Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:31:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vũ Xuân Thiều - Phi công cảm tử  (Đọc 22616 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2016, 10:01:17 pm »

        Anh không cô đơn đâu! Không ai để anh cô đơn đâu! Dù anh xa Mẹ, xa các anh chị, xa các em, các đồng đội của anh, nhưng ở đây, anh đã có đồng bào, đã có các dân tộc chăm sóc cho anh. Tấm lòng người miền núi luôn rộng mở. Người miền núi đôn hậu, hiền hòa, chất phác, quý người... Bữa rượu nào, .theo phong tục, trước khi uống chén đầu tiên là phải rót một chút qua vai trái xuống đất. Mọi người làm thế là để tưởng nhớ những người đã mất, tưởng nhớ anh đấy.

        Và chúng tôi, những đồng đội của anh không bao giờ quên được anh. Anh vẫn luôn cùng chúng tôi trong những ban bay huấn luyện, trong những chuyến xuất kích, trong những lúc vui, lúc buồn...

        Anh và các anh khác như Nguyễn Ngọc Thiên, Trần Hóa, Phạm Thành Nam, Phạm Đình Tuân, Bùi Văn Long, Nguyễn Ngọc Hưng, Phạm Văn Mạo... vẫn luôn luôn bên cạnh chúng tôi, vẫn cùng bay cùng đội hình, cùng cất cánh bay đi canh giữ đất trời...

        Đêm 29 tháng 12, Bùi Doãn Độ trực chiến tại sân bay Kép nhận lệnh vào cấp, xuất kích từ đường ngang của sân bay Kép lên tìm B-52 nhưng không gặp. Khi quay về bay ở độ cao 4500 m, Sở Chi Huy thông báo có địch bay từ phía phải qua trái. Độ phát hiện thấy ánh đèn chớp chớp liền bật tăng lực, ép theo, lại không thấy nữa đành tắt tăng lực, giảm độ nghiêng thì ngay bấy giờ lại phát hiện thấy máy bay địch. Đấy không phải là B-52 mà là loại F-4. Độ bật tăng lực, kéo gấp, bằng mắt thường nhìn thấy được cả ánh lửa trong buồng đốt của động cơ thằng F-4, Độ ấn nút phóng tên lửa, phóng 2 quả liền sau đó kéo thoát li trái. Lúc lật lại, thấy thằng F-4 mang độ nghiêng và lao xuống với góc bổ nhào khoảng 30 độ. Bùi Doãn Độ kéo cao, thoát li về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc. Thằng F-4 rơi ở địa phận tỉnh Phú Thọ.

        Đây là chiếc máy bay cuối cùng của Không lực Hoa Kỳ bị Không quân ta bắn hạ (ban đêm) trong cuộc chiến tranh leo thang đánh phá ra miền Bắc và trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" này.

        Tổng kết lại, trong khoảng thời gian 11 ngày và 12 đêm (từ đêm 18 đến đêm 29 tháng 12 năm 1972) Mỹ đã cho xuất kích 663 lần chiếc B-52 (riêng Hà Nội 417 lần chiếc) và gần 2000 lần chiếc máy bay chiến đấu chiến thuật các loại, trút hơn một vạn tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác trên miền Bắc. Nhưng kết quả, Mỹ đã phải trả giá đắt: 81 máy bay đã bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc "siêu pháo đài bay B-52" (16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F-lll, hàng chục phi công Mỹ bị bắt làm tù binh. Tỉ lệ máy bay B-52 Mỹ đã bị tổn thất gần 18% tổng số máy bay B- 52 của Mỹ có ở Đông Nam Á. Đây là tổn thất Mỹ đã không chịu đựng nổi buộc Tổng thống Mỹ Ních-Xơn vào đúng 7 giờ ngày 30 tháng 12 năm 1972 phải tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc Vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp Chính phủ ta tại Pa-ri bàn việc ký Hiệp định.

        Đầu năm 1973, Đại đội 5 được bổ sung thêm 14 phi công mới tốt nghiệp Trường Không quân Liên-xô, gồm:

        Đinh Trọng Kháng
        Bùi Quốc Tế
        Cao Văn Tiến
        Tạ Văn Sửa
        Nguyễn Văn Dương
        Lại Quốc Việt
        Nguyễn Văn Đậu
        Nguyễn Văn Miên
        Đoàn Thanh Cần
        Nguyễn Hồng Nga
        Nguyễn Văn Mịch
        Bùi Văn Tập
        Nguyễn Huy Đãng
        Vương Hữu Quý

        Đại đội đã nhanh chóng tổ chức cho số phi công mới này bước vào bay huấn luyện đêm và ngày. Lực lượng chiến đấu của Đại đội nói riêng, của Trung đoàn và của Quân chủng Phòng không - Không quân nói chung đã trưởng thành, ngày càng lớn mạnh. Đội ngũ phi công bay đêm đã nỗ lực tập trung chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sẵn sàng cùng các lực lượng bay ngày, đánh ngày bảo vệ vững chắc đất trời của Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2016, 10:07:51 pm »

        Trở lại Sơn La, không biết có phải do số phận sắp đặt hay không mà ở trường nội trú Bế Văn Đàn của tình Sơn La có một cô học trò là Bế Kim Hương cùng một bạn học nữa đi học qua nghĩa trang, thường xuyên đến thăm mộ Thiều. Hầu như ngày nào đi học về sớm, Hương và bạn cũng đều tạt vào nghĩa trang, đến với Thiều. Việc ấy diễn ra đều đặn, tự nhiên như số phận đã giao cho Kim Hương nhiệm vụ như vậy suốt mấy năm ròng, từ khi Hương còn học lớp 6, lớp 7 cho đến khi Xuân Thiều được đưa về xuôi.

        Và vào các ngày giỗ Thiều, tuy gia đình đã chuyển từ Sơn La về Thái Nguyên, Hương vẫn tìm đến gia đình để viếng Thiều, năm nào mà bận quá, không đến được thì Hương nhờ chị của Hương đến viếng.


Bế Kim Hương viếng mộ Vũ Xuân Thiều
(Người đúng đầu tiên bên trái)

        Vũ Xuân Thiều đã nằm ở mảnh đất Sơn La từ năm 1972. Và rồi rừng núi cũng không giữ anh được mãi. Cũng đến lúc anh phải về xuôi. Nơi ấy có Mẹ già, có các anh chị em... của anh đang ngày đêm ngóng trông anh...

        Năm 1995, Xuân Thiều được đón từ Sơn La về Hà Nội. Lên đón Thiều có anh Vũ Xuân Thăng, chị Vũ Thị Kim Quy, chú em Vũ Hữu Nghị, cháu Hiếu; đồng đội có anh Trần Việt...

        Chủ tịch tình Lê Bình Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Tòng Thị Phóng đã chỉ thị cho các cơ quan, ban ngành phải tổ chức tiễn người Anh hùng Vũ Xuân Thiều cho thật chu đáo, trang trọng.

        Chị Hà Thị Chăm - Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X kể lại: Hôm đưa anh Thiều về xuôi, trời rét lắm. Các thành phần đưa tiễn anh gồm lực lượng bộ đội, các em thiếu nhi và rất nhiều bà con nhân dân tình Sơn La, đông lắm... Tất cả đều lưu luyến, không ai muốn đưa anh đi, bởi anh đã ở với bà con Sơn La cũng lâu rồi, thành người con của tỉnh Sơn La rồi.

        Không khí thật trang nghiêm. Chủ tịch Tỉnh Lê Bình Thanh đọc lời điếu trong lễ tiễn đưa anh về xuôi và tôi được giao nhiệm vụ "tháp tùng" anh Vũ Xuân Thiều về Hà Nội. Khi về đến Hà Nội - về nghĩa trang Văn Điển thì đã gần 8 giờ tối. Lực lượng đón anh ở đây cũng rất đông. Rất nhiều các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và các cán bộ thuộc các cơ quan của Quân chủng Phòng không Không quân đã đứng chờ sẵn để đón anh Thiều rồi. Tôi thay mặt lãnh đạo và bà con nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La phát biểu với những lời thật chân tình, nói lên tình cảm của nhân dân tình Sơn La biết ơn và quý trọng anh Thiều ra sao, bin rịn không muốn chia tay anh trong buổi lễ tiễn đưa như thế nào. Anh đã về đây, về gần gũi với gia đình hơn, nhưng nhân dân tỉnh Sơn La sẽ thương nhớ anh nhiều hơn, tưởng nhớ đến anh nhiều hơn...

        Anh đã về xuôi, về với mảnh đất anh từng gắn bó cả một thời trai trẻ, gắn bó với gia đình, trường lớp và bạn hữu, nhưng chắc anh cũng không thể quên mảnh đất nơi anh đã nằm lại hơn 20 năm trời.

        Anh không thể quên được tình cảm của bà con miền Tây Bắc, đặc biệt là bà con tỉnh Sơn La giành cho anh. Anh đã đi rồi, nhưng "ngôi nhà" của anh ở nghĩa trang Bố Ân vẫn giành cho anh ở nơi trang trọng với hàng chữ như những ngày anh từng ở đây:

        Liệt sĩ Anh hùng LLVTND
        Vũ Xuân Thiều
        Sinh ngày 7-2-1945
        Quê: Hải An, Hải Hậu, Nam Hà
        Đã diệt pháo đài bay B-52
        Giặc Mỹ trên vùng trời
        Sơn La và hy sinh.


        Anh vẫn được chăm sóc để "ngôi nhà" của anh không lạnh lẽo. Anh vẫn có nơi để anh nghỉ ngơi khi anh lên thăm lại đồng đội, hàng xóm của anh, thăm lại bà con nhân dân tình Sơn La.

        Anh không bao giờ lẻ loi.

        Bà con nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La vẫn quý mến anh, vẫn giành cho anh những tình cảm yêu thương thắm thiết nhất. Và những ngày gần đây thôi, tên anh sẽ được đặt cho một con đường của Thị trấn Mộc Châu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2016, 10:09:45 pm »

        Vào năm 1994, khi các phi công cùng với các gia đình phi công của đoàn bay MiG-21 khóa 3 tổ chức trở lại thăm Trung đoàn, thăm các nơi từng sống, từng gắn bó một thời thì anh Trần Ngọc Nhuận - người từng ở cùng Trung đội bay đêm với Vũ Xuân Thiều có viết bài "Chiều Đa Phúc", tưởng nhớ các liệt sĩ phi công:

                          Chiều nay anh đưa em về đây
                          Thăm mảnh đất Trung du một thời khói lửa
                          Những hố  bom xưa dẫu không còn nữa
                          Chỉ một vùng đồi cỏ guột ngắt xanh
                          Mấy dáng thông quen, lá vẫn biếc cành
                          Vẫn tiếng gà gô gáy dồn bên sườn núi
                          Bao kỷ niệm tháng năm dào dạt tới
                          Để một chiều thương nhớ những chàng trai
                          Ôi!
                          Tiếng cười vui còn ngân đến hôm nay
                          Từng giọng nói âm vang căn hầm nhỏ
                          Ơi những phi công tuổi đôi mươi ngày đó
                          Những Thiên thần bằng xương thịt của ta
                          Lần cuối cùng đã cất cánh bay xa!...

                          Chiều nay anh đưa em về đây
                          Nơi ngày xưa cũng có chiều bình lặng
                          Cũng có chiều rạo rực bản tình ca
                          Cũng có chiều có Anh mong ngóng lá thư xa
                          Bởi cũng có Em chậm ngày chưa viết
                          Ở nơi đó Em đâu có biết
                          Chỉ mấy phút sau, Ai có thể không về
                          Cứ mỗi lần xuất kích bay đi...
                          Chiều nay ta đưa nhau về đây
                          Nơi vĩnh biệt những người đồng đội
                          Những phi công tuổi thanh xuân phơi phới
                          Vẫn rụt rè chưa dám hỏi lời "yêu"
                          Vừa nhận thư Em, chưa đọc hết mọi điều
                          Đã đem trọn Tình Yêu vào trận đánh
                          Giữa trời cao, Anh tiến công dũng mãnh
                          Tan tác bóng thù, Anh cũng mãi đi xa...
                          Chiều nhớ thương ơi những đồng đội chúng ta
                          Những Tuân, Hóa, Thiên, Thiều,
                          Khánh, Hưng, Long, Nam, Mạo

                          Chiều nay ta đưa nhau về đây
                          Thăm mảnh đất Trung du một thời khói lửa
                          Những hố  bom xưa dẫu không còn nữa
                          Mặt đất bốn mùa hoa nở hương say
                          Hãỵ ngắm trời cao trong từng dáng mây bay
                          Thấy bóng Các Anh hóa thân vào Bất Tử
                          Có phải Các Anh vẫn đội hình trên đó
                          Vẫn nguyện làm Cận Vệ giữa trời xanh
                          Để mãi ngàn năm Đất Mẹ yên bình!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2016, 08:18:59 am »

       

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi mẹ Vũ Xuân Thiều và gia đình


Đại tướng Võ Nguyên Giáp thắp hương viếng Vũ Xuân Thiều

        Tên người Anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều đã được đặt cho một đường phố thuộc thị trấn Sài Đồng, quận Long Biên - Hà Nội, tại thị trấn này cũng có trường phổ thông cơ sở mang tên Vũ Xuân Thiều.


Đường phố mang tên Anh hùng Vũ Xuân Thiều

        Thành phố Nha Trang cũng đặt tên Vũ Xuân Thiều cho một đường phố của mình.

        Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều cũng được ghi trên danh bia Tổ quốc ghi công tại khu tưởng niệm của nhiều địa phương tại phường Quan Thánh, quận Ba Đình - Hà Nội, tại thị trấn Sài Đồng quận Long Biên, tại nghĩa trang Bố Ấn - Sơn La, tại đền thờ liệt sĩ huyện Hai Hậu...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2016, 08:29:03 am »

        Nhân dịp kỷ niệm 35 năm chiến thắng chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", theo sáng kiến của nhà sử học Dương trung Quốc với phong trào "Mỗi người một giọt đồng tạc tượng danh nhân", bằng sự sáng tạo và lao động miệt mài, nghệ sĩ họa sĩ điêu khắc Tạ duy Đoán đã hoàn tất tác phẩm của mình trong một thời gian ngắn. Đó là bức tượng của liệt sĩ phi công Anh hùng Vũ Xuân Thiều (bức tượng bán thân, bằng đồng, có kích thước tương đương như người thật). Bức tượng đã được trao tặng cho gia đình Xuân Thiều, một bức trao tặng cho Quân chủng Phòng không - Không quân và được trưng bày tai bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân.


Gia đình liệt sĩ Vũ Xuân Thiều với họa sĩ điêu khắc Tạ Duy Đoán (tác giả tác phẩm tượng Vũ Xuân Thiều)


Nhà sử học Dương Trung Quốc trong buổi lễ trao tặng tượng đồng liệt sĩ phi công Anh hùng Vũ Xuân Thiều

        Đấy chính là sự tri ân với liệt sĩ, với tấm gương Anh hùng, dám hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.

        Khi tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ Không quân dựng trên đỉnh núi thuộc địa phận của Sư đoàn Không quân 371 đóng quân được khánh thành, nhiều đoàn thể, đơn vị, nhiều gia đình và cá nhân đã thường xuyên viếng thăm. Tượng đài đã để lại dấu ấn sâu đậm về sự hy sinh cao cả của các thế hệ phi công và các thành phần phục vụ, đảm bảo cho các trận chiến trên không, cho các chuyến bay. Đấy cũng là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hê trẻ với nhiệm vụ bảo vệ bầu trời, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Công Huy đã viết bài "Nói với con" với những lời nhắn nhủ:

                Bố đưa con đến dưới tượng đài
                Nơi tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ
                Nơi có biết bao người yên nghỉ
                Người có danh
                Và cả vô danh
                Trên đầu con
                Thăm thẳm cao xanh
                Chan hòa nắng,
                Thanh bình,
                Yên ả
                Cây óng biếc, mượt mà sắc lá
                Giữa không gian tĩnh lặng đến không ngờ
                Con biết chăng, mảnh đất này năm xưa
                Bom đạn xới, bập dầm trong khói lửa
                Những ngày ấy sục sôi bao trang lứa
                Rất nhiều người cùng trạc tuổi như con
                Dám gạt đi mọi ước vọng cá nhân
                Chấp nhận hy sinh, giữ yên vui Đất Mẹ
                Nếu không có những người như thế
                Người có tên
                Và không tên trên bảng đá này
                Thì cả con, cả bố hôm nay
                Đâu được đứng dưới tượng đài Chiến thắng
                Bố muốn nói với con điều sâu lắng
                Học đi con!
                Học nữa,
                ĐỂ LÀM NGƯỜI!


        Công ơn của những người đã hy sinh thân mình, đã ngã xuống để cho mặt đất, bầu trời được yên lành, thanh bình mãi mãi không bao giờ quên và không ai được phép quên lãng. Họ đã về với hư vô, nhưng chừng như họ vẫn còn đâu đây, vẫn luôn được nhắc tới như vẫn đang sống cùng chúng ta vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2016, 08:34:36 am »

        
LỜI KHÉP

        Có một sự so sánh khá thú vị: Nếu tính các phi công bay đêm của Trung đoàn Không quân 921 thì lớp bay đêm đầu tiên có các anh: Phạm Ngọc Lan, Hà Văn Chúc, Hoàng Biểu, Nguyễn Văn Thuận... Khi chuyển sang đánh ngày thì anh Phạm Ngọc Lan (trong biên đội Lan, Túc, Quỳ, Phương) đã là người đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày 3 tháng 4 năm 1965 trên bầu trời Hàm Rồng - Thanh Hóa, và ngày ấy trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Quân chủng Phòng Không - Không Quân. Đêm 29 tháng 12 năm 1972, anh Bùi Doãn Độ - lứa phi công bay đêm thuộc lớp đàn em đã bắn rơi chiếc máy bay F-4 của Không quân Mỹ (về ban đêm) trên bầu trời Phú Thọ và trở thành người phi công bắn chiếc máy bay Mỹ cuối cùng trong cuộc chiến tranh Mỹ sử dụng lực lượng Không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh ấy, các phi công có liên quan đến bay đêm, đánh đêm đã được nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang như các anh Phạm Ngọc Lan, Hà Văn Chúc, Đinh Tôn, Nguyễn Đăng Kính, Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều..., nhưng còn những phi công bay đêm, đánh đêm khác như Hoàng Biểu, Đặng Xây, Vũ Đình Rạng... thì trong tâm tưởng của rất nhiều người từ lâu rồi các anh cũng đã thực sự là những người Anh hùng.

        Để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với lực lượng Phòng Không - Không Quân, cụ thể là đối với phi công, phải xem xét đến việc có bảo vệ được mục tiêu được giao hay không đã. Ví dụ, nhiệm vụ được giao là phải bẻ gãy, ngăn cản các đợt tấn công của Không quân địch, không cho chúng bắn phá, ném bom vào mục tiêu A (hoặc B) chẳng hạn. Nếu các phi công của ta xuất kích, đánh chặn, địch, bắt chúng phải quẳng bom từ xa để chạy tháo thân, để không một quả bom, không một viên đạn nào rơi xuống mục tiêu A (hoặc B) cả, thì nhiệm vụ của ta đã hoàn thành, mặc dù không bắn roi được chiếc máy bay địch nào. Đương nhiên, nếu trong trận không chiến ấy, vừa bắn rơi được máy bay địch lại vừa bảo vệ được mục tiêu được giao thì thật là xuất sắc. Nhưng nếu chỉ mải miết tấn công địch để cố bắn roi chúng mà mục tiêu cần bảo vệ lại bị đánh phá tan tành thì thử hỏi thành tích bắn rơi máy bay kia so với mục tiêu cần bảo vệ, bên nào sẽ nặng hơn bên nào?

        Một chuyến xuất kích của các anh đi làm nhiệm vụ chi viện cho mặt trận dưới mặt đất tuy không bắn hạ được máy bay địch, nhưng ngược lại, không quân địch không dám hoạt động đến cả tuần lễ hoặc lâu hơn thì có xứng đáng đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc hay không. Suốt cả thời gian địch không dám hoạt động, các lực lượng bộ binh ta ở dưới mặt đất đã triển khai, đã làm nên bao chuyện bất ngờ cho chiến dịch.

        Vậy nên, khi nói đến những người chưa được phong Anh hùng, nhưng các hành động của họ đã là những hành động Anh hùng và họ được coi là những người Anh hùng trong tâm tưởng của mọi người, mọi thế hệ thì cũng hoàn toàn là xứng đáng và không có gì là quá đáng cả. Và, Đại đội 5 (Phi đội 5 sau này) không kể đến thành tích bắn rơi máy bay địch khi tham gia Trực ban chiến đấu ban ngày mà chỉ tính riêng đến việc tham gia bảo vệ tuyến đường Hồ Chí Minh, tham gia chiến dịch đánh Quảng Trị và trong chiến dịch " Điện Biên Phủ trên không" đã bắn rơi "siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm B-52" và bắn trọng thương "siêu pháo đài bay B-52" khác cũng đã hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Anh hùng, cho dù chưa được Nhà nước phong tặng.

        Trong chặng đường chiến đấu, xây dựng và phát triển của mình, Đại đội 5 bay đêm cũng đã phải gánh chịu những tổn thất, mất mát trong chiến trận, trong khi bay làm nhiệm vụ như các anh Nguyễn Ngọc Thiên, Vũ Xuân Thiều, Phạm Văn Mạo, Nguyên Văn Đậu, Vương Hữu Quý...

        Dù các anh không còn đứng trong đội ngũ, các anh đã xếp lại những đôi cánh bay của mình, nhưng trong tâm khảm của tất cả đồng đội, đồng chí và bạn hữu - các, anh vẫn như còn đâu đây, vẫn như ngày nào, không có gì đổi thay và nỗi nhớ thương các anh vẫn nặng trĩu, luôn canh cánh bên lòng. Các anh mãi mãi vẫn là những ngôi sao lặng lẽ tỏa ánh sáng lung linh trên bầu trời - những ngôi sao không tắt!

        Các anh là Bất Tử!

        Xin được trích bài thơ của Nguyễn Thị Hồng Yên - người vợ của một đồng đội của các anh và cũng là người đồng chí công tác cùng Quân chủng Phòng không - Không quân của các anh viết nhân ngày giỗ của anh Vũ Xuân Thiều (năm 2007):

                Có một Phi công Liệt sĩ Anh hùng
                Từng sống ở ngôi nhà 21 phố  Đặng Dung
                Anh đã lập chiến công
                Trong chiến dịch "Điện biên phủ trên không"
                35 năm về trước
                Tình yêu mãnh liệt với Quê hương, Đất nước
                Đã tiếp sức cho anh
                Một con người bình dị
                Lập nên chiến tích phi thường

                Siêu pháo đài bay
                Thần tượng của Lầu năm góc
                Đã bị anh hạ gục trong phút chốc
                Xác cháy tan tành
                Trên bầu trời Sơn La
                Sự hy sinh quên mình của anh
                Góp một phần cho chiến thắng
                Cho Thủ đô yêu dấu
                Cho đất nước hòa bình
                Cho hai miền Nam - Bắc
                Thắm sắc đào, mai
                Cho hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc
                Cho bầu trời mãi yên bình, trong vắt

                Và suốt 35 năm qua
                Tôi vẫn thấy bóng dáng người anh hùng
                Tóc hoe vàng
                Nụ cười hiền hậu
                Bình thản đi, về trên phố Đặng Dung


        Vâng, đúng vậy! Người Anh hùng của chúng ta bước những bước thật thanh thản sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm cao cả đối với Quê hương, Đất nước.

        Đâu đó vang lên bài hát "Không quân Việt nam" của cố nhạc sĩ Văn Cao:

                " Ôi phi công danh tiếng muôn đời
                Nhìn xa phi trường Việt nam
                Không quân nhân dân cánh bay rợp trời..."

        Ngoài công viên, các em nhỏ đang nô đùa, chạy nhảy tung tăng với những khuôn mặt ngây thơ, rạng ngời niềm vui khôn tả, và những tiếng cười thật trong trẻo.

        Một đàn bồ câu trắng bất ngờ bay vút vào khoảng không xanh thẳm, thanh bình, chan hòa sắc nắng...

        Hà Nội vào Thu!...

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM