Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:06:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nửa thế kỷ hành quân cùng đồng đội  (Đọc 29659 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:45:51 am »

Đầu năm 1949, Trung ương Đảng đã quyết định: “Đẩy mạnh cầm cự, tích cực chuẩn bị Tổng phản công” và chuyển phương châm tác chiến: “Du kích chiến là căn bản, vận động chiến là phù trợ, tích cực đẩy mạnh vận động chiến tiến tới”.

Trong năm 1949, các chiến dịch liên tục của các quân khu được phát triển mạnh trên nhiều hướng.

Đường 4 trở thành “con đường máu”. Đó là kết quả các trận chiến đấu xuất sắc của Trung đoàn 174 do anh Đặng Văn Việt làm Trung đoàn trưởng đã nổi danh là “Đệ tứ quốc lộ đại vương” khiến cho địch kinh hoàng.

Tây Bắc tiêu diệt tiểu khu Phố Ràng mở một mảng rộng trên phòng tuyến Sông Thao dài 30 ki-lô-mét rồi mở tiếp đến Ba Khe, Nghĩa Lộ.

Mặt trận 3 Trung du hoạt động mạnh.

Kế hoạch khống chế căn cứ địa Việt Bắc của địch bị phá vỡ, âm mưu lợi dụng đồng bào miền núi của chúng lại thêm một thất bại nặng nề.

Mặt trận Hà Nội, đường 5, Hải Phòng gây cho địch khiếp đảm.

Ta phối hợp thắng lợi với Giải phóng quân Trung Quốc diệt và bắt một lực lượng lớn quân Tưởng ở biên giới, mở đường liên lạc với Trung Quốc và đường hành lang Tây Bắc qua Lào.

Trong hai năm, Bộ Tổng Tư lệnh(1) tập trung chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang về nhiều mặt, lấy xây dựng chủ lực làm chính đã đẩy chủ lực lớn mạnh đủ điều kiện xây dựng các đại đoàn chủ lực. Ngày 28 tháng 8 năm 1949, đại đoàn chủ lực đầu tiên với phiên hiệu là Đại đoàn 308 Quân Tiên Phong(2) được thành lập, đánh dấu một bước phát triển mới của quân đội. Đến ngày 10 tháng 3 năm 1950 ta lập đại đoàn thứ hai là Đại đoàn 304. Lực lượng trực thuộc Bộ bao gồm hai đại đoàn và hai trung đoàn 174, 209, đã mạnh hơn lực lượng cơ động của địch. Ta đã có điều kiện để tổ chức chiến dịch lớn. Đầu năm 1950, Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch Tây Bắc lấy tên là chiến dịch Lê Hồng Phong và chuẩn bị mở chiến dịch lớn ở Đông Bắc với ý định rất kiên quyết. Đó là bước mở đầu của một giai đoạn mới của cuộc kháng chiến.

Qua hai năm, chiến tranh du kích phát triển mạnh, các tiểu đoàn đánh cứ điểm và đánh vận động đã tiến bộ nhiều, địch đã tăng quy mô và công sự các cứ điểm, đồng thời tổ chức nhiều binh đoàn cơ động (7 GM) ta mới có điều kiện và nhu cầu nâng quy mô trận đánh và quy mô tổ chức. Tập trung các đại đội độc lập trở lại, lập các trung đoàn mạnh và phát triển được hai đại đoàn mạnh. Tiếp đến các năm sau tổ chức tất cả là sáu đại đoàn và các binh chủng cũng phát triển hơn.

*
*   *

Trong những năm qua, cường độ làm việc của anh Văn rất lớn. Ngoài công việc của bộ Tổng chỉ huy, Tổng Chính ủy (sau này là Bí thư Quân ủy Trung ương), còn công việc của Chính phủ, của Đảng Đoàn và việc giúp cách mạng Lào và Cam-pu-chia.

Công việc đòi hỏi phải đi nhiều, thông thường là ngày làm việc, đêm đi, đêm khuya hay gần sáng mới nghỉ. Có khi gấp, đến nơi là chuẩn bị vào làm việc luôn, không có thời gian nghỉ. Thế mà lúc nào cũng thấy anh rất có phong độ, lúc nào cũng tỉnh táo, minh mẫn, điềm tĩnh. Tôi cố gắng rất nhiều nhưng vẫn cảm thấy chưa giúp anh được bao nhiêu. Tuy vậy anh luôn tỏ ra thông cảm, tin cậy và thân mật, điều đó đã khuyến khích tôi nhiều. Đối với tất cả các anh em cùng công tác, anh đều đối xử như vậy.

Năm 1949, anh Phạm Văn Đồng đảm nhiệm công việc của chính phủ và Đảng Đoàn, anh Văn được tập trung vào công tác quân sự nhưng do sang giai đoạn mới công việc lại mở rộng hơn, trách nhiệm lại nặng nề thêm nên tình hình trên không thay đổi mấy.

Phong cách làm việc của anh rất chú trọng tính khách quan, khoa học. đối với các tin tức về địch, về ta, anh kiểm tra đi kiểm tra lại, khi cần thì gặp trực tiếp cán bộ ở đơn vị cơ sở để đánh giá thật chính xác. Giải quyết công việc rất quyết đoán có cơ sở chắc chắn. Đối với vấn đề mới thì rất cẩn trọng, khi cần thì tổ chức thực nghiệm như các trận đánh cứ điểm Phủ Thông, Bản Trại… Mong muốn thực hiện được đánh tiêu diệt và hạn chế tổn thất đến tối thiểu. Trong thế bị động vẫn bình tĩnh mưu trí giành lại chủ động (trong điều kiện ta yếu hơn địch). Đối với những vấn đề lớn về chỉ đạo chiến lược mà anh thường xuyên phải giải quyết, anh nghiên cứu rất sâu rộng, nhuần nhuyễn tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo theo tình hình thực tế từng thời kỳ, nhìn xa trông rộng dự kiến những khả năng có thể xảy ra để luôn chủ động trong công tác. Đối với các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần…, anh rất chú trọng phát huy với tinh thần rất dân chủ, kịp thời giao nhiệm vụ, lắng nghe, hướng dẫn, có khi trực tiếp với cán bộ đang làm một nhiệm vụ quan trọng. Đối với cấp dưới, anh dành tình cảm như người anh, dìu dắt như người thầy. Đó là những vấn đề tôi học được ở anh. Nó đã giúp tôi nhiều trong quá trình công tác các năm sau.

Tôi còn học tập được các anh em trong cơ quan như học đọc sách quân sự bằng chữ Hán với cụ Đông A; học tìm hiểu về lý luận chính trị, về Đảng với hai đồng chí Mạnh Việt và Phùng Ngọc Bảo, những người sau này giới thiệu tôi vào Đảng Lao động Việt Nam.

Trong thời gian tôi làm bí thư quân sự cho anh Văn, tôi đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhưng chủ yếu là tôi học tập được nhiều về một số vấn đề về đường lối và chỉ đạo chiến lược cũng như tác phong lãnh đạo chỉ huy xây dựng, huấn luyện và chỉ huy đơn vị chiến đấu.

Trước khi rời cơ quan, chuyển ra đơn vị, tôi đã được kết nạp vào Đảng. Đó là các điều kiện rất cơ bản và quan trọng để tôi có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ khi ra chỉ huy đơn vị chiến đấu.

Rời cơ quan ra đơn vị chiến đấu, tôi coi như đã tốt nghiệp “Trường đại học lớn” của tôi, nay được ra trường. Giống như ngày xưa, kẻ sĩ lên núi luyện thành tài, nay Thầy cho “xuống núi” thi thố với đời!


(1) Ngày 20 tháng 1 năm 1948, Chính phủ ra sắc lệnh phong cấp Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình và Thiếu tướng cho 9 đồng chí cán bộ khác của quân đội, còn phong cấp Đại tá cho một số cán bộ cấp cục. Ngày 12 tháng 3 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh đổi tên Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam thành Bộ Tổng Tư lệnh quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam.
(2) Gồm ba trung đoàn: 102, 88, 36 đã qua chiến đấu; một tiểu đoàn pháo 75mm, một tiểu đoàn phóng pháo, cối 120, 185mm, một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn thông tin.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:46:54 am »

TRƯỞNG THÀNH TRONG CHIẾN ĐÂU Ở QUÊ CHA

Vào mùa thu 1950, tôi được chuyển ra đơn vị trực tiếp chiến đấu ở Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 – đại đoàn chủ lực đầu tiên của bộ. Từ đây cũng là thời gian ta bắt đầu vào giai đoạn Tổng phản công. Ta đã phải trải qua một giai đoạn chiến tranh quyết liệt với kẻ thù để giữ và giành lại chủ động chiến trường, tạo thế lực và điều kiện chuyển sang quyết chiến chiến lược cuối cùng. Tôi ở đơn vị chiến đấu đã thấy rõ tình chất quyết liệt, khó khăn ở chiến trường.

Trung đoàn 36 thành lập ngày 10 tháng 1 năm 1946 là một trong những trung đoàn thành lập đầu tiên của quân đội. Ngày đầu thành lập trung đoàn có tên là Chi đội Bắc Bắc, gồm một tiểu đoàn tập trung và các đại đội địa phương thuộc khu 12 bao gồm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Trung đoàn đã chiến đấu cấp đại đội, tiểu đoàn độc lập hoặc trong đội hình của trung đoàn, giỏi đánh vận động, riêng tiểu đoàn tập trung nay là Tiểu đoàn 80 đánh được các đồn nhỏ có ít công sự, ở địa hình trung du hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Cán bộ chiến sĩ hầu hết là quê ở đây nên quan hệ gắn bó với nhân dân hai tỉnh này.

Trước khi đi chiến dịch, trung đoàn đã có thời gan huấn luyện quân sự, chính trị, đã được tăng cường thêm vũ khí do hai trung đoàn khác của đại đoàn giao lại, sức chiến đấu được tăng lên.

Tháng 8, tôi được lệnh về làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 36 khi ta đang khẩn trương chuẩn bị chiến dịch Biên Giới, trung đoàn đã hành quân lên vị trí tập kết ở Bố Trạch, Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Tôi tự đi tìm đến đơn vị bằng xe đạp. Tôi định qua Bắc Kạn lên Cao Bằng trước. Ở đấy có nhà anh Kim Hùng là trưởng ban quân báo Đại đoàn 308, từ đấy tôi có thể theo trinh sát đi đến trung đoàn. Đường đi qua nhiều đèo dốc, phải học tập người đi đường buộc một cành cây to khi xuống dốc mới đi được. Dọc đường có khi lên cơn sốt rét phải vào nhà dân nghỉ, dùng thuốc mang theo, dứt cơn sốt lại tiếp tục đi. Đến nơi tôi gặp anh Kim Hùng đang đi lên đài quan sát để trinh sát thị xã Cao Bằng. Trước khi lên đường tôi đã được biết Đại đoàn 308 đang chuẩn bị để đánh Cao Bằng nên tôi đi theo anh Kim Hùng lên đài luôn. Từ trên đìa nhìn thị xã thật đẹp và nên thơ, ba mặt đều có sông, thật hiếm thấy một thành phố ở một địa thế đẹp như vậy. Hai bên sông cây cối xanh tốt, dòng nước lờ lững trôi thật hiền lành, nhưng tiếc thay, các cứ điểm phòng ngự với các công sự đỏ ối của địch dường như những vết thương lở loét nhức nhối. Tôi suy nghĩ, dự đoán hướng chính của đại đoàn phải đánh vào pháo đài vì chỉ có hướng này mới có đất liền. Nhưng ở đây thật khó đánh vì có thành cao, công sự vững, tôi dự kiến hướng của Trung đoàn 36 có thể ở hướng Đông vì ở dấy có cây cầu, làm sao chiếm giữ nó trước và quan sát sâu vào trong… Tôi rời khỏi đài lòng băn khoăn: đánh trận này liệu có chắc thắng không?

Đến đơn vị vừa kịp đi chuẩn bị chiến trường. Lúc này quyết tâm của chiến dịch đã có thay đổi. Trận đầu của chiến dịch là Đông Khê. Trung đoàn làm nhiệm vụ đánh vận động là hợp với sở trường rồi. Thật là may! Tôi phải tranh thủ tìm hiểu nhiệm vụ, tình hình địch và tình hình chung của ta, chưa kịp làm quen với cán bộ, nhân viên cơ quan trung đoàn. Mấy ngày đi chuẩn bị chiến trường là dịp đầu tiên để hiểu tất cả cán bộ chủ chốt về quân sự của trung đoàn. Chỉ huy trung đoàn lúc đó tôi chỉ gặp anh Hồng Sơn – Trung đoàn trưởng, anh Lê Linh – Chính ủy. Tôi cũng không gặp được anh Tham mưu trưởng cũ để nhận bàn giao. Đó là khó khăn ban đầu.

Chiến địch Biên Giới là chiến dịch lớn nhất. Đại đoàn 308 là lực lượng chủ yếu, mở đầu giai đoạn tổng phản công, dùng toàn bộ chủ lực của Bộ và lực lượng vũ trang của hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và của Liên khu. Mục đích rất kiên quyết, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng biên giới phía Bắc, giải tỏa uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc.

Bác Hồ cũng đi chiến dịch. Anh Văn trực tiếp làm Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng ủy của Bộ chỉ huy chiến địch, có cố vấn Trung Quốc giúp sức. Điều đó nói lên tầm quan trọng của chiến dịch này. Lần đầu tiên số lượng dân công lớn ngang số bộ đội ra mặt trận.

Sự có mặt của Bác là nguồn cổ vũ lớn. Tranh vẽ và bài hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” là sáng tác trong thời gian này. Hai trung đoàn của Đại đoàn 308 đã sang Trung Quốc học thêm cách đánh địch trong công sự và lô cốt, có K50 cho chiến sĩ, có pháo 75 (sơn pháo) và trọng liên bắn máy bay, đã tăng sức mạnh chiến đấu lên nhiều.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:47:15 am »

Khu vực chiến dịch địa hình rừng núi hiểm trở, nhiều núi đá, đường sá kém phát triển. Đường số 4 là con đường chiến lược quan trọng chạy dọc biên giới Việt – Trung dài 300 ki-lô-mét, từ Hồng Quảng qua Lạng Sơn lên Cao Bằng. Đây là “liên khu biên giới phía Bắc” của địch do 13 tiểu đoàn chiếm đóng nhằm bao vây căn cứ ta về phía Bắc. Trọng điểm là thị xã Cao Bằng và Lạng Sơn, các cứ điểm chốt ở ngã ba giao thông chính là Đông Khê, Thất Khê, Na Sầm.

Ý định quyết tâm của chiến dịch lúc đầu định đánh Cao Bằng kéo viện lên để diệt. Sau Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang đánh Đông Khê là rất hay. Đó là do tác phong chỉ huy sâu sát, dân chủ, cẩn trọng nắm chắc phần thắng như chỉ thị của Bác: “Chiến dịch này chỉ được đánh thắng!”

Đông Khê là một cụm cứ điểm mạnh đã bị Trung đoàn 174 diệt gọn cuối tháng 5 năm 1950 (ngoài dự kiến của Bộ), nay đã được củng cố, tăng cường. Hai trung đoàn 209 và 174 tăng cường sơn pháo 75 đánh Đông Khê. Đại đoàn 308 chuẩn bị đánh viện.

Địch quyết giữ Đông Khê nên trận đánh kéo dài, nhưng ta quyết đánh tiêu diệt. Trận đánh kéo dài từ 6 giờ sáng ngày 16 đến 5 giờ ngày 18 tháng 9. Ta toàn thắng.

Nhiệm vụ của Trung đoàn 36 là đánh viện cả dù lẫn bộ binh ở Nam Đông Khê, trọng điểm là Khâu Luông, Nà Pá đến Trọc Ngà.

Sau khi đoàn cán bộ từ đại đội trưởng trở lên đi chuẩn bị chiến trường vừa đi vừa trao đổi, khi về tôi đã hình thành quyết tâm. Đồng chí Trung đoàn trưởng họp Đảng ủy thông qua quyết tâm, tôi làm kế hoạch.

 Núi Khâu Luông cao nhất khu vực, sườn núi rất dốc, có bốn mỏm cách nhau qua cá “yên ngựa”, toàn cỏ tranh. Nó có vị trí khống chế toàn khu vực, địch có thể chiếm để bảo vệ sườn. Nhưng chung quanh không có địa hình đặt hỏa lực để chi viện cho bộ binh xung phong, chúng tôi phải tìm một vị trí kín đáo ở sườn đồi ít dốc gần mỏm núi để nhanh chóng chiếm trước bàn đạp khi địch đến. Các đơn vị giấu quân kín ở phía Đông đường là chính, một bộ phận ở phía Tây đường; tất cả khu vực chuẩn bị đường xuất kích, tính toán hiệp đồng các mũi, giữ bí mật với máy bay trinh sát, ngụy trang đánh ngày; điện thoại liên lạc với các mũi và hỏa lực chuẩn bị tín hiệu chỉ huy khi vận động; hỏa lực chính là cối đặt dưới chân núi chi viện sát cho bộ binh.

Thế trận đã bày xong, chờ bảy ngày địch không lên. Địch chủ trương bí mật rút khỏi Cao Bằng, lệnh cho Lơ Pa-giơ từng chặng. Ta không phát hiện được. Sau mới biết địch cho binh đoàn Lơ Pa-giơ đi rất bí mật lên đón binh đoàn Sác-tông từ Cao Bằng rút về hẹn hợp điểm ở Nậm Nàng – Bắc Đông Khê 15 ki-lô-mét, sau đó hành quân về Thất Khê.

Từ ngày 25 tháng 9, ta chuẩn bị đánh Thất Khê. Tôi cùng cán bộ tiểu đoàn, đại đội đi chuẩn bị chiến trường, hai phần ba quân số bộ đội đi lấy gạo. Khi địch đi qua trận địa phục kích của Đại đoàn 308 ở phía Nam ban đêm, trận địa bỏ trống. Đến đêm ngày 1 tháng 10, Trung đoàn 209 ở Đông Khê phát hiện địch đã nổ súng mới biết. Vì vậy Trung đoàn 36 thế trận không sẵn sàng, không thực hiện được kế hoạch chiếm trước đỉnh Khâu Luông, lực lượng còn ít lại xộc xệch, hôm sau đánh chiếm lại rất khó khăn.

Binh đoàn do đại tá Lơ Pa-giơ chỉ huy có ba tiểu đoàn Âu Phi, tăng cường tiểu đoàn dù 1, chiếm các núi cao Nam Đông Khê trải dài đến Lũng Phầy (hơn 10 ki-lô-mét). Ngày 1 tháng 10, chúng thả dù thêm một đại đội pháo xuống Nà Pá. Hôm sau tiểu đoàn dù 1 và một tiểu đoàn Âu Phi đi vòng phía Tây lên đón binh đoàn Sác-tông.

Chiều 2 tháng 10, Đại đoàn 308 dồn quân còn lại xuất kích chiếm Trọc Ngà diệt một đại đội, đến tối chiếm được đường số 4 từ Trọc Ngà đến Lũng Phầy. Địch dồn lại cố thủ ở Khâu Luông, Nà Pá, Khâu Áng.

Trung đoàn 36 được lệnh xuất kích chiều ngày 2 tháng 10, bộ đội chưa kịp ăn cơm, tập trung lực lượng xuất kích ngay, không kịp nắm tình hình cụ thể của địch, triển khai tiến công Khâu Luông. Lực lượng chỉ có hai tiểu đoàn 80 và 84 xộc xệch dồn lại mỗi tiểu đoàn được một đại đội do Trung đoàn trưởng và Chính ủy trực tiếp chỉ huy. Đồng chí Trung đoàn phó và tôi đi chuẩn bị chiến trường ở Thất Khê. Đây là vị trí chủ yếu của địch đóng trên địa điểm cao rất dốc, có hỏa lực mạnh. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt, trung đoàn tổ chức hai đợt xung phong đánh giáp lá cà với địch từ 22 giờ ngày 2 và 8 giờ ngày 3 tháng 10, nhưng chỉ chiếm được đầu cầu, không có hỏa lực yểm hộ chặt chẽ nên lại bị bật xuống sườn núi ở lưng chừng đồi. Có nhiều gương anh dũng như Tiểu đội trưởng Trần Quang Vinh, Đại đội phó Phan Đề Yên (Đại đội 62), Đại đội phó Kim Thảo (Đại đội 63) bị thương không rời trận địa, kiên quyết chỉ huy đơn vị liên tục tiến công. Hai đồng chí Vi Văn Lực, Nguyễn Công Bằng quật ngã, tiêu diệt nhiều quân địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:50:30 am »

Mặc dù máy bay, pháo địch bắn phá, trong khói lửa, trung đoàn quyết tâm động viên bộ đội chủ cố tổ chức, đạn dược, rút kinh nghiệm hai đợt qua, tổ chức hiệp đồng lại chặt chẽ, có thêm sức của bộ đội, cán bộ đi lấy gạo về. Tiểu đoàn 80 qua hai ngày đêm chiến đấu liên tục bị tiêu hao và mệt mỏi, trung đoàn đưa Tiểu đoàn 11 thuộc Trung đoàn 209 Bộ tăng cường vào thay. Đến trưa ngày 3 tháng 10, đợt tiến công thứ ba có hai tiểu đoàn 11, 84 lại bắt đầu. Bộ binh và pháo binh phối hợp chặt chẽ, các mũi tiến lên đều, bấm sát địch đánh gần giáp lá cà vật lộn với địch rất quyết liệt. Sau 2 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 84 chiếm được mỏm Đông Nam. Tiểu đoàn 11 đã tiến sát mỏm Đông Bắc, hai mũi hiệp đồng chặt chẽ, đánh bật địch, làm chủ trận địa, diệt một đại đội Âu Phi. Đến 12 giờ đêm, địch rút chạy về phía Cốc Xá, bỏ lại toàn bộ pháo (4 khẩu 105mm), lừa, ngựa và 500 xác chết tại chiến trường.

Chiến thắng oanh liệt của trung đoàn tại Khâu Luông đã làm kế hoạch của địch bị đảo lộn. Hai cánh quân này phải tìm nhau giữa khu rừng Tây Đông Khê. Theo tin trên thông báo điểm hẹn tới là 477, Tây Cốc Xá vì lúc khẩn cấp chúng đánh điện rõ hết.

Cánh quân Sác-tông gồm hai tiểu đoàn Âu Phi, một tiểu đoàn ngụy và 500 dân sự có tỉnh trưởng Cao Bằng. Ngày 4 tháng 10, địch phải bỏ hết xe cộ để đi theo đường đất vào Quang Liệt. Đội hình địch dài 6 ki-lô-mét, đường có nhiều bụi rậm phải phát cây để đi, dọc đường gặp những toán quân nhỏ của ta đánh, chúng phải đi vòng để tránh, mỗi ngày chúng chỉ đi được 4 đến 6 ki-lô-mét.

Đài phát thanh của địch ngày 4 và 5 tháng 10 còn nói ra rả: “Khi hai cánh quân Lơ Pa-giơ và Sác-tông gặp nhau thì phải trở thành một lực lượng mà Việt Minh không thể làm gì nổi”.

Ngày 4 tháng 10, cánh Lơ Pa-giơ đến Cốc Xá, có ba tiểu đoàn bị thiệt hại nặng, đã phái một tiểu đoàn đi liên lạc ở 477 nhưng dọc đường gặp Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 102 chặn đánh phải lui về Cốc Xá.

Đến ngày 6 tháng 10 thì hình thái chung như sau: Binh đoàn Sác-tông lực lượng còn tương đối nguyên vẹn nhưng mệt rã rời, mất tinh thần, chiều ngày 6 tháng 10 mới đến 477, chưa gặp cánh Lơ Pa-giơ đang còn ở Cốc Xá. Cũng đến ngày 6 tháng 10, lần đầu tiên chúng liên lạc với nhau bằng vô tuyến điện.

Chiều 4 tháng 10, tôi đã về kịp đưa bộ đội đi truy kích địch. Tôi đi cùng anh Hồng Sơn theo vết của địch, cho điện thoại kéo theo, đến xế chiều thì đến đỉnh núi 765, đã thấy dãy núi đá trước mặt, máy bay đang thả dù tiếp tế, đoán biết địch ở đó. Một lúc sau điện thoại kéo đến, anh Hồng Sơn đã kịp cầm máy trả lời cho đồng chí Tổng tư lệnh trực tiếp hỏi tình hình. Chúng tôi được biết binh đoàn Lơ Pa-giơ đang ở Cốc Xá và hai binh đoàn của địch đang hẹn nhau ở 477. Chặp tối, chúng tôi gặp anh Chu Phương Đới – Tiểu đoàn trưởng của Tiểu đoàn 154 – Trung đoàn 209 sang tăng cường cho Trung đoàn 36. Chúng tôi được biết bộ đội 154 đang bám địch hướng Đông Bắc núi đá Cốc Xá. Anh Hồng Sơn giao cho Tiểu đoàn 154 đánh địch từ hướng Bắc vào theo đường địch rút rồi thông báo cho anh Chu Phương Đới biết để hiệp đồng. Tiểu đoàn 11 sẽ đánh từ Tây Nam lên, Tiểu đoàn 89 đánh cắt ngang ở giữa. Lúc này anh Văn Nhân – Tiểu đoàn trưởng 89 cũng đã có mặt. Sau đó đến tối thì gặp anh Dũng Mã của Tiểu đoàn 11, giao cho Tiểu đoàn 11 đánh hướng Tây Nam theo đường địch rút, hướng này có đường sang 477.

Trong ngày 5 tháng 10, địch mở đường máu để đi qua 477 nhưng bị Tiểu đoàn 11 đánh lui 4 đợt tiến công của chúng.

Địch được máy bay chi viện dựa vào thế núi chống cự. Ta chiếm được các điểm cao đồi đất, địch co lại cố thủ trong các hang đá trong đó có hang đá lớn gọi là hang Cốc Xá.

Lệnh của đại đoàn giao cho Trung đoàn 36 bao vây, tiêu diệt binh đoàn Lơ Pa-giơ ở Cốc Xá, không cho chúng liên lạc với binh đoàn Sác-tông, lực lượng còn lại của địa đoàn bao vây tiêu diệt binh đoàn Sác-tông ở 477.

Bác Hồ gửi lá thư ngắn: “hiện nay tình hình rất có lợi cho ta. Vậy các chiến sĩ phải quyết tâm tiêu diệt địch cho kỳ hết, giành lấy toàn thắng”.

Đại tướng Tổng tư lệnh điện lệnh: “Bắt sống Lơ Pa-giơ, bắt lính Ta-bo về đi tải gạo”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:50:54 am »

Sáng ngày 6 tháng 10, trung đoàn tổ chức lại trận tiến công với ý chí quyết diệt địch bằng được. Các hướng tổ chức hỏa lực yểm hộ có hiệu lực, bộ đội mang nhiều lựu đạn, len lỏi đánh từng hốc đá. Đặc biệt, nhất là Đại đội 395 thuộc Tiểu đoàn 89 do Đại đội trưởng Tiến Trang chỉ huy đã dũng cảm, chịu đau, khắc phục khó khăn trèo lên một ngọn cao đánh xuống bất ngờ nổ súng vào bọn chỉ huy của binh đoàn Lơ Pa-giơ. Chúng hoảng hốt bỏ chạy ào xuống hướng Tiểu đoàn 11, bị hỏa lực quật ngã rất nhiều nhưng chúng vẫn chạy bừa xuống đạp vào các ổ súng ở gần. Ở sở chỉ huy trung đoàn còn nhìn thấy nhiều tên từ trên cao ba bốn mét thả dây leo xuống, có đứa nhảy ào xuống suối… cố thoát thân trên các hướng, nhưng chúng lại rơi vào trận địa của ta, bị diệt bị bắt rất nhiều. Sau 30 phút, toàn bộ binh đoàn Lơ Pa-giơ đã hoàn toàn tan rã. Một số trong đó có ban tham mưu của Lơ Pa-giơ chạy thoát, nhưng đói mệt, mất tinh thần, gặp ta ở đâu là ra hàng ở đó, nhất là anh nuôi vừa đi vừa giơ cao nắm cơm gọi hàng bắt được rất nhiều tù binh. Một số chạy cả vào Sở chỉ huy của trung đoàn. Trong một ngày ta đã bắt hơn trăm tên. Sáng ngày hôm sau, Đại đội 42 thuộc Tiểu đoàn 84 đi phối thuộc cho Trung đoàn 88 do đồng chí Đại đội trưởng Trần Đăng Khiêm chỉ huy, có đồng chí Trần Phòng giỏi tiếng Pháp làm phên dịch đã bắt gọn ban tham mưu của đại tá Lơ Pa-giơ đưa về báo cáo với trung đoàn biết rõ, trong đó còn có đại tá bác sĩ quân y Du-rích và nhiều sĩ quan đi cùng.

Tin binh đoàn Lơ Pa-giơ bị tiêu diệt là một đòn cân não nặng nề giáng vào binh đoàn Sác-tông đang bị quây đánh ở điểm cao 477. Bị các trung đoàn 88 và 102 đánh mạnh, chúng lập tức tan rã, tháo chạy bừa bãi. Chiều ngày 7 tháng 10, toàn bộ binh đoàn Sác-tông đã bị quân ta tiêu diệt và bắt sống.

Sác-tông và hầu hết ban tham mưu của hắn cùng Hai Thu – tên tỉnh trưởng bù nhìn Cao Bằng bị Tiểu đoàn 18 Trung đoàn 102 bắt sống.

Ngày 8 tháng 10 nhận được thư Bác: “Các chú không quản mệt nhọc, đói rét, chỉ ra sức thi đua giết địch, các chú đã đánh tan đoàn quân tinh nhuệ nhất của địch… Bác và Tổng tư lệnh đã ra lệnh khao các chú một bữa thịt bò. Bác hôn tất cả các chú”.

Nghe thư Bác ai nấy đều vui mừng khôn xiết, vỗ tay, hô khẩu hiệu, hát vang cả khu rừng nơi bộ đội tập kết sinh hoạt.

Được tin hai binh đoàn Lơ Pa-giơ và Sác-tông bị tiêu diệt, cánh quân Đờ La Bôm tháo chạy về Thất Khê. Tiếp đó, quân địch ở Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Đình Lập nằm trên đường số 4 đều hốt hoảng rút chạy hết. Hệ thống phòng tuyến được mệnh danh là “Vành đai khép chặt biên giới” hoàn toàn bị đập vỡ. Từ Bắc đến Đông Bắc được giải phóng. Những ngày sau đó, địch rút từ An Châu (23-10) đến sát Tiên Yên. Tổng cộng đường số 4 được giải phóng gần 100 ki-lô-mét. Vũ khí, quân trang, quân dụng, xe cộ, đạn dược thu được rất lớn. Riêng Lạng Sơn, theo tin địch, chúng bỏ lại “1.500 tấn trang bị, 2.000 tấn quân nhu, 4.000 khẩu tiểu liên, 10.000 viên đạn pháo, 150 tấn thuốc nổ, ước tính đủ trang bị cho tám trung đoàn đối phương”.

*
*   *

Chiến dịch Biên Giới là một thất bại khủng khiếp của thực dân Pháp. Theo chúng thì Hà Nội đã bị trực tiếp uy hiếp. Cũng không phải chỉ Pháp nghĩ như vậy. Chúng tôi có được nghe kể lại rằng đồng chí Trần Canh – Tư lệnh dã chiến quân Trung Quốc sang thăm ta, khi nghe nói về kết quả chiến dịch Biên Giới, đồng chí ước lượng đường đến Hà Nội, rồi vẽ ba cái vòng lớn và nói: 200 ki-l.ô-mét, chỉ ba chiến dịch nữa! Nhà văn Hội văn nghệ quân đội Pháp A-ri-ghi viết: “Cuối tháng 12 năm 1950, Bắc Kỳ như chiếc đèn trước gió, nhân dân Hà Nội chờ đợi điều xấu nhất xảy ra. Việt Minh say sưa vì chiến thắng đường 4 ở Cao Bằng và cuộc rút lui vội vã của Lạng Sơn, chỉ còn một tham vọng chiếm đồng bằng Bắc Kỳ vựa lúa và biển người không bao giờ cạn… Ngày 25 tháng 12 năm nay đã phát hiện đối phương bắt đầu tiến công trên hai hướng: Tám chín tiểu đoàn chủ lực tiến công hướng xứ Nùng hoạt động hướng Móng Cái giáp Trung Quốc. Hai mươi tiểu đoàn khác thuộc Đại đoàn 308 và toàn bộ Đại đoàn 312 ở hai bên dãy núi Tam Đảo cách Hà Nội 65 ki-lô-mét. Mục tiêu đã rõ ràng: Chiếm Hà Nội”.

Thực dân Pháp vội vã điều tướng Đờ Lát mà họ tin tưởng chỉ có ông ta mới cứu vãn được tình hình. Đờ Lát là tướng 5 sao đầu tiên sang Việt Nam làm cao ủy kiêm tổng tư lệnh, mà Pháp coi là anh hùng, là tướng tài đã từng cứu nước Pháp khỏi bàn tay của phát xít Đức.

Ngày 6 tháng 12 năm 1950 Đờ Lát sang Việt Nam đã vội vã vét quân từ trong Nam đưa ra tăng viện cho Tiên yên và lo ngăn chặn ta tiến công vào Hà Nội. Ông ta trưng dụng cả máy bay dân dụng lập cầu hàng không ra Bắc để đưa gấp quân, pháo, đạn pháo, bom na-pan mà ông ta sẽ dùng với số lượng lớn để chặn đứng các cuộc tiến công của quân ta.

Đờ Lát tiếp tục thúc đẩy thực hiện kế hoạch bình định, dựa vào viện trợ Mỹ phát triển lực lượng ngụy để tập trung lực lượng cơ động hòng giành lại chủ động; mặt khác gấp rút xây tuyến vài đai boong-ke từ Đông sang Tây ngăn chặn chủ lực ta xuống đồng bằng để mở rộng vùng tạm chiếm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:51:18 am »

Để phá âm mưu của địch, Trung ương Đảng ta chủ trương mở các chiến dịch liên tiếp, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phát triển du kích chiến tranh, phá bình định, phá khối ngụy quyền, giữ quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ. Theo tình hình cụ thể từng địa bàn, mỗi chiến dịch còn có những yêu cầu riêng. Hai đại đoàn 308 và 312 làm nòng cốt,. liên tục tham gia các chiến dịch. Bộ chỉ huy chiến dịch đều do anh Văn làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy.

Chiến dịch Trần Hưng Đạo ở trung du bắt đầu ngày 25 tháng 12 năm 1950. Ngoài các mục đích nói trên, chiến dịch còn nhằm phá kế hoạch củng cố của địch và mở rộng khu lương thực. Hướng chủ yếu là Vĩnh Yên – Phúc Yên, hướng phụ là Bắc Ninh.

Thủ đoạn tác chiến của Đờ Lát có thay đổi: tăng viện binh thận trọng hơn, nhưng kiên quyết hơn, tập trung số lượng phi pháo, bom na-pan lớn hơn rất nhiều, bước đầu có gây khó khăn cho ta.

Trở về trung du, chiến trường cũ vốn là quê hương của mình, các chiến sĩ Bắc Bắc rất nô nức, phấn khởi. Sau nửa tháng hành quân, trung đoàn đã về vị trí tập kết chiến dịch.

Đợt 1 chiến dịch. Các trung đoàn 88, 102 thuộc Đại đoàn 308 diệt Tú Tạo, Cà Phê, Thằn Lắn, Hữu Bằng. Tiểu đoàn 80 Trung đoàn 36 dùng chiến thuật “bôn tập” diệt gọn đồn Yên Phụ nằm trong tuyến vành đai của Đờ Lát.

Đợt 2 ta đánh điểm diệt viện. Trung đoàn 141 diệt cơ bản cứ điểm Ba Huyên. Tiểu đoàn 89 Trung đoàn 36 diệt vị trí Tam Lộng. Địch đưa binh đoàn 3 tăng viện. Trận vận động diễn ra ác liệt ở Tam Dương, tiểu đoàn đi đầu của địch lọt vào trận địa của Trung đoàn 36 ở Long Trí, Cẩm Thạch đã bị đánh tan tác. Địch bị diệt hơn 700 tên, 3 xe tăng. Địch cho hai tiểu đoàn lên đón bị Trung đoàn 88 và Trung đoàn 209 quây đánh trên cánh đồng Thanh Vân, Đạo Tú, chúng hoảng loạn tháo chạy về thị xã. Ta truy kích diệt thêm một số và giải phóng một loạt cứ điểm nhỏ: Phổ Sơn, Mậu Thông, Mậu Lan, Khai Quang. Do ta không có mục đích chiếm Vĩnh Yên và không có thông tin kịp thời điều động lực lượng nên đã bỏ lỡ thời cơ. Nhân đó, địch huênh hoang rằng đã đánh lui quân ta và bảo vệ được Vĩnh Yên. Sáng hôm sau, chúng đã kịp cho một tiểu đoàn dù xuống thị xã và tăng viện binh đoàn 1 cùng binh đoàn 4 giải vây cho Vĩnh Yên. Một trận “tao ngộ” rất quyết liệt ở Ngoại Trạch giữa Trung đoàn 102, Tiểu đoàn 89 Trung đoàn 36 với binh đoàn 1 diễn ra trong cả ngày. Ta diệt 100 tên, 3 xe tăng, 3 xe vận tải của địch. Trận chiến đấu trên dãy núi Đanh cũng rất quyết liệt. Tiểu đoàn 84 Trung đoàn 36 đánh tan hai đại đội địch ở điểm cao 101, diệt và bắt hơn 200 tên. Tiểu đoàn 29 Trung đoàn 88 đánh tan một đại đội địch ở điểm cao 41 và 47. Tiểu đoàn 80 Trung đoàn 36 cùng Trung đoàn 209 đánh điểm cao 210. Địch tập trung pháo chi viện đến 2.000 quả đạn pháo, thả bom na-pan tràn lan. Ta đánh lên lại bị bật xuống, giành giật hết sức quyết liệt nhưng không dứt điểm được do hiệp đồng không tốt.

Đến đây sức chiến đấu của bộ đội đã giảm, nhiệm vụ chiến dịch đề ra đã hoàn thành, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch, chuyển hướng chiến dịch sang mặt trận khác.

Địch huênh hoang rằng Vĩnh Yên là bản anh hùng ca của Đờ Lát, nhờ tài chỉ huy của Đợt Lát mà chúng đã giành chiến thắng lớn bảo vệ được Vĩnh Yên. Chúng không ngờ rằng chỉ hai tháng sau chúng bị chính những đơn vị có mặt hôm nay đánh cho thiệt hại nặng nề ở đường số 18 vùng Đông Bắc.



Từ Trung du, trung đoàn về nghỉ ở Thái Nguyên đón Tết Nhâm Thìn (1951) thật vui vẻ.

Một buổi, tôi ngồi nói chuyện, tâm sự với anh Hồng Sơn và Lê Linh. Anh Hồng Sơn nói:

- Tôi với anh Linh bàn và có ý để đồng chí làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 80 đang thiếu, ý đồng chí thế nào?

- Có phải tôi làm điều gì không phải với hai anh không?

- Không có!

- Thế thì tôi nhất trí. Nếu tôi xuống đó giúp cho đơn vị được tốt hơn.

Tôi nhớ lại, trong ngày đầu làm việc với anh Văn, anh đã nói:

- Cậu có văn hóa, sau này rất cần để đào tạo cán bộ đánh “vận động chiến”.

Nay anh đã cho tôi xuống đơn vị, tôi nghĩ mình xuống đây cũng chưa trực tiếp “làm”. Người ta thường nói: Trăm “thấy” không bằng một “làm”. Ở tiểu đoàn mới thật trực tiếp chiến đấu, thế cũng hay! Tôi đi thăm anh em rồi mang ba lô về đơn vị.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:51:46 am »

*
*   *

Chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở đường 18 bắt đầu ngày 23 tháng 3 năm 1951. Lần này Đại đoàn 308 tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám đánh vào tuyến phòng thủ của địch ở duyên hải đường số 18 phạm vi ba phân khu: Núi Đèo, Quảng Yên, Phả Lại là nơi nhạy cảm của địch; ta dự kiến khi ta uy hiếp Hải Phòng và đường số 5 thì chúng sẽ tăng viện, ta có thời cơ tiêu diệt sinh lực địch. Địa hình ở đây trung du xen kẽ rừng núi thuận lợi cho ta giấu quân.

Đường hành quân đi chiến dịch phải qua nhiều núi miền Đông Bắc, nhiều đèo dốc cao, trời mưa liên miên, rét đậm. Cả bộ đội và dân công rất đông, đi qua một lúc đường thành bùn nhão, không giữ được bí mật, chưa đến vị trí tập kết thì địch đã phát hiện hướng hành quân, nên dọc đường và ở nơi tập kết, có đoàn chuẩn bị chiến trường đã bị máy bay oanh tạc. Hành quân dài ngày, bộ đội phải vượt qua nhiều gian khó: mang vác nặng, đi đường trơn, mưa rét, áo quần ba lô luôn bị ướt, địch đánh phá, lo nhất là giữ gìn cho bộc phá khỏi bị ẩm ướt. Song anh em đã qua nhiều cuộc hành quân xa, lại luôn có chính trị viên đi sát động viên cổ vũ bằng nhiều hình thức linh hoạt, lo cả bữa ăn, giấc ngủ, ngày vẫn bảo đảm hai bữa cơm nóng. “Bộ đội chưa nghỉ thì cán bộ không được kêu mệt”, vì vậy anh em đều vui vẻ vượt qua mọi khó khăn, đến vị trí tập kết an toàn, đúng thời gian. Trong thời gian hành quân, “anh nuôi” thường là người chịu vất vả nhiều nhất, đi sau mà phải đến trước, mang nặng hơn anh em, thức khuya dậy sớm bảo đảm cho bộ đội hai bữa cơm nóng và một nắm cơ phụ. Chưa ai biết là “bếp Hoàng Cầm” nên phải nấu ăn ban đêm, che chắn cẩn thận. Ngày mưa càng vất vả, phải có đủ mẹo để giữ củi khô làm mồi, làm lán che mưa. Trong gánh nồi niêu, lúc nào cũng sẵn củi có dầu như cây tràm… ít thấm nước làm mồi nhóm bếp. Các anh lính chiến cũng rất quan tâm anh nuôi, chả là đã đôi lần bị đói vì chậm cơm. Mưa thì thà chịu ướt, còn bộc phá thì phải bao gói cẩn thận, không được để ướt và cũng không quên gói thêm một nắm củi làm đóm như anh nuôi. Thấy cây gì làm rau được như măng, rau tàu bay, rau dền, quả trám, quả mít non… cũng nhặt hết, không bỏ qua thứ gì. Hành quân đến nơi dồn hết cho anh nuôi cải thiện bữa ăn.

Tôi đi trước chuẩn bị chiến trường với Trung đoàn trưởng. Bây giờ mới gặp đơn vị, trao đổi với Chính trị viên về tinh hình bộ đội trong hành quân, tình hình chuẩn bị chiến trường, dự kiến quyết tâm rồi bàn công tác cần làm để chuẩn bị thật tốt cho bộ đội vào chiến đấu,.



Mở màn chiến dịch, Trung đoàn 88 và Trung đoàn 174 diệt: Lán Tháp, Lán Trâu, Lọc Nước, Máng Nước để câu viện nhưng chúng dè dặt chỉ tăng viện cho các cứ điểm bị uy hiếp, không tăng viện lớn sợ sẽ diễn lại thảm họa Biên Giới. Chúng tăng cường máy bay, pháo binh, đánh phá ác liệt để sát thương ta và ngăn chặn các mũi tiến quân. Chờ ba ngày viện binh địch vẫn không lên, chiến dịch chuyển hướng. Đêm 27 tháng 3, Trung đoàn 102 và Trung đoàn 141 tiến công tiêu diệt Bí Chợ, Tràng Bạch (mỏ). Chúng vẫn không chịu tăng viện. Chiến dịch chủ trương diệt một số cứ điểm nhỏ, đánh viện nhỏ, rồi kết thúc chiến dịch.

Ngày 29 tháng 3, Trung đoàn 36 nhận nhiệm vụ tiêu diệt Mạo Khê đồn và Mạo Khê phố, giao cho Tiểu đoàn 84 diệt đồn, Tiểu đoàn 80 do tôi làm Tiểu đoàn trưởng diệt địch trong phố. Địch đang rút tiếp Uông Bí và một loạt tháp canh. Vì sợ địch rút cả Mạo Khê, lỡ thời cơ diệt địch nên đại đoàn đã hối thúc đánh ngay trong đêm 29 tháng 3, không biết chúng tăng viện tiểu đoàn 1 dù cho Mạo Khê phố từ chiều. Khi đại đoàn nắm được tin này thì ta đã nổ súng, không kịp tăng cường lực lượng tiêu diệt địch. Tiểu đoàn 84 không phá được rào vì bộc phá bị ẩm không diệt được đồn. Tiểu đoàn 80 có kinh nghiệm đánh bôn tập nên tôi đã đưa được bộ đội vào chiếm lĩnh đúng thời gian, vào bên trong biết địch đã tăng viện nhiều nhưng bộ đội vẫn chiến đấu dũng cảm đánh chiếm từng ngôi nhà. Đến gần sáng chiếm được quá nửa phố, diệt hơn 300 tên. Tôi phải cho bộ đội rút ra trước khi trời sáng. Sau mới biết chúng hoảng loạn cũng rút chạy sang ẩn nấp ở nhà thờ cách đấy 300 mét. Đến đây chiến dịch cũng kết thúc.



Từ sau chiến dịch Hoàng Hoa Thám, toàn Trung đoàn 36 về Thái Nguyên. Tưởng được nghỉ ngơi một thời gian sau hơn sáu tháng liên tục hành quân xa và chiến đấu, nhưng về đến nơi đã được lệnh hành quân về đồng bằng tham gia chiến dịch Hà Nam Ninh (tên của ba tỉnh) lấy tên là Quang Trung. Địa bàn hoạt động lần này nằm sâu trong vùng tạm kiểm soát của địch. Do đó chiến dịch này có thêm nhiệm vụ là vừa làm tan rã khối ngụy quân ngụy quyền, đẩy mạnh chiến tranh du kích, vừa tranh thủ nhân dân, giác ngộ quần chúng tin tưởng đi theo kháng chiến. Từ Thái Nguyên đi đến chỗ tập kết ở Hoa Lư phải hành quân vòng theo vùng tự do nên rất xa.

Địa bàn chiến dịch có điểm khác trước, đây là vùng đồng chiêm trũng, đông dân cư, nơi có nhiều tín đồ đạo Thiên Chúa, nhân dân bị địch lừa phỉnh, mau chuộc, trình độ giác ngộ chính trị hạn chế.

Trung đoàn 36 có kinh nghiệm chiến đấu ở vùng địch hậu Bắc Ninh nên được chọn làm nhiệm vụ vận động quần chúng kết hợp với nhiệm vụ chiến đấu. Đợt đầu trung đoàn có nhiệm vụ vừa làm dân vận sẵn sàng đánh viện, chuẩn bị chiến trường đánh cứ điểm Hoàng Đan trong đợt 2, vừa đánh địch, bảo vệ cho dân thu hoạch vụ lúa chiêm ở một số địa bàn trọng điểm. Trong đợt 1, Trung đoàn 102 và Trung đoàn 88 đánh địch ở thị xã Ninh Bình và các cứ điểm quanh thị xã giành thắng lợi giòn giã, diệt gọn và bắt sống hơn 500 tên địch, trong đó có con trai của Đờ Lát chết trận.

Trong đợt 2, ngày 6 tháng 6 năm 1951, Tiểu đoàn 80 nhận nhiệm vụ làm dự bị cho Trung đoàn 88 đánh Chùa Cao. Tôi bố trí bộ đội bám sát các mũi đột kích. Pháo địch bắn rất dữ đội gây trở ngại lớn cho các mũi tiến công phía trước. Suốt đêm, cán bộ chúng tôi chia nhau đến các công sự nắm tình hình bộ đội và động viên anh em bình tĩnh. vững tâm, sẵn sàng xông vào tăng viện cho phía trước. Đến gần sáng chưa dứt điểm được, tiểu đoàn tôi được lệnh chuyển sang bảo vệ cho trung đoàn rút ra và chuyển thương về hậu cứ. Suốt đêm ở dưới làn đạn của pháo binh địch, tinh thần căng thẳng, nhưng khi được lệnh ở lại làm nhiệm vụ, anh em vẫn tích cực chấp hành. Tiểu đoàn chia ra mấy đoạn cho từng đại đội bố trí sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đường chuyển thương. Máy bay dò la, bắn phá, dùng cả na-pan thả đúng vào vị trí tiểu đoàn bộ. Tôi quan sát rõ khi máy bay thẳng hướng vào tôi sắp cắt bom, tôi vội nhảy ra khỏi hố chạy ngang sang một bên thì tránh khỏi, bom xuống chụp đúng chỗ tôi vừa nấp. Khi máy bay bổ nhào cắt bom, tiếng rít xé tai, tôi gào to cho an hem tránh sang ngang, nhưng không ai nghe được. Đồng chí Ly Sơn – cán sự chính trị của tiểu đoàn ở gần đó bị dính, lửa cháy đỏ rực toàn thận, may đồng chí nhanh trí nhảy xuống vùng ruộng nước lăn mấy vòng dập tắt được lửa. Nhìn đồng chí bị cháy sém, toàn thân nhem nhốc, rất đau đớn, tôi cảm thấy đau xót, vội cho cáng đồng chí đưa về viện cấp cứu. Đồng chí qua được nhưng sẹo đầy người, đầy mặt, trông dị dạng hẳn đi.

Đến tối thương bị đã vể hết tôi mới thu quân về cho anh em nghỉ ngơi củng cố lại tinh thần và sức khỏe tiếp tục làm nhiệm vụ.

Tôi chuẩn bị sẵn sàng trận Hoàng Đan, nhưng đã về cuối của chiến dịch, mục đích ta đã đạt được và vì địch đã tăng cường thêm lực lượng nên cấp trên dừng không đánh.

Trong thời gian chống càn bảo vệ dân, Tiểu đoàn 80 đã cử Đại đội 63 đánh tàu ở sông Đáy gần Cầu Cổ, trận này đồng chí Phương Nam – Chính trị viên Đại đội 63 bị thương vì pháo. Khi bộ đội cáng đồng chí ấy về tiểu đoàn tôi lại thăm thấy nằm bất tỉnh, nhớ vừa mới đây thôi đồng chí dẫn đoàn quân ra đi, năng nổ, tươi cười lạc quan như thế, mà bây giờ như thế… tôi quá xúc động, thương xót đồng chí đến choáng cả người, tôi vội bíu vào một chiếc ghế ở gần để khỏi bị khuỵu xuống đất! Đồng chí được cứu sống nhưng bị nhiều vết sẹo lớn làm cánh tay bị cong, người hơi bị lệch.

Đại đội 62 chủ công thuộc Tiểu đoàn 870 được tăng cường cho Tiểu đoàn 84 đánh trận Cam Giá Kỳ Vỹ. Trận này Đại đội 62 phối hợp với Tiểu đoàn 84 đưa được địch lọt vào trận địa, ta đồng loạt xung phong đánh gần dưới hỏa lực phi pháo của địch, tiêu diệt hơn 100 tên, phá hủy 10 xe lội nước chỡ nhỏ của địch gọi là “xe cóc”, bảo vệ được cho dân thu hoạch lúa.

Tôi còn tổ chức cho đồng chí Quang Vinh – một đồng chí Tiểu đội trưởng dũng cảm, mưu trí, cùng một đồng chí nữa đưa một thuyền bộc phá đánh chìm một tàu chiến của địch ở gần Cầu Cổ. Đồng chí Vinh bị sức ép, bị thương nặng, thổ huyết, trôi giạt xuống hạ lưu sông, nhờ dân cứu, hai ngày sau mới về đơn vị.

Đến đây kết thúc chiến dịch
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:52:24 am »

*
*   *

Tiếp đến mùa thu năm 1951, Trung ương chủ trương mở nhiều chiến dịch trên nhiều hướng kéo chủ lực địch ra những địa bàn có lợi nhằm cho ta tiêu diệt sinh lực địch, tạo thuận lợi cho việc phát triển chiến tranh du kích trong địch hậu.

Trong khi ta đang tiến hành kế hoạch này thì ngày 14 tháng 11, Đờ Lát đưa 20 tiểu đoàn mở cuộc tiến công đánh chiếm Hòa Bình. Chúng cho rằng ta chuẩn bị cho chủ lực xuống đồng bằng đánh lớn. Chúng đánh ra Hòa Bình để giành chủ động, kiềm chế chủ lực, phá kế hoạch của ta, kéo chủ lực ta ra chiến trường chúng lựa chọn để tiêu diệt, đồng thời cắt đứt đường liên lạc, tiếp tế từ Khu 4 ra Bắc.

Đây là thời cơ thuận lợi để tiêu diệt sinh lực địch và phát triển chiến tranh nhân dân ở đồng bằng Bắc Bộ. Chủ trương của Bộ Tổng Tư lệnh được Trung ương nhất trí: Tập trung ba đại đoàn 308, 312, 304 đánh phá cuộc hành quân ra Hòa Bình là mặt trận chính, hai đại đoàn 316, 320 đánh địch ở đồng bằng là mặt trận phối hợp, hình thành một chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay (là một chiến cuộc).

Trung ương chỉ thị nhiệm vụ: “Phải phá cuộc tiến công ra Hòa Bình của địch”.

Bác Hồ gửi thư cho bộ đội “… Trước kia ta phải lừa địch ra mà đánh, nay địch tự ra cho ta đánh, đó là một cơ hội rất tốt cho ta”.

Mở đầu chiến dịch, ngày 10 tháng 12 năm 1951, Trung đoàn 209 tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn địch ở Ninh Mít – một bình độ thuộc núi Ba Vì.

Đêm đó, Trung đoàn 88 tăng cường Tiểu đoàn 80 đánh Tu Vũ thuộc phân khu Sông Đà. Cụm cứ điểm Tu Vũ nằm dọc tả ngạn sông Đà đối diện với Chẹ, do tiểu đoàn 1 Ma-rốc (1/2 è RTM) chiếm giữ, có nhiều lô cốt, ụ súng và trọng liên, ĐKZ và xe tăng thiết giáp yểm trợ, bao quanh có lớp rào dày hơn 20 mét, nhiều mìn; có ba căn cứ pháo binh ở Chẹ, Đan Thê, Đá Chông có thể chi viện.

Bộ đội ta hành quân chiếm lĩnh gặp địch đi tuần nên bị lộ. Chúng dùng pháo của cả ba trận địa bắn mật độ rất cao, từ đầu hôm cho đến khuya. Bộ đội ta rất dũng cảm vượt qua làn đạn pháo bắn chặn. Tiểu đoàn 80 của chúng tôi, khi vào chiếm lĩnh, đồng chí Chí Nhân – Chính trị viên vừa là đồng hương, vừa là bạn học của tôi bị một quả pháo nổ gần, hất văng ra một quãng xa. Tôi phải đưa đồng chí về viện, may sao không bị thương tích nặng, đồng chí đã trở về đơn vị trong trận Tiểu đoàn 80 chiến đấu ở thị xã Hòa Bình.

Đến khuya, chỉ mới có bộ binh vào chiếm lĩnh trận địa xong, các hướng đã tranh thủ thời gian cắt hết rào. Địch tưởng đã đánh lui cuộc tiến công của ta nên cho pháo ngớt bắn, lập tức pháo ta lợi dụng thời cơ chiếm lĩnh trận địa. Khi địch không ngờ đến, ta đồng loạt nổ súng mãnh liệt chi viện cho bộ binh ồ ạt xung phong vào các cửa đã mở sẵn, địch hoảng loạn định bỏ chạy nhưng không còn đường thoát. Đến 5 giờ sáng hôm sau thì trận đánh kết thúc thắng lợi. Đồng chí Hồng Tân – Tiểu đoàn phó của tôi đã hy sinh vì pháo trong trận này. Đồng chí mới được bổ nhiệm về tiểu đoàn tôi, cùng tôi chỉ huy trận đánh này. Tôi rất thương tiếc mất một cán bộ trẻ đầy triển vọng.

*
*   *

Sông Đà là một trong hai đường vận chuyển chủ yếu của địch lên Hòa Bình. Ngày 22 tháng 12 năm 1951, mặc dù đã bị đánh hai lần trên sông này, địch vẫn cho bốn ca nô và một tàu chiến hộ tống từ Hòa Bình về Trung Hà lấy tiếp tế. Địch đi rất thận trọng, đi đến đâu chúng cũng dùng pháo bắn yểm trợ đến đó, thậm chí còn cho máy bay đi trước quán sát, ném bom vào những vị trí chúng nghi có quân ta bố trí. Lần này Trung đoàn 36 quyết đánh tiêu diệt, không cho chiếc nào chạy thoát. Trung đoàn đã bố trí sẵn ở bến Lạc Song có đủ các phân đội chặn đầu, khóa đuôi và lực lượng công kích tàu địch. Tiểu đoàn tôi đảm nhiệm lực lượng công kích chính. Bộ đội chấp hành kỷ luật rất nghiêm. Địch bắn phá dữ dội, có một số thương vong nhưng vẫn giữ vững trận địa, giữ được bí mật. Khi cả đoàn tàu năm chiếc lọt vào trận địa ta, lúc đó trung đoàn mới phát lệnh nổ súng. Trên một tuyến trận địa dài hơn 1 ki-lô-mét đủ các loại hỏa khí có cả ĐKZ, ba-dô-ca, trọng liên 12,7mm đồng loạt phát hỏa. Từng đảm cháy bung lên giữa dòng sông, lính địch hốt hoảng nhảy xuống nước phần lớn bị trúng đạn trôi theo sông Đà. Trên không, máy bay địch bị 12,7mm bắn ngăn chặn, hạ một khu trục Hen-cát.

Sau 20 phút, cả đoàn tàu năm chiếc (có một LCM) đã bị bắn chìm, toàn bộ một đại đội địch trên tàu bị tiêu diệt hết. ta thu được nhiều vũ khí trong đó có ba pháo 20 đến 40mm, ba súng 12,7mm cùng nhiều trung liên, đại liên. Trung đoàn đã “biến sông Đà thành sông Lô lịch sử”. Pháp không dám đi lại trên sông Đà nữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:53:18 am »

*
*   *

Bước vào đợt 2 của chiến dịch, ta tập trung đánh địch ở Hòa Bình và phòng tuyến đường số 6. Trung đoàn 36 có nhiệm vụ tiến công một số cứ điểm và phá các trận địa pháo ở thị xã để phối hợp với đơn vị bạn.

Tiểu đoàn 84 có nhiệm vụ luồn sâu phá trận địa pháo địch, đã dùng một đội xung kích tinh nhuệ bí mật luồn sâu vào phá bốn pháo 105mm, diệt hết pháo thủ, đồng thời diệt gọn hai vị trí Rậm và Khuỷu trực tiếp bảo vệ cho đại đội pháo địch, bảo đảm cho đội xung kích phá pháo rút ra.

Tiểu đoàn 80 của chúng tôi có nhiệm vụ diệt cứ điểm Đình Rè do một đại đội địch chiếm giữ để phối hợp và mở đường ra cho Tiểu đoàn 84. Tiểu đoàn đã có kinh nghiệm diệt cứ điểm cỡ đại đội địch. Mặc dù địch tăng cường tuần tra, phục kích chặn đường ta tiềm nhập vào trinh sát cứ điểm, tôi cùng cán bộ đại đội đã bám sát hành động của địch, tìm chỗ sơ hở của chúng vào trinh sát hiểu rõ tình hình bố trí của địch, để về làm sa bàn, hướng dẫn kế hoạch cho bộ đội, cho anh em thảo luận kế hoạch hiệp đồng trong đại đội và giữa các đại đội, cùng tìm cách khắc phục các khó khăn cụ thể. Trận đánh chỉ diễn ra trong 30 phút đã giải quyết gọn cứ điểm.

Kết quả trận tiến công đêm 7 tháng 1, toàn trung đoàn đã tiêu diệt gần 200 tên địch, bắt sống hơn 20 tên, phá hủy bốn pháo 105mm, thu nhiều súng, quân trang quân dụng.



Sau đợt ba chiến dịch, trung đoàn làm nhiệm vụ vây ép thị xã Hòa Bình. Tiểu đoàn 89 đi làm nhiệm vụ với đơn vị bạn, trung đoàn còn tiểu đoàn 80, 84, pháo trung đoàn và pháo Bộ tăng cường làm nhiệm vụ này. Tiểu đoàn chúng tôi đảm nhiệm cùng pháo khống chế từ Bến Ngọc vòng qua phía Bắc thị xã và một đoạn sông Bắc Bến Ngọc.

Trong vòng hơn một tháng, chúng tôi dùng hình thức tác chiến phân đội nhỏ kết hợp với pháo binh vây hãm khống chế sân bay, bến vượt sông các cứ điểm và việc vận chuyển trong thị xã, làm cho chúng khốn đốn. Ngày thì pháo kích bắn tỉa. Đêm thì gài mìn trên các đường chúng hay đi lại ở sân bay.

Đây là một giai đoạn chiến đấu không kém gian khổ, luôn phải phòng pháo, sống dài ngày trong hầm hố, ăn ngủ trên trận địa, nhưng có thuận lợi là dân công tiếp tế tương đối đều vì gần hậu phương Phú Thọ. Đến ngày Tết Nguyên Đán, có đoàn nhân dân Phú Thọ lên thăm, bữa ăn của bộ đội cũng được thêm một ít quà của hậu phưng, thêm hương vị và vui vẻ với nhau trong từng nhóm nhỏ ở trận địa; có văn công chia nhóm nhỏ biểu diễn cho từng đại đội tuyến sau xem.

Trong đợt vây hãm, từ 12 tháng 1 đến 20 tháng 2, ta đã tổ chức 255 lần đánh, tiêu diệt gần 400 tên, bắn cháy hai máy bay và nhiều phương tiện chiến tranh.

Vào thời điểm gay cấn nhất, Đờ Lát bị bệnh phải về nước và chết vào ngày 11 tháng 1 năm 1952. Vừa bị bao vây ở thị xã lại bị hai đại đoàn chặn đánh ở đường số 6, ha đại đoàn đánh mạnh ở hậu địch, chúng thấy chẳng những không phá được kế hoạch của ta ở đồng bằng, không tiêu diệt được chủ lực ta ở Hòa Bình, mà còn đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt ở Hòa Bình. Xa-lăng lên thay Đờ Lát nắm quyền tổng chỉ huy vội vã tổ chức rút quân khỏi Hòa Bình.

Chiến dịch hành quân ra Hòa Bình, chiến dịch giành chủ động chiến trường của Đờ Lát đã bị thất bại thảm hại(1). Sứ mệnh mà Chính phủ Pháp đã tin tưởng giao cho Đờ Lát không những không thực hiện được, mà còn mở đường cho Mỹ hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương. Đờ Lát đã bị thất bại thảm hại. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm sang Việt Nam, ông ta đã mất đi danh dự là ông tướng cứu nước Pháp khỏi bàn tay phát xít Đức mà ông đã mất mấy chục năm mới giành được. Pháp hết hy vọng giành thắng lợi bằng quân sự.


(1) Riêng Trung đoàn 36 đã diệt gần 600 tên, bắt sống 73 tên, 12 hàng binh, phá 4 pháo 105mm, bắn chìm 4 tàu chiến, 6 ca nô, 2 xà lan, thu được hàng trăm súng các loại. Các đơn vị phòng không phối thuộc cho trung đoàn bắn rơi 8 máy bay.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:54:38 am »

*
*   *

Về cuộc chiến đấu đánh bại tướng Đờ Lát sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đánh giá:

1. Chiến dịch Hòa Bình phải tính cả mặt trận chủ lực và mặt trận đồng bằng vì có chỉ đạo thống nhất, cùng thời gian kế hoạch phối hợp chặt chẽ, sử dụng lực lượng chủ lực của Bộ lớn cùng mục đích đánh bại âm mưu địch (phá kế hoạch về đồng bằng và diệt chủ lực của ta), tạo thế lực mới giành thế chủ động chiến dịch, chủ động chiến lược một hướng (chiến trường Bắc Bộ).

Vì vậy, coi là “chiến dịch kép” hoặc đổi là chiến dịch Đông Xuân 1951-1952, gồm hai mặt trận (sau này ta dùng từ chiến cuộc), đây là chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay trên các mặt trận so với chiến dịch Biên Giới.

- Chiến dịch dài ngày nhất: 3 tháng.

- Diệt nhiều sinh lực nhất: hơn 2 vạn.

- Giải phóng đất đai rộng nhất: 6.000 ki-lô-mét vuông, hơn 2 triệu dân.

2. Pháp hết hy vọng giành chiến thắng bằng quân sự.

3. Chiến dịch Đông Xuân 1951-1952 là biểu hiện tập trung của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ta đã giành lại chủ động (dù lực lượng có hạn).

4. Cuộc đọ sức quyết liệt giữa quân dân ta và Đờ Lát bắt đầu từ Trung Du đã kết thúc với chiến dịch Hòa Bình.

5. Trận Hòa Bình là cuộc tập dượt lớn của bộ đội ta chuẩn bị cho trận Điện Biên Phủ sau này (địch hình thành tập đoàn cứ điểm từ Hòa Bình).

Sau chiến dịch Hòa Bình, Trung đoàn 36 về đóng quân luyện tập ở Phú Thọ. Tiểu đoàn 80 ở Bằng Luân, huyện Đoan Hùng. Có thời gian rỗi, Chí Nhân tâm sự với tôi:

- Gần “tam thập nhi lập” rồi, sao mà vẫn “phòng không”?

- Thời đi học, tuổi mười tám đôi mươi thơ mộng tôi chưa có một mối tình nào vì hoàn cảnh chưa cho phép. Vào đời, tôi lao vào cuộc chiến căng thẳng, không còn tâm trí nào để nghĩ đến việc khác. Tôi cũng không muốn ảnh hưởng đến người khác, thà để rảnh rang mà bay bổng – Tôi trả lời.

- Được rồi, tớ sẽ có cách. Nhân nói rồi cười!

Ít hôm sau, Nhân đi họp bên Trung đoàn về, mới về nhà đã bỏ lỡ, vừa nói vừa cười:

- Tần ơi! Chắc ăn rồi!

Tôi ngẩn người… Nhân giải thích:

- Trung đoàn sẽ tổ chức đoàn đi thăm “Anh nuôi” để các chàng ế vợ đi xem mặt.

Đơn vị chúng tôi ở gần một xí nghiệp dược có nhiều nữ công nhân trẻ nguyên là học sinh từ Hà Nội sơ tán lên đây. Ban chính trị, được sự nhất trí của Đảng ủy Trung đoàn, làm một kế hoạch như cho một một chiến dịch. Mưu kế là lấy danh nghĩa đơn vị đi thăm công đoàn là “anh đỡ đầu” của trung đoàn, tạo điều kiện cho năm chàng trai tuổi gần 30 xem mặt và tiếp xúc tự nhiên với các nàng do đồng chí bí thư chi bộ xí nghiệp đã sắp đặt sẵn (như vậy là một công đôi việc, lại có hợi cho cả đơn vị và cả xí nghiệp, đều giải quyết được công việc tế nhị của mình, thật quá hay!).

Riêng tôi không may. Tôi cùng hai anh đến gặp một nhóm được phân công mới đến, tôi đã để ý một cô nhưng đến khi giới thiệu thì cô ấy đã có chồng, còn các cô khác không có ai lọt vào mắt xanh cả. Tưởng đã thất vọng rồi. May sao khi ra chỗ tập trung, Chí Nhân chỉ cho tôi một em ra thắp dèn chuẩn bị cho sinh hoạt buổi tối. Tôi thấy em rất xinh. thật dễ thương, lại nhanh nhẹn, tháo vát. Mới nhìn thấy tôi đã ưng ngay. Nhưng tôi còn thắc mắc:

- Em còn trẻ quá, mới 17!

Nhân làm công tác tư tưởng:

- Thì cũng phải vài năm nữa, có thể phải đến ngày chiến thắng kia mà.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM