Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 08 Tháng Sáu, 2024, 05:10:56 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) những sự kiện  (Đọc 56615 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:15:22 am »


• 18 và 19 tháng 12

Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phân tích những hành động khiêu khích lấn chiếm của thực dân Pháp trong hai tháng cuối năm 1946, đặc biệt từ giữa tháng 12, Trung ương Đảng nhận định: "Âm mưu của Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam đã chuyển sang một bước mới. Thời kỳ hoà hoãn đã qua. Chúng ta đã nhân nhượng để giữ hoà bình, nhưng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới. Nhân dân ta quyết không thể trở lại cuộc đời nô lệ một lần nữa. Cuộc kháng chiến sẽ lâu dài và gian khổ song nhất định sẽ thắng lợi”.

Hội nghị quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên quy mô cả nước, Lấy 20h 3’ ngày 19-12 làm giờ "G" nổ súng và bắt đầu bằng pháo lệnh tại trận địa pháo đài Láng. Đồng thời, Hội nghị thông qua lời Hiệu triệu toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ thị "Toàn dân kháng chiến" (ngày 22-12 chính thức công bố). Bản Chỉ thị đã vạch rõ những nét cơ bản về đường lối kháng chiến toàn dân, toàn quân, lâu dài của dân tộc, với 5 nội dung cơ bản:

1. Cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân ta.
2. Chương trình kháng chiến.
3. Cơ quan chỉ đạo kháng chiến.
4. Những điều răn trong khi kháng chiến.
5. Khẩu hiệu tuyên truyền trong thời kỳ kháng chiến.

Về cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân ta, bản chỉ thị vạch rõ mục đích cuộc kháng chiến là đánh thực dân Pháp xâm lược; giành thống nhất và độc lập cho nước nhà. Tính chất cuộc kháng chiến là kháng chiến lâu dài và toàn diện. Chính sách cuộc kháng chiến là liên hiệp với nhân dân Pháp, chống thực dân Pháp xâm lược. Đoàn kết với Cămpuchia và Lào, thân thiện với các dân tộc yêu chuộng tự do và hoà bình trên thế giới. "Đoàn kết chặt chẽ toàn dân”, "Thực hiện toàn dân kháng chiến", "Phải tự túc về mọi mặt". Cách đánh là "triệt để dùng du kích, vận động chiến. Bảo toàn thực lực để kháng chiến lâu dài. Phá hoại nhiều hơn bắn, triệt để làm cho địch đói, khát, què, mù, điếc, câm, tiêu hao, mệt mỏi, chán nản. Vừa đánh vừa võ trang thêm, vừa đánh vừa đào tạo thêm cán bộ".

Về chương trình kháng chiến, có 12 điểm cụ thể, trong đó nêu bật thực hiện đoàn kết toàn dân, quân, dân, chính nhất trí, động viên sức người, sức của và tài chính, thực hiện toàn dân kháng chiến, kháng chiến toàn diện và lâu dài, đánh Pháp, tiễu phỉ, trừ gian để giành độc lập dân tộc, bảo toàn lãnh thổ, thống nhất nước nhà, củng cố chế độ dân chủ nhân dân; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, xây dựng nền kinh tế kháng chiến.

Bản Chỉ thị còn nêu nhiều điểm cụ thể về cơ quan chỉ đạo kháng chiến, những điều răn trong khi kháng chiến và khẩu hiệu tuyên truyền trong thời kỳ kháng chiến.

Chỉ thị Toàn dân kháng chiến là một trong những văn kiện mang tính chất cương lĩnh của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tiếp đó, từ tháng 3 năm 1947, đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư của Đảng, từ thực tiễn những ngày đầu của cuộc kháng chiến, viết một loạt bài giải thích một cách khoa học, làm sáng tỏ thêm đường lối kháng chiến. Đó là những bài báo "Chúng ta đánh ai?", "Đánh để làm gì?", "Tính chất cuộc kháng chiến của ta"... Những bài này đăng trên báo Sự thật từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1947, in thành sách lần đầu tiên dưới tiêu đề "Kháng chiến nhất định thắng lợi" vào tháng 9 năm 1948.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:18:41 am »


• 19 tháng 12

Toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Chiều 19-12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho lực lượng vũ trang: "Giờ chiến đấu đã đến", và giao mệnh lệnh nổ súng đến các đơn vị.

Đúng 20h3’, đèn hiệu thành phố Hà Nội vụt tắt, pháo đài Láng nổ súng hiệu lệnh Tổng tiến công.

21h, bản Mệnh lệnh toàn quốc kháng chiến được phát trên đài tiếng nói Việt Nam. Bản mệnh lệnh kêu gọi: "Bọn thực dân Pháp đã bội ước, chúng liên tiếp tấn công Hà Nội. Tổ quốc đang lâm nguy. Quân đội, nhân dân du kích toàn quốc hãy nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước".

Toàn quốc theo mệnh lệnh của Trung ương Đảng và Chính phủ, xiết chặt đội ngũ, mài sắc ý chí, đồng loạt nổ súng chiến đấu, mở đầu cho một giai đoạn mới, giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước.

Sáng ngày 20-12, Đài phát thanh truyền đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

• Từ 19 tháng 12 đến 17 tháng 2 năm 1947

Hà Nội mở đầu kháng chiến toàn quốc thắng lợi.

Đêm 19-12, tại Hà Nội, Vệ quốc đoàn và tự vệ tiến công đồng loạt các mục tiêu trong trung tâm thành phố.

Trận đánh ác liệt nhất trong đêm đầu là trận chiến đấu bảo vệ khu Bắc Bộ Phủ. Lực lượng của ta có một đại đội thuộc tiểu đoàn 101 Vệ quốc quân do đại đội trưởng Mộng Hùng và chính trị viên Lê Gia Định chỉ huy. Quân Pháp tập trung 300 lính lê dương, 8 xe tăng, 10 xe thiết giáp, hai khẩu pháo 75 ly, súng cối và một số xe giép lắp đạn đại liên mở cuộc tiến công vào Bắc Bộ Phủ.

Sau gần một ngày đêm tổ chức đánh chiếm với 6 đợt tấn công, cuối cùng địch chiếm được Bắc Bộ Phủ. Nhưng chúng phải trả giá đắt: 122 tên lính lê dương thiện chiến bị tiêu diệt, 4 xe tăng, 3 xe quân sự bị phá huỷ. Bên ta, 45 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Trong trận chiến đấu quyết liệt nhất bảo vệ Bắc Bộ Phủ ngày 20 - 12 - 1946, Lê Gia Định đã dũng cảm đập kíp một quả bom lớn khi bộ binh và xe tăng địch tràn vào, diệt 1 xe tăng và hàng chục lính Pháp. Ngay sau trận đánh Lê Gia Định được Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ Hà Nội và Bộ tư lệnh Mặt trận Hà Nội truy tặng danh hiệu: "Người quyết tử quân số một của Liên khu I“

Ngay trong đêm 19, theo kế hoạch phối hợp với bộ đội, nhân dân Hà Nội đã quẳng bàn ghế, sập gụ, hòm xiểng, cánh cửa... ra đường phố, hình thành những ụ chướng ngại để cản địch, trong khi công nhân hoả xa, công nhân xe điện đẩy các toa tàu ra giữa đường phố, tự vệ ngả cây, hạ cột đèn chắn các ngã tư, ngã năm... Nhân dân lao động, trí thức, học sinh, tiểu thương, nhà tư sản, nhà sư... vừa phục vụ chiến đấu dưới các hình thức cứu thương, tiếp tế, thông tin liên lạc, vừa động viên bộ đội và tự vệ chiến đấu.

Tiêu biểu nhất cho trận giao chiến lớn ở Hà Nội là cuộc chiến đấu ở Liên Khu I. Sau 3 ngày chiến đấu, theo kế hoạch đã định, một tiểu đoàn Vệ quốc đoàn lui vào Liên khu I. Đây là khu phố có địa hình phức tạp ở trung tâm Hà Nội. được chọn làm địa bàn thu hút địch, phối hợp với hai Liên khu II và III hình thành thế trận trong đánh ngoài vây - trong ngoài cùng đánh.

Dựa vào địa hình đặc biệt của Liên khu I và những thiết bị chiến đấu đã được chuẩn bị sẵn (ụ chướng ngại, tường đục thông nhà nọ sang nhà kia...), các đơn vị vũ trang nhỏ gọn của ta phát huy khả năng cơ động bí mật, chủ động bất ngờ tiến công địch bằng những trận đánh mưu trí, sáng tạo, không ngừng tiêu hao địch hàng ngày.

Sau hai tháng chiến đấu trong lòng thủ đô dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ chỉ huy Chiến khu XI - tư lệnh trưởng là Vương Thừa Vũ, và được sự chi viện tiếp tế của quân và dân ngoại thành, quân dân Hà Nội đánh gần 200 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch đa số là lính Âu Phi, phá huỷ trên 100 xe quân sự, trong đó có 22 xe tăng, xe bọc thép, bắn chìm 2 ca nô, bắn rơi và phá huỷ 5 máy bay, thu nhiều quân trang, quân dụng, giam chân chúng nhiều ngày để hậu phương kịp tổ chức, triển khai thế trận kháng chiến lâu dài, bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, bảo vệ hàng chục vạn đồng bào Thủ đô rời thành phố về các vùng kháng chiến.

Chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" hòng khuất phục nhân dân Thủ đô sau 24 giờ của thực dân Pháp bị thất bại hoàn toàn. Quân và dân Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu hao và kìm chân quân địch trong thành phố. Thắng lợi của Mặt trận Hà Nội đã có tác dụng quan trọng cổ vũ tinh thần và khí thế quân dân các chiến trường toàn quốc và tạo điều kiện thuận lợi để cả nước chuyển vào chiến tranh một cách chủ động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:20:49 am »


• Từ đêm 19 tháng 12

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân thành phố Nam Định.

Chấp hành mệnh lệnh kháng chiến của Đảng và Chính phủ, quân và dân ta ở các thành phố có quân Pháp đóng, từ Đà Nẵng trở ra, đã đồng loạt nổ súng tiến công địch. Tiêu biểu nhất là các cuộc chiến đấu của quân và dân các thành phố Nam Định, Huế, Đà Nẵng.

Ở Nam Định, lực lượng quân Pháp có khoảng 650 tên đóng ở khu Nhà máy Sợi, Nhà máy Tơ và Nhà ga. Đúng 24h đêm 19-12-1946, quân ta nổ súng tiến công địch. Sau nhiều ngày anh dũng chiến đấu, Vệ quốc quân và tự vệ đã đánh bật quân địch ra khỏi Nhà ga, Nhà máy Tơ buộc chúng phải co về cố thủ ở Nhà máy Sợi. Cả thành phố là một trận địa với những chiến luỹ nối liền các phố và các hào giao thông chằng chịt từ trong thành phố chạy ra làng xóm chung quanh. Nhân dân đã đánh đắm hàng trăm thuyền chở đầy đá hộc trên cửa Ba Lạt để ngăn tàu chiến giặc từ biển đánh vào. Gần 100 quân tiếp viện của địch bị ta tiêu diệt. Trải qua 90 ngày đêm vây đánh địch, quân và dân Nam Định đã tiêu diệt trên 400 tên. Trung đoàn Vệ quốc quân Nam Định được Trung ương Đảng, Chính phủ khen ngợi và được Chủ tịch Hô Chí Minh tặng danh hiệu "Trung đoàn tất thắng".

• Từ rạng sáng 20 tháng 12

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân thành phố Huế.

Ở Huế, lực lượng địch đóng trong thành phố có khoảng 750 tên. Quân và dân Thừa Thiên - Huế dưới sự lãnh đạo của Thường vụ tỉnh uỷ do đồng chí Nguyễn Chí Thanh là Bí thư, đã nhất tề vùng lên nổ súng tiến công vào các vị trí xung yếu của địch trong khu tam giác bên bờ Nam Sông Hương vào lúc 2h30’ sáng 20-12. Sau một ngày chiến đấu ác liệt, quân và dân Huế đã tiêu diệt gần 100 tên địch. Để bảo toàn lực lượng, quân ta tạm rút ra khỏi thành phố, cùng nhân dân các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang... dựng chiến luỹ đào hào, bao vây địch. Nhiều vị trí địch như Trường Dòng, Nhà Đèn, Miếu Đại Can... lần lượt bị diệt gọn.

Sau gần 50 ngày đêm chiến đấu ác liệt, quân dân Thừa Thiên - Huế tuy không thực hiện được mệnh lệnh tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Huế, nhưng đã viết nên những trang sử chiến đấu ngoan cường dũng cảm, tiêu diệt một phần sinh lực của địch (gần 200 tên), cho đến ngày chúng được viện binh đến giải vây thì quân dân Thừa Thiên - Huế chuyển sang chiến lược chiến tranh du kích, kháng chiến lâu dài.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:22:42 am »


• Từ 20 tháng 12

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Ở Đà Nẵng quân Pháp tập trung khá đông, từ 1.700 tên lên 10.000 tên. 5h sáng 20-12, Vệ quốc quân và tự vệ T.p Đà Nẵng nổ súng tiến công địch, quân Pháp có chiến xa dẫn đầu lập tức phản kích. Trung đoàn Vệ quốc quân Quảng Nam cùng tự vệ và nhân dân Đà Nẵng kiên cường chặn đánh địch từ trung tâm thành phố ra đến ngoại ô phá nhiều cuộc tiến công của địch. Cùng với việc chặn đánh địch trong thành phố, hàng vạn nhân dân các huyện Hoà Vang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên... đổ ra đồi núi, ruộng đồng đào công sự, xây dựng các tuyến chiến hào nhiều tầng, lập vành đai bao vây thành phố Đà Nẵng, giam chân địch một thời gian dài, đã có hàng trăm tên địch bị tiêu diệt trong thành phố.

Do có thành tích lớn cùng nhân dân vây đánh địch dài ngày trong thành phố, Trung đoàn Vệ quốc quân Quảng Nam được đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tặng cờ thêu 2 chữ vàng "Giữ vững".   

• 20 tháng 12

Trong trận chiến đấu bảo vệ Sở Bưu điện Hà Nội, Nguyễn Văn Hùng - một công chức bưu điện gắn bó với ngành nhiều năm, một người yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, là Chủ sự (Giám đốc) bưu điện đầu tiên của chính quyền cách mạng, được bầu cử dân chủ từ quần chúng - Là Cán bộ đầu tiên của ngành bưu điện đã anh dũng hy sinh trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Năm 1947, tại Việt Bắc, Bộ Giao thông Công chánh tổ chức truy điệu các liệt sĩ hy sinh ngày Toàn quốc kháng chiến trong đó có ông Nguyễn Văn Hùng được Chính phủ tuyên dương Bảng vàng Tổ quốc.

• 20 tháng 12

Tại Sài Gòn, mười ba đội tự vệ thành và các đội cảm tử đồng loạt nổ súng, gây tiếng vang trong thành phố.

• 20 tháng 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 1/SL Tổ chức bộ máy chính quyền trong thời kỳ đặc biệt, quy định thành phần, chức năng của ủy ban bảo vệ các cấp.

Tại mỗi khu quân sự, mỗi đơn vị hành chính từ cấp tỉnh trở xuống, có một Ủy ban bảo vệ có nhiệm vụ thi hành những mệnh lệnh và chỉ thị của cấp trên về bảo vệ đất nước.

Sắc lệnh quy định rõ thành phần, quyền hạn và phương thức hoạt động của Ủy ban này.

• 20 tháng 12

Tại Vinh (Nghệ An) một đại đội Vệ quốc đoàn thuộc trung đoàn 57, Chiến khu 4 và một đại đội tự vệ thành bao vây nổ súng tấn công trung đội Pháp đóng ở sở Canh Nông. Trước sức áp đảo của ta, cả trung đội quân Pháp đầu hàng. Ta bắt 34 tù binh, thu toàn bộ vũ khí... chiến công này làm nức lòng quân dân toàn tỉnh, cổ vũ mọi người hăng hái, khẩn trương chuẩn bị kháng chiến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:26:02 am »


• 22 tháng 12

Trung đội pháo binh Pháo đài Láng, bằng khẩu pháo không có máy ngắm đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của thực dân Pháp trên chiến trường Hà Nội.

• 25 tháng 12

Tại Huế, 20 chiến sĩ cảm tử đột kích vào nhà Bưu điện ném lựu đạn qua cửa sổ giết chết vài chục tên đang ngủ. Khi rút về Sở công chính thì trời sáng, địch dùng pháo và thiết giáp phản kích, anh em dũng cảm chống trả, nhưng bị hy sinh chỉ còn 3 đồng chí.

• 26 tháng 12

Những phát đạn ba-dô-ca đầu tiên của mặt trận Hà Nội được sử dụng (các chiến sĩ tiểu đoàn 56 tiếp cận địch nổ 3 phát ba-dô-ca diệt 1 xe tăng, 1 xe bọc thép).

• 30 tháng 12

Quân ta chặn đánh một đoàn xe lửa địch ở ga Đồng Phan (Quảng Nam) tiêu diệt 300 tên địch, phá huỷ hoàn toàn đoàn tàu.

• 31 tháng 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 5/SL thành lập Ủy ban tản cư, di cư Trung ương, và các Ủy ban tản cư các tỉnh, phủ, huyện, làng.

Thành phần Uỷ ban gồm chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký và bốn ủy viên đại biểu của các Bộ Nội vụ, Canh nông, Kinh tế, Y tế.

Ngày 12-1-1947 tổ chức Ủy ban tản cư, di cư Bắc Bộ nhằm điều hành công tác di cư, tản cư ở toàn khu vực.

• 31 tháng 12

Chính phủ ta công bố giác thư lên án một cách có hệ thống hành động và âm mưu của thực dân Pháp từ sau ngày 6-3-1946 và vạch rõ nguồn gốc cuộc xung đột Việt - Pháp hiện nay là sự bội ước của thực dân Pháp phản động, đồng thời nêu ra những biện pháp hoà bình giải quyết cuộc xung đột... Trên cơ sở Hiệp định sơ bộ 6/3, ta đề nghị dự thảo và ký một hiệp ước chính thức giữa Việt Nam và Pháp.

• 31 tháng 12

Để giúp Chính phủ nghiên cứu và xây dựng một kế hoạch kiến thiết nước nhà, ngày 31-12-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Ủy ban này gồm 41 thành viên đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chính phủ. Uỷ ban có nhiệm vụ nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết đất nước về mặt kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hoá và nghiên cứu những dự án kiến thiết khác.

Ngày 10-1-1947 Ủy ban họp phiên đầu tiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nói chuyện với các thành viên của uỷ ban trong cuộc họp này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:27:08 am »


• Tháng 12

Ủy ban quân sự các tỉnh Nam Trung Bộ được thành lập để thống nhất chỉ huy lực lượng quân, dân, chính.

• Tháng 12

Sau ngày quân Pháp gây ra "Sự biến Hải Phòng, Lạng Sơn" (20-11-1946) tại thành phố Cảng diễn ra cuộc đọ sức trực diện giữa ta và địch, trong điều kiện tương quan so sánh lực lượng hết sức chênh lệch. Thực dân Pháp tưởng chỉ vài giờ sẽ nhanh chóng chiếm được thành phố, nhưng chiến sự ở Hải Phòng đã làm đảo lộn mọi suy đoán của chúng.

Từ thực tế chiến đấu ở Hải Phòng, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh viết bài báo quan trọng "Kháng chiến trong thành phố" đăng trên tờ Sự thật số 66, ra ngày 7-12-1946.

Mở đầu bài báo viết: "Có kẻ cho rằng, không thể kháng chiến trong thành phố vì ở đó không có địa lợi, lực lượng địch lại tập trung". Đập lại quan điểm này, đồng chí Trường Chinh khẳng định: "Kinh nghiệm Hải Phòng chỉ cho ta thấy rất có thể Kháng chiến trong thành phố". Từ sự khẳng định ta nhất định chiến đấu chống được quân Pháp trong thành phố, tác giả nêu rõ vị trí của thành phố trong chiến tranh: "Mỗi một thành phố, cũng như mỗi làng của ta phải là một trung tâm điểm kháng chiến, kháng chiến dẻo dai, kháng chiến quyết liệt". Tác giả còn đưa ra những cách thức hoạt động cụ thể trong thành phố. Kết thúc bài báo, đồng chí Trường Chinh nêu bật một vấn đề có tính quy luật, quyết định sự tồn tại và phát triển của lực lượng kháng chiến là phải không ngừng hoạt động, không được bị động nằm im, mai phục. Trường hợp thành phố lọt vào tay giặc, thì "quân du kích, không được ngưng đánh trong thành phố và ngoại ô. Gắng làm cho địch chiếm được thành nào, phải mất ăn, mất ngủ, luôn luôn hoảng sợ, luôn luôn thiệt hại ở đó" "Quân du kích phải đánh mới sống nổi. Ngừng đánh mà đóng lì một chỗ thì nhất định tiêu mòn".

Hơn 10 ngày sau khi bài báo "Kháng chiến trong thành phố" được công bố, cuộc chiến đấu của quân và dân ta đồng loạt nổ ra ở khắp các thành phố, thị xã trong cả nước. Cuộc chiến đấu của quân và dân ta vây địch trong các thành phố, thị xã những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi đó gắn với sự chỉ đạo chặt chẽ, sáng suốt, nhạy bén của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng chỉ huy. Bài "Kháng chiến trong thành phố" của đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh lúc bấy giờ là một đóng góp quý giá về nghệ thuật đánh giặc của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

• Cuối năm 1946

Lê Hữu Từ triệu tập Hội nghị các linh mục, bắt các xứ phải đóng góp tiền mua vũ khí cho tổ chức "Công giáo cứu quốc". Sau đó, Lê Hữu Từ lại thông tư cho các xứ phải chuyển "Công giáo cứu quốc" thành "Tự vệ cứu quốc". Chúng cưỡng bức thanh niên công giáo từ 18 tuổi trở lên phải vào tự vệ ngày đêm canh gác nhà thờ, đào hầm bí mật, v. v…

• Cuối 1946

Chính phủ Pháp đưa Lê Văn Hoạch lên làm Thủ tướng Chính phủ bù nhìn "Nam Kỳ tự trị" nhằm phá hoại cuộc kháng chiến, sự nghiệp độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 09:16:11 pm »


1947

• 1 tháng 1

Quân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn đánh chiếm vùng Tây Bắc.

• 5 tháng 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh Viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam1, nêu 5 vấn đề cần chú ý:

- Tuyên truyền
- Liên lạc và tổ chức
- Việc sinh hoạt của các Bộ trong Chính phủ
- Động viên lôi kéo công nhân viên chức
- Phá đường, ngăn chặn sự tiến công của địch

Cuối thư, Người còn vẽ một sơ đồ gồm cả mặt cắt ngang và cắt dọc của con đường để chỉ dẫn cụ thể cách
thức đào đường nhưng vẫn đảm bảo sự đi lại của nhân dân mà xe địch không qua được.

• 6 tháng 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam, căn dặn những việc:

- Giúp Hoa kiều ở Quảng Yên2 tản cư
- Bàn với Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Huỳnh Thúc Kháng về việc tuyên truyền, kêu gọi dân chúng
- Vấn đề đăng ký của các viên chức nhà nước.
________________________________________
1. Ông Hoàng Hữu Nam, tức Phan Bội (1911- 1947), Thứ trưởng Bộ Nội Vụ trong Chính, phủ Liên hiệp kháng chiến.
2. Nay thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 09:18:25 pm »


• 6 tháng 1

Trung đoàn Liên khu 1 - Trung đoàn Thủ đô được chính thức thành lập. Lực lượng của trung đoàn gồm 3 tiểu đoàn 101, 102, 103 với số quân gần 2.000 người, thành phần đội viên có cả phụ nữ, người nhiều tuổi và thanh thiếu niên đã từng sống, chiến đấu trên chiến hào Hà Nội từ những ngày đầu nổ súng.

• 7 tháng 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, nêu rõ lập trường, nguyện vọng, thái độ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến hiện nay và những biện pháp vãn hồi hòa bình.

• 12 tháng 1

Hội nghị quân sự toàn quốc lấn thứ nhất họp tại Trúc Sơn (Chương Mỹ - Hà Đông). Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng đã đến dự.

Hội nghị nhận định, sau khi được tăng thêm viện binh, thực dân Pháp sẽ mở "cuộc phản công và tiến công", hòng "nuốt trôi nước ta".

Hội nghị quyết định "Nhiệm vụ chính lúc này là bảo toàn chủ lực để kháng chiến lâu dài".

Hội nghị chủ trương phát động chiến tranh du kích rộng khắp với lối đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch; phá hoại đường sá, nhà cửa; làm vườn không nhà trống; xây dựng các đội quân đặc biệt, nhằm cản bước tiến quân của địch và duy trì sức chiến đấu lâu dài của quân và dân ta.

Hội nghị quyết định tặng danh hiệu "Trung đoàn Thủ đô" cho Trung đoàn Liên khu I, đã chiến đấu dũng cảm và hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang trong những ngày đầu kháng chiến ở Hà Nội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 09:30:03 pm »


• 13 tháng 1

Đội quân quyết tử của thủ đô được thành lập, bao gồm những chiến sĩ có tinh thần chiến đấu, mưu trí dũng cảm nhất được lựa chọn từ trung đoàn thủ đô, với lời tuyên thệ "sống chết với thủ đô".

Ngày 27-1-1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các chiến sĩ quyết tử quân thủ đô, thăm hỏi tình hình ăn tết, khen ngợi tinh thần gan dạ chiến đấu của chiến sĩ và dặn dò những điều cần thiết.

Bức thư có đoạn:

"Các em là đội quyết tử. Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu các tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục các tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau".

• 13 tháng 1

Quân Pháp vượt Đèo Cả tiến ra Tuy Hoà, bị quân ta phục kích diệt nhiều tên.

• 15 tháng 1

Quân Pháp đổ bộ lên Vũng Rô và tiến về phía nam sông Đà Nẵng bị tiêu hao nặng

• 16 tháng 1

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào phá hoại để kháng chiến:

"Đánh thì phải phá hoại. Ta không phá hoại thì Pháp cũng phá... Vì vậy, ta phải phá trước, cho Pháp không dùng được... Phá cho rộng, phá cho sâu, phá sao cho bọn Pháp không lợi dụng được. Một nhát cuốc của đồng bào, cũng như một viên đạn của chiến sĩ bắn vào quân địch vậy.

Tôi lại trân trọng hứa với đồng bào rằng: "kháng chiến thắng lợi rồi, tôi sẽ ra sức cùng đồng bào sửa sang tu bổ lại hết. Chúng ta sẽ làm những đường sá, cầu cống khéo hơn, những nhà cửa tốt hơn, và xứng đáng một dân tộc tự do, độc lập hơn".

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã tự tay mình phá hoại nhà cửa, đường sá, cầu cống không cho địch chiếm và lợi dụng những thứ đó để đánh lại ta.

Trong những ngày đầu kháng chiến nhân dân ta đã phá hoại 1.060km đường sắt, 5.840km đường ôtô, 30.500 cầu cống, 59.100 nhà cửa, 84 đầu máy và 868 toa xe lửa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 09:32:53 pm »

• 17 tháng 1

Quân Pháp từ Nam Ô đánh lên đèo Hải Vân và đổ bộ lên Lăng Cô, cố khai thông con đường qua đèo để tiếp viện cho đồng bọn đang bị quân dân Thừa Thiên vây đánh trong thành phố Huế. Dựa vào thế núi hiểm trở, Vệ quốc đoàn chặn đánh địch trên cả hai tuyến đường bộ và đường sắt. Trong ba ngày chiến đấu, ta diệt hơn 200 lính Âu Phi, biến Hải Vân thành mồ chôn giặc Pháp.

• 20 tháng 1

Pháp đổ bộ thêm quân vào cửa Tư Hiền và chia nhiều cánh tiến vào thành phố Huế. Nhân dân phải rời về nông thôn lánh nạn, tiếp tục kháng chiến.

• 22 tháng 1

Công an phối hợp với lực lượng quân đội đánh trận Cổ Cò, xóa sổ tiểu đoàn Lé-on của Pháp, diệt 170 tên, phá hủy 14 xe cơ giới, thu hơn 100 tiểu liên và súng trường.

• 23 tháng 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Giám mục Lê Hữu Từ1  tỏ ý mong muốn Giám mục lấy tư cách là cố vấn Chính phủ mà giải thích, kêu gọi đồng bào Công giáo hăng hái kháng chiến cứu quốc.

• Tháng 1

Tại Ấn Độ, Miến Điện, Malaixia, Inđônêxia đã dấy lên phong trào ủng hộ Việt Nam. Nhiều nhà hoạt động chính trị ở các nước trên hô hào thành lập các đội quân tình nguyện, các đội y tế sang chiến đấu và giúp đỡ Việt Nam.

• 25 tháng 1

Quân ta giành thắng lợi giòn giã trong trận pháo kích vào sân bay Gia Lâm. Trung đội pháo binh chiến khu X tăng cường cho mặt trận Hà Nội, đã tháo rời pháo, hành quân chiếm lĩnh trận địa cách sân bay 400m. Ngay ban ngày, pháo ta bắn 15 phát vào sân bay phá huỷ 2 máy bay khu trục của giặc.

• 29 tháng 1   

Nha Công an Trung ương ra quyết nghị số A 00092 về "Chương trình hoạt động của bộ máy công an".
_____________________________________
1. Giám mục địa phậm Bùi Chu - Phát Diệm. Sau Cách mạng Tháng Tám được cử vào Ban Cố vấn Chính phủ. Sau theo Pháp chống lại Tổ quốc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM