Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:38:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thư tình từ chiến hào  (Đọc 11527 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:57:14 am »


         19 tháng 12 năm 1950

         Hôm nay ngày 19 tháng 12, kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến bước sang năm thứ 5, anh sang chỗ anh Trừng để nhìn xem mái tóc anh đã bạc đi thêm bao nhiêu sau bốn năm trời kháng chiến và cũng để nhắc nhở lại những ngày đầu quen biết. Đó là cái lệ của những người lính Thủ Đô, những ngày kỷ niệm của Trung đoàn thường đi gặp nhau để tâm sự.

         Bên đống lửa, mấy mái đầu chụm lại. Nhấm chocolat với một chút rượu mạnh và ôn lại những ngày sống chết có nhau ...

         Anh đứng dậy ra khung cửa nhìn xuống chân đồi. Gió lạnh quét những chiếc lá vàng về một phía, con đường cát trắng hằn lên những ánh trăng bàng bạc. Đằng xa, phía Vĩnh Phúc, tiếng đại bác vẫn gầm lên, rành rọt từng tiếng một.

         Cách đây bốn năm cũng vào ngày này nhưng sớm hơn một giờ, một anh lính Hà Nội sau khi bố trí xong công việc, đứng trên tầng gác ba của ngôi nhà trông ra Hồ Gươm rồi hồi hộp đợi tiếng súng lịch sử.

         Trời tối hơn một chút nhưng Hồ Gươm vẫn sáng, phản chiếu ánh đèn điện. Gió lạnh quẩn trên mặt hồ, nhẹ lùa vào hè phố quét theo những chiếc lá sấu vàng úa. Những cây liễu gầy rũ tóc bên bờ hồ, rùng mình theo gió lạnh, nhưng những chàng trai Hà Nội vẫn hì hục đào sâu thêm chiến hào, mồ hôi lấm tấm trên vầng trán. Phố xá vắng hơn mọi ngày và những bước chân cũng vội vã hơn, những xe cộ cồng kềnh giường tủ theo các ngả đường ra ngoại ô từ chiều cũng đã thưa dần. Bên kia Bờ Hồ, trên đường Tràng Tiền, xe cơ giới của lũ giặc vẫn lồng lộn, hục hặc. Thỉnh thoảng xa xa vọng về những tràng súng tiểu liên khiêu khích.

         Anh lính Hà Nội vẫn đứng trên ban công với nhiều suy nghĩ. Anh nghĩ tới cái quyết liệt gay go sắp tới sau một tiếng đồng hồ nữa, anh nghĩ đến nhiệm vụ mình, nhiệm vụ của một người lính giết giặc, anh nghĩ đến gia đình mình ở một tỉnh nhỏ trên bờ sông Châu, nhớ đến lũ cháu nhỏ mà sáng nay mình gửi mấy lời từ biệt...

         Anh nghĩ  thầm: Giá lúc này có một người nào lo lắng băn khoăn cho số phận của mình, và thắm thiết mong mình trở lại, anh không nghĩ được rồi nó sẽ như thế nào, anh lại thấy tình cảm của con người bừng bừng lên, anh đòi hỏi điều dĩ nhiên mà những người khác ở tuổi anh đều đòi hỏi.

         Gió lạnh nhẹ lùa trên mái tóc, anh rùng mình không phải vì gió lạnh, nhưng anh thấy lòng mình lạnh đi vì cái điều mà anh đòi hỏi, anh thấy rõ là một con số không ...

         Bốn năm qua nhanh chóng. Đêm nay 19 tháng 12 năm 50, anh lính Hà Nội cũng mong đợi những cái gay go quyết hệt sắp tới, nhưng đợi với tất cả hy vọng và niềm tin mãnh liệt. Anh cũng có nhiều cảm nghĩ nhưng cảm nghĩ của anh khác nhiều so với đêm năm xưa.

         Gió lộng trên đồi cuốn theo những chiếc lá vàng cuối năm. Anh thấy lòng mình ấm, mắt sáng và hăm hở. Chưa bao giờ anh thấy ánh trăng bàng bạc dãi trên đầu lại đẹp như đêm nay.

         Bắt đầu chiến dịch thứ tư mà người lính Hà Nội sửa soạn ra mặt trận thấy lòng mình rung cảm hơn ba chiến dịch trước, vì có cả nụ cười và nước mắt tiễn chân anh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 09:20:44 pm »


         1h30 đêm 12 tháng 4 năm 1951

         Đêm nay anh lại ngồi viết tiếp thư cho em. Em có biết anh đang làm gì không? 1h30 sáng rồi mới hành quân tới đây, anh đang ngồi đốt lửa hong quần áo bị ướt sũng. Không phải vì trời mưa mà gió mạnh quá ngựa đi qua cầu trơn nên bị sa xuống suối. Tất cả quần áo, tài liệu, giấy má, ảnh đều bị ướt hết. Bên đống lửa anh hong quần áo và " sưởi ấm lòng em của anh ": những trang tâm sự của anh bị ướt nhòe hết cả. Buồn quá. Cả những phim ảnh em đưa cho anh cũng bị dính vào nhau hỏng cả, chỉ còn ít ảnh của chúng ta kỷ niệm ngày 11 tháng 2 không bị sao vì để vào trong quyển sổ bọc kín.

         Thư viết gần xong mới nhớ chưa kể cho em nghe câu chuyện giết Tây trên đường số 18. Chắc mấy ngày nay em được nghe nhiều về chiến thắng của ta trên đường số 18 và miền duyên hải và cả những chiến thắng ở Bình Trị Thiên, Sơn Tây, Vĩnh Phúc. Anh tưởng cũng không cần kể tỉ mỉ nữa. Chỉ nói thêm trong trận thắng đó Trung đoàn Thủ Đô cũng đã lượm được một chiến thắng khá giòn giã. Chỉ có 10 phút đã vào được đồn và tiêu diệt hoàn toàn sinh lực địch hết 47 phút. Một kỷ lục đấy em ạ. Ảnh hưởng của trận này là sau đó địch hốt hoảng rút lui khỏi những khu vực khá quan trọng.

         Có những đêm đứng trên đỉnh núi Yên Tử nhìn về phía điện sáng rực ở Hải Phòng mà thấy nhớ Hà Nội làm sao. Ban ngày trông những ống khói của những nhà máy nhả khói, nghĩ đến sức lao động của người mình phải bán rẻ cho giặc, căm hờn của người lính dâng lên.

         Mấy chiếc thông báo hạm của giặc nhởn nhơ ở Port Redon, tiếng động cơ ở  trường bay Cát Bi của mấy chiếc máy bay mà giặc mới xâm lược của Mỹ gai mắt và khó chịu quá.

         Ngày và đêm bom và đại bác của địch dội vào những khu vực nghi ngờ nhưng chẳng đi đến đâu, chỉ khổ những khu rừng vô tội và khổ nhân dân Pháp è cổ ra đóng thuế cho lũ giặc xài phí và kết quả là đồn giặc vẫn cứ bị tiêu diệt, lần lượt hết đồn này đến đồn khác.

         Trong chiến dịch này anh vẫn khỏe, thực hiện đúng phương châm giữ gìn sức khỏe để tác chiến liên tục, mặc dù phải ăn măng trúc Yên Tử nhiều.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 09:21:46 pm »


         Ngày 25 tháng 4 năm 1951

         Em yêu,


         Hôm nay, tới chân Đèo Khế, anh nhớ tới ngày 27 tháng 4 năm 49 đi chuẩn bị chiến trường Sông Thao, ngồi trên đèo gió lộng viết thư cho Việt Hoa, lòng vẫn còn hồi hộp rung động về lời hứa của ngày 26 tháng 4.

         Lần này tới đây, kỷ niệm cũ gợi nhớ tới nắm tay của chúng ta siết chặt ngày hôm đó, trao đổi một lời hứa muôn thuở. Nhớ đến lời hứa lòng vẫn rung động như xưa, và sung sướng vì lời hứa đang thực hiện trên con đường sáng sủa đi tới hạnh phúc mà chúng ta đang xây dựng. Nhưng em ơi, sao hôm nay lòng anh không thanh thản để lắng nghe những niềm sung sướng đang rung động, mà hãy còn chia sẻ bởi những nỗi lo lắng băn khoăn len lỏi vào? Anh vẫn nghĩ tới người vợ yêu của anh đang nằm trên giường bệnh, xa những người thân xa anh, ở cái quân y viện Bản Quặng xa xôi ấy.

         Sáng nay từ biệt má ra đi, đầu nặng trĩu vì cơn sốt đêm qua và lòng cũng nặng trĩu những nỗi buồn lo. Nếu mấy ngày qua không có má an ủi những khi anh về nhà đợi tin em, thì không biết anh sẽ ra sao, anh sẽ buồn khổ như thế nào?

         Tay lái xe đạp cứ muốn vòng lại, ngược đường cây số 31, Phố Ngữ, Quán Vuông, Bản Quặng. Chỉ có chừng 40 cây số theo đường vòng và 30 cây số theo đường chim bay mà từ hôm qua anh cứ nhìn tờ bản đồ mà thở dài. Đã có lúc thèm có đôi cánh.

         Dọc đường đi bao nhiêu kỷ niệm: Phục Linh, Đại Từ, Ba Giăng,... Tới Đại Từ, xuống xe đạp, những bước chân bâng khuâng. Bình Thuận, Lục Ba, Sơn Mè, Đồng Mè, thỉnh thoảng mắt lại hướng về những nơi đó lưu luyến. Ba Giăng: Hình ảnh em mặc bộ quần áo đen, đội chiếc nón Sông Thao, vai đeo ba lô nặng, má hồng, mắt sáng, nụ cười. .

         Kiểm điểm lại những lần ra đi:

        - Trước chiến dịch Sông Thao và Trần Hưng Đạo được gặp em mạnh khỏe, anh yên tâm hăm hở ra đi, lòng tràn ngập nỗi vui sướng.

        - L.H.P.I (Phố Lu) em cũng nằm quân y. Lo nhưng không buồn lắm vì đã được săn sóc em và được thấy rõ căn bệnh em.

        - Sang Trung Quốc thắc mắc về vấn đề liên lạc, chỉ được biết tin em qua những trang thư.

        - L.H.P.II. Vắng tin em, trừ lá thư do T. Đĩnh chuyển. Những tin tức hoang mang về việc em đi học và những chuyện không đâu ...

        - Chiến dịch Hoàng Hoa Thám: Buồn, vui, lo, hạnh phúc xáo trộn.

        - Và lần này thì... Em ơi, hãy đọc lại lá thư anh viết 1h sáng ngày 24 tháng 4.

         Em xem đó. Cộng lại thì những lần ra đi lo buồn nhiều hơn là sung sướng...

         Riêng phần anh, nếu em về anh sẽ vợi đi bao nhiêu nỗi lo âu, ám ảnh anh từ tối 23 tháng 4. Vài hôm nữa anh về, em ở nhà, anh được gặp em thì nỗi sung sướng của anh không có gì sánh kịp. Anh lại được yêu chiều em mấy hôm trước khi ra mặt trận. Và khi mà vợi đi được những điều lo âu thắc mắc thì ở mặt trận tâm trí sẽ sáng suốt hơn.

         Em về, anh sẽ ra trận với một tinh thần sảng khoái hơn trong khi sát cánh với cái chết.

         Về, em nhé. Đợi anh.

         Anh cũng nghĩ rằng không gặp nhau lần này thì lần sau gặp, mối tình lại đằm thắm thêm như em đã viết. Đơn giản lắm khi ta nói, nhưng lòng người có đơn giản như thế đâu. Lần sau nghĩa là sau một mùa chiến dịch và sau mùa chiến dịch đó hoàn cảnh sẽ như thế nào. Chúng ta xa hay gần nhau? Điều đó chưa ai trong chúng ta có thể nắm vững được.

         Điều chắc chắn là chiến dịch này anh sẽ xa em hơn mọi chiến dịch khác. cho nên anh cảm thấy rằng, hình như em không muốn để anh gặp em trong quãng ngày ngắn ngủi giữa hai mùa chiến dịch liên tục này là có một lý do gì khác ngoài lý do sợ anh bịn rịn, ngoài lý do em mệt không đi được.

         Anh nhớ lắm chứ câu của em viết:  "Con người chiến sĩ nắm cái chết trong tay, khi họ còn sống được phút nào thì là những phút sống mạnh nhất ".

         Từ sau Hạ Bằng 1949 tới nay chúng ta đều không có hoàn cảnh gặp nhau lâu. Tình yêu của chúng ta tuỳ theo từng thời kỳ đều có những phút mãnh liệt riêng của nó, hợp với hoàn cảnh. Lần này chúng ta đã bỏ qua những phút đó để an ủi nhau rằng không gặp nhau lần này thì lần sau sẽ gặp nhau.

         Điều đáng buồn là từ hôm nay anh đã dần dần đi xa em và thật là xa.

         Anh tạm dừng bút. Cơn sốt lại sắp đến rồi. Từ 23 tháng 4 tới nay anh vẫn sốt về chiều. Chẳng phải là ốm tương tư đâu nhưng nếu cứ cho là tương tư cũng được: " Tương tư nâng lòng lên chơi vơi ".

         Anh nằm xuống bên gốc cây, nhớ đến em, thèm một bàn tay mát diệu đặt lên vầng trán nóng bỏng của anh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 01:11:44 am »


        26 tháng 4 năm 1951

         Đêm qua anh phải nằm lại một chiếc lán bên rừng vì sốt và mệt. Sáng nay leo đèo đã thấy dễ chịu hơn.

         Hôm nay ngày 26 tháng 4. Anh nắn nót mà viết con số này giữa 12 giờ 5 phút, khi dừng lại bên đường. Giờ này em anh đang làm gì? Những ý nghĩ chúng ta đang gặp nhau như hai luồng điện, tư tưởng chúng ta đang cảm thông nhau, hình ảnh thân yêu đang ở bên nhau. Đầu óc chúng ta trong giờ này là hai máy vô tuyến truyền thanh, cùng truyền trên một làn sóng điện mà chỉ riêng chúng ta mới nghe được ...

         Cả buổi sáng nay trên dọc đường hành quân, em đã thủ thỉ bên tai anh những lời thân yêu. Anh đã dừng ngựa lại viết mấy câu thơ của Tố Hữu dịch đoạn kết bài thơ của Simonov mà em ghi trên trang đầu của quyển nhật ký:

                                      Vì sao anh chẳng chết
                                      Nào bao giờ ai biết ?
                                      Có  gì đâu em ơi !
                                      Chỉ vì không ai người
                                      Biết như em chờ đợi.


         Không biết anh đã nói với em lần nào chưa, hôm nay ngày 26 tháng 4 anh nói với em yêu của anh rằng:

         Hình ảnh em lúc nào cũng ở bên anh, an ủi anh, khuyến khích anh hăng hái, phấn khởi làm tròn nhiệm vụ của một người lính cách mạng. Trong những giờ phút gay go quyết liệt nhất, tên em anh sẽ nhắc đến lúc cuối cùng khi anh nhắm mắt.

         Em tin là như thế, em yêu của anh ạ. Anh hôn em ở đây. Em hôn lại anh đi.

         Anh dừng bút, mơ tưởng đến một giấc mơ đẹp đêm nay, em nằm trong cánh tay anh, tin cậy cho anh tất cả.

         Bao giờ em nhỉ?
       
Hôn em         
Vũ Lăng         



        25 tháng 8 năm 1951

         Em yêu,


         Thư trước anh có viết là anh bị ốm hai trận nên thân. Một trận trước chiến dịch sau khi chia tay với em được một tuần. Anh phải nằm lại Hòa Bình, tóc rụng khá nhiều. Gần khỏi, đuổi theo bộ đội vừa kịp tham gia chiến dịch Quang Trung. Sau chiến dịch lại ốm một trận nữa, phải đi quân y. Hôm khỏi, nhận được quyết định đi 98, chuẩn bị lên đường thì Vũ Yên ốm, thế là được lệnh ở lại cho đến bây giờ.

         Hiện nay anh khỏe như đã viết ở trên. Gần hai tháng nay chưa phải dùng đến thuốc, em yên tâm chứ?

         …Ở đây thái bình quá . Những tà áo màu thỉnh thoảng gợi lên những hình ảnh thủ đô. Người ta ít biết đến đại bác ở biên giới, trung du, duyên hải, đồng bằng, v.v... Những chiếc xe đạp đầm với những garde jupe tết bằng chỉ màu sặc sỡ, lượn trên những đường nhựa buổi chiều, không khí phảng phất mùi nước hoa Coty. Những trang thanh niên tuấn tú ngồi bên chiếc cốc pippermint pha đá, đầu chải mượt. Cũng may mắn những của nợ ấy đang tìm đường về ăn hại giặc cả, để đục khoét thêm chúng nó. Và một ngày kia lại ngơ ngác đứng hai bên đường hoan hô chúng mình về giải phóng và cải tạo lại con người họ lần nữa đấy ...



        28 tháng 10 năm 1951

         Anh vừa cùng đơn vị đánh thắng hai trận. Phấn khởi và rất vui. Chắc em cũng đọc được những tin chiến thắng liên tiếp ở ngoài mặt trận gửi về. Anh báo lại tin này chắc cũng không thừa. Ở nhà những tin chiến thắng chắc cũng làm cho mọi người hăng hái tích cực hơn và em của anh chắc chắn cũng thế. Thu đông năm nay có nhiều triển vọng, mùa xuân tới cũng sẽ tưng bừng hơn ...

         Giữa hai trận đánh nếu nhận được thư của em thì vui lắm. Mong như thế nhưng cũng không chắc gì nhận được. Đơn vị di chuyển luôn, thư có đến cũng chạy theo các ngả đường trên mặt trận mà không chắc đã gặp đơn vị.

         Anh vội quá, viết tạm vài dòng gửi em.

         Đợi ngày anh về em nhé.

Anh của em       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 01:15:12 am »


        25 tháng 11 năm 1951

         Hoa của anh,


         Buổi chiều hôm ấy anh tới Phố Ngữ. Đi đường khá vui, các bạn nói đùa nhiều. Có lẽ chưa có cuộc chia tay nào với em, anh thấy vui vẻ như chiều hôm ấy Lòng nhẹ nhàng phơi phới vì thấy hạnh phúc của chúng ta trong bất cứ trường hợp nào cũng đều bền đẹp. Em yêu ạ, chúng ta sẽ nhớ mãi cái buổi gặp nhau giữa một tối lập đông ở  ngã ba đường của hai vợ chồng cán bộ. Chả cần viết ra đây những cảm xúc của anh, anh sẽ ghi vào nhật ký để ngày về chúng ta cùng đọc, em nhỉ.

         Cuộc gặp gỡ của chúng ta cũng tình cờ. Buổi sáng hôm ấy viết thư cho em. Cũng không hy vọng gì sẽ gặp em, buổi trưa vẫn chưa nắm vững được thời gian. Mãi tới 16h30' anh Song Hào mới quyết định và 16h50' gọi dây nói cho em. Vừa mới nghe thấy tiếng em nói, đã bị một "ông tướng" khác nói chen vào mất. Bực quá chỉ sợ bị cắt đứt. Lúc bắt lại được, toan trêu em một chút, nhưng thấy mọi người tò mò nhìn mình tủm tỉm cười lại thôi.

         Rồi mãi tới 18h mới bắt đầu đi. Sốt ruột quá, hẹn em 19h mà còn phải đi 3km 500 rừng và 8km đường đất và đá thì lỡ hẹn mất rồi. Vừa đi vừa lo em đợi lâu không thấy anh đến lại bỏ về. Nghĩ đến sáng hôm sau lại về Tổng cục Hậu cần "trình diện" cũng thấy ngại. Một mình đi lủi thủi trong đêm tối, trời lại mưa, ba lô nặng nghiêng hai vai đau ê ẩm cả người. Nghĩ đến những ngày cách đây hơn ba năm, cũng trên con đường này " chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt " thường phóng ngựa một mình lòng lâng lâng không chút bận bịu. Mỉm cười với vần thơ của Lê Thọ khi thấy hoa mai nở đẹp:

                              " Vó ngựa  phăm phăm đường lớp lớp
                              Ngàn sau hoa trắng thấy sương rơi "


         Chợ Chu vẫn gợi nhớ đến cái không khí tưng bừng ấm áp của một Mùa Xuân Chiến Thắng đầu năm 48. Những tà áo chàm lả lơi bên những bộ quân phục còn đượm mùi thuốc súng. Những quả còn xanh đỏ bay trong nắng ấm, những tiếng cười trong trẻo như suối reo. Hoa mai nở trắng xóa cả bản, cả rừng. Chàng tuổi trẻ cũng thấy hồn thơ lai láng:

                             " Một sớm Mùa Xuân hoa nở đẹp
                              Chinh phu dừng ngựa ngỡ thanh bình ".


         Vừa đi vừa thì thầm ngâm lại mấy câu thơ, cũng quên được trong chốc lát chiếc ba lô nặng trĩu đang nghiến đôi vai gầy. Tới Quán Vuông còn cách trạm CA hai mươi thước đã trông thấy bóng em ngồi đợi bên ngọn đèn leo lét. Quên cả mệt nhọc, thấy thương yêu em làm sao? Giá không có mấy người ngồi quanh đấy... tình cảm của con người lắm khi bị bó vào khuôn khổ, mất cả tự nhiên.

         Trời lạnh, sương xuống nhiều, thế mà đi bên nhau vẫn thấy ấm như thường. Thôi để anh ghi vào nhật ký em nhé.

         Gặp em, có bao nhiêu chuyện muốn nói rồi rút cuộc chẳng nói được bao nhiêu. Lúc chia tay tưởng chừng như còn quên mất điều gì quan trọng chưa nói được. Thực ra chả có điều gì quan trọng cả. Chỉ muốn thời gian đi chậm lại.
         ...

         Áo bông của em má may xong rồi. Giá hôm trước đi qua  Bờ Đậu anh rẽ vào thăm má thì đã mang được áo bông lên cho em. Má phàn nàn là may xong rồi mà không gửi ai mang lên cho em được. Má vẫn không được khỏe lắm.

         Từ biệt má ra đi anh thấy thèm ở lại nhà một buổi tối quá. Vội quá và lại mệt nữa, anh chưa kịp nói chuyện gì với má cả...

         Tới Cù Vân bị hai khu trục đuổi một trận. Ghét con đường đó quá.

         20h mới tới Đại Từ. Ngồi nghỉ một lúc thì có ô tô đến. Leo được lên xe lấy làm thú lắm. Vai đỡ đau, chân đỡ mỏi. Cuộc đời tiến tới khoa học kể cũng hay. Chỉ được mấy phút thì mất hết thú vị. Xe camion xóc quá. Người cứ bật lên như con lật đật. Xe đông quá, không đủ chỗ đứng, rốt cuộc bị bươu trán và sứt đầu gối, cảm thấy khoa học tối tân trong điều kiện hãy còn lạc hậu chưa hẳn đã là tốt. Rồi lại bị say xăng nữa, bị nôn mệt bã cả người. Tới Châu Tự Do, anh được chuyển sang xe jeép mới dễ chịu được một chút. Từ Châu Tự Do đi, trời mưa nhẹ hạt, qua Đa Năng tới Bình Ca, ngồi trên xe nhớ tới bóng một anh chàng, đêm nào cũng trên con đường này, vừa đạp xe vừa âu yếm nhớ đến cái giờ quen thuộc của những đêm trước. Đêm qua, đêm nay em đã nghĩ gì về anh, đã nghĩ gì về câu chuyện giữa ngã ba đường của chúng ta? Đời cán bộ là thế, nhưng trong những điều kiện thiếu thốn, chúng ta lại càng thấy rõ tình yêu của chúng ta hơn.

         4h sáng mới về tới vị trí. Mệt nhiều hơn là lần trước đạp xe từ Bờ  Đậu về. Nhưng bây giờ không phải là lúc nghỉ ngơi. Bao nhiêu công việc phải làm để chuẩn bị lên đường. Từ mấy hôm nay, tiếng súng của ta và của giặc nổ rền cả đêm lẫn ngày. Bước vào thu đông năm nay bộ đội đều thấm nhuần tư tưởng tiêu diệt sinh lực địch, cho nên mỗi ý nghĩ là một hành động, mỗi việc làm là để tiêu diệt sinh lực địch. Không phải là chỉ khi ra trận mới tiêu diệt sinh lực địch mà cả trong học tập, công tác hàng ngày, v.v... đều đã nhằm mục đích đó rồi.

         Từ một tháng nay anh không được khỏe lắm. Anh Khôi khuyên anh nên nghỉ một thời gian, nhưng công việc thì nhiều, việc chỉnh huấn cũng cần thiết nên anh không dám nghỉ. Trong đợt chỉnh huấn vừa qua, việc học tập của anh cũng có kết quả. Trong khi học tập anh đã lấy câu này của anh Trường Chinh làm phương châm:

         " Học tập để đấu tranh tư tưởng và đấu tranh tư tưởng để học tập ".

         Bây giờ là lúc phối hợp lý luận với thực tiễn, gắn liền lý luận với nhiệm vụ chiến đấu của một người làm cán bộ quân sự. Trong chiến dịch sắp tới vì thế mà không thể nào vắng mặt được. Em anh đồng ý chứ ? ...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 12:31:33 am »


         1 tháng 12 năm 1951

         Gửi em cuốn " Người mẹ " của Maxime Gorki - Một người mẹ bị đầy ải, sống cuộc đời tăm tối gắn liền với một người chồng vũ phu, nhưng rồi chịu ảnh hưởng của người con, người mẹ đã dám đem tuổi già của mình mà dâng cho sự nghiệp. Chuyện thỉnh thoảng mất vài trang nhưng cũng không can hệ lắm. Đoạn cuối mất một trang, bà mẹ của chúng ta bị sen đầm bắt, nhưng cái nhiệt tâm ở trong tim bà bốc lên khiến bà không hề lo sợ, bởi vì tù ngục cũng không đau khổ bằng cái đau khổ của một đời sống u uất trầm ải trước khi giác ngộ.

         Anh đi đây. Đêm nay trời lạnh nhiều . Mặc áo len của em đan, anh thấy ấm quá. Trong gió lạnh đêm nay, anh cảm thấy như có em đâu đây, đôi tay ấm áp của em đang ấp ủ lấy đôi tay giá lạnh của anh. Anh đi phấn khởi và tỉnh táo. Tin ở  ngày về chiến thắng.

Âu yếm hôn em       
Vũ Lăng           



        15 tháng 9 năm 1952

         Ngày xưa mẹ anh sống tủi cực âm thầm mà chỉ riêng có anh cảm thông được với mẹ, anh nhớ nhiều lúc mẹ ôm anh lặng lẽ khóc thầm, nước mắt nhỏ lên mái đầu xanh của đứa con thơ ...

         …Chuyện phim Malakoff đã làm cho anh rung động nhiều. Đời người lính như anh cũng có những  phút đầu đấu tranh quyết liệt như những người thủy binh Malakoff, nhưng lần này trở đi lại còn cần phải quyết liệt hơn. Những phút đấu tranh tư tưởng trong những lúc gian nguy anh sẽ nghĩ đến những người lính thủy binh đấu tranh giữa cái sống nhục nhã và cái chết vinh quang thu gọn trong mẩu thuốc lá cuối cùng chuyền tay nhau, trong âm thanh của bài hát hùng mạnh đã rõ những ý chí sắt đá của những người lính thủy binh Liên Xô …
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 12:34:01 am »


         22 tháng 10 năm 1952

         Hôm nay anh nhận liền một lúc sáu lá thư của em gửi anh Bình. Chiếc gối anh cũng sẽ có dịp dùng luôn - Quà âu yếm với tâm tình của người vợ thương yêu trong chiếc gối lẻ, biểu hiện cái tình yêu đằm thắm vững bền, không bao giờ trong một chúng ta phải lẻ loi đơn độc cả. Nhất định như thế.

        ... Trở lại những lá thư. Em sợ vướng chân anh, làm ảnh hưởng đến uy tín của anh? Vấn đề đó có phải là bây giờ chúng ta mới đặt ra không? Từ lâu rồi, tử ngày chúng ta mới yêu nhau. Đã có lúc nào em níu anh lại giữa hai chiến dịch, đã có lần nào em làm anh do dự trước trách nhiệm và đã có lúc nào em làm cho mọi người chê cười anh? Chỉ sợ em không thấy vấn đề đó. Chỉ sợ chúng ta không thấy vấn đề đó, cứ mù quáng với hạnh phúc riêng lẻ, bất chấp cả nhiệm vụ, muốn nhảy cả vào đường tội lỗi - năm năm trời yêu nhau là một bằng chứng xác thực! Anh vẫn chiến đấu không ngừng, mọi người không ai chê cười anh vì em. Không hiểu vì sao em  anh lại không tin ở sự trưởng thành của chúng ta  sau mấy năm trời đó?

         Vấn đề có cần sau này? " Tay  bồng tay bế rồi cơ quan lại trở về cơ quan ". Lo xa như thế cũng phải.  Nhưng cứ ngồi mà nghĩ lo xa như thế rồi không tìm ra biện pháp nào có thể giải quyết được một cách tương đối thì lại không nên. Trong vấn đề " cơ quan lại trở về cơ quan " cũng cần phải thấy rõ cái quan điểm của mình về tiến bộ như thế nào?

         Bây giờ em đã thấy sức khỏe cần thiết chưa? Điều anh quan tâm lo lắng nhất từ trước tới nay vẫn là sức khỏe của em. Anh có cần nhắc lại nữa  không? Anh mong em sẽ luôn luôn nhớ sức khỏe là của chung - Giữ gìn bảo vệ nó cũng là giữ gìn bảo vệ hạnh phúc của chúng ta.

         Qua sáu lá thư của em, anh thấy em đã tiến bộ nhiều. Anh nghĩ nhiều tới em, đến tình yêu của chúng ta trong khi học tập cải tạo. Anh thấy anh có trách nhiệm trong vấn đề chậm tiến bộ của em, nhưng anh cũng tin rằng em có thể cải tạo, đấu tranh được dứt khoát vì em cũng đã thấy rõ công ơn của Đảng, của nhân dân đối với em, với chúng ta - cho nên thái độ của anh tuy không có gì thay đổi nhưng nó sẽ đúng mực hơn. Trong thư này anh không nói hết được, có một ngày nào gặp em, anh sẽ nói rõ hơn. Chỉ nhắc lại em: đấu tranh tư tưởng, nhất là tư tưởng địa chủ, là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Phải tỉnh táo, phải cảnh giác nhất là đối với những thành phần của em - phải nghiêm khắc với bản thân, nhớ lại những ngày đã qua, nhớ lại lời hứa của chúng ta mà em mới thực hiện được có một phần, hạnh phúc của chúng ta có bền vững hay không là do cuộc đấu tranh lâu dài này của em, của chúng ta có bền bỉ, có kiên quyết hay không. Tình yêu của chúng ta đối với nhau như thế nào và động cơ của nó, không phải là chúng ta viết ra đây, một hai trang là đủ. Miễn là chúng ta biết uốn nắn lại cho đúng để tình yêu lại càng nồng nhiệt hơn. Em tin ở anh nhé?

         Bây giờ đến chuyện anh:

        1) Anh vẫn khỏe, gan vẫn tốt, phổi vẫn mạnh. Chỉ phải cái đau đầu, khó ngủ. Hồi này uống Pantorerine (thuốc nhung hươu của Liên Xô). Sức khỏe cũng có giảm đôi chút.

        2) Bệnh quân phiệt đã sửa chữa được khá. Tiến bộ nhưng vẫn phải đề phòng, luôn luôn tự kiểm điểm nghiêm khắc. Anh em đã thấy mến hơn.

        3) Vẫn hút thuốc lá đều, nhất là thuốc lá ở đây lại rẻ, sợi vàng. Anh thấy khó bỏ quá, nhất là vì trước đây Hoa lại hay khuyến khích anh, vẫn để dành thuốc lá thơm cho anh. Cho nên lời khuyên của em rất khó thực hiện. Chỉ có cách chữa bằng ăn kẹo, nhưng ăn kẹo lại đắt tiền vả lại nếu ăn kẹo vào lại thích hút thuốc lá hơn, thì lại nghiện cả thuốc lá và kẹo nữa thì nguy - Em thử hỏi các bác sĩ coi có cách gì chữa giúp, hoặc em cố phát minh ra một phương pháp nào để chữa cho anh như em đã phát minh ra cách chữa bệnh sốt rét mà em còn " ích kỷ ", giữ bí mật nhà nghề, chưa chịu vì nhân loại mà phổ biến. Hiện bây giờ viết thư cho em, anh cũng đang hút thuốc - em cười hay cau mày?

        4) Kèn harmonica đã xếp lại một chỗ? Vì hết chỉnh quân lại sang chỉnh huấn, cho nên zéro lại trở về với zéro. Trước đây thổi loạn xạ, phụ nữ Lào cho là anh thổi hay rất thích nghe nhưng anh em trái lại bị nhức đầu, yêu cầu anh cất kèn đi. Anh cũng " phân vân " chưa biết có nên nghe hay không vì khi anh thổi có đông đảo quần chúng nói trên chịu khó nghe ?

         Có lẽ phải biết solège mới thổi khá được. Khi anh về em dạy anh solège chắc chắn là anh sẽ tiến bộ nhiều.

         Đó là " sơ lược " qua tình hình anh.

         Anh xin lỗi Hoa vì đã viết về bức ảnh, thanh minh là chưa cạo mặt. Anh nghĩ thế nào thì viết thế. Anh chụp ảnh xong mới nhớ là chưa cạo mặt - nhớ đến câu chuyện của nhà văn Thép Mới đi Đông âu về, nói chuyện về phái đoàn mình. Một hôm có một phái đoàn phụ nữ tới thăm, các tướng nhà chưa cạo mặt, cứ để râu tiếp nên họ giận bỏ ra về, cho là không lịch sự. Liên hệ tới câu chuyện đó anh mới ghi như vậy để đề phòng trước, em anh sẽ "giận " chăng? Trêu em một chút thôi đấy nhé.

         Em gửi ảnh cho anh. Xem hồi này một cằm thế nào? Ảnh souvenir của em bị " flou " trông không rõ, có thể nhầm là hai cằm!

         Em đã viết thư cho Hà cải chính về cái " tin vịt " đó chưa? Nhắc Hà là anh từ " cõi âm " gửi lời thăm và sẽ " phù hộ " cho Hà tiến bộ. Anh cũng chưa hiểu vì sao mà thiên hạ cứ sau mỗi chiến dịch lại đồn đại " trìu mến " như vậy. Anh cũng có thể nghĩ ngợi như Gori nếu gặp trường hợp như Gori, hoặc nghĩ ngược lại khác hẳn với Gori kia - cái đó còn tuỳ Marie ạ...

         Anh đã viết xong thư. Con đường cát trắng và rặng dừa cao vút soi bóng bờ ao, chiều nay vẫn gợi một chờ đợi êm đẹp - Đêm nay trăng lên anh sẽ lại đi trên con đường đó một mình, rất khuya, nhớ nhiều đến người vợ thân yêu.

         Anh hôn em - Gửi em tất cả
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 04:17:17 pm »


         3 tháng 11 năm 1952

         ... Năm nay anh đi xa, lại ở chỗ khí hậu ẩm ướt, rét nhiều nên cũng cần đến chăn ấm. Chiếc chăn chui bị máy bay bắn rách rồi, không dùng được nữa. Bởi vậy, anh có ý định cắt chiếc chăn lainel1 ra làm đôi, em dùng một nửa, anh một nửa. Khi có hoàn cảnh gặp nhau dùng cũng vẫn được. Như thế tiện hơn, em có chăn ấm để đắp mùa rét và anh cũng vậy. Còn hơn là cứ để không, ít khi có dịp dùng đến nó cũng hỏng đi. Mà cứ để nguyên cả chiếc thì to và  nặng, không ai muốn mang đi cả. Anh viết thư cho má để má cắt và vá lại cẩn thận hơn, cả hai nửa.

         Vậy em cứ yên tâm mà dùng nhé. Không nên tiếc. Mùa rét năm nay rét nhiều hơn nên cần phải dùng  chăn ấm em ạ. Phải giữ sức khỏe để còn phục vụ chứ. Anh hồi này cũng thấy cần phải giữ sức khỏe lắm.

         Anh vẫn mạnh tuy phải làm việc nhiều. Chỉ thèm ngủ thôi. Đơn vị anh vừa đánh thắng hai trận liền - khá gọn - 1022 cũng thắng to, oanh liệt. Anh rất phấn khởi ... Giáp Văn Khương kỳ này lại rất anh dũng - Tiểu đội của Khương làm mưa làm gió trong đồn. Khương3 tuy bị thương nhưng vẫn tiếp tục làm tròn nhiệm vụ.

         …Lá thư này báo cáo tin chiến thắng đầu tiên của chiến dịch. Thư sau chắc sẽ báo tin chiến thắng khác vang dội hơn.

Anh vội. Mong em vui, mạnh.       
Hôn em, Vũ Lăng               



        12 tháng 12 năm 1952

         Thế là từ tháng 10 tới nay anh đã gửi cho em, kể cả lá thư này là bốn lá rồi. Riêng về phần em, anh chưa nhận được thư nào cả. Có lẽ vì đơn vị anh di chuyển luôn hay em hồi này bận nhiều. Cũng có thể là em mệt chăng? Không nhận được thư em đôi lúc nhớ đến cũng thấy lo ngại, lo ngại về sức khỏe của em năm nay, nhất là về mùa đông này. Anh nhớ đến mùa rét năm 49 - 50, nhớ đến những cơn bạo bịnh của em, có thể vì thế mà em không viết được cho anh chăng? Năm nay rét nhiều. Mới lập đông mà trên này đã có những đêm rét buốt không ngủ được. Chiếc chăn len đã rách vì bị máy  bay bắn thủng nhiều chỗ nên anh không mang theo nữa. Anh chỉ mang có mỗi chiếc chăn trấn thủ mới được phát cho nên càng rét tợn. Đôi lúc cũng thấy khổ vì không ngủ được nhưng thấy anh em chiến sĩ còn thiếu thốn hơn mình nhiều thì lại cố gắng chịu đựng. Nhất là anh chị em dân công đang phục vụ ngoài tiền tuyến chỉ có quần một manh, áo một manh và vẫn ra sức thi đua vận chuyển lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh thắng giặc, thì sự cố gắng chịu đựng còn hơn mình nhiều, hơn nữa anh chị em lại chưa quen gian khổ như mình. Chắc em cũng đã đọc những chuyện anh chị em dân công gương mẫu trong chiến dịch này. Cái lòng căm thù giặc, quyết tâm phục vụ tiền tuyến để tiêu diệt cho kỳ hết lũ giặc ở  trong những con người nông dân chất phác đó mới sâu sắc làm sao. Trong chiến dịch, ngoài cái quyết tâm của trên, của bộ đội, cái quyết tâm của nhân dân cũng thật là đáng kể. Nhân dân đã góp tiền, góp của, mồ hôi nước mắt của mình, hy sinh cả tính mệnh mình nứa mà không hề tiếc Mà cũng do đó một phần mà chiến dịch mới có thắng lợi lớn như vậy.

         Những đêm khuya ở ngoài mặt trận, xen lẫn với tiếng súng nổ, tiếng máy chữ dập dào dạt không ngừng, đánh những chỉ thị cần kíp, anh lại nghĩ đến những hình ảnh em bên máy chữ cũng vào những giờ khuya như thế. Lòng anh ấm lên, phấn khởi. Cùng với tất cả trên con đường đấu tranh lâu dài và gian khổ, vợ yêu của anh cũng đi trên con đường đó, không riêng lẻ. Trong chiến thắng chung, vợ mình cũng góp một phần phục vụ...

         Trong thư trước anh có gửi kèm theo những cánh hoa đào của Tây Bắc. Nhắc lại một cử chỉ cũ của Tây Bắc năm xưa nhưng nó ngụ nhiều ý nghĩa. Hoa nở sớm trước mùa xuân đánh dấu một sức sống của người dân Tây Bắc bừng lên khi vừa được giải phóng thoát khỏi những ngày đen tối. Hoa tươi thắm là tương lai của dân tộc đang vươn lên tưng bừng với không khí tự do. Với tình cảm riêng của chúng ta, hoa nhắc nhở lại những tình cảm thắm thiết nhất trong những ngày đầu tiên yêu nhau và càng ngày càng lành mạnh.

         TB: ...Anh có nhắc má gửi chăn cho Hoa không biết má đã gửi cho em chưa (chiếc chăn laine cắt làm đôi và bọc lại). Anh cũng nhờ người về lấy chăn nhưng chưa đưa lên. Đồng hồ của em chữa rồi và anh cũng đã gửi về...

Anh của em         
Vũ Lăng         

----------------------
        1 . Chăn len hồng đêm tân hôn của vợ chồng Vũ Lăng

        2. 102: Tên Trung đoàn Thủ Đô.

        3. Giáp Văn Khương là chiến sĩ sau này được phong Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 04:20:18 pm »


        26 tháng 12 năm 1952

         Đã ba tháng rồi anh không nhận được thư em. Anh thực sự lo cho sức khỏe của em. Có cần nhắc lại nữa không em, những lời hứa của em mỗi khi em thấy anh lo ngại về sức khỏe của em? Em không muốn anh bận tâm vì em chăng?

         …Chóng quá, chỉ còn ngót hai tháng nữa là đã hai năm. Ngày 11 tháng 2 sắp tới chắc chắn chúng mình không có hoàn cảnh gặp nhau. Đầu trời này và cuối trời nọ. Nhớ nhau là nhớ đến nhiệm vụ. Nhiệm vụ của anh trong những ngày tới nặng nề và nghiêm trọng, chỉ lo không làm tròn. Cho nên anh chưa dám nghĩ đến ngày về, chưa thể nghĩ đến hạnh phúc của chúng mình trong khi cái chung chưa xây dựng được. Nước mắt và máu của người dân Tây Bắc bao lâu nay hòa lẫn với nước sông Đà và sông Mã! Và cũng bao lâu rồi người dân Tây Bắc hướng về phía chúng ta mong đợi ánh sáng của vùng tự do như mong đợi ánh sáng của mặt trời sau những ngày mưa gió ảm đạm. ánh sáng từ nơi Hồ Chủ tịch, ánh sáng của Đảng đã rọi tới những núi rừng thăm thẳm nhất của Tây Bắc, bộ đội và nhân dân đi theo ánh sáng đó, giẫm lên trên đau khổ, khó khăn, quét sạch lũ man rợ đang chà đạp đồng bào mình, tẩy sạch bùn chiếm đóng của lũ giặc và xoa dịu những đau thương tang tóc cho núi rừng Tây Bắc.

         Nhiều đồng chí của anh đã ngã xuống. Những hy sinh cao cả không tính toán, mắt nhắm ngàn thu mà miệng còn đượm nụ cười tin tưởng. Năm qua anh khóc Phúc Ánh, năm nay anh ngậm ngùi thương tiếc Vũ Phương... Không nói gì đến nhiệm vụ đến trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, cứ riêng những cái chết trên kia của những người bạn chiến đấu trẻ tuổi, tương lai đất nước, cũng đã làm cho anh không sớm nghĩ đến ngày về được. Bên cái hạnh phúc lớn lao phải xây dựng lại, có những hạnh phúc riêng lẻ phải hy sinh đi hoặc tan vỡ...

         TB: Chỗ tay bị thương của anh đã đỡ nhiều, chỉ độ một tuần nữa là khỏi hẳn.

        - Cho anh biết em đã nhận được chăn, đồng hồ chưa?

Hôn em : V-L       


         10 tháng 2 năm 1953

         Đêm nay 27 tháng chạp. Chỉ còn hai hôm nữa thì Tết. Trời lạnh không ngủ được, anh đốt nến ngồi trong lều che kín vải bạt đề phòng phi cơ của giặc bay đêm, viết thư cho mấy đồng chí và viết thêm ít dòng cho em.

         Thời gian trôi đi nhanh quá. Anh không nghĩ rằng chúng ta xa nhau đã hơn 18 tháng. Anh tưởng chừng chúng ta mới chia tay từ đầu chiến dịch, hẹn ngày về giữa chiến thắng chung của cả dân tộc. Anh cũng không hề nghĩ rằng chúng ta sẽ lỡ hẹn. Lâu hay chóng " ngày về! " của chúng ta gắn liền với cái nhiệm vụ tiêu diệt kẻ thù của dân tộc, của giai cấp, mà kẻ thù nhất định phải bị tiêu diệt. Cũng như hạnh phúc của bản thân chúng ta không- thể nào so sánh với hạnh phúc của nhân dân, của giai cấp được Chúng ta cũng nhìn rõ điều này: trong cuộc đấu tranh với kẻ thù để giành lấy sự sống còn của mình, của Tổ quốc, của nhân dân và của cả chúng ta, chúng ta còn phải hy sinh nhiều, còn phải chịu đựng nhiều gian khổ hơn nữa mới thắng được chúng, mới quét sạch được chúng. Và ngày về nắm tay nhau cười trong hạnh phúc, chúng ta mới thấm thía cái lẽ sống của mỗi người chúng ta vì chúng ta đã đấu tranh quyết liệt với kẻ thù để sống cho ra sống. Không một ai trong chúng ta phải ngượng ngùng vì đã muốn sống dễ dãi quá.

         Ngày 11 tháng 2 sắp tới - Anh gửi về cho em những ý nghĩ trên đây, tin tưởng chiến dịch nhất định thắng lợi, ngày mai chúng ta sẽ giành lại được và vĩnh viễn ở trong tay chúng ta. Và chắc chắn là ngày về sắp tới sẽ tươi đẹp hơn tất cả những ngày  đã qua, nhất định chúng ta sẽ không lỡ hẹn.

         Anh gửi về cho em những cánh hoa của Mùa Xuân Chiến Thắng trên tiền tuyến này, những cánh hoa của Phố Lu, Tây Bắc, những tình ý cũ vẫn thắm đượm trong lòng chúng ta không bao giờ phai lạt. Anh gửi vào màu hồng tươi đẹp của những cánh hoa, niềm phấn khởi và quyết tâm vững chắc của người lính trước những trận chiến gay go, quyết liệt sắp tới. Màu hồng tươi đẹp của cánh hoa làm anh yêu cuộc sống bao nhiêu, anh lại càng phải cương quyết đấu tranh với kẻ thù để giành lại bằng được cuộc sống đó.

         Đó cũng là cái Tết của tiền tuyến gửi về cho hậu phương. Tất cả chỉ có thế nhưng nó biểu hiện một cái Tết chiến thắng sắp tới để xây dựng một cái Tết tương lai, tươi đẹp và thanh bình, không còn tiếng súng nổ hỗn xược của quân thù.

         Anh chúc em một cái Tết vui và lành mạnh, phấn khởi trong công tác để phục vụ cách mạng lâu dài, kiên quyết đấu tranh với kẻ thù tư tưởng để xứng đáng với công ơn dìu dắt của Đảng, của nhân dân, xứng đáng là một người quân nhân cách mạng. Tết năm nay phải đánh dấu sự tiến bộ, sự trưởng thành của em. Anh tin tưởng và chờ đợi những thắng lợi mới, những tiến bộ mới của em. Đó cũng là một trong những yếu tố khác động viên và thúc đẩy anh làm tròn nhiệm vụ của một người lính tiền phong.

         Nhân tiện anh gửi lời chúc các anh, các chị ở cơ quan một năm mới vui mạnh, phấn khởi và nhiều tiến bộ...

         Gửi em những cái hôn nồng thắm của ngày 11 tháng 21

        TB: Harmonica anh để phương xa, chưa gửi được.

        Cho anh biết máy ảnh còn không?

----------------------
         1. Ngày 11 tháng 2 là ngày cưới của ông Vũ Lăng và bà Hoàng Việt Hoa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 04:23:30 pm »

    
         22 tháng 2 năm 1953

         Chiều hôm qua  (21 tháng 2 ) đã tới giờ họp , Hiếu gọi anh ra mỉm cười đưa cho anh chiếc hộp và phong thư - Mọi người trông thấy đều đoán là quà và thư hậu phương gửi lên nên đã cười rất nhiều làm anh đỏ mặt. Sau buổi họp giở thư của em ra đọc nhanh một lượt. Tối đến phải bỏ "mứt gừng" ra khao một số "ông tướng" (riêng Hiếu lại không được ăn) và đọc thư em.

         Thư em nhắc anh nhớ đến những cái Tết đã qua, những ngày bên em đầy đủ về tình cảm, những ngày hạnh phúc lành mạnh bên người vợ hiền. Đó là những lá thư anh vẫn hằng mong đợi trong những ngày gần đây anh nhớ đến em. Đêm nay đọc lại thư em, nghe như có tiếng em nhè nhẹ bên tai anh. Những tình cảm của em ghi trên mấy trang giấy đã nói lên nỗi nhớ nhung của những ngày xa vắng, nhưng nó lành mạnh và trong sạch, không yếu đuối, khiến anh nhớ em nhiều, vui và phấn khởi.

         Trong những ngày cuối năm vừa qua anh cũng đã viết thư cho em. Thư viết đêm 27 tháng chạp, bên cạnh chiến hào. Tâm sự của một người lính trước những giờ chiến đấu quyết liệt sắp gửi tới người vợ yêu ở hậu phương xa xôi - Những tình cảm của Tết Phố Lu 50, Phục Linh 51, Chợ Chu 52, Tây Bắc 53 - 54. Gởi em cả mấy bông hoa đào hái ở một bản vắng một nhiều hành quân. Những bông hoa nở trên những hố bom, hố đại bác, hớn hở đón một mùa xuân chiến thắng, biểu hiện sức đấu tranh của dân tộc ta, mỗi ngày một mạnh lên, bom đạn của kẻ thù không thể nào ngăn cản nổi. Con đường đi lên của chúng ta là như vậy, đến mùa hoa vẫn nở, lá vẫn xanh, máu của kẻ thù mỗi ngày một bón thêm cho hoa nở đẹp ra. Thấy hoa đào nở, nhớ đến Tết, người lính nhớ rất ít đến bánh chưng xanh mà nghĩ nhiều đến chiến đấu, nghĩ đến cờ đỏ sao vàng, nghĩ đến lá cờ quyết thắng của Bác ngày mai phấp phới trên đồn giặc bị tiêu diệt. Gửi em mấy bông hoa là gửi theo những ý nghĩ của người lính ở trên và cũng là nhắc nhở những tình cảm không bao giờ phai nhạt.

         Tết ở ngoài mặt trận không có gì nhưng vẫn vui, mặc dầu cơm với muối. Chiều 30 Tết và sáng mồng 1 có ít rau thịt. Nhưng cái Tết ở trong lòng mọi người,ở những câu nói của mọi người đầy tin tưởng ngày sắp tới thắng lợi vinh quang. Tiếng súng của giặc vẫn nổ bên những chiến hào không át nổi tiếng cười thú vị của những người lính vẫn bình tĩnh chơi tú lơ khơ, đánh một nước bài cao khiến anh bạn phải "ôm" nhiều. Trước giờ xuất kích, cuộc sống vẫn bình thường hóa, mặc cho bom đạn của địch cứ nổ như chó cắn càn.

         Từ Tết tới nay anh vẫn khỏe. Đôi lúc có húng hắng ho. Mứt gừng của em gửi tới vừa đúng lúc. Cũng là thứ quà anh ưa nhất, trong những ngày hành quân lạnh lại càng làm cho cổ ấm lại, dễ chịu …. và cũng là một điều may, anh về dự hội nghị thì quà của em vừa tới. Nếu không chưa biết bao giờ mới tới tay anh.

         Ngày 11 tháng 2 chắc em nhớ nhiều đến anh. Anh nhớ đến từ đêm hôm trước và hôm sau có ghi ít dòng vào nhật ký, khi về sẽ đưa em xem. Ngày 11 tháng 2 nhắc anh vững lòng tin nhớ đến lời hứa, nhớ đến nhiệm vụ. Dù xa xôi anh vẫn thấy gần em trong lúc nhớ đến em, đêm đó.

        Hoa hồi này lại trở lại trêu anh rồi đó. Anh nhớ đến những ngày gặp nhau. Có lẽ em nghe nhầm câu nói của người lính kia, người lính đó là một người tinh thần rất cao. Anh ta nói với bạn như thế này: " Cậu cứ xuôi là phải, là vì đời cậu còn vướng nhiều quá, mình thích ngược hơn, không thèm những bước chân về xuôi của cậu vì công tác ở trên này phù hợp với cái sống tự do thênh thang của mình không có gì là phiền toái, vả lại ở trên này "Hoa" nở cả bốn mùa cho nên đã có dịp về xuôi mà người lính cũng không về đấy !".

         Ai bực hơn? Đỏ mặt một chút thôi phải không em? Có người nào hễ nghe thấy ở Bộ Tổng tham mưu có một cuộc hội nghị nào cũng đều trông ngóng một bóng người, trải qua thất vọng này đến thất vọng khác. Đủ rồi phải không em.

         Thôi khuya rồi. Chúc em ngủ ngon giấc. Kéo chăn len hồng lên tận má cho ấm nhé.

         Cho anh gửi lời thăm tất cả các anh các chị ở cơ quan. Thư sau của anh sẽ có tin chiến thắng.

Hôn em            
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Giêng, 2017, 09:42:01 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM