Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 05:45:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử quân sự Việt Nam - Tập 13  (Đọc 46471 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #130 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 06:01:24 pm »

Đế quốc Mỹ và các thế lực phản động quốc tế sau nhiều biến cố chính trị ở Đông Âu và Liên Xô đã liên tục điều chỉnh chiến lược an ninh, thi hành hàng loạt chính sách áp đặt các tiêu chuẩn giá trị Mỹ cho toàn thế giới, nhằm thiết lập một trật tự thế giới một cực do Mỹ đứng đầu. Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Đây là phương thức chủ yếu mà các thế lực thù địch sử dụng nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chúng tập hợp những phần tử phản động người Việt lưu vong hình thành các tổ chức phản động, đưa về Việt Nam móc nối với những phần tử chống đối, phản động trong nước, nhất là ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc đòi “tự do nhân quyền”, âm mưu tiến hành các hoạt động chống đối, hòng gây mất ổn định chính trị, xã hội, tạo cớ can thiệp vũ trang. Đặc biệt, các thế lực thù địch thông qua “mở cửa” hợp tác đầu tư của Việt Nam, lợi dụng nền kinh tế thị trường liên doanh, liên kết, lối sống thực dụng sa đọa, tìm cách xâm nhập, mua chuộc làm thoái hóa biến chất một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, làm suy yếu đi đến xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đất nước ta bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình thế giới và khu vực vừa hợp tác, vừa cạnh tranh gay gắt, với những biến động khó lường tác động đến mọi mặt đời sống xã hội và quốc phòng, an ninh. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Đường lối đối ngoại của Việt Nam xác định “củng cố môi trường hòa bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(1).

Theo tinh thần đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước ASEAN, không ngừng củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, coi trọng quan hệ với các nước phát triển và các trung tâm kinh tế, chính trị trên thế giới; đồng thời, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết anh em với các nước phát triển ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latin, nhất là với các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục các cuộc đàm phán về vấn đề “biên giới trên đất liền” và “phân định vịnh Bắc Bộ” giữa hai nước.

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ động tham gia các cuộc đối thoại và hợp tác an ninh song phương, đa phương, chính thức và không chính thức của Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương. Tại các cuộc hội thảo và đối thoại an ninh đó, Việt Nam thường nêu các vấn đề trao đổi: Tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột. Đề xuất các biện pháp xây dựng lòng tin và công khai hóa lực lượng, trang bị vũ khí, chiến lược quốc phòng của các nước. Kiến nghị các phương án cắt giảm lực lượng vũ trang. Vai trò của lực lượng vũ trang trong việc giữ gìn, kiến tạo hòa bình ở mỗi nước và khu vực. Thông qua các cuộc hội thảo, Việt Nam đã tăng cường mở rộng quan hệ ngoại giao trên trường quốc tế và họp tác nhiều mặt với các nước trong khu vực. Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực, trong đó bao gồm cả lĩnh vực quân sự, quốc phòng và an ninh, góp phần củng cố môi trường hòa bình để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường thế trận quốc phòng và an ninh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, ngày 5-7-1996, Thủ tưởng chính phủ ban hành Nghị định số 41/CP Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Quốc phòng. Điều 1 của Nghị định quy định: “Bộ Quốc phòng là cơ quan của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Chính trị mà trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương và sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quốc phòng trong phạm vi cả nước và tổ chức thực hiện xây dựng, quản lý, chỉ huy quân đội nhân dân, dân quân tự vệ nhằm củng cố vá tăng cường quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(2).

Căn cứ vào nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh trong 5 năm 1996-2000 và dự báo không có hoặc ít có khả năng xảy ra chiến tranh xâm lược đối với nước ta, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng, bổ sung trình Bộ Chính trị phê chuẩn “Quyết tâm phòng thủ cơ bản bảo vệ Tổ quốc” và “Quyết tâm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an ninh chính trị, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”, “Kế hoạch chống chiến tranh xâm lược quy mô lớn, quyết tâm phòng thủ bảo vệ biên giới, vùng trời, vùng biển - đảo và thềm lục địa”. Các quyết tâm, kế hoạch chiến lược thể hiện quan điểm của Đảng gắn quốc phòng với an ninh, quốc phòng với kinh tế, làm cơ sở triển khai thế trận phòng thủ, kết hợp kinh tế với quốc phòng, ổn định chính trị để xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo các quân khu, quân chủng, binh chủng xây dựng kế hoạch cụ thể bảo vệ các khu vực trọng điểm, vùng sâu, vùng xa như: Kế hoạch bảo vệ vùng biển Tây Nam (Thổ Chu, Phú Quốc); Kế hoạch bảo vệ vùng biển Đà Nẵng, Phú Quý, Cam Ranh; Kế hoạch bảo vệ căn cứ địa hậu phương Tây Nguyên và một số địa bàn trọng yếu ở vùng Tây Bắc và Đông Bắc.


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Sđd, tr.120.
(2) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Bộ Quốc phòng 1945-2000 (Biên niên sự kiện), Sđd, tr.829.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #131 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 06:02:13 pm »

Nhằm quy hoạch tổng thể quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế của đất nước, ngày 24-2-1996, Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị số 189/CT-QP, nêu rõ: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng, Chính phủ đã có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội đất nước cho tới năm 2000-2010 nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đất nước ta sớm thoát khỏi một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu. Đây là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu hiện nay của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Yêu cầu kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong quy hoạch kinh tế, xã hội trong tình hình hiện nay là hết sức cấp bách và quan trọng để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược”(1).

Căn cứ vào đặc điểm của từng vùng, miền, phương châm quy hoạch tổng thể quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế, xã hội theo các yêu cầu:

1- Xây dựng quy hoạch phát triển không đảo lộn thế bố trí chiến lược, thế phòng thủ cơ bản, bảo vệ các địa hình, công trình phòng thủ có giá trị, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, khai thác hiệu quả, bảo tồn được các di tích lịch sử, văn hóa.

2- Gắn yêu cầu quốc phòng với kinh tế, quy hoạch kế hoạch tổng thể đến quy hoạch kế hoạch từng vùng, từng ngành; có phương án phối hợp cả trên mặt đất, trên các đảo ven biển, dưới lòng đất, trên không.

3- Xây dựng nền công nghiệp nói chung, đặc biệt các khu công nghiệp trọng điểm phải gắn với tự bảo vệ và được bảo vệ vững chắc.

Trước tình hình mới, các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9 và Quân khu Thủ đô điều chỉnh các cơ quan quân sự địa phương theo sự chia tách, tái lập một số tỉnh cũ trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội kết hợp với quốc phòng và an ninh của Nhà nước. Theo chủ trương đó, trong những năm cuối thế kỷ XX, các quân khu tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính quân sự tỉnh, huyện tái lập.

Quân khu 1 giải thể bộ chỉ huy quân sự 2 tỉnh Hà Bắc và Bắc Thái để tổ chức bộ chỉ huy quân sự các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn (12-1996); đồng thời thành lập Ban chỉ huy quân sự huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn (8-1998) và các Ban chỉ huy quân sự các huyện Tiên Du, Từ Sơn, Gia Bình, Lương Tài tỉnh Bắc Ninh (9-1999).

Quân khu 2 giải thể Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phú để tổ chức Bộ chỉ huy quân sự 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc (12-1996); giải thể các Ban chỉ huy quân sự các huyện Phong Châu, Tam Thanh để tổ chức các Ban chỉ huy quân sự của các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ (8-1999).

Quân khu 3 lần lượt giải thể Ban chỉ huy quân các huyện Tứ Lộc, Ninh Thanh, Kim Thi để tổ chức Ban chỉ huy quân sự các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Kim Đông, Ân Thi, Tứ Kỳ, Gia Lộc thuộc hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên (3-1996); giải thể Bộ chỉ huy quân sự 2 tỉnh Nam Hà và Hải Hưng để tổ chức Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên (12-1996); giải thể Ban hỉ huy quân sự huyện Phù Tiên để tổ chức các Ban chỉ huy quân sự các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên (3-1997); giải thể Ban chỉ huy quân sự các huyện Xuân Thủy, Nam Ninh để tổ chức Ban chỉ huy quân sự các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Nam Trực, tỉnh Nam Định (3-1997). Đồng thời, Quân khu 3 thành lập Ban chỉ huy quân sự huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (3-1997) và Ban chỉ huy quân sự thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (8-1998); chuyển giao nhiệm vụ và tổ chức Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây về trực thuộc Quân khu Thủ đô (8-1999); giải thể các Ban chỉ huy quân sự các huyện Mỹ Văn, Châu Giang để tổ chức các Ban chỉ huy quân sự các huyện Mỹ Hào, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu, Văn Giang tỉnh Hưng Yên (8-1999).

Quân khu 4 thành lập Ban chỉ huy quân sự các huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, Quan Sơn, Mường Lát, Như Thanh, Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa (3-1997); đổi tên Ban chỉ huy quân sự tỉnh Thiệu Hóa thành Ban chỉ huy quân sự huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa (3-1997).

Quân khu 5 thành lập Ban chỉ huy quân sự huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc (3-1996), thành lập Ban chỉ huy quân sự các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu 5 thuộc thành phố Đà Nẵng và Ban chỉ huy quân sự Ia Grai, tình Gia Lai (6-1999), giải thể Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để tổ chức Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam và Bộ chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng (12-1996); chuyển giao nhiệm vụ và tổ chức hai Bộ chỉ huy quân sự hai tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng về trực thuộc Quân khu 7 (4-1999). Đổi tên Ban chỉ huy quân sự huyện Giằng thành Ban chỉ huy quân sự huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam (11-1999).

Quân khu 7 giải thể Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Sông Bé để tổ chức các Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh Bình Dương, Bình Phước (12-1996), giải thể Ban chỉ huy quân sự huyện Thủ Đức để tổ chức Ban chỉ huy quân sự các quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9, Quận 7, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh (1-1997); thành lập các Ban chỉ huy quân sự các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Dĩ An, tỉnh Bình Dương (8-1999), thành lập Bộ chỉ huy quân sự thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (9-1999), thành lập Ban chỉ huy quân sự thị xã Đồng Xoài tỉnh Bình Phước (10-1999).

Quân khu 9 giải thể Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Minh Hải để tổ chức các Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu (12-1996); thành lập Ban chỉ huy quân sự thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (8-1998), Bộ chỉ huy quân sư thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau (6-1999), Ban chỉ huy quân sự thị xã Vị Thanh, tỉnh Cần Thơ (6-1999), đổi tên Ban chỉ huy quân sự huyện Hà Tiên thành Ban chỉ huy quân sự huyện Kiên Giang, tỉnh Kiên Giang (6-1999), Ban chỉ huy quân sự huyện Vị Thanh thành Ban chỉ huy quân sự huyện Vị Thủy, tình Cần Thơ (8-1999).

Quân khu Thủ đô thành lập Ban chỉ huy quân sự các huyện Thanh Xuân, Cầu Giấy (12-1996), thành lập Bộ chỉ huy quân sự thành phố Hà Nội thuộc Quân khu Thủ đô (8-1999), đồng thời tiếp nhận Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây (10-1999).


(1) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Bộ Quốc phòng 1945-2000 (Biên niên sự kiện), Sđd, tr.820.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #132 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 06:03:22 pm »

Trên cơ sở quy hoạch hậu phương chiến lược, Bộ Quốc phòng phối hợp với các cơ quan nhà nước (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nghiên cứu phân vùng chiến lược; đồng thời, tiếp tục rà soát đất đai quốc phòng, thực hiện Luật đất đai, dành một diện tích lớn đất chuyển sang xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, bảo đảm hậu phương trên các hướng tác chiến chiến lược của từng miền và chung cả nước.

Bộ Tổng tham mưu cùng các tổng cục nghiên cứu đề ra kế hoạch xây dựng vùng chiến lược Tây Nguyên và căn cứ hậu phương chiến lược Tây Nguyên theo từng năm và 5 năm 1995-2000; xây dựng Đề án “Kết hợp phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng” trong xây dựng và bảo vệ căn cứ chiến lược Tây Nguyên, các vùng miền núi, duyên hải Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ trong những năm 1992-2000. Các vùng miền khác được triển khai thực hiện từng bước theo kế hoạch chung phát triển kinh tế, xã hội kết hợp vơi quốc phòng, an ninh. Đồng thời, theo sự phát triển của nền kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Quốc phòng tham gia cùng các đoàn thanh tra của Chính phủ tiến hành khảo sát những khu vực liên quan đến quân sự để kết hợp kinh tế với quốc phòng, bảo đảm phòng thủ an ninh quốc gia.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội đất nước của Chính phủ và quy hoạch tổng thể quốc phòng kết hợp với phát triẻn kinh tế đất nước. Bộ Quốc phòng chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ, nền tảng của nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Qua tổng kết thực tiễn xây dựng khu vực phòng thủ trong những năm trước đây và căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Quốc phòng xác định: “Khu vực phòng thủ của thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ở địa phương, có chức năng bảo vệ lãnh thổ (đất, trời, biển) địa phương, bảo vệ chế độ, bảo vệ công cuộc xây dựng hòa bình của nhân dân, bảo vệ tiềm lực mọi mặt của địa phương theo một cơ chế lãnh đạo, điều hành, chỉ huy thống nhất”(1).

Nhiệm vụ cơ bản của khu vực phòng thủ được xây dựng vững chắc về chính trị, kinh tế, xã hội phát triển, quân sự mạnh, tích lũy tiềm lực toàn diện cho địa phương và chi viện chung, làm cho địch phải sa lầy, làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Yêu cầu đối với khu vực phòng thủ: “Phải có khả năng thường xuyên độc lập, tự túc bảo vệ địa phương mình lâu dài trong thế trận chung, chủ động đánh địch ngay từ đầu, tiến công kiên quyết, bám trụ kiêm cường, tiêu hao tiêu diệt địch, phối hợp chặt chẽ với quân chủ lực”(2). Cơ chế lãnh đạo, điều hành, chỉ huy trong khu vực phòng thủ “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý và điều hành theo pháp luật, cơ quan quân sự, công an, các ban - ngành, Mặt trận - đoàn thể nhân dân làm tham mưu theo chức năng và tổ chức thực hiện; chỉ huy trưởng quân sự (công an) chỉ huy thống nhất các lực lượng thuộc quyền”(3).

Xây dựng khu vực phòng thủ là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là lực lượng đóng vai trò nòng cốt, thường xuyên được kiện toàn về tổ chức, biên chế, trang bị, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, sẵn sàng đối phó hiệu quả với mọi tình huống phá hoại của các thế lực thù địch.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội khóa VI, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện kế hoạch xây dưng lực lượng 5 năm 1995-2000 theo phương châm xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, theo nguyên tắc cơ cấu tổ chức biên chế đủ, gọn, mạnh, hợp lý.

Theo phương hướng đó, Đảng ủy Bộ Tổng tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng ra Nghị quyết số 119/NQ ngày 15-11-1996, xác đình: Tiếp tục quán triệt sâu sắc mục đích yêu cầu, chỉ lệnh về việc chấn chỉnh tổ chức, giảm biên chế cơ quan, góp phần cải cách hành chính quốc gia nhằm làm cho cơ quan tinh, gọn, mạnh, nâng cao chất lượng, đủ sức đáp ứng được yêu cầu giúp Bộ chỉ đạo phòng thủ tác chiến, xây dựng và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy và nâng cao chất lượng toàn diện các lực lượng vũ trang nhân dân, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng.

Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cơ quan huấn luyện chiến đấu toàn quân đổi tên thành cơ quan quân huấn. Cơ quan tổ chức động viên toàn quân đội thành cơ quan quân lực. Ngày 24-12-1998, Bộ Quốc phòng thành lập Cục Kinh tế và Cục Kế hoạch và Đàu tư tực thuộc Bộ Quốc phòng; đồng thời, đổi tên Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế thành Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Các Tổng cục Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật kiện toàn tổ chức biên chế một số cơ quan, đơn vị cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Ngày 28-3-1998, Quốc hội thông qua Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Tiếp đó, ngày 27-4-1998, Chủ tịch nước ký Lệnh số 3/L-CTN công bố Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam,
 
Ngày 21-7-1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 53/1998/NĐ-CP “Về tổ chức hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam” và giao cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức, quản lý. Cảnh sát biển Việt Nam ra đời thể hiện sự đổi mới về cơ cấu tổ chức biên chế của quân đội, của Quân chủng Hải quân, đáp ứng quá trình nhất thể hóa ASEAN, hợp tác an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có sự tranh chấp về chủ quyền biển, đảo trên biển Đông và quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.


(1) Lịch sử Cục Tác chiến (1945-2005), Sđd, tr.849.
(2) Lịch sử Cục Tác chiến (1945-2005), Sđd, tr.849.
(3) Lịch sử Cục Tác chiến (1945-2005), Sđd, tr.849.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #133 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 06:05:20 pm »

Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân hợp nhất thành Quân chủng Phòng không - Không quân (14-7-1999) theo Nghị quyết của bộ Chính trị vá Đảng ủy Quân sự Trung ương. Đây là bước chấn chỉnh về tổ chức lực lượng phòng không - không quân nhằm bảo đảm có lực lượng tinh gọn, tăng cường chỉ huy thống nhất, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới.

Các binh đoàn chủ lực cơ động, các binh chủng, Bộ đội biên phòng tiếp tục được chấn chỉnh về tổ chức biên chế theo hướng tinh gọn. Bộ đội biên phòng được tổ chức chỉ huy thống nhất từ trung ương đến các đơn vị cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng. Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố, hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Biên phòng và chịu sự chỉ huy của tư lệnh quân khu, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố, chỉ huy trưởng vùng hải quân về nhiệm vụ phòng thủ tác chiến.

Hệ thống các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, cơ quan khoa học, nhà máy cơ sở công nghiệp quốc phòng được kiện toàn một bước về tổ chức biên chế cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mỗi loại hình tổ chức trong thời bình, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp cải cách giáo dục - đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội, lực lượng vũ trang, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Các trường sĩ quan trong toàn quân được nâng cấp từ bậc cao đẳng lên đại học. Ngày 21-6-1966, Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng cấp Trường Đại học Ngoại ngữ quân sự thành Học viện Khoa học quân sự. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Học viện sắp xếp tổ chức biên chế theo mô hình mới, xây dựng thành một trung tâm đào tạo sĩ quan chuyên ngành bậc đại học và sau đại học, đào tạo cử nhân ngoại ngữ cho các cơ quan, đơn vị toàn quân.

Cùng thời gian này, lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế của quân đội được sắp xếp, kiện toàn tổ chức, lựa chọn mô hình thích hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo kế hoạch chung của Chính phủ và Nghị quyết số 06 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về nhiệm vụ lao động sản xuất và xây dựng kinh tế của quân đội.

Ngày 4-6-1996, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 15 và Tổng công ty bay dịch vụ. Đánh giá về tình hình sắp xếp lại các doanh nghiệp kinh tế trong quân đội, Đảng ủy Quân sự Trung ương nêu rõ: “Các doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại, đang đi dần vào ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, qua thực tế vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục chấn chỉnh. Việc quán triệt Nghị quyết có nơi làm chưa sâu; một số doanh nghiệp sáp nhập chỉ trên hình thức mang tính sơ lược, chưa triệt để, định hướng phát triển một số doanh nghiệp còn lúng túng, hiệu quả đầu tư thấp, một số đơn vị còn có xu hướng thành lập thêm các doanh nghiệp mới; một số ngành nghề quân đội cần hạn chế nhưng vẫn có nơi muốn mở rộng”(1).

Ngày 22-6-1998, Bộ Quốc phòng quyết định “Về tiêu thức phân định các loại hình doanh nghiệp nhà nước trong quân đội”. Theo chủ trương đó, các doanh nghiệp nhà nước trong quân đội được phân định thành “doanh nghiệp quốc phòng”, “doanh nghiệp kinh tế, quốc phòng” và “doanh nghiệp kinh tế”, trong đó “doanh nghiệp quốc phòng” được xác định trong cơ cấu, tổ chức, biên chế của quân đội; quản lý lao động trong các loại hình doanh nghiệp nhà nước trong quân đội thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu về thực hiện Bộ luật Lao động trong quân đội.

Ngày 18-8-1998, Đảng ủy Quân sự Trung ương ra Nghị quyết Về việc quân đội tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế, phát huy vai trò nòng cốt tham gia xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược. Quán triệt Nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương, ngày 22-8-1998, Bộ Quốc phòng thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các dự án kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược (còn gọi là Ban chỉ đạo 150). Tiếp đó, ngày 28-8-1999, Bộ tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Binh đoàn 16 trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Tổ chức biên chế quân đội được củng cố, chấn chỉnh ngày càng ổn định. Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu tập trung điều chỉnh quân số các đơn vị chiến đấu đạt tỷ lệ quy định, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất Nhà nước ban hành một số chính sách giải quyết quân số dư thừa, chỉ đạo chặt chẽ công tác tuyển quân đủ số lượng, nâng cao chất lượng, thực hiện kế hoạch xuất ngũ đúng thời hạn theo luật định; thực hiện hiệu quả việc chuyển chế độ sang quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, chiêu sinh đào tạo thợ chuyên môn kỹ thuật. Trên cơ sở điều chỉnh tổ chức biên chế quân đội, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu tập trung bảo đảm trang bị, điều chỉnh lượng dự trữ trên các hướng chiến lược, ưu tiên về chất lượng vũ khí trang bị cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ ở vùng biên giới, hải đảo.


(1) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Bộ Quốc phòng 1945-2000 (Biên niên sự kiện), Sđd, tr.837.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #134 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 06:06:08 pm »

*
*   *

Cùng với việc chấn chỉnh các đơn vị chủ lực, đơn vị làm nhiệm vụ kinh tế, lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên cũng được điều chỉnh phù hợp. Ngày 9-1-1996, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh về dân quân tự vệ, quy định: Chính phủ thống nhất quản lý về dân quân tự vệ trong phạm vi cả nước. Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về xây dựng, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trong việc xây dựng và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ.

Ngày 14-6-1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 25/CP về thi hành Pháp lệnh về dân quân tự vệ. Hằng năm, từ ngày 1 đến ngày 15-4, công dân trong độ tuổi dân quân tự vệ phải đăng ký danh sách tại xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc nơi đang công tác, học tập, lao động. Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn nắm số lượng, chất lượng dân quân đăng ký và kết quả tuyển chọn của cơ sở để giúp ủy ban nhân dân tổ chức lực lượng dân quân thực hiện luân phiên trong thời hạn 4 năm. Các doanh nghiệp tổ chức lực lượng tự vệ khi cơ quan quân sự tỉnh, thành phố yêu cầu hoặc khi doanh nghiệp đề nghị và được cơ quan quân sự chấp thuận. Vũ khí, trang bị của lực lượng dân quân tự vệ phải đăng ký, quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích theo quy định.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, ngày 13-7-1996, Bộ Quốc phòng ra Thông tư số 1423/TT-QP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh và Nghị định về dân quân tự vệ. Bộ Quốc phòng xác định lực lượng được tổ chức tại xã, phường gọi là dân quân, lực lượng được tổ chức ở cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác (ngoài quốc doanh) gọi là tự vệ; tên gọi chung là dân quân tự về.

Mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động đến việc xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng. Trước thực trạng đó, việc xây dựng dân quân tự vệ chuyển sang vận thành theo cơ chế mới do Pháp lệnh và Nghị định về dân quân tự vệ xác định trở thành giải pháp phù hợp với đặc điểm thực tế đất nước trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng dân quân tự vệ ở các địa phương cũng như trên phạm vi cả nước từng bước được xây dựng, củng cố có số lượng thích hợp, chất lượng ngày càng cao, bảo đảm tin cậy về chính trị, được huấn luyện thường xuyên, đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ cùng toàn dân lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội và cùng các lực lượng an ninh, lực lượng vũ trang địa phương giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ trị an, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương.

Đây là lần đầu tiên, Quốc hội ban hành Pháp lệnh về dân quân tự vệ, lực lượng chiến lược, một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước về tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng, góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng và an ninh trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng ở từng địa phương và trên cả nước, kết hợp bố trí trên các hướng chiến lược của quân đội nhân dân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng), tạo thành thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên từng địa phương và trên quy mô toàn quốc.

Tháng 11-1996, Bộ Tổng tham mưu tổng kết 5 năm đổi mới công tác huấn luyện và hoạt động tác chiến trị an của dân quân tự vệ. Theo đó, trong 5 năm qua, thực hiện đổi mới công tác huấn luyện, lực lượng dân quân tự vệ cả nước đã có bước chuyển biến mới về chất lượng, thể hiện rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ trong giữ gìn bảo vệ trị an ở địa phương. Thiếu tướng Nguyễn Văn Rinh, Phó Tổng tham mưu trưởng đến dự Hội nghị, nhấn mạnh: Để tiếp tục đổi mới toàn diện công tác huấn luyện dân quân tự vệ đạt kết quả tốt, cấp ủy và chính quyền địa phương phải nhận thức đầy đủ nhiệm vụ huấn luyện là khâu trung tâm, thường xuyên của công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương.

Cùng với dân quân tự vệ, công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên cũng được quan tâm. Ngày 9-9-1996, Chủ tịch nước ký lệnh số 51-L/CTN công bố Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên với 7 chương và 37 điều. Điều 27 quy định: Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên; hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trong việc xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên. Tư lệnh các quân khu giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bàn quân khu.

Từ ngày 2 đến ngày 3-4-1997, Bộ Quốc phòng tiến hành sơ kết 5 năm (1992-1996) xây dựng lực lượng dự bị động viên. Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đại biểu Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, các bộ, ngành tham dự. Hội nghị nhận định: 5 năm qua, công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên đã đạt được những kết quả cơ bản. Lực lượng dự bị động viên được sắp xếp đúng chuyên ngành quân sự, tăng 2,05% so với năm 1991. Công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng lực lượng dự bị động viên đã góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và sĩ quan, chiến sĩ. Từ ngay đến năm 2000 và những năm tiếp theo, phương hướng xây dựng lực lượng dự bị động viên được tiến hành theo cơ chế “cấp ủy lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự và các cơ quan chức năng làm tham mưu, tổ chức thực hiện”(1).


(1) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Bộ Quốc phòng 1945-2000 (Biên niên sự kiện), Sđd, tr.847.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #135 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 06:06:26 pm »

Để thực hiện tốt công tác động viên theo yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cùng với đẩy mạnh xây dựng lực lượng dự bị động viên, Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng công tác động viên công nghiệp. Trong quân đội, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 265/1999/QĐ-QP chuyển nhiệm vụ động viên công nghiệp phục vụ quốc phòng từ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng về Bộ Tổng tham mưu và ra Chỉ thị số 1212/1999/CT-QP triển khai thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp phục vụ quốc phòng. Nhiệm vụ của Bộ Tổng tham mưu là giúp Bộ Quốc phòng thực hiện công tác động viên công nghiệp:

1. Tham mưu, tổng hợp kế hoạch công tác động viên công nghiệp.

2. Phối hợp và hướng dẫn các tổng cục, các quân khu xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp hằng năm, 5 năm, kế hoạch năm đầu chiến tranh, tổng hợp báo cáo Bộ trình Chính phủ phê duyệt.

3. Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, đôn đốc, xây dựng và triển khai thực hiện công tác động viên.

4. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Chính phủ, Bộ Quốc phòng soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về động viên công nghiệp và những văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành thực hiện trong cả nước.

Cùng thời gian này, Bộ Quốc phòng ra quyết định về việc xây dựng chiến lược trang bị đến năm 2010 và những năm tiếp theo; định hướng phát triển trang bị cho quân đội đến năm 2010 để báo cáo Bộ Chính trị, Nhà nước và Chính phủ. Tiếp đó, ngày 14-8-1999, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 1246/QĐ-BQP thành lập Hội đồng trang bị Bộ Quốc phòng thay Ban chỉ đạo 177 và Quyết định số 1247-QĐ-BQP thành lập Hội đồng mua sắm trang bị Bộ Quốc phòng. Hội đồng trang bị Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ giúp Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng. Hội đồng trang bị Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ giúp Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng trong định hướng chiến lược về xây dựng các kế hoạch trung hạn, dài hạn về trang bị của quân đội.

Sau một thời gian thực hiện, Bộ Quốc phòng kiện toàn cơ cấu tổ chức, biên chế, trang bị, góp phần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, nâng cao chắt lượng tổng hợp, khả năng và trình độ sẵn sàng chiến đấu, phòng ngừa và đập tan mọi âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, xử lý hiệu quả các tình huống bất trắc, nỗ lực lao động sản xuất, góp phần xây dựng đất nước.

Trước những diễn biến phức tạp của thế giới, khu vực, lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân luôn bám sát tình hình, nhiệm vụ của cách mạng, quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng để nghiên cứu, triển khai xây dựng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Các lực lượng vũ trang luôn quán triệt, thực hiện những vấn đề có ý nghĩa chiến lược, giữ vững trận địa chính trị tư tưởng, tích cực đấu tranh chống các quan điểm tư tưởng sai trái, phản động, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, không ngừng củng cố bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, củng cố phát triển quan hệ máu thịt với nhân dân, tỏ rõ là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân.

Trong xây dựng Đảng, cấp ủy, chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp luôn thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương về cán bộ và công tác cán bộ. nhờ vậy, chất lượng và cơ cấu đội ngũ cán bộ toàn quân có sự chuyển biến, bước đầu khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ trung đội, từng bước bố trí hai cán bộ chính trị ở đại đội và tiểu đoàn. Công tác đào tạo nguồn cán bộ thường trực và dự bị được quan tâm phát triển.

Trong công tác dân vận, quân đội đã tăng cường các hoạt động gắn bó máu thịt quân với quân, nhất là ở vùng sâu, nơi khó khăn, tuyến biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực làm công tác dân vận phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của Mặt trận Tổ quốc, lực lượng an ninh, tuyên truyền, vận động nhân dân nắm vững và thực hiện đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, giúp dân xóa đỏi, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, vận động quần chúng vạch mặt các tổ chức và phần tử thù địch, phản động, phòng chống tệ nạn xã hội, làm dịu những điểm nóng, giữ vững ổn định chính trị.

Những kết quả xây dựng về chính trị trong 5 năm 1996-2000, nhất là xây dựng củng cố tổ chức Đảng và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tạo nên nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ huấn luyện quân sự, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #136 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 06:06:51 pm »

Về công tác tuyên truyền, toàn quân tiếp tục thực hiện theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, đặc biệt chấp hành nghiêm các điều lệnh, điều lệ, quy chế, quy định do Bộ Quốc phòng ban hành. Hệ thống giáo trình, tài liệu huấn luyện quân sự được biên soạn ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu huấn luyện của các quân binh chủng, các ngành nghiệp vụ huấn luyện trong toàn quân. Các mặt bảo đảm huấn luyện (học cụ, thao trường, bãi tập...) được tăng cường.

Đội ngũ cán bộ trực tiếp huấn luyện thường xuyên được củng cố đủ về số lương, bảo đảm huấn luyện theo phân cấp. Từng cơ quan, đơn vị luôn bám sát thực tế, đối tượng tác chiến, yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, đồng thời căn cứ vào tổ chức biên chế, trang bị hiện có và khả năng trang bị trong những năm tới, tiến hành huấn luyện phù hợp với nghệ thuật quân sự, kinh nghiệm chiến đấu và cách đánh truyền thống của Việt Nam.

Các đơn vị trong toàn quân thực hiện khá đồng bộ và hiệu quả 4 nội dung cơ bản về đổi mới công tác huấn luyện, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ làm khâu trung tâm, then chốt, tăng cường huấn luyện thực hành động tác chiến thuật cơ bản từng cá nhân, phân đội, huấn luyện dã ngoại, huấn luyện đêm, hanh quân mang vác năng để rèn luyện bộ đội.

Nhiều lớp tập huấn, diễn tập, hội nghị, hội thi và hội thao được tổ chức theo các mùa huấn luyện trong năm 1996-2000. Bộ Tổng tham mưu tập huấn chiến thuật cho cán bộ cao cấp toàn quân, tổ chức các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ quân khu PT89, PT99 và PT2000. Các quân chủng, binh chủng, quân khu, quân đoàn tổ chức nhiều cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chỉ huy - cơ quan, hội thao quốc phòng.

Toàn quân gắn huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị với thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong các đơn vị quân đội”, “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm”, “Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đô thị, đường sắt và đường thủy nội địa trong quân đội”, tích cực chủ động phòng ngừa, bài trừ các tệ nạn xã hội, bảo đảm tỷ lệ quân số huấn luyện, công tác, sẵn sàng chiến đấu cao.

Công tác giáo dục quốc phòng toàn quân, nhất là cho học sinh, sinh viên được đẩy mạnh và ngày càng đi vào nền nếp. Các nội dung giáo dục về quốc phòng đã được đưa vào chương trình của các trường đại học và trung học. Đến cuối năm 1997, Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp thành lập được 4 trung tâm giáo dục quốc phòng tại Thái Nguyên, Đà Nẵng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức được 93 khóa với 31.553 sinh viên, học sinh tham gia.

Học viện Quốc phòng mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý về quốc phòng, an ninh cho cán bộ của Đảng, Nhà nước. Khóa I bồi dưỡng lý luận quốc phòng an ninh cho cán bộ Đảng và Nhà nước tổ chức vào cuối năm 1996; các học viên tập trung quán triệt quan điểm quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng và một số chuyên đề chính: Một số vấn đề lý luận chung về quốc phòng, an ninh trong xây dựng Tổ quốc; Quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của nước ta; Cơ chế Đảng lãnh đạo quốc phòng, quân sự và những vấn đề cơ bản trong quản lý nhà nước về quốc phòng; Công tác quốc phòng ở các bộ, ngành và địa phương; Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong giai đoạn mới; Nghiên cứu bổ trợ về chiến lược quốc phòng, an ninh các nước lớn và các nước trong khu vực.

Đối với lực lượng chuyên xây dựng kinh tế của quân đội, quá trình lao động sản xuất và kinh doanh luôn trong tình trạng cạnh tranh nên thị trường trong nước, ngoài nước ngày càng gay gắt và sự tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ của một số nước khu vực Đông Nam Á.

Thực hiện Nghị quyết số 06 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về nhiệm vụ quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế trong thời kỳ đổi mới, Bộ Quốc phòng đã sắp xếp lại các doanh nghiệp trong quân đội dần ổn định tổ chức, biên chế, tạo khả năng tham gia xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt là phát huy vai trò nòng cốt xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược.

Các doanh nghiệp quân đội đều thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, quy định của Bô Quốc phòng, chủ động, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh, giữ vững từng bước phát triển thị trường đã có trên cơ sở nâng cao uy tín, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh hợp tác, phối hợp giữa các doanh nghiệp, tập trung phát triển những ngành nghề truyền thống, mũi nhọn, phát huy ưu thế về tổ chức, kinh nghiệm, trang thiết bị, tránh kinh doanh kiểu manh mún kém hiệu quả, bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #137 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 06:07:15 pm »

Cùng với các doanh nghiệp, toàn quân tích cực tham gia triển khai các dự án do Nhà nước giao (Chương trình 661, 773, biển đảo, xây dựng trạm trại nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo ở các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, căn cứ cách mạng cũ...) góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, kết hợp với phát triển kinh tế, xã hội các địa phương. Trong hai năm 1999 và 2000, các đơn vị quân đội đã thực hiện hàng chục dự án trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng; xây dựng các trang trại theo phương thức sản xuất kinh doanh mới; làm nòng cốt xây dựng các khu kinh tế, quốc phòng (kết hợp phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược), góp phần bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái, xây dựng thế trận và lực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh tại chỗ. Từ những mô hình đã xây dựng, Đảng và Nhà nước giao cho quân đội tiếp tục hoàn thiện dự án khu kinh tế, quốc phòng Binh đoàn 15 (Quân khu 5) và đầu tư mới 11 khu kinh tế, quốc phòng khác.

Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng về an ninh do Đại hội Đảng bộ quân đội lần thứ VI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đề ra, các lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân luôn nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, thực hiện kế hoạch bảo vệ Tổ quốc, giải quyết các tình huống nảy sinh trên các hướng chiến lược, tập trung phòng chống, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Năm 1997, toàn quân tiến hành tổng kết 7 năm chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 698/CT-TM của Bộ Tổng tham mưu bổ sung kế hoạch chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ với phương châm dùng sức mạnh của quần chúng đấu tranh, dùng biện pháp chính trị là chủ yếu, lực lượng công an làm nòng cốt, lực lượng vũ trang địa phương giữ vai trò hỗ trợ, trong thực hành kết hợp chặt chẽ với các cấp ủy và chính quyền địa phương, với lực lượng an ninh theo cơ chế của khu vực phòng thủ, phát huy sức mạnh của toàn dân, lấy lực lượng tại chỗ là chính, đấu tranh toàn diện trên các lĩnh vực, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Để bảo đảm chiến đấu trong tình hình mới, trong đó đối phó với tình huống bạo loạn vũ trang, các quân khu, quân đoàn, quân chủng căn cứ vào chỉ lệnh sẵn sàng chiến đấu của Bộ, tổ chức diễn tập phỏng theo các phương án tác chiến phòng thủ, nhất là khi có các vụ việc xảy ra, trọng điểm là ở các thành phố lớn, các vùng trọng điểm của đất nước.

Trên hướng biên giới Tây Nam, song song với đấu tranh ngoại giao, các quân khu có biên giới chung với Campuchia tích cực tuần tra kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, các khu vực trọng điểm, tổ chức xây dựng các khu vực phòng thủ, xây dựng làng xã, cụm xã, tăng cường lực lượng và cán bộ ở cơ sở, bảo đảm an ninh chính trị, chống buôn lậu, vượt biên trái phép, vi phạm quy chế biên giới, kết hợp chặt chẽ giữa các đồn biên phòng, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và nhân dân bảo vệ an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia.

Trên hướng biên giới phía Bắc của Tổ quốc, tình hình từng bước đi vào thế ổn định. Tháng 2-1999, trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của đồng chí Lê Khả Phiêu - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Đảng hai nước đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc năm 1999”, xác định phương châm xây dựng quan hệ Việt - Trung, khái quát thành 16 chữ vàng “Làng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Tiếp đó, ngày 30-12-1999, tại Hà Nội, thay mặt Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã ký “Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc”, đánh dấu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển lên tầm cao mới.

Ở biên giới phía Tây, hai nước Việt Nam - Lào ký hiệp định tạm thời về giải quyết một số công việc trên biên giới và thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa hai nước. Hằng năm, đại diện cấp cao Đảng, Nhà nước hai nước Việt Nam - Lào gặp nhau đàm phán, góp phần tăng cường quan hệ mọi mặt, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững ổn định để xây dựng phát triển mỗi nước.

Từ năm 1998, các đơn vị tình nguyện của ta giúp Lào tổ chức tập huấn và diễn tập. Hằng năm, các đoàn cán bộ Bộ Quốc phòng sang công tác tại Lào. Ngoài việc cùng cán bộ bạn nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm các mặt quân sự, ta giúp bạn tuấn huấn về lý luận nghệ thuật quân sự, công tác tham mưu, làm xây dựng kế hoạch diễn tập theo thực tiễn ở Lào, trao đổi kinh nghiệm chức năng về quân sự; đồng thời, giúp Bộ Quốc phòng Lào quản lý, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mở cửa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #138 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 06:07:38 pm »

Với Quân khu 4, có một số đơn vị đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, đầu năm 1999, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 họp đánh giá toàn diện việc hợp tác, kết nghĩa, phối kết hợp giúp bạn Lào, xác định các chủ trương, biện pháp về nhiệm vụ quốc tế đối với bạn trong tình hình mới. Trước mắt thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng Quân khu lần thứ VI đề ra là: Thường xuyên cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân các tỉnh kết nghĩa với bạn, chăm lo củng cố quan hệ, tình đoàn kết đặc biệt, truyền thống với cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các bộ tộc Lào trong tình hình phát triển mới, chú trọng tăng chất lượng chiều sâu hợp tác kết nghĩa, giáo dục các thế hệ kế tiếp, xây dựng biên giới hữu nghị vững chắc.

Trên phương hướng đó, các cơ quan và lực lượng vũ trang các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Sư đoàn 968 phối hợp với Sư đoàn 4 và lực lượng vũ trang 2 tỉnh Savanakhẹt, Khăm Muộn nắm, thông báo tình hình, đi sâu phân tích nêu rõ những âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, chống phá của các thế lực phản động quốc tế, lực lượng phỉ, bọn phản động lưu vong, đồng thời trao đổi kinh nghiệm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng thế trận quốc phòng địa phương, xây dựng cơ sở địa bàn.

Quá trình giúp bạn, quân tình nguyện Việt Nam tại Lào đã có sự phối hợp hiệp đồng trong các đợt truy quét phỉ, bọn phản động lưu vong xâm nhập biên giới hiệu quả, nhất là các hướng Nghệ An, Quảng Trị, bảo vệ địa bàn, rút kinh nghiệm tốt cho ta và bạn. Các đơn vị tình nguyện tổ chức từng tổ, đội sản xuất bám địa bàn cùng bạn xây dựng cơ sở chính trị ở khu vực trung tâm Lạc Xao, Bôli Khămxay và mở rộng hoạt động trên đất bạn. Trên cơ sở đó, mở ra phương thức mới gắn hiệu quả sản xuất kinh doanh với giúp bạn xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng cơ sở chính trị, an ninh địa bàn, xây dựng hậu phương chiến lược.

Các tỉnh, lực lượng vũ trang, các đồn biên phòng dọc biên giới Việt - Lào duy trì tốt chế độ giao ban với bạn, cùng giải quyết các vấn đề phát sinh, giữ vững biên giới hữu nghị. Cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang, lực lượng biên phòng các tỉnh thực hiện chế độ giao ban thường xuyên, kịp thời, phát hiện tình hình, trao đổi biện pháp cùng chống xâm nhập, hoạt động phá hoại, chống tội phạm, buôn bán ma túy, vũ khí, chất nổ.

Bộ Chính trị và Đảng ủy Quân sự Trung ương xác định tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại bạn Lào cả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đối với lực lượng vũ trang, tiếp tục chăm lo giáo dục nhận thức, xác định rõ nhiệm vụ trực tiếp thường xuyên đối với cách mạng Lào. Lực lượng biên phòng tuyến biên giới, công ty hợp tác kinh tế trực tiếp làm nhiệm vụ quốc tế xây dựng ý thức và hành động đúng đắn, củng cố mối quan hệ đoàn kết đặc biệt truyền thống, nhất là quan điểm đối ngoại, giải quyết các vấn đề kinh tế, kết hợp kinh tế với xây dựng hậu phương chiến lược của bạn.

Quá trình triển khai thực hiện các nội dung giúp bạn đều có sự thống nhất giữa Bộ Quốc phòng hai nước. Đầu tháng 6-1999, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị bàn về tình hình và nhiệm vụ họp tác, giúp đỡ bạn Lào. Hội nghị nhận định: Vấn đề nghiên cứu tình hình Lào hiện nay là thiết thực, nhất là trước tình hình đang có những tác động mới phức tạp đến cả chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của bạn. Bộ Quốc phòng đề nghị các bộ, ban ngành của Đảng, Nhà nước vá các địa phương tiếp tục kết nghĩa hợp tác toàn diện với bạn. Tất cả nhằm thực hiện các chủ trương, kế hoạch phối hợp giúp bạn về quốc phòng kịp thời và hiệu quả theo đúng hiệp định, nghị định thư, quy chế đối ngoại. Hai Bộ quốc phòng cần trao đổi thống nhất sớm có chủ trương, biện pháp và văn bản ký kết hợp tác.

Trên hướng Biển Đông, nhất là các khu vực quàn đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khu vực dầu khí, thềm lục địa của Việt Nam thường là những điểm nóng do có sự tranh chấp với một số nước trong khu vực. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới Chính phủ phối hợp, sử dụng các biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm giữ vững chủ quyền vùng biển, thềm lục địa, các hải đảo của Tổ quốc, ngăn chặn không để xảy ra xung đột quân sự. Theo xu thế giải quyết các vấn đề nảy sinh bằng thương lượng và căn cứ vào “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982”, Việt Nam đã tiến hành đàm phán với các nước Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia, Campuchia về các vấn đề có tranh chấp giữa các nước tại vùng chống lấn trên biển và thềm lục địa.

Năm 1997, Việt Nam và Thái Lan đã phân định rõ ranh giới vùng biển và thềm lục địa giữa hai nước. Việt Nam và Malaixia hợp tác đầu tư khai thác chung dầu khi tại vùng chồng lấn trên biển giữa hai nước. Việt Nam tiếp tục các cuộc đàm phán với Trung Quốc về phân định Vịnh Bắc Bộ, đàm phán với Inđônêxia về phân định thềm lục địa.

Tháng 12-2000, trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hai bên ra “Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, ký “Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ” và “Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ” giữa hai nước.

Đi đôi với hoạt động đối ngoại, để bảo vệ chủ quyền đất nước trên Biển Đông, các quần đảo, đảo, bãi đá ngầm, thềm lục địa, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch bảo vệ khu vực Trường Sa và dầu khí, tổ chức các lực lượng phòng thủ, lực lượng tuần tra, kết hợp các hình thức khai thác thủy sản và dịch vụ biển, củng cố thiết bị các hạ tầng cơ sở quốc phòng và kinh tế biển để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Như vậy, trong những năm đầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1996-2000), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa do Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VIII đề ra. Trong thành tựu chung đó, công cuộc xây dựng tăng cường thế trận quốc phòng và an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân và quân đội nhân dân đã đạt được những thành bước đầu rất quan trọng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #139 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 06:07:57 pm »

*
*   *

Trải qua 15 năm xây dựng theo đường lối đổi mới của Đảng (1986-2000), đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội, ngoại giao. Đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vững vàng, tỉnh táo, nhạy bén trước những biến động của tình hình, luôn nắm vững quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về chiến tranh và quân đội vào điều kiện cụ thể của cách mạng, phân tích, đánh giá đúng tình hình, kịp thời đổi mới tư duy về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và đề ra nhiều giải pháp phù hợp để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong điều kiên mới, Đảng và Nhà nước đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của các ngành, các cấp, các địa phương và cả hệ thống chính trị thực hiện xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, kết hợp quốc phòng với an ninh, quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại để tạo ra thế mới.

Đồng thời với xây dựng tiềm lực, Đảng, Nhà nước luôn chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, trên cơ sở điều chỉnh bố trí thế phòng thủ của đất nước, tiến hành rút gọn và giảm một mức đáng kể lực lượng thường trực; xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, đặc biệt là xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở các vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đẩy mạnh giáo dục quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.

Lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đã hoàn tành trọng trách là lực lương nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Được Đảng, Nhà nước và nhân dân chăm lo xây dựng trước những biến động phức tạp của tình hình, quân đội nhân dân luôn thể hiện lòng trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn kiên định mục tiêu lý tưởng chiến đấu, vững vàng trong mọi tình huống, nỗ lực phấn đấu làm tròn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, giữ vững và không ngừng phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Công cuộc củng cố, xây dựng trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng theo đường lối đổi mới của Đảng trong gần 15 năm (1986-2000) đã để lại một số bài học kinh nghiệm quý báu. Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng 15 năm đổi mới (1986-2000) cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10 năm trước đó (1975-1985) là cơ sở quan trọng tạo tiền đề để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong những năm đầu của thế kỷ XXI.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM