Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:40:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Võ Duy Dương  (Đọc 25387 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #100 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 05:51:01 pm »


Với sức mạnh phi thường và lòng dũng cảm vô biên, lại thêm ý chí can trường quyết tâm kháng chiến cứu quốc, ông Phòng vệ Nguyễn Văn Biểu là một võ tướng lừng danh. Trong các trận đương đầu với địch, ông luôn xông lên phía trước. Ngón thước sắt của ông vung đến đâu bọn giặc Pháp tan đến đó, khiến chúng phải khiếp sợ.

Năm Bính Dần (1866) sau khi Pháp tấn công vào đại đồn Tháp Mười, Thiên hộ Dương giao binh quyền cho Đốc binh Kiều, còn ông thì đi khắp nơi vận động hầu phát triển lực lượng.

Trong thời gian này, ông Phòng Biểu là cánh tay đắc lực của Đốc binh Kiều trong việc xây dựng lại căn cứ và phát triển lực lượng nghĩa quân ở Đồng Tháp Mười. Qua năm sau, thực dân Pháp tấn công vào Đồng Tháp Mười một lần nữa, Đốc binh Kiều bị thương và mất sau đó.

Sau khi chôn cất Đốc binh Kiều xong, ông rút quân qua Sình Lớn về cố thủ ở ngã ba Thông Bình (Tân Thành). Mặc dù với quân số ít, vũ khí thô sơ, hơn nữa lúc bấy giờ thực dân Pháp tập trung càn quét liên miên, nghĩa quân dưới quyền ông đã chiến đấu cầm cự kéo dài suốt bốn năm. Trong thời gian này, đích thân ông đã trừng trị tên tay sai Phạm Văn Khanh để trả thù cho Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều và nhân dân Đồng Tháp Mười.

Sau vụ này, bọn Pháp và Việt gian truy lùng tìm bắt ông ráo riết nhưng không kết quả. Chúng quay sang bắt con cháu ông. Túng thế, ông phải cải họ người con trai duy nhất của ông từ họ Nguyễn sang họ Võ và giao cho bà Nguyễn Thị Chung là cháu gái của ông (lúc bấy giờ đã theo chồng về ở rạch Cái Da xã Nhị Mỹ) trông nom giúp.

Bọn Pháp truy quét ngày một gay gắt. Lực lượng nghĩa quân ngày một hao mòn. Thấy không thể tiếp tục chiến đấu được nữa nên ông ra lệnh cho nghĩa quân giải tán về quê quán làm ăn. Riêng ông phiêu bạt rày đây mai đó thỉnh thoảng có về quê nhà. Trong lòng lúc nào cũng mang mỗi hờn vong quốc.

Bọn Pháp ra sức bình định, thiết lập bộ máy kìm kẹp. Một hôm chúng đi kinh lý trong Đồng Tháp Mười bằng ghe, nước cạn không thể chèo chống được nên chúng huy động dân địa phương kéo ghe cho chúng đi. Trong số dân bị bắt đi kéo ghe có ông Phòng Biểu. Nhờ có sức mạnh phi thường nên ông kéo ghe đi rất mau, bọn chúng thích chí bắc ghế trước mũi ghe ngồi vắt chân chữ ngũ mặt vênh váo ngắm cảnh nhìn trời. Bất ngờ ông kéo mạnh một cái ghe chao đảo hất bọn chúng xuống sông. Còn ông nhanh chân phóng mất.

Từ đó về sau, ông sống ẩn dật. Ông mất năm 1914, thọ 84 tuổi. Phần mộ của ông hiện ở xóm Giồng, rạch Cao Miên thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #101 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 05:52:11 pm »


ÔNG PHÒNG BIỂU TRỊ PHẠM VAN KHANH

Sau khi giặc Pháp chiếm đại đồn Tháp Mười, Phòng Biểu vâng lệnh Đốc binh Kiều, rút một toán nghĩa quân qua Sình Lớn về Tà Buốt, Tà Bét, Lăng Xăng (biên giới Việt Nam - Campuchia) rồi đóng quân ở ngã ba Thông Bình (Tân Thành) với ý đồ bảo toàn lực lượng và liên kết với các nhóm nghĩa quân Campuchia.

Song trước hết, Phòng Biểu thấy cần trị tội Phạm Văn Khanh, một tên Việt gian đã từng gây tội ác để trả thù cho nhân dân và cho Thiên hộ Dương nên ông bí mật về Cao Lãnh chờ dịp ra tay.

Ông được nhân dân cho biết Phạm Văn Khanh đang ráo riết lùng sục tông tích của nghĩa quân. Biết ông còn sống, dù rất lo sợ, hắn cũng ráo riết tìm giết ông để hòng lập công với giặc. Khanh thường nói với đám tay sai: "Hễ có Khanh thì không thể có Biểu được".

Phòng Biểu liền nghĩ ra một kế. Ông viết thư cho người thân tín mang về rạch Cái Bắc, thôn Mỹ Hội (nay thuộc xã Bình Hàng Trung) quê vợ ông. Trong thư dặn rằng: Phao tin ông đã chết, rồi làm đám tang, sau đó làm tuần làm thất, hàng năm làm đám giỗ...

Vài năm sau, Khanh yên trí là Phòng Biểu đã mất không còn phải lo sợ nữa. Khanh đi lại ít dè dặt hơn, bòn rút, vơ vét của nhân dân bạo tay hơn. Một hôm, Phạm Văn Khanh ngồi ghe hầu với 5 tên lính vào vùng Ba Sao, Cái Dừng (Nhị Mỹ) để đốc thuế, 2 tên chèo trước, 2 tên chèo sau, 1 tên cầm lái, Phạm Văn Khanh nằm trong mui đóng kín cửa hút á phiện.

Bỗng từ đâu Phòng Biểu nhảy xuống ghe, ông nghiêng mình lắc mạnh vài cái làm cho mấy tên lính lọt tuốt xuống sông, không dám kêu lên một tiếng. Phạm Văn Khanh nằm trong mui ngồi dậy nói to:

- Đứa nào làm cái gì vậy? Mâm đèn bình nước của tao đổ hết rồi! Ta ra là bây rụng đầu xuống sông!

Nói xong Khanh kéo cửa bước ra. Trước mặt y, Phòng Biểu tay cầm thước bảng đứng oai phong như một vị thần. Khanh run sợ, chỉ còn nước quỳ xuống xin tha tội chết.

Sau một hồi kể tội y, Phòng Biểu định đập y một thước bảng cho chết, nhưng ông chợt nghĩ: hiện thời nghĩa quân ở ngã ba Thông Bình đang sống trong tình cảnh thiếu thốn nên ông nói:

- Thôi được ta sẽ tha tội chết cho nhà ngươi với hai điều kiện. Một là nhà ngươi phải ăn năn hối cải, không làm điều gì thiệt hại cho nghĩa quân, không hạch sách bà con lối xóm nữa. Hai là nhà ngươi viết thư về nhà bảo cha mẹ nhà ngươi phải đích thân đem vàng tới chuộc mạng, số vàng nặng bằng sức nặng của nhà ngươi.

Chờ Phạm Văn Khanh viết thư trao cho mấy tên lính xong, ông cặp nách Khanh phóng lên bờ biến mất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #102 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 05:53:28 pm »


Cha mẹ Khanh được thư, liền góp tiền bạc mà bấy lâu nay y vơ vét của dân chúng cho đủ. Đến ngày quy định, hai ông bà cùng gia nhân khiêng túi vàng tới điểm hẹn. Không lâu, Phòng Biểu xuất hiện, ông nói:

- Trước hết, ta có lời xin lỗi hai ông bà, đường sá xa xôi vì tuân hành lệnh ta mà lặn lội tới đây. Ta muốn gặp ông bà để giao tận tay đứa con phản nghịch để đem về răn dạy. Nếu từ rày về sau hắn còn theo bọn Tây Dương hại dân hại nước, ta quyết không dung tha. Còn số vàng này là của bà con lối xóm do con của ông bà vơ vét. Nay ta lấy lại, dùng vào việc đại nghĩa, âu cũng là hợp lẽ vậy.

Nghe vậy, hai ông bà liền lạy tạ ơn, Phòng Biểu sai nghĩa quân mang Khanh ra. Ông đến cụm tràm gần đó lựa cây thiệt lớn dùng thước bảng chặt một cái đứt tiện, rồi ông chặt lấy khúc gốc dài hơn một sải, xong bứt một sợi dây trói tay Khanh lại như trói heo để cân. Ông lấy đoạn tràm lúc nãy: một đầu máng túi vàng, một đầu máng Phạm Văn Khanh vào. Rồi dùng tay cầm ngay khoảng giữa đoạn tràm nâng lên để cân nhưng đoạn tràm không song bằng, đầu mang Phạm Văn Khanh hơi trễ xuống một chút. Ông để xuống nói:

- Vàng còn thiếu độ vài cân, nhưng thôi, vậy cũng được. Có điều là hai ông bà phải nhớ lời ta dặn.

Chờ cho gia đình Phạm Văn Khanh đi rồi, ông cùng với nghĩa quân khiêng túi vàng đi khuất.

Bẵng đi một dạo khá lâu, Phạm Văn Khanh co đầu rụt cổ, nhưng về sau vẫn chứng nào tật ấy nên Phòng Biểu không thể nào tha thứ được nữa.

Năm ấy, đáo lệ kỳ yên, đình làng Tân Yên (sau này là Tân An) cúng thần rất lớn, có hát bội. Chức việc làng Tân Yên có mời nhiều quan trên, trong đó có cả quan Tây và quan quản bộ đạo Phạm Văn Khanh. Để lấy lòng quan quản bộ đạo, hương cả làng Tân Yên mời Phạm Văn Khanh ở lại cầm chầu đêm hát cúng thần đầu tiên.

Được nhân dân báo rõ mọi điều, Phòng Biểu bí mật đến ẩn mình trong một ngôi nhà sát bên đình làng. Tối đến, sau khi buổi hát xây chầu được một lúc, đột nhiên trên sân khấu xuất hiện một kép hát lạ thường: người cao lớn vạm vỡ, oai phong như một vị tướng, nhưng lại mặc thường phục, đầu chít khăn rìu, tay cầm thiết bảng, nói sang sảng:

- Ta là quan Phòng vệ Nguyễn Văn Biểu, tới đây là để trị tội tên phản dân hại nước Phạm Văn Khanh. Xin bà con đi coi hát hãy yên lòng.

Phạm Văn Khanh rụng rời, buông dùi trống, luống cuống định tìm đường tẩu thoát nhưng Phòng Biểu đã nhanh tay bắt lấy y cắt đầu.

Xác Phạm Văn Khanh bêu tại cây dương trước đình. Trước khi rút lui. Phòng Biểu còn dặn dân chúng: đúng ba ngày mới cho gia đình Phạm Văn Khanh lấy xác về chôn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #103 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 05:54:16 pm »


DÙ THÁC NHƯNG CHÍ THÙ CHƯA NGUÔI

Vào một mùa nước trước năm Ất Dậu (1945), một người đi gom củi gốc tràm lụt ở Tháp Mười tình cờ gặp một tượng Phật bằng cây mù u cao gần hai thước.

Được tin trên, Giám đốc Bảo tàng Sài Gòn lúc bấy giờ là Malleret, một người rất mê đồ cổ, liền đích thân xuống nhận về. Ông ta đi ghe vào Gò Tháp. Tại đây, ông ta thấy rất nhiều cổ vật nào linga, nào yoni, nào linh phù, rồi tượng Phật và nhiều thứ khác... Gò Tháp quả là một di tích khảo cổ không thể bỏ qua được. Sau đó, ông ta đến viếng mộ Đốc binh Kiều.

Ỷ mình là người Pháp, không mê tín, hơn nữa đang là chủ nhân của đất nước này, dù người chết là ông gì đi nữa cũng là đám dân bị trị nên trong lúc khảo sát ngôi mộ, ông ta không dùng thước mà đo bằng bước chân đi trên nền mộ. Mới đếm đến bước thứ ba, bỗng trật chân té ngã gãy xương khiến công việc đành bỏ dở, phải về Sài Gòn điều trị 3, 4 tháng mới lành.

Sau đó, ông ta trở lại tiếp tục công việc. Lần này trước khi tiến hành công việc, ông ta đến trước bàn thờ ngài Đốc binh Kiều kính cẩn thắp nhang, xá ba xá. Xong việc, an toàn trở về.

Lần khác, một người Pháp đi ngựa vào viếng thăm Gò Tháp. Sau khi tham quan mọi nơi, cuối cùng đến khu miếu thờ và mộ Đốc binh Kiều, y vẫn chễm chệ trên mình ngựa, tới lui mọi nơi để quan sát. Bỗng con ngựa lồng lộn lên hất y té nhào xuống đất. Trong lúc luống cuống, y chống đỡ thế nào không biết, đến lúc hoàn hồn đã gãy một tay...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #104 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 05:55:39 pm »


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười, Nxb Trẻ, 2005.
2. Người con của Quảng Ngãi trên đất Tháp Mười, Nxb Thanh niên, 2005.
3. Văn hiến Quảng Ngãi - truyền thống và hiện đại, Nxb Văn hóa dân tộc, 2006.
4. Quân sử III, Quân dân Việt Nam chống Tây xâm lược, Sài Gòn, 1969.


Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM