Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:56:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84868 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #210 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2018, 08:56:32 am »


Những cỗ máy của đồng bạc

Kỹ nghệ đồng bạc khoanh giới hạn không đầy một cây số vuông. Tất cả đều đổ vào đó, những đồng bạc của người giàu cũng như những đồng bạc của người nghèo, tiền lương thiện cũng như tiền bất lương, những vòng quay hợp pháp và không hợp pháp. Ở đây tất cả nhào trộn trong hai xưởng máy chính, bề ngoài nhìn tiều tụy, nhưng trị giá mỗi chỗ nhiều tỷ, nhiều trăm tỷ. Đấy là Sở Hối đoái trên đường Guynemer, cơ sở chủ, cỗ máy cho phép với vòng tròn nhà băng bao quanh. Cách không đầy một trăm mét, trên đường Lefèvre, sở giao dịch không chính thức, giữa trời, của mọi phi vụ. Như phần bổ sung, ở góc đường Guynemer và đường Lefèvre có văn phòng Cảnh sát Tư pháp hỗn hợp nhằm trấn áp những gian lận kinh tế. Tất cả tiến hành trước đồn cảnh sát hình như không ai sợ ấy.

Đường Lefèvre như một con đường nhỏ, nghèo ở Phương Đông, không có cao ốc, biển quảng cáo, đèn ống. Buổi chiều và tối lang thang ở đấy những người bán cháo, hành khất và gái điếm. Xung quanh là những tiệm hút nhỏ và rác rưởi. Một góc buồn phía sau cảng. Nhưng mỗi sáng trừ những ngày lễ và chủ nhật, bộ mặt đường phố thay đổi hoàn toàn. Mặt đường đầy xe con sang trọng nhất Sài Gòn. Hè phố lúc nhúc các ông Trung Hoa; nhưng cũng có những người Pháp, Việt Nam, Hindou, được gọi thô thiển là "Malabars". Đám đông ấy tập hợp thành nhóm thì thầm nhưng thong thả, không bị phiền phức gì. Họ bàn về tất cả, những vụ việc lương thiện và bất lương hàng tỷ đồng. Không bao giờ có gì viết ra giấy, có chữ ký. Thế nhưng lớp người thì thầm trên đường Lefèvre buôn bán mọi loại giấy bạc, mọi hàng hóa, ở mọi chỗ trên thế giới.

Tất cả đều trao đổi bằng miệng, không một dấu vết vật chất, trừ những mảnh giấy bướm nhỏ có ý nghĩa đã được chấp nhận. Mỗi mảnh giấy đại diện cho số tiền bao nhiêu, ngoại tệ gì lấy ở chỗ nào. Đỉnh cao của sự vô danh hẳn là một quán bẩn trên đường Lefèvre, không biển hiệu, một loại quán lều. Thế nhưng đấy là chi nhánh một nhà băng Trung Hoa mạnh gần như Nhà băng Đông Dương, khối nhà ở ngay sau lưng nhà băng này. Bí mật trong quán nhà băng ấy đi xa đến nỗi không có tài vụ - hai hoặc ba người Trung Hoa ngơ ngác, mặc áo may ô vừa dùng ngón tay gẩy bàn tính vừa ngáp.

Trên đường Lefèvre tiến hành tất cả những điều phối - xung quanh một vụ chuyển đổi, kéo theo việc buôn lậu vàng và đô-la, sợi dây "bù đắp" vô tận, những hoạt động lạ lùng nhất về chính trị và thương mại. Nhưng trước hết cần có một chuyển đổi. Không thể có việc buôn bán béo bở nếu không rút được ở Paris nhiều phrăng do các đồng bạc có ở Sài Gòn. Việc chuyển đổi - chìa khóa của cuộc chiến tranh Đông Dương, của cuộc sống thương mại, kinh tế và chính trị của các quốc gia liên hiệp (Việt Nam - Cam-bôt - Lào) - là điểm xuất phát của các vòng quay lớn. Vì vậy đường Lefèvre còn hơn các chỗ khác của Sài Gòn, bị ám ảnh bởi sở Hối đoái gần ngay đấy - Đây là khu chợ đen của đồng bạc gắn chặt với sở Hối đoái.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #211 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2018, 08:57:18 am »


Ở đường Guynemer, người ta bước lên một cầu thang cũ kỹ. Một cánh cửa tầng hai mở vào các văn phòng: sở Hối đoái. Tất cả bẩn thỉu không tưởng tượng được. Một đám đông ken chặt trước cửa song sắt, trên mấy mét vuông lát gạch. Những tầng lớp người lẫn lộn còn khác thường hơn ở đường Lefèvre. Những giám đốc lớn của sở thuế quan, mặt lạnh như tiền, vò khăn tay, ngồi trên những chiếc ghế gỗ tồi bên cạnh anh ma-cô người đảo Corse, ông luật sư hành nghề không đủ tư cách, cô gái điếm người Pháp và đủ loại người Việt Nam và Trung Hoa. Đây là nơi hành tội. Trong lúc chờ đợi kéo dài, tất cả những người bị dồn nén ấy tỏ ra đúng mực khác thường, không dám phàn nàn, chống đối. Một số đang lẩm nhẩm những lập luận, để chốc nữa trình bày. Cả một lớp người đóng băng trước đồng bạc.

Ngồi chờ đồng bạc thật lâu. Mỗi người khi đến, điền vào một mảnh giấy màu vàng do người tùy phái Annam đưa cho rồi chỉ còn kiên nhẫn. Thỉnh thoảng có tiếng gọi tên họ. Và một ông biến vào bên kia rào ngăn. Những người được chọn luôn là những nhân vật quan trọng. Mọi người khác, từ anh người đảo Corse đến người Trung Hoa, tiếp tục chờ với một sự khôn ngoan mẫu mực.

Bên kia song sắt là một dồn nén khác. Trong gian phòng, khoảng mười lăm người Pháp và bốn mươi Việt Nam ngồi giữ những núi hồ sơ, máy chữ, các loại, lọ mực, bàn thấm, con dấu. Không có gì còn mới. Bàn ghế, tài liệu có vẻ như từ cổ xưa. Nơi này, chỗ quyền hành cai quản của cải hiện đại nhưng nghèo nàn thảm hại.

Viên chức cũng chẳng sáng sủa hơn. Người Việt Nam, những thư ký bình thường, ẩn mình trong sự nhẫn nhục khó chịu. Những người Pháp mỗi người có một chiếc bàn gỗ trắng. Hai hay ba người, trưởng hoặc phó phòng có bàn giấy, thu xếp giấy tờ trước khi lắng nghe khách trình bày. Tất cả đều trẻ, mắt sắc cạnh, vẻ cao đạo bề trên, vô sỉ, kín đáo. Họ ăn mặc theo lối nhà thông bái vô tâm, để ria mép, quần soóc. Cũng có một số phụ nữ trẻ.

Đấy chỉ là những "nhân viên hợp đồng", những chàng trai đến Đông Dương không rõ bằng cách nào, phần lớn bị các nhà buôn đuổi việc vì bất lực hoặc làm tùy hứng. Nhiều người không quá trình độ tú tài, không thông thạo về tài chính, quan tâm nhiều hơn đến thơ ca hoặc ô tô. Họ được tuyển chọn tình cờ - gặp ai nhận người ấy. Vì những viên chức thực sự trốn khỏi sở Hối đoái này vì ở đây chỉ tạm thời và đầy nguy hiểm! Những viên chức nhỏ này là những tiểu vương ở Đông Dương. Vì họ có "chữ ký" trong những vụ chuyển đổi ít và trung bình cũng đã là rất lớn. Mỗi người trong bọn họ quyết định chấp nhận hoặc từ chối chuyển đổi. Ý thích của họ là luật vì thậm chí không có quy tắc cụ thể, không có tiêu chuẩn có giá trị để nói "được" hoặc "không". Thế là những người không ra gì ấy ngây ngất giữa những phỉnh nịnh và cám dỗ. Một số sống cuộc đời vua chúa, mua những biệt thự ở Bờ biển Xanh. Người Trung Hoa đưa họ vào sự tha hóa hoàn toàn, mời mọc, tiệc tùng, quà cáp và rồi phong bì giấy bạc. Vũ nữ có hạng ngã vào cánh tay họ quá dễ dàng. Dần dần thành thói quen. Người ta biết một vụ chuyển đổi với viên chức nào đó là bao nhiêu. Một trong số họ có cả một hệ thống dồn con mồi. Một người khác, xấu trai, đòi hỏi khách hàng phụ nữ.

Một tấm ngăn cửa kính phân cách gian phòng chung với góc ngồi của giám đốc. Đấy là viên chức chính công duy nhất, trong hệ thống Bộ Tài chính, cấp bậc rất thấp. Vì không một viên chức nào muốn tan sự nghiệp ở sở Hối đoái này. Giám đốc là một người cạo giấy bình thường chấp nhận phiêu lưu. Ông tự coi mình như một anh hùng vì phải bơi trong vô số những tỷ bạc, những bí mật quốc gia, chỉ thị của cao uỷ và thậm chí của thủ tướng ở Paris, những sổ đen, ý kiến của Phòng Nhì, những luồn lọt của các liên hiệp xí nghiệp, mệnh lệnh và chiếu cố của đường lối chính trị. Ông này bao giờ cũng chỉ một ý nghĩ - tự bảo vệ mình. Vậy là ông giữ gìn mọi văn bản giấy má, tuy thường cũng thay đổi như một cọng rơm giữa những lợi ích hoặc quyền lực ghê gớm. Dù làm thế nào vị trí của ông cũng khó khăn. Nếu tỏ ra quá dễ dãi ông có thể dính vào một vụ bê bối; nếu hơi cứng nhắc cấp trên cho là ông bất lực, kém thông minh, không hiểu lợi ích của nước Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #212 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2018, 08:57:58 am »


Sở Hối đoái hàng năm vẫn nổ ra những vụ bê bối tuy không lớn. Mỗi lần như vậy trước hết là những tiếng đồn ghê gớm ở Sài Gòn. Ở đường phố Catinat người ta thì thầm tên nhiều người, những nhân viên thiếu tế nhị, nhất là của những hãng tha hóa. Điều đó không bao giờ kéo dài. Vài nhân viên sở Hối đoái bị đuổi việc, những người khác cũng giống hệt họ, được nhận vào thay chỗ. Thảng hoặc giám đốc điều hành bị thay thế. Và tất cả lại tiếp tục như trước đó.

Có nghĩa con buôn lừa bịp đủ mọi cách với sự đồng loã hay không của nội bộ sở Hối đoái để chuyển đổi tiền. Kỹ thuật thường dùng nhất là "tạo ra" một thương vụ giả định.

Dù sao thì những đồng bạc cũng được đưa sang Pháp nhưng hàng hóa không bao giờ về Đông Dương, hoặc giá trị rất ít.

Có biết bao nhiêu kịch bản kỳ cục! Đủ loại người lập ra những cơ sở. Nhưng những hãng mới ấy bí mật bốc hơi sau một đêm, khi đã đổi được tiền!

Một lần đội tuần tra phát hiện một chiếc tàu nhỏ bị bỏ lại trên bờ sông Sài Gòn. Quân đội huy động rầm rộ, nghĩ là của Việt Minh và bố phòng chống một vụ tập kích của địch vào ngoại ô Sài Gòn. Sau đó người ta nhận ra chỉ là một vỏ tàu hỏng. Cuộc điều tra cho thấy chủ nhân là một ông người Pháp quan trọng, vừa đổi một số tiền lớn để mua một chiếc tàu lớn ở Pháp. Ông ta nói muốn lập một công ty chuyên chở và kéo tàu trên sông Mékong. Chiếc tàu cũ nát ấy là "chiếc tàu lớn". Tiền đổi được đưa về Pháp, nếu không cũng trở lại Đông Dương dưới dạng đô-la hoặc vàng để mua bán ngoại tệ.

Những câu chuyện như vậy ở Đông Dương có hàng trăm hàng nghìn. Điều lạ là sở Hối đoái không phát hiện ra kẻ nhập khẩu mà không nhập gì, kẻ xuất khẩu cứ giữ lấy ngoại tệ hoặc người Pháp về nước hẳn tới lần thứ mười (người về hẳn được chuyển đổi vốn). Cũng thật khó hiểu.

Tất cả đều rối loạn, do đồng bạc Đông Dương được định giá mười bảy phrăng Pháp, ít nhất cũng ở một nhà băng nào đó ở Paris. Điều này do một cố vấn tài chính quyết định năm 1945, không có lý do gì lớn. Người này hơn ai hết, hơn điều gì hết, đã kéo dài cuộc chiến tranh Đông Dương, tha hóa nó. Vì nó đưa lại cho Đông Dương nguồn lợi cụ thể trong việc chuyển đổi.

Toàn bộ "thể chế" không lành mạnh, nhưng người ta giữ nó vì lý do quốc gia. Tầm quan trọng của sở Hối đoái không về kinh tế mà về chính trị. Đấy là một công cụ của chính quyền. Trong những văn phòng tiều tụy ở đường Guynemer đổ vào mọi bí mật lớn của Đông Dương thời chiến, của Đông Dương các lâu đài và các ban tham mưu.

Cũng phải xây dựng những quỹ đen, dân sự và quân sự. Thuốc phiện dùng làm việc đó nhưng một số hoạt động tài chính phải qua sở Hối đoái.

Nhưng không chỉ "hoạt động tích cực" ở Đông Dương. Ở Paris phải hoạt động vì cuộc chiến tranh Đông Dương, theo cách dẫn dắt cuộc chiến. Đây là một lý do khác của quốc gia. Các đảng phái chính trị hầu hết đã lợi dụng việc chuyển đổi. Họ được tài trợ nhờ vào đồng bạc, các đảng tán thành có sự đồng tình thậm chí giúp đỡ của chính quyền Sài Gòn, các đảng đối lập tự xoay xở theo cách của họ. Tiếng đồn rất phổ biến nhưng không có chứng cứ; tất cả vẫn bí mật với một mức độ nào đó. Điều gần như chắc chắn là, sở Hối đoái đôi khi nhận được chỉ thị chấp nhận một vụ chuyển đổi không điều tra kiểm chứng gì mà người yêu cầu không biết là ai, một ông sử dụng tên giả, hồ sơ giả tạo từ đầu đến cuối.

Trong những điều kiện ấy, sở Hối đoái khó trong sạch, khó tỏ ra nghiêm khắc, xiết chặt được. Dù thế nào cuối cùng cũng có được một "sổ đen" những con buôn "bị cháy", ngày càng có nhiều đợt từ chối. Sự không nhượng bộ ấy - nếu có thể nói thế - chỉ đưa lại một hậu quả: phát triển việc đổi tiền qua chợ đen, một thể chế cần thiết nữa của cuộc chiến tranh Đông Dương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #213 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2018, 09:37:31 am »


Người Corse quốc tế của đồng bạc

Năm 1950 "trung tâm" người Corse ở Sài Gòn rất thịnh vượng. Những người "cũ" năng nổ "làm việc lặt vặt" thời kỳ thực dân, đưa những người trẻ sang để làm những công việc nghiêm chỉnh. Họ đưa hy vọng tới cho những tầng lớp thấp trong xã hội Paris và nhất là Marseille. Những khuôn mặt của họ không dễ mến lắm.

Có chỉ một băng nhóm hay nhiều? Người ta không biết rõ lắm. Dù sao không chắc Franchini là lãnh tụ, dù là bí mật, của trung tâm Cosre; có thể là Andréani.

Andréani này là chủ nhân của Croix du Sud - một quán cà phê lớn có đèn ống, đồ kền, đồ giả da trên đường Catinat gần bến cảng. Buổi tối, dưới ánh điện thảm hại, những khuôn mặt trông tang thương. Lớp khách hàng rời rạc, chủ yếu là các hạ sĩ quan và nhân viên ngồi đầy phòng. Họ giết thì giờ bằng buồn bã nhìn khoảng một tá phụ nữ áo quần có hình trang trí và mũ có chòm lông của một ban nhạc nữ. Cách một khoảng, gần quầy hàng có những bình lọc cà phê và sổ két, Andréani đứng với các bà trong gia đình, anh em họ và bạn bè.

Đường bệ và nặng nề giữa đám người theo rõi ấy, Andréani đầy tư cách đạo đức giả. Ông đã gần năm mươi, người lực lưỡng, ăn mặc sang, vững vàng, một vòng tóc quanh trán và thái độ nghiêm trọng. Các bà của Andréani làm việc không ngừng cộng sổ và thu tiền; những phụ nữ mạnh khỏe son phấn, có nụ cười xã giao và độc đoán. Những người bạn, đứng xung quanh Andréani là những thanh niên đảo Corse, mắt sáng, lông đen, hống hách.

Quán Croix du Sud không phải một "chỗ xấu". Không ma túy, gái điếm, kỷ luật chặt chẽ. Người ta chỉ có quyền uống và từ xa nhìn những đôi chân của các cô gái. Những cuộc gây gổ được dẹp ngay. Tuy thế nơi đoan trang này có một không khí nặng nề. Thậm chí đây là dấu vết "trung tâm" của tất cả những người Corse ở quầy hàng giả bộ vô tư. Người ta cảm thấy họ đầy vụ việc và bí mật.

Đôi lúc Andréani biến mất. Ông ta vào trong văn phòng, một gian phía sau hoàn toàn kín đáo, trao đổi về những vụ việc "thực sự". Chính ở đây, trong an toàn và tĩnh lặng, ông chủ trì hội đồng quản trị của băng nhóm ông. Cảnh sát khẳng định những ông của hội đồng nhỏ ấy là những người chủ thực sự của vòng quay chính về đồng bạc; họ quản lý một cách uy quyền việc buôn lậu.

Andréani rất được vì nể ở Sài Gòn. Đây là một người "tư cách" của địa phương. Người ta thấy ông có nhiều mặt đáng khen, biết ông tự xây dựng cho mình nhờ làm việc nhiều và thông minh. Thế mà ông bắt đầu cuộc đời là một kẻ chăn gia súc không biết chữ, thủy thủ, ma cô. Xuống tàu ở Sài Gòn trước chiến tranh rất lâu, với tiền tiết kiệm ban đầu, ông mua "ngôi nhà lớn" thời ấy, nhà chứa có tiếng và phù hợp với những cô gái da trắng. Với tuổi tác càng có những vụ việc lớn - đều đặn hoặc bất thường. Một việc gì đó, vì lương thiện, không làm ông phiền phức. Nếu không lương thiện cũng không phiền phức gì.

Quán Croix du Sud, thực tế là trung tâm chỉ huy của ông. Ở đây ông điều khiển một loại đầu não tin cậy người Corse. Đủ loại người đến đề nghị, nêu ý tưởng. Người ta nghiên cứu cẩn thận lợi ích. Câu trả lời chỉ là "đồng ý" hoặc "không". Cả Sài Gòn tin rằng "việc buôn bán" chủ yếu của Andréani là đồng bạc. Rất có thể là thế nhưng ông ta còn những hoạt động khác nữa. Dù sao toàn bộ được tổ chức theo hệ thống băng nhóm, không thương xót, với những "luật rừng". Với Andréani, băng nhóm hoạt động như một công nghệ, không lãng mạn, có hiệu quả.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #214 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2018, 09:41:34 am »


Andréani không chỉ là một kẻ vô lại. Ông ta cũng là một nhà tư bản, một người Corse chính cống, một người bố tốt của gia đình. Ông có tài sản minh bạch, là một người có quyền bầu cử trên đảo quê hương, bạn thân của tất cả các bộ trưởng Corse. Toàn bộ tiền "không sạch" kiếm được trong việc chứa gái điếm hoặc buôn lậu, ông cố đưa hết vào những vụ buôn bán đáng kính. Ngay từ buổi đầu, là một chủ quán bình thường ông đã mua một đồn điền cao su. Từ đó ông đã là một chủ sở hữu, ở Pháp cũng như ở Đông Dương. Một trong những cửa hàng tạp phẩm đẹp ở Nice là của ông, giao cho bà em dâu quản lý. Ông có những biệt thự, quán bar, những ngôi nhà các loại. Tài sản của ông không kể xiết. Và ở đâu ông cũng giao cho bà con.

Andréani không rời bỏ "trung tâm". Nhưng ông là chủ một "trung tâm" nghiêm chỉnh, hoạt động giống như hoạt động thương mại. Vì thế ông luôn mở rộng quan hệ với các tỷ phú Trung Hoa, các bộ trưởng Việt Nam và một số quan chức quan trọng. Người ta thấy một nhà cai trị chóp bu và bà vợ công khai tham dự, như khách mời vinh dự ở bữa tiệc lớn ông chiêu đãi các bạn bè trong thế giới thượng lưu.

Những nhân vật Corse khác, có lẽ ít quan trọng hơn nhưng ghê gớm, đáng sợ hơn. Như S... và N... một đôi không xa rời nhau.

Nỗi sợ hãi N... gieo rắc, tình cờ tôi bắt gặp trong mấy giây. Người quản lý một nhà hàng nhỏ trên đường Catinat đang nói chuyện với tôi. Bỗng ông xanh mặt, run lên, chạy đến cúi sát đất chào một ông. Ông này rõ ràng là một chủ nhà thổ trẻ nhưng thành đạt, dữ tợn. Không gì thiếu ở ông ta, con mắt độc ác, cử chỉ hung bạo, giọng nói giận dữ. Ông nắm lấy áo người quản lý, lôi kéo mắng mỏ một lúc rồi ra đi. Như một ông vua. Người quản lý suy sụp hẳn. Khi tôi hỏi người ấy là ai, ông hoảng hốt trả lời: "Thế nào, ông không biết sao? Đấy là ông N...."

Giờ giấc của N... cũng cổ điển như phong cách của ông ta. Ban ngày ông ngủ trong một tụ điểm người Corse trước mặt khách sạn Continental của Franchini. Buổi chiều, tắm rửa rồi đến ngó qua nhà số 90 đường Pellerin, các cô gái Pháp làm việc cho ông ở đấy. Đến đêm ông đến Đại thế giới, đặt những số bạc lớn từ những bàn tay đầy nhẫn để nhân số vốn của mình. Chơi lối chúa tể khinh thường có đêm ông mất ba trăm đến sáu trăm nghìn đồng bạc nghĩa là năm đến mười triệu phrăng.

Ghép cặp đối với "nỗi khủng khiếp" ấy là một ông khoảng năm mươi tuổi, tóc hoa râm, to bè bè, mánh khoé và sung túc tên là S... Một ông "tư thế", cuộc sống tạm vững chắc ở Marseille, ở đó ông có một quán bar choáng lộn. S... cư xử theo lối hào hoa. Ở Sài Gòn, ông vào khách sạn Continental của Franchini, không mặn mà lắm với ông này. Ông không làm hại thanh danh mình, không có đàn bà trong công việc. Về buôn bán ngoại tệ, ông còn "không bị nghi ngờ" hơn những người Corse khác. Đối với N... ông đối xử như người bố, đi kèm ông kia không rời, an ủi, khuyên bảo. Trong cờ bạc, trong lúc N... đặt những món tiền hàng trăm nghìn đồng, S... môi dưới trề ra thận trọng, chỉ mạo hiểm đánh cược mấy đồng.

Đối với người Sài Gòn, N... và S... là những "tên giết người". Người ta biết chúng rũ bỏ những kẻ làm phiền phức bằng hành động dữ tợn. Cảnh sát được báo tin rõ về những tội ác của chúng - biết từng chi tiết - nhưng không có chứng cứ cụ thể để bắt chúng.

N... và S... có óc tưởng tượng. Đối với chúng là những kịch bản loại đen. Và làm những việc đó trong mọi trường hợp mang lại lợi ích, thậm chí với một người đàn bà. Có lần thừa ra một ông. Một y tá quân đội cũ, nghiện thuốc phiện, và cờ bạc chuyên nghiệp, sống đầy đủ nhờ bà vợ; bà "tiếp khách". Ông bố trí cho bà vợ một "phòng trà" ngay giữa phố. Công việc tiến triển tốt. Ông chồng thịnh vượng thiếu khôn ngoan đi nghỉ một thời gian ngắn ở Pháp. Trong lúc ông vắng nhà, ông N... đẹp người được bà vợ yêu thích và trở thành chủ nhân của phòng trà. Ông chồng trở về thấy bị chiếm chỗ, tỏ vẻ bực bội, vướng víu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #215 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2018, 09:45:42 am »


Một tối tháng năm, N... con người quyến rũ, khéo nói, thân tình mời ông y tá đi dạo: "Anh bạn, chúng ta hàn gắn lại những rạn nứt; chúng ta bình tĩnh giải thích với nhau". Ông S... phúc hậu cùng đi. N... cầm lái...

Chiếc xe dừng lại ở một ngoại ô vắng vẻ. N... bảo: "Xuống đây ta nói chuyện với nhau". Ông y tá ra khỏi xe chẳng ngờ vực gì. Ông vừa bước xuống thì có có tiếng lên đạn phía sau. Ông S... tròn trĩnh dí khẩu súng tự động vào gáy ông nhưng đạn không nổ. N... bèn đưa một con dao, S... đâm hàng chục lần vào bụng ông y tá.

Công việc xong hai người Corse lên xe phóng đi, để lại nạn nhân trên đường. Lạ nhất là ông y tá không chết, không biết làm thế nào mà bị bỏ lại trong máu lúc hoàng hôn giữa vùng đất Việt Minh, mò về được Sài Gòn. Sau nhiều tuần lễ hấp hối trong bệnh viện, ông hồi phục, nhưng không bao giờ đi khiếu nại.

Của cải và quyền lực của hai "anh bạn" tăng lên hàng năm. "Phi vụ" lớn của họ vẫn là đồng bạc. Một hôm N... bị một trung gian tiêu phí tiền gửi đổi. Hắn bèn tỏ rõ tài đóng kịch để lấy lại tiền với số lãi lớn.

"Thế anh đã đổi hay chưa đổi được?" Một hôm N... hỏi anh Callard nào đó đã là nhà báo rồi làm môi giới bất lương, chơi tennít chuyên nghiệp, nhân viên cảnh sát. Cảnh này xảy ra ở một chỗ uống cà phê. Callard thú nhận anh ta đã tiêu phần lớn trong số 600.000 đồng N... đưa cho anh để chuyển đổi.

"Thôi được, chúng ta sẽ nói về chuyện ấy sau" N... nói. Mấy hôm sau, N... triệu tập Callard, ném lên một chiếc xe. Hai người, một tái xanh vì giận dữ, người kia vì sợ hãi, xuống trước cổng một khách sạn. Trong phòng, N... trói Callard vào một chiếc ghế, trong hai ngày cho ăn cá muối và bánh khô, không cho uống nước - một cách tra tấn. Vài anh bạn Corse canh tù nhân. Đến cuộc chơi cao tay N... vung khẩu súng ngắn vừa hét lên với đồng bọn: "Giữ nó cho tôi”. Đôi khi bàn tay nắm một quả lựu đạn dọa rút chốt: "Tao có nổ tung lên cùng mày cũng được".

Đến ngày thứ hai Callard ký tờ giấy đầu tiên. Anh nhường chiếc xe đẹp Mercury của anh cho N... Hắn lại bảo: "Không phải thế là xong. Anh phải trả lại 600.000 đồng, đưa thêm 350.000 đồng và trả phí tổn 150.000 đồng nêu muốn ra khỏi đây".

Thất vọng, Callard được phép gửi mấy chữ cho một ông bạn tỷ phú Trung Hoa. Người này đến; băng nhóm cởi trói cho tù nhân. Callard quỳ xuống trước nhà tỷ phú khẩn nài thảm hại. Người Trung Hoa xiêu lòng, ký tờ séc 800.000 đồng. N... bèn thân mật vỗ lưng Callard, cho một điếu thuốc, một cốc cô-nhắc sô-đa. Mấy ngày sau phát hiện ra chiếc Mercury đã cầm cố đến ba phần tư hắn cũng chẳng phật lòng.

Trong thời kỳ của người Corse ở Sài Gòn, không chỉ có N... và S... giết người. Biết bao câu chuyện bi hài lố lăng được đánh dấu bằng xác chết!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #216 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2018, 09:48:27 am »


Một trong những bi kịch ấy của đồng bạc có nạn nhân là một Lacascade nào đó, được tìm thấy chết trước lâu đài Cao uỷ. Cảnh sát điều tra thấy Lacascade thuận tay trái. Viên đạn vào đầu từ thái dương bên phải. Vậy là một vụ giết người. Người bị giết chỉ là một chủ quán ăn cũ, gần như không nhà cửa nghề nghiệp. Nhưng trong vụ này dính vào cả một tập hợp nhân vật Sài Gòn nhất - một viên chức ở bộ thừa hành các quyết định của tòa án, một người chuyên quảng cáo, một nghị viên Pháp, một quan chức quan trọng và một người Corse bí mật. Tất cả tham gia vào một "vụ" chống Sở Hối đoái. Việc điều phối thất bại và Lacascade khốn khổ bị trả giá.

Nghị viện có một vụ đổi tiền lớn ở sở Hối đoái. Phải thoả thuận chợ đen, nhận tiền hoa hồng. Chủ quán ăn cũ, người quảng cáo và viên chức tòa án, những người dồn con mồi chạy tìm khách hàng. Họ gặp một quan chức cao cấp có 450.000 đồng - chắc hẳn tiền hối lộ, đưa số tiền cho họ. Đến phút chót, viên nghị sĩ kém ảnh hưởng và vụ chuyển đổi bị từ chối. Những kẻ thông đồng không thể trả tiền lại vì đã tiêu hết phần lớn.

Trong lúc gay cấn ấy người Corse bất ngờ xuất hiện, một trong những ông vua của môi trường đó. Quan chức cao cấp chỉ là danh nghĩa, số tiền là của hắn. Những kẻ thông đồng kia bị tra tấn, tố cáo lẫn nhau. Người Corse quyết định thủ phạm thực sự là Lacascade. Cả một ngày anh này lang thang trong thành phố, kể chuyện: "Người ta buộc tôi phải trả 450.000 đồng, cộng thêm 230.000 đồng tiền phạt. Tôi tìm đâu ra số tiền như thế?" Buổi tối anh ta bị giết. Ông nghị viện trở về Pháp. Sự việc kết thúc.

Mặc dù có những vụ như thế, vòng quay đồng bạc của người Corse nói chung trôi chảy. Người ta không biết chắc chắn tung tích những ông "chủ" lớn, chỉ đoán ra thôi. Họ không sờ đến được, mọi đề phòng được bố trí để đảm bảo không bị trừng phạt. Những ông vua thực sự của các băng nhóm là một vài người khép kín trong văn phòng, ở quán cà phê lớn Croix du Sud hoặc đâu đó, từ xa ra lệnh cho những đội quân thừa hành. Bản thân họ không bao giờ nhúng tay vào việc, không làm việc gì gian dối. Công việc của họ là theo dõi, chỉ đạo thực hiện, chỉ cần vài lời. Và cũng là bỏ tiền vào túi.

Bắt đầu một vòng quay, những kẻ cầm đầu ấy lấy trong két sắt ra một tập giấy bạc, đưa cho một anh nào đấy, gọi là xuất vốn. Khi vòng quay kết thúc, anh kia trả lại một tập lớn hơn để bỏ vào cũng két sắt ấy. Thế thôi. Những kẻ ấy chỉ chuyển dịch đồng bạc - hoàn toàn hợp pháp.

Tất cả được che chắn. Tất cả đều do trung gian làm. Nhưng có một loạt hành động khá tế nhị phải đạt cho được.

Màn thứ nhất thực hiện ở Sài Gòn. Một người tin cẩn, anh Corse là trưởng văn phòng hoặc vệ sĩ chịu trách nhiệm "mua" những chuyển đổi. Nói chung anh ta cũng không ra mặt, ẩn sau những bù nhìn, những người chào hàng không có gì là Corse cả. Kíp này trước hết tìm những người càng lương thượng càng tốt, hơi ngây thơ và ít đòi hỏi. Quân nhân, nhất là những viên quản rất được ưa chuộng. Chiến thuật là không làm "khách hàng" lo lắng, không thổ lộ gì với họ, họ không được biết đang giao dịch với một băng nhóm. Người ta hấp dẫn họ với một tỷ lệ hoa hồng, cho một địa chỉ vô tư ở Pháp để gửi trả số tiền đổi được.

Nếu "người lương thiện" thông cảm ấy không thành công những kẻ dồn con mồi quan hệ với những nhân vật ít nhiều có tật nhưng cũng còn có thể đổi tiền được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #217 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2018, 09:49:49 am »


Màn hai diễn ra cách Sài Gòn mười hai nghìn cây số, ở đâu đó bên Pháp. Việc thu lại tiền phrăng chuyển đổi. Người của băng nhóm nhận được tin vào giờ nào, chỗ nào, một ông sẽ giao lại một số tiền bao nhiêu. Cuộc hẹn gặp hết sức bình thường. Thông thường người kia theo địa chỉ "người trả tiền". Nếu ở quán cà phê hay một góc phố, có một dấu hiệu nhận biết nhau. Nếu công việc suôn sẻ, người Corse đếm tiền, chào rồi bỏ đi.

Nhưng cũng có thể là trò "thỏ đế". Người được chờ đợi không đến. Hoặc ấp úng với những lời giải thích mờ ám. Những người chủ ở Sài Gòn được báo cáo ngay. Rồi là việc săn đuổi người kia, việc "trừng phạt".

Vòng quay tiếp tục, đến lượt trở về. Màn kịch diễn trên những con tàu Pháp đường Marseille - Sài Gòn. Những đồng phrăng đã trở thành một hộp quý, đầy vàng và ngoại tệ. Cả một kho của phải đưa về đúng chỗ không bị bắt. Thực ra không có những mạo hiểm lớn. "Trung tâm" Corse ở Sài Gòn có những đồng loã cần thiết trong thế giới các cảng, trong vũ trụ những người đi biển. Gói hàng nhỏ trị giá hàng chục nhiều khi hàng trăm triệu được uỷ thác cho một thuỷ thủ bình thường - nhưng là một người chắc chắn, cứng rắn, có được sự im lặng của cả đoàn thủy thủ. Vả lại trên tàu có ai không biết rõ luật của băng nhóm? Chẳng người nào tố giác. Những cuộc lục soát chính thức không bao giờ phát hiện được gì. Lên bờ, người áp tải được một tỷ lệ nào đấy.

Công việc thực sự diễn ra ở Sài Gòn, khi tàu neo đậu ở bến cảng. Phải đưa hàng lên qua những cản trở của thuế quan. Nhân viên thuế quan hăng hái với triển vọng bắt được sẽ có phần. Nhưng "trung tâm" đã tiếp xúc với một số trong bọn họ, đã mua được họ. Trong số nhân viên thuế quan có nhiều người Corse thường là anh em bà con với thành viên băng nhóm, dễ thông cảm với nhau. Việc đưa "món hàng" ra vào lúc những người "bạn thân" làm nhiệm vụ.

Tất cả được bố trí hoàn hảo. Vai trò của "người đi biển" kết thúc. Một ông có tiếng tăm tốt, không có tên trong sổ đen, không quan hệ công khai với băng nhóm, đảm nhiệm tiếp. Một nhân vật loại này còn dễ tìm, nhất là khi cứ một ki-lô vàng đưa ra được nhận ba nghìn đồng bạc. Ông này lên tàu lúc năm giờ, lẫn lộn trong số đông khách hàng. Mấy phút sau ông trở xuống, vẫn kín đáo, rời khu vực cảng. Sau khi đi bộ vài trăm mét, ông lên một chiếc xe không có người lái đang chờ. Ông lái rất nhanh, nhiều vòng, dích dắc để không bị "theo rõi". Nếu không có gì khả nghi, ông nhào đến Chợ Lớn, dừng lại giữa khu Trung Hoa, gõ theo quy định vào một cửa to đóng kín. Một "người nhà Trời" mở cửa, đóng lại, quan sát kỹ vàng và đô-la. Khi "món hàng" đúng đắn, chủ nhà đưa cho ông kia những cuộn bạc lớn. Không bàn cãi, mặc cả. Giá cả đã được định trước. Việc mua bán này luôn luôn tiến hành lúc hoàng hôn, vào sáu giờ tối. Đấy là một điều bắt buộc của người Tàu vì khi trời đã tối, nhân viên thuế quan không còn có quyền vào những chỗ ở đặc biệt và khám xét.

Ra khỏi nhà người Trung Hoa, ông kia gặp một người khác lại gần ông lấy số bạc. Người này là một người Corse, của băng nhóm, đưa ngay tiền về cho những ông chủ chỉ huy vòng quay vừa kết thúc. Thấy người của mình về, những kẻ cầm đầu rất yên tâm. Trong hơn hai tiếng đồng hồ, họ nóng lòng chờ đợi, vừa uống rượu péc-nốt vừa nói chuyện.

Vì đôi khi cũng có "tai nạn". Trường hợp rõ nhất là "phi vụ chiếc đàn gió". Những ki-lô vàng được giấu trong nhạc cụ này. Để đảm bảo hơn, người "chuyển hàng" đề nghị với một anh lính mang giúp đàn lên bờ: "Tôi già quá không xuống cầu tàu được với chiếc đàn gió này, món quà cho đứa con trai sinh nhật hai mươi tuổi. Anh giúp cho được không?" Anh lính trơn nhận lời nhưng cố chơi một điệu nhạc và tất cả bị lộ ra hết.

Việc buôn lậu của người Corse không ngừng được cải tiến. Những tiếp viên trên máy bay cũng tham gia, nhưng nguy hiểm vì máy bay dễ lục lọi hơn tàu thủy. Những "món hàng lớn" luôn thực hiện qua tàu thủy nhưng có những cải tiến về kỹ thuật. Đôi khi người ta chuyển vàng lên dọc bờ biển Nam Kỳ hoặc ở cửa sông Sài Gòn qua những chiếc thuyền đưa vào. Cảnh sát vẫn luôn bất lực - chỉ nghi vấn mà không có chứng cứ. Những người Corse ở Đông Dương làm giàu đến mức mấy năm sau, khi yên ổn trở về Pháp, họ trở thành những "phú gia có hạng" ở giữa Paris và trên Bờ biển Xanh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #218 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2018, 09:11:21 pm »


Ông Franchini thành đạt

Trong tất cả những người Corse ở Sài Gòn, nổi tiếng nhất là ông Franchini. Nhưng trái với ý nghĩ của toàn nước Pháp, ông không phải vua của lãnh địa và các băng nhóm. Ông là một nhân cách Sài Gòn.

Franchini đến đây sau Thế chiến thứ nhất, làm phục vụ phòng trên tàu thủy. Rất nhanh, ông ý thức được khả năng của mình: làm vừa lòng mọi người. Thay vì làm "chàng trai không ra gì" như bao người khác, ông đi từ số không xây dựng một sự nghiệp thần kỳ, một tài sản tỷ phú, luôn luôn với cách đáng kính.

Ngay từ đầu ông đã chọn thế giới tầng lớp trên, từng bước một làm cho xã hội sang trọng của Đông Dương, kiêu ngạo và nghi ngờ: Nhà băng, sở thuế quan, Cao uỷ, nhà thờ, các hoàng thân Việt Nam và những người Trung Hoa. Bí quyết thành công của ông là gợi nên sự tin tưởng về khả năng kỳ lạ nhờ nó tất cả những người có quyền lực ở Sài Gòn đều chăc chắn. Franchini, đã vượt biển, là người của họ. Thế giới đáng kính này có thể cần "một người hoàn toàn tin cậy được" cho những hoạt động "tế nhị" nhất, hơi ngoài lề nhưng đôi khi quan trọng khác thường. Franchini là con người ấy, chuyên gia "tế nhị" trung thực, trước hết đối với các phái đoàn ngoại giao, nhà băng Đông Dương, sau đó với hoàng đế Bảo Đại và Bảy Viễn. Với ông công việc luôn đảm bảo thành công. Vì ông cũng luôn luôn theo nguyên tắc quan hệ tốt với các chính phủ, quan chức, những cảnh sát nối tiếp nhau cũng như với các băng, giáo phái, các tổ chức, các nhóm bất lương có thể có. Và điều ấy kéo dài đến phút chót, cho đến khi người Pháp bị chìm vì Ngô Đình Diệm. Thời gian ấy, ông là biểu tượng thực sự của Sài Gòn, không hề là trưởng băng nhóm.

Những buổi đầu thật khó khăn. Một ông già Corse bị phá sản vì thuốc phiện và rượu, một người bạn của Franchini, sau này phải rời Đông Dương và chết vì thất vọng trên tàu, kể chuyện với tôi:

- Franchini sống khổ sở. "Trung tâm" bỏ rơi anh ta, anh làm thư ký đưa đón khách ở miền Tây Nam Kỳ. Anh đẹp trai, may mắn thứ nhất là quyến rũ được cô con gái một ông chủ ở Mỹ Tho. Những gia đình đứng đắn Việt Nam không bao giờ cho con gái lấy người Pháp. Nhưng cô ta yêu anh, anh bắt cóc và cưới cô. Và thay vì bị giết hoặc đầu độc anh hòa giải được với bố vợ và bà con họ hàng! Từ đấy Franchini trở thành một ông chủ có ruộng, tá điền và một ít tiền. Anh ta giữ lại khi vợ chết.

May mắn thứ hai của Franchini là khách sạn Continental. Khách sạn được rao bán, không ai mua. Nó là một ngôi nhà tàn tạ, luôn lỗ vốn: thời kỳ ấy ở Sài Gòn rất ít khách! Franchini đứng lên mua. Anh thuyết phục các phái đoàn nước ngoài cho mượn tiền. Là chủ khách sạn, anh nắm đằng đuôi. Có những ngày thậm chí anh không có một ít tiền trả cho những người cung ứng, cửa hàng thịt và người bán rau. Khi không có gì cho khách ăn uống, anh báo động với các bạn, rên rỉ sẽ tự sát. Thế là bạn bè cầm mũ quyên góp cho anh. Với cách đó, khách sạn kéo dài đến thời kỳ chiến tranh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #219 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2018, 09:12:47 pm »


Và bây giờ, năm 1950, Franchini tổ chức mừng tỷ bạc đầu tiên của mình trong một bữa nhậu nhẹt rất lớn với các bạn Corse. Nhưng số tiền ấy ở đâu ra? Franchini không ngớt giải thích của cải của mình là của một "người chủ khách sạn". Đúng là các "sự kiện" đã tạo cho Continental khổ sở một việc thần kỳ, đưa lại lãi ròng một triệu đồng bạc mỗi tháng. Thực vậy dù bẩn thỉu và cũ kỹ, với dư vị của chủ nghĩa thực dân, có thể đấy là khách sạn đắt nhất thế giới. Nhưng đây là chỗ tới của những người Pháp của cuộc chiến tranh Đông Dương, một thể chế và Franchini cũng là một thể chế trong lòng chế độ ấy.

Các phòng đầy ắp người. Để có một phòng phải được chiếu cố, phải quan hệ tốt với Franchini. Khai vị buộc phải tiến hành trên nền thềm Continental, thậm chí trên hè đường Catinat. cả Đông Dương lạ lùng và hỗn tạp nhiều màu sắc thời kỳ ấy, nói chung chia rẽ vì những nơi ngăn cách chặt chẽ, lẫn lộn tất cả ở đây. Có thể giới quân sự của tiểu liên và của bàn giấy tham mưu, mọi lớp người của đồng bạc, tất cả các ông "có ria mép" và cũng có các ông viên chức. Mỗi ngày của cuộc chiến tranh trút ra ở đây mọi điều bí mật, giết chóc, những vụ bê bối kìm nén, đầu cơ, kế hoạch hành động với những câu chuyện khác thường. Sĩ quan đi xe jeep đến kể về cái chết của anh bạn; sĩ quan ra từ phòng ở ban tham mưu đầy ắp dự án của các vị tướng. Những nhà kinh doanh thì thầm với nhau, các bà vợ trưng bày trang sức và vai trần; những kẻ phiêu lưu nói về ước mơ; các nhà báo luôn luôn đấu tranh với kiểm duyệt, chuẩn bị một kháng nghị chính thức; nhân viên về công việc bí mật - những ông ria mép - nói chuyện nhiều: họ rất huyên thuyên! Mọi người đàn ông đều mặc áo sơ mi, tay áo cuốn lên, mồ hôi toát ra. Chỗ này chỗ kia một thanh tra cảnh sát mặc dân sự, ngồi lắng nghe, hiền lành. Ai cũng biết rõ họ. Hình như những người bồi Việt Nam cũng lắng nghe, cho Việt Minh hoặc sở Mật thám, chắc là cho cả hai. Điều đó không quan trọng. Uống xong người ta qua bàn ăn, trong phòng ăn rộng lầy nhầy, dưới những cánh quạt lớn với tiếng ồn của máy móc. Thực đơn thật dồi dào. Tuy tên các thức ăn rất ngon lành, người ta cũng chẳng nhận ra những gì trên đĩa. Có ai quan tâm đến điều ấy? Buổi trưa người ta vừa ăn vừa ngủ trong không khí oi bức. Ai cũng ngủ gà ngủ gật. Riêng những quản lý khách sạn tỉnh táo, nằm dài trên gạch lát nền.

Khách sạn Cotinental là một chiếc máy "làm ra tiền bạc”. Franchini theo rõi, thu thập đến tận cùng. Tuy vậy tiền của khách sạn không đủ để giải thích bí mật này: làm sao một người nghèo đến thế năm 1940, chỉ mấy năm sau rất giàu, như lăn trên vàng? Mọi việc xảy ra như mỗi ngày hàng triệu đồng bạc "làm việc" cho ông trên lễ đường của những vòng quay lớn. Đấy có phải là việc "buôn lậu" không?

Việc Franchini làm không bao giờ để lại một dấu vết gì, không thể có. Ông phối hợp với những người không sờ đến được, không nghi ngờ được. Ông thực hiện "sự hợp pháp" trong mục ruỗng. Ông bỏ vốn vào nhà băng để kinh doanh những việc lớn lãi nhiều, cố vấn của Bảo Đại và cả triều đình, ông khai thác Đông Dương cùng với họ. Là chuyên viên tài chính của Bảy Viễn và Bình Xuyên, ông tham gia hùn vốn với băng nhóm này. Nhưng tất cả những cái đó là "đồng bạc lương thiện", "đồng bạc của những người giàu”.

Franchini có đi xa hơn không, có phải "ông chủ lớn" không tên, mưu sĩ của những băng nhóm Corse về đồng bạc? Chẳng ai biết. Bề ngoài thì chắc chắn không phải. Xem ra ông không phải một kẻ buôn lậu, ông chủ bí mật, người chỉ huy một "tổ chức bí mật chống đối". Ngược lại ông ca ngợi chính quyền đã có những gì là chính thức! Ông rất ghét những "người" ngoài vòng pháp luật! Ông không ngừng nói đi nói lại: "Tôi không ăn loại bánh đó". Hình như ông sợ "trung tâm". Những "tay cứng rắn", nhất là lớp trẻ tống tiền ông.

Rõ ràng cuộc đời của Franchini là một cuộc đấu tranh hướng tới đến vinh dự và sự kính trọng quý tộc. Nhưng sự kinh hoàng của ông về "trung tâm" phải chăng là dàn dựng? Tư cách đáng tôn kính của ông phải chăng trước hết là "vỏ bọc"? Không ai có thể trả lời. Đây lại là một bí mật nữa của Sài Gòn.

Theo tôi, Franchini là tất cả, chỉ không là kẻ giết người. Trước hết ông là "người bỏ vốn". Ông đưa tiền vào tất cả các hoạt động đồng bạc, vào mọi vòng quay. Ông "buôn lậu" một cách lương thiện. Nếu ông "buôn lậu" bất lương với các băng nhóm thì nó được che chắn rất kỹ, không hề bị "đốt cháy" giữa Sài Gòn, vẫn quan hệ tốt nhất với nhà băng và thương mại lớp trên, những khách hàng chính của ông. Franchini là Sài Gòn của đồng bạc trong tầm vóc lớn, tư cách và tính cao cả giả tạo.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM