trọng cùng giảm bót thấp hơn rất nhiều, điều gì mà tiềm lực kinh tế và quân sự của hai nước này cho phép và điều gì họ áp đặt. Theo cách đó, cả ở châu Âu lẫn châu Á, các đồng minh chiến thắng, nhân danh hòa bình, đã nhanh chóng tạo ra những điều kiện dọn đường cho sự phục hồi chiến tranh.

        Trong lúc các sự kiện không may này xảy ra, tin một sự biến động mới khủng khiếp hơn sự thống trị của các hoàng đế Nga và Đức, Áo trở nên rõ ràng ở châu Âu. Nội chiến ở Nga kết thúc với sụ thắng lợi tuyệt đối của cách mạng Bôn-xê-vích. Quân đội Xô Viết tiến tới nhằm chinh phục Ba Lan, bị đẩy lùi trong trận đánh Warsaw, nhưng Đức và Ý hầu như không khống chế nổi sự tuyên truyền của Cộng sản, và Hungari trong một thời gian thực sự ở dưới quyền nhà độc tài Cộng sản Bela Kun. Mặc dù thống chế Foch sáng suốt nhận xét rằng: "Chủ nghĩa Bôn-xê-vích không bao giơ vượt quá giới hạn của thắng lợi", nhung nền tảng văn minh châu Âu rung rinh trong những năm đầu sau chiến tranh. Trong khi viên hạ sĩ Hitler giúp ích lớp sĩ quan Đức ở Munich bằng cách khuấy động binh lính và công nhân lòng căm thù sôi sục những người Do Thái và Cộng sản, đổ trách nhiệm cho họ về sự bại trận của Đức, thì một tên đại bợm khác là Benito Mussolini, người cung cấp cho Ý một đề tài về chính thể mới lại đáp úng đòi hỏi cứu nhân dân Ý khỏi chủ nghĩa Cộng sản. Người ấy tự đề bạt mình vào cơ quan quyền lực độc tài.

*

        Tuy nhiên một sự bảo đảm vững chắc cho hoa bình vẫn còn. Nước Đức bị giải giáp - pháo binh và vũ khí của họ bị phá hủy tất cả. Hạm đội của họ đã tự đánh đắm ở Scapa Flow. Quân đội hùng mạnh của họ đã bị giải tán. Theo hiệp ước Versailles, nước Đức chỉ được phép sử dụng một đội quân nhà nghề không quá một trăm nghìn người để giữ gìn trật tự trong nước và trên cơ sở này, không thể tích lũy được quân dự bị - Không huấn luyện lính mới gọi theo chỉ tiêu hàng năm, hàng ngũ cán bộ bị giải tán. Mọi cố gắng nhằm cắt giảm để chỉ còn một phần mười số sĩ quan quân đoàn. Không một lực lượng không quân nào được phép hoạt động. Tàu ngầm bị cấm. Hải quân Đức bị giới hạn trong một số nhỏ tàu thủy dưới mười nghìn tấn. Nước Nga Xô Viết bị ngăn cách với Tây Âu bằng một dãy các nước hung hăng chống Bôn-xê-vích, nguyên là những nước đã thoát khỏi Đế chế Nga hoàng ngày xưa, trong hình trạng mới và kinh khủng hơn. Ba Lan và Tiệp Khắc ngẩng cao đầu độc lập và dường như đứng thẳng ở Trung Âu. Hungari bình phục lại sau liều thuốc của Bela Kun. Quân đội Pháp thỏa mãn với những gì đạt được, là lực lượng quân sụ mạnh nhất có một không hai ở châu Âu và người ta tin rằng không quân cũng vào loại mạnh trong một vài năm tới.

        Trở lại năm 1934, quyền lợi của những người chiến thắng vẫn tiếp tục được duy trì ở châu Âu và trên cả thế giới. Trong mười sáu năm này, khi ba nước liên minh ngày xưa, hoặc ngay cả Anh và Pháp với các đồng minh đều không thể nhân danh Hội Quốc Liên và dưới tấm chắn tinh thần mang tính quốc tế của Hội, kiềm chế được sức mạnh quân sự của Đức bằng nỗ lục và ý chí đơn thuần. Đáng lẽ đến năm 1931, các nước thắng trận, đặc biệt là Mỹ phải tập trung các nỗ lục chống việc bóp nặn các khoản bồi thường chiến tranh của Đức. Sự thật là số tiền này chỉ thu được từ các khoản cho vay rất lớn của Mỹ đã bị cắt giảm bớt đến mức vô lý. Không thu hoạch được gì trừ ác ý. Mặt khác, từ đó cho đến năm 1934 việc buộc phải tôn trọng nghiêm ngặt các điều khoản giải trừ quân bị của hòa ước một cách không giới hạn, nhất định giữ được hòa bình, an ninh cho loài người, không có bạo lục hay đổ máu. Nhưng điều này đôi khi vẫn con những vi phạm lặt vặt, cho đến lúc những vi phạm đó trở nên nghiêm trọng thì tất cả lại được tránh né. Vì vậy, cái bảo vệ cuối cùng cho một nền hòa bình lâu dài đã không tồn tại. Tội ác của những kẻ bại trận luôn được che dấu trước sụ điên rồ của những kẻ chiến thắng. Không có những sụ điên rồ đó, tội ác nhất định không thành hình và cũng không có cơ hội nào để xuất hiện.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2018, 08:09:11 am »


*

        Trong những trang này, tôi cố gắng thuật lại một vài việc xảy ra và những ý nghĩ đã hình thành trong tôi, những việc đã đè nặng lên đầu nhân loại, tấn thảm kịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử đầy sôi động. Sự nghiêm trọng thể hiện qua việc tiêu diệt sinh mệnh và tàn sát ghê gớm binh lính như trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất và phần lớn của cải tích lũy được của các quốc gia bị tiêu phí. Tuy nhiên, trong chiến tranh thế giới thứ nhất ngoài những hành vi quá trớn của cách mạng Nga, cơ cấu chủ yếu của nền văn minh châu Âu vẫn đứng vững khi kết thúc chiến tranh. Khi con bão và bụi đại bác qua đi, bất chấp thù hằn, các dân tộc vẫn có thể công nhận lẫn nhau như là những nhân vật đặc trưng cho chủng tộc có liên quan đến lịch sử. Xét về toàn bộ, luật lệ thời chiến đều được tôn trọng. Có một điểm chung giữa những quân nhân đã từng đánh nhau là kẻ bại trận cũng như người chiến thắng vẫn giữ cách cư xử của các nước văn minh. Ngoài những khía cạnh tài chính, không thể thi hành được, một nền hòa bình long trọng phù họp với những nguyên tắc điều chỉnh các mối quan hệ của các dân tộc được khai sáng, ở thế kỷ 19. Thời kỳ luật pháp được công bố và một văn kiện thế giới được hình thành để bảo vệ tất cả chúng ta, đề phòng sự hỗn loạn có thể phục hồi trở lại, đặc biệt là châu Âu.

        Trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, mọi mối quan hệ giữa người với người bị tàn lụi. Người Đức phạm tội ác dưới sự thống trị của Hitler mà họ tự cho phép mình phải cam chịu khuất phục, một sự thống trị mà quy mô và tính chất độc ác không so sánh được với bất cứ việc gì đã từng bôi đen thành tích của nhân loại. Sự tàn sát hàng loạt sáu hay bảy triệu đàn ông, đàn bà và trẻ em ở các trại giết người của Đức bằng những phương pháp có hệ thống về mặt kinh khủng thì vượt quá sự tàn sát thô sơ nhưng có hiệu quả của Thành Cát Tư Hãn, còn về quy mô, thì sự tàn sát của Thành Cát Tư Hãn là quá nhỏ bé so với sự tàn sát của Hitler. Sự hủy diệt có tính toán toàn bộ dân chúng ở cuộc chiến tranh phía đông do Đức và Nga dự liệu trước và thực hiện đến cùng. Những cuộc ném bom ghê gớm xuống các thành phố bỏ ngỏ do bọn Đức thực hiện bị đánh trả lại gấp hai mươi lần bằng sức mạnh luôn luôn leo thang của Đồng minh, và mức cực điểm của nó là việc dùng bom nguyên tử xóa sạch Hiroshima và Nagasaki.

        Cuối cùng, chúng ta cũng thoát khỏi một cảnh tượng đổ nát về vật chất và tàn phá về tinh thần; các thế kỷ trước chưa bao giơ hình dung nổi một cảnh tương tự. Rốt cuộc chúng đã chịu tổn thất và đã thành công, bản thân chúng ta thấy vẫn còn phải đương đầu với những vấn đề và hiểm họa có thể còn kinh khủng hơn nhiều so với những vấn đề và hiểm họa mà chúng ta mới vượt qua được và tiến lên.

        Là một người đã sống và hoạt động trong những ngày này, tôi muốn chứng minh rằng tấn thảm kịch Chiến tranh Thế giới Thứ hai có thể được ngăn ngừa dễ dàng như thế nào, sự nhu nhược của con người đạo đức đã tăng cường tính hiểm độc của kẻ xấu xa như thế nào; cơ cấu, tập quán các nước dân chủ - trừ phi chúng được cố kết trong những tổ chức lớn hơn - thiếu như thế nào những phần tử kiên trì có lòng tin vũng chắc kia, có thể đơn độc đem lại an ninh cho quần chúng hèn mọn; thậm chí về các vấn đề tự bảo vệ cũng không có một chính sách trong ngay cả mười hay mười lăm năm kế tiếp sau. Chúng ta sẽ thấy những lời khuyên về sự khôn ngoan và sự dè dặt có thể trở thành những tác nhân chủ yếu của mối nguy hiểm chết người; biện pháp trung dung được chọn như thế nào từ những mong muốn về sự an toàn, và một cuộc sống bình yên có thể đạt tới đâu, hay lại đưa thẳng đến điểm đến của tai họa.

        Chúng ta sẽ nhận ra sự cần thiết về một con đường hành động quốc tế rộng rãi được nhiều nước cùng theo đuổi qua nhiều năm, bất chấp sự thăng trầm của những quan điểm chính trị quốc gia.

        Đó là một chính sách đơn giản bắt nước Đức phải giải giáp, còn những nước thắng trận được vũ trang đầy đủ trong ba mươi năm, và trong lúc ấy, dù là không thể có giảng hòa với nước Đức, thì xây dựng vững chắc hơn bao giờ hết một Hội Quốc Liên thực sự có khả năng bảo đảm các hiệp ước đó được nghiêm chỉnh tuân thủ, hoặc chỉ được thay đổi bằng thảo luận hay thỏa thuận. Khi ba hay bốn chính phủ có quyền thế lớn cùng hành động, đã từng đòi hỏi những hy sinh to lớn nhất của nhân dân họ khi chính nghĩa chung được thẳng thắn trao cho họ, và khi kết quả mong đợi đã đạt được, thì hành động phối họp này hẳn là có vẻ họp lý, phải được duy trì để cho ít nhất những điều cốt yếu không bị loại bỏ. Nhung sự đòi hỏi khiêm tốn này cũng không có được khi sức mạnh, nền văn minh, học vấn, kiến thúc, khoa học của những kẻ thắng trận đều không đáp ứng. Họ sống lần hồi qua ngày, và từ cuộc bầu cử này qua cuộc bầu cử khác cho đến lúc vừa kết thúc hai mươi năm thì dấu hiệu kinh hoàng của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai lại lộ rõ, và chúng ta phải viết về những người con của những ai đã chiến đâu và hy sinh một cách trung nghĩa và chính đáng như sau:

        Sát cánh, vai kề vai đau đớn

        Họ lê bước khỏi những nơi hoang vu đồng không mông quạnh đầy ánh sáng của cuộc đời.
1

------------------
        1. Siegfried Sassoon
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM