Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:01:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu  (Đọc 26791 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #160 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:01:18 pm »


        Anh Hoàng Văn Thụ đặt vấn đề nghiêm túc và cụ thể hơn: "Phải Việt Nam hóa chương trình huấn luyện", "Phải cách mạng hóa nội dung huấn luyện?", "Chắc chắn là Hồng quân Trung Quốc, Hồng quân Liên Xô không làm như vậy”. Anh đăm chiêu "Tiếc rằng kinh nghiệm chiến đấu và chiến thắng của cha ông ta bị mai một. Còn Diên An thì lại ở quá xa... Giá mà lúc này đây có anh Phùng Chí Kiên ở nhà...".

        Khúc mắc trong lòng được cởi mở, lại có chỉ thị cụ thể của Đảng, hơn bao giờ hết, chúng tôi thấy trách nhiệm nặng nề của mình. Ngày đêm, tôi, anh Huy còm và anh Hoàng Văn Thái ra sức tham khảo tài liệu "Tây, Tàu” có trong tay lúc ấy là sách Tàu (tôi không nhớ tên sách) của anh Huy còm và cuốn “Sổ tay của người sĩ quan lục quân thuộc địa" (Manuel du gradé de 1’infanterie coloniale) của Pháp mượn được của anh Trường Chinh, "đánh vật" với yêu cầu Việt Nam hóa chương trình huấn luyện", "phải cách mạng hóa nội dung huấn luyện?".

        Cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra lối thoát, bắt đầu từ khẩu lệnh tập tành và chỉ huy chiến đấu, từ những điều kỷ luật của quân đội cách mạng, chủ yếu dựa vào những gợi ý của anh Hoàng Văn Thụ, anh Huy còm khi nói về trường Hoàng Phố, về Hồng quân Trung Quốc. Chúng tôi xác định công tác chính trị trong huấn luyện cũng như trong chiến đấu, phải lấy giác ngộ cách mạng, lấy tình đồng chí, tình bạn chiến đấu làm cơ sở trong quan hệ trên dưới, với nhân dân. Chi bộ Đảng phải thực sự là nòng cốt, là “linh hồn" của quân đội cách mạng".

        Qua hai đoạn trích dẫn trên đây, hẳn bạn đọc cũng thấy quá trình Việt hóa các khẩu lệnh quân sự, từ Hán - Việt nói riêng và quá trình Việt Nam hóa nói chung các chương trình huấn luyện quân sự, cách mạng hóa nội dung huấn luyện quân sự, phù hợp với hoàn cảnh nước ta là cả một quá trình lâu dài, gian khổ, vật vã, mò mẫm. Quá trình đó được xây dựng và hoàn chỉnh dần trong huấn luyện và trực tiếp chiến đấu với quân thù ở Bắc Sơn, Võ Nhai, ở Cao - Bắc - Lạng - Thái - Hà - Tuyên, trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, hay khởi nghĩa từng phần, trong Cách mạng tháng Tám.

        Quá trình đó đòi hỏi 5 năm vừa học tập, vừa đánh, vừa rút kinh nghiệm của đội du kích Pác Bó, của Cứu quốc quân, của Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Việt Nam Giải phóng quân sau này.

        Giờ đây, các em thiếu niên, nhi đồng, các chiến sĩ dân quân tự vệ đều biết hô và làm răm rắp các khẩu lệnh quân sự Việt Nam.

        Giờ đây, các đồng chí tân binh của quân đội và công an chỉ sau một tuần tập điều lệnh đội ngũ đều biết hô thành thạo và làm răm rắp theo những khẩu lệnh quân sự hoàn toàn bằng tiếng Việt.

        Giờ đây, các lớp lính trẻ của quân đội và công an chúng ta còn tiến xa hơn lớp lính già chúng tôi thời trước; còn học bắn được pháo, lái xe tăng, lái máy bay, bắn tên lửa hạ những "thần sấm", "con ma"... những kỹ thuật mới của khoa học hình sự...

        Hơn thế nữa, mọi đối tượng người Việt Nam từ buổi cắp sách đến trường và đặc biệt khi đã trưởng thành đều được giáo dục đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, chiến tranh toàn dân, toàn diện, các chiến thuật và kỹ thuật quân sự của cách mạng Việt Nam.

        Tôi còn nhớ thời kháng chiến chống Pháp, có không ít những "Gia Cát Lượng" những "tham mưu” tiểu đội trung đội và đại đội lúc nghỉ chân bình luận thoải mái về chiến dịch, chiến thuật! Kinh nghiệm đánh Pháp, đánh Mỹ chẳng còn cao xa gì lắm đối với các cán bộ quân sự thời nay.

        Ngày nay, những người "lính già đầu bạc" như chúng tôi mỗi khi nhắc tới những bước đi chập chững buổi ban đầu trong sự nghiệp xây dựng một quân đội kiểu mới, một quân đội cách mạng đáp ứng yêu cầu cấp bách của cuộc đấu tranh vũ trang thời ấy, lại bồi hồi xúc động. Chúng tôi cảm thấy dường như mình trẻ lại như ngày nào lần đầu tiên vinh dự được cầm súng dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng và Bác Hồ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #161 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:03:37 pm »

         
PHẦN THỨ TƯ

50 NĂM SAU GẶP LẠI VÀ MỘT SỐ TƯ LIỆU LỊCH SỬ


NHỮNG CUỘC GẶP MẶT SAU GẦN NỬA THẾ KỶ


HỌP MẶT LẦN THỨ NHẤT BẠN CHIẾN ĐẤU VIỆT NAM GIẢI PHÓNG QUÂN TẠI THÁI NGUYÊN
(Ngày 15-8-1992)

        Tháng Giêng năm 1992, ban liên lạc lâm thời Việt Nam Giải phóng quân được hình thành để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt đầu tiên của Việt Nam Giải phóng quân. Đồng chí Đàm Quang Trung - một đồng chí trung kiên của Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân làm Trưởng ban, các đồng chí Lê Thuỳ, Hoàng Văn Khánh, Hồng Kỳ, Kim Sơn làm ủy viên thường trực.

        Sau ba tháng chuẩn bị, chúng tôi đã có thông tin của sáu tỉnh khu Giải phóng hồi tiền khởi nghĩa. Chúng tôi cũng đã đến xin ý kiến anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) anh tươi cười nói: "Mình đi họp các ban liên lạc mãi nay mới thấy các đồng chí mời, sẽ cố gắng thu xếp thế nào cũng đến". Chúng tôi cũng đi mời anh Văn Tiến Dũng, anh Song Hào, anh Hoàng Quốc Việt, gặp các anh chiến khu Đông Triều, Tự vệ Đỏ, du kích Ba Tơ, các anh đều hoan nghênh cuộc họp của chúng tôi.

        Nơi họp là thành phố Thái Nguyên, đã được Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Thái và anh Đàm Văn Ngụy - Tư lệnh Quân khu 1 cũng là ủy viên Ban liên lạc nhận thu xếp. Cuộc họp sẽ khai mạc vào ngày 15 tháng 8 năm 1992, ngày chuẩn bị xuất quân từ Tân Trào về giải phóng Thái Nguyên năm 1945.

        Theo thư đề nghị của anh Đàm Quang Trung, đồng chí Thượng tướng Đào Đình Luyện - Tổng tham mưu trưởng quân đội đã nhận giúp hai xe con cho ban liên lạc chuẩn bị công việc ở Hà Nội và Thái Nguyên; đủ xe ca để đưa các đồng chí Việt Nam Giải phóng quân ở Hà Nội lên Thái Nguyên, có xe cứu thương đi cùng tập kết ở trạm 66; bảo đảm chỗ ăn ở cho 80 đồng chí ở nhà khách Bộ Quốc phòng để các đồng chí các tỉnh vào lăng viếng Bác, bảo đảm máy bay cho các đồng chí ở miền Nam.

        Đến tháng 6 thì mọi việc chuẩn bị đã làm xong, nơi họp đã có hai phương án, các đại biểu đã nắm khá chắc. Tôi được phân công viết một giấy mời chung và năm giấy mời riêng gửi đến năm đồng chí Bí thư tỉnh ủy đề nghị giúp đỡ anh em Việt Nam Giải phóng quân trong tỉnh về họp.

        Bài diễn văn anh em yêu cầu không quá 15 phút, cần súc tích và thật đúng với lịch sử. Sau 20 ngày tôi đã làm xong nhiệm vụ và được thông qua.

        Tất cả các nơi đều đã được trả lời. Ngày 13 tháng 8 năm 1992, bộ phận thường trực chúng tôi lên Thái Nguyên; ở Hà Nội có đồng chí ủy viên Trần Quang Thường và một xe con lo đón tiếp. Chiều 13 tháng 8 chúng tôi cùng với đại diện Quân khu 1 đến thăm đồng chí Bí thư tỉnh ủy Ngô Hải. Sau mấy lời thăm hỏi thân mật, đồng chí Bí thư tỉnh ủy cho biết mọi việc đã phân công chuẩn bị chu đáo, đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh rất quan tâm đến công việc này.

        Mười giờ đêm 14 tháng 8 năm 1992, các đoàn đại biểu các tỉnh đã về đủ, Hà Giang có hai đồng chí được đồng chí Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh đi cùng, các tỉnh khác đều có đồng chí Phó bí thư hoặc Uỷ viên thường vụ đưa về chu đáo. Tỉnh Bắc Thái có 36 đồng chí, Hà Nội có trên 70 đồng chí, có một số đồng chí từ Hải Phòng, Hà Bắc, Yên Bái về.

        Các đại biểu báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân, báo Đại đoàn kết, báo Cựu chiến binh, đài phát thanh và truyền hình địa phương và báo Bắc Thái đều đến dự. Có đoàn quay phim của Ốt-xtrây-lia được Bộ Ngoại giao giới thiệu đến, chúng tôi hoan nghênh và tiếp đãi bạn chu đáo.

        Còn nửa giờ nữa thì khai mạc, tôi đang xem lại lời giới thiệu thì đồng chí Hoàng Văn Khánh trực chỉ huy báo cho tôi biết: Đồng chí Thượng tướng Lê Khả Phiêu thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng đến dự cuộc họp mặt với chúng tôi. Thật là xúc động, chúng tôi đã cân nhắc mãi mà không dám mời Ban Bí thư Trung ương Đảng đến dự cuộc họp mặt. E rằng làm như vậy có tư tưởng công thần và quá tự đề cao không? Thế mà hôm nay đại diện Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ động đến với anh em chúng tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #162 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:04:05 pm »


        Nhớ lại năm xưa đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã đến phổ biến nghị quyết Trung ương cho đội du kích Bắc Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đến trao cờ cho đội Cứu quốc quân I, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đến công nhận trung đội Cứu quốc quân III và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tự tay viết chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và thay mặt Đảng giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức lãnh đạo và chỉ huy đội chủ lực đầu tiên của lực lượng võ trang cách mạng.

        Hôm nay, chúng tôi số người còn lại ít ỏi của các đội quân tiền thân đó, sau khi đã làm tròn nhiệm vụ chiến đấu của Đảng và quân đội giao cho, trở lại với đời thường, nhớ đến tình bạn chiến đấu thiêng liêng, tổ chức họp mặt thăm hỏi nhau, ôn lại truyền thống mong để lại cái gì cho con cháu và trọn nghĩa vẹn tình lại vẫn được Đảng quan tâm chăm sóc.

        Cuộc họp mặt long trọng có chào cờ, hát Quốc ca và Lãnh tụ ca, có mặc niệm tưởng nhớ các đồng chí đã mất. Các lão đồng chí Việt Nam Giải phóng quân rất phấn khởi cảm động khi Thượng tướng Lê Khả Phiêu thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng đến dự và phát biểu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện cũng chân thành cảm ơn Ban Chấp hành Trung ương Đảng dù bận trăm công nghìn việc vẫn cử đồng chí Lê Khả Phiêu đại diện Ban Bí thư đến với chúng tôi, cảm ơn Trung ương Đảng đã rất quan tâm đến Quân đội nhân dân nói chung và Việt Nam Giải phóng quân.

        Hội trường lại nổi lên tràng vỗ tay dài thể hiện tấm lòng biết ơn vô cùng của người giải phóng quân với Đảng sinh thành, lãnh đạo và tổ chức nên mọi chiến thắng của quân đội chúng ta.

        Cảm động nhất là khi những lời tâm huyết của anh Văn, người anh cả của quân đội nói chuyện: “Tôi rất xúc động khi được gặp mặt lại các anh, các chị, ừ nhỉ, sao không gọi là các cụ ông, cụ bà mà vẫn cứ gọi là các anh, các chị? Thấm thoắt thế mà gần 50 năm rồi, 50 năm ấy biết bao nhiêu tình".

        Anh nhắc lại tất cả mọi đoạn đường lịch sử từ đội du kích Pắc Bó, Cao Bằng, 19 đội xung phong Nam tiến, đến từng cán bộ của đại đội và ba trung đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đến 5 đồng chí cứu quốc quân và anh Chu Văn Tấn đưa lên tăng cường cho lực lượng Nam tiến và sau này tham gia vào đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Anh hỏi chị Hựu - một nữ đồng chí ở đội Nam tiến chiến đấu gian khổ nhất và hỏi bé Hồng người trinh sát 13 tuổi của trận Phai Khắt năm nay đã 64 tuổi.

        Anh nói đến Khu giải phóng mà tháng 6 năm 1945 lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập. Khu giải phóng rộng 4 vạn ki-lô-mét vuông gồm hơn 1 triệu đồng bào các dân tộc. Tân Trào được chọn làm Thủ đô, Bác nói đây là biểu tượng cho nước Việt Nam mới.

        Cứ mỗi đoạn đường lịch sử lại hiện lên hình ảnh thân yêu của Bác Hồ với những câu nói ngắn gọn, súc tích mà làm nên lịch sử “Có dân là có tất cả”, “Người trước súng sau”, “Những con đường quần chúng từ Cao Bằng đi về xuôi”, “Lúc này chính trị trọng hơn quân sự”, “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”...

        Kết thúc bài nói chuyện anh kể câu chuyện ông Ba Quốc hội đã đắp một dòng chữ nổi trên tường nhà trước cửa để đón Đại tướng: "Gặp nhau được là quý rồi" và Đại tướng cũng vui vẻ chào chúng tôi: "Gặp nhau được là quý rồi". Thật là tình sâu nghĩa nặng, trải qua muôn nghìn khó khăn gian khổ, vào sinh ra tử thế mà hôm nay còn gặp được nhau, gặp lại được người anh Cả tuy đã 81 tuổi, nhưng vẫn tươi vui, thanh thản, nhiệt tình, trái tim Cộng sản của lão đồng chí Đại tướng quả là vẫn thanh xuân.

        Ngày 16 tháng 8, chúng tôi về Hà Nội rất sớm để kịp vào Lăng viếng Bác. Những đứa cháu đầu lòng của Bác, những "Anh bộ đội Cụ Hồ" kỳ cựu từ ngày súng "mút" lê "cau” (Lưỡi lê làm bằng thân cây cau, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 tạo ra gọi là lê "cau".) hôm nay vào viếng Bác không còn đầy đủ, nhưng vẫn có chiến sĩ của 19 đội xung phong Nam tiến, có chiến sĩ của 34 anh em Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, có các đồng chí Cứu quốc quân I, II, III, có học sinh quân của Trường Quân chính kháng Nhật khóa I ở Tân Trào, có các chiến sĩ Giải phóng quân chủ lực của Khu giải phóng và chúng con cũng đã "đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta" như Bác dặn năm nào.

        Ngày 17 tháng 8 năm 1992, Bộ Quốc phòng tổ chức chiêu đãi các đồng chí Việt Nam Giải phóng quân. Đại tướng Bộ trưởng Đoàn Khuê, Thượng tướng Thứ trưởng Trần Văn Quang và nhiều cán bộ đại diện các cơ quan Bộ Quốc phòng tiếp chuyện các đồng chí Việt Nam Giải phóng quân. Anh em rất cảm động vì sự quan tâm của Đảng, quân đội đối với đội quân tiền thân và rất phấn khởi với lời hẹn sẽ được gặp lại các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, của quân đội vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #163 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:04:47 pm »


TRÂN TRỌNG CÔNG LAO CỦA LỚP NGƯỜI ĐI TRƯỚC, BẢO VỆ VÀ GIỮ GÌN THÀNH QUẢ CÁCH MẠNG LÀ CƠ SỞ ĐỂ TIẾP TỤC GIÀNH NHỮNG THẮNG LỢI MỚI TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC

        (Lược ghi bài nói của đồng chí Lê Khả Phiêu, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tại cuộc gặp mặt các chiến sĩ Việt Nam Giải phóng quân, ngày 15-8-1992).

        Thưa anh Văn!

        Thưa các bác, các anh, các chị!

        Được đồng chí Đàm Quang Trung cho biết là các bác, các anh, các chị mong muốn có cuộc gặp mặt các đồng chí của lực lượng Việt Nam Giải phóng quân, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng rất xúc động và thấy cần phải giúp các bác, các anh, các chị, các đồng chí thực hiện tốt cuộc gặp này.

        Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị cũng nhận được thông báo và giấy mời của các đồng chí. Bộ Quốc phòng rất hoan nghênh và đã làm những việc cần thiết theo khả năng và trách nhiệm của mình để mong góp phần với tỉnh Bắc Thái, Quân khu 1, Quân khu 2 tổ chức tốt nhất cuộc gặp mặt của các đồng chí. Những lão quân, những người học trò của Bác Hồ, những chiến sĩ, những người anh cả đầu tiên của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

        Đồng chí Tổng bí thư và một số đồng chí trong Bộ Chính trị đi công tác vắng, như các đồng chí đã biết. Các đồng chí thường trực Bộ Chính trị Ban Bí thư rất áy náy vì không lên dự cuộc gặp mặt thân tình tại đây với các bác, các anh, các chị và các đồng chí được. Ban Bí thư cử tôi lên dự và chuyển lời thăm hỏi, lời chào mừng của Bộ Chính trị và Ban Bí thư tới các bác, các anh, các chị, các đồng chí.

        Thưa các bác, các anh, các chị!

        Trong hoàn cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, chủ nghĩa xã hội ở một số nước lâm vào hoàn cảnh thoái trào. Đất nước ta đang đứng trước những thuận lợi mới và cũng đang có những khó khăn thách thức mới. Trong bối cảnh đó, nhân dân ta vẫn một lòng theo Đảng, tin tưởng ở Đảng, ở cách mạng, điều đó được thể hiện bằng những kết quả bước đầu rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

        Ngay trong đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi vừa qua với 99,12 phần trăm số cử tri tham gia bầu cử Quốc hội khóa IX, ở khắp nơi từ thành thị đến nông thôn đều thể hiện được tinh thần dân chủ, đã lựa chọn những đại biểu ưu tú của mình. Những kết quả ấy phản ánh sự ổn định chính trị của đất nước chúng ta và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta.

        Sự vững vàng trong lãnh đạo chính trị của Đảng và sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, đối với cách mạng, đó chính là điều kiện cơ bản để chúng ta tiếp tục tiến lên. Tuy nhiên, lẻ tẻ ở nơi này, nơi kia cũng có số ít người có những tiếng nói lạc lõng, xuyên tạc, bóp méo lịch sử thậm chí, muốn xóa bỏ, phủ định sạch trơn quá khứ vẻ vang của đất nước. Và, khi đã phủ định quá khứ thì đương nhiên họ cũng không nghĩ gì đến đạo lý, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam ta là: uống nước nhớ nguồn.

        Trong những lần gặp thân tình, đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí cố vấn, các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta và Nhà nước ta cũng như anh Văn và nhiều đồng chí cách mạng lão thành thường nhắc nhở chúng tôi là luôn luôn giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam uống nước nhớ nguồn. Chúng tôi cũng rất tâm đắc với những lời căn dặn đó.

        Ban Bí thư thấy rằng, sự gặp mặt của các đồng chí không những ôn lại truyền thống vẻ vang mà còn nhắc nhở con cháu luôn luôn trân trọng những thành quả mà cha ông ta đã để lại, luôn nhớ đến những công lao to lớn của cha anh, biết trân trọng, tôn vinh lớp người có công dựng nước và giữ nước, làm rạng rỡ non sông đất nước ta và không chỉ có ôn lại truyền thống mà còn biết bảo vệ, giữ gìn và phát triển những thành quả cách mạng đó, tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường mà Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đây là một điều khẳng định, bất di bất dịch.

        Trên thế giới, ở chỗ này, chỗ kia chính vì quên đi quá khứ vẻ vang, phủ định những thành quả cách mạng nên đang gặp những khó khăn và tổn thất lớn. Đối với chúng ta dứt khoát không để phạm vào những sai lầm đó.

        Trong cuộc gặp gỡ hôm nay với những người bác, người anh, người chị - những người ra đi làm cách mạng từ khi đất nước còn trong vòng nô lệ, tuy không còn đầy đủ như buổi ban đầu và sức khoẻ cũng không còn như thời trai trẻ, nhưng ý chí vẫn rất cao, nghị lực rất lớn. Hôm nay, trong cuộc gặp gỡ long trọng và thân tình này, tôi thay mặt các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư hứa với các bác, các anh, các chị và các đồng chí - những lớp người đi trước, dù trong tình hình phức tạp đến đâu, Đảng ta cũng kiên quyết lãnh đạo nhân dân ta đi đúng con đường mà Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, động viên toàn dân giữ gìn và bảo vệ thành quả cách mạng, tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới đất nước, chăm lo giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam biết uống nước nhớ nguồn, ghi tạc công ơn của các thế hệ cha anh đi trước, bảo vệ vững chắc những thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã đạt được.

        Ngay cả cấp lãnh đạo cao nhất, cấp chiến lược cũng phải ôn lại truyền thống, trân trọng và học tập những kinh nghiệm tốt của lớp người đi trước và của bản thân mình đã đi qua để không những làm gương giáo dục cho thế hệ trẻ mà còn làm gương cho chính bản thân mình, từ đó lãnh đạo cách mạng tiếp tục tiến lên, không bao giờ đi chệch hướng, không bao giờ đi chệch mục tiêu của cách mạng.

        Bộ Chính trị và Ban Bí thư cũng mong luôn luôn nhận được ở các bác, các anh, các chị sự đóng góp ý kiến cho lãnh đạo của Trung ương, cũng đóng góp trực tiếp cho sự lãnh đạo của các địa phương. Đó chính là một trong những điều kiện để chúng ta gìn giữ và bảo vệ thành quả cách mạng, làm như thế cũng sẽ tạo sự gắn bó giữa Đảng, cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với các đồng chí lão thành cách mạng, sự gắn bó các đồng chí Trung ương, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như các cấp lãnh đạo của các địa phương với lớp người đi trước, tạo điều kiện để các đồng chí đó làm tròn trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân. Đó cũng chính là sự thể hiện sự quý trọng của chúng ta đối với các bậc tiền bối cách mạng.

        Xin cảm ơn và chúc sức khoẻ của các bác, các anh, các chị, các đồng chí và các bạn có mặt tại đây hôm nay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #164 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:05:46 pm »


BÀI NÓI CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP TRONG CUỘC HỌP MẶT CỦA VIỆT NAM GIẢI PHÓNG QUÂN
 (Ngày 15-8-1992)

        Hôm nay, tôi rất xúc động về tham dự cuộc họp mặt các bạn chiến đấu Việt Nam Giải phóng quân, được gặp mặt đồng chí đã tham gia từ ngày thống nhất một bộ phận các lực lượng vũ trang lúc bấy giờ thành Việt Nam Giải phóng quân bao gồm các đồng chí trong đội du kích Pác Bó, các đội Cứu quốc quân I, II, III, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Đội quân Nam tiến. Tôi nói: một bộ phận, bởi vì chính đến Hội nghị cán bộ Trung ương toàn quốc họp ở Tân Trào vào tháng 8 năm 1945 thì mới có nghị quyết thống nhất toàn bộ lực lượng vũ trang trong cả nước, lấy tên là Việt Nam Giải phóng quân.

        Để có cuộc họp mặt truyền thống hôm nay là do sáng kiến của đồng chí Thượng tướng Đàm Quang Trung, một đồng chí trung kiên của Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Tôi xin tỏ lời hoan nghênh và cảm ơn đồng chí Quang Trung, các đồng chí trong Ban trù bị đã có nhiều cố gắng để tổ chức cuộc họp mặt hôm nay.

        Tôi cũng xin cảm ơn đồng chí Bí thư và các đồng chí Thường vụ tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch và các đồng chí thường trực trong Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Thái, cảm ơn đồng chí Tư lệnh và Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã giúp đỡ mọi mặt cho tổ chức cuộc họp hôm nay; cảm ơn các cơ quan thông tin báo chí đã đến họp góp phần vào thành công của cuộc gặp gỡ thân mật này.

        Tôi nhiệt liệt hoan nghênh đồng chí Thượng tướng Lê Khả Phiêu, đại diện Ban Bí thư Trung ương Đảng, với những lời phát biểu giản dị, đã nói lên sự quan tâm của Đảng đối với lực lượng vũ trang nói chung và với các đơn vị tiền thân của lực lượng vũ trang nối riêng.

        Đến đây, tôi cứ mải nhìn các anh, các chị. Ừ, sao bây giờ chúng mình tuổi đã cao mà vẫn cứ gọi nhau là các anh, các chị, không gọi các cụ ông, cụ bà. Bé Hồng ngày đánh Phai Khắt mới 13 tuổi, nay đã 64 tuổi mà vẫn cứ là bé Hồng. Đây là cách gọi rất hay, hễ đi làm cách mạng là mọi người giữ được mãi tuổi thanh xuân. Nhìn các anh, các chị, không thể không nhớ lại hình ảnh lúc các anh, các chị còn trẻ thật. Quang Trung chẳng hạn, bấy giờ là một chàng trai rất là thanh niên. Lúc ấy các anh còn rất trẻ, mà bây giờ cũng còn trẻ, chứ. Rồi đến các chị như chị Châu, chị Quế, chị Loan, chị Nhung, chị Thanh (đã mất), chị Cầm và nhiều chị hôm nay không đến được, lúc bấy giờ là những cô gái trẻ và đẹp, có người có thể đi thi "hoa hậu” cũng được, bây giờ đã thành các bà cả rồi. Thấm thoắt đã gần 50 năm bây giờ gặp nhau lại, kẻ mất người còn, nhưng năm mươi năm ấy biết bao tình, thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau.

        Quang Trung có nhận khuyết điểm là tổ chức cuộc họp mặt chậm, tôi cũng có khuyết điểm. Tôi đã bao lần đi dự các cuộc họp truyền thống của các đơn vị trung đoàn, sư đoàn mấy hôm nữa sắp họp truyền thống của 308, của trung đoàn Thủ Đô, tự vệ Thủ Đô. Thế mà đối với những đơn vị vũ trang đầu tiên của Cao - Bắc - Lạng thì vẫn chưa tổ chức được cuộc họp. Vì vậy hôm nay chúng ta hoan nghênh bài phát biểu của đồng chí Quang Trung.

        Khi nghe có cuộc họp này, tôi rất mừng, mong được tiến hành sớm, đến nay cuộc họp đã được thực hiện, như vậy là rất tốt. Giữa lúc tỉnh đang phải giải quyết vụ tai nạn mới xảy ra nên cũng có sự cân nhắc, nhưng cuối cùng đã quyết định tốt nhất là tiến hành cho được cuộc họp mặt này. Và đến hôm nay, chúng tôi với anh Ngô Hai - Bí thư tỉnh ủy, đều thấy tổ chức dược cuộc họp mặt lần này là rất đúng, rất tốt.

        Hôm kia, trước khi lên đây, nhớ đến các đồng chí đã khuất, tôi đã đi thăm mộ anh Phùng Chí Kiên, là đồng chí ủy viên Trung ương tôi đã được gặp ở Côn Minh và ở Pác Bó, người được Bác Hồ cử về chỉ huy đội du kích Bắc Sơn lúc bấy giờ cùng với anh Lương Văn Tri và anh Tân Hồng (anh Chu Văn Tấn); đã đến thăm mộ anh Lê Quảng Ba là người đội trưởng đội vũ trang thoát ly đầu tiên của Cao Bằng, hoạt động ở biên giới từ trước lúc Bác về nước và sau về bảo vệ cơ quan Bác ở Pác Bó. Tôi cũng đã thăm mộ anh Hoàng Sâm đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #165 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:06:19 pm »


        Thế là đến nay nhiều anh không còn nữa, nhưng chúng ta luôn nhớ đến các anh. Hình ảnh những người đồng chí, đồng đội thân yêu và những thành tích của các anh mãi mãi còn trong lòng chúng ta. Cũng rất tiếc anh Hoàng Quốc Việt thì đang mệt nặng nên không đến họp được, tôi đã vào thăm mấy lần.

        Đối với Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội chủ lực đầu tiên thành lập ngày 22-12-1944 theo chỉ thị của Bác, thì hôm nay đội trưởng Hoàng Sâm, Chính trị viên Xích Thắng (đồng chí Dương Mạc Thạch) rồi đến các cán bộ tham mưu như Hoàng Văn Thái bây giờ cũng đã ra đi. Các trung đội Cứu quốc quân, hôm nay cũng không còn đông đủ nữa.

        Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân lúc đó có ba đồng chí tiểu đội trưởng, trong đó có đồng chí Quý, người Dao Tiền, năm kia (1989), tôi gặp vẫn khoẻ mạnh, gần đây thì đã ốm nặng, giá mà đồng chí ấy kể lại được tất cả việc đã làm, có người ghi lại tấm gương của đồng chí cho chúng ta thì tốt bao nhiêu.

        Tôi còn nhớ rõ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, một tuần sau khi thành lập đã được phát triển thành đại đội, với ba, rồi bốn trung đội, có đầy đủ đại đội trưởng, chính trị viên đại đội, trung đội trưởng và chính trị viên trung đội, trong đó có một số đồng chí cán bộ trung kiên của Cứu quốc quân tham gia từ đầu. Đáng lẽ đến bây giờ đã có những quyển sách ghi lại tên tuổi các cán bộ và chiến sĩ đội du kích Pác Bó, các đơn vị Cứu quốc quân I, II, III là những ai, trung đội vũ trang tuyên truyền là những ai, đại đội đầu tiên trên với ba rồi bốn trung đội phát triển một tuần sau là những ai; bây giờ làm là chậm, nhưng vẫn còn kịp và vẫn phải làm.

        Hôm nay gặp mặt nhau tại đây, trước hết, lòng chúng ta bồi hồi nhớ đến Bác Hồ, người lãnh tụ của Đảng, của dân tộc người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Nhớ đến những ngày Bác ở Pác Bó và cảm thấy như Bác vẫn còn ở bên cạnh chúng ta. Chúng ta nhớ đến tất cả các anh chì em đồng chí, đồng đội thân thiết cùng chiến đấu bên nhau gian khổ, ngọt bùi có nhau mà đến nay không còn nữa.

        Tôi nhớ lại và suy nghĩ về đội quân của chúng ta từ đâu mà ra. Ở Bắc Sơn, nhân dân nổi dậy, Đảng kịp thời chỉ đạo đội du kích Bắc Sơn ra đời từ nhân dân. Các đội cứu quốc quân, cũng như vậy, cũng từ nhân dân mà ra, chứ không phải do một đội quân cũ nào đó chuyển thành. Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân cũng thế, cũng là từ trong nhân dân mà ra, tất cả là con em nhân dân các dân tộc địa phương. Hầu hết các đồng chí lúc đó là người Tày, người Nùng, người Dao, người Mông, một số là người Kinh.

        Hơn nữa chúng ta đều thấy từ đội du kích Pác Bó, đến các đội Cứu quốc quân, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đều thành lập trên vùng đất quê hương của các dân tộc thiểu số, được đồng bào thương yêu đùm bọc, đó là đặc điểm nổi bật của cách mạng nước ta và của lực lượng vũ trang ta, mà chúng ta cần nhớ. Nhớ nguồn là phải nhớ cho rõ điều ấy.

        Bác Hồ là người lãnh đạo cách mạng, Bác đề xuất những chủ trương lớn về tổ chức quân đội. Bác là người con của nhân dân Nghệ - Tĩnh, từ Nghệ - Tĩnh đi khắp đó đây trên thế giới, rồi trở về Cao Bằng cùng với Đảng chủ trì lãnh đạo cách mạng, nhưng dù quê ở đâu thì Bác cũng là từ trong nhân dân mà ra.

        Chúng tôi một số cán bộ người Kinh, làm việc và chiến đấu bên cạnh nhân dân các dân tộc, được nhân dân đùm bọc như con em của mình, chúng tôi cũng tự thấy mình là người của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, không có phân biệt gì cả.

        Như vậy, quân đội ta là một quân đội thật sự từ nhân dân mà ra, một quân đội của dân tộc, của toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà lúc đầu ở Cao - Bắc - Lạng thì chủ yếu là của đồng bào thiểu số. Nói như vậy để chúng ta càng thấy rõ vai trò của miền núi, của đồng bào các dân tộc thiểu số, vai trò của căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng.

        Chúng ta mãi mãi nhớ ơn đồng bào các dân tộc, các pá, mế, các ví noọng, các cháu nhi đồng đã hết lòng giúp đỡ và phối hợp hoạt động với chúng ta.

        Vì là từ trong nhân dân mà ra, nên ngay từ đầu đã được nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc và ủng hộ. Bên cạnh đơn vị bộ đội chủ lực tập trung còn có cả một lực lượng dân quân du kích, tự vệ, cả nam lẫn nữ. Đó là những người dân tự đứng lên cầm súng chiến đấu để giải phóng đất nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #166 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:07:47 pm »


        Khi bàn về vũ trang khởi nghĩa, chúng tôi lo không có vũ khí thì làm thế nào? Bác nói: Các chú không lo, cứ đi vào nhân dân mà vận động và tổ chức quần chúng đi, chú trọng các cháu thanh niên, có dân sẽ có súng. Tư tưởng của Bác Hồ là "Người trước súng sau, có dân thì có tất cả". Khi ta bắt đầu xây dựng lực lượng vũ trang, thì ta hầu như không có một cây súng nào, mà trong nhân dân cũng không có súng, trừ mấy cây súng kíp, nhưng về sau ta dựa vào nhân dân thì có tất cả.

        Lúc đó tôi mới 29, 30 tuổi; đến đâu tôi cũng tổ chức thanh niên trước, cả nam lẫn nữ. Từ trong thanh niên tổ chức ra các đội tự vệ, các đội tự vệ chiến đấu, những tổ vũ trang tự túc được súng đạn, rồi mới tổ chức ra các tiểu đội các trung đội. Trong sổ công tác của tôi hồi đó nay xem lại, thấy có ghi: Hăng hái nhất, 1/ Phụ nữ. Đúng như vậy, trong lúc cách mạng và lực lượng vũ trang có nhiều khó khăn nhất, thì chính các chị là người giúp đỡ nhiều nhất. Lúc ấy, ai tiếp tế cho chúng ta nếu địch phát hiện là có thể bị xử bắn, thế mà các chị vẫn rất hăng hái, rất dũng cảm và mưu trí tìm mọi cách tiếp tế cho chúng tôi. Chị Toàn, chị Nga, chị Bạch Lan, chị Phù Dung, chị Xuân Dung, còn nhiều các chị khác nữa hôm nay không có mặt. Trong sự giúp đỡ của nhân dân phụ nữ đã góp phần quan trọng.

        Việc thống nhất Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân nói lên sự lớn mạnh đoàn kết thống nhất của các lực lượng vũ trang cách mạng trong những ngày tháng lịch sử của cao trào cách mạng 1945.

        Trước đó đã có đội du kích Pác Bó. Du kích Bắc Sơn, các đội Nam tiến... khi tôi nhận nhiệm vụ đã tổ chức 19 đội xung phong Nam tiến. Tôi có cuộc họp ở Lũng Hoàng với anh Chu Văn Tấn, anh có giới thiệu cho tôi năm đồng chí du kích Bắc Sơn và Cứu quốc quân để tham gia vào đội Nam tiến, sau này phần lớn trở thành đội viên đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân như anh Hoàng Thịnh, anh Thơ (đã hy sinh ở Nam Bộ), còn anh Hiền hôm nay vẫn còn nhưng hơi mệt.

        Trong Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có bốn anh là Cứu quốc quân, trong các đội Nam tiến cũng có. Như vậy là ngay từ lúc đó đã có sự đoàn kết giữa lực lượng vũ trang Cao Bằng với Cứu quốc quân. Sự đoàn kết đó đã được xây dựng từ lâu nhất là từ ngày tổ chức các đội xung phong Nam tiến.

        Trong lúc các đội Nam tiến từ Cao Bằng đi xuống thì ở dưới này anh Chu Văn Tấn cũng tổ chức đi lên. Khi mở đường thông qua được núi Phia Bioóc (nghĩa là núi Đá Hoa, tôi đặt tên là núi Cứu Quốc), ở trên kia xuống có anh Nông Văn Lạc, chị Hựu, anh Đức Xuân; đi xa về phía chợ Đồn có anh Lý Công (anh Quang), anh Lê Thuỳ, Bảo Ngọc... Chúng ta đi trên triền núi, gặp nhau lần đầu ở xã Nghĩa Tá, tôi đặt tên là xã Thắng Lợi, rồi tiến về phía Nam nữa, gặp anh Tân Hồng ở Bản Pìng. Anh Tân Hồng bắn được một con nai, khao chúng ta một bữa có cái giò nai đem nướng, nướng cháy quá thế mà cũng cùng nhau chén hết. Nhớ những chuyện như thế, lúc còn đang gian khổ thì càng thấy thương yêu nhau.

        Xung phong Nam tiến thành công, tôi trở về được gặp Bác Hồ và Tổng bộ Việt Minh tặng một lá cờ "Xung phong Nam tiến thắng lợi". Nhưng sau đó thực dân Pháp khủng bố trắng, khủng bố ghê gớm, khủng bố từ trên Cao Bằng cho đến dưới này, nhưng do có nhân dân ra sức bảo vệ, lực lượng vũ trang đoàn kết thống nhất, nên cách mạng không những tồn tại mà còn tiếp tục phát triển, đường Nam tiến vẫn được giữ vững.

        Tháng 4 năm 1945, Trung ương họp hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ dưới sự chủ trì của anh Trường Chinh quyết định thống nhất Cứu quốc quân, các lực lượng vũ trang khác, các chiến khu phía Bắc của Đảng với đội quân chủ lực là Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Làm lễ thống nhất tại Định Biên Thượng, tôi nhận nhiệm vụ tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân, anh Tân Hồng làm chính trị viên Việt Nam Giải phóng quân. Tôi nhắc lại là đến Hội nghị cán bộ Trung ương ở Tân Trào - Thủ đô của Khu giải phóng thì có nghị quyết thống nhất lực lượng vũ trang trong cả nước, lấy tên là Việt Nam Giải phóng quân. Nghị quyết của Hội nghị đó có nội dung khá đầy đủ về tổ chức lực lượng vũ trang của cả nước.

        Hạ tuần tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tân Trào. Khu giải phóng được lập ra. Trường Quân chính kháng Nhật được thành lập, học viên khóa I là các đồng chí ở các đơn vị chiến đấu, các đồng chí công tác ở địa phương được triệu tập về, có mấy chục đồng chí ở dưới xuôi lên nữa. Bác Hồ nói: Khu giải phóng là hình ảnh của nước Việt Nam mới sau này. Ở Khu giải phóng có quân đội, có trường Quân chính kháng Nhật. Đội tuyên truyền Nước Nam mới, Báo Nước Nam mới, báo Quân giải phóng đều xuất bản ở Tân Trào. Các đồng chí làm báo “Nước Nam mới" với tôi hôm nay cũng có mặt ở đây. Tôi làm chủ nhiệm, chủ bút, tổng biên tập, còn đồng chí Nguyễn Tài thì làm biên tập, in ấn, phát hành. Báo ra được mấy số thì cách mạng thành công, những tư liệu lịch sử này rất quý.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #167 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:08:09 pm »


        Hôm nay, nhìn lại thấm thoắt mới đó mà đã gần 50 năm, cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Chúng ta được sống trong cảnh Tổ quốc được hoàn toàn thống nhất đã gần 20 năm. Lúc đi vào đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tôi nghĩ rằng đấu tranh vũ trang là rất quyết liệt, mình chắc sẽ nằm lại trên một miền rừng núi nào đó của Cao - Bắc - Lạng; tôi có nói với anh Hoàng Văn Thái tham mưu của đơn vị, nếu có xảy ra chuyện gì đối với tôi thì còn anh và các anh, công việc vẫn cứ phải tiếp tục

        Khu giải phóng thành lập, có cử ra Uỷ ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng. Khi anh Tân Hồng còn, anh ấy cử hỏi tôi lịch sử Uỷ ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng như thế nào? Uỷ ban chỉ huy lâm thời này thành lập có năm người, có anh Vũ Anh, anh Phạm Văn Đồng (lúc đó còn ở Cao Bằng), anh Đức Thanh (tức Đàm Minh Viễn anh ruột Đàm Quang Trung sau này hy sinh ở Buôn Ma Thuột), anh Tân Hồng và tôi. Tôi phụ trách tất cả công việc lúc đầu của Uỷ ban.

        Lịch sử có những biến chuyển mau lẹ: Uỷ ban chưa kịp họp phiên nào cả, vì các ủy viên chưa có ai về kịp tới Tân Trào thì tình hình đã thay đổi: Nhật đầu hàng, đại hội Quốc dân họp. Rồi thời cơ đến, cách mạng thành công. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Và sau đó là cuộc Nam tiến về Hà Nội, rồi lại tiếp tục Nam tiến nữa để tiếp sức cho đồng bào Nam Bộ.

        Nhân thể nói thêm, quân đội ta là của toàn dân, của toàn dân tộc nên có nhiệm vụ Nam tiến. Con đường Hồ Chí Minh phải nói là bắt đầu từ Pác Bó, Pác Bó về Tân Trào, về Thái Nguyên, về Hà Nội và rồi Nam tiến nữa đến Nam Bộ. Các đồng chí đội viên Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân được vinh dự làm nhiệm vụ Nam tiến. Các đồng chí như Quang Trung, Nam Long, đồng chí Hữu Thành, đồng chí Thu Sơn, đồng chí Đàm Minh Viễn, đều đã tham gia Nam tiến. Riêng Nam Long, Quang Trung... đã Nam tiến đến hai ba lần, lần đầu Nam tiến lúc miền Nam đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp; sau này lại Nam tiến nữa, khi đồng bào miền Nam "Thành đồng của Tổ quốc" đứng lên kháng chiến chống' Mỹ, cứu nước. Lịch sử của dân tộc ta là như vậy có quân đội thống nhất và rồi có Nam - Bắc thống nhất. Nam - Bắc thống nhất là nguyện vọng của cả dân tộc là chân lý không bao giờ thay đổi như Bác Hồ đã nói.

        Ý nghĩa cuộc họp mặt hôm nay nói lên sự đoàn kết thống nhất của lực lượng vũ trang. Như chúng ta đã biết, lúc đầu ta có các đội du kích ở Bắc Sơn, đội vũ trang Cao Bằng, các đội Cứu quốc quân, các đội Nam tiến, đã thành lập đội quân chủ lực đầu tiên là đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Ngay khi đó lực lượng cách mạng đã có ba thứ quân: đội quân chủ lực, các đội du kích thoát ly hoạt động ở các địa phương, các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu ở các bản mường, các làng xã, rồi đến Hội nghị cán bộ Trung ương họp ở Tân Trào - tôi nhắc lại - thì quyết định tất cả các lực lượng vũ trang ở từ Nam chí Bắc thống nhất lại thành Việt Nam Giải phóng quân sau này đổi tên là Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia, rồi Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Sự đoàn kết thống nhất lực lượng vũ trang Trung - Nam - Bắc thành một đội quân thống nhất của cả nước.

        Nói đến lịch sử quân đội, tôi lại nhớ đến câu nói của Bác khi thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Bác nói: "Nó là đội quân chủ lực... là đội quân đàn anh, tuy lúc đầu còn bé nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang, nó sẽ đi từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta".

        Đội quân bé nhỏ đó phát triển lên, rồi cùng với các đội quân của cả nước trở thành một đội quân trên một triệu, thực hiện đúng lời tiên đoán tài tình của Bác là đi suốt từ Nam chí Bắc, trên khắp nước Việt Nam của chúng ta.

        Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cho đến năm 1950 chúng ta đã chiến đấu trong vòng vây; bên kia là Tưởng, ngoài kia là biển và hạm đội của đế quốc, còn ở Lào và Campuchia thì lực lượng cách mạng còn yếu. Quân đội ta lúc đó phải tự lực tự cường, độc lập sáng tạo mà tiến lên với truyền thống yêu nước bất khuất, chiến đấu giành độc lập thống nhất dân tộc và sau này nói rõ thêm mục tiêu tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #168 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:08:33 pm »


        Ngay từ ngày đầu cho đến ngày nay, người đảng viên cộng sản bao giờ cũng đi trước, ngay ở trong các lực lượng vũ trang ở Cao - Bắc - Lạng đều đã có tổ chức Đảng. Lúc lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Bác nói: "Chi bộ là hạt nhân lãnh đạo". Ta đã phát triển Đảng trong quân đội và Đảng đã lãnh đạo quân đội từ đó đến nay.

        Nói đến sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, khi đó chưa có luật lệ gì, chưa có hiến pháp ghi, song quân đội vẫn tin ở Đảng và chính nhờ có Đảng lãnh đạo mà có mối quan hệ giữa quân đội với nhân dân như máu với thịt. Vừa qua, tôi trở lại thăm Pác Bó, tôi nghĩ lại sao lúc khó khăn như thế, đi với Việt Minh là bị bắn, thế mà đồng bào vẫn tham gia Việt Minh. Đó là thực chất của mối quan hệ giữa Đảng với quân đội, giữa Đảng với nhân dân, đó là mối quan hệ thiêng liêng. Bây giờ chúng ta cũng phải làm sao để mối quan hệ đó ngày càng được củng cố và phát triển.

        Cuộc họp mặt hôm nay là cuộc họp mặt Việt Nam Giải phóng quân của những người chiến sĩ đã kiên định theo đường lối của Đảng, luôn luôn đoàn kết thống nhất. Thống nhất ý chí, thống nhất hành động là ta có thể vượt qua mọi khó khăn.

        Gần đây khi đất nước lâm vào tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội, có người hỏi tôi: Xin Đại tướng cho biết so với năm 1946 thì như thế nào? Tôi đã nói: Năm 1945, mới thành lập nước Bác Hồ đề ra diệt ba thứ giặc. Diệt giặc dốt thì lúc đó cả nước mới có vài trăm học sinh đại học; bây giờ không chỉ trường sở bình dân học vụ mà từ phổ thông cơ sở đến đại học và trên đại học, cả nền giáo dục đã phát triển khác trước nhiều lắm rồi. Diệt giặc đói thì bây giờ có nơi này nơi kia còn có khó khăn, nhưng nước ta đã là nước xuất khẩu gạo. Diệt giặc ngoại xâm thì bây giờ không còn giặc ngoại xâm nữa, ta đã thắng hai đế quốc to; nhưng vẫn còn cái "giặc" diễn biến hòa bình và cũng còn nguy cơ xâm lược của các thế lực thù địch, như vậy ta phải đề cao cảnh giác bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, nhưng rõ ràng là tiềm lực quốc phòng của ta đã khác trước rất nhiều rồi.

        Với đường lối đổi mới, tình hình mọi mặt của đất nước đã có nhiều tiến bộ, nhưng cũng còn những khó khăn. Nếu theo đúng tư tưởng của Bác Hồ, của Đảng, nắm vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết các dân tộc giữ mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với nhân dân, giữa Đảng với nhân dân, có tinh thần tự lực tự cường, độc lập sáng tạo, thì chúng ta có thể làm được mọi việc.

        Đó là lịch sử của quân đội ta từ lúc mới có những tổ chức vũ trang đầu tiên. Nhớ lại tình hình lúc đó, chúng ta càng thêm tin tưởng. Anh Quang Trung vừa nói, tuổi cao nhưng chí khí vẫn hăng hái. Bác Hồ có nói: "Tuổi cao thì chí khí càng cao". Tôi muốn nói, tuổi tác tuy đã cao, nhưng tâm hồn thì vẫn trẻ. "Vài mươi năm nửa tròn trăm tuổi, tấm lòng cộng sản vẫn thanh xuân", có đồng chí chúc tôi như vậy. Tôi bây giờ làm việc cũng vẫn say sưa hăng hái như trước và tình cảm của tôi đối với các anh các chị cũng vẫn như trước. Hôm nay ta gặp nhau ở đây tuy không được đầy đủ nhưng thật là quý hóa, thật là vui.

        Năm trước, tôi vào Đồng Tháp Mười, có đến thăm nhà một đồng chí đặc công đã 70 tuổi; đồng chí ấy có cái tên là anh Ba Quốc Hội, vì khi được đi học ở phân viện Nguyễn Ái Quốc nghĩ tên mình phải làm sao có chữ Quốc, nên anh em đặt cho cái tên là Quốc + Hội, và mọi người gọi tên đồng chí ấy là Ba Quốc Hội. Đến nơi, thấy nhà anh đầy ắp thóc; trên tường nhà, trước mái hiên, đắp một hàng chữ nổi: "Gặp nhau được là quý rồi". Đồng chí ấy nói, bao nhiêu năm nay cứ mong được gặp Đại tướng. Năm nay tôi đã 70 tuổi khi làm đặc công, nghe nói đến Đại tướng mà lo không được gặp, thế mà hôm nay đã được gặp Đại tướng. Cái nguyện vọng lớn nhất của tôi đã đạt được.

        "Gặp nhau được là quý rồi". Hôm nay, đến dự cuộc họp mặt này một ngày, các anh các chị còn cho là ít thì giờ quá, nhưng tôi muốn nói với các anh các chị rằng: Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu là tình cảm, bây giờ gặp nhau kẻ mất người còn, nhưng tình cảm của đồng chí, đồng đội vẫn còn nguyên vẹn, vì vậy chúc các đồng chí dồi dào sức khoẻ và chúng ta đều vui mừng vì "Gặp nhau được là quý rồi".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #169 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:10:01 pm »


BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ ĐÀM QUANG TRUNG TRONG CUỘC HỌP MẶT CÁC CHIẾN SĨ VIỆT NAM GIẢI PHÓNG QUÂN
(Ngày 15-8-1992)

        Thưa Anh Văn kính mến,

        Thưa các đồng chí đại biểu,

        Thưa các bạn chiến đấu Việt Nam Giải phóng quân,

        Thưa các đồng chí

        Hôm nay được sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng Tổng cục Chính trị, của các Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Quân khu 2 và năm Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thuộc Khu giải phóng trước Cách mạng tháng Tám, nhất là sự giúp đỡ của Quân khu 1 và tỉnh Bắc Thái, các đồng chí đã về đây dự cuộc họp mặt sau 47 năm lực lượng vũ trang được thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân.

        Thay mặt cho ban trù bị cuộc họp, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí đại biểu của Quân khu 1, Quân khu 2, các Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân và các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam Giải phóng quân có mặt ở đây hôm nay cùng các đồng chí phóng viên các báo, cơ quan thông tấn, truyền hình... lời chào mừng nhiệt liệt, kính trọng, thân ái và xin kính chúc sức khoẻ các đồng chí.

        Đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta, từ một nước nô lệ không có tên trên bản đồ thế giới, nay trở thành một nước độc lập tự do là nhờ có Đảng Cộng sản do Bác Hồ sáng lập, giáo dục và lãnh đạo, và có một đội quân anh hùng quyết thắng, được nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che chiến đấu suốt trên ba chục năm trời.

        Đội quân nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay lại xuất thân từ những đội quân nhỏ bé trong lúc cả dân tộc Việt Nam còn chìm đắm trong vòng nô lệ dưới ách thống trị tàn khốc của phát xít Nhật và đế quốc thực dân phản động Pháp. Các đội quân đó vũ khí thì thô sơ thiếu thốn, cơm ăn áo mặc đều nhờ vào dân và tự túc, song đã biết tuyệt đối phục tùng, tận lực thi hành mệnh lệnh của cấp trên, không phàn nàn trước gian khổ, không sờn chí trước hy sinh, kiên quyết chiến đấu không lùi bước dù đầu rơi máu chảy, nên đã không những tồn tại được trong hoàn cảnh quân thù đông đảo và vô cùng tàn ác, mà còn giết được nhiều giặc, cướp được nhiều súng để ngày càng phát triển lớn lên làm được nhiệm vụ lịch sử của mình và làm nòng cốt cho các đội quân đàn em hùng mạnh trưởng thành đi suốt cả đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế.

        Đó là bộ đội du kích Bắc Sơn, đứa con đầu lòng của lực lượng vũ trang của Đảng với 32 chiến sĩ, chính thức thành lập tại khu rừng Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn được đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản trao cho nhiệm vụ cứu nước và lá cờ đỏ sao vàng. Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, tháng 5 năm 1941, bộ đội du kích Bắc Sơn được mang tên mới là Cứu quốc quân trải qua mấy tháng chiến đấu ác liệt và gian khổ.

        Ngày 15 tháng 9 năm 1941, trung đội Cứu quốc quân II ra đời tại khu rừng Khuôn Mánh, Ngọc Mỹ, Tràng Xá, Vũ Nhai và đã đánh du kích ác liệt, gian khổ trong tám tháng. Ngày 25 tháng 2 năm 1944, trung đội Cứu quốc quân III dược thành lập ở Khui Kịch, châu Sơn Dương, tỉnh Tuyên quang.

        Đó là đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ do lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập, giữa tình thế đất nước, mà thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới, để làm nòng cốt cùng với toàn dân đưa đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh quân sự. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm đứng ra tổ chức và chỉ huy.

        Ngày 22 tháng 12 năm 1944, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình. Đó là đội quân chủ lực đầu tiên của ba thứ quân, thực hiện đường lối quân sự của Đảng do lãnh tụ Hồ Chí Minh vạch ra trong chỉ thị thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Đội ra đời, đã thực hiện ngay được, xây dựng nền móng cho truyền thống "Đánh thắng trận đầu” và "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua", "lai vô ảnh khứ vô hình", "ăn mỗi ngày một bữa, đánh mỗi ngày hai trận". Chỉ một tuần sau với quân của dân, súng của giặc, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân từ một trung đội đã phát triển lên thành một đại đội gồm ba trung đội.

        Tháng 4 năm 1945, khi phong trào cách mạng bước vào thời kỳ mới, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ đã quyết định thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức thành lập lực lượng vũ trang thống nhất lấy tên là Việt Nam Giải phóng quân. Ngày 15 tháng 5 năm 1945, lễ thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân được tiến hành tại Định Biên Thượng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM