NGƯỜI THƯƠNG BINH VÀ QUẢ BÓNG BAY.
Anh hơn tôi độ dăm bảy tuổi, là lính đánh Tàu, hàng xóm cách tôi mấy nhà.
Lứa thanh niên như anh hồi ấy, cũng oai hùng lắm, năm đó, chúng tôi, bọn trẻ con lít nhít đi tiễn các thanh niên xóm lên đường nhập ngũ, mặc định là lên BGPB đánh giặc, dù không hẳn như thế, nhìn anh cao lớn trong bộ quân phục mới tinh, bọn tôi ngưỡng mộ chết đi được, có thằng buột miệng mong nhanh lớn để được đi bộ đội như anh.
Số anh không may, đúng là phải lên biên giới thật. Dù gần hết chiến tranh, đơn vị cũng không nằm nơi túi bom pháo, mưa đạn đồng. Nhưng thế quái nào anh lại dẫm vào quả mìn khi sắp được ra quân, bên bờ đông sông Lô, trong một lần đi lấy củi ( nói đúng hơn là khai thác gỗ cho các sếp ). Anh được công nhận là thương binh, lẽ dĩ nhiên. Cuộc đời anh xuống dốc tẹt ga từ đấy.
Trong quân y viện, họ dùng Mocphin quá nhiều và quá dài cho anh, vì bàn chân bị phá nát, nhiễm trùng phải cắt đến đầu gối. Xuất ngũ tập tễnh về quê, anh trở thành thằng nghiện, theo đúng nghĩa đen. Mỗi ngày anh phải chơi một đôi ống. Gia cảnh đã nghèo lại nghèo thêm, bố mẹ cũng không chịu nổi, viết sang tên cho anh ngôi nhà trống trơn, mái lá dột ngắm sao trời khắp nơi, rồi người quy tiên, người theo ông bà về bên kia thế giới. Từ một nụ cười rạng rỡ trong bộ quân phục lúc lên xe, dưới con mắt cảm phục của mọi người, nay là một ông nhăn nhúm què quặt, chống nạng, một bên ống quần đung đưa, nỗi lo sợ của hàng xóm, mỗi khi lên cơn vật thuốc, rồi thi thoảng gà chó lại biến mất. Có cuộc rượu bạn hữu nào đấy, người ngậm ngùi thương anh, nhưng cũng có người giọng cay độc : " Bọn tao đi mãi có sao éo đâu, chỉ có mày ngu mới đá phải thôi...", mắt anh đỏ vằn, ầng ậng nước. Lúc ấy, chủ quán ngó trước ngó sau, có đồ vật gì đáng tiền cất vội, không anh đập mẹ nó vỡ hết, chả ai làm gì nổi anh cả.
Dạo ấy, công an truy quét các đối tượng hút chích ghê lắm, riêng anh, họ lờ đi.
Ngày tôi đi lính, anh sang chơi, rót chén rượu to, tợp một hơi hết, thủng thẳng : " Đi đâu nhớ giữ đôi chân cho lành lặn mà về nhé! ", làm tôi sởn gai ốc.
Tưởng rằng, đời anh sắp chấm hết, vì càng ngày càng lún sâu vào con đường nghiện ngập. Thế mà, khi tôi ra quân, sang thăm, thấy anh đã có một cuộc đời mới, đã lấy vợ, một cô vợ cũng chân thấp chân cao, nói thẳng ra là bị tật ở một bên chân, do một cơn bệnh lúc nhỏ, hai mảnh đời tàn tật dựa vào nhau mà sống. Nhờ chị, anh thấy cuộc đời nó rạng rỡ hẳn, chị đã làm cho anh thay đổi hẳn. Trong các đêm vật vã, xích mình vào đầu giường, chị ngồi thâu đêm đấm bóp cho anh, nhờ vậy anh thoát khỏi cơn nghiện một cách diệu kỳ. Mái nhà hạnh phúc chuyên hứng mưa và ngắm sao đã được thay bằng cái mái bằng, ríu rít đôi trẻ con. Đời sống tuy còn khiêm tốn nhưng vui. Tôi mừng thật lòng cho anh chị.
Tuy vậy, người lành lặn kiếm tiền còn khó, nói chi đến người khuyết tật. Anh chị đi bán hàng rất vất vả. hàng xóm không ai bảo nhau, cứ có nhu cầu, thì đến mua ủng hộ, nhờ thế, hàng họ cũng bán được kha khá.
Ngày lễ, Tết, anh đi bán bóng bay, những quả bóng hình thù, màu sắc đủ các loại, bọn trẻ con thích lắm. Một lần anh nhờ tôi : " Chú bảo lãnh đạo nhà chú, cho anh đứng bán nhờ trước cửa nhé! ". Chả là, Công ty nơi tôi làm, có cái vỉa hè khá rộng, nằm vào chỗ đắc địa, những người bán hàng rong rất thèm muốn được ngồi chỗ ấy, nhưng giám đốc tôi rất ghét, thường là không cho. Tôi tặc lưỡi, anh cứ đứng đấy mà bán, bảo vệ ra nói gì thì bảo là bạn bộ đội của sếp ( sếp tôi cũng là lính BGPB ). Nghe tôi trình bày, sếp gật đầu cái rụp, lại còn nhắc mang trà lá ra cùng anh cho vui nữa chứ. Từ đấy, anh cắm chốt hẳn cái vỉa hè công ty.
Ngày lễ, tôi đưa con đi chơi, anh gọi lại, tháo cho nó quả bóng, oái oăm thay, nó đòi quả đẹp nhất, không lấy quả khác. Đúng lúc, đứa trẻ khác cũng đòi bố mẹ mua cho đúng quả ấy, anh thật khó xử, tôi cũng vậy, giá không quen biết, tôi đến trước, lấy trước trả tiền là xong. Đành cố lừa con đi chỗ khác, vẫn cảm thấy sau lưng mình, cái nhìn đầy áy náy của anh.
Công ty thay chủ, người mới, nhất định đuổi anh đi. Tôi không nhìn thấy anh đi bán bóng bay nữa.
Mấy ngày trước, đang đi đường, nghe tiếng người gọi, gặp anh, tập tễnh, hổn hển chạy ra giữa đường, trên tay cầm mấy quả bóng bay rất đẹp: " Chú mang về cho con, nói bác đền hẳn ba quả loại cháu thích nhá! ".
Rút tiền trả không kịp, anh đã đẩy cái xe đầy những quả bóng màu xanh đỏ lẫn vào dòng người đông đúc đi lại ngày cuối tuần....
