Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:23:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử quân sự Việt Nam - Tập 13  (Đọc 46460 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #90 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 07:11:11 am »

Trên địa bàn 4 tỉnh đông bắc Campuchia, các đơn vị Quân khu 5 tập trung phương tiện vận chuyển (chủ yếu bằng ô tô) hai đợt dân (290.536 người) về quê cũ làm ăn. Các tiểu đoàn địa bàn kết hợp chặt chẽ với nhân dân địa phương giúp bạn xây dựng 386 ban tự quản, cứu đói cho 114.644 người. Nhân dân trở về quê hương được bộ đội Việt Nam giúp đỡ ổn định nơi ăn ở, được cứu đói, giúp công cụ, cây, con giống phát triển sản xuất. Được đi lại tự do, con cái được cắp sách tới trường, người dân Campuchia càng phấn khởi ra sức xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng. Nhân dân làng Nhơn biết bọn tay sai Pôn Pốt về hoạt động đã bắt giao cho tổ công tác của ta. Bà con ở Pum Căn Thơ Mây (Stung Treng) dẫn đường cho bộ đội vây đánh, đập tan âm mưu đưa 6 vạn dân đi tị nạn của địch.

Cứu đói, chữa bệnh, cấp cây, con giống giúp dân phát triển sản xuất tưởng chừng như là công việc bình thường, nhưng ở vào thời điểm mà mọi sức lực của người dân đã cạn kiệt, khi mà kẻ thù ra sức gieo rắc tâm lý hoang mang, thù địch và tìm mọi cách chia rẽ, thủ tiêu cán bộ, chiến sĩ ta thì nhiệm vụ giúp dân của các đội công tác vô cùng nặng nề và nguy hiểm. Vì nhiệm vụ cứu đói, cứu đau, giúp dân phát triển sản xuất, để mang lại cuộc sống yên vui hạnh phúc cho dân, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ ta đã phải nằm lại ở các làng bản, phum sóc xa xôi, nhiều người mang thương tích, bệnh tật suốt đời.

Vượt qua giai đoạn khó khăn phức tạp những năm 1979-1980, công tác cứu đói, cứu đau giúp nhân dân Campuchia ổn định đời sống, phục hồi sản xuất của các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, mang lại những thành tựu kinh tế thiết thực. năm 1981, sản xuất nông nghiệp của Campuchia tăng 9% so với năm 1979, năm 1980. Năm 1982, với sự giúp đỡ của ác đội công tác, Campuchia đã tổ chức được 107.606 tổ sản xuất, gieo trồng 137.000 hécta lúa, đạt năng suất bình quân 15 tạ 1 hécta, thu về cho Nhà nước Campuchia 18 vạn tấn thóc. Phong trào chăn nuôi từng bước được phục hồi với đàn bò 930.000 con, đàn trâu 390.000 con, đàn lợn 210.000 con và 2,9 triệu gia cầm các loại.

Cùng với phục hồi phát triển nông nghiệp, được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, trong hai năm 1981 và 1982, Campuchia đã phục hồi được 1.000 tổ đội, hợp tác xã ngư nghiệp, hằng năm đánh bắt hơn 6 vạn tấn cá. Công nghiệp khai thác chế biến gỗ sau hai năm đi vào sản xuất đã đạt sản lượng 50.00 m3 gỗ một năm. Về thủ công nghiệp với sự giúp đỡ thợ lành nghề và trang bị máy móc của ta, đến giữa năm 1982, Campuchia đã khôi phục được 54 trong tổng số 65 xí nghiệp. Ngành y tế, giáo dục được ta giúp đỡ cả về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ chuyên môn đã có bước tiến bộ rõ rệt, 80% số xã có trạm xá, hàng ngàn trường học được bộ đội ta ta giúp xây dựng, năm học 1982-1983 đã đón 1,5 triệu học sinh đi học. Hệ thống giao thông trong nước được cải thiện với 652 km đường sắt, hàng ngàn kilômét đường giao thông quốc gia, liên tỉnh, liên huyện được phục hồi. Giao thông đường biển và đường không có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng làm cho giao lưu kinh tế giữa các vùng, giữa Campuchia và các nước láng giềng ngày càng phát triển thuận lợi.

Đánh giá về tình hình Campuchia sau gần 5 năm giúp bạn xây dựng lực lượng, củng cố chính quyền, ổn định đời sống, phát triển sản xuất, hồi sinh đất nước, Trung ương Đảng ta chỉ rõ; “Tình hình chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội của Campuchia đã có tiến bộ lớn. Đất nước thực sự được hồi sinh, đời sống nhân dân được bảo đảm về lương thực, thực phẩm, không còn nạn đói kém”(1). “Thành tựu này đã góp phần xứng đáng vào việc củng cố khối liên minh chiến đấu đặc biệt ba nước Đông Dương ngày càng vững mạnh”(2).

Từ giữa năm 1983, lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia các bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, đủ sức cùng các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam còn lại đảm đương nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Sau khi một số đơn vị quân tình nguyện đã rút về nước theo đúng kế hoạch, Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam luôn coi trọng việc chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức và yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt các mệnh lệnh điều động của Bộ, sẵn sàng cơ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu chiến đấu trên các địa bàn chiến lược theo đề nghị của bạn.

Cuối năm 1983, Ban cán sự 719 tiếp tục được kiện toàn. Ngày 9-12-1983, Quân ủy Trung ương ra Quyết nghị số 289-QN/QU chỉ định đồng chí Đoàn Khuê, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719 làm Phó Bí thư thứ nhất Ban cán sự 719. Tiếp đó, ngày 24-12, Quân ủy Trung ương ra Quyết nghị số 312-QN/QU chỉ định đồng chí Lê Nam Phong, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719 làm Ủy viên Ban cán sự 719.

Được nước ngoài viện trợ, sang năm 1981, Pôn Pốt - Iêng Xari đề ra kế hoạch: Tổng đánh phum, giải tán 2, xây dựng 4 vùng chiến lược, đưa hoạt động du kích vào Thủ đô Phnôm Pênh. Phát triển chủ lực và lực lượng ngầm, trang bị mạnh cho du kích mật. Kết hợp lực lượng trong ngoài thực hiện 5 phương pháp, 7 cách đánh, tăng cường hoạt động quân sự với chiến tranh tâm lý và ngoại giao.


(1) Nghị quyết số 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 27-5-1983, hồ sơ 1246, tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng.
(2) Nghị quyết số 232 A ngày 5-12-1983 của Bộ Tư lệnh 719, tài liệu lưu tại Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 7, tr.26.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #91 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 07:12:20 am »

Sau những năm nỗ lực hàn gắn vết thương do chế độ diệt chủng Pôn Pốt để lại và đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự, quân đội cách mạng và nhân dân Campuchia từng bước tự đảm đương được những vấn đề trọng yếu của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Cách mạng Campuchia đang có những bước phát triển mới với nhiều điều kiện thuận lợi cơ bản.

Về phía ta, phát huy thắng lợi đã giành được, căn cứ vào nhiệm vụ của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao, Bộ Tư lệnh quân tình nguyện xác định ba nội dung công tác lớn trong năm 1984 là:

1- Kết hợp chặt chẽ hoạt động của lực lượng vũ trang ta và bạn, của các ngành chính trị, kinh tế, xã hội, với ba phong trào cách mạng quần chúng, củng cố tăng cường thế lực của cách mạng ở cơ sở.

2- Đưa các đơn vị bạn vào rèn luyện, nâng cao sức chiến đấu lên từng bước vững chắc để tiếp tục thay thế bộ đội ta ở những địa bàn có điều kiện.

3- Phát huy sức mạnh tổng hợp liên tục tiến công địch, giúp cách mạng Campuchia thực hiện ba mục tiêu chiến lược.

Phương châm tác chiến của ta là; “ở biên giới bố trí, sử dụng lực lượng thích hợp, chuẩn bị chu đáo, đánh tiêu diệt hiệu suất cao, gây tác động nhiều mặt. Tổ chức lực lượng chuyên trách được huấn luyện và chỉ huy, chỉ đạo chặt chẽ liên tục bám đánh địch trên các trục đường, hành lang, không cho địch có điều kiện tiến công ta. Sau lưng địch sử dụng lực lượng bộ đội tinh nhuệ đánh mục tiêu có lựa chọn. Bảo đảm đánh liên tục mùa khô và mùa mưa nhằm tiêu hao sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh, các căn cứ bàn đạp xuất phát trong và ngoài biên giới của địch. Trong nội địa, kết hợp phòng thủ cơ bản với vận động quần chúng và nghiệp vụ an ninh để phá ngầm”(1).

Thực hiện quyết tâm tác chiến của Bộ Tư lệnh quân tình nguyện, từ ngày 28-2-1984, các đơn vị Mặt trận 479 phối hợp với Sư đoàn 179 quân đội cách mạng Campuchia và bộ đội địa phương hai tỉnh Xiêm Riệp, Bát Tam Băng mở đợt hoạt động mới nhằm tiêu diệt sinh lực, đánh bật tàn quân địch ra khỏi khu vực Biển Hồ. Trong đợt hoạt động này, Sư đoàn 302 đã đánh trận xuất sắc vào căn cứ Sư đoàn 912 Pôn Pốt ở vùng Tà Veng (Xiêm Riệp). Sau 6 giờ chiến đấu, Sư đoàn đã làm chủ mục tiêu, diệt 120 tên, bắn rơi 1 máy bay L.19, thu 100 tấn đạn, 30 tấn gạo, 260 súng các loại. Sư đoàn 5 đánh trận đạt hiệu suất chiến đấu cao chiếm căn cứ hồ Âm Pin, xóa bỏ một bàn đạp quan trọng để đưa lực lượng vào nội địa của địch.

Ở mặt trận 579, ta mở đợt tiến công tiêu diệt các căn cứ địch ở ven đường biên giới đông bắc Campuchia. Căn cứ 547 (địch gọi là cửa khẩu 1103) là 1 trong 5 căn cứ lớn của quân Pôn Pốt trên biên giới đông bắc tiếp giáp với Thái Lan, là nơi tiếp nhận hàng viện trợ của nước ngoài nuôi sống gần 1 vạn quân của các Sư đoàn 612, 616, 980, 912 và cơ quan tiền phương Bộ Tổng tham mưu quân Pôn Pốt. Tổng quân số địch bảo vệ hành lang và căn cứ có khoảng 1.000 tên. Lực lượng ta tham gia trận đánh có 2 sư đoàn (2 và 307), một số phân đội đặc công, xe tăng, pháo binh, công binh. Lực lượng bạn có Trung đoàn 19. Sau ba ngày chiến đấu (từ ngày 25 đến ngày 27-3-1984), ta hoàn toàn làm chủ căn cứ 547, loại khỏi chiến đấu 2 sư đoàn (612, 616), diệt 270 tên, phá 5 kho, thu 150 tấn đạn, 515 súng và nhiều đồ dùng quân sự. Lần đầu tiên sau 5 năm giúp bạn xây dựng lực lượng, truy quét tàn quân Pôn Pốt ở các tỉnh đông bắc Campuchia, được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện, Bộ Tư lệnh Mặt trận 579 đã tập trung một lực lượng lớn tổ chức trận hiệp đồng binh chủng tiêu diệt căn cứ cửa khẩu lớn của địch.

Trận đánh thắng lợi đã giáng đòn chí mạng vào âm mưu lập căn cứ lớn ở giáp biên giới để tiếp nhận viện trợ từ bên ngoài của Pôn Pốt; đồng thời góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để phát động quần chúng xây dựng bảo vệ chính quyền cách mạng. Qua trận đánh, ta rút ra được nhiều kinh nghiệm quý về tổ chức lực lượng, vận dụng cách đánh thích hợp để tiêu diệt các căn cứ cửa khẩu còn lại của địch.

Trên hướng Mặt trận 979, từ ngày 25 đến ngày 27-3, Sư đoàn 330 đánh chiếm căn cứ hai Trung đoàn 71 và 72, Sư đoàn 86 quân Pôn Pốt, tiếp đó đập tan các đợt phản kích của địch ở khu vực các điểm cao 288, 343, cửa khẩu 301 và khu vực 1B. Ở hướng phối hợp, Sư đoàn 196 (quân đội cách mạng Campuchia), đánh chiếm khu vực mỏ kim cương. Sư đoàn 339 đánh chiếm căn cứ Trung đoàn 11 (Sư đoàn 111) và các căn cứ của SRK, Chăm Ka Sơ Râu.


(1) Nghị quyết số 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 27-5-1983, hồ sơ 1246, tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #92 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 07:13:31 am »

Ngày 31-3-1984, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết Về liên minh chiến lược và chiến đấu Việt Nam - Campuchia trong những năm tới, nhận định: “mặc dù phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách lớn và kẻ thù điên cuồng phá hoại, cách mạng Campuchia đã giành được thắng lợi vượt bậc và những thành tựu to lớn trên nhiều mặt… Quân đội ta đã bước đầu làm tốt nhiệm vụ quốc tế, xứng đáng với niềm tin cậy của hai Đảng và nhân dân hai nước”(1). Phân tích âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, những thuận lợi và khó khăn của cách mạng Campuchia, Quân ủy Trung ương đề ra nhiệm vụ của quân tình nguyện trong những năm tới: “Hướng mọi nỗ lực giúp cho sự nghiệp cách mạng Campuchia phát triển đúng hướng và đúng quy luật. Giúp bạn xây dựng thực lực cách mạng Campuchia đủ mạnh để làm nòng cốt cho toàn dân Campuchia phát huy tốt hơn nữa quyền làm chủ đất nước, đấu tranh với địch, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong thế trận liên minh chiến lược, chiến đấu với Việt Nam và Lào”(2).

Phát huy thắng lợi mùa khô 1983-1984, bước vào những tháng đầu năm 1984, quân tình nguyện Việt Nam và các lực lượng vũ trang Campuchia tiếp tục mở rộng hoạt động đẩy địch vào thế bị động đối phó. Vừa đẩy mạnh truy quét, ta vừa tích cực huấn luyện xây dựng lực lượng tại chỗ cho bạn. Đến giữa năm 1984, trên cả 4 mặt trận ta đã cơ bản xóa các ổ nhóm phản động hoạt động ở các địa bàn trọng điểm, đưa phong trào cách mạng của quần chúng phát triển. Ở nhiều nơi, nhân dân Campuchia tự bảo vệ được chính quyền, lực lượng du kích xã, ấp phát triển gấp hai lần so với năm 1983.

Thực hiện thỏa thuận giữa Đảng và Nhà nước hai nước Việt Nam - Campuchia, ngày 22-6-1984, các Lữ đoàn 688, 689, Trung đoàn 550 và một số tiểu đoàn độc lập quân tình nguyện Việt Nam được lệnh rút về nước. Đây là đợt rút quân thứ ba một bộ phận quân tình nguyện ở các tỉnh Tây và Tây Bắc Campuchia về nước.

Thời điểm này, tình hình cách mạng Campuchia còn nhiều khó khăn, phức tạp do lực lượng của Pôn Pốt - Iêng Xari vẫn còn ở biên giới và nội địa. Trên chiến trường, các đợt phản kích của địch bị thất bại, kết thúc giai đoạn tranh chấp chiến lược giữa ta va địch. Lực lượng của địch ngày càng bị tiêu hao, các hoạt động tác chiến, phá hoại công cuộc hồi sinh đất nước trên địa bàn nhiều tỉnh giảm đáng kể.

Tháng 7-1984, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Campuchia phân tích âm mưu sử dụng viện trợ từ bên ngoài để nuôi dưỡng phát triển lực lượng chống phá cách mạng trong nội địa của Pôn Pốt - Iêng Xari. Xác định tầm quan trọng đặc biệt của tuyến phòng thủ biên giới Campuchia - Thái Lan, Bộ Chính trị Campuchia đề ra chủ trương: Tập trung xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, từng bước khép kín biên giới Campuchia - Thái Lan nhằm tạo thành tuyến ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động thâm nhập của địch từ ngoài biên giới vào nội địa và cử đồng chí Bu Thoong - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng ban xây dựng tuyến phòng thủ biên giới.

Theo yêu cầu của bạn, Bộ Quốc phòng ta điều Trung đoàn công binh 521 trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh sang giúp bạn, đồng thời tăng cường thêm lực lượng, phương tiện công binh cho các quân khu, quân đoàn phía nam của ta để giúp Campuchia.

Ngày 25-9-1984, Bộ Tổng tham mưu ta ra chỉ thị cho tất cả các đơn vị quân tình nguyện giúp Campuchia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới. Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, kiên quyết tập trung lực lượng, phương tiện, tạo mọi điều kiện giúp bạn triển khai đúng kế hoạch, đúng tiến độ. Những tháng cuối năm 1984, bộ đội ta vừa tích cực đánh địch bảo vệ địa bàn, vừa cùng bạn khẩn trương xây dựng tuyến phòng thủ biên giới. Chủ động vượt qua mọi khó khăn, lao động quên mình, bộ đội ta đã góp hàng vạn ngày công cùng quân dân Campuchia đào hào đắp lũy, xây dựng công sự trận địa, bước đầu thực hiện thắng lợi kế hoạch xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, góp phần ngăn chặn các hoạt động xâm nhập của địch.

Bước sang mùa khô 1984-1985, cục diện chiến trường có những biến đổi quan trọng có lợi cho cách mạng Campuchia. Tuy lực lượng ba phái (Pôn Pốt, Sênêka, Môlica) có hơn 61.000 tên, trong đó có 39.000 quân chiến đấu (gồm 7 sư đoàn, 9 trung lữ đoàn, gần 100 tiểu đoàn), nhưng mâu thuẫn nội bộ địch gay gắt, sức chiến đấu của nhiều đơn vị giảm sút. Trong khi đó, ta và bạn đã có bước phát triển mới về công tác bảo đảm tác chiến, công tác hậu cần tại chỗ của bạn có nhiều tiến bộ. Từ ngày 18-11-1984 đến ngày 11-3-1985, tại Mặt trận 479, ta và bạn mở chiến dịch đồng loạt đánh chiếm các căn cứ của bọn chỉ huy ba phái.


(1) Nghị quyết số 07-QUTW.A ngày 31-3-1984 của Quân ủy Trung ương, hồ sơ B7/1, tài liệu lưu tại Văn phòng Bộ Quốc phòng, tr. 2, 7-8.
(2) Nghị quyết số 07-QUTW.A ngày 31-3-1984 của Quân ủy Trung ương, hồ sơ B7/1, tài liệu lưu tại Văn phòng Bộ Quốc phòng, tr. 2, 7-8.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #93 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 07:14:04 am »

Mở màn chiến dịch, sáng 18-11, Sư đoàn bộ binh 9 phối hợp với Trung đoàn 8, Sư đoàn 179 (quân đội cách mạng Campuchia) đánh chiếm căn cứ phân khu 205. Do làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh chặt chẽ, đến 16 giờ ngày 18-11, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ căn cứ, diệt 139 tên, thu 102 súng các loại. Trận đánh mở màn diễn ra nhanh gọn đạt hiệu suất chiến đấu cao đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội. Phát huy thắng lợi, trong tháng 12-1984, Sư đoàn 9 và các đơn vị bạn tiếp tục đánh chiếm phân khu 204 (bắc Đăng Kum), Sư đoàn 5 (Quân khu 7) tiến công căn cứ Sư đoàn 519 địch. Một số đơn vị thuộc Sư đoàn 286 (quân đội cách mạng Campuchia) tiến công căn cứ Ô Bốc thuộc Quân khu 102 của Sênêka.

Đầu tháng 1-1985, theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Campuchia, Sư đoàn 7 (thiếu 1 trung đoàn) được lệnh trở lại chiến trường Campuchia tham gia chiến dịch mùa khô 1984-1985 trên địa bàn biên giới phía tây bắc Camuchia cùng Sư đoàn 9 và Trung đoàn 550 công binh trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 4.

Ngày 7-1-1985, Sư đoàn 5 (Quân khu 7) được tăng cường 2 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh và một số đơn vị thiết giáp tiến công Âm Pin - một căn cứ quan trọng, nơi có cơ quan chính phủ và Bộ Tổng tham mưu của Sênêka, nằm ở phía tây huyện Thơ Ma Puốc, tỉnh Bát Tam Băng. Sau 9 giờ chiến đấu bằng các đợt xung phong, hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh, xe tăng và pháo binh, quân ta đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Âm Pin, diệt 575 tên địch, thu 1.726 súng các loại.

Bị thất bại nặng, địch phải thay đổi kế hoạch chống phá cách mạng Campuchia. Ngày 31-1-1985, Pôn Pốt đa ra kế hoạch: Lấy chiến trường vùng sâu (nội địa) làm trọng điểm, tích cực bảo vệ cơ quan chỉ huy các cấp, tập trung đánh nhỏ, đánh phía sau, trong đó lấy đánh giao thông, đánh các cơ sở kinh tế và phá chính quyền phum, xã là chính.

Từ ngày 9-1 đến ngày 5-2-1985, các đơn vị thuộc Mặt trận 479 mở cuộc tiến công đánh chiếm các căn cứ địch ở Sê Đa, Ô Đa, Cao Mê Lai. Trong tháng 3-1985, ta tiếp tục đánh chiếm các mục tiêu ở khu vực Tà Tum, Cô La, Đăng Rếch.

Ở Mặt trận 579, đầu tháng 12-1984, ta đánh căn cứ núi Cụt của Sênêka, tiếp đó tập trung lực lượng tiến công căn cứ Poé Kúm (K1) sào huyệt của Fulro và Sở chỉ huy Sư đoàn 801 quân Pôn Pốt ở vùng 105. Sau một số trận đánh tạo thế và vây hãm, ngày 5-1-1985, các đơn vị của hai sư đoàn (2 và 307) chiếm được toàn bộ căn cứ, loại khỏi chiến đấu 1.007 tên địch, thu 4.406 súng các loại, 300 tấn đạn và 15 xe ô tô. Trận đánh thắng lợi ngoài việc phá tan một căn cứ chiến lược quan trọng của địch, gây tác động lớn đối với lực lượng địch ở ngoài biên giới và trong nội địa, ta còn củng cố thế trận nối liền từ ngã ba biên giới xuống Kô Kông.

Bị mất căn cứ Poé Kúm (K1), tàn quân địch dồn về căn cứ Pha Nom Kan Tung (K3), đưa tổng quân số ở đây lên gần 3.000 tên, gồm tàn quân và chỉ huy các Sư đoàn 612, 616, 801, 980. Rút kinh nghiệm bố trí ở hai căn cứ đã bị ta tiêu diệt, địch tăng cường cho tuyến trung tâm nhiều ĐKZ, pháo 85 và súng 12,7 mm. Chúng thường xuyên cho lực lượng sục sạo ra xa để phát hiện lực lượng ta. Ban đêm, địch tổ chức các toán phục kích, gài mìn trên đường mòn chống ta xâm nhập.

Về phía ta, sau hai trận tiến công tiêu diệt căn cứ 547 và Poé Kúm, các đơn vị rút kinh nghiệm chỉ ra những mặt yếu và biện pháp khắc phục. Được sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện, Mặt trận 579 đã điều chỉnh bổ sung lực lượng, vũ khí trang bị và huấn luyện bổ sung các kỹ thuật leo núi, tác chiến luồn sâu, gỡ mìn khắc phục vật cản. Công tác nuôi quân, phục hồi sức khỏe cho thương binh nhẹ được chú trọng, nên khi bước vào cuộc chiến đấu đánh địch ở căn cứ Pha Nom Kan Tung, quân số của các đơn vị trong mặt trận đảm bảo đạt 70% so với biên chế.

Sau các trận đánh tạo thế và nghi binh thu hút lực lượng địch về phía nam đường 74 của Trung đoàn 697 và 2 tiểu đoàn quân đội cách mạng Campuchia, 7 giờ ngày 5-3-1985, pháo ta đồng loạt bắn vào 21 mục tiêu trong căn cứ Pha Nom Ken Tung, sau đó Sư đoàn 307 lần lượt đánh chiếm các điểm cao 894, 542, 567. Sư đoàn 2 đánh chiểm khu vực 15 nhà, suối Tà Thu, điểm cao 604, nam điểm cao 600 và Phan Lan Sung. Ngày 6-3, ta đánh chiếm các mục tiêu còn lại trong căn cứ, đồng thời truy quét địch mở rộng địa bàn, giúp bạn củng cố tuyến phòng thủ biên giới. Trong đợt hoạt động này, ta loại khỏi chiến đấu 317 tên, thu 168 súng, 100 tấn đạn và nhiều lương thực, quân trang, quân dụng.

Cùng với chiến thắng giòn giã trên biên giới, các tiểu đoàn, đại đội ở nội địa tích cực bám nắm địch. Do làm tốt công tác địch vận và tổ chức hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với bộ đội và nhân dân địa phương, ta đã chiếm được một số căn cứ lõm của địch như Tà Ben Svay, Bông Viêng, La Lay, tạo ra thế và lực để xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng trong nội địa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #94 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 07:15:11 am »

Trên hướng Mặt trận 979, Quân khu 9 đẩy mạnh hoạt động đánh địch cả ngoài biên giới và trong nội địa. Ở biên giới, ta tập trung đánh các sở chỉ huy, cơ quan đầu não địch ở các tỉnh Ko Kông, Pua Sát, Bát Tam Băng. Sau đợt tiến công mùa khô 1984-1985, Mặt trận 979 tập trung lực lượng chuẩn bị đánh Ru Đa Môn - một căn cứ quan trọng của Pôn Pốt. Ngày 12-2-1985, Tư lệnh quân tình nguyện đến Sở chỉ huy chiến dịch của Mặt trận 979 trực tiếp bổ sung và thông qua quyết tâm lần cuối. Ta sử dụng 2 Sư đoàn 330 và 339 tiến công, kết hợp giữa đột phá chính diện với bao vây ngăn chặn, truy quét vòng ngoài. Sau ba ngày chiến đấu, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ căn cứ.

Cùng với các đơn vị đánh địch ngoài biên giới, các đơn vị đánh địch trong nội địa bảo vệ địa bàn của Mặt trận 979 liên tục mở các đợt tiến công truy quét địch ở Pua Sát, Kông Pông Chư Năng, Kông Pông Spư, nam đường vùng 31, gây cho địch nhiều thiệt hại. Chính quyền cơ sở được củng cố, ta giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang và giúp nhân dân sản xuất, ổn định đời sống. Đồng thời ta phối hợp với bạn huy động nhân dân đào được hơn 14.000 mét hào, 50.000 công sự chiến đấu, cắm hơn 200.000 mũi chông các loại và rào gần 100 km đường biên giới. Trong 6 tháng đầu năm 1985, ta huấn luyện cho bạn 124 đại đội, thành lập 41 chi bộ, phát triển 654 đảng viên mới.

Đánh giá về thắng lợi của cách mạng Campuchia, trong đó có sự giúp đỡ của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự quân sự Việt Nam, đồng chí Hêng Xom Rin, Tổng Bí thư Đảng nhân dân cách mạng Campuchia khẳng định: “Thắng lợi to lớn trong mùa khô 1984-1985 cùng với kết quả chiến đấu trong 5 năm qua đã làm cho cách mạng nước ta hình thành và trưởng thành một bước quan trọng tự đảm đương hầu hết các mặt chính trị, văn hóa, xã hội và đảm đương một phần về mặt quốc phòng, là bước chuyển biến mới có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Campuchia”(1).

Mặc dù bị thất bại nặng trong mùa khô 1984-1985, nhưng dựa vào lực lượng còn đông và viện trợ của nước ngoài, các thế lực phản động vẫn ráo riết hoạt động chống phá cách mạng Campuchia. Để tăng cường lực lượng kỹ thuật giúp bạn, ngày 8-5-1985, Bộ Tổng tham mưu quyết định (số 149/QĐ-TM) giao cho các binh chủng cử chuyên gia giúp quân đội cách mạng Campuchia khai thác, sử dụng các trang bị kỹ thuật do ta giúp. Tiếp đó, ngày 27-6-1985, Bộ điều Tiểu đoàn tăng T54 M thuộc Lữ đoàn tăng 409 (Quân khu 1) về Bộ Tư lệnh 719 để bàn giao trang bị cho bạn.

Bước vào mùa mưa 1985, địch phân tán lực lượng hoạt động ở biên giới nhằm kìm giữ chủ lực ta, đồng thời tích cực hoạt động giành dân, xây dựng cơ sở ngầm trong nội địa, từng bước đưa lực lượng áp sát các đô thị, đặc biệt là vùng ven Thủ đô Phnôm Pênh. Về ngoại giao, địch lợi dụng các diễn đàn quốc tế công kích, chia rẽ tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Campuchia.

Để đáp ứng yêu cầu cách mạng mới, ta và bạn tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang Campuchia, các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia, đồng thời sắp xếp lại tổ chức, kiện toàn các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương nhằm tạo thế và lực mới cho chính quyền và quân đội bạn vươn lên tự đảm nhiệm làm chủ đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng.

Mùa mưa năm 1985, ta và bạn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động. Từ tháng 6 đến tháng 10-1985, các lực lượng vũ trang ta và bạn tổ chức hàng trăm trận đánh lớn nhỏ truy quét tàn quân địch, loại khỏi chiến đấu hơn 1 vạn tên địch, diệt và bắt hơn 500 tên địch ngầm, xóa bỏ hơn 100 tổ chức phản động của địch. Ta tích cực giúp bạn huấn luyện xây dựng lực lượng, đưa các sư đoàn, trung đoàn chủ lực của bạn ra biên giới thay thế cho lực lượng ta.

Như vậy, đáp lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, với tinh thần quốc tế vô sản, từ năm 1979, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia mở cuộc tiến công thần tốc giải phóng hoàn toàn đất nước Campuchia, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Đánh giá về thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp bạn những năm 1979-1986, trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia, Đảng ủy Quân sự Trung ương nêu rõ: “Hơn 6 năm qua, các đồng chí đã quán triệt đường lối chính trị, đường lối quân sự và đường lối quốc tế của Đảng. Liên tục chiến đấu hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, vì nghĩa vụ dân tộc thiêng liêng… vì sự đoàn kết liên minh chiến đấu đời đời bền vững của hai dân tộc”(2). Đảng ủy Quân sự Trung ương căn dặn: “Tất cả các đơn vị chủ lực và địa phương, cơ quan và đơn vị bất kỳ ở đâu đều phải tham gia công tác vận động quần chúng xây dựng cơ sở, giúp dân đẩy mạnh ba phong trào cách mạng ở địa phương. Giữ nghiêm kỷ luật, chấp hành đúng các chính sách của nhà nước bạn, làm nhiều việc thiết thực giúp dân để dân tin, bạn mến, lưu lại những kỷ niệm đẹp trong lòng nhân dân và quân đội bạn…”(3).

Phát huy tinh thần quốc tế cao cả, các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng lực lượng giúp bạn, từng bước bàn giao khi bạn đảm trách được mọi mặt công tác và ta cũng từng bước rút dần một số đơn vị về nước theo thỏa thuận giữa Đảng và Nhà nước hai nước Việt Nam - Campuchia.


(1) Phát biểu của đồng chí Hêng Xom Rin tại Hội nghị tổng kết mùa khô 1984-1985, tài liệu lược dịch lưu tại Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 7.
(2) Thư của Đảng ủy Quân sự Trung ương gửi cán bộ, chiến sĩ chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia, hồ sơ 1292, Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng.
(3) Thư của bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gửi quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia, tài liệu lưu tại Viện lịch sử quân sự Việt Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #95 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 07:16:18 am »

Cùng với việc giúp nhân dân Campuchia hồi sinh xây dựng đất nước, những năm sau chiến tranh, theo sự thỏa thuận giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã tích cực giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ thành quả cách mạng, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng đất nước của hai dân tộc.

Cũng như Việt Nam sau giải phóng, cách mạng Lào đứng trước muôn vàn khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại. Lợi dụng những khó khăn của nước Cộng hòa dân hủ nhân dân Lào, các thế lực thù địch ra sức thực hiện kế hoạch hậu chiến, thúc đẩy bọn phản động điên cuồng chống phá cách mạng Lào, tiếp sức cho bọn phản động lưu vong trở về kết hợp với bọn phản động trong nội địa tiến hành phá hoại toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế. Trong nội địa, khoảng 2 vạn tên phản động ra sức tuyên truyền xuyên tạc chế độ mới, gây chia rẽ mối quan hệ Việt - Lào, kích động bạo loạn ở nhiều nơi. Bọn phỉ Vàng Pao khôi phục hoạt động trên một số căn cứ ở tây nam Xiêng Khoảng, Long Chẹng, Phu Bia, Bom Lọng, đường số 9. Chúng dùng vũ trang uy hiếp, khống chế cưỡng ép nhân dân chạy ra rừng hoặc vượt biên lập các căn cứ phỉ, tổ chức các cuộc tập kích cơ quan lãnh đạo, chính quyền, phục kích đánh phá các tuyến đường số 7, 9, 15, gây hoang mang trong nhân dân, làm rối loạn trật tự an toàn xã hội và an ninh chính trị, uy hiếp, cô lập các thành phố trung tâm chính trị quan trọng, nhất là Thủ đô Viêng Chăn, thị xã Savanakhét, hòng phá hoại công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân các bộ tộc Lào.

Nhằm giúp bạn ổn định tình hình, từ giữa năm 1976, một bộ phận quân tình nguyện Việt Nam (chủ yếu là Trung đoàn 176, Quân khu 4 và một số đơn vị bộ đội địa phương của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị) trở lại Lào giúp bạn tăng cường lực lượng cơ động chiến đấu trên các địa bàn quan trọng. Quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng Quân đội nhân dân Lào truy quét tàn quân địch, bảo vệ các địa bàn bắc, nam Viêng Chăn, Savanakhét. Trong năm 1976, ta đã giúp bạn 42 tấn đạn, 24 xe M113, lắp ráp một số máy bay và vận chuyển từ Đà Nẵng sang Lào.

Trước tình hình an ninh chính trị của Lào diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là ở Savanakhét và Viêng Chăn, theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước Lào, tháng 1 và tháng 4-1977, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Lào họp bàn về việc đưa quân tình nguyện Việt Nam trở lại Lào. Hai bên nhất trí triển khai bố trí lực lượng cụ thể trên một số địa bàn trọng yếu, trong đó gồm một sư đoàn và trung đoàn ở Viêng Chăn, 1 sư đoàn và 1 trung đoàn ở khu vực đường 9 và Khôngsêđôn. Trong đội hình quân nguyện có các đội trinh sát kỹ thuật, các đội ra đa sang cùng lực lượng bạn theo dõi nắm tình hình trên không và mặt đất. Ngoài ra, Bộ Tổng tham mưu tăng cường biên chế Phòng C (giúp Lào) và lập Cục Nghiên cứu tổng hợp công tác giúp Lào thuộc Cục Tác chiến. Cùng với quân tình nguyện, theo yêu cầu của bạn, các tổng cục tổ chức các đoàn chuyên gia chuyên ngành và một số đơn vị chuyên môn sang giúp bạn xây dựng cơ sở hạ tầng và dự trữ lương thực ở hai khu căn cứ hậu cần chiến lược ở Cánh Đồng Chum và Mường Phìn.

Ngày 22-7-1977, Hiệp định hợp tác quân sự giữa Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ký kết. Điều 2 của Hiệp định ghi rõ: Trong trường hợp một trong hai nước bị đế quốc, lực lượng phản động xâm lược và đe dọa tấn công thì hai bên sẽ kịp thời tiến hành mọi biện pháp quân sự, phối hợp hành động nhằm loại trừ sự đe dọa, tấn công hoặc làm thất bại sự tấn công đó.

Sau cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao hai nước và hai Bộ Quốc phòng, tháng 7-1977, hai đoàn đại biểu Bộ Tổng tham mưu Việt - Lào họp bàn, thống nhất kế hoạch giúp đỡ lẫn nhau trong 3 năm (1978-1980), trước mắt năm 1970: Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng cơ sở quốc phòng và kế hoạch phòng thủ chung.

Trên cơ sở thống nhất hai bên, ngày 18-7-1977, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Hiệp ước gồm 7 điều, trong đó điều 1 ghi: “Hai bên cam kết ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, không ngừng tăng cường tình đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản và theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, mỗi bên ra sức giáo dục toàn đảng, toàn dân của mình mãi mãi quý trọng, bảo vệ và vun đắp mối quan hệ Việt Nam - Lào đời đời trong sáng và bền vững”(1). Điều 2 xác định “trên cơ sở nguyên tắc việc bảo vệ độc lập và giữ gìn an ninh quốc gia là sự nghiệp của nhân dân mỗi nước, hai bên cam kết hết lòng ủng hộ và giúp đỡ nhau, hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm tăng cường khả năng phòng thủ bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn công cuộc lao động hòa bình của nhân dân, chống mọi âm mưu và hành động phá hoại của đất nước và lực lượng phản động nước ngoài”(2). Ngoài ra hai bên còn ký hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia. Đó là những hiệp ước rất quan trọng thể hiện sự tin cậy lẫn nhau, hợp tác về mọi mặt theo nguyên tắc cùng có lợi và hết lòng giúp đỡ lẫn nhau.


(1), (2) Báo Nhân dân, số 8469, ngày 19-7-1977.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #96 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 07:16:42 am »

Tiếp đó, từ ngày 12 đến ngày 22-9-1977, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào do đồng chí Khămtày Xiphănđôn, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng, Lào, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chỉ huy tối cao Quân đội nhân dân Lào sang thăm và làm việc với Bộ Quốc phòng nước ta. Hai bên đã thống nhất ký kết hiệp ước phòng thủ.

Trên cơ sở Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Lào (18-7-1977), Hiệp ước phòng thủ (22-9-1977), ngày 18-10-1977, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Chỉ thị Về việc tăng cường đoàn kết Việt - Lào trong tình hình mới. Thực hiện chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước Lào, ngày 6-12-1977, Bộ Tổng tham mưu ra Mệnh lệnh số 12/ML-TM điều Sư đoàn 324 (được tăng cường 3 tiểu đoàn) sang Bắc Lào phối hợp với bạn chiến đấu và tham gia công tác giúp bạn ở Viêng Chăn, Luông Pha Băng, Cánh Đồng Chum. Cùng ngày 6-12, Bộ Tổng tham mưu ban hành Chỉ thị số 99/CT-TM giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 176 (Quân khu 4) phối hợp với bạn sẵn sàng đập tan âm mưu bạo loạn của địch tại thị trấn Pắc Xan, bảo đảm giao thông đường số 13 và đường số 8; làm công tác dân vận, truy quét phỉ, bảo vệ mục tiêu quân sự ở Phu Ma và Mường Mộc.

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tổng tham mưu, ngày 10-1-1978, các đơn vị Quân khu 4 được giao nhiệm vụ đã sang Lào giúp bạn. Tháng 2-1978, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về tình hình các đơn vị quân tình nguyện chuẩn bị mở chiến dịch đánh chiếm Phu Bia. Đây là cụm căn cứ lâu năm của bọn phỉ, trải rộng trên một diện tích khoảng 2.500 km2, địa hình rất hiểm trở. Lợi dụng thế hiểm yếu đó, địch tổ chức phòng thủ trên ba cụm chủ yếu: Cụm 1, từ Mường Chà đến Mường Ao xuống phía nam Pha Khang; cụm 2, từ Mường Chà đi Poloco chếch lên phía bắc Pha Khếch, Phau Khao, Phađeng; cụm 3, từ Phu Bia về phía bắc.

Ngày 6-2-1978, ta và bạn đánh chiếm Phu He cách tây nam Phu Bia 25 km để nghi binh, thu hút sự chú ý của địch. Sáng 10-2, pháo binh liên quân đồng loạt bắn vào cụm 1 mở màn chiến dịch giải phóng Phu Bia. Từ ngày 10 đến ngày 18-2, ta đánh chiếm các vị trí Phu Khảo, Mường On, Mường Ao, bản Nậm Phen. Đến ngày 26-3-1978, ta và bạn đã loại khỏi chiến đấu 985 tên địch, làm bị thương 737 tên, bắt 375 tên, kiểm soát khoảng 65% khu đất căn cứ của địch, buộc chúng phải bỏ chạy về phía bên giới Lào - Thái củng cố lực lượng. Sau gần 4 tháng chiến đấu liên tục, ta và bạn giải phóng vùng rừng núi rộng lớn từ điểm cao 1.500, Phu Kamin, Mường On, Keo Mona đến phía nam Phu Sẩm Liêm, Mường Ao, Pha Phay, kết thúc giai đoạn đầu của chiến dịch.

Để tăng cường khả năng giúp bạn bảo vệ đất nước và thống nhất chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam ở Lào, ngày 28-6-1978, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Sắc lệnh số 63/SCT thành lập Binh đoàn 678 trực thuộc Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ của Binh đoàn là cùng bạn xây dựng nền kinh tế và nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong cả nước Lào, tăng cường và bảo vệ khối liên minh Việt - Lào, không ngừng củng cố và phát triển tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc. Lực lượng trực thuộc Binh đoàn gồm có 3 sư đoàn bộ binh (324, 968, 337), một số binh đội, phân đội binh chủng và bộ đội chuyên môn làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Trung tướng Trần Văn Quang được cử làm Tư lệnh kiểm Chính ủy Binh đoàn. Việc thành lập Binh đoàn 678, liên binh đoàn quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào là một chủ trương sáng suốt, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ của cách mạng Lào, nhằm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là chiến tranh quy mô lớn có thể xảy ra.

Sư đoàn 324, Trung đoàn 176 và 1 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp (Quân khu 4) đang làm nhiệm vụ mở chiến dịch Phu Bia được điều động về trực thuộc Binh đoàn 678. Vừa tranh thủ ổn định tổ chức biên chế, các đơn vị quân tình nguyện khẩn trương triển khai lực lượng tiếp tục chiến dịch Phu Bia. Trong giai đoạn 2 chiến dịch, mục tiêu tiến công là các vị trí địch ở khu vực xung quanh Phu Bia. Theo kế hoạch, các đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn do mưa lũ, sốt rét, bệnh tật và bom đạn chông bẫy của địch gây ra. Sau một thời gian mở cuộc tiến công, đến ngày 29-9-1978, liên quân Lào - Việt đã quét sạch lực lượng địch ở xung quanh khu vực Phu Bia, giải phóng gần 1 vạn dân, làm chủ địa bàn rộng lớn từ Phu Hoa đến Phu Lếch về Phu Kanin.

Ngày 30-9-1978, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Lào gửi điện khen ngợi các đơn vị tham gia lập công xuất sắc trong đợt 2 chiến dịch. Bức điện của bộ Quốc phòng ta nêu rõ: Chiến thắng đó là kết quả của tinh thần chiến đấu dũng cảm, của tình đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể của Sư đoàn 324 với các đơn vị Quân đội nhân dân Lào. Phát huy thắng lợi đã đạt được, các đồng chí hãy tiếp tục tiến lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng Phu Bia.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #97 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 07:17:37 am »

Để thực hiện phương châm tác chiến: “diệt nhiều sinh lực dịch, phá tan sào huyệt của chúng, không cho chúng có điều kiện khôi phục, nhen nhóm lại, nhưng phải cứu được dân, gìn giữ an toàn tính mạng cho dân… Bộ chỉ huy liên quân quyết định giao tiếp nhiệm vụ cho Sư đoàn 324 gấp rút chuẩn bị phương án tác chiến và bảo đảm hậu cần giúp bạn tổ chức đợt tổng công kích giải phóng toàn bộ Phu Bia.

Từ ngày 3 đến ngày 12-11-1978, ta vừa đánh, vừa tổ chức vây hãm gọi hàng và đánh chiếm các điểm cao xung quanh sào huyệt chính của bọn phỉ ở Phu Bia. Sáng 13-11, ta mở đợt tiến công cuối cùng làm chủ Phu Bia, diệt, bắt và gọi hàng toàn bộ quân địch, giải phóng 5.000 dân, thu 30 máy thông tin, 2.000 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng.

Đánh giá về ý nghĩa thắng lợi của liên quân Lào - Việt trong chiến dịch giải phóng Phu Bia, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào nêu rõ: Chiến thắng Phu Bia là một trong những thắng lợi to lớn nhất của cách mạng Lào kể từ sau chiến thắng mùa Xuân 1975. Với chiến công xuất sắc, Sư đoàn 324 đã được Đảng và Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương Ítxala hạng Nhất.

Bước sang năm 1979, ở Lào đi đôi với việc phối hợp duy trì áp lực quân sự, đe dọa chiến tranh, thực hiện phá hoại kế hoạch kinh tế, chính trị, gây chiến tranh tâm lý, gián diệp, các thế lực thù địch đã tập hợp các lực lượng phản động có vũ trang với nhiều quy mô, dùng bàn đạp từ bên ngoài kết hợp bên trong tiến công gây bạo loạn “dùng người Lào đánh người Lào”, sử dụng “kiểu biên giới mềm”, thâm độc xảo quyệt, thực hiện chiến lược “mối xông nhà”, kích động chia rẽ, xuyên tạc liên minh Việt - Lào.

Được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng giúp bạn, ngày 9-2-1979, đồng chí Lê Quang Hòa, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4, thay mặt Thường vụ Đảng ủy chỉ thị cho lực lượng vũ trang quân khu đang làm nhiệm vụ giúp bạn, trong đó xác định: “Ra sức tăng cường xây dựng thật tốt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và liên minh Việt - Lào là vấn đề sống còn của hai nước, là quy luật phát triển của sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân hai nước. Lực lượng vũ trang Quân khu 4, nhất là cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ giúp bạn, cần phải hiểu sâu sắc và cố gắng tới mức cao nhất việc hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như trong việc giữ gìn mối quan hệ nhân dân, quân đội, cấp ủy và chính quyền bạn”(1). Thường vụ Đảng ủy Quân khu 4 yêu cầu các cấp lãnh đạo chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên quán triệt sâu sắc và thực hiện 7 nội dung cơ bản, trong đó xác định phương châm “giúp bạn là cơ bản, toàn diện, lâu dài”.

Cùng với các đơn vị của quân khu đã có mặt ở Lào, tháng 2-1979, theo mệnh lệnh của Bộ, Quân khu 4 tiếp tục điều động Trung đoàn 245 hành quân sang Lào làm nhiệm vụ xây dựng Nông trường Bắc Hin Bun (gồm tổ chức khảo sát, thiết kế, xây dựng nông trường, chủ yếu là sản xuất lương thực, thực phẩm).

Nhằm nâng cao quy mô tổ chức quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, ngày 30-3-1979, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng ta quyết định lập Mặt trận 379 trực thuộc Binh đoàn 678 làm nhiệm vụ cùng bạn tổ chức phòng thủ ở vùng Bắc Lào (gồm Uđomsay, Nậm Thà, Phông Xa Lỳ).

Ngày 11-11-1979, Bộ Tổng tham mưu quyết định các đơn vị thuộc Quân khu 4, cũng như các đơn vị thuộc các tổng cục, quân khu, quân đoàn, binh chủng đang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế trên đất Lào được đặt dưới sự chỉ huy của Binh đoàn 678 về mặt sẵn sàng chiến đấu và duy trì trật tự an ninh ở vùng đóng quân.

Tháng 2-1980, Quân ủy Trung ương họp ra Nghị quyết số 32-QUTW Về nhiệm vụ quân sự giúp Lào. Nghị quyết nêu rõ: Tiếp tục cùng bạn Lào đẩy mạnh các mặt công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, kịp thời đập tan mọi âm mưu gây bạo loạn và đánh trả có hiệu quả các cuộc tiến công của bọn phản động ở Lào, hoặc quân xâm lược nước ngoài ở Bắc Lào, đánh bại âm mưu diễn biến hòa bình và các họạt động phá hoại gây rối ở Trung - Hà Lào, đồng thời tiếp tục truy quét phỉ và các lực lượng phản động khác.

Trong những năm 1980-1982, các đơn vị quân tình nguyện đã cùng với bạn truy quét các toán biệt kích xâm nhập, vũ trang nằm vùng, phá các ổ phản động ở Thủ đô Viêng Chăn, các thị xã, làm thất bại âm mưu bạo loạn lật đổ và gây phỉ của địch, bảo vệ các mục tiêu trong yếu. Trong 6 tháng đầu năm 1983, ta diệt 258 tên địch, bắt 96 tên, bức hàng 126 tên, thu 123 súng các loại. Bên cạnh đó, bộ đội ta cùng với bạn củng cố chính quyền ở 258 bản, bồi dưỡng 3.158 cán bộ xã, huấn luyện 5.500 lượt dân quân, du kích. Với sự hoạt động tích cực của các đơn vị Binh đoàn 678 và một số quân khu có đường biên giới tiếp giáp với Lào, ta và bạn đã phá tan nhiều ổ nhóm phản động, làm cho an ninh chính trị của Lào ngày càng đi dân vào thế ổn định. Ta đã bảo vệ tốt hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương, diễn tập liên minh Việt - Lào (HN83) đạt kết quả tốt.


(1) Quân khu 4 - Lịch sử thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.199-200.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #98 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 07:18:16 am »

Trước tình hình an ninh chính trị ở Lào ngày càng ổn định, ngày 21-11-1985, Hội đồng Nhà nước Việt Nam quyết định giải thể Binh đoàn 678. Để tiếp tục giúp bạn, ngày 31-12-1983, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Quân khu 4 trực tiếp chỉ huy các Sư đoàn bộ binh 986, 324, Lữ đoàn bộ binh 176 đang hoạt động ở Lào, Sư đoàn 348 và Trường quân chính của Binh đoàn 678 trước đây, đảm nhận công tác quân sự ở Lào từ Viêng Chăn, Xiêng Khoảng xuống Hạ Lào. Mặt trận 379 trực thuộc Bộ Quốc phòng có 316 cán bộ.

Sau khi cơ bản hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn về quân sự, ngày 28-2-1984, Bộ Tổng tham mưu quyết định rút Sư đoàn bộ binh 968 về Quân khu 4 nhận nhiệm vụ mới.

Để tiếp tục giúp bạn về các mặt xây dựng củng cố lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và xây dựng kinh tế trong năm 1984, Bộ Tổng tham mưu ta và bạn đã thống nhất kế hoạch chiến lược phòng thủ đối phó với các tình huống chiến tranh và triển khai kế hoạch chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch.

Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu hai nước Việt - Lào còn tiến hành hội đàm để gảii quyết những vấn đề cơ bản về quân sự. Trong kế hoạch phát động quần chúng, củng cố cơ sở chính trị, bạn và ta ngày càng được phối hợp chặt chẽ. Bạn đã củng cố ban lãnh đạo và chính quyền ở các tỉnh trọng điểm. Ta cũng kiện toàn 60 đội công tác ở cơ sở (trong đội hình quân tình nguyện) với hơn 1.500 cán bộ phối hợp với bạn về các mặt khác, chỉ đạo công tác vận động quần chúng xây dựng cơ sở, củng cố quốc phòng - an ninh.

Ngày 23-6-1984, Bộ Tổng tham mưu ra Quyết định số 832/QĐ-QP giao cho Quân khu 5 nhiệm vụ liên minh chiến đấu với lực lượng vũ trang nhân dân các bộ tộc Lào trên địa bàn các tỉnh Saravan, Chămpasắc, Atôpơ và tỉnh mới tách ra từ Saravan, tăng cường khả năng phòng thù bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ địa bàn Nam Lào.

Đối với Sư đoàn 324 đứng chân ở Viêng Chăn, trọng điểm xây dựng cơ sở là huyện Ca Xi, đồng thời tham gia truy quét phỉ ở Phu Noọng. Theo phân công, Trung đoàn 1 của sư đoàn có pháo binh, xe tăng phối hợp bố trí xuống phía nam Viêng Chăn, tạo thế phòng thủ chắc chắn cho mục tiêu trọng điểm. Trung đoàn 176 truy quét, phục lót các cửa khẩu. Sư đoàn 968 truy quét bọn địch xâm nhập từ ngoài vào theo hành lang nam đường số 9.

Tiếp tục thực hiện chủ trương của bạn: “kiên quyết đập tan âm mưu thủ đoạn phá hoại của địch, diệt tận gốc mọi tổ phỉ mới nhen nhóm, phát động toàn dân cùng với các lực lượng vũ trang giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm trong sạch địa bàn”, Sư đoàn 324 liên tục phối hợp với bạn mở các đợt hoạt động truy quét. Trong 6 tháng mùa khô 1983-1984, Sư đoàn đã phá tan các cụm phỉ còn lại ở Pha Phay, Phu Sẩm Liêm, loại khỏi chiến đấu hàng trăm tên, thu hàng trăm súng, phá rã hoàn toàn tổ chức phỉ gồm các Tiểu đoàn 2, 3, 4 do Dong Du Hờ chỉ huy trên địa bàn Phu Bia.

Năm 1984 ta còn giúp bạn hoàn thành đào tạo 407 cán bộ, tổ chức học tập cho 1.381 cán bộ và nhân viên kỹ thuật tại 28 trường, 32 chuyên gia thường trú ở cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó có công tác quân sự địa phương, 200 chuyên gia kỹ thuật về các xí nghiệp quốc phòng và các nông trường. Đồng thời giúp bạn xây dựng các công trình kho 21.200 m2, các xưởng và nhà máy hữu nghị, các công trình quốc phòng, trạm thủy điện, vật tư quân sự (170 tấn ). Vận chuyển hàng quá cánh quân sự 7.834 tấn và viện trợ đột xuất theo yêu cầu chiến đấu ở khu vực ba bản 150 tấn hàng quân sự. Tuy nhiên, bạn vẫn còn nhiều khó khăn, cơ sở chính trị còn yếu, chưa đều, sản xuất phát triển chậm, giao thông vận tải rất khó khăn, đời sống cán bộ, công nhân viên, bộ đội còn thiếu thốn.

Với tinh thần tích cực, chủ động bám nắm địa bàn, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang bạn đã kịp thời phát hiện âm mưu, thủ đoạn của địch, tiếp tục bắt gọn nhiều toán, tốp địch từ ngoài xâm nhập về ngay khi chúng chưa kịp trở tay hành động. Đảng bộ, nhân dân các lực lượng vũ trang và các đồng chí lãnh đạo Quân đội nhân dân Lào đã khen ngợi, biểu dương thành tích to lớn của các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Đồng chí Khămtày Xiphănđon - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào khẳng định: “Giúp Lào, lại một lần nữa, các lực lượng tình nguyện Việt Nam đã nêu gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, về tinh thần quốc tế trong sáng thủy chung, xả thân vì bạn”(1).

Từ tháng 4-1985, được các thế lực phản động nước ngoài tiếp tế, Đại tá Chư Pao Mùa tập trung được khoảng 1.200 tên phỉ hoạt động quấy phá ở khu vực Buôm Lọng. Trước yêu cầu cấp bách phải tiêu diệt cụm phỉ ở Buôm Lọng để ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Tỉnh ủy Xiêng Khoảng đề nghị cấp trên tăng cường lực lượng cùng tỉnh giải phóng vùng đất bị Chư Pao Mùa chiếm đóng. Bộ Chỉ huy liên quân Lào - Việt, do đồng chí Khátthinạ, Ủy viên trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy Xiêng Khoảng làm Chỉ huy trưởng. Trước yêu cầu của bạn, từ ngày 13 đến ngày 15-5-1985, Quân khu 4 đã sử dụng Tiểu đoàn 31 đặc công quân khu và một số đơn vị bộ binh cùng các đơn vị bạn tiến công, tiêu diệt quân phỉ ở Buôm Long, phá tan sào huyệt phỉ lớn nhất của địch, góp ổn định tình hình an ninh của bạn.


(1) Phát biểu trong buổi gặp gỡ cán bộ chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam tại Viêng Chăn, Quân khu 4 - Lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-2005) , Sđd, tr.378.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #99 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 07:18:49 am »

Bên cạnh việc phối hợp với bạn xây dựng cơ sở, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam còn cùng lực lượng vũ trang bạn chốt giữ bảo đảm giao thông an toàn trên các tuyến đường quan trọng, trong đó có đường huyết mạch số 13 xuyên Lào vốn nhiều đoạn hiểm yếu, loại trừ được nguy cơ uy hiếp của địch. Ngoài ra, các đơn vị quân tình nguyện cùng với nhân dân các bộ tộc Lào xây dựng giúp bạn hàng trăm trường học, trạm xá; giúp hàng chục vạn ngày công làm thủy lợi, sản xuất, khám chữa bệnh cho hàng vạn lượt người; trích bớt khẩu phần ăn giúp dân hàng trăm tấn gạo, muối…

Vừa chiến đấu vừa giúp bạn xây dựng đội ngũ cán bộ, huấn luyện nâng cao sức mạnh chiến đấu. Trong năm 1985, các đơn vị quân tình nguyện đã cùng bạn tổ chức huấn luyện kèm cặp giúp các đơn vị dân quân, du kích, bộ đội địa phương tỉnh, huyện của bạn từng bước trưởng thành làm cơ sở bổ sung xây dựng, phát triển các đơn vị bộ đội chủ lực cấp trung đoàn, sư đoàn. Tháng 5-1985, Sư đoàn 1 của bạn ra đời đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Lào. Ngày 20-7-1983, lễ kết nghĩa giữa Sư đoàn 1 Quân đội nhân dân Lào với Sư đoàn 324 quân tình nguyện Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Viêng Chăn. Sư đoàn trưởng U Đôn thay mặt Sư đoàn 1 và Sư đoàn trưởng Võ Chót thay mặt Sư đoàn 324 ký các văn kiện hợp tác giúp đỡ nhau về mọi mặt, đưa mối quan hệ truyền thống giữa hai đơn vị và quân đội hai nước lên tầm cao mới.

Đi đôi với liên minh hợp tác với bạn về quốc phòng, an ninh, thống nhất kế hoạch phòng thủ chiến lược, triển khai kế hoạch chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt, các đơn vị quân tình nguyện và các địa phương trong các quân khu đã thực hiện nhiều hình thức kết nghĩa, giúp bạn xây dựng và củng cố lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, đào tạo cán bộ theo cách “ngành giúp ngành, tỉnh giúp tỉnh, huyện giúp huyện” xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng kinh tế giúp bạn. Công ty hợp tác kinh tế 85 (tiền thân là công trường khai thác Quân khu 4) đã kết hợp với Công ty Chấn hưng kinh tế miền núi của Bộ Quốc phòng Lào tiến hành khai thác gỗ xuất khẩu đạt kết quả tốt. Không chỉ khai thác gỗ, đơn vị còn giúp bạn mở đường dân sinh (khu vực Na Tân, tỉnh Khăm Muộn) dài 26 km, tổ chức trồng 60 ha rừng ở Lạc Xao. Việc sớm tổ chức mô hình kết hợp kinh tế với quốc phòng, kết hợp giữa ta và bạn trong xây dựng đạt hiệu quả đã mở ra những bước đi vững chắc cho sự lớn mạnh không ngừng của các công ty hợp tác kinh tế sau này.

Về sản xuất, ta giúp bạn xây dựng kinh tế địa phương, giải quyết một phần về đời sống. Nhiều nơi trước đây tình hình rất phức tạp, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn nhưng được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam đến năm 1985 đã cơ bản có những chuyển biến tốt, đời sống ổn định.

Trong những năm 1980-1985, đất nước ta vẫn trong tình trạng vừa có hòa bình, vừa phải đối phó với tình huống có thể xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn và chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân đã nỗ lực chiến đấu, cùng toàn dân khắc phục mọi khó khăn, thử thách, từng bước ổn định đời sống. Quân và dân ta đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng đất nước về mọi mặt, trong đó xây dựng tiềm lực quân sự, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Được Đảng, Nhà nước và nhân dân chăm lo, tập tình giúp đỡ, các lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng, không ngừng phát triển lớn mạnh cả lực lượng và tổ chức, trang bị nhiều vũ khí mới, hiện đại, góp phần cùng toàn dân làm thất bại mọi âm mưu phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực tham gia lao động sản xuất, góp phần xây dựng kinh tế đất nước.

Cùng thời gian này, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam, một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, xây dựng lại đất nước; đồng thời cùng với quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào đập tan âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng Lào.

Những thành tựu đạt được trên nhiều mặt, trong đó có thành tựu to lớn về xây dựng tiềm lực quân sự, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và làm nhiệm vụ quốc tế là cơ sở rất quan trọng để các lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân cùng toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng bước vào thời kỳ mới. Thời kỳ đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM