Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:56:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ Hỏa Lò đến phủ Khâm Sai Bắc Bộ  (Đọc 16411 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2016, 08:37:13 pm »



CÁC ỦY BAN NHÂN DÂN CÁCH MẠNG RA MẮT Ở HÀ NỘI TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM1

        I. GIẢI TỎA QUÂN NHẬT BAO VÂY TRẠI BẢO AN BINH HÀNG BÀI

        Trưa ngày 19/8, ngay sau khi có hiệu lệnh của ủy ban Quân sự cách mạng (tức ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội), các chiến sĩ Việt Minh, Tuyên truyền Xung phong, đội Danh dự, tự vệ, cùng với đông đảo quần chúng đã ào lên bao vây và xông vào chiếm phủ Khâm sai và tiếp sau đó chiếm Tòa Thị chính...

        Đồng chí Nguyễn Khang, Trần Tử Bình và tôi - Lê Trọng Nghĩa - đã vào trong phủ Khâm sai. Đồng chí* Nguyễn Huy Khôi (tức Trần Quang Huy) chiếm Tòa Thị chính...

        Ở hướng trại Bảo an binh, phố Hàng Bài, đồng chí Nguyễn Quyết cũng đã vào trại, thu phục người chỉ huy Bảo an, cho chiếm và phân phát kho súng. Đến lúc đó mới thấy quân đội Nhật cho một đơn vị có xe tăng, súng máy, rầm rầm kéo ra bao vây và kiểm soát các phố bao quanh trại. Anh Nguyễn Quyết từ trong trại gọi dây nói yêu cầu giúp giải quyết.
 
        Tinh hình trở nên nghiêm trọng. Trại Bảo an binh với độ 2.000 lính vũ trang và kho súng là một trong hai mục tiêu nhất thiết ta phải chiếm kỳ được ngay từ những giờ đầu. Nhưng người Nhật không thể để trại và kho súng rơi vào tay Việt Minh khi ấy còn đang trong tình thế đối đầu với họ, mặc dù có tin Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Tinh thế có thể dẫn đến đàn áp, xung đột vũ trang, điều mà ủy ban Khởi nghĩa lúc ấy không dự kiến chuẩn bị đối phó tích cực.

        Trong tình huống cấp bách đó, các anh Khang, Bình và tôi đã nhanh chóng quyết định để tôi đi gặp chỉ huy quân Nhật. Tôi cho lấy một trong hai xe limuzin đen của phủ Khâm sai, cho cắm cờ đỏ sao vàng, cờ Việt Minh, rồi từ đó tiến ra Bờ Hổ, thẳng xuống đường Hàng Bài, vào khu vực Nhật kiểm soát, đến trước rạp chiếu bóng Mạịestic (rạp Tháng Tám bây giờ) và gặp người chỉ huy Nhật ở đó.

        Thấy có xe cắm cờ Việt Minh tới, một số đông đồng bào trên phố lúc trước đã dãn ra, đến vây chung quanh hoan hô cổ vũ, khí thế đấu tranh mãnh liệt.

        Sau phút tiếp xúc căng thẳng ban đầu, giữa những tiếng hô và hò la không ngớt của đồng bào, tôi nói với người sĩ quan Nhật: trại Bảo an binh thuộc quyền phủ Khâm sai người Việt và người Nhật sắp về nước rồi, vậy không nên can thiệp vì chúng tôi không động chạm gì tới người Nhật.

        Viên sĩ quan không hung hăng sừng sổ như trước đấy họ thường làm, anh ta phàn nàn bị dân chúng ném đá nhưng cuối cùng đã chấp nhận cho rút quân về doanh trại. Nhưng nói thêm:

        - Các ông phải nói chuyện với cấp trên của chúng tôi!
 
        Tôi chợt hiểu: “À, họ muốn nói chuyện!”

        Như thế là vào khoảng 3 hay 4 giờ chiều, trại Bảo an binh Hàng Bài đã được giải tỏa. Các mục tiêu đề ra: Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính và trại Bảo an binh đã được chiếm xong. Những người cầm đầu chủ chốt cơ quan chính trị, hành chính và quân sự chính quyền cũ (các ông Nguyễn Xuân Chữ, Trần Văn Lai, quan ba Thụ) đã được tạm giữ hoặc được thu phục.

        Cuộc giành chính quyền đã diễn ra nhanh chóng, tương đối gọn và không nổ ra xung đột, không đổ máu. Qua điều đình thương lượng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của đồng bào dân phố, ta đã giải tỏa một cách êm thấm cuộc bao vây trại Bảo an binh của quân đội Nhật, ngăn chặn được cuộc can thiệp vũ trang mới chớm khởi đầu và có cơ nổ ra xung đột, sẽ tạo ra một tình huống phức tạp, cực kỳ nguy hại cho cuộc nổi dậy lúc ấy.

        Sau này chúng tôi mới biết là đến ngày 21, tập đoàn quân 38 của Nhật với hơn một vạn quân đóng giữ vùng quanh Hà Nội, mới nhận được lệnh ngừng bắn. Vì vậy, trước đó, trong những ngày 17, 18, 19 quân đội Nhật vẫn có đủ lý do để nổ súng can thiệp, hoặc để tự vệ, hoặc để giữ an ninh, trật tự công cộng ở địa phương mà họ chịu trách nhiệm cho đến khi quân đội Đồng minh đến tiếp quản.

        Việc ngăn chặn được cuộc can thiệp của quân đội Nhật, đã giúp thêm cho ta “chinh phục” được một cách êm thấm, lực lượng Bảo an binh, công cụ đàn áp vũ trang duy nhất còn lại lúc đó của chính quyền cũ ở Hà Nội. Còn lực lượng cảnh sát thì đã bị ta khống chế và chi phối qua viên giám đốc, anh Lê Văn Lăng, đã bí mật đi theo Việt Minh từ trước.

        Cuộc nổi dậy của nhân dân Hà Nội về cơ bản đã giành được thắng lợi. Và điều đáng ghi nhận là không qua đụng độ bạo lực vũ trang với chính quyền “bù nhìn” và quân đội Nhật.

        Qua kinh nghiệm giải quyết tốt được sự kiện ở trại Bảo an binh; lại thấy đến lúc ấy, quân Nhật vẫn giữ một thái độ chập chờn, có phản ứng nhưng không quyết liệt và có khả năng điều đình, thương lượng nên Thường vụ Xứ ủy, các đồng chí Trần Tử Binh, Nguyễn Khang đã nhanh chóng quyết định cử tôi và anh Trần Đình Long phải tìm gặp ngay các nhà chức trách cao cấp chính trị, quân sự Nhật. Chỉ có một việc là chính thức nói được cho họ biết rõ chủ trương của ta không đụng đến người Nhật, để họ yên tâm và không cản trở hoạt động của ta.

        Bấy giờ không ai nói đến các chủ trương như “vô hiệu hóa, cô lập hay trung lập hóa” cũng như đường lối “thương lượng” hay “đối thoại” và chúng tôi cũng chẳng có ý muốn điều đình với Nhật để kiếm vũ khí.

        Cũng trong đêm đó, theo trình tự công việc đã được chỉ dẫn cụ thể trong chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương, sau khi đã giải phóng một địa phương thì cho lập ngay ủy ban nhân dân Cách mạng, cơ cấu chính quyền mới của dân, Thường vụ Xứ cũng xúc tiến bàn việc lập Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ và Ủy ban nhân dân Cách mạng Hà Nội.

-----------
1. Đã đãng trên báo "Người Hà Nội" số 40 - 9/10/1994, có sửa và bổ sung.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 08:26:25 am »

        
        II.  CUỘC GẶP GỠ GIỮA VIỆT MINH VỚI BỘ TỔNG TƯ LỆNH NHẬT TỐI NGÀY 19/8

        Qua tình hình quân Nhật án binh bất động trước cuộc tinh biểu tinh của nhân dân chiều 17/8; qua cuộc đấu tranh trực diện với Hiến binh và quân đội Nhật của anh em công nhân Aviat, S.T.A.I... ngày 18/8 và buộc họ đã phải nhượng bộ, chúng tôi đã thấy được phần nào thái độ cùa quân đội Nhật.

        Cũng có tin ở Tổng hành dinh Nhật, cánh chủ chiến và chủ hòa đã bắn nhau. Có nghĩa là trong nội bộ lãnh đạo của họ chưa phải đã nhất trí và chấp nhận hạ súng đầu hàng một cách dễ dàng. Tuy cũng có một số lính hoặc sĩ quan cấp thấp theo bè bạn, vợ con hoặc vì lý do gì đó, đã tìm chạy theo Việt Minh nhưng trên đường phố vẫn còn có những tờ bố cáo in bằng ba thứ tiếng Việt, Trung, Pháp... của Bộ Tư lệnh Hiến binh Nhật đe dọa sẽ thẳng tay trừng trị những cái họ cho là làm rối trật tự, hành động khủng bố hay mang vũ khí, tụ tập...

         Chẳng ai nói chắc trước được người Nhật sẽ đối xử ra sao với Việt Minh vừa mới biểu tình ào ào chiếm các công sở ngay trước mắt họ. Chúng tôi nhắc nhau, phải rất cảnh giác thận trọng đề phòng, coi việc tranh thủ chính thức tiếp xúc với các nhà chức trách cao cấp Nhật ở đây là một hành động mạo hiểm, chứa đầy bất trắc, nhưng thừa thắng thì cứ mạnh bạo tiến lên.

        Vì không có mối liên lạc sẵn với các quan chức Nhật, chúng tôi đã phải tìm đến nhờ chị vợ người Nhật chủ hiệu kem Nhật Bản chợ Hôm để nói với chồng giúp làm trung gian đưa đến gặp các quan chức cao cấp Nhật.

        Thoạt đầu tôi và anh Long nhờ đưa đến nhà Đại sứ Nhật ở 55 Gambetta (phố Trần Hưng Đạo, nay là nhà Đại sứ quán Pháp). Khi ấy chúng tôi không biết là tướng Tsuchihashi, Tổng Tư lệnh Quân đoàn 38 phòng giữ Đông Dương, lại kiêm giữ cả chức Toàn quyền của Nhật. Và lại, giữa lúc dang đấu tranh gay gắt chúng tôi cũng có ý không muốn chạm trán ngay với các tướng lĩnh.

        Lúc này, trời hãy còn sáng, nhưng ở 55 Gambetta, người ta trả lời là Đại sứ đi vắng và hẹn đến 20 giờ, tới Tổng hành dinh quân dội Nhật ở nhà tướng Mordani cũ, tức 33 Phạm Ngũ Lão hiện nay.

        Đến giờ hẹn, tôi và anh Long cùng đổng chí tự vệ, dùng chiếc xe có cờ Việt Minh buổi chiều, công khai từ phủ Khâm sai (cũ) đến Tổng hành dinh (33 Phạm Ngũ Lão). Tôi phỏng đoán chỉ có khả năng sẽ bị đe dọa, uy hiếp nhiều hơn là bị cầm bắt, nên chuẩn bị một thái độ thận trọng, thăm dò. Ở cổng, người trung gian ăn vận binh phục đã chờ đón sẵn, lặng lẽ đưa chúng tôi qua ngay bót gác, vào thẳng phòng khách giữa nhà.

        Đầu óc khá căng thẳng, tôi nhớ đã thấy ba hay bốn sĩ quan, đều đã có tuổi, vẻ gân guốc già dặn, mặt lạnh lùng nghiêm chỉnh ngồi sẵn sau một chiếc bàn lớn giữa phòng. Trước bàn còn ghế trống, hai dãy bên, có nhiều sĩ quan đứng sẵn. Phòng sáng nhưng cảm thấy như được chiếu bởi một thứ ánh sáng hơi lành lạnh.

        Sau những cái cúi đầu chào, người sĩ quan trung gian giới thiệu và khẳng định chúng tôi là những người “cầm đầu cuộc biểu tình ở Quảng trường Nhà hát lớn buổi sáng, đã vào đóng ở dinh Khâm sai (cũ) và từ đó đến gặp”.

        Tôi tiếp lời luôn, hướng vào viên tướng đứng tuồi, đầu trọc, ngồi chính giữa dưới bức chần dung Nhật Hoàng và lá cờ mặt trời treo trên tường. Tôi nói là chúng tôi rất xúc động nhận được tin Thiên Hoàng chính thức ban lệnh đình chiến, tất cả người Nhật các ông sẽ về nước đoàn tụ với thân nhân, gia đình, quân đội Đồng minh sẽ vào. Trước những vấn để vô cùng cấp bách và khó khăn đặt ra cho người Việt chúng tôi, các nhà chức trách Việt Nam đương quyền đã tỏ ra bất lực và tan rã, nên nhân dân chúng tôi phải tự mình đứng ra gánh lấy trách nhiệm giải quyết mọi công việc, mọi khó khăn.

        Khi nghe nói đến Hoàng đế Nhật, đúng như chúng tôi dự đoán trước, không khí buổi họp đang căng thẳng, lặng lẽ bỗng trở nên trang trọng, gần gũi hơn với những tiếng xầm xì trao đổi nhỏ giữa người Nhật với nhau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 08:30:08 am »

        Tôi cảm thấy nhẹ người hơn và tiếp: Người Nhật và người Việt đều là người châu Á cả, không thù hằn nhau. Trong lúc này, chúng tôi có trách nhiệm phải ra sức giúp đỡ cho người Nhật bằng mọi cách để các vị yên ổn, nhanh chóng chấp hành tốt lệnh trên để về nước... Mong các vị cũng giúp đỡ chúng tôi để làm tốt được công việc của mình và chúng tôi sẵn sàng bằng mọi cách hết sức giúp đỡ các vị.

        Các quan chức Nhật vẫn im lặng nghe. Rồi viên tướng nghiêm nghị chậm rãi, rành rọt đáp lại. Đại ý ông ta nói: Vua Bảo Đại đã nhờ người Nhật giúp đỡ Việt Nam. Nhưng bây giờ công việc của người Việt thì các ông phải tự bàn lấy với nhau để giải quyết. Còn hiện nay, như thế là đủ rồi, chỉ yêu cầu các ông đừng cho tổ chức mít tinh, biểu tình nữa. Nếu làm mất trật tự, rối rắm tình hình thì quân đội Nhật bắt buộc sẽ phải can thiệp.

        Cũng chẳng chờ chúng tôi kịp có ý kiến, viên tướng chi định luôn một người sĩ quan trẻ tuổi đứng gần đó, từ nay sẽ liên lạc với chúng tôi tại phủ Khâm sai (cũ).

        Mọi người đứng lên, cúi đầu, cuộc gặp gỡ kết thúc một cách hết sức “kiểu nhà binh”.

        Tôi mừng như mở cờ trong bụng. Nhưng cũng phải đến khi được đưa ra yên ổn qua khỏi người lính gác, ra đến đường phố còn chập chờn dưới ánh đèn phòng không1, nỗi vui mừng mới bùng lên như vừa nhanh chóng thoát hiểm, trút bỏ được cả một gánh nặng.

        Trên đường về, trao đổi với nhau một cách vội vã, chúng tôi mói dần nhận thức rõ ra được điều mà chúng tôi cho là quan trọng:

        Qua cuộc gặp gỡ tối ngày 19/8, các nhà chức trách Nhật đã tỏ rõ không những không muốn đàn áp hay xung đột võ trang mà đã mặc nhiên thừa nhận các hoạt động biểu tình, khởi nghĩa của nhân dân do Việt Minh lãnh đạo ngày 19/8. Họ còn chấp nhận những người lãnh đạo Việt Minh chúng tôi là những nhà chức trách chính thức đồng thời là đối tác của họ và đặt liên lạc qua người sĩ quan trẻ tuổi.

        Như thế, đối với các nhà đương cục Nhật, phủ Khâm sai Bắc Bộ cũ cũng như Tòa thị chính thành phố Hà Nội vừa bị lật đổ đã bị coi như không còn tồn tại nữa rồi, mà họ cũng chẳng quan tâm hỏi han đến nữa.
Khi ấy chúng tôi cho rằng quán đội Nhật tinh thần chiến đấu đã giảm sút nhưng họ cũng có vẻ “ớn” cái kiểu đấu tranh bằng mít tinh, biểu tình đông đảo quần chúng của Việt Minh.

        Về cuộc gặp gỡ này và quan hệ giữa Việt Minh và Nhật này, qua nghiên cứu tài liệu mật trong chiến tranh của Nhật, đã cho thấy2 : Đại sứ Tsukamoto, phụ tá tướng Tsuchihashi ở Hà Nội lúc ấy đã điện về Tokyo khẳng định rằng: “Chiều ngày 19, Đại sứ đã “được mời” đến dự cuộc gặp với các lãnh tụ ETSUMEI (tức Việt Minh) và đã tham gia bàn bạc với những người đó được coi như là các nhà chức trách chính thức”.

        Thoạt đầu quân đội Nhật đã định giáng cho ETSUMEI một trận, nhưng sau vì nhiều lý do, đã thử cho xúc tiến một “cuộc dàn xếp thỏa hiệp” với Chính phủ (Trần Trọng Kim) nhưng không thành.

        Tuy vậy, quân đội Nhật đã tự kiềm chế “không sử dụng đến vũ lực”.

        Dưới con mắt các nhà đương cục Nhật, cuộc gặp gỡ và quan hệ giữa Nhật và Việt Minh trong những ngày khởi nghĩa ở Hà Nội là như vậy.

----------------
1. Từ khi Mỹ ném bom Hà Nội, thành phô' có hầm trú ẩn và đèn “Phòng không”.

2. Theo nhà nghiên cứu sử học Na Uy Stonesson, sách "Cách mạng Việt Nam 1945", Viện nghiên cứu hòa bình OSLO - 1991

    
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tám, 2016, 08:37:37 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 08:34:43 am »

        
        III. CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN CÁCH MẠNG RA MẮT

        Cả hai chúng tôi vội tìm đến chỗ các anh Nguyễn Khang và Trần Tử Binh. Đêm đã khuya, Thường vụ Xứ còn đang bàn
vấn đề chính quyền mới nhưng vấp khó khăn về nhân sự. Tinh hình quá gấp và không có dự kiến cụ thể trước.

        Nghe báo cáo lại về cuộc gặp với Bộ Tư lệnh Nhật, Thường vụ quyết định ngay: Bằng bất cứ giá nào phải công bố lập tức việc thành lập và cho ra mắt chính quyền mới của nhân dân, các Ủy ban nhân dân Cách mạng, cử đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng Bắc Bộ, ủy viên có tôi (lúc đó tôi mới lấy tên là Lê Trọng Nghĩa) được giao phụ trách công tác đối ngoại, và đồng chí Nguyễn Duy Thân, nắm việc điều hành các cơ quan hành chính, đồng thời cũng quyết định lập ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hà Nội; cử đồng chí Nguyễn Huy Khôi (tức Trần Quang Huy) làm Chủ tịch và sẽ có thêm đồng chí Phạm Tuấn Khánh (tức Cồn) tham gia.

        Phải tìm mọi cách bổ sung các ủy ban trên về nhân sự theo đường lối đoàn kết dân tộc như Mặt trận Việt Minh đã công bố và các ủy ban đó đích thực là của nhân dân.

        10 giờ sáng ngày 20 tháng 8, trời thu quang đãng, không khí dịu mát, một cuộc mít tinh đã được gấp rút tổ chức với khoảng vài ngàn đổng bào từ các công sở và khu phố gần đó về tập trung trên vườn hoa “Con Cóc” trước Bắc Bộ phủ.

        Anh Nguyễn Hữu Ninh1 ) được cử ra đọc lời công bố thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng Bắc Bộ và Ủy ban nhân dân Cách mạng Hà Nội. Rồi từ micro đặt trước dinh phủ Khâm sai, nhân danh ủy ban anh kêu gọi công nhân viên chức các Nha, Sở cùng đồng bào hãy yên tâm tiếp tục công việc.

        Phòng Thông tin, các báo Tin Mới, Đông Phát... đã đưa tin lộng rãi sự kiện quan trọng này. Tổng hội Công chức ngày 20 với sinh khí mới cũng tự động kịp thời phát ra một lời hoan nghênh kêu gọi công chức và đồng bào. Cả Hà Nội còn như tưng bừng náo nhiệt với phong trào khởi nghĩa đã bùng lên và lan rộng ra các phố phường, ngoại ô, hòa một nhịp với vành đai ngoại thành cứ như một vườn hoa lớn đến ngày nở rộ.

        Mọi người dường như còn đang mải mê với sự nghiệp của chính mình và của đất nước với một niềm tin tưởng mãnh liệt. Nhưng trong giới trí thức, sinh viên cũng có ít nhiều lời bàn tán về chính quyền Việt Minh mới. Tín hiệu đầy ý nghĩa của ý thức tư tưởng chính trị của công dân mới nảy nở. Nhưng cũng có thể vì không thấy xuất hiện trên chính trường những nhân vật mà họ mong đợi hay có tiếng tăm từ trước, mà cũng chẳng thấy bóng “đội quân Việt - Mỹ” hay “các chiến sĩ du kích” như đã tuyên truyền và được hết sức ngưỡng mộ... Một số gương mặt “thượng cấp Việt Minh” trình làng thì lại “trẻ” và cũng ít người được biết rõ.

        Vấn đề nhân sự trong chính quyền trở thành cấp bách. Tôi được giao thêm việc tìm gặp và mời một số nhân sĩ có mặt ở Hà Nội lúc đó tham gia ủy ban, cùng gánh vác việc của dân nước.

        Tôi lại tìm đến với nhóm gọi là “độc lập” của một số bác sĩ, dược sĩ, nhà báo... tự coi là không theo Việt Minh, nhưng cũng không đi với Đại Viột Quốc dân Đảng thường gặp gỡ nhau trong “xa lông” cùa bác sĩ Nguyễn Văn Luyện ở phố Lý Thường Kiệt hiện nay. Nhiều lần phải tìm nói chuyện với các huynh trưởng Hướng đạo, hoặc những người làm nghề “tự do”, các trí thức như bác sĩ Trần Duy Hưng, kỹ sư Vũ Như Hùng2.

        Hầu như ai cũng nồng nhiệt hoan nghênh, ủng hộ Việt Minh một cách chân thành thực cảm động. Nhưng cũng có người tỏ ý băn khoăn, ngần ngại. Có người thẳng thắn hỏi: Thế lãnh tụ của các anh là ai chứ? Điều đó đã làm cho tôi ít nhiều lúng túng.

        Đêm 21/8 đã để lại cho tôi một ấn tượng đẹp, sâu sắc. Đã khuya, tôi mới tìm được đến nhà ông Nguyễn Văn Tố, Hội trưởng Hội truyển bá Quốc ngữ nổi tiếng ở một phố cổ3.

        Khi biết có cán bộ Việt Minh đến, ông đón với một tiếng cười hoan hỉ, tỏ thái độ nhiệt liệt hoan nghênh và xin được nhận bất cứ công việc gì, không một tiếng hỏi han vương vấn thắc mắc. Tôi phấn chấn hẳn lên sau những ngày đêm xông xáo, sôi nổi nhưng cũng rất căng thẳng.

---------------
1. Anh Nguyễn Hữu Ninh, nguyên là Tham tán phù Toàn quyền thời Pháp, lúc đó là ủy viên Trung ương Đảng Dân chủ, sau Cách mạng tháng 8 là Chủ tịch ủy ban Hành chính Nam Định (1946 - 1947).

2. Bác sĩ Trần Duy Hưng, kỹ sư Vũ Như Hùng sau đó là Chủ tịch và thành viên ủy ban Hành chính Hà Nội.

3. Ông Nguyễn Văn Tố, sau này là Bộ trưởng trong Chính phù lâm thời 1945. Đã hy sinh trong cuộc Pháp nhảy dù tập kích cơ quan lãnh đạo kháng chiến ờ Bắc Cạn năm 1947.

« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tám, 2016, 08:42:36 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 08:44:50 am »


        IV. NHỮNG THÁCH THỨC BAN ĐẦU

        Mặc dù việc thành lập và ra mắt của các ủy ban nhân dân Cách mạng, chính quyền cách mạng mới đã phải tiến hành trong những điều kiện cập rập và không thiếu khiếm khuyết nhưng rõ ràng đây không phải là một việc làm hình thức, cốt để lấp chỗ trống về quyền lực sau các sự kiện ngày 17, 19 tháng 8.

        Chính quyền mới đã ứng xử kiên cường, khéo léo và giành được sự mặc nhiên thừa nhận của các nhà chức trách Nhật để tồn tại và hoạt động.

        Hơn nữa, nó đã được người dân Hà Nội, cả những người trong bộ máy cũ, nhiệt liệt hưởng ứng, ủng hộ. Thái độ trung thực, thẳng thắn, tích cực của nhân sĩ Bắc Hà, những công dân tích cực của 36 phố phường lúc ấy... được coi, trước hết là một sự phê chuẩn và một sự cổ vũ lớn lao, sự gánh vác quý giá của người Hà Nội đối với chính quyền của mình, ngay từ lúc mới chào đời đầy sán lạn và không ít cam go, gian khổ.

        Các Ủy ban nhân dân Cách mạng lúc đó đã thể hiện là tiêu biểu sáng ngời minh chứng cho quyền lực lớn mạnh và sự thắng lợi tất yếu của trào lưu đấu tranh cho tự do Dân chủ và yêu nước ở Hà Nội, nơi mà quần chúng nhân dân đã thức tỉnh chuyển mình vùng lên từ ngày 17/8 lịch sử và đạt đỉnh điểm thắng lợi là nắm được “chính quyền vào tay mình” để làm chủ đất nước từ ngày 19/8.

        Sau nữa, các chính quyền non trẻ đó, được nuôi dưỡng trong một tinh thần phấn khởi cách mạng sôi sục và đầy sáng tạo của nhân dân Hà Nội, với những truyền thống tiềm ẩn của dân tộc cũng đã thực sự góp phần quan trọng giữ vững, đẩy mạnh phong trào khởi nghĩa trên toàn quốc và mở ra một cục diện đấu tranh mới, với nhiều nét độc đáo, rất Việt Nam... và tất nhiên cũng phải trả giá qua nhiều mò mẫm, thử thách, hy sinh không ít khó khăn.

        Ngay trong ngày 20/8, với tinh thần hăng say nhằm thực hiện chức năng hàng đầu của những người khởi nghĩa, Ủy ban nhân dân cách mạng, qua Phòng Thông tin đã ra lệnh thiết quân luật trong phạm vi Hà Nội. Nhưng chỉ ngay đêm sau đó, làn sóng đang cuồn cuộn dâng lên của đổng bào đã nhấc chúng tôi phải gạt bỏ và quên đi cái lệnh thiết quân luật xem ra không thích hợp với ta trong lúc ấy.

        Đối với quân đội Nhật, lệnh thiết quân luật đó là không được rồi. Thế còn đối với đồng bào ta? Rõ ràng cũng không xong.

        Vào thời điểm đó, tôi có cảm giác như ai ai cũng tự thấy mình và nhìn người khác đều là Việt Minh cả. Mọi người đều hớn hở, cảm thấy hãnh diện... dù ở địa vị xã hội nào, trên hay dưới, trong hay ngoài bộ máy, các đoàn thể tất cả đã là “người tự do”.

        Bất kể ngày đêm, người ta cứ rủ nhau kéo đi, ngược rồi xuôi. Cứu đê, tụ họp, biểu tình, ra vào cơ quan cứ như vào nhà mình, hỏi han tin tức, thúc đẩy đổi thay, sửa chữa...

        Các thông báo, lời kêu gọi... nói miệng hay được đưa lên báo, dán vội lên tường dù dưới chỉ ký một chữ Việt Minh hay ủy ban, thậm chí có nơi còn ghi “đốc lý”, thị trưởng, đều được các giới đổng bào nhất là các thanh thiếu niên, các chủ sự công sở, tham phán, thư ký vừa say sưa, vừa tò mò tìm để coi, nghe và xem có gì “mới không” rồi họ hồ hởi bình luận, bổ sung, phê phán mọi việc từ điều hành công sở đến giải quyết các vấn đề an ninh, trật tự khu phố và gia đình. Phảng phất một cái gì đó như là tinh trạng tự quản. Nhưng đồng thời các tệ nạn xã hội cứ tự nhiên phải lẩn biến đi: Từ sau 19/8 đến khi Bác về người ta kháo nhau: với chính quyền này, gọi thế nào cũng được thôi, nhưng đó là “của Việt Minh”, “của ta” cả đấy mà. Thực cũng khó mà xác định được rõ ràng đối tượng để trấn áp bọn phản cách mạng hay bọn gian manh như kinh nghiệm của các nước khác.

        Cũng chiều 20 đó, ngày đầu của chính quyền cách mạng, cho tới gần giờ tan sở, một nhân viên thường của sở Mật thám khét tiếng cũ, ở phố Trần Hưng Đạo hiện nay, dường như đã lo lắng chờ mong cả ngày nhưng thấy Sở Mật thám đã bị “Cách mạng” bỏ quên nên đánh bạo rụt rè gọi điện về Bắc Bộ phủ xin “Cách mạng” (Ủy ban) cho người đến tiếp quản. Tôi vội phóng xe tới để trấn an số nhân viên còn ở lại chờ ở đó, đồng thời cũng trấn an các giám thị, cai ngục của Hỏa Lò đang náo động, họ cũng sợ sệt chờ. Trở lại “chốn cũ”, “gặp những con người cũ” của những năm bị giam cầm tù tội, tôi vô cùng xúc động, nhưng phải cố kiềm chế và việc trấn an nhân viên Sở Mật thám và Hỏa Lò lúc đó đã đạt kết quả tốt trước khi có cán bộ (các đồng chí Xích/Nhân, Chu Đình Xương, Hoàng Mười) đến tiếp quản.

        Trước đó chúng tôi không quên nhưng cũng không tính đến cái lô cốt khét tiếng của nền thống trị thực dân ấy. Nhưng chúng đã được làm và tự nó đã rã rời, tê liệt nên không còn được coi là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong ngày 19/8. Vả lại, ta cũng không có cơ sở cách mạng từ bên trong, nên cũng đành phải bỏ qua, không giống như ở các cuộc khởi nghĩa, binh biến khác. Do đó các nhân viên của một bộ máy đàn áp khủng khiếp đó đã yêu cầu cách mạng đến với họ, bởi họ sợ rằng có thể bị bỏ quên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 08:53:11 am »

 
        Sáng ngày 21/8, ủy ban nhân dân Cách mạng đã cho mời đại diện các đảng phái Đại Việt, Quốc dân Đảng, Thanh niên ái quốc và một vài sinh viên ở Việt Nam học xá đến họp ở phòng lớn Bắc Bộ phủ để chính quyền thông báo tình hình và trấn an họ. Cả những người chỉ mấy bữa trước còn công khai đả kích Việt Minh trên báo, trên diễn đàn Khai trí Tiến đức cũng có mặt1. Họ đến, tất nhiên với thái độ dè dặt, thăm dò, nghe xem là chủ yếu.

        Thay mặt ủy ban, tôi tuyên bố kiên quyết thực thi và kêu gọi chấp hành chính sách đoàn kết và chương trình của Mặt trận Việt Minh; không nói lại các chuyện đã qua; đã mời họ đến và họ đã đến thì tất cả đều yên ổn tự do ra về; chỉ yêu cầu không được tiếp tục hoạt động chia rẽ, chống phá đối với Mặt trận Việt Minh và chính quyền mới; nếu ai muốn, vì tấm lòng đối với đất nước, thì xin mời tham gia với địa phương khu phố. Có tiếng nói tỏ ra vui mừng và hoan nghênh một cách vừa phải. Không có một lời nói, hành động biểu thị không tán thành hay phản đối. Nhưng một số sinh viên đã lên tiếng mạnh bạo hỏi cho biết và nhắc chính quyền chú trọng nhiều hơn nữa đến vai trò, vị trí và hoạt động của sinh viên, thanh niên.

        Cuối cùng, theo tôi thấy cũng không ít người đã tỏ vẻ hể hả ra về, có người vẫn im lặng trầm ngâm, cũng có người thấy như ngạc nhiên, ngỡ ngàng...

        Tan cuộc họp, chúng tôi yên tâm hơn vì có thể cũng tạm ổn định được tình hình trước mắt. Tuy về sau này khi quân Tưởng kéo tới, bọn phản động được tiếp sức, ngo ngoe thì cũng có ý kiến nêu lên như nuối tiếc: giá mà lúc ấy, nhân dịp họ đến họp mà ủy ban xử lý luôn đi mội số vẫn được coi là thù địch thì có phải đã tránh bớt được hậu họa không?

        Cũng sáng đó, xảy ra một vụ nổ súng ngay bên Hồ Gươm, tự vệ và dân phố đã cho bắn què mấy con ngựa và bắt số cảnh binh cưỡi ngựa đương kéo nhau ra Bờ Hồ, vì thấy họ coi bộ khả nghi. Được báo anh Lê Văn Lăng, một cựu sinh viên, nguyên giám đốc cảnh sát cũ, người mới được giao tạm phụ trách lực lượng cảnh sát cũng bị bắt cùng trong vụ, tôi lại phải bổ đi tìm hiểu và chứng minh anh Lăng vốn là cơ sở nội tuyến của Việt Minh. Nhưng cũng phải sau đó ít lâu, anh Lăng và một số anh em bị bắt nhầm mới được trả lại tự do và tiếp tục công tác2.

        Ủy ban nhân dân Cách mạng đã nhanh chóng chấp nhận việc lập chính quyền cách mạng ở Đại lý (quận) Hoàn Long sau khi cán bộ và nhân dân địa phương nổi dậy khởi nghĩa phối hợp với nội thành. Theo phương hướng chung, chính quyền mới đã buộc tên tri phủ cũ mang xe cùng đồng bào ra tổ chức cứu đê Thanh Trì đang có nguy cơ bị tràn.

        Ngay sau khi những người khởi nghĩa chiếm dinh Khâm sai, đồng chí Trần Tử Bình qua điện thoại, với danh nghĩa là Việt Minh đã nắm chính quyền, báo cho một số tỉnh trưởng các tỉnh lân cận giao chính quyền lại cho Việt Minh địa phương.

        Và Hà Nội đã không quên Hải Phòng. Khó khăn về nhân sự như vậy, nhưng từ 19/8, khi quyết định cử anh Phạm Tuấn Khánh (tức Côn) vào Ủy ban nhân dân Cách mạng Hà Nội, chúng tôi đã mạnh bạo cử anh Vũ Quốc Uy (cùng tổ Đảng Dân chủ với anh Khánh ở Hà Nội) làm đặc phái viên xuống Hải Phòng giúp cho địa phương đang còn gặp khó khăn.

        Các đồng chí ở địa phương cùng với anh Uy, theo cung cách và kinh nghiệm của Hà Nội thắng lợi, kịp thời ngày 21/8 đã lập ủy ban khởi nghĩa, ngày 23/8 phát động khởi nghĩa và thành lập ủy ban nhân dân Cách mạng Hải Phòng, với Chủ tịch là đổng chí Vũ Quốc Uy. Tham gia ủy ban có các ông Vũ Trọng Khánh (nguyên Thị trưởng thành phố)3  và bà Nguyễn Sơn Hà.

        Cùng lúc các tàu của bọn biệt kích của tàn quân Pháp - tàu Crayssac và Fréjouls đang thập thò vào thăm dò trên sông Cấm từ ngày 19, cũng phải vội rút ra biển.

--------------
1. Như Nguyễn Thế Nghiệp (cựu Quốc dân Đảng), Võ Văn Cầm (Thanh niên Ái quốc), sau vụ bị trừng trị hụt ở phố Huế... cũng có mặt.

2. Theo lời thuật của các đồng chí Trường (nay là cán bộ công an đã nghỉ hưu), Quang Liêm (Bộ Công nghiệp nặng) là tự vệ, đội Danh dự lúc đó.

3. Ông Vũ Trọng Khánh sau là Bộ trưởng Tư pháp Chính phù lâm thời 1945.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 08:57:43 am »

        Còn với Hà Đông, địa đầu cửa ngõ Thủ đô, Hà Nội đã có những mối quan hệ tương hỗ thực gắn bó.

        Cuộc khởi nghĩa của nhân dân thị xã Hà Đông ngày 19/8 đã gặp trắc trở nghiêm trọng. Sau khi ta đã làm chủ được dinh Tỉnh trưởng (ông Hồ Đắc Điềm, tỉnh trưởng, đã bỏ trống dinh, về ở với gia đình ở Hà Nội từ ngày trước), quần chúng cách mạng biểu tình diễu hành rồi bất ngờ định ào vào chiếm trại Bảo an binh. Nhưng chỉ huy trại Bảo an, quản Dưỡng, đã cho nổ súng. Việc chiếm trại không thành. Nhiều cán bộ và đồng bào thương vong, bị thương, bị bắt vào trại. Những người khởi nghĩa đã phải dạt ra ngoài thị xã, một phần ớ bên này cầu Đơ phía Hà Nội. Anh Nguyễn Huy Khôi báo cho biết có anh Lê Trọng Tấn từ Hà Đông ra thành phố đến gặp anh Nguyễn Quyết, xin Hà Nội tiếp viện. Nhưng Hà Nội lúc đó chỉ có thể thu xếp cử được một đội tự vệ khu phố để giúp.

        Ủy ban nhân dân Cách mạng được báo khẩn cấp, đã quyết định giao cho tôi đại diện ủy ban cho đi tìm và mời ông Hồ Đắc Điềm, nguyên tỉnh trưởng Hà Đông lúc đó sống ở Hà Nội, để bàn và tìm cách giải quyết nhanh vụ việc sao cho êm thấm, tránh không được để xảy ra xung đột, vì Hà Đông và cũng vì phải ngăn chặn ngay những hệ quả vô cùng nguy hại có thể đưa đến cho cuộc khởi nghĩa đương tiến triển hết sức thuận lợi ở Hà Nội.

        Tôi, ông Hổ Đắc Điềm, cùng với anh Mai Nhân, đội trưởng tự vệ1 ba người lên chiếc xe đen, có cắm cờ Việt Minh, chạy dọc theo đường Hàng Bột, phóng vào phía thị xã thì bị chặn lại ờ bên này Cầu Đơ. Sau khi tìm gặp và trao đổi với đồng chí Xứ ủy phụ trách, tôi từ một gian nhà nhỏ bên này cầu, qua điện thoại với thị xã bắt liên lạc với trại Bảo an. Tôi xưng danh là đại diện của ủy ban nhân dân Cách mạng Hà Nội vào cùng với ông Hổ Đắc Điểm, tỉnh trưởng cũ đã theo Việt Minh, chúng tôi vừa ra lệnh vừa thuyết phục để quản Dưỡng phải cho đón gặp. Ông Hổ Đắc Điềm phải nhiều lần nói chuyện tự do và trực tiếp
y mới tin và cuối cùng đã chịu chỉ để cho tôi và anh Mai Nhân không mang vũ khí, qua cầu và được dẫn vào trại, nơi y cố thủ Sau một cuộc đối thoại gay gắt xen lẫn với những hàng động dung dọa, quản Dưỡng đã phải chịu quy phục cách mạng. Đồng bào bị bắt giữ được thả ngay tại chỗ cùng với số vũ khí bị mất.

        Có tiếng hoan hô vang lên.

        Quản Dưỡng cam kết với “Việt Minh Hà Nội” sẽ cùng anh em Bảo an về với ủy ban nhân dân Cách mạng Hà Đông do đồng chí Đặng Kim Giang làm chủ tịch.

        Khởi nghĩa của nhân dân thị xã Hà Đông đã toàn thắng. Chính quyền nhân dân cách mạng Hà Nội với uy thế của Việt Minh thủ đô, đã đáp nghĩa đối với người anh em ở cửa ngõ quan trọng của mình như vậy.

        Chúng tôi trở về Hà Nội khi trời bất đầu tối. Gió thu thoáng mát. Trên đường, dân và tự vê phố Hàng Bột khu gò Đống Đa lịch sử vẫn sôi nổi ổn ào quăng đồ đạc ra đường làm chiến lũy... Xe “Việt Minh” trân trọng đưa ông Hồ Đắc Điềm về tận nhà trên bờ hồ Halais (hồ Thiền Quang).

        Mệt nhưng phấn khởi, tôi hít thở thoải mái không khí trong lành dường như vẫn còn hối hả, sôi sục nhưng đượm tình thân thiết của phố phường Hà Nội tươi mới trong độc lập, tự do. Thấm đậm một cảm nhận tuyệt vời về chù trương đại đoàn kết bao la, rộng mở và khơi dậy sức mạnh vô địch của nhân dân.

Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 1995       

------------
1. Anh Mai Nhân trong đơn vị tự vệ đóng ở Bắc Bộ phủ, trước là Thư ký Sở Tài chính, sau vào giải phóng quân, đại tá QĐNDVN (Tổng cục Hậu cần), đã mất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 09:07:04 am »

     
KÝ ỨC VỀ MỘT THÁNG TÁM LỊCH SỬ 1

Súng nổ và báo động

        Trưa ngày 22/8/1945, tôi trực ở Bắc Bộ phủ (phủ Khâm sai cũ), bỗng nghe nhiều tràng súng nổ. Tự vệ báo: Pháp ở Khách sạn Métropole gây hấn. Sau đó đã thấy quân đội Nhật kéo đến bao vây cả khu vực. Người sĩ quan liên lạc Nhật vào tìm gặp tôi hỏi tin và báo: Bộ chỉ huy tối cao Nhật mời tôi 20 giờ đến gặp tại Tổng hành dinh.

        Lúc đó cuộc khởị nghĩa ở nội ngoại thành vẫn tiếp tục bùng lên. Vụ tên quản Dưỡng nổ súng vào quần chúng khởi nghĩa ở Hà Đông đã được giải quyết tạm yên. Nhưng còn nhiều việc nóng bỏng: Tin đồn quân Đồng minh và quân viễn chinh Pháp đang kéo tới. Tù binh Pháp trong thành nhốn nháo, tây đầm ồn ào kéo nhau đến Khách sạn Métropole, đối diện với trụ sở ủy ban nhân dân Cách mạng ở Bắc Bộ phủ. Tự vệ, thanh niên sôi sục lùng bắt Việt gian quanh Bờ Hồ... Anh Minh Việt báo: một số sinh viên, trí thức ở Việt Nam học xá xốn xang đã tự động gửi điện thẳng cho Bảo Đại đề xuất giao Việt Minh lập chính phủ2...

        Ủy ban nhân dân Cách mạng Bắc Bộ cho báo động ngầm, dự phòng gập lúc nguy cấp sẽ có lệnh cho rút bớt cán bộ về an toàn khu ở ngoại thành, đánh du kích chờ lực lượng của Trung ương về tiếp cứu. Hà Nội khởi nghĩa nhanh chóng thắng lợi, lập chính quyền nhân dân, làm chủ thành phố đã 3 ngày đêm. Tinh thần dân chúng bốc cao nhưng Hà Nội chi mới có các tổ tự vệ, tự vệ chiến đấu chưa tập trung, và số vũ khí ít ỏi của quần chúng. Lực lượng Bảo an binh, cảnh sát chế độ cũ đã bị giải thể. Hà Nội lại chưa liên lạc được với Trung ương. Còn phải đối mặt với hơn một vạn quân các sư đoàn Nhật chưa hạ vũ khí, chờ quân Đồng minh tới...

        Tối ngày 22/8, khi gặp các tướng Nhật ở Tổng hành dinh (33 Phạm Ngũ Lão), ban đầu tôi tường chỉ có việc súng nổ ở Hà Nội. Không dè phía người Nhật gay gắt nêu vấn đề không chỉ ở Hà Nội mà còn vụ “gây rối” ở Đông Anh và nhấn mạnh: Việt Minh các ông đã nổ súng đánh vào quân đội Hoàng gia ở Thái Nguyên. Vua Bảo Đại ở Huế yêu cầu Nhật giúp giữ trật tự.

        Tôi đáp lại: Hà Nội chúng tôi vẫn giữ được an ninh trật tự và bác bỏ ý kiến của Bảo Đại vì nhân dân chúng tôi đã gạt bỏ chính quyển của vua Bảo Đại rồi.

        Rút cục viên tướng Nhật để xuất - vẻ thúc bách - quân đội Hoàng gia muôn giúp Việt Minh Hà Nội đi cùng vói người Nhật lên Thái Nguyên để báo tin Hà Nội khởi nghĩa và chấm dứt cuộc xung đột ờ Thái Nguyên.

        Bị bất ngờ, tôi nói đổ về bàn trong lãnh đạo của chúng tôi và sẽ trả lời sau. Người Nhật đổng ý...

        Đã khuya, tôi đến thẳng chỗ anh Nguyễn Khang. Các anh Trần Tử Bình, Trần Đình Long... có mặt đểu bị bất ngờ, nhưng vô cùng phấn chấn về tin Quân Giải phóng đã đánh Thái Nguyên và đã làm cho quân Nhật ở đấy rối lên...

        Nhưng lại có thêm tình hình mới, phức tạp. Trinh sát báo: đã có một toán sĩ quan Đồng minh, Mỹ và cả Pháp đến Gia Lâm, được Nhật đưa về Khách sạn Métropole từ chiều. Ta đã tìm cách tiếp cận. Và họ sắp gặp Bộ chỉ huy tối cao Nhật3. Chúng tôi thảo luận sôi nổi nhưng có phần lúng túng. Cuối cùng đồng chí Nguyễn Khang kết luận: chúng ta đã làm chủ được Hà Nội trước khi quân Đồng minh tới, đúng như ý của Trung ương, bất kỳ thế nào thì cũng không được rút mà càng phải trụ lại. Xứ ủy tiếp tục cho liên lạc gấp với Trung ương để xin chỉ thị và đề nghị về tiếp cứu. Khó mấy rồi Trung ương cũng sẽ giải quyết được. Ta không đi cùng với Nhật nhưng tránh khiêu khích họ. Anh Long nhắc thêm cũng phải tránh không được làm Đồng minh hiểu lầm.

        Ta đã báo cho Nhật biết: sẽ đi Thái Nguyên nhưng bằng đường riêng và phương tiện riêng của ta. Tinh hình sau đó có vẻ tạm yên...

-------------
1. Tạp chí Xưa và nay số 147 tháng 9/2003

2. Đó là một số giáo sư, trí thức có Hồ Hữu Tường, Ngụy Như Kontum (L.T.N.)

3. Sau này A.Patti, thiếu tá sĩ quan Mỹ trường toán Mercy (thuôc cơ quan tình báo OSS Mỹ) được Bộ chi huy chiến trường Trung Hoa phái gấp sang Việt Nam về vấn dề tù binh Đồng minh, ghi lại: Khi đến Hà Nội ngày 22, ông ngạc nhiên không ngờ “Chính phù Việt Minh đã kiểm soát thành phố”, cờ Việt Minh đã treo cao trên nóc Phù Khâm sai và cũng là dinh Thống sứ Pháp cũ. A.Patti đã tìm liên lạc với ủy ban của “Việt Minh” và gặp Bộ Chỉ huy Nhật. (Theo Patti trong sách ‘Tai sao Việt Nam”, trang 292 Nxb Đà Nấng, 1995)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 08:58:22 pm »


Trung ương đã về

        Khí thế quần chúng vẫn sôi nổi tưng bừng. Ta đã bắt đầu sử dụng được Đài phát thanh Bạch Mai. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhờ có anh Đan (Xuân Thủy) mới từ căn cứ ở Hà Đông về. Tôi tranh thủ giúp anh Nguyễn Duy Thân sắp xếp ủy ban nhân dân cách mạng ở Sở Bưu điện, ở Xưởng Aviat, Xưởng S.T.A.I, giải quyết va chạm hiểu lầm mới chớm nở giữa “Việt Minh cũ và Việt minh mới”, Dân chủ Đảng và Cứu quốc, đảm bảo đoàn kết và việc điều hành công tác ở các nơi đó không bị gián đoạn...

        Chiều ngày 23/8, đột nhiên anh Nguyễn Khang trở lại tìm tôi ở Bắc Bộ phủ. Vẻ phấn chấn anh vội báo tin mừng Trung ương đã về. Anh tiết lộ đã trực tiếp báo cáo với Tổng Bí thư Trường Chinh, Trung ương hỏi rất kỹ về vấn đề quan hệ với Nhật, Hà Nội chúng ta được khen nhưng sơ bộ có nhận xét còn thiếu sót ở chỗ chưa chiếm nhà Ngân hàng. Anh dặn vẫn phải giữ bí mật và chuẩn bị đưa ngay các đổng chí lãnh đạo Trung ương tuyệt đối an toàn vào nội thành.

        Sau này mới biết: ngay sau khi được tin Hà Nội đã khởi nghĩa giành chính quyền, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đã rời mặt trận đang nóng bỏng ở Thái Nguyên chuyển về Hà Nội1.

        Đồng chí Trường Chinh vòng sang phía tây, vượt sông Hồng về an toàn khu ở Phú Thượng nay thuộc quận Tây Hồ. Sau đó đồng chí Trần Đăng Ninh đã cẩn trọng đón “Ông Ké - Bác Hồ” về tiếp.

        Và ngày 25/8, “Ông Ké” vào trung tâm thành phố, bước đẩu ở cơ sở phố Hàng Ngang. Đồng chí Trường Chinh và một số đổng chí Trung ương trong ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam đã khẩn trương liên tục cùng làm việc với danh nghĩa Chính phủ.

        Cờ đỏ sao vàng trên nóc trụ sở ủy ban nhân dân Cách mạng Bắc Bộ và ủy ban Hà Nội phấp phới tung bay.

        Ngày 28/8 báo Cứu quốc đăng tin gây chấn động: “Chính phủ Nhân dân Cách mạng” họp ở Hà Nội ra “Tuyên cáo về việc thành lập “Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu làm Chủ tịch kiêm ngoại giao...”. Tên Chủ tịch Hổ Chí Minh đột nhiên công khai xuất hiện trước công chúng và quân tướng Nhật Bản. Cho đến nay, tôi vẫn còn xúc động mỗi khi nhớ tới tờ Cứu quốc ngày 28/8 đó...

        Sau hơn 30 năm bôn ba năm châu bốn biển, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã trở về tổ quốc năm 1941 và mùa thu 1945, lần đầu tiên Người đặt chân lên đất Thãng Long với tên Hồ Chí Minh để dựng lên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

        Cũng trong ngày 28/8, các đơn vị Quân Giải phóng nổi tiếng ở Chiến khu Việt Bắc kéo về, hùng dũng và thận trọng tiến vào các phô phường. Toàn dân, chiến sĩ Hà thành nô nức đón mừng và hỗ trợ hết lòng giữa những tiếng hoan hô nồng nhiệt, vang động hổ Gươm.

        Tin tức như sấm động đầu mùa, rung động bầu trời báo hiệu một kỷ nguyên mới bắt đầu.

        Mừng vui khắp chốn. Nhưng loáng thoáng đó đây lại thấy có ít nhiều phân vân và ngỡ ngàng...

-----------------
1. Hội nghị Tân Trào kết thúc, Quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất phát và sáng ngày 20 nổ súng đánh trận quan trọng đầu tiên vào Thái Nguyẽn, mở đường Nam tiến. Trận đánh dương tiếp diễn, ngày 22, Trung ương nhận được tin Hà Nội đã khởi nghĩa lập chính quyền từ ngày 19/8. Tin trên báo Đông Phát do cơ sở Việt Minh ờ thị xã đưa tới. Các đổng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Trường Chinh lập tức về Hà Nội... Cuộc tiến công Thái Nguyên được giao lại cho các dổng chí Đàm Quang Trung, Trung Đình, có thiếu tá Thomas đi cùng. " Thiếu tá Thomas là sĩ quan tình báo oss Mỹ chi huy toán Con Nai được phối đến chiến khu Việt Bắc với Việt Minh từ tháng 7/1945...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 09:02:35 pm »


Khoảnh khác kỳ diệu

        Có Trung ương và Bác Hồ chỉ đạo, Hà Nội như được chuyển mình lớn hẳn lên. Tôi phấn chấn ra sức phục vụ. Vinh dự và tự hào được tham gia, chứng kiến một loạt các “đại sự” động trời dồn dập diễn ra như để cướp thời gian trong tuần lễ trước ngày 2/9...

        Có tin đại quân ‘Tàu Tường” (Trung Hoa) đã đến sát biên giới phía Bắc. Tức khắc Trung ương cử phái viên Chính phủ lên Thái Nguyên cùng với Bộ Chỉ huy tối cao Nhật cho thực hiện lệnh ngừng chiến. Ngày 26/8 quân Nhật ờ Thái Nguyên rút về nơi tập trung. Chi đội Quân Giải phóng do đồng chí Quang Trung chỉ huy anh dũng cấp tốc hành quân từ Thái Nguyên, ngày 28 vượt cầu Doumer sông Hồng vào Hà Nội.

        Một bước đi tuyệt diệu: vừa khẳng định chính quyền nhân dân cách mạng Trung ương, chính thức giải tỏa quan hộ đối đầu từ thời chiến giữa Việt Minh (Việt Nam) với quân đội chiếm đóng Nhật, gạt bỏ hết trở ngại, mờ quan hệ hòa hảo mới; vừa đưa được các đơn vị Quân Giải phóng nổi tiếng từ chiến khu vể chiếm lĩnh một cách nhanh chóng địa bàn Hà Nội lúc đó chỉ có lực lượng tự vệ võ trang của quần chúng. Quân Giải phóng cùng vói Tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu (mới tập trung) triển khai kế hoạch bố phòng quân sự bảo vệ Bác và Trung ương, đồng thời làm lực lượng quân đội công khai hậu thuẫn cho việc Chính phủ đầu tiên sau Tổng khởi nghĩa sẽ chính thúc ra mắt vào ngày 2/9 ở Ba Đình, trước khi quân đội Trung Hoa của Đổng minh có mặt và Nhật sẽ ký kết đầu hàng...1.

        Cùng lúc, Hồ Chủ tịch ở Bắc Bộ phủ tiếp thiếu tá A.Patti - trưởng toán đặc nhiệm quân Đồng minh - đặt liên lạc với các cường quốc Đồng minh, Mỹ, Trung Hoa, Pháp, khẩn trương khai phá quan hệ quốc tế nhằm chống lại các mưu toan xâm lược, tạo điều kiện thuận lợi cho nước Việt Nam mới ra đời, được công nhận và gia nhập vào đại gia đình các nước dân chủ tiến bộ...

        Đối với chính quyền bù nhìn tay sai còn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp nhận đề nghị của vua Bảo Đại xin chính quyền cách mạng cho được thoái vị. Phái đoàn do anh Trần Huy Liệu dẫn đầu2 rời Hà Nội đi Huế để cùng ủy ban nhân dân Thuận Hóa cho tiến hành lễ thoái vị vào 30/8. Chế độ quân quyền phong kiến thực dân, cùng với vương triều nhà Nguyễn công khai tự tuyên bố cáo chung giữa thanh thiên bạch nhật, trước bàn dân thiên hạ ở ngay kinh đô Huế. Êm thấm, không đổ máu. Vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho đại diện Chính phủ và trở thành công dân nước Việt Nam mới.

        Tiếp đó ở Hà Nội, Hồ Chủ tịch cũng ra lệnh trả tự do cho nguyên Khâm sai Bắc Kỳ, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, bị Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội bắt giữ 19/8...

        Việc chuẩn bị nhân sự Chính phủ lâm thời - đỉnh điểm thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa - đã được Bác, đổng chí Trường Chinh đặc biệt chú trọng xúc tiến với những hành xử thật mới lạ, độc đáo, thuyết phục và lôi cuốn...

        Chúng tôi ngày đêm đã phải chật vật để đảm bảo cho Bác, mặc dù còn ốm mệt, vẫn gặp gỡ trực tiếp với dân, nhất là đối với các vị trí thức, quan chức cũ, chức sắc Thiên chúa giáo... những địa chỉ mà “dân Hà Nội chúng tôi” cũng có khi còn e ngại.

        Lại rất ngạc nhiên thấy Bác thực kiên quyết và khéo léo cho phê phán ngay trong lúc chúng ta đương thắng thế, điều mà đổng chí Trường Chinh gọi là “đầu óc hẹp hòi, công thần, ấu trĩ tả khuynh” trong cán bộ Đảng và Mặt trận để rồi phải sửa lại danh sách một số các vị (đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hữu Đang...) mới được đề cử và đã đưa lên báo. Mấy bậc đàn anh kỳ cựu và cả tôi cũng được dịp xem xét lại mình.

        Nhưng dư luận công chúng xôn xao và rộ hẳn lên khi báo Cứu quốc ngày 28/8, đã công khai và minh bạch đăng bản “Tuyên cáo về việc thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

        “Chính phủ lâm thời không phải là chính phủ riêng của Việt Minh. Cũng không là một chính phủ chỉ gồm đại biểu của các chính đảng...” (Báo Cứu quốc 28/8/1945).

        Người ta càng náo nức bàn tán về danh sách thành viên Chính phủ mới được công bố. Bên cạnh tên các nhà lãnh đạo mácxit, công sản, Dân chủ Đảng (Việt Minh) có tiếng tăm như Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe, Dương Đức Hiền, còn có tên các nhân sĩ không đảng phái: học giả Nguyễn Văn Tố, trí thức công giáo kỹ sư Nguyễn Mạnh Hà, bác sĩ Nam Bộ Phạm Ngọc Thạch, “Hùm xám Bắc Sơn” người dân tộc Chu Văn Tấn...

        Chúng tôi lại được báo: Ủy ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ được đổi thành ủy ban Hành chính Bắc Bộ với kỹ sư Nguyễn Xiển không đảng phái làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Văn Trân, Xứ ủy viên của Đảng Cộng sản, Phó Chủ tịch. Đồng chí Nguyễn Khang được rút về làm công tác Đảng. Tôi cũng xin chuyển về nhận công tác Mặt trận.

        Ở Hà Nội, ủy ban Hành chính được thành lập do bác sĩ Trần Duy Hưng, huynh trưởng Hướng đạo sinh của Bắc kỳ thay đồng chí Trần Quang Huy làm Chủ tịch. Đồng chí Khuất Duy Tiến, mácxit, Phó Chủ tịch...

        Thời thế dường như đang chuyển xoay... Trước ngày 2/9 cả một bầu không khí phấn khởi cách mạng tiếp dâng cao và lan tỏa mạnh, thiêng liêng và đầy lãng mạn. Giữa cao trào tổng khởi nghĩa sôi sục, náo động, quyết liệt đã bừng sáng lên tính chính nghĩa và đức độ nhân văn cao cả với những nét đặc thù đang định hình: quyết hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam hoàn toàn độc lập, đoàn kết và hòa hợp dân tộc, khoan dung độ lượng, đồng thuận và minh bạch dân chủ...

        Quanh tôi một vài ý kiến lạc lõng phảng phất hoài nghi: Hồ Chí Minh là ai? Cộng sản hay quốc gia? Tranh giành quyền lực? Thủ đoạn chính trị?... xẹp dần...

        Chiều ngày 28/8, trên chiếc xe đạp cũ, tôi rời Bắc Bộ phủ về cơ quan Đảng Dân chủ. Khí thế thanh niên Việt Nam phơi phới tự hào. Kết thúc chặng đường nóng bỏng, đầy thách thức gay go, quyết liệt nhưng hào hùng từ Hỏa Lò đến Dinh Khâm sai đại thần Bắc Bộ là như vậy.

----------------
1. Đội tiển trạm quân Trung Hoa ngày 3/9 mới đáp máy bay đến Hà Nội. Quân Trung Hoa của tướng Lư Hán đến 9/9 mới tới. Và 28/9 tướng Lư Hán và tướng Nhật Tsuchihashi mới tiến hành lẻ ký kết đầu hàng.
    
2. Trần Huy Liệu - Phó Chù tịch UB Dân tộc giải phóng Việt Nam Nguyên Lương Bàng và Cù Huy Cận - Đảng Dân chù - trong UB Dân tộc giải phóng Việt Nam.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM